text
stringlengths 0
512k
|
---|
Yêu Ly (要離) là một thích khách người nước Ngô đời thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc. Truyện về ông được chép trong Ngô Việt Xuân thu và tiểu thuyết Đông Chu Liệt Quốc phản ánh tương tự.
Hành thích Khánh Kỵ
Công tử Quang (con vua Ngô Chư Phàn) giết vua Ngô vương Liêu (con Dư Muội, Dư Muội là em của Chư Phàn), lên ngôi lấy hiệu Hạp Lư (có sự giúp đỡ của Ngũ Tử Tư). Con Liêu là công tử Khánh Kỵ trốn sang nước khác, chiêu nạp kẻ hào kiệt, kết liên với các nước lân cận đợi thời cơ về Ngô báo thù. Hạp Lư nghe tin lo ăn không biết ngon, nằm không được yên, nghe tiếng Yêu Ly yêu hùng bèn nghĩ kế dùng Yêu Ly để giết Khánh Kỵ.
Để Khánh Kỵ tin, vua Ngô bèn dùng khổ nhục kế khép Yêu Ly vào tội rồi chặt mất tay phải, giết chết cả vợ con. Yêu Ly gặp Khánh Kỵ, xin chiêu nạp để cùng báo thù vua Ngô. Khánh Kỵ tin dùng và kết làm tâm phúc.
Đến khi Khánh Kỵ đưa binh sĩ và thuyền bè xuôi dòng sông tiến đánh Ngô. Khánh Kỵ cùng ngồi chung thuyền với Yêu Ly, Yêu Ly nhằm lúc gió thổi mạnh cầm giáo đâm suốt bụng Khánh Kỵ. Kỵ xách ngược Yêu Ly lên dìm đầu xuống nước 3 lần rồi lại để lên trên đầu gối, cúi nhìn rồi cười mà bảo rằng: "Thiên hạ còn có dũng sĩ dám cả gan đâm ta !". Quân sĩ bèn xúm lại đâm Yêu Ly, Khánh Kỵ gạt đi mà bảo rằng: "Người này là dũng sĩ! Chớ nên trong một ngày mà để chết 2 dũng sĩ của thiên hạ. Đừng giết hắn làm gì, nên tha cho hắn về Ngô để tỏ lòng trung của hắn."
Sau đó, Yêu tự cho là mình bất nhân, bất nghĩa, bất trí: "Vì đạo thờ vua mà giết cả vợ con, thế là bất nhân; vì vua mới mà giết con vua cũ, thế là bất nghĩa; nên việc cho người mà đến nỗi tàn hại cả thân thể, cả vợ con, thế là bất trí. Đã phạm ba điều ấy, còn mặt mũi nào mà đứng trên cõi đời nữa!" nên tự sát chết.
Tài liệu tham khảo
Những câu chuyện Trung Hoa xưa - 36 kế: Khổ nhục kế, tác giả Trình Ngọc Hoa, Cúc Hoa (biên dịch), Nhà xuất bản Trẻ, năm 2003 |
Adolf Hitler (; 20 tháng 4 năm 188930 tháng 4 năm 1945) là một chính khách người Đức, nhà độc tài của Đức từ năm 1933 cho đến khi qua đời vào năm 1945. Tiến tới quyền lực với tư cách là chủ tịch Đảng Quốc Xã, Hitler trở thành Thủ tướng Đức vào năm 1933 và sau đó là vào năm 1934. Dưới chế độ độc tài của mình, ông phát động Chiến tranh thế giới thứ hai ở châu Âu bằng cuộc xâm lược Ba Lan vào ngày 1 tháng 9 năm 1939. Xuyên suốt cuộc chiến, ông trực tiếp tham gia chỉ đạo các hoạt động quân sự của Wehrmacht đồng thời là nhân vật đóng vai trò trung tâm trong cuộc diệt chủng Holocaust dẫn đến cái chết của khoảng sáu triệu người Do Thái và hàng triệu người khác.
Hitler sinh ra ở Áo-Hung, lớn lên gần Linz rồi sống ở Viên vào thập kỷ đầu tiên của những năm 1900 trước khi chuyển tới Đức vào năm 1913. Ông từng được tặng thưởng vì phục vụ trong Lục quân Đức thời Chiến tranh thế giới thứ nhất. Năm 1919, ông gia nhập Đảng Công nhân Đức, tiền thân của Đảng Quốc Xã rồi trở thành lãnh đạo đảng này vào hai năm sau. Năm 1923, Hitler tiến hành đảo chính ở München nhằm cướp chính quyền, song cuộc đảo chính thất bại còn bản thân Hitler bị kết án 5 năm tù giam. Trong thời gian đó, ông sáng tác tập đầu cuốn tự truyện kiêm tuyên ngôn chính trị Mein Kampf. Sau khi được tại ngoại sớm vào năm 1924, Hitler thu hút sự ủng hộ của quần chúng thông qua việc công kích hòa ước Versailles, cổ xúy chủ nghĩa Liên Đức, chủ nghĩa bài Do Thái, chủ nghĩa chống cộng bằng các biện pháp tuyên truyền cùng tài hùng biện lôi cuốn của mình. Ông thường lên án chỉ trích chủ nghĩa tư bản quốc tế và chủ nghĩa cộng sản, cho rằng chúng là một phần của cái gọi là Âm mưu Do Thái.
Tháng 11 năm 1932, tuy giành được nhiều ghế nhất quốc hội song Đảng Quốc Xã không thiết lập được đa số. Kết quả là không đảng nào có thể thành lập liên minh chiếm đa số trong nghị viện để ủng hộ một ứng cử viên cho chức thủ tướng. Cựu thủ tướng Franz von Papen cùng các nhà lãnh đạo bảo thủ khác đã thuyết phục Tổng thống Paul von Hindenburg bổ nhiệm Hitler làm thủ tướng vào ngày 30 tháng 1 năm 1933. Không lâu sau đó, Quốc hội thông qua Đạo luật Cho quyền, bắt đầu quá trình chuyển đổi Cộng hòa Weimar thành Đức Quốc Xã, một chế độc độc tài đơn đảng dựa trên ý thức hệ toàn trị và chuyên quyền của chủ nghĩa quốc xã. Hitler hướng tới việc loại bỏ người Do Thái khỏi nước Đức và thiết lập một Trật tự Mới để phản bác trật tự thế giới thời kỳ hậu Thế chiến thứ nhất do Anh và Pháp thống trị mà ông cho là không công bằng. Sáu năm kể từ khi Hitler lên nắm quyền, nền kinh tế Đức phục hồi nhanh chóng sau cuộc Đại suy thoái năm 1929, những hạn chế mà Hòa ước Versailles áp đặt lên nước Đức giai đoạn hậu Chiến tranh thế giới thứ nhất được bãi bỏ, các vùng lãnh thổ có hàng triệu người dân tộc Đức sinh sống được sáp nhập. Những thành tựu kể trên đã giúp Hitler giành được sự ủng hộ đáng kể từ quần chúng nhân dân.
Hitler khát khao tìm kiếm () cho dân tộc Đức ở Đông Âu. Chính sách đối ngoại hung hăng của ông được xem là nguyên nhân chính dẫn tới sự bùng nổ Thế chiến II ở Âu Châu. Ông chỉ đạo công cuộc tái vũ trang quy mô lớn của Quân đội Đức, tiến hành xâm lược Ba Lan vào ngày 1 tháng 9 năm 1939, dẫn đến việc cả Anh lẫn Pháp tuyên chiến với Đức. Tháng 6 năm 1941, Hitler ra lệnh tấn công Liên Xô. Đến cuối năm đó, quân Đức và các nước thuộc khối Trục châu Âu đã chiếm đóng gần như toàn bộ châu Âu và Bắc Phi. Tuy nhiên, cục diện chiến tranh đã đảo chiều kể từ năm 1942 và sang tới năm 1945 thì nước Đức đã bị quân Đồng Minh áp sát từ mọi phía. Ngày 29 tháng 4 năm 1945, Hitler kết hôn với người tình lâu năm Eva Braun tại Führerbunker ở Berlin. Chưa đầy hai ngày sau, cả hai người đã cùng nhau tự sát để không rơi vào tay Hồng quân Liên Xô. Thi thể của họ đã bị thiêu rụi.
Sử gia kiêm cây viết tiểu sử Ian Kershaw mô tả Hitler là "hiện thân của cái ác chính trị hiện đại". Dưới sự lãnh đạo của Hitler, chế độ Quốc Xã đã gây ra cái chết của khoảng 6 triệu người Do Thái và hàng triệu nạn nhân khác mà họ coi là Untermensch (người hạ đẳng) hoặc "không xứng đáng được tồn tại". Hitler và chế độ Quốc Xã trực tiếp khiến khoảng 19,3 triệu dân thường và tù nhân chiến tranh thiệt mạng. Ngoài ra, khoảng 28,7 triệu binh lính và dân thường đã thiệt mạng bởi các hoạt động quân sự tại chiến trường châu Âu. Với số thương vong vô tiền khoáng hậu, Thế chiến thứ hai là cuộc xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại.
Thân thế
Cha của Hitler, Alois Hitler Sr. (1837–1903), sinh ra tại vùng Waldviertel ở phía tây bắc Viên và là con ngoài giá thú của bà Maria Anna Schicklgruber. Sổ rửa tội không ghi tên cha ruột của Alois nên ban đầu ông mang họ mẹ là Schicklgruber. Khi Alois lên 5 tuổi (1842), bà Maria Anna kết hôn với một công nhân tên là Johann Georg Hiedler, nhưng ông không bao giờ công nhận cậu bé Alois là con mình. Alois được anh trai của Hiedler là Johann Nepomuk Hiedler đem về nuôi dưỡng, dành quãng đời niên thiếu tại gia đình người bác. Một khoảng thời gian sau khi cha mẹ Alois qua đời, Johann Nepomuk lập lời tuyên thệ tại văn phòng công chứng, rằng em trai mình – Johann Georg – là cha ruột của Alois. Vì một lý do nào đó, thay vì ghi là Hiedler, vị cha xứ ghi họ của Alois trong sổ đăng ký khai sinh là Hitler. Kể từ đây, Alois Schicklgruber chính thức đổi thành Alois Hitler. Nguồn gốc của dòng họ Hiedler/Hitler vẫn luôn là một bí ẩn. Ngoài hai cách viết trên, họ này còn có thể được đánh vần là Hüttler, hoặc Huettler, và có lẽ có nghĩa là "một người sống trong lều" (lều trong tiếng Đức là "Hütte"). Tuy nhiên, cái tên "Hitler" cũng có thể là phiên âm từ Hidlar hoặc Hidlareek trong tiếng Tiệp Khắc, vì vùng Waldviertel không nằm cách xa biên giới với xứ Böhmen là bao.
Theo Toàn quyền Ba Lan Hans Frank thì trong khoảng thời gian làm hầu gái trong một gia đình Do Thái ở Graz, bà Schicklgruber đã dan díu với thiếu gia 19 tuổi Leopold Frankenberger (hoặc Frankenreither) và sinh ra Alois. Tuy nhiên, giả thuyết này đã bị các sử gia bác bỏ vì thời đó không có ai mang họ Frankenberger được đăng ký ở Graz và cũng chẳng có hồ sơ nào chứng minh về sự tồn tại của người tên Leopold Frankenberger. Ngoài ra thì tại thời điểm đó, người Do Thái đã bị cấm cư trú tại Steiermark hơn 400 năm và chỉ được hợp pháp hóa nhiều thập kỷ sau khi Alois ra đời.
Thiếu thời
Tuổi thơ và giáo dục
Adolf Hitler sinh ngày 20 tháng 4 năm 1889 tại Braunau am Inn, một thị trấn ở Áo-Hung (thuộc Áo ngày nay) nằm gần biên giới với Đế quốc Đức và là con thứ tư trong một gia đình có sáu anh chị em. Cha của Hitler là Alois Hitler, mẹ là người vợ thứ ba đồng thời là cháu gái cột chèo thế hệ thứ hai của Alois – Klara Pölzl. Ba người anh chị em của Hitler – Gustav, Ida và Otto – đều lần lượt chết yểu khi còn bé. Sống cùng Adolf còn có hai anh chị là con của vợ hai: Alois Jr. (sinh năm 1882) và Angela (sinh năm 1883). Năm lên 3 tuổi, Hitler theo gia đình chuyển đến Passau, Đức. Lớn lên tại miền nam nước Đức, phương ngữ đặc trưng vùng Hạ Bayern, thay vì phương ngữ Áo-Đức, dần trở thành tiếng mẹ đẻ của Hitler. Ảnh hưởng từ phương ngữ này đã để lại dấu ấn đậm sâu trong những bài phát biểu sau này của ông. Gia đình Hitler quay về Áo và định cư tại Leonding vào năm 1894. Tháng 6 năm 1895, sau khi về hưu, Alois cùng gia đình chuyển về sống trong một khu trang trại tại Hafeld nằm cách Linz không xa để sống bằng nghề trồng trọt và nuôi ong.
Hitler theo học tại một Volksschule (trường tiểu học công lập) gần Fischlham và gây ấn tượng tốt với thầy hiệu trưởng, được đánh giá là "một cậu học trò lanh lợi, ngoan ngoãn nhưng hiếu động". Tuy nhiên, vì gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, bố ông dần trở nên khó tính. Giữa hai cha con bắt đầu nảy sinh xung đột căng thẳng do Hitler không tuân thủ kỷ luật nghiêm ngặt của nhà trường. Dù vợ thường xuyên can ngăn nhưng Alois Hitler vẫn ra tay đánh con. Nỗ lực làm nông an hưởng tuổi già ở Hafeld thất bại, Alois Hitler cùng gia đình chuyển tới sống tại Lambach vào năm 1897. Cậu bé Hitler 8 tuổi học hát, tham gia đoàn hợp xướng của nhà thờ và thậm chí từng cân nhắc việc trở thành một linh mục. Năm 1898, gia đình Hitler trở về Leonding định cư vĩnh viễn. Việc người em trai Edmund qua đời vì bệnh sởi hai năm sau đã ảnh hưởng sâu sắc đến Hitler. Từ một học sinh tự tin, tận tâm, hướng ngoại, Hitler trở thành một cậu bé sống lạc lõng, bất cần, thường xuyên phản kháng lại cha và giáo viên.
Alois từng có một sự nghiệp thành công ở cục hải quan và muốn con trai nối gót mình. Ông thường cố gắng truyền cảm hứng cho con bằng những câu chuyện trong đời sống công chức của mình, nhưng Hitler là một con người yêu thích nghệ thuật và không có ý định làm theo lời cha. Về sau, khi hồi tưởng về khoảng thời gian này, Hitler nói rằng "cái suy nghĩ phải ngồi trong một văn phòng, đánh mất mọi tự do; không còn làm chủ thời gian của chính mình" đã khiến ông "ớn đến tận cổ". Hitler đã kịch hóa một tình tiết khi mà cha đưa ông đến thăm một văn phòng hải quan, mô tả rằng sự kiện này đã khiến sự rạn nứt giữa cha và con càng trở nên nghiêm trọng khi mà cả hai người đều cho rằng mình mới là người đúng. Alois không tán thành mong muốn gia nhập một trường trung học cổ điển và trở thành họa gia của Hitler. Tháng 9 năm 1900, ông gửi Hitler vào Realschule (trường trung học) ở Linz, chuyên sâu về khoa học và kỹ thuật hơn, nhưng bị con trai phản đối kịch liệt. Trong cuốn Mein Kampf, Hitler có giải thích rằng một trong những nguyên do khiến ông học hành kém cỏi, rồi cuối cùng bỏ học là vì muốn chống lại ý cha: "Tôi nghĩ rằng, một ngày nào đó cha sẽ thấy tôi chậm tiến bộ ở trường, và ông ấy sẽ để tôi hy sinh bản thân cho mơ ước của mình, mặc cho ông ấy có thích hay không".
Tương tự nhiều người Đức–Áo khác, Hitler bắt đầu phát triển tư tưởng dân tộc chủ nghĩa Đức từ khi còn trẻ. Ông trung thành với nước Đức nhưng khinh miệt Đế chế Habsburg đa sắc tộc đang trên đà suy thoái. Hitler và bạn bè thường dùng lời chào "Heil" và hát vang "Deutschlandlied" (Bài ca nước Đức) thay vì quốc ca đế quốc Áo.
Sau khi Alois đột ngột qua đời vào ngày 3 tháng 1 năm 1903, Hitler học tập sa sút và được mẹ cho phép rời trường. Tháng 9 năm 1904, Hitler gia nhập Realschule ở Steyr và tại đó lối hành xử và thành tích học tập của ông được cải thiện. Năm 1905, sau khi vượt qua những kỳ thi cuối cùng, Hitler ra trường mà không có tham vọng học cao hơn hay kế hoạch rõ ràng cho sự nghiệp.
Thời niên thiếu ở Viên và München
Năm 1907, với một khoản tiền trợ cấp trẻ mồ côi và sự hỗ trợ từ mẹ, Hitler rời Linz đến sinh sống tại thủ đô Viên của nước Áo. Mang trong mình ước vọng trở thành họa sĩ, Hitler dò hỏi việc theo học Viện Hàn lâm Nghệ thuật Viên, dự định sẽ tham dự kỳ thi tuyển sinh năm sau. Nhưng mộng không thành khi bài dự thi của ông không đủ điểm. Hitler cố thử sức một lần nữa vào năm sau, nhưng tác phẩm của ông không gây được ấn tượng với giáo sư. Nhận thấy các tác phẩm được thực hiện với độ chính xác đặc biệt về kiến trúc, người giáo sư gợi ý chàng thanh niên này nộp đơn xin vào trường kiến trúc. Tuy nhiên Hitler không thể làm theo do ông thiếu chứng chỉ học tập cần thiết vì chưa tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông.
Ngày 21 tháng 12 năm 1908, bà Klara Hitler qua đời vì bệnh ung thư vú ở tuổi 47 khi Hitler mới 18 tuổi. Năm 1909, ở tuổi 19, Hitler bước vào giai đoạn khốn khó của cuộc đời vì hết tiền và buộc phải sống một cuộc sống phóng túng trong những khu nhà dành cho người vô gia cư và khu nhà tập thể dành cho nam và phải dùng bữa ở bếp ăn từ thiện cho qua cơn đói. Ông đảm nhận những công việc không thường xuyên như quét tuyết, di chuyển hành lý ở ga tàu hỏa, đôi lúc xin làm công nhân xây dựng hoặc phụ hồ. Sau đó, ông hành nghề họa sĩ tự do, bán những bức tranh màu nước vẽ phong cảnh ở Viên cho du khách. Trong khoảng thời gian hành nghề bán tranh dạo tại Viên, tài nghệ hội họa Hitler đã tiến bộ rõ rệt. Ông có thể thực hiện những tác phẩm "chính xác đến nỗi có cảm giác như nó được phác họa lại từ một tấm ảnh". Tuy nhiên, các tác phẩm của Hitler cho thấy ông là một kiến trúc sư hơn là một họa sĩ vì trái hẳn với khả năng thể hiện cấu trúc thiên bẩm của mình, ông "không có kiến thức về tạo hình con người". Cũng trong quãng thời gian sống tại Viên, Hitler ngày càng tỏ rõ đam mê dành cho các môn nghệ thuật khác, đặc biệt là kiến trúc và âm nhạc. Những nhà soạn nhạc yêu thích của Hitler gồm có Schumann, Chopin, Beethoven và đặc biệt là Wagner, đến nỗi ông từng tham dự mười buổi biểu diễn Lohengrin, vở opera Wagner yêu thích của ông.
Viên cũng chính là nơi Hitler lần đầu tiên tiếp xúc với những luận điệu phân biệt chủng tộc. Những người theo chủ nghĩa dân túy như thị trưởng Karl Lueger đã khai thác bầu không khí bài Do Thái và đôi khi ủng hộ các quan niệm dân tộc chủ nghĩa Đức nhằm thu lợi ích chính trị. Chủ nghĩa dân tộc Đức đặc biệt hiện hữu ở quận Mariahilf, nơi Hitler sống. Georg Ritter von Schönerer trở thành người có ảnh hưởng lớn đối với Hitler. Ảnh hưởng bởi chủ nghĩa bài Công giáo, ông dần bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nhà Kháng cách Martin Luther. Các tờ báo địa phương mà Hitler đọc như đã thổi bùng định kiến và thường đề cập đến nỗi lo sợ bị làn sóng người Do Thái từ Đông Âu lấn áp của Kitô hữu. Ông cũng là độc giả thường xuyên của những tờ báo hoặc pamfơlê truyền tải tư tưởng chính trị chủ đạo của các triết gia và lý thuyết gia như Houston Stewart Chamberlain, Charles Darwin, Friedrich Nietzsche, Gustave Le Bon và Arthur Schopenhauer. Nguồn gốc và sự phát triển của chủ nghĩa bài Do Thái trong con người Hitler vẫn còn là một đề tài được các học giả tranh luận. Bạn của Hitler, August Kubizek, khẳng định Hitler đã là một "người bài Do Thái lâu năm" trước khi rời Linz; nhưng nữ sử gia Brigitte Hamann lại cho rằng lời tuyên bố trên "có vấn đề". Cuốn Mein Kampf viết rằng Hitler bắt đầu trở thành một người bài Do Thái khi ở Viên, nhưng một người từng giúp ông bán tranh tên Reinhold Hanisch không tán thành. Hitler được cho là từng có những bằng hữu người Do Thái hồi còn sống ở ký túc xá cùng nhiều nơi khác tại Viên. Sử gia Richard J. Evans phát biểu rằng "các sử gia hiện nay nhìn chung đồng tình rằng tư tưởng bài Do Thái của Hitler phát triển sau thất bại của Đức [trong thế chiến I] như một sản phẩm [hình thành từ] cách lý giải hoang tưởng về "cú đâm sau lưng" cho thảm họa [trong Thế chiến I]".
Tháng 5 năm 1913, Hitler nhận phần tài sản cuối cùng của cha và chuyển đến München, Đức. Khi nhận được giấy gọi vào Quân đội Áo-Hung, ông lên đường đến Salzburg vào ngày 5 tháng 2 năm 1914 để tiến hành kiểm tra y tế, nhưng không đủ sức khỏe nên quay về München. Sau này Hitler tuyên bố rằng ông không muốn phục vụ Đế chế Habsburg vì quân đội đế quốc này là "một mớ chủng tộc hỗn tạp", đồng thời tin rằng đế quốc Áo-Hung sắp sụp đổ.
Chiến tranh thế giới thứ nhất
Tháng 8 năm 1914, Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, Hitler khi ấy đang sống ở München đã tự nguyện gia nhập quân đội Vương quốc Bayern. Theo một báo cáo năm 1924 của chính quyền bang Bayern, việc Hitler có mặt trong quân đội gần như chắc chắn là lỗi ở khâu quản lý, bởi lẽ vì là một công dân Áo thì Hitler đáng lý phải trở về Áo. Ông được gửi lên Trung đoàn Bộ binh Dự bị Bayern số 16 và làm giao liên trên Mặt trận phía Tây ở Pháp và Bỉ. Hitler dành gần một nửa thời gian để hoạt động tại trụ sở trung đoàn ở Fournes-en-Weppes, ngay phía sau chiến tuyến Pháp–Đức. Ông tham chiến trong trận Ypres lần thứ nhất, trận Somme, trận Arras và trận Passchendaele. Vì lòng dũng cảm, Hitler được cấp trên khen ngợi và tặng thưởng huân chương Thập tự sắt vào năm 1914. Theo lời giới thiệu của cấp trên – Trung úy người Do Thái Hugo Gutmann, Hitler được trao tặng huân chương Thập tự sắt hạng nhất vào ngày 4 tháng 8 năm 1918, một phần thưởng hiếm khi được trao cho người đeo lon Gefreiter (tương đương Hạ sĩ) như Hitler. Ông nhận Huy hiệu Thương tích màu Đen vào ngày 18 tháng 5 năm 1918.
Hitler tiếp tục theo đuổi đam mê nghệ thuật trong thời gian tại ngũ. Ông đảm nhiệm vẽ tranh biếm họa và chỉ dẫn cho một tờ báo quân đội. Trong trận Somme diễn ra vào tháng 10 năm 1916, ông bị thương ở đùi trái khi một viên đạn phát nổ trong hầm trú ẩn. Hitler mất gần hai tháng trị liệu tại Beelitz trước khi quay lại tiền tuyến ngày 5 tháng 3 năm 1917. Ngày 15 tháng 10 năm 1918, ông bị mù tạm thời trong một cuộc tấn công bằng khí mù tạt và được đưa đi cấp cứu ở Pasewalk. Theo lời kể của chính Hitler thì sau khi bình phục, ông đã bị mù lần thứ hai khi hay tin nước Đức bại trận.
Hitler mô tả cuộc chiến là trải nghiệm "vĩ đại nhất trong tất cả các trải nghiệm" và bản thân ông từng được cấp trên tán dương vì lòng dũng cảm. Trải nghiệm chiến tranh đã củng cố lòng ái quốc của Hitler; do đó sự đầu hàng của Đức vào tháng 11 năm 1918 là một cú sốc tinh thần, một cảm giác cay đắng dần định hình ý thức hệ của ông. Tương tự những người theo chủ nghĩa dân tộc Đức khác, Hitler tin vào Huyền thoại đâm sau lưng, cho rằng quân đội Đức "không bị đánh bại trên chiến trường" mà bị "đâm sau lưng" bởi các lãnh đạo dân sự, những người Do Thái và người theo chủ nghĩa Marx tại quê nhà. Những nhân vật đại diện Đức đứng ra ký hiệp định đình chiến về sau bị người trong nước mỉa mai là "những tên tội phạm tháng 11" (Novemberverbrecher).
Hòa ước Versailles quy định nước Đức phải từ bỏ một số lãnh thổ và phi quân sự hóa vùng Rheinland, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế kèm một khoản bồi thường chiến tranh khổng lồ. Nhiều người Đức xem hòa ước này là một sự sỉ nhục. Họ đặc biệt phản đối Điều 231, cho rằng điều khoản này tuyên bố Đức là thủ phạm gây ra Chiến tranh thế giới thứ nhất. Hòa ước Versailles cũng như tình hình kinh tế, xã hội và chính trị nước Đức thời hậu chiến đã được Hitler khai thác để phục vụ các mục tiêu chính trị.
Bước vào chính trường
Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, Hitler quay về München. Không có bằng cấp giáo dục chính thức cũng như triển vọng nghề nghiệp, ông chọn tiếp tục phục vụ tại ngũ. Tháng 7 năm 1919, ông được bổ nhiệm làm Verbindungsmann (mật vụ tình báo) của một Aufklärungskommando (đơn vị trinh sát) thuộc quân đội, nhận nhiệm vụ chi phối những binh sĩ khác và nằm vùng trong Đảng Công nhân Đức (DAP). Trong một buổi họp đảng DAP vào ngày 12 tháng 9 năm 1919, Chủ tịch Đảng Anton Drexler rất ấn tượng với tài diễn thuyết của Hitler, tặng cho Hitler cuốn tự truyện Mein politisches Erwachen (Sự thức tỉnh chính trị của tôi) chứa đựng những tư tưởng bài Do Thái, chủ nghĩa dân tộc, bài tư bản và bài chủ nghĩa Marx. Theo lệnh cấp trên, Hitler nộp đơn xin gia nhập đảng và trở thành đảng viên số 555.
Cũng trong khoảng thời gian đó, Hitler đã lần đầu tiên thể hiện chính kiến của mình về dân tộc Do Thái trong một bức thư gửi Gemlich, cho rằng mục tiêu tiên quyết của chính phủ Đức "chắc chắn phải là việc loại bỏ hoàn toàn" dân tộc này.
Sau khi gia nhập DAP, Hitler gặp Dietrich Eckart, một trong những nhà sáng lập đảng và thành viên của Hội Thule, một nhóm Völkisch huyền bí. Eckart trở thành cố vấn của Hitler, hai người cùng trao đổi ý kiến, đồng thời giới thiệu Hitler với nhiều người trong xã hội München. Để tăng sức thu hút, DAP đổi tên thành Nationalsozialistische Deutsche Arbeiterpartei (Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa, NSDAP; gọi tắt là Đảng Quốc Xã). Hitler thiết kế cờ đảng với hình tượng một chữ vạn nằm trong hình tròn màu trắng trên nền đỏ.
Ngày 31 tháng 3 năm 1920, Hitler giải ngũ và bắt đầu dành toàn bộ thời gian cho NSDAP. Trụ sở chính của đảng nằm tại München, nơi tập trung những người theo dân tộc chủ nghĩa Đức chống chính phủ, mưu đồ bóp chết chủ nghĩa Marx và phá hoại nền dân chủ của Cộng hòa Weimar. Tháng 2 năm 1921 — vốn đã rất hiệu quả trong việc lôi kéo đám đông — Hitler đứng ra phát biểu trước đám đông hơn 6.000 người. Nhằm quảng bá sự kiện, đảng cho hai xe tải chạy vòng quanh München vẫy cờ chữ vạn và phân phát tờ rơi. Hitler nhanh chóng nổi tiếng nhờ những bài diễn văn luận chiến đả kích hòa ước Versailles, các chính khách đối địch và đặc biệt phản đối gay gắt những người theo chủ nghĩa Marx cũng như người Do Thái.
Trở thành nhà lãnh đạo Đảng Quốc Xã
Tháng 6 năm 1921, khi Hitler và Eckart đang trên đường tới Berlin để gây quỹ, nội bộ Đảng Quốc Xã xảy ra nội loạn. Các ủy viên ban chấp hành muốn sáp nhập với Đảng Xã hội chủ nghĩa Đức (DSP) có trụ sở ở Nürnberg. Ngày 11 tháng 7, Hitler quay về München và giận dữ đòi từ chức. Các ủy viên nhận ra rằng việc từ chức của một nhân vật quần chúng kiêm diễn giả hàng đầu của họ đồng nghĩa với dấu chấm hết của đảng. Hitler tuyên bố sẽ tái gia nhập với điều kiện ông phải làm chủ tịch đảng thay Drexler; trụ sở chính của đảng vẫn nằm tại München. Ban chấp hành đồng ý; Hitler tái gia nhập đảng vào ngày 26 tháng 7 với tư cách thành viên 3.680. Song sau đó, Hitler phải tiếp tục đối mặt với một số chống đối từ nội bộ đảng. Đấu tranh phe phái trong giới lãnh đạo khiến Hermann Esser bị khai trừ. Đối thủ của Hitler còn cho in 3.000 cuốn sách mỏng công kích gọi ông là kẻ phản bội. Những ngày sau, Hitler liên tục diễn thuyết trong các ngôi nhà chật cứng người, lên tiếng bào chữa cho bản thân và Esser trước những tiếng vỗ tay hưởng ứng vang như sấm dội. Chiến lược của ông thành công và tại kỳ đại hội đảng đặc biệt diễn ra vào ngày 29 tháng 7, Hitler được chấp thuận trao toàn quyền chủ tịch đảng thay Drexler một cách tuyệt đối, với tỉ lệ 533 phiếu thuận 1 phiếu chống.
Những bài phát biểu mang tính châm chọc tại quán bia của Hitler bắt đầu thu hút một nhóm khán giả quen thuộc. Là một kẻ mị dân, Hitler trở thành bậc thầy trong việc vận dụng các chủ đề dân túy, bao gồm cả việc sử dụng vật tế thần để đổ lỗi cho những khó khăn kinh tế mà khán thính giả phải gánh chịu. Hitler tận dụng sức hấp dẫn của bản thân cùng sự am hiểu tâm lý đám đông khi diễn thuyết trước công chúng. Theo nhiều sử gia, trước đám đông lớn, Hitler sử dụng tài hùng biện để lôi kéo, còn trước một nhóm nhỏ, ông lại sử dụng ánh mắt như một hiệu ứng thôi miên.
Trong số những người đầu tiên đi theo Hitler có thể kể tới một vài gương mặt nổi bật như Rudolf Hess, cựu phi công "Ách" Hermann Göring và Ernst Röhm. Röhm trở thành thủ lĩnh Sturmabteilung (SA, Binh đoàn bão táp) – tổ chức bán quân sự Quốc Xã có nhiệm vụ bảo vệ các cuộc hội họp và tấn công các đối thủ chính trị. Yếu tố mang tính ảnh hưởng quyết định đến tư tưởng của Hitler trong giai đoạn này là Aufbau Vereinigung (Tổ chức tái thiết), một nhóm âm mưu gồm những người Bạch vệ lưu vong của Nga cùng những người theo chủ nghĩa quốc xã thời kỳ đầu. Aufbau Vereinigung là một nhóm kín nhận tài trợ từ các nhà tư bản công nghiệp giàu có. Cũng chính họ đã giới thiệu cho Hitler về khái niệm "âm mưu Do Thái", liên kết nền tài chính quốc tế với chủ nghĩa Bolshevik.
Cương lĩnh Đảng Quốc Xã được trình bày lần đầu trong Cương lĩnh 25 điểm vào ngày 24 tháng 2 năm 1920. Cương lĩnh Đảng Quốc Xã không đại diện cho một hệ tư tưởng nhất quán, mà là sự kết hợp của các ý tưởng chủ đạo của phong trào Völkisch Liên Đức, bao gồm chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phản đối Hòa ước Versailles, sự hoài nghi về chủ nghĩa tư bản và một số ý tưởng xã hội chủ nghĩa khác. Tuy nhiên, đối với Hitler, khía cạnh quan trọng nhất của cương lĩnh này chính là lập trường bài Do Thái mạnh mẽ. Ông cũng xem đây là cơ sở để tuyên truyền và thu hút mọi người gia nhập đảng.
Đảo chính quán bia và nhà tù Landsberg
Năm 1923, Hitler tranh thủ sự giúp đỡ của danh tướng Đức thời Thế chiến I Erich Ludendorff để tiến hành một cuộc đảo chính có chủ đích, sử gọi là "Đảo chính quán bia". Đảng Quốc Xã lấy Chủ nghĩa Phát xít Ý làm hình mẫu cho diện mạo và chính sách của họ. Hitler muốn tái hiện "Cuộc hành quân ở Roma" năm 1922 của Benito Mussolini bằng cách dàn dựng một cuộc đảo chính tương tự để giành chính quyền Bayern trước khi thách thức chính phủ Cộng hòa Weimar ở Berlin. Hitler và Ludendorff cố gắng thuyết phục Staatskommissar (ủy viên bang) Gustav Ritter von Kahr, nhà cai trị de facto của Bayern, ủng hộ mình. Tuy nhiên 3 người Kahr, chánh cảnh sát Hans Ritter von Seisser và tướng Otto von Lossow của Reichswehr đã đồng thuận ngầm với nhau và muốn thiết lập một chế độ độc tài dân tộc chủ nghĩa mà không có Hitler.
Ngày 8 tháng 11 năm 1923, Hitler cùng lực lượng SA xông vào một hội nghị 3.000 người do Kahr tổ chức tại Bürgerbräukeller, một quán bia ở München. Cắt ngang bài phát biểu của Kahr, Hitler thông báo với đám đông rằng cuộc cách mạng quốc gia đã bắt đầu và cùng Ludendorff tuyên bố thành lập chính phủ mới. Khi lui về hậu phòng, Hitler rút súng uy hiếp Kahr, Seisser và Lossow phải ủng hộ mình. Ban đầu, lực lượng của Hitler chiếm cứ thành công trụ sở Reichswehr và cảnh sát địa phương, nhưng nhóm người của Kahr đã nhanh chóng trở mặt. Cả quân đội lẫn cảnh sát đều không hiệp lực cùng Hitler. Hôm sau, Hitler cùng những người ủng hộ diễu hành từ nhà hàng bia đến Bộ Chiến tranh Bayern ý đồ giành chính quyền, song bị cảnh sát sử dụng hỏa lực ép phải giải tán. Mười sáu thành viên Đảng Quốc Xã và bốn sĩ quan cảnh sát đã thiệt mạng trong cuộc đảo chính bất thành.
Hitler trốn chạy đến nhà của Ernst Hanfstaengl và theo một số báo cáo là đã có ý định tự sát. Ông tỏ ra chán nản nhưng sớm lấy lại sự bình tĩnh khi bị bắt vì tội phản quốc vào ngày 11 tháng 11 năm 1923. Phiên xử Hitler tại Tòa án Nhân dân Đặc biệt ở München bắt đầu vào tháng 2 năm 1924; Alfred Rosenberg trở thành lãnh đạo tạm thời của Đảng Quốc Xã. Ngày 1 tháng 4, Hitler bị kết án 5 năm tù và được đưa tới nhà tù Landsberg. Tại đây, Hitler được các cai ngục đối xử thân thiện, được phép nhận bưu phẩm từ những người ủng hộ cũng như thường xuyên được các đồng chí trong đảng ghé thăm. Mặc cho các công tố viên bang phản đối, Hitler được Tối cao Pháp viện Bayern ân xá và chính thức được tại ngoại vào ngày 20 tháng 12 năm 1924. Tính cả thời gian tạm giam, Hitler chỉ ngồi tù có hơn một năm.
Chính trong thời gian thi hành án, Hitler đã sáng tác phần lớn đoạn đầu của Mein Kampf. Ông không đích thân viết mà đứng đọc cho Emil Maurice rồi sau đó là cấp phó Rudolf Hess chép lại. Đây là cuốn tự truyện thể hiện tư tưởng, quan điểm chính trị và được Hitler đề tặng thành viên Dietrich Eckart của Hội Thule. Mein Kampf đề ra kế hoạch biến đổi xã hội Đức thành một xã hội dựa trên thuyết chủng tộc. Xuyên suốt tác phẩm, người Do Thái bị đánh đồng với "mầm bệnh" và bị coi là "kẻ đầu độc quốc tế" của xã hội. Hitler cho rằng giải pháp duy nhất để giải quyết triệt để vấn đề Do Thái này chính là tiêu diệt họ. Theo Ian Kershaw, mặc dù Hitler không mô tả chính xác cách thức thực hiện điều này, nhưng "cái suy nghĩ tận diệt [người Do Thái] hiện hữu trong con người y là không thể chối cãi".
Mein Kampf được xuất bản thành hai cuốn vào các năm 1925–1926 và bán được 228.000 bản trong giai đoạn 1925–1932. Tổng cộng có một triệu bản được bán ra vào năm 1933, năm đầu tiên Hitler nắm quyền thủ tướng.
Ngay trước khi Hitler đủ điều kiện để được ân xá, chính phủ Bayern đã cố gắng trục xuất ông về Áo; nhưng Thủ tướng Liên bang Áo từ chối với lý do Hitler đã phục vụ trong Lục quân Đức nên không còn tư cách công dân Áo. Đáp trả, Hitler chính thức từ bỏ quốc tịch Áo vào ngày 7 tháng 4 năm 1925.
Tái thiết Đảng Quốc Xã
Vào thời điểm Hitler ra tù, tình hình chính trị ở Đức đã dần mất tính cạnh tranh. Nền kinh tế và đời sống được cải thiện khiến cơ hội kích động chính trị của ông bị hạn chế. Sau thất bại của cuộc Đảo chính quán bia, Đảng Quốc Xã cùng các tổ chức liên đới bị cấm hoạt động ở Bayern. Trong cuộc gặp với Thống đốc Bayern Heinrich Held vào ngày 4 tháng 1 năm 1925, Hitler đồng ý tôn trọng thẩm quyền của nhà nước và cam kết sẽ chỉ mưu cầu quyền lực chính trị thông qua tiến trình dân chủ. Kết quả là lệnh cấm Đảng Quốc Xã được dỡ bỏ vào ngày 16 tháng 2. Tuy nhiên, sau một bài diễn văn mang tính kích động vào ngày 27 tháng 2, chính quyền Bayern đã phát lệnh cấm Hitler phát biểu trước đám đông trong vòng 2 năm. Để xúc tiến tham vọng chính trị, Hitler giao phó nhiệm vụ tổ chức và phát triển đảng ở miền bắc cho Gregor Strasser, Otto Strasser và Joseph Goebbels. Trong ba nhân vật này, Gregor Strasser đi theo đường lối chính trị độc lập hơn và thường cố gắng thúc đẩy các yếu tố xã hội chủ nghĩa của cương lĩnh đảng.
Ngày 24 tháng 10 năm 1929, thị trường chứng khoán ở Hoa Kỳ sụp đổ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nước Đức: hàng triệu người mất việc làm và một vài ngân hàng lớn bị phá sản. Hitler và Đảng Quốc Xã lúc bấy giờ đã sẵn sàng để khai thác tình thế nhằm thu hút sự ủng hộ của quần chúng. Họ hứa sẽ dẫn dắt nước Đức thoát khỏi xiềng xích của Hòa ước Versailles, củng cố nền kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người dân.
Lên nắm quyền điều hành
Chính quyền Brüning
Cuộc Đại khủng hoảng mang đến thời cơ chính trị cho Hitler. Người Đức tỏ ra mâu thuẫn với thể thức cộng hòa đại nghị vốn đang phải đối mặt với những thách thức từ những thành phần cực đoan từ cả cánh hữu lẫn cánh tả. Các đảng chính trị ôn hòa ngày càng bất lực trước làn sóng chủ nghĩa cực đoan và cuộc trưng cầu dân ý năm 1929 đã góp phần nâng tầm ý thức hệ Quốc Xã. Sau các cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 9 năm 1930, đại liên minh cầm quyền trong quốc hội tan rã và được thay thế bởi một nội các thiểu số. Đứng đầu là thủ tướng Heinrich Brüning của Đảng Trung tâm, nội các mới điều hành thông qua các sắc lệnh khẩn cấp của tổng thống Paul von Hindenburg. Cai trị bằng sắc lệnh đã trở thành quy phạm mới, mở đường cho các dạng chính quyền chuyên chế. Từ chỗ ít tên tuổi, Đảng Quốc Xã nổi lên giành 18.3% số phiếu và 107 ghế trong cuộc bầu cử năm 1930, trở thành chính đảng lớn thứ hai Quốc hội Đức.
Cuối năm 1930, Hitler xuất hiện nổi bật tại phiên tòa xét xử hai sĩ quan Reichswehr, trung úy Richard Scheringer và Hans Ludin. Hai người này bị buộc tội vì gia nhập Đảng Quốc Xã – một điều bất hợp pháp đối với sĩ quan quân đội tại thời điểm đó. Bên nguyên lập luận rằng Đảng Quốc Xã là một đảng cực đoan, yêu cầu luật sư bào chữa Hans Frank mời Hitler ra làm chứng trước tòa. Ngày 25 tháng 9 năm 1930, Hitler xác nhận đảng của ông sẽ chỉ theo đuổi quyền lực thông qua bầu cử dân chủ, qua đó giành được nhiều sự ủng hộ trong giới sĩ quan.
Các biện pháp thắt lưng buộc bụng của Brüning không những không cải thiện tình hình kinh tế một cách đáng kể mà còn cực kỳ không được lòng dân. Hitler đã khai thác điều này bằng cách nhắm thông điệp chính trị cụ thể tới những đối tượng chịu tác động bởi cuộc lạm phát thập niên 1920 và thời kỳ suy thoái, chẳng hạn như nông dân, cựu chiến binh và tầng lớp trung lưu.
Sau khi từ bỏ quốc tịch Áo vào năm 1925, Hitler vô quốc tịch trong gần 7 năm do không nhập tịch Đức. Tức là ông không thể ứng cử vào chức vụ nhà nước một cách hợp pháp và phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất. Ngày 25 tháng 2 năm 1932, Bộ trưởng Nội vụ Braunschweig đồng thời là một thành viên của Đảng Quốc Xã Dietrich Klagges bổ nhiệm Hitler làm quản lý viên phái đoàn bang tới Reichsrat ở Berlin, giúp Hitler trở thành công dân của Braunschweig, qua đó cũng là công dân Đức. Sau khi nhận quyền công dân, Hitler được đặc cách nghỉ phép vô thời hạn nhằm dành thời gian cho "mưu cầu chính trị", nhưng trên danh nghĩa vẫn là viên chức Braunschweig cho đến khi nhậm chức thủ tướng Đức.
Hitler ra tranh cử với Hindenburg trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1932. Bài phát biểu của ông trước Hiệp hội Công nghiệp ở Düsseldorf vào ngày 27 tháng 1 giành được sự ủng hộ từ nhiều nhà tư bản công nghiệp quyền lực nhất nước Đức. Còn Hindenburg nhận sự ủng hộ từ các đảng dân tộc chủ nghĩa, quân chủ, công giáo và cộng hòa, cũng như một số đảng viên Dân chủ Xã hội. Hitler sử dụng khẩu hiệu "Hitler über Deutschland" (Hitler phía trên nước Đức), ám chỉ tới tham vọng chính trị và chiến dịch vận động tranh cử bằng máy bay của mình. Ông là một trong những chính trị gia đầu tiên sử dụng máy bay cho mục đích chính trị và đã sử dụng nó một cách hiệu quả. Hitler về nhì trong cả hai vòng bầu cử, chỉ giành được hơn 35% số phiếu ở vòng cuối so với 53% phiếu của Hindenburg. Nhiều cử tri đảng SPD đã "nhắm mắt" bỏ phiếu cho Hindenburg sau khi được Brüning thuyết phục, mục đích nhằm ngăn Hitler chiến thắng cũng như để bảo toàn nền dân chủ Weimar. Tuy tái đắc cử, Hindenburg vẫn bổ nhiệm Franz von Papen lên thay Brüning làm thủ tướng, đồng thời giải tán quốc hội một lần nữa. Dù thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống lần này, Hitler đã xác lập được vị thế của mình như một thế lực trong giới chính trị Đức.
Trở thành thủ tướng Đức
Trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 7 năm 1932, Đảng Quốc Xã trở thành đảng mạnh nhất với 37,3% phiếu. Tuy nhiên, vì những lục đục chính trị nên chỉ sau buổi họp quốc hội lần hai vào ngày 12 tháng 9, Hindenburg lại giải tán quốc hội và cai trị chuyên chế thông qua Nghị định khẩn cấp (Notverordnung). Tại cuộc bầu cử tháng 11 năm 1932, tuy mất đi một lượng lớn phiếu bầu và chỉ còn 33,1% nhưng Đảng Quốc Xã vẫn là đảng mạnh nhất quốc hội. Trong số các đảng đối lập, Đảng Cộng sản Đức giành thêm ghế với 16,9% số phiếu, trở thành đảng mạnh thứ ba. Việc hai đảng cực hữu và cực tả chiếm 50% số phiếu khiến các đảng có lập trường ủng hộ dân chủ, bao gồm SPD và Trung tâm, không thể tạo dựng liên minh đa số. Trước tình hình trên, Papen tuyên bố từ chức và thiết lập một chính phủ tạm quyền. Papen phát biểu trước nội các của mình rằng ông muốn áp đặt thiết quân luật và lợi dụng Nghị định khẩn cấp để biến mình thành độc tài. Song cấp dưới liền khuyên can Papen rằng đó là điều bất khả thi, bởi lẽ quân đội Đức khi đó khó có thể duy trì trật tự trước phe quốc xã và cộng sản.
Trong mắt nhiều người, mà trong đó có nhiều nhà tư bản công nghiệp quyền lực theo tư tưởng bảo thủ, thì Hitler là một người phù hợp cho vị trí thủ tướng. Hjalmar Schacht cùng nhiều nhân vật quyền lực trong ngành công nghiệp, nông nghiệp và kinh tế đã gửi "tâm thư" đề nghị Hindenburg bổ nhiệm Hitler làm người đứng đầu một chính phủ "độc lập khỏi mọi đảng phái quốc hội" – một hành động có thể "khiến hàng triệu người mê mẩn". Một trong những nguyên nhân khiến những nhân vật này ủng hộ Hitler là vì họ muốn dựa vào Đảng Quốc Xã để phục vụ cho tham vọng riêng, bao gồm "loại bỏ vĩnh viễn KPD, SPD và các tổ chức công đoàn", giải phóng nước Đức khỏi xiềng xích của Hòa ước Versailles và cuối cùng chính là tái khởi động chương trình sản xuất vũ khí để thu lợi nhuận. Họ cho rằng mình có thể "kiềm chế" và "thuần hóa" Hitler. Hindenburg không phê chuẩn lời đề nghị trên và để phòng ngừa nội chiến xảy ra, cũng như lo ngại Reichswehr sẽ không áp chế nổi các lực lượng dân quân của Đảng Quốc Xã lẫn Đảng Cộng Sản, ông bổ nhiệm Kurt von Schleicher làm thủ tướng vào ngày 3 tháng 12 năm 1932.
Schleicher định chia rẽ Đảng Quốc Xã bằng sách lược Querfront (Mặt trận chéo). Lãnh đạo phe cánh tả của Đảng Quốc Xã là Gregor Strasser đồng ý với lời đề nghị gia nhập nội các của Schleicher để trở thành phó thủ tướng. Tuy nhiên, Hitler từ chối từ bỏ yêu sách đối với chức vị thủ tướng. Trong một cuộc họp đảng, Hitler sử dụng nước mắt và dọa tự tử, qua đó thuyết phục được các thành viên trong đảng ủng hộ mình. Trước sức ép, Strasser phải từ chức vào ngày 8 tháng 12. Và như vậy các cố vấn bảo thủ của Hindenburg đã thất bại trong nỗ lực lôi kéo Đảng Quốc Xã vào chính phủ mà không trao chức vị thủ tướng cho Hitler.
Cuộc gặp giữa Hitler và Papen hôm 4 tháng 1 năm 1933 được xem là "giây phút khai sinh Đệ tam Đế chế". Hitler thuyết phục được Papen ủng hộ mình sau khi đề nghị ông trở thành phó thủ tướng, sở hữu đặc quyền được phép phản đối mọi đề xuất từ phía văn phòng thủ tướng đệ trình lên Hindenburg, còn các vị trí bộ trưởng cổ điển vẫn sẽ do các chính khách bảo thủ nắm giữ. Cả Papen lẫn Hugenberg của Đảng Nhân dân Quốc gia Đức (DNVP) đều tự tin rằng họ có thể "kiểm soát" và "thuần hóa" thủ tướng Hitler khi mà người của họ đều giữ các vị trí quan trọng của chính phủ. Chính quyền của Schleicher dần bị cô lập, đặc biệt là khi thiếu đi sự chống lưng từ Reichswehr sau khi Tướng Werner von Blomberg, một nhân vật thân Quốc Xã, trở thành Bộ trưởng Quân đội. Schleicher đã xin từ chức sau khi Hindenburg từ chối mở một cuộc bầu cử mới. Hết lựa chọn, Hindenburg miễn cưỡng bổ nhiệm người mà ông gọi là "Hạ sĩ xứ Böhmen" làm thủ tướng.
Ngày 30 tháng 1 năm 1933, nội các mới tuyên thệ nhậm chức trong một buổi lễ ngắn gọn tại văn phòng của Hindenburg. Theo thỏa thuận, gần như toàn bộ mọi vị trí trong nội các Hitler đều là đảng viên DNVP. Ngoài Hitler, Đảng Quốc Xã còn có Wilhelm Frick trở thành Bộ trưởng Nội vụ Đức còn Hermann Göring trở thành Bộ trưởng Nội vụ Phổ, nắm trong tay quyền chỉ huy lực lượng cảnh sát của quốc gia lớn nhất trực thuộc Cộng hòa Weimar. Sở hữu những vị trí then chốt, Đảng Quốc Xã tuy không chiếm đa số trong nội các nhưng lại nắm quyền kiểm soát nền chính trị trong nước.
Vụ hỏa hoạn tòa nhà Reichstag và các cuộc bầu cử tháng 3
Ngay sau khi chuyển đến văn phòng phủ thủ tướng tại Alte Reichskanzlei (Phủ Thủ tướng cũ), Hitler được cho là đã tuyên bố rằng "không thế lực nào trên thế giới này có thể đưa ta sống sót ra khỏi đây", hàm ý rằng ông sẽ giữ vững chức vị này cho đến hết đời. Trên cương vị thủ tướng, Hitler dùng các biện pháp để ngăn chặn nỗ lực tạo dựng chính phủ đa số của các đảng phái đối lập. Bởi tình hình chính trị bế tắc, Hitler yêu cầu Hindenburg giải tán Reichstag (quốc hội) một lần nữa và lên kế hoạch tiến hành các cuộc bầu cử mới vào đầu tháng 3.
Ngày 27 tháng 2 năm 1933, tòa nhà Reichstag bị cháy. Göring đổ lỗi cho phe Cộng sản, vì đảng viên Cộng sản người Hà Lan Marinus van der Lubbe bị phát hiện là có mặt tại hiện trường lúc xảy ra hỏa hoạn. Cho đến những năm 1960, một số sử gia bao gồm William L. Shirer và Alan Bullock vẫn cho rằng Đảng Quốc Xã là thế lực đứng sau vụ phóng hỏa. Tuy nhiên, hầu hết các sử gia ngày nay đều nhất trí rằng van der Lubbe tự ý châm lửa chứ không bị ai giật dây. Ngày 28 tháng 2, trước sự thúc giục của Hitler, Hindenburg thông qua Nghị định Hỏa hoạn Reichstag, bãi bỏ các quyền công dân cơ bản như tự do hội họp, tự do báo chí, an toàn thư tín và cho phép bắt giữ người mà không cần qua xét xử. Nghi định này được ban hành dựa trên Điều 48 của Hiến pháp Weimar, vốn cho phép tổng thống thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ trật tự và an toàn công cộng, đồng thời thiết lập tình trạng khẩn cấp tại Đức – thứ chỉ chấm dứt khi chính quyền Đức Quốc Xã sụp đổ năm 1945. Chính vì thế, nghị định trên được nhiều sử gia xem là "văn kiện hiến pháp của Đệ tam Đế chế".
Sau khi Nghị định Hỏa hoạn Reichstag được thông qua, Đảng Cộng sản Đức (KPD) bị đình chỉ hoạt động và khoảng 4.000 đảng viên của đảng này bị bắt giữ ngay lập tức. Ngay trong cuộc bầu cử sau, ngoài việc đẩy mạnh vận động chính trị, Đảng Quốc Xã còn tham gia vào các hoạt động bạo lực bán quân sự và tăng cường tuyên truyền chống cộng. Tại ngày bầu cử 6 tháng 3 năm 1933, tỷ lệ phiếu bầu của Đảng Quốc Xã tăng lên 43,9%, trở thành đảng nắm giữ nhiều ghế nhất trong Quốc hội. Tuy nhiên, do không thể đảm bảo đa số tuyệt đối (2/3) nên Đảng Quốc Xã buộc phải tiếp tục liên minh với Đảng Nhân dân Quốc gia Đức.
Ngày Potsdam và Đạo luật Cho quyền
Ngày 21 tháng 3 năm 1933, quốc hội mới được thành lập với một buổi lễ khai mạc tại Garnisonkirche (Nhà thờ Đồn lính) ở Potsdam. Ngày hôm đó, còn gọi là "ngày Potsdam", được tổ chức nhằm phô diễn sự hòa hợp giữa phong trào quốc xã với giới tinh hoa và quân đội nước Phổ cũ. Hitler xuất hiện trong áo đuôi tôm, cung kính đón tiếp Hindenburg.
Nhằm thâu tóm quyền kiểm soát chính trị dù không sở hữu đa số tuyệt đối trong quốc hội, chính phủ Hitler kiến nghị quốc hội mới bầu tiến hành bỏ phiếu cho Gesetz zur Behebung der Not von Volk und Reich (Luật khắc phục tai họa của Nhân dân và Quốc gia), hay còn gọi một cách ngắn gọn là Ermächtigungsgesetz (Đạo luật Cho quyền). Luật này trao cho nội các Hitler quyền ban hành luật mà không cần quốc hội thông qua trong vòng bốn năm. Những đạo luật trên (với một số ngoại lệ nhất định) đều ảnh hưởng tới hiến pháp nên cần phải đạt số phiếu trong cuộc bỏ phiếu tại quốc hội thì mới có thể thông qua. Để nắm chắc phần thắng, Đảng Quốc Xã lợi dụng các điều khoản của Nghị định Hỏa hoạn Reichstag để bắt giam toàn bộ 81 nghị sĩ của Đảng Cộng sản (bất chấp chiến dịch tàn bạo chống lại Đảng Cộng sản trước đó, Đức Quốc Xã vẫn cho phép họ tranh cử) và ngăn không cho một số đảng viên Dân chủ Xã hội tham dự.
Ngày 23 tháng 3 năm 1933, quốc hội nhóm họp tại Nhà hát Opera Kroll trong tình cảnh hỗn loạn. Hàng loạt lính SA canh phòng trong nhà, bên ngoài là đám đông biểu tình phản đối dự luật và đe dọa tấn công các đại biểu quốc hội đến muộn. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, lập trường của đảng lớn thứ ba quốc hội là Đảng Trung tâm mang ý nghĩa quyết định. Sau khi Hitler thuyết phục được nhà lãnh đạo đảng Trung tâm Ludwig Kaas rằng Hindenburg vẫn sẽ giữ quyền phủ quyết, Kaas tuyên bố rằng đảng của ông sẽ ủng hộ dự luật này. Cuộc bỏ phiếu kết thúc với 441 phiếu thuận và 84 phiếu chống của Đảng Dân chủ Xã hội. Với việc Đạo luật Cho quyền được thông qua, Quốc hội Đức (nhánh lập pháp) chuyển giao vai trò lập pháp cho chính phủ (nhánh hành pháp) đồng thời tước bỏ quyền hành của tổng thống. Đạo luật Cho quyền cùng Nghị định Hỏa hoạn Reichstag đã giúp chính quyền của Hitler đường đường chính chính trở thành một thể chế độc tài hợp pháp.
Chế độ độc tài
Sau khi giành toàn quyền kiểm soát các nhánh lập pháp và hành pháp của chính phủ, Hitler cùng bè phái bắt đầu tiến hành các hoạt động trấn áp phe đối lập. Đảng Dân chủ Xã hội bị tịch thu mọi tài sản và cấm hoạt động. Trong lúc nhiều đại biểu công đoàn có mặt ở Berlin để tham gia các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Lao động, lực lượng xung kích (Sturmtruppe) của SA tấn công, đập phá văn phòng nghiệp đoàn trên phạm vi cả nước. Ngày 2 tháng 5 năm 1933, toàn bộ công đoàn bị ép phải giải tán, các nhà lãnh đạo bị bắt giam, một số bị đưa đến giam cầm trong trại tập trung. Mặt trận Lao động Đức (DAF) được thành lập như một tổ chức bảo trợ đại diện cho mọi công nhân, nhà quản lý, và chủ sở hữu công ty, qua đó phản ánh khái niệm chủ nghĩa quốc gia xã hội theo tinh thần (cộng đồng nhân dân) của Hitler.
Cuối tháng 6, các đảng phái khác bị đe dọa giải tán, bao gồm cả đối tác liên minh trên danh nghĩa của Đảng Quốc Xã là Đảng Nhân dân Quốc gia Đức. Với sự trợ giúp từ SA, Hitler buộc thủ lĩnh đảng này là Hugenberg từ chức vào ngày 29 tháng 6. Ngày 14 tháng 7 năm 1933, Đảng Quốc Xã tự tuyên bố là chính đảng hợp pháp duy nhất tại Đức. Các yêu sách đòi quyền lực chính trị và quân sự của SA làm dấy lên nỗi lo cho giới lãnh đạo chính trị, quân sự và công nghiệp. Để đối phó nguy cơ này, Hitler lệnh thanh trừng toàn bộ ban lãnh đạo SA trong Đêm của những con dao dài, diễn ra từ ngày 30 tháng 6 đến ngày 2 tháng 7 năm 1934. Các đối tượng rơi vào tầm ngắm bao gồm Ernst Röhm cùng các quan chức cấp cao trong hàng ngũ SA; các địch thủ chính trị khác của Hitler (như Gregor Strasser hay cựu thủ tướng Kurt von Schleicher) bị vây bắt, bỏ tù hoặc xử bắn. Trong khi cộng đồng quốc tế và một số người Đức bị sốc trước các vụ giết người thì nhiều người ở Đức lại tin rằng Hitler đang cố gắng khôi phục trật tự.
Hindenburg qua đời vào ngày 2 tháng 8 năm 1934. Ngay hôm trước, nội các đã ban hành "Luật Liên quan tới Chức vụ Nhà nước Cao nhất của Quốc gia" quy định rằng sau khi Hindenburg mất, văn phòng tổng thống sẽ bị bãi bỏ, và quyền hạn của nó được hợp nhất với quyền hạn thủ tướng. Thông qua đó, Hitler sẽ trở thành người đứng đầu nhà nước cũng như chính phủ dưới cương vị mới mang tên Führer und Reichskanzler (lãnh tụ và thủ tướng), dù chức vụ Reichskanzler về sau đã lặng lẽ bị loại bỏ và chỉ còn hư danh. Với hành động này, Hitler đã thủ tiêu biện pháp hợp pháp cuối cùng có thể lật đổ ông khỏi vị trí nguyên thủ quốc gia.
Trên cương vị nguyên thủ quốc gia, Hitler trở thành tư lệnh tối cao của các lực lượng vũ trang. Ngay sau cái chết của Hindenburg, theo sự xúi giục của giới lãnh đạo Reichswehr, lời tuyên thệ trung thành truyền thống của quân nhân được đổi thành tuyên thệ với cá nhân Hitler, chứ không phải với nhà nước hay văn phòng tổng tư lệnh (sau này được đổi tên thành Bộ Chỉ huy Tối cao). Ngày 19 tháng 8, 88% phiếu cử tri phê chuẩn việc sáp nhập các chức vụ chỉ huy thành một trong một cuộc trưng cầu.
Đầu năm 1938, nhằm chỉnh đốn quân đội, Hitler sử dụng thủ đoạn hăm dọa để mở cuộc điều tra vụ Blomberg–Fritsch. Hitler trưng ra một hồ sơ cảnh sát cho thấy vợ mới của Bộ trưởng Chiến tranh, thống chế Werner von Blomberg, từng là gái mại dâm, từ đó ép được Blomberg từ chức. Tư lệnh lục quân, Đại tá-Tướng Werner von Fritsch bị cách chức sau khi Schutzstaffel (SS) trình ra những cáo buộc cho rằng ông có quan hệ đồng tính luyến ái. Hai người này không còn được trọng dụng bởi họ phản đối ý định muốn đặt Wehrmacht vào tư thế sẵn sàng cho chiến tranh ngay từ năm 1938 của Hitler. Hitler tiếp nhận chức danh Tổng tư lệnh của Blomberg, đích thân nắm quyền chỉ huy lực lượng vũ trang. Ngày 4 tháng 2 năm 1938, ông thay Bộ Chiến tranh bằng Oberkommando der Wehrmacht (Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực Đức: OKW) do Tướng Wilhelm Keitel đứng đầu. Cùng ngày, 16 tướng lĩnh bị tước quyền chỉ huy và 44 người khác bị thuyên chuyển công tác vì bị nghi ngờ là không đủ thành tâm với Đảng Quốc Xã. Đến đầu tháng 2 năm 1938, có thêm 12 tướng lĩnh khác bị cách chức.
Hitler cẩn thận khoác lên cho chế độ độc tài của mình một diện mạo hợp pháp. Nhiều sắc lệnh của ông đều dùng cái mác là dựa theo Nghị định Hỏa hoạn Reichstag, tức điều 48 của Hiến pháp Weimar. Quốc hội đã gia hạn Đạo luật Cho quyền hai lần, mỗi lần có thời hạn bốn năm. Mặc dù các cuộc tuyển cử quốc hội vẫn được tổ chức (vào các năm 1933, 1936 và 1938), cử tri tham gia bỏ phiếu chỉ được phép bầu chọn những cái tên nằm trong danh sách mà thực chất chỉ gồm đảng viên Quốc Xã và những "khách mời" của Đảng Quốc Xã. Các cuộc bầu cử này đều được tổ chức trong điều kiện "chẳng có gì bí mật" và Đảng Quốc Xã ngang nhiên đe dọa trả đũa tàn bạo bất kỳ ai không bỏ phiếu hoặc dám bỏ phiếu chống.
Đức Quốc Xã
Kinh tế và văn hóa
Tháng 8 năm 1934, Hitler bổ nhiệm chủ tịch Reichsbank (Ngân hàng Quốc gia) Hjalmar Schacht làm Bộ trưởng Kinh tế và Đặc mệnh toàn quyền về Kinh tế Chiến tranh trong năm kế tiếp, phụ trách việc chuẩn bị nền kinh tế cho chiến tranh. Hoạt động tái thiết và tái vũ trang được cấp vốn thông qua hối phiếu Mefo, in tiền và chiếm đoạt tài sản của những người bị bắt thuộc nhóm kẻ thù của nhà nước, trong đó có người Do Thái. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 6 triệu (năm 1932) xuống còn 1 triệu (năm 1936). Hitler giám sát một trong những chiến dịch cải thiện cơ sở hạ tầng lớn nhất lịch sử Đức — xây dựng một loạt đập ngăn nước, Autobahn, đường sắt, cùng những công trình dân dụng khác. Từ giữa đến cuối thập niên 1930, mức thu nhập bình quân của người Đức đã giảm một ít so với thời Cộng hòa Weimar trong khi chi phí sinh hoạt tăng 25%. Số giờ lao động trung bình một tuần tăng lên trong giai đoạn chuyển dịch sang nền kinh tế chiến tranh. Năm 1939, người Đức trung bình làm việc từ 47 đến 50 giờ một tuần.
Bất chấp việc bị nhiều quốc gia và cộng đồng quốc tế đe dọa tẩy chay (trong đó có cộng đồng người Mỹ gốc Đức), Đức vẫn đăng cai Thế vận hội năm 1936 và lấy đây làm công cụ để quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới. Hitler cử hành lễ khai mạc và dự khán các môn thi đấu của cả Thế vận hội mùa đông ở Garmisch-Partenkirchen lẫn Thế vận hội mùa hè ở Berlin. Để tránh dư luận quốc tế lời ra tiếng vào, các hoạt động ngược đãi người Do Thái tạm lắng xuống trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Sau tất cả, hai sự kiện thể thao lớn nhất thế giới này là một thắng lợi lớn về mặt ngoại giao của chính phủ Hitler vì thành công trong việc che đậy những mặt xấu và giới thiệu hình ảnh một nước Đức thân thiện, hiếu khách ra thế giới.
Tái vũ trang và những đồng minh mới
Trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo quân sự Đức vào ngày 3 tháng 2 năm 1933, Hitler làm một bài phát biểu về "cuộc chinh phục Không gian sống ở phía Đông cùng công cuộc Đức hóa tàn bạo của nó", xem đây là mục tiêu tối thượng của chính sách đối ngoại. Tháng 3 cùng năm, Thân vương Bernhard Wilhelm von Bülow, thư ký Auswärtiges Amt (Văn phòng Đối ngoại), ban hành một bản tuyên bố về các mục tiêu lớn trong chính sách đối ngoại của Đức: Anschluss đối với Áo, khôi phục lại đường biên giới quốc gia năm 1914, xóa bỏ những ràng buộc quân sự của Hòa ước Versailles, tái lập các thuộc địa trước đây ở châu Phi và tạo một vùng ảnh hưởng của Đức ở Đông Âu. Hitler cho rằng những mục tiêu mà Bülow đưa ra quá khiêm tốn. Trong nhiều bài phát biểu thuộc giai đoạn này, ông nhấn mạnh mục tiêu hòa bình trong các chính sách của mình và sẵn sàng hành động trong khuôn khổ hiệp ước quốc tế. Tại cuộc họp nội các đầu tiên vào năm 1933, Hitler ưu tiên chi tiêu cho quân sự hơn là hỗ trợ thất nghiệp.
Tháng 10 năm 1933, Đức rút khỏi Hội Quốc Liên và Hội nghị Giải trừ Quân bị Thế giới. Tháng 1 năm 1935, hơn 90% dân số Saarland, khi đó nằm dưới quyền quản lý của Hội Quốc Liên, đã bỏ phiếu thống nhất với Đức. Tháng 3 năm đó, Hitler tuyên bố mở rộng Wehrmacht lên mốc 600.000 người – gấp 6 lần giới hạn Hòa ước Versailles cho phép – bao gồm cả việc phát triển không quân (Luftwaffe) và mở rộng quy mô hải quân (Kriegsmarine). Các nước Anh, Pháp, Ý và Hội Quốc Liên đều lên án những hành vi vi phạm hiệp ước của Đức, song không làm gì để ngăn chặn. Hiệp ước Hải quân Anh – Đức (AGNA) ngày 18 tháng 6 cho phép trọng tải của Hải quân Đức lên mức 35% của Hải quân Hoàng gia Anh. Hitler gọi việc ký kết AGNA là "ngày hạnh phúc nhất đời", tin rằng hiệp ước này đánh dấu sự khởi đầu của liên minh Anh – Đức mà ông từng tiên đoán trong cuốn Mein Kampf. Việc Anh ký hiệp ước mà không bàn trước với Pháp và Ý đã trực tiếp làm tổn hại Hội Quốc Liên, khiến Hòa ước Versailles dần trở nên vô hiệu.
Tháng 3 năm 1936, Đức tái chiếm khu phi quân sự ở Rheinland, vi phạm Hòa ước Versailles. Hitler còn gửi quân đến Tây Ban Nha để hỗ trợ Tướng Francisco Franco trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha sau khi nhận được lời kêu gọi giúp đỡ vào tháng 7 năm 1936, đồng thời tiếp tục cố gắng tạo dựng liên minh Anh – Đức. Tháng 8 năm 1936, để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế đang leo thang do nỗ lực tái vũ trang gây nên, Hitler lệnh cho Göring triển khai thực hiện Kế hoạch Bốn Năm nhằm chuẩn bị cho nước Đức tham chiến trong vòng bốn năm tới. Kế hoạch này dự đoán một cuộc chiến toàn lực giữa chủ nghĩa "Do Thái – Bolshevik" và chủ nghĩa Quốc gia Xã hội Đức; Hitler cho rằng cuộc chiến này đòi hỏi một cuộc tái vũ trang toàn diện bất chấp mọi tổn thất kinh tế.
Tháng 10 năm 1936, ngoại trưởng của chính phủ Mussolini là Bá tước Galeazzo Ciano thực hiện chuyến thăm nước Đức và ký kết Nghị định thư chín điểm như một biểu hiện của "mối quan hệ hợp tác" giữa hai nước trước khi có cuộc gặp riêng với Hitler. Ngày 1 tháng 11, Mussolini đích thân tuyên bố về một liên minh giữa Đức và Ý. Ngày 25 tháng 11, Đức ký Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản với Nhật. Các nước Anh, Trung Quốc, Ý và Ba Lan đều được mời gia nhập hiệp ước này song chỉ có Ý đồng ý ký vào năm 1937. Hitler từ bỏ kế hoạch liên minh với Anh, chỉ trích giới lãnh đạo Anh "không xứng". Tại một cuộc họp với các ngoại trưởng và tư lệnh quân đội ở phủ thủ tướng vào tháng 11, Hitler lại phát biểu ý định chiếm đánh Không gian sống cho dân tộc Đức. Ông ra lệnh chuẩn bị để khởi động chiến tranh ở phía đông, sớm nhất là vào năm 1938 và không được muộn quá năm 1943. Trong trường hợp Hitler qua đời đột ngột, biên bản của một cuộc họp, gọi là Biên bản ghi nhớ Hossbach, được xem là "chúc thư chính trị" của ông. Hitler thấy rằng sự sụt giảm nghiêm trọng trong mức sống tại Đức do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế chỉ có thế khắc phục bằng cách xâm lược Áo và Tiệp Khắc. Hitler kêu gọi hành động nhanh chóng trước khi Anh và Pháp giành thế dẫn đầu trong cuộc chạy đua vũ trang. Đầu năm 1938, sau vụ Blomberg-Fritsch, Hitler đòi quyền kiểm soát bộ máy chính sách ngoại giao – quân sự. Ông cách chức ngoại trưởng của Neurath rồi tự bổ nhiệm mình làm Bộ trưởng Chiến tranh. Từ đầu năm 1938 trở đi, Hitler thực thi một chính sách đối ngoại hướng đến một cuộc chiến.
Chiến tranh thế giới thứ hai
Những thành tựu ngoại giao ban đầu
Liên minh với Nhật Bản
Là một người cực kỳ thân Nhật, tân ngoại trưởng Joachim von Ribbentrop thuyết phục được Hitler chấm dứt liên minh với một Trung Hoa Dân Quốc bất ổn, chia năm xẻ bảy để bước vào một liên minh với một Đế quốc Nhật Bản hiện đại và hùng mạnh hơn. Ngày 12 tháng 5 năm 1938, Hitler tuyên bố Đức công nhận Mãn Châu quốc, quốc gia bù nhìn do cựu hoàng Phổ Nghi đứng đầu được Nhật thành lập sau khi chiếm đóng Mãn Châu, đồng thời dứt bỏ yêu sách đối với những thuộc địa trước kia của Đức ở Thái Bình Dương được chuyển giao cho Nhật sau Thế chiến I. Hitler ra lệnh chấm dứt vận chuyển vũ khí đến Trung Quốc và triệu hồi tất cả các sĩ quan Đức đang làm việc với Quốc dân Cách mệnh Quân. Đáp trả, Tưởng Giới Thạch hủy bỏ mọi hiệp ước kinh tế Trung – Đức khiến Đức mất đi nguồn nguyên liệu thô nhập khẩu từ Trung Quốc.
Áo và Tiệp Khắc
Ngày 12 tháng 3 năm 1938, Hitler tuyên bố thống nhất Áo với Đức Quốc Xã trong sự kiện Anschluss. Sau đó Hitler chuyển sự chú ý sang cộng đồng dân tộc Đức ở vùng Sudetenland của Tiệp Khắc. Trong hai ngày 28 và 29 tháng 3 năm 1938, Hitler chủ trì một loạt cuộc họp bí mật tại Berlin với Konrad Henlein của Sudetendeutsche Partei (Đảng Đức Sudeten), đảng lớn nhất trong số các đảng phái của người Đức ở Sudetenland. Các bên đi đến thống nhất rằng Henlein sẽ yêu cầu tăng quyền tự trị cho người Đức Sudeten, từ đó tạo ra cái cớ để Đức động binh với Tiệp Khắc. Tháng 4 năm 1938, Henlein nói với ngoại trưởng Hungary rằng "dù chính quyền Tiệp Khắc có đưa ra đề nghị gì đi nữa, ông sẽ luôn đưa ra những yêu cầu cao hơn [...] ông muốn phá hoại thỏa thuận bằng mọi cách vì đây là phương pháp duy nhất để thổi bay Tiệp Khắc một cách nhanh chóng". Thực chất, Hitler không coi trọng vấn đề Sudetenland. Ý định thực sự của ông là sáp nhập toàn cõi Tiệp Khắc vào nước Đức.
Tháng 4, Hitler lệnh cho OKW chuẩn bị cho Fall Grün (Kế hoạch màu lục), mật danh của cuộc xâm lược Tiệp Khắc. Trước áp lực ngoại giao dữ dội của Pháp và Anh, ngày 5 tháng 9, Tổng thống Tiệp Khắc Edvard Beneš công bố "Kế hoạch Thứ tư" nhằm tái cơ cấu hiến pháp nước nhà, trong đó chấp thuận hầu hết yêu sách của Henlein đối với người Sudeten. Đảng của Henlein đáp trả lời đề nghị của Beneš bằng cách kích động một loạt những vụ xung đột ác liệt với cảnh sát Tiệp Khắc dẫn tới việc ban bố tình trạng thiết quân luật ở một số khu vực nhất định trong địa phận Sudetenland.
Nước Đức vốn phụ thuộc vào dầu nhập khẩu, mà một cuộc đối đầu với Anh vì các bất đồng xoay quanh vấn đề Tiệp Khắc có thể cắt giảm nguồn cung dầu của Đức. Điều này buộc Hitler phải hoãn lại Fall Grün vốn được lên kế hoạch vào ngày 1 tháng 10 năm 1938. Ngày 29 tháng 9, Hitler, Neville Chamberlain, Édouard Daladier và Mussolini tham dự một hội nghị kéo dài một ngày ở München, kết quả là các bên đã cùng nhau ký kết Hiệp ước München bàn giao Sudetenland cho Đức.
Chamberlain hài lòng với hội nghị München, gọi thành quả này là "hòa bình cho thời đại chúng ta", còn Hitler thì tỏ ra giận dữ vì đánh mất thời cơ phát động chiến tranh trong năm 1938. Ông bày tỏ sự thất vọng trong một bài phát biểu vào ngày 9 tháng 10 ở Saarbrücken. Theo quan điểm của Hitler, dù nhìn bề ngoài có vẻ có lợi cho Đức nhưng nền hòa bình do Anh trung gian lại là một thất bại ngoại giao khiến ông có ý định hạn chế quyền lực của Anh để mở đường cho kế hoạch bành trướng về phía Đông. Một hệ quả của hội nghị thượng đỉnh tại München là Hitler được tạp chí Time bình chọn là Nhân vật của năm 1938.
Ngày 14 tháng 3 năm 1939, trước mối đe dọa từ Hungary, Slovakia tuyên bố độc lập và nhận được sự bảo hộ từ Đức. Hôm sau, Hitler lệnh cho Wehrmacht tiến vào vùng lãnh thổ còn lại của Tiệp Khắc, vi phạm hiệp ước München. Nguyên nhân có thể là do những hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra bởi hoạt động tái vũ trang khiến nước Đức cần gấp những nguồn của cải bổ sung. Từ lâu đài Praha, Hitler tuyên bố hai xứ Böhmen và Mähren trở thành vùng bảo hộ của Đức.
Khởi màn cuộc chiến
Trong các cuộc thảo luận bí mật năm 1939, Hitler tuyên bố Anh là kẻ thù chính và việc xóa sổ Ba Lan là bước mở đầu cần làm. Cánh phía đông sẽ được đảm bảo và sẽ được bổ sung vào Không gian sống của dân tộc Đức. Ngày 31 tháng 3 năm 1939, khó chịu vì "sự bảo lãnh" của Anh dành cho nền độc lập Ba Lan, Hitler tuyên bố "sẽ pha cho chúng món đồ uống của quỷ". Trong bài phát biểu tại Wilhelmshaven nhân sự kiện thiết giáp hạm Tirpitz hạ thủy ngày 1 tháng 4, Hitler đe dọa hủy Hiệp ước Hải quân Anh – Đức nếu Anh vẫn tiếp tục "cố chấp" bảo lãnh nền độc lập của Ba Lan, nhìn nhận rằng đây là chính sách "bao vây". Đối với vấn đề Ba Lan, Hitler có hai phương án, hoặc nước này trở thành một quốc gia vệ tinh của Đức hoặc cần giữ trung lập để biên giới phía đông của Đức được đảm bảo, ngăn chặn nguy cơ bị Anh phong tỏa từ hai phía. Ban đầu, Hitler ủng hộ ý tưởng quốc gia vệ tinh, nhưng khi đề nghị này bị chính quyền Ba Lan khước từ, ông quyết định xâm lược và coi đây là mục tiêu ngoại giao chính của năm 1939. Ngày 3 tháng 4, Hitler chỉ thị quân đội chuẩn bị cho kế hoạch xâm lược Ba Lan, dự kiến sẽ tiến hành vào ngày 25 tháng 8 tới. Trong bài phát biểu trước quốc hội hôm 28 tháng 4, Hitler tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Hải quân Anh – Đức cũng như Hiệp ước bất tương xâm Đức – Ba Lan. Các sử gia như William Carr, Gerhard Weinberg và Ian Kershaw cho rằng một trong những lý do khiến Hitler vội vã lao vào cuộc chiến là vì sợ mình chết sớm. Ông nhiều lần khẳng định phải dẫn dắt nước Đức chinh chiến trước khi trở nên quá già, vì lo ngại rằng những người kế vị có thể sẽ không có ý chí kiên cường như ông.
Hitler lo ngại việc tấn công Ba Lan có thể gây ra một cuộc chiến tranh sớm với nước Anh. Tuy nhiên ngoại trưởng Joachim von Ribbentrop cam đoan cả Anh và Pháp sẽ không tôn trọng những cam kết của họ với Ba Lan. Theo đó, vào ngày 22 tháng 8 năm 1939, Hitler huy động quân đội chuẩn bị tấn công Ba Lan.
Để phòng ngừa tình trạng lưỡng đầu thọ địch ở cả phía Tây lẫn phía Đông như trong Thế chiến I, Đức đòi hỏi phải có được sự ủng hộ từ phía Liên Xô. Tuy có nhiều khác biệt trái ngược trong thế giới quan nhưng trên thực tế thì kể từ năm 1938, hai nước Xô – Đức đã bắt đầu tăng cường trao đổi quan hệ song phương. Trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao năm 1939 sau sự kiên Đức chiếm đóng Tiệp Khắc và vi phạm Hiệp ước München, hai nước Anh và Pháp cũng đã bắt đầu quan tâm đến việc thành lập một liên minh chống Hitler với Liên Xô. Tuy nhiên, cuộc đàm phán giữa các nước phương Tây và Liên Xô đã đi tới chỗ bế tắc do đôi bên có nhiều bất đồng. Về phía Liên Xô, chính sách đối ngoại của họ đã đảo ngược khi Vyacheslav Molotov lên thay Maxim Litvinov làm chính ủy ngoại giao. Molotov chấp thuận lời đề nghị của Ribbentrop về một hiệp định song phương. Đêm ngày 23 tháng 8, hai người thay mặt Hitler và Stalin ký kết hiệp ước bất tương xâm tại Moskva. Kèm theo hiệp ước là một nghị định thư bí mật được ký bổ sung, đồng ý phân chia Ba Lan, theo đó vùng phía Tây là của Đức, còn vùng phía Đông là của Liên Xô. Bên cạnh điều khoản trên, nghị định thư còn quy định các nước Đông Âu thuộc "vùng ảnh hưởng của Liên Xô". Hiệp ước Xô – Đức giải tỏa mối lo của Hitler, giúp ông có thể toàn tâm toàn ý tiêu diệt Ba Lan.
Trái với dự đoán của Ribbentrop, hai nước Anh, Ba Lan đã ký kết hiệp ước liên minh vào ngày 25 tháng 8 năm 1939. Tin tức này cộng việc Mussolini tuyên bố nước Ý chưa sẵn sàng cho chiến tranh buộc Hitler phải trì hoãn cuộc tấn công Ba Lan từ ngày 25 tháng 8 tới ngày 1 tháng 9. Ngày 25 tháng 8, nhằm đưa Anh vào thế trung lập, Hitler đề nghị nước này cam kết không xâm lược Đức nhưng không thành công. Sau đó ông chỉ dẫn Ribbentrop trình bày kế hoạch hòa bình phút chót với một giới hạn thời gian cực kỳ ngắn nhằm đổ lỗi Anh và Ba Lan đã không làm gì để cứu vãn nền hòa bình.
Chiến tranh bùng nổ
Ngày 1 tháng 9 năm 1939, Đức Quốc Xã phát động xâm lược miền Tây Ba Lan với lý do bị phía Ba Lan từ chối các yêu sách liên quan tới thành phố tự do Danzig cũng như quyền lợi đối với các tuyến đường băng qua hành lang Ba Lan, những thứ mà Đức bị buộc phải nhượng lại theo Hòa ước Versailles. Đáp trả, Anh và Pháp tuyên chiến với Đức vào ngày 3 tháng 9, khiến Hitler ngạc nhiên và giận dữ hỏi Ribbentrop: "Giờ thì sao?" Tuy nhiên, dù tuyên chiến với Đức nhưng cả Anh lẫn Pháp đều không làm gì để giúp Ba Lan. Tiếp đó, ngày 17 tháng 9, Liên Xô tiến hành xâm lược miền Đông Ba Lan.
Sự kiện Ba Lan thất thủ được tiếp nối bởi một giai đoạn mà các ký giả đương thời gọi là "Cuộc chiến tranh kỳ quặc" hay Sitzkrieg (Chiến tranh ngồi). Hitler chỉ thị hai Gauleiter (Thống đốc) mới được bổ nhiệm của vùng Tây Bắc Ba Lan, Albert Forster của Reichsgau Danzig-Tây Phổ và Arthur Greiser của Reichsgau Wartheland, tiến hành Đức hóa những khu vực do họ quản lý, nhưng không chỉ thị phải thực hiện quá trình này như thế nào. Tại địa bàn của Forster, người dân tộc Ba Lan chỉ việc ký vào đơn xác nhận rằng họ mang dòng máu Đức. Ngược lại, Greiser ủng hộ chính sách chủng tộc của Himmler và thực hiện chiến dịch thanh lọc sắc tộc đối với người Ba Lan. Greiser phàn nàn rằng Forster dễ dãi chấp nhận hàng ngàn người Ba Lan trở thành người Đức, gây nguy hại đến "sự thuần khiết chủng tộc" của người Đức. Vốn là người ra lệnh nhưng Hitler cố gắng không can dự tới vụ việc lần này. Đây là một ví dụ minh họa cho lý thuyết "làm việc theo ý lãnh tụ" khi mà Hitler ban hành những chỉ thị mơ hồ rồi mong chờ cấp dưới tự đưa ra các chính sách riêng.
Một cuộc tranh luận khác nổ ra giữa một bên đại diện bởi Heinrich Himmler và Greiser ủng hộ việc thanh lọc chủng tộc ở Ba Lan; còn bên kia do Göring và Toàn quyền Ba Lan Hans Frank đại diện, kêu gọi biến Ba Lan thành "vựa lúa" của Đức. Đến ngày 12 tháng 2 năm 1940, tranh cãi bước đầu dịu đi nghiêng về phía Göring – Frank, giúp chấm dứt các đợt trục xuất hàng loạt gây tổn hại về kinh tế. Ngày 15 tháng 10, Himmler phát hành một báo cáo có tựa "Một vài suy nghĩ về cách xử lý dân ngoại chủng ở phía đông" kêu gọi trục xuất toàn bộ số dân Do Thái châu Âu đến châu Phi và làm giảm dân số Ba Lan xuống còn "giai cấp lao động không có người lãnh đạo", được Hitler khen là "hay và đúng". Sau đó, Hitler phớt lờ ý kiến của Göring và Frank và cho thi hành chính sách của Himmler và Greiser ở Ba Lan.
Ngày 9 tháng 4 năm 1940, quân Đức tiến hành xâm lăng Đan Mạch và Na Uy. Cùng ngày, Hitler tuyên bố sự ra đời của Đế chế Đại Đức, một đế quốc thống nhất của các dân tộc German ở châu Âu, nơi mà người Hà Lan, Vlaanderen và Scandinavia cùng gia nhập một chính thể "thuần khiết về chủng tộc" dưới sự lãnh đạo của người Đức. Tháng 5 năm 1940, Đức tấn công Pháp và chinh phạt được Luxembourg, Hà Lan, Bỉ. Những thắng lợi này đã thúc đẩy Mussolini tham chiến theo phe Hitler vào ngày 10 tháng 6. Ngày 22 tháng 6, Pháp và Đức ký hiệp định đình chiến. Kershaw lưu ý rằng sự tín nhiệm của nhân dân dành cho Hitler – và sự ủng hộ của người Đức đối với cuộc chiến – đạt đỉnh tại thời điểm ông trở về Berlin vào ngày 6 tháng 7 sau chuyến công du Paris. Sau chiến thắng chóng vánh bất ngờ trước Pháp, Hitler thăng mười hai tướng lĩnh lên cấp thống chế trong Lễ phong chức Thống chế năm 1940.
Dù phải sơ tán binh lính khỏi Pháp từ Dunkerque bằng đường biển, Anh cùng các thuộc địa vẫn tiếp tục đối đầu với Đức trong trận Đại Tây Dương. Hitler đưa ra lời đề nghị hòa bình với vị lãnh đạo mới của nước Anh, Winston Churchill, nhưng bị khước từ. Trước sự chống trả của người Anh, Hitler ra lệnh tiến hành một loạt các cuộc không kích nhằm vào các căn cứ của Không quân Hoàng gia Anh và các trạm ra-đa ở miền Đông Nam nước này. Ngày 7 tháng 9, cuộc ném bom hàng đêm có hệ thống nhằm vào thủ đô Luân Đôn bắt đầu. Tuy nhiên, cuối cùng Luftwaffe cũng thất bại trước Không quân Hoàng gia Anh trong trận chiến nước Anh. Đến cuối tháng 9, Hitler nhận ra rằng ông không thể đạt được ưu thế trên không để phục vụ cho cuộc xâm lược Anh (trong Chiến dịch Sư tử biển) và ra lệnh hoãn chiến dịch. Các cuộc không kích ban đêm nhằm vào các thành phố lớn của Anh, bao gồm cả Luân Đôn, Plymouth và Coventry, tăng dần và tiếp diễn trong vòng nhiều tháng.
Ngày 27 tháng 9 năm 1940, nhà ngoại giao Kurusu Saburō của Đế quốc Nhật Bản, ngoại trưởng Ý Ciano và Hitler cùng ký Hiệp ước Ba bên. Về sau có thêm Hungary, Rumani, và Bulgari gia nhập tạo thành phe Trục. Nỗ lực kéo Liên Xô vào khối chống Anh của Hitler thất bại sau cuộc đàm phán bất phân thắng bại giữa Hitler và Molotov ở Berlin trong tháng 11. Không kéo được Liên Xô về phe mình, Hitler hạ lệnh cho quân đội chuẩn bị xâm lược Liên Xô.
Mùa xuân năm 1941, quân Đức được triển khai ở Bắc Phi, Balkan và Trung Đông. Tháng 2 năm 1941, quân Đức tới Libya để tăng viện cho Ý. Tháng 4, Hitler phát động cuộc xâm lược Nam Tư và một thời gian ngắn sau là Hy Lạp. Tháng 5 năm đó, Hitler xua quân chiếm đóng đảo Crete, gửi quân tới Iraq hỗ trợ lực lượng nổi dậy chống lại Anh.
Bước ngoặt của cuộc chiến
Ngày 22 tháng 6 năm 1941, vi phạm hiệp ước Molotov–Ribbentrop, 3 triệu quân phe Trục tấn công Liên bang Xô Viết. Cuộc tấn công này (mật danh chiến dịch Barbarossa) được phát động với ý đồ tiêu diệt Liên Xô cũng như chiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên để phục vụ các cuộc xâm lược sắp tới nhắm vào các nước phương Tây. Người Đức nhanh chóng chinh phục một vùng rộng lớn, bao gồm các nước cộng hòa Baltic, Belarus và miền tây Ukraina. Đến đầu tháng 8, quân đội phe Trục đã tiến sâu 500 km (310 dặm) vào lãnh thổ Liên Xô và giành chiến thắng trong trận Smolensk. Hitler lệnh Cụm tập đoàn quân Trung tâm tạm thời dừng tấn công thủ đô Moskva và điều các đội xe tăng đến hỗ trợ bao vây Leningrad và Kiev. Các tướng lĩnh phản đối sự thay đổi này, do lúc đó quân Đức chỉ còn cách thủ đô Liên Xô . Quyết định này của Hitler đã tạo nên một cuộc khủng hoảng trong giới lãnh đạo quân đội. Sự ngưng trệ này giúp Hồng quân Liên Xô có cơ hội huy động lực lượng dự bị mới; sử gia Russel Stolfi nhận định đây là một trong những yếu tố chính dẫn đến thất bại trong cuộc tấn công Moskva được tái khởi động vào tháng 10 năm 1941 và kết thúc thảm hại trong tháng 12. Trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng, Hitler tự bổ nhiệm mình làm người đứng đầu Oberkommando des Heeres (Bộ Tổng tư lệnh Lục quân).
Ngày 7 tháng 12 năm 1941, Hải quân Đế quốc Nhật Bản tấn công hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đóng tại Trân Châu Cảng, Hawaii. Bốn ngày sau, trong một bài phát biểu trước quốc hội, Hitler tuyên chiến với Hoa Kỳ.
Ngày 18 tháng 12 năm 1941, Himmler hỏi Hitler: "Giờ nên làm gì với bọn Do Thái ở Nga?", Hitler trả lời: "als Partisanen auszurotten" ("tiêu diệt như bọn kháng chiến"). Sử gia người Israel Yehuda Bauer nhận xét rằng trong số những dữ kiện mà giới học giả nắm được thì câu nói này của Hitler có thể được xem là mệnh lệnh tối hậu liên quan tới cuộc diệt chủng người Do Thái.
Cuối năm 1942, quân Đức bị đánh bại trong trận El Alamein thứ hai khiến kế hoạch đánh chiếm kênh đào Suez và Trung Đông của Hitler phá sản. Quá tự tin với chuyên môn quân sự của bản thân sau những chiến thắng thần tốc trước đó vào năm 1940, Hitler dần trở nên nghi ngờ Bộ Tư lệnh Tối cao và bắt đầu tự ý can thiệp vào việc lên kế hoạch quân sự lẫn chiến thuật, dẫn tới những hậu quả tai hại. Trong các tháng 12 năm 1942 và tháng 1 năm 1943, việc Hitler liên tục từ chối không cho lui binh trong trận Stalingrad dẫn đến việc Tập đoàn quân số 6 bị tiêu diệt gần như toàn bộ, với hơn 200.000 lính phe Trục tử trận và 235.000 người bị bắt làm tù binh. Tiếp đến là một thất bại chiến lược có tính quyết định trong trận Kursk. Đầu óc phán đoán quân sự của Hitler ngày càng trở nên thất thường; tình trạng sức khỏe của ông cũng như tình hình kinh tế và quân đội Đức thì ngày một xuống dốc.
Sau khi quân Đồng Minh xâm lược Sicilia vào năm 1943, Mussolini bị Quốc vương Victor Emmanuel III tước bỏ quyền lực sau một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của Đại Hội đồng Ý. Thống chế Pietro Badoglio, người được giao quyền điều hành chính phủ, đã nhanh chóng đầu hàng phe Đồng Minh. Trong suốt các năm 1943 và 1944, Liên Xô đã lật ngược thế cờ và khiến quân đội của Hitler phải rút lui trên toàn mặt trận phía đông. Ngày 6 tháng 6 năm 1944, Đồng Minh phương Tây đổ bộ vào miền bắc nước Pháp trong một trong những chiến dịch đổ bộ lớn nhất lịch sử – chiến dịch Overlord. Trước tình cảnh trên, nhiều sĩ quan Đức kết luận rằng thất bại là không thể tránh khỏi và đất nước sẽ bị hủy diệt hoàn toàn nếu Hitler vẫn tiếp tục nắm quyền.
Từ năm 1939 cho đến năm 1945, Hitler trở thành mục tiêu của nhiều kế hoạch ám sát; một vài trong số đó tiến triển ở mức độ đáng kể. Vụ ám sát nổi tiếng nhất, Âm mưu 20 tháng 7, không phải do bất kỳ thế lực ngoại quốc nào giật dây mà xuất phát từ bên trong nước Đức, phần nào được thúc đẩy bởi viễn cảnh quân Đức bại trận đang ngày một rõ rệt. Trong Chiến dịch Valkyrie, Đại tá Claus von Stauffenberg đặt một quả bom trong sở chỉ huy Wolfsschanze (Hang Sói) của Hitler tại Rastenburg (nay là Kętrzyn). Hitler may mắn thoát chết trong gang tấc vì sĩ quan tham mưu Heinz Brandt đã di chuyển chiếc cặp chứa bom ra sau một chân của bàn hội thảo lớn, làm chệch hướng phần lớn vụ nổ. Sau vụ ám sát hụt này, Hitler ra lệnh trả thù tàn bạo, khiến hơn 4.900 người bị hành quyết.
Thất bại và qua đời
Cuối năm 1944, cả Hồng quân Liên Xô lẫn Đồng Minh phương Tây đều trên đường tiến vào lãnh thổ Đức. Nhận thấy sức mạnh và sự quyết tâm của Hồng quân, Hitler quyết định sử dụng lực lượng dự bị cơ động còn lại để đối đầu với quân Anh, Mỹ mà ông cho là yếu hơn nhiều. Ngày 16 tháng 12, Hitler phát động chiến dịch Ardennes nhằm kích động sự chia rẽ trong khối Đồng Minh phương Tây và có thể cũng thuyết phục họ tham gia cuộc chiến chống Liên Xô. Cuộc tấn công thất bại tuy có đạt được một số thắng lợi nhất thời. Tháng 1 năm 1945, trong bối cảnh toàn nước Đức chỉ còn là đống đổ nát, Hitler phát biểu trên đài phát thanh: "Dù cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đến nhường nào vào lúc này, nhưng bất chấp tất cả, [cuộc khủng hoảng] vẫn sẽ được kiểm soát bởi ý chí kiên định của chúng ta." Cho rằng thất bại quân sự đồng nghĩa với việc nước Đức sẽ không còn quyền tồn tại, Hitler ra lệnh phá hủy tất cả cơ sở hạ tầng công nghiệp trong nước trước khi nó có thể rơi vào tay quân Đồng Minh. Bộ trưởng Vũ trang Albert Speer được giao phó nhiệm vụ thực thi chính sách tiêu thổ, nhưng ông đã bí mật không tuân lệnh. Hy vọng đàm phán hòa bình với Anh và Mỹ của Hitler được cổ vũ bởi cái chết của Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt vào ngày 12 tháng 4 năm 1945. Nhưng trái với kỳ vọng của ông, sự kiện này không gây ra rạn nứt giữa các nước Đồng Minh.
Vào ngày 20 tháng 4 và cũng là sinh nhật thứ 56 của mình, Hitler rời Führerbunker (boongke của lãnh tụ) lên mặt đất lần cuối. Trong khu vườn đổ nát của Phủ thủ tướng, ông trao huân chương Thập tự Sắt cho các người lính nhỏ tuổi thuộc Đoàn Thanh niên Hitler, những người đang chiến đấu chống lại Hồng quân tại mặt trận gần Berlin. Đến ngày 21 tháng 4, Phương diện quân Belorussia 1 của Nguyên soái Georgy Zhukov đã phá vỡ tuyến phòng thủ của Cụm tập đoàn quân Vistula trong trận Đồi Seelow và tiến vào ngoại ô Berlin. Không chấp nhận tình cảnh tồi tệ, Hitler đặt hy vọng vào Armeeabteilung Steiner (Biệt đội quân Steiner), một đội quân thiếu hụt cả quân số lẫn khí tài do tướng Felix Steiner chỉ huy. Steiner được lệnh phối hợp tấn công gọng kìm với Tập đoàn quân số 9. Hitler lệnh cho Steiner tấn công sườn bắc chỗ lồi của chiến tuyến bên phía Liên Xô, còn Tập đoàn quân 9 của Đức được lệnh đánh lên phía bắc để thực hiện một cuộc tấn công gọng kìm.
Trong một hội nghị quân sự vào ngày 22 tháng 4, Hitler hỏi về cuộc tấn công của Steiner và được biết rằng cuộc tấn công chưa được phát động, còn quân Liên Xô đã tiến vào Berlin. Hitler yêu cầu tất cả mọi người ra khỏi phòng ngoại trừ Wilhelm Keitel, Alfred Jodl, Hans Krebs và Wilhelm Burgdorf, rồi cho ra một tràng các câu chửi rủa sự phản bội và bất tài của các tướng lĩnh, đỉnh điểm là khi ông lần đầu tiên chấp nhận hoàn cảnh và tuyên bố rằng "mọi thứ đã mất". Hitler thông báo rằng mình sẽ ở lại Berlin cho đến cùng rồi sẽ dùng súng tự sát.
Đến ngày 23 tháng 4, Hồng quân Liên Xô đã bao vây Berlin, Goebbels phát đi thông điệp kêu gọi người dân cố thủ thành phố. Cũng trong hôm đó, Göring gửi một bức điện từ Berchtesgaden, viết rằng vì Hitler đã bị cô lập ở Berlin nên Göring sẽ đảm trách cương vị lãnh đạo nước Đức. Göring đặt ra một hạn chót, sau thời hạn ấy ông sẽ coi như Hitler không còn năng lực. Hitler phản ứng bằng cách cho bắt giam Göring; đồng thời trong di chúc và tuyên cáo chính trị cuối cùng viết ngày 29 tháng 4, ông tước bỏ tất cả chức vụ chính phủ của Göring. Ngày 28 tháng 4, Hitler phát hiện ra rằng Himmler, người đã rời Berlin từ ngày 20, đang cố gắng thương thảo đầu hàng với Đồng Minh phương Tây. Ông ra lệnh bắt giữ Himmler và xử bắn Hermann Fegelein (đại diện SS của Himmler tại Bộ chỉ huy của Hitler ở Berlin).
Qua nửa đêm ngày 29 tháng 4, Hitler kết hôn với Eva Braun trong một buổi lễ dân sự nhỏ tại Führerbunker. Cuối buổi chiều hôm đó, Hitler hay tin Mussolini đã bị phong trào kháng chiến Ý hành quyết ngày hôm trước. Điều này có lẽ đã khiến ông càng có thêm quyết tâm để không bị bắt.
Ngày 30 tháng 4 năm 1945, khi Hồng quân Liên Xô chỉ còn cách Phủ thủ tướng một đến hai khu nhà, Hitler dùng súng tự bắn vào đầu còn Braun thì cắn một viên nang cyanide tự tử. Thi thể của họ được đem ra khu vườn phía sau Phủ Thủ tướng, đặt vào một hố bom rồi tưới xăng lên. Hai thi thể được thiêu trong lúc Hồng quân tái khởi động các đợt pháo kích. Đại đô đốc Karl Dönitz và Joseph Goebbels lần lượt tiếp nhận vai trò nguyên thủ quốc gia và thủ tướng của Hitler.
Berlin đầu hàng vào ngày 2 tháng 5. Hồ sơ trong kho lưu trữ của Liên Xô thu được sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ cho thấy hài cốt của Hitler, Braun, Joseph và Magda Goebbels, sáu người con của Goebbels, tướng Hans Krebs và con chó của Hitler, đã bị chôn và khai quật lại nhiều lần. Năm 1946, hài cốt được khai quật một lần nữa và chuyển đến cơ sở mới ở Magdeburg của Tổng cục Phản gián SMERSH, rồi được chôn cất trong năm hộp gỗ vào ngày 21 tháng 2. Đến năm 1970, cơ sở này rơi vào tay KGB và dự kiến sẽ được chuyển giao cho Đông Đức. Sau khi được cấp trên cung cấp bản đồ chôn cất chi tiết, một đội KGB đã bí mật tiến hành khai quật hài cốt của mười hoặc mười một thi thể "trong tình trạng phân hủy nặng" vào ngày 4 tháng 4 năm 1970. Những hài cốt này đã bị thiêu rụi và nghiền nát hoàn toàn, tro được ném xuống sông Biederitz, một phụ lưu của sông Elbe gần đó. Theo Kershaw, lúc Hồng quân phát hiện ra, thi thể của Braun và Hitler đã thiêu rụi hoàn toàn, chỉ còn hàm dưới (răng được làm lại) mới có thể giúp nhận dạng chủ nhân của nó là Hitler.
Holocaust
Holocaust cùng cuộc chiến của Đức Quốc Xã ở phía đông khởi nguồn từ quan điểm cố hữu của Hitler rằng người Do Thái là kẻ thù của dân tộc Đức và "Không gian sống" là mục tiêu mà nhà nước quốc xã cần phải đạt được. Mục tiêu của Hitler là đánh bại Ba Lan và Liên Xô để bành trướng sang phía Đông Âu, rồi sau đó trục xuất hoặc tàn sát các dân tộc bản địa. (Kế hoạch tổng thể phía đông) vạch định kế hoạch giết bỏ hoặc trục xuất dân cư các vùng bị chiếm đóng ở Đông Âu và Liên Xô sang miền tây Siberia làm lao động khổ sai. Những vùng đất bị chinh phạt sẽ được cải tạo thành nơi định cư mới của dân tộc Đức hoặc người đã bị Đức hóa. Ban đầu Generalplan Ost được dự kiến sẽ triển khai sau khi Đức đánh bại Liên Xô, nhưng khi việc hiện thực hóa kế hoạch trở nên bất khả thi do quân Đức liên tục bại trận, Hitler đã đẩy mạnh công tác diệt chủng. Tháng 1 năm 1942, Hitler ra quyết định rằng các sắc dân Do Thái, Slav cùng những đối tượng khác được coi là "không xứng đáng được tồn tại" phải bị tiêu diệt một cách triệt để.
Himmler và Heydrich là hai người được Hitler tin tưởng giao phó nhiệm vụ tổ chức và triển khai kế hoạch diệt chủng. Những ghi chép về hội nghị Wannsee diễn ra ngày 20 tháng 1 năm 1942 do Heydrich chủ trì với sự góp mặt của 15 quan chức cấp cao là minh chứng rõ ràng nhất về kế hoạch triển khai Holocaust có hệ thống. Ngày 22 tháng 2, Hitler phát biểu: "Cách duy nhất để phục hồi sức mạnh của chúng ta là tiêu diệt bè lũ Do Thái". Tháng 7 năm 1941, trong một cuộc họp với các nhà lãnh đạo phía đông, Hitler nói cách dễ và nhanh nhất để bình định địa bàn là "bắn bỏ bất kỳ đứa nào nhìn khác" (ám chỉ ngoại hình). Tuy không có mệnh lệnh trực tiếp nào cho thấy Hitler bật đèn xanh cho việc giết người hàng loạt, song những lần phát biểu trước công chúng, những chỉ thị tới tướng lĩnh cùng ghi chép nhật ký của các quan chức quốc xã đã chứng minh rằng ông muốn diệt trừ tận gốc dân tộc Do Thái Âu châu. Trong thời chiến, Hitler liên tục phát biểu rằng lời tiên tri năm 1939 của ông đang trở thành sự thật, cụ thể là một cuộc chiến tranh thế giới sẽ đưa dân tộc Do Thái đến chỗ diệt vong. Hitler phê chuẩn cho phép các toán nã súng Einsatzgruppe theo chân Wehrmacht tiến vào lãnh thổ Ba Lan, các nước Baltic và Liên Xô để tàn sát và nhận báo cáo chi tiết về các hoạt động này. Tính đến mùa hè năm 1942, trại tập trung Auschwitz đã mở rộng quy mô để chứa được nhiều người hơn. Trong suốt cuộc chiến, có rất nhiều trại tập trung và trại vệ tinh mọc lên trên khắp lãnh thổ Đức Quốc Xã; một vài trong số đó chỉ dành riêng cho công tác diệt chủng.
Trong khoảng giai đoạn từ 1939 đến 1945, dưới sự hỗ trợ của các chính phủ hợp tác với phe Trục, Schutzstaffel (SS) đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cái chết của ít nhất 11 triệu thường dân, trong đó có 5,5 đến 6 triệu người Do Thái (tương đương khoảng 2/3 dân số Do Thái châu Âu) và từ 200.000 đến 1.500.000 người Di-gan. Rất nhiều người đã bỏ mạng trong các trại tập trung, trại hủy diệt, ghetto hoặc bị Einsatzgruppe xử bắn tập thể. Phần lớn nạn nhân Holocaust bị giết bằng khí độc, số khác thì chết vì đói, bệnh tật, hoặc do làm việc quá sức. Ngoài kế hoạch diệt chủng người Do Thái, chính quyền quốc xã còn lên kế hoạch bỏ đói 30 triệu dân Đông Âu bằng Hungerplan (Kế hoạch bỏ đói). Lương thực sẽ được phân phối cho quân đội và thường dân Đức. Thành thị sẽ bị san phẳng rồi lấy đất để trồng cây gây rừng hoặc để người Đức tới định cư. Hai kế hoạch Hungerplan và Generalplan Ost kết hợp với nhau dự kiến sẽ khiến 80 triệu dân Liên Xô chết đói. Tuy nhiên, do mới chỉ được hoàn thành một phần vào thời điểm Đức Quốc Xã đầu hàng năm 1945 nên hai kế hoạch trên mới "chỉ" khiến khoảng 19,3 triệu thường dân và tù binh thiệt mạng.
Những nạn nhân khác của các chính sách của Hitler bao gồm gần hai triệu thường dân Ba Lan không phải là người Do Thái, hơn ba triệu tù binh Liên Xô, các đối thủ chính trị, người đồng tính, người khiếm khuyết về trí tuệ và thể trạng, tín hữu Nhân chứng Jehovah, tín hữu Cơ đốc Phục lâm và thành viên công đoàn. Hitler chưa từng phát biểu công khai về hoạt động tàn sát và có lẽ cũng chưa đến thăm các trại tập trung bao giờ.
Những người quốc xã hưởng ứng và áp dụng khái niệm thanh lọc chủng tộc. Ngày 15 tháng 9 năm 1935, Hitler trình hai dự luật trước Quốc hội Đức, gọi là các luật Nürnberg. Hai luật này ngăn cấm các hành vi quan hệ tình dục và hôn nhân giữa người Do Thái và người Arya, về sau mở rộng sang các đối tượng "người Di-gan, người da đen hoặc con hoang của bọn họ". Luật còn tước bỏ tư cách công dân Đức của tất cả những người phi Arya và cấm phụ nữ phi Do Thái dưới 45 tuổi vào làm việc trong các gia đình Do Thái. Ngoài ra, Đức Quốc Xã còn thực hiện chương trình Aktion Brandt để hiện thực hóa chính sách ưu sinh nhắm vào trẻ em khuyết tật. Sau này, Hitler còn đích thân ủy quyền tiến hành một chương trình an tử gọi là Aktion T4 để kết liễu những người trưởng thành khuyết tật về mặt trí tuệ hoặc thể chất.
Chính sách xây dựng Đức Quốc Xã
Kể từ năm 1933, Hitler theo đuổi tham vọng biến Berlin trở thành "Thủ đô của Đế chế German dân tộc Đức" mang tên Germania – một Welthauptstadt (Thủ đô của thế giới). Albert Speer, người có công trong việc thực hiện diễn giải lại văn hóa Đức theo chủ nghĩa cổ điển của Hitler, được giao trọng trách đề ra các phương án cải tạo kiến trúc Germania. Trong quá trình lên kế hoạch, Speer phác thảo một Führerpalast (Dinh lãnh tụ) khổng lồ nằm bên sông Spree cho Hitler, người thường thể hiện mình là một người cần kiệm liêm chính trước công chúng. Trong số những công trình được lên kế hoạch, chỉ có phủ thủ tướng hoàn thành và đi vào sử dụng năm 1939. Germania dự kiến sẽ được bao quanh bởi một vành đai Autobahn, cắt ngang bởi hai con đường thẳng tắp theo trục nam–bắc thích hợp cho các buổi duyệt binh do chúng không giao nhau với bất kỳ con đường nào khác. Hầm chui dưới hai con đường này được khởi công năm 1939 song bị ngừng vào năm 1942 do thiếu nguyên vật liệu. Hitler tự nhận mình là một "kiến trúc sư xuất sắc" đã xây dựng nên Khu Đại hội Đảng Quốc Xã ở Nürnberg. Trong quá trình lập kế hoạch, Hitler đích thân đề xuất nhiều ý tưởng, bản phác thảo và thường xuyên ghé thăm công trường, nhưng rốt cuộc ông chỉ phê duyệt sáng kiến từ các cơ quan khác của Đảng Quốc Xã.
Dưới thời Hitler, mạng lưới đường Reichsautobahn được mở rộng trên quy mô lớn trong khuôn khổ Hitler-Programm với mục tiêu xóa bỏ nạn thất nghiệp hàng loạt. Thông qua một buổi lễ khởi công tổ chức vào ngày 23 tháng 9 năm 1933, Hitler thể hiện mình là người khai sinh ra hệ thống Autobahn. Tuy nhiên trên thực tế thì trước năm 1933, nước Đức đã có hai Autobahn đi vào hoạt động cùng nhiều tuyến đường khác được lên kế hoạch. Chính quyền quốc xã tuyên bố rằng họ đã giải quyết quốc nạn thất nghiệp khi mà chương trình mở rộng mạng lưới Autobahn đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 600.000 người. Tuy nhiên phần lớn sử gia ngày nay đều đồng thuận với nhau rằng số người trong lực lượng xây dựng trên thực tế chưa bao giờ vượt ngưỡng 150.000. Phần lớn công nhân đều bị ép nhận mức lương thấp, ai từ chối tham gia sẽ bị đưa vào trại tập trung. Hitler ban đầu đặt ra chỉ tiêu phải hoàn thành 1.000 km Autobahn mỗi năm. Tuy nhiên con số này chỉ đạt được giữa các năm 1936 và 1938, đến năm 1942 thì hầu như mọi dự án cầu đường đều phải dừng hẳn để phục vụ cho nền kinh tế chiến tranh. Tuy không thể hoàn thành lời hứa phát triển hệ thống giao thông nhưng đến tận năm 1945, Hitler vẫn ngộ nhận rằng ông đã thành công loại bỏ nạn thất nghiệp từ năm 1938 bằng các dự án Autobahn.
Phong cách lãnh đạo
Áp dụng cái gọi là (Nguyên tắc lãnh tụ), Hitler cai trị Đảng Quốc Xã một cách chuyên chế. Nguyên tắc này dựa vào sự phục tùng tuyệt đối của mọi cấp dưới đối với cấp trên. Hitler xem cấu trúc chính phủ là một kim tự tháp, còn ông là lãnh tụ tối cao đứng trên đỉnh. Chức vụ trong đảng không được định hình thông qua các cuộc bầu cử, mà các vị trí đều do một cấp trên đề bạt và bổ nhiệm. Những người này được yêu cầu chấp hành mọi mệnh lệnh, ý chí của Hitler trong mọi hoàn cảnh. Phong cách lãnh đạo của Hitler là đưa ra những mệnh lệnh mâu thuẫn dành cho thuộc cấp, đặt họ vào những vị trí khiến nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi cá nhân chồng chéo lên nhau, để có được "người tốt nhất làm được việc". Bằng cách này, Hitler nuôi dưỡng sự ngờ vực, cạnh tranh và đấu đá nội bộ giữa các cấp dưới để củng cố và tối đa hóa quyền lực của chính mình. Sau năm 1938, Nội các Hitler không hội họp bất kỳ một lần nào nữa và bản thân ông không khuyến khích các bộ trưởng nhóm họp riêng với nhau. Hitler thường không đưa ra mệnh lệnh bằng văn bản mà trực tiếp bằng lời nói, hoặc thông qua cộng sự thân cận Martin Bormann. Ông giao cho Bormann phụ trách công việc bàn giấy, sắp xếp các cuộc hẹn và quản lý tài chính cá nhân của mình. Với vị trí này, mọi luồng thông tin và việc tiếp cận Hitler đều do một tay Bormann kiểm soát.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, không một nhà lãnh đạo nào kiểm soát nỗ lực tham chiến nước nhà nhiều như Hitler. Ông giành quyền kiểm soát lực lượng vũ trang vào năm 1938 sau khi loại bỏ Thống chế Werner von Blomberg, từ đó tự đưa ra tất cả các quyết định quan trọng liên quan đến chiến lược quân sự của Đức. Nhiều quyết định của ông, bao gồm việc thực hiện một loạt các cuộc tấn công mạo hiểm vào Na Uy, Pháp và các nước Vùng đất thấp trái với lời khuyên của bộ chỉ huy quân đội, đều tỏ ra thành công. Tuy nhiên, những chiến lược ngoại giao và quân sự mà ông sử dụng nhằm giữ Anh Quốc nằm ngoài vòng chiến đều thất bại. Hitler can thiệp sâu hơn vào nỗ lực tham chiến bằng cách tự bổ nhiệm mình làm Tổng tư lệnh quân đội vào tháng 12 năm 1941. Kể từ thời điểm này, Hitler đích thân chỉ đạo cuộc chiến với Liên Xô trong khi các tướng tá quân sự vẫn giữ quyền tự quyết nhất định trong cuộc chiến với Anh và Hoa Kỳ. Mệnh lệnh của Hitler ngày càng trở nên xa rời thực tế khi cục diện của cuộc chiến đảo chiều. Việc Hitler ra quyết định chậm chạp hoặc ra lệnh cố thủ ở những vị trí bất lợi khiến chiến lược phòng thủ của quân đội Đức bị cản trở. Dẫu vậy Hitler vẫn luôn tin rằng chỉ có sự lãnh đạo của mình mới có thể mang lại thắng lợi chung cuộc cho nước Đức. Trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến, Hitler từ chối đàm phán hòa bình, cho rằng nước Đức bị hủy diệt là quyết định thích hợp hơn so với đầu hàng. Quân đội Đức không những không phản đối cố gắng kiểm soát nỗ lực chiến tranh của Hitler mà các sĩ quan cấp cao thường ủng hộ và ban hành những mệnh lệnh của ông.
Đời tư
Gia đình
Trước công chúng, Hitler tạo dựng hình ảnh một người đàn ông độc thân không màng tới chuyện gia đình, dành cả sự nghiệp cống hiến cho sứ mệnh chính trị của bản thân và quốc gia. Giữa những năm 1926 và 1931, Hitler có mối quan hệ tốt với Maria Reiter nhưng ông đã từ chối lời tỏ tình của bà.
Năm 1928, ông thuê một căn nhà ở phường Obersalzberg thuộc thị xã Berchtesgaden và đưa chị gái cùng cha khác mẹ là Angela Raubal cùng hai người cháu gái là Geli và Elfriede tới sống. Năm 1929, Hitler chuyển Geli tới sống trong căn hộ của ông ở München và ép cô phải cắt đứt mối quan hệ yêu đương với Emil Maurice, tài xế riêng của Hitler. Tháng 9 năm 1931, Geli tự kết liễu đời mình bằng khẩu súng cá nhân của Hitler. Nhiều người đương thời cho rằng hai cậu cháu có mối quan hệ tình ái, và cái chết của cô đã khiến Hitler phải đau khổ trong suốt một quãng thời gian dài. Người em gái Paula Hitler là thành viên cuối cùng còn sống trong gia đình trực hệ của Hitler, đã qua đời vào tháng 6 năm 1960.
Hitler gặp ý trung nhân Eva Braun lần đầu vào năm 1929. Kể từ tháng 1 năm 1932, hai người được cho là bắt đầu có tình cảm với nhau. Tuy nhiên, Hitler đã từ chối kết hôn với Braun khiến bà trở nên đau khổ và cố gắng tự sát. Sau sự kiện đó, Hitler và Braun chính thức trở thành một cặp, nhưng ông vẫn giữ kín chuyện yêu đương trước công chúng cho đến lúc qua đời. Hitler kết hôn với Braun vào ngày 29 tháng 4 năm 1945, chỉ một ngày trước khi cả hai tự sát.
Quan điểm tôn giáo
Hitler sinh ra trong gia đình có mẹ là tín đồ Công giáo sùng đạo còn cha là một người chống giáo hội. Sau khi rời nhà, ông không còn dự thánh lễ hay nhận bí tích. Trong hồi ký của mình, Albert Speer kể rằng Hitler thường đưa ra những luận điệu chống giáo hội trước các cộng sự chính trị. Mặc dù chưa bao giờ chính thức rời khỏi giáo hội Công giáo nhưng ông không có sự gắn kết với tổ chức này. Speer nói thêm rằng Hitler có cảm giác nếu thiếu đi một tôn giáo có tổ chức thì mọi người sẽ chuyển sang chủ nghĩa thần bí – điều mà ông cho là một bước thụt lùi. Một số ghi chép về đời sống cá nhân cho thấy Hitler thể hiện sự ngưỡng mộ dành cho Thần đạo. Theo Speer, Hitler tin rằng tín ngưỡng tôn giáo Nhật Bản này, hoặc chí ít là Hồi giáo, sẽ phù hợp với người Đức hơn là một Kitô giáo "nhu mì và uỷ mị".
Sử gia John S. Conway phát biểu rằng về cơ bản Hitler chống lại các giáo hội Kitô. Theo Bullock, Hitler không tin vào Chúa. Ông là một người chống giáo hội và khinh miệt đạo lý Kitô giáo vì cho rằng những thứ này đi ngược lại quan niệm "kẻ sống sót phù hợp nhất" mà ông ưa thích. Hitler ủng hộ các khía cạnh của đạo Tin Lành phù hợp với quan điểm của bản thân và chấp nhận một số yếu tố của giáo hội Công giáo, bao gồm một tổ chức có thứ bậc, sự phụng vụ và ngữ cú.
Đối với Hitler, giáo hội như một tác nhân chính trị bảo thủ quan trọng ảnh hưởng đến xã hội. Ông chấp nhận một mối quan hệ chiến lược giữa đôi bên, vì chúng "phù hợp cho những mục tiêu chính trị trước mắt". Trước công chúng, Hitler thường ca ngợi giáo hội Kitô giáo và văn hóa Kitô giáo Đức, nhưng đồng thời bày tỏ niềm tin vào một "Giê-su người Arya" chiến đấu chống lại người Do Thái. Tuy vậy, mọi luận điệu công khai ủng hộ Kitô giáo của Hitler đều mâu thuẫn với những phát biểu riêng tư của ông mô tả tôn giáo này là "ngu xuẩn" và "nhảm nhí".
Theo bản báo cáo "The Nazi Master Plan" của Cơ quan Tình báo chiến lược Hoa Kỳ (OSS), Hitler dự định triệt tiêu ảnh hưởng của các giáo hội Kitô giáo trong phạm vi nước Đức. Mục tiêu cuối cùng mà Hitler hướng đến là xóa bỏ hoàn toàn tôn giáo này. Mục tiêu này đã định hướng những bước đi của Hitler từ rất sớm, tuy nhiên ông thấy rằng việc bày tỏ quan điểm cực đoan này một cách công khai là không thích hợp. Theo Bullock, Hitler muốn chờ chiến tranh kết thúc rồi mới thực hiện kế hoạch này.
Speer viết rằng Hitler có cái nhìn tiêu cực về ý niệm thần bí của Alfred Rosenberg và Himmler, đặc biệt đối với nỗ lực thần bí hóa SS của Himmler. Hitler thực tế hơn và chú trọng vào những vấn đề thiết thực hơn.
Sức khỏe
Các nhà nghiên cứu đưa ra những chẩn đoán bệnh lý học khác nhau dành cho Hitler, cho rằng ông mắc phải một số loại bệnh như hội chứng ruột kích thích, bệnh da liễu, rối loạn nhịp tim, xơ vữa động mạch, bệnh Parkinson, giang mai, viêm động mạch tế bào khổng lồ và ù tai. Trong bản báo cáo sửa soạn cho Cơ quan Tình báo chiến lược Hoa Kỳ năm 1943, nhà phân tích tâm lý Walter C. Langer của Đại học Harvard mô tả Hitler là một "gã tâm thần rối loạn thần kinh". Trong cuốn The Psychopathic God: Adolf Hitler, sử gia Robert G. L. Waite cho rằng Hitler có thể bị rối loạn nhân cách ranh giới. Hai sử gia Henrik Eberle và Hans-Joachim Neumann cho rằng tuy mắc một số bệnh, bao gồm cả bệnh Parkinson, nhưng Hitler không cảm nhận ảo giác bệnh lý, luôn nhận thức đầy đủ và do đó chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình. Các giả thuyết về tình trạng sức khỏe của Hitler đều rất khó để chứng minh. Việc dồn sự chú ý vào chúng có thể khiến người ta cho rằng sự suy giảm sức khỏe thể chất của Hitler là tác nhân cho những sự kiện và hậu quả mà Đức Quốc Xã gây ra. Kershaw cảm thấy rằng mọi người nên nhìn nhận lịch sử nước Đức một cách bao quát hơn, bằng cách nghiên cứu các chính sách của chế độ Quốc Xã và xem xét, liệu những sức mạnh xã hội nào đã đặt nền móng cho chế độ độc tài của nó. Điều này sẽ tốt hơn là theo đuổi những cách thức lý giải hạn hẹp cho Holocaust và Chiến tranh thế giới thứ hai chỉ căn cứ vào một cá nhân duy nhất.
Tại thời điểm nào đó trong thập niên 1930, Hitler bắt đầu chuyển sang chế độ ăn mới mà chủ yếu là thức ăn chay. Từ năm 1942 trở đi, ông tránh tất cả các món thịt và cá. Tại các sự kiện xã hội, đôi lúc ông cho các khách mời dự tiệc xem những bức hình chụp lại cảnh giết mổ, sát hại động vật nhằm khiến họ xa lánh các món thịt. Bormann có một ngôi nhà kính gần Berghof (gần Berchtesgaden) để đảm bảo nguồn trái cây và rau quả tươi ổn định cho Hitler.
Hitler từ bỏ thức uống có cồn vào khoảng thời gian ông chuyển sang chế độ ăn chay và sau đó chỉ thỉnh thoảng uống bia hoặc rượu vào những dịp xã giao. Thời trẻ, Hitler từng là một người hút rất nhiều thuốc (25 đến 40 điếu mỗi ngày) nhưng về sau đã bỏ hút, gọi thói quen này là "một sự lãng phí tiền bạc". Ông khuyến khích những cộng sự thân cận của mình bỏ thuốc bằng cách trao tặng một chiếc đồng hồ vàng cho bất kỳ ai có thể từ bỏ thói quen này. Hitler bắt đầu sử dụng hồng phiến (amphetamin) một cách hạn chế từ sau năm 1937 và đến cuối năm 1942 thì trở nên phụ thuộc vào chất kích thích này. Speer liên hệ việc sử dụng hồng phiến với lối hành xử ngày một thất thường và những quyết định cứng nhắc mà Hitler đề ra (chẳng hạn ông hiếm khi cho phép quân đội rút lui).
Trong những năm chiến tranh, Hitler được bác sĩ riêng là Theodor Morell kê tới 90 loại thuốc khác nhau. Ông uống nhiều viên mỗi ngày để điều trị các bệnh mãn tính về dạ dày cũng như các chứng bệnh khác. Ông thường xuyên sử dụng các chất kích thích như hồng phiến, barbiturat, thuốc có thuốc phiện và cocain, cũng như kali bromide và atropa belladonna. Vụ đánh bom ám sát ngày 20 tháng 7 năm 1944 khiến Hitler bị vỡ màng nhĩ và bị 200 mảnh gỗ vụn găm vào chân. Các thước phim thời sự về Hitler cho thấy tay trái ông bị run và có dáng đi lê chân. Những biểu hiện này bắt đầu xuất hiện từ những năm trước chiến tranh và trở nên tồi tệ trong những ngày tháng cuối đời. Ernst-Günther Schenck cũng như một số bác sĩ từng gặp Hitler trong những tuần cuối cùng trước khi chết đều đưa ra chẩn đoán về căn bệnh Parkinson.
Di sản
Việc Hitler tự sát được người đương thời ví như "bùa mê" được giải. Sự ủng hộ của quần chúng dành cho Hitler đã sụp đổ vào thời điểm ông qua đời và không nhiều người Đức tiếc thương sự ra đi của ông. Kershaw cho rằng hầu hết thường dân và quân nhân đều quá bận rộn với việc giải quyết hậu quả chiến tranh hoặc trốn chạy trước bom đạn chứ không còn thời gian để lo nghĩ đến những chuyện khác. Theo sử gia John Toland, chủ nghĩa quốc gia xã hội đã "vỡ tung như bong bóng" khi mất đi người lãnh đạo.
Kershaw mô tả Hitler là "hiện thân của cái ác chính trị hiện đại" và bổ sung thêm rằng "chưa bao giờ trong lịch sử, sự hủy diệt – [về mặt] thể chất lẫn đạo đức – lại gắn liền với tên tuổi của một con người như vậy". Chương trình chính trị của Hitler đã dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới, để lại một vùng Đông và Trung Âu bị tàn phá và kiệt quệ. Bản thân nước Đức bị tàn phá nặng nề, phác họa bằng (Lúc 0 giờ). Các chính sách của Hitler mang tới cảnh đau thương tang tóc cho nhân loại ở quy mô chưa từng thấy. Theo nhà chính trị học R. J. Rummel, chế độ Quốc Xã là thủ phạm diệt chủng ước tính 19.3 triệu thường dân và tù binh. Bên cạnh đó, 28,7 triệu binh lính và dân thường đã thiệt mạng bởi tác động trực tiếp của các hoạt động quân sự ở chiến trường châu Âu của Thế chiến II. Với số thương vong vô tiền khoáng hậu, Thế chiến thứ hai là cuộc xung đột đẫm máu nhất lịch sử nhân loại. Các sử gia, triết gia, và chính trị gia thường dùng từ "ác quỷ" để mô tả chế độ Quốc Xã. Trong thời đại ngày nay, mọi hành vi cổ xúy chủ nghĩa quốc xã lẫn phủ nhận Holocaust đều bị nhiều nước châu Âu coi là phạm pháp và có thể bị truy tố hình sự.
Sử gia người Đức Friedrich Meinecke mô tả Hitler là "một trong những ví dụ tiêu biểu nhất về sức mạnh phi thường và khôn lường của nhân cách trong đời sống lịch sử". Sử gia người Anh Hugh Trevor-Roper xem ông là "kẻ chinh phạt có hệ thống nhất, biến thiên nhất, triết lý nhất, đồng thời cũng bất nhã nhất, hung tàn nhất, hẹp hòi nhất mà nhân loại từng biết đến". Theo sử gia John M. Roberts, thất bại của Hitler đã đánh dấu chấm hết của một giai đoạn lịch sử châu Âu do Đức thống trị. Thế giới bước vào kỷ nguyên mới mang tên Chiến tranh Lạnh, một cuộc đối đầu giữa Khối phía Tây dẫn đầu bởi Hoa Kỳ và các nước NATO khác và Khối phía Đông do Liên Xô chi phối. Sử gia Sebastian Haffner quả quyết rằng nếu không có Hitler và hoạt động chuyển dịch dân Do Thái thì nhà nước Israel ngày nay sẽ không tồn tại. Ông cũng cho rằng nếu không có Hitler, quá trình phi thực dân hóa các vùng ảnh hưởng của châu Âu trước đây sẽ bị trì hoãn. Thêm vào đó Haffner còn khẳng định rằng ngoài Alexandros Đại đế ra, tầm ảnh hưởng của Hitler lớn hơn bất kỳ nhân vật lịch sử nào khác khi mà ông đã gây ra một loạt thay đổi trên toàn thế giới chỉ trong một quãng thời gian tương đối ngắn. |
Bò sát có thể là:
Một lớp động vật, lớp Bò sát
Một động từ để chỉ di chuyển với phần bụng nằm sát mặt đất |
Dương vật là bộ phận sinh dục chính mà động vật giống đực sử dụng để phối giống cho bạn tình tiếp nhận qua đường tình dục (thường là giống cái và lưỡng tính) trong quá trình giao phối với nhau. Các cơ quan như vậy xảy ra ở nhiều loài động vật, cả động vật có xương sống và không xương sống, nhưng con đực không phải lúc nào cũng mang dương vật ở mọi loài động vật và ở những loài mà con đực có cái gọi là dương vật, dương vật ở các loài khác nhau không nhất thiết phải tương đồng. Ví dụ, dương vật của động vật có vú gần giống với dương vật của côn trùng giống đực hoặc con hà giống đực.
Thuật ngữ dương vật áp dụng cho nhiều cơ quan nội tạng, nhưng không phải tất cả; ví dụ, cơ quan nội tạng của hầu hết các động vật chân đầu là haocotylus, một cánh tay chuyên biệt và nhện đực sử dụng chân của chúng. Ngay cả trong động vật có xương sống cũng có các biến thể hình thái của dương vật với thuật ngữ cụ thể, chẳng hạn như bán dương vật.
Trong hầu hết các loài động vật mà có một cơ quan có thể được mô tả một cách hợp lý là dương vật, nó không có chức năng chính nào ngoài sự xâm nhập, hoặc ít nhất là truyền tinh trùng cho con cái, nhưng ở động vật có vú, dương vật có chứa một thành phần niệu đạo, thải ra nước tiểu trong khi tiểu tiện và phóng ra tinh dịch trong quá trình giao hợp.
Động vật có xương sống
Chim
Hầu hết các con chim đực (ví dụ, gà trống và gà tây) có một lỗ huyệt (cũng có trên con cái), nhưng không phải là một dương vật. Trong số các loài chim có dương vật là paleognathes (tinamous và chuột) và họ Vịt (vịt, ngỗng và thiên nga). Một dương vật chim có cấu trúc khác với dương vật của động vật có vú, là một sự mở rộng cương cứng của thành lỗ huyệt và được tạo thành do bạch huyết, không phải máu. Nó thường có lông một phần và ở một số loài có gai và sợi giống như bàn chải, và ở trạng thái mềm mại cuộn tròn bên trong lỗ huyệt. Vịt hồ (còn gọi là vịt xanh Argentina) có dương vật lớn nhất so với kích thước cơ thể của tất cả các loài động vật có xương sống; trong khi dương vật thường dài khoảng một nửa kích thước cơ thể (20 cm), mẫu vật vịt có dương vật dài 42,5 cm đã được ghi lại.
Trong khi hầu hết các con chim đực không có bộ phận sinh dục bên ngoài, chim nước đực (họ Vịt) có một dương vật. Hầu hết các loài chim giao phối với những con đực giữ thăng bằng trên đầu con cái và chạm vào lỗ huyệt trong một "nụ hôn lỗ huyệt"; Điều này làm cho việc thụ tinh mạnh mẽ rất khó khăn. Dương vật mà chim nước đực đã tiến hóa trồi ra khỏi cơ thể của chúng (như một cuộn dây xoắn theo chiều kim đồng hồ) và hỗ trợ trong việc thụ tinh con cái mà không cần sự hợp tác của chúng. Sự tiến hóa của chim nước đối với một con vẹt để giao hợp mạnh mẽ với con cái đã dẫn đến sự phản tác dụng ở con cái dưới dạng cấu trúc âm đạo gọi là túi chết và cuộn dây theo chiều kim đồng hồ. Những cấu trúc này làm cho con đực khó xâm nhập hơn. Các cuộn dây theo chiều kim đồng hồ có ý nghĩa bởi vì dương vật con đực thoát ra khỏi cơ thể theo hình xoắn ốc ngược chiều kim đồng hồ; do đó, một cấu trúc âm đạo theo chiều kim đồng hồ sẽ cản trở giao hợp ép buộc. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng dương vật của con đực càng dài thì cấu trúc âm đạo của con cái càng phức tạp.
Vịt hồ là đáng chú ý do sở hữu dương vật dài nhất trong tất cả các động vật có xương sống khi tính đến chiều dài cơ thể. Dương vật của chúng thường được cuộn lại ở trạng thái mềm, có thể đạt chiều dài tương đương với bản thân con vật khi cương cứng hoàn toàn, nhưng thường có độ dài khoảng một nửa chiều dài của con vịt đó. Giả thuyết cho rằng kích thước đáng chú ý của dương vật có gai của chúng với đầu lông có thể đã tiến hóa để đáp ứng với áp lực cạnh tranh ở những con chim quan hệ tình dục rất bừa bãi này, nhằm loại bỏ tinh trùng của các con đực khác từ những lần giao phối trước đó theo cách của một chiếc bàn chải.
Con đực và con cái ở loài đà điểu Emu có hình dáng tương tự nhau, mặc dù dương vật của con cái có thể có thể nhìn thấy được khi nó đại tiện.
Tinamou đực có một dương vật hình xoắn ốc, tương tự như của những con chuột và bán dương vật của một số loài bò sát. Con cái có một cơ quan giống như dương vật nhỏ ở lỗ huyệt, mà trở nên lớn hơn trong mùa sinh sản.
Động vật có vú
Giống như bất kỳ thuộc tính cơ thể nào khác, chiều dài và đường kính của dương vật có thể rất khác nhau giữa các động vật có vú thuộc các loài khác nhau. Ở nhiều động vật có vú, kích thước của dương vật mềm hơn kích thước cương cứng của nó. So sánh về kích thước tuyệt đối, dương vật có xương sống nhỏ nhất thuộc về loài chuột thông thường (5 mm hoặc 0,2 inch).
Hình ảnh |
Trung tiện là phản ứng thải khí ra khỏi ruột qua đường hậu môn của cơ thể. Trong ngôn ngữ thường nhật, phản ứng này có nhiều tên gọi như: xì hơi, rắm (phương ngữ của Bắc Bộ), địt (phương ngữ của Nam bộ), hoặc "thả bom" (nói tránh).
Khi trung tiện, hậu môn mở rộng, cùng lúc khí hôi thối tích tụ trong ruột già sẽ bị đẩy ra. Thường hành động này tạo ra một tiếng động. Trung tiện còn có thể là một dấu hiệu dự báo đại tiện hoặc cho biết ruột của người bệnh sau khi qua phẫu thuật đã thông. Trung tiện là hoạt động sinh lý cơ bản của con người. Tuy nhiên hoạt động này đôi khi gây bất tiện cho người thực hiện và gây khó chịu cho những người đang ở xung quanh.
Trung tiện giúp thoát khỏi tình trạng đầy bụng; có tác động tốt tới đường ruột và giúp cảnh báo một số bệnh.
Thành phần trung tiện gồm: Nitơ từ 20 đến 90%, hydro từ 20 đến 30%, cacbon mônôxít: 10-30%, O2: 0-10%, mêtan (CH4): 0-10%. Mùi của trung tiện là mùi cặn bã từ trực tràng và ruột già bị đẩy ra ngoài. Hydro sulfide H2S là hóa chất làm cho trung tiện có mùi của trứng thối.
Nguyên nhân
Quá trình tiêu hóa có thể mất đến 42 giờ, gây ra khí trong ruột. Phần lớn khí này khuếch tán vào máu và được thải ra qua phổi. Trung tiện thực tế là sự thặng dư khí khoảng 0,5 đến 1,5 lít mỗi ngày, mà không đào thải theo cách này. Nguyên nhân có thể là thành phần của thức ăn hoặc triệu chứng khó tiêu. |
Đại tiện (hay tiêu, ỉa, ị, đi ngoài, đi cầu, đi nặng) là một hoạt động của hệ tiêu hoá thông qua hậu môn. Chất cặn bã từ thức ăn còn thừa lại sau giai đoạn tiêu hóa sẽ ra khỏi ruột già qua ruột thẳng và đi xuống hậu môn để thải ra ngoài. Sản phẩm của đại tiện thường ở thể rắn và được gọi là phân. |
Hậu môn (tiếng Anh: Anus) là một cơ quan của hệ tiêu hóa. Nó đồng thời cũng nằm ở đoạn cuối của hệ tiêu hóa. Hậu môn nằm ở giữa hai mông. Nó được dùng để phóng thích chất cặn bã được gọi là phân của cơ thể ra ngoài.
Hậu môn là phần cuối của ruột già, có chiều dài không quá 5 cm, kết nối với phần cuối của ruột kết. Chức năng chính của ruột kết là tái hấp thu nước từ thức ăn đã qua xử lý ở dạ dày, để khi đến hậu môn sẽ chuyển thành phân.
Ống hậu môn được cấu tạo bằng hai loại cơ vòng, lớp cơ vòng phía ngoài luôn đóng khít lỗ hậu môn cho đến khi có nhu cầu đi đại tiện. Ngoài ra còn có một hệ thống mạch máu và thần kinh rất phong phú, các tĩnh mạch ở trong vách hậu môn thường phình giãn tạo nên những búi trĩ.
Những cơ vòng này quấn quanh hậu môn và trực tràng. Cơ trong là một phần của thành ruột kết và là loại cơ vô cảm. Cơ ngoài nằm dưới lớp bì hậu môn, có nhiều sợi thần kinh cảm giác và vận động, giúp giữ chặt phân và hơi có trong trực tràng. Nó cũng sẽ tự động co lại khi có vật lạ từ bên ngoài xâm nhập hậu môn, phản xạ này nằm ngoài khả năng kiểm soát của ý chí và lỗ hậu môn chỉ mở ra khi có một áp lực đè ấn liên tục. |
Địt trong tiếng Việt có thể là:
Trong phương ngữ miền Bắc: mang ý nghĩa tục tĩu chỉ hành động quan hệ tình dục hoặc giao hợp.
Trong phương ngữ miền Trung và miền Nam: thải hơi trong ruột qua hậu môn (đồng nghĩa: trung tiện, đánh rắm) |
Theo Thuyết tương đối rộng, Lỗ trắng là một vùng không gian của Thời Không và Điểm Kì Dị, nơi phóng ra vật chất, Năng lượng, Ánh sáng, Thông tin nhưng không thứ gì có thể tiến vào nó. Theo nghĩa này, Lỗ Trắng ngược lại với Lỗ Đen vốn hút mọi vật chất.
Lỗ Trắng xuất hiện trong lý thuyết về các Lỗ đen vĩnh cửu kết nối nhau qua Lỗ sâu Schwarzschild hoặc Cầu Einstein–Rosen.
Một Lỗ Trắng còn được miêu tả bằng việc quan sát Lỗ Đen với thời gian đi ngược lại quá khứ. Thuyết tương đối rộng là đối xứng theo thời gian. Các phương trình về trạng thái cân bằng trong lý thuyết này đều có hai nghiệm tương ứng với hai chiều thời gian. Nếu áp dụng quy luật này cho phương trình cho ra nghiệm miêu tả lỗ đen với chiều thời gian dương, kết quả thu được khi nghịch đảo thời gian là Lỗ Trắng.
Bởi vì một lỗ đen là một vùng không gian mà không một vật nào có thể thoát khỏi nó, đối nghịch theo thời gian của một lỗ đen là một vùng không gian mà không một vật nào có thể rơi vào đó. Một lỗ đen chỉ có thể nuốt vật khác vào, một lỗ trắng chỉ có thể phun vật khác ra từ trong lỗ đen. [cần dẫn nguồn]
Lỗ Trắng được đề xuất lần đầu bởi nhà Thiên Văn Học Xô Viết Igor Novikov năm 1964.
Các lỗ trắng hoàn toàn tồn tại trên lý thuyết toán học nhờ sự đối xứng của thuyết tương đối rộng, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng hiện đang tồn tại trong tự nhiên. Trên thực tế chúng hầu như không thể tồn tại, bởi vì không có cách nào đảo ngược thời gian để tạo ra một lỗ như thế. Và, vì lỗ đen hút vật chất và biến vật chất đó thành một phần của nó, còn lỗ trắng phun vật chất ra, không khác gì đang phun các bộ phận của nó ra, khiến nó khó có thể tồn tại, dù chỉ một giây
Có quan niệm cho rằng, Vụ nổ lớn, sự khởi đầu của Vũ Trụ chính là một lỗ trắng, vì ở không-thời gian lúc đó, chỉ có vật chất và năng lượng được phun ra . Bởi chỉ có sự hào phóng của hố trắng mới có thể tạo ra nhiều vật chất đến như vậy.
Nhưng cho đến tận ngày nay, "hố trắng" vẫn chỉ tồn tại trong tưởng tượng của các nhà khoa học, con người chưa hề quan sát thấy bất kì một chứng cứ nào chứng minh sự tồn tại của "hố trắng". |
Khăn quàng đỏ có thể là:
Khăn quàng đỏ: một loại đồng phục của đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam
Rạp Khăn quàng đỏ: tên một rạp hát nằm trong Cung Văn hóa Thiếu nhi ở Hà Nội |
Trong vật lý, một lỗ sâu (tiếng Anh: wormhole), lỗ giun, hay Cầu Einstein-Rosen là một không-thời gian được giả định là có cấu trúc tô pô đặc biệt tạo nên đường đi tắt trong không thời gian. Chúng nối thông từ một vùng không-thời gian này đến vùng kia và đôi khi, vật chất đi từ vùng này sang vùng kia bằng cách chui qua hố này.
Tên gọi "lỗ sâu" được tạo ra khi tưởng tượng rằng vũ trụ là một bề mặt cầu. Muốn đi từ một điểm đến điểm đối diện trên mặt cầu cần quãng đường là nửa chu vi đường tròn lớn của mặt cầu. Tuy nhiên, nếu có một con sâu đục lỗ xuyên vào trong lòng hình cầu, nối thẳng hai điểm, quãng đường đi chỉ còn là đường kính mặt cầu.
Trong không thời gian, một hố giun có thể giúp đi qua các khoảng cách rất lớn, thậm chí đi tới một "vũ trụ khác". Có thể sự tồn tại của hố giun trải dọc chiều thời gian, đi qua quá khứ, vì thế có thể đi ngược thời gian bằng cách đi qua nó.
Một ví dụ về cơ chế sinh ra lỗ sâu đã được tưởng tượng cho bên trong lòng các lỗ đen tích điện và quay (có mô men động lượng). Tuy nhiên, chưa có bằng chứng thực nghiệm về sự tồn tại của các lỗ sâu, các lỗ sâu hầu như không tồn tại. Ngay cả khi một lỗ sâu có thể được hình thành, như theo cơ chế ở trên, nó sẽ không ổn định; chỉ một tác động nhỏ, bao gồm việc vật chất chui qua nó, cũng làm nó sụp đổ. Thậm chí nếu các lỗ sâu tồn tại và ổn định, việc con người có thể đi qua chúng cũng rất khó khăn, do bức xạ điện từ đổ vào trong lỗ sâu (từ các ngôi sao, màn vi sóng vũ trụ,...) sẽ dịch chuyển sang tần số cực cao với năng lượng tập trung lớn, phá hủy sự sống.
Hình dạng
Để đơn giản hóa khái niệm của lỗ sâu, không gian có thể được hình dung như một mặt phẳng 2D. Lúc này, lỗ sâu sẽ xuất hiện như một cái hố ở trong mặt phẳng ấy, tạo ra một cái ống 3D (mặt phẳng bên trong là của ống hình trụ), sau đó nối lại với một vị trí khác ở trên mặt phẳng 2D đó bằng một cái hố cũng tương tự như vậy ở lối vào. Một cái lỗ sâu thực sự sẽ giống như vậy, nhưng chỉ được dựng với một chiều không gian. Ví dụ như thay vì một cái hố hình tròn trên mặt phẳng 2D, những điểm vào hoặc ra có thể được hình dung như những cái hố hình cầu ở trong không gian 3D.
Một cách khác để tưởng tượng một lỗ sâu là lấy một tờ giấy và vẽ hai điểm bất kỳ cách xa nhau trên một mặt của tờ giấy. Tờ giấy lúc này đại diện cho mặt phẳng không-thời gian, và hai điểm đại diện cho một khoảng cách cần di chuyển, nhưng về lý thuyết thì lỗ sâu có thể kết nối hai điểm này bằng cách gập mặt phẳng (trong trường hợp này là tờ giấy) để cho hai điểm gặp nhau. Bằng cách này, ta sẽ dễ dàng di chuyển qua khoảng cách này bởi vì hai điểm lúc này đã gặp nhau.
Định nghĩa
Cho một không gian compact thuộc không-thời gian (spacetime), với giới hạn tô pô tầm thường, nhưng bên trong không đơn giản liên thông. Chuẩn hóa ý tưởng này có được giả thiết sau, nằm trong Lỗ sâu Lorentz của Matt Visser.
Miêu tả về một lỗ sâu liên vũ trụ (inter-universe wormholes) có phần khó hơn. Chúng ta có thể tưởng tượng có một vũ trụ 'con' được nối với một vũ trụ 'cha' thông qua một 'điểm rốn'. Có thể coi điểm rốn là miệng của lỗ sâu nhưng không-thời gian là liên tục nên điều đó không hoàn toàn đúng.
Các dạng lỗ sâu
Lỗ sâu liên vũ trụ nối một vị trí này với một vị trí khác trong cùng vũ trụ. Một lỗ sâu có thể kết nối những vị trí cách xa nhau trong vũ trụ bằng cách bẻ cong không-thời gian, cho phép di chuyển giữa các vị trí đó nhanh hơn di chuyển trong không gian bình thường. Điều này được minh họa bởi hình bên. Lỗ sâu liên vũ trụ Một lớp chung của các giải pháp thu được mô tả một hệ thống lỗ sâu đối xứng hình cầu. Sự hiện diện của các hàm tùy ý cho phép người ta mô tả vô hạn nhiều hệ thống lỗ sâu loại này. Nguồn năng lượng ứng suất hỗ trợ cấu trúc bao gồm một sao lùn nâu dị hướng sao kết hợp trơn tru với chân không và có thể có hằng số vũ trụ tùy ý. Nó đã được chứng minh làm thế nào tập hợp các giải pháp này cho phép mật độ năng lượng khác không và do đó cho phép khối lượng sao tích cực cũng như cách vi phạm các điều kiện năng lượng có thể được giảm thiểu. Không giống như các ví dụ được xem xét cho đến nay, sự nhấn mạnh ở đây được đặt vào việc xây dựng bằng cách thao túng trường vật chất trái ngược với số liệu. Sơ đồ này thường là vật lý hơn phương pháp hình học thuần túy. Cuối cùng, các ví dụ rõ ràng được xây dựng bao gồm một ví dụ cho thấy có thể kết nối nhiều vũ trụ kín bằng các lỗ sâu như vậy. Số lượng vũ trụ được kết nối có thể là hữu hạn hoặc vô hạn,Trong bài báo này tôi trình bày một không thời gian của hai vũ trụ mở được kết nối bởi một lỗ giun Lorentzian. Không thời gian có các tính năng sau: (1) Nó có thể giải chính xác các phương trình Einstein; (2) Điều kiện năng lượng yếu được thỏa mãn ở mọi nơi; (3) Nó có cấu trúc liên kết R ^ 2 \ lần T_g (g \ ge 2); (4) Nó không có chân trời sự kiện. Điều này đặt ra câu hỏi liệu có loại lỗ sâu cho phép di chuyển từ một vũ trụ này sang một vũ trụ khác hay không. Một lỗ sâu nối giữa những vũ trụ đóng gọi là lỗ sâu Schwarzschild wormhole. Một ứng dụng có thể khác của lỗ sâu là du hành xuyên thời gian, trong đó, hố giun nối một điểm trong không-thời gian với một điểm khác. Trong lý thuyết dây, lỗ sâu được mường tượng là nhân tố nối hai D-brane với hai miệng nằm trên mỗi brane mà được nối bới một ống từ (flux tube) . Ngoài ra, lỗ sâu còn được coi là một phần của spacetime foam . Có hai loại lỗ sâu chính: lỗ sâu Lorentz và lỗ sâu Euclid. Lỗ sâu Lorentz được nghiên cứu bởi ngành trọng lực học bán cổ điển (semiclassical gravity) còn lỗ sâu Euclid được nghiên cứu trong vật lý phân tử. Lỗ sâu khả chuyển (traversible wormholes) là một loại lỗ sâu Lorentz đặc biệt cho phép con người đi từ phía này đến phía kia. Sergey Krasnikov đã đề ra thuật ngữ lối tắt không-thời gian (spacetime shortcut) làm định nghĩa chung cho lỗ sâu (khả chuyển) và các hệ thống đẩy cho phép di chuyển những khoảng cách cực xa trong những khoảng thời gian cực ngắn như động cơ Alcubierre và ống Krasnikov.
Cơ sở lý thuyết
Lỗ sâu có thể đi qua được
Lỗ sâu và vấn đề di chuyển nhanh hơn vận tốc ánh sáng
Lỗ sâu và vấn đề đi ngược thời gian
Lỗ sâu Schwarzschild
Lỗ sâu Schwarzschild hay Einstein-Rosen bridges là những cây cầu bắc giữa các vùng khác nhau của vũ trụ, có thể được xem như giải pháp chân không cho các phương trình Einstein khi kết nối hố đen với hố trắng.
Metrics của lỗ sâu
Lỗ sâu là một đa tạp ba chiều topo dị thường (tiếng Anh: three-manifold of nontrivial topology)
Lỗ sâu trong tiểu thuyết, phim ảnh |
Italo Calvino (1923–1985) là nhà văn hậu hiện đại người Ý.
Ông sinh tại Santiago de Las Vegas, Cuba ngày 15 tháng 10 năm 1923. Ông là con của hai nhà thực vật học Mario Calvino và Evelina Mameli (cháu của Goffredo Mameli) và em trai của Floriano Calvino, nhà địa chất học nổi tiếng. Khi còn trẻ, ông chuyển đến quê hương nước Ý và ở đấy gần suốt đời. Italo Calvino qua đời ngày 19 tháng 9 năm 1985. Năm 1976 ông được trao Giải quốc gia Áo cho Văn học châu Âu.
Tác phẩm
Con đường đến tổ nhện (Il sentiero dei nidi di ragno, 1947) tiểu thuyết
Adam, một buổi chiều tà và những truyện khác (Adam, One Afternoon and Other Stories, 1949) tập truyện ngắn
Bộ ba Tổ tiên của chúng ta
Tử tước chẻ đôi (Il visconte dimezzato, 1952)
Nam tước trên cây (Il barone rampante, 1956 - 1957)
Hiệp sĩ không hiện hữu (Il cavaliere inesistente, 1959)
Truyện cổ Ý (Fiabe Italiane, 1956) bộ sưu tập truyện dân gian
Lâu đài của những số phận trái ngược (Il castello dei destini incrociati, 1969) tiểu thuyết
Những thành phố vô hình (Le città invisibili, 1972) tiểu thuyết
Nếu một đêm đông có người lữ khách (Se una notte d'inverno un viaggiatore, 1979) tiểu thuyết
Năng lực văn chương (Una pietra sopra: Discorsi di letteratura e società, 1980) tập tiểu luận phê bình
Ngài Palomar (Palomar, 1983) tiểu thuyết
Sáu bản ghi nhớ cho thiên niên kỷ tiếp theo (Lezioni Americaane: Sei proposte per il prossimo millennio, 1988) tập bài giảng
Con đường đến San Giovanni (La strada di San Giovanni, 1990) tự truyện
Những con số trong bóng tối (Prima che tu dica 'Pronto' , 1993) tập truyện ngắn
Ẩn sĩ ở Paris (Eremita a Parigi. Pagine autobiografiche, 1994) tự truyện |
Trần Khát Chân (chữ Hán: 陳渴真; 1370–1399) là một tướng lĩnh Đại Việt cuối thời Trần. Ông nổi bật với việc chỉ huy quân đội Việt chống lại các đợt tấn công của Chiêm Thành, đánh bại vua Chiêm là Chế Bồng Nga trong trận Hải Triều năm 1390. Năm 1399, ông liên kết với một số tôn thất, tướng lĩnh mưu sát Bình chương Hồ Quý Ly, người nắm đại quyền trong triều đình vua Trần Thuận Tông. Âm mưu thất bại, Trần Khát Chân bị xử tử cùng gần 400 người khác.
Tiểu sử
Thuở nhỏ
Trần Khát Chân sinh ngày Tân Sửu, tháng Chạp, năm Thiệu Khánh thứ nhất (1370), người làng Hà Lãng, phủ Vĩnh Ninh, nay là xã Hà Lương, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ông là người thuộc dòng dõi Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng, cha ông là Trần Vi Nhân làm nghề thầy thuốc, mẹ ông là Đặng Thị Thục.
Năm 1388, Trần Khát Chân đỗ Thái học sinh.
Chống quân Chiêm Thành
Tháng 11 năm Kỷ Tỵ (1389), quân Chiêm Thành đánh chiếm Thanh Hóa, đánh vào hương Cổ Vô, vua Trần Thuận Tông sai Hồ Quý Ly đem quân chống giữ. Theo chính sử:
“Giặc [tức Chiêm Thành] đắp ngăn dòng sông ở thượng lưu, quan quân [tức quân nhà Trần] đóng nhiều cọc để đối địch. Ngày 20 giặc mai phục quân và voi, giả bỏ trại mà về.
Quý Ly chọn những quân tinh khỏe gọi là quân cảm tử, đuổi theo để đánh. Quân thủy nhổ cọc ra đánh. Giặc bèn phá đập chắn nước, cho voi xông ra. Tướng coi quân Hữu Thánh dực là Nguyễn Chí bị giặc bắt; còn các quân tướng khác 70 người đều chết. Quý Ly để tỳ tướng là Phạm Khả Vĩnh ở lại cầm cự với giặc, còn mình thì trốn về. Nguyễn Đa Phương tạm coi quân Thánh dực.”
Hồ Quý Ly chạy trốn về đến kinh đô, xin thêm thuyền ra tiếp ứng, nhưng Thượng hoàng Trần Nghệ Tông không đồng ý. Quý Ly vì thế xin từ chức cầm quân và không đi đánh nữa. Còn Nguyễn Đa Phương và Phạm Khả Vĩnh, thấy thế giặc mạnh, lại không có lực lượng hỗ trợ cũng bèn trốn đi.
Quân Chiêm thừa thắng tiến ra Bắc, đóng quân trên sông Hoàng Giang (thuộc Hà Nam ngày nay). Kinh thành Thăng Long rơi vào tình trạng hỗn loạn, mọi người lo sợ bỏ đi lánh nạn.
Thượng hoàng liền sai Trần Khát Chân, một đô tướng trẻ tuổi, một võ quan cấp thấp đem quân Long Tiệp đi đánh giặc. Khát Chân vâng mệnh, khảng khái rỏ nước mắt lạy tạ ra đi. Đại quân tiến đến sông Hoàng thì gặp giặc.
Xem xét địa thế không có lợi cho việc bày trận chiến đấu, Khát Chân liền lui quân về giữ sông Hải Triều (tức sông Luộc, khúc sông chảy qua huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên và huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Lúc ấy, Trần Nguyên Diệu, em của Phế đế Trần Hiển đem bè lũ đầu đảng chạy theo quân Chiêm do muốn báo thù Nghệ Tông và Hồ Quý Ly đã giết anh mình.
Tháng giêng năm Canh Ngọ (1390), Chế Bồng Nga cùng với Nguyên Diệu đem hơn 100 chiến thuyền đến xem tình hình của quan quân nhà Trần (đại quân theo sau tiếp ứng).
Ngày 23 tháng 1 năm Canh Ngọ (1390), ông cho phục binh ở ngã ba sông Hải Triều và sông Nhị Hà. Trong các quan quân của Bồng Nga có Ba Lậu Kê, một tiểu thần bị Bồng Nga trách phạt sợ phải chết, đã chạy trốn sang quân nhà Trần và chỉ vào thuyền sơn lục (màu xanh) bảo rằng đó là thuyền của Quốc vương. Khát Chân biết được liền cho các súng bắn vào và giết chết Bồng Nga, quân giặc chạy tan tác. Nguyên Diệu liền cắt lấy đầu của Bồng Nga chạy về với quân nhà Trần, nhưng bị hai tướng là Phạm Nhữ Lặc và Dương Ngang giết. Khát Chân sai quan giám là Lê Khắc Khiêm bỏ thủ cấp của Bồng Nga vào hòm chở về báo tin thắng trận tại bến Bình Than, nơi Thượng hoàng đang đóng quân. Bấy giờ đồng hồ đã điểm canh ba, thượng hoàng đang ngủ, bị kinh động thức dậy tưởng là giặc đánh đến nơi. Đến khi nghe tin báo thắng trận nói rằng đã lấy được thủ cấp của Bồng Nga thì mừng rỡ, liền cho triệu các quần thần đến xem. Các quan mặc triều phục hô "vạn tuế”. Lúc đó Thượng hoàng vui mừng nói: “Ta với Bồng Nga cầm cự với nhau đã lâu ngày nay mới được thấy mặt, khác gì Hán Cao Tổ thấy đầu Hạng Vũ. Thiên hạ yên rồi”.
Để thưởng công cho Trần Khát Chân, vua Thuận Tông phong cho ông làm Long Tiệp bổng thần nội vệ Thượng tướng quân, gia phong tước Vũ tiết quan nội hầu và được cấp hai tổng Đông Thành và Nguyễn Xá làm thái ấp; sau lại ban thêm xã Kẻ Mơ (nay là Hoàng Mai) cho ông và người em là Trần Nguyên Hạng.
Mưu sát Hồ Quý Ly
Năm 1394 Thượng hoàng Nghệ Tông mất. Năm 1398, Hồ Quý Ly bắt vua Thuận Tông nhường ngôi cho con trai là Thái tử An mới có 3 tuổi, rồi sau đó sai người giết chết Thuận Tông (1399). Kể từ năm 1397, Hồ Quý Ly bắt đầu cho xây dựng kinh đô mới ở Thanh Hóa (ngày nay vẫn còn thường gọi là thành Tây Đô hoặc thành nhà Hồ). Thành có 4 cửa mở ra bốn hướng, và cửa Nam là chính môn. Cửa này có con đường lát đá dẫn thẳng tới ngọn núi Đốn Sơn (tức núi Đún, ở xã Cao Mật, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Con đường này dài tới ba nghìn thước và theo như nhân dân địa phương kể thì do Trần Khát Chân đắp nên.
Những việc làm của Hồ Quý Ly đã làm cho một số quan lại trung thành với họ Trần càng thêm bất mãn. Họ cấu kết với nhau tìm cách mưu sát Hồ Quý Ly. Trong số đó có Trần Khát Chân và Trần Nguyên Hãng.
Mùa hạ năm 1399, Hồ Quý Ly tổ chức hội thề trên đỉnh núi Đốn Sơn. Quý Ly ngồi trên lầu nhà Khát Chân để xem. Phạm Thu Tổ và thích khách Phạm Ngưu Tất cầm gươm định tiến lên lầu, nhưng không rõ thế nào mà Khát Chân lại trừng mắt ra hiệu ngăn lại, rồi thôi. Quý Ly chột dạ đứng dậy đi xuống lầu có vệ sĩ hộ vệ.
Ngưu Tất liền vứt gươm xuống đất nói: “Chết uổng cả lũ thôi”. Việc đó bị lộ, bọn tôn thất Trụ quốc (Trần) Nhật Đôn, Tướng quân Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh, Hành khiển Hà Đức Lân, Lương Nguyên Bưu, Phạm Ông Thiện, Phạm Ngưu Tất và các thân đảng cộng hơn 370 người đều bị giết cả; tịch thu gia sản, con gái bắt làm tì, con trai từ một tuổi trở lên hoặc chôn sống, hoặc dìm nước. Lùng bắt dư đảng đến mấy năm không thôi.
Về cái chết của Trần Khát Chân, Đại Việt Sử ký Toàn thư chép:
“Người đời truyền rằng Khát Chân khi sắp bị chém, lên núi Đốn Sơn gào thét ba tiếng. Chết qua ba ngày sắc mặt vẫn như sống, ruồi nhặng không dám bậu vào. Sau đó gặp đại hạn đảo vũ thì ứng ngay”.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nhận xét: "Quý Ly đến đây gây nhiều tội ác. Trần (Nguyên) Hãng giao hoan với văn võ bá quan từ trước rồi, nếu biết thừa cơ quyết đoán, vạch tội Ly, hiệp với Khả Vĩnh mà giết thì danh chính ngôn thuận, mà làm được việc. Đáng tiếc chỉ vì do dự mà đến nỗi phải bại vong".
Các lực lượng chống đối bị trừ bỏ, năm sau Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần (1400).
Tôn vinh
Về sau, các triều đại đều có sắc phong cho Trần Khát Chân và Trần Nguyên Hãng làm Thượng đẳng phúc thần. Làng Hà Lương nơi ông bị hành hình và 29 làng xã khác vùng Cao Mật, Bình Bút, Nam Cai (Thanh Hóa) cùng các làng vùng Kẻ Mơ (Thăng Long) sau đó đều lập đền thờ ông.
Hiện nay còn đền thờ ông ở làng Phương Nhai và vùng Kẻ Mơ (sau này đến đời Hậu Lê, Kẻ Mơ được chia thành 2 xã là Hoàng Mai và Tương Mai. Xã Tương Mai nay là phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tại đây, có đình Tương Mai là nơi thờ cúng ông). Tên ông được đặt cho một phố nối giữa phố Đại Cồ Việt và phố Lò Đúc tại Hà Nội, và cho một trường Trung học Phổ thông tại huyện Vĩnh Lộc quê hương ông.
Người dân ở địa phương nơi đây không dùng từ chân mà thay bằng từ "cẳng" để tránh phạm tới tên của ông. Đền thờ Trần Khát Chân cũng được nhân dân xây dựng tại quê nhà, ngay tại khu di tích thành nhà Hồ. Đền Tiên Dương, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình cũng là nơi thờ Trần Khát Chân. Ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh có một con đường mang tên ông nhưng lại viết là Trần Khắc Chân. |
Nam Tư (Jugoslavija trong tiếng Serbia-Croatia (ký tự Latinh) và tiếng Slovenia; Југославија trong tiếng Serbia-Croatia (ký tự Kirin) và tiếng Macedonia) miêu tả ba thực thể chính trị tồn tại nối tiếp nhau trên Bán đảo Balkan ở Châu Âu, trong hầu hết thế kỷ 20.
Quốc gia đầu tiên được biết với cái tên Nam Tư là Vương quốc Nam Tư, vốn trước ngày 3 tháng 10 năm 1929 từng được gọi là "Vương quốc của người Serb, Croat và Slovene". Quốc gia này được thành lập ngày 1 tháng 12 năm 1918 bởi liên minh Nhà nước của người Slovene, Croat và Serb và Vương quốc Serbia. Nước này bị phe Trục xâm chiếm năm 1941, và bởi các sự kiện diễn ra tiếp sau đó, đã chính thức bị xoá bỏ năm 1945.
Quốc gia với tên này từng là "Liên bang Dân chủ Nam Tư", tuyên bố năm 1943 bởi những người cộng sản thuộc phong trào kháng chiến trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Nó được đổi tên thành "Cộng hòa Liên bang Nhân dân Nam Tư" năm 1946, khi một chính phủ cộng sản được thành lập. Năm 1963, nó lại được đổi tên thành "Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Nam Tư" (SFRY). Những nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa hợp thành nhà nước này, từ bắc xuống nam, gồm: Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Slovenia, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Croatia, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Bosna và Hercegovina, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Montenegro, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Serbia (gồm cả các tỉnh tự trị Vojvodina và Kosovo, sau này được gọi đơn giản là Kosovo) và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Macedonia. Bắt đầu từ năm 1991, Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Nam Tư tan rã trong những cuộc chiến tranh Nam Tư kéo theo sự ly khai của hầu hết các thực thể cộng hòa.
Quốc gia cuối cùng mang tên này là "Cộng hòa Liên bang Nam Tư" (FRY) được thành lập ngày 27 tháng 3 năm 1992. Đây là một liên bang trên lãnh thổ của hai nước cộng hòa (chưa ly khai) là Serbia (gồm cả các tỉnh tự trị Vojvodina và Kosovo) và Montenegro. Ngày 4 tháng 2 năm 2003, nó được đổi tên lại thành "Liên bang Serbia và Montenegro", và chính thức xoá bỏ cái tên "Nam Tư". Ngày 3 tháng 6 và 5 tháng 6 năm 2006, Montenegro và Serbia lần lượt tuyên bố độc lập, vì thế chấm dứt những tàn tích cuối cùng của một nhà nước Nam Tư.
Tên gọi
Tên gọi "Nam Tư" trong tiếng Việt là viết ngắn của Nam Tư-lạp-phu (南斯拉夫), âm Hán Việt của các chữ Hán mà tiếng Trung phiên âm từ Yugoslavia. Một phần dịch nghĩa từ "yugo" tức là phương nam, một phần là từ "slav" phiên âm bằng tiếng Trung (theo pinyin: Sī lā fū), viết bằng chữ Hán thành “斯拉夫” (Tư-lạp-phu).
Bối cảnh
Ý tưởng về một nhà nước duy nhất cho mọi thực thể Nam Slav xuất hiện hồi cuối thế kỷ 17 và bắt đầu được quan tâm ở thế kỷ 19 trong Phong trào Illyrian nhưng chưa bao giờ thành hình.
Giai đoạn đầu Chiến tranh thế giới thứ nhất, một số nhân vật chính trị có ảnh hưởng tại các vùng Nam Slavơ thuộc Habsburg Đế chế Áo-Hung đã bỏ chạy tới Luân Đôn, nơi họ bắt đầu thành lập Ủy ban Nam Tư để đại diện cho những thực thể Nam Slavơ thuộc Áo-Hung. Những thực thể "Nam Tư" này gồm người Serb, người Croatia và người Slovenia những người tự cho mình thuộc phong trào vì mục tiêu một nhà nước Nam Tư duy nhất hay nhà nước Nam Slavơ và mục tiêu căn bản của ủy ban là sự thống nhất các vùng đất Nam Slavơ với Vương quốc Serbia (đang có độc lập dù đã bị Áo-Hung xâm chiếm ở thời điểm ấy).
Với thất bại của Phe Liên minh Trung tâm trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và sự tan rã của Đế chế Áo-Hung sau chiến tranh, nhiều lãnh thổ Nam Slavơ nhanh chóng tập hợp với nhau để hình thành Vương quốc của người Serb, người Croatia và người Slovenia, được tuyên bố ngày 1 tháng 12 năm 1918 ở Beograd.
Vương quốc mới được hình thành từ các vương quốc từng có độc lập trước kia gồm Serbia và Montenegro (đã thống nhất với nhau trong tháng trước đó), cũng như một số vùng lãnh thổ trước kia thuộc Áo-Hung, Nhà nước của người Slovenia, Croatia và Serbia. Những vùng đất trước kia thuộc Áo-Hung đã hình thành nên nhà nước mới gồm Croatia, Slavonia và Vojvodina từ Hungary một phần của Đế chế, Carniola, một phần của Styria và đa phần Dalmatia từ Áo, và tỉnh hoàng gia (crown province) Bosna và Hercegovina.
Vương quốc đa sắc tộc
1918-1928
Hiến pháp Vidovdan
Hiệp ước Rapallo, 1920
Lệnh cấm Đảng Cộng sản
Cuộc bầu cử năm 1923
Hiệp ước Roma, 1924
Vụ ám sát Stjepan Radić
Giai đoạn Vua Alexander
Vua Alexander I đã cấm các đảng chính trị quốc gia năm 1929, nắm quyền hành pháp và đổi tên nước thành Nam Tư. Ông hy vọng kìm chế các khuynh hướng ly khai và giảm bớt các phong trào quốc gia. Tuy nhiên, các chính sách của Alexander nhanh chóng gặp phải sự chống đối từ các cường quốc Châu Âu nổi lên nhờ sự phát triển tại Ý và Đức, nơi những người theo chủ nghĩa Phát xít và Đảng quốc xã nổi lên nắm quyền lực, và Liên bang Xô viết, nơi Stalin đã trở thành lãnh tụ tuyệt đối. Không một chế độ nào ở trên tán thành chính sách của Alexander I. Trên thực tế, Ý và Đức muốn khôi phục các hiệp ước quốc tế được ký kết sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, và người Xô viết quyết tâm giành lại vị trí của mình ở châu Âu và theo đuổi một chính sách quốc tế tích cực hơn.
Alexander đã tìm cách tạo lập một nhà nước Nam Tư đích thực. Ông quyết định xóa bỏ các vùng lịch sử Nam Tư, và các biên giới mới bên trong được vẽ lại cho các tỉnh hay các banovina. Các banovina được đặt tên theo các con sông. Nhiều chính trị gia bị bỏ tù hay bị quản thúc chặt chẽ. Hiệu ứng của sự cầm quyền độc tài của Alexander càng khiến những người không phải người Serb căm ghét ý tưởng thống nhất.
Nhà vua bị ám sát tại Marseille trong một chuyến thăm chính thức tới Pháp năm 1934 bởi một tay thiện xạ thuộc Tổ chức Cách mạng Nội địa Macedonia của Ivan Mihailov cùng sự phối hợp của Ustaše, một tổ chức ly khai Croatia. Người con trai 11 tuổi của Alexsander Peter II lên nối ngôi với một hội đồng nhiếp chính đứng đầu bởi người chú là Hoàng tử Paul.
Nam Tư những năm 1930
Bối cảnh chính trị quốc tế hồi cuối thập niên 1930 đáng chú ý bởi tính không khoan nhượng ngày càng lớn giữa các nhân vật chính trị chủ chốt, bởi quan điểm gây hấn của các chế độ độc tài và bởi sự chắc chắn mà sự trật tự được thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đã mất đi những thành trì và những người tham gia đã mất đi sức mạnh. Được ủng hộ và gây áp lực bởi Phát xít Ý và Phát xít Đức, nhà lãnh đạo người Croatia Vlatko Maček cùng đảng của mình đã tìm cách thành lập Banovina Croatia (tỉnh hành chính) năm 1939. Thỏa thuận chỉ rõ rằng Croatia vẫn là một phần của Nam Tư, nhưng thực thể này nhanh chóng xây dựng một vị thế chính trị độc lập trong các mối quan hệ quốc tế.
Hoàng tử Paul lùi bước trước sức ép của phe Phát xít và đã ký Hiệp ước Tripartite tại Viên ngày 25 tháng 3 năm 1941, hy vọng giữ được Nam Tư đứng bên ngoài cuộc chiến tranh. Nhưng hành động này đã khiến sự ủng hộ của dân chúng dành cho nhiếp chính Paul mất đi. Các quan chức quân sự cao cấp cũng phản đối hiệp ước này và tiến hành một cuộc đảo chính khi nhà vua quay trở về ngày 27 tháng 3. Vị tướng quân đội Dušan Simović lên nắm quyền và bắt giữ đoàn đại biểu Wien, trục xuất Paul, và chấm dứt chế độ nhiếp chính, trao toàn bộ quyền lực cho Vua Peter khi ấy 17 tuổi.
Sự khởi đầu của Thế chiến II tại Nam Tư
Hitler sau đó quyết định tấn công Nam Tư ngày 6 tháng 4 năm 1941, ngay lập tức sau đó là cuộc tấn công xâm lược Hy Lạp nơi Mussolini từng bị đẩy lùi.
Nam Tư trong Thế chiến II
Cuộc xâm lược Nam Tư
Lúc 5:12 sáng ngày 6 tháng 4 năm 1941, các lực lượng Đức, Ý, Hungary và Bulgaria tấn công Nam Tư. Không quân Đức (Luftwaffe) ném bom Belgrade và các thành phố chính khác của Nam Tư. Ngày 17 tháng 4, các đại diện từ nhiều vùng của Nam Tư đã ký một thỏa thuận đình chiến với Đức tại Belgrade, chấm dứt 11 ngày kháng chiến chống quân xâm lược Đức (Wehrmacht Heer). Hơn ba trăm ngàn sĩ quan và binh lính Nam Tư bị bắt.
Các nước phe Trục chiếm Nam Tư và chia nhỏ nó. Nhà nước Độc lập Croatia được thành lập như một nhà nước bù nhìn của Phát xít, do một nhóm du kích phát xít được gọi là Ustaše, bắt đầu xuất hiện từ năm 1929 nắm quyền, nhưng chỉ hoạt động hạn chế cho tới năm 1941. Quân đội Đức chiếm Bosna và Hercegovina cũng như một phần của Serbia và Slovenia, trong khi những phần khác của nước này bị Bulgaria, Hungary và Ý chiếm. Trong thời gian này Nhà nước Độc lập Croatia đã lập ra các trại tập trung cho những người chống phát xít, cộng sản, người Serb, Gypsy và người Do Thái. Một trong những trại đó là Jasenovac. Một số lớn nam giới, phụ nữ và trẻ em, chủ yếu là người Serb, đã bị hành quyết tại các trại này.
Các phong trào kháng chiến
Những người Nam Tư phản đối Phát xít đã tổ chức một phong trào kháng chiến. Họ có khuynh hướng ủng hộ Vương quốc Nam Tư cũ gia nhập Quân đội Nam Tư tại Tổ quốc, cũng được gọi là đội quân du kích trung thành Chetniks, Serbia do Dragoljub "Draža" Mihailović lãnh đạo. Những người ủng hộ Đảng Cộng sản (Komunistička partija), và chống lại nhà Vua, gia nhập Quân đội Giải phóng Quốc gia Nam Tư (Narodno Oslobodilačka Vojska hay NOV), do Josip Broz Tito, một người Croatia theo chủ nghĩa quốc gia lãnh đạo. Chetniks là đồng minh của Hoa Kỳ tại châu Âu và họ đã cứu thoát hơn 150 phi công Mỹ trong Chiến dịch: "Vazdušni Most".
Quân đội Giải phóng Quốc gia Nam Tư đã tung ra một chiến dịch chiến tranh du kích được phát triển thành đội quân kháng chiến lớn nhất trên lãnh thổ Đông và Trung Âu bị chiếm đóng. Ban đầu Chetniks tung ra những cuộc tấn công đáng chú ý và được ủng hộ bởi chính phủ hoàng gia lưu vong cũng như Đồng Minh, nhưng nhanh chóng phải giảm bớt quy mô hành động bởi những cuộc trả đũa vào dân thường Serbia của Đức.
Với mỗi lính thiệt mạng, quân Đức sẽ hành quyết 100 thường dân, và với mỗi lính bị thương, họ giết 50 người. Vì cái giá nhân mạng quá đắt, Chetniks đã phải chấm dứt các hoạt động chống Đức và Đồng Minh chuyển sang ủng hộ Quân đội Giải phóng Quốc gia Nam Tư.
Tuy nhiên, Quân đội Giải phóng Quốc gia Nam Tư vẫn tiến hành cuộc chiến tranh du kích của mình. Thiệt hại nhân mạng được Vladimir Zerjavic và Bogoljub Kočović, ước tính là 1.027.000 người, con số này được Liên hiệp quốc chấp nhận, trong khi cơ quan chức năng Nam Tư cho rằng có 1.700.000 người chết. Chủ yếu là người Serb sống tại Bosna và Croatia, cũng như người Do Thái và các cộng đồng thiểu số Romani cao hơn nhiều so với những sắc dân bất hợp tác.
Trong cuộc chiến, quân du kích do những người cộng sản lãnh đạo trên thực tế cầm quyền tại các lãnh thổ giải phóng, và các hội đồng nhân dân do Quân đội Giải phóng Quốc gia Nam Tư lập ra hoạt động như những cơ quan quản lý dân sự. Mùa thu năm 1941, quân du kích thành lập Cộng hòa Užice tại lãnh thổ giải phóng ở phía tây Serbia. Tháng 11 năm 1941, quân đội Đức chiếm lại lãnh thổ này, trong khi đa số các lực lượng du kích phải bỏ chạy về phía Bosna.
Ngày 25 tháng 11 năm 1942, Hội đồng Chống Phát xít của Phong trào Giải phóng Quốc gia Nam Tư (Antifašističko Vijeće Narodnog Oslobođenja Jugoslavije) được nhóm họp tại Bihać, Bosna. Hội đồng tái họp ngày 29 tháng 11 năm 1943, tại Jajce, cũng thuộc Bosna và lập ra các căn bản cho việc tổ chức đất nước thời hậu chiến, thành lập một liên bang (ngày nay sau chiến tranh đã được gọi là Ngày Cộng hòa).
Giải phóng Nam Tư
Quân đội Giải phóng Quốc gia Nam Tư đẩy lùi được Phe trục ra khỏi Serbia năm 1944 và phần còn lại của Nam Tư năm 1945. Hồng quân giúp giải phóng Belgrade và một số lãnh thổ khác, nhưng đã rút lui sau khi chiến tranh chấm dứt. Tháng 5 năm 1945, Quân đội Giải phóng Quốc gia Nam Tư gặp các lực lượng Đồng Minh bên ngoài các biên giới cũ của Nam Tư, sau khi chiếm Trieste và nhiều vùng thuộc các tỉnh Styria và Carinthia phía nam nước Áo. Đây là vùng lãnh thổ có đa số dân là người Ý và người Slovenia. Tuy nhiên, Quân đội Giải phóng Quốc gia Nam Tư đã phải rút khỏi Trieste trong cùng năm ấy.
Những nỗ lực của phương Tây nhằm thống nhất các nhóm du kích, họ từ chối quyền lãnh đạo của chính phủ cũ của Vương quốc Nam Tư, và sự hồi hương của vị vua, dẫn tới Thỏa thuận Tito-Šubašić vào tháng 6 năm 1944, tuy nhiên Tito được các công dân coi là một anh hùng quốc gia, vì thế ông giành được quyền lãnh đạo ở nhà nước cộng sản độc lập thời hậu chiến, bắt đầu với chức vụ thủ tướng.
Nam Tư thứ hai
Ngày 31 tháng 1 năm 1946, hiến pháp mới của Liên bang Cộng hòa Nhân dân Nam Tư, theo hình thức hiến pháp Liên bang Xô viết, thành lập sáu nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa, một Tỉnh Xã hội Chủ nghĩa Tự trị và một Quận Xã hội Chủ nghĩa Tự trị từng là một phần của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Serbia. Thủ đô liên bang đặt tại Belgrade. Các nước Cộng hòa và các Tỉnh gồm (theo thứ tự chữ cái):
()
Năm 1974, hai tỉnh Vojvodina và Kosovo-Metohija (tỉnh sau khi ấy đã được nâng cấp lên vị thế một tỉnh), cũng như các nước cộng hòa Bosna và Hercegovina và Montenegro, được trao quyền tự trị lớn hơn tới mức tiếng Albania và tiếng Hungary đã được chính thức công nhận là các ngôn ngữ thiểu số và tiếng Serbo-Croat của Bosna và Montenegro đã biến đổi thành một hình thức dựa trên kiểu nói của người dân địa phương mà không phải là các ngôn ngữ tiêu chuẩn của Zagreb và Belgrade.
Vojvodina và Kosovo-Metohija là một phần của nước Cộng hòa Serbia. Nước này đã giữ khoảng cách với Liên bang Xô viết năm 1948 (cf. Cominform và Informbiro) và đã bắt đầu con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội của riêng mình dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Josip Broz Tito. Nhà nước này chỉ trích cả Khối phương Đông và các quốc gia NATO, và đã cùng các nước khác lập ra Phong trào không liên kết năm 1961, và liên tục là thành viên của tổ chức này cho tới khi bị giải tán.
Nhân khẩu
Nam Tư luôn có sự đa dạng về dân cư, không chỉ trên mặt sắc tộc, mà còn ở khía cạnh tôn giáo. Hồi giáo, Công giáo La Mã, Do Thái giáo và Tin Lãnh cùng nhiều đức tin Kitô giáo Đông phương hiện diện tại Nam Tư, tổn cộng có 40 tôn giáo. Nhân khẩu các tôn giáo tại Nam Tư đã thay đổi nhiều kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Các cuộc điều tra dân số được thực hiện vào năm 1921 và năm 1948 cho thấy rằng 99% dân cư tham gia sâu vào việc hành đạo. Cùng với các chương trình hiện đại hóa và đô thị hóa của chính phủ sau chiến tranh, tỉ lệ tín hữu các tôn giáo đã sụt giảm đáng kể. Kết nối giữa niềm tin tôn giáo và sắc tộc đã đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng cho các chính sách hậu chiến của chính phủ cộng sản.
Sau khi trở thành một quốc gia cộng sản, một cuộc khảo sát vào năm 1964 đã cho thấy rằng chỉ có hơn 70% tổng dân số Nam Tư tự xem mình là tín đồ của một tôn giáo. Những nơi có tính tôn giáo mạnh nhất là Kosovo với 91% và Bosna và Hercegovina với 83,8%. Những nơi có tính tôn giáo thấp nhất là Slovenia 65,4%, Serbia với 63,7% và Croatia với 63,6%. Khác biệt tôn giáo giữa người Serb theo Chính Thống giáo, người Croatia theo Công giáo, và người Bosnia theo Hồi giáo và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc đã góp phần vào sự sụp đổ của Nam Tư năm 1991.
Chính phủ
Ngày 7 tháng 4 năm 1963 nước này đổi tên chính thức thành Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Nam Tư và Tito được phong làm Tổng thống trọn đời.
Tại Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Nam Tư, mỗi nước cộng hòa và tỉnh có hiến pháp, tòa án tối cao, nghị viện, tổng thống và thủ tướng riêng. Lãnh đạo tối cao của chính phủ Nam Tư là Tổng thống (Tito), Thủ tướng liên bang và Nghị viện liên bang (một chức vụ Tổng thống tập thể được lập ra sau khi Tito chết năm 1980).
Các chức vụ quan trọng khác là các tổng thư ký Đảng Cộng sản tại mỗi nước cộng hòa và mỗi tỉnh, và tổng thư ký Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản.
Josip Broz Tito là nhân vật quyền lực nhất đất nước, tiếp theo là các chủ tịch và thủ tướng nước cộng hòa và tỉnh, và các chủ tịch Đảng Cộng sản. Rất nhiều người đã phải khốn khổ khi bị ông ghét. Slobodan Penezić Krcun, lãnh đạo cảnh sát mật của Tito tại Serbia, trở thành nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông đáng ngờ khi ông ta bắt đầu phàn nàn về chính sách của Tito. Bộ trưởng nội vụ Aleksandar Ranković bị tước toàn bộ danh hiệu và quyền lợi sau khi bất đồng với Tito về đường lối chính trị đất nước. Thỉnh thoảng, các vị bộ trưởng trong chính phủ, như Edvard Kardelj hay Stane Dolanc, còn quan trọng hơn thủ tướng.
Sự đàn áp bất đồng leo thang với cái gọi là Mùa xuân Croatia năm 1970-1971, khi sinh viên tại Zagreb tổ chức các cuộc tuần hành đòi quyền tự do dân sự lớn hơn và quyền tự trị cao hơn cho Croatia. Chính quyền đàn áp cuộc phản kháng và tống giam những người lãnh đạo, nhưng nhiều nhân vật đại diện quan trọng của Croatia trong Đảng bí mật ủng hộ cuộc đấu tranh này, vì thế một hiến pháp mới đã được phê chuẩn năm 1974 trao thêm nhiều quyền cho các nước cộng hòa tại Nam Tư và các tỉnh tại Serbia.
Căng thẳng sắc tộc và khủng hoảng kinh tế
Nam Tư thời hậu Chiến tranh thế giới thứ hai ở nhiều mặt là một hình mẫu tìm kiếm cách xây dựng một nhà nước đa quốc gia. Liên bang được xây dựng trên một nền tảng kép: một nhà nước Nam Tư thời giữa hai cuộc chiến với ưu thế của tầng lớp cầm quyền người Serb; và một sự phân chia quốc gia thời chiến, khi Ý và Phát xít Đức phân chia nước này và ủng hộ một phái quốc gia Croatia cực đoan được gọi là Ustashe nắm quyền và đã thực hiện thảm sát chống lại người Serb. Một số nhân vật quốc gia Bosna đã gia nhập các lực lượng phe Trục và tấn công người Serb. Để trả đũa, những người Serb quốc gia cực đoan tung ra những cuộc tấn công trả thù và người Bosna và người Croatia.
Bạo lực sắc tộc chỉ chấm dứt khi đội quân Du kích Nam Tư đa sắc tộc kiểm soát đất nước thời hậu chiến và cấm ủng hộ chủ nghĩa quốc gia. Sự hoà bình bên ngoài được giữ trong suốt thời cầm quyền của Tito, dù những cuộc phản kháng mang tính chất quốc gia vẫn diễn ra, nhưng chúng nhanh chóng bị đàn áp và những người lãnh đạo bị bỏ tù hay bị hành quyết. Tuy nhiên, một cuộc phản kháng đã xảy ra tại Croatia trong thập niên 1970, được gọi là "Mùa xuân Croatia" với sự ủng hộ của phần đông người Croatia cho rằng Nam Tư là một sự bá quyền của người Serb và yêu cầu giảm bớt quyền lực của Serbia. Tito, vốn là người Croatia, lo ngại về sự ổn định của đất nước và đã hành động theo hướng xoa dịu cả người Croatia và người Serb, ông ra lệnh bắt giữ những người Croatia phản kháng, trong khi chấp nhận một số yêu cầu của họ. Năm 1974, ảnh hưởng của Serbia trong liên bang đã bị giảm bớt khá nhiều khi các tỉnh tự trị được thành lập tại vùng Kosovo với đa số người Albania và Vojvodina với các sắc tộc pha trộn. Các tỉnh tự trị này có quyền bỏ phiếu như các nước cộng hòa nhưng không như những nước cộng hòa, họ không được phép ly khai khỏi Nam Tư. Sự lùi bước này làm Croatia và Slovenia hài lòng, nhưng tại Serbia và tại tỉnh tự trị Kosovo mới thành lập, sự phản ứng khác biệt nhau. Người Serb coi hiến pháp mới là sự thua cuộc trước người Croatia và những người quốc gia Albania. Người Albania tại Kosovo coi việc thành lập tỉnh tự trị là chưa đủ, và yêu cầu Kosovo phải trở thành một nhà nước cộng hòa với quyền ly khai khỏi Nam Tư. Việc này khiến căng thẳng trong giới lãnh đạo cộng sản gia tăng, đặc biệt trong số các quan chức người Serb vốn bực tức vì cho rằng hiến pháp năm 1974 làm suy yếu ảnh hưởng của Serbia và làm tổn hại tới sự thống nhất quốc gia khi cho các nước cộng hòa quyền ly khai.
Một cuộc khủng hoảng kinh tế bùng phát trong thập niên 1970 là sản phẩm của những sai lầm nghiêm trọng của các chính phủ Nam Tư, như vay mượn các khoản tín dụng khổng lồ từ phương Tây nhằm thúc đẩy phát triển qua xuất khẩu. Các nền kinh tế châu Âu lúc ấy đang ở giai đoạn giảm phát, làm xuất khẩu của Nam Tư ngưng trệ và tạo ra các khoản nợ lớn. Chính phủ Nam Tư khi ấy phải chấp nhận các điều kiện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhằm xoa dịu gánh nặng khủng hoảng với tầng lớp lao động. Đồng thời, các nhóm xã hội mạnh xuất hiện bên trong Đảng Cộng sản Nam Tư, liên minh với các nhóm lợi ích kinh doanh, ngân hàng và nhà nước phương tây và bắt đầu thúc đẩy chủ nghĩa tân tự do, với sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Chính chính quyền Reagan, vào năm 1984, đã thông qua một đề xuất "Liệu pháp sốc" để thúc đẩy Nam Tư theo hướng phục hồi tư bản.
Năm 1989 Jeffrey Sachs tới Nam Tư để giúp chính phủ liên bang của Ante Marković chuẩn bị gói "Liệu pháp Sốc" của IMF/Ngân hàng Thế giới, sau đó được đưa ra năm 1990 ngay ở thời điểm các cuộc bầu cử nghị viện đang được tổ chức ở nhiều nước cộng hòa.
Chương trình "Liệu pháp sốc" dành Nam Tư vừa là duy nhất trong vùng vừa có tầm ảnh hưởng chính trị quan trọng trong giai đoạn 1989-90. Luật phá sản để thanh lý các doanh nghiệp nhà nước có hiệu lực từ Luật các Hoạt động Tài chính năm 1989 yêu cầu rằng nếu một doanh nghiệp không trả được nợ trong 30 ngày liên tiếp, hay trong 30 ngày của một giai đoạn 45 ngày, nó phải đàm phán với các chủ nợ hoặc phải trao quyền sở hữu cho họ hay sẽ bị thanh lý, trong trường hợp đó các công nhân sẽ bị sa thải, thông thường không được nhận tiền công.
Năm 1989, theo các nguồn tin chính thức, 248 công ty tuyên bố phá sản hay bị thanh lý và 89.400 công nhân bị sa thải. Trong chín tháng đầu năm 1990 sau khi chương trình của IMF được thông qua, 889 doanh nghiệp khác với 525.000 công nhân phải chịu chung số phận. Nói theo cách khác, trong vòng chưa tới hai năm "cơ cấu khởi động" (theo Đạo luật các Hoạt động Tài chính) hơn 600.000 công nhân trong tổng số 2.7 triệu công nhân trong lĩnh vực công nghiệp đã bị sa thải. Thêm khoảng 20% nguồn nhân lực, hay một nửa triệu người không được trả lương trong những tháng đầu năm 1990 khi cách doanh nghiệp phải tìm cách tránh phá sản. Nơi tập trung đông nhất các doanh nghiệp phá sản và sa thải công nhân là Serbia, Bosna và Hercegovina, Macedonia và Kosovo. Thu nhập thực tế rơi tự do, các chương trình xã hội đã sụp đổ tạo nên một không khí bất mãn xã hội và vô hi vọng. Đây là một điểm chuyển đổi quan trọng dẫn tới những sự kiện diễn ra tiếp theo.
Mùa xuân năm 1990, Marković vẫn là chính trị gia có nhiều ảnh hưởng nhất, không chỉ với toàn bộ Nam Tư, mà cả ở mỗi nước cộng hòa tạo thành liên bang này. Đúng ra ông đã phải tổ chức những cuộc tuần hành dân chúng ủng hộ nhà nước Nam Tư chống lại những nhân vật quốc gia như Milošević tại Serbia hay Tuđman tại Croatia và ông đã có thể nhờ cậy vào sự trung thành của các lực lượng vũ trang. Ông được 83% dân số Croatia, 81% dân số Serbia và 59% dân số Slovenia cùng 79% dân số trong toàn bộ Nam Tư ủng hộ. Mức độ ủng hộ này cho thấy người dân Nam Tư vẫn kiên quyết duy trì quốc gia như thế nào.
Nhưng Marković đã gắn liền Chủ nghĩa Nam Tư của mình với chương trình "Liệu pháp Sốc" có điều kiện của IMF và EU và việc này đã khiến những người theo chủ nghĩa ly khai ở Tây Bắc và những người theo chủ nghĩa quốc gia ở Serbia có cơ hội trỗi dậy. Những người theo chủ nghĩa ly khai tại Slovenia và Croatia kêu gọi các cử tri bác bỏ chương trình kinh tế khổ hạnh của Marković-IMF và bằng cách đó sẽ giúp những nước cộng hòa của họ chuẩn bị rời bỏ Nam Tư và "gia nhập châu Âu". Lời kêu gọi của Milošević tại Serbia dựa trên ý tưởng rằng phương Tây đang hành động chống lại những lợi ích của người Serb. Những lời kêu gọi mang tính chủ nghĩa quốc gia đó cuối cùng đã thành công: ở tất cả các nước cộng hòa, bắt đầu bằng Slovenia và Croatia vào mùa xuân, các chính phủ bỏ qua các quy định giới hạn tièn tệ của chương trình ổn định của Marković để giành lấy số phiếu bầu.
Chính phủ cấp vùng mới được bầu ra sau đó tập trung nỗ lực vào việc phá vỡ đất nước. Họ được chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ bằng lập trường muốn phá bỏ kết cấu quốc gia Nam Tư nhằm đẩy nhanh hơn nữa chương trình "Liệu pháp Sốc". Một số ít quốc gia châu Âu có các lợi ích chiến lược tại Nam Tư có ý muốn thúc đẩy sự tan rã.
Cũng có một số thiếu sót, đặc biệt là trong cơ cấu của Nam Tư khiến việc sụp đổ diễn ra nhanh chóng hơn. Hiến pháp năm 1974 dù tốt hơn cho người Albani tại Kosovo, đã khiến các nước cộng hòa có nhiều quyền lực hơn, vì thế làm ảnh hưởng tới quyền lực thể chế và hữu hình của chính phủ liên bang. Chính quyền Tito đã thay đổi sự suy yếu này cho tới tận khi ông qua đời năm 1980, sau đó nhà nước và Đảng Cộng sản dần tê liệt và rơi vào khủng hoảng.
Tan vỡ
Sau cái chết của Tito ngày 4 tháng 5 năm 1980, căng thẳng sắc tộc gia tăng ở Nam Tư. Di sản của Hiến pháp năm 1974 đã được dùng để đưa hệ thống ra quyết định thành một nhà nước tê liệt, khiến toàn bộ rơi vào tình trạng vô vọng khi xung đột lợi ích đã trở nên không thể hòa giải. Khủng hoảng hiến pháp không thể tránh khỏi diễn ra sau đó đã dẫn tới sự trỗi dậy của chủ nghĩa quốc gia tại tất cả các nước cộng hòa: Slovenia và Croatia đưa ra những yêu cầu nới lỏng quan hệ bên trong liên bang, sắc tộc người Albania đa số tại Kosovo yêu cầu được trở thành một nước cộng hòa, Serbia tìm cách có được quyền kiểm soát tuyệt đối với Nam Tư. Thêm vào đó, hành trình tìm kiếm độc lập của người Croatia khiến các cộng đồng người Serb lớn bên trong Croatia nổi dậy và tìm cách ly khai khỏi nước cộng hòa Croatia.
Năm 1986, Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Serbia phác thảo một bản ghi nhớ đề cập tới một số vấn đề quan trọng liên quan tới vị thế của người Serb là nhóm người đông đảo nhất tại Nam Tư. Nước cộng hòa lớn nhất về lãnh thổ và dân số trong Liên bang Nam Tư là Serbia với các ảnh hưởng trên các vùng Kosovo và Vojvodina đã bị giảm bớt trong Hiến pháp năm 1974. Vì hai tỉnh tự trị của họ trên thực tế có đặc quyền như những nước cộng hòa đầy đủ, Serbia thấy rằng họ đã bị trói tay trước các chính phủ tại các nước cộng hòa trong việc đưa ra và thực hiện các quyết định đối với những vùng này. Bởi các tỉnh có phiếu bầu bên trong Hội đồng Tổng thống Liên bang (một hội đồng có tám thành viên gồm các đại diện từ sáu nước cộng hòa và hai tỉnh tự trị), họ thỉnh thoảng còn thậm chí tham gia vào liên minh với các nước cộng hòa khác, vì vậy lấn át được Serbia. Sự bất lực chính trị của Serbia khiến các nước cộng hòa có thể gây áp lực với 2 triệu người Serb (20% tổng dân số Serbia) sống bên ngoài nước cộng hòa này.
Lãnh đạo cộng sản của Serbia Slobodan Milošević tìm cách tái lập chủ quyền Serbia như hồi trước năm 1974. Các nước cộng hòa khác, đặc biệt là Slovenia và Croatia, bác bỏ động thái này coi đó là sự phục hồi của chủ nghía bá chủ Serbia. Milošević đã thành công trong việc giảm bớt quyền tự trị của Vojvodina và Kosovo và Metohija, nhưng cả hai thực thể này vẫn giữ được một phiếu bầu bên trong Hội đồng Tổng thống Nam Tư. Công cụ đã được sử dụng để giảm bớt ảnh hưởng của Serbia thì nay lại được dùng để tăng ảnh hưởng đó: trong hội đồng tám thành viên, Serbia khi ấy ít nhất đã có bốn phiếu bầu - của Serbia, sau đó của thực thể trung thành Montenegro, và Vojvodina và Kosovo.
Như một hậu quả của những sự kiện đó, người thiểu số Albania tại Kosovo tổ chức những cuộc biểu tình, phát triển lên thành cuộc xung đột sắc tộc giữa người Albania và những người không phải Albania ở tỉnh này. Với tỷ lệ 87% dân số Kosovo trong thập niên 1980, sắc tộc Albania chiếm đa số dân. Số lượng người Slav tại Kosovo (chủ yếu là người Serb) nhanh chóng giảm sút vì nhiều lý do, trong số đó có lý do từ những căng thẳng sắc tộc gia tăng và cuộc di cư diễn ra sau đó khỏi vùng này. Tới năm 1999 người Slav chỉ còn chiếm 10% số dân tại Kosovo.
Trong lúc ấy Slovenia, dưới sự lãnh đạo của Milan Kučan, và Croatia ủng hộ người thiểu số Albania và cuộc đấu tranh đòi được công nhận chính thức của họ. Những cuộc đình công ban đầu đã trở thành các cuộc tuần hành rộng lớn yêu cầu thành lập một nhà nước Kosovo. Điều này làm giới lãnh đạo Serbia bực tức theo đuổi biện pháp vũ lực, và dẫn tới sự kiện sau đó khi Quân đội Liên bang được gửi tới tỉnh này theo lệnh của Hội đồng Tổng thống Nam Tư với đa số của người Serb.
Tháng 1 năm 1990, Đại hội bất thường lần thứ 14 của Liên đoàn Cộng sản Nam Tư được nhóm họp. Trong hầu hết thời gian, các đại biểu người Slovenia và người Serb tranh luận với nhau về tương lai Liên đoàn Cộng sản Nam Tư. Đoàn đại biểu Serbia, dưới sự lãnh đạo của Milošević, nhấn mạnh vào một chính sách "một người, một phiếu", sẽ làm tăng quyền lực cho sắc dân chiếm đa số, người Serb. Trái lại, người Slovenia, được người Croatia hậu thuẫn, tìm cách sửa đổi Nam Tư bằng cách trao thêm quyền cho các nước cộng hòa, nhưng đều bị bỏ phiếu bác bỏ. Vì thế, phái đoàn Slovenia, và cuối cùng cả phái đoàn Croatia rời bỏ Đại hội, và Đảng cộng sản toàn Nam Tư bị giải tán.
Sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại những phần còn lại của Đông Âu, mỗi nước cộng hòa đều tổ chức các cuộc tuyển cử đa đảng năm 1990. Slovenia và Croatia tổ chức bầu cử vào tháng 4 bởi các đảng cộng sản của họ tìm cách rút lui khỏi quyền lực một cách hòa bình. Các nước cộng hòa khác thuộc Nam Tư - đặc biệt là Serbia - ít nhiều bất bình với quá trình dân chủ hóa tại hai nước cộng hòa kia và đề xuất các biện pháp trừng phạt khác nhau (ví dụ "thuế hải quan" của Serbia với các sản phẩm của Slovenia) chống lại hai nước kia nhưng khi thời gian trôi qua các đảng cộng sản tại các nước cộng hòa khác thấy quá trình dân chủ hóa là không thể tránh khỏi và vào tháng 12 khi thành viên cuối cùng của liên bang - Serbia tổ chức cuộc bầu cử nghị viện xác nhận sự cầm quyền của những người cộng sản tại nước cộng hòa này. Tuy nhiên, các vấn đề chưa được giải quyết vẫn tồn tại. Đặc biệt, Slovenia và Croatia bầu ra các chính phủ với khuynh hướng các nước cộng hòa tự trị lớn hơn (dưới sự lãnh đạo của Milan Kučan và Franjo Tuđman), bởi mọi việc đã trở nên rõ ràng rằng các nỗ lực duy trì thống trị của Serbia và các mức độ tiêu chuẩn dân chủ khác nhau đang ngày càng không còn thích hợp. Serbia và Montenegro lựa chọn các ứng cử viên ủng hộ sự thống nhất của Nam Tư. Người Seriba tại Croatia không chấp nhận một tình trạng thiểu số trong một nhà nước Croatia có chủ quyền, bởi điều này làm họ mất vị thế và giảm bớt quyền lực tại nhà nước Croatia.
Nội chiến Nam Tư
Chiến tranh bùng nổ khi những chính quyền mới tìm cách thay thế các lực lượng quân sự và dân sự của Nam Tư bằng những lực lượng ủng hộ ly khai. Vào tháng 8 năm 1990 khi Croatia tìm cách thay thế cảnh sát tại vùng Croat Krajina có đông người Serb sinh sống bằng vũ lực, ban đầu dân chúng tại đó đi tới trốn tránh trong những doanh trại Quân đội Liên bang Nam Tư, trong khi quân đội vẫn thờ ơ. Sau đó dân chúng tổ chức các đội kháng chiến vũ trang. Những cuộc xung đột vũ trang giữa các lực lượng Croatia ("cảnh sát") và dân thường đã đánh dấu sự khởi đầu của chiến tranh Nam Tư làm ảnh hưởng cả vùng. Tương tự, nỗ lực thay thế cảnh sát biên phòng của Nam Tư bằng cảnh sát Slovenia đã gây ra những cuộc xung đột vũ trang địa phương và kết thúc với số lượng nạn nhân tối thiểu. Một nỗ lực tương tự tại Bosna và Hercegovina đã dẫn tới một cuộc chiến chỉ chấm dứt sau hơn 3 năm (xem bên dưới). Kết quả của những cuộc xung đột đó là sự di cư của hầu như toàn bộ người Serb khỏi cả ba vùng đó, những cuộc di dân lớn tại Bosna và Hercegovina và sự thành lập ba nước độc lập mới. Sự ly khai khỏi Cộng hòa Nam Tư của Macedonia diễn ra trong hòa bình.
Những cuộc nổi dậy của người Serb tại Croatia bắt đầu vào tháng8 năm 1990 bằng hành động phong tỏa đường sá từ bờ biển Dalmatian vào trong lục địa hầu như đã diễn ra một năm trước khi giới lãnh đạo Croatia có bất kỳ hành động hướng tới độc lập nào. Những cuộc nổi dậy ấy được ủng hộ công khai hay bí mật của Quân đội Liên bang Nam Tư (JNA). Người Serb tuyên bố sự xuất hiện của các Vùng Tự trị Serbia (sau này được gọi là Cộng hòa Serb Krajina) tại Croatia. Quân đội Liên bang tìm cách giải giới các lực lượng phòng vệ lãnh thổ của các nước cộng hòa Slovenia (các nước cộng hòa có các lực lượng phòng vệ địa phương riêng tương tự như Home guard) vào năm 1990 nhưng không hoàn toàn thành công. Slovenia bắt đầu nhập khẩu vũ khí để tăng cường sức mạnh của mình. Croatia cũng tham gia các hoạt động nhập lậu vũ khí, (sau khi lực lượng vũ trang các nước cộng hòa bị Quân đội Liên bang giải giới), chủ yếu từ Hungary, và đã bị phát hiện khi Cơ quan Phản gián Nam Tư (KOS, Kontra-obavještajna Služba) trưng ra một băng video về một cuộc gặp gỡ bí mật giữa Bộ trường Quốc phòng Croatia Martin Špegelj và hai người đàn ông. Špegelj thông báo họ đang ở tình trạng chiến tranh với quân đội và ra các chỉ thị về việc buôn lậu vũ khí cũng như các biện pháp đối đầu với các quan chức quân đội Nam Tư đồn trú tại các thành phố Croatia. Serbia và quân đội Liên bang đã sử dụng bắng chứng tái vũ trang này của Croatia cho các mục đích tuyên truyền. Súng đã nổ tại các căn cứ quân sự trên khắp Croatia. Ở những nơi khác, căng thẳng cũng leo thang.
Cùng trong tháng ấy, Quân đội Nhân dân Nam Tư (Jugoslovenska Narodna Armija, JNA) gặp gỡ ban lãnh đạo Nam Tư trong một nỗ lực nhằm buộc họ tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho phép quân đội nắm quyền kiểm soát đất nước. Ở thời điểm ấy quân đội bị coi là một lực lượng của Serbia nên các nước cộng hòa khác sợ rằng họ sẽ bị thống trị của Serbia trong liên minh. Các đại diện của Serbia, Montenegro, Kosovo và Metohija và Vojvodina bỏ phiếu ủng hộ, trong khi tất cả các nước cộng hòa khác, Croatia (Stipe Mesić), Slovenia (Janez Drnovšek), Macedonia (Vasil Tupurkovski) và Bosna và Hercegovina (Bogić Bogićević), bỏ phiếu chống. Mối quan hệ vẫn giữ cho những sự xung đột chưa leo thang, nhưng không kéo dài.
Sau những kết quả của cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên, vào mùa thu năm 1990, các nước cộng hòa Slovenia và Croatia đề nghị chuyển đổi Nam Tư sang hình thức một nhà nước liên bang lỏng lẻo hơn với sáu nước cộng hòa. Bằng đề nghị này các nước cộng hòa sẽ có quyền tự quyết. Tuy nhiên Milošević phản đối mọi đề nghị như vậy, cho rằng giống như người Slovenia và người Croatia, người Serb (nên nhớ là có người Serb tại Croatia) cũng phải có quyền tự quyết.
Ngày 9 tháng 3 năm 1991, những cuộc tuần hành phản đối Slobodan Milošević được tổ chức ở Belgrade, nhưng cảnh sát và quân đội đã được triển khai trên các đường phố để giữ gìn trật tự, giết hại hai người. Cuối tháng 3 năm 1991, Vụ việc Plitvice Lakes là một trong những tia lửa đầu tiên nhóm lên cuộc chiến tại Croatia. Quân đội Nhân dân Nam Tư (JNA), với các tướng lĩnh cao cấp chủ yếu là người Seriba, duy trì lập trường trung lập, nhưng khi thời gian trôi đi, họ ngày càng can thiệp sâu vào chính trị trong nước.
Ngày 25 tháng 6 năm 1991, Slovenia và Croatia trở thành hai nước cộng hòa đầu tiên tuyên bố độc lập khỏi Nam Tư. Các quan chức hải quan liên bang tại Slovenia trên vùng biên giới với Ý, Áo và Hungary chủ yếu chỉ thay đổi đồng phục bởi đa số họ là người Slovenia địa phương. Cảnh sát biên giới cũng đã là người Slovenia trước khi nước này tuyên bố độc lập. Ngày hôm sau (26 tháng 6), Hội đồng Hành pháp Liên bang ra lệnh đặc biệt cho quân đội nắm quyền kiểm soát "các đường biên giới đã được quốc tế công nhận". Xem Cuộc chiến mười ngày.
Các lực lượng Quân đội Nhân dân Nam Tư, dựa vào các đơn vị đồn trú tại Slovenia và Croatia, muốn thực hiện nhiệm vụ này trong vòng 48 giờ sau đó. Tuy nhiên, vì Quân đội Nam Tư thông tin sai lệnh nên Liên bang nằm dưới sự tấn công của các lực lượng nước ngoài, và trên thực tế đa số họ không muốn tham gia vào một cuộc chiến trên bộ nơi họ đang làm nhiệm vụ, các lực lượng phòng vệ Slovenia nhanh chóng giành lại hầu hết các vị trí trong vòng vài ngày với tổn thất nhân sự nhỏ nhất cho cả hai phía. Có một vụ việc bị coi là một tội ác chiến tranh, khi kênh ORF TV station của Áo phát sóng đoạn phim tư liệu về ba binh lính Quân đội Nam Tư đầu hàng lực lượng phòng vệ, trước khi có tiếng súng và những người lính ngã xuống. Tuy nhiên, không ai thiệt mạng trong vụ việc này. Tuy vậy đã có những vụ việc phá hủy tài sản và sinh mạng cá nhân bởi Quân đội Nhân dân Nam Tư - các ngôi nhà, một nhà thờ, sân bay dân sự đã bị ném bom, các tài xế xe tải trên đường Ljubljana - Zagreb và các nhà báo Áo tại Sân bay Ljubljana đã bị thiệt mạng. Lúc ấy thỏa thuận ngừng bắn được đưa ra. Theo Thỏa thuận Brioni, được công nhận bởi tất cả các đại diện của các nước cộng hòa, cộng đồng quốc tế gây áp lực với Slovenia và Croatia để đặt ra một thời hạn trì hoãn ba tháng tuyên bố độc lập của họ. Trong ba tháng này, Quân đội Nam Tư đã hoàn thành việc rút khỏi Slovenia, nhưng tại Croatia, một cuộc chiến tranh bùng phát vào mùa thu năm 1991. Sắc tộc Serbia, đã tạo ra quốc gia Cộng hòa Serbian Krajina của riêng họ tại các vùng có đa số người Serb sinh sống chống lại các lực lượng của Cộng hòa Croatia đang tìm cách đưa vùng ly khai này trở lại dưới quyền cai quản của Croatia. Tại một số vùng chiến lược, Quân đội Nam Tư hành động như một vùng đệm, ở hầu hết những nơi khác quân đội bảo vệ hay giúp đỡ những người Serb bằng các nguồn lực và cả nhân lực trong cuộc chiến của họ với quân đội và cảnh sát Croatia.
Tháng 9 năm 1991, Cộng hòa Macedonia cũng tuyên bố độc lập, trở thành nước cộng hòa cũ duy nhất giành được chủ quyền mà không gặp phải sự chống đối của chính quyền Nam Tư tại Belgrade. Năm trăm binh sĩ Mỹ sau đó đã được triển khai dưới danh nghĩa Liên hiệp quốc để giám sát các biên giới phía bắc của Marcedonia với Cộng hòa Serbia, Nam Tư. Tổng thống đầu tiên của Macedonia, Kiro Gligorov, vẫn duy trì được quan hệ tốt với Belgrade và các nước cộng hòa ly khai khác và tới thời điểm ấy vẫn không hề có vấn đề gì giữa Macedonian và cảnh sát biên giới Serbia thậm chí với cả các vùng nhỏ là Kosovo và Preševo là nơi lịch sử được biết là Macedonia, điều có thể gây ra tranh cãi biên giới khi những người Macedonia theo chủ nghĩa quốc gia có thể đặt lại vấn đề (xem IMORO).
Vì cuộc xung đột này, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã đơn phương thông au Nghị quyết số 721 của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ngày 27 tháng 11 năm 1991, tạo đường cho sự thành lập các chiến dịch gìn giữ hòa bình tại Nam Tư.
Tại Bosna và Hercegovina tháng 11 năm 1991, người Serb tại Bosna đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý với đại đa số ủng hộ thành lập cộng hòa Serbia trong các biên giới của Bosna và Hercegovina và ở trong một nhà nước chung với Serbia và Montenegro. Ngày 9 tháng 1 năm 1992, quốc hội của nước Serbia Bosna tự phong tuyên bố một nước "Cộng hòa của người Serb tại Bosna và Hercegovina" riêng biệt. Cuộc trưng cầu dân ý và việc thành lập SARs được tuyên bố một cách bất hợp hiến bởi chính phủ Bosna và Hercegovina, và không hợp pháp cũng như không có giá trị. Tuy nhiên, vào tháng 2 và tháng 3 năm 1992 chính phủ đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý quốc gia về nền độc lập của Bosna khỏi Nam Tư. Cuộc trưng cầu dân ý này cũng được tuyên bố trái ngược với BiH và hiến pháp Liên bang của Tòa án hiến pháp liên bang tại Belgrade và chính phủ mới được thành lập của Serbia Bosna. Cuộc trưng cầu này bị tẩy chay mạnh mẽ bởi người Serb tại Bosna. Đáng chú ý là Tòa án Liên bang tại Belgrade không quyết định về vấn đề trưng cầu dân ý của người Serb tại Bosna. Kết quả là khoảng 64-67% trong 98% người tham gia ủng hộ độc lập. Chính phủ nước cộng hòa tuyên bố nền độc lập của mình ngày 5 tháng 4, và người Serb ngay lập tức tuyên bố nền độc lập của Cộng hòa Srpska. Cuộc chiến tại Bosna bùng nổ ngay sau đó.
Sự chấm dứt của Nam Tư thứ hai
Nhiều ngày được coi là ngày chấm dứt của Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Nam Tư:
25 tháng 6 năm 1991, khi Croatia và Slovenia tuyên bố độc lập.
8 tháng 9 năm 1991, sau một cuộc trưng cầu dân ý Cộng hòa Bắc Macedonia tuyên bố độc lập.
8 tháng 10 năm 1991, khi lệnh đình hoãn sự ly khai của Slovenia và Croatia ngày 9 tháng 7 chấm dứt và Croatia tái khởi động quá trình giành độc lập tại Nghị viện Croatia (ngày này được kỳ niệm là Ngày Độc lập tại Croatia)
15 tháng 1 năm 1992, khi Slovenia và Croatia được hầu hết các quốc gia châu Âu công nhận.
6 tháng 4 năm 1992, Hoa Kỳ và hầu hết các nước châu Âu công nhận hoàn toàn nền độc lập của Bosna và Hercegovina.
28 tháng 4 năm 1992, sự thành lập của Cộng hòa Liên bang Nam Tư (xem bên dưới).
Tháng 11 năm 1995, thỏa thuận hòa bình được ký kết tại Dayton giữa các lãnh đạo Nam Tư, Bosna và Hercegovina và Croatia
1996-1999, Những cuộc xung đột giữa quân đội Nam Tư và KLA
24 tháng 3-10 tháng 6 năm 1999, NATO ném bom Cộng hòa Liên bang Nam Tư.
Tháng 6 năm 1999, lực lượng quản lý của Liên hiệp quốc và NATO tới Kosovo
5 tháng 2 năm 2003, Nhà nước liên bang Serbia và Montenegro được công bố.
5 tháng 6 năm 2006, Sau một cuộc trưng cầu dân ý tại Montenegro, Serbia và Montenegro tuyên bố nền độc lập của riêng mình.
17 tháng 2 năm 2008, khi Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia
Cộng hòa Liên bang Nam Tư
Cộng hòa Liên bang Nam Tư (FRY) được thành lập ngày 28 tháng 4 năm 1992, gồm nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Serbia và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Montenegro cũ. Hiến pháp mới của Nam Tư được các đại biểu quốc hội, được bầu trong cuộc tuyển cử một đảng năm 1986 bỏ phiếu thông qua.
Cuộc chiến ở những vùng phía tây Nam Tư cũ chấm dứt năm 1995 với những cuộc đàm phán hòa bình được Hoa Kỳ bảo trợ tại Dayton, Ohio, dẫn tới cái gọi là Thỏa thuận Dayton.
Tại Kosovo, trong suốt thập niên 1990, giới lãnh đạo sắc tộc Albania đã theo đuổi các chiến thuật phản kháng phi bạo lực nhằm giành độc lập cho tỉnh này. Năm 1996, người Albania thành lập Quân đội Giải phóng Kosovo. Phản ứng của Nam Tư là sự sử dụng vũ lực bừa bãi chống lại dân thường, và buộc nhiều sắc tộc Albania phải bỏ chạy khỏi nhà cửa. Sau vụ Racak và sự bất thành của Thỏa thuận Rambouillet trong những tháng đầu năm 1999, NATO ném bom Serbia và Montenegro trong thời gian hơn hai tháng, cho tới khi một thỏa thuận đạt được giữa NATO và chính phủ Milošević, với sự trung gian của Nga. Nam Tư rút các lực lượng của mình khỏi Kosovo, đổi lại NATO rút lại yêu cầu ở trước cuộc chiến đòi các lực lượng NATO vào Serbia, khiến 250.000 người Serb và các sắc tộc không Albania khác rơi vào cảnh tị nạn. Xem Chiến tranh Kosovo để biết thêm thông tin. Từ tháng 6 năm 1999, tỉnh này thuộc quyền quản lý của các lực lượng gìn giữ hòa bình NATO và Nga, dù tất cả các bên tiếp tục công nhận nó là một phần của Serbia.
Việc Milošević từ chối các tuyên bố thắng cử trong vòng đầu tiên của phe đối lập trong cuộc bầu cử tổng thống liên bang vào tháng 9 năm 2000 đã dẫn tới những cuộc tuần thành lớn ở Belgrade ngày 5 tháng 10 và sự sụp đổ của chính quyền. Ứng cử viên đối lập, Vojislav Koštunica lên nắm quyền tổng thống Nam Tư ngày 6 tháng 10 năm 2000.
Thứ bảy ngày 31 tháng 3 năm 2001, Milošević đầu hàng các lực lượng an ninh của chính quyền tại nhà ở Belgrade, với một lệnh bắt mới được ban hành về các trách nhiệm lạm dụng quyền lực và tham nhũng. Ngày 28 tháng 6 ông bị đưa tới biên giới Nam Tư-Bosna và ngay lập tức sau đó bị đặt dưới sự giám sát của các quan chức SFOR, và tiếp tục bị gửi ra trước Tòa án Tội phạm Quốc tế về Nam Tư cũ của Liên hiệp quốc. Phiên tòa xử ông về các trách nhiệm trong cuộc thảm sát tại Bosna và những tội ác chiến tranh tại Croatia và tại Kosovo cùng Metohija bắt đầu tại The Hague ngày 12 tháng 2 năm 2002, ông qua đời tại đó ngày 11 tháng 3 năm 2006, khi phiên tòa vẫn đang diễn ra. Ngày 11 tháng 4 năm 2002, nghị viện Nam Tư thông qua một điều luật cho phép trục xuất tất cả những người bị Tòa án Tội phạm Quốc tế buộc các tội ác chiến tranh.
Tháng 3 năm 2002, chính phủ Serbia và Montenegro đồng ý cải cách Cộng hòa Liên bang Nam Tư thành một hình thức liên minh mới, nhưng kém thống nhất hơn, được gọi là Serbia và Montenegro. Theo nghị quyết của Nghị viện Liên bang Nam Tư ngày 4 tháng 2 năm 2003, Nam Tư, ít nhất trên hình thức, đã ngừng tồn tại. Một chính phủ Liên bang vẫn tồn tại ở Belgrade nhưng chủ yếu chỉ có quyền lực nghi thức. Các chính phủ riêng của Serbia và của Montenegro tiến hành các công việc riêng của mình như thể đó là hai nước cộng hòa độc lập. Hơn nữa, các hình thức hải quan đã được thiết lập dọc theo biên giới cũ giữa hai nước cộng hòa.
Ngày 21 tháng 5 năm 2006, 86% người dân Montenegro đã tham gia một cuộc trưng cầu dân ý đặc biệt về nền độc lập của Montenegro ra khỏi liên minh với Serbia. 55.5% đã bỏ phiếu giành độc lập, được công nhận là trên 55% ngưỡng giới hạn do Liên minh châu Âu đặt ra để chính thức công nhận nền độc lập của Montenegro. Ngày 3 tháng 6 năm 2006, Montenegro chính thức tuyên bố độc lập, Serbia cũng tuyên bố hai ngày sau đó, chính thức giải tán di sản cuối cùng của Nam Tư cũ.
Kosovo tuyên bố độc lập vào tháng 2 năm 2008, nhưng nó vẫn chưa phải là một thành viên của Liên hiệp Quốc và chỉ được 41 chính phủ công nhận.
Di sản
Các quốc gia mới
Các quốc gia ngày nay được thành lập từ những phần cũ của Nam Tư gồm:
Bosna và Hercegovina
Croatia
Bắc Macedonia
Montenegro
Serbia
Slovenia
Kosovo (được công nhận một phần)
Nước cộng hòa đầu tiên thuộc Nam Tư cũ gia nhập Liên minh châu Âu là Slovenia, nộp đơn năm 1996 và trở thành một thành viên năm 2004. Croatia đã nộp đơn xin gia nhập năm 2003, và trở thành thành viên tháng 7 năm 2013. Cộng hòa Macedonia nộp đơn năm 2004, và có thể gia nhập trong giai đoạn 2010–2015. Bốn nước cộng hòa còn lại còn chưa nộp đơn gia nhập nên nói chung họ khó có thể trở thành thành viên trước năm 2015. Các quốc gia này tham gia nhiều thỏa thuận đối tác với Liên minh châu Âu. Từ ngày 1 tháng 1 năm 2007, các nước này cùng Albania đã bị bao quanh bởi các quốc gia thành viên EU. Xem thêm: Mở rộng Liên minh châu Âu.
Các mối liên hệ văn hóa và sắc tộc còn lại
Sự tương đồng của các ngôn ngữ và lịch sử liên kết dài lâu đã để lại nhiều mối quan hệ trong các dân tộc của các quốc gia mới, thậm chí khi các chính sách riêng của các quốc gia mới thành lập muốn tạo lập sự khác biệt, đặc biệt trong ngôn ngữ. Tiếng Serbo-Croatian về mặt ngôn ngữ học là một ngôn ngữ duy nhất, với nhiều biến thể nói và viết và cũng từng là phương tiện giao tiếp tại những nơi khi các ngôn ngữ khác chiếm ưu thế (Slovenia, Macedonia). Hiện tại các tiêu chuẩn ngôn ngữ khác nhau đang tồn tại cho tiếng Bosna, tiếng Croatia, tiếng Serbia và Tiếng Montenegro. Về mặt kỹ thuật Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Nam Tư có ba ngôn ngữ chính thức, cùng với các ngôn ngữ nhỏ được sử dụng chính thức tại các cộng đồng đó, nhưng tại các cơ quan liên bang chỉ tiếng Serbo-Croatian được sử dụng.
Ký ức về thời cùng sống chung và những khía cạnh tốt đẹp của thời gian ấy được gọi là Yugonostalgy (Jugonostalgija).
Rất nhiều khía cạnh của Yugonostalgia liên quan tới hệ thống xã hội chủ nghĩa và cảm giác an toàn an sinh xã hội được cung cấp và những sự trì trệ của nó.
Thông tin khác
Tiểu hành tinh 1554 Yugoslavia do Milorad B. Protić phát hiện và đặt tên theo tên Nam Tư. |
Vật tự thể hoặc Vật tự thân - được dịch từ thuật ngữ gốc Đức là Das Ding an sich - vốn là một cách lập khái niệm của triết gia Immanuel Kant và với nó, ông chỉ đến một hiện hữu (ein Seiendes) tồn tại không tuỳ thuộc vào sự kiện là nó được một chủ thể (Subjekt) cảm nhận và qua đó, trở thành một đối tượng (Objekt) cho chủ thể đó.
Lịch sử khái niệm
Từ khi Aristotle đề xuất những phạm trù thì giới triết học kinh viện châu Âu phân biệt giữa trường hợp một sự việc (Sache) có được vì những hoàn cảnh ngẫu nhiên bên ngoài (Akzidenz) và có sẵn trong "bản thân" (per se), nghĩa là có sẵn vì một điểm tất yếu nội tại. Phần "tự thể", an sich, của khái niệm là cách dịch của từ kath´auto của tiếng Hi Lạp hoặc từ per se của tiếng Latinh. Nó chỉ đến cái mà một hiện hữu có sẵn như một "bản tính". Khái niệm "tự thể" được đưa vào ngôn ngữ triết học Đức trong thế kỉ 18. Kant dùng cách dịch "an sich" của Alexander Gottlieb Baumgarten và dùng nó với nghĩa thông thường trong các luận văn của mình. Trong phạm vi Triết học siêu việt (Transzendentalphilosophie) của mình, Kant mở rộng ý nghĩa của "tự thể" thành một terminus technicus bằng thêm vào từ "vật" (Ding), thành một "vật tự thể".
Giải thích khái niệm
Theo Kant, một vật tự thể không có các hình thức tri thức của chủ thể, ví dụ như không gian và thời gian. Đối với Kant, khái niệm "vật tự thể" chỉ được dùng với nghĩa siêu việt. Và đây cũng là một lời phê bình trọng đại dành cho Siêu hình học: Khoa này chuyển đến đối tượng (Objekt) những hình thức nhận thức của chủ thể một cách bất hợp lệ.
Trong Prolegomena § 13, Ghi chú II, Kant miêu tả khái niệm vật tự thể để phân biệt rõ lập trường của mình với chủ nghĩa duy tâm:
Trong bản dịch Phê phán lý tính thuần tuý, Bùi Văn Nam Sơn đưa ra lời một giải thích khái niệm "vật tự thể" của Kant rất mạch lạc (ông gọi là "vật tự thân"):
Một ví dụ đơn giản giúp ta dễ hiểu hơn. Với kiến thức ít ỏi về thiên văn học, ta dùng một kính viễn vọng nhìn lên bầu trời. Thoạt đầu chỉ thấy một vật tròn xanh nhạt có một vòng đai chung quanh rất lạ mắt. Khá hơn một chút, ta biết hình tròn ấy là một ngôi sao, rồi dần dần ta nhận ra đó là một hành tinh với tên gọi Sao Thổ. Nhà thiên văn tài giỏi phát hiện ra Sao Thổ lẫn kẻ "nghiệp dư" như ta đều giống nhau ở chỗ: các khái niệm "ngôi sao, hành tinh, hình tròn, vòng đai, Sao Thổ"... đều là những "sản phẩm" của đầu óc con người! Và xin nhớ: Sao Thổ đã biến đổi dần dần trong quá trình nhận thức của ta và hướng theo đầu óc ta như Kant nói, song tự thân Sao Thổ không hề biến đổi gì cả.
Chữ "tự thân" xuất hiện có vẻ ngẫu nhiên, nhưng thật ra ta đã chạm đến giây thần kinh trung tâm của triết học Kant: đó là khái niệm về "vật tự thân" (Ding an sich) và sự phân biệt giữa "vật-tự thân" với "hiện tượng" (Erscheinung). Giống như ta không thể biết gì về "Sao Thổ tự-thân" (theo Kant, kể cả khi ta đổ bộ lên Sao Thổ và nghiên cứu cặn kẽ về nó), ta cũng không thể biết gì về "tự thân" của mọi sự vật khác, vì chúng nằm ngoài giác quan lẫn trí óc của ta. Vậy, theo Kant, ta chỉ có thể phát biểu về sự vật những gì do chính đầu óc ta "sản xuất ra", hoặc theo cách nói của ông: những gì do giác tính mang lại cho ta như là hiện tượng. Câu then chốt ở đây là: "cho rằng các đối tượng – hay dùng một từ đồng nghĩa: kinh nghiệm, trong đó các đối tượng được mang lại cho ta và được nhận thức – phải phù hợp với các khái niệm của ta"... (BXVIII).
Như thế thì từ tầm nhìn của chính mình, con người không thể nào biết được "vật tự thể" là gì. Đối với con người, một vật tự thể - như một trí huệ thiêng liêng có thể nhận thức được nó - không hơn gì một quan niệm về một thực chất có thể nằm sau những gì ông ta nhận thức. Ngay cả việc muốn biết hiện thực đứng sau một "vật tự thể" cũng vô nghĩa; chúng chung quy chỉ là những khái niệm đơn thuần và con người cũng không thể biết được rằng chúng có những hiện thực tương đương đứng phía sau hay không, hay chỉ là những khái niệm vạch rõ tính hạn chế của tri thức loài người. Nhưng, "vật tự thể" như một khái niệm cực biên có thể giúp con người nhận thức được khả năng của mình, biết được giới hạn của tri thức và không phạm lỗi đưa nhận thức của mình lên cấp bậc tuyệt đối. Ngay cả những khái niệm giác tính thuần tuý (reine Verstandesbegriffe) hoặc khái niệm lý tính thuần tuý (reine Vernunftbegriffe) cũng không thể tiếp cận được chân lý tuyệt đối.
Các quan điểm đối lập
Quan điểm Duy tâm của Hegel
Chủ nghĩa duy tâm Đức phản đối khái niệm vật tự thể. Hegel cho rằng, việc thừa nhận một "bản tính" (Wesen) không thể được nhận thức vốn nằm sau thế giới đang trình hiện trước chúng ta như Kant đã làm là một điều không có căn cứ. Hậu quả của nó sẽ là tính bất khả tri tuyệt đối của thế giới, một sự sai biệt không thể được khắc phục. Tư tưởng triết học của Hegel chính là sự nỗ lực vượt qua sự sai biệt này. |
Hạ Cơ có thể là:
Nàng Hạ Cơ: một mỹ nhân thời Xuân Thu, nổi tiếng có thuật "hoàn tân".
Hạ thái hậu: mẹ của Trang Tương Vương, tức bà nội ruột của Tần Thủy Hoàng. |
Trâu Quỳ là thị trấn huyện lỵ của huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Địa lý
Thị trấn Trâu Quỳ nằm trên Quốc lộ 5A, cách trung tâm thành phố Hà Nội 12 km, có vị trí địa lý:
Phía đông giáp xã Phú Thị và xã Dương Xá
Phía tây giáp xã Đông Dư và quận Long Biên
Phía nam giáp xã Đa Tốn
Phía bắc giáp xã Cổ Bi và xã Đặng Xá.
Thị trấn Trâu Quỳ có diện tích 7,18 km², dân số năm 2022 là 30.051 người, mật độ dân số đạt 4.185 người/km².
Hành chính
Thị trấn Trâu Quỳ được chia thành 11 tổ dân phố: An Đào, An Lạc, Bình Minh, Chính Trung, Cửu Việt, Đào Nguyên, Kiên Thành, Nông Lâm, Thành Trung, Voi Phục, Vườn Dâu.
Lịch sử
Trước đây, địa bàn thị trấn Trâu Quỳ thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh. Lúc bấy giờ, Trâu Quỳ được chia thành 4 xã: Chính Trung, Lạc Việt, Tân Trung và Trung Dương.
Năm 1948, hợp nhất 4 xã: Chính Trung, Lạc Việt, Tân Trung và Trung Dương thành xã Quang Trung.
Năm 1961, xã Quang Trung gọi là xã Quang Trung I để phân biệt với xã Quang Trung II (Yên Thường).
Ngày 20 tháng 4 năm 1961, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc sáp nhập xã Quang Trung I vào thành phố Hà Nội quản lý.
Ngày 31 tháng 5 năm 1961, Hội đồng Chính phủ ban hành 78-CP. Theo đó, xã Quang Trung I thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội quản lý.
Năm 1966, đổi tên xã Quang Trung I thành xã Trâu Quỳ.
Ngày 5 tháng 1 năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2005/NĐ-
CP về việc thành lập thị trấn Trâu Quỳ trên cơ sở toàn bộ 734,57 ha diện tích tự nhiên và 21.772 nhân khẩu của xã Trâu Quỳ.
Ngày 9 tháng 1 năm 2020, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 128/QĐ-UBND về việc sáp nhập TDP Kiên Trung vào TDP Kiên Thành.
Kinh tế - xã hội
Trâu Quỳ có trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu Rau Quả. |
Ralph Waldo Emerson (1803–1882) là nhà viết tiểu luận, giảng viên, triết gia và nhà thơ người Mỹ, và cũng là người đi đầu trong phong trào tự lực cánh sinh và chủ nghĩa siêu việt (Anh ngữ: transcendentalism).
Tiểu sử
Ralph Waldo Emerson sinh ở thành phố Boston, tiểu bang. Cha ông là một giáo sĩ Kitô giáo theo thuyết nhất vị, giảng đạo ở Boston, qua đời khi ông lên 8 tuổi. Ralph Waldo Emerson vào học ở Đại học Harvard lúc mới 14 tuổi, nhận học bổng của đại học này và tốt nghiệp vào năm 18 tuổi. Ba năm tiếp theo, ông đi dạy học ở Boston, và sinh sống với chức vụ hiệu trưởng của một trường trung học phổ thông tư.
Năm 1825, ông theo học trường thần học Harvard Divinity School của Đại học Harvard. Năm sau, ông được chứng nhận là giáo sĩ giảng đạo, và bắt đầu rao giảng trong các nhà thờ ở Boston.
Năm 1829, ông trở thành mục sư theo thuyết nhất vị, rồi cưới vợ, nhưng vợ ông qua đời 17 tháng sau.
Năm 1832, vì bất đồng với các chức sắc giáo hội về lễ thông công và nghi ngại về việc cầu nguyện đã dẫn đến việc ông từ chức, như ông đã viết: "Phương thức này để tưởng nhớ Đấng Kitô không phù hợp với tôi. Đó là lý do tôi từ bỏ việc làm đó." Cùng năm này, ông đi châu Âu. Ông sống một thời gian ở Anh, gặp gỡ và giao thiệp với những nhân vật nổi danh như Walter Savage Landor (nhà thơ và cây bút viết văn xuôi, người Anh), Samuel Taylor Coleridge (nhà thơ dẫn đầu trường phái lãng mạn, cũng là nhà nhà phê bình, người Anh), Thomas Carlyle (sử gia, nhà phê bình xã hội người Scotland), và William Wordsworth, nhà thơ nổi tiếng của trường phái lãng mạn, người Anh).
Sau gần một năm, Emerson trở về Mỹ, rồi dời đến ngụ tại thành phố Concord, Massachusetts. Năm 1835, ông kết hôn lần thứ hai.
Năm 1836, ông cùng vài nhà trí thức thành lập Câu lạc Bộ thuyết Siêu việt.
Năm 1838, ông được mời trở lại giảng dạy ở Đại học Havard, nhưng vì có tư tưởng quá mới lạ, gây tranh cãi, việc giảng dạy ở đây chấm dứt.
Nhưng ông sinh sống nhờ vào thù lao của các bài giảng ở những nơi nào chấp nhận luồng tư tưởng của ông, và dần dà trở nên một diễn giả được ưa thích ở tiểu bang New England. Trong các buổi diễn giảng này, ông đề cập đến nhiều đề tài khác nhau.
Trong Phong trào Siêu việt, Emerson giao du thân mật với những nhân vật nổi tiếng đương thời như các nhà văn Nathaniel Hawthorne và Henry David Thoreau.
Emerson lại đi Anh từ năm 1847 đến 1848, được thỉnh giảng ở Anh. Giai đoạn này đóng góp nhiều tư liệu cho nguồn suy tư của ông, và tạo nên chất liệu cho nhiều tiểu luận dưới những tiêu đề khác nhau, kể các khía nhìn của một người Mỹ về nền văn hóa Anh.
Cuối thập kỷ 1870, sức sáng tác của Emerson bắt đầu chậm lại, nhưng uy tín của ông càng ngày càng dâng cao.
Tư tưởng và Tác phẩm
Chịu ảnh hưởng bởi những luồng tư tưởng khác nhau như trường phái lãng mạn Anh, Học thuyết Tân Plato và triết lý của Ấn giáo, Emerson được nổi tiếng nhờ tài hùng biện cùng ngôn ngữ văn hoa nhằm thể hiện một cách hùng hồn ý tưởng của ông. Không như nhiều tác giả chỉ dùng ngòi bút, ông còn dùng ngôn từ qua những bài diễn văn, những tiết dạy thỉnh giảng cho sinh viên đại học... từ đó tạo sức thu hút mạnh mẽ đối với thính giả.
Trong thời gian học ở Đại học Harvard, Emerson đã bắt đầu viết lách, ghi lại những điều quan sát và suy tưởng. Sau này, ông sử dụng những chất liệu đó để gọt giũa thành những tiểu luận, bài thuyết trình..., rồi sau khi ông qua đời được tổng hợp để xuất bản trong bộ hồi ức Journals. Ông cũng được biết đến như là sinh viên đã phản bác những tư tưởng mà giáo sư truyền đạt, rồi tạo dựng luồng tư tưởng cho riêng mình.
Nhưng trong nghiệp viết, ông được người ta biết đến như là cây bút trừu tượng khiến cho người đọc khó thấu hiểu ông muốn diễn tả gì.
Tư tưởng của ông được trình bày rõ nhất trong quyển sách đầu tiên, Nature (1836). Khởi đầu, quyển sách này được ghi tác giả là vô danh; chỉ sau khi tái bản mới mang tên ông. Khởi đầu, quyển sách không được mấy ai để ý đến, nhưng dần dà được xem là tác phẩm quan trọng nhất của ông, chứa những ý tưởng nguyên thủy mà ông vận dụng để phân tích triết lý siêu việt. Triết lý này kêu gọi tạo sự tự do cho cá nhân, để thoát khỏi những ràng buộc do con người tạo ra cho con người. Tư tưởng như thế đi ngược lại với thuyết Calvin trong hệ thống Ky Tô giáo vốn thịnh hành thời bấy giờ.
Cũng dựa trên hệ thống triết lý này, vào năm 1837 Emerson đọc một bài diễn văn có tựa đề The American Scholar (Học giả Mỹ) tại đại hội những cựu sinh viên xuất chúng của Đại học Havard, cổ vũ cho sự độc lập về tư tưởng tri thức. Năm sau, ông đọc một bài diễn văn tại trường thần học Cambridge Divinity College. Bài diễn văn này, (không có tựa chính thức, nhưng sau đó được gọi là Address at Divinity College), làm dấy lên tranh luận sôi nổi vì có ý phê phán hệ thống tôn giáo truyền thống, cổ vũ cho sự tự lập và kinh nghiệm tâm linh trực cảm. Ông cũng gây một cú sốc cho giáo chúng Ky Tô khi đánh giá Giê-xu là một con người vĩ đại, nhưng không phải là thần thánh. Vì việc này, ông bị tố cáo là người vô thần. Dù bị công kích dữ dội, ông không trả lời. Cũng vì đã gây tranh cãi, Đại học Havard không mời ông đến giảng dạy cho đến 40 năm sau.
Tuyển tập đầu tiên những bài tiểu luận được in ra trong quyển Emerson’s Essays (1841). Tuyển tập này có những bài tiểu luận gây ảnh hưởng rộng theo những tiêu đề như lịch sử, tính tự lập, tình yêu, tình bạn, anh hùng tính, nghệ thuật...
Tuyển tập thứ hai có tư tưởng ôn hòa hơn, nhấn mạnh ít hơn đến bản thể và nhìn nhận rằng cuộc đời thực đặt ra nhiều hạn chế cho con người.
Trong thời gian này, ông cũng đóng góp bài vở cho tạp chí The Dial, cơ quan ngôn luận của phong trào siêu việt được thành lập năm 1840. Năm 1842, ông làm chủ bút của tạp chí này.
Năm 1846 (nhưng ghi năm xuất bản là 1847), ông cho xuất bản tập thơ đầu, lấy tựa đơn giản là Poems.
Tuyển tập Representative Men (1850) tổng hợp những bài giảng khác của ông về những danh nhân như nhà hiền triết Plato người Hi Lạp, triết gia Emanuel Swedenborg người Thụy Điển, và cây bút Michel Eyquem de Montaigne người Pháp.
Tuyển tập English Traits (1856) ghi lại những điều ông suy ngẫm sau khi quan sát xã hội và văn hóa Anh.
Riêng quyển The Conduct of Life (1860) là tác phẩm đầu tiên được đón nhận nồng nhiệt ngay lần ra mắt đầu tiên. Tuyển tập này bàn đến những đề tài như quyền lực, sự giàu có, định mệnh và văn hóa.
Tiếp đó là tập thơ May Day and Other Pieces (1867) gồm những bài thơ đã được gửi đăng ở các tạp chí triết lý và văn học.
Thêm một số tác phẩm được xuất bản rải rác: Society and Solitude (1870) tổng hợp thêm những tư liệu đã được sử dụng cho các bài giảng; tập thơ Parnassus (1874); Letters and Social Aims (1876); và Natural History of Intellect (1893).
Danh ngôn
Hãy kết thúc mỗi ngày và quên nó đi: bạn đã làm mọi việc có thể được. Bị vướng mắc và đối diện với chuyện vô lý, bạn hãy nhanh chóng quên hết đi. Ngày mai là một ngày mới; bạn sẽ phải bắt đầu ngày này trong thanh thản và với tinh thần cao, vì thế bạn không nên để chuyện không hay vướng bận mình.
Những gì phía sau ta và những gì phía trước ta đều là vụn vặt so với những gì trong tâm tư của ta.
Một khi bạn đã ra quyết định, cả vũ trụ sẽ cùng hợp sức để thực hiện nó.
Trên đời này thật dễ dàng sống theo ý kiến của người khác; trong cô đơn ta cũng dễ dàng sống theo bản ngã của mình; nhưng một người vĩ đại là người mà khi ở giữa đám đông vẫn giữ cho mình một sự độc lập và ngọt ngào trong cô đơn.
Sự kiện chính trong cuộc đời là ngày mà chúng ta bắt gặp một khối óc khiến chúng ta kinh ngạc.
Ghi chú
Thuyết nhất vị hay Nhất vị luận (Unitarianism) là phong trào tôn giáo tin Thượng đế chỉ có một ngôi vị, ngược lại với quan điểm Ba Ngôi (Tam vị Nhất thể). Thuyết này đánh giá tính nhân bản và tôn chỉ đạo đức trong những lời rao giảng của Giê-xu hơn là bị hấp dẫn vì hào quang thần thánh hoặc tin vào phép lạ. Thuyết này cũng nhấn mạnh đến tinh thần trách nhiệm cá nhân và tự lực cánh sinh dựa trên lương tri và lý lẽ, không bị trói buộc trong giáo điều. Rộng ra, con người phải chịu trách nhiệm đối với bản thân mình, chứ không phải phó mặc hoặc đổ lỗi cho định mệnh. Ở điểm này, thuyết nhất vị đối đầu với thuyết định mệnh của John Calvin.
Thuyết Tân Plato (neoplatonism) là hệ thống tư tưởng có tính chất triết lý pha trộn tôn giáo nhằm phát triển và tổng hợp những ý tưởng của Plato.
Thuyết Calvin: chủ thuyết do John Calvin (1509-1564), nhà thần học và cải tổ tôn giáo người Pháp lập nên, tin vào quyền năng tối cao của Thượng đế, và thuyết định mệnh: mọi việc đều đã được Ơn Trên sắp đặt trước. Vào thế kỷ 16-17, thuyết này gây ảnh hưởng mạnh ở châu Âu từ dân thường cho đến vua chúa. Chẳng hạn, vua Thụy Điển là Karl XII tin rằng khi nào Thượng đế quyết định người nào chết thì anh ta sẽ chết, chưa đến khi đó thì anh ta không nên sợ chết. Ông tin tưởng và rao giảng điều này cho binh sĩ dưới quyền, khiến cho Quân đội Thụy Điển chiến đấu rất mãnh liệt.
Chú thích
Emerson, Ralph Waldo
Emerson, Ralph Waldo
Emerson, Ralph Waldo
Mất năm 1882
Triết gia thế kỷ 19
Nhà thơ LGBT
Người Mỹ gốc Anh |
Triệu Cơ (chữ Hán: 趙姬; bính âm: zhào ji; ? - 229 TCN), còn gọi Lã Bất Vi cơ (呂不韋姬), Tử Sở phu nhân (子楚夫人) hay Đế thái hậu (帝太后), là một nhân vật cuối thời Chiến Quốc. Bà là Vương hậu duy nhất của Tần Trang Tương vương, vua thứ 35 của nước Tần và là mẹ đẻ của Tần Thủy Hoàng, vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Nhiều ý kiến cho rằng bà từng là thiếp của Lã Bất Vi và có khả năng Tần Thủy Hoàng là con của ông. Sau khi Trang Tương vương mất, bà tư thông và sinh hai con với Lao Ái. Bà cùng Tuyên Thái hậu là hai vị Vương thái hậu duy nhất của nước Tần bị ghi nhận tư thông và có con riêng sau khi phu quân băng hà.
Thân thế
Triệu Cơ người Hàm Đan nước Triệu, không rõ tên họ là gì, chỉ vì là con gái nước Triệu nên mới gọi Triệu Cơ. Thân phận của bà rất không rõ ràng, cách gọi [Lã Bất Vi cơ], khiến nhiều người cho rằng bà là thiếp hoặc con hát của Lã Bất Vi, vì chữ Cơ (姬) ám chỉ những thành phần như vậy trong xã hội.
Sách Sử ký thiên về Lã Bất Vi có nói: "Nước Triệu muốn giết vợ con của Tử Sở (tức Trang Tương vương), vợ của Tử Sở là con nhà gia thế, ẩn náu được, vì vậy mẹ con đều sống". Phần Tần Thủy Hoàng cũng có ghi: "Tần vương khi ở Hàm Đan, cùng với nhà mẹ ở nước Triệu có mâu thuẫn. Sau cho chôn sống hết". Những ghi chép này phần nào cho thấy rõ Triệu Cơ xuất thân con nhà gia thế ở nước Triệu, là "Hào gia nữ" (豪家女), tức con gái một gia đình phú quý hẳn hoi.
Hành trạng
Ở nước Triệu
Tuy không ghi lại nhiều về thân thế, song Sử ký Tư Mã Thiên lẫn Tư trị thông giám đều nhìn nhận bà múa hay và nhan sắc "cực kỳ đẹp". Khi đó, Doanh Dị Nhân - cháu nội Tần Chiêu Tương vương, con trai Thái tử Doanh Trụ và người thiếp Hạ Cơ không được sủng ái nên bị đày làm con tin ở Triệu. Một lần, Dị Nhân sang phủ Lã Bất Vi, thấy nhan sắc của "Lã Bất Vi cơ" mà đem lòng say mê. Lã Bất Vi thấy vậy bèn dâng nàng cho Dị Nhân. Bất Vi luôn giúp đỡ và nghĩ cách đưa Dị Nhân về Tần quốc. Ông hối lộ chính thất của Doanh Trụ là Hoa Dương phu nhân để bà nhận Dị Nhân làm con nuôi, trở thành con thừa tự của Doanh Trụ, đổi tên thành "Tử Sở".
Không lâu sau Triệu Cơ mang thai. Năm Tần Chiêu Tương vương thứ 48 (259 TCN), tháng giêng, sau khi mang thai 10 tháng, Triệu Cơ sinh con trai, đặt tên Doanh Chính, đương thời hay gọi "Triệu Chính" (趙政) do được sinh ra ở Triệu. Sau khi sinh, Dị Nhân lập Triệu Cơ làm chính thất.
Các sử gia vẫn luôn tranh cãi về việc Doanh Chính là con của Lã Bất Vi hay Dị Nhân, vì không loại trừ khả năng Triệu Cơ đã có thai với Lã Bất Vi từ trước. Tuy nhiên, học giả đời nhà Thanh là Lương Ngọc Thằng (梁玉繩) cho rằng ở đây có điểm đáng ngờ. Căn cứ nguyên văn mà Tư Mã Thiên chép trong Sử ký về việc Triệu Cơ sinh hạ, có ghi: "Cơ tự nặc hữu thân, chí đại kỳ thời, sinh tử Chính" (姬自匿有身,至大期時,生子政). Trong đó, "Đại kỳ" một từ là chỉ ý việc phụ nữ đủ tháng sinh nở thời cổ, ám chỉ việc Triệu Cơ cùng Doanh Dị Nhân sau khi chung chạ thì mang thai, xác thực Triệu Cơ sau khi mang thai 10 tháng mới sinh ra Doanh Chính. Mà cũng trong Sử ký, phần Tần Thủy Hoàng bản kỷ, đặc biệt ghi rõ Doanh Chính là vào "Tần Chiêu vương năm thứ 48, tháng giêng sinh ra ở Hàm Đan", căn cứ tài liệu biên thành của Tần triều, đều có khảo chứng. Lương Ngọc Thằng chỉ ra rằng, Tư Mã Thiên đem cả hai cụm từ rất mâu thuẫn là "Tự nặc hữu thân" (ý là "đang có thai") cùng "Đại kỳ" (ám chỉ "sau khi chung chạ mới có thai") để chung trong một câu như vầy, là một loại bút pháp Xuân Thu, ám chỉ tin đồn rất phổ biến khi ấy là Triệu Cơ có thai trước khi hầu ngủ Doanh Dị Nhân nhưng không tiện phủ nhận. Rất có thể, Doanh Chính là con của Lã Bất Vi.
Năm (257 TCN), năm thứ 50 đời Tần Chiêu Tương vương, nước Tần sai Vương Nghĩ bao vây Hàm Đan, gọi là Trận Hàm Đan. Nước Triệu muốn giết Doanh Tử Sở, nhưng Tử Sở cùng Lã Bất Vi mưu đưa sáu trăm cân vàng cho kẻ coi giữ nên trốn thoát về Tần. Triệu vương sau đó muốn giết Triệu Cơ và Doanh Chính, nhưng Triệu Cơ là con nhà tai mắt ở Triệu, lẩn trốn được vì thế hai mẹ con đều sống.
Về nước Tần
Năm 251 TCN, năm Tần Chiêu Tương vương thứ 56, Chiêu Tương vương mất. Doanh Trụ lên ngôi, tức Tần Hiếu Văn vương, lập Hoa Dương phu nhân làm Vương hậu, Tử Sở làm Thái tử. Sau 6 năm khốn khó ở Triệu, Triệu Cơ cùng con nhỏ Doanh Chính được Tử Sở đón về Tần. Trong thời gian chia cách, Tử Sở không rõ vợ con còn sống hay đã chết nên nghênh thú một nữ nhân nước Hàn làm phu nhân và sinh một con trai Thành Kiểu. 3 ngày sau Hiếu Văn vương mất, Tử Sở kế vị, tức Tần Trang Tương vương, lập Triệu Cơ làm Vương hậu, Doanh Chính làm Thái tử, tôn đích mẫu Hoa Dương hậu và mẹ đẻ Hạ Cơ làm Vương thái hậu.
3 năm sau Trang Tương vương mất, Doanh Chính khi ấy lên ngôi năm 13 tuổi, Triệu Cơ trở thành Thái hậu. Do không rõ họ bà là gì, cũng như không có biệt hiệu như Hoa Dương Thái hậu, nên Sử ký gọi bà là 「Thủy Hoàng đế mẫu Thái hậu; 始皇帝母太后」 hay 「Mẫu Thái hậu; 母太后」. Lã Bất Vi trở thành Tướng quốc, xưng gọi [Trọng phụ; 仲父]. Khi Tần vương Chính còn nhỏ, Thái hậu vốn "dâm đãng phóng túng", muốn nối lại tình xưa nên thường xuyên lén lút tư thông với Lã Bất Vi. Về sau Tần vương đã lớn, Lã Bất Vi sợ lộ sẽ mang họa, bèn ngầm tìm kẻ dương vật lớn là Lao Ái để dâng lên Thái hậu. Lã Bất Vi sai Lao Ái làm trò vui, lấy dương vật của mình tra vào bánh xe gỗ đồng mà đi. Triệu Cơ nghe vậy muốn giữ Lao Ái cho mình, Lã Bất Vi bèn cho Lao Ái giả làm hoạn quan rồi đưa đến cung Thái hậu. Triệu Cơ cùng Lao Ái thông dâm, sinh được hai con. Lao Ái đem hai đứa con đi giấu, định lập mưu đợi Tần vương chết thì lập con hắn làm vua.
Năm 239 TCN, năm thứ 8 đời Tần vương Chính, em trai của Tần vương là Thành Kiểu sang nhờ nước Triệu, tính mưu phản anh mình. Lao Ái bình loạn có công, phong Trường Tín hầu (長信侯), ban cho thực ấp ở quận Sơn Dương (山陽郡; nay là phía Đông Nam của Tiêu Tác, Hà Nam). Sau đó chưa đủ, Tần vương Chính còn ban cho Lao Ái hay quận Hà Tây và Thái Nguyên làm phong điền.
Năm 238 TCN, tức năm thứ 9 đời Tần vương Chính, có kẻ phát giác Lao Ái thực không phải là hoạn quan và thường thông dâm với Thái hậu. Tần vương Chính liền giao cho pháp đình xét, biết rõ sự tình và biết được Lao Ái còn có ý mưu phản. Khi biết sự tình bại lộ, Lao Ái giả truyền ý chỉ của Thái hậu mà tập hợp thuộc hạ quyết định làm binh biến, vây hãm Kỳ Niên cung (蘄年宮), Tần vương Chính phải dùng Xương Bình quân cùng Xương Văn quân bình định. Tháng 9 năm đó, Tần vương Chính giết cả ba họ nhà Lao Ái, ngũ mã phanh thây. Hai con riêng do Thái hậu hạ sinh bị Tần vương Chính cho người bọc trong bao bố rồi dùng gậy đánh chết.
Giam lỏng
Thái hậu Triệu Cơ bị cưỡng ép sang giam lỏng tại thành Ung (雍; nay là quận Phượng Tường tỉnh Thiểm Tây). Nhiều người vì nghĩ đến hiếu đạo của Tần vương mà khuyên nhủ, không may lòng căm hận của ông đối với mẹ chưa nguôi ngoai, nên những người ấy đều bị Tần vương trút giận bằng cách ra lệnh trừng phạt hết thảy.
Người nước Tề là Mao Tiêu (茅焦) sau đó can gián, vì nghĩ đến thanh danh Tần vương, trừng phạt mẹ đẻ sẽ khiến thiên hạ oán trách, khó có thể làm người trong thiên hạ tin phục, bên cạnh đó giết hại người dám gián ngôn còn khiến người sĩ phu lạnh tâm, không còn hăng hái phục vụ Tần vương nữa. Cuối cùng, Doanh Chính tiếp thu ý của Mao Tiêu, cho hậu táng tất cả những đại thần vì can gián mà bị giết. Tháng 10 năm thứ 10, sau khi cách chức Lã Bất Vi, Tần vương Doanh Chính đích thân suất lĩnh đoàn xe, sang Ung đón Thái hậu Triệu Cơ về Hàm Dương và cho định cư tại Cam Tuyền cung (甘泉宮), từ đó tình mẫu tử khôi phục. Mao Tiêu do đó được bái làm Thượng khanh. Còn về Lã Bất Vi, sau khi bị bãi chức thì ông bị ép trở về quê nhà. Ngày Lã Bất Vi tiếp chỉ, quan viên lén lút ra đầu hẻm đưa tiễn, Doanh Chính tức giận lại ra một đạo chỉ dụ, ám chỉ Lã Công công cao lấn chủ, thế là Lã Bất Vi đành phải uống thuốc độc tự sát để tránh làm liên lụy người nhà, thọ 57 tuổi.
Năm thứ 19 đời Tần vương Chính (229 TCN), 6 năm sau khi Lã Bất Vi mất, Thái hậu Triệu Cơ qua đời khi trên dưới 50 tuổi. Lúc này Doanh Chính còn là Tần vương nên bà cũng chỉ là Vương thái hậu. Về sau, khi Doanh Chính xưng làm Hoàng đế, ông đã truy phong cho mẹ mình là Đế Thái hậu (帝太后), hợp táng với Trang Tương vương ở Chỉ Dương. |
Trong toán học, một hàm số hay gọi ngắn là hàm (Tiếng Anh: function) là một loại ánh xạ giữa hai tập hợp số liên kết mọi phần tử của tập số đầu tiên với đúng một phần tử của tập số thứ hai. Ví dụ điển hình là các hàm từ số nguyên sang số nguyên hoặc từ số thực sang số thực.
Các hàm số ban đầu là sự lý tưởng hóa cách một đại lượng thay đổi phụ thuộc vào một đại lượng khác. Ví dụ, vị trí của một hành tinh là một hàm số của thời gian. Về mặt lịch sử, khái niệm này được xây dựng dựa trên phép tính vi tích phân vào cuối thế kỷ 17, và cho đến thế kỷ 19, các hàm được coi là khả vi (nghĩa là chúng có mức độ mịn cao). Khái niệm hàm số được chính thức hóa vào cuối thế kỷ 19 dưới dạng lý thuyết tập hợp, và điều này đã mở rộng đáng kể các lĩnh vực ứng dụng của khái niệm này.
Một hàm số là một quá trình hoặc một mối quan hệ mà liên kết mỗi phần tử của một tập hợp , được gọi là miền xác định của hàm số, đến một phần tử duy nhất của một tập hợp (có thể là cùng một tập hợp như X), và gọi là tập hợp đích của hàm số này. Hàm số thường được ký hiệu bằng các chữ cái như , và .
Nếu hàm được gọi là , quan hệ này được ký hiệu là (đọc là " của "), trong đó phần tử là đối số hoặc đầu vào của hàm và là giá trị của hàm, đầu ra hoặc ảnh của theo . Ký hiệu được sử dụng để biểu diễn đầu vào là biến của hàm (ví dụ: là hàm của biến ).
Một hàm số được biểu diễn duy nhất bởi tập hợp tất cả các cặp số , được gọi là đồ thị của hàm số. Khi miền và miền là tập hợp các số thực, mỗi cặp như vậy có thể được coi là tọa độ Descartes của một điểm trong mặt phẳng. Tập hợp các điểm này được gọi là đồ thị của hàm số; nó là một phương tiện phổ biến để minh họa một hàm số.
Các hàm số được sử dụng rộng rãi trong khoa học và trong hầu hết các lĩnh vực toán học. Người ta đã nói rằng các hàm là "đối tượng trung tâm của nghiên cứu" trong hầu hết các lĩnh vực toán học.
Khái niệm
Nói một cách trực quan, hàm là một quá trình liên kết từng phần tử của tập hợp số với một phần tử của tập hợp số .
Về mặt hình thức, một hàm từ tập đến tập được xác định bởi tập gồm các cặp có thứ tự sao cho , , và mọi phần tử của là thành phần đầu tiên của đúng một cặp có thứ tự ghép đôi trong Nói cách khác, với mọi trong , có đúng một phần tử sao cho cặp có thứ tự thuộc tập các cặp xác định hàm . Tập hợp được gọi là đồ thị của hàm số. Về mặt hình thức, nó có thể được xác định với hàm số trên, nhưng điều này che giấu cách giải thích thông thường về một chức năng như một quá trình. Do đó, trong cách sử dụng thông thường, hàm số thường được phân biệt với đồ thị của nó.
Trong định nghĩa về hàm số, và tương ứng được gọi là tập/miền xác định và tập đích/ miền giá trị của hàm Nếu thuộc tập xác định , thì là ảnh của thông qua , hoặc giá trị của được áp dụng cho đối số . Đặc biệt, trong ngữ cảnh của các con số, người ta cũng nói rằng là giá trị của đối với giá trị của biến của nó, hay ngắn gọn hơn, là giá trị của của , được ký hiệu là .
Hai hàm và là bằng nhau, nếu miền và tập hợp miền xác định của chúng giống nhau và giá trị đầu ra của chúng giống nhau trên toàn miền xác định đó. Chính thức hơn, nếu với mọi , trong đó và
Miền xác định và miền giá trị không phải lúc nào cũng được cung cấp rõ ràng khi một hàm được xác định và, nếu không có một số tính toán (có thể khó), người ta có thể chỉ biết rằng miền được chứa trong một tập hợp lớn hơn. Thông thường, điều này xảy ra trong giải tích toán học, trong đó "một hàm thường đề cập đến một hàm có thể có một tập con thích hợp của là miền xác định. Ví dụ, một "hàm từ giá trị thực đến giá trị thực" có thể tham chiếu đến một hàm có giá trị thực của một biến thực. Tuy nhiên, một "hàm từ số thực đến số thực" không có nghĩa là miền của hàm là toàn bộ tập các số thực, mà chỉ có nghĩa miền là tập các số thực có chứa khoảng mở không rỗng. Khi đó một hàm như vậy được gọi là hàm một phần. Ví dụ: nếu là một hàm có các số thực là miền xác định và miền giá trị, thì một hàm ánh xạ giá trị với giá trị là một hàm từ miền số thực đến miền số thực, có miền xác định là tập các số thực , sao cho .
Phạm vi của một hàm là tập hợp các ảnh của tất cả các phần tử trong miền. Tuy nhiên, phạm vi đôi khi được sử dụng như một từ đồng nghĩa của miền giá trị, thường sử dụng trong các sách cũ.
Định nghĩa dùng quan hệ
Bất kỳ tập con nào của tích Descartes gồm hai tập hợp và xác định một quan hệ hai ngôi giữa hai tập hợp này. Rõ ràng là một quan hệ tùy ý có thể chứa các cặp đôi vi phạm các điều kiện cần thiết cho một hàm số đã cho ở trên.
Một quan hệ hai ngôi là có tính hàm số (còn được gọi là duy nhất bên phải) nếu
Một quan hệ nhị phân là có tính nối tiếp (còn được gọi là tổng bên trái) nếu
Một hàm một phần là một quan hệ hai ngôi mà có tính hàm số..
Một hàm số là một quan hệ hai ngôi có tính hàm số và nối tiếp.
Các thuộc tính khác nhau của hàm số và thành phần hàm số có thể được định dạng lại bằng ngôn ngữ của các quan hệ. Ví dụ, một hàm số là đơn ánh nếu quan hệ ngược là có tính hàm số, trong đó quan hệ ngược được định nghĩa là
Cách cho hàm số
Hàm số có thể được cho bằng bảng hoặc bằng biểu đồ hoặc bằng 1 biểu thức hoặc nhiều biểu thức trên từng khoảng, đoạn, nửa khoảng.
Ví dụ: X = {1,2,3,4,5}, Y = {5,6,7,8,9,10}.
Hàm được cho bảng sau:
Các hàm cho bằng biểu thức như , , ...
Lưu ý: Trong chương trình môn Toán ở bậc Trung học phổ thông của Việt Nam (chỉ đề cập đến Hàm số biến số thực) quy ước rằng:
Khi không nói rõ thêm, miền xác định (tập xác định) của hàm số cho bằng biểu thức y = f(x) là tập hợp tất cả các giá trị của x làm cho f(x) có nghĩa.
Ví dụ: Hàm số có miền xác định là hay
Hàm số có miền xác định là
Miền giá trị của hàm số y = f(x) là tập hợp tất cả các giá trị có thể có của , nghĩa là .
Ví dụ: Miền giá trị của hàm số là .
Nếu X,Y thì hàm số được gọi là hàm số thực.
Ví dụ: Hàm lượng giác ,hàm mũ ,...
Nếu X,Y thì hàm số được gọi là hàm số biến số phức.
Ví dụ: Hàm dao động ;
Nếu X thì hàm số được gọi là hàm số số học.
Ví dụ: Hàm Euler biểu diễn số các số tự nhiên không vượt quá n và nguyên tố cùng nhau với n, hàm Sigma biểu diễn tổng tất cả các ước của số tự nhiên n...
Các dạng của hàm số
Đơn ánh, song ánh, toàn ánh
Như trên đã đề cập, hàm số là một trường hợp ánh xạ, nên người ta cũng miêu tả hàm số dưới 3 dạng là đơn ánh, toàn ánh và song ánh.
Đơn ánh
Một hàm số là đơn ánh khi nó áp dụng lên 2 đối số khác nhau luôn cho 2 giá trị khác nhau.
Một cách chặt chẽ, hàm f, xác định trên X và nhận giá trị trong Y, là đơn ánh nếu như nó thỏa mãn điều kiện với mọi x1 và x2 thuộc X và nếu x1 ≠ x2 thì f(x1) ≠ f(x2).
Nghĩa là, hàm số f là đơn ánh khi và chỉ khi:
Với đồ thị hàm số y = f(x) trong hệ tọa độ Đề các, mọi đường thẳng vuông góc với trục đối số Ox sẽ chỉ cắt đường cong đồ thị tại nhiều nhất là một điểm
Toàn ánh
Hàm số f được gọi là toàn ánh nếu như với mọi số y thuộc Y ta luôn tìm được ít nhất một số x thuộc X sao cho f(x) = y. Theo cách gọi của ánh xạ thì điều kiện này có nghĩa là mỗi phần tử y thuộc Y đều là ảnh của ít nhất một tạo ảnh x thuộc X qua ánh xạ f.
Nghĩa là, hàm số f là toàn ánh khi và chỉ khi:
cũng tức là
Đồ thị hàm cắt đường thẳng
Song ánh
Trong toán học, song ánh, hoặc hàm song ánh, là một hàm số f từ tập X vào tập Y thỏa mãn tính chất, đối với mỗi y thuộc Y, có duy nhất một x thuộc X sao cho f(x) = y.
Nói cách khác, f là một song ánh nếu và chỉ nếu nó là tương ứng một-một giữa hai tập hợp; tức là nó vừa là đơn ánh và vừa là toàn ánh.
Ví dụ, xét hàm fxác định trên tập hợp số nguyên vào, được định nghĩa f(x) = x + 1. Ví dụ khác, đối với mỗi cặp số thực (x,y) hàm f xác định bởi f(x,y) = (x + y, x − y) là một song ánh
Hàm song ánh đôi khi còn gọi là hoán vị.
Tập hợp tất cả các song ánh từ tập X vào tập Y được ký hiệu là X ↔ Y. Thông thường tập các hoán vị của tập X được ký hiệu là X!.
Song ánh đóng nhiều vai trò quan trọng trong toán học, như nó dùng để định nghĩa đẳng cấu (và những khái niệm liên quan như phép đồng phôi và vi phôi), nhóm hoán vị, ánh xạ xạ ảnh, và nhiều định nghĩa khác
Minh hoạ
Hàm hợp và hàm ngược
Hàm hợp
Cho các hàm số:
trong đó X, Y, Z là các tập hợp số nói chung. Hàm hợp của f1 và f2 là hàm số:
được định nghĩa bởi:
Có thể ký hiệu hàm hợp là:
Ví dụ, hàm số f(x) = sin (x2+1) là hàm số hợp f2(f1(x)), trong đó f2(y) = sin(y), f1(x) = (x2 +1).
Việc nhận biết một hàm số là hàm hợp của các hàm khác, trong nhiều trường hợp có thể khiến các tính toán giải tích (đạo hàm, vi phân, tích phân) trở nên đơn giản hơn.
Hàm ngược
Cho hàm số song ánh:
trong đó X, Y là tập hợp số nói chung.Khi đó mỗi phần tử y = f(x) với y nằm trong Y đều là ảnh của một và chỉ một phần tử x trong X. Như vậy, có thể đặt tương ứng mỗi phần tử y trong Y với một phần tử x trong X. Phép tương ứng đó đã xác định một hàm số, ánh xạ từ Y sang X, hàm số này được gọi là hàm số ngược của hàm số f và được ký hiệu là:
Nếu f−1(x) tồn tại ta nói hàm số f(x) là khả nghịch. Có thể nói tính chất song ánh là điều kiện cần và đủ để hàm f(x) khả nghịch, tức là nếu f(x) là song ánh thì ta luôn tìm được hàm ngược f−1(x) và ngược lại.
Đồ thị của hàm số
Thông thường thì hàm số được xác định bằng một biểu thức tổng quát y = f(x) nào đó, ví dụ như y = x2 - 5. Tuy nhiên cũng có những hàm đặc biệt mà quy tắc cho tương ứng x với y của nó không theo bất kỳ một quy luật nào để có thể diễn đạt bằng một biểu thức toán học. Trong trường hợp này ta có thể lập bảng cho các giá trị đối số x và các giá trị hàm số y tương ứng với chúng. Ngoài ra hàm số còn có thể được xác định một cách triệt để bằng đồ thị của nó.
Đối với hàm số một biến số thực (có miền xác định thực), đồ thị hàm số được định nghĩa như sau:
Đồ thị của hàm số y = f(x) là tập hợp các điểm trên mặt phẳng R2 có tọa độ [x, f(x)].
Ký hiệu đồ thị hàm số theo định nghĩa trên là:
Các tính chất của hàm số
Tính đơn điệu
Giả sử hàm số y= f(x) xác định trên K. Ta nói:
Hàm số y= f(x) đồng biến (tăng) trên K nếu với mọi cặp , thuộc K mà nhỏ hơn thì nhỏ hơn , tức là:
Hàm số y = f(x) nghịch biến (giảm) trên K nếu với mọi cặp , thuộc K mà nhỏ hơn thì lớn hơn , tức là:
Tính chẵn lẻ
Điều kiện để một hàm số chẵn hoặc lẻ
Cho hàm số y=f(x) xác định trên D
Điều kiện tiên quyết để hàm số có tính chẵn lẻ là tập xác định của hàm số phải đối xứng qua điểm 0, tức là
Để hàm số được xem là chẵn cần thêm điều kiện f(-x) = f(x)
Để hàm số được xem là lẻ cần thêm điều kiện f(-x) = -f(x)
Nếu thiếu điều kiện 1 hoặc cả hai điều kiện 2 và 3 thì xem như hàm số không có tính chẵn lẻ.
Đồ thị của hàm số chẵn và hàm số lẻ
Trong mặt phẳng tọa độ Descartes:
Đồ thị của mọi hàm số chẵn đều nhận trục Oy làm trục đối xứng.
Đồ thị của mọi hàm số lẻ đều nhận gốc tọa độ làm tâm đối xứng. |
Phong cách tối giản hay Phong cách tối thiểu (tiếng Anh: minimalism, tiếng Pháp: minimalisme) thể hiện những khuynh hướng đa dạng của nghệ thuật, đặc biệt trong nghệ thuật thị giác và âm nhạc mà các tác phẩm được tối giản về những yêu cầu thiết yếu nhất của nó. Phong cách tối giản xuất phát trong nghệ thuật phương Tây từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, rõ nét nhất là trong nghệ thuật thị giác với các tác phẩm hội họa của Mark Rothko. Khái niệm này dần dần được mở rộng để bao hàm cả những khuynh hướng trong âm nhạc mà đặc điểm là sự lặp lại, điển hình là các tác phẩm của Steve Reich, Philip Glass và Terry Riley Phong cách tối giản có nguồn gốc bắt rễ từ sự thuần khiết và cô đọng của chủ nghĩa Hiện đại, được kết hợp với chủ nghĩa Hậu hiện đại và được xem như phản ứng đối ngược lại với chủ nghĩa Biểu hiện trong nội dung cũng như trong bố cục tác phẩm. |
Dái hay bìu dái là một cơ quan thuộc hệ sinh dục của các lớp động vật cao cấp như chim, thú và người. Nó là một túi da nằm dưới dương vật và chứa đựng tinh hoàn. Bìu dái là một phần của da bụng thòng xuống, nằm giữa dương vật và hậu môn. Bộ phận tương đương của bìu ở người nữ là môi lớn. Khu vực nằm ngay dưới bìu dái là đáy chậu.
Chức năng
Chức năng của dái là giữ cho nhiệt độ của tinh hoàn thấp hơn là nhiệt độ của cơ thể nói chung. Nhiệt độ khoảng 34.4 °C là lý tưởng cho sự phát sinh và tồn trữ của tinh dịch, nhiệt độ cao hơn 36,7 °C có thể làm ảnh hưởng không tốt đến số lượng của tinh trùng. Nhiệt độ của tinh hoàn trong bìu dái được quân bình bởi sự co thắt và giãn của cơ bìu (Cremaster muscle) và lớp cân Dartos (dartos fascia), nếu nhiệt độ bên ngoài lạnh, tinh hoàn sẽ được kéo lên gần ổ bụng, nếu nhiệt độ môi trường nóng, tinh hoàn sẽ được thả lỏng xuống.
Thường thì người nam không điều khiển được cơ bìu của mình một cách trực tiếp. Sự co thắt bên trong của bắp thịt bụng dưới, cũng như sự thay đổi của áp suất trong ổ bụng, điều khiển sự di động lên xuống của tinh hoàn bên trong bìu.
Sự co thắt của những sợi cơ của lớp cân Dartos bao bọc tinh hoàn cũng hoàn toàn xảy ra một cách tự động. Da bìu trở nên dày hơn và nhăn nheo hơn là do cơ chế đó. (Tinh hoàn không trực tiếp dính vào da bìu, do đó khi cân dartos co thắt, nó trượt lên xuống trong da bìu về phía ổ bụng). |
Phân (hay thường được gọi một cách thô tục là cứt) là sản phẩm cuối của quá trình tiêu hóa thông qua hậu môn của người hay động vật. Phân là chất cặn bã hình thành từ thức ăn, hay nói cách khác thức ăn còn thừa lại, không cần thiết hoặc có hại cho cơ thể, sau giai đoạn tiêu hóa sẽ trở thành phân để phóng thích khỏi cơ thể. Phân có nhiều ứng dụng, như là phân bón hoặc chất bổ sung cho đất trong nông nghiệp, như một nguồn nhiên liệu, vật liệu xây dựng, hoặc cho các mục đích y tế (cấy ghép phân hay phương pháp trị liệu vi khuẩn phân trong trường hợp phân người).
Tiêu chảy thường do một loại virus hoặc đôi khi do thực phẩm nhiễm bẩn gây ra. Trong trường hợp ít gặp hơn, đây có thể là dấu hiệu của một tình trạng rối loạn khác, chẳng hạn như bệnh viêm ruột hoặc hội chứng ruột kích thích.Táo bón là tình trạng nhu động ruột không xảy ra thường xuyên hoặc khó khăn trong việc đi đại tiện kéo dài trong vài tuần hoặc lâu hơn. Bệnh nhân có thể nhận biết thông qua việc có ít hơn 3 lần đi đại tiện trong tuần, táo bón cũng được xác định ở những người đi đại tiện nhiều lần trong ngày, nhưng phân nhỏ hoặc cứng.
Dạng tồn tại
Phân đa số là ở dạng rắn. Các trường hợp phân có dạng lỏng thường nguyên nhân là do cơ thể có mang bệnh hoặc sổ ruột. Triệu chứng sản xuất ra phân lỏng liên tục được gọi là tiêu chảy. Phân thường có mùi thối, có lúc "chua" (thường là phân lỏng) đôi lúc lại rất hăng.
Mỗi ngày, một người trưởng thành thải ra ngoài khoảng 150g phân. trong đó 65% là nước, 35% là chất rắn gồm các sản phẩm bài tiết như các chất hòa tan trong ether (15%), hợp chất có nitơ (5%), các chất vô cơ (15%), xác vi sinh vật, thực phẩm không tiêu hóa được...
Sản xuất phân bón từ phân
Ghi chú |
Tiêu () là một loại sáo trúc thổi dọc xuất xứ từ Trung Quốc. Nó cũng thông dụng ở Đông Á được thế giới biết tới. Nó thường có dạng ống trụ tròn như sáo trúc thổi ngang, nhưng khi sử dụng lại để theo phương dọc và thổi dọc theo thân ống. Tiêu thường to và dài hơn sáo, do đó âm thanh của nó trầm và mộc mạc hơn.
Tiêu còn có tên gọi khác là đỗng tiêu (, Tên cổ của tiêu là thụ trúc địch ().
Lịch sử
Tiêu xuất hiện lần đầu tiên vào triều đại nhà Hán, Tiêu còn phát triển từ loại sáo đơn, thổi đầu ống của tộc người Khương ở miền nam Trung Quốc. Phần lớn loại tiêu truyền thống có 6 lỗ, trong khi đó loại hiện đại có 8 lỗ. Loại 6 lỗ có niên đại từ thời nhà Minh (1368-1644).
Một loại tiêu của người Miêu ở Trung Quốc tên là trực tiêu (直萧). Phía tây tỉnh Quý Châu là nơi các dân tộc thiểu số sinh sống tập trung. Có hơn mười dân tộc như người Miêu, người Thủy, người Bố Y và người Di sống ở khu vực miền núi tương đối nghèo này. Nhưng âm nhạc dân gian của họ rất phong phú, không chỉ có các làn điệu dân ca phong phú, đa dạng mà còn có một số nhạc cụ dân gian mà người ngoài ít biết đến, thì trực tiêu là một trong số đó. Từ một số truyền thuyết, người ta biết rằng nó là một loại tiêu rất cổ. Đây là một loại nhạc cụ bằng tre thổi thẳng có tổng chiều dài 96 cm, đường kính 7 cm, trên miệng tiêu có khoét một rãnh nhỏ, dài 9 cm, rộng 1 cm, cắm một đoạn tre dài 5,7 cm vào rãnh. Ngoài ra, nó còn phát triển từ thược (籥) - một loại sáo dọc làm bằng tre hay trúc có 3 lỗ bấm, sử dụng trong nhạc nghi lễ Nho giáo và múa.
Cấu tạo
Trước đây người Trung Quốc thường chế tạo tiêu bằng ống nứa, ống tre hoặc gỗ, hiếm khi làm bằng ống trúc vì trúc đốt ngắn, không thể đẹp hơn nứa. Tuy nhiên hiện nay đã có nhiều thay đổi trong quan điểm chế tạo, rất nhiều loại trúc, nứa hoặc thuộc họ tre trúc đã được thử nghiệm để làm tiêu, có thể nói mỗi loại vật liệu đểu cho ra những âm sắc đa dạng khác nhau.
Ống tiêu có đường kính từ 17 mm đến 25 mm, dài từ 40 đến 50 cm. Người ta có thể bịt kín đầu ống bằng 1 mấu, khoét lỗ thổi ở 1 góc. Bên gờ miệng ống người ta khoét một lỗ hình bán nguyệt để thổi. Nếu tiêu không có ấu đầu (để rỗng suốt) thì người diễn phải dùng cằm để bịt kín đầu ống khi thổi qua lỗ thổi.
Lỗ âm cơ bản và lỗ treo nếu có thì thường nằm ở cuối ống tiêu. Tiêu gồm có 6 lỗ bấm, 5 lỗ khoét thẳng hàng với lỗ thổi, còn 1 lỗ nằm ở mặt sau cho ngón cái của tay trái sử dụng. Sở dĩ phải khoét 2 lỗ bấm ở phía sau vì ống tiêu dài, đường kính rộng, muốn đạt được các âm theo yêu cầu, các lỗ bấm phải khoét cách xa nhau, nếu 6 lỗ đều khoét trên một hàng thẳng, các ngón tay không đủ sức gang ra để bấm.
Chiều dài của tiêu từ 45 cm đến trên 1,25m, nhưng thường vào khoảng 75–85 cm.
Chiều dài của tiêu từ 45 cm đến trên 1,25m, nhưng thường vào khoảng 75–85 cm. Loại tiêu ngắn hơn khó chơi vì cần kiểm soát hơi thở chính xác hơn. Khi thổi, người ta cầm tiêu nghiêng một góc khoảng 45 độ so với cơ thể. Có nhiều loại tiêu, trong đó có hai loại chính: Cầm tiêu (琴簫) hay tử trúc tiêu (紫竹簫), có 8 lỗ bấm, dùng để đệm cho cổ cầm. Nó là nhạc cụ dài nhất trong các loại tiêu, lên tới 1,25m. Loại thứ hai là nam tiêu (南簫) hay động tiêu (洞簫) loại tiêu ngắn thường thổi đầu ống trong nhạc kịch địa phương ở Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến.
Âm thanh
Âm thanh của Tiêu nghe trầm, ấm. Tiêu cũng có nhiều loại tone như sáo ngang. Nó có âm sắc trang nhã, mộc mạc, phù hợp để diễn tả những giai điệu trữ tình, những tình cảm sâu sắc. Hai loại tiêu phổ biến nhất là C và D (tức tiêu đô và tiêu rê), các loại tiêu trầm hơn thường không phổ biến bằng vì khó sử dụng hơn: lỗ bấm cách nhau xa hơn, thổi tốn nhiều hơi...
Tiêu có âm vực khoảng 2 quãng tám. Để viết nhạc cho tiêu các nhạc sĩ có thể viết ở khóa sol hoặc fa, nhưng thường thì ở khóa sol. Tuy nhiên âm thực của tiêu là thấp hơn nốt nhạc được ghi 1 quãng tám.
tuy vậy, một số loại tiêu ngày nay đã được cải tiến, âm vực có thể lên tới 3 quãng tám hoặc hơn. Đặc biệt những loại tiêu của Việt Nam có thể chạy đủ 3 quãng tám Chromatic và thêm 2 nốt ở quãng 4 là C4 và C4# (chạy quãng chromatic ở đây được hiểu là thổi liền hơi 1 mạch đủ 12 nốt của quãng)
Kỹ thuật biểu diễn
Khi thổi người ta cầm dọc ống tiêu và tỳ cằm vào gần lỗ thổi để tạo ra âm thanh. Kỹ thuật diễn giống như sáo ngang, tuy nhiên không thích hợp khi dùng ngón phi, ngón lướt, ngón đánh lưỡi hay ngón vuốt hơi... Âm bội cũng hiếm khi được thực hiện. Tuy nhiên từ khi được cải tiến để chạy đủ 3 quãng tám Chromatic và thêm 2 nốt quãng 4 là C4, C4#, thì tiêu ngày càng áp dụng nhiều kỹ thuật lướt ngón nhanh của Flute.
Sử dụng
Tiêu tham gia trong dàn nhạc côn khúc, dàn nhạc sân khấu kinh kịch, tuồng hoặc đơn thuần là độc tấu, đệm cho các nhạc cụ khác như cổ cầm, đàn tranh,... hay đơn thuần dùng để giải trí hằng ngày. Ngoài ra, tiêu Trung Quốc đã được đưa vào dàn nhạc dân tộc tổng hợp hòa tấu.
Cây tiêu Việt Nam không thông dụng trong dàn nhạc, hầu hết các nghệ sĩ không sử dụng trong khi tiếng tiêu âm thanh rất đẹp, sở dĩ như vậy hẳn có nguyên do.
Giai thoại, có vài người bạn nghệ sĩ trong các đoàn cải lương đến gặp nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa và than phiền họ không thể làm hoặc kiếm ra ống tiêu có cao độ có thể thổi được những nốt cao. Là một nghệ sĩ có thể làm nhạc cụ, ông đã tìm ra nguyên nhân cây tiêu Việt Nam bị quên lãng. Ngày nay, nó tham gia trong dàn nhạc tài tử, ban nhạc tang lễ, phường Bát âm, dàn nhạc sân khấu chèo, tuồng,... Ngày nay Tiêu đã được đưa vào Dàn nhạc Dân tộc tổng hợp hòa tấu, giữ phần hòa âm hoặc độc tấu các giai điệu đẹp và trữ tình. Tiêu cũng được sử dụng độc tấu. Tiêu cải tiến bằng cách khoét thêm một số lỗ đễ thổi được bán âm.
Chú thích
Nhạc cụ Việt Nam
Nhạc cụ Trung Quốc |
Hôn, còn gọi là hun, thơm, mi, là một hành động mà một người dùng đôi môi của mình để chạm vào một vật khác hoặc môi của người khác. Hôn thường là cử chỉ thể hiện tình cảm, và hai đôi môi cùng hôn nhau là biểu tượng của tình yêu.
Hôn được xuất hiện từ rất lâu về trước, nhưng không biết rõ cụ thể về mặt thời gian chính xác. Khi con người có nhận thức về mặt tình cảm, biết hát, biết hy sinh vì tình yêu thì họ biết hôn. Họ hôn những người họ tôn trọng và yêu quý để thể hiện tấm lòng của mình. Hôn có thể để diễn tả sự kính trọng, lòng biết ơn, thương mến hoặc tình cảm nam nữ.
Các loại hôn
Có nhiều loại hôn, chủ yếu được phân theo vị trí hôn. Phổ biến của hình thức hôn là hôn môi (còn gọi là nụ hôn), hôn má (còn gọi là thơm, chụt), hôn trán, hôn tay (thường là bày tỏ sự tôn trọng, nâng niu) hoặc hôn vào các chỗ nhạy cảm khi đang quan hệ tình dục như hôn ngực (vú), hôn cổ, gáy, bụng, đùi và hôn vào bộ phận sinh dục... Ngoài ra hôn còn phân ra theo kiểu thực hành, như hôn gió (hôn môi xa), hôn kêu, hôn nhẹ, hôn sâu, hôn thắm thiết, hôn nồng thắm mãnh liệt...
Sử dụng và ý nghĩa
Trong thực tế có rất nhiều cách hôn khác nhau.
Đặc biệt là trong tình yêu, đối với một số người, hôn như thế nào chính là thể hiện phần lớn tình yêu của họ dành cho người yêu của mình. Một số người thích cách hôn mạnh mẽ, say đắm, ướt át. Họ coi việc hôn như vậy là thể hiện tình cảm của mình dành cho người yêu hết sức mãnh liệt, tình yêu sâu đậm. Ngược lại một số người yêu nhau lại thích những nụ hôn nhẹ nhàng. Hôn là một trong những biểu hiện của đời sống tình dục con người. Tuy nhiên hiện nay, theo giới y khoa, việc hôn cũng sẽ truyền theo các loại bệnh truyền nhiễm cho người được hôn hoặc truyền ngược lại người chủ động hôn.
Ngoài ra có cả hôn tay, hôn xã giao (chạm má),.. để thể hiện lòng tôn trọng với người đối diện.
Giải thưởng hôn
Người ta thường tổ chức các cuộc thi hôn lâu nhất, và có người đã hôn lâu hơn cả một ngày trời. Đồng thời cũng có các giải thưởng trao cho các cảnh phim hôn lãng mạn nhất, thật nhất...
Bức ảnh nổi tiếng
Bức ảnh nổi tiếng về nụ hôn là chụp một người lính thủy hôn nữ y tá tại quảng trường Thời đại ở New York vào ngày Phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh (Vj day - 14 tháng 8 năm 1945). Vào cuối thập kỷ 70 thế kỷ trước, Edith Cullen Shain đã viết cho Eisenstaedt:
Bà còn kể rằng, lúc đó rất nhiều người đã hôn bà.
Ngày 20 tháng 6 năm 2010, người phụ nữ trong bức ảnh này đã qua đời ở tuổi 91 do ung thư gan |
Cu có thể là:
Ký hiệu hóa học của nguyên tố đồng.
Một từ chỉ dương vật.
Một từ chỉ đứa con trai còn bé, hay "thằng cu".
Một từ cổ chỉ bố đứa con trai đầu lòng, thường dùng ở nông thôn. Ví dụ: Anh cu đi cấy sớm thế!
Tên được dùng để gọi một số loài chim: Cu cườm, Cu xanh, Cu ngói và chim Bắt cô trói cột.
Tên miền quốc gia cấp cao nhất của Cuba. (.cu) |
Chim trong tiếng Việt có thể chỉ:
Một loại động vật lông vũ, thường có khả năng bay lượn: Chim
Bộ phận sinh dục nam: Dương vật
Bộ phận sinh dục nữ (ít dùng hơn): Âm hộ |
Sukhoi Su-37 Терминатор (tên ký hiệu của NATO "Flanker-F" - Kẻ tấn công sát sườn F). Đây là loại máy bay chiến đấu đa nhiệm vụ, bay trong mọi thời tiết và là phiên bản mới nhất của dòng máy bay chiến đấu dựa trên mẫu máy bay chiến đấu Su-27, vốn đã được phát triển vào năm 1977 bởi Phòng thiết kế thử nghiệm Sukhoi ở Moskva.
Khả năng thao diễn
Đặc trưng mới của khả năng thao diễn siêu việt của Su-37 là các động cơ đẩy hai chiều vừa có hướng vừa có tốc độ tốt, cho phép máy bay hồi phục sau khi xoay tròn và tắt máy ở hầu như mọi độ cao, và nó cũng được trang bị hệ thống kiểm soát fly-by-wire số hoàn toàn.
Chuyến bay đầu tiên của mẫu Su-37 thứ nhất diễn ra vào 2 tháng 4 năm 1996, khi nó xuất hiện ở triển lãm hàng không Moskva. Sau đó nó tiếp tục có một chuyến bay biểu diễn ở triển lãm hàng không Farnborough 96. Máy bay đã chứng tỏ khả năng thao diễn mới, như khả năng chúi mũi ra khỏi hướng bay ở một số giai đoạn, quay mũi quanh 360 độ và hồi phục sau khi rơi vào vệt khí đuôi bằng cách lao vào vệt khí này của một máy bay khác. Vốn ngân sách dành cho chiếc máy bay này đã bị ngắt một khoảng thời gian, nhưng sau đó nó được tiếp tục năm 1999 và Su-37 đang trải qua các chuyến bay thử nghiệm.
Buồng lái
Buồng lái được trang bị bốn màn hình hiển thị tinh thể lỏng (HUD) cho các dữ liệu chiến lược và hoa tiêu, các hệ thống máy tính và thanh điều khiển các điều kiện hoạt động (HOTAS). Phi công có một thanh điều khiển di chuyển ngắn ở bên cạnh thay cho thanh điều khiển trung tâm, một tay cầm điều khiển điện tử và điều khiển sức phụt động cơ strain-gauging (pressure-to-throttle). Các thiết bị điện tử của máy bay được chế tạo tại xưởng Kronstadt, Sankt-Peterburg.
Vũ khí
Su-37 có thể mang tới 14 tên lửa không đối không và tới 8.000 kg đạn dược. Mười hai điểm treo cứng bên ngoài có thể mang các tên lửa không đối không, tên lửa không đối đất, bom, rocket và ECM (bộ phận phản ứng điện tử). Máy bay được lắp một súng GSh-301 30 mm với tốc độ bắn tối đa 1.500 viên/phút.
Máy bay được trang bị tên lửa không đối không tầm ngắn Vympel R-73E có radar dẫn đường. R-73E (tên ký hiệu của NATO AA-11 Archer) là một tên lửa cận chiến mọi hướng có khả năng tiêu diệt các mục tiêu đang đuổi phía sau hay đang đối đầu phía trước ở độ cao từ 0.02 và 20 km, và mục tiêu g-load lên đến 12 g. Tên lửa không đối không Vympel RVV-AE (AA-12 Adder) cũng được gọi là R-77, có thể chặn đứng các mục tiêu có tốc độ lên tới 3.600 km/h và ở độ cao từ 0.02 đến 25 km.
Su-37 có thể được lắp thêm các tên lửa không đối đất như tên lửa tầm ngắn Kh-25 (AS-12 Kegler) và Kh-29 (AS-14 Kedge) với đầu đạn 317 kg.
Radar
Máy bay được lắp đặt một radar mạng quét điện tử bị động, chia pha xung Doppler đa chức năng theo dõi phía trước NO-11M có thể truy theo 15 mục tiêu cùng lúc và chỉ định mục tiêu cũng như dẫn đường cho tên lửa không đối không. NO-11M được chế tạo bởi NIIP, Viện nghiên cứu khoa học thiết kế công cụ. Nó cũng có radar theo dõi phía sau NIIP NO-12 và hệ thống giám sát, kiểm soát bắn.
Động cơ
Su-37 được trang bị hai động cơ phản lực cánh quạt đẩy trong AL-31FU TVC (thrust vector control - kiểm soát hướng và tốc độ phụt). Động cơ này được phát triển bởi Phòng thiết kế động cơ Lyulka (NPO Saturn) và dựa trên nguyên mẫu động cơ phản lực cánh quạt đẩy trục đôi AL-31F của chiếc Su-27. Động cơ được thiết kế máy nén bốn giai đoạn áp lực thấp (LP), máy nén chín giai đoạn áp lực cao (HP), buồng đốt hình khuyên và các turbine áp lực thấp và áp lực cao một giai đoạn, đốt lần hai (afterburner) và máy trộn. Mỗi động cơ cung cấp sức đẩy 83.36 kN và tăng lên 142 kN khi tăng lực và có thể lái được từ 15 đến +15 độ dọc theo chiều đứng máy bay.
Bộ phận kiểm soát hướng và tốc độ phụt được tích hợp hoàn toàn với hệ thống kiểm soát bay digital. Miệng TVC có thể làm lệch cả theo kiểu đồng thời và khác biệt dựa vào thao diễn. Miệng được nối với khớp xoay hình khuyên và có thể được di chuyển trong pitch của máy bay bằng hai cặp kích thủy lực. TVC cho phép máy bay trình diễn ở tốc độ gần bằng không mà không bị giới hạn về góc bắn. Bộ phận kiểm soát này có thể được phi công điều khiển bằng tay hay hoàn toàn tự động nhờ hệ thống kiểm soát bay.
Thông số kỹ thuật (Sukhoi Su-37)
Đặc điểm riêng
Phi đoàn: 1
Chiều dài: 22.183 m (72 ft 9 in)
Sải cánh: 14.7 m (48 ft 3 in)
Chiều cao: 6.43 m (21 ft 1 in)
Diện tích cánh: 62.0 m² (667 ft²)
Trọng lượng rỗng: 18.500 kg (40.790 lb)
Trọng lượng cất cánh: 35.000 kg (77.160 lb)
Động cơ: 2x Lyulka AL-37FU công suất 145 kN (32.000 lbf) mỗi chiếc
Hiệu suất bay
Vận tốc cực đại: 2.500 km/h
Tầm bay: 3.700 km (2.230 mi)
Trần bay: 18.000 m (59.100 ft)
Vũ khí
1x pháo Gryazev-Shipunov GSh-30-1 30 mm với 150 viên đạn
12 giá treo vũ khí, mang bom, tên lửa không đối không, tên lửa không đối đất gồm Vympel R-73E, R-77, Kh-25 (AS-12 Kegler) và Kh-29 (AS-14 Kedge). Tổng trọng lượng vũ khí lên đến 8.000 kg. |
Máy bay trực thăng hay máy bay lên thẳng là một loại phương tiện bay có động cơ, hoạt động bay bằng cánh quạt, có thể cất cánh, hạ cánh thẳng đứng, có thể bay đứng trong không khí và thậm chí bay lùi. Trực thăng có rất nhiều công năng cả trong đời sống thường nhật, trong kinh tế quốc dân và trong quân sự.
Nếu so sánh với máy bay phản lực thì máy bay trực thăng có kết cấu, cấu tạo phức tạp hơn rất nhiều, khó điều khiển, hiệu suất khí động học thấp, tốn nhiều nhiên liệu, tốc độ và tầm bay xa kém hơn rất nhiều. Nhưng bù lại những nhược điểm đó, khả năng cơ động linh hoạt, khả năng cất cánh – hạ cánh thẳng đứng không cần sân bay và tính năng bay đứng của nó làm cho loại máy bay này là không thể thay thế được. Thực tế là máy bay trực thăng có thể đến bất cứ nơi nào chỉ cần bãi đáp có kích thước lớn gấp rưỡi đường kính cánh quạt là nó đều có thể hạ cánh và cất cánh được.
Vì các đặc tính kỹ thuật đặc biệt mà các máy bay cánh cố định không thể có được như thế, máy bay trực thăng ngày càng phát triển, song hành cùng các loại máy bay cánh cố định thông thường và có ứng dụng ngày càng đa dạng: trong lĩnh vực giao thông vận tải nó cùng với các loại máy bay có cánh cố định lập thành ngành Hàng không dân dụng, trực thăng có vai trò rất lớn trong vận tải hàng không đường ngắn, trong các điều kiện không có đường băng, sân bay và để chở các loại hàng hoá cồng kềnh, siêu trường, siêu trọng vượt quá kích thước khoang hàng bằng cách treo dưới thân. Trong đời sống thường nhật, trực thăng được sử dụng như máy bay cứu thương, cứu nạn, cảnh sát, kiểm soát giao thông, an ninh, thể thao, báo chí và rất nhiều các ứng dụng khác. Đặc biệt trong quân sự nó là một thành phần rất quan trọng của lực lượng không quân và quân đội nói chung: vừa là loại máy bay vận tải thuận tiện vừa là loại máy bay chiến đấu rất hiệu quả, nhất là trong các nhiệm vụ đổ bộ đường không, tấn công cơ động, thọc sâu và yểm trợ, tấn công mặt đất.
Về mặt phân loại, máy bay trực thăng là khí cụ bay nặng hơn không khí, bay được nhờ lực nâng khí động học (lực nâng Zhukovsky) được tạo bởi cánh quạt nâng nằm ngang. Cũng như đối với máy bay thông thường, lực nâng khí động học được tạo thành khi có chuyển động tương đối của cánh nâng đối với không khí, nhưng khác với máy bay thông thường là cánh nâng gắn cố định với thân máy bay, trực thăng có cánh nâng là loại cánh quạt quay ngang (thường có từ 2 đến 6 cánh quay trong mặt phẳng nằm ngang, cánh quạt này còn gọi là cánh quạt nâng). Với đặc điểm của cánh nâng như vậy, khi cánh quạt nâng quay vẫn bảo đảm được sự chuyển động tương đối của không khí đối với cánh nâng và tạo lực nâng khí động học trong khi bản thân máy bay không cần chuyển động. Vì vậy máy bay trực thăng có thể bay đứng treo một chỗ và thậm chí bay lùi.
Nguyên lý hoạt động
Lực nâng khí động học
Trực thăng cũng như máy bay thắng được trọng lực và bay lên được là nhờ lực nâng khí động học hay còn gọi là lực nâng Zhukovski. Đó là kết quả của sự chênh lệch áp suất không khí tại mặt trên và mặt dưới của vật thể (cánh nâng) khi dòng khí chuyển động tương đối chảy bao bọc qua vật thể. Để có lực nâng khí động học thì thiết diện vật thể (cánh nâng) phải không đối xứng qua trục chính và đường biên của mặt trên phải lớn hơn của mặt dưới, những vật thể có hình dạng thiết diện như vậy được gọi là có hình dạng cánh khí động học. Khi không khí chảy bao quanh hình cánh khí động sẽ có lực nâng khí động học và đồng thời xuất hiện lực cản. Hình khí động học nào cho hiệu ứng lực nâng càng cao mà lực cản càng ít thì được coi là có hiệu suất khí động học càng tốt.
Khi không khí chảy qua hình khí động là cánh nâng, tại mặt dưới sẽ có áp suất cao hơn so với mặt trên và hệ quả là sẽ xuất hiện một lực tác động từ dưới lên vuông góc với cánh. Lực nâng đó có độ lớn bằng tổng diện tích các cánh nhân với chênh lệch áp suất hai mặt. Độ chênh lệch áp suất phụ thuộc vào hình dạng thiết diện cánh tức là phụ thuộc vào hiệu suất khí động học của cánh, góc tấn (tiếng Anh: angle of attack) – góc chảy của không khí tương đối với vật khí động, và vận tốc dòng chảy (đồng nghĩa với vận tốc quay của cánh quạt nâng). Như vậy khi cánh quạt nâng đạt đến vận tốc quay nào đó thì chênh lệch áp suất (đồng nghĩa với lực nâng) sẽ đủ để thắng trọng lực và trực thăng có thể bay lên được.
Cánh nâng của máy bay trực thăng là một hoặc vài bộ cánh quạt quay ngang (cánh quạt nâng): khi cánh quạt nâng quay nó tạo sự chuyển động tương đối của cánh nâng và không khí và tạo lực nâng. Như vậy đối với máy bay có cánh cố định thì chuyển động tương đối của cánh nâng đối với không khí là chuyển động của chính máy bay, nên lực nâng chỉ có khi máy bay có đủ vận tốc, mất vận tốc sẽ mất lực nâng (thất tốc) nên máy bay cánh cố định không thể bay đứng một chỗ. Trực thăng cũng theo nguyên tắc lực nâng khí động học nhưng các cánh nâng là cánh quạt ngang quay xung quanh trục nên vẫn đảm bảo chuyển động tương đối với không khí và có lực nâng khi trực thăng vẫn đứng yên, nên trực thăng có thể bay đứng một chỗ thậm chí bay lùi.
Chính vì sự khác nhau khi tạo lực nâng như vậy dẫn đến sự khác nhau về sử dụng công suất của trực thăng và máy bay cánh cố định: Đối với trực thăng gần như toàn bộ công suất động cơ máy bay là để tạo lực nâng chỉ một phần rất nhỏ để tạo lực đẩy ngang. Trong khi đó phần lớn công suất của máy bay cánh cố định là để tạo lực đẩy ngang chỉ có một phần nhỏ để tạo lực nâng một cách gián tiếp. Chính vì vậy nếu có cùng công suất máy thì máy bay trực thăng chở được nặng hơn nhiều máy bay có cánh cố định, nhưng vận tốc thì kém xa. Đây là điểm khác nhau rất lớn của hai loại máy bay này về khía cạnh công suất và tính năng.
Nguyên lý điều khiển bay và tính ổn định
Điều khiển bay của máy bay trực thăng là rất phức tạp, phức tạp hơn nhiều so với máy bay cánh cố định. Tất cả các loại máy bay trực thăng đều có nguyên lý điều khiển chung như sau:
Để thay đổi lực nâng của toàn bộ đĩa cánh quạt nâng nói chung thì thông qua hai cách hoặc đồng thời thay đổi góc tấn chung của tất cả các cánh (góc tấn của lá cánh quạt còn gọi là bước lá cánh quạt) của đĩa cánh quạt và điều này làm thay đổi lực nâng mà không cần tăng giảm số vòng quay của cánh quạt. Cách thứ hai là giữ nguyên góc tấn chung của đĩa cánh quạt nâng nhưng thay đổi công suất động cơ làm thay đổi vận tốc vòng quay và sẽ làm thay đổi lực nâng. Thường thì để tăng giảm lực nâng phi công phải thành thục điều khiển thông qua cả hai cách thức này. Để thay đổi góc tấn đồng đều chung cho mọi cánh, người ta điều khiển bằng cần điều khiển gọi chung theo thuật ngữ tiếng Anh là cần collective (tên đầy đủ là collective pitch control lever nghĩa là điều khiển chung cho tất cả các cánh hay điều khiển tập trung bước lá). Bộ phận điều khiển để thay đổi vận tốc vòng quay cánh quạt nâng theo thuật ngữ tiếng Anh gọi là cần throttle hay cần điều khiển "tay ga".
Để tạo độ nghiêng ngang (nghiêng sang trái, sang phải) cơ cấu điều khiển biến bước sẽ làm thay đổi góc tấn của mỗi cánh (tiếng Anh: blade) theo chu kỳ một vòng quay sao cho góc tấn của mỗi cánh thay đổi tuỳ theo vị trí quay của cánh và gây ra lực nâng cực đại (hay cực tiểu) khi cánh đạt vị trí cực trái (hay cực phải) của máy bay. Điều này sẽ làm lực nâng khí động học sẽ khác nhau tại hai bên trái và phải của trực thăng và sẽ tạo mô men làm thân máy bay nghiêng sang phải, trái tương ứng. Bộ phận điều khiển thay đổi góc tấn của cánh theo chu kỳ quay được gọi theo thuật ngữ tiếng Anh là cần điều khiển cyclic từ này có nghĩa là theo chu kỳ.
Để tạo độ nghiêng dọc (mũi máy bay hướng lên trên hoặc chúc xuống dưới) cũng thực hiện tương tự bằng cơ cấu biến bước như trên nhưng góc tấn thay đổi theo chu kỳ sao cho lực nâng tối đa (hay tối thiểu) khi ở phía trước mũi máy bay hay ở phía sau đuôi máy bay sự chênh lệch lực nâng trên đĩa cánh quạt nâng tại phần mũi và đuôi sẽ làm máy bay chúi đầu xuống hoặc ngóc đầu lên tương ứng. Cần điều khiển cũng vẫn là cần "cyclic" cần này có các vị trí trước – sau – phải – trái. Khi đưa cần sang trái máy bay nghiêng trái và bay ngang sang trái; đưa cần sang phải máy bay nghiêng phải và bay ngang sang phải; đưa cần lên trước thì trực thăng chúc mũi xuống và bay tiến; đưa cần "cyclic" về phía sau thì trực thăng ngóc mũi lên và bay lùi; Để cần cyclic dựng đứng thì máy bay bay treo đứng nguyên tại chỗ. Cần "cyclic" còn vô số các vị trí trung gian khác cho phép đĩa cánh quạt đồng thời nghiêng theo hai chiều không gian phải – trái và trước – sau và sẽ thực hiện các chuyển động tương ứng. Đây chính là cần điều khiển chính quyết định độ nghiêng của mặt phẳng cánh quạt theo các chiều khác nhau và quyết định chuyển động bay của trực thăng. Phi công không bao giờ được rời tay khỏi cần "cyclic" này.
Để tạo lực đẩy ngang cho máy bay bay ngang, mặt phẳng của đĩa cánh quạt nâng phải nghiêng đi một góc so với mặt phẳng ngang, lực nâng Zhukovsky vuông góc với mặt phẳng cánh quạt nâng sẽ bị phân tích lực thành 2 thành phần vector lực một thành phần theo chiều thẳng đứng để cân bằng trọng lực, thành phần khác theo phương nằm ngang để tạo lực đẩy ngang để máy bay chuyển động ngang. Việc này được thực hiện thông qua việc làm cho đĩa cánh quạt nâng nghiêng sang trái – phải (tạo lực đẩy sang trái – phải) hoặc nghiêng về đằng trước – sau (tạo lực đẩy tiến hoặc lùi). Cơ cấu điều khiển nghiêng theo hai chiều này chính là cần "cyclic".
Theo định lý thứ ba của Newton, khi cánh quạt chính của trực thăng xoay theo một chiều thì sẻ có lực phản hồi làm thân trực thăng xoay theo chiều ngược lại. Để trực thăng giữ hướng, một cánh quạt nhỏ hơn ở phần đuôi kết nối với động cơ sẽ tạo lực đẩy theo chiều ngang để cân bằng tác động xoay vòng này. Để đổi hướng (quay đầu sang phải, trái) phi công dùng chân nhấn pê đan chống xoay (anti-torque) khi nhấn lên pê đan này máy bay sẽ thay đổi lực đẩy nơi cánh quạt đuôi, thực hiện động tác đổi hướng theo ý muốn.
Như vậy để điều khiển trực thăng phi công phải kết hợp 4 cơ cấu điều khiển sau:
Cơ cấu "collective": (thay đổi góc tấn của toàn bộ các cánh của đĩa cánh quạt không theo chu kỳ quay) cần này làm thay đổi lực nâng chung của đĩa cánh quạt nâng, dùng để cất cánh, hạ cánh và tăng giảm độ cao
Cơ cấu "cyclic": thay đổi góc tấn của từng cánh theo chu kỳ tuỳ thuộc vào vị trí của cánh so với máy bay, cần này làm thay đổ độ nghiêng của mặt phẳng cánh quạt nâng so với mặt phẳng ngang theo hai chiều phải – trái và trước – sau dùng để chuyển động ngang phải – trái, tiến – lùi
Tay ga ("throttle"): thay đổi vận tốc quay cánh quạt dùng để hạ cánh, cất cánh, thay đổi độ cao và vận tốc chuyển động
Bàn đạp chống xoay ("anti-torque"): để làm máy bay đổi hướng quay đầu sang phải, trái.
Máy bay có cánh cố định khi bay bản thân nó đã là một hệ cân bằng bền, bất cứ một lực hay tác nhân nào cũng đều sẽ làm phát sinh ra các lực hoặc mô men khác để đưa máy bay về vị trí cân bằng mới. Bản chất bay của trực thăng thì ngược lại nó là một hệ cân bằng không bền trong quá trình bay luôn phát sinh ra các lực và mô men làm máy bay mất cân bằng và phi công phải luôn can thiệp. Sự phức tạp của điều khiển bay trực thăng có thể thấy được qua một số ví dụ sau:
Khi máy bay bay thẳng về phía trước cánh quạt ở một bên (ví dụ bên phải) là tiến theo chiều chuyển động của máy bay, còn bên kia (trái) ngược chiều chuyển động của máy bay. Do đó vận tốc tương đối của cánh đối với không khí ở bên phải lớn hơn bên trái điều này dẫn đến lực nâng bên phải máy bay lớn hơn bên trái làm máy bay luôn có xu hướng nghiêng về bên trái nơi có lực nâng thấp và làm máy bay bay chệch hướng, chệch quỹ đạo, bay ngang...Do đó phi công thực tế luôn phải dùng tay giữ cần "cyclic" hơi nghiêng sang phải để cân bằng sự chênh lệch lực nâng này (vận tốc máy bay càng lớn thì sự chênh lệch này cũng càng lớn).
Cũng khi bay bằng nếu vận tốc máy bay cao phía cánh quạt tiến theo chiều máy bay (ví dụ phía phải) có thể có tốc độ tương đối vượt tốc độ âm thanh điều này gây ra bức tường âm thanh, nặng thì gây cộng hưởng, gãy cánh quạt, nhẹ thì làm tụt hiệu suất nâng làm mất lực nâng. Ngược lại bên trái có thể có vận tốc tương đối quá thấp và cộng với góc tấn lớn (do hiệu chỉnh cyclic) có thể làm mất lực nâng ở phia trái làm phía này quay ở chế độ không tải.
Khi xuất hiện ngoại lực hoặc khi phi công điều khiển làm một động tác gì đó thì nhiều khi máy bay mất chế độ cân bằng: phi công đã thôi tác động điều khiển nhưng trực thăng tiếp tục thực hiện chuyển động cũ. Do đó để chấm dứt phi công phải có hành động ngược lại và lại phải tác động ngược lại của ngược lại... làm cho phi công luôn phải điều khiển cân bằng như đang đứng thăng bằng trên quả bóng.
Cánh quạt tạo dòng khí xoáy xuống bên dưới khi máy bay hạ thấp độ cao (ví dụ hạ cánh) có thể rơi vào chính vòng xoáy của mình tạo ra và mất điều khiển, có thể rơi.
Cánh quạt luôn hoạt động trong điều kiện tải trọng biến thiên theo chu kỳ quay nhanh (từ phải sang trái, từ trước xuống sau) rất dễ gây cộng hưởng làm mất điều khiển hoặc xảy ra tai nạn.
Tất cả các hoạt động điều khiển thay đổi góc tấn toàn bộ (collective pitch), góc tấn theo chu kỳ (cyclic pitch), tay ga (throtle), pê đan chống xoay (antitorque pedals) đều ảnh hưởng lẫn nhau. Thí dụ khi cất cánh, phải tăng góc tấn toàn bộ để tăng lực nâng. Nếu có gió hay lên thẳng không cân bằng thì phải dùng góc tấn theo chu kỳ, ảnh hưởng lực nâng, sức cản của cánh quạt và độ xoay của thân trực thăng, và tay ga. Điều này làm cho phi công phải phải luôn điều chỉnh cần cyclic, tay ga và bàn đạp chống xoay không ngừng.
Do đó điều khiển máy bay trực thăng là rất phức tạp và căng thẳng khi tác động lên một cơ cấu điều khiển sẽ làm thay đổi các yếu tố cân bằng khác làm phi công phải luôn giữ cân bằng không bền như đứng thăng bằng "làm xiếc" trên quả bóng. Phi công luôn phải giữ cần "cyclic" là cần điều khiển chính do đó ghế phi công thường bố trí bên phải và bên tay phải (tay thuận) của phi công chỉ có cần cyclic, phi công phải luôn giữ nó bằng tay phải. Cần điều khiển thay đổi góc tấn toàn bộ ở bên tay trái, di chuyển lên xuống tương tự như thắng tay trong xe hơi, với tay ga vặn như mô tô. Chân phi công dẫm lên pê đan chống xoay. Khi làm một động tác nào đó thì phải đồng thời phải điều chỉnh hết các cơ cấu điều khiển khác như đã nói ở trên.
Sơ đồ nguyên tắc
Khi đĩa cánh quạt nâng quay, theo định luật bảo toàn mô men động lượng thân máy bay cũng sẽ phải quay quanh trục cánh quạt theo chiều ngược lại với vận tốc quay phụ thuộc vào tỷ lệ mô men quán tính của rotor (cánh quạt và phần quay) và stator (thân máy bay và các phần còn lại), để chống lại hiện tượng tự quay này người ta thực hiện theo nhiều phương án khác nhau thông qua các sơ đồ nguyên tắc khác nhau. Ngoài ra các sơ đồ này cũng cho thấy các phương án điều khiển máy bay ở các khía cạnh khác.
Sơ đồ cơ bản
Đây là sơ đồ "một cánh quạt nâng, một cánh quạt đuôi": Khi cánh quạt nâng quay, thân máy bay cũng sẽ phải quay quanh trục cánh quạt theo chiều ngược lại, để chống lại hiện tượng tự quay này máy bay trực thăng có thêm một cánh quạt đuôi theo chiều thẳng đứng, thổi gió theo chiều ngang. Lực đẩy của cách quạt đuôi tạo nên mô men lực đuôi có tay đòn dài bằng khoảng cách từ trục cánh quạt đuôi đến trục cánh quạt nâng sẽ cân bằng và triệt tiêu sự quay của thân máy bay giữ hướng cố định cho máy bay. Ngoài ra cánh quạt đuôi này còn có tác dụng để lái đổi hướng bay cho trực thăng: khi phi công đạp bàn đạp "chống xoay" ("anti-torque") cánh quạt đuôi sẽ thay đổi lực đẩy gió ngang làm thay đổi mô men đuôi. Đây là sơ đồ được gọi là sơ đồ Sikorsky theo tên của nhà tiên phong trong lĩnh vực trực thăng nhà sáng lập hãng trực thăng Sikorsky aircraft corporation nổi tiếng ngày nay.
Sơ đồ cơ bản này có ưu điểm rất lớn là rất đơn giản về kỹ thuật, độ ổn định cao, độ tin cậy của các cơ cấu máy tốt. Chính vì các ưu điểm này nên 95% số trực thăng trên thế giới là theo sơ đồ này. Mặt khác nó cũng có một số nhược điểm: vì chỉ có một cánh quạt nâng chịu toàn bộ trọng lực máy bay và lực đẩy ngang nên đường kính cánh quạt và vận tốc quay phải lớn, dễ dẫn đến các hiện tượng cộng hưởng rung lắc gây gãy cánh quạt và hiệu suất cánh quạt không thật cao vì phần đầu mút cánh quạt ở một phía có thể phải hoạt động trong điều kiện vận tốc siêu thanh. Và công suất để hoạt động cánh quạt đuôi chiếm khoảng 20%-30% công suất động cơ máy bay là công suất phí phạm không giúp gì cho việc nâng máy bay và chuyển động thẳng. Loại sơ đồ này rất ngại gió mạnh thổi ngang thân (làm vô hiệu hoá cánh quạt đuôi) do đó kén điều kiện thời tiết. Và vì phải có đuôi làm tay đòn cho mô men cánh quạt đuôi nên độ dài máy bay bị kéo dài không có lợi cho đặc tính kích thước.Tuy nhiên có nhiều nhược điểm lớn.
Sơ đồ chỉ một cánh quạt nâng
Sơ đồ này còn gọi là sơ đồ NOTAR viết tắt từ tiếng Anh NO TAil Rotor nghĩa là "trực thăng không cánh quạt đuôi" nó giống sơ đồ cơ bản chỉ có điều nó không có cánh quạt đuôi để tạo mô men đuôi mà dựa vào hiệu ứng Coandă theo tên của nhà tiên phong hàng không Henri Coandă người România: khi dòng khí phụt ra, nó có xu hướng bám dính vào thành vật thể cứng và tạo lực và mô men chống lại mô men quay thân máy bay. Loại máy bay không cánh quạt đuôi này có hệ thống dẫn và bơm khí chạy ra đuôi và được phụt ra theo van phun tiết lưu. Khi phi công ấn pê đan chống xoay "anti-torque" sẽ điều khiển van phun tiết lưu tăng giảm dòng khí phụt ra làm tăng giảm mô men chống quay và sẽ hiệu chỉnh hướng bay (sự quay đầu) của máy bay. Hiện nay sơ đồ này còn đang rất mới, chỉ có hãng McDonnell Douglas áp dụng và gọi là trực thăng MD vì vậy sơ đồ này cũng gọi là "sơ đồ trực thăng MD" chưa có các số liệu để đánh giá tính ưu việt và nhược điểm của sơ đồ này.
Sơ đồ hai cánh quạt nâng đồng trục
Sơ đồ "hai cánh quạt nâng đồng trục" còn gọi là sơ đồ Kamov theo tên của tổ hợp thiết kế – chế tạo Kamov của Liên Xô và Nga chuyên chế tạo trực thăng loại này và ngày nay cũng chỉ có hãng này làm máy bay trực thăng theo sơ đồ này, đây là "đặc sản" trực thăng Kamov của Liên Xô (tuy không phải do Liên Xô phát minh ra). Đặc điểm của sơ đồ này là không có cánh quạt đuôi mà có 2 bộ cánh quạt nâng đồng trục quay ngược chiều nhau để triệt tiêu mô men quay thân máy bay. Khi máy bay muốn quay đầu để rẽ hướng phi công ấn pê đan "anti-torque" sẽ tạo ra chênh lệch vận tốc quay của hai tầng cánh quạt đồng trục và máy bay sẽ quay thân tương ứng theo chiều cánh quạt quay chậm hơn.
Loại máy bay này có nhiều ưu điểm lớn: vì có 2 cánh quạt nâng nên đường kính, vận tốc quay của cánh quạt không cần lớn lắm cho phép cánh quạt hoạt động trong khoảng hiệu suất cao nhất, và độ an toàn chống cộng hưởng, chống rung giật cánh quạt tốt, không mất phần công suất hoang phí như loại Sikorsky. Đặc biệt tính cơ động của nó là hoàn hảo, tốt nhất trong các phương án trực thăng: nó có thể trong một khoảnh khắc đột ngột di chuyển theo nhiều hướng phải – trái, tiến – lùi và lên – xuống một cách rất linh hoạt (Loại Kamov Ka-50 của Nga có thể bay ngang thân sang phải, trái 80 km/giờ, bay lùi 90 km/giờ thay đổi chế độ bay trong vài giây), loại máy bay này có thể bay các loại hình pilotage (hình nhào lộn) mà các loại trực thăng khác không thể thực hiện được, rất dễ điều khiển. Vì không có cánh quạt đuôi nên loại này không ngán ngại gió thổi ngang, có thể cất cánh hạ cánh, bay treo và hoạt động ở mọi điều kiện thời tiết, và một ưu điểm nữa là vì kích thước cánh quạt nhỏ, không đuôi nên loại này có kích thước rất nhỏ gọn. Vì các ưu thế trên nên loại máy bay này là trực thăng chủ yếu của Hải quân xô viết và Nga ngày nay nhất là trên các hạm tàu chống tàu ngầm của nước này.
Loại này đồng thời có những nhược điểm: cánh quạt với hệ thống biến bước "collective" và "ciclic" bản thân đã là phức tạp nay lại thêm cơ cấu "trục trong trục" ngược chiều quay thì là quá phức tạp. Hệ thống đồng trục là bộ phận hay gặp nhiều rủi ro nhất của loại máy bay này. Và vì có 2 tầng cánh quạt, có độ cơ động tốt nên khi có chuyển động đột ngột có thể gây ra chạm cánh quạt vào nhau.
Sơ đồ hai cánh quạt nâng trước-sau
Đây là phương án máy bay có hai cánh quạt nâng không đồng trục thường gắn ở đầu và đuôi máy bay, quay ngược chiều nhau để triệt tiêu mô men tự quay thân. Khi muốn quay đầu rẽ hướng phi công điều khiển bàn đạp "anti-torque" sẽ làm phát sinh chênh lệch vận tốc quay của hai đĩa cánh quạt và thân máy bay quay tương ứng theo chiều cánh quạt quay chậm hơn. Loại này điển hình là các máy bay vận tải lớn rất khoẻ như loại cần cẩu bay Boeing CH-47 Chinook của Hoa Kỳ.
Vì có hai cánh quạt nên hiệu suất cánh quạt và độ an toàn cộng hưởng, chống rung lắc tốt, không có công suất phí phạm. Loại sơ đồ này có sức nâng rất tốt và thường được dùng làm cần cẩu bay, nhưng nó có nhược điểm lớn là rất khó điều khiển và tính cơ động kém.
Sơ đồ hai cánh quạt nâng đan xen
Ngoài ra Hoa Kỳ còn các loại Kamans là loại 2 bộ cánh quạt nâng đặt cạnh nhau hai trục xiên góc với nhau theo hình chữ "V", cánh quạt quay ngược chiều và đồng bộ ăn khớp (để không chém vào nhau) lấy theo mẫu của trực thăng chiến đấu Flettner Fl-282 của Đức.
Sơ đồ cánh quạt nâng tự do
Đây là loại máy bay theo tiếng Anh là Autogyro hay gyroplane hay gyrocopter tiếng Nga là Автожир. Đây là loại trực thăng có cánh quạt nâng tự do là loại máy bay đặc biệt lai tạp giữa máy bay có cánh cố định và trực thăng. Điểm đặc biệt của loại này là cánh quạt nâng của nó là cánh quạt nâng tự do (không nối với động cơ), mà động cơ là để lai cánh quạt đứng thổi gió theo chiều ngang như cánh quạt đẩy chuyển động ngang của máy bay thông thường. Động cơ lai cánh quạt đứng thổi gió ngang về phía sau làm máy bay chuyển động về phía trước, dòng khí chuyển động tương đối theo phương nằm ngang sẽ làm quay cánh quạt nâng tự do, làm phát sinh lực nâng khí động học và làm máy bay bay lên được. Cơ chế điều khiển thì đơn giản như của máy bay cánh cố định. Điển hình nhất của loại này là máy bay Kamov K-22 của Liên Xô là một trong những máy bay trực thăng lớn nhất từ xưa đến nay. Loại này đứng trung gian giữa máy bay có cánh cố định thông thường và trực thăng: không bay đứng, không cất cánh, hạ cánh thẳng đứng được nhưng lại có cánh quạt nâng làm cho máy bay có thể cất cánh với tốc độ nhỏ, đường băng ngắn, trọng tải chở nặng tốt. Loại sơ đồ này có ưu điểm rất lớn là khi gặp tai nạn trên không, máy bay rơi thì cánh quạt nâng tự do sẽ quay và có tác dụng như chiếc dù làm máy bay tiếp đất an toàn. Ngày nay loại trực thăng này không được phát triển nữa mà chỉ còn làm máy bay thể thao, giải trí cực nhỏ mà thôi, đây là sản phẩm rất nổi tiếng của hãng Cierva Autogiro Company của Tây Ban Nha.
Sơ đồ cánh quạt xoay hướng
Đây cũng là một loại lai tạp giữa máy bay có cánh cố định và trực thăng. Cấu tạo của loại máy bay này về cơ bản giống máy bay cánh cố định chỉ khác là cánh quạt đẩy ngang có thể quay một góc 90° để thổi gió xuống phía dưới theo chiều thẳng đứng. Khi máy bay cất cánh, hạ cánh cánh quạt quay hướng thổi gió xuống dưới tạo lực nâng cho máy bay cất cánh, hạ cánh thẳng đứng. Khi đã lên đến độ cao cánh quạt lại quay về vị trí bình thường thổi gió về phía sau theo chiều ngang đẩy máy bay chuyển động thẳng theo chiều ngang và lực nâng do cánh cố định tạo ra như một máy bay cánh cố định bình thường. Cơ cấu điều khiển đơn giản giống của máy bay cánh cố định. Loại này kết hợp được cả đặc tính của máy bay và trực thăng nhưng có một điểm yếu lớn là cánh quạt vừa làm nhiệm vụ cánh quạt đẩy ngang của máy bay thông thường vừa làm nhiệm vụ cánh quạt nâng theo chiều thẳng đứng của trực thăng, mà hai loại cánh quạt này có tính chất và cấu tạo rất khác nhau do đó cánh quạt và máy bay này có hiệu suất thấp nên loại này không có ứng dụng rộng rãi chỉ sản xuất đơn chiếc theo chuyên dụng hạn hẹp. Điển hình nhất của loại này là máy bay Osprey V-22 của Hải quân Hoa Kỳ
Trên đây là một số loại sơ đồ nguyên tắc chính được áp dụng trong chế tạo trực thăng. Ngoài ra còn rất nhiều kiểu sơ đồ khác nữa, mỗi một phát minh thường đi kèm với một loại sơ đồ mới nhưng hiện nay chúng chưa có ứng dụng rộng rãi và chưa chứng minh được hiệu quả kỹ thuật hàng không.
Lịch sử phát triển
Trực thăng sơ khởi
Lịch sử phát triển máy bay trực thăng gắn liền với lịch sử phát triển Hàng không và lịch sử máy bay có cánh cố định. Ý tưởng về trực thăng còn ra đời trước cả ý tưởng của máy bay thông thường, ngày nay khi nghiên cứu di sản của họa sĩ vĩ đại người Ý Leonardo Da Vinci thế kỷ thứ 15, người ta tìm thấy bản vẽ của thiết bị bay theo nguyên tắc của trực thăng ngày nay, nó có cánh quạt ngang quay bằng dây chun vặn lại... Nhưng cũng như số phận của máy bay có cánh cố định, các ý tưởng bay của trực thăng chỉ có ý nghĩa hiện thực ở cuối thế kỷ 19 khi con người đã có động cơ nhiệt là nguồn năng lượng để bay.
Song hành cùng các nhà tiên phong của máy bay cánh cố định ngay từ thế kỷ 19 một loạt nhà kỹ thuật hàng không như Jan Bahyl, Oszkár Asbóth, Louis Breguet, Paul Cornu, Emile Berliner, Ogneslav Kostovic Stepanovic và Igor Ivanovich Sikorsky đã đưa ra thử nghiệm các mô hình máy bay trực thăng. Ngày 24 tháng 8 năm 1907 lần đầu tiên mô hình trực thăng bay lên được, nó do anh em Louis và Jacque Breguet người Pháp chế tạo dưới sự cố vấn kỹ thuật của giáo sư Charles Richet. Mô hình này hoàn toàn không thể điều khiển nổi và không thể chở nổi người, chỉ có thể bay lên được 50 cm. Tại nước Nga Igor Ivanovich Sikorsky sau này trở thành nhà tiên phong trực thăng và nhà công nghiệp sản xuất trực thăng nổi tiếng thế giới đã thí nghiệm trực thăng đầu tiên của mình vào năm 1908.
Người đầu tiên "bay" lên được bằng trực thăng là nhà sáng chế người Pháp nhà sản xuất xe đạp Paul Cornu. Ngày 13 tháng 11 năm 1907 ông này tự chế trực thăng của mình, tự lái và bay lên được 50 cm và ngồi trên không khí được 20 giây. Trực thăng đầu tiên này rất khó lái, gần như không điều khiển nổi.
Chiếc máy bay trực thăng đầu tiên có thể điều khiển được do Raul Pateras de Pescara chế tạo và biểu diễn vào năm 1916 tại Buenos Aires, Argentina. Vào năm 1923 nhà tiên phong của lĩnh vực trực thăng người Tây Ban Nha Juan de la Cierva phát minh và áp dụng loại trực thăng autogyro hay loại trực thăng theo sơ đồ cánh quạt nâng tự do và nhà phát minh này luôn trung thành với sơ đồ con đẻ của mình, cho đến nay loại này bị các kiểu trực thăng khác chèn ép chỉ còn ứng dụng trong các loại trực thăng thể thao, giải trí và vẫn là sản phẩm chính của hãng Cierva autogiro company.
Tại nước Nga Xô viết trong thập kỷ 1930 dưới sự đầu tư của nhà nước các kỹ sư Boris Yuriev và Alexei Cheremukhin tiến hành các thí nghiệm với máy bay trực thăng TsAGI 1-EA. Đây là loại có một cánh quạt nâng và phía đầu và đuôi có hai cánh quạt chống xoay "anti-torque" máy bay này vào ngày 14 tháng 8 năm 1932 đã bay lên được độ cao 650 m.
Nhưng có lẽ ấn tượng hơn cả vào thập niên 1930 là các thành công của người Đức. Năm 1934 máy bay Focke-Wulf Fw-61 do giáo sư Heinrich Focke và kỹ sư Gerd Achgelis thiết kế chế tạo, với máy bay này nữ phi công huyền thoại của đảng Quốc xã Hanna Reitsch đã thường xuyên bay biểu diễn như các chiến dịch tuyên truyền cho đế chế III. Loại máy bay này có một động cơ cùng lúc lai 3 cánh quạt: 2 cánh quạt nâng đặt hai bên phải trái quay ngược chiều nhau và một cánh quạt mũi theo chiều thẳng đứng để tạo lực đẩy ngang.
Trong thế chiến hai lần đầu tiên Đức đã sử dụng trực thăng trong chiến đấu đó loại máy bay trực thăng khác có kết cấu rất đặc sắc Flettner FL-282 Kolibri nó có 2 bộ cánh quạt nâng đặt cạnh nhau, trục nghiêng góc với nhau theo hình chữ "V", quay đồng bộ ngược chiều như bánh răng (để không chém vào nhau) với số lượng rất nhỏ tham chiến trên chiến trường Địa Trung Hải khi chiến tranh kết thúc, Hạm đội Đức phá hủy hết chỉ còn sót lại 3 chiếc được đem về Mỹ thử nghiệm. Có thể nói loại máy bay này là hoàn thiện nhất đương thời, đã có một số yếu tố của máy bay trực thăng hiện đại.
Đến đây có thể coi là kết thúc giai đoạn trực thăng sơ khởi và bước vào thời kỳ của trực thăng hiện đại. Mà đặc trưng cơ bản của thời kỳ sơ khởi là trực thăng chưa có hệ thống biến bước để tạo chênh lệch lực nâng làm nghiêng đĩa cánh quạt nâng. Hoàn toàn chưa có hệ thống thay đổi góc tấn "collective", và hệ thống "ciclic" thì lại càng chưa có. Do không thể nghiêng được mặt phẳng của cánh quạt nâng nên hầu hết trực thăng của thời kỳ này không thể nghiêng phải – trái, trước – sau, chỉ có thể bay thẳng về phía trước bằng cánh quạt đứng thổi gió ngang như của máy bay có cánh cố định. Chỉ duy nhất máy bay Flettner FL-282 Kolibri của Hải quân Đức Quốc xã là có lực đẩy ngang nhờ cánh quạt nâng nghiêng góc so với mặt phẳng ngang nhưng độ nghiêng góc này là kết cấu cố định và máy bay cũng chỉ có thể bay thẳng về phía trước và cũng rất vụng về khó xoay trở như các loại cùng thời khác. Vì cơ cấu điều khiển còn mang tính kiểm nghiệm và ít có cơ chế điều khiển nên máy bay rất khó điều khiển, rất vụng về, hay gặp rắc rối về tính không ổn định dẫn đến rơi nhiều vì những lý do khí động học.
Trực thăng hiện đại
Sự phát triển trực thăng diễn ra cùng thời với máy bay có cánh cố định, nhưng trong khoảng 50 năm từ đầu thế kỷ 20 trong khi máy bay thông thường phát triển cực nhanh thì trực thăng tiến triển rất khó khăn. Máy bay trực thăng chỉ thực sự bắt đầu có ứng dụng rộng rãi ở thập kỷ 1950 trong khi đến thời điểm đó máy bay cánh cố định đã đi từ khung vải của máy bay anh em nhà Wright 1903, qua biplane vỏ gỗ như tiêm kích Softwith Camel của thế chiến I rồi đến các máy bay ném bom khổng lồ bay xuyên đại dương như siêu pháo đài bay B-29 trong thế chiến II và đến những năm 1950 khi áp dụng đại trà trực thăng thì máy bay cánh cố định đã bước vào thời đại máy bay phản lực.
Nguyên nhân của sự chậm chạp đó của trực thăng chủ yếu là vấn đề cộng hưởng, rung lắc cánh quạt nâng và các vấn đề điều khiển cánh quạt. Tất cả các tác động cơ học – khí động học rất phức tạp làm cánh quạt nâng rất dễ gãy hoặc rơi vào chế độ mất cân bằng. Chỉ đến những năm 1950 sau khoảng năm chục năm khi khoa học vật liệu cho ra đời được các loại thép đặc biệt chịu được các ứng suất rất cao thì khoa học các nước mới giải quyết được các vấn đề rất phức tạp này và máy bay trực thăng mới phát triển được.
Cũng giống như đối với máy bay có cánh thông thường Hoa Kỳ là nước đầu tư lớn nhất vào nghiên cứu trực thăng. Tháng 5 năm 1942 nước này đưa vào sản xuất theo dây chuyền loại trực thăng Sikorsky XR-4 cho quân đội nước mình. Và năm 1946 loại trực thăng Bell-47 của Arthur Young đã được cho phép sử dụng vào mục đích dân dụng. Hai thập kỷ sau loại Bell-206 lập các kỷ lục thế giới của máy bay trực thăng thương mại của mọi thời đại về số giờ bay và số lượng sản xuất của một loại trực thăng dân dụng. Những trực thăng này thực sự về bản chất đã không khác gì máy bay trực thăng ngày nay, nó theo sơ đồ Sikorsky với đĩa cánh quạt nâng có hệ thống biến bước '"collective" và "ciclic" với đầy đủ các cơ chế điều khiển hiện đại cho phép tính cơ động tốt.
Gần như ngay lập tức từ thập kỷ 1950 có sự bùng nổ của máy bay trực thăng vào mọi lĩnh vực. Và các quốc gia nhất là các nước đối địch trong chiến tranh Lạnh Liên Xô, Hoa Kỳ cùng nhau chạy đua vũ trang trong đó có "chạy đua trực thăng" trong khi Hoa Kỳ tối đa "trực thăng hoá" quân đội và các lĩnh vực kinh tế, cuộc sống thì Liên Xô luôn theo đuổi xây dựng các kỷ lục, cố gắng thiết kế các loại máy bay trực thăng khổng lồ "cao hơn – nhanh hơn – mạnh hơn". Các nước châu Âu đặc biệt như Pháp, Ý cũng đầu tư rất nhiều vào trực thăng, hiện nay các mẫu máy bay trực thăng của các nước này là rất có uy tín trên thế giới.
Trong các năm 1960, 1970 chiến tranh Việt Nam lần đầu tiên thử thách và đã cho thấy sức mạnh rất ghê gớm của loại vũ khí mới này: bộ binh trực thăng vận "kỵ binh bay" đi mây về gió, cơ động rất tốt có thể ngay chớp nhoáng đến được mọi nơi chiến sự và bí mật thâm nhập sâu vào vùng đối phương kiểm soát, thậm chí có thể sà thấp tung lưới bắt người dưới đất. Và trực thăng vũ trang được dùng làm vũ khí tiến công mặt đất và yểm trợ bộ binh cực kỳ hiệu quả... Với kinh nghiệm của cuộc chiến tranh này tất cả lục quân các cường quốc quân sự đều cố gắng xây dựng bộ binh trực thăng vận và các loại trực thăng chiến đấu khác nhau làm thay đổi sâu sắc hình thái chiến đấu chiến tranh hiện đại trên bộ. Đồng thời đây là loại máy bay rất thích hợp để bố trí trên chiến hạm của Hải quân.
Về phía Liên Xô nước này thiết kế những máy bay trực thăng khổng lồ liên tiếp phá những kỷ lục thế giới như của tổ hợp thiết kế – chế tạo Mil Mi-6, Mi-10, Mi-12... và cuối cùng là trực thăng khổng lồ mạnh nhất thế giới hiện nay (2006) Mi-26. Một tổ hợp trực thăng lớn khác của Liên Xô – Nga là Kamov cũng rất nổi tiếng với "đặc sản" sơ đồ trực thăng hai tầng cánh nâng đồng trục.
Trong nghiên cứu về trực thăng thế giới thời kỳ này có xu hướng đáng chú ý: một trong những cách giảm tải cho cánh quạt nâng là áp dụng các sơ đồ nhiều bộ cánh quạt như loại 2 tầng cánh quạt đồng trục kiểu Kamov hoặc như loại 2 đĩa cánh quạt không đồng trục như cần cẩu bay Boeing CH-47 Chinook. Hai hay nhiều đĩa cánh quạt cho phép giảm đường kính và vòng quay của từng đĩa cánh quạt nâng, tăng hiệu suất và độ an toàn cơ học – khí động học lên rất nhiều. Và đối với sơ đồ cơ bản Sikorsky để giảm vận tốc quay, đường kính đĩa cánh quạt mà không làm ảnh hưởng đến lực nâng thì người ta tăng số cánh trong một đĩa cánh quạt lên, cánh quạt nâng của máy bay trực thăng ngày nay có thể có đến 9 cánh, tăng số cánh cũng làm giảm tiếng ồn, nhưng việc tăng số cánh nhất là tăng số tầng cánh sẽ làm tăng tính phức tạp của cơ cấu điều khiển cánh quạt lên rất nhiều (cơ cấu này bản thân nó đã là rất rất phức tạp với các hệ thống điều khiển biến bước cho hệ thống thay đổi góc tấn và thay đổi góc với mặt phẳng ngang để tạo lực đẩy ngang).
Công suất máy của trực thăng cũng tăng lên rất nhiều từ những ngày sơ khởi trực thăng còn dùng động cơ piston chạy xăng đến những năm 1960, 1970 và cho đến nay chỉ còn rất ít những máy bay dân dụng nhỏ không cần công suất lớn vẫn tiếp tục dùng động cơ piston còn lại đều đã trang bị động cơ tuốc bin khí truyền lực loại động cơ này rất gọn nhẹ độ tin cậy rất cao và đặc biệt còn dự trữ tiềm năng công suất cho một thời gian rất dài có thể là hàng chục năm nữa.
Đến những năm 1980 – 1990 máy bay trực thăng không còn những bứt phá lớn về nguyên tắc nữa trực thăng đã đạt đến độ hoàn thiện của nó. |
Năng lượng tự do Gibbs (Gibbs free energy) là năng lượng vốn có của một hệ thống, khi cần nó được dùng để thực hiện công dưới các nhiệt độ và áp suất nhất định. Khái niệm về năng lượng tự do được ông Josiah Willard Gibbs nêu ra đầu tiên nên ký hiệu là G. Nó là năng lượng tối đa tiềm ẩn trong hệ thống. Các chất hóa học đều có chứa năng lượng tự do. Khi xảy ra phản ứng hóa học, có sự biến đổi năng lượng tự do được ký hiệu bằng ΔG.
Hàm năng lượng tự do Gibbs được tính bằng công thức:
∆G = ∆H - T∆S
Nếu tất cả các chất phản ứng và chất sản phẩm đều ở trạng thái tiêu chuẩn thì hàm năng lượng tự do Gibbs được tính bằng công thức:
∆G⁰ = ∆H⁰ - T∆S⁰
Trong cân bằng hoá học pha khí:
∆G⁰ =-RT.lnKp |
Hamas là từ viết tắt cho Harakat al-Muqawama al-Islamiyya (tiếng Ả Rập: حركة المقاومة الاسلامية), có nghĩa là "Phong trào Kháng chiến Hồi giáo". Ngày 14 tháng 12 năm 1987, chỉ ít ngày sau khi cuộc nổi dậy của người Palestine chống lại Israel (còn được gọi là Intifada lần thứ nhất) bùng nổ, Phong trào Hồi giáo Sunni Vũ trang Hamas đã được thành lập với mục tiêu dài hạn là thành lập một nhà nước Hồi giáo của người Palestine trên vùng lãnh thổ được hoạch định trước năm 1948.
Khẩu hiệu của Hamas là "Allah là mục tiêu, Nhà tiên tri Muhammad là hình mẫu, Kinh Koran là hiến pháp, Thánh chiến là con đường duy nhất và được chết vì Allah là sự thể hiện lòng trung thành". Vì những lý do đó, Hamas khước từ mọi giải pháp hòa bình, không công nhận nhà nước Israel. Và để thành lập một nhà nước Palestine Hồi giáo, đối với họ, không có con đường nào khác ngoài việc tiến hành khủng bố dân thường.
Trong tiếng Ả Rập, Hamas có nghĩa là "nhiệt huyết", "lửa". Các hành động của Hamas không đi ngược lại tiêu chí này. Đánh bom liều chết là một yếu tố mà Hamas coi là vũ khí trong cuộc chiến chống lại Israel.
Người ta biết đến Hamas nhiều hơn với vai trò là một phong trào quân sự. Nhưng thực tế, các hoạt động của họ trong lĩnh vực xã hội cũng khá rộng rãi. Trong khi các phong trào Hồi giáo vũ trang khác như Jihad, lữ đoàn tử vì đạo Al-Aqsa ít phát triển, thì Hamas ngày càng lớn mạnh và giành được sự ủng hộ nhờ các chương trình phúc lợi xã hội lớn. Nguồn tài chính được ước đoán hàng tỷ đô la Mỹ nhờ hoạt động quyên góp này đã trang trải cho các hoạt động xã hội và qua đó, Hamas giành được uy tín lớn trong người dân Palestine.
Tháng 2 năm 2006, nằm ngoài dự đoán, Hamas đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp Palestine. Một trong những nhà lãnh đạo của Hamas là Ismail Haniya trở thành Thủ tướng của Palestine.
Quan điểm quốc tế về Hamas
Đối với các sử gia, các nhà chính trị học và luật gia của đa số các nước phương Tây thì Hamas là một phong trào khủng bố. Các quốc gia dưới đây xem Hamas là một tổ chức khủng bố:
Một số nước không cho Hamas là một tổ chức khủng bố hoặc vẫn giữ liên lạc vì một lý do nào đó: |
Lã Bất Vi (Giản thể: 吕不韦; phồn thể: 呂不韋; 292 TCN - 235 TCN) là một thương nhân người nước Vệ, sau trở thành Tướng quốc của nước Tần thời Chiến Quốc. Ông nổi tiếng trong lịch sử về buôn quan bán tước, xoay trở từ người buôn bán bình thường trở thành một chính trị gia có ảnh hưởng.
Xuất thân từ thương gia, ông được chọn giữ chức Tướng quốc trong 13 năm cho nước Tần, trở thành một chính trị gia trứ danh đương thời. Với tư tưởng 「Kiêm Nho Mặc, hợp Danh Pháp; 兼儒墨,合名法」, ông hợp lực biên soạn nên Lã Thị Xuân Thu, chủ trương chính trị một cách rất có bài bản. Những thành quả này khiến ông trở thành một biểu tượng của phái Tạp gia - một trong Cửu Lưu thập gia thời Tiên Tần. Khi giữ chức, ông chủ trương đánh chiếm Đông Chu, Triệu cùng Vệ, mở Tam Xuyên, Thái Nguyên và Đông Quận, đối với cơ nghiệp nhà Tần có thành quả lớn lao. Sau cùng, vì sự vụ Lao Ái mà Lã Bất Vi bị liên lụy, cuối cùng bị chính Doanh Chính ép buộc uống thuốc độc tự sát.
Có thuyết nói rằng ông là cha của Doanh Chính, tức Tần Thủy Hoàng, vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa, song thuyết này vẫn chưa được kiểm chứng và còn nhiều điểm mâu thuẫn. Các giáo sư John Knoblock và Jeffrey Riegel, trong bản dịch Lã Thị Xuân Thu của họ, gọi câu chuyện này "rõ ràng là sai, nhằm mục đích phỉ báng Bất Vi và xúc phạm Hoàng đế đầu tiên".
Thân thế
Lã Bất Vi là người nước Vệ, nay thuộc khu vực phía Nam của Bộc Dương, tỉnh Hà Nam. Sách Chiến Quốc sách lại nói ông sinh ra ở Dương Địch (猴阳) ở nước Hàn. Xuất thân tầm thường, Lã Bất Vi là một thương nhân, nhờ buôn bán thành công nên rất giàu có.
Năm thứ 40 đời Tần Chiêu Tương vương (267 TCN), Điệu Thái tử mất. Năm thứ 42 (265 TCN), ngôi Thái tử còn khuyết, nên Tần vương cho con thứ là An Quốc quân công tử Trụ làm Thái tử. An Quốc quân có hơn 20 người con và nhiều vợ, trong đó người vợ được yêu nhất được lập làm chính phu nhân, gọi là Hoa Dương phu nhân. Phu nhân không có con, mà một người con của An Quốc quân là Dị Nhân sinh ra bởi thị thiếp Hạ Cơ không được yêu quý, nên Dị Nhân phải làm con tin của Tần ở nước Triệu. Tần mấy lần đánh Triệu, nên Triệu bạc đãi Dị Nhân.
Lã Bất Vi ở Hàm Đan nước Triệu, trông thấy Dị Nhân bèn nảy ra ý muốn giúp Dị Nhân làm người kế nghiệp nước Tần để bản thân mình tiến thân, bèn chủ động kết giao với Dị Nhân. Lã Bất Vi đưa cho Dị Nhân năm trăm cân vàng tiêu dùng và đãi tân khách. Rồi lấy tiền mua của báu vật lạ, đem sang Tần, xin ra mắt người chị Hoa Dương phu nhân để dâng những vật ấy cho Hoa Dương phu nhân. Nhân đó, Lã Bất Vi kể Dị Nhân tài giỏi, khôn ngoan, giao với người các nước, bạn hữu khắp thiên hạ. Hoa Dương phu nhân không có con, Bất Vi khuyên nhận Dị Nhân làm con nuôi. Hoa Dương phu nhân nghe theo, vào xin An Quốc quân lập Dị Nhân làm thừa tự. Danh tiếng Dị Nhân từ đó càng nổi với chư hầu.
Bấy giờ, Lã Bất Vi có một người thiếp là Triệu Cơ, đàn hay múa giỏi và có nhan sắc. Một hôm, Bất Vi mời Dị Nhân đến nhà, sai Triệu Cơ ra rót rượu. Dị Nhân đem lòng say mê, Lã Bất Vi liền dâng Triệu Cơ cho Dị Nhân. Năm Chiêu Tương vương thứ 48 (259 TCN), tháng giêng, Triệu Cơ sinh hạ một con trai, chính là Doanh Chính.
Các sử gia vẫn luôn tranh cãi về việc Doanh Chính là con của Lã Bất Vi hay Dị Nhân, vì không loại trừ khả năng Triệu Cơ đã có thai với Lã Bất Vi từ trước. Tuy nhiên, học giả đời nhà Thanh là Lương Ngọc Thằng (梁玉繩) cho rằng ở đây có điểm đáng ngờ. Căn cứ nguyên văn mà Tư Mã Thiên chép trong Sử ký về việc Triệu Cơ sinh hạ, có ghi: [Cơ tự nặc hữu thân, chí đại kỳ thời, sinh tử Chính; 姬自匿有身,至大期時,生子政]. Trong đó, "Đại kỳ" một từ là chỉ ý việc phụ nữ đủ tháng sinh nở thời cổ, ám chỉ việc Triệu Cơ cùng Doanh Dị Nhân sau khi chung chạ thì mang thai, xác thực Triệu Cơ sau khi mang thai 10 tháng mới sinh ra Doanh Chính. Mà cũng trong Sử ký, phần Tần Thủy Hoàng bản kỷ, đặc biệt ghi rõ Doanh Chính là vào "Tần Chiêu vương năm thứ 48, tháng giêng sinh ra ở Hàm Đan", căn cứ tài liệu biên thành của Tần triều, đều có khảo chứng. Lương Ngọc Thằng chỉ ra rằng, Tư Mã Thiên đem cả hai cụm từ rất mâu thuẫn là [Tự nặc hữu thân; ý là "đang có thai"] cùng [Đại kỳ; ám chỉ "sau khi chung chạ mới có thai"] để chung trong một câu như vầy, là một loại bút pháp Xuân Thu, ám chỉ tin đồn rất phổ biến khi ấy là Triệu Cơ có thai trước khi hầu ngủ Doanh Dị Nhân nhưng không tiện phủ nhận. Rất có thể, Doanh Chính thật sự là con của Doanh Dị Nhân.
Năm thứ 50 đời Chiêu Tương vương (257 TCN), nước Tần sai Vương Ý vây Hàm Đan, triều đình nước Triệu muốn giết Dị Nhân. Biết được tin, Dị Nhân cùng Lã Bất Vi mưu đưa sáu trăm cân vàng cho kẻ coi giữ nên trốn thoát Triệu. Triệu muốn giết vợ con Dị Nhân, nhưng Triệu Cơ là con nhà tai mắt ở Triệu, lẩn trốn được vì thế mẹ con đều sống.
Tướng quốc nước Tần
Năm Tần Chiêu Tương vương thứ 56 (251 TCN), Tần vương mất. Sau một thời gian để tang cha, sang năm sau (250 TCN) thì An Quốc quân lên làm Tần vương, tức là Tần Hiếu Văn vương, lập Hoa Dương phu nhân làm Vương hậu, Dị Nhân (lúc này đã đổi tên thành Tử Sở) do đó trở thành Thái tử.
Sau 6 năm cách biệt, Triệu Cơ cùng con là Doanh Chính được đón về nước Tần. Nhưng Hiếu Văn vương lên ngôi được 3 ngày đã mất. Thái tử Tử Sở lên thay, tức là Tần Trang Tương vương, tôn mẹ nuôi là Hoa Dương hậu làm [Hoa Dương Thái hậu], mẹ đẻ Hạ Cơ là [Hạ Thái hậu]. Có ý kiến cho rằng chính Bất Vi chủ mưu hại vua Tần để Tử Sở sớm lên thay ngôi.
Năm đầu (249 TCN), Tần Trang Tương vương liền phong cho Bất Vi làm Tướng quốc, tước hiệu Văn Tín hầu (文信侯), được ăn thuế 100.000 hộ thực ở quận Hà Nam, Lạc Dương. Trang Tương vương làm vua được 3 năm thì mất, Thái tử là Chính lên ngôi, gọi là Tần vương Chính, tức Tần Thủy Hoàng sau này, tôn Lã Bất Vi làm [Trọng phụ; 仲父].
Khi lên nắm phụ chính, Lã Bất Vi chủ trương mở rộng cương thổ của nước Tần, gây chiến và tranh giành ảnh hưởng đối với Đông Chu, Triệu cùng nước Vệ, chiếm đại lượng thành trì, làm cơ sở cho nước Tần về sau thống nhất thiên hạ. Bấy giờ ở Ngụy có Tín Lăng quân Nguỵ Vô Kỵ, ở Sở có Xuân Thân quân Hoàng Yết, ở Triệu có Bình Nguyên quân Triệu Thắng, ở Tề có Mạnh Thường quân Điền Văn, tất cả đều đua nhau quý kẻ sĩ, chiều tân khách. Lã Bất Vi thấy Tần mạnh mà mình không bằng họ nên xấu hổ cũng đón mời các kẻ sĩ đãi rất hậu, khách ăn trong nhà có đến ba nghìn. Khi ấy chư hầu có nhiều biện sĩ, như bọn Tuân Khanh làm sách truyền bá ra thiên hạ. Bất Vi bèn sai các khách soạn ra những điều mình biết, họp lại làm tám Lãm, sáu Luận, mười Kỷ gồm hơn hai mươi vạn chữ, cho là đủ hết những việc trời đất, muôn vật xưa nay. Ông đặt tên sách là Lã Thị Xuân Thu bày ở cửa chợ Hàm Dương, đặt nghìn lạng vàng lên trên, mời các du sĩ của chư hầu ai có thể thêm bớt một chữ thì xin biếu một nghìn lạng vàng.
Trong cung, Lã Bất Vi hay cùng mẹ của Tần vương là Triệu Cơ tư thông. Khi Tần vương Chính đã lớn mà Thái hậu cứ dâm loạn mãi, thì Lã Bất Vi sợ lộ mà mang vạ, bèn ngầm tìm một người có dương vật lớn tên Lao Ái, để chiều lòng Thái hậu thay mình. Quả nhiên Thái hậu nghe chuyện rồi, Lã Bất Vi vờ sai người tố cáo y phạm tội đáng thiến. Sau đó, Bất Vi lại báo với thái hậu: "Nên có kẻ giả bị thiến này làm chức Cấp Sự trung". Thái hậu bèn ngầm cho kẻ coi việc thiến nhiều tiền. Viên quan coi án lại luận tội vờ, nhổ râu mày làm cho hoạn quan nhờ vậy được vào hầu Thái hậu. Thái hậu cùng y gian dâm, sinh được hai đứa con, sợ người ta biết chuyện, bèn vờ xem bói nói nên tránh mùa dời cung sang đất Ung.
Cái chết
Năm thứ 9 đời Tần vương Chính (238 TCN), có kẻ phát giác Lao Ái thực không phải là hoạn quan, thường tư thông với Thái hậu, sinh hai con đều giấu đi.
Tần vương Chính liền giao cho pháp đình xét, biết rõ sự tình. Việc liên quan đến Tướng quốc là Lã Bất Vi. Tháng 9, Tần vương cho người giết 3 họ nhà Lao Ái, lại giết hai con do Thái hậu đẻ ra và đày Thái hậu sang đất Ung. Nhà cửa các môn hạ của Lao Ái đều bị tịch thu và họ bị đày sang đất Thục. Tiếp đến, Tần vương muốn giết cả Tướng quốc Lã Bất Vi, nhưng vì Bất Vi thời trước có công lớn, lại được các tân khách, biện sĩ nói giúp khá đông nên không nỡ làm tội.
Tháng 10 năm thứ 10 (237 TCN), Tần Vương cách chức Tướng quốc của Lã Bất Vi. Đến khi người Tề là Mao Tiều thuyết vua Tần, vua Tần mới sang Ung đón Thái hậu về Hàm Dương như cũ và phong ấp cho Văn Tín hầu Lã Bất Vi ở Hà Nam. Được hơn một năm, các tân khách cùng sứ giả của chư hầu đến thăm Văn Tín hầu lũ lượt ở trên đường.
Doanh Chính sợ Văn Tín hầu làm loạn, bèn viết thư nói:
Rồi bắt đem cả nhà Bất Vi dời sang Thục (nay là vùng Tứ Xuyên). Lã Bất Vi tự liệu sẽ bị giết, bèn uống thuốc độc tự tử. Khi đó, ông tầm 57 tuổi. |
Bánh phồng tôm là một loại bánh thường dùng để ăn nhẹ phổ biến tại các nước Đông Nam Á. Bánh đã chiên có độ giòn, xốp, béo ngậy, thơm mùi hải sản.
Tại Việt Nam, bánh phồng tôm, được xem là đặc sản của miền Tây Nam Bộ, thường được bán dưới dạng chưa chiên, phải chiên lên trước khi sử dụng. Thành phố Sa Đéc thuộc tỉnh Đồng Tháp là nơi sản xuất nhiều bánh phồng tôm nhất Việt Nam với một thương hiệu rất nổi tiếng là Sa Giang.
Bánh phồng tôm cũng được bán dưới dạng đã chiên ở nhiều nước trên thế giới.
Chế biến
Bánh được làm từ bột (gồm bột năng hoặc bột sắn lấy từ củ của cây sắn có trộn thêm một ít bột nở, NaHCO3), thịt tôm xay nhuyễn, một ít hạt tiêu giã nhỏ. Người ta còn thay thịt tôm bằng thịt cua hay một số loại hải sản khác. Đặc biệt, bánh dùng cho người ăn chay có thành phần chủ yếu gồm bột và khoai tây.
Các thành phần nguyên liệu sau khi trộn với nhau sẽ được nhồi vào những chiếc túi vải dạng hình ống dài (giống như xúc xích nhưng to hơn nhiều). Sau khi được hấp chín, người ta cắt ra thành từng lát tròn mỏng rồi đem phơi khô.
Khi sử dụng phải chiên giòn với dầu ăn nóng, bánh sẽ nở to ra gấp 3-4 lần nên được gọi là bánh phồng.
Hiện nay ngoài loại bánh phồng tôm truyền thống còn có thêm các loại như phồng tôm cua, phồng tôm mực, bánh phồng basa với mùi vị hấp dẫn và đặc sắc.
Phổ biến ở Đông Nam Á
Bánh phồng tôm được gọi là krupuk udang trong tiếng Indonesia, và chỉ là một biến thể của nhiều loại krupuk được công nhận trong ẩm thực Indonesia. Tại Indonesia nhiệm kỳ krupuk hoặc kerupuk được sử dụng như thuật ngữ chung để chỉ các loại bánh. Indonesia có lẽ có nhiều loại krupuk lớn nhất.
Krupuk udang (bánh phồng tôm) và các loại krupuk khác có mặt ở khắp mọi nơi ở Indonesia. Ví dụ về các nhãn hiệu krupuk udang phổ biến ở Indonesia bao gồm Finna và nhãn hiệu Komodo. Để đạt được độ giòn tối đa, hầu hết món krupuk udang thô được đóng gói sẵn này phải được phơi khô trước khi chiên giòn tại nhà. Để nấu krupuk, cần có một chảo và nhiều dầu ăn rất nóng. Raw krupuk khá nhỏ, cứng và có màu đậm hơn so với nấu chín. Các thị trấn đánh cá Sidoarjo ở Đông Java, cũng là Cirebon ở Tây Java, là nhà sản xuất chính của krupuk udang.
Bánh phồng tôm được gọi là keropok ở Malaysia. Chúng là một trong những món ăn nhẹ phổ biến nhất ở Malaysia và đặc biệt được phục vụ tại nhà của nhiều người trong các lễ hội (như Tết Nguyên Đán và Hari Raya).
Bánh phồng tôm được gọi là kropek (còn được đánh vần là kropeck) ở Philippines, hoặc theo tên tiếng Anh của họ là "prawn crakers" hoặc "fish crackers" (đặc biệt là trong các phiên bản thương mại được sản xuất hàng loạt). Chúng được làm từ bột mì truyền thống (thường là bột sắn), tôm bột hoặc cá, các loại gia vị khác nhau và nước. Không giống như ở Malaysia và Indonesia, kropek thường chỉ được ăn như một món ăn nhẹ hoặc món khai vị (rượu chôm chôm) đi kèm với rượu, tương tự như chicharon. Chúng thường được nhúng trong nước sốt dựa trên giấm cay, đáng chú ý nhất là sinamak (một loại giấm cay bản địa). Kropek cũng đã được đồng hóa vào ẩm thực Trung Quốc Philippines, thường được phục vụ như một món ăn phụ cho một số món ăn Philippines gốc Trung Hoa.
Hình ảnh |
Luis Barragán (9 tháng 3 năm 1902 tại Guadalajara – 22 tháng 11 năm 1988 tại Thành phố Mexico) là một trong những kiến trúc sư México quan trọng nhất của thế kỉ 20.
Ông theo học tại trường Kỹ sư Tự do Guadalajara (Escuela Libre de Ingenieros) từ năm 1919 đến năm 1923. Sau khi tốt nghiệp, Barragán quyết định đi du lịch châu Âu. Ông tỏ ra thích thú với kiến trúc của người Moors(người Tây Ban Nha có gốc Phi châu hay người Tây Ban Nha theo Hồi giáo) ở miền nam Tây Ban Nha, vùng Địa Trung Hải, các khu vườn của Ferdinand Bac và các tác phẩm lý thuyết của Le Corbusier. Trong thời gian này, ông đã tự học để trở thành một kiến trúc sư. Từ năm 1927 đến năm 1936, Barragán hành nghề kiến trúc tại Guadalajara và sau đó là Thành phố Mexico. Năm 1945, ông lập đồ án quy hoạch tổng mặt bằng và thiết kế đô thị khu ở Pedregal tại San Ángel. Năm 1955, ông tái thiết khu di tích lịch sử Convento de las Capuchinas Sacramentarias ở Tlalpan, nằm ở phía nam Thành phố Mexico. Năm 1957, Barragán bắt đầu thiết kế tháp Thông tin vệ tinh ở Naucalpan, khu ở Las Arboledas cách Thành phố Vệ tinh của Naucalpan vài km. Năm 1964, ông cùng với Las Arboledas thiết kế khu ở Lomas Verdes ở Naucalpan.
Năm 1980, ông là người thứ hai được trao giải thưởng Pritzker, nhà và xưởng thiết kế của ông được xây dựng từ năm 1948 ở Thành phố Mexico, hiện nay được xếp hạng Di sản thế giới của UNESCO. |
Sir James Frazer Stirling (1926–1992) là một kiến trúc sư quan trọng nhất của Anh từ thập niên 1960. Ông sinh ra tại Glasgow, Scotland, nhưng lớn lên tại Liverpool. Stirling theo học kiến trúc tại Đại học Liverpool và thành lập văn phòng kiến trúc của mình tại London. Ông được giải thưởng Pritzker năm 1981.
Để tưởng nhớ ông, Hiệp hội Kiến trúc sư Hoàng gia Anh RIBA đặt ra Giải thưởng Stirling từ năm 1996.
Một số công trình thiết kế
Tòa nhà Kỹ sư, Đại học Leicester, 1959
Trung tâm đào tạo Olivetti, Haslemere
Khoa Lịch sử Đại học Cambridge, 1968
Mở rộng Đại học Rice ở Texas
Dự án nhà ở thu nhập thấp
Trung tâm Nghệ thuật trình diễn Đại học Cornell
Mở rộng Phòng trưng bày Clore, Phòng trưng bày Tate, London
Bảo tàng Arthur M. Sackler, Đại học Harvard
Mở rộng Bảo tàng Nghệ thuật Fogg, Đại học Harvard
Neue Staatsgalerie, Stuttgart, 1977 - 1983
No 1 Poultry, London, 1998 (Hoàn thành sau khi ông mất) |
Người mang tên James Stirling có thể là:
Nhà toán học James Stirling, 1692 - 1770
Kỹ sư đầu máy xe lửa James Stirling, 1835 - 1931
Kiến trúc sư James Stirling, 1936 - 1992
Đô đốc James Stirling, thủ hiến của Tây Úc, 1791 - 1865
Nhà triết học người Anh James Hutchison Stirling, 1820 - 1902
Viện sĩ James Stirling, giáo sư toán và vật lý tại Đại học Durham
Đại úy hải quân James Stirling, phục vụ trên tàu Indus thuộc Hải quân Hoàng gia Anh |
Biên Hòa là một thành phố công nghiệp và là tỉnh lỵ của tỉnh Đồng Nai, thuộc vùng Đông Nam Bộ, Việt Nam. Thành phố Biên Hòa là đô thị loại I, là đầu mối giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sông Đồng Nai chảy qua, cách thủ đô Hà Nội 1.684 km, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh 30 km, cách thành phố Vũng Tàu 90 km. Biên Hòa là thành phố thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước, tương đương với 2 thành phố trực thuộc trung ương là Đà Nẵng và Cần Thơ và cao hơn dân số của 37 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trên địa bàn thành phố có các tuyến quốc lộ như Quốc lộ 1 (chiều dài đi qua là 13 km), Quốc lộ 1K (chiều dài đi qua là 14 km và Quốc lộ 51 (chiều dài đi qua là 16 km).
Lịch sử
Trong Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán (triều Nguyễn), Hoàng Minh Trí cho là đất Biên Hòa xưa là lãnh thổ nước Bà Lỵ (Bà Lị) và nước Thù Nại, những tiểu quốc cổ nằm ở phía Đông Nam nước Chiêm Thành, nay là vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai. Về sau, khi Chân Lạp lớn mạnh đều bị Chân Lạp thôn tính. Trước khi bị thực dân Pháp đô hộ, Biên Hòa là trung tâm của toàn bộ miền Nam với tên gọi Trấn Biên.
Năm 1808, dinh Trấn Biên đổi tên thành Trấn Biên Hòa, lỵ sở tại thôn Phước Lư, huyện Phước Long.
Năm 1832, Trấn Biên Hòa được đổi thành tỉnh Biên Hòa, lỵ sở dời về thôn Tân Lân, huyện Phước Chánh.
Năm 1876, thực dân Pháp chia tỉnh Biên Hòa thành 3 hạt tham biện: Biên Hòa, Thủ Dầu Một và Bà Rịa. Đến năm 1900, các hạt tham biện đổi thành tỉnh. Tỉnh lỵ tỉnh Biên Hòa thuộc làng Bình Trước, tổng Phước Vĩnh Thượng, quận Châu Thành.
Năm 1948, Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ quyết định chia huyện Châu Thành, tỉnh Biên Hòa thành hai đơn vị là thị xã Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu:
Thị xã Biên Hòa gồm xã Bình Trước với 5 khu nội ô và 8 ấp vùng ven là Tân Lân, Lân Thành, Lân Thị, Phước Lư, Vinh Thạnh, Bàu Hang, Đồng Lách, Sông Mây (từ chợ Biên Hòa lên đến Trảng Bom)
Huyện Vĩnh Cửu gồm các xã còn lại của huyện Châu Thành là: Hiệp Hòa, Tam Hiệp, Bửu Hòa, Tân Vạn, Hóa An, Tân Hạnh, Bình Trị, Tân Hiệp, Tân Phong, Bửu Long, Tân Thành, Bình Hòa, Bình Ý, Bình Thạnh, Tân Triều, Bình Phước, Lợi Hòa, Bình Long, Thiện Tân, Đại An, Tân Định.
Ngày 22 tháng 10 năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tách đất tỉnh Biên Hòa lập thêm 2 tỉnh Long Khánh, Phước Long. Sau năm 1956, các làng gọi là xã; tỉnh lỵ tỉnh Biên Hòa thuộc xã Bình Trước, quận Châu Thành. Đến năm 1963, quận Châu Thành đổi tên thành quận Đức Tu, gồm 15 xã: Bình Trước, Tam Hiệp, Tân Thành, Hiệp Hòa, Bùi Tiếng, Hố Nai, Trảng Bom, Bửu Hòa, Tân Vạn, Long Bình Tân, Phước Tân, Long Hưng, An Hòa Hưng, Tân Phong, Bửu Long; quận lỵ đặt tại xã Tam Hiệp.
Sau năm 1975, 3 tỉnh Biên Hòa, Long Khánh, Phước Tuy hợp nhất thành tỉnh Đồng Nai, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Biên Hòa.
Năm 1976, thị xã Biên Hòa được nâng cấp thành thành phố Biên Hòa - đô thị loại III, thuộc tỉnh Đồng Nai, gồm 11 phường: An Bình, Hòa Bình, Quang Vinh, Quyết Thắng, Tam Hiệp, Tam Hòa, Tân Mai, Tân Tiến, Thanh Bình, Thống Nhất, Trung Dũng và 9 xã: Bửu Hòa, Bửu Long, Hiệp Hòa, Hóa An, Long Bình Tân, Tân Hạnh, Tân Phong, Tân Thành, Tân Vạn.
Ngày 23 tháng 10 năm 1978, chuyển 2 xã Hố Nai 1 và Hố Nai 2 thuộc huyện Thống Nhất về thành phố Biên Hòa quản lý và đổi thành 2 phường có tên tương ứng.
Ngày 17 tháng 1 năm 1984, chia phường Hố Nai 2 thành 2 phường: Tân Biên và Tân Hòa; hợp nhất 2 xã: Bửu Long và Tân Thành thành xã Tân Bửu; chuyển 2 xã Tân Phong và Tân Vạn thành 2 phường có tên tương ứng.
Ngày 28 tháng 12 năm 1984, chuyển xã Bửu Hòa thành phường Bửu Hòa.
Ngày 8 tháng 6 năm 1988, chia phường Tam Hòa thành 2 phường: Tam Hòa và Bình Đa.
Ngày 10 tháng 5 năm 1993, thành phố Biên Hòa được công nhận là đô thị loại II.
Ngày 29 tháng 8 năm 1994, chuyển xã Tân Bửu thành phường Bửu Long; chuyển xã Long Bình Tân thành phường Long Bình Tân; chia phường Tam Hòa thành 2 phường: Tam Hòa và Long Bình; thành lập phường Tân Hiệp trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của các phường Tam Hòa, Tam Hiệp và Tân Tiến; chia phường Tân Phong thành 2 phường: Tân Phong và Trảng Dài. Sau khi điều chỉnh, thành phố có 23 phường và 3 xã.
Năm 1996, đổi tên phường Hố Nai 1 thành phường Hố Nai.
Ngày 5 tháng 2 năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 05/NQ-CP. Theo đó, chuyển 4 xã: An Hòa, Long Hưng, Phước Tân, Tam Phước thuộc huyện Long Thành về thành phố Biên Hòa quản lý.
Sau khi điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính, thành phố Biên Hòa có 30 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 23 phường và 7 xã.
Ngày 30 tháng 12 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2488/QĐ-TTg công nhận Biên Hòa là đô thị loại I thuộc tỉnh Đồng Nai. Như vậy Biên Hòa là đô thị loại I thứ hai của khu vực Đông Nam Bộ, sau thành phố Vũng Tàu.
Ngày 10 tháng 5 năm 2019, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 694/NQ-UBTVQH14 (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2019). Theo đó, chuyển 6 xã: An Hòa, Hiệp Hòa, Hóa An, Phước Tân, Tam Phước, Tân Hạnh thành 6 phường có tên tương ứng.
Thành phố Biên Hòa có 29 phường và 1 xã như hiện nay.
Kể từ ngày 10 tháng 5 năm 2022, Trụ sở Văn phòng HĐND-UBND thành phố Biên Hòa được di dời từ địa chí số 90 Hưng Đạo Vương, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa sang địa chỉ số 225 Võ Thị Sáu, phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa (Tầng 02, Tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố Biên Hòa)
Địa lý
Vị trí địa lý
Thành phố Biên Hòa nằm ở phía tây của tỉnh Đồng Nai, có vị trí địa lý:
Phía đông giáp huyện Trảng Bom
Phía tây giáp thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương
Phía nam giáp huyện Long Thành
Phía bắc giáp huyện Vĩnh Cửu và thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Điều kiện tự nhiên
Do nằm trong khu vực Đông Nam Bộ nên chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa chung của toàn khu vực gồm 2 mùa rõ rệt gồm mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến tháng 10, mùa khô thường bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình trong năm từ khoảng 25,4 °C đến 27,2 °C.
Dân cư
Dân số thành phố tính đến năm 2019 là 1.055.414 người.
Dân số thành phố tính đến hết năm 2022 là 1.119.190 người.
{| class="wikitable"
Dân tộc thiểu số có 2.648 hộ với 11.946 người chiếm tỷ lệ 1.09% gồm 19 dân tộc: Hoa, Tày, Khmer, Dao, Thái, Mường, Nùng, Chơro, Giarai, H'Mông, Mạ, Thổ, Chay, Sán Dìu, X'Tiêng, Chăm, Êđê, Giáy, Cơho.
Đặc điểm dân cư Thành phố Biên Hòa đa dạng là do sự di cư đến đây sinh sống lao động và làm việc. Về thành phần tôn giáo, bao gồm Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Phật giáo Hòa Hảo, Đạo Cao Đài, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam, Hồi giáo,... Rất đông tín đồ Công giáo tập trung sinh sống ở phía Đông và Đông Bắc Thành phố, quanh khu vực phường Hố Nai, tạo nên nét đặc trưng tôn giáo nơi đây.
Hành chính
Thành phố Biên Hòa có 30 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 29 phường: An Bình, An Hòa, Bình Đa, Bửu Hòa, Bửu Long, Hiệp Hòa, Hóa An, Hòa Bình, Hố Nai, Long Bình, Long Bình Tân, Phước Tân, Quang Vinh, Quyết Thắng, Tam Hiệp, Tam Hòa, Tam Phước, Tân Biên, Tân Hạnh, Tân Hòa, Tân Hiệp, Tân Mai, Tân Phong, Tân Tiến, Tân Vạn, Thanh Bình, Thống Nhất, Trảng Dài, Trung Dũng và xã Long Hưng.
Kinh tế - xã hội
Kinh tế
Biên Hòa có tiềm năng to lớn về phát triển kinh tế với nền đất lý tưởng, khí hậu thuận lợi cho việc xây dựng phát triển công nghiệp, có nguồn tài nguyên khoáng sản với trữ lượng khai thác đáng kể, nhất là tài nguyên khoáng sản về vật liệu xây dựng, thuận lợi về nguồn cung cấp điện, có nguồn nước dồi dào đủ cung cấp nhu cầu sản xuất và sinh hoạt (sông Đồng Nai), ngoài ra nguồn nhân lực với trình độ cao đã tăng cường nguồn lực con người cho yêu cầu phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa.Về cơ cấu kinh tế, năm 2017 công nghiệp - xây dựng chiếm 64,08%; dịch vụ chiếm 35,84% và nông lâm nghiệp chiếm 0,08%. Tính đến năm 2018, GDP/đầu người của thành phố cao gấp hai lần GDP/đầu người của Việt Nam (khoảng 4500 USD).
Công nghiệp
Thành phố này cũng là trung tâm công nghiệp quan trọng của cả nước. Biên Hòa có thế mạnh về công nghiệp và cũng là nơi đi tiên phong trong lĩnh vực Công nghiệp đầu tiên của cả nước với việc hình thành sớm KCN Biên Hòa I (năm 1967) - Khu kĩ nghệ Biên Hòa - Khu công nghiệp đầu tiên của cả nước sau ngày đất nước Thống Nhất.
Thành phố Biên Hòa hiện có 6 khu công nghiệp
Khu công nghiệp Biên Hòa 1/Bien Hoa I Industrial Zone 335 ha
Khu công nghiệp Biên Hòa 2/Bien Hoa II Industrial Zone: 365 ha
Khu công nghiệp Amata/Amata industrial park 674 ha
Khu công nghiệp Loteco/The Long Binh Industrial Zone Development: 100 ha
Khu công nghiệp Agtex Long Bình/Agtex Long Binh Industrial Park - AGTEX 28: 43 ha
Khu công nghiệp Tam Phước/Tam Phuoc Industrial Park: 323 ha
Bên cạnh ngành công nghiệp hiện đại, hiện thành phố vẫn còn một vài cụm công nghiệp truyền thống, thủ công mĩ nghệ như:
Cụm công nghiệp Gốm sứ Tân Hạnh: 32ha
Cụm công nghiệp Dốc 47: 97ha
Cụm công nghiệp chế biến gỗ Tân Hòa: 39ha
Vùng thủ công mĩ nghệ đá Bửu Long
Vùng sản xuất gốm Tân Vạn, Bửu Long, Hiệp Hòa
Vùng sản xuất đồ gỗ và trang trí nội thất gồm Tân Hòa, Tân Biên
Tài chính - Thương mại
Tài chính ngân hàng cũng là thế mạnh kèm theo do sự phát triển công nghiệp mang lại, hằng năm tỉ trọng dịch vụ tài chính được nâng dần và thay thế cho công nghiệp, bước khởi đầu cho một thành phố phát triển của khu vực. Biên Hòa có hơn 39 hệ thống ngân hàng của các ngân hàng trong nước, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Với hơn 51 chi nhánh (CN), 92 phòng giao dịch (PGD), 27 quỹ tiết kiệm (QTK), trên 300 máy ATM.
Ngành thương mại cũng là điểm sáng trong phát triển kinh tế, với hệ thống Trung tâm thương mại, siêu thị lớn của Big C, Mega Market, Co.op Mart, Lotte, Vincom Plaza... cùng một số hệ thống siêu thị Điện máy, Nội thất lớn, cửa hàng điện tử, điện thoại máy tính có uy tín cũng có mặt tại đây. Ngoài ra, các chợ truyền thống cũng là nét đặc trưng nơi đây, nhiều chợ khá nổi tiếng như Chợ Biên Hòa, Chợ Tân Hiệp, Chợ Long Bình,...
Những năm gần đây, các thương hiệu bán lẻ đã bắt đầu cạnh tranh, mở rộng thị trường, tính đến thời điểm 02/2023, Thành phố Biên Hòa có 25 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 73 cửa hàng Winmart+, 10 cửa hàng Co.op food.
Nông lâm ngư nghiệp
Nền nông nghiệp hiện đại theo sự phát triển đô thị, với việc cung cấp rau sạch xanh quy mô lớn cho thị trường thành phố Biên Hòa và lân cận. Hệ thống rừng phòng hộ tại Thành phố 1 triệu dân này đang được chú trọng phát triển và bảo vệ vì đây là "lá phổi xanh" nằm rải rác ở phường Tân Biên và phường Phước Tân. Về thủy sản, thành phố cũng còn một vài phường xã ven sông có bè cá.
Xã hội
Giáo dục
Do vị trí gần Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm giáo dục của cả nước nên vì vậy mà thành phố Biên Hòa khá ít trường đại học và thêm nữa là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, kinh tế, giáo dục của tỉnh Đồng Nai nên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp của Đồng Nai hầu như đều nằm ở Biên Hòa. Ngược lại, thành phố Biên Hòa có rất nhiều trường THPT, THCS, TH và phân bố ở rất nhiều khu vực trong thành phố phục vụ cho nhu cầu dân số quá tải của thành phố Biên Hòa. Tuy nhiên hiện nay do dân số tăng đột biến nên những năm gần đây có một số trường tiểu học phải học ca 3, đây là vấn đề nan giải của ngành giáo dục Biên Hòa. Dân số như hiện nay đang là thách thức không chỉ của ngành giáo dục mà còn là vấn đề cho các ban ngành và Ủy ban Nhân dân Thành phố.
Thành phố ngày càng phát triển đã sinh ra nhiều Hệ thống trường dân lập liên cấp theo tiêu chuẩn chất lượng đào tạo tương đương các trường công lập và theo chuẩn quốc tế để đáp ứng cho nhu cầu học tập cho học sinh trên địa bàn thành phố Biên Hòa.
Hiện thành phố có trường Đại học:
Đại học Đồng Nai
Đại học Lạc Hồng
Đại học Công nghệ Đồng Nai
Đại học Nguyễn Huệ
Đại học Mở TP.HCM (Cơ sở Biên Hòa)
Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (Cơ sở Biên Hòa)
Ngoài ra thành phố có các trường Cao đẳng lớn:
Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc
Cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai
Cao đẳng Y tế Đồng Nai (Đề án nâng cấp lên Đại học Y dược Đồng Nai)
Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai (Đề án nâng cấp lên Đại học Mỹ thuật Đồng Nai)
Cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi (Đề án nâng cấp lên Đại học Sonadezi)
Cao đẳng nghề Số 8.
Y tế
Thành phố có 30 trạm y tế của 30 phường xã được xây dựng và trang bị hiện đại phục vụ nhân dân tại các phường xã trong thành phố và Trung tâm y tế Thành phố Biên Hòa với hơn 8000 giường bệnh. Bên cạnh đó, một số Bệnh viện lớn của nhà nước đã hình thành và phát triển như:
Đa Khoa Đồng Nai: Là bệnh viện hạng I tuyến tỉnh, quy mô 1400 giường.
Đa Khoa Thống Nhất: Là bệnh viện hạng I tuyến tỉnh, quy mô 1000 giường.
Nhi Đồng Đồng Nai: Là bệnh viện hạng II tuyến tỉnh, quy mô 740 giường bệnh nội trú.
Đa Khoa Biên Hòa: 100 giường.
Y Dược Cổ truyền Đồng Nai: 150 giường
Da Liễu Đồng Nai: 100 giường
Phổi Đồng Nai: 150 giường
Đa Khoa 7B: 600 giường
Tâm thần Trung ương 2: 1200 giường
Ngoài ra, một số Bệnh viện ngoài công lập đã hình thành và phát triển:
Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai (Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ): 400 giường
Quốc tế Chấn Thương Chỉnh Hình ITO Sài Gòn-Đồng Nai (Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ): 160 giường
Đa Khoa Tâm Hồng Phước: 120 giường
Phụ sản Âu Cơ Biên Hòa: 80 giường
Phụ sản Nhi Đa Khoa Sài Gòn-Đồng Nai
Chuyên khoa Răng Hàm Mặt Việt Anh Đức: 21 giường
Đa khoa ShingMark: 1500 giường
Đa khoa Lê Quý Đôn (đang xây dựng): 500 giường.
Du lịch
Du lịch là tiềm năng kinh tế mang đậm chất một đô thị sông nước và cổ lâu đời, đặc điểm thiên nhiên sinh thái nơi đây cũng khá phong phú, tuy nhiên, do chưa có đề án phát triển du lịch nên nơi đây vẫn là một viên ngọc ẩn mình giữa sự phát triển công nghiệp.
Khu du lịch Bửu Long - Vịnh Hạ Long trên cạn của miền Nam
Khu du lịch Văn Hóa Sơn Tiên
Khu du lịch Vườn Xoài
Khu du lịch sinh thái Cù Lao Ba Xê
Ngoài ra, Các địa điểm tham quan, văn hóa, du lịch khác cũng khá phong phú:
Cù lao Phố - phường cù lao giữa lòng Thành phố Biên Hòa cũng là một điểm du lịch khá phong phú và đặc sắc, với nhiều di tích lịch sử như Chùa Ông, Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Chùa Đại Giác, Đình Bình Quan, Đình Bình Qưới,...
Chợ Biên Hòa - Đình Tân Lân - Thành cổ Biên Hòa
Văn miếu Trấn Biên - Núi Bửu Long và các chùa cổ, tịnh thất, cốc quanh núi (Chùa Bửu Phong, Chùa Long Ẩn,..)
Đền Hùng phường Bình Đa
Quy hoạch
Tiềm năng và sự phát triển về kinh tế, Đồng Nai đang định hướng để nâng cấp thành phố Biên Hòa và xây dựng những đô thị vệ tinh phát triển xung quanh thành phố này ở các huyện lân cận như Trảng Bom và Long Thành, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch. Hiện nay, thành phố này là một trong những thành phố đông dân, hiện đại và phát triển nhất cả nước.
Trong tương lai thành phố Biên Hòa sẽ là một đô thị vệ tinh độc lập trực thuộc trung ương trong vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh. Theo hướng phát triển, Thành phố Biên Hòa phát triển theo trục Bắc-Nam, phát triển trục trung tâm đường Nguyễn Hữu Cảnh, đường Trần Phú, mở rộng và hoàn thiện đô thị về phía Nam thành phố. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng Giao thông đô thị, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng đô thị, phát triển đô thị theo hướng Văn minh - Giàu đẹp. Thực hiện các dự án khu dân cư tại các phường (Bửu Long, Quang Vinh, An Bình, Long Bình, Long Bình Tân, Trảng Dài, Tân Phong, Hóa An, Tam Phước, An Hòa); phát triển và cải tạo cảnh quan, khuyến khích phát triển phường Hiệp Hòa (Cù lao Phố); phát triển hệ thống đường sá nối thành phố Biên Hòa với cù lao Hiệp Hòa;. Mặc dù đã đạt mục tiêu đô thị loại I với nhiều dự án chỉnh trang đô thị, cơ sở hạ tầng xã hội, tuy nhiên theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Biên Hòa thì việc mức sống của người dân chưa được cao thì việc trở thành đô thị loại I sẽ không có ý nghĩa.
Bên cạnh tập trung phát triển đô thị, Thành phố tập trung phát triển bền vững, tập trung chuyển dịch cơ cấu tăng tỉ trọng Dịch vụ, giảm tỉ trọng công nghiệp và nông lâm ngư nghiệp với việc nhanh chóng đầu tư, cải tạo và xây dựng khu công nghiệp Biên Hòa I thành khu Trung tâm tài chính - thương mại Biên Hòa. Ngành nông ngư nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất nuôi trồng hiện đại bền vững, phục vụ thị tường đô thị triệu dân và lân cận, bảo vệ và phát triển rừng lâm nghiệp, tạo mảng xanh, khí hậu cảnh quan sinh thái.
Hiện nay trên địa bàn thành phố Biên Hòa đã và đang hình thành một số khu đô thị mới như khu đô thị khu đô thị Biên Hòa Riverside Garden, khu đô thị Dreamland City, khu đô thị Hòa Bình Town, khu đô thị IDICO Hóa An...
Kết nghĩa
Thành phố Phủ Lý, Việt Nam
Tỉnh Gyeongsangnam-do, Hàn Quốc
tỉnh Champasak, Lào.
Giao thông
Biên Hòa là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước và là cửa ngõ quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong tương lai, khi Thành phố Biên Hòa trở thành Thành phố Trực thuộc Trung ương thì thành phố này sẽ là đầu mối giao thông cực kì quan trọng của cả nước, đầu tàu về giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, có 2 sân bay dân sự và quân sự lớn nhất Việt Nam (Sân bay Quân sự Biên Hòa, Sân bay Quốc tế Long Thành), Ga Biên Hòa - ga đường sắt lớn và tương đương với Ga Sài Gòn (nối tuyến đường sắt Thống Nhất và tuyến đường sắt Đông Tây), Mạng lưới cao tốc liên vùng, liên tỉnh, tuyến đường thủy phục vụ cho các cảng sông,...
Giao thông đô thị
Khi Chính phủ quy hoạch vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, đã có nhiều câu hỏi đặt ra cho sự phát triển thật sự của Biên Hòa cũng như tỉnh Đồng Nai về hạ tầng giao thông do việc hình thành đô thị của Thành phố quá sớm (Thành phố được quy hoạch từ thời pháp thuộc với quy mô dân số khoảng 200.000-300.000 người, tuy nhiên dân số Biên Hòa đã đạt ngưỡng 1 triệu người). Chính vì vậy, xác định được tầm quan trọng của giao thông Biên Hòa trong vai trò kinh tế cả nước. Đồng Nai bắt đầu quan tâm nhiều hơn các dự án giao thông tầm cỡ và đồng thời phát triển giao thông nội bộ từ đô thị về đến nông thôn và đặc biệt là Thành phố Biên Hòa.
Là Đại công trường về Giao thông, Thành phố Biên Hòa đang sở hữu các dự án:
Cao Tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (kết nối Biên Hòa với Sân bay Long Thành và Thành phố Vũng Tàu; giảm tải cho QL51 sẽ mãn tải vào năm 2020)
Đường Sắt Metro Bến Thành - Suối Tiên - Biên Hòa
Đường Nguyễn Hữu Cảnh (trục trung tâm Thành phố)
Hệ thống Cầu đường bộ Cù lao Phố kết nối giao thông đô thị, cầu Thống Nhất, cầu An Bình,..;
Đường Hương Lộ 2 (kết nối Ngã 4 Vũng Tàu và trung tâm thành phố với Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây),
Tuyến đường nối 3 quốc lộ huyết mạch (QL.1, QL1K & QL51)
Bờ kè & đường ven sông Cái - đường Trần Phú
Bờ kè & đường ven sông Đồng Nai - đường Nguyễn Văn Trị nối dài (Cầu Hóa An đến Bến Đò Trạm)
Nút giao thông ngã tư Kẻ Sặt - Bệnh viện Thống Nhất, Ngã tư Phát triển, Ngã tư Bồn Nước
Nâng cấp mở rộng đường Bùi Văn Hòa
Nâng cấp cải tạo xây dựng mới các tuyến đường trong trung tâm thành phố
Tuyến Đường sắt Bắc Nam đoạn Trảng Bom - Hòa Hưng (xây mới ga Biên Hòa về phía nam tại phường Phước Tân) và kết nối tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu
Các dự án đã hoàn thành như:
Cầu Hóa An mới, Cầu Bửu Hòa, Cầu Hiệp Hòa, Đường Quốc lộ 1 tuyến tránh thành phố Biên Hòa (Võ Nguyên Giáp), Cầu Đồng Nai và tuyến 2 đầu cầu (Cầu vượt và hầm chui ngã Tư Vũng Tàu, Hầm chui ngã Tư Tam Hiệp, Cầu vượt ngã Tư Amata, Cầu vượt nút giao Tân Vạn, Hầm chui Tân Phong), Cầu Hóa An và tuyến 2 đầu cầu (Cầu vượt Ngã tư Cầu Mới và Ngã tư vòng xoay Hóa An), Cầu An Hảo, Đường Đặng Văn Trơn, Đường Điểu Xiển (Tuyến Chống ùn tắc QL.1 đoạn qua phường Tân Hòa)
Các tuyến trục chính, cửa ngõ ra vào thành phố triệu dân cũng được đầu tư xây dựng thúc đẩy sự phát triển kinh tế và hạ tầng đô thị: Quốc lộ 1 (Xa lộ Hà Nội),, Quốc lộ 1K (đường Nguyễn Ái Quốc), Quốc lộ 51, Trục đường Phạm Văn Thuận và đường Bùi Văn Hòa, Đường Huỳnh Văn Nghệ, Đường Đồng Khởi, Đường Võ Nguyên Giáp (tuyến tránh Quốc lộ 1), Đường Bùi Hữu Nghĩa, Trục đường Lê Văn Duyệt và đường Đặng Văn Trơn
Hệ thống đường sắt Thống Nhất chạy ngang qua Biên Hòa với 2 ga chính là: ga Hố Nai, ga Biên Hòa. Với 2 cầu đường sắt là cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát; hai cầu này được xây dựng từ thời Pháp Thuộc đến nay và chỉ cho xe máy lưu thông sau nhiều sự kiện.
Tên đường Biên Hòa trước năm 1975
Đường Thành Thái nay là đường Huỳnh Văn Lũy.
Đường Lê Văn Duyệt nay là đường Hoàng Minh Châu.
Đường Trần Thượng Xuyên và Nguyễn Thái Học nay là đường Nguyễn Văn Trị.
Đại lộ Trịnh Hoài Đức và Quốc lộ 1 nay là đường 30 tháng 4.
Quốc lộ 1 nay là đường Hà Huy Giáp.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh và Hàm Nghi nay là đường Cách Mạng Tháng 8.
Đường Lê Văn Lễ nay là đường Nguyễn Thị Hiền.
Đường 4 và 5 cũ nay là đường Phan Trung và Trương Định
Đường hàng không
Sân Bay Biên Hòa là một trong những sân bay quân sự lớn nhất nước. Cách Thành phố Hồ Chí Minh 30 km. Sân bay Biên Hòa đã từng là căn cứ không quân của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa và Không lực Hoa Kỳ trong giai đoạn Chiến tranh Việt Nam.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, sân bay Biên Hòa được Không quân Nhân dân Việt Nam tiếp quản sử dụng quân sự. Đơn vị đóng quân: Trung đoàn không quân tiêm kích 935 (Đoàn Biên Hòa) thuộc sư đoàn 370 Biên chế trang bị sẵn sàng chiến đấu: Su 30 MK2V (đóng vai trò chủ lực), một số cường kích A37, tiêm kích F5.
Tháng 6 năm 2015, Quốc hội thông qua dự án Sân bay quốc tế Long Thành sẽ được xây dựng với công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Sân bay nằm cách Thành phố Biên Hòa 20 km, sẽ tạo cho thuận lợi rất lớn đến đô thị công nghiệp triệu dân này.
Đường thủy
Với hệ thống sông Đồng Nai chảy qua và hệ thống kênh rạch lớn ăn sâu vào đất liền nên hoạt đường thủy tại đây cũng khá thuận tiện. Hệ thống cảng Đồng Nai là hệ thống cảng nội địa lớn nhất trên lưu vực sông Đồng Nai. |
Radio Yerevan hoặc Armenia Radio là những câu truyện tiếu lâm rất phổ biến ở Liên Xô và các nước Cộng sản Đông Âu trước đây trong nửa sau thế kỉ 20. Đây là những câu truyện thuộc dạng Hỏi - Đáp, câu truyện thường có dạng
Radio Yerevan được hỏi: "<...>"
Radio Yerevan trả lời: "<...>".
Tiếu lâm chính trị Radio Yerevan
Phần lớn những câu truyện tiếu lâm Radio Yerevan thuộc thể loại này, người nghe hỏi một câu về sự khác biệt giữa chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa Tư bản. Câu trả lời thường là "Trên nguyên tắc, đúng thế" nhưng chi tiết của câu trả lời lại mâu thuẫn với chính nó.
Đây là Radio Yerevan, một thính giả của chúng tôi đặt câu hỏi: "Có phải một người đã nhận án 10 năm tù vì tuyên bố rằng Brezhnev là một thằng ngu ?"
Câu trả lời của Radio Yerevan: Trên nguyên tắc, đúng là thế, nhưng đó là một bí mật quốc gia
Có đúng là một nửa của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô là những kẻ ngu ?
Sai, tất cả đều như thế.
Điều gì khác biệt giữa Hiến pháp của Hoa Kỳ và Liên Xô? Cả hai đều bảo đảm quyền tự do ngôn luận cơ mà.
Trên nguyên tắc, đúng là thế, chỉ có điều Hiến pháp Hoa Kỳ bảo đảm quyền tự do sau khi ngôn luận
Có phải ở Liên Xô tất cả mọi người đều bình đẳng.
Đúng vậy, nhưng có một số người bình đẳng hơn những người khác (lấy ý tưởng từ tác phẩm "Trại súc vật" của George Orwell)
Điều gì là vĩnh cửu ở Liên Xô
Những khó khăn tạm thời.
Kẻ thù của chúng ta sẽ sử dụng những phương pháp gì để lật đổ nhà nước Xã hội chủ nghĩa.
Những câu hỏi như vậy sẽ được thảo luận trong chương trình "Các lời khuyên hữu ích".
Thế nào là cấm đoán và thế nào là cho phép?
Ở nước Anh, cấm đoán là cấm đoán và cho phép là cho phép. Ở Mỹ, mọi thứ đều được phép ngoại trừ những gì bị cấm đoán. Ở Đức mọi thứ đều bị cấm đoán trừ những gì là được phép, ở Pháp mọi thứ đều được phép thậm chí cả khi bị cấm đoán. Ở Liên Xô, mọi thứ đều bị cấm đoán, thậm chí cả khi được phép.
Truyện tiếu lâm cười nào mà chỉ duy nhất có một từ ?
Cộng sản (Communism)
Còn truyện tiếu lâm nào dài nhất?
Diễn văn của Khrushchev tại đại hội đảng.
Có phải Adam và Eve là những người cộng sản đầu tiên?
Rất có thể, cả hai đều ăn mặc giản dị, họ ăn uống rất thanh đạm, họ không bao giờ có nhà riêng, và hơn hết, họ luôn tin rằng họ đang sống trên thiên đường.
Tại sao Solzhenitsyn, Brodsky, Bukovsky và những người bất đồng quan điểm khác lại bị trục xuất khỏi đất nước?
Anh không biết rằng tất cả những sản phẩm tốt nhất luôn được lựa chọn để xuất khẩu?
|
Bài viết này gồm một danh sách quốc gia trên thế giới được xếp hạng theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của họ quy đổi theo sức mua tương đương (PPP) bình quân đầu người (giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ được tạo ra bên trong một quốc gia trong một năm cho trước được chia theo dân số trung bình của cùng năm đó).
Danh sách
Tất cả các số liệu được tính bằng đô la quốc tế và được làm tròn đến số nguyên gần nhất. |
Gia tộc Kennedy là một trong những dòng tộc danh giá nhất trong chính trường và chính phủ Hoa Kỳ.
Gia tộc này bắt nguồn từ cuộc hôn nhân giữa Joseph P. và Rose Fitzgerald Kennedy. Gia tộc có ảnh hưởng nổi trội trong Đảng Dân chủ này vẫn được biết tiếng vì khuynh hướng tự do trong các vấn đề chính trị. Có lẽ nhân vật mang họ Kennedy nổi tiếng nhất là cố Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, John F. Kennedy.
Người ta vẫn thường so sánh gia tộc Kennedy với các gia tộc danh giá khác như, gia tộc Bush, gia tộc Taft, Gia tộc Adams và xem họ như là các gia tộc quyền thế nhất trong nền chính trị Hoa Kỳ. Cả ba dòng tộc này đều có gốc rễ lâu đời ở vùng New England, đông bắc nước Mỹ. Gia trang Kennedy (Kennedy Compound) toạ lạc tại Hyannis, tiểu bang Massachusetts.
Ngay từ đầu thập niên 1960 đã có một vài nhà bình luận tiên báo Tổng thống John F. Kennedy sẽ là nhà sáng lập một vương triều ngự trị tại Toà Bạch Ốc. Song lời tiên báo đã không thành hiện thực, và ý tưởng về một vương triều Kennedy đã rơi khỏi tầm chú ý của công luận sau khi Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy bị ám sát năm 1968 và Thượng nghị sĩ Edward Kennedy, năm 1969, dính líu vào một tai nạn xe hơi do điều khiển xe khi say rượu (gây ra cái chết của một phụ nữ ngồi trong xe). Tuy vậy, nhiều người trong gia tộc này vẫn tiếp tục nắm giữ những vị trí cao trong xã hội.
Gia tộc Kennedy có một lịch sử lâu dài được ghi dấu bởi những cái chết oan khiên và thảm khốc. Ba người đàn ông trong gia đình Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy đều đối diện với những cái chết bất thường; sau cái chết của người cha vì bị ám sát năm 1968, con trai của Robert, David A. Kennedy năm 1984 chết vì dùng Demerol và cocaine quá liều; đến năm 1997, Michael Kennedy, một người con trai khác của Robert, thiệt mạng trong một tai nạn trượt tuyết. Ba mươi sáu năm sau vụ ám sát gây chấn động thế giới cướp mạng sống tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ, John F. Kennedy, con trai duy nhất của ông, John F. Kennedy, Jr. cũng mất mạng trong một vụ tai nạn máy bay ở tuổi 38.
Trước đó, em gái của vị tổng thống quá cố, Kathleen, thiệt mạng trong một tai nạn máy bay, và anh trai của ông, Joe, hi sinh trong một phi vụ chiến đấu tại Âu châu trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Thế hệ thứ nhất
"Tộc trưởng" Patrick J. Kennedy (1858-1929) kết hôn với Mary Augusta Hickey. Patrick hoạt động chính trị và có quan hệ với Đảng Dân chủ tại địa phương.
Thế hệ thứ hai
Năm 1914, con trai của Patrick, Joseph P. Kennedy Sr., (1888-1969), kết hôn với Rose Fitgerald (1890-1965), con gái của Thị trưởng thành phố Boston John F. Fitgerald. Joe Sr. đảm nhiệm chức vụ Đại sứ Hoa Kỳ tại Anh quốc trong những năm trước khi xảy ra Chiến tranh thế giới thứ hai.
Thế hệ thứ ba
Rose và Joe Sr. sinh chín người con:
Joseph Patrick Kennedy Jr. (1915-1944), tử nạn khi thực hiện một phi vụ oanh tạc lúc bay qua eo biển Manche trong thế chiến thứ hai. Joseph còn độc thân và không có con dù đã có những mối quan hệ lãng mạn với Edith Bouvier Beale, chị em họ với cô em dâu tương lai của Joseph, Jacqueline Lee Bouvier, cũng như với Katharine Mortimer. (Về sau, Katharine đã bác bỏ việc có quan hệ với Joe Jr., cho rằng gia đình của Joe Jr. quá ồn ào để cô có thể suy tính việc hôn nhân với Joe).
John Fitzgerald Kennedy (1917-1963), hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ, sau đó là tổng thống, cuối cùng bị ám sát. Ông kết hôn với một phụ nữ nổi tiếng của thành phố New York, Jacqueline Lee Bouvier, có bốn con, một chết lưu thai, một chết ngay khi vừa chào đời, hai người còn lại sống đến tuổi trưởng thành.
Rosemary Kennedy (1918-2005), mắc chứng khó đọc (dyslexic) và tổn thương não khi mới sinh, sau khi chịu giải phẫu thùy não, Rosemary trở nên ngây ngô và không thể tự chăm sóc. Bà sống trong một viện điều dưỡng ở tiểu bang Wisconsin cho đến khi qua đời ngày 7 tháng 1 năm 2005.
Kathleen Agnes Kennedy (1920-1948), có biệt danh Kick, Kathleen kết hôn với một tín hữu Kháng Cách (Protestant), con trai và là người thừa kế của Công tước xứ Devonshire, mặc cho sự chống đối dữ dội của bà mẹ vì lý do bất đồng tín ngưỡng. Sau khi chồng bà, Hầu tước xứ Hartington, hi sinh trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Kathleen thiệt mạng trong một tai nạn máy bay cùng với người tình, một bá tước người Anh.
Eunice Mary Kennedy (1921-2009), được biết đến như là nhà sáng lập Special Olympics, một tổ chức được thành lập nhằm tôn vinh người chị Rosemary. Eunice kết hôn với Robert Sargent Shriver Jr., gia đình này có hai con. Năm 1972 Shriver ra tranh cử phó tổng thống.
Patricia Kennedy (1924-2006), kết hôn với diễn viên Peter Lawford, có bốn con.
Robert Francis Kennedy (1925-1968), bộ trưởng tư pháp Hoa Kỳ trong chính phủ của anh ông, về sau trở thành thượng nghị sĩ liên bang đại diện cho New York, bị ám sát khi vận động tranh cử tổng thống năm 1968. Robert lập gia đình với Ethel S. Skakel và có 11 người con.
Jean Ann Kennedy Smith (sinh năm 1928), kết hôn với Stephen Edward Smith, có hai con trai và nhận nuôi hai con gái. Về sau bà được bổ nhiệm làm đại sứ Hoa Kỳ tại Ái Nhĩ Lan.
Edward Moore Kennedy (1932-2009), còn gọi là "Teddy" hay "Ted", giữ chức thượng nghị sĩ tiểu bang Massachusetts tại Quốc hội Hoa Kỳ từ năm 1962 cho đến khi chết năm 2009. Ông kết hôn hai lần, có hai con trong cuộc hôn nhân đầu và hai con trong lần thứ hai.
Thế hệ thứ tư
Joseph Patrick Kennedy Jr., không có con.
John F. Kennedy và Jacqueline Lee Bouvier có ba con:
Caroline Bouvier Kennedy (sinh năm 1957) - luật sư, đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản, đồng sáng lập Giải thưởng Gương can đảm (Profiles in Courage Award), chủ tịch tổ chức Thư viện Kennedy, và chủ tịch Nhà hát Balê Mỹ (American Ballet Theatre).
John Fitzgerald Kennedy, Jr. (1960-1999), luật sư, nhà xuất bản tạp chí George, thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay vào ngày 16 tháng 7 năm 1999.
Patrick Bouvier Kennedy, sinh non và chết vì hội chứng khó thở hai ngày sau khi ra đời.
Rosemary Kennedy, không có con.
Kathleen Kennedy và William John Robert Cavendish, Hầu tước xứ Hartington, không có con.
Eunice Kennedy và Sargent Shriver, có năm con.
Robert Sargent Shriver III (sinh năm 1954), luật sư (attorney) và giáo sư luật tại Đại học Pace. Hiện nay là nghị viên hội đồng thành phố Santa Monica, được biết đến với những hoạt động pháp lý giúp ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nước, chủ yếu là tại New York.
Maria Owings Shriver (sinh năm 1955), người dẫn chương trình truyền hình và Phu nhân thống đốc tiểu bang California (kết hôn với diễn viên điện ảnh phim hành động Arnold Schwarzenegger, đảng viên Cộng hoà, cựu Thống đốc bang California).
Timothy Perry Shriver (sinh năm 1959), chủ tịch Ủy ban Olympic.
Mark Kennedy Shriver (sinh năm 1964), nghị sĩ viện lập pháp tiểu bang Maryland trong hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Anthony Paul Kennedy Shriver (sinh năm 1965), hoạt động tích cực nhằm giúp đỡ những người mắc bệnh trì độn.
Patricia Kennedy và Peter Lawford có bốn con:
Christopher Kennedy Lawford
Sydney Maleia Lawford
Victoria Francis Lawford
Robin Elizabeth Lawford
Robert Francis Kennedy và Ethel Skakel có 11 người con:
Kathleen Hartington Kennedy, Từng là Phó thống đốc tiểu bang Maryland. Năm 2002, thất bại khi tranh cử chức vụ thống đốc bang Maryland.
Joseph Patrick Kennedy II, từng là dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ đại diện cho tiểu bang Massachusetts.
Robert Francis Kennedy, Jr., nhà môi trường học và là một nhà bình luận chính trị.
David Anthony Kennedy
Mary Courtney Kennedy
Michael LeMoyne Kennedy
Mary Kerry Kennedy
Christopher George Kennedy
Matthew Maxwell Taylor Kennedy
Douglas Harriman Kennedy
Rory Elizabeth Katherine Kennedy
Jean Ann Kennedy và Stephen Eward Smith có bốn con:
Stephen Edward Smith, Jr.
William Kennedy
Amanda Mary Smith
Kym Maria Smith
Edward Moore Kennedy và Virginia Joan Bennet có ba con:
Kara Anne Kennedy
Edward Moore Kennedy, Jr.
Patrick Joseph Kennedy, hiện là dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ đại diện tiểu bang Rhode Island.
Đọc thêm
John F. Kennedy
Jacqueline Kennedy Onassis
John F. Kennedy, Jr.
Lời nguyền Kennedy
Gia tộc Bush |
Sao (tiếng Anh: star) hay gọi là định tinh hay hằng tinh (Chữ hán: 恆星) là một thiên thể plasma sáng, có khối lượng lớn được giữ bởi lực hấp dẫn. Sao gần Trái Đất nhất là Mặt Trời, nó là nguồn của hầu hết năng lượng trên Trái Đất. Nhiều sao khác có thể nhìn thấy được trên bầu trời đêm, khi chúng không bị lu mờ đi dưới ánh sáng của Mặt Trời. Về mặt lịch sử, hầu hết các sao sáng và nhìn thấy bằng mắt thường nằm trên thiên cầu được nhóm lại cùng nhau thành các chòm sao và các mảng sao, những sao sáng nhất đều được đặt những tên gọi riêng. Các danh mục sao mở rộng đã được các nhà thiên văn lập nên, cung cấp các cách định danh sao theo tiêu chuẩn hóa. Trong tiếng Hán, nó được gọi là hằng tinh (ngôi sao đứng yên) để phân biệt với hành tinh (ngôi sao chuyển động).
Trong phần lớn thời gian hoạt động của nó, một sao chiếu sáng được là do các phản ứng tổng hợp hạt nhân tại lõi của nó, giải phóng năng lượng truyền qua phần bên trong sao và sau đó bức xạ ra không gian bên ngoài. Hầu hết mọi nguyên tố xuất hiện trong tự nhiên nặng hơn heli đều được tạo ra nhờ các ngôi sao, hoặc thông qua quá trình tổng hợp hạt nhân sao trong suốt thời gian hoạt động của nó hoặc bởi tổng hợp hạt nhân siêu tân tinh khi ngôi sao phát nổ. Các nhà thiên văn học xác định được khối lượng, độ tuổi, thành phần hóa học và nhiều tính chất khác của ngôi sao bằng cách quan sát phổ, độ sáng và chuyển động của nó trong không gian. Khối lượng tổng cộng của ngôi sao là yếu tố chính trong quá trình tiến hóa sao và sự tàn lụi của nó. Nhiều đặc trưng khác của một sao được xác định thông qua lịch sử tiến hóa của nó, bao gồm đường kính, sự tự quay, chuyển động và nhiệt độ. Một biểu đồ liên hệ giữa nhiệt độ với độ sáng của nhiều ngôi sao, gọi là biểu đồ Hertzsprung-Russell (biểu đồ H-R), cho phép xác định được tuổi và trạng thái tiến hóa của một ngôi sao.
Một ngôi sao hình thành từ một đám mây co sụp lại của các vật chất với thành phần cơ bản là hydro, cùng với heli và một số các nguyên tố nặng hơn. Một khi nhân của sao đủ đặc, một số hạt nhân hydro ngay lập tức biến đổi thành heli thông qua quá trình tổng hợp hạt nhân. Phần còn lại của lớp bên trong ngôi sao mang năng lượng từ lõi ra ngoài thông qua quá trình kết hợp giữa bức xạ và đối lưu. Áp suất bên trong ngôi sao ngăn không cho ngôi sao tiếp tục bị co lại dưới ảnh hưởng của chính lực hấp dẫn của nó. Đến khi nhiên liệu hydro tại lõi bị cạn kiệt, các ngôi sao với khối lượng ít nhất bằng 0,4 lần khối lượng của Mặt Trời bắt đầu nở ra để trong một số trường hợp trở thành một sao khổng lồ đỏ tiếp tục đốt cháy các nguyên tố nặng hơn tại lõi sao hoặc tại các lớp vỏ bao quanh lõi. Ngôi sao sau đó bước vào giai đoạn suy biến, tái chế lại một tỷ lệ vật chất vào môi trường không gian liên sao, nơi đây sẽ hình thành lên một thế hệ sao mới với một tỷ lệ cao các nguyên tố nặng.
Hệ sao đôi và nhiều sao chứa hai hoặc nhiều ngôi sao có liên kết về lực hấp dẫn với nhau, và nói chung chúng di chuyển quanh nhau theo những quỹ đạo ổn định. Khi hai ngôi sao có quỹ đạo tương đối gần nhau, tương tác hấp dẫn giữa chúng có thể có một ảnh hưởng quan trọng lên quá trình tiến hóa của các ngôi sao. Các sao có thể tập hợp lại thành một cấu trúc liên kết hấp dẫn lớn hơn, như một quần tinh hay một thiên hà.
Lịch sử quan sát
Thời kỳ Cổ đại
Về mặt lịch sử, các ngôi sao đã trở thành quan trọng đối với các nền văn minh trên toàn thế giới. Chúng trở thành một phần của tín ngưỡng tôn giáo và đóng vai trò quan trọng trong việc định vị và định hướng. Nhiều nhà thiên văn cổ đại tin rằng các sao nằm cố định trên một thiên cầu, và chúng bất biến. Để thuận tiện, các nhà thiên văn đã nhóm các ngôi sao lại thành các chòm sao và sử dụng chúng để theo dõi chuyển động của các hành tinh và suy đoán vị trí của Mặt Trời. Chuyển động của Mặt Trời so với các ngôi sao (và đường chân trời) đã được sử dụng để làm ra dương lịch, và được dùng để áp dụng điều tiết trong nông nghiệp. Lịch Gregory hiện tại là lịch được sử dụng nhiều nơi trên thế giới, là dương lịch dựa trên góc của trục quay Trái Đất liên hệ tương đối với Mặt Trời.
Bản đồ sao chính xác cổ nhất cho đến ngày nay xuất hiện từ thời Ai Cập cổ đại năm 1534 trước Công nguyên. Danh lục sao được biết đến sớm nhất đã được biên soạn bởi các nhà thiên văn học Babylon ở Lưỡng Hà vào cuối thiên niên kỷ hai trước Công nguyên, trong thời đại Kassite (khoảng 1531-1155 TCN). Danh lục sao đầu tiên của thiên văn học Hy Lạp đã được lập ra bởi Aristillus vào xấp xỉ năm 300 TCN, với sự giúp đỡ của Timocharis. Danh lục sao của Hipparchus (thế kỷ hai trước Công nguyên) bao gồm 1.020 ngôi sao và đã được Ptolemy đưa vào trong danh lục của ông. Hipparchus là người đầu tiên phát hiện ra một sao mới nova được ghi lại trong lịch sử. Rất nhiều tên gọi các chòm sao và ngôi sao sử dụng ngày nay được bắt nguồn từ thiên văn của người Hy Lạp.
Thời kỳ Trung cổ
Mặc dù xuất hiện như thể bất biến trên bầu trời, các nhà thiên văn Trung Hoa cổ đại đã khẳng định là những ngôi sao mới có thể xuất hiện. Năm 185, lần đầu tiên họ đã quan sát và ghi lại một vụ nổ siêu tân tinh, bây giờ gọi là SN 185. Sự kiện ngôi sao bừng sáng nhất từng được ghi lại trong lịch sử là vụ nổ siêu tân tinh SN 1006, đã được quan sát vào năm 1006 và được ghi chép bởi nhà thiên văn Ai Cập Ali ibn Ridwan và một vài nhà thiên văn Trung Hoa khác. Siêu tân tinh SN 1054 (Thiên Quan khách tinh), tạo ra tinh vân Con Cua, cũng đã được quan sát bởi các nhà thiên văn Trung Hoa và Hồi giáo.
Các nhà thiên văn Hồi giáo thời Trung cổ đã đặt tên gọi Ả rập cho rất nhiều ngôi sao mà vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay, họ cũng đã phát minh ra nhiều loại dụng cụ thiên văn học dùng để tính toán vị trí của các ngôi sao. Họ đã xây dựng các viện nghiên cứu quan sát lớn đầu tiên, với mục đích chính là để lập các danh lục sao Zij. Một trong số chúng, cuốn Sách của những ngôi sao cố định (năm 964) do nhà thiên văn học Ba Tư Abd al-Rahman al-Sufi viết, ông là người đã quan sát rất nhiều ngôi sao, quần tinh (bao gồm Omicron Velorum và quần tinh Brocchi) và các thiên hà (gồm thiên hà Andromeda). Vào thế kỷ thứ XI, nhà bác học người Ba Tư Abu Rayhan Biruni đã miêu tả Ngân Hà như là tập hợp vô số các mảnh với tính chất của các sao mờ, và tính ra vĩ độ của nhiều sao trong quá trình nguyệt thực năm 1019.
Nhà thiên văn Ibn Bajjah người ở Al-Andalus đề xuất là Ngân Hà là tập hợp của nhiều sao mà gần như chạm vào nhau và hiện lên là một hình ảnh liên tục do hiệu ứng của khúc xạ từ các vật liệu trong không khí, với trích dẫn quan sát của ông về sự giao hội của Sao Mộc và Sao Hỏa năm 500 AH (tức 1106/1107 AD) như là một chứng cứ.
Các nhà thiên văn học Châu Âu thời Trung Cổ như Tycho Brahe đã nhận ra các sao mới trong bầu trời đêm (sau đó gọi là novae), gợi ra rằng bầu trời (thiên đường) không hề bất biến như trước đây. Vào năm 1584, Giordano Bruno đề xuất rằng các ngôi sao thực sự là những mặt trời khác, và có thể có các hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời, thậm chí giống với Trái Đất, quay quanh chúng, một ý tưởng đã từng được đề cập đến bởi các nhà triết học Hy Lạp Democritus và Epicurus, và bởi các nhà vũ trụ học Hồi giáo Trung cổ như Fakhr al-Din al-Razi. Các thế kỷ tiếp sau, ý tưởng về các ngôi sao như các mặt trời ở xa đã nhận được sự nhất trí giữa các nhà thiên văn. Để giải thích tại sao các ngôi sao không tác động hấp dẫn đáng kể lên hệ Mặt Trời, Isaac Newton cho rằng các ngôi sao được phân bố đều theo mọi hướng, dựa trên một ý tưởng do nhà thần học Richard Bentley đưa ra.
Thiên văn sao từ thế kỷ thứ XVII đến nay
Nhà thiên văn người Ý Geminiano Montanari đã ghi lại các quan sát về sự thay đổi độ sáng của sao Algol năm 1667. Edmond Halley đã công bố những đo đạc đầu tiên về chuyển động riêng của cặp các sao "cố định" gần, cho thấy chúng đã thay đổi vị trí theo thời gian từ thời của các nhà thiên văn Hy Lạp Ptolemy và Hipparchus. Đo đạc trực tiếp đầu tiên về khoảng cách đến một ngôi sao (61 Cygni với khoảng cách 11,4 năm ánh sáng) đã được thực hiện bởi Friedrich Bessel năm 1838 sử dụng kĩ thuật thị sai. Các đo đạc thị sai cho thấy sự tách biệt lớn giữa các sao trên bầu trời.
William Herschel là nhà thiên văn học đầu tiên đã cố gắng xác định sự phân bố các ngôi sao trên bầu trời. Trong thập niên 1780, ông đã thực hiện hàng loạt các đo đạc với 600 hướng khác nhau, và đếm số sao quan sát được dọc theo hướng nhìn mỗi lần. Từ đây ông rút ra kết luận là số lượng các sao tăng ổn định về một hướng trên bầu trời, theo hướng về lõi Ngân Hà. Con trai ông John Herschel đã lặp lại nghiên cứu này ở bán cầu nam và tìm thấy điều tương tự về số lượng sao tăng ổn định theo cùng một hướng. Thêm vào các thành tựu khác của ông, William Herschel cũng chú ý tới khám phá của ông là một số ngôi sao không chỉ nằm dọc theo cùng một phương nhìn, nhưng cũng là các sao đồng hành tạo nên những hệ sao đôi.
Khoa học về quang phổ sao đã được đi tiên phong bởi Joseph von Fraunhofer và Angelo Secchi. Bằng cách so sánh phổ của các sao như sao Sirius với Mặt Trời, họ tìm ra những sự khác nhau trong cường độ và số các vạch hấp thụ—các đường tối màu trong phổ của sao là do sự hấp thụ của bầu khí quyển Trái Đất đối với những tần số xác định. Năm 1865 Secchi bắt đầu phân loại sao dựa theo kiểu phổ của chúng. Tuy nhiên, hình thức phân loại sao hiện đại mới được Annie Jump Cannon phát triển trong thập niên 1900.
Việc quan sát các sao đôi bắt đầu tăng lên một cách quan trọng trong thế kỷ XIX. Năm 1834, Friedrich Bessel đã quan sát sự thay đổi trong chuyển động riêng của sao Sirius, và ông suy luận ra sự tồn tại của một sao đồng hành bị che giấu. Edward Pickering đã lần đầu tiên phát hiện ra quang phổ của hệ sao đôi năm 1899 khi ông quan sát thấy sự tách có tính chu kỳ của các vạch phổ của sao Mizar theo chu kỳ 104 ngày. Các quan sát chi tiết của nhiều hệ thống sao đôi đã được thu thập lại bởi các nhà thiên văn William Struve và S. W. Burnham, cho phép xác định được khối lượng của sao từ tính toán về các tham số quỹ đạo. Và lời giải cho bài toán xác định quỹ đạo của các sao đôi từ các quan sát qua kính thiên văn được Felix Savary tìm ra năm 1827.
Thế kỷ thứ XX đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của khoa học nghiên cứu sao. Kĩ thuật chụp ảnh đã trở thành một công cụ có giá trị cho thiên văn học. Karl Schwarzschild đã khám phá ra màu của một sao, và từ đó là nhiệt độ của sao, chúng có thể được xác định bằng cách so sánh giữa độ sáng nhìn thấy và độ sáng của ảnh chụp. Sự phát triển của quang kế quang điện đã cho phép đo đạc rất chính xác về độ lớn tại rất nhiều khoảng bước sóng khác nhau. Năm 1921 Albert A. Michelson lần đầu tiên đo đường kính sao nhờ một giao thoa kế trên kính thiên văn Hooker.
Sự nghiên cứu quan trọng về cơ sở vật lý của ngôi sao đã xuất hiện trong những thập kỷ đầu của thế kỷ hai mươi. Năm 1913, biểu đồ Hertzsprung-Russell được phát triển, thúc đẩy ngành thiên văn vật lý nghiên cứu sao. Nhiều mô hình thành công được xây dựng để giải thích cấu trúc bên trong của sao và sự tiến hóa của chúng. Phổ của các sao cũng đã được giải thích thành công nhờ sự phát triển của vật lý lượng tử. Điều này cũng cho phép xác định được thành phần hóa học của khí quyển một ngôi sao.
Ngoại trừ các siêu tân tinh, các ngôi sao đã được quan sát một cách cơ bản, trước tiên trong các thiên hà Nhóm Địa Phương của chúng ta, và đặc biệt là phần nhìn thấy được của Ngân Hà (như được mô tả chi tiết trong các danh lục sao trong thiên hà của chúng ta). Nhưng cũng có một số sao được quan sát trong thiên hà M100 của Đám Virgo, cách Trái Đất 100 triệu năm ánh sáng. Trong Siêu đám Địa Phương chúng ta có thể nhìn thấy các quần tụ sao, và các kính thiên văn hiện tại có thể quan sát các ngôi sao đơn lẻ mờ nhạt trong Đám Địa Phương— phân giải được những ngôi sao xa đến hàng trăm triệu năm ánh sáng (Xem Cepheid). Tuy nhiên, bên ngoài các thiên hà của Siêu đám Địa Phương, chưa có một ngôi sao đơn lẻ hay một quần tinh được quan sát. Chỉ ngoại trừ hình ảnh của một quần tinh lớn chứa hàng trăm nghìn ngôi sao nằm cách chúng ta 1 tỷ năm ánh sáng—gấp 10 lần khoảng cách đến những quần tinh xa nhất từng được quan sát.
Định danh
Khái niệm chòm sao đã được biết từ thời kỳ Babylon. Những người cổ đại quan sát bầu trời tưởng tượng ra sự sắp xếp các vì sao nổi bật thành những hình ảnh, và họ gắn những hình ảnh này với những biểu tượng của thiên nhiên hay thánh thần. Có mười hai mẫu hình ảnh này nằm dọc theo dải của mặt phẳng hoàng đạo và chúng trở thành mười hai cung trong chiêm tinh học. Nhiều ngôi sao sáng điển hình cũng được đặt tên, đặc biệt là đặt theo ngôn ngữ Ả rập hoặc La tinh.
Giống như mỗi chòm sao hay Mặt Trời, các vì sao cũng có tên mang tính thần thoại dành cho chúng. Đối với người Hy Lạp cổ đại, một vài "vì sao" lại là những hành tinh (tiếng Hy Lạp πλανήτης (planētēs), có nghĩa là "kẻ lang thang"), đại diện cho nhiều vị thần tối cao, với tên gọi của các hành tinh Sao Thủy, Sao Kim, Sao Hỏa, Sao Mộc và Sao Thổ. (Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương được đặt tên của các vị thần của Hy Lạp và La Mã
cổ đại, nhưng do hai hành tinh này không được biết từ thời cổ đại do chúng quá mờ, nên tên của chúng đã được đặt bởi các nhà thiên văn sau này).
Vào khoảng những năm 1600, tên của các chòm sao được sử dụng để đặt tên cho các ngôi sao tương ứng nằm trong chòm sao đó. Nhà thiên văn học người Đức Johann Bayer lập ra một loạt các bản đồ sao và áp dụng các chữ Hy Lạp trong việc định danh các sao theo chòm sao của chúng. Sau đó tên gọi theo hệ thống số dựa trên xích kinh của ngôi sao đã được phát minh ra và thêm vào danh lục sao của John Flamsteed trong cuốn sách của ông "Historia coelestis Britannica" (ấn bản 1712), từ đó hệ thống số này được gọi là Định danh Flamsteed hay số Flamsteed.
Theo luật không gian, chỉ có duy nhất một tổ chức quốc tế được công nhận là có quyền đặt tên cho các thiên thể đó là Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU). Một số công ty tư nhân sử dụng tên gọi các vì sao mà Thư viện vương quốc Anh gọi là những công ty thương mại không hợp. Tuy nhiên, IAU không hợp tác với các công ty trong lĩnh vực thương mại để công nhận tên gọi hay sử dụng những tên gọi này cho các mục đích thương mại.
Trong tiếng Việt, một số hành tinh cũng được đặt tên với chữ "Sao" ở đầu, như Sao Thủy, Sao Kim, Sao Hoả,... Không giống với các sao, các hành tinh là các thiên thể có khối lượng nhỏ hơn một phần nghìn lần khối lượng các sao, chứa vật chất chủ yếu ở dạng rắn, lỏng, khí, bay quanh các sao dưới tác dụng hấp dẫn bởi các sao. Tuy nhiên việc dùng các chữ "Sao" viết hoa là chỉ tên riêng, với ý nghĩa là vật thể trên trời, không dùng như danh từ chung với ý nghĩa phân loại.
Các đơn vị đo
Hầu hết các tham số của một sao được biểu diễn theo các đơn vị SI để cho thuận tiện, ngoài ra các đơn vị CGI cũng được sử dụng (ví dụ biểu diễn độ sáng theo erg trên giây). Khối lượng, độ sáng và bán kính thường được cho theo đơn vị của Mặt Trời, dựa trên đặc trưng của Mặt Trời:
{|
|Khối lượng Mặt Trời:
| kg
|-
|Độ sáng Mặt Trời:
| watt
|-
|Bán kính Mặt Trời:
| m
|}
Đối với những độ dài lớn, như bán kính của sao khổng lồ hoặc bán trục lớn của hệ sao đôi, thường được biểu diễn theo đơn vị thiên văn (AU)—xấp xỉ khoảng cách trung bình giữa Trái Đất và Mặt Trời (150 triệu km hay 93 triệu dặm).
Sự hình thành và tiến hóa
Các vì sao được hình thành trong những vùng mở rộng với mật độ cao hơn trong môi trường liên sao, mặc dù thế mật độ vẫn thấp hơn bên trong một buồng chân không ở trên Trái Đất. Những vùng này được gọi là các đám mây phân tử, chúng chứa chủ yếu hydro và khoảng 23 – 28% heli cùng một ít phần trăm các nguyên tố nặng hơn. Một ví dụ của vùng đang hình thành sao là Tinh vân Lạp Hộ.
Một sao khối lượng lớn thường hình thành trong các đám mây phân tử, chúng là nguồn chiếu sáng những vùng này. Chúng cũng làm ion hóa hydro, tạo ra những vùng H II.
Sự hình thành tiền sao
Sự hình thành một ngôi sao bắt đầu với sự bất ổn định hấp dẫn bên trong một đám mây phân tử, thường là từ sự kích hoạt của sóng xung kích từ các vụ nổ siêu tân tinh (những vụ nổ của sao khối lượng lớn) hoặc do va chạm giữa hai thiên hà (trong thiên hà bùng nổ sao). Khi một vùng đạt tới mật độ vật chất thỏa mãn giới hạn cho sự bất ổn định Jeans, nó bắt đầu co lại dưới lực hấp dẫn của chính nó.
Khi đám mây co lại, những tập hợp đơn lẻ của khí và bụi đậm đặc tạo nên cái mà chúng ta gọi là khối cầu Bok. Khối cầu tiếp tục suy sụp (co lại), mật độ tăng lên, năng lượng hấp dẫn chuyển thành nhiệt năng và làm cho nhiệt độ tăng lên. Khi đám mây tiền sao đã đạt tới xấp xỉ điều kiện ổn định của cân bằng thủy tĩnh, một tiền sao hình thành tại lõi của đám mây. Những sao tiền dải chính này thường bị bao bọc xung quanh bởi một đĩa tiền hành tinh. Chu kỳ co sụp hấp dẫn này diễn ra trong khoảng 10 đến 15 triệu năm.
Những sao sơ sinh với khối lượng nhỏ hơn 2 lần khối lượng Mặt Trời được gọi là các saoT Tauri, trong khi các sao có khối lượng lớn hơn gọi là sao Herbig Ae/Be. Những sao mới sinh ra phát ra các tia khí dọc theo trục tự quay của nó, làm giảm mô men góc của sao đang suy sụp và tạo ra những phần mờ đục trong vùng đám mây gọi là các thiên thể Herbig-Haro. Những tia này, kết hợp cùng với bức xạ từ các sao khối lượng lớn ở gần, có thể giúp thổi bay đám mây bao quanh ngôi sao đã hình thành.
Dải chính
Khoảng 90% thời gian sống của một sao là để đốt cháy hydro tạo ra heli trong những phản ứng nhiệt độ cao và áp suất cao tại lõi của sao. Những ngôi sao như vậy được xếp vào dải chính và gọi là các sao lùn. Bắt đầu tại độ tuổi 0 (zero-age) của dải chính, tỷ lệ heli trong lõi của sao sẽ tăng lên. Hệ quả là để duy trì tốc độ đòi hỏi của phản ứng nhiệt hạt nhân tại lõi, ngôi sao sẽ từ từ tăng dần nhiệt độ và độ sáng của nó–ví dụ Mặt Trời, ước tính nó đã tăng độ sáng lên khoảng 40% từ khi nó đạt đến dải chính cách đây 4,6 tỷ năm trước.
Mỗi sao phát ra gió sao chứa các hạt gây nên các dòng khí liên tục thổi vào không gian. Đối với hầu hết các sao, khối lượng bị mất đi do gió sao là không đáng kể. Mặt Trời mất khoảng 10−14 khối lượng Mặt Trời hàng năm, hay khoảng 0,01% tổng khối lượng của nó trong toàn bộ thời gian sống của nó. Tuy thế, những sao khối lượng lớn có thể mất từ 10−7 đến 10−5 khối lượng Mặt Trời mỗi năm, làm ảnh hưởng quan trọng tới sự tiến hóa của những sao này. Những sao mà khối lượng ban đầu lớn hơn 50 lần khối lượng Mặt Trời có thể mất trên một nửa tổng khối lượng trong khi nó vẫn đang ở trạng thái trên dải chính.
Khoảng thời gian một sao ở trong giai đoạn của dải chính phụ thuộc chủ yếu vào lượng nhiên liệu nó đã sử dụng và tốc độ đốt cháy nhiên liệu đó, và khối lượng và độ sáng ban đầu của ngôi sao. Đối với Mặt Trời, người ta ước tính là vào khoảng 1010 năm. Các ngôi sao lớn tiêu dùng nhiên liệu của chúng rất nhanh và có thời gian sống ngắn. Trái lại, các sao nhỏ (gọi là sao lùn đỏ) tiêu dùng năng lượng rất chậm và thời gian sống của chúng từ hàng chục tỷ đến hàng trăm tỷ năm. Đến cuối đời, chúng chỉ đơn giản mờ hơn đi mà thôi. Tuy nhiên, do thời gian sống của các sao như vậy vượt quá độ tuổi hiện tại của vũ trụ (13,7 tỷ năm), cho nên chưa thể có một sao lùn đỏ nào đạt đến trạng thái như thế.
Bên cạnh khối lượng, tỉ lệ các nguyên tố nặng hơn heli có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa sao. Trong thiên văn học mọi nguyên tố nặng hơn heli được xem là "kim loại", và nồng độ hóa học các nguyên tố này được gọi là tỉ lệ kim loại (metallicity). Tỉ lệ kim loại có thể ảnh hưởng đến thời gian ngôi sao đốt cháy nhiên liệu, điều khiển sự hình thành của từ trường và làm thay đổi cường độ của gió sao. Các sao già, hay những sao lớp II (population II) có tỉ lệ kim loại (metallicity) ít hơn rõ rệt so với các sao trẻ, sao lớp I (population I), do chúng hình thành từ các đám mây phân tử. (Theo thời gian những đám mây này được làm giàu lên bởi các nguyên tố nặng hơn khi những ngôi sao già chết đi và để lại tỉ lệ kim loại trong khí quyển của chúng.
Sau dải chính
Khi một sao với khối lượng ít nhất 0,4 lần khối lượng Mặt Trời cạn kiệt nhiên liệu hydro tại lõi của nó, lớp ngoài cùng của nó mở rộng ra rất lớn và lạnh đi, khiến sao đó trở thành một sao khổng lồ đỏ. Ví dụ, trong khoảng 5 tỉ năm nữa, Mặt Trời của chúng ta sẽ trở thành một sao khổng lồ đỏ, nó sẽ nở rộng với bán kính cực đại vào khoảng 1AU, hay 250 lần bán kính hiện tại. Khi trở thành sao khổng lồ, Mặt Trời sẽ mất khoảng 30% khối lượng hiện tại.
Trong một sao khổng lồ đỏ với khối lượng lớn hơn 2,25 lần khối lượng Mặt Trời, sự đốt cháy hydro diễn ra tại một lớp bao quanh lõi. Thậm chí lõi bị nén lại đủ mạnh để có thể đốt cháy được heli, và bán kính ngôi sao bây giờ nhanh chóng co lại và nhiệt độ bề mặt ngôi sao tăng lên. Đối với những ngôi sao lớn hơn, vùng lõi của chúng chuyển dịch trực tiếp từ phản ứng đốt cháy hydro sang phản ứng đốt cháy heli.
Sau khi ngôi sao đã sử dụng hết nhiên liệu heli ở lõi, phản ứng nhiệt hạt nhân tiếp tục diễn ra trong lớp vỏ bao quanh một lõi nóng chứa cacbon và oxy. Ngôi sao từ đó đi theo con đường tiến hóa song song với pha ban đầu của sao khổng lồ đỏ, nhưng với nhiệt độ bề mặt cao hơn.
Sao khối lượng lớn
Trong giai đoạn (pha) đốt cháy heli của chúng, những ngôi sao với khối lượng lớn hơn 9 lần khối lượng Mặt Trời nở rộng thành các sao siêu khổng lồ đỏ. Khi nhiên liệu trong chúng bị cạn kiệt tại lõi, chúng có thể tiếp tục thực hiện các phản ứng nhiệt hạt nhân để đốt cháy các nguyên tố nặng hơn heli.
Lõi co lại cho đến khi nhiệt độ và áp suất đạt đến đủ để thực hiện phản ứng đốt cháy cacbon (xem quá trình đốt cháy cacbon). Quá trình này tiếp tục với các giai đoạn tiếp theo là đốt cháy neon (xem quá trình đốt cháy neon), oxy (xem quá trình đốt cháy oxy), và silic (xem quá trình đốt cháy silic). Gần cuối đời của sao, phản ứng tổng hợp có thể diễn ra trong các lớp (giống như lớp củ hành) bên trong ngôi sao. Mỗi lớp tổng hợp các nguyên tố khác nhau, với lớp ngoài cùng tổng hợp hydro; lớp tiếp theo tổng hợp heli, và tiếp tục như vậy.
Giai đoạn cuối cùng của chuỗi phản ứng tổng hợp các nguyên tố của ngôi sao khi nó bắt đầu thực hiện phản ứng tổng hợp để tạo ra sắt. Do các hạt nhân sắt có năng lượng liên kết lớn hơn bất kì của một hạt nhân nặng nào khác, và nếu chúng được tổng hợp chúng sẽ không giải phóng năng lượng ra nữa – quá trình sẽ thu năng lượng từ bên ngoài. Như vậy, do chúng liên kết chặt hơn mọi hạt nhân nhẹ, nên năng lượng không thể giải phóng bằng phản ứng phân hạch hạt nhân. Đối với những ngôi sao khối lượng rất lớn và tương đối già, tại tâm của ngôi sao sẽ tích tụ một lõi sắt lớn. Các nguyên tố nặng hơn trong những sao này có thể được tạo ra tại bề mặt, khiến chúng tiến hóa thành các sao Wolf-Rayet với gió sao đậm đặc thổi ra lớp khí quyển bên ngoài.
Suy sụp
Một sao kích thước trung bình khi tiến hóa sẽ thổi bay các lớp bên ngoài của nó để tạo thành tinh vân hành tinh. Nếu tàn dư của sao sau khi lớp khí quyển ngoài cùng bị thổi bay đi có khối lượng nhỏ hơn 1,4 lần khối lượng Mặt Trời, nó co lại thành một thiên thể tương đối nhỏ (có kích cỡ bằng khoảng Trái Đất) và không đủ nặng để tiếp tục nén sâu hơn, thiên thể này gọi là sao lùn trắng. Vật chất thoái hóa electron sâu bên trong sao lùn trắng không còn là plasma nữa, mặc dù ngôi sao lúc này thường được coi là quả cầu plasma. Các sao lùn trắng sẽ đi đến suy tàn trở thành các sao lùn đen trong một thời gian rất dài.
Trong những ngôi sao lớn hơn, phản ứng tổng hợp tiếp tục diễn ra cho đến khi lõi sắt trở lên lớn hơn (khối lượng lớn hơn 1,4 khối lượng Mặt Trời) và không thể tự chống đỡ được chính khối lượng của nó. Lúc này lõi sẽ ngay lập tức suy sụp khi các electron kết hợp với proton để tạo thành vụ bùng nổ với các neutron cùng các hạt neutrino (hay là phản ứng phân rã beta ngược hoặc sự bắt electron). Sóng xung kích tạo bởi sự suy sụp bất thình lình này làm cho phần còn lại của ngôi sao (những lớp bên ngoài lõi sắt) nổ tung thành một sự kiện siêu tân tinh. Một siêu tân tinh rất sáng mà chỉ trong một thời gian ngắn nó có thể sáng hơn toàn bộ các ngôi sao trong cùng thiên hà đó. Khi chúng xuất hiện trong Ngân Hà, trong lịch sử siêu tân tinh đã từng được quan sát bằng mắt thường với tên gọi "sao mới" (người Trung Hoa gọi là sao khách) nơi chúng trước đây chưa từng tồn tại.
Phần lớn vật chất trong một ngôi sao bị thổi bay đi trong vụ nổ siêu tân tinh (hình thành lên tinh vân như tinh vân Con Cua) và tàn dư còn lại của lõi là một sao neutron (mà đôi khi được coi là sao xung hoặc bùng nổ tia X hoặc, trong một số trường hợp của những sao khối lượng cực lớn (lớn đủ để lại một tàn dư với khối lượng lớn hơn 4 lần khối lượng Mặt Trời), là một lỗ đen. Trong một sao neutron, trạng thái vật chất được gọi là vật chất thoái hóa neutron, và nhiều người tin tưởng rằng có thể tồn tại thêm một dạng vật chất thoái hóa ngoại lai nữa, gọi là vật chất QCD, có khả năng có mặt tại lõi. Hiện nay vật chất tồn tại bên trong lỗ đen vẫn chưa được hiểu đến.
Những lớp bên ngoài bị thổi bay đi của ngôi sao đang suy tàn có chứa các nguyên tố nặng mà có thể được tham gia vào quá trình hình thành những ngôi sao mới. Những nguyên tố nặng này cho phép hình thành lên các hành tinh đá. Vật chất bị thổi bay đi của siêu tân tinh và gió sao của những ngôi sao lớn đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành lên môi trường liên sao.
Phân bố
Cùng với các ngôi sao đơn lẻ, các hệ nhiều sao có thể chứa hai hoặc nhiều sao có liên kết hấp dẫn với nhau và chúng quay quanh nhau. Những hệ nhiều ngôi sao thường gặp đó là hệ sao đôi, ngoài ra những hệ có nhiều ngôi sao hơn cũng đã được tìm thấy. Vì lý do ổn định của quỹ đạo, những hệ nhiều sao thường được tổ chức thành tập hợp các sao đôi quanh quay lẫn nhau. Những nhóm lớn hơn gọi là quần tinh cũng tổn tại. Chúng tập hợp từ một vài sao (trong stellar associations), đến hàng trăm nghìn ngôi sao trong các quần tinh cầu khổng lồ.
Từ lâu người ta đã giả sử rằng các ngôi lớn xuất hiện trong các hệ nhiều ngôi sao. Điều này đặc biệt đúng cho các lớp sao loại nặng O và B, nơi 80% chúng hình thành trong những hệ nhiều sao. Tuy nhiên tỉ lệ lại giảm cho những hệ nhiều sao nhỏ, chỉ có khoảng 25% sao lùn đỏ được biết là có sao đồng hành cùng. Với khoảng 85% ngôi sao trong thiên hà của chúng ta là sao lùn đỏ, hầu hết các ngôi sao trong Ngân Hà được sinh ra một cách đơn lẻ.
Các sao không trải đều ra trong vũ trụ, nhưng chúng thường được nhóm lại thành các thiên hà cùng với các khí và bụi liên sao. Một thiên hà điển hình chứa hàng trăm tỷ ngôi sao, và có hơn 100 tỷ (1011) thiên hà trong vũ trụ quan sát được. Nhiều nhà thiên văn học tin rằng các sao chỉ tồn tại trong các thiên hà, thì các ngôi sao ở môi trường liên thiên hà cũng đã được phát hiện. Các nhà thiên văn cũng ước tính có ít nhất 7×1022 ngôi sao trong vũ trụ quan sát thấy.
Ngôi sao gần nhất với Trái Đất, ngoài Mặt Trời, đó là Cận Tinh (Proxima Centauri), cách xa 39,9 nghìn tỉ km, hay 4,2 năm ánh sáng. Ánh sáng từ Proxima Centauri mất 4,2 năm mới tới được Trái Đất. Khi du hành với vận tốc của tàu con thoi (5 dặm trên một giây—khoảng 30.000 km trên một giờ), chúng ta phải mất tới 150.000 năm để đến được đó. Khoảng cách đến Cận Tinh là điển hình bên trong một đĩa thiên hà, bao gồm cả vùng của Hệ Mặt Trời. Các sao có thể gần nhau hơn khi chúng phân bố tại tâm của các thiên hà và trong các quần tinh cầu, hoặc chúng phân bố cách xa nhau hơn trong các hào quang thiên hà.
Do khoảng cách tương đối lớn giữa các ngôi sao bên ngoài nhân thiên hà, nên sự va chạm giữa các ngôi sao diễn ra rất hiếm. Những vùng đậm đặc hơn như nhân của các cụm sao cầu hay của thiên hà, sự va chạm có thể diễn ra nhiều hơn. Những va chạm này có thể tạo ra những ngôi sao xanh lang thang. Các sao không bình thường này có nhiệt độ bề mặt cao hơn những ngôi sao trong dải chính với cùng độ trưng trong cụm sao.
Các đặc tính
Hầu hết mọi thứ về một sao được xác định bằng khối lượng ban đầu của nó, bao gồm các đặc trưng cơ bản như độ trưng và kích thước, cũng như sự tiến hóa của sao, thời gian sống và sự kết thúc của nó.
Độ tuổi
Hầu hết ngôi sao có độ tuổi từ 1 tỷ năm đến 10 tỷ năm. Một số sao thậm chí có độ tuổi gần với 13,7 tỷ năm – bằng độ tuổi của vũ trụ quan sát thấy. Ngôi sao có độ tuổi già nhất đã từng được khám phá, HE 1523-0901, ước tính có tuổi 13,3 tỷ năm.
Sao có khối lượng càng lớn, thì có thời gian sống càng ngắn, bởi vì về cơ bản các sao càng nặng thì áp suất càng lớn hơn tại lõi của chúng, làm cho chúng tổng hợp hydro một cách nhanh hơn. Những sao nặng nhất tồn tại với khoảng thời gian trung bình 1 triệu năm, trong khi các sao nhỏ nhất (sao lùn đỏ) đốt cháy nhiên liệu của chúng rất chậm và kết thúc sau hàng chục đến hàng trăm tỷ năm.
Thành phần hóa học
Khi các ngôi sao hình thành trong thiên hà, chúng có thành phần vào khoảng 70% hydro và 28% heli, được đo theo khối lượng, với một tỉ lệ nhỏ các nguyên tố nặng hơn. Tỉ lệ điển hình các nguyên tố nặng được đo theo số hạng thành phần sắt trong khí quyển của sao, do sắt là một nguyên tố phổ biến và các vạch hấp thụ của nó là tương đối dễ đo. Bởi vì các đám mây phân tử nơi các sao hình thành luôn được làm giàu bởi các nguyên tố nặng hơn từ các vụ nổ siêu tân tinh, nên việc xác định các thành phần hoá học của một ngôi sao có thể được sử dụng để suy ra độ tuổi của nó. Tỉ lệ các nguyên tố nặng hơn cũng là một dấu hiệu ngôi sao có khả năng có một hệ hành tinh quay xung quanh.
Ngôi sao có thành phần sắt thấp nhất từng đo được đó là sao lùn HE1327-2326, chỉ bằng 1/200.000 thành phần sắt của Mặt Trời. Ngược lại, sao siêu giàu tỉ lệ sắt μ Leonis với sự có mặt của sắt bằng hai lần của Mặt Trời, và sao có hành tinh quay quanh 14 Herculis có tỉ lệ sắt gần bằng ba lần. Cũng tồn tại những sao dị thường về mặt hoá học cho thấy sự có mặt không bình thường của các nguyên tố xuất hiện trong phổ của chúng; đặc biệt là crom và các nguyên tố đất hiếm.
Đường kính
Bởi vì các ngôi sao cách xa Trái Đất, ngoại trừ Mặt Trời ra, chúng đều hiện lên giống như những chấm sáng lấp lánh trên bầu trời đêm do hiệu ứng của bầu khí quyển Trái Đất. Mặt Trời là một ngôi sao gần nhất với Trái Đất vì vậy nó hiện lên như đĩa tròn cung cấp ánh sáng ban ngày cho hành tinh của chúng ta. Ngoài Mặt Trời, ngôi sao có kích thước biểu kiến lớn nhất là sao R Doradus, với đường kính góc chỉ là 0,057 cung giây.
Kích cỡ của hầu hết các ngôi sao theo đường kính góc là quá nhỏ để có thể quan sát với các kính thiên văn quang học hiện tại, vì vậy việc sử dụng các kính thiên văn giao thoa kế là cần thiết để tạo ra ảnh của những thiên thể này. Một kĩ thuật khác để đo kích thước góc của sao là nhờ sự che khuất. Bằng cách đo chính xác sự giảm độ sáng của sao khi nó bị Mặt Trăng che khuất (hoặc sự tăng độ sáng khi nó tái xuất hiện lại), đường kính góc của sao có thể tính toán ra được.
Các sao có kích thước từ 20 đến 40 km theo đường kính (sao neutron), đến sao khổng lồ như Betelgeuse trong chòm sao Lạp Hộ, với đường kính xấp xỉ lớn hơn 650 lần của Mặt Trời; hay 0,9 tỉ km.
Động học
Chuyển động của một sao tương đối đối với Mặt Trời có thể cung cấp thông tin hữu ích về nguồn gốc và độ tuổi của nó, cũng như về cấu trúc và sự tiến hoá xung quanh thiên hà. Các thành phần chuyển động của một ngôi sao bao gồm vận tốc xuyên tâm hướng vào hoặc ra xa Mặt Trời, và chuyển động góc ngang qua (gọi là chuyển động riêng.
Vận tốc xuyên tâm được đo bằng dịch chuyển Doppler của các vạch phổ của ngôi sao, tính theo đơn vị km/s. Chuyển động riêng của sao được xác định bằng các phép đo chính xác của trắc lượng học (astrometry), tính theo đơn vị mili-giây cung (mas) trên một năm. Bằng cách xác định thị sai của ngôi sao, chuyển động riêng của nó có thể đổi về đơn vị của vận tốc. Các sao có chuyển động riêng với tốc độ cao thì khá gần so với Mặt Trời, và là những ứng cử viên cho các phép đo thị sai.
Một khi các tốc độ của chuyển động được biết, vận tốc không gian của ngôi sao tương đối so với Mặt Trời hoặc so với thiên hà có thể tính ra được. Đối với những ngôi sao ở gần, người ta thấy rằng các sao loại I (population I) nói chung có vận tốc thấp hơn các sao già hơn – sao loại II (population II). Những sao loại II có quỹ đạo elip bị nghiêng so với mặt phẳng của thiên hà. Việc so sánh động học của các sao ở gần cũng dẫn đến việc xác định được các tập hợp sao (stellar association). Chúng là những nhóm sao có điểm chung về nguồn gốc trong các đám mây khí khổng lồ.
Từ trường
Từ trường của một ngôi sao được tạo ra từ những vùng bên trong sao nơi xảy ra những sự đối lưu tuần hoàn. Chuyển động của các plasma đối lưu này có chức năng giống như một máy phát điện (dynamo), tạo ra từ trường mở rộng ra bên ngoài ngôi sao. Cường độ của từ trường thay đổi theo khối lượng và thành phần hoá học của sao, và sự hoạt động của từ trường bề mặt phụ thuộc vào tốc độ quay của ngôi sao. Sự hoạt động của từ trường bề mặt tạo ra các vết sao (starspot), những vùng có từ trường mạnh và nhiệt độ bề mặt tại đấy thấp hơn những vùng lân cận. Vòng nhật hoa (coronal loop) là những cung từ trường vươn tới vành nhật hoa (corona) từ những vùng hoạt động. Chớp lửa sao (stellar flare) là những bùng nổ các hạt năng lượng cao được phát ra cũng từ các vùng từ trường hoạt động này.
Các sao trẻ, quay nhanh có xu hướng hoạt động bề mặt ở mức cao do từ trường của chúng. Tuy nhiên, từ trường có thể tác động ảnh hưởng lên gió sao, với chức năng giống như một cái phanh làm chậm dần tốc độ quay của ngôi sao khi ngôi sao dần già đi. Do vậy, những sao già hơn như Mặt Trời có tốc độ tự quay chậm đi rất nhiều và mức độ hoạt động bề mặt cũng thấp hơn. Các sao quay chậm có mức độ hoạt động giảm dần thay đổi theo chu kỳ và có thể ngừng hoạt động trong nhiều chu kỳ. Ví dụ, trong suốt thời kỳ yên tĩnh của nó (maunder minimum), Mặt Trời đi vào giai đoạn 70 năm không có hoạt động của vết đen Mặt Trời (sunspot).
Khối lượng
Một trong những ngôi sao có khối lượng lớn nhất được biết là Eta Carinae, với khối lượng bằng khoảng từ 100 đến 150 lần khối lượng của Mặt Trời; vì thế nó có thời gian sống rất ngắn, chỉ vài triệu năm tuổi. Một nghiên cứu gần đây về quần tinh cái Cung (Arches cluster) gợi ra rằng khối lượng 150 lần khối lượng Mặt Trời là giới hạn trên cho các ngôi sao trong kỷ nguyên hiện tại của vũ trụ. Lý do cho giới hạn trên về khối lượng vẫn chưa được biết một cách chính xác, nhưng một phần là do độ sáng Eddington (Eddington luminosity) mà cho phép lượng sáng lớn nhất có thể được truyền qua khí quyển của một ngôi sao mà không làm thổi các khí vào không gian. Tuy thế, một ngôi sao tên là R136a1 trong đám sao RMC 136a đã được đo với khối lượng là 265 lần khối lượng Mặt Trời, đã đặt ra một giói hạn trên về khối lượng của các ngôi sao.
Những ngôi sao đầu tiên hình thành sau Big Bang có thể có khối lượng lớn hơn, trên 300 lần khối lượng của Mặt Trời hoặc hơn nữa, do sự vắng mặt hoàn toàn của các nguyên tố nặng hơn lithium trong thành phần của chúng. Tuy thế, thế hệ các sao siêu khối lượng, sao loại III (population III), đã biến mất từ lâu và hiện tại chỉ là về lý thuyết.
Với khối lượng chỉ bằng 93 lần khối lượng của Mộc Tinh, AB Doradus C, một sao đồng hành của sao AB Doradus A, là ngôi sao nhỏ nhất được biết đến có xảy ra phản ứng tổng hợp hạt nhân tại lõi. Đối với các sao có tính kim loại (metallicity) như Mặt Trời, theo lý thuyết hiện nay thì khối lượng nhỏ nhất đủ để một ngôi sao thực hiện được phản ứng tổng hợp tại lõi được ước tính vào khoảng 75 lần khối lượng của Sao Mộc. Tuy nhiên, khi thành phần kim loại (metallicity) rất thấp, một nghiên cứu gần đây về các sao mờ nhất cho thấy khối lượng sao tối thiểu là bằng 8,3%, hay khoảng 87 lần khối lượng Sao Mộc. Các thiên thể nhỏ hơn gọi là các sao lùn nâu, hiện tại vẫn chưa có định nghĩa rõ ràng giữa chúng và các hành tinh khí khổng lồ.
Sự kết hợp giữa bán kính và khối lượng của sao cho phép xác định được hấp dẫn tại bề mặt của ngôi sao. Các ngôi sao khổng lồ có hấp dẫn tại bề mặt thấp hơn nhiều so với các sao ở dải chính, và ngược lại đối với các sao thoái hoá, sao đặc như các sao lùn trắng. Hấp dẫn tại bề mặt có thể ảnh hưởng đến quang phổ biểu kiến của ngôi sao, với hấp dẫn bề mặt lớn hơn sẽ làm cho các vạch hấp thụ trở lên rộng ra.
Sự tự quay
Tốc độ quay của các sao có thể tìm được xấp xỉ thông qua đo đạc quang phổ, hoặc xác định chính xác hơn bằng cách theo dõi sự quay của các vết sao (starspot). Những ngôi sao trẻ có tốc độ quay rất nhanh, trên 100 km/s tại xích đạo. Như sao loại B Achernar có vận tốc quay tại xích đạo vào khoảng 225 km/s hoặc lớn hơn, khiến cho đường kính tại xích đạo của nó lơn hơn 50% khoảng cách giữa hai cực. Tốc độ quay này nhỏ hơn giới hạn 300 km/s, khi quay đến gần vận tốc giới hạn này ngôi sao sẽ bị phá vỡ ra. Ngược lại, Mặt Trời chỉ quay một vòng với chu kỳ 25 đến 35 ngày, với vận tốc tại xích đạo bằng 1,994 km/s. Từ trường của sao và gió sao cũng làm chậm tốc độ quay của các sao ở dải chính một lượng rõ rệt khi sao tiến hoá trên dải chính.
Các sao thoái hoá (degenerate star) bị co lại thành thiên thể đặc, khiến cho tốc độ quay của chúng tăng lên. Tuy nhiên tốc độ quay của chúng tương đối thấp so với mong đợi khi chúng ta áp dụng định luật bảo toàn momen góc; đó là tốc độ quay của thiên thể bù lại cho sự co về kích thước bằng cách tăng tốc độ tự quay của nó. Có thể một phần lớn momen góc của ngôi sao bị tiêu tan do gió sao làm mất một phần khối lượng của nó. Mặc dù vậy, tốc độ quay của một sao xung vẫn rất nhanh. Sao xung tại tâm của tinh vân Con Cua quay nhanh 30 vòng trong một giây. Và tốc độ quay của sao xung cũng chậm dần do sự phát ra các bức xạ.
Nhiệt độ
Nhiệt độ tại bề mặt của một sao ở dải chính được xác định bằng tốc độ sản sinh năng lượng tại lõi và bán kính của sao, và thông thường được ước lượng từ chỉ số màu của sao. Thông thường nhiệt độ bề mặt của ngôi sao được cho theo nhiệt độ hiệu quả, là nhiệt độ của một vật đen lý tưởng mà phát ra năng lượng tại cùng một độ trưng trên diện tích bề mặt của sao. Chú ý rằng nhiệt độ hiệu quả chỉ là một giá trị đại diện, và thực tế ngôi sao có gradient nhiệt độ giảm theo sự tăng khoảng cách từ lõi. Nhiệt độ tại vùng lõi của sao là khoảng vài triệu kelvin.
Từ nhiệt độ của sao sẽ xác định được tốc độ năng lượng hoá hoặc ion hoá của các nguyên tố khác nhau, thể hiện kết quả trong đặc trưng của các vạch hấp thụ trong quang phổ. Nhiệt độ bề mặt của sao, cùng với độ sáng biểu kiến tuyệt đối và các đặc trưng của vạch hấp thụ trong quang phổ, thường được sử dụng để phân loại sao (xem phân loại bên dưới).
Các sao khối lượng lớn ở dải chính có nhiệt độ bề mặt lên tới 50.000 K. Các sao nhỏ hơn như Mặt Trời có nhiệt độ 6000 K. Những sao khổng lồ đỏ có nhiệt độ bề mặt tương đối thấp vào khoảng 3.600 K, nhưng chúng cũng có độ trưng tương đối lớn do diện tích mặt ngoài lớn.
Bức xạ
Năng lượng được sản xuất ra bởi sao, là sản phẩm của phản ứng tổng hợp hạt nhân, bức xạ vào trong không gian bằng cả bức xạ điện từ và bức xạ hạt. Ngôi sao phát ra bức xạ hạt cũng chính là gió Sao Thổi vào không gian (tồn tại như là một dòng các hạt tích điện ổn định, như proton, hạt anpha, và hạt beta, thoát ra từ các lớp ngoài cùng của sao) và dòng ổn định các hạt neutrino thoát ra từ lõi sao.
Sản phẩm năng lượng tại lõi cũng là nguyên nhân tại sao ngôi sao chiếu sáng: mỗi lần hai hoặc nhiều hơn hạt nhân nguyên tử của một nguyên tố tổng hợp với nhau để tạo thành một hạt nhân của nguyên tố mới nặng hơn, các photon tia gamma được giải phóng từ phản ứng tổng hợp hạt nhân. Năng lượng này được biến đổi thành các dạng năng lượng điện từ khác, bao gồm ánh sáng khả kiến, theo thời gian chúng truyền đến các lớp bên ngoài của sao.
Màu sắc của một sao, được xác định bởi đỉnh tần số của ánh sáng khả kiến, phụ thuộc vào nhiệt độ các lớp ngoài cùng của ngôi sao, bao gồm quang quyển của nó. Bên cạnh ánh sáng khả kiến, ngôi sao cũng phát ra các dạng bức xạ điện từ không nhìn thấy được bằng mắt thường. Thực tế bức xạ điện từ phát ra từ ngôi sao trải rộng trên toàn phổ điện từ, từ bước sóng dài nhất là sóng radio, hồng ngoại cho đến bước sóng ngắn nhất như tia tử ngoại, tia X, và tia gamma. Mọi bước sóng bức xạ điện từ của ngôi sao, cả nhìn thấy và không nhìn thấy, đều có ý nghĩa quan trọng.
Sử dụng phổ của ngôi sao, các nhà thiên văn cũng xác định được nhiệt độ bề mặt, hấp dẫn tại bề mặt, tính kim loại (metallicity) và vận tốc tự quay của sao. Nếu biết được khoảng cách đến ngôi sao, như đo bằng thị sai, thì sẽ suy ra được độ trưng của nó. Khối lượng, bán kính, hấp dẫn tại bề mặt, và chu kỳ quay từ đó có thể ước lượng được trên cơ sở của mô hình sao. (Khối lượng có thể đo được một cách trực tiếp đối với những sao trong hệ sao đôi. Kĩ thuật vi thấu kính hấp dẫn cũng dùng để xác định khối lượng của ngôi sao.) Với những tham số này, các nhà thiên văn cũng ước lượng được độ tuổi của sao.
Độ sáng
Trong thiên văn học, độ sáng là lượng ánh sáng, và những dạng năng lượng bức xạ khác, mà ngôi sao phát ra trên một đơn vị thời gian. Độ sáng của sao được xác định nhờ bán kính và nhiệt độ bề mặt của nó. Người ta đã chứng minh rằng, với giả sử chấp nhận được đó là ngôi sao là vật đen, thì độ sáng được liên hệ với nhiệt độ và bán kính của ngôi sao theo phương trình: với σ là hằng số Stefan-Boltzmann 5,67 W·m−2·K−4. Tuy nhiên, do nhiều ngôi sao không phát ra thông lượng đều đặn—lượng năng lượng phát ra trên một đơn vị diện tích—thông qua toàn bộ bề mặt của nó. Ví dụ như sao có tốc độ quay nhanh như Vega có thông lượng năng lượng cao hơn tại cực so với dọc đường xích đạo.
Những vùng bề mặt với nhiệt độ và độ sáng trung bình thấp hơn được gọi là vết đen (sunspot, hay starspot). Những ngôi sao nhỏ, lùn như Mặt Trời nói chung về cơ bản chỉ xuất hiện những vết đen nhỏ. Đối với những sao lớn hơn có những vết đen lớn hơn, rõ ràng hơn, và chúng cũng thể hiện rất rõ những quầng sao tối (stellar limb darkening). Theo đó, độ trắng (brightness) giảm khi đi từ tâm đĩa sao về phía rìa của đĩa. Các sao lùn đỏ bừng sáng (flare star) như sao UV Ceti cũng chứa những đặc điểm về các vết đen điển hình.
Cấp sao
Độ trắng (brightness) biểu kiến của một ngôi sao được đo bằng cấp sao biểu kiến của nó, đó là độ trắng của sao theo độ sáng của nó, với khoảng cách tính từ Trái Đất, và ánh sáng của ngôi sao bị thay đổi khi nó truyền qua khí quyển của Trái Đất. Cấp sao tuyệt đối hay nội tại có liên quan trực tiếp đến độ sáng của sao và đo bằng cấp sao biểu kiến với khoảng cách quy ước từ Trái Đất đến ngôi sao là 10 parsec (32,6 năm ánh sáng).
Cả hai thang đo cấp sao biểu kiến và cấp sao tuyệt đối đều theo đơn vị logarit: hiệu của một đơn vị cấp sao bằng với sự biến thiên độ trắng khoảng 2,5 lần (là căn bậc 5 của 100 hay xấp xỉ 2,512). Điều này có nghĩa là ngôi sao có cấp sao (+1,00) thì sáng hơn 2,5 lần ngôi sao có cấp sao (+2,00), và xấp xỉ 100 lần sáng hơn ngôi sao có cấp sao (+6,00). Những ngôi sao mờ nhất có thể quan sát bằng mắt thường trong điều kiện tốt có cấp sao khoảng +6.
Trên cả hai thang đo cấp sao tuyệt đối và biểu kiến, số cấp sao nhỏ hơn, tương ứng với ngôi sao sáng hơn; số cấp sao lớn hơn, tương ứng với ngôi sao mờ hơn. Những sao sáng nhất, trên một hoặc hai thang đo, có cấp sao âm. Biến thiên về độ trắng (ΔL) giữa hai ngôi sao được tính toán bằng cách lấy số cấp sao của ngôi sao sáng hơn (mb) trừ đi số cấp sao của ngôi sao mờ hơn (mf), sau đó lấy hiệu là số mũ với cơ số 2,512; viết theo công thức là:
Liên quan đến cả độ sáng và khoảng cách đến Trái Đất, đối với một ngôi sao cấp sao tuyệt đối (M) và cấp sao biểu kiến (m) không tương đương với nhau; ví dụ, ngôi sao Sirius có cấp sao biểu kiến là –1,44, nhưng nó lại có cấp sao tuyệt đối là +1,41. Gọi r (parsec) là khoảng cách từ ngôi sao đến Trái Đất, thì công thức liên hệ giữa cấp sao tuyệt đối M và cấp sao biểu kiến m là: M = m + 5 – 5log(r)
Mặt Trời có cấp sao biểu kiến là −26,7, nhưng cấp sao tuyệt đối chỉ là +4,83. Sirius, ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm khi nhìn từ Trái Đất, có độ sáng xấp xỉ gấp 23 lần Mặt Trời, trong khi Canopus, ngôi sao sáng thứ hai trên bầu trời đêm có cấp sao tuyệt đối là −5,53, và độ sáng của nó xấp xỉ gấp 14.000 lần độ sáng của Mặt Trời. Mặc dù Canopus có độ sáng lớn hơn Sirius rất nhiều lần, nhưng Sirius lại hiện lên sáng hơn Canopus. Điều này là do khoảng cách từ Sirius đến Trái Đất chỉ là 8,6 năm ánh sáng, còn Canopus nằm cách xa hơn nhiều lần, với khoảng cách 310 năm ánh sáng.
Cho đến năm 2006, ngôi sao có cấp sao tuyệt đối cao nhất là LBV 1806-20, với cấp sao −14,2. Nó có độ trưng cao gấp 5.000.000 lần Mặt Trời. Các sao có độ trưng thấp nhất được biết đến là các sao nằm trong đám NGC 6397. Sao lùn đỏ trong đám có cấp sao là +26, và sao lùn trắng với cấp sao +28 cũng đã được phát hiện. Những ngôi sao này rất mờ đến nỗi ánh sáng của chúng chỉ như những ngọn nến sinh nhật đặt trên Mặt Trăng khi nhìn từ Trái Đất.
Phân loại
Hệ thống phân loại sao hiện tại có nguồn gốc từ đầu thế kỷ XX, khi các sao được phân loại từ A đến Q trên cơ sở cường độ của vạch hydro trong quang phổ. Thời điểm đó người ta vẫn chưa biết rõ nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến cường độ của vạch quang phổ là do nhiệt độ; cường độ vạch hydro đạt đỉnh tại nhiệt độ trên 9.000 K, và nó trở lên yếu hơn tại cả nhiệt độ thấp hơn và cao hơn. Khi sự phân loại được sắp xếp lại theo thứ tự nhiệt độ, nó trở lên gần giống với biểu đồ của hiện đại.
Có các chữ cái đơn khác nhau cho sự phân loại sao tuân theo phổ của chúng, xếp từ loại O, đối với sao rất nóng, đến M, đối với sao rất lạnh mà các phân tử có thể hình thành trong khí quyển của chúng. Những phân loại sao chính theo thứ tự giảm dần của nhiệt độ bề mặt là: O, B, A, F, G, K, và M hay thường còn được gọi là (Oh Be A Fine Girl Kiss Me). Có những kiểu phổ rất hiếm gặp cũng được phân loại đặc biệt. Những loại này thường là kiểu L và T, tương ứng với phân loại các sao rất lạnh khối lượng nhỏ và sao lùn nâu. Mỗi một kiểu chia làm 10 kiểu nhỏ, đánh số từ 0 đến 9, theo thứ tự giảm dần nhiệt độ. Tuy thế, hệ thống phân loại này bị phá vỡ tại những nhiệt độ rất cao: lớp sao O0 và O1 có thể không tồn tại.
Ngoài ra, các sao có thể được phân loại theo hiệu ứng độ trưng được tìm thấy trong các vạch phổ của chúng, nó tương ứng với kích cỡ của sao và xác định bởi hấp dẫn tại bề mặt. Phân loại sắp xếp từ 0 (sao siêu khổng lồ) qua III (sao khổng lồ) đến V (sao lùn ở dải chính); một số tác giả thêm vào VII (sao lùn trắng). Hầu hết các sao thuộc vào dải chính, mà bao gồm các sao thông thường đốt cháy hydro. Chúng sắp xếp thành một dải chéo, hẹp khi ta vẽ lên biểu đồ theo cấp sao biểu kiến và kiểu phổ của chúng. Mặt Trời của chúng ta là một sao lùn vàng ở dải chính, được phân loại là G2V, có nhiệt độ bề mặt trung bình và kích cỡ thông thường.
Ngoài những ký hiệu phân loại như trên, người ta còn thêm các chữ ở dưới các ký hiệu đó để cho biết những dị thường trong phổ của các sao. Ví dụ, ký tự "e" có thể ám chỉ sự có mặt của các vạch phát xạ; "m" đại diện cho mức kim loại rất mạnh không thông thường, và "var" có nghĩa là sự biến thiên trong kiểu phổ.
Các sao lùn trắng còn có phân loại riêng dành cho chúng với bắt đầu bằng chữ cái D. Sau đó được chia ra thành các lớp DA, DB, DC, DO, DZ, và DQ, phụ thuộc vào những vạch điển hình được tìm thấy trong phổ của chúng. Điều này cho suy ra được một giá trị số ám chỉ bởi chỉ số nhiệt độ.
Sao biến quang
Các sao biến quang là những sao có độ sáng thay đổi ngẫu nhiên hay tuần hoàn bởi vì những tính chất nội tại của chúng hoặc do tác động của bên ngoài. Về bản chất đối với các sao biến quang, chúng có thể được chia ra làm ba nhóm chính.
Trong quá trình tiến hoá của ngôi sao, một số sao trải qua giai đoạn mà chúng trở thành các sao biến quang co giãn (pulsating variable star). Sao biến quang co giãn thay đổi bán kính và độ sáng theo thời gian, mở rộng hay co lại theo các chu kỳ từ vài phút đến vài năm, phụ thuộc vào kích thước của sao. Phân loại theo kiểu này gồm sao biến quang Cepheid và những sao kiểu Cepheid, và những sao biến quang chu kỳ lớn như sao Mira.
Các sao biến quang bùng phát (eruptive variable) là những sao bất thình lình tăng độ sáng của nó lên do những sự kiện như chớp lửa (flare) hay sự phóng một lượng lớn các hạt vào không gian. Những nhóm này bao gồm các tiền sao, sao Wolf-Rayet, sao bùng sáng (flare star), cũng như các sao khổng lồ và siêu khổng lồ.
Những sao biến quang kiểu nổ tung (explosive) hay biến động lớn (cataclysmic) trải qua sự thay đổi lớn về tính chất của chúng. Nhóm này bao gồm các sao mới (nova) và các siêu tân tinh. Một hệ sao đôi có một sao lùn trắng có thể tạo ra những vụ nổ sao lớn kiểu này, gồm sao mới và siêu tân tinh kiểu Ia. Vụ nổ được tạo ra khi sao lùn trắng bồi tụ hydro từ sao đồng hành, tăng dần khối lượng của nó cho đến khi xảy ra phản ứng tổng hợp hydro. Một số sao mới cũng có những vụ nổ mang tính tuần hoàn, lặp lại với biên độ trung bình.
Nhiều sao cũng thay đổi độ sáng do những nguyên nhân bên ngoài, như sự che khuất trong hệ sao đôi, cũng như các sao quay nhanh với những vết đen (starspot) lớn trên nó. Một ví dụ nổi bật về sự che khuất trong hệ sao đôi đó là hệ sao Algol, nó biến đổi cấp sao một cách đều đặn từ 2,3 đến 3,5 trong chu kỳ 2,87 ngày.
Cấu trúc
Phần bên trong của một sao ổn định tuân theo trạng thái cân bằng thủy tĩnh: các lực tác động vào một thể tích nhỏ bất kỳ được cân bằng chính xác với nhau. Những lực cân bằng bao gồm lực hấp dẫn hướng vào trong và lực hướng ra ngoài là gradient áp suất bên trong ngôi sao. Gradient áp suất được thiết lập nên bởi gradient nhiệt độ của plasma; phần bên ngoài của sao thì lạnh hơn phần bên trong lõi. Nhiệt độ tại lõi của một sao ở dải chính hoặc sao khổng lồ là ít nhất vào khoảng vài chục triệu K. Hệ quả là nhiệt độ và áp suất tại lõi đốt cháy hydro của sao ở dải chính là đủ cho phản ứng tổng hợp hạt nhân diễn ra và đủ để tạo ra năng lượng chống lại sự suy sụp của ngôi sao.
Khi hạt nhân nguyên tử được tổng hợp tại lõi, chúng phát ra năng lượng dưới dạng các tia gamma. Những photon này tương tác với plasma xung quanh, làm tăng thêm nhiệt năng tại lõi. Các ngôi sao ở dải chính biến đổi hydro thành heli qua phản ứng tổng hợp, tạo ra tỷ lệ tăng ổn định, chậm chạp của heli tại lõi. Thậm chí cho đến khi nguyên tố heli chiếm đa số và sự sinh năng lượng bị ngừng hẳn tại lõi. Quả thực, đối với các ngôi sao nặng hơn 0,4 lần khối lượng Mặt Trời, sự tổng hợp diễn ra chậm dần trong lớp vỏ nở rộng xung quanh lõi heli thoái hoá (degenerate).
Ngoài cân bằng thủy tĩnh, phần bên trong của một ngôi sao ổn định cũng duy trì sự cân bằng năng lượng về nhiệt lượng. Có một gradient nhiệt độ xuyên tâm trên toàn bộ phần bên trong sao cho tạo ra một thông lượng năng lượng theo đó hướng ra bên ngoài. Thông lượng năng lượng hướng ra ngoài thoát ra từ một lớp bên trong bất kỳ của ngôi sao bằng một cách chính xác thông lượng năng lượng từ lớp phía dưới hướng vào lớp đó.
Đới bức xạ là vùng bên trong ngôi sao nơi sự truyền bức xạ diễn ra đủ hữu hiệu để duy trì thông lượng năng lượng. Trong vùng này, plasma sẽ không bị xáo trộn và không tồn tại một chuyển động lớn nào của vật chất. Tuy nhiên, nếu điều này không đúng, thì plasma sẽ trở lên không ổn định và sự đối lưu diễn ra, tạo ra đới đối lưu. Điều này có thể xảy ra, ví dụ, trong vùng xuất hiện những thông lượng năng lượng rất cao, như gần tại lõi hoặc trong những vùng có độ mờ đục quang học cao như lớp vỏ bên ngoài.
Việc xảy ra sự đối lưu trong lớp vỏ bên ngoài của một sao ở dải chính phụ thuộc vào khối lượng của ngôi sao. Các sao với khối lượng một vài lần khối lượng Mặt Trời có đới đối lưu sâu bên trong cấu trúc của sao và một đới bức xạ ở những lớp phía bên ngoài. Những ngôi sao nhỏ hơn như Mặt Trời lại ngược lại, chúng có đới đối lưu nằm ở những lớp bên ngoài. Những sao lùn đỏ với khối lượng nhỏ hơn 0,4 lần khối lượng Mặt Trời thì sự đối lưu xảy ra trong toàn bộ ngôi sao và ngăn cản sự tích tụ thành một lõi heli. Đối với hầu hết các sao, những đới đối lưu sẽ luôn thay đổi theo thời gian khi ngôi sao trở lên già hơn và cấu trúc bên trong của sao bị thay đổi theo.
Phần của ngôi sao hiện lên trước mắt một người quan sát được gọi là quang quyển. Đây là lớp mà tại đó plasma của sao trở lên trong suốt đối với photon của ánh sáng. Từ vùng này, năng lượng được tạo ra ở lõi được tự do lan truyền vào không gian. Trong quang quyển có những vùng gọi là vết đen Mặt Trời (sun spot), đó là những vùng với nhiệt độ trung bình thấp hơn xuất hiện trên quang quyển.
Bên trên quang quyển là khí quyển của ngôi sao. Đối với các sao ở dải chính như Mặt Trời, đới thấp nhất bên trong khí quyển là vùng sắc quyển mỏng, nơi các tai lửa (spicule) xuất hiện và chớp lửa của sao (flare star) hình thành. Vùng này được bao bọc xung quanh bởi một vùng chuyển tiếp, nơi nhiệt độ tăng lên một cách nhanh chóng chỉ trong khoảng cách độ cao 100 km. Bên ngoài vùng này nữa gọi là quầng (corona) hay đối với Mặt Trời gọi là vành nhật hoa, một vùng với thể tích plasma siêu nóng và có thể mở rộng ra ngoài không gian hàng triệu km. Sự tồn tại của quầng dường như độc lập với đới đối lưu ở những lớp bên ngoài của sao. Và mặc dù nó có nhiệt độ rất cao, quầng phát ra rất ít ánh sáng. Vùng quầng của Mặt Trời thường chỉ có thể nhìn thấy được trong quá trình nhật thực.
Từ vùng quầng này, gió sao chứa các hạt plasam mở rộng ra bên ngoài từ ngôi sao, lan truyền cho đến tận khi nó tương tác với môi trường liên sao. Đối với Mặt Trời, sự ảnh hưởng của gió Mặt Trời mở rộng ra tận đến vùng có hình dạng bong bóng của nhật quyển (heliosphere).
Chu trình phản ứng tổng hợp hạt nhân
Có nhiều phản ứng tổng hợp hạt nhân khác nhau diễn ra ở bên trong lõi các sao, phụ thuộc vào khối lượng và thành phần của ngôi sao, gọi chung là phản ứng tổng hợp hạt nhân sao. Khối lượng tổng cộng của các hạt nhân nguyên tử sau phản ứng tổng hợp nhỏ hơn tổng khối lượng các hạt tham gia phản ứng. Khối lượng bị mất này được giải phóng dưới dạng năng lượng điện từ, tuân theo nguyên lý sự tương đương khối lượng – năng lượng E = mc².
Quá trình tổng hợp hydro là một quá trình nhạy với nhiệt độ, chỉ cần nhiệt độ tăng trung bình trong lõi sẽ làm cho tốc độ phản ứng tổng hợp tăng lên rất lớn. Vì vậy nhiệt độ trong lõi của các sao ở dải chính thay đổi từ 4 triệu K đối với các sao lớp M đến 40 triệu K đối với các sao lớp O.
Trong Mặt Trời, với nhiệt độ tại lõi khoảng 10 triệu K, các hạt nhân hydro tổng hợp với nhau để tạo ra heli trong chuỗi phản ứng proton - proton:
41H → 22H + 2e+ + 2νe (4.0 MeV + 1.0 MeV)
21H + 22H → 23He + 2γ (5.5 MeV)
23He → 4He + 21H (12.9 MeV)
với e+ là hạt positron, γ là hạt photon tia gamma, νe là hạt neutrino, và H và He tương ứng là các đồng vị của hydro và heli. Năng lượng được giải phóng trong phản ứng này lên tới hàng triệu electron vôn, là nhỏ nếu chỉ tính riêng từng phản ứng một. Tuy nhiên bên trong Mặt Trời vô số các phản ứng này diễn ra liên tục, tạo ra đủ năng lượng cần thiết để duy trì cho sự bức xạ của ngôi sao ra bên ngoài.
Trong những ngôi sao nặng hơn, heli được tạo ra trong một chu trình phản ứng có cacbon tham gia làm chất xúc tác— chu trình cacbon-nitơ-oxy.
Trong những sao đã tiến hoá với lõi có nhiệt độ 100 triệu K và khối lượng từ 0,5 đến 10 lần khối lượng Mặt Trời, heli có thể biến đổi thành cacbon trong quá trình ba-alpha (triple-alpha process) với nguyên tố trung gian là beryli:
4He + 4He + 92 keV → 8*Be
4He + 8*Be + 67 keV → 12*C
12*C → 12C + γ + 7.4 MeV
Đối với toàn bộ phản ứng:
34He → 12C + γ + 7.2 MeV
Trong các sao có khối lượng lớn, những nguyên tố nặng hơn cũng có thể bị đốt cháy trong lõi đang co lại thông qua quá trình đốt cháy neon và quá trình đốt cháy oxy. Giai đoạn cuối cùng trong quá trình tổng hợp hạt nhân sao là quá trình đốt cháy silic với sản phẩm tạo ra là đồng vị bền sắt-56. Phản ứng tổng hợp không thể tiếp tục diễn ra đối với sắt nữa ngoại trừ quá trình thu nhiệt, và năng lượng chỉ có thể được sản sinh ra là nhờ sự suy sụp hấp dẫn.
Ví dụ bên dưới cho thấy khoảng thời gian cần thiết cho một ngôi sao có khối lượng 20 lần khối lượng Mặt Trời có thể tiêu thụ hết toàn bộ nhiên liệu hạt nhân của nó. Là một sao lớp O thuộc dải chính, nó có đường kính gấp 8 lần đường kính Mặt Trời và có độ trưng gấp 62.000 lần độ trưng của Mặt Trời. |
Thầu dầu hay có nơi còn gọi là đu đủ tía (danh pháp hai phần: Ricinus communis) là một loài thực vật trong họ Đại kích (Euphorbiaceae) và là thành viên duy nhất trong chi Ricinus cũng như của phân tông Ricininae.
Từ Ricinus là một từ trong tiếng Latinh để chỉ các loài bét (thuộc bộ Acarina); hạt của nó được gọi như thế vì trông nó giống như một con bét. Nó là nguồn để sản xuất dầu thầu dầu có nhiều công dụng cũng như ricin, một chất độc (ricin từ 1-2 hạt thầu dầu có thể gây tử vong cho người lớn).
Mô tả
Mặc dù nó có thể có nguồn gốc ở vùng Đông Phi, nhưng ngày nay nó đã phổ biến trên toàn thế giới. Thầu dầu dễ thích nghi với môi trường sống mới và có thể tìm thấy ở các vùng đất bị bỏ hoang, gần đường sắt và gần đây được trồng nhiều để làm cảnh trong công viên hay các nơi công cộng khác.
Các hạt thầu dầu cũng được tìm thấy trong các ngôi mộ của người Ai Cập cổ đại có niên đại vào khoảng những năm 4000 TCN. Herodotus và các nhà du hành người Hy Lạp cổ đại khác cũng đã đề cập tới việc sử dụng dầu của hạt thầu thầu để thắp sáng và xức dầu lên cơ thể.
Việc sử dụng dầu của hạt thầu dầu tại Ấn Độ đã được đề cập tới trong một số tư liệu kể từ những năm 2000 TCN trong việc thắp sáng và trong y học cổ đại như là một loại thuốc nhuận tràng. Hạt thầu dầu và dầu của nó cũng được sử dụng tại Trung Quốc trong nhiều thế kỷ, chủ yếu trong việc kê các đơn thuốc trong y học để uống hay sử dụng trong băng bó.
Mặc dù chỉ có một đại diện duy nhất nhưng thầu dầu có thể thay đổi rất nhiều về bề ngoài cũng như sự phát triển. Một số cây là loại thực vật lâu năm có thể đạt tới kích thước của một cây thân gỗ nhỏ trong khi một số cây khác là các dạng lùn và sinh trưởng như là loại cây một năm. Cũng tồn tại rất nhiều kiểu hình dạng và màu sắc của lá và chúng được lai giống để dùng làm cây cảnh. Ấu trùng của một số loài nhậy thuộc bộ Cánh vẩy Lepidoptera phá hoại thầu dầu như Ecpantheria scribonia, Hypercompe hambletoni và Discestra trifolii.
Hạt thầu dầu chứa khoảng 40-60% dầu, nó rất giàu các triglyxerit, chủ yếu là ricinolein.
Sản xuất
Sản lượng hạt thầu dầu toàn thế giới khoảng 1,2-1,3 triệu tấn mỗi năm. Các khu vực sản xuất hàng đầu là Ấn Độ, Trung Quốc và Brasil.
Tác hại
Ricinus (thầu dầu) cực kỳ dễ gây dị ứng và có thang điểm dị ứng OPALS là 10 trên 10. Loại cây này cũng là tác nhân gây hen suyễn rất mạnh và dị ứng với Ricinus là phổ biến và nghiêm trọng.
Cây thầu dầu tạo ra một lượng lớn phấn hoa rất nhẹ, dễ dàng bay vào không khí và có thể hít vào phổi, gây ra các phản ứng dị ứng. Nhựa của cây gây phát ban da. Những người bị dị ứng với cây cũng có thể phát ban khi chỉ chạm vào lá, hoa hoặc hạt. Những cá nhân này cũng có thể có phản ứng dị ứng chéo với nhựa mủ từ cây Hevea brasiliensis có liên quan.
Độc tính của hạt thầu dầu thô là do sự hiện diện của ricin. Mặc dù liều gây chết người ở người lớn được coi là từ 4 đến 8 hạt, nhưng các báo cáo về ngộ độc thực tế là tương đối hiếm. Theo Kỷ lục Guinness Thế giới, đây là loài thực vật thông thường độc nhất thế giới. Các triệu chứng của việc dùng quá liều ricin, có thể bao gồm buồn nôn, tiêu chảy, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp và co giật, kéo dài đến một tuần. Chất độc có thể được chiết xuất từ thầu dầu bằng cách cô đặc nó với một quy trình khá phức tạp tương tự như quy trình được sử dụng để chiết xuất xyanua từ hạnh nhân.
Nếu nuốt phải chất ricin, các triệu chứng thường bắt đầu trong vòng 2 đến 4 giờ, nhưng có thể bị trì hoãn tới 36 giờ. Chúng bao gồm cảm giác nóng rát ở miệng và cổ họng, đau bụng, mót rặn và tiêu chảy ra máu. Trong vòng vài ngày, tình trạng mất nước nghiêm trọng xảy ra, tụt huyết áp và giảm lượng nước tiểu. Trừ khi được điều trị, tử vong có thể xảy ra trong vòng 3–5 ngày; tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, có thể phục hồi hoàn toàn.
Ngộ độc xảy ra khi động vật kể cả con người, ăn phải hạt thầu dầu bị vỡ hoặc nhai vỡ hạt: hạt còn nguyên vẹn có thể đi qua đường tiêu hóa mà không giải phóng độc tố. Độc tố cung cấp cho cây thầu dầu một mức độ bảo vệ tự nhiên khỏi côn trùng gây hại như rệp vừng. Ricin đã được điều tra về khả năng sử dụng nó như một loại thuốc trừ sâu. Cây thầu dầu cũng là nguồn cung cấp acid undecylenic, một chất diệt nấm tự nhiên.
Dầu thầu dầu ép lạnh có bán trên thị trường không độc hại đối với con người ở liều lượng bình thường, dù là bên trong hay bên ngoài.
Phân loài
Ricinus communis var. sanguineus: Thầu dầu tía, đu đủ tía
Chú thích |
Romeo và Juliet là một vở bi kịch của nhà văn Anh William Shakespeare. Trong những vở kịch được viết bởi Shakespeare thì vở này cùng Hamlet là 2 vở nổi tiếng nhất và thường xuyên được diễn lại bởi hậu thế. Ngày nay, cái tên Romeo và Juliet thường dùng để chỉ những cặp tình nhân trẻ đang trong giai đoạn chớm nở và mãnh liệt.
Vở kịch này về sau không chỉ phổ biến trong nghệ thuật sân khấu, mà còn được chuyển thành điện ảnh, opera, tiểu thuyết... Sau thời đại chế độ quân chủ được phục hồi tại nước Anh, Romeo và Juliet được bảo tồn và càng được phổ biến rộng rãi bởi William Davenant. Các tác phẩm điện ảnh của vở kịch bao gồm bản năm 1935 của George Cukor, bản năm 1968 của Franco Zeffirelli, bản phim năm 1996 của Baz Luhrmann và bản phim năm 2013 của Carlo Carlei.
Nhân vật
Vương thất cai trị Verona
Vương quân Escalus, vị vương quân đang cai trị Verona.
Bá tước Paris, bà con với vương quân Escalus, luôn mong muốn cưới Juliet.
Mercutio, một người bà con khác với Escalus, bạn của Romeo.
Gia tộc Capulet
Quý ngài Capulet, chủ gia đình.
Quý bà Capulet, bà chủ của gia tộc.
Juliet, người con gái 13 tuổi của Capulet, nữ chính của vở kịch.
Tybalt, anh họ của Juliet, cháu trai của bà Capulet.
Vú nuôi, người luôn quan tâm và chăm sóc Juliet.
Rosaline, cháu gái của ngài Capulet, tình yêu ban đầu của Romeo.
Peter, Sampson and Gregory; những người hầu trong nhà.
Gia tộc Montague
Quý ông Montague, chủ gia đình.
Quý bà Montague, bà chủ của gia tộc.
Romeo, con trai của Montague, nam chính của vở kịch.
Benvolio, họ hàng của Romeo và là bạn tâm giao của chàng.
Abram và Balthasar; những người hầu trong nhà.
Những người khác
Friar Laurence, một thầy dòng thuộc dòng thánh Francis, là chỗ dựa của Romeo.
Friar John, người đưa thư từ giữa Friar Laurence và Romeo.
Thầy thuốc, người bán thuốc cho Romeo.
Cốt truyện
Romeo và Juliet được viết vào khoảng 1594 - 1595, dựa trên một cốt truyện có sẵn kể về một mối tình oan trái vốn là câu chuyện có thật, từng xảy ra ở Ý thời Trung Cổ.
Câu chuyện bắt đầu tại thành Verona, hai dòng họ nhà Montague và nhà Capulet có mối hận thù lâu đời. Romeo, con trai họ Montague và Juliet, con gái họ Capulet đã yêu nhau say đắm ngay từ cái nhìn đầu tiên tại buổi dạ tiệc tổ chức tại nhà Capulet, do là dạ tiệc hoá trang nên Romeo mới có thể trà trộn vào trong đó. Đôi trai gái này đã đến nhà thờ nhờ tu sĩ Friar Laurence bí mật làm lễ cưới.
Đột nhiên xảy ra một sự việc: do xung khắc, anh họ của Juliet là Tybalt đã giết chết người bạn rất thân của Romeo là Mercutio. Để trả thù cho bạn, Romeo đã đâm chết Tybalt. Mối thù giữa hai dòng họ càng trở nên sâu nặng. Vì tội giết người nên Romeo bị trục xuất khỏi Verona và bị đi đày biệt xứ. Tưởng như mối tình của Romeo và Juliet bị tan vỡ khi Romeo đi rồi, Juliet bị cha mẹ ép gả cho Bá tước Paris. Juliet cầu cứu sự giúp đỡ của tu sĩ Laurence. Tu sĩ cho nàng uống một liều thuốc ngủ, uống vào sẽ như người đã chết, thuốc có tác dụng trong vòng 42 tiếng. Tu sĩ sẽ báo cho Romeo đến hầm mộ cứu nàng trốn khỏi thành Verona.
Đám cưới giữa Juliet và Paris trở thành đám tang. Xác Juliet được đưa xuống hầm mộ. Tu sĩ chưa kịp báo cho Romeo thì từ chỗ bị lưu đày nghe tin Juliet chết, Romeo đau đớn trốn về Verona. Trên đường về chàng kịp mua một liều thuốc cực độc dành cho mình. Tại nghĩa địa, gặp Paris đến viếng Juliet, Romeo đâm chết Paris rồi uống thuốc độc tự tử theo người mình yêu. Romeo vừa gục xuống thì thuốc của Juliet hết hiệu nghiệm. Nàng tỉnh dậy và nhìn thấy xác Romeo bên cạnh đã chết, Juliet rút dao tự vẫn.
Cái chết tang thương của đôi bạn trẻ đã thức tỉnh hai dòng họ. Bên xác hai người, hai dòng họ đã quên mối thù truyền kiếp và bắt tay nhau đoàn tụ, nhưng câu chuyện tình yêu ấy vẫn mãi sẽ là nỗi đau rất lớn trong lòng những người biết đến họ.
Chú thích |
Joseph Rudyard Kipling ( ; ngày 30 tháng 12 năm 1865 – ngày 18 tháng 1 năm 1936) là một tiểu thuyết gia, nhà văn viết truyện ngắn, nhà thơ và nhà báo người Anh. Ông sinh ra tại Raj thuộc Anh, nơi là cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm của ông sau này
Những tác phẩm viễn tưởng của ông bao gồm bộ đôi Chuyện rừng xanh (Chuyện rừng xanh, 1894; Chuyện rừng xanh phần hai, 1895), Kim (1901), Chuyện là như thế (1902) và rất nhiều truyện ngắn, bao gồm "Người đàn ông sẽ trở thành Vua" (1888). Các bài thơ của ông bao gồm "Mandalay" (1890), "Gunga Din" (1890), "Những vị thần của tiêu đề bản sao sách" (1919), "Gánh nặng người da trắng" (1899), và "Nếu—" (1910). Ông được xem là sáng tạo nghệ thuật truyện ngắn. Những tác phẩm thiếu nhi của ông đều là những tác phẩm kinh điểm; một nhà phê bình đã nhận xét ông có "tài kể chuyện uyên bác và xuất sắc".
Kipling vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 là một trong những nhà văn Anh Quốc nổi tiếng nhất. Henry James đã từng nói rằng "Kipling gây ấn tượng với tôi là một thiên tài toàn diện nhất, với trí tuệ khác xa với loại trí tuệ mà tôi từng biết." Vào năm 1907, ông được trao Giải Nobel Văn học, là nhà văn tiếng Anh đầu tiên đoạt giải này, ở tuổi 41, và vẫn là người trẻ nhất nhận được giải này cho tới ngày nay. Ông cũng được bầu làm Thi sĩ Hoàng gia và một vài lần là tước hiệp sĩ, nhưng từ chối cả hai. Sau khi qua đời vào năm 1936, tro cốt của ông chôn tại Góc nhà thơ tại Tu viện Westminster.
Tiểu sử
Rudyard Kipling sinh tại Bombay, Ấn Độ. Cha là một chuyên gia Anh về lịch sử nghệ thuật Ấn Độ, giám đốc trường nghệ thuật Mumbai, mẹ là con một gia đình danh giá ở London, cả ông nội và ông ngoại đều là linh mục. Năm lên sáu, ông và cô em gái ba tuổi Alice ("Trix") tới Southsea, Portsmouth để sống với một cặp vợ chồng cho những đứa trẻ Anh quốc sống ở nước ngoài ở trọ. Trong thời gian ở Anh, Kipling đã học tại các trường United Service College, Westward Ho, Bideford. Năm 1882 ông trở về Ấn Độ, viết một số truyện ngắn và làm trợ lý Tổng biên tập cho tờ báo Civil and Military Gazette ở Lahore.
Chàng thanh niên đã khiến xã hội sở tại kinh ngạc bởi những ý kiến sắc sảo trước các vấn đề xã hội và kiến thức về đất nước Ấn Độ. Những chuyến đi hàng năm tới thành phố Shimla trong vùng Hymalaya là nguồn gốc dẫn đến sự ra đời nhiều tác phẩm của nhà văn. Năm 1892, ông kết hôn với Carrie Balestier tại Luân Đôn. Cả hai sau đó sang Mỹ sống và trở về Anh năm 1896. Theo lời khuyên của bác sĩ, mùa đông nhà văn sang Nam Phi. Trong Chiến tranh Boer (1899-1902) ông làm phóng viên mặt trận.
Trên đỉnh cao vinh quang và tiền bạc, Rudyard Kipling tránh công chúng, bỏ qua những phê bình thù nghịch, từ chối nhiều danh hiệu. Năm 1901 ông xuất bản tiểu thuyết Kim như một lời chào giã từ gửi đến đất nước Ấn Độ. Năm 1902 ông lui về sống tại một làng quê hẻo lánh ở Sussex (Anh) cho đến cuối đời.
Năm 1907 Kipling được trao giải Nobel khi mới 42 tuổi – là người trẻ tuổi nhất trong lịch sử giải Nobel Văn học. Ông được trao giải Nobel Văn học khi đã có trong tay 20 tập sách (trong đó có 4 tiểu thuyết, hàng trăm bài thơ, nhiều tập ký, bài báo...). Kipling đến Stockholm nhưng không đọc diễn văn nhận giải.
Ngoài giải Nobel, Kipling được nhận bằng danh dự và phần thưởng của nhiều trường đại học danh tiếng như Đại học Oxford, Đại học Cambridge, Đại học Edinburgh, Đại học Paris, Đại học Athens, Đại học Toronto..., giải Huy chương Vàng Văn học Hoàng gia Anh. Kipling mất tại London.
Thơ văn
Thơ, văn của Kipling phản ánh cuộc sống người lính và nghĩa vụ của họ đối với Đế quốc Anh. Rudyard Kipling nổi tiếng với khả năng quan sát, trí tưởng tượng rực rỡ, độ chín muồi tư tưởng và tài năng thuật truyện xuất sắc. Những tác phẩm được biết đến nhiều nhất của ông có The Jungle Book (Sách rừng) - thấm sâu tư tưởng về sự sống khởi nguyên có tầng bậc giá trị rõ ràng và hết sức đơn giản mà nền văn minh không chạm đến được; và Kim - được coi là cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Anh hay nhất về Ấn Độ và là một trong những tiểu thuyết Anh hay nhất nói chung. Nhân vật chính do dự giữa những giá trị văn hóa Đông – Tây và cuối cùng đã chọn phương Tây nhưng vẫn canh cánh bên lòng một nỗi buồn nhớ phương Đông.
Về bài thơ Nếu (If)
Những bài thơ nổi tiếng nhất của Kipling như: Ballad of East and West (Bài thơ Đông – Tây), Tommy, If (Nếu), Mandalay đã được dịch ra tiếng Việt và in trong quyển Những nhà giải thơ Nobel, Hà Nội, 2006.
Cuối thế kỷ 20, đài BBC đã đề nghị thính giả chọn những bài thơ hay nhất của các nhà thơ Anh. Có hàng nghìn người tham gia và kết quả là bài thơ If được chọn nhiều nhất, mở đầu cho tập Những bài thơ hay nhất của nước Anh. Nhà văn Anh Richard Aldington, trong tiểu thuyết nổi tiếng Death of a Hero (Cái chết của một anh hùng, 1929) viết về một "thế hệ mất mát" trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, đã trích dẫn Kipling để ca ngợi tính cứng rắn của người lính ngoài mặt trận, ca ngợi những ai biết chém giết mà không hề run sợ, và chỉ khi đó "... con trai, con là một Con người!" Nhà đạo diễn người Anh Lindsay Anderson cũng đã dùng tên bài thơ để đặt tên cho một bộ phim nổi tiếng If, giải thưởng Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes, chứng minh rằng sự giáo dục theo những chuẩn mực của Kipling đôi khi cho kết quả ngược lại...
Đấy chỉ là hai ví dụ tiêu biểu nhất trong văn chương và điện ảnh thế giới cho thấy bài thơ mới đọc qua có vẻ tất cả đều rõ ràng, thực ra vẫn ẩn giấu bên trong những ý nghĩa sâu xa mà một vài bản dịch chưa thể nào lột tả hết được… Ban đọc có thể xem chi tiết về bài thơ này ở mục từ Nếu...
Dù sao, dù người đời có trích dẫn theo nhiều vẻ khác nhau càng cho thấy một điều là bài thơ này có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội phương Tây và đã trở thành bất tử. Cuối cùng xin dành một đôi dòng về đối tượng của bài thơ này – con trai của Kipling chết năm 1915 ở mặt trận nước Pháp. Cú sốc này Kipling đã không thể hồi phục cho đến hết đời.
Tác phẩm
Departmental Ditties (Những bài ca ở bộ, 1886), thơ
Plain Tales from the Hills (Truyện kể núi đồi, 1887), tập truyện ngắn
Soldiers Three (Ba người lính, 1888), tập truyện ngắn
The Ballad of East and West (Bài thơ Đông - Tây, 1889), thơ
The Light that Failed (Ánh sáng đã tắt, 1890), tiểu thuyết
The Naulahka - A story of West and East (1892), tiểu thuyết
Barrack-Room Ballads (Những khúc ballad về trại lính, 1892), thơ
Many Inventions (Vô số điều bịa đặt, 1893), tập truyện ngắn
The Jungle Book (Sách Rừng xanh, 1894), tập truyện
The Second Jungle Book (Sách rừng thứ hai, 1895), tập truyện
The Seven Seas (Bảy biển, 1896), thơ
Captains Courageous (Những người đi biển quả cảm, 1897)
The Day's Work (Công việc của ngày, 1898), tập truyện ngắn
The White Man's Burden (Gánh nặng người da trắng, 1899), thơ
Kim (1901), tiểu thuyết
The Five Nations (Năm dân tộc, 1903), thơ
Traffics and Discoveries (Những lối đường và các khám phá, 1904), tập truyện ngắn
Puck of Pook's Hill (Quả bóng từ đồi Pook, 1906), tập truyện ngắn
Actions and Reactions (Hành động và phản ứng, 1909), tập truyện ngắn
Rewards and Fairies (Phần thưởng và các nàng tiên, 1910), tập truyện ngắn
If (Nếu, 1910), thơ
Debits and Credits (Chi và thu, 1926), tập truyện ngắn
Limits and Renewals (Những giới hạn và gia hạn, 1932), tập truyện ngắn |
Nelson Rolihlahla Mandela (; phiên âm tiếng Việt: Nen-xơn Man-đê-la; 18 tháng 7 năm 1918 – 5 tháng 12 năm 2013) là một nhà hoạt động chống apartheid người Nam Phi và là tổng thống đầu tiên của Nam Phi độc lập từ năm 1994 đến năm 1999. Ông là nguyên thủ da màu đầu tiên của quốc gia này được tiến cử dân chủ đại nghị hoàn toàn. Chính phủ của ông chú trọng dỡ bỏ chế độ phân biệt đối xử apartheid bằng các chính sách bồi dưỡng sự hòa giải chủng tộc. Về ý thức hệ chính trị, ông tin tưởng chủ nghĩa dân tộc Châu Phi và chủ nghĩa xã hội. Từ năm 1991 tới năm 1997, ông giữ chức chủ tịch Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC).
Mandela sinh thành trong gia đình dân tộc Xhosa thuộc dòng dõi quý tộc Thembu ở Mvezo, Liên minh Nam Phi. Ông học luật tại Đại học Fort Hare và Đại học Witwatersrand, trước khi hành nghề luật sư tại Johannesburg. Ở đây, ông bị cuốn vào phong trào chính trị chống thực dân và ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Châu Phi, gia nhập ANC vào năm 1943 và đồng sáng lập Liên đoàn Thanh niên vào năm 1944. Sau khi chính phủ toàn da trắng của Đảng Quốc dân thiết lập apartheid, một hệ thống phân chia chủng tộc có lợi cho công dân da trắng, Mandela và ANC nguyện thề sẽ lật đổ chế độ này. Ông được bổ nhiệm làm lãnh đạo chi bộ Transvaal của ANC, trở nên nổi danh vì tham gia Chiến dịch Phản kháng năm 1952 và Đại hội Nhân dân năm 1955. Ông liên tục bị bắt giữ vì các hành vi xúi giục nổi loạn, thậm chí phải hầu tòa vào năm 1956 nhưng may mắn thoát tội. Chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx, ông đã bí mật tham gia Đảng Cộng sản Nam Phi (SACP) lúc bấy giờ bị cấm. Tuy ban đầu chỉ kêu gọi biểu tình kiềm chế và ôn hoà, song sau khi liên kết với SACP, ông đã đồng sáng lập nhóm dân quân uMkhonto we Sizwe vào năm 1961 và dẫn đầu một chiến dịch phá hoại chống chính phủ đương thời. Mandela bị bắt giữ vào năm 1962; tại Phiên tòa Rivonia, ông bị kết án tù chung thân vì tội danh mưu toan lật đổ nhà nước.
Mandela thụ án 27 năm trong ba nhà tù, lần lượt ở Đảo Robben, Nhà tù Pollsmoor và Nhà tù Victor Verster. Vì áp lực từ trong nước và quốc tế, cũng như sự e sợ trước nguy cơ bùng nổ một cuộc nội chiến sắc tộc, Tổng thống F. W. de Klerk thả ông vào năm 1990. Mandela và de Klerk sau đó bắt tay hướng đến đàm phán chấm dứt apartheid. Nhờ nỗ lực ấy, Mandela và Đảng ANC đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử đa chủng tộc vào năm 1994. Dẫn đầu chính phủ liên minh cởi mở cùng bản hiến pháp mới, Mandela liên tục nhấn mạnh sự hòa giải giữa các nhóm chủng tộc trong đất nước và lập ra Ủy ban Sự thật và Hòa giải để điều tra các vụ xâm hại nhân quyền trong quá khứ. Về chính sách kinh tế, Mandela vẫn bám lấy khung sườn tự do kinh tế của chính phủ tiền nhiệm; ngoài ra, ông cũng giới thiệu các biện pháp khuyến khích cải cách ruộng đất, xóa đói giảm nghèo và mở rộng các dịch vụ an sinh xã hội. Trên trường quốc tế, Mandela từng là người điều đình trong vụ xét xử chuyến bay 103 của Pan Am và tổng thư ký của Phong trào không liên kết từ năm 1998 đến năm 1999. Ông khước từ lên làm tổng thống nhiệm kỳ hai, nhường vinh dự đó cho cấp phó là Thabo Mbeki. Cuối đời, ông trở thành nhà chính trị lão thành, vận động người dân ủng hộ xóa đói giảm nghèo và diệt trừ HIV/AIDS thông qua Quỹ Nelson Mandela.
Từ lúc bình sinh, Mandela đã là một nhân vật gây nhiều tranh cãi: những người hữu khuynh tố cáo ông là khủng bố cộng sản, trong khi những người cực tả phê phán ông còn quá nóng vội trong việc đàm phán hòa bình với giới ủng hộ arpetheid. Dẫu vậy, cộng đồng quốc tế vẫn công nhận công lao cao cả của ông trong việc chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc. Được coi là biểu tượng của tinh thần dân chủ và công bằng xã hội, ông đã vinh dự nhận hơn 250 giải thưởng, bao gồm Giải Nobel Hòa bình danh giá. Nhân dân Nam Phi đặc biệt mến mộ ông, thường gọi trìu mến ông bằng cái tên bộ lạc Thembu là Madiba, và kính cẩn tôn xưng ông như "Cha già dân tộc".
Đầu đời
Tuổi thơ: 1918–1934
Nelson Mandela chào đời ngày 18 tháng 7 năm 1918 tại ngôi làng Mvezo ở Umtata, hồi ấy là Tỉnh Cape thuộc Nam Phi. Tên khai sinh của ông là Rolihlahla, một danh từ tiếng Xhosa có nghĩa đen là "kéo cành cây" và được hiểu thông tục là "kẻ gây rối", song về sau thì ông thường được biết đến với cái tên bộ lạc Madiba. Cụ nội của Nelson, Ngubengcuka, là quân chủ cai trị Vương quốc Thembu trong Lãnh thổ Transkei, nay là tỉnh Đông Cape của Nam Phi. Một trong những người con trai của Ngubengcuka, Mandela, là ông nội của Nelson. Vì Mandela là con của vua với bà vợ từ tộc Ixhiba, một "Gia tộc Tay trái", hậu duệ thuộc chi nhánh của ông trong hoàng tộc không có quyền hưởng ngai vàng, song vẫn được nhận vào hội viên hội đồng hoàng gia thừa kế.
Cha của Nelson Mandela, Gadla Henry Mphakanyiswa Mandela (1880–1928), là một tù trưởng địa phương và là hội viện cố vấn quân chủ; ông được bổ nhiệm vào năm 1915, sau khi người tiền nhiệm ông bị kết án tham nhũng bởi một thẩm phán da trắng. Năm 1926, Gadla cũng bị cách chức do tội tham nhũng, song Nelson lại được kể rằng, cha ông mất việc vì dám đứng lên chống đối các yêu sách quá đáng của vị thẩm phán. Là người sùng bái thần Qamata, Gadla lấy tới bốn bà vợ, sinh bốn con trai và chín con gái, sông ở những ngôi làng khác nhau. Mẹ của Nelson là vợ thứ ba của Gadla, Nosekeni Fanny, con gái của Nkedama thuộc Gia tộc Tay phải và một thành viên của bộ lạc amaMpemvu Xhosa.
Mandela sau này kể lại rằng, thuở ấu thơ của ông tràn ngập tín ngưỡng và tục kiêng kỵ Xhosa. Ông lớn lên cùng hai chị ruột ở kraal của mẹ tại làng Qunu, hằng ngày chăn gia súc và chơi đùa cùng bạn bè ngoài trời. Cha mẹ ông đều mù chữ; song vì là một tín đồ Kitô ngoan đạo, mẹ của Mandela đã gửi ông đến ngôi trường Giám lý địa phương khi ông lên bảy. Sau khi được rửa tội tại đây, giáo viên đã ban cho ông cái tên Anh ngữ "Nelson". Khi Mandela lên chín, cha ông chuyển đến ở Qunu, và qua đời vì một chứng bệnh không xác định mà Mandela tin là bệnh phổi. Cảm thấy "phiêu bạt vô định", ông về sau nói rằng, mình thừa kế "tính nổi loạn đáng tự hào" và "tinh thần công bằng cứng đầu" của cha.
Mẹ của Mandela đưa ông đến Mqhekezweni để được giám hộ bởi nhiếp chính của Thembu, Jongintaba Dalindyebo, vị tù trưởng mang ơn người cha quá cố của Mandela. Tuy không được gặp mẹ trong một khoảng thời gian rất dài nữa, Mandela cảm thấy rằng Jongintaba và phu nhân Noengland đối xử với ông như con ruột trong nhà, nuôi nấng ông cùng cậu con trai, Justice, và cô con gái, Nomafu.
Clarkebury, Healdtown, và Fort Hare: 1934–1940
Để chuẩn bị thừa kế vị trí thành viên Hội đồng Cơ mật của cha mình, năm 1937, Mandela chuyển đến trường Healdtown, ngôi trường tại Fort Beaufort, nơi hầu hết con cháu hoàng tộc Thembu đều đi học. Vào lúc 19 tuổi, ông bắt đầu quan tâm đến bộ môn quyền anh và chạy bộ tại trường.
Vào năm 1939, ông đậu vào học bằng Cử nhân tại Trường Đại học Fort Hare, nơi ông đã gặp Oliver Tambo. Tambo và Mandela sau này là những người bạn và đồng nghiệp thân thiết. Mandela cũng kết bạn với người bà con Kaiser ("K.D.") Matanzima, người thuộc dòng trực hệ của Hữu gia của người Thembu, là người thừa kế ngai vàng Transkei, vì vai trò mà sau đó đã đưa ông đến với chính sách Bantustan. Chính sự ủng hộ chính sách này của ông và Mandela đã khiến hai người trở thành phe chính trị đối lập. Cuối năm thứ nhất, Mandela tham gia vào vụ tẩy chay của Hội sinh viên nhằm chống lại quy định của trường đại học, và bị buộc phải rời trường Fort Hare không được trở lại chừng nào ông chưa chấp nhận cuộc bầu cử của vào Hội. Sau này, lúc ở trong tù, Mandela đã học bằng Cử nhân luật của Chương trình đào tạo từ xa của Đại học Luân Đôn.
Tới Johannesburg: 1941–1943
Một thời gian ngắn sau khi rời Fort Hare, Jongintaba đã thông báo với Mandela và Justice (con của quan nhiếp chính và là người thừa kế ngai vàng) rằng ông đã sắp xếp đám cưới cho cả hai người. Những thanh niên trẻ không vừa lòng với sự sắp đặt này, và quyết định chuyển đến sống ở Johannesburg. Khi đến Johannesburg, Mandela xin một chân canh gác tại một khu mỏ. Tuy nhiên, ông chủ lập tức đuổi việc Mandela khi hay rằng ông là con nuôi đang chạy trốn của Quan nhiếp chính. Mandela chuyển sang làm tập sự ở một công ty luật tên Witkin, Sidelsky và Edelman, nhờ quen biết với một người bạn và người hướng dẫn, nhân viên địa ốc Walter Sisulu. Khi làm việc tại hãng Witkin, Sidelsky và Edelman, Mandela đã hoàn tất tấm bằng Cử nhân hàm thụ của Trường Đại học Nam Phi, sau đó ông học luật tại Trường Đại học Witwatersrand, tại đó ông kết bạn tới bạn học mà sau này là đồng chí chống chủ nghĩa apartheid của ông Joe Slovo, Harry Schwarz và Ruth First. Slovo sau này là Bộ trưởng Bộ cư trú, còn Schwarz là Đại sứ Nam Phi tại Hoa Kỳ. Trong thời gian này, ông sống tại thành phố ngoại ô Alexandra, phía bắc Johannesburg.
Hoạt động cách mạng
Sau chiến thắng của Đảng Quốc gia, ủng hộ chính sách phân biệt chủng tộc apartheid của những người Afrikaner, Mandela bắt đầu tham gia tích cực vào hoạt động chính trị. Ông đã lãnh đạo rất thành công trong Chiến dịch Phản đối của ANC năm 1952 và Đại hội Nhân dân năm 1955, từ đó thông qua Hiến chương Tự do là nền tảng cơ bản cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa apartheid. Trong thời gian này, Mandela và luật sư đồng nghiệp Oliver Tambo điều hành một công ty luật có tên là Mandela và Tambo, nhận bào chữa miễn phí hoặc giá rẻ cho nhiều người da đen thiếu luật sư đại diện.
Mahatma Gandhi có ảnh hưởng lớn đến cách thức đấu tranh của Mandela, và cả phương pháp dành thắng lợi của các nhà hoạt động chống chủ nghĩa apartheid các thế hệ sau. Mandela đã từng tham dự một hội nghị diễn ra tại New Delhi từ ngày 29-30 tháng 1 năm 2007 đánh dấu 100 năm ngày Gandhi đưa ra thuyết satyagraha (phản kháng bất bạo động) tại Nam Phi.
Ban đầu, khi kiên trì đường lối đấu tranh bất bạo động, Mandela và 150 người khác bị bắt giam vào ngày 5 tháng 12 năm 1956 và bị buộc tội phản quốc. Sau quá trình xét xử kéo dài từ năm 1956 – 1961, tất cả các bị cáo đều được tuyên trắng án. Từ năm 1952 – 1959, xuất hiện một lực lượng các nhà hoạt động da đen mới được gọi là những người Toàn Phi đã cản trở các hoạt động của ANC ở khu vực thành phố của người da đen, lực lượng này đòi hỏi phải có các biện pháp quyết liệt hơn nhằm chống lại chế độ của Đảng Quốc gia. Những nhà lãnh đạo ANC lúc bấy giờ là Albert Luthuli, Oliver Tambo và Walter Sisulu không những cho rằng những người Toàn Phi đang đi quá đà mà còn cảm thấy quyền lãnh đạo của họ đang bị đe dọa. Vì thế cánh lãnh đạo của ANC đã củng cố vị thế của mình bằng cách liên minh với các đảng phái chính trị nhỏ của những người Da trắng, Da màu, lẫn Da đỏ nhằm tranh thủ lôi kéo rộng rãi số người ủng hộ hơn phái Toàn Phi. Những người Toàn Phi nhạo báng Hiến chương Tự do trong Hội nghị tại Kliptown năm 1955 vì đảng ANC với số lượng thành viên áp đảo 100.000 người mà chỉ có được một phiếu trong liên minh Đại hội. Bốn trong năm tổng thư ký của các đảng phái tham gia đại hội đều đã ngầm tham gia Đảng Cộng sản Nam Phi (SACP) tái cơ cấu, gắn liền với chính sách của Moskva. Đến năm 2003 Blade Nzimande, Tổng thư ký SACP, tiết lộ rằng Walter Sisulu, Tổng thư ký của đảng ANC, cũng đã bí mật gia nhập SACP vào năm 1955 có nghĩa là cả năm Tổng thư ký đều là người của SACP và do đó giải thích lý do tại sao Sisulu quyết định đưa vai trò của ANC từ vai trò chi phối xuống thành một trong năm bên ngang vai nhau.
Trong năm 1959, ANC mất phần lớn sự ủng hộ từ lực lượng chiến đấu khi phần lớn những người Toàn Phi, với sự hỗ trợ tài chính từ Ghana và chính trị từ những người Sotho tại tỉnh Transvaal, đã ly khai để thành lập Đại hội Toàn Phi (PAC) dưới sự lãnh đạo của Robert Sobukwe và Potlako Leballo.
MK, SACP, và du khảo Châu Phi: 1961–62
Vào năm 1961, Mandela trở thành người đồng sáng lập và là lãnh đạo cánh vũ trang của ANC, Umkhonto we Sizwe (tạm dịch Cây giáo của Quốc gia, cũng viết tắt là MK). Ông điều hành các chiến dịch phá hoại chống lại các mục tiêu quân sự và của chính quyền, lên kế hoạch cho một cuộc chiến tranh du kích nếu phương cách phá hoại vẫn không chấm dứt được chế độ apartheid. Mandela cũng quyên tiền cho MK ở nước ngoài và sắp xếp các buổi huấn luyện bán quân sự cho nhóm.
Người đồng chí trong đảng ANC Wolfie Kadesh giải thích chiến dịch đánh bom do Mandela dẫn dắt như sau: "Khi chúng tôi biết rằng chúng tôi sẽ bắt đầu vào ngày 16 tháng 12 năm 1961, nhằm làm nổ tung những vị trí là biểu tượng của chủ nghĩa apartheid, như văn phòng giấy thông hành, tòa án địa phương, và những nơi tương tự... bưu điện và... các văn phòng chính phủ. Nhưng chúng tôi dự định thực hiện điều đó sao cho không có ai bị thương vong." Mandela đã nói về Wolfie: "Kiến thức về chiến tranh và kinh nghiệm trận mạc của ông là cực kỳ hữu ích đối với tôi."
Mandela đã xem bước chuyển sang đấu tranh vũ trang là phương kế cuối cùng; nhiều năm trời với chính sách đàn áp và bạo lực ngày càng tăng của chính quyền đã cho ông thấy sự phản kháng bất bạo động chống chủ nghĩa Apartheid nhiều năm qđã không và cũng không thể thu được tiến triển nào.
Sau này, chủ yếu vào thập niên 1980, MK đã tiến hành chiến tranh du kích chống lại chế độ apartheid với nhiều thương vong là dân thường. Mandela sau này thừa nhận rằng ANC, trong cuộc chiến đấu chống lại apartheid, cũng vi phạm quyền con người, chỉ trích thẳng thừng những đảng viên trong đảng ông cố gắng đưa những câu chữ phản ánh sự thật ra khỏi báo cáo của Ủy ban Sự thật và Hòa giải.
Cho đến tận tháng 7 năm 2008, Mandela và các đảng viên ANC vẫn bị hạn chế đi đến Hoa Kỳ – ngoại trừ trụ sở Liên Hợp Quốc ở Manhattan — nếu không có giấy phép cho phép đặc biệt của Ngoại trưởng Hoa Kỳ, vì họ bị quy là khủng bố trong thời kỳ chế độ apartheid ở Nam Phi.
Giam cầm
Bị bắt giữ và phiên tòa Rivonia: 1962–1964
Ngày 5 tháng 8 năm 1962 Mandela bị bắt sau khi ẩn náu được 17 tháng, và giam giữ tại Pháo đài Johannesburg. Vụ bắt giữ này xảy ra do Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) đã tiết lộ nơi ẩn náu và nhân dạng giả của Mandela cho an ninh. Ba ngày sau đó, người ta đã đọc lời buộc tội ông chủ mưu kêu gọi công nhân đình công vào năm 1961 và vượt biên bất hợp pháp tại tòa. Ngày 25 tháng 10 năm 1962, Mandela bị tuyên án 5 năm tù giam. Hai năm sau vào ngày 11 tháng 6 năm 1964, ông lại phải ra tòa một lần nữa vì những hoạt động trong Hội đồng Quốc gia châu Phi (ANC).
Trong lúc Mandela đang trong tù, cảnh sát đã bắt giữ nhiều lãnh đạo cốt cán của ANC vào ngày 11 tháng 7 năm 1963, tại Liliesleaf Farm, Rivonia, phía bắc Johannesburg. Mandela được ghép vào xét xử chung, và tại Phiên tòa Rivonia, họ bị chánh án, Tiến sĩ Percy Yutar, cáo buộc nhiều tội danh trong đó chủ yếu là phá hoại (Mandela thừa nhận tội này) và các tội tương đương với phản quốc, nhưng chính quyền dễ chứng minh hơn. Lời buộc tội thứ hai cáo buộc các bị cáo âm mưu một cuộc xâm lược của ngoại quốc vào Nam Phi, Mandela phủ nhận tội danh này.
Trong lời phát biểu tại ghế bị cáo mở đầu phiên biện hộ trong phiên tòa ngày 20 tháng 4 năm 1964 tại Tòa án Tối cao Pretoria, Mandela đã nói rằng việc ANC lựa chọn sử dụng vũ lực chỉ là một sách lược mà thôi. Lời phát biểu của ông đã mô tả ANC đã sử dụng các biện pháp hòa bình như thế nào để chống lại chủ nghĩa apartheid trong nhiều năm trời cho đến khi xảy ra vụ Thảm sát Sharpeville. Sự kiện đó đi kèm với cuộc trưng cầu dân ý để thành lập Cộng hòa Nam Phi và sự tuyên bố tình trạng khẩn cấp cùng với việc cấm chỉ hoạt động của ANC đã khiến cho Mandela và các đồng chí của ông thấy rằng lựa chọn duy nhất của họ chỉ có thể thông qua các hành động phá hoại, nếu không chẳng khác nào một sự đầu hàng vô điều kiện. Mandela tiếp tục giải thích cách họ hình thành Tuyên ngôn Umkhonto we Sizwe vào ngày 16 tháng 12 năm 1961 dự kiến sẽ phô bày sự thất bại của các chính sách của Đảng Quốc gia sau khi nền kinh tế bị đe dọa cho những người ngoại quốc không còn sẵn lòng đầu tư vào đất nước nữa. Ông kết thúc bài phát biểu bằng những lời sau đây: "Tôi cống hiến cả đời tôi cho sự nghiệp đấu tranh của người dân châu Phi. Tôi đã chiến đấu chống lại sự thống trị của người da trắng, và tôi cũng chiến đấu chống lại sự thống trị của người da đen. Tôi yêu mến lý tưởng về một xã hội dân chủ và tự do trong đó mọi người dân sống với nhau hòa thuận và bình đẳng. Đó là lý tưởng mà tôi hy vọng sẽ sống vì nó và đạt được nó. Nhưng nếu cần, tôi cũng sẵn sàng chết vì lý tưởng đó."
Bram Fischer, Vernon Berrange, Harry Schwarz, Joel Joffe, Arthur Chaskalson và George Bizos là các luật sự bảo vệ cho bên bị. Harold Hanson cũng được bổ sung vào cuối phiên tòa để giúp giảm nhẹ tội danh. Tất cả mọi người trừ Rusty Bernstein đều bị tuyên là có tội, nhưng họ thoát khỏi án treo cổ mà bị tuyên tù chung thân vào ngày 12 tháng 6 năm 1964. Lời buộc tội gồm có tham gia lên kế hoạch hành động vũ trang, cụ thể là bốn cáo buộc phá hoại, mà Mandela thừa nhận, và một âm mưu chính trị trợ giúp nước ngoài xâm lược Nam Phi, tội này bị Mandela phủ nhận.
Thời gian trong tù
Nelson Mandela bị giam giữ tại Đảo Robben và đã ở đấy 18 năm trong tổng số 27 năm trong tù của ông. Khi ở trong tù, ông dần dần trở nên nổi tiếng với vai trò là nhà lãnh đạo da đen đáng chú ý nhất tại Nam Phi. Ở trên đảo, ông và các tù nhân khác phải lao động khổ sai ở một mỏ đá vôi. Điều kiện sống trong tù rất cơ bản. Tù nhân cũng bị phân chia theo sắc tộc và tù nhân da đen là những người nhận được lượng thực phẩm ít nhất. Tù chính trị được giam giữ riêng biệt với thường phạm và được hưởng ít quyền lợi hơn. Mandela đã mô tả rằng, do bị xếp vào tù nhân nhóm D (hạng thấp nhất) ông chỉ được phép có một người khách viếng thăm và nhận một lá thư mỗi sáu tháng. Những lá thư thường bị trễ khá lâu và rất khó đọc do chế độ kiểm duyệt trong nhà tù.
Lúc ở trong tù Mandela đã tham gia khóa học từ xa của Đại học Luân Đôn và nhận bằng Cử nhân Luật. Ông sau đó được đề cử làm Hiệu trưởng danh dự của Đại học Luân Đôn trong cuộc bình chọn năm 1981, nhưng vị trí này đã thuộc về Vương nữ Anne.
Trong cuốn hồi ký Inside BOSS xuất bản năm 1981 điệp viên Gordon Winter đã kể về việc ông này tham gia kế hoạch giải cứu Mandela vào năm 1969: kế hoạch này bị Winter tiết lộ thay mặt cho cơ quan tình báo Nam Phi, họ muốn Mandela trốn thoát để họ có thể xử bắn ông khi tìm bắt lại. Kế hoạch này đã bị Cơ quan Tình báo Anh chặn đứng.
Vào tháng 3 năm 1982 Mandela được chuyển từ Đảo Robben sang Nhà tù Pollsmoor, cùng với các nhà lãnh đạo ANC khác như Walter Sisulu, Andrew Mlangeni, Ahmed Kathrada và Raymond Mhlaba. Đã có suy đoán rằng đây là cách để xóa bỏ sức ảnh hưởng của các nhà lãnh đạo cấp cao này đối với thế hệ những nhà hoạt động da đen trẻ đang bị giam tại Đảo Robben, cái gọi là "Trường Đại học Mandela". Tuy nhiên, Thủ tướng Kobie Coetsee thuộc Đảng Quốc gia nói rằng việc chuyển trại này giúp cho việc liên hệ giữa họ và chính quyền Nam Phi được thuận tiện hơn.
Tháng 2 năm 1985 Tổng thống P.W. Botha đề nghị trả tự do cho Mandela với điều kiện ông phải 'từ bỏ phương cách đấu tranh chính trị bằng bạo lực một cách vô điều kiện'. Coetsee và các bộ trưởng khác phản đối đề xuất của Botha, cho rằng Mandela sẽ không bao giờ yêu cầu tổ chức của ông từ bỏ đấu tranh vũ trang để đổi lấy sự tự do cho cá nhân mình. Đúng là Mandela đã bác bỏ đề xuất và đưa ra lời tuyên bố thông qua cô con gái Zindzi trong đó nói rằng "Thứ tự do đang được đề nghị cho tôi là cái gì trong khi tổ chức của nhân dân vẫn bị cấm đoán? Chỉ có những người tự do mới có thể thương lượng mà thôi. Một tù nhân không thể tham gia vào một thỏa hiệp nào hết."
Cuộc gặp đầu tiên giữa Mandela và chính quyền Đảng Quốc gia diễn ra vào tháng 11 năm 1985, khi Kobie Coetsee gặp gỡ Mandela tại Bệnh viện Volks Hospital ở Cape Town nơi Mandela đang tịnh dưỡng sau cuộc phẫu thuật tuyến tiền liệt. Trong bốn năm sau đó, một loạt các cuộc gặp mang tính thăm dò đã diễn ra, làm nền tảng cho các cuộc tiếp xúc và thương lượng về sau, nhưng tiến bộ thực sự thì không nhiều.
Vào năm 1988 Mandela được chuyển đến Nhà tù Victor Verster và ở đó cho đến khi ông được phóng thích. Người ta đã dỡ bỏ nhiều hạn chế đối với ông và những người như Harry Schwarz đã có thể tự do thăm viếng ông. Schwarz, một người bạn của Mandela, biết ông từ khi họ học chung lớp luật ở trường đại học. Ông này cũng là luật sư biện hộ cho Mandela tại Phiên tòa Rivonia và sau này là đại sứ tại Washington khi Mandela làm tổng thống.
Trong suốt thời kỳ Mandela bị giam giữ, đã có nhiều áp lực ở trong cũng như ngoài nước đòi chính quyền Nam Phi phải trả tự do cho ông, với khẩu hiệu nổi tiếng Free Nelson Mandela! (Hãy thả Nelson Mandela) Đến năm 1989, Nam Phi có sự chuyển biến khi Botha bị đột quỵ và Frederik Willem de Klerk thay thế vào vị trí tổng thống. De Klerk tuyên bố thả tự do cho Mandela vào tháng 2 năm 1990.
Mandela đã được Ủy hội Chữ thập đỏ Quốc tế viếng thăm vài lần khi ông còn ở Đảo Robben và sau này ở nhà tù Pollsmoor. Mandela đã nói về những chuyến thăm viếng như sau: "với cá nhân tôi, và với những ai đã từng trải qua thời gian là tù chính trị, Hội chữ thập đỏ là một tia sáng nhân đạo trong thế giới tăm tối thiếu nhân tính của nhà tù chính trị."
Nhà tù Victor Verster và được trả tự do: 1988–1990
Ngày 2 tháng 2 năm 1990, Tổng thống Quốc gia F.W. de Klerk đã hủy lệnh cấm hoạt động đối với Đảng ANC và các tổ chức chống chủ nghĩa apartheid khác, đồng thời thông báo Mandela sẽ sớm được trả tự do. Mandela được trả tự do từ Nhà tù Victor Verster ở Paarl vào ngày 11 tháng 2 năm 1990. Sự kiện này được phát hình trực tiếp trên khắp thế giới.
Vào ngày được phóng thích, Mandela đã có một bài diễn văn gửi đến toàn quốc. Ông tuyên bố cam kết hòa bình và hòa giải với những người da trắng thiểu số trong nước, nhưng nói rõ rằng cuộc đấu tranh vũ trang của ANC vẫn chưa chấm dứt khi ông nói "phương sách đấu tranh vũ trang vào năm 1960 khi chúng tôi hình thành phái quân sự trong ANC (Umkhonto we Sizwe) đơn thuần là hành động tự vệ chống lại sự tàn bạo của chủ nghĩa apartheid. Các yếu tố đưa đến cuộc đấu tranh vũ trang đến nay vẫn hiển diện. Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp tục. Chúng tôi bày tỏ hy vọng một không khí có lợi cho một cuộc thương lượng sẽ sớm được tạo ra, để nhu cầu đấu tranh vũ trang không còn nữa."
Ông cũng nói rằng tập trung chính của ông là mang lại hòa bình cho những người da đen đa số và cho họ quyền bỏ phiếu trong những cuộc bầu cử cấp quốc gia lẫn địa phương.
Chấm dứt apartheid
Sau khi được trả tự do, Mandela trở lại làm lãnh đạo ANC, rồi từ năm 1990 đến 1994, ông lãnh đạo đảng này trong cuộc thương lượng đa đảng dẫn tới cuộc bầu cử đa sắc tộc đầu tiên trong nước.
Năm 1991, ANC tổ chức hội nghị toàn quốc đầu tiên của mình ở Nam Phi sau khi được dỡ bỏ lệnh cấm, hội nghị đã bầu Mandela làm Chủ tịch (President) của tổ chức. Người bạn và người đồng nghiệp lâu năm của ông, Oliver Tambo, người lãnh đạo tổ chức lưu vong khi Mandela còn ở trong tù, trở thành Chủ tịch Quốc gia (National Chairperson).
Vai trò lãnh đạo của Mandela trong cuộc thương thuyết, cũng như mối quan hệ của ông với Tổng thống F.W. de Klerk, đã được thừa nhận khi họ cùng được trao Giải Nobel Hòa bình năm 1993. Tuy nhiên, mối quan hệ này thỉnh thoảng trở nên căng thẳng, cụ thể như trong một phát biểu nảy lửa vào năm 1991 khi ông nói De Klerk là người cầm đầu một "chế độ không hợp pháp, mất uy tín, gồm toàn những người thiểu số". Cuộc thương thuyết có lần đã đổ vỡ do vụ thảm sát Boipatong tháng 6 năm 1992, khi đó Mandela cùng đoàn đại biểu của ANC bước ra khỏi cuộc thương thuyết, cáo buộc chính quyền De Klerk đồng lõa với các vụ giết chóc. Tuy nhiên, những cuộc hội đàm đã được tiếp diễn sau vụ thảm sát Bisho tháng 9 năm 1992, khi bóng ma bạo lực khiến cho người ta nhận thấy hội đàm là cách duy nhất để tiến tới một giải pháp.
Sau vụ ám sát nhà lãnh đạo ANC Chris Hani tháng 4 năm 1993, lại dấy lên sự sợ hãi đất nước sẽ lại tan vỡ trong bạo lực. Mandela đã gửi thông điệp toàn quốc yêu cầu mọi người bình tĩnh, trong bài phát biểu với vai trò 'tổng thống' dù khi đó ông chưa phải là tổng thống thực sự. Mandela nói rằng "tối nay tôi đang nói với từng người Nam Phi, cả đen lẫn trắng, những lời nói xuất phát từ sâu thẳm lòng mình. Một người da trắng đầy thành kiến và căm giận đã đến đất nước chúng ta và thực hiện một hành vi sai lầm đến mức khiến cả nước phải đối mặt với vực thẳm khủng hoảng. Một người phụ nữ da trắng, gốc Afrikan, đã liều mạng sống của bà để chúng ta có thể biết đến, và mang lại sự công bằng cho vụ ám sát này. Vụ giết người máu lạnh nhằm vào Chris Hani đã tạo một làn sóng rung chuyển đất nước và thế giới... Giờ đây đã đến lúc mọi người dân Nam Phi sát cánh cùng nhau để chống lại bất cứ hành vi nào nhằm phá hủy những gì Chris Hani đã cống hiến cả đời ông cho nó – sự tự do cho tất cả chúng ta". Dù đã có một số vụ bạo loạn xảy ra sau vụ ám sát, các bên thương lượng vẫn tích cực hành động, và sớm thỏa thuận một cuộc bầu cử dân chủ diễn ra vào ngày 27 tháng 4 năm 1994, chỉ hơn một năm sau vụ ám sát Hani.
Thời kỳ làm Tổng thống Nam Phi
Cuộc bầu cử đa sắc tộc đầu tiên ở Nam Phi với quyền bỏ phiếu được trao cho tất cả mọi người đã diễn ra vào ngày 27 tháng 4 năm 1994. ANC giành được 62% số phiếu bầu, và Mandela, với vai trò là lãnh đạo ANC, đã nhậm chức làm Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi vào ngày 10 tháng 5 năm 1994, de Klerk của Đảng Quốc gia là phó tổng thống thứ nhất và Thabo Mbeki là phó tổng thống thứ hai trong Chính phủ Thống nhất Quốc gia. Với vị trí là Tổng thống từ tháng 5 năm 1994 cho đến tháng 6 năm 1999, Mandela đã chủ trì sự chuyển giao từ quyền lực của thiểu số và chủ nghĩa apartheid, giành được sự tôn trọng của quốc tế đối với những nỗ lực hòa giải quốc gia và thế giới của ông. Mandela đã khích lệ những người Nam Phi da đen ủng hộ cho đội Springbok (đội tuyển rugby quốc gia Nam Phi) trước đây bị dân chúng ghét bỏ khi Nam Phi tổ chức Cúp Rugby Thế giới 1995. Sau khi Springbok giành chiến thắng trong trận chung kết trước New Zealand, Mandela đã trao cúp vô địch cho đội trưởng Francois Pienaar, một người Afrikan, trên người mặc chiếc áo đấu Springbok với con số 6 của Pienaar sau lưng. Hành động này được xem là bước tiến lớn của sự hòa giải giữa người Nam Phi da trắng và da đen.
Sau khi nhậm chức tổng thống, một trong những dấu hiệu đặc trưng của Mandela là chiếc áo Batik của ông, còn được biết đến với cái tên "Áo Madiba", kể cả trong những sự kiện long trọng. Trong hành động quân sự đầu tiên sau thời kỳ apartheid của Nam Phi, Mandela đã ra lệnh cho quân đội xâm nhập lãnh thổ Lesotho vào tháng 9 năm 1999 để bảo vệ chính quyền của Thủ tướng Pakalitha Mosisili. Vụ việc này diễn ra sau một cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi trong đó lực lượng phản đối đã đe dọa đến chính quyền thiếu ổn định này. Những nhà bình luận và phê bình trong đó có cả các nhà hoạt động vì AIDS như Edwin Cameron đã chỉ trích Mandela vì sự thiếu hiệu quả của chính quyền ông trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng AIDS. Sau khi nghỉ hưu, Mandela thừa nhận rằng ông đã thất bại vì đã không chú ý nhiều hơn đến bệnh dịch HIV/AIDS. Mandela từ đó đã có một số bài phát biểu chống lại bệnh dịch AIDS.
Vụ xử Lockerbie
Tổng thống Mandela có sự quan tâm đặc biệt trong việc giúp đỡ giải quyết tranh cãi kéo dài giữa một bên là quốc gia Lybia dưới thời Gaddafi, còn bên kia là Hoa Kỳ và Anh, đối với việc mang ra xét xử hai người Lybia bị truy tố vào tháng 11 năm 1991 và bị buộc tội phá hoại Chuyến bay 103 của Pan Am, khiến nó rơi tại thị trấn Lockerbie của Scotland ngày 21 tháng 12 năm 1988, làm cho 270 người thiệt mạng. Từ đầu năm 1992, Mandela đã có lời đề nghị không chính thức gửi tới Tổng thống George H.W. Bush yêu cầu xét xử hai nghi phạm Lybia tại quốc gia thứ ba. Bush tỏ ra tán thành đề nghị này, cả Tổng thống François Mitterrand của Pháp và Vua Juan Carlos I của Tây Ban Nha cũng vậy. Vào tháng 11 năm 1994 – sáu tháng sau khi ông đắc cử tổng thống – Mandela chính thức đề nghị Nam Phi nên là nơi diễn ra phiên toàn xét xử vụ đánh bom Chuyến bay 103 của Pan Am.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh John Major thẳng thừng từ chối ý tưởng này nói rằng chính phủ Anh không tin tưởng vào tòa án nước ngoài. Đến ba năm sau, Mandela một lần nữa lại gửi lời đề nghị đến người kế nhiệm Major, Tony Blair, khi ông có chuyến viếng thăm Luân Đôn vào tháng 7 năm 1997. Cuối năm đó, tại Cuộc họp những người đứng đầu chính phủ của khối Thịnh vượng chung năm 1997 tại Edinburgh tháng 10 năm 1997, Mandela đã cảnh báo:"Không thể có một quốc gia vừa là nguyên cáo, vừa là bên nguyên lẫn quan tòa."
Cuối cùng đã có một thỏa hiệp để tổ chức phiên tòa ở Trại quân sự Zeist ở Hà Lan, xét xử theo Luật Scotland, và Tổng thống Mandela bắt đầu thương thuyết với Đại tá Gaddafi để dẫn độ hai bị cáo (Megrahi và Fhimah) vào tháng 4 năm 1999. Sau phiên tòa kéo dài 9 tháng, phán quyết đã được công bố vào ngày 31 tháng 1 năm 2001. Fhimah được tuyên trắng án, nhưng Megrahi bị buộc tội và phải lãnh 27 năm tù trong một nhà tù ở Scotland. Kháng cáo lần đầu của Megrahi đã bị bác vào tháng 3 năm 2002, và cựu tổng thống Mandela đã đến thăm người này tại nhà tù Barlinnie vào ngày 10 tháng 6 năm 2002.
Megrahi sau đó được chuyển đến nhà tù Greenock và không còn bị biệt giam nữa. Tháng 8 năm 2009, Megrahi, sau khi được chẩn đoán bị ung thư và chỉ còn sống được 3 tháng, đã được trả tự do trong một đợt ân xá và được phép trở về Libya. Quỹ Nelson Mandela đã ủng hộ quyết định ân xá cho Megrahi trong một bức thư gửi tới Chính quyền Scotland thay mặt cho Mandela.
Hôn nhân và gia đình
Mandela đã kết hôn ba lần, và có sáu con, 20 đứa cháu và số chắt thì ngày càng tăng. Ông là ông nội của Tù trưởng Mandla Mandela.
Cuộc hôn nhân đầu tiên
Cuộc hôn nhân đầu tiên của Mandela là kết hôn với Evelyn Ntoko Mase người cũng như Mandela, xuất thân từ nơi về sau gọi là vùng Transkei của Nam Phi, mặc dù thực ra họ gặp nhau tại Johannesburg. Hai người chia tay vào năm 1957 sau 13 năm chung sống, ly dị vì sự căng thẳng do ông thường xuyên vắng nhà, dành quá nhiều thời gian cho công cuộc cách mạng, và một phần do bà là tín đồ Chứng nhân Jehovah, một tôn giáo đòi hỏi một sự trung lập về chính trị. Evelyn Mase chết năm 2004. Hai người có với nhau hai con trai, Madiba Thembekile (Thembi) (1946 – 1969) và Makgatho Mandela (1950 – 2005), và hai con gái, cả hai đều có tên Makaziwe Mandela (được biết đến với tên Maki; sinh 1947 và 1953). Đứa con gái đầu chết lúc 9 tháng tuổi, và họ đặt tên đứa con gái thứ hai theo tên cô con gái đầu lòng. Các con của họ đều đi học Trường Thế giới Thống nhất ở Waterford Kamhlaba. Thembi chết trong tai nạn xe hơi năm 1969 ở tuổi 25, khi đó Mandela đang bị giam giữ tại Đảo Robben và ông không được phép tham dự lễ tang. Makgatho chết vì bệnh AIDS năm 2005, khi 54 tuổi.
Cuộc hôn nhân thứ hai
Người vợ thứ hai của Mandela, Winnie Madikizela-Mandela, cũng xuất thân từ vùng Transkei, mặc dù hai người cũng gặp nhau tại Johannesburg, nơi bà là công chức da đen đầu tiên của thành phố. Họ có hai con gái, Zenani (Zeni), sinh ngày 4 tháng 2 năm 1958 và Zindziswa (Zindzi) Mandela-Hlongwane, sinh năm 1960. Zindzi chỉ mới 18 tháng tuổi khi cha cô bị giam tại nhà tù Đảo Robben. Sau này, Winnie phải chịu mối bất hòa trong gia đình, phản ảnh cuộc xung đột chính trị của đất nước; khi chồng bà đang chịu án chung thân ở Đảo Robben, còn cha bà lại làm bộ trưởng nông nghiệp ở Transkei. Cuộc hôn nhân kết thúc bằng một cuộc ly thân rồi ly dị, được kích thêm từ mối bất hòa về chính trị.
Mandela vẫn mòn mỏi trong tù khi con gái ông Zenani kết hôn với Hoàng thân Thumbumuzi Dlamini năm 1973, anh trai của Vua Mswati III của Swaziland. Mặc dù bà có ấn tượng sâu sắc về cha mình, nhà chức trách Nam Phi không cho phép bà thăm ông từ khi bà 4 tuổi cho đến lúc bà 16 tuổi. Hai vợ chồng Dlamini sinh sống và kinh doanh tại Boston. Một trong hai đứa con trai của họ, Hoàng tử Cedza Dlamini (sinh năm 1976), được giáo dục tại Hoa Kỳ, đã đi theo bước chân của ông ngoại làm một người ủng hộ cho quyền con người và trợ giúp nhân đạo.
Zindzi Mandela-Hlongwane đã làm nên lịch sử trên toàn thế giới khi bà đọc bài diễn văn của Mandela từ chối lời đề nghị tha bổng có điều kiện vào năm 1985. Bà là nữ doanh nhân tại Nam Phi với ba con, đứa đầu lòng là con trai, Zondwa Gadaffi Mandela.
Cuộc hôn nhân thứ ba
Mandela đã tái giá vào sinh nhật lần thứ 80 của ông năm 1998, với Graça Machel nhũ danh Simbine, góa phụ của Samora Machel, cựu tổng thống Mozambique và là đồng minh của ANC bị chết trong vụ rơi máy bay 12 năm trước đó. Cuộc hôn nhân là kết quả của hàng tháng trời thương thảo ở cấp quốc tế để đặt ra đồ sính lễ chưa từng có trong lịch sử để được rút khỏi bộ tộc của Machel. Một thỏa thuận miệng đã được thực hiện bởi nhà vua truyền thống đại diện cho Mandela, Vua Buyelekhaya Zwelibanzi Dalindyebo. Ông nội của thủ lĩnh tối cao là quan nhiếp chính Jongintaba Dalindyebo, người đã sắp xếp cuộc hôn nhân cho Mandela, đã lảng tránh bằng cách trốn sang Johannesburg vào năm 1940.
Mandela hiện vẫn còn ngôi nhà tại Qunu do đứa cháu trai nối dõi của ông quản lý, hiện ông vẫn trả tiền học phí và giữ quyền ủy viên hội đồng.
Nghỉ hưu
Mandela là Tổng thống đắc cử lớn tuổi nhất của Nam Phi khi ông nhậm chức ở tuổi 75 vào năm 1994. Ông đã quyết định không cầm quyền nhiệm kỳ thứ hai và nghỉ hưu vào năm 1999, người kế nhiệm ông là Thabo Mbeki.
Sau khi rời ghế Tổng thống, Mandela tiếp tục đóng vai trò tích cực trong nhiều tổ chức xã hội và vì quyền con người. Ông biểu lộ sự ủng hộ phong trào Make Poverty History (Biến đói nghèo thành dĩ vãng) mà trong đó Chiến dịch ONE là một bộ phận. Giải golf gây quỹ Khách mời Nelson Mandela, do Gary Player chủ trì, đã thu được hơn 20 triệu rand cho các quỹ vì trẻ em từ lúc bắt đầu năm 2000.
Mandela cũng là người ủng hộ cho Làng trẻ em SOS, tổ chức chuyên quyên tiền giúp đỡ trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi lớn nhất thế giới. Mandela cũng xuất hiện trong một đoạn quảng cáo cho Thế vận hội mùa đông 2006, và đã được trích dẫn trong chiến dịch Chúc mừng nhân loại của Ủy ban Olympic Quốc tế:
Tạm dịch:
Sức khỏe
Tháng 7 năm 2001 Mandela được chẩn đoán bệnh ung thư tuyến tiền liệt và tiến hành chữa trị. Ông được xạ trị trong 7 tuần. Năm 2003, Mandela bị CNN thông báo nhầm là đã chết khi bản cáo phó viết sẵn của ông (cùng với vài yếu nhân khác) do sơ suất đã hiển thị trên website của CNN vì lỗi bảo vệ mật khẩu. Vào năm 2007, một nhóm cánh tả không chính thống đã phổ biến email và tin nhắn SMS giả mạo nói rằng nhà chức trách đang giấu giếm cái chết của Mandela và những người Nam Phi da trắng sẽ bị tàn sát sau tang lễ của ông. Mandela lúc đó đang đi nghỉ tại Mozambique.
Tháng 6 năm 2004, ở tuổi 85, Mandela thông báo rằng ông sẽ không tham gia các hoạt động công cộng nữa. Sức khỏe của ông dần giảm sút, và ông muốn có nhiều thời gian hơn với gia đình. Mandela nói rằng không định cách ly hoàn toàn khỏi công chúng, nhưng muốn mình ở vị thế "sẽ gọi cho các bạn để hỏi xem tôi có được chào đón hay không, chứ không phải được mời làm các thứ và tham dự các sự kiện nữa. Lời thỉnh cầu của tôi là: Đừng gọi cho tôi, tôi sẽ gọi cho các bạn." Từ năm 2003, ông ít xuất hiện trước công chúng hơn và ít phát ngôn trước các vấn đề. Tóc ông bạc trắng và ông di chuyển chậm chạp với sự hỗ trợ của gậy. Cũng có báo cáo là ông đang bị chứng mất trí nhớ của người già.
Sinh nhật lần thứ 90 của Mandela đã được tổ chức ở nhiều nơi khắp đất nước ngày 18 tháng 7 năm 2008, lễ mừng chính được tổ chức tại quê nhà Qunu của ông. Một buổi hòa nhạc vinh danh ông cũng được tổ chức tại Hyde Park, Luân Đôn. Trong buổi diễn văn kỷ niệm sinh nhật của mình, Mandela kêu gọi những người giàu hãy giúp đỡ người nghèo trên khắp thế giới. Mặc dù vẫn ít xuất hiện trong suốt kỳ World Cup 2010 tại Nam Phi, Mandela cũng xuất hiện tại buổi bế mạc, tại đó ông đã được "chào đón nhiệt liệt".
The Elders
Ngày 18 tháng 7 năm 2007, Nelson Mandela, Graça Machel, và Desmond Tutu tụ họp một nhóm các nhà lãnh đạo thế giới tại Johannesburg để đóng góp sự hiểu biết và khả năng lãnh đạo độc lập để giải quyết các vấn đề khó khăn nhất trên thế giới. Nelson Mandela thông báo lập nên một nhóm mới, The Elders, trong một bài diễn văn nhân sinh nhật lần thứ 89 của mình.
Tổng giám mục Tutu làm chủ tịch của The Elders. Các thành viên sáng lập nhóm bao gồm Graça Machel, Kofi Annan, Ela Bhatt, Gro Harlem Brundtland, Jimmy Carter, Lý Triệu Tinh, Mary Robinson và Muhammad Yunus.
"Nhóm này có tiếng nói tự do và khẳng khái, hoạt động công khai lẫn hậu trường về bất cứ hành động nào cần thực hiện", Mandela nói. "Cùng với nhau chúng tôi sẽ hoạt động để ủng hộ lòng can đảm tại nơi có sợ hãi, nuôi dưỡng thỏa thuận tại nơi có tranh chấp, và truyền hy vọng tại nơi tuyệt vọng."
Chống AIDS
Sau khi về hưu, một trong những sự quan tâm chính của Mandela là đấu tranh chống lại bệnh dịch AIDS. Ông đã có bài phát biểu bế mạc Hội nghị về AIDS Quốc tế lần thứ XIII năm 2000, tại Durban, Nam Phi. Vào năm 2003, ông hỗ trợ bằng cách cho phép chiến dịch gây quỹ chống AIDS 46664 sử dụng số hiệu tù nhân của ông. Tháng 7 năm 2004, ông bay tới Bangkok để phát biểu tại Hội nghị về AIDS Quốc tế lần thứ XV. Con trai ông, Makgatho Mandela, chết vì bệnh AIDS vào ngày 6 tháng 1 năm 2005.
Phê phán chính sách ngoại giao của Mỹ và Anh
Nelson Mandela phản đối mạnh mẽ vụ can thiệp của NATO tại Kosovo năm 1999 và gọi đó là nỗ lực của các cường quốc nhằm kiểm soát thế giới.
Năm 2002 và 2003, Mandela chỉ trích chính sách ngoại giao của chính quyền Tổng thống Mỹ George W. Bush trong nhiều bài phát biểu. Phê phán về việc thiếu sự tham gia của Liên Hợp Quốc trong quyết định bắt đầu Chiến tranh Iraq, ông nói, "Đó là một bi kịch, những gì đang xảy ra, những gì Bush đang làm. Nhưng Bush giờ đây đang làm xói mòn Liên Hợp Quốc." Mandela cho rằng ông chỉ ủng hộ hành động chống lại Iraq nếu đó là do Liên Hợp Quốc ra lệnh. Mandela cũng nói bóng gió đến việc Liên Hợp Quốc có lẽ đã bị ảnh hưởng bởi sự phân biệt chủng tộc vì đã không tuân theo ý kiến của Liên Hợp Quốc và tổng thư ký Kofi Annan về vấn đề chiến tranh. "Có phải vì tổng thư ký Liên Hợp Quốc hiện tại là một người da đen hay không? Họ không bao giờ làm vậy khi tổng thư ký là người da trắng".
Ông kêu gọi nhân dân Mỹ tham gia vào các cuộc biểu tình lớn chống lại Bush và kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới, đặc biệt là những nước có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, phản đối Bush. "Điều tôi lên án ở đây là chỉ một cường quốc, với một vị tổng thống không có óc chiến lược, người không thể nghĩ cho đúng đắn, giờ đang muốn đẩy thế giới vào một cuộc tàn sát." Ông tấn công Hoa Kỳ vì các thành tích xấu về nhân quyền và đã thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới II. "Nếu có một quốc gia có hành động tàn ác đến mức không thể diễn tả được bằng lời, đó là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Họ bất cần." Nelson Mandela cũng chê trách nặng nề Thủ tướng Anh Tony Blair và gọi ông là "ngoại trưởng của Mỹ."
Tranh chấp với Ismail Ayob
Ismail Ayob từng là một người bạn tin cậy và là luật sư riêng của Mandela trong hơn 30 năm. Vào tháng 5 năm 2005, Ayob được Mandela yêu cầu dừng bán các ấn phẩm có chữ ký của Mandela và tính toán lại lợi nhuận thu được từ việc bán chúng. Tranh chấp này đã khiến Mandela đệ đơn lên Tòa án Tối cao Nam Phi vào năm đó. Ayob cho rằng mình không làm điều gì sai trái, và nói rằng ông là nạn nhân của một chiến dịch bôi nhọ do các cố vấn của Mandela, mà cụ thể là luật sư George Bizos, dựng lên.
Vào năm 2005 và 2006, Ayob và vợ con của ông trở thành đối tượng chỉ trích của các cố vấn của Mandela. Vụ tranh chấp này được truyền thông rộng rãi, với Ayob được mô tả ở vị thế phản diện, cao điểm là khi Mandela đệ đơn lên Tòa án Tối cao. Đã có những cuộc họp công khai trong đó những người thân cận của Mandela chỉ trích Ayob và công chúng còn kêu gọi tẩy chay Ayob và gia đình ông. Lời biện hộ của Ismail và Zamila Ayob (vợ ông, và cũng là bị cáo liên quan) đưa ra các văn bản do Mandela ký và được các thư ký của ông làm chứng, từ đó bác bỏ nhiều lý lẽ của Nelson Mandela và các cố vấn.
Tranh chấp này một lần nữa lại xuất hiện trên mặt báo vào tháng 2 năm 2007 khi trong một phiên tòa tại Tòa án Tối cao Johannesburg, Ayob hứa sẽ trả 700.000 rand cho Mandela, chuyển qua các quỹ vì trẻ em của Mandela, và gửi lời xin lỗi,
mặc dù sau đó ông cho rằng ông là nạn nhân của "Sự trả thù" từ Mandela. Một số nhà bình luận bày tỏ sự cảm thông cho vị thế của Ayob, nói rằng vị trí biểu tượng của Mandela khiến cho Ayob khó mà được đối xử một cách công bằng.
Lý lẽ
Ayob, George Bizos và Wim Trengove là những người được ủy thác của Quỹ Ủy thác Nelson Mandela, được thành lập để cất giữ hàng triệu rand do các nhân vật kinh doanh nổi tiếng, trong đó có gia đình Oppenheimer, tặng cho Nelson Mandela vì lợi ích của con và cháu của ông. Ayob sau này rút lui của Quỹ ủy thác. Vào năm 2006, hai người được ủy thác còn lại của Nelson Mandela Trust đã tố cáo Ayob đã chi tiêu tiền từ quỹ ủy thác mà không báo cho họ biết. Ayob tuyên bố rằng số tiền này là để trả cho Dịch vụ Doanh thu Nam Phi, cho con và cháu của Mandela, cho chính Mandela, và trả cho bốn năm làm việc của công ty kế toán.
Bizos và Trengrove từ chối thông qua việc chi trả cho con cháu của Nelson Mandela và tiền trả cho công ty kế toán. Phiên tòa đã thỏa thuận rằng Ismail Ayob phải trả số tiền này, tổng cộng hơn 700.000 rand, cho quỹ ủy thác vì lẽ Ayob đã chưa được sự đồng ý của hai ủy thác viên khác trước khi dùng tiền. Người ta cũng khẳng định là Ayob đã có những nhận xét phỉ báng Mandela trong bản khai, vì thế tòa cũng yêu cầu Ayob xin lỗi. Người ta đã cho thấy các nhận xét này, tập trung vào các tài khoản ở nước ngoài của Nelson Mandela và việc không trả thuế cho các tài khoản này, không xuất phát từ lời khai của Ayob mà là từ chính lời khai của Nelson Mandela và George Bizos.
Tranh cãi về Kim cương máu
Trong một bài viết trong báo The New Republic tháng 12 năm 2006, Nelson Mandela bị chỉ trích vì một số lời nhận xét tốt đẹp về ngành công nghiệp kim cương. Người ta lo ngại là điều này sẽ làm lợi cho những nhà cung cấp kim cương máu. Trong bức thư gửi tới Edward Zwick, đạo diễn của bộ phim Kim cương máu, Mandela nói rằng:
Bài báo trên New Republic nói rằng lời bình luận này, cũng như các sáng kiến và phát biểu trong cuộc đời ông và trong thời gian làm tổng thống Nam Phi, bị ảnh hưởng từ cả tình bạn với Harry Oppenheimer, cựu chủ tịch De Beers, lẫn từ quan điểm 'quyền lợi quốc gia hẹp hòi' của Nam Phi (là nhà sản xuất kim cương chính).
Zimbabwe và Robert Mugabe
Robert Mugabe, tổng thống Zimbabwe, người đã lãnh đạo đất nước này từ khi độc lập năm 1980, đã nhận được nhiều lời chỉ trích trên thế giới vì trận đánh giết chết khoảng 3000 người vào thập niên 1980 cũng như tham nhũng, quản lý yếu kém, đàn áp chính trị và theo gia đình trị dẫn đến nền kinh tế nước này sụp đổ.
Mặc dù cùng xuất thân là những nhà hoạt động vì tự do quốc gia, Mandela và Mugabe ít khi được xem là gần gũi. Mandela chỉ trích Mugabe vào năm 2000, nhắc tới những nhà lãnh đạo châu Phi đã giải phóng đất nước họ nhưng khư khư giữ ghế quá lâu. Khi về hưu, Mandela ít nhắc đến Zimbabwe và các vấn đề đối nội đối ngoại hơn, đôi khi đưa đến chỉ trích là không biết sử dụng ảnh hưởng của mình để khuyến khích giảm bớt chính sách của mình. Luật sư của ông George Bizos tiết lộ rằng Mandela đã được khuyên để giữ gìn sức khỏe ông phải tránh tham gia vào các hoạt động nhiều áp lực như các tranh cãi về chính trị. Tuy nhiên, vào năm 2007, Mandela đã nỗ lực thuyết phục Mugabe rời chức "sớm hơn", với "chút ít chân giá trị còn lại", trước khi ông bị săn đuổi như Augusto Pinochet. Mugabe không phản ứng gì trước lời phát biểu này. Vào tháng 6 năm 2008, ở cao trào khủng hoảng trong cuộc bầu cử tổng thống Zimbabwe, Mandela lên án "sự thất bại thảm hại của quyền lãnh đạo" tại Zimbabwe.
Tôn vinh
Theo một bài viết trên tạp chí Newsweek, "Mandela đã có được một vị trí bất khả xâm phạm khi nhắc đến Nam Phi. Ông là nhà giải phóng dân tộc, vị cứu tinh, là Washington và Lincoln hòa lại làm một".
Tháng 11 năm 2009, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông báo ngày sinh của Mandela, 18 tháng 7, sẽ được gọi là "Ngày Mandela" để ghi nhớ sự đóng góp của ông vào nền tự do của thế giới.
Huân huy chương
Mandela đã nhận được nhiều giải thưởng của Nam Phi, nước ngoài và quốc tế, trong đó có Giải Nobel Hòa bình năm 1993 (cùng với Frederik Willem de Klerk), được Nữ hoàng Elizabeth II trao Huân chương Công lao và Baliff Grand Cross của Huân chương Thánh John, Huân chương Tự do Tổng thống của George W. Bush. Tháng 7 năm 2004, thành phố Johannesburg trao tặng danh hiệu cao nhất cho Mandela sự tự do của thành phố tại buổi lễ ở Orlando, Soweto.
Ông cũng thường nhận được sự tán dương khi đi ra nước ngoài. Trong chuyến thăm Canada năm 1998, 45.000 học sinh đã chào đón ông khi ông có bài phát biểu tại SkyDome, Toronto. Vào năm 2001, ông là người còn sống đầu tiên trở thành Công dân danh dự của Canada (người nhận danh hiệu duy nhất trước đó là Raoul Wallenberg sau khi đã mất). Khi còn ở Canada, ông cũng nhận Huân chương Canada, là một trong số ít người nước ngoài nhận được huân chương này.
Năm 1981, ông được trao Giải Bruno Kreisky. Năm 1988, ông đoạt Giải thưởng Sakharov của Nghị viện châu Âu và Giải Nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Năm 1990 ông nhận được Giải thưởng Bharat Ratna của chính phủ Ấn Độ và là người cuối cùng nhận được Giải thưởng Hòa bình Lenin của Liên Xô. Vào năm 1992 ông được nhận Giải thưởng Hòa bình Atatürk của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đã từ chối giải thưởng vì cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ lúc đó đang vi phạm nhân quyền, nhưng đến năm 1999 thì chấp nhận giải thưởng Vào năm 1992 ông nhận được Nishan-e-Pakistan, giải thưởng phục vụ cộng đồng cao nhất của Pakistan. Năm 2004, ông được trao Giải Ý thức toàn cầu của Câu lạc bộ Budapest.
Bài hát ca ngợi
Nhiều nghệ sĩ đã viết bài hát và nhạc về Mandela. Một trong những nhóm nổi tiếng nhất là The Specials đã thu âm bài hát "Free Nelson Mandela" vào năm 1983. Stevie Wonder viết bài hát đã đoạt giải Oscar "I Just Called to Say I Love You" cho Mandela, dẫn đến bài này bị Hãng thông tấn Nam Phi cấm lưu hành. Vào năm 1985, album Nelson Mandela của Youssou N'Dour là bản phát hành đầu tiên tại Mỹ của ca sĩ người Senegal này.
Năm 1988, một buổi hòa nhạc Kỷ niệm ngày sinh lần thứ 70 của Mandela đã diễn ra tại Sân vận động Wembley ở Luân Đôn là trung tâm của phong trào chống chủ nghĩa apartheid, tại đó nhiều ca sĩ đã góp tiếng nói ủng hộ Mandela. Jerry Dammers, tác giả của bài hát Nelson Mandela, là một thành viên trong ban tổ chức. Simple Minds đã thu âm bài hát "Mandela Day" dành cho buổi hòa nhạc, Santana đã thu âm bản giao hưởng "Mandela", Tracy Chapman trình diễn bài "Freedom Now", dành tặng cho Mandela và phát hành album Crossroads, Salif Keita đến từ Mali, có chơi ở buổi hòa nhạc, sau này có đến thăm Nam Phi và năm 1995 thu âm bài hát "Mandela" trong album Folon.
Tại Nam Phi, "Asimbonanga (Mandela)" ("Chúng tôi chưa thấy ông") trở thành một trong những bài hát nổi tiếng nhất của Johnny Clegg, xuất hiện trong album Third World Child năm 1987. Hugh Masekela, khi đó đang lưu vong ở Anh, đã hát bài "Bring Him Back Home (Nelson Mandela)" vào năm 1987. Bài hát "Black President" vào năm 1989 của Brenda Fassie, cũng dành tặng Mandela, trở nên cực kỳ nổi tiếng dù nó bị cấm tại Nam Phi. Nhạc sĩ nhạc reggae người Nigeria Majek Fashek đã phát hành đĩa đơn, "Free Mandela" vào năm 1992, đưa ông thành một trong nhiều nghệ sĩ Nigeria phát hành bài hát liên quan đến phong trào chống chủ nghĩa apartheid và đến Mandela.
Vào năm 1990, ban nhạc rock ở Hồng Kông Beyond đã ra mắt bài hát tiếng Quảng Đông nổi tiếng, "Days of Glory". Bài hát với chủ đề chống chủ nghĩa apartheid đã nhắc đến cuộc đấu tranh anh hùng của Mandela vì sự công bằng sắc tộc. Nhóm Ladysmith Black Mambazo đã đi cùng với Mandela tới buổi trao Giải Nobel Hòa bình tại Oslo, Na Uy vào năm 1993, và trình diễn trong buổi nhậm chức năm 1994. Vào năm 2003, Mandela đồng ý đưa tên tuổi của ông vào chiến dịch 46664 chống lại căn bệnh AIDS, đặt theo số tù của ông. Nhiều nhạc sĩ nổi tiếng đã trình diễn trong các buổi hòa nhạc.
Sơ lược tiểu sử của Mandela đã được chiếu trong bản video nhạc "If Everyone Cared" của Nickelback vào năm 2006. Bài hát "Turn This World Around" của Raffi dựa trên bài diễn văn của Mandela khi ông giải thích thế giới cần phải "xoay vòng, vì những đứa trẻ". Một buổi hòa nhạc kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Mandela đã diễn ra tại Hyde Park, Luân Đôn ngày 27 tháng 6 năm 2008.
Sách tiểu sử đã xuất bản
Tự truyện của Mandela, Long Walk to Freedom, được xuất bản vào năm 1994. Mandela đã bắt đầu viết cuốn sách này một cách bí mật khi ở trong tù. Trong quyển sách này Mandela không tiết lộ điều gì về sự đồng lõa của F. W. de Klerk trong những vụ bạo lực xảy ra vào thập niên 80 và 90, hay vai trò của bà vợ cũ Winnie Mandela trong những vụ tắm máu đó. Tuy nhiên, ông sau này có cộng tác cùng với bạn ông, nhà báo Anthony Sampson bàn luận về các vấn đề này trong Mandela: The Authorised Biography. Một chi tiết khác mà Mandela đã bỏ qua là cuốn sách có phần giả mạo Goodbye Bafana. Tác giả của nó, cai ngục James Gregory trên đảo Robben, nhận mình là bạn tâm tình của Mandela trong tù và đã xuất bản những chi tiết về những vụ yêu đương trong gia đình của người tù. Sampson luôn nói rằng Mandela không biết rõ Gregory lắm, nhưng có thể Gregory đã kiểm duyệt những bức thư gửi cho Mandela nên khám phá ra những chi tiết về đời tư của Mandela. Sampson cũng quả quyết rằng các cai ngục khác nghi ngờ Gregory là mật thám của chính phủ và Mandela đang xem xét việc kiện Gregory.
Điện ảnh và truyền hình
Bộ phim Mandela and De Klerk kể lại câu chuyện phóng thích Mandela. Mandela do Sidney Poitier đóng vai. Goodbye Bafana, một bộ phim phóng sự nói về cuộc đời của Mandela, ra mắt tại liên hoan phim Berlin ngày 11 tháng 2 năm 2007. Bộ phim có diễn viên Dennis Haysbert đóng vai Mandela và diễn tả tình bạn trong tù giữa Mandela và James Gregory.
Trong loạt chương trình truyền hình Mỹ The Cosby Show cháu nội của Cliff và Claire Huxtable được đặt theo tên của Nelson và Winnie để tôn vinh Mandela và bà vợ khi đó của ông Winnie.
Trong cảnh cuối năm 1992 bộ phim Malcolm X, Mandela – vừa được phóng thích sau 27 năm ở tù – đóng vai thầy giáo trong một lớp học Soweto. Ông nhắc lại một phần bài diễn văn nổi tiếng nhất của Malcolm X, trong đó có câu: "Chúng ta sinh ra trên Trái Đất với quyền làm người, phải được tôn trọng như một con người, được trao những quyền của một con người trong xã hội này, trên Trái Đất này, vào ngày này, điều chúng ta muốn đưa thành hiện thực..."
Đoạn cuối nổi tiếng của câu đó là "bằng bất cứ giá nào." Mandela đã thông báo với đạo diễn Spike Lee rằng ông không thể đọc câu này trước máy quay vì sợ chính quyền apartheid sẽ dùng nó chống lại ông. Lee đã rất biết ơn, và những giây cuối cùng của bộ phim là đoạn phim trắng đen của chính Malcolm X đọc câu này.
Mandela và đội trưởng Springboks, Francois Pienaar, là chủ đề của cuốn sách năm 2008 của John Carlin, Playing the Enemy: Nelson Mandela and the Game that Made a Nation, trong đó nhấn mạnh vai trò của chiến thắng trong Giải rugby vô địch thế giới 1995 tại Nam Phi thời hậu apartheid. Carlin bán quyền làm phim cho Morgan Freeman. Bộ phim này, có tên Invictus, được đạo diễn bởi Clint Eastwood, trong đó Freeman đóng vai Nelson Mandela và Matt Damon vai Pienaar.
Tượng đài
Vào ngày 30 tháng 4 năm 2001, Khu vườn Nelson Mandela ở Quảng trường Thiên niên kỷ, Leeds đã chính thức khai trương và Nelson Mandela được tặng giải sự tự do của thành phố và được tặng một 'con cú vàng' (biểu tượng của Leeds) làm kỷ niệm. Trong bài phát biểu bên ngoài Đại sảnh Leeds trước 5000 người, Mandela đã cảm ơn nhầm 'nhân dân Liverpool vì sự hào phóng của các bạn'.
Vào ngày 31 tháng 3 năm 2004, Quảng trường Sandton ở Johannesburg được đổi tên thành Quảng trường Nelson Mandela, sau khi người ta dựng bức tượng Nelson Mandela cao 6 mét ở quảng trường để vinh danh nguyên thủ Nam Phi của mình.
Vào ngày 29 tháng 8 năm 2007, một bức tượng Nelson Mandela được khánh thành tại Quảng trường Nghị viện ở Luân Đôn bởi Richard Attenborough, Ken Livingstone, Wendy Woods, và Gordon Brown. Chiến dịch dựng tượng bắt đầu vào năm 2000 bởi Donald Woods, một nhà báo Nam Phi lưu vong vì tham gia phong trào chống chủ nghĩa apartheid. Mandela nói rằng nó đại diện cho không chỉ ông, mà còn cho những ai đang chống lại áp bức, đặc biệt tại Nam Phi. Ông nói thêm: "Lịch sử đấu tranh tại Nam Phi đầy những câu chuyện về các nam nữ anh hùng, một số họ là nhà lãnh đạo, một số là người ủng hộ. Tất cả họ đều xứng đáng được ghi nhớ."
Vào ngày 27 tháng 8 năm 2008, một bức tượng của Nelson Mandela được khánh thành tại Trại cải tạo Drakenstein Groot giữa Paarl và Franshhoek trên đường R301, gần Cape Town. Trước đây có tên Victor Verster, đây là nơi Mandela trải qua những năm cuối cùng trong thời gian 27 năm ở tù, khi ông và các đồng chí ở ANC đã thương thảo với chính quyền apartheid về những điều khoản để ông được tự do và bản chất của nước Nam Phi mới.
Bức tượng được đặt ngay nơi Mandela bước bước đi đầu tiên với tư thế một người tự do. Ngay bên ngoài cổng tù – đỉnh điểm của Long Walk to Freedom – tên tự truyện của Mandela.
Sau Trận động đất Loma Prieta năm 1989 phá hủy phần Cầu cạn đường Cypress của Xa lộ Nimitz tại Oakland, California, thành phố đã đổi tên con đường này và đặt tên là Mandela Parkway.
Tại Leicester, nước Anh, có một Công viên Nelson Mandela với khẩu hiệu "Nam Phi thuộc về tất cả những ai sống tại đó, dù Trắng hay Đen".
Qua đời
Lãnh tụ Nelson Mandela từ trần vào ngày 5 tháng 12 năm 2013 tại thành phố Johannesburg, hưởng thọ 95 tuổi
Chú thích
Tài liệu
Đọc thêm |
Jaroslav Seifert (23 tháng 9 năm 1901 tại Praha – 10 tháng 1 năm 1986 tại Praha) là một nhà văn, nhà thơ và nhà báo Tiệp Khắc được nhận giải Nobel Văn học năm 1984.
Tiểu sử và sự nghiệp
Jaroslav Seifert sinh tại Žižkov, ngoại ô Praha. Bố ông, Antonín Seifert (sinh 1861), là thợ khóa, viên chức, nhà buôn bán ảnh và công nhân tại khoa chỉnh hình. Mẹ ông là Marie Seifertová (tên sinh Marie Borutová) (sinh 1873).
Ông theo học một số trường gymnázium (một loại trường trung học tại Séc), nhưng bỏ học sau năm thứ sáu vì nghỉ nhiều. Trong thời gian này Seifert hay đi bán thơ của mình tại những quán bia Praha. Tập thơ đầu tiên của ông được xuất bản năm 1921.
Ông là thành viên Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, chủ bút nhiều báo và tạp chí cộng sản - Rovnost, Srsatec và Reflektor - và là nhân viên của nhà xuất bản cộng sản. Trong thập niên 1920, ông được coi là người cầm đầu những người đi tiên phong nghệ thuật Tiệp Khắc.
Năm 1949, ông và sáu nhà văn cộng sản khác bị đuổi ra khỏi đảng cộng sản vì ký tên vào bản tuyên ngôn chống đối lại xu hướng Bolshevik của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc.
Năm 1949, Seifert bỏ nghề viết báo để trọng tâm vào văn học. Thơ của ông nhận được nhiều giải quốc gia quan trọng những năm 1936, 1955 và 1968; năm 1967, ông được bổ nhiệm thành Nghệ sĩ quốc gia. Ông trở thành chủ tịch Hiệp hội Nhà văn Tiệp Khắc trong vòng mấy năm (1968-70). Năm 1984, ông nhận được Giải Nobel. Ông mất năm 1986.
Tác phẩm nổi bật
Tác phẩm “Praha – vòng hoa thơ sonet” là bài thơ hay của Seifert gồm 15 bài sonet, mà câu mở đầu của bài tiếp theo là câu kết thúc của bài trước đó và bài cuối cùng là tập hợp những câu đầu tiên của 14 bài trước đó. Thể loại thơ “vòng hoa sonet” (A crown of sonnets) này có ở Ý từ thế kỷ XIV và thường được các bậc thầy về thơ dùng để thi thố tài nghệ. Tác phẩm đặc biệt này đã được dịch ra tiếng Việt. |
Norodom Sihamoni (, , phát âm như: "No-rô-đom Xơi-ha-mô-ni", tên đầy đủ là: Preah Karuna Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni, sinh 14 tháng 5 năm 1953 tại Phnôm Pênh) là quốc vương Campuchia. Ông là con trai cựu Quốc vương Norodom Sihanouk và Thái hậu Norodom Moninaeth.
Tiểu sử
Thời niên thiếu của ông chủ yếu ở Praha, Tiệp Khắc. Ông đã học các môn nhạc, kịch, khiêu vũ tại Nhạc viện Quốc gia Praha, tốt nghiệp Viện Hàn lâm Nghệ thuật Âm nhạc Praha năm 1975. Đến năm 1976, ông tốt nghiệp cao học về nghệ thuật điện ảnh tại Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Sau đó, ông làm giáo sư khiêu vũ cổ điển tại nhiều nhạc viện của Pháp; làm Chủ tịch Hội múa Khmer tại Pháp; làm đạo diễn nghệ thuật nhóm balê DEVA rồi Hiệp hội điện ảnh Hoàng gia Khmer (Khmera Picture), sáng tác 2 bộ phim balê "Giấc mơ" và "Bốn nguyên tố".
Về mặt chính trị, ông từng làm đại diện của Campuchia tại Liên Hợp Quốc và UNESCO. Ngày 1 tháng 2 năm 1994, ông được phong làm Thái tử (Sdech Krom Khun). Đến ngày 14 tháng 10 năm 2004 được Hội đồng Tôn vương chọn làm Quốc vương Campuchia thay vua cha thường xuyên ở Bắc Kinh chữa bệnh. Lễ đăng quang chính thức đã diễn ra ngày 29 tháng 10 cùng năm đó.
Một số nhân vật đối lập ở Campuchia đã chỉ trích sự nhân nhượng của nhà vua, mô tả nó quá khoan dung đối với sự lãnh đạo kéo dài hàng thập kỷ của thủ tướng Hun Sen trong vương quốc.
Ngoài tiếng Khmer bản địa của mình, Norodom Sihamoni là quốc vương cầm quyền duy nhất trên thế giới nói tiếng Séc trôi chảy. Nhà vua cũng thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Nga.
Trị vì
Vào ngày 14 tháng 10 năm 2004, Sihamoni đã được lựa chọn bởi một hội đồng đặc biệt gồm chín thành viên, một phần của quá trình lựa chọn đã nhanh chóng được thực hiện sau sự thoái vị bất ngờ của Quốc vương Norodom Sihanouk một tuần trước đó, do không có điều khoản nào vào thời điểm đó trong hiến pháp của Campuchia rằng đề cập đến chủ đề thoái vị. Việc lựa chọn Hoàng tử Sihamoni đã được Thủ tướng Hun Sen và Chủ tịch Quốc hội khi đó là Hoàng tử Norodom Ranariddh. Sihamoni được cho là đã miễn cưỡng đảm nhận vai trò này, nhưng vẫn chấp nhận nó vì lợi ích quốc gia, trở về Phnom Penh vào ngày 20 tháng 10, cùng với cha mẹ của ông, Quốc vương Norodom Sihanouk và Hoàng thái hậu Norodom Monineath, theo ước tính. 100.000 người đã xếp hàng dài trên đường đi xe hộ tống từ Sân bay Quốc tế Phnom Penh đến Cung điện Hoàng gia để chào đón vị Vua sắp lên ngôi.
Sau đó, ông được chính thức được bổ nhiệm làm Vua vào ngày 29 tháng 10 năm 2004 trong một buổi lễ đăng quang được tổ chức tại Cung điện Hoàng gia ở thủ đô. Lễ đăng quang được chú ý vì tương đối đơn giản, được yêu cầu cụ thể bởi Quốc vương Sihanouk. Bản thân nhà vua Sihamoni không muốn các buổi lễ quá xa hoa vì ông không muốn đất nước nghèo khó phải chi quá nhiều tiền cho sự kiện này, ông chọn một sự kiện khiêm tốn hơn. Sihamoni không ngồi trên ngai vàng cao hơn, cao hơn cũng như không đội vương miện quân chủ bằng vàng và kim cương đi kèm với vương miện của hoàng gia. Trong bài phát biểu trước công chúng đầu tiên với tư cách là quốc vương, ông đã thừa nhận những lời khôn ngoan mà cha mình đã truyền đạt cho mình và cam kết trở thành vua của nhân dân
Vào ngày 12 tháng 12 năm 2008, Sihamoni đã chọn 26 thành viên của hoàng gia Campuchia vào tòa án cố vấn của mình, thời điểm đó, các nhà quan sát cho rằng việc bổ nhiệm này báo hiệu việc các thành viên hoàng gia ngừng tham gia chính trị vì về mặt lý thuyết, hiến pháp không cho phép các cá nhân đồng thời phục vụ trong cả triều đình và chính phủ. Thật vậy, chủ nghĩa bảo hoàng từ lâu đã là một yếu tố chính trong lịch sử chính trị Campuchia, với các thời kỳ mà các đảng bảo hoàng từng cai trị đất nước, chẳng hạn như Sangkum của Hoàng thân Sihanouk vào những năm 1950 và 1960 và đảng FUNCINPEC của Hoàng thân Ranariddh vào những năm 1990. Thời điểm đó, các nhà quan sát cho rằng việc bổ nhiệm này báo hiệu việc các thành viên hoàng gia ngừng tham gia chính trị vì về mặt lý thuyết, hiến pháp không cho phép các cá nhân đồng thời phục vụ trong cả triều đình và chính phủ. Thật vậy, chủ nghĩa bảo hoàng từ lâu đã là một yếu tố chính trong lịch sử chính trị Campuchia, với các thời kỳ mà các đảng bảo hoàng từng cai trị đất nước, chẳng hạn như Sangkum của Hoàng thân Sihanouk vào những năm 1950 và 1960 và đảng FUNCINPEC của Hoàng thân Ranariddh vào những năm 1990. một số quan chức đảng cầm quyền và thành viên hoàng gia khẳng định rằng không có chương trình nghị sự nào đằng sau động thái này và không nên hiểu nó là sự cấm đoán hoặc chấm dứt sự tham gia chính trị của hoàng gia, bất chấp ảnh hưởng và thành công bầu cử của phe bảo hoàng.
Vai trò chính trị
Nhà vua có quyền hạn chính trị hạn chế và hiếm khi tham gia vào không gian chính trị Campuchia, phù hợp với vị trí của ông là một quân chủ lập hiến, và được coi là 'đứng trên chính trị'. Tuy nhiên, một số nhân vật đối lập Campuchia đã kêu gọi ông có tiếng nói mạnh mẽ hơn và tham gia trực tiếp vào các vấn đề chính trị của đất nướcnhững người khác đã cảnh báo chống lại quan điểm này, viện dẫn rằng hiến pháp bảo đảm nghiêm ngặt đối với một vị vua chủ yếu theo nghi lễ sẽ "trị vì, nhưng không cai trị", lưu ý rằng việc can thiệp chính trị không phải là lợi ích lâu dài của chế độ quân chủ cũng như quốc gia , và Sihamoni, kể từ khi bắt đầu cầm quyền, đã cam kết và trung thành với lập trường phần lớn là phi chính trị. Thật vậy, trong quá trình lựa chọn chế độ quân chủ, Vua Sihanouk đã ca ngợi cách tiếp cận chính trị trung lập và vô tư của Hoàng tử Sihamoni như một đặc điểm chính giải thích tại sao ông phù hợp với vai trò này. Điều này được củng cố bởi phân tích từ các nhà quan sát rằng Sihamoni "đã đại diện cho cả tính liên tục và thay đổi - rút hoàng gia khỏi hoạt động chính trị tích cực, nhưng thúc đẩy nó như một biểu tượng của hòa giải dân tộc", do đó khôi phục "vai trò truyền thống của chế độ quân chủ như một 'chiếc ô' mà người dân Campuchia có thể thực hiện được." đoàn kết." Đổi lại, các nhà quan sát lập luận rằng điều này hạn chế bất kỳ sự chính trị hóa nào đối với chế độ quân chủ với tư cách là một thể chế trong khi vẫn duy trì tính trung lập cũng như tính hợp pháp của nó, đặc biệt là trong bối cảnh bản chất đôi khi gây tranh cãi và hỗn loạn của nền chính trị Campuchia.
đã có một số trường hợp mà sự miễn cưỡng tham gia vào lĩnh vực chính trị của Sihamoni đã được thử thách. Năm 2005, trong thử thách chính trị lớn đầu tiên dưới triều đại của ông, có thông tin cho rằng ông đã do dự trong việc ủy quyền cho sự đồng ý của hoàng gia đối với các kế hoạch của chính phủ nhằm thực hiện một hiệp ước biên giới gây tranh cãi với nước láng giềng Việt Nam, hiệp ước này đã được người tiền nhiệm của ông, Sihanouk phản đối, đã gây ra căng thẳng với chính phủ sau khi Thủ tướng Hun Sen bày tỏ sự thất vọng về sự chậm trễ trong sự chấp thuận của hoàng gia đến mức đề xuất bãi bỏ chế độ quân chủ. Sihamoni cuối cùng đã ký hiệp ước, sau khi đã được các quan chức chính phủ và lập pháp cũng như các thành viên khác của hoàng gia đảm bảo rằng sẽ không nhượng lại đất đai cho Việt Nam do việc ban hành hiệp ước song phương.
Cuộc sống cá nhân
Ông là một người thích thiền định, đọc sách, tập thể dục, nghe nhạc cổ điển chẳng hạn như của Beethoven và tuân thủ các nghi lễ truyền thống của Phật giáo. Ngoài ra, có thông tin cho rằng ông thích phim hài, thỉnh thoảng là người thích ăn sô cô la. Hơn nữa, bên cạnh việc quan tâm đến các đĩa DVD liên quan đến múa ba lê và opera nói chung, còn chơi piano thành thạo và nổi tiếng là một độc giả quan tâm của các bài phê bình về sân khấu kịch Séc.
Bên cạnh tiếng Khmer bản địa của mình, Norodom Sihamoni nói tiếng Séc trôi chảy, vị vua cầm quyền duy nhất trên thế giới làm được như vậy. Nhà vua cũng thông thạo tiếng Pháp và có thể giao tiếp bằng tiếng Anh và tiếng Nga. Ông cũng thông thạo tiếng phổ thông cơ bản.
Gia phả |
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (tiếng Anh: United Nations Human Rights Council) là một tổ chức liên chính phủ trực thuộc Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, có sứ mệnh thúc đẩy sự phát triển và sự bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới, cũng như chỉ ra các vụ xâm phạm nhân quyền và đưa ra kiến nghị về chúng. Tổ chức này có chức năng thảo luận mọi vấn đề hoặc tình huống liên quan tới nhân quyền mà cần tới sự chú ý của nó trong suốt năm đó. Tổ chức này hội họp ở Trụ sở Liên Hợp Quốc tại Genève (Thụy Sĩ).
Hội đồng gồm 47 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, các thành viên được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bầu vào với tư cách đại diện nhóm quốc gia theo phân vùng địa lý tại Liên Hợp Quốc. Mỗi nhiệm kỳ của thành viên kéo dài ba năm.
Tổ chức này được ra đời ngày 15 tháng 3 năm 2006 theo Nghị quyết (A/RES/60/251) sau khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết thành lập một tổ chức nhân quyền mới, thay thế Ủy ban Liên Hợp Quốc về Nhân quyền đã chấm dứt hoạt động năm 2006.
Nghị quyết này được sự ủng hộ của hầu hết các thành viên Liên Hợp Quốc, trừ Mỹ, Israel, Palau và quần đảo Marshall bỏ phiếu chống và Belarus, Iran và Venezuela bỏ phiếu trắng.
Việc thành lập Hội đồng Nhân quyền là một trong những hành động nhằm cải tổ Liên Hợp Quốc và các tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc; khi Ủy ban Nhân quyền (CHR) bị nhiều chỉ trích rằng đã để những quốc gia có nhiều hành động phi nhân quyền làm thành viên và thao túng.
Ngày 19 tháng 6 năm 2006, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã họp phiên đầu tiên tại Genève (Thụy Sĩ) với sự tham gia của 47 thành viên đầu tiên và trên 100 quốc gia quan sát viên và các tổ chức quốc tế. Tại đây, ông Luis Alfonso de Alba (người México) đã được bầu là Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền.
Nhiệm vụ của Hội đồng Nhân quyền
Nghị quyết 60/251 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về thành lập Hội đồng Nhân quyền công bố 10 nhiệm vụ của Hội đồng Nhân quyền như sau
(a) Thúc đẩy giáo dục và học tập về quyền con người cũng như các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực, sẽ cung cấp bằng tham vấn và trên cơ sở đồng thuận của các quốc gia thành viên liên quan;
(b) Là diễn đàn cho các đối thoại về các vấn đề chuyên đề về tất cả các quyền con người;
(c) Đưa ra khuyến nghị cho Đại hội đồng LHQ về những bước phát triển của luật quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền;
(d) Thúc đẩy việc thực thi đầy đủ các nghĩa vụ nhân quyền của các quốc gia và theo dõi các mục tiêu và cam kết về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền được ghi nhận trong các Hội nghị và Hội nghị thượng đỉnh của LHQ;
(e) Tiến hành rà soát định kỳ phổ quát, dựa trên các thông tin khách quan và đáng tin cậy, về việc thực thi các nghĩa vụ và cam kết nhân quyền của từng quốc gia theo cách thức đảm bảo tính phổ quát trong tham gia và đối xử bình đẳng với tất cả các quốc gia; việc rà soát phải là một cơ chế hợp tác, dựa trên đối thoại tương tác, với sự tham gia đầy đủ của quốc gia liên quan và cân nhắc đến các nhu cầu xây dựng năng lực của quốc gia đó; cơ chế này cần bổ sung và không trùng lặp với công việc của các cơ quan điều ước; Hội đồng phải xây dựng mô hình và phân bổ thời gian cần thiết cho cơ chế rà soát định kỳ phổ quát trong vòng một năm kể từ kỳ họp đầu tiên;
(f) Đóng góp, thông qua đối thoại và hợp tác, vào việc ngăn chặn vi phạm nhân quyền và phản ứng nhanh chóng với những tình trạng khẩn cấp về nhân quyền;
(g) Tiếp nhận vai trò và trách nhiệm của Ủy ban Nhân quyền liên quan đến công việc của Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ (OHCHR);
(h) Phối hợp chặt chẽ trong lĩnh vực nhân quyền với các chính phủ, các tổ chức khu vực, các thiết chế nhân quyền quốc gia và xã hội dân sự;
(i) Đưa ra các khuyến nghị về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền;
(j) Gửi báo cáo thường niên lên Đại hội đồng;
Cấu trúc của Hội đồng Nhân quyền
Hội đồng Nhân quyền là một cơ quan liên chính phủ (thành viên là đại diện các quốc gia). Các quyết định của Hội đồng được đưa ra theo các cơ chế là nghị quyết của các kỳ họp thành viên.
Hội đồng Nhân quyền có ba kỳ họp thường xuyên vào tháng 3 (kéo dài bốn tuần), tháng 6 (ba tuần) và tháng 9 (ba tuần) hàng năm. Ngoài ra, Hội đồng có thể họp bất thường, gọi là kỳ họp đặc biệt, để giải quyết các vấn đề khẩn cấp và vi phạm nhân quyền, khi có một phần ba thành viên yêu cầu. Tính đến tháng 5/2020, đã có 28 kỳ họp đặc biệt được tổ chức.
Hội đồng có các cơ quan và cơ chế trực thuộc, mang tính liên chính phủ (gồm đại diện của các quốc gia) hoặc là cơ chế chuyên gia (do các chuyên gia độc lập thực hiện): Nhóm thứ nhất là các cơ quan trực thuộc Hội đồng, bao gồm: Nhóm công tác về Rà soát Định kỳ Phổ quát (cơ chế liên chính phủ); Ủy ban tư vấn (gồm 18 chuyên gia độc lập); Thủ tục khiếu nại; Nhóm thứ hai là các cơ chế chuyên gia để đối thoại và tư vấn về các chủ đề; Nhóm thứ ba là Các thủ tục đặc biệt; và Nhóm thứ tư là các cơ chế liên chính phủ mở chuyên về việc thảo luận và xây dựng các văn kiện và công ước nhân quyền.
Các Thành viên
Hội đồng Nhân quyền có 47 thành viên là các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, được bầu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Các thành viên được bầu sẽ giữ nhiệm kỳ 03 năm, và các nhiệm kỳ này gối nhau. Vì vậy việc bầu thành viên Hội đồng Nhân quyền tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra hàng năm với khoảng một phần ba số ghế của Hội đồng được bầu (lần lượt 14, 15 hoặc 18 ghế được bầu cử hàng năm). Một thành viên Hội đồng có thể được bầu không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Thành viên của Hội đồng Nhân quyền được cơ cấu theo nhóm vùng quốc gia như sau:
13 ghế dành cho các nước châu Phi (4-6 vị trí được bầu hàng năm)
13 ghế dành cho nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương (4-6 vị trí được bầu hàng năm)
6 ghế dành cho các nước Đông Âu (1-2 vị trí được bầu hàng năm)
8 ghế dành cho các nước Mỹ Latinh và vùng Caribea (2-3 vị trí được bầu hàng năm)
7 ghế dành các các nước Tây Âu và các nước khác (2-3 vị trí được bầu hàng năm)
Khi là thành viên của Hội đồng Nhân quyền, các quốc gia có trách nhiệm bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền như được thống nhất trong Nghị quyết thành lập ra Hội đồng 60/251. Theo khoản 8 của nghị quyết này, các quốc gia được bầu chon căn cứ vào "đóng góp vào việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền cũng như những lời hứa tự giác và cam kết của ứng cử viên". Vì vậy khi tuyên bố ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền, một quốc gia thường công bố một bản Cam kết tự nguyện với tư cách thành viên.
Khi một quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền có vi phạm nhân quyền rộng lớn và mang tính hệ thống, tư cách thành viên có thể bị bãi bỏ bằng một cuộc bỏ phiếu thống nhất bởi ít nhất 2/3 đa số quốc gia thành viên có mặt và bỏ phiếu.
Danh sách các quốc gia đang là thành viên Hội đồng Nhân quyền được Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp quốc cập nhật tại đây. Tính đến tháng 1/2020, đã có 117 quốc gia từng giữ vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền.
47 thành viên đầu tiên của Hội đồng Nhân quyền được bầu chọn vào ngày 9 tháng 5 năm 2006. Để có bầu cử gối đầu, nhóm thành viên đầu tiên gồm 14 nước chỉ có nhiệm kỳ 01 năm, nhóm thứ hai là nhóm 15 nước có nhiệm kỳ 02 năm và nhóm thứ ba là nhóm 18 nước có nhiệm kỳ 03 năm.
{| class="wikitable"
|+ Thành viên Hội đồng Nhân quyền
|-
! Nhiệm kỳ
! Châu Phi (13)
! Châu Á (14)
! Đông Âu (5)
! Mỹ Latin và Caribe (8)
! Tây Âu và các nước còn lại (7)
|- style="border-top: 2px solid #000000;background:#eeffee"
|2023-25
|
|
|
|
|
|- style="border-top: 2px solid #000000; background:#f7f7c7"
|2022-24
|
|
|
|
|
|- style="border-top: 2px solid #000000; background:#ddeeee"
|2021-23
|
|
|
|
|
|- style="border-top: 2px solid #000000;"
| colspan="6" |Trước đây:
|- style="border-top: 2px solid #000000;"
|2020–22|
|
|
|
|
|- style="border-top: 2px solid #000000;"
|2019–21|
|
|
|
|
|- style="border-top: 2px solid #000000;"
|2018-20|
|
|
|
|
|- style="border-top: 2px solid #000000;"
| 2017-19
|
|
|
|
|
|- style="border-top: 2px solid #000000;"
| 2016-18
|
|
|
|
|
|- style="border-top: 2px solid #000000;"
| 2015-17
|
|
|
|
|
|- style="border-top: 2px solid #000000;"
| 2014-16
|
|
|
|
|
|- style="border-top: 2px solid #000000;"
| 2013-15
|
|
|
|
|
|- style="border-top: 2px solid #000000;"
| 2012-14
|
|
|
|
|
|- style="border-top: 2px solid #000000;"
| 2011-13
|
|
|
|
|
|- style="border-top: 2px solid #000000;"
| 2010-12
|
|
|
|
|
|- style="border-top: 2px solid #000000;"
| 2009-11
|
|
|
|
|
|- style="border-top: 2px solid #000000;"
| 2008-10
|
|
|
|
|
|- style="border-top: 2px solid #000000;"
| 2007-09
|
|
|
|
|
|- style="border-top: 2px solid #000000;"
| 2006-08
|
|
|
|
|
|- style="border-top: 2px solid #000000;"
| 2005-07
|
|
|
|
|
|}Ghi chú: Chủ tịch và các phó Chủ tịch Hội đồng
Hội đồng Nhân quyền có một Chủ tịch và bốn Phó Chủ tịch, trong đó một Phó Chủ tịch kiêm báo cáo viên của Hội đồng. Chủ tịch và các phó Chủ tịch được bầu hàng năm tại Hội đồng.
Các cơ chế và vận hành của Hội đồng Nhân quyền
Các kỳ họp của Hội đồng Nhân quyền
Hội đồng Nhân quyền có ba kỳ họp thường kỳ hàng năm tại Geneva: kỳ mùa xuân thường diễn ra vào tháng 2-3, kỳ mùa hè vào tháng 5-6 và kỳ mùa thu vào tháng 9-10 hàng năm. Bên cạnh các kỳ họp thường kỳ, HĐNQ có thể tổ chức các kỳ họp đặc biệt để thảo luận các vấn đề mới phát sinh hoặc các khủng hoảng nghiêm trọng về nhân quyền. Ngoài ra, Hội đồng cũng có các hoạt động liên kỳ thảo luận các chủ đề mang tính kỹ thuật khác. Tuy vậy, các quyết định và nghị quyết của Hội đồng chỉ được thông qua tại các kỳ họp chính thức.
Tất cả các quốc gia thành viên LHQ đều có thể phát biểu tại các phiên họp chung của HĐNQ. Tuy vậy chỉ có các thành viên Hội đồng được tham gia các cơ chế của Hội đồng, và tham gia bỏ phiếu khi Hội đồng ra quyết định.
Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR)
UPR là cơ chế lần lượt rà soát việc thực thi các nghĩa vụ và cam kết nhân quyền của các quốc gia thành viên LHQ thông qua Nhóm làm việc về UPR của Hội đồng Nhân quyền. Thông qua đối thoại tương tác giữa quốc gia được rà soát và các quốc gia thành viên LHQ, quốc gia được rà soát công bố những biện pháp đảm bảo nghĩa vụ nhân quyền, các thách thức và ưu tiên để cải thiện tình hình nhân quyền ở nước mình; các quốc gia tham gia rà soát gửi câu hỏi và khuyến nghị về những hành động quốc gia được rà soát cần thực hiện để cải thiện tình hình nhân quyền ở nước được rà soát. Quốc gia được rà soát tuyên bố chấp thuận hoặc ghi nhận các khuyến nghị này. Kết quả một phiên rà soát được thông qua tại Hội đồng Nhân quyền.
UPR diễn ra trên cơ sở tất cả các chuẩn mực về nhân quyền có thể áp dụng được, bao gồm Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát, các điều ước và văn kiện nhân quyền, các cam kết tự nguyện về nhân quyền của các quốc gia, và luật Nhân đạo quốc tế.
Có ba văn bản làm cơ sở cho đối thoại tại UPR: một báo cáo của quốc gia được rà soát, một bản tóm tắt thông tin của các cơ quan LHQ cung cấp (do OHCHR tóm tắt); một bản tóm tắt thông tin của các bên liên quan, bao gồm Cơ quan Nhân quyền quốc gia của nước được rà soát và các tổ chức xã hội dân sự (do OHCHR tóm tắt). Tất cả các văn bản này đều được công bố công khai ít nhất ba tháng trước phiên rà soát.
Việc rà soát tất cả các quốc gia thành viên LHQ (193 quốc gia) mất khoảng 5 năm, đây được tính là một chu kỳ UPR. Kỳ UPR đầu tiên được tiến hành năm 2007 và vào năm 2022 sẽ bắt đầu chu kỳ thứ tư. |
Bộ môn Bowling tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2005 được thi đấu tại Trung tâm Pearl Bowling, thành phố Paranaque, Philippines từ ngày 28 tháng 11 đến ngày 04 tháng 12 năm 2005. Các vận động viên tranh 10 bộ huy chương ở 5 nội dung dành cho nam và 5 nội dung dành cho nữ.
Bảng thành tích
Đơn nam
<TABLE border="1" cellpadding="2" cellspacing="0">
Huy chươngVận động viênQuốc gia
VàngRyan Leonard Lalisang<TD> Indonesia</TD>
BạcMarkwin Tee Philippines
ĐồngLie Joe Tjam Indonesia
</TABLE>
Đôi nam
<TABLE border="1" cellpadding="2" cellspacing="0">
Huy chươngVận động viênQuốc gia
VàngChristian Jan Suarez và Ernesto Gatchalian Jr.<TD> Philippines</TD>
BạcAlex Liew Kien Liiang và Ben Heng Boon Hian Malaysia
ĐồngDaniel Lim Tow Chuang và Aaron Kong Eng Chuan Malaysia
</TABLE>
Đồng đội 3 người nam
<TABLE border="1" cellpadding="2" cellspacing="0">
Huy chươngVận động viênQuốc gia
VàngDaniel Lim Tow ChuangAaron Kong Eng ChuanZulkifli Zulmazran<TD> Malaysia</TD>
BạcChristian Jan SuarezErnesto Gatchalian Jr.Constantine Chester King Philippines
ĐồngAlex Liew Kien LiiangBen Heng Boon HianAmeran Azidi Malaysia
</TABLE>
Đồng đội 5 người nam
<TABLE border="1" cellpadding="2" cellspacing="0">
Huy chươngVận động viênQuốc gia
VàngDaniel Lim Tow ChuangAaron Kong Eng ChuanZulkifli ZulmazranAlex Liew Kien LiiangBen Heng Boon Hian<TD> Malaysia</TD>
BạcChristian Jan SuarezErnesto Gatchalian Jr.Constantine Chester KingMarkwin TeeTyrone Christopher Ongpauco Philippines
ĐồngRemy OngTerence Tan Siong KoonLee Yu WenGoh Heng SoonJason Yeong Nathan Singapore
</TABLE>
Masters nam
<TABLE border="1" cellpadding="2" cellspacing="0">
Huy chươngVận động viênQuốc gia
VàngMarkwin Tee<TD> Philippines</TD>
BạcRemy Ong Singapore
ĐồngRyan Leonard Lalisang Indonesia
</TABLE>
Đơn nữ
<TABLE border="1" cellpadding="2" cellspacing="0">
Huy chươngVận động viênQuốc gia
VàngMaria Cecilia Yap<TD> Philippines</TD>
BạcAziela Zandra Malaysia
ĐồngPhang Novie Indonesia
</TABLE>
Đôi nữ
<TABLE border="1" cellpadding="2" cellspacing="0">
Huy chươngVận động viênQuốc gia
VàngPutty Armein và Happy Ari Dewanti Soediyono<TD> Indonesia</TD>
BạcWendy Chai de Choo và Aziela Zandra Malaysia
BạcMaria Cecilia Yap và Liza Clutario Philippines
</TABLE>
Đồng đội 3 người nữ
<TABLE border="1" cellpadding="2" cellspacing="0">
Huy chươngVận động viênQuốc gia
VàngHappy Ari Dewanti SoediyonoPutty ArmeinPhang Novie<TD> Indonesia</TD>
BạcMaria Liza del RosarioMaria Cecilia YapLiza Clutario Philippines
ĐồngWendy Chai de ChooAziela ZandraEsther Cheah Mei Lan Malaysia
</TABLE>
Đồng đội 5 người nữ
<TABLE border="1" cellpadding="2" cellspacing="0">
Huy chươngVận động viênQuốc gia
VàngWendy Chai de ChooAziela ZandraEsther Cheah Mei LanCrystal Choy Poh LaiLai Kin Ngoh<TD> Malaysia</TD>
BạcMaria Liza del RosarioMaria Cecilia YapLiza ClutarioElaine FlorencioJosephine Canare Philippines
ĐồngKwang Tien MeiEvelyn Chan Lu EeJazreel TanTan Bee LengTay Hong Keow Singapore
</TABLE>
Masters nữ
<TABLE border="1" cellpadding="2" cellspacing="0">
Huy chươngVận động viênQuốc gia
VàngLiza Clutario<TD> Philippines</TD>
BạcJazreel Tan Singapore
ĐồngPutty Armein Indonesia
</TABLE> |
Lý Tư (李斯, 284 TCN - 208 TCN) là nhà chính trị Trung Quốc cổ đại, làm đến chức thừa tướng dưới đời Tần Thủy Hoàng và Tần Nhị Thế. Ông là người có công lớn trong việc Tần Thủy Hoàng thống nhất chư hầu, đưa Trung Quốc trở thành một nước quân chủ tập quyền, thống nhất về văn tự, đo lường, tư tưởng.
Xuất thân
Lý Tư là người đất Thượng Sái thuộc nước Sở. Ông sinh ra vào thời Chiến quốc thất hùng. Ông và Hàn Phi đều là học trò của Tuân Tử. Thời trẻ, Tư làm viên lại nhỏ ở quận, là thư ký quản lý văn thư của xã. Theo bộ Sử ký do thái sử đời Tây Hán Tư Mã Thiên biên soạn, Lý Tư bắt đầu nuôi ý chí làm chính trị khi ông nhìn thấy ở nơi ông làm việc, trong nhà xí có con chuột toàn ăn đồ ăn bẩn, rất sợ gặp người và chó; trái lại, con chuột ở nhà kho thì tha hồ ăn lúa, không sợ bị người và chó thấy. Lý Tư mới than: "Người ta hiền tài hay kém cỏi chẳng qua cũng như con chuột kia, đều là nhờ ở hoàn cảnh đấy thôi".
Sau đó, Lý Tư đến Tam Lăng (ngày nay là thị trấn Tam Lăng, huyện Thương Sơn, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) theo học Tuân Tử. Tuân Tử là một thầy giáo Nho học, trong sử sách còn gọi ông là Tuân Khanh, hoặc Tôn Khanh, Tuân Huống. Đến khi thành tài, Tư nhận thấy mình có theo vua Sở cũng không làm nên sự nghiệp gì, mà sáu nước đều yếu không có nước nào có thể giúp để lập công danh, chỉ có Tần cường thịnh nhất, nên Tư sang Tần. Tài năng của Lý Tư có nhiều mặt, không những về chính trị mà về văn học nghệ thuật ông cũng có tài hoa nhất định. Lỗ Tấn đã từng khen rằng "Văn chương đời Tần chỉ có mỗi mình Lý Tư". Về tính cách, Lý Tư có một chút tự phụ, đó là do người ta dựa vào "Tấm đá khắc chữ trên đài lang Nha" đời Tần có nét bút viết của ông:"Sau khi ta chết khoảng 530 năm có người nào thay được ta". Nhưng làm chính trị mới là niềm đam mê thực sự của ông.
Lập sự nghiệp
Vào năm 247 TCN, khi đến nước Tần, gặp lúc Tần Trang Tương vương chết, Lý Tư bèn cầu xin làm môn hạ của Văn Tín Hầu Lã Bất Vi, thừa tướng nước Tần. Bất Vi cho là người hiền dùng làm quan "Lang". Lý Tư nhờ vậy có cơ hội du thuyết, Tần vương Chính cho Tư làm trưởng sử, rồi khách khanh. Trong số 3000 người "khách" của Lã Bất Vi, Lý Tư nhanh chóng trở thành người nổi trội nhất.
Nhưng lúc Lý Tư đang thuận buồm xuôi gió trên con đường làm quan thì nước Tần có manh nha nguy cơ chính trị "trục khách" nghiêm trọng. Năm 246 TCN, nước Hàn do không chống nổi sự tiến công của nước Tần, nên đã lập kế phái "thủy công" (chuyên gia thủy lợi) Trịnh Quốc đến Tần. Trịnh Quốc đến để can vua Tần đừng đào sông tưới ruộng, sau đó việc vỡ lở, các tôn thất và các quan đại thần khuyên Tần vương đuổi tất cả những người khách đi. Lý Tư cũng ở trong số khách bị đuổi. Tư trổ tài thuyết khách, khiến vua Tần bỏ lệnh đuổi khách, cho Tư làm quan như cũ. Đây là "phong trào trục khách" lần thứ nhất. Lúc này Lý Tư còn trẻ, mới bước vào đời, chức quan chưa cao, chưa có địa vị chính trị. Việc "trục khách" lần này đối với Lý Tư chỉ là chấn động nhỏ, lắng xuống rất nhanh. Nhưng lần "trục khách" thứ hai không giống như thế.
Vào năm thứ 9 triều đại Doanh Chính, Tần Vương đã hạ lệnh bãi chức Lã Bất Vi và giam giữ tại Hà Nam. Đại thần, tôn thất nhà Tần thừa cơ nhắc lại chuyện cũ, yêu cầu "trục khách". Vua Tần chính thức ban bố lệnh rà soát cả nước và Lý Tư lúc bấy giờ cũng là một đối tượng quan trọng bị trục xuất. Ông đã viết thư trình lên vua Tần, đó là "Gián trục khách thư". Về nghệ thuật mà nói, bài văn này có thể đại diện cho các tác phẩm ưu tú của văn chương đời Tần. Lúc bấy giờ, Tần vương Chính còn tỉnh táo, đọc xong thư của Lý Tư tỉnh ngộ, lập tức bỏ lệnh "trục khách", cử người đuổi theo Lý Tư, mời ông quay lại.
Thời gian biến đổi, khi Lý Tư nắm dược quyền thế trong tay, lại có thay đổi về nhân cách, luôn chạy theo tư lợi. Một khi tài năng và học vấn của người khác có thể uy hiếp ông ta thì dù nhân tài nào đi nữa, ông đều không cộng tác, dùng nhiều âm mưu quỷ kế để cho kẻ khác nhanh chóng bị tiêu diệt. Tuy Hàn Phi là người bạn học cũ của ông, do Hàn Phi sau này được là người tâm phúc bên cạnh vua Tần, nên đã bị Lý Tư hãm hại. Đây là bi kịch lịch sử của thời đại.
Thừa tướng nhà Tần
Tư làm quan đến đình úy. Được hơn 20 năm, nước Tần thôn tính hết các nước chư hầu, thống nhất Trung Quốc. Tần vương Chính trở thành hoàng đế, phong Lý Tư làm thừa tướng. Nhà Tần san phẳng thành quách chư hầu, sai các quận, huyện nấu chảy khí giới, ý nói không dùng đến nữa. Nghe theo ý của Lý Tư, Tần Thủy Hoàng không phong đất cho ai dù chỉ thước, không lập tôn thất làm vương, công thần làm chư hầu để tránh lặp lại chuyện các nước đánh nhau.
Năm trị vì thứ 34 của Tần Thủy Hoàng (213 TCN), nhà vua mở tiệc rượu ở Hàm Dương. Nhóm sĩ phu Chu Thanh Thần làm chức bộc xạ hết lời ca ngợi công trạng, đức độ của Thủy Hoàng; người nước Tề là Thuần Vu Việt tiến ra can:
"Thần nghe: nhà Ân, nhà Chu làm vua hơn nghìn năm, phong các con em, các công thần để cho họ làm phên dậu giúp đỡ mình. Nay bệ hạ giầu có bốn biển nhưng con em vẫn là kẻ thất phu; nếu đột nhiên xảy ra việc như bọn Điền Thường hay bọn lục khanh thì không ai giúp đỡ, làm sao có thể cứu nhau được. Trong công việc không bắt chước đời xưa mà có thể lâu dài là điều chưa hề nghe nói. Nay bọn Thanh Thần lại xiểm nịnh bệ hạ để làm cho điều sai lầm của bệ hạ thêm nặng, như vậy không phải là kẻ trung thần".
Thủy Hoàng bèn hỏi ý Lý Tư; Lý Tư lập tức bác bỏ lời bàn của Thuần Vu Việt và dâng thư:
Tần Thủy Hoàng nghe theo Lý Tư, bèn tịch thu hết các sách Kinh thi, Kinh thư, sách của bách gia, chỉ để lại sách thuốc, sách bói, sách trồng cây, tránh chuyện dùng việc xưa để xét đời nay. Lý Tư cũng giúp nhà vua chế định luật pháp, thống nhất văn tự, đo lường, xây dựng các ly cung và biệt quán trong cả nước, đánh dẹp Hung Nô. Thủy Hoàng lấy con trưởng của Tư là Lý Do làm thái thú Tam Xuyên; các con trai của Tư đều được lấy công chúa nhà Tần, con gái thì lấy công tử nhà Tần. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, khoảng năm thứ 35 đời Tần Thủy Hoàng, Lý Tư cùng con là Lý Do mở tiệc rượu ở Hàm Dương. Khi thấy vô số quan viên kéo nhau tới chúc tụng, Lý Tư đã cảm nhận trước được sự sự suy vong của mình. Ông nói:
"Than ôi! Ta nghe Tân Khanh nói: “Sự vật không nên đi đến chỗ quá thịnh. Tư này là kẻ áo vải đất Thượng Sái, một tên đầu đen ở nơi làng xóm, nhà vua không biết ta hèn kém, cất nhắc lên đến thế này. Nay ta ở địa vị bầy tôi không thua kém ai, có thể nói là giầu sang cùng cực rồi vậy. Phàm sự vật đến cùng cực rồi thì sẽ suy, ta chưa biết sau này kết cục ra sao."
Tháng 10 năm thứ 37 đời Thủy Hoàng (210 TCN), vua Tần Thủy Hoàng đi chơi Cối Kê, dọc bờ biển, phía Bắc đến Lang Gia. Đi theo có thừa tướng Lý Tư và trung xa phủ lệnh kiêm chức giữ phù, ấn nhà vua là Triệu Cao, một hoạn quan và con nhỏ của Thủy Hoàng là Hồ Hợi. Thủy Hoàng có hơn hai mươi người con. Con cả là Phù Tô vì mấy lần can thẳng nên Thủy Hoàng sai coi binh ở Thượng Quận, cùng Mông Điềm làm tướng ở đấy.
Cái chết
Tháng 7 năm ấy, Thủy Hoàng đến Sa Khâu bị bệnh nặng, sai Triệu Cao viết một bức thư gửi cho công tử Phù Tô nói: "Giao binh cho Mông Điềm, mau về lo việc tang đưa về Hàm Dương để chôn". Bức thư đã dán rồi nhưng chưa trao cho sứ giả thì Thủy Hoàng mất. Thư và ấn đều ở chỗ Triệu Cao. Chỉ Hồ Hợi, Lý Tư, Triệu Cao và năm sáu viên hoạn quan được nhà vua yêu biết là Thủy Hoàng đã chết, còn quần thần không ai biết. Lý Tư cho là vua mất ở ngoài, không có thái tử chân chính, nên giấu kín việc ấy. Sai đặt Thủy Hoàng trong cái xe mát, trăm quan vẫn tâu trình, việc dâng đồ ăn như mọi ngày. Một viên hoạn quan ngồi trong xe chuẩn y lời tâu. Triệu Cao nhân đấy giữ lại bức thư gửi cho Phù Tô thuyết phục Hồ Hợi và Lý Tư bỏ Phù Tô, lập Hồ Hợi làm hoàng đế. Hồ Hợi và Lý Tư nghe theo, lập ra di chúc giả. Triệu Cao giả một bức thư gửi cho Phù Tô. Phù Tô nhận thư tưởng Thủy Hoàng trách tội nên tự vẫn.
Hồ Hợi lên nối nghiệp, tức là Nhị Thế Hoàng Đế. Tháng 9, chôn Thủy Hoàng ở Ly Sơn, cùng tất của những người trong hậu cung Tần Thủy Hoàng. Nhị Thế giết bọn đại thần Mông Nghị, mười hai công tử bị giết chết phơi thây ở chợ Hàm Dương, mười công chúa bị xé xác ở đất Đỗ, của cải của họ bị đưa vào kho vua, những người liên can bị tội không kể xiết.
Nhị Thế bạo ngược, đắm chìm trong tửu sắc, Trần Thắng, Ngô Quảng ở nước Sở nổi dậy, tự xưng vương chống lại, đánh đến Hồng Môn rồi rút lui. Lý Tư mấy lần can ngăn nhưng Nhị Thế không nghe. Lại thêm con cả của Lý Tư là Lý Do làm thái thú Tam Xuyên, bị quân Sở dưới quyền Ngô Quảng và sau đó là Hạng Vũ và Lưu Bang vây hãm, chiếm đất không dám ra chống cự, cũng bị Triệu Cao tìm cớ lập án. Lý Tư lúc bấy giờ chỉ lo bảo vệ quyền lợi bổng lộc, đành khoanh tay và nịnh bợ vua để được chú ý, nên đã dâng nhiều tờ trình, văn bản tán dương vua như: "Nghiêm đốc trách thư", "Hiền minh tri chủ", "Độc chế thiên hạ nhi vô sở chế". Nghe theo lời Lý Tư, Nhị Thế thi hành "đốc trách", sử dụng hình phạt nặng nề.
Triệu Cao làm lang trung lệnh, tiếm quyền Nhị Thế nhưng chưa diệt được Lý Tư nên lòng vẫn chưa yên. Cao vu cho Lý Tư làm phản. Lý Tư và con trai phải chịu phạt cực hình gọi là "ngũ hình" mà ông là người đặt ra và ba họ cùng bị giết, bêu đầu tại cổng thành. Đó là năm 208 TCN, khi ông khoảng hơn 60 tuổi.
Một năm sau khi Lý Tư chết, Triệu Cao ép Nhị Thế tự vẫn. Tần Tử Anh lên ngôi, giết Triệu Cao, rồi Lưu Bang tiến quân vào Tần, bắt Tử Anh, về sau Tử Anh lại bị Hạng Vũ giết. Nhà Tần diệt vong.
Nhận xét
Thái sử thời Tây Hán Tư Mã Thiên bàn về Lý Tư trong bộ Sử ký;
Đọc thêm
Tần Thủy Hoàng
Hàn Phi
Văn Thiên Tường
Gia Cát Lượng
Mông Điềm
Triệu Cao
Trương Nghi
Sư Lý Tật
Thương Ưởng
Dương Tiễn
Chú thích |
William Cuthbert Faulkner (; 25 tháng 9 năm 1897 – 6 tháng 7 năm 1962) là một nhà văn người Mỹ nổi tiếng nhờ những tiểu thuyết và truyện ngắn lấy bối cảnh ở Hạt Yoknapatawpha hư cấu, dựa trên Hạt Lafayette, Mississippi, nơi Faulkner dành phần lớn cuộc đời mình tại đây. Là một người đoạt giải Nobel, Faulkner là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của nền văn học Mỹ và thường được coi là một trong những nhà văn vĩ đại nhất của nền văn học miền Nam.
Faulkner sinh ra ở New Albany, Mississippi, và gia đình ông chuyển tới Oxford, Mississippi khi ông còn là một đứa trẻ. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, ông gia nhập Lực lượng Không quan Hoàng gia Canada, nhưng không chiến đấu trực tiếp. Trở về Oxford, ông theo học Đại học Mississippi và bỏ học sau ba kỳ. Ông chuyển tới New Orleans, nơi ông iveets cuốn tiểu thuyết đầu tiên Lương lính (1925). Ông quay lại Oxford và viết Sartoris (1927), tác phẩm đầu tiên củ ông lấy bối cảnh ở Hạt Yoknapatawpha hư cấu. Vào năm 1929, ông cho xuất bản Âm thanh và cuồng nộ. Năm tiếp theo, ông viết Khi tôi nằm chết. Vào cuối thập kỷ đó, ông viết Nắng tháng Tám, Absalom, Absalom! và Cọ hoang.
Danh tiếng của Faulkner đạt đến đỉnh cao khi cuốn sách The Portable Faulkner của Malcom Cowley được xuất bản và khi ông được trao Giải Nobel Văn học 1949 "vì những đóng góp độc đáo và có tác động mạnh về mặt nghệ thuật đối với mảng tiểu thuyết hiện đại của Hoa Kỳ." Ông là người đoạt giải Nobel duy nhất sinh ra ở Mississippi. Hai tác phẩm của ông, Một câu chuyện dụ ngôn (1954) và Bọn đạo chích (1962) đã nhận Giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu. Faulkner mất do đau tim vào ngày 6 tháng 7 năm 1962, sau một lần ngã khỏi ngựa vào tháng trước. Ralph Ellison gọi ông là "nghệ sĩ vĩ đại nhất mà miền Nam đã sản sinh ra".
Cuộc đời
Tuổi thơ và di sản
New Orleans và những tiểu thuyết đầu tiên
Âm thanh và cuồng nộ
19291931
Nắng tháng Tám và những năm Hollywood
Giải Nobel và những năm cuối đời
Tác phẩm
Phong cách và kỹ thuật
Chủ đề và phân tích
Di sản
Ảnh hưởng
Tuyển tập
Danh sách tác phẩm
Tác phẩm
Marionettes (Những con rối, 1921), kịch một hồi
Vision in Spring (1921), tập thơ
The Marble Faun (Thần điền dã cẩm thạch, 1924), tập thơ
Soldiers Pay (Lương lính, 1926), tiểu thuyết
Mosquitoes (Muỗi, 1927), tiểu thuyết
Sartoris (1929), tiểu thuyết
The Sound and the Fury (Âm thanh và cuồng nộ, 1929), tiểu thuyết
As I Lay Dying (Khi tôi nằm chết, 1930), tiểu thuyết
Sanctuary (Giáo đường, 1931), tiểu thuyết
Light in August (Nắng tháng Tám, 1932), tiểu thuyết
War Birds (Cuộc chiến giữa các chú chim, 1933), kịch
Louisiana Lou (1933), kịch
Pylon (1935), truyện
The Road to Glory (Đường tới vinh quang, 1936), kịch bản phim
Absalom, Absalom! (1936), tiểu thuyết
The Unvanquished (Bất khuất, 1938), tiểu thuyết
The Wild Palms (Cọ hoang, 1939), tiểu thuyết
If I Forget Thee Jerusalem (1939), tiểu thuyết
The Hamlet (Xóm nhỏ, 1940), tiểu thuyết
The De Gaulle Story (1942), kịch
Go Down, Moses (1942), tiểu thuyết
Battle Cry (1943), kịch
To Have and Have Not (Có và không có, 1944), kịch bản phim
Stallion Road (1945), kịch
The Big Sleep (Giấc mơ vĩnh cửu, 1946), kịch bản phim
Intruder in the Dust (Kẻ tiếm quyền, 1948), tiểu thuyết
Collected Stories of William Faulkner (Tuyển tập truyện ngắn của William Faulkner, 1950), tập truyện ngắn, 42 truyện
Requiem for a Nun (Kinh cầu cho một nữ tu, 1951), tiểu thuyết
A Fable (Dụ ngôn, 1954), tiểu thuyết
The Town (Thị trấn, 1957), tiểu thuyết
The Mansion (Lãnh địa, 1959), tiểu thuyết
The Reivers (Bọn đạo chích, 1962), tiểu thuyết
A Green Bough (1965), tập thơ
Flags in the Dust (1973), tiểu thuyết
Helen, a Courtship and Mississippi Poems (1981), tập thơ
Danh mục truyện ngắn |
là một trong những nhà tư tưởng lớn nhất của Nhật Bản cận đại. Ông được xem là người có công mở đầu phong trào canh tân nước Nhật, cổ động dân chúng trút bỏ tư duy lạc hậu thời cổ đại mà tiếp thu học thuật Tây phương để sánh bước với các nước Âu Mỹ. Fukuzawa Yukichi là nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà đấu tranh xã hội, nhà giáo dục tiên phong, nhà văn, nhà dịch thuật và là một võ sĩ.
Ông là một nhà tư tưởng lớn có ảnh hưởng sâu và rộng nhất đến xã hội Nhật Bản cận đại. Những tư tưởng về chính trị, xã hội, kinh tế và giáo dục mà Fukuzawa truyền bá đã thay đổi hoàn toàn diện mạo của đất nước Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19. Người phương Tây coi ông như "Voltaire của đất nước mặt trời mọc". Tuy nhiên, người Trung Quốc và Triều Tiên lại lên án và xem ông là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt hiếu chiến, bởi Fukuzawa chủ trương dùng vũ lực để xâm chiếm 2 nước này nhằm tranh giành thế lực với các nước phương Tây Fukuzawa Yukichi ủng hộ việc bành trướng lãnh thổ của Nhật và học thuyết xã hội kiểu Darwin, ông cho rằng chỉ những quốc gia mạnh nhất mới có thể sinh tồn thông qua một quá trình chọn lọc "kẻ mạnh ăn thịt kẻ yếu" (tức là Nhật Bản phải đi xâm chiếm nước khác, nếu không thì chính Nhật sẽ bị thôn tính). Quan điểm này đã mở đường cho quân đội Đế quốc Nhật xâm chiếm Trung Quốc, Triều Tiên, và sau đó đẩy Nhật Bản phát động Chiến tranh Thái Bình Dương, khiến hàng chục triệu người chết. Tác phẩm Thoát Á luận của Fukuzawa được coi là tiêu biểu cho chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trước thế chiến 2
Tiểu sử
Lịch sử biết đến Fukuzawa Yukichi như một nhà cải cách chính trị-xã hội, nhà giáo dục tiên phong, nhà tư tưởng tiêu biểu của Nhật Bản vào cuối thời Edo, đầu thời kỳ Minh Trị, tức thời điểm dao động với nhiều chuyển biến lớn trong lịch sử Nhật Bản. Tư tưởng của ông đã ảnh hưởng sâu đậm với phong trào canh tân ở Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, tạo nền móng cho Nhật Bản trở thành một cường quốc thế giới. Lòng biết ơn của người Nhật đối với Fukuzawa được thể hiện qua việc hình ông được in trên tờ tiền 10.000 yen (tờ giấy bạc có mệnh giá lớn nhất của Nhật), dù ông không phải thuộc hạng vua chúa hay võ tướng lỗi lạc của đất nước mặt trời mọc.
Ông sinh năm 1835, mất năm 1901, thọ 66 tuổi. Một điều thú vị tình cờ là cuộc cải cách Minh Trị duy tân bắt đầu vào năm 1868, lúc Fukuzawa 33 tuổi. Tức là nếu lấy năm Minh Trị thứ nhất làm mốc có thể chia cuộc đời 66 năm của ông thành hai phần thì chẵn phân nửa đời ông là thời gian trước triều Minh Trị; chẵn phân nửa sau là sau khi vua Minh Trị chấp chính. Qua đó sẽ thấy được những biến cố lớn lao không chỉ đối với bản thân cuộc đời Fukuzawa mà của cả xã hội Nhật Bản.
Thân thế
Fukuzawa Yukichi sinh tại Ōsaka, khi cha ông đang lưu nhiệm ở đó làm đại diện cho lãnh chúa xứ Nakatsu. Cha ông vốn là một nhà Nho nhiệt tâm với kinh sử, nhưng suốt đời không thoát khỏi cuộc đời tầm thường quanh quẩn xoay quanh việc sổ sách chi thu cho lãnh chúa. Vì cho công việc đó nặng phần ô trọc, không vượt ra khỏi vòng thủ thúc giai cấp nên ông là người bất đắc chí. Điều này đã ảnh hưởng nhiều đến nhận xét về đẳng cấp xã hội của Fukuzawa sau này.
Năm 1836, khi ông mới lên 1, cha mất, nên cả gia đình phải bỏ cảnh thị thành của Osaka mà về lại Nakatsu. Năm 14 tuổi ông chính thức nhập học đúng theo khuôn khổ Nho giáo cổ điển nhưng vì đã quen lối sống trong thành nên cả gia đình không dễ hòa nhập vào cuộc sống thôn dã khép kín, bị chi phối nặng nề bởi chế độ phong kiến lãnh địa. Sự việc đó cũng góp phần giúp Fukuzawa thấu hiểu rằng nề nếp cổ đã lỗi thời, không thể khư khư kìm hãm lực tiến hóa được. Cùng lúc đó chính sự rất sôi động vì năm 1853 Hoa Kỳ gửi tàu chiến vào Edo dưới sự chỉ huy của Matthew C. Perry đòi Mạc phủ Tokugawa phải thông thương, giao hẹn cho một năm phải thi hành. Mạc phủ thì bối rối, miễn cưỡng chấp nhận vì biết rằng không thể dùng võ lực chống lại các nước Âu Mỹ. Một mặt thì Mạc phủ tìm cách phòng thủ binh bị, mặt kia thì mềm mỏng nhượng bộ các yêu sách của Âu Mỹ.
Theo học Hà Lan học
Ngay năm sau, 1854 Fukuzawa bỏ Nakatsu ra Nagasaki với ý định học kỹ thuật pháo binh chế tạo thuốc súng theo khoa học châu Âu. Vì Nhật Bản bấy lâu vẫn theo đuổi chính sách bế quan tỏa cảng (sakoku) hạn chế tối đa mọi tiếp xúc với Tây phương và mở mỗi hải cảng Nagasaki cho người Hà Lan được phép lập thương cuộc đổi chác hàng hóa nên đó cũng là cửa ngỏ duy nhất người Nhật tiếp nhận văn hóa Thái Tây. Sách vở từ phương Tây bấy giờ, hay đúng ra là sách của người Hòa Lan đã trở thành môn Hà Lan học để người Nhật nghiên cứu. Qua sự học hỏi, tìm tòi, trước tiên bằng cách học tiếng Hòa Lan, rồi đọc kỹ sách vở của họ, Fukuzawa cảm nhận được tinh thần thực dụng của học thuật Âu châu và dần tiếp thu nhiều tư tưởng khác liên quan đến cả nhân sinh quan.
Học ở Nagasaki đã khá thông nhưng Fukuzawa muốn tiến thêm nên dời lên Osaka theo học thày Ogata Kōan, một học giả Hà Lan học có tiếng lúc bấy giờ. Là một vị thày uyên bác và nhân hậu, lối ứng xử của Ogata Kōan đã tác động không nhỏ tới Fukuzawa; ông cũng thấm nhuần tư tưởng và tác phong đó. Ba năm sau khi ông mới 25 tuổi, Fukuzawa tòng lệnh của lãnh chúa Nakatsu, lên Edo mở trường tư thục để dạy dỗ các phiên thuộc của lãnh chúa. Ngôi trường đó là tiền thân của trường Đại học Keiō-gijuku ngày nay.
Chuyển sang học tiếng Anh và xuất ngoại
Bấy giờ Mạc phủ đang xúc tiến khai thương, chiếu theo Hiệp ước Kanagawa mà mở thêm hai hải cảng Shimoda và Hakodate cho tàu Tây phương ra vào. Fukuzawa trong chuyến đi ngang qua Kanagawa có ghé hải cảng Yokohama và trực tiếp thấy rằng thương thuyền Hòa Lan không nắm vai trò ưu thế mà đúng ra là các thương thuyền Anh, Mỹ nên ông và quyết tâm bỏ Hà Lan học, chuyển sang học tiếng Anh để tiếp cận văn minh Anh Mỹ. Ông là một trong những người tiên phong trên con đường này nên phải thâu thập sách vở, tự học bằng từ điển, thậm chí học lỏm từ các thuyền viên ngoại quốc trong cảng. Khi nghe tin Mạc phủ cử một phái đoàn đi sứ sang Hoa Kỳ vào năm 1860, ông không ngần ngại xin theo tháp tùng trên con tàu Kanrin Maru mặc dù vào thời đó việc vượt đại dương lắm rủi ro; quyết định của Fukuzawa là hết sức táo bạo. Tàu đáp ở San Francisco và nán lại một tháng, cho phép Fukuzawa tận kiến nếp sống tiên tiến và khoa học kỹ thuật. Chuyến đi Mỹ năm đó, tiếp theo là chuyến sang châu Âu (1862), rồi lại một lần nữa sang Mỹ (1867) là động lực lớn giúp ông thâu nhận kiến thức rộng rãi, ảnh hưởng đến những quyết định tư duy và phương thức cách tân Nhật Bản của ông.
Biên soạn, trước tác, cổ động
Với kinh nghiệm học được từ người phương Tây qua sách vở và những chuyến thị sát, ông đã nhiệt huyết truyền bá những tư tưởng tiến bộ bằng mọi phương tiện: dịch sách, viết báo, giảng dạy. Ông đã tách mình ra khỏi biến động chính trị cuối thời Mạc phủ Edo, chú tâm vào việc giáo dục, phổ biến những giá trị Thái Tây. Tài năng văn chương trác việt khi diễn đạt tầm nhìn sâu rộng và nhận xét sắc bén của ông đã lôi cuốn sự chú ý của giới trí thức lẫn bình dân. Bản thân ông đã tiên phong nêu gương đề cao tinh thần độc lập, thực học, và bình đẳng.
Trường Keiō-gijuku (Khánh Ứng nghĩa thục) do ông lập ra trở thành trường đại học tư thục hiện đại đầu tiên và cho đến nay hơn 100 năm sau, vẫn là một trong những trường đại học tư với uy tín hàng đầu của Nhật Bản. Đây chính là nơi đào tạo nhiều nhân tài trong các lãnh vực chính trị, khoa học, giáo dục, hạt mầm cho lớp tri thức tiên tiến của Nhật Bản lúc đất nước chuyển mình sang thời đại mới của triều Minh Trị.
Tài năng và nhân cách Fukuzawa Yukichi thăng hoa cùng với những năm tháng của cuộc cải cách Minh Trị duy tân. Ông đã để lại trước tác với số lượng lên tới hàng vạn trang, trong đó tiêu biểu phải kể đến là Khuyến học vấn (An Encouragement of Learning), Văn minh luận chi khái lược (An Outline of a Theory of Civilization), Tây Dương sự tình (Things western), Phúc ông tự truyện (Autobiography of Fukuzawa Yukichi) v.v.
Tư tưởng Thoát Á
Có dịp được tiếp xúc với văn minh phương Tây qua sách vở và những chuyến viếng thăm Mỹ và châu Âu vào cuối thế kỷ 19, Fukuzawa nhận định rằng văn minh phương Tây phát triển hơn châu Á về nhiều mặt, và các nước châu Á khó lòng duy trì được nền độc lập nếu cứ đóng cửa trước văn minh phương Tây. Theo ông, giành được quyền tự trị chưa phải đã là độc lập, mà nền độc lập thật sự chỉ có thể thành hiện thực thông qua việc trở thành một quốc gia tiên tiến và văn minh. Nếu không có sự khai sáng và văn minh, nền độc lập giành được sẽ mau chóng mất đi để rồi lại lệ thuộc vào các quốc gia tiên tiến khác .
Nhận thức được các nước trong khu vực châu Á mới chỉ ở mức "bán văn minh", không thể là tấm gương cho Nhật Bản học hỏi, trong bài "14 tháng 1 năm 2010-thoat-a-luan Thoát Á luận", Fukuzawa kêu gọi nước Nhật hãy "tách ra khỏi hàng ngũ các nước châu Á, đuổi kịp và đứng vào hàng ngũ các nước văn minh phương Tây". Ông chủ trương mở cửa giao thương với phương Tây, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm quản lý xã hội của phương Tây để phát triển Nhật Bản. Quan điểm này của Fukuzawa đã được chứng minh bằng thực tế: Ở châu Á, chỉ có Nhật Bản và Thái Lan, hai nước chủ trương mở cửa, là tránh được sự xâm lược và thôn tính của các nước phương Tây. Chính sự du nhập của những giá trị và nền giáo dục khoa học kiểu phương Tây đã khiến Nhật Bản không bị phương Tây xâm lược.
Fukuzawa tin rằng giáo dục là cách duy nhất để đạt tới văn minh, bởi bản chất của văn minh là sự phát triển kiến thức và đạo đức nội tại của dân tộc:
"Văn minh có nghĩa là đạt được cả những tiện nghi vật chất lẫn sự nâng cao tinh thần của con người. Nhưng cái tạo ra những tiện nghi vật chất và nâng cao tinh thần của con người là kiến thức và đạo đức, [do đó] bản chất của văn minh chính là quá trình phát triển kiến thức và đạo đức con người."
Fukuzawa cho rằng nền giáo dục Nho học truyền thống ở Nhật Bản chính là sự cản trở lớn nhất của nền văn minh: Nó vừa cổ hủ vừa chậm phát triển, hàng nghìn năm vẫn không thay đổi, chỉ coi trọng hình thức bên ngoài giả tạo mà coi thường chân lý và nguyên tắc. Số lượng người đi học đã ít ỏi, lại chỉ được dạy đọc/viết mà không được khuyến khích phát triển tư duy sáng tạo và độc lập. Chính vì vậy, Fukuzawa kêu gọi người dân hãy theo đuổi nền giáo dục thực học của phương Tây, dựa trên nền tảng khoa học và kỹ thuật. Mỗi người trong xã hội, từ các học giả uyên bác, những viên chức nhà nước địa vị cao đến những nông dân nghèo và những người buôn bán nhỏ đều có thể đi học để thực hiện tốt hơn chức năng riêng của mình, từ đó đóng góp sức mình vào phát triển xã hội, chứ không nhất thiết phải học để ra làm quan theo lối suy nghĩ truyền thống của Nho học hủ lậu. Fukuzawa phê phán lối học ấy trong xã hội Nhật đương thời: "Trong xã hội Nhật Bản, mười người thì cả mười, trăm người thì cả trăm, tất cả đều mưu cầu việc tiến thân, thăng quan tiến chức và trở thành công chức".
Fukuzawa là người đưa ra nguyên tắc nổi tiếng: "Độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân", tức là một xã hội muốn phát triển phải dựa trên những cá nhân có khả năng tư duy độc lập và sáng tạo, chứ không phải dựa vào chính phủ. Ông kêu gọi các sĩ phu Nhật Bản làm việc theo phương châm "coi trọng quốc gia và coi nhẹ chính phủ", tự tin vào sức mạnh cá nhân mà không phụ thuộc vào sức mạnh của người khác (đây chính là tư tưởng Khai sáng của Immanuel Kant).
Để phổ biến kiến thức văn minh và tư tưởng tiến bộ phương Tây tới dân chúng, Fukuzawa đã viết trên 100 cuốn sách giải thích và cổ vũ cho thể chế chính quyền nghị viện, giáo dục phổ thông, cải cách ngôn ngữ và quyền của phụ nữ. Ông còn mở trường Đại học Keio (Trường Khánh Ứng Nghĩ Thục), nay trở thành một trong những trường đại học hàng đầu của Nhật Bản, để đào tạo những thế hệ thanh niên Nhật Bản theo phương thức mới. Cùng với một nhóm trí thức cùng tư tưởng, Fukuzawa cho ra mắt tờ báo Jiji Shimpo năm 1882, đây là một cơ quan tuyên truyền có tác động rất lớn đến công chúng Nhật Bản. Ông không coi mình là người làm chính trị, mà chỉ là "bác sĩ bắt mạch chính trị". Ông không tham gia chính quyền, dù được mời nhiều lần, nhờ đó có cơ hội phê phán chính quyền một cách mạnh mẽ và kiên quyết hơn.
Tư tưởng quân phiệt
Fukuzawa cũng thể hiện tư tưởng có phần quá khích trong quan hệ với nước châu Á láng giềng. Ông viết: "Giờ đây nếu phải chờ nhà Thanh lẫn Triều Tiên đều cận đại hóa để cùng có một châu Á phồn vinh thì e không kịp nữa. Nhật Bản phải thoát ra khỏi Á châu ngay và sẽ tiếp cận với nhà Thanh và Triều Tiên với cùng một cách thức như các nước Âu - Mỹ mới được". Điều đó có nghĩa là ông khuyên Nhật Bản cũng phải gia nhập vào nhóm các nước đang cạnh tranh xâm chiếm thuộc địa ở vùng Đông Á như Âu - Mỹ. 20 năm sau thì đúng là Nhật Bản đã làm theo ý kiến mà Fukuzawa đề xướng, nghĩa là đua tranh với các nước thực dân Âu - Mỹ trong việc xâm chiếm các nước vùng Đông Á
Chủ nghĩa xã hội Darwin đã tác động sâu sắc đến Fukuzawa, ông cho rằng Nhật Bản phải thôn tính các nước châu Á để tránh việc bị các nước phương Tây xâm chiếm ("hoặc ăn thịt kẻ khác, hoặc bị kẻ khác ăn thịt"). Vì vậy, ông đã cổ vũ cho việc Nhật Bản xâm chiếm Triều Tiên và gây chiến với Trung Quốc.
Sự ủng hộ nhiệt tình của Fukuzawa đối với Chiến tranh Thanh-Nhật có liên quan nhiều đến quan điểm của ông về hiện đại hóa. Giống như nhiều bạn bè của mình trong chính phủ, Fukuzawa tin rằng việc hiện đại hóa châu Á chỉ có thể đạt được bằng vũ lực. Fukuzawa hy vọng một màn trình diễn về sức mạnh quân sự của Nhật sẽ làm chấn động dư luận ở phương Tây và giúp Nhật Bản tránh khỏi số phận bị xâu xé của Trung Quốc. Với hy vọng về một Nhật Bản mạnh mẽ, Fukuzawa đã xem các quốc gia châu Á vừa là mối đe dọa, vừa là cơ hội để Nhật thể hiện sức mạnh quân sự và chiếm làm thuộc địa.
Năm 2004, Yo Hirayama đã nghiên cứu di sản của bài viết "Thoát Á luận" và kết luận rằng nó đã gần như bị lãng quên từ khi được xuất bản vào năm 1885 cho đến những năm 1950, khi nó bắt đầu được trích dẫn lại và được coi là một ví dụ tiêu biểu về chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trong thời Minh Trị
Tác phẩm
Khuyến học (1872-1876)
Bàn về dân quyền (1878)
Bàn về tiền tệ (1878)
Bàn về quốc quyền (1879)
Bàn về quốc hội (1879)
Bàn về kinh tế tư nhân (1880)
Bàn về thời sự thế giới (1882)
Bàn về quân sự (1882)
Bàn về nghĩa vụ quân sự (1884)
Bàn về ngoại giao (1884)
Bàn về phụ nữ Nhật Bản (1885)
Bàn về phẩm hạnh (1885)
Bàn về cách nhân sĩ xử thế (1886)
Bàn về giao tiếp (1886)
Bàn về nam giới Nhật Bản (1888)
Bàn về hoàng gia Nhật Bản (1888)
Bàn về thuế đất (1892)
Bàn về tiền đồ và trị an quốc hội (1892)
Bàn về thực nghiệm (1893)
Fukuzawa Yukichi tuyển tập (1897-1899)
Bàn về đại học nữ, đại học nữ mới (1899)
Fukuzawa Yukichi tự truyện (1899)
Phúc ông tự truyện
Fukuzawa Yukichi có lẽ bắt đầu được độc giả Việt Nam biết đến qua những công trình nghiên cứu về ảnh hưởng đối với tư tưởng của Phan Bội Châu, Phong trào Duy Tân và lịch sử cận đại Việt Nam cùng bản dịch cuốn Gakumon no susume (Khuyến học) của giáo sư sử học Chương Thâu. Sự thành công của cuộc Minh Trị duy tân là tấm gương sáng, là nguồn cổ vũ cho rất nhiều chí sĩ tâm huyết với sự nghiệp giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, trong đó có Phan Bội Châu và những sĩ phu của phong trào Duy Tân.
Sau thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai, mặc dù giới nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn của Nhật Bản có thể có những nhìn nhận lại về tư tưởng Fukuzawa Yukichi, nhưng cần khẳng định một điều rằng không một nhà tư tưởng nào lại có ảnh hưởng sâu và rộng đến xã hội Nhật Bản cận hiện đại hơn Fukuzawa. Có thể nói, những tư tưởng về chính trị, xã hội, kinh tế mà Fukuzawa truyền bá là một căn nguyên phát triển của Nhật Bản cận hiện đại. Vì vậy, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp cũng như tư tưởng Fukuzawa là điều cần thiết, không chỉ giúp người Việt nhìn nhận những vấp váp, sai lầm trong lịch sử cận đại Việt Nam, mà còn hữu ích cho cả sự phát triển hiện nay và sau này. Đây cũng chính là điều khiến dịch giả quan tâm đến các trước tác của Fukuzawa nói chung và cuốn "Phúc ông tự truyện" nói riêng.
Cuốn tự truyện kể về những bước thăng trầm của cuộc đời Fukuzawa Yukichi từ khi sinh ra cho đến những năm tháng tuổi già. Có thể nói, chưa đọc "Phúc ông tự truyện" thì chưa thể hiểu nhân cách cũng như tư tưởng của Fukuzawa Yukichi. Cuốn tự truyện không chỉ là lời tự thuật chân thực về những thăng trầm trong cuộc đời riêng Fukuzawa mà còn tái hiện được cả bối cảnh phức tạp của xã hội Nhật Bản trong thời kỳ chuyển biến dữ dội vào nửa cuối thể kỷ 19. Và một điều cần nói thêm rằng, tất cả những biến động lớn lao đó của lịch sử Nhật Bản được phản ánh qua những trải nghiệm thực tế, sự phân tích với tư cách người đương thời và bằng giọng kể chân thành, ngôn ngữ giàu nhạc điệu của Fukuzawa, nghĩa là những gì được tái hiện lại trong cuốn tự truyện khác xa với bất kỳ một sự tường thuật cứng nhắc ở cuốn sách về lịch sử nào khác.
Cuốn tự truyện có 15 chương, mỗi chương lại bao gồm những câu chuyện nhỏ khác nhau. Trong quá trình dịch cuốn Phúc ông tự truyện này, dịch giả chủ yếu dựa trên bản Fukuō Jiden do Tomita Masafumi khảo chú, được Nhà xuất bản Đại học Keiō-gijuku Daigaku ấn hành vào tháng 1 năm 2001. Tomita Masafumi là người đã dày công nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp của Fukuzawa Yukichi.
Vinh danh
Để vinh danh công lao đóng góp của Fukuzawa Yukichi, hình ảnh của ông được đưa vào tờ tiền mệnh giá 10000 yên Nhật lần lượt vào các năm 1984 và 2004
Thư mục
Yukichi Fukuzawa, Phúc Ông tự truyện'', Phạm Thu Giang dịch, Nhà xuất bản Lý luận Chính trị và Sách Alpha, 2005 |
Cộng hòa Belarus là một quốc gia nằm ở Đông Âu. Belarus có biên giới với 5 quốc gia: phía tây tiếp giáp với Ba Lan, phía bắc với Litva và Latvia, phía đông là Nga và phía Nam là Ukraina. Nước cộng hòa này không tiếp giáp biển.
Trên lãnh thổ Belarus có hơn 4.000 biển hồ, nhiêu sông và đầm. Sông lớn nhất là sông Dnepr (Днепр).
Khí hậu Belarus ấm áp mang hơi ẩm của biển Baltic, vì thế nên mưa nhiều.
Vị trí của Belarus tại châu Âu giúp quốc gia này trở thành điểm giao lưu kinh tế của các quốc gia phía đông và tây. |
Giải Pulitzer là một giải thưởng của Mỹ, trao cho nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng hơn cả là về báo chí và văn học. Đặc biệt về báo chí, Pulitzer được xem như một trong những giải danh giá nhất.
Joseph Pulitzer, chủ bút báo New York World đề nghị giải này trong di chúc của ông viết năm 1904. Khi đó ông có đề ra 13 giải: 4 cho báo chí, 4 cho văn học, 4 cho sân khấu và 1 cho giáo dục. Nhạy cảm với sự thay đổi, Pulitzer có lập ra một hội đồng tư vấn có quyền thay đổi nội dung giải thưởng. Từ năm 1917, giải được trao vào tháng 4 hàng năm bởi hiệu trưởng trường Đại học Columbia. Một phong bì 15.000 đô la (trước năm 2017 là 10.000 đô la) được tặng kèm theo giải thưởng. Hiện nay, giải Pulitzer có tới 21 nội dung: một số thể loại phóng sự, biên tập, biếm họa, nhiếp ảnh, tiểu thuyết, tiểu sử, sân khấu, thơ và âm nhạc.
Một vài giải Pulitzer nổi tiếng
Tiểu thuyết
Stephen Vincent Benét với John Browns' Body 1929.
Margaret Mitchell - Cuốn theo chiều gió (Gone with the Wind) 1937.
John Steinbeck - Chùm nho uất hận (The Grapes of Wrath) 1940.
Tennessee Williams - Chuyến tàu mang tên dục vọng (A Streetcar Named Desire) 1948 và Con mèo trên mái nhà nóng bỏng (Cat on a Hot Tin Roof) 1955.
Ernest Hemingway - Ông già và biển cả (The Old Man and the Sea) 1953.
William Faulkner - A Fable 1955 và The Reivers 1963.
Harper Lee - Giết con chim nhại 1960
Edward Osborne Wilson và Bert Hölldobler - The Ants 1991.
Richard Russo - Empire Falls 2002.
Viet Thanh Nguyen - The Sympathizer 2016.
Báo chí
1983, 1988 và 2002: Thomas L. Friedman với những bài báo cho New York Times.
1999: Maureen Dowd với những bài báo cho The New York Times.
Nhiếp ảnh |
Goncourt là một giải thưởng văn học Pháp được sáng lập theo di chúc của Edmond de Goncourt vào năm 1896. Hội văn học Goncourt thành lập chính thức năm 1900 và giải đầu tiên được trao ngày 21 tháng 12 năm 1903.
Giải Goncourt, được sáng lập để trao mỗi năm cho "tác phẩm văn xuôi xuất sắc nhất trong năm", nhưng hầu như chỉ trao cho tiểu thuyết. Nó là giải thưởng văn học Pháp được mong muốn nhất. Mặc dù tiền thưởng của giải chỉ là 10 euro, nhưng sự nổi tiếng mà Goncourt đem lại cho cuốn sách sẽ là một phần thưởng lớn thay thế.
Các thành viên của viện Goncourt họp vào các thứ ba đầu tiên mỗi tháng trong phòng khách của họ tại tầng hai nhà hàng Drouant ở Paris (Place Gaillon, quận 2). Tên người được giải sẽ công bố ngày 3 tháng 11 sau bữa ăn trưa tại nhà hàng.
Giải chỉ trao cho mỗi nhà văn một lần. Duy có Romain Gary năm 1956 nhận giải với tiểu thuyết Racines du ciel (Rễ trời) và năm 1975 nhận một giải nữa với La vie devant soi (Cuộc sống ở trước mặt), nhưng dưới bút danh Émile Ajar.
Danh sách giải thưởng |
Văn Thiên Tường (, 6 tháng 6, 1236 - 9 tháng 1, 1283) là thừa tướng trung nghĩa lẫm liệt nhà Nam Tống, một thi sĩ nổi tiếng mà tư tưởng yêu nước đã thấm đượm trong thi văn của ông.
Ông là một vị anh hùng dân tộc của Trung Quốc, là 1 trong 5 vị quan thời Nam Tống (cùng với Nhạc Phi, Lý Cương, Hàn Thế Trung, Triệu Đỉnh) được thờ tại Đế vương miếu (历代帝王庙) thời nhà Minh, nhà Thanh xây dựng, trong đó thờ những vị quan văn, võ tướng được đánh giá là tài năng và tận trung nhất qua các triều đại.
Xuất thân
Văn Thiên Tường ban đầu có tên Vân Tôn (雲孫), tự Thiên Tường (天祥), sau đổi thành Tống Thụy (宋瑞) và có tự là Lý Thiện (履善), hiệu Văn Sơn (文山). Ông xuất thân từ Cát Châu Lô Lăng (吉州廬陵), bây giờ là huyện Cát An, tỉnh Giang Tây). Lúc còn nhỏ, Văn Thiên Tường ham đọc sách, ông ngưỡng mộ cốt cách những nhân vật "Trung thần nghĩa sĩ" có chí khí, yêu nước thương dân... Năm 1253, đời vua Tống Lý Tông, Văn Thiên Tường 17 tuổi, tham gia kỳ thi Hương ở Lô Lăng, tên đậu đầu bảng. Lúc đứng trước tượng Âu Dương Tu, ông đã nói: "Sau này tôi chết đi, nếu không được như ông, mọi người tưởng nhớ, thì tôi không phải là bậc đại trượng phu".
Đường công danh
Năm 1255, ông cùng em là Văn Bích tham gia kỳ thi Tiến sĩ và cả hai đều có tên trúng cử. Vào ngày công bố người trúng tuyển, Văn Thiên Tường đứng đầu trên 601 người đậu Tiến sĩ rồi ông được mang danh trạng nguyên, thì ông được tin cha chết. Hai anh em phải trở về quê hương khi chưa kịp nhận chức tước. Mãi đến năm 1259, Văn Thiên Tường mới được bổ nhiệm Công sự phán quan, một chức quan xử kiện. Khi quân nhà Nguyên tràn vào đất Tống, ông ứng "chiếu Cần Vương" dưới cờ vua Tống Cung Đế.
Năm 1275, ông được cử làm Hữu Thừa tướng, Khu mật sứ, Đô đốc thống quản quân mã. Vào tháng 8 năm đó, chẳng may Văn Thiên Tường bị thua trận ở Lô Lăng, may có người cứu thoát. Phu nhân là Âu Dương thị, con trai thứ là Văn Phật Sinh, hai con gái là Văn Liễu Nương và Văn Hoàn Nương đều bị quân Nguyên bắt giam. Công cuộc kháng chiến chống Nguyên không thành và ông bị quân Nguyên bắt đưa về Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay).
Năm 1278, mẹ ông và người con trai đầu mới 13 tuổi bị bệnh qua đời khiến ông vô cùng đau buồn. Triều đình phong cho ông làm Thiếu bảo, Tín Quốc công thi hành chủ trương tiến bộ. Trong thời gian ở Lâm An, tình thế quẫn bách, triều đình đã cử ông đến đại bản doanh Thừa tướng triều Nguyên là Bá Nhan đàm phán cầu hàng. Vua Nguyên thấy ông là người có tài và có khí tiết định giam giữ dụ hàng. Khi Bá Nhan lấy cái chết đe doạ, ông đã khẳng khái nói:"Tôi hiện đang là Tể tướng triều Tống, chỉ lấy cái chết để đền nợ nước, nếu lấy gươm đao dọa nạt, chẳng làm gì được đâu". Bá Nhan đã giữ ông lại và quyết định giải ông về Đại Đô (nay là Bắc Kinh).
Tiết khí
Năm 1276, khi quân nhà Nguyên (bấy giờ đã hùng hổ chinh phục khắp Âu Á (diệt nước Yên năm 1215, nước Hồi năm 1222, nước Kim năm 1234, đánh tan liên quân các tiểu quốc Nga, bắt sống nhiều hoàng thân Nga năm 1237, đánh Cao Ly năm 1247, diệt Đại Lý rồi chiêu hàng Thổ Phồn năm 1253, đánh Nhật Bản năm 1271...) đi chinh phạt đến núi Cao Đình, nhà Tống xin hàng. Bá Nhan sai hàng tướng Lã Văn Hoán vào Lâm An, tra xét thành trì, treo bảng vàng vỗ về quân dân trong ngoài. Bá Nhan giam giữ Văn Thiên Tường trong quân, Thiên Tường mắng Bá Nhan thất tín. Văn Hoán ở bên cạnh khuyên giải, Thiên Tường mắng Hoán là loạn tặc, Văn Hoán rất hổ thẹn nói: “Thừa tướng sao lại mắng Hoán là loạn tặc?” Văn Thiên Tường nói: “Quốc gia bất hạnh đến hôm nay, ngươi gây tội đầu, ngươi không phải loạn tặc thì ai? Trẻ con 3 thước đều mắng ngươi, có riêng gì ta?” Lữ Văn Hoán nói: “Ta giữ Tương Dương 6 năm không được cứu.” Văn Thiên Tường nói: “Sức cùng viện tuyệt, thì chết để báo nước là được. Ngươi yêu thân tiếc vợ con, đã phụ nước, còn phá hoại tiếng tăm cả nhà. Nay ngươi họp cả họ làm chuyện phản nghịch, là tặc thần muôn đời!” Tướng Nguyên là Toa Đô cũng phải khen: “Thừa tướng mắng họ Lữ hay lắm!”
Vào cuối năm 1277, ông đã trốn thoát khi đang trên đường bị cưỡng bức lên phương Bắc ra mắt Nguyên Thế Tổ - Hốt Tất Liệt. Sau đó một thời gian, vào một buổi trưa tháng 12, Văn Thiên Tường đã xuất quân từ Hải Phong lên phía bắc, khi đi qua một quãng đường hẹp đã bị quân phục kích, rơi vào bẫy, không kịp trở tay và bị quân Nguyên bắt sống. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này quân Nguyên canh phòng ông nghiêm mật. Nhiều lần Văn Thiên Tường đã tìm cách trốn nhưng vô hiệu. Một thời gian sau, nhà Tống cũng bị diệt vong.
Chiến tranh kết thúc, quân Nguyên bày yến tiệc để mừng công, Văn Thiên Tường cũng được mời đến. Trương Hoằng Phạm, đô đốc quân thủy nhà Nguyên đã nói với ông:
"Hiện nay, triều Tống đã mất, trung hiếu của ông cũng hết rồi. Thừa tướng có thể thay đổi ý kiến được không, làm việc cho triều Nguyên, mà Tể tướng triều Nguyên không phải là ông thì ai vào đó?"
Ông đã khẳng khái trả lời:
"Nước mất không thể cứu được, làm quan đại thần thì tội quả đáng chết, lẽ nào còn tham sống sợ chết, phản bội Tổ quốc được?"
Trên đường giải từ Quảng Châu lên Đại Đô, thời tiết khắc nghiệt, mưa gió tầm tã, Văn Tường bị xích giải đi. Ông đã từng tuyệt thực, nhịn đói, nhịn khát, muốn lấy cái chết để phản kháng, có lúc ông lại tìm cách trốn thoát, nhưng tất cả đều vô hiệu, vì quân Nguyên canh phòng nghiêm mật. Những lúc đó ông lại làm thơ gửi gắm tâm hồn, ý nguyện. Triều Nguyên muốn lợi dụng ông để lung lạc nhân tâm, hòa hoãn ý chí chống Nguyên của nhân dân Giang Nam nhưng vẫn không mua chuộc được ông. Triều Nguyên đã cho Lưu Mộng Viêm là Thừa tướng triều Tống đã hàng đến dụ hàng Văn Thiên Tường. Vừa trông thấy Lưu Mộng Viêm, Văn Thiên Tường lòng bốc giận, mắng rủa thậm tệ. Tiếp theo triều đình nhà Nguyên đưa Hoàng đế tù nhân Tống Cung Đế của Nam Tống mới 9 tuổi đến khuyên ông đầu hàng. Văn Thiên Tường trông thấy vua cũ, tuy không thóa mạ, nhưng lạnh nhạt nói: "Xin thánh giá hồi cung".
Vào một ngày tháng 5, triều đình nhà Nguyên lại cho người dẫn Văn Bích, em trai ông đã đầu hàng giặc đến khuyên ông nên hàng, Văn Thiên Tường kiên quyết: "Anh em một người là tù, một người cưỡi ngựa, cùng cha mẹ nhưng không đội một trời". Năm 1283, ông bị đưa đến Kim Loan điện để gặp Hốt Tất Liệt. Ông đứng sừng sững, bị lính đánh đến gãy xương, vẫn không chịu quỳ. Hốt Tất Liệt đề nghị ông theo nhà Nguyên, sẽ phong ông làm Thừa tướng nhưng ông không chấp nhận. Triều đình nhà Nguyên dày vò thân xác ông nhưng không nổi, cuối cùng đã dùng mẹo "tình cốt nhục" buộc con gái ông là Liêu Nương hiện đang bị chúng bắt giữ viết thư cho ông. Đến lúc này ông mới biết khi thua trận, vợ và con ông cũng bị bắt luôn, nhưng ông vẫn không khuất phục.
Sau ba năm thấy không thể khuất phục được ông, vua Nguyên hết cách bèn đem ông giết nhưng vẫn khen là "chân nam tử". Ông chết lúc mới 47 tuổi.
Khi hậu táng Văn Thiên Tường, người ta phát hiện ra một bài thơ tuyệt mệnh ghi như sau:
Văn Thiên Tường đã mất, nhưng khí tiết, phẩm chất đạo đức cao thượng của ông mãi mãi để cho người đời sau kính ngưỡng. Ông cùng với Lục Tú Phu và Trương Thế Kiệt được sử Trung gọi là "Tống vong tam kiệt" (ba bậc hào kiệt thời Tống mạt).
Văn chương
Văn Thiên Tường (文 天 祥) còn là một nhà thơ, nhà văn. Văn chương ông có lời lẽ khẳng khái, hào hùng của kẻ sĩ trong thời nước nhà lâm nạn. Khí tiết của Văn Thiên Tường ảnh hưởng rất nhiều đến sĩ phu đời sau. Hai câu thơ:
Đã được Nguyễn Công Trứ dùng trong bài hát nói "Chí khí Anh hùng" nổi tiếng của mình:
Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả, trả vay
Chí làm trai nam bắc đông tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh
Đã chắc ai rằng nhục rằng vinh
Mấy kẻ biết anh hùng thời vị ngộ
Cũng có lúc mây tuôn sóng vỗ,
Quyết ra tay buồm lái trận cuồng phong...
• Bài thơ Chính khí ca cũng là một tác phẩm hết sức nổi tiếng, được Văn Thiên Tường viết khi ông đang ở trong nhà tù của quân Nguyên.
Bài thơ Chính Khí Ca
Bài thơ "Chính khí ca" là một áng văn tuyệt tác, một tác phẩm nổi tiếng của Văn Thiên Tường, ca ngợi lòng yêu nước và chí khí lẫm liệt của những con người ngay thẳng cương trực, trung nghĩa thời xưa.
Tư tưởng "Chính khí ca" đã được truyền tụng rộng khắp vào Việt Nam nhằm khích lệ cổ vũ lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của các con dân và sỹ phu nước Việt.
Năm 1882, sau khi thành Hà Nội thất thủ, ở Việt Nam cũng xuất hiện "Hà Thành chính khí ca", ca ngợi tinh thần yêu nước và chí khí trung nghĩa lẫm liệt của Tổng đốc Hoàng Diệu người đã quyết tử để bảo vệ thành Hà Nội.
Chính Khí Ca (正 氣 歌)
(Bản gốc chữ Hán và phiên âm Hán-Việt):
• Bản dịch của Thái Trọng Lai (mấy khổ đầu) :
1• Trong trời đất có đầy chính khí,
• Xen lẫn vào mọi mặt sẵn dòng.
• Dưới này là núi, là sông,
• Trên kia sao sáng cùng ông mặt trời.
5• Là hạo nhiên khi người nhận nó,
• Khí ứ tràn nghẽn cả đất trời.
• Nước nhà yên ả, thảnh thơi,• Khí hòa vũ trụ trút nơi triều đình.• Khi vận nước ngửa nghiêng, cùng quẫn,10• Khí phả vào, danh rạng sử xanh.• Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê (mấy khổ đầu):
1-Trời đất có chính khí
Lẫn lộn trong các hình
Dưới đất là sông núi
Trên trời là nhật, tinh.
5-Tại người là hạo nhiên
Vũ trụ đầy anh linh
Khí hoà nhả trước sân
Non nước lúc thanh bình
Thời cùng cao tiết hiện
10-Nhất nhất ghi sử xanh.
• Bản dịch (của Hoàng Tạo):
• Phạm Trọng Cảnh|Phạm Trọng Cảnh dịch nôm:
Trong trời đất có cái chính khí,
Tỏa sáng ra cho tất cả mọi loài hữu hình.
Tràn tuôn mặt đất từ sông đến núi và trên trời sáng chói trăng sao.
Là khí hạo nhiên của con người.
Khi non nước thanh bình thịnh trị,
Từ trong triều đến dân gian đều vang lời vui vẻ, an lạc.
Gặp lúc cùng khốn thì tiết tháo can trường tỏ ra,
Được sử xanh lưu truyền muôn đời.
Ở nước Tề thời Chiến Quốc, Thôi Tử giết vua quan Thái Sử chép việc mà không sợ uy quyền.
Ở Tấn, quan Tể Tướng Triệu Thuẩn bỏ trốn khi vua bị giết,
Đổng Hồ chép sự thật kết án Triệu Thuẩn không làm tròn trách nhiệm là giết vua.
Nước Tần, Trương Lương muốn báo thù cho nước Hàn một mình mang chùy đánh vua Tần Thủy Hoàng.
Tại nhà Hán, Tô Vũ đi sứ bị Hung Nô bắt giam 18 năm.
Trương Phi đánh Ba Thục bắt được tướng Nghiêm Nhan,
Nhan không chịu đầu hàng nói: nước Thục chỉ có tướng đứt đầu chứ không có tướng đầu hàng.
Vua Tấn Hoài Đế bị giặc đuổi,
Kê Thị Trung tức Kê Thiệu, lấy thân mình che chỡ vua, bị tên bắn máu tung đỏ cả áo long bào nhà vua.
Đời Đường An Lộc Sơn làm phản,
Trương Thư Dương tức Trương Tuần đánh giặc thua trận bị bắt,
Mắng giặc luôn miệng bị giặc bẽ gãy hai cái răng.
Nhan Kiều Khanh tức Nhan Thường Sơn bị giặc bắt
Mắng chưỡi luôn miệng, giặc cắt lưỡi vẫn tiếp tục chửi mãi không thôi.
Quảng Minh đời Hán được vua mời ra làm quan,
Không chịu, cứ ở mãi Liêu Đông ba mươi năm đội nón lá mặc áo vải bố.
Khổng Minh dâng biểu xin vua xuất quân đánh Ngụy, lời lẫm liệt oai hùng.
Tổ Địch qua sông đánh giặc
Bẻ gảy mái chèo thề không dẹp giặc xong không qua sông này.
Đoàn Tú Thực giận Châu Xế chiếm ngôi vua cầm hốt (vật bằng ngọc các quan cầm cho oai nghi),
Đánh vào đầu Xế máu ra lai láng.
Cái linh khí ấy tràn ngập muôn thuở,
Sáng rực cả trần ai, tỏ rõ cả trăng sao.
Khí thiên anh hùng, xem nhẹ cái chết tựa lông hồng.
Nó làm cho khuôn đất nhờ đó mà vững vàng,
Cột chống trời nhờ đó mà còn.
Tam cương được gìn giữ. Đạo nghĩa có được nguồn gốc.
Xót vì ta gặp vận chẳng may,
Tướng sĩ hèn nhát, cho nên ta bị bắt làm tù nhân.
Xe chở lên Bắc Kinh, dù ninh nấu ta trong vạc dầu sôi ta cũng coi như sương.
Trong ngục tù không thấy ánh mặt trời, phòng giam tối đen lập lòe như lửa ma.
Như ngựa quý sống cùng trâu bò (Văn Thiên Tường sống cùng bốn người lính).
Như phượng hoàng ăn thóc chung cùng đàn gà.
Gió lạnh sương mù, trong không khí ẩm thấp,
Ta thường nghĩ sắp chết đến nơi,
vậy mà trọn hai năm, bệnh tật hoài công lãng vãng chung quanh.
Riết rồi ta cũng thấy cái nền ngục ẩm thấp hôi hám này là cảnh thiên đường lạc quốc.
Vì thế ta vững được ý chí,
Ngắm mây trắng trôi trên đầu
Mà lòng buồn mênh mông như vòm trời vậy.
Thánh hiền nay đã xa, tinh hoa vẫn còn đó.
Trước hiên gió lộng mở sách đọc.
Gương xưa vẫn soi sáng trước mặt.
• Bản dịch (Nguyễn Văn Thọ):1. Anh hoa chính khí đất trờiKhoác hình vật chất khắp nơi vẫy vùng.Tràn mặt đất tuôn sông kết núi,Vút trời mây chói lói trăng sao5. Trần ai lẩn bóng anh hào,Muôn ngàn khí phách rạt rào tầng xanh.Thuở non nước thanh bình khắp chốn,Nét đan thanh chóng lộn bệ rồng.Sơn hà gặp buổi lao lung,10. Càng cao tiết ngọc, càng bừng vẻ son.☸Tề Thái Sử mất còn mấy độ,Thẻ tre kia há sợ gươm ai.Đổng Hồ múa bút mấy hồi,Làm cho Tấn tặc tơi bời ruột gan15. Trương Lương xót nỗi Hàn khói lửa,Dùi đồng vung, nghiêng ngửa Tần vương.Ngọn cờ Tô Vũ phong sương,Càng băng giá cảnh, càng hương sắc lòngĐầu Nghiêm tướng dường đồng, dường thép,20. Máu Kê quân nhuốm hết long bào.Trương Tuần răng cứng cát sao,Thành đồng đà nát, lòng đào khôn thay.Lưỡi Thường Sơn nào hay lắt léo,Mũ Quảng Minh che nẻo Liêu Đông.25. Xuất sư biểu ấy hào hùng,Ngọc vàng rộn rã nát lòng thần minh.Dòng nước Hiệt lênh đênh bỡ ngỡ,Thề cùng sông: «Tan rợ mới về !» Hốt ngà có lúc cũng ghê,30. Cho đầu soán chúa ê chề tóc tang.Linh khí ấy chứa chan muôn thuở,Rực trần ai, tở mở trăng sao.Khí thiêng đượm máu hùng hào,Phù sinh nhẹ tựa hồng mao sá gì.35. Giây buộc đất nó xe cho vững,Cột chống trời nó dựng cho cao.Cương thường đạo nghĩa trước sau,Mối giường then chốt quán thâu một mình.☸Ta lỡ bước điêu linh tù túng,Vì ba quân lấp lửng ươn hèn.Thân tù dạ lỏng khóa then,Một xe đầy ải, băng miền heo may.Đời luân lạc tỉnh say mấy độ,Vạc dầu sôi mà ngó như sương.Ngục tù khóa kín ánh dương,Phòng giam trời vắng tối dường than tro.Long câu giữa trâu bò len lỏi,Phượng hoàng kia phận gửi đàn gàMột mai gió lạnh sương mờ,Mấy hồi run rét, xác xơ thân tàn.Cậy tuế nguyệt thổi tan chướng khí,Nhờ dương quang đượm vẻ an khương.Nhớp nhơ là chốn tù trường,Mà ta khinh khoát coi dường Bồng Lai.55. Ta vốn chẳng có tài phép lớn,Nhưng trần ai khôn bận lòng ta.Lòng ta Chính Khí chói lòa,Âm dương điên đảo khôn mờ tấc son.☸Trời lồng lộng mây tuôn sóng bạc,Động lòng sầu man mác trời mây.Biển trời bát ngát chơi vơi,Con thuyền dĩ vãng, bóng người xa xưa.60. Người xưa quá, tinh hoa vẫn đó,Tinh hoa còn rạng rỡ tờ mây.Đạo xưa vầng sáng đâu đây,Linh lung vầng sáng tỏa đầy dung quang.Tư tưởng Chính Khí Ca
Bài thơ "Chính khí ca" của Văn Thiên Tường, ca ngợi lòng yêu nước và chí khí lẫm liệt của những con người ngay thẳng cương trực, trung nghĩa thời xưa, đã giữ toàn được cái khí chất lớn lao mạnh mẽ, được gọi là chính khí hạo nhiên của trời đất phú cho bậc đại trượng phu, cho người quân tử... Bài "Chính khí ca" làm chấn động, tỏa sáng cổ kim:
"Trời đất có chính khí
Toả ra cho muôn loài..."
Bài "Chính khí ca" đã được cụ Phan Bội Châu (1867 – 1940) dịch, truyền tụng rộng rộng khắp để khích lệ cổ vũ lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của con dân nước Việt.
Nhưng cụ Nguyễn Đình Chiểu (1822–1888) mới là người đầu tiên truyền bá tư tưởng "Chính khí ca" vào Việt Nam qua "Ngư Tiều Vấn Đáp" (từ câu 1350 đến câu 1375) , Cụ đã quảng diễn tư tưởng của Văn Thiên Tường bằng tiếng mẹ đẻ: cụ được xem là Văn Thiên Tường Việt Nam vậy.Năm 1882, sau khi thành Hà Nội thất thủ, Ba Giai (Nguyễn Văn Giai) cũng mượn ý của "Chính khí ca" để làm thành bài "Hà Thành chính khí ca" ca ngợi Tổng đốc Hoàng Diệu người đã quyết tử bảo vệ thành Hà Nội. Khi thành Hà Nội thất thủ, Hoàng Diệu đã tự vẫn để không rơi vào tay giặc, thể hiện tinh thần yêu nước và chí khí trung nghĩa lẫm liệt, thà chết chứ không chịu khuất phục.'' |
Tổng tư lệnh (總司令) được dùng để chỉ người nắm giữ chức vụ chỉ huy quân đội, hay mở rộng là toàn bộ các lực lượng vũ trang trên một khu vực địa lý cấp quốc gia hoặc tương đương. Trong tổ chức quân sự của một quốc gia, Tổng tư lệnh là chức vụ cao nhất. Chức vụ Tổng tư lệnh của một quốc gia thường do Nguyên thủ quốc gia đó nắm giữ, tùy thuộc theo thể chế chính trị như: Tổng thống, Chủ tịch nước, Quốc vương, Nữ hoàng, Nhà lãnh đạo, Lãnh tụ tối cao, Tổng Bí thư,... Một số trường hợp do Thủ tướng (không phải nguyên thủ Quốc gia) là người đứng đầu Chính phủ làm Tổng tư lệnh.
Việt Nam
Ở Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người duy nhất giữ chức vụ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Hiện nay, chức vụ này đã bị bãi bỏ, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nắm quyền thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là người chỉ huy cao nhất trong Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ. Do Việt Nam là nước đơn đảng, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, lãnh đạo Quân đội trực tiếp, tuyệt đối nên Tổng Bí thư (kiêm nhiệm Bí thư Quân ủy Trung ương) là chức danh lãnh đạo cao nhất đối với quân đội. |
Vũ khí (chữ Hán 武器) (nghĩa: vũ là võ thuật, quân sự; khí là đồ dùng) là các vật được sử dụng với mục đích gây sát thương hoặc gây hại. Chúng thường được sử dụng để tăng hiệu lực và hiệu quả của các hoạt động như săn bắn, tội phạm, thực thi pháp luật, tự vệ và chiến tranh. Nói chung, vũ khí có thể được hiểu là bao gồm bất cứ thứ gì được sử dụng để đạt được lợi thế về chiến thuật, chiến lược, vật chất hoặc tinh thần trước kẻ thù hoặc địa điểm của kẻ thù.
Trong khi các đồ vật thông thường - gậy, đá, chai thủy tinh, ghế, xe cộ - có thể được sử dụng làm vũ khí ngẫu nhiên, thì nhiều vật được thiết kế rõ ràng cho mục đích gây sát thương. Những dụng cụ này rất đa dạng, từ dạng đơn giản như dao, rìu và kiếm cho đến dạng phức tạp như: súng, pháo xe tăng, máy bay quân sự, tàu chiến, tên lửa, bom, mìn,... Một yếu tố nào đó của lĩnh vực khoa học được tái mục đích, chuyển đổi hoặc tăng cường để trở thành vũ khí chiến tranh được gọi là vũ khí hóa, chẳng hạn như: các loại mầm bệnh (vũ khí sinh học), các loại khí độc, chất độc hóa học (vũ khí hóa học), năng lượng hạt nhân (vũ khí hạt nhân),...
Lịch sử
Thời tiền sử
Việc sử dụng các đồ vật làm vũ khí đã được quan sát thấy ở các loài tinh tinh, dẫn đến suy đoán rằng loài người đầu tiên đã sử dụng vũ khí từ năm triệu năm trước. Tuy nhiên, điều này không thể được xác nhận bằng chứng cứ vật lý bởi vì gậy gỗ, giáo và đá không định hình sẽ để lại một hồ sơ không rõ ràng. Các loại vũ khí rõ ràng sớm nhất được tìm thấy là giáo Schöningen, tám cây giáo ném bằng gỗ có niên đại hơn 300.000 năm. Tại địa điểm Nataruk ở Turkana, Kenya, rất nhiều bộ xương người có niên đại 10.000 năm trước có thể là bằng chứng về chấn thương ở đầu, cổ, xương sườn, đầu gối và tay, bao gồm cả những mảnh obsidian găm vào xương có thể gây ra từ mũi tên và các xẻng mài nhọn trong cuộc xung đột giữa hai nhóm săn bắn hái lượm. Nhưng việc giải thích bằng chứng về chiến tranh ở Nataruk đã bị đặt dấu hỏi.
Thời cổ đại
Những vũ khí cổ đại sớm nhất là những cải tiến tiến hóa của các công cụ thời kỳ đồ đá mới, nhưng những cải tiến đáng kể về vật liệu và kỹ thuật chế tạo đã dẫn đến một loạt cuộc cách mạng trong công nghệ quân sự.
Sự phát triển của các công cụ kim loại bắt đầu bằng đồng trong thời đại đồ đồng đá (khoảng 3.300 TCN) và tiếp theo là thời đại đồ đồng, dẫn đến việc tạo ra kiếm và các vũ khí tương tự của thời đại đồ đồng.
Trong thời kỳ đồ đồng, các công trình và công sự phòng thủ đầu tiên cũng xuất hiện, cho thấy nhu cầu an ninh ngày càng tăng. Những vũ khí được thiết kế để phá vỡ các công sự ngay sau đó, chẳng hạn như battering ram, được sử dụng vào năm 2500 TCN.
Sự phát triển của nghề luyện sắt vào khoảng năm 1300 TCN ở Hy Lạp đã có tác động quan trọng đến sự phát triển của vũ khí cổ đại. Sự phát triển này không phải là sự ra đời của kiếm thời đại đồ sắt, tuy nhiên do các thanh kiếm này không vượt trội so với kiếm bằng đồng, mà là do việc thuần hóa ngựa và sử dụng rộng rãi bánh xe có nan gỗ vào khoảng 2000 năm TCN. Điều này dẫn đến sự ra đời của xe ngựa kéo nhẹ, có khả năng di chuyển được cải thiện tỏ ra quan trọng trong thời đại này. Việc sử dụng chiến xa có bánh xe đẩy đạt đỉnh vào khoảng năm 1300 TCN và sau đó suy tàn, không còn phù hợp về mặt quân sự vào thế kỷ thứ 4 TCN.Một số nước Châu Á như Việt Nam ,Ấn Độ còn sử dụng voi chiến như một vũ khí trên bộ.
Kỵ binh phát triển sau khi ngựa được lai tạo để hỗ trợ khối lượng của con người. Ngựa đã giúp mở rộng phạm vi và tăng tốc độ khi tấn công.
Ngoài vũ khí trên bộ, tàu chiến, chẳng hạn như trireme, đã được sử dụng vào thế kỷ thứ 7 TCN
Hậu cổ đại
Chiến tranh châu Âu trong suốt lịch sử Hậu cổ điển được thống trị bởi các nhóm hiệp sĩ ưu tú được hỗ trợ bởi bộ binh đông đảo (cả trong vai trò chiến đấu và tầm xa). Họ đã tham gia vào chiến đấu cơ động và các cuộc bao vây bao gồm nhiều vũ khí và chiến thuật bao vây khác nhau. Knights trên lưng ngựa đã phát triển chiến thuật để sạc với cây thương cung cấp tác động đến sự hình thành của đối phương và sau đó vẽ vũ khí thực tế hơn (chẳng hạn như thanh kiếm) khi họ đánh cận chiến. Ngược lại, bộ binh, ở thời đại trước khi có các đội hình có cấu trúc, dựa vào các loại vũ khí rẻ và chắc chắn như giáo và kiếm trong chiến đấu gần và cung tên từ xa. Như quân đội trở nên chuyên nghiệp hơn, thiết bị của họ đã được chuẩn hóa và binh chuyển sang dùng mâu. Mâu thường có chiều dài từ 7 đến 8 feet, và được sử dụng cùng với các loại vũ khí nhỏ hơn (kiếm ngắn).
Trong chiến tranh ở phương Đông và Trung Đông, các chiến thuật tương tự đã được phát triển độc lập với những ảnh hưởng của châu Âu.
Sự xuất hiện của thuốc súng từ châu Á vào cuối thời kỳ này đã tạo ra một cuộc cách mạng trong chiến tranh. Đội hình lính ngự lâm, được lính cầm mâu bảo vệ đã chiếm ưu thế trong các trận chiến mở, và pháo thay thế trebuchet như một vũ khí công thành chính.
Hiện đại
Tiền hiện đại
Thời kỳ Phục hưng châu Âu đánh dấu sự khởi đầu của việc thực hiện các loại súng trong chiến tranh phương Tây. Súng và tên lửa được đưa vào chiến trường.
Về chất lượng, súng cầm tay khác với vũ khí trước đó vì chúng giải phóng năng lượng từ các chất đẩy dễ cháy như thuốc súng, chứ không phải từ một vật đối trọng hoặc lò xo. Năng lượng này được giải phóng rất nhanh và có thể được tái tạo mà người dùng không cần nỗ lực nhiều. Do đó, ngay cả những vũ khí ban đầu như súng hỏa mai cũng mạnh hơn nhiều so với vũ khí do con người sử dụng. Súng ngày càng trở nên quan trọng và hiệu quả trong suốt thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, với những cải tiến tiến bộ trong cơ chế đánh lửa, sau đó là những thay đổi mang tính cách mạng trong việc xử lý đạn dược và thuốc phóng. Trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, các ứng dụng vũ khí mới bao gồm súng máy và tàu chiến không tải đã xuất hiện và vẫn là vũ khí quân sự hữu dụng và dễ nhận biết ngày nay, đặc biệt là trong các cuộc xung đột hạn chế. Vào thế kỷ 19, động cơ đẩy tàu chiến thay đổi từ động cơ buồm sang động cơ hơi nước chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Kể từ sau cuộc chiến tranh Pháp-Ấn giữa thế kỷ 18 ở Bắc Mỹ đến đầu thế kỷ 20, vũ khí do con người sử dụng đã được giảm từ vũ khí chính trên chiến trường sang vũ khí dựa trên thuốc súng. Đôi khi được gọi là "Thời đại của Súng trường", thời kỳ này được đặc trưng bởi sự phát triển của súng dành cho bộ binh và đại bác để yểm trợ, cũng như sự khởi đầu của vũ khí cơ giới hóa như súng máy. Đặc biệt lưu ý, Howitzers đã có thể phá hủy pháo đài xây và các công sự khác, và phát minh duy nhất này đã gây ra cuộc Cách mạng trong các vấn đề quân sự (RMA), thiết lập các chiến thuật và học thuyết vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.
Thời đại công nghiệp
Một đặc điểm quan trọng của chiến tranh thời đại công nghiệp là sự leo thang về công nghệ - các đổi mới nhanh chóng được kết hợp thông qua việc nhân rộng hoặc bị phản công bởi một đổi mới khác. Sự leo thang công nghệ trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất (WW I) rất sâu sắc, bao gồm cả việc đưa máy bay vào tham chiến và chiến tranh hải quân với sự ra đời của hàng không mẫu hạm.
Thế Chiến thứ nhất
Chiến tranh thế giới thứ nhất đánh dấu sự ra đời của chiến tranh công nghiệp hóa hoàn toàn cũng như vũ khí hủy diệt hàng loạt (ví dụ, vũ khí hóa học và sinh học), và vũ khí mới đã được phát triển nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu thời chiến. Trên hết, nó hứa hẹn với các chỉ huy quân sự về sự độc lập khỏi con ngựa và sự hồi sinh trong chiến tranh cơ động thông qua việc sử dụng rộng rãi các phương tiện cơ giới. Những thay đổi mà các công nghệ quân sự này đã trải qua trước và trong Chiến tranh thế giới thứ hai chỉ mang tính tiến hóa, nhưng nó đã định hình sự phát triển của vũ khí trong phần còn lại của thế kỷ.
Các cuộc chiến ở giữa hai Thế chiến
Giai đoạn đổi mới trong thiết kế vũ khí này tiếp tục diễn ra trong giai đoạn giữa các cuộc chiến tranh (giữa Thế chiến I và Thế chiến II) với sự phát triển liên tục của các hệ thống vũ khí của tất cả các cường quốc công nghiệp lớn. Các công ty vũ khí chính là Schneider-Creusot (có trụ sở tại Pháp), Škoda Works (Tiệp Khắc), và Vickers (Anh). Những năm 1920 cam kết giải trừ quân bị và cấm chiến tranh và khí độc, nhưng việc tái vũ trang đã tăng lên nhanh chóng trong những năm 1930. Các nhà sản xuất vũ khí phản ứng nhanh nhạy với bối cảnh chiến lược và kinh tế đang thay đổi nhanh chóng. Các khách hàng mua vũ khí chính của ba công ty lớn là Romania, Nam Tư, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ - và ở mức độ thấp hơn là ở Ba Lan, Phần Lan, các nước Baltic và Liên Xô,
Hình sự hóa việc dùng khí độc
Các nhà phê bình hiện thực hiểu rằng chiến tranh không thể thực sự bị đặt ngoài vòng pháp luật, nhưng những hành vi thái quá tồi tệ nhất của nó có thể bị cấm. Khí độc đã trở thành trọng tâm của cuộc thập tự chinh trên toàn thế giới vào những năm 1920. Khí độc không giúp chiến thắng trận đánh, và các tướng sĩ không muốn dùng nó. Những người lính ghét nó dữ dội hơn nhiều so với đạn hay đạn nổ. Đến năm 1918, đạn pháo hóa học chiếm 35% nguồn cung cấp đạn dược của Pháp, 25% của Anh và 20% trong kho dự trữ của Mỹ. “Nghị định thư về cấm sử dụng trong chiến tranh về chất gây ngạt, khí độc hoặc khí khác và các phương pháp gây chiến bằng vi khuẩn” [“Nghị định thư Geneva”] được ban hành vào năm 1925 và đã được tất cả các nước lớn chấp nhận là chính sách. Năm 1937, khí độc được sản xuất với số lượng lớn, nhưng không được sử dụng ngoại trừ chống lại các quốc gia thiếu vũ khí hiện đại hoặc mặt nạ phòng độc.
Thế chiến thứ hai
Nhiều vũ khí quân sự hiện đại, đặc biệt là vũ khí trên bộ, là những cải tiến tương đối nhỏ của các hệ thống vũ khí được phát triển trong Thế chiến II. Xem công nghệ quân sự trong Thế chiến II để biết thêm chi tiết. Tuy nhiên, Thế chiến II có lẽ đã đánh dấu thời kỳ phát triển vũ khí điên cuồng nhất trong lịch sử nhân loại. Một số lượng lớn các thiết kế và khái niệm mới đã được đưa vào thực địa, và tất cả các công nghệ hiện có đã được cải tiến từ năm 1939 đến năm 1945. Vũ khí mạnh nhất được phát minh trong thời kỳ này là bom nguyên tử, tuy nhiên nhiều loại vũ khí khác có ảnh hưởng đến thế giới, chẳng hạn như máy bay phản lực và radar, nhưng bị lu mờ bởi tầm nhìn của vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa.
Vũ khí hạt nhân
Kể từ khi hiện thực hóa vũ khí hủy diệt cả hai bên (MAD), lựa chọn hạt nhân của chiến tranh tổng lực không còn được coi là một kịch bản có thể sống sót. Trong Chiến tranh Lạnh những năm sau Thế chiến II, cả Hoa Kỳ và Liên Xô đều tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân. Mỗi quốc gia và các đồng minh của họ liên tục cố gắng vượt qua nhau trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân. Một khi khả năng công nghệ chung đạt đến mức có thể đảm bảo sự hủy diệt của Trái Đất x100 lần, thì một chiến thuật mới phải được phát triển. Với nhận thức này, kinh phí phát triển vũ khí chuyển trở lại chủ yếu tài trợ cho việc phát triển các công nghệ vũ khí thông thường để hỗ trợ các cuộc chiến tranh hạn chế hơn là chiến tranh tổng lực.
Phân loại
Theo người dùng
Vũ khí cá nhân (hoặc vũ khí nhỏ) - được thiết kế để một người sử dụng.
Vũ khí hạng nhẹ - vũ khí 'di động' có thể yêu cầu một nhóm nhỏ vận hành.
Vũ khí hạng nặng - pháo và vũ khí tương tự lớn hơn vũ khí hạng nhẹ (xem SALW).
Vũ khí săn bắn - được sử dụng bởi thợ săn để chơi thể thao hoặc kiếm thức ăn.
Vũ khí có nhóm đi theo phục vụ - lớn hơn vũ khí cá nhân, yêu cầu hai người trở lên để vận hành chính xác.
Vũ khí công sự - được lắp đặt cố định hoặc được sử dụng chủ yếu trong công sự.
Vũ khí miền núi - để sử dụng cho lực lượng miền núi hoặc những người hoạt động ở địa hình khó khăn.
Vũ khí phương tiện - được gắn trên bất kỳ loại phương tiện chiến đấu nào.
Vũ khí đường sắt - được thiết kế để lắp trên các toa tàu, kể cả đoàn tàu bọc thép.
Vũ khí máy bay - được mang theo và sử dụng bởi một số loại máy bay, máy bay trực thăng hoặc phương tiện bay khác.
Vũ khí hải quân - gắn trên tàu thủy và tàu ngầm.
Vũ khí không gian - được thiết kế để sử dụng trong hoặc phóng từ không gian.
Vũ khí tự hành - có khả năng hoàn thành nhiệm vụ với sự can thiệp hạn chế hoặc không có sự can thiệp của con người.
Theo chức năng
Vũ khí phản vật chất (lý thuyết) sẽ kết hợp vật chất và phản vật chất để gây ra một vụ nổ mạnh.
Vũ khí bắn cung hoạt động bằng cách sử dụng một sợi dây được căng và uốn cong để phóng tên hoặc đạn.
Pháo binh là loại súng có khả năng phóng đạn hạng nặng trên khoảng cách xa.
Vũ khí sinh học phát tán các tác nhân sinh học, gây bệnh hoặc nhiễm trùng.
Vũ khí hóa học, đầu độc và gây phản ứng.
Vũ khí năng lượng dựa vào việc tập trung các dạng năng lượng để tấn công, chẳng hạn như laser hoặc tấn công âm thanh.
Vũ khí nổ sử dụng một vụ nổ vật lý để tạo ra chấn động vụ nổ hoặc phát tán mảnh đạn.
Súng sử dụng điện tích hóa học để phóng đạn.
Vũ khí cải tiến là những đồ vật thông thường, được tái sử dụng làm vũ khí, chẳng hạn như xà beng và dao làm bếp.
Vũ khí cháy gây sát thương bằng lửa.
Vũ khí phi sát thương được thiết kế để khuất phục mà không giết chết kẻ thù.
Vũ khí từ tính sử dụng từ trường để đẩy đạn, hoặc tập trung các chùm hạt.
Vũ khí cận chiến hoạt động như phần mở rộng vật lý của cơ thể người dùng và tác động trực tiếp đến mục tiêu gần.
Vũ khí dạng lưỡi, được thiết kế để đâm xuyên qua da thịt và gây chảy máu.
Dụng cụ cùn, được thiết kế để làm gãy xương, chấn động hoặc gây ra chấn thương do đè.
Tên lửa là tên lửa được dẫn đường đến mục tiêu sau khi phóng. (Cũng là một thuật ngữ chung cho vũ khí phóng đạn).
Vũ khí rải rác, được thiết kế để di động trên chiến trường, tấn công khi phát hiện một mục tiêu.
Vũ khí hạt nhân sử dụng vật liệu phóng xạ để tạo ra sự phân hạch hạt nhân và/hoặc các vụ nổ tổng hợp hạt nhân.
Các loại vũ khí nguyên thủy sử dụng ít hoặc không sử dụng các yếu tố công nghệ hoặc công nghiệp.
Vũ khí tầm xa (không giống như vũ khí cận chiến), nhắm mục tiêu vào một vật thể hoặc người ở xa.
Tên lửa sử dụng thuốc phóng hóa học để tăng tốc đường đạn
Vũ khí tự sát khai thác sự sẵn sàng chết của người điều hành chúng sau cuộc tấn công.
Theo mục tiêu
Vũ khí phòng không nhắm mục tiêu vào tên lửa và các vật thể bay trên không.
Các loại vũ khí chống công sự được thiết kế để nhắm vào các cơ sở của kẻ thù.
Vũ khí chống người được thiết kế để tấn công con người, riêng lẻ hoặc số lượng.
Vũ khí chống bức xạ nhắm vào các nguồn bức xạ điện tử, đặc biệt là bộ phát ra đa.
Vũ khí chống vệ tinh nhắm vào các vệ tinh quỹ đạo.
Vũ khí chống chiến hạm nhắm vào các tàu và phương tiện trên mặt nước.
Vũ khí chống tàu ngầm nhắm vào tàu ngầm và các mục tiêu dưới nước khác.
Vũ khí chống tăng được thiết kế để đánh bại các mục tiêu bọc thép.
Vũ khí từ chối khu vực nhắm vào các lãnh thổ, làm cho nó không an toàn hoặc không thích hợp cho việc sử dụng hoặc đi lại của kẻ thù.
Vũ khí săn bắn là vũ khí được sử dụng để săn các động vật săn.
Vũ khí hỗ trợ bộ binh được thiết kế để tấn công các mối đe dọa khác nhau đối với các đơn vị bộ binh.
Sản xuất vũ khí
Ngành công nghiệp vũ khí là một ngành công nghiệp toàn cầu liên quan đến việc mua bán và sản xuất vũ khí. Nó bao gồm một ngành công nghiệp thương mại liên quan đến nghiên cứu và phát triển, kỹ thuật, sản xuất và phục vụ vật liệu, thiết bị và cơ sở vật chất quân sự. Nhiều nước công nghiệp phát triển có ngành công nghiệp vũ khí trong nước để cung cấp cho các lực lượng quân sự của họ - và một số nước cũng có hoạt động buôn bán vũ khí đáng kể để công dân sử dụng cho mục đích tự vệ, săn bắn hoặc thể thao.
Các hợp đồng cung cấp quân đội của một quốc gia nhất định được các chính phủ ký kết, khiến các hợp đồng vũ khí có tầm quan trọng chính trị đáng kể. Mối liên hệ giữa chính trị và buôn bán vũ khí có thể dẫn đến sự phát triển một " khu phức hợp quân sự-công nghiệp ", nơi các lực lượng vũ trang, thương mại và chính trị trở nên liên kết chặt chẽ.
Theo Viện nghiên cứu SIPRI, khối lượng chuyển giao quốc tế các loại vũ khí chính trong năm 2010–14 cao hơn 16% so với năm 2005–2009 , và doanh số bán vũ khí của 100 công ty sản xuất vũ khí tư nhân và dịch vụ quân sự lớn nhất thế giới đạt tổng cộng 420 tỷ USD trong năm 2018.
Luật hóa
Việc sản xuất, sở hữu, buôn bán và sử dụng nhiều loại vũ khí được kiểm soát chặt. Việc này có thể được luật hóa ở cấp chính quyền địa phương hoặc trung ương, hoặc hiệp ước quốc tế. Ví dụ về các biện pháp kiểm soát như vậy bao gồm:
Quyền tự vệ
Luật dao
Luật súng hơi
Luật súng
Luật buôn bán vũ khí
Hiệp ước kiểm soát vũ khí
Hiệp ước Bảo tồn Không gian
Luật sử dụng súng
Tất cả các quốc gia đều có luật và chính sách điều chỉnh các khía cạnh như chế tạo, mua bán, chuyển giao, sở hữu, sửa đổi và sử dụng vũ khí nhỏ của dân thường.
Các quốc gia quy định quyền tiếp cận súng cầm tay thường sẽ hạn chế quyền truy cập vào một số loại vũ khí nhất định và sau đó hạn chế các hạng người có thể được cấp giấy phép tiếp cận các loại súng đó. Có thể có các giấy phép riêng biệt dành cho săn bắn, bắn súng thể thao (hay còn gọi là bắn mục tiêu), tự vệ, thu thập và cất giấu, với các bộ yêu cầu, quyền và trách nhiệm khác nhau.
Luật kiểm soát vũ khí
Các hiệp ước và thỏa thuận quốc tế đặt ra những hạn chế đối với việc phát triển, sản xuất, tích trữ, phổ biến và sử dụng vũ khí từ vũ khí nhỏ, vũ khí hạng nặng đến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Việc kiểm soát vũ khí thường được thực hiện thông qua việc sử dụng ngoại giao tìm cách áp đặt các giới hạn đó khi các bên tham gia đồng ý, mặc dù nó cũng có thể bao gồm nỗ lực của một quốc gia hoặc một nhóm quốc gia nhằm thực thi các giới hạn đối với một quốc gia không đồng ý.
Luật buôn bán vũ khí
Vận chuyển vũ khí là buôn bán vũ khí và đạn dược lậu. Điều gì cấu thành việc buôn bán vũ khí hợp pháp rất khác nhau, tùy thuộc vào luật pháp địa phương và quốc gia.
Những loại vũ khí cơ bản
Cung tên
Dao
Kiếm
Mã tấu
Phi đao
Rìu
Bom
Đạn
Mìn
Rốc két
Tên lửa
Lựu đạn
Thủy lôi
Ngư lôi
Súng ngắn
Súng trường
Súng cối
Đại bác |
Alexandre Gustave Eiffel (15 tháng 12 năm 1832 – 27 tháng 12 năm 1923; , ) là một kỹ sư kết cấu, nhà thầu, một nhà chuyên môn về các kết cấu kim loại người Pháp và là một nhà khí tượng học. Ông nổi tiếng vì đã thiết kế Tháp Eiffel, xây dựng năm 1887–1889 cho Triển lãm Thế giới năm 1889 tại Paris, Pháp, và cốt cho Tượng thần Tự do, ở Cảng New York, Hoa Kỳ
Tuổi trẻ
Alexandre Gustave Eiffel sinh tại Dijon, Côte-d'Or, Pháp. Cái tên Eiffel được cha ông lấy từ đầu thế kỷ 19 theo nơi sinh của ông tại vùng Eifel Đức (ở Marmagen), bởi người Pháp không thể đánh vần được họ của ông, Bönickhausen. Thời tuổi trẻ, hai luồng ảnh hưởng mạnh nhất tới Eiffel đều là những nhà hoá học thành công, hai người chú Jean-Baptiste Mollerat và Michel Perret. Cả hai đều bỏ rất nhiều thời gian chơi với Eiffel, nhồi nhét vào đầu ông mọi thứ từ các kiến thức hoá học tới khai mỏ tới tôn giáo và triết học. Ở trường học, Eiffel rất thông minh, nhưng không chăm chỉ lắm. Khi theo học trung học tại Lycée Royal, Eiffel thấy chán ngán và cảm thấy rằng các buổi học là một sự phí phạm thời gian. Mãi tới hai năm học cuối cùng Eiffel mới tìm được niềm cảm hứng của mình, không phải trong kỹ thuật, mà là trong lịch sử và văn học. Các thói quen học tập của Eiffel dần cải thiện và ông tốt nghiệp với bằng cấp cả về khoa học và nhân văn. Eiffel đăng ký theo học tại một trường cao đẳng ở Sainte Barbe College tại Paris, để chuẩn bị cho các kỳ thi đầu vào khó khăn tại École Polytechnique. École Polytechnique từng, và vẫn là, ngôi trường nổi tiếng về kỹ thuật ở Pháp. Cuối cùng, Eiffel không được nhận vào École Polytechnique, nhưng thay vào đó ông theo học tại École Centrale des Arts et Manufactures ở Paris nơi ông học hoá học, nhận được bằng cấp tương đương Thạc sĩ Khoa học năm 1855. École Centrale là một trường tư tự do hiện nổi tiếng là một trong các trường kỹ thuật hàng đầu châu Âu. Công việc kinh doanh than của mẹ ông mang lại nguồn thu nhập dư dật cho gia đình và tạo điều kiện cho Gustave có được nền giáo dục đại học. Năm 1855 cũng là năm Paris đứng ra tổ chức Hội chợ Thế giới đầu tiên. Sau khi tốt nghiệp, người chú của Eiffel đề nghị ông làm việc tại một xưởng dấm ở Dijon, Pháp. Tuy nhiên, một cuộc tranh cãi gia đình đã không chấp nhận cơ hội đó, và Eiffel nhanh chóng thành nhân viên mới tại một công ty thiết kế cầu đường sắt.
Charles Nepveu trao cho Eiffel công việc đầu tiên với tư cách một trong nhiều quản lý dự án của một cầu đường sắt nằm ở Bordeaux, Pháp. Trong quá trình xây dựng, các kỹ sư lớn tuổi ở dự án dần thôi việc, và Eiffel cuối cùng đảm nhiệm cả dự án. Neveu theo dõi công việc của Eiffel tại hiện trường và tiếp tục đặt Eiffel vào các công việc khác liên quan tới quản lý dự án các cầu và kết cấu đường sắt. Trong những dự án này, Eiffel được biết các kỹ sư khác thời ấy, và ông được ghi nhớ với công việc của mình và được mời làm việc tại các dự án khác. Nepveu có ảnh hưởng mạnh tới Eiffel giúp ông trở nên thành công hơn với những dự án trong tương lai.
Sự nghiệp
Eiffel et Cie., công ty tư vấn và xây dựng của Eiffel, với sự hỗ trợ của kỹ sư người Bỉ Téophile Seyrig, đã tham gia vào gói thầu quốc tế xây dựng một cây cầu đường sắt dài 160m qua sông Douro, giữa Oporto và Vila Nova de Gaia, Bồ Đào Nha. Đề xuất của ông giành chiến thắng bởi nó đẹp, có cấu trúc trong sáng, giá thành thấp nhất, và nó tích hợp việc sử dụng phương pháp các lực, khi ấy là một kỹ thuật mới trong thiết kế cấu trúc do Maxwell phát triển năm 1864. Ponte Maria Pia là một vòng cung khớp đôi đỡ một đường sắt đơn qua các cột tăng cường cho toàn bộ cây cầu. Việc xây dựng được tiến hành nhanh chóng và cây cầu hoàn thành trong chưa tới hai năm (5 tháng 1 năm 1876 tới mùng 4 tháng 11 năm 1877). Nó được Vua D. Luís và Nữ hoàng D. Maria Pia khai trương, và cây cầu được đặt theo tên nữ hoàng. Cây cầu được sử dụng cho tới tận năm 1991 (114 năm), khi nó được thay thế bởi Cầu S. John, được thiết kế bởi kỹ sư Edgar Cardoso. Eiffel đã xây dựng một số cầu đường sắt thép đúc tại Massif Central, như các cầu cạn tại Rouzat và Bouble. Chúng vẫn được dùng cho các chuyến tàu địa phương và được xây dựng cuối những năm 1860.
Gustave Eiffel cũng thiết kế La Ruche tại Paris, Pháp. Công trình này, giống như Tháp Eiffel, trở thành một địa điểm thắng cảnh của thành phố. Đây là một kết cấu tròn ba tầng trông giống như một tổ ong lớn và được tạo ra như một kết cấu tạm thời sử dụng như một nhà vòm rượu tại Đại Triển lãm năm 1900. La Ruche trong tiếng Pháp có nghĩa "tổ ong". Ông cũng xây dựng cầu cạn Garabit, một cầu đường sắt gần Ruynes en Margeride tại Cantal département. Ở châu Mỹ, Eiffel thiết kế ga đường sắt trung tâm tại Santiago de Chile (1897) và Mona Island Light nằm gần Puerto Rico. Cây đèn biển được xây dựng khoảng năm 1900 bởi Hoa Kỳ nước đã chiếm được hòn đảo sau khi chấm dứt Chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ. Nó ngừng hoạt động năm 1976.
Năm 1887, Eiffel tham gia vào nỗ lực của Pháp xây dựng một Kênh Panama. Công ty Kênh Panama Pháp, dưới sự lãnh đạo của Ferdinand de Lesseps, đã tìm cách xây dựng một con kênh ngang mực nước biển, nhưng cuối cùng nhận ra rằng điều này là không thể thực hiện. Một con kênh nâng, với các cống đã được lựa chọn làm thiết kế mới, và Eiffel được giao việc thiết kế và xây dựng các cống. Tuy nhiên, toàn bộ dự án kênh gặp vấn đề quản lý kém nghiêm trọng, và cuối cùng sụp đổ với thiệt hại to lớn. Danh tiếng của Eiffel bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi ông bị dính líu vào các scandal tài chính liên quan tới de Lesseps và các doanh nghiệp hỗ trợ dự án. Chính Eiffel không liên quan tới các vấn đề tài chính, và sau này phán quyết có tội với ông đã được đảo ngược. Tuy nhiên, công việc của ông không bao giờ được thực hiện, bởi nỗ lực xây dựng kênh sau này của người Mỹ sử dụng các thiết kế cống mới (xem Lịch sử Kênh Panama).
Sau khi nghỉ hưu ông nghiên cứu và phát triển những ý tưởng mới thông qua việc sử dụng thực tế Tháp Eiffel. Tháp cho phép ông thực hiện những tiến bộ trong khí động học, khí tượng học, và truyền phát radio. Ông đã xây dựng một đường hầm gió tại đáy tháp để nghiên cứu khí động học, đặt các thiết bị khí tượng ở nhiều vị trí trên tháp, và đề nghị quân đội lắp đặt thiết bị radio trên đỉnh tháp. Trong những năm tiếp theo tháp tiếp tục được sử dụng cho truyền phát radio và cuối cùng được dùng để phát sóng vô tuyến.
Eiffel mất này 27 tháng 12 năm 1923 trong ngôi nhà của ông tại Rue Rabelais ở Paris, Pháp. Ông được chôn cất tại Cimetière de Levallois-Perret.
Gustave Eiffel cũng đã từng tới nhiều nơi như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Philippines, vân vân, thiết kế các toà nhà và các cấu trúc khác trong những chuyến thăm của mình. Ông trở nên rất nổi tiếng trên thế giới về ngọn tháp chúng ta đều biết ngày nay với cái tên Tháp Eiffel (đã đề cập ở trên).
Dấu ấn
Cuộc Cách mạng Công nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời của Gustave Eiffel. Mọi người đi vòng quanh thế giới, các kỹ thuật và vật liệu mới xuất hiện, và các quốc gia tiến lên công nghiệp hoá. Đa số các công việc của Eiffel bị ảnh hưởng bởi một trong những điều kiện do cuộc Cách mạng Công nghiệp tạo ra.
Điều kiện ảnh hưởng mạnh nhất tới công việc của Eiffel là giao thông. Mọi người trên khắp thế giới có nhu cầu đi lại an toàn qua các con sông và cần tới những cây cầu. Việc xây dựng những cây cầu đó đã khiến Eiffel có được danh tiếng là một kỹ sư, cho phép ông theo đuổi những dự án lớn hơn và khó khăn hơn sau này. Những cây cầu ông thiết kế được xây dựng trên khắp thế giới. Những cây cầu cho phép việc đi lại và thương mại diễn ra dễ dàng và nhanh chóng hơn tại những địa điểm chúng được xây dựng. Nhiều cây cầu của Eiffel không đòi hỏi phải có thợ tay nghề cao để lắp ráp, khiến chúng trở thành một lựa chọn rất kinh tế.
Tháp Eiffel có một dấu ấn lớn tại Pháp. Tháp là điểm nhấn của Triển lãm Thế giới (1889) và thu hút hàng triệu người tới Paris. Gần hai triệu người tới thăm Tháp Eiffel chỉ riêng trong năm 1889. Tháp nhanh chóng trở thành một điểm thu hút khách du lịch và mang lại những khoản tiền lớn cho nền kinh tế Pháp. Ban đầu bị coi là một thứ gây chướng mắt (thực tế nó được thiết kế để có thể được tháo dỡ dễ dàng sau cuộc Triển lãm), tháp nhanh chóng trở thành một biểu tượng quốc gia của Pháp và mang lại cảm giác tự hào cho người dân sống tại đó. Năm 1910 Gustave Eiffel đã có một kết luận phi thường trong xác định độ kháng gió của một đĩa phẳng; Gustave đã dùng Tháp Eiffel làm nơi thí nghiệm.
Tượng thần Tự do là một món quà của Pháp cho Mỹ. Thiết kế của Eiffel cho cấu trúc bên trong tượng cho phép nó có thể được thực hiện trong thực tế. Tượng thể hiện tình hữu nghị và sự tôn trọng giữa Pháp và Mỹ. Tượng thần Tự do nhanh chóng trở thành một biểu tượng quốc gia về tự do tại Hoa Kỳ và cũng khiến những công dân nước này tự hào. Bức tượng trở thành một điểm thu hút du khách nổi tiếng và khiến nhiều người tới New York, làm phát triển mạnh nền kinh tế. Nhiều người Mỹ sống tại Pháp rất hài lòng về món quà dành cho nước mình và để đáp lễ, đã chế tạo một bức tượng đồng tỷ lệ ¼ ở phía cuối dòng Île aux Cygnes, 1.4 km phía tây nam Tháp Eiffel.
Với tất cả những cơ hội do cuộc Cách mạng Công nghiệp mang lại, nó cũng đưa tới nhiều thách thức. Bởi Eiffel có cơ hội làm việc tại nhiều dự án ở những địa điểm khác nhau, các kỹ sư khác cũng có cơ hội tương tự. Tính cạnh tranh cho các dự án rất cao và danh tiếng của kỹ sư đóng một vai trò quan trọng trong việc thắng thầu dự án. Quả thực một thách thức khác trong sự nghiệp của Eiffel là đưa ra các vật liệu xây dựng mới. Bởi các vật liệu xây dựng mới chưa từng được chứng minh trong các dự án, các kỹ sư thường phải đối mặt với nguy cơ khi sử dụng chúng. Nhiều cây cầu Eiffel đã xây dựng được làm bằng thép là vật liệu mà ông đã giúp trở thành tiên phong. Với sự phát triển của Thế giới Công nghiệp thời kỳ ấy. Một số phát triển của ông gồm: thiết kế một hệ thống nén thủy lực cho phép các công nhân đặt móng cầu sâu hơn dưới nước, tạo ra các dàn vì kèo và kết cấu khung khoẻ nhưng có trọng lượng nhẹ "kiểu thanh dầm" có khả năng chống gió mạnh, sử dụng thép rèn cho xây dựng cầu bởi độ dẻo của nó có thể chống lại gió mạnh, uốn cong các đầu cột để tạo ra các đáy ổn định hơn, và phát triển "lao" là một cách dễ dàng hơn để di chuyển các thành phần kết cấu tới vị trí. Sự khéo léo và tài năng nổi bật của Eiffel cho phép ông thiết kế và xây dựng một số cấu trúc nổi tiếng nhất thế giới.
Các công trình và Cấu trúc
Tháp Eiffel
Estación Central (ga đường sắt chính), Santiago, Chile
Budapest Nyugati Pályaudvar (ga đường sắt phía Tây), Budapest, Hungary
Konak Pier, Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ
Đài thiên văn Nice
Palacio de Hierro, Orizaba Veracruz, México
Paradis Latin, Paris
Nhà thờ San Sebastian, Manila, Philippines
Tượng thần Tự do
Chợ, Dijon, Pháp
Nhà thờ Santa Barbara, Santa Rosalia, Mexico
Cầu
Birsbrücke, Münchenstein, Thuỵ Sĩ sụp đổ ngày 14 tháng 6 năm 1891 làm hơn 70 người thiệt mạng. Xem Thảm hoạ đường sắt Munchenstein.
Cầu qua the Schelde tại Temse, Bỉ
Cầu Abu El-Ela tại Cairo, Ai Cập
Cầu cạn Garabit
Cầu sông Garonne gần Bordeaux là dự án đầu tiên của Eiffel ở tuổi 25.
Cầu Maria Pia (Cầu cạn Porto)
Cầu Đường sắt gần Constitución, Chile
Cầu cạn Souleuvre
Cầu Eiffel tại Bến du thuyền ở Viana do Castelo là một dự án của Gustav Eiffel từ năm 1878.
Cầu Eiffel tại Zrenjanin bị tháo dỡ trong thập niên 1960 và hiện đang được xây dựng lại.
Cầu Đường sắt qua sông Coura tại Caminha, Bồ Đào Nha.
Cầu đường (D50) qua Sông Lay tại Lavaud ở Vendee, Pháp
Cầu Ghềnh và Cầu Rạch Cát, Đồng Nai, Việt Nam.
Cầu Troitsky (Chúa ba ngôi) tại St. Petersburg, Nga
Cầu Quezon tại quận Quiapo, Manila, Philippines
Các công trình khác
Nhà máy chưng cất rượu Combier, Saumur (Loire Valley), Pháp
Cầu cạn qua sông Sioule (1867)
Cầu cạn tại Neuvial (1867)
Notre Dame des Champs, Paris (1868)
Cầu đu đưa tại Dieppe (1870)
Nhà máy khí tại La Paz, Bolivia
Ga tàu La Paz, La Paz, Bolivia (hiện là Bến xe buýt La Paz)
Nhà thờ tại Tacna, Peru (1875)
Nhà thờ tại Arica, Chile
Hải đăng Ruhnu trên đảo Ruhnu, Estonia (1877)
Khách sạn Traian, tại Iaşi, România (1884)
Cầu Bolivar, tại Arequipa, Peru
Nhà hát Fenix, tại Arequipa, Peru
Chợ San Camilo, tại Arequipa, Peru
Nhà thờ tại Santa Rosalía, Baja California Sur, Mexico
Cầu qua Tisza gần Szeged, Hungary
Farol de São Thomé tại Campos, Brasil
Khung sườn Ga tàu phía Tây tại Budapest, Hungary
Cầu lớn qua Begej tại Zrenjanin, Serbia, xây năm 1904, bị tháo dỡ và thay thế bằng cầu bê tông năm 1969
Hải đăng Đảo Mona tại Đảo Mona, Puerto Rico
Plaza del Mercado (chợ sản phẩm địa phương) tại Mayagüez, Puerto Rico
''Cầu tại Trujillo Alto (vẫn còn nhưng không còn được sử dụng), Puerto Rico
Puente Quezon (Cầu Quezon) qua Sông Pasig, Manila, Philippines
Nhà Thép tại Maputo, Mozambique
Cầu Ajfel trên Skenderija Sarajevo, Bosnia và Herzegovina
Dome (Salon Royale) của Hotel Negresco, Nice, Pháp
Pabellon de la Rosa Piriapolis, Uruguay
Mercado Municipal, Manaus, Brasil
Aérodynamique EIFFEL (hầm gió), Paris (Auteuil), Pháp
La Cristalera, old portuary storage, El Puerto de Santa María, Tây Ban Nha
Không được chứng minh
(Cầu qua Sông Cuyuni, phía nam Venezuela)
Cầu cạn Santa Efigênia, São Paulo, Brasil (1913)
Santa Justa Lift (Carmo Lift), tại Lisbon, Bồ Đào Nha (1901)
Đập trên Kênh Đại Bačka, Bečej, Vojvodina, Serbia (1900)
Cầu cạn Malleco, Chile (1890)
Palácio de Ferro, Angola (1890)
Lâu đài Villersexel, nằm ở Villersexel Pháp, (khoảng năm 1871)
Toà nhà Bưu điện Trung tâm, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Các dự án chưa được thực hiện
Cầu Chúa Ba ngôi, Saint Petersburg—Eiffel đã tham gia đấu thầu, nhưng dự án của ông không được thực hiện. |
Chi Keo dậu (danh pháp khoa học: Leucaena) là một chi của khoảng 24 loài cây thân gỗ và cây bụi, phân bổ từ Texas (Hoa Kỳ) tới Peru. Nó thuộc về phân họ Trinh nữ (Mimosoideae) trong họ Đậu (Fabaceae).
Một số loài như keo dậu (Leucaena leucocephala) có quả (khi chưa chín) và hạt có thể ăn được, được sử dụng làm cỏ khô cho gia súc, phân xanh, củi, cây trồng bảo vệ đất. Hiện nay nó được coi như là một nguồn cung cấp than củi và năng lượng (tương đương 1 triệu thùng dầu hay khoảng 159 triệu lít hàng năm từ diện tích 120 km²) hay thuốc trừ giun ở Sumatra, Indonesia.
Tại México, Leucaena esculenta được gọi là guaje, có hạt ăn được cùng với muối, nhưng ở các loài khác, chất mimosin độc hại có thể dẫn đến rụng tóc, vô sinh v.v.
Tại Việt Nam, cây keo giậu còn có tên gọi khác là bình linh (Nam Bộ), táo nhơn (Trung Bộ) hay bọ chét v.v. Keo giậu phát triển ở hầu hết các vùng sinh thái của Việt Nam, nhưng nhiều ở nam Trung Bộ, như ở Khánh Hòa. Keo giậu sinh trưởng tốt trên đất thoát nước, ít chua, có thể thích ứng với đất mặn vừa ven biển. Keo giậu chịu khô hạn rất tốt nhưng không chịu úng đặc biệt là khi còn non.
Bột keo dậu là thức ăn bổ sung caroten, vitamin, khoáng chất cho gia cầm và gia súc non. Lượng protein trong lá keo giậu khá cao (270 - 280 g/kg), tỷ lệ xơ thấp (155 g/kg) và hàm lượng caroten khá cao (200 mg). Keo giậu có chứa độc tố mimosin nên chỉ sử dụng dưới 25% trong khẩu phần cho gia súc nhai lại, dưới 10% đối với lợn và dưới 5% đối với gia cầm. Tuy nhiên ở nhiều vùng thì nó lại bị coi là loại thực vật xâm hại.
Danh sách các loài
Leucaena collinsii
Leucaena confertiflora
Leucaena cuspidata
Leucaena diversifolia
Leucaena esculenta
Leucaena greggii
Leucaena involucrata
Leucaena lanceolata
Leucaena lempirana
Leucaena leucocephala - Keo dậu
Leucaena macrophylla
Leucaena magnifica
Leucaena matudae
Leucaena mixtec
Leucaena multicapitula
Leucaena pallida
Leucaena pueblana
Leucaena pulverulenta
Leucaena retusa
Leucaena salvadorensis
Leucaena shannonii
Leucaena spontanea
Leucaena trichandra
Leucaena trichodes
Hình ảnh
Chú thích |
Keo dậu còn gọi là cây Bình linh (danh pháp hai phần: Leucaena leucocephala), là một loài cây gỗ nhỏ, loài cây này tại Việt Nam thường được trồng làm hàng rào nên người ta thường gọi là keo dậu. Nó thuộc về chi Keo dậu (Leucaena) trong Phân họ Trinh nữ (Mimosoideae), họ Đậu (Fabaceae), bộ Đậu (Fabales) và sinh trưởng ở vùng nhiệt đới. Tán rộng, vỏ cây màu xám. Lá thuộc dạng lá kép lông chim 2 lần chẵn, trên cuống lá cấp 1 có các tuyến hình chậu (một đặc điểm điển hình thuộc phân họ trinh nữ). Hoa tự đầu trạng, tràng hoa màu trắng. Quả tạo thành chùm. Hạt khi xanh có thể ăn được và thường dùng làm thuốc trục giun, khi quả chín, hạt chuyển màu nâu
Tên keo dậu (còn gọi là keo giậu), hoặc táo nhơn, bọ chét, keo giun. Bông nở ra màu trắng, nó là một loại cây quen thuộc tại Việt Nam. Quả khi còn non có màu xanh nhạt, quả khi chín có màu nâu đen. Bên trong là hạt.
Sử dụng
Hiện nay nó được coi như là một nguồn cung cấp than củi và năng lượng (tương đương 1 triệu thùng dầu hàng năm từ diện tích 120 km²) hay thuốc trừ giun ở Sumatra, Indonesia. Trong tiếng Indonesia nó được gọi là petai cina và trong tiếng Java là lamtoro hay lamotorogung. Nó được coi là một cỗ máy sản xuất sinh khối, do sản lượng lá của nó tương đương với khối lượng khô khoảng 2-20 tấn/ha trong một năm và củi khoảng 30–40 m³/ha trong một năm, với sản lượng có thể gấp đôi trong những khu vực có khí hậu thích hợp. Nó cũng là loài cây rất hiệu quả trong việc cố định đạm, với khối lượng lớn hơn 500 kg/ha mỗi năm.
Quả và lá keo dậu có thể dùng làm thức ăn phụ cho gia súc. Do khả năng sinh thái có thể tái sinh hạt rất tốt nên người ta thường sử dụng keo dậu làm 1 loài cây tiên phong phục hồi rừng. Hạt keo dậu sẽ được gieo vãi trên đất mất tính chất đất rừng, keo dậu nảy mầm và sẽ cải tạo dần tính chất đất ở đây, tạo hoàn cảnh cho các loài cây gỗ khác có thể sinh trưởng.
Tại Việt Nam, cây keo dậu còn có tên gọi khác là bình linh (Nam Bộ), táo nhơn (Trung Bộ) hay bọ chít v.v. Keo dậu phát triển ở hầu hết các vùng sinh thái của Việt Nam, nhưng nhiều ở nam Trung Bộ, như ở Khánh Hòa. Keo dậu sinh trưởng tốt trên đất thoát nước, ít chua, có thể thích ứng với đất mặn vừa ven biển. Keo dậu chịu khô hạn rất tốt nhưng không chịu úng đặc biệt là khi còn non.
Bột keo dậu là thức ăn bổ sung caroten, vitamin, khoáng chất cho gia cầm và gia súc non. Lượng protein trong lá keo dậu khá cao (270 - 280 g/kg), tỷ lệ xơ thấp (155 g/kg) và hàm lượng caroten khá cao (200 mg). Keo dậu có chứa độc tố mimosin nên chỉ sử dụng dưới 25% trong khẩu phần cho gia súc nhai lại, dưới 10% đối với lợn và dưới 5% đối với gia cầm. Tuy nhiên ở nhiều vùng thì nó lại bị coi là loại thực vật xâm hại.
Hình ảnh
Chú thích |
Đấu tranh bất bạo động hay phản kháng phi bạo lực là một hình thức đấu tranh không dùng vũ khí mà sử dụng việc tập hợp số đông quần chúng làm sức mạnh để gây áp lực và hóa giải một thế lực đối kháng với họ.
Mahatma Gandhi được coi như là người đầu tiên áp dụng thể đấu tranh này để giải phóng dân tộc Ấn Độ ra khỏi sự đô hộ của Anh mà dân Ấn không phải hy sinh một giọt máu nào cho sự độc lập của quốc gia họ. Đấu tranh bất bạo động cũng được biết đến từ cuộc nổi dậy của sắc dân da đen ở Mỹ, lãnh đạo bởi Tiến sĩ Martin Luther King., và cũng đã được nhiều dân tộc trên thế giới áp dụng như tại các nước Đông Âu như những cuộc biểu tình vào ngày thứ hai tại Leipzig
Từ năm 1966 đến năm 1999, các cuộc đấu tranh bất bạo động của công dân đóng vai trò quan trọng trong 50 trong số 67 lần chuyển tiếp từ chế độ độc tài. Cuộc đấu tranh bất bạo động hiện nay bao gồm hoạt động biểu tình phản chiến hoặc phản đối thực trạng bất công của xã hội như Phong trào Chúng tôi thuộc về 99% (We are the 99%) nhằm phản đối bất bình đẳng thu nhập tại Hoa Kỳ. Nhiều phong trào thúc đẩy các triết lý về bất bạo động hoặc hòa bình đã áp dụng một cách thực tế các phương pháp hành động bất bạo động như một cách hiệu quả để đạt được các mục tiêu xã hội hoặc chính trị.
Tuy nhiên, các phong trào “phản kháng phi bạo lực” như biểu tình đông người vẫn có thể chuyển sang sử dụng các biện pháp bạo lực (bạo động, đốt phá, tấn công vũ trang) quyết liệt, nhất là khi các tổ chức tình báo nước ngoài đứng sau phong trào đó. Các nhà tổ chức các cuộc “Đấu tranh bất bạo động” ở Gruzia, “cách mạng cam” ở Ucraina và Mùa xuân Ả Rập ở các nước Bắc Phi và Trung Đông... là các cơ quan tình báo của các nước phương Tây, các tổ chức phi chính phủ, các "quỹ tài trợ dân chủ", thậm chí cả các lực lượng đặc nhiệm từ bên ngoài có chức năng huấn luyện chiến thuật quân sự cho các lực lượng đối lập. Ban đầu là "Đấu tranh bất bạo động", nhưng nếu không đạt mục tiêu đề ra thì các lực lượng đối lập sẵn sàng chuyển sang sử dụng bạo động, đốt phá, gây chiến tranh để lật đổ chính phủ. Trên thực tế, nhiều cuộc chính biến ở Đông Âu, Trung Đông đã chuyển từ "phi bạo lực" ban đầu sang chiến tranh quy mô lớn (nội chiến Syria, nội chiến Ucraina, nội chiến Libya...)
Các ứng dụng
Đấu tranh bất bạo động có thể và đã được dùng để:
Để cải thiện một khiếm khuyết trong xã hội hay bày tỏ một quan điểm của mình về một vấn đề nào đó
Để phản đối một nhà độc tài, một thể chế chính trị không được đa số người dân ủng hộ: có phạm vi rộng lớn, với sự tham gia của nhiều thành phần quần chúng. Hoạt động này còn có mục đích kêu gọi tiến hành Tổng tuyển cử trước thời hạn để bầu lên nhà lãnh đạo mới được đa số người dân ủng hộ.
Các nguyên tắc
Đây là một biện pháp hữu hiệu cho một khối đông yếu thế chống lại một thiểu số có quyền lực trong tay.
Có nhiều phương thức đấu tranh bất bạo động nhưng tựu trung có thể bao gồm các nguyên tắc sau:
Bất tuân dân sự: Tức là người tham gia đấu tranh có thể từ chối thực hiện những việc mà họ vẫn thường làm, hoặc được trông đợi sẽ làm.
Hành động cố ý thực hiện: Tức là người tham gia đấu tranh có thể thực hiện những việc mà họ thường không làm, hoặc không được trông đợi sẽ làm, hoặc bị cấm thực hiện.
Thuyết phục và thương lượng: để bắt đối phương chấp nhận các điều kiện của mình. Điều này chỉ thực hiện ở giai đoạn cuối cùng, khi phe đối lập đã bị dồn vào thế phải nhượng bộ.
Thượng tôn pháp luật: Tức là không được xâm phạm lợi ích chung của xã hội và lợi ích hợp pháp của các cá nhân khác trong xã hội. Hoạt động đấu tranh bất bạo động được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ nhưng những người tham gia đấu tranh cũng phải tuân thủ pháp luật.
Tôn trọng và thương yêu đối phương: Tức là tránh tư tưởng bạo lực bên ngoài (cơ thể) mà còn tránh bạo lực bên trong (tinh thần) nữa, không những không tiêu diệt đối phương mà còn không căm ghét đối phương nữa.
Tuy nhiên, do thành phần tham gia phức tạp nên các nguyên tắc này nhiều khi không được tuân theo đầy đủ. Ví dụ như các cuộc biểu tình đòi quyền bình đẳng cho người da đen ở Mỹ năm 2020, ban đầu là bất bạo động, nhưng về sau thì nhiều nhóm quá khích đã chuyển sang dùng bạo lực, cướp phá đường phố và hành hung người khác.
Những phương thức hành động
Có ba phương pháp chính là:
Lên tiếng và thuyết phục: Tức là một nhóm người nhằm thể hiện sự ủng hộ hay phản đối nhằm thay đổi nhận thức của cộng đồng tới một vấn đề nào đó. Mục đích chính của hành động này là gửi thông điệp tới đối phương hoặc những người có khả năng thực hiện những thay đổi cần thiết trong xã hội. Hoạt động này chỉ sử dụng tiếng nói, không sử dụng hung khí và vũ lực để gây mất trật tự xã hội.
Bất hợp tác: Tức là từ chối thực hiện hoặc gây trở ngại cho các hoạt động đang gây phương hại cho xã hội hoặc trái với lợi ích, nguyện vọng chung của xã hội. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn phải tuân thủ luật pháp của xã hội nhằm tránh những xung đột bạo lực không cần thiết.
Can thiệp: Tức là phản kháng trực tiếp khi đối phương có dấu hiệu sử dụng vũ lực để đàn áp. Tuy nhiên, những người tham gia phản kháng vẫn không được sử dụng hung khí và vũ lực mà chỉ được sử dụng các phương thức phi vũ lực như lời nói, áp phích, truyền đơn, nhưng nội dung tuyên truyền phải đúng sự thật và được kiểm chứng.
Tiến sĩ Gene Sharp, một nhà nghiên cứu của học viện Albert Einstein, đã tổng hợp kinh nghiệm đấu tranh bất bạo động hữu hiệu của nhiều nước trên thế giới đã đưa ra bảng liệt kê gần 200 phương cách đấu tranh trong cuốn sách Từ độc tài đến dân chủ của ông . Trên tổng thể, các phương cách này dựa vào 4 phương thức lớn sau:
1. Phương thức phản đối và thuyết phục bất bạo động, phương thức bất tuân dân sự.2. Phương thức bất hợp tác kinh tế: như tẩy chay kinh tế và đình công (tuy nhiên, hoạt động này phải theo tinh thần thượng tôn pháp luật)3. Phương thức bất hợp tác chính trị4. Phương thức can dự bất bạo động.
Có một điều cần chú ý là khi tiến hành các phương pháp này cần tuân thủ các nguyên tắc của hoạt động đấu tranh bất bạo động để giữ tính chính danh.
Các câu nói nổi tiếng
" Dân chủ không thể có bằng sự ban ơn mà bằng sự đấu tranh."
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1910 – 1996), Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1980-1981), Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969-1976).
Hoạt động giả danh đấu tranh bất bạo động
Hoạt động đấu tranh bất bạo động có ý nghĩa tốt, nhưng nhiều lúc đã bị lợi dụng để phục vụ các mục tiêu chính trị ngầm phía sau nhằm gây bất ổn chính trị, tiến tới lật đổ chính phủ hoặc mở đường cho ngoại quốc xâm lược một quốc gia. Việc lợi dụng khác với đấu tranh chống bạo động chân chính ở điểm là: hoạt động lợi dụng danh nghĩa đấu tranh bất bạo động không có người tổ chức, không có lãnh tụ uy tín (hoặc người tổ chức ngầm đứng phía sau thao túng, không lộ diện). Nếu so sánh với hoạt động đấu tranh bất bạo động của Mahatma Gandhi thì sẽ thấy rõ ràng là những sự kiện tại Ấn Độ đều có sự lãnh đạo, hướng dẫn của lãnh tụ đòi độc lập dân tộc của Ấn Độ là Mahatma Gandhi, ông đã phải tổ chức những phong trào đấu tranh có tổ chức rộng khắp trên Ấn Độ chứ không chỉ ở một địa điểm nào đó để đánh bóng tên tuổi. Đấu tranh bất bạo động chân chính sử dụng nguồn tin được kiểm chứng, được mọi người công nhận tính đúng đắn để đấu tranh; còn hoạt động giả danh đấu tranh bất bạo động thường sử dụng thông tin bị bóp méo, vu khống, bịa đặt để kích động đám đông mù quáng tin theo
Các cuộc cách mạng bất bạo động đầu thập niên 2010 bao gồm Mùa xuân Ả Rập là tiêu biểu của việc giả danh đấu tranh bất bạo động. Ban đầu là một loạt các hành vi bất tuân dân sự, biểu tình ngồi, và cuộc tổng đình công được tổ chức bởi các phong trào đối lập. Tuy nhiên, sau giai đoạn "bất bạo động" ban đầu, lực lượng đối lập sẽ thực hiện bạo loạn loạt đổ hoặc chiến tranh quân sự quyết liệt nếu thấy cần thiết, đẩy đất nước vào nội chiến hoặc bị quân đội nước ngoài tấn công, điển hình là ở Syria, Libya, Yemen...
Các sách, bài nên đọc
From dictatorship to democracy: a conceptual framework for liberation (Gene Sharp)
From Dictatorship to Democracy (pdf)
VỀ ĐẤU TRANH BẤT BẠO ĐỘNG CHIẾN LƯỢC(pdf) Robert L. Helvey, Viện Albert Einstein
The Politics of Nonviolent Action Gene Sharp, Viện Albert Einstein
198 Methods of Nonviolent Action Gene Sharp, Viện Albert Einstein
Gewaltloser Widerstand (PDF) Martin Heidenreich (tiếng Đức)
Chú thích |
Dương Quý phi (chữ Hán: 楊貴妃, 719 – 756), còn gọi là Dương Ngọc Hoàn (楊玉環) hay Dương Thái Chân (楊太真), là một phi tần rất được sủng ái của Đường Huyền Tông Lý Long Cơ. Trong văn hóa Trung Hoa, bà được xếp vào một trong Tứ đại mỹ nhân của lịch sử Trung Quốc, có sắc đẹp được ví là Tu hoa (羞花), khiến hoa thu mình lại vì hổ thẹn.
Câu chuyện về tình duyên giữa Dương Quý phi và Đường Huyền Tông thường được nhắc đến với khung cảnh tráng lệ, xa hoa tột đỉnh của giai đoạn nhà Đường đang thịnh thế. Sự yêu chiều một cách thái quá của Đường Huyền Tông đối với Dương Quý phi là nguyên nhân khiến người đời cho rằng sự suy vong của nhà Đường đều do Dương Quý phi mà ra. Sắc đẹp của Dương Quý phi được ghi nhận là đầy đặn, thường được so sánh một cách đối lập với Triệu Phi Yến nhà Hán, với câu [Hoàn phì Yến sấu; 環肥燕瘦]. Triệu Phi Yến được biết đến nhẹ như chim yến, có thể đứng trên lòng bàn tay người, còn Dương Quý phi lại nổi tiếng vì sự đẫy đà, tròn trịa có phần mập mạp, sắc da mịn màng, diễm lệ.
Trong văn học Trung Hoa, bà là một mỹ nhân nổi tiếng. Bài thơ Thanh bình điệu của Lý Bạch đã khiến hình ảnh nhan sắc của bà được lưu truyền một cách bất tử, với câu thơ được lan truyền đến tận ngày nay: 「"Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung"」. Bên cạnh đó, tác phẩm trường văn Trường hận ca của đại thi nhân Bạch Cư Dị, cùng Thái Chân ngoại truyện của Nhạc Sử cũng góp phần khiến hình ảnh Dương Quý phi lan rộng hơn bao giờ hết. Đối với các nước ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa như Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản, hình tượng về Dương Quý phi cũng được biết đến rộng rãi, đặc biệt nhất chính là Nhật Bản, khi hình ảnh của bà là một đề tài phổ biến trong nghệ thuật hội họa thời kỳ Edo.
Tiểu sử
Tên gọi thật
Có một sự thật rằng, tên thật của Dương Quý phi không được ghi lại. Các sách chính sử Tân Đường thư lẫn Cựu Đường thư đều không nói rõ tên thật của bà, mà chỉ ghi tên hiệu là Thái Chân (太真). Căn cứ theo sách Minh Hoàng tạp lục (明皇杂录) của Trịnh Xử Hối (鄭處誨) thì cho biết Quý phi có tiểu tự là Ngọc Hoàn (玉環), trong khi Trịnh Ngu (郑嵎) trong bài thơ Tân Dương môn thi (津阳门诗) lại nói bà có tiểu tự là Ngọc Nô (玉奴).
Có thể thấy rõ, những ký lục gần sát đương đại mà Dương Quý phi sinh sống cũng không rõ tên thật của bà là gì, [Tiểu tự; 小字] tức là một dạng biểu tự, tên gọi khi còn trẻ hoặc không chính thức, khác với [Danh; 名] là tên chính thức, như Tào Tháo có tên chính là Tháo, mà tiểu tự là A Man. Về sau trong văn hóa đương đại, đa phần các tác phẩm đều gọi Dương Quý phi là 「Dương Ngọc Hoàn; 楊玉環」, tự hiển nhiên "Dương Ngọc Hoàn" trở thành tên thật của Dương Quý phi. Tuy vậy, các thi nhân cùng một số cổ thi vẫn duy trì cách gọi 「Dương Thái Chân; 楊太真」 hơn là "Dương Ngọc Hoàn", văn hóa Trung Quốc đại lục thời hiện đại mới dần phổ biến cách gọi "Dương Ngọc Hoàn" này.
Quê quán
Theo Cựu Đường thư cùng Tân Đường thư, Dương Ngọc Hoàn là con gái của một vị quan Tư hộ đất Thục Châu (蜀州; nay là Sùng Châu) tên là Dương Huyền Diễm (楊玄琰). Gia đình này nguyên gốc ở một quận Hoa Âm (nay là thành phố Hoa Âm của tỉnh Thiểm Tây), xuất thân từ gia tộc Hoằng Nông Dương thị (弘農楊氏) tại huyện Vĩnh Nhạc (永樂) thuộc Bồ Châu (蒲州; nay là Vĩnh Tế, Vận Thành), đây là một Sĩ tộc (士族) lâu đời được cho là hậu duệ của Thúc Hướng (叔向). Tổ tiên là Dương Uông (楊汪) - một quan viên nhà Tùy, từng bị Đường Thái Tông Lý Thế Dân xử tử. Cao tổ phụ Dương Lệnh Bổn (杨令本) từng làm Thứ sử của Kim Châu. Có thể thấy rõ Dương Ngọc Hoàn là dòng dõi Sĩ tộc, lại xuất thân trong gia đình quan lại, từ nhỏ Dương Ngọc Hoàn được học hát và múa. Đến khoảng năm 10 tuổi, cha mẹ mất, Dương Ngọc Hoàn mới đến Lạc Dương, sống với nhà chú, tức Dương Huyền Diễn (楊玄璬), khi ấy đang làm chức Sĩ tào Tham quân của Hà Nam phủ.
Dương Quý phi sinh khoảng năm Khai Nguyên thứ 7 (719), được cho là nguyên quán tại đất Thục (nay là Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên). Thật ra sử chính không hề ghi năm sinh của Dương phi, cũng như không hề ghi lại nơi sinh, vì khi bà qua đời sách Đường thư đều ghi khi 38 tuổi (tuổi mụ), nên mới suy ra là thời gian này. Còn về quê quán Hoa Âm, đấy là vì thủy tổ Dương Uông là người Hoa Âm nên người đời thường cho nguyên quán của cả nhà Dương phi là Hoa Âm, nhưng bởi vì Tằng tổ phụ Dương Thượng Hi (杨尚希) của Dương Uông vốn là người huyện Linh Bảo (nay là thành phố Linh Bảo, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), quê quán của tổ tiên đối với hậu duệ vẫn rất không cố định, do vậy nói quê quán Dương Quý phi ở Hoa Âm có thiên về mức võ đoán. Theo tiểu thuyết Dương Thái Chân ngoại truyện (楊太真外傳), Dương Ngọc Hoàn sinh ngày 1 tháng 6, tức 26 tháng 6 dương lịch, sinh ở huyện Đạo Giang thuộc đất Thục, tương đương với huyện Vĩnh Nhạc thuộc Bồ Châu. Đây cùng với hai sách Đường thư đều chép qua, và cũng là nguyên nhân nhiều người cho rằng Dương Quý phi cũng sinh ra và lớn lên ở đất Thục. Lại có cách nói Dương Quý phi người huyện Văn Hương (閿鄉) thuộc Quắc Châu (虢州; nay thuộc Bảo Định), đây là bởi vì Tổ phụ Dương Chí Khiêm (杨志谦; lại tên Hữu Lượng 友諒), Cao tổ phụ Dương Lệnh Bổn đều là người huyện Văn Hương.
Thời Gia Khánh, soạn ra Toàn Đường văn, ghi nhận "Dung châu Tăng Ninh huyện Dương phi bia ký" (容州曾宁县杨妃碑记) có xưng gọi Dương Ngọc Hoàn là người Dương Vệ, Dung Châu, tức nay thuộc huyện Dung, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Tuy nhiên, có nhận định đây chỉ là một dạng hư cấu của người đời sau thêm thắt.
Nhập cung
Nhập cung làm Đạo cô
Đời nhà Đường, Đường Huyền Tông Lý Long Cơ là một trong những vị Hoàng đế trị vì lâu hơn cả. Các phi tần được Huyền Tông sủng ái sinh cả thảy 59 người con, trong số đó có 30 trai và 29 gái. Phi tần được ông sủng ái nhất là Võ Huệ phi, một người cháu của Võ Tắc Thiên, khi đó lễ nghi trong cung của bà không khác gì Hoàng hậu, nhưng bà vẫn không được phong Hoàng hậu vì lẽ bà là người trong tộc họ Võ. Để an ủi bà, Huyền Tông đối với Huệ phi vượt hẳn hơn nhiều các phi tần khác. Với Đường Huyền Tông, Võ Huệ phi sinh được bảy con, trong đó Thọ vương Lý Mạo (李瑁) là người con trai duy nhất sống sót qua tuổi trưởng thành.
Năm Khai Nguyên thứ 21 (733), khi 14 tuổi, Dương Ngọc Hoàn lấy thân phận "Trưởng nữ của Hà Nam phủ Sĩ tào Tham quân Dương Huyền Diễn" mà được chọn làm Vương phi của Thọ vương Mạo, Dương Ngọc Hoàn do vậy trở thành Thọ vương phi (壽王妃). Năm thứ 25 (737), Võ Huệ phi đột ngột qua đời. Sau khi Huệ phi mất, Đường Huyền Tông thường hay buồn rầu, ngày nhớ đêm thương, lập Tập Linh đài để cầu siêu cúng vái cho vong hồn Huệ phi được sớm siêu thoát về cõi tiên. Cũng trong thời gian này ông gặp Dương phi.
Về việc gặp gỡ giữa Huyền Tông và Dương phi, rất ít tư liệu ghi lại. Sách Cựu Đường thư không nói Dương Ngọc Hoàn vốn là Thọ vương phi của Lý Mạo, mà chỉ ghi:「"Lại có lời tấu rằng con gái Huyền Diễm, tư sắc quan đại, nghĩ nên triệu kiến vào cung. Khi ấy Phi mặc y phục Đạo sĩ, hiệu là Thái Chân"」. Vào thời ấy, Dương phi là con dâu của Đường Huyền Tông, nếu Huyền Tông nạp Dương thị làm cung phi, tức là loạn luân, rất có thể Cựu Đường thư cố ý bỏ qua thông tin "Thọ vương phi", chỉ ghi như thể Huyền Tông nạp cung nhân bình thường. Trong sách Tân Đường thư, thông tin Dương Ngọc Hoàn là Thọ vương phi được ghi rõ, còn ghi có người tấu nói Dương Ngọc Hoàn vốn "Tư chất thiên đĩnh, đáng được sung nhập Dịch đình". Liền đó vào năm thứ 28 (740), tháng 10, lấy danh nghĩa cầu phúc cho Đậu Thái hậu, Huyền Tông yêu cầu Thọ vương phi Dương thị nhập cung với thân phận Đạo sĩ, hiệu Thái Chân.
Câu chuyện về Dương phi từ con dâu mà được Huyền Tông nhìn trúng, dĩ nhiên cũng có đủ phương thức lưu truyền. Trong đó có truyền thuyết lại nói: Một hôm, Cao Lực Sĩ đi qua phủ Thọ vương thấy Dương phi là giai nhân tuyệt sắc, tinh thông ca vũ bèn nghĩ rằng có lẽ mỹ nhân này thay được Võ Huệ phi. Nhân buổi hầu, Cao Lực Sĩ mật tấu với Huyền Tông, truyền đưa Dương Ngọc Hoàn vào Tập Linh đài để trông coi đèn nhang sớm hôm cầu nguyện cho Võ Huệ phi. Do đó, Thọ vương phi Dương thị phải vào Hoa Thanh cung, đến Tập Linh đài làm Nữ Đạo sĩ. Dương Ngọc Hoàn vốn có nhan sắc trời cho, lại tinh thông cầm kỳ thi họa, có thể vừa múa vừa hát, người đương thời từng gặp đều so sánh như tiên nữ xuống trần. Đường Huyền Tông trông thấy Dương phi, lập tức si mê ngay. Ông muốn nàng ta vào cung nhưng lại vướng ngại chuyện là con dâu. Cao Lực Sĩ bèn ngày đêm nghĩ ra cách đưa Vi thị làm Thọ vương phi thay thế, do đó Huyền Tông mới nạp Dương Ngọc Hoàn vào cung.
Đắc sủng phong Quý phi
Năm Thiên Bảo thứ 4 (745), tháng 7, Thọ vương Lý Mạo lấy con gái của Vi Chiêu Huấn (韋昭訓) làm kế phi. Không rõ thời gian mà Đường Huyền Tông ra chỉ cho Dương Thái Chân hoàn tục. Chỉ biết vào tháng 8, một tháng sau khi Lý Mạo lấy Vi thị, Hoàng đế ra ý chỉ phong Dương Ngọc Hoàn làm Quý phi, do vậy Dương Ngọc Hoàn trở thành [Thứ mẫu] của Lý Mạo.
Trong cung, Dương Quý phi được gọi là「Nương tử; 娘子」, theo lệ cũ của Võ Huệ phi mà được cung phụng đồ vật dụng không khác gì Hoàng hậu. Dương Quý phi rất khéo chiều chuộng vua, nên càng được vua yêu vì. Nàng lại tinh xảo về môn múa hát, thông cả các điệu nhạc, khôn ngoan hơn người. Nàng chỉ liếc mắt nhướng mày, là vua Huyền Tông mê tít. Vua giận hờn ai, nàng mỉm cười khóe mép là vua nguôi giận liền. Ngày đêm vua cứ ôm ghì lấy nàng, bỏ bê cả việc Triều đình, việc dân, việc nước. Dần dần nàng chiếm trọn cả trái tim và trí óc của Hoàng đế. Nàng muốn gì, vua cũng chiều. Nàng bảo gì vua cũng nghe. Nàng xin gì, vua cũng cho. Nàng sắp đặt việc triều chính thế nào, vua cũng chịu.
Dương Quý phi hiển quý, nên gia đình bà cũng được gia ân. Đường Huyền Tông truy phong cha của Quý phi là Huyền Diễm làm Thái úy, tước Tề Quốc công (齊國公), mẹ được phong Lương Quốc phu nhân (凉國夫人), một người chú khác của Quý phi là Dương Huyền Khuê trở thành Quang lộc khanh, anh họ Dương Tiêm (楊銛) thụ phong Hồng lư khanh. Đường Huyền Tông còn cho lập từ đường họ Dương, được Huyền Tông đích thân ban chữ để soạn văn bia.
Ba người chị của Quý phi, Huyền Tông nghe tiếng cũng có tài hoa nên đều được thiện đãi phong tước, còn gọi là Di (姨) như người nhà. Người lớn là Đại di, thụ phong Hàn Quốc phu nhân (韓國夫人), người thứ là Tam di thụ phong Quắc Quốc phu nhân (虢國夫人), và người nhỏ nhất (thứ 8 trong nhà) là Bát di thụ phong Tần Quốc phu nhân (秦國夫人). Ba vị phu nhân ra vào trong cung, nghi trượng người ngựa đều rất khuynh trời động đất, Huyền Tông còn đặc biệt mỗi tháng ban mấy quan tiền cho cả 3 vị phu nhân, lấy đó làm tiền mua son phấn tư trang. Gia tộc họ Dương mau chóng quý hiển tột bậc. Mỗi khi 3 vị phu nhân nhập triều, em gái của Huyền Tông là Ngọc Chân công chúa (玉真公主) cùng các vị mệnh phụ khác đều không dám tranh đường đi trước. Hai con gái của Huyền Tông, là Kiến Bình công chúa (建平公主) cùng Tín Thành công chúa (信成公主) đắc tội với Dương Quý phi, liền bị thu hồi ban thưởng. Phò mã đô úy Độc Cô Minh (独孤明) cũng bị miễn quan. Một vị Phò mã khác là Trình Xương Duệ (程昌裔), chồng của Quảng Bình công chúa (廣平公主), do bất bình với nhà họ Dương mà ẩu đả với gia nô nhà họ Dương, cuối cùng Huyền Tông tuy giết gia nô họ Dương nhưng cũng bãi miễn quan chức của Phò mã.
Vào thời điểm đó, Đường Huyền Tông đã 61 tuổi, còn Dương Quý phi cũng chưa đến 30 tuổi. Hoàng đế say đắm Dương Quý phi, chiều chuộng bà hết mực, như cuộc đi tắm suối của bà tại Hoa Thanh cung (華清宮) mỗi lần tốn hàng vạn bạc của quốc khố và làm chết hàng trăm mạng người, ông cũng thẳng tay, không chút tiếc rẻ. Dương Quý phi đã đẹp lại có tài chơi đàn tỳ bà, giỏi về âm nhạc. Bên cạnh âm nhạc, Dương Quý phi còn biết múa, lại đặt được nhiều khúc hát và điệu múa làm cho Huyền Tông càng thích thú say sưa hơn, nổi tiếng nhất chính là điệu múa 「Nghê thường vũ y khúc; 霓裳羽衣曲」 tương truyền do Đường Huyền Tông chế tác và Dương Quý phi đích thân múa, đây là một bản ca vũ huyền thoại được lưu truyền mãi về sau. Mỗi khi Huyền Tông đi ra ngoài, Quý phi không khi nào không tùy giá, xe ngựa đều do Cao Lực Sĩ đích thân cầm dây cương. Trong cung viện của Quý phi đều có tới 700 thợ làm dệt lụa may áo, thợ điêu khắc làm đồ đá đồ ngọc cũng hơn 100 người.
Theo Trịnh Xử Hối ghi chép trong "Minh Hoàng tạp lục", sau khi Quý phi được thụ phong không lâu, Lĩnh Nam có dâng một con chim anh vũ có thể bắt chước tiếng người, Huyền Tông và Quý phi rất ưa thích, gọi nó là Tuyết Hoa nữ (雪花女), kẻ hầu trong cung gọi thành Tuyết Hoa nương (雪花娘), cực kỳ tôn sùng và kính trọng không kém gì đối với Quý phi. Khi ấy, Đường Huyền Tông lệnh cho các thầy dạy ngôn ngữ trong cung tập cho con chim này nói tiếng người, liền khiến nó có thể ngâm nga thơ từ. Mỗi khi Huyền Tông đánh cờ cùng các Thân vương, gặp lúc bất lợi mà kẻ hầu không dám can, đều nói nhỏ con chim anh vũ này, nó sẽ bay ra quậy tung bàn cờ, giữ lại thể diện cho Huyền Tông. Về sau chim anh vũ bị diều hâu mổ chết, Huyền Tông và Quý phi làm hẳn một khu mộ cho nó, gọi là Anh Vũ trủng (鹦鹉冢). Thông qua câu chuyện về chim anh vũ nhỏ được Huyền Tông đặc biệt quý trọng, Trịnh Xử Hối cũng khẳng định được ân sủng mà Huyền Tông dành cho Dương Quý phi.
Ngoại thích họ Dương
Khi ấy, một người anh họ cùng tổ phụ của Quý phi là Dương Chiêu được phong làm Tể tướng và được đổi tên là 「Quốc Trung; 國忠. Quốc Trung vốn không có học vấn, hay sa vào thú vui đánh bạc, nhưng do ảnh hưởng của Dương Quý phi mà bái làm Tể tướng, rồi vào triều cầm giữ triều chính. Sau thời thịnh trị Khai Nguyên, Đường Huyền Tông cao tuổi sa vào hưởng lạc, không còn nhiệt tình với chính sự, giao toàn quyền triều chính cho Dương Quốc Trung. Người đương thời đối với Dương Quốc Trung lộng quyền, ba vị phu nhân lấn át mệnh phụ công chúa trong cung cũng sinh ra oán hận đối với nhà họ Dương, cho là tà môn ngoại thích. Nhiều truyền thuyết cũng thêu dệt về Dương Quý phi tranh sủng, dung túng ngoại thích với hình ảnh không mấy hay ho.
Theo đà ân sủng không dứt của Dương Quý phi, hai con trai của Dương Quốc Trung, con thứ là Dương Xuất (杨昢) được gả con gái của Huyền Tông là Vạn Xuân công chúa (萬春公主), con cả là Dương Huyên (杨暄) được gả Diên Hòa quận chúa (延和郡主), một người em khác của Quý phi và Quốc Trung tên là Dương Giám (杨鑒) được gả Thừa Vinh quận chúa (承榮郡主). Đặc biệt là người con của Dương Huyền Khuê, tức cháu của Quý phi tên là Dương Kỹ (楊锜), được thụ phong Thị ngự sử và được gả Thái Hoa công chúa (太華公主), con gái của Huyền Tông với Võ Huệ phi. Do Võ Huệ phi khi ấy truy tặng Hoàng hậu, Thái Hoa công chúa chẳng khác Đích công chúa nên lễ nghi đều hơn các công chúa khác, Dương Kỹ được thơm lây, cùng công chúa được ban Giáp đệ ở tại trong cung. Khi đó, nhà họ Dương tổng cộng có 5 nhà đại diện, là nhà của 3 chị em họ Dương, nhà của Quốc Trung cùng nhà của Dương Kỹ (lại nói là nhà Dương Tiêm), được xưng gọi 「Ngũ gia; 五家」 hay 「Dương gia Ngũ trạch; 楊家五宅」, quyền thế ngút trời, từ trung ương đến địa phương, quan viên các cấp đều tranh nhau mang quà cáp và thiếp mời đến dòng dõi họ Dương, tấp nập vô cùng. Tương truyền mỗi khi Huyền Tông cùng Quý phi đến Hoa Thanh cung thì xe ngựa kẻ hầu của Ngũ gia đều hộ tống, tạo nên cảnh tượng "Ngũ gia hợp đội, Ngũ thải tân phân", trên đường đi đều rơi rớt châu báu lụa là quý hiếm, kẻ nghèo hèn tranh đến khói lửa mù mịt. Đương thời họ Dương được xưng 「Dương thị nhất môn thượng Nhị công chúa, Nhị quận chúa; 楊氏一門尚二公主、二郡主」, có thể nói khí thế không nhà nào sánh bằng.
Các người con của 3 vị phu nhân tuy không được xem là "Dương gia" nhưng cũng là họ hàng có liên quan, trong đó con gái của Hàn Quốc phu nhân là Thôi thị được cưới làm Chính phi cho Quảng Bình vương Lý Thục - Hoàng trưởng tôn của Đường Huyền Tông, con trai của Quắc Quốc phu nhân là Bùi Huy (裴徽) được gả con gái của Lý Thục tức Diên An công chúa (延安公主), con trai của Tần Quốc phu nhân là Liễu Quân (柳鈞) được gả Trường Thanh huyện chúa (長清縣主), người chú của Liễu Quân là Liễu Đàm (柳潭) được gả con gái của Thái tử Lý Hanh tức Hòa Chính công chúa (和政公主). Về sau, Dương Tiêm và Tần Quốc phu nhân đều mất sớm, còn lại 2 vị phu nhân cùng nhà Dương Quốc Trung là thịnh sủng lâu nhất.
Trong thời gian nắm quyền, Dương Quốc Trung có mâu thuẫn gay gắt với An Lộc Sơn, đây có thể xem là mầm mống gây ra Loạn An Sử. Nguyên lai An Lộc Sơn là người Liễu Thành, tên thật là An Rokhan, người dân tộc Túc Đặc. Lộc Sơn nguyên mang họ Khang, nhưng sau đó bà mẹ cải giá với An Diên Yểm nên lấy họ An. Lộc Sơn là phiên âm tiếng Hán của chữ Lushi, theo tiếng bản tộc có nghĩa là "ánh sáng". Lộc Sơn đầu quân làm tướng nhà Đường, nhờ chiến đấu dũng cảm và tỏ ra trung thành nên nhanh chóng được thăng tiến. Từ năm Khai Nguyên thứ 28 (740) đến năm Thiên Bảo thứ 10 (751), An Lộc Sơn được thăng từ Đô đốc Doanh Châu lên Tiết độ sứ ba trấn Phạm Dương (范陽; nay là khu vực vành đai Bảo Định và Bắc Kinh), Hà Đông (河東; tương đương khu vực Sơn Tây, Trung Quốc) và Bình Lư (平盧; thuộc khu vực Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh), nắm toàn bộ vùng Đông Bắc của Đại Đường khi đó. Tuy có trí thông minh nhưng An Lộc Sơn luôn tỏ ra vụng về ngốc nghếch khiến Đường Huyền Tông rất tin tưởng và nhận ông làm con nuôi. Dương Quý phi trở thành mẹ nuôi của Lộc Sơn, dù kém ông 16 tuổi. Mỗi khi vào cung bái kiến, An Lộc Sơn đều đến cung viện của Quý phi bái trước, sau mới đến bái Hoàng đế, Huyền Tông bèn hỏi vì sao, thì An Lộc Sơn đáp:「"Thần là người Hồ, mà người Hồ đặt mẹ ở trước cha"」, Huyền Tông cảm thấy An Lộc Sơn thật thà nên rất mừng, lệnh cho Dương Tiêm cùng các anh chị em họ Dương khác đều đối đãi với An Lộc Sơn như người nhà.
Nhiều truyền thuyết nói rằng, chính từ lúc ra vào triều kiến Đường, An Lộc Sơn và Dương Quý phi bắt đầu có quan hệ lén lút, nhưng Huyền Tông không hề nghi ngờ mà càng thêm tín nhiệm Lộc Sơn. Thân hình An Lộc Sơn to béo bụng phệ, theo sử sách ghi lại thì người nặng tới 330 cân. Hoàng đế thấy vậy hỏi, Lộc Sơn lại mau miệng đáp rằng bụng to vì mang lòng trung với Thiên tử, Đường Huyền Tông nghe thế lại càng tin Lộc Sơn.
Hai lần xuất cung
Bản thân Quý phi ỷ sủng thành kiêu ngạo, vào năm Thiên Bảo thứ 5 (750), rồi năm thứ 9 (754), từng hai lần cãi nhau với Huyền Tông, hậm hực ra khỏi cung. Tất cả các sách trên đều không nói cụ thể vì việc gì, riêng Tư trị thông giám nói Quý phi: ["Đố hãn bất tổn"; 妒悍不逊], nhưng cũng không giải thích chân tướng. Kết cuộc là Đường Huyền Tông vì thương nhớ Quý phi, tiếp tục gọi về, qua hai lần như vậy bà càng được sủng ái hơn trước.
Năm Thiên Bảo thứ 5, tháng 7, là lần đầu tiên Dương Quý phi cậy sủng kiêu căng, đắc tội Huyền Tông nên bị đưa trả về nhà Dương Tiêm. Theo cả hai cuốn Đường thư, lần đầu tiên này sau khi đuổi Quý phi về, Đường Huyền Tông đều ăn uống không ngon. Cao Lực Sĩ biết ý Huyền Tông, xin ý đem những vật dụng trong viện của Quý phi cất lên xe trả về nhà họ Dương, cũng hơn trăm chiếc. Huyền Tông chưa từng ra lệnh này nên đại nộ quát mắng kẻ hầu dám đem đồ của Quý phi đi, thế là Cao Lực Sĩ nhận đó quỳ xuống thỉnh Huyền Tông đưa Quý phi về cung. Đêm đó, Cao Lực Sĩ theo cửa của An Hưng phường mà đưa Quý phi về cung, Quý phi dập đầu tạ tội Huyền Tông, từ đó ngày càng ân sủng không dứt. Dương Tiêm vì vậy được thụ Tam phẩm, Thượng trụ quốc, nhà riêng được phép lắp vũ khí.
Năm Thiên Bảo thứ 9, Dương Quý phi lại một lần nữa bị trục xuất trở về nhà ngoại. Có quan viên tên là Cát Ôn (吉溫) biết được việc này, tâu lên Huyền Tông rằng:「"Đàn bà là những người không có đầu óc nhìn xa, nay ngỗ ngược Thánh ý, là vì Quý phi hưởng quá nhiều ân sủng. Bệ hạ hà cớ gì còn lưu giữ lại, chi bằng lập tức ban chết, lại còn tiếc mà để Quý phi có thể về nhà, đem cái tiếng xấu ra ngoài sao?!"」. Nghe vậy Huyền Tông hơi có lay động, khi dùng Ngự thiện thì chia ra cho Quý phi một phần, lập tức lệnh cho Trung ngự sử Trương Thao Quang (張韜光) đến truyền đạt ngự ý, Quý phi lạy tạ nói:「"Thiếp trái Thánh ý, tội thực đáng chết. Đồ cụ trang phục, là do Thánh ân ban thưởng, chưa tiện lấy đi, chỉ có tóc là do cha mẹ để lại, là căn bản"」, nói xong thì Quý phi dùng đao cắt tóc, đưa lại cho Thao Quang, nhờ truyền đến Huyền Tông. Thấy đoạn tóc này của Quý phi, Huyền Tông hoảng sợ, vội sai Cao Lực Sĩ đưa về, ân sủng vẫn như trước. Tân Đường thư ghi lại tương đối khác chi tiết một chút, còn ghi thêm rằng Cát Ôn dâng lời này là do cùng Dương Quốc Trung thông đồng, nhằm phục sủng cho Quý phi.
Cả hai lần Dương Quý phi bị đưa về nhà, trong các sách sử đều không nói rõ ràng nguyên nhân, đây dẫn đến nhiều suy đoán trong chuyện này. Ở lần thứ nhất, nhiều suy đoán liên quan đến việc Đường Huyền Tông vẫn còn sủng ái Mai phi, Dương Quý phi ghen mà thất thố, Huyền Tông thịnh nộ nên đuổi về. Tuy nhiên, Mai phi cho đến nay được xác định là nhân vật hư cấu, học giả Lỗ Tấn và Trịnh Chấn Đạc đều phủ nhận sự tồn tại của Mai phi, do vậy nguyên nhân này không xác thực. Nhưng khi ấy rất nhiều giai thoại về sự phong lưu của Huyền Tông, và hình ảnh "Mai phi" được tạo ra có lẽ là phóng tác hóa cụ thể sự đa tình này của Huyền Tông, nên cách nói Dương Quý phi "vì ghen mà lỗ mãng" vẫn thường được duy trì. Mà lần thứ hai xuất cung, là khi nhà họ Dương đang quá thịnh sủng, nhiều nhận định cho rằng Đường Huyền Tông căn bản chính là dùng chiêu "Giết gà dọa khỉ", răn đe ngoại thích, điều này cũng thể hiện cơ sở ở việc Dương Quốc Trung phải nhờ Cát Ôn khéo léo phục sủng cho Quý phi.
Cái chết
Ghi chép chính sử
Ngày Giáp Tý (9) tháng 11 năm Thiên Bảo thứ 14 (tức 16 tháng 12 năm 755), lấy danh 「Tru Quốc Trung, Thanh quân trắc」, An Lộc Sơn khởi binh từ Phạm Dương để đánh thẳng vào kinh đô Trường An, chính thức phản lại nhà Đường. Binh triều đại bại. Vào mùa hạ năm Thiên Bảo thứ 15 (756), quân của An Lộc Sơn tiến về Trường An.
Trước tình thế nguy cấp, Dương Quốc Trung dâng hạ sách bắt người trấn giữ ải Đồng Quan là tướng Ca Thư Hàn phải xuất quân đánh An Lộc Sơn. Trong khi đó các tướng muốn phòng thủ phải chờ quân của Quách Tử Nghi và Lý Quang Bật đánh về. Ca Thư Hàn buộc phải ra quân, kết quả đại bại, 20 vạn quân bị giết, Hàn bị Sơn bắt sống. Quân Phiên khí thế hừng hạc đã tiến vào Tràng An. Đường Huyền Tông hoảng loạn, mệnh Thái tử Lý Hanh làm Thiên hạ Binh mã nguyên soái (天下兵馬元帥), lại muốn lệnh cho Thái tử điều hành triều chính, ý muốn thoái vị. Dương Quốc Trung hoảng sợ, cùng người họ Dương quỳ can, Dương Quý phi trong cung cũng phối hợp quỳ khóc, xin Huyền Tông đừng nghĩ chuyện nội thiền, cho nên Huyền Tông mới dừng ý này.
Sau khi quân Phiên tiến quá sát Trường An, Đường Huyền Tông quyết định đem Dương Quý phi, nhà họ Dương cùng một số quần thần phải bỏ kinh thành chạy vào đất Thục. Tháng 6 (ÂL) năm ấy, mọi người đến Mã Ngôi Dịch (馬嵬驛; nay là Hưng Bình, Thiểm Tây), tạm dừng ở đây. Ngày Bính Thìn (tức ngày 15 tháng 7 dương lịch), Long Vũ đại tướng quân Trần Huyền Lễ không chịu đi nữa, vì lương thực đã hết, quân sĩ khổ nhọc mà Dương Quốc Trung và cả gia quyến đều no đủ sung sướng, nên họ nổi lên chống lại. Trần Huyền Lễ tâu:「"Bọn rợ Hồ phản nghịch, ý về Quốc Trung"」, sau đó cùng binh sĩ hô lớn: 「"Dương Quốc Trung cùng rợ Hồ mưu phản nghịch"」, liền lập tức truy lùng giết toàn bộ người nhà Dương Quốc Trung, bao gồm cả Hàn Quốc phu nhân cùng Quắc Quốc phu nhân. Dẫu vậy, binh sĩ vẫn hừng hực không chịu nguôi.
Lòng căm phẫn đối với họ Dương chưa tan, Trần Huyền Lễ dưới danh nghĩa tướng sĩ, đã bức Huyền Tông đem thắt cổ Dương Quý phi thì họ mới chịu phò trợ nhà Đường, Huyền Lễ đến trước Cao Lực Sĩ nói:「"Giặc vẫn còn đó"; 賊本尚在」, ám chỉ Quý phi, Lực Sĩ nghe xong liền vào tâu Huyền Tông. Nghe Quốc Trung đã chết, binh sĩ muốn giết luôn Quý phi nên Huyền Tông do dự, vào bên trong thì Cao Lực Sĩ lại khuyên: 「"Các tướng sĩ đã giết Quốc Trung, nếu để Quý phi còn hầu hạ trong cung, nhân tình sẽ không yên"」. Đường Huyền Tông không còn cách nào, đành ban một dải lụa trắng, cho Cao Lực Sĩ thắt cổ Quý phi tại bên dưới cây lê trong Phật đường. Năm ấy bà 38 tuổi.
Sau khi chết, xác của Dương Quý phi chỉ là chôn vội ven đường, sau đó binh lính hành quân tiếp. Năm Chí Đức thứ 2 (757), sau khi Quý phi mất được 2 năm, Đường Huyền Tông trở về Trường An, lúc này Thái tử Hanh đã lên ngôi và ông trở thành Thái thượng hoàng, ông lại muốn cải táng Quý phi cho tử tế hơn, Lễ bộ Thị lang Lý Quỹ (李揆) khuyên rằng: 「"Long Vũ tướng sĩ giết Quốc Trung, lấy danh nghĩa giúp nước trừ loạn. Nay cải táng Cố phi, sẽ khiến tướng sĩ lo sợ, lễ tang không thể hành"」. Do vậy, Đường Huyền Tông chỉ có mật lệnh Trung sử cải táng vào chỗ khác, không ai biết rõ là đâu. Lúc trước khi an táng Quý phi, người ta chỉ dùng vải đệm bao bọc, da thịt bây giờ đã hư, chỉ có túi thơm vẫn còn. Khi nội quan trình lên, Thượng hoàng nghe mà thống khổ thê lương, chỉ có thể họa lại tranh của Quý phi đặt trong biệt điện, ngày đêm đều ngắm, cho đến khi ông qua đời.
Hiện tại mộ của Dương Quý phi ở tỉnh Thiểm Tây, cách thành phố Tây An 60 km, trở thành điểm tham quan, du lịch, di sản văn hoá cấp tỉnh. Các du khách thường nghe theo truyền thuyết kể rằng, đất xung quanh nấm mộ của Dương Quý phi trắng đặc biệt, có tác dụng làm trắng da, nên du khách đến viếng mộ thường lấy ít đất xung quanh đem về thoa mặt. Nay để tránh phá hoại di tích, ban quản lý đã cho rào lại xung quanh khu mộ, và cấm du khách lấy đất về. Thực chất, đây chỉ là "Mộ gió", không có thi thể, để tưởng niệm mà thôi.
Tương quan truyền thuyết
Chết ở Phật đường
Về cái chết của Dương Quý phi, hậu nhân vẫn còn truyền lại nhiều giả thiết về nơi chết của bà. Có người nói, Dương Quý phi khả năng chết ở Phật đường. Cựu Đường thư - Dương Quý phi truyện, Tư trị thông giám - Đường kỉ, các sách sử đều chép rằng Đường Huyền Tông lệnh Cao Lực Sĩ đem Dương Quý phi vào trong đại điện Phật, siết cổ chết ở dưới cây lê.
Tiểu thuyết 《Dương Thái Chân ngoại truyền》 ghi lại:「"Đường Huyền Tông cùng Dương Quý phi quyết biệt, bà “Khất dung lễ Phật”, Cao Lực Sĩ đem thắt cổ chết dưới cây lê"」.
Chết trong loạn quân
Dương Quý phi có thể trực tiếp bị chết trong khi phiến loạn. Vào năm Chí Đức thứ 2 (757), Đỗ Phủ ở Trường An làm bài Ai giang đầu, có một câu "Minh mâu hạo xỉ kim hà tại, huyết ô du hồn quy bất đắc", này ám chỉ Dương Quý phi bị giết chết, vẩy máu mà thành, chứ không phải bị thắt cổ.
Lý Ích Sở (李益所) làm thất tuyệt Quá Mã ngôi, có những câu Thác quân hưu tẩy liên hoa huyết hay Thái Chân huyết nhiễm mã đề tẫn, đều ám chỉ cùng một ý rằng Dương Quý phi chết vì bị kiếm bạo quân giết hại. Ngay cả Ôn Đình Quân trong bài Mã ngôi dịch cũng có:"Phản hồn vô nghiệm biểu yên diệt, mai huyết không sinh bích thảo sầu", đều lấy ý Dương Quý phi chết vì đao kiếm bạo quân.
Nuốt vàng mà chết
Một cách nói là Quý phi nuốt vàng mà chết, khá mới lạ, chỉ thấy trong bài Mã ngôi hành của Lưu Vũ Tích.
Lưu lạc dân gian
Còn có người cho rằng, Dương Quý phi vẫn chưa chết ở Mã Ngôi Dịch, mà là lưu lạc vào dân gian.
Nhà thơ Du Bình Bá (俞平伯) trong "Luận thơ từ khúc tạp" (论诗词曲杂著), lấy Trường hận ca của Bạch Cư Dị và Trường hận ca truyện của Trần Hồng (陳鴻) làm khảo chứng. Ông cho rằng Trường hận ca cùng Trường hận ca truyện cơ bản bổn ý, có một hàm xúc khác. Lúc ấy sáu quân bất ngờ làm phản, Quý phi bị ép chết, trong thơ nói rõ Đường Huyền Tông “Cứu không được”, cho nên việc ban chiếu chỉ trong chính sử ghi lại, xét vào lúc ấy tuyệt sẽ không có. Trong Trường hận ca truyện của Trần Hồng còn có ghi rõ "Sai người dắt nàng đi", chứng tỏ Quý phi đã được Huyền Tông ngầm sai người đưa đi trốn.
Trong Trường hận ca, sau khi Đường Huyền Tông hồi loan, sai người cải táng, thì nói là "Mã ngôi pha hạ nê trung thổ, bất kiến ngọc nhan không tử xử", thi cốt đều tìm không thấy, càng làm tăng thêm nghi vấn rằng Quý phi không chết ở Mã Ngôi Dịch.
Đến ngoại quốc xa xôi
Có thuyết nói rằng, Dương Quý phi được Trần Huyền Lễ và Cao Lực Sĩ bí mật bảo hộ, lệnh một thị tì chết thay và sắp xếp cho bà lên thuyền, bỏ trốn sang sống tại Nhật Bản cho đến khi mất ở tuổi 60. Tại Nhật Bản khi ấy là Thời Nara, Dương Quý phi được Thiên hoàng Kōken trọng thể đón tiếp.
Trong văn hóa Nhật Bản, Dương Quý phi rất được tôn sùng và hiện nay vẫn còn rất nhiều vở Noh, Kabuki hay tranh họa nói về câu chuyện của bà và Đường Huyền Tông. Trong tiếng Nhật, bà được gọi là Yokihi (Kana: ようきひ). Có thuyết thì cho rằng, nàng đã sang Hàn Quốc (xưa gọi là Cao Ly). Các thuyết này đều được dùng trong các tác phẩm thi ca, nhằm tôn vinh câu chuyện giữa Đường Huyền Tông và Dương Quý phi, điển hình là Trường hận ca của Bạch Cư Dị, Trường hận ca truyện (長恨歌傳) của Trần Hồng,...
Các điển tích
Phi tử tiếu
Dương Quý phi rất thích ăn vải, tiếng Trung gọi là Lệ chi (荔枝). Đường Huyền Tông lệnh cho người phóng ngựa từ Lĩnh Nam (có thuyết là từ Tứ Xuyên, hoặc Phúc Kiến) đem về dâng cho Quý phi ăn. Trên đường đi, cứ mỗi 5 dặm, 10 dặm, lại đặt một trạm luân chuyển nhanh, theo đường thủy, đường bộ cứ thế thay phiên nhau, đem về quả lệ chi tươi ngon nhất.
Ngoài lệ chi ra, những vùng Phúc Kiến, Tứ Xuyên còn dâng lên một loại rượu làm từ sương (Cam lộ; 甘露), dâng lên cho Huyền Tông dùng. Loại rượu thanh đạm tuyệt thế, được xưng là Mĩ tửu. Khi đó, Dương Quý phi ở Hoa Thanh cung (華清宮) dùng trái vải, Đường Huyền Tông uống rượu ngon, hoang lạc một thời, nên có câu Hoa Thanh sinh ca nghê thường túy, Quý phi bả tửu lộ nùng tiếu, loại rượu tiến cống từ đó được gọi là Lộ nùng tiếu (露浓笑).
Thi sĩ Đỗ Mục có bài Quá Hoa Thanh cung - 過華清宮, trong đó có câu: Nhất kị hồng trần phi tử tiếu, Vô nhân tri thị lệ chi lai (一騎紅塵妃子笑, 無人知是荔枝來), chính là dựa vào điển tích này.
Quý phi túy tửu
Dương Quý phi cũng là người ham rượu và là tay uống rượu có hạng. Tương truyền, bà thường cùng Huyền Tông đối ẩm trong những bữa tiệc triền miên. Đường Huyền Tông còn sai thợ khéo làm riêng một chiếc cốc đặc biệt cho nàng. Một hôm, Đường Huyền Tông hẹn hò với Quý phi, ra lệnh cho mở tiệc tại Bách Hoa đình (百花亭), để cùng đi ngắm hoa cùng uống rượu. Hôm sau, Dương Quý phi đến Bách Hoa Đình trước, chuẩn bị đầy đủ bữa tiệc. Ai ngờ chờ mãi không thấy đâu, đến khi nghe báo rằng Hoàng đế đang vui thú triệu hạnh Mai phi, Dương Quý phi nghe vậy rất đau buồn, không muốn sống nữa.
Vào lúc đó Dương Quý phi nổi tiếng có tính hẹp hòi hay ghen, mà phụ nữ trong trường hợp đợi chờ, rất dễ bộc lộ cái tính lẳng lơ. Trong lòng đang tình tứ đầy ắp, mà lại không có chỗ nào để khuây khỏa được ngay, thế là bà liền uống rượu để giải sầu, chỉ ba ly vào là đã say, tình tứ tràn trề, không kiềm chế được mình. Thế là bà liền lờ đi tất cả, ưỡn ẹo khiêu dâm, làm những động tác say rượu trước mặt hai Thái Giám là Cao Lực Sĩ và Bùi Lực Sĩ, để thỏa mãn dục vọng trong mình, mãi cho đến khi mệt lử rồi mới chịu trở về cung.
Điển tích trên được gọi là Quý phi túy tửu (貴妃醉酒; tức Quý phi say rượu), là một trong những điển tích nổi tiếng nhất liên quan đến Dương Quý phi, đặc biệt nổi tiếng trong giới Kinh kịch. Điển tích này nổi tiếng đến nỗi thường hay được lấy ra để diễn tả trên sân khấu và được xem là một trong những vở kinh điển nhất liên quan đến bà.
Thủ thuật làm đẹp
Dương Quý phi rất sợ Huyền Tông sủng ái mỹ nhân khác nhưng không toan tính đến việc dùng thủ đoạn, vũ lực tranh giành mà chỉ tận dụng triệt để sức mạnh nhan sắc vô cùng quyến rũ, xinh đẹp của mình.
Dương Quý phi giữ gìn thân thể rất cẩn thận, không như các bà hoàng khác được phú quý giàu sang thì ăn uống thỏa thuê, mất hết vẻ duyên dáng trước kia.
Để có được thân hình đẹp với bộ ngực nảy nở luôn làm Đường Huyền Tông mê mẩn, Dương Quý phi rất chịu khó tìm tòi các phương pháp làm đẹp. Theo truyền thuyết dân gian để lại, bà đã tạo ra rất nhiều bí quyết làm đẹp cho riêng mình.
Một trong những loại trái cây mà các cung nữ phải thường xuyên mang tới cho Dương Quý phi là đu đủ. Ban đầu, đám cung nữ chỉ nghĩ đơn giản rằng chủ nhân thích ăn loại quả này chứ không hề biết đây chính là phương pháp chăm sóc đôi gò bồng đảo của mỹ nhân. Ngoài việc ăn nhiều đu đủ sống, Dương Quý phi còn sai các nô tì nấu canh đu đủ xanh để uống hàng ngày.
Một phương pháp tăng kích cỡ vòng một khác mà Dương Quý phi đã sử dụng là xoa bóp ngực, tương đối được truyền tụng nhiều nhất. Sau khi tắm xong, Dương Quý phi sai một nô tỳ xoa bóp vùng ngực cho mình. Việc xoa bóp sau khi tắm có thể kích thích lưu thông máu vùng ngực, giúp ngực khỏe mạnh và săn chắc. Người dân thời bấy giờ còn đồn rằng, sở dĩ Dương Quý phi vẫn giữ được vóc ngọc thân ngà, làn da trắng muốt và mịn màng là nhờ ở phương pháp bí truyền, tắm bằng sữa dê pha với tinh chất các loại hoa quý và một số dược chất đặc biệt. Dương Quý phi còn thường xuyên đến suối nước nóng ở Ly Sơn để ngâm mình, giữ gìn làn da không bị nếp nhăn tàn phá.
Bà cũng rất chú ý tới việc trang điểm, tuy không để son phấn làm át đi vẻ đẹp tự nhiên nhưng cũng không bao giờ để mặt mộc khi đối diện với hoàng đế.
Tương truyền, quần áo của Dương Quý phi nhiều không tả xiết bởi vì mỗi bộ mỹ nhân này chỉ mặc vài ba lần rồi thay đổi bằng bộ khác với dáng vẻ, màu sắc và loại tơ lụa khác đi. Với các trang phục tốn kém ấy, cùng những đồ trang sức xinh đẹp, quý giá, hầu như bao giờ Dương Quý phi cũng là người mới trước mặt Huyền Tông. Tuy nhiên, chính sắc đẹp của bà chính là dấu mốc khởi đầu cho sự suy vong của nhà Đường vốn đang thịnh trị thời Đường Huyền Tông Lý Long Cơ.
Thời Dương Quý phi cũng là giai đoạn cao trào làm đẹp của nữ nhân thời Đường bằng ấn chu sa. Tương truyền rằng, sau một tai nạn, Thượng Quan Uyển Nhi bị sẹo ngay giữa trán, khi sẹo lành tạo thành hình như búp sen nên bà đã vẽ thành bông hoa sen trên trán. Sau này, ấn ký này được lưu truyền như một phương thức trang điểm đặc trưng cho phụ nữ thời bấy giờ. "Ấn ký" này càng khiến vẻ đẹp kiêu sa, thanh thoát của Dương Quý phi thêm phần cốt cách tiên tử, khiến hoàng thượng mê đắm. Kể từ sau đó, trong các dịp đặc biệt, phụ nữ thời Đường thường vẽ lên trán một chấm tròn hay hình đôi cánh hoặc cánh hoa đơn giản. Phụ nữ có địa vị càng cao thì tạo hình chu sa trên trán càng cầu kỳ, phức tạp. Các tân nương trong ngày cưới cũng sẽ được vẽ một bông hoa lên trán.
Vẻ đẹp trong thơ ca
Theo sử sách, vào đời Đường, phụ nữ được cho là đẹp, hấp dẫn thì phải tròn trịa, mập mạp. Trong tục ngữ, thành ngữ tiếng Hoa ngày nay vẫn còn câu: Yến sấu Hoàn phì (燕瘦環肥) hay Hoàn phì Yến sấu (環肥燕瘦). Tức là Yến ốm Hoàn mập, Yến là chỉ người đẹp thời Hán: Triệu Phi Yến, Hoàn là chỉ Dương Quý phi thời Đường, ý câu thành ngữ là mỗi người một vẻ đẹp khác nhau. Thực sự tranh vẽ Dương Quý phi đời trước chỉ phù hợp với thẩm mỹ thời Đường khác thời nay rất nhiều.
Dương Quý phi có sắc đẹp được ví là Tu hoa, nghĩa là khiến hoa phải xấu hổ.
Sau khi vào cung, Dương Quý phi tư niệm cố hương. Ngày kia, nàng đến hoa viên thưởng hoa giải buồn, nhìn thấy hoa Mẫu Đơn, Nguyệt Quý nở rộ, nghĩ rằng mình bị nhốt trong cung, uổng phí thanh xuân, lòng không kìm được, buông lời than thở: "Hoa à, hoa à! Ngươi mỗi năm mỗi tuổi đều có lúc nở, còn ta đến khi nào mới có được ngày ấy?". Lời chưa dứt lệ đã tuôn rơi, nàng vừa sờ vào hoa, hoa chợt thu mình, lá xanh cuộn lại. Nào ngờ, nàng sờ phải là loại hoa trinh nữ (cây xấu hổ). Lúc này, có một cung nga nhìn thấy, người cung nga đó đi đâu cũng nói cho người khác nghe việc ấy. Từ đó, mọi người gọi Dương Quý phi là "tu hoa".
Truyền kỳ về Dương Quý phi đã đi vào rất nhiều thơ ca của nhiều thế hệ. Thi hào Lý Bạch có ba bài Thanh bình điệu ca tụng sắc đẹp của Dương Quý phi. Bài đầu tiên:
Thi sĩ nổi tiếng Lý Thương Ẩn cũng sáng tác 2 kỳ Mã ngôi để nói về bà:
Thi sĩ Bạch Cư Dị có bài Trường hận ca nổi tiếng kể về chuyện tình giữa bà và Đường Huyền Tông.
Hội họa
Trong văn hóa đại chúng
Phim điện ảnh
Phim truyền hình
Quảng cáo |
Châu Đức là một huyện thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Việt Nam.
Địa lý
Huyện Châu Đức nằm ở phía bắc của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có vị trí địa lý:
Phía đông giáp huyện Xuyên Mộc
Phía tây giáp thị xã Phú Mỹ và huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai
Phía nam giáp thành phố Bà Rịa và huyện Đất Đỏ
Phía bắc giáp huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai.
Tổng diện tích đất tự nhiên là 42.104 ha với trên 150 ngàn dân, trong đó khoảng 71 ngàn người trong độ tuổi lao động, mật độ dân số 325,4 người/km².
Hành chính
Huyện Châu Đức có 16 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm thị trấn Ngãi Giao (huyện lỵ) và 15 xã: Bàu Chinh, Bình Ba, Bình Giã, Bình Trung, Cù Bị, Đá Bạc, Kim Long, Láng Lớn, Nghĩa Thành, Quảng Thành, Sơn Bình, Suối Nghệ, Suối Rao, Xà Bang, Xuân Sơn.
Lịch sử
Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, địa bàn huyện Châu Đức hiện nay thuộc quận Đức Thạnh, tỉnh Phước Tuy.
Sau năm 1975, chính quyền sáp nhập quận Đức Thạnh với quận Long Lễ thành huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai.
Ngày 12 tháng 8 năm 1991, huyện Châu Thành thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mới thành lập.
Ngày 2 tháng 6 năm 1994, Chính phủ ban hành Nghị định 45-CP. Theo đó:
Thành lập huyện Châu Đức trên cơ sở 8 xã: Ngãi Giao, Nghĩa Thành, Bình Ba, Suối Nghệ, Xuân Sơn, Bình Giã, Kim Long, Xà Bang và Láng Lớn; các khu kinh tế mới Suối Rao, Đá Bạc; ấp Sông Cầu, xã Hòa Long và ấp Phước Trung, xã Long Phước (huyện Châu Thành cũ)
Chuyển xã Ngãi Giao thành thị trấn Ngãi Giao (thị trấn huyện lỵ huyện Châu Đức)
Chia xã Kim Long thành 2 xã: Kim Long và Quảng Thành
Thành lập xã Suối Rao trên cơ sở khu kinh tế mới Suối Rao
Thành lập xã Đá Bạc trên cơ sở khu kinh tế mới Đá Bạc và ấp Phước Trung (xã Long Phước).
Khi mới thành lập, huyện Châu Đức có 12 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm thị trấn Ngãi Giao và 11 xã: Bình Ba, Bình Giã, Đá Bạc, Kim Long, Láng Lớn, Nghĩa Thành, Quảng Thành, Suối Nghệ, Suối Rao, Xà Bang, Xuân Sơn.
Ngày 23 tháng 7 năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/1999/NĐ-CP. Theo đó:
Thành lập xã Sơn Bình trên cơ sở một phần diện tích và dân số của xã Xuân Sơn
Thành lập xã Bình Trung trên cơ sở một phần diện tích và dân số của xã Bình Giã.
Ngày 22 tháng 10 năm 2002, thành lập xã Cù Bị trên cơ sở một phần diện tích và dân số của xã Láng Lớn.
Ngày 24 tháng 12 năm 2004, thành lập xã Bàu Chinh trên cơ sở một phần diện tích và dân số của thị trấn Ngãi Giao, một phần diện tích và dân số của xã Kim Long.
Huyện Châu Đức có 1 thị trấn và 15 xã như hiện nay.
Du lịch
Trên địa bàn huyện có các địa điểm du lịch nổi bật như:
Tượng đài chiến thắng Bình Giã (thị trấn Ngãi Giao)
Địa đạo Kim Long (xã Kim Long)
Khu căn cứ Bàu Sen (xã Xà Bang)
Thác Xuân Sơn (xã Sơn Bình)
Hình ảnh
Chú thích |
Phân họ Trinh nữ hay phân họ hàm tụ thảo (danh pháp khoa học: Mimosoideae) là một phân họ trong thực vật có hoa thuộc họ Đậu (Fabaceae hay Leguminosae) được đặc trưng bởi các hoa với các cánh hoa nhỏ và nhiều nhị hoa dễ thấy. Phân họ này được phân ra làm 5 tông là Acacieae, Ingeae, Mimoseae, Mimozygantheae và Parkieae.
Một số hệ thống phân loại, ví dụ hệ thống Cronquist, xem xét Fabaceae theo nghĩa hẹp (sensu stricto), đã nâng Mimisoideae lên cấp họ là Mimosaceae còn APG xem xét Fabaceae theo nghĩa rộng (sensu lato). LPWG (2017) không công nhận phân họ này mà gộp nó trong phân họ Caesalpinioideae như là nhánh mimosoid.
Acacieae
Acacia - Chi Keo
Faidherbia
Ingeae
Abarema
Albizia - Bản xe, sống rắn, hợp hoan
Archidendron - Mán đỉa, cứt ngựa
Archidendropsis
Balizia
Blanchetiodendron
Calliandra - Muồng pháo cảnh, kiều hùng
Cedrelinga
Cojoba
Ebenopsis
Enterolobium - Phèo heo
Falcataria
Guinetia
Havardia
Hesperalbizia
Hydrochorea
Inga
Leucochloron
Lysiloma
Painteria
Pararchidendron
Paraserianthes
Pithecellobium - Me keo, găng tây
Pseudosamanea
Serianthes
Sphinga
Wallaceodendron
Zapoteca
Zygia
Mimoseae
Adenanthera - Trạch quạch
Adenopodia
Alantsilodendron
Amblygonocarpus
Anadenanthera
Aubrevillea
Calliandropsis
Calpocalyx
Cylicodiscus
Desmanthus - Điền keo
Dichrostachys
Elephantorrhiza
Entada - Bàm bàm
Fillaeopsis
Gagnebina
Indopiptadenia
Kanaloa
Lemurodendron
Leucaena - Keo giậu
Microlobius
Mimosa - Trinh nữ (xấu hổ)
Neptunia - Rau rút
Newtonia
Parapiptadenia
Piptadenia
Piptadeniastrum
Piptadeniopsis
Plathymenia
Prosopidastrum
Prosopis
Pseudopiptadenia
Pseudoprosopis
Schleinitzia
Stryphnodendron
Tetrapleura
Xerocladia
Xylia - Căm xe
Mimozygantheae
Mimozyganthus
Parkieae
Parkia - Thối
Pentaclethra |
Tuồng Huế là một nghệ thuật hát bội có ở Huế, Việt Nam.
Lịch sử
Năm 1627, Đào Duy Từ là người đầu tiên đã mang về cho chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên nghệ thuật tuồng (hát bội). Giới nghệ nhân tuồng và cổ nhạc Huế đến nay vẫn thờ Đào Duy Từ làm tổ sư và coi 1627 là niên đại khởi đầu của lịch sử tuồng Huế. Nhà sư Thích Đại Sán, người Trung Quốc, đã được chúa Nguyễn Phúc Chu mời đến Huế năm 1695 đă kể lại buổi xem diễn tuồng trong phủ chúa. J. Barrow trong tác phẩm "A Voyage to Cochinchine in the year 1792–1793" đã vẽ lại cảnh diễn tuồng ở Đàng Trong thời Tây Sơn. Nghệ thuật tuồng Huế đã trải qua 3 thế kỷ phát triển trong dòng truyền thống văn hóa Phú Xuân và phát triển rực rỡ dưới triều đại các vua nhà Nguyễn. Vua Tự Đức đã từng tổ chức hàng ngũ sáng tác tuồng bao gồm những tác gia lỗi lạc trong nước, đứng đầu là Đào Tấn, sau này là tác giả kiệt xuất của nhiều vở tuồng nổi tiếng. Tuồng đã được biểu diễn trong nhà hát ở Đại nội như: Duyệt Thị Đường, Tĩnh Quang viện, Thông Minh đường, Khiêm Minh đường...
Dưới thời vua Tự Đức, hàng trăm vở tuồng đã được sáng tác, hàng trăm đào kép giỏi quy tụ về kinh đô. Vua Đồng Khánh thì mê tuồng đến nỗi đã dùng tên các nhân vật trong vở tuồng ông yêu thích để đặt cho các cung nữ. Còn vua Thành Thái cũng say sưa với nghệ thuật tuồng và rất trọng các đào kép giỏi, ông không chỉ ban thưởng tiền bạc mà còn phong tước hiệu cho nhiều bậc thầy hát bội. Ông là Hoàng đế duy nhất của triều Nguyễn đã lên sân khấu diễn tuồng "đóng trò" đồng thời là một tay trống tuồng tài ba. Vua Khải Định cũng đam mê với tuồng. Ông đã thiết lập hẳn một nơi diễn tuồng riêng tại cung An Định, ban xiêm y tốt cho các đoàn hát, tạo điều kiện cho các tài năng phát triển..
Từ sau thời Tự Đức, tuồng Huế dần vượt ra khỏi cung đình và trở thành sân khấu của quần chúng bình dân. Nhiều người đã tự đứng ra lập gánh hát, nuôi "đào", "kép" riêng và ganh đua với nhau. Nghệ thuật tuồng từ đó sống và phát triển được nhờ công chúng.
Tại kinh đô Huế, các rạp hát bắt đầu mọc lên khắp nơi, sân khấu tuồng từ trước vốn có chỉ phục vụ vua quan triều đình, dàn dần lan ra chiếm lĩnh ở những nơi công cộng. Những rạp hát nổi tiếng ở Huế trước năm 1945: Bắc Hòa, Nam Hòa, Đồng Xuân Lâu, Kim Long, An Cựu, Vĩ Dạ, Bao Vinh...Tên tuổi những cô đào sắc vẹn toàn vẫn còn thời Khải Định như: cô Thuôi, cô Ba Lài, cô Bạch Trúc, cô Cầm, cô Cháu Em, cô Nghè Đồng, cô Ba Vĩnh... Hơn 50 rạp hát khắp Đông Dương bấy giờ vang dội tiếng hát, tiếng trống của sân khấu tuồng Huế.
Tình hình tuồng bản ở Huế
Huế là nơi tập trung nhiều kịch bản tuồng nhất. Tuồng bản Hán Nôm chỉ xuất hiện khi văn học kịch nghệ cùng kỹ thuật in ấn mộc bản phát triển. Vào giai đoạn đầu, diễn viên tuồng "diễn cương", không có kịch bản. Ông bầu gánh hát sẽ soạn một sườn theo nội dung tích truyện rồi phân vai diễn viên theo nội dung đó mà tự tạo lời thoại, tương tự như diễn dân gian chèo ở miền Bắc.
Tuồng Huế được diễn cương đến trước nửa thế kỷ 18. Cuối thế kỷ 18, văn học dần dần phát triển và giới nho sỹ, trí thức xem tuồng như phương tiện giải trí hội đủ các yếu tố văn học nghệ thuật nên đã quan tâm đến các lời thoại, lời hát trong khi trình diễn, do đó kịch bản tuồng đã dần hình thành. Thời kỳ kịch bản tuồng được sáng tác mạnh mẽ nhất là từ thời Minh Mạng đến Tự Đức. Riêng pho tuồng Vạn bửu trình tường đã có hơn 100 hồi. Thời Tự Đức có một tổ chức sáng tác tuồng được thành lập, đó là Ban Hiệu Thư, gồm các tiến sĩ và cử nhân cũng các thành phần trí thức chuyên việc sáng tác kịch bản và hiệu đính các phường bản (bản tuồng trong dân gian) thành kinh bản (bản tuồng ở kinh đô) cho phù hợp với quan điểm đạo lý và chính trị của nhà nước đương thời.
Trải qua nhiều biến cố lớn như: biến cố thất thủ kinh đô năm 1885, giai đoạn 1945-1946 (Cách mạng Tháng Tám), giai đoạn 1954-1963...kho tàng tuồng bản ở Huế đã bị mất mát lớn. Vào năm 1975, lại một lần nữa dân Huế lại di tản, đa phần dân Huế đưa gia đình, tài sản, gia vật vào Đà Nẵng và các thành phố khác. Các bản tuồng, nếu có cũng như các sách vở khác thường bị bỏ lại.
Các tuồng bản dân gian nổi tiếng: Di tình (Nghêu, sò, ốc, hến); Trương Ngáo; Trương đồ nhục; Trần Bồ; Giác sanh duyên; Tào lao; Lâm Sanh - Xuân Nương; Phạm Công - Cúc Hoa...
Tuy ý kiến về nguồn gốc phát sinh của tuồng dân gian có khác nhau với mỗi tài liệu, nhưng xác định giai đoạn phát triển của loại tuồng này thì đã được giới nghiên cứu đồng nhất: đó là thời điểm cuối thế kỷ 19. Chính vào thời điểm này, xã hội có những chuyển biến thuận lợi cho sự lớn mạnh của loại tuồng này về nhu cầu cách tân nghệ thuật biểu diễn. Chỉ có tuồng dân gian mới đáp ứng được những yêu cầu đó khi chế độ phong kiến triều Nguyễn không còn giữ được vị thế chính trị vững mạnh như trước.
Một số vở tuồng nổi tiếng
Vạn bửu trình tường: là tuồng đồ sộ nhất, mới thu thập được 108 hồi, ra đời dưới triều vua Tự Đức (1847 - 1883), nhiều người cùng soạn (Diên Khánh Vương, Đào Tấn, Ngô Quý Đồng,Vũ Đình Phương v.v..). "Vạn Bửu Trình Tường" nặng tư tưởng tôn quân, lấy trung hiếu,tiết nghĩa làm đạo lý. Một số hồi quen thuộc trong "VBTT" như Bạch Đầu Công lăn lửa, Kim Anh Tử gặp Mộc Nữ La... Vở tuồng này diễn chủ yếu trong cung đình Huế; văn chương được vua Tự Đức khen là kĩ thuật như thần.
Quần phương hiến thụy
Hỏa hầu tinh
Một số nghệ sĩ nổi tiếng
Đời vua Thành Thái: Lê Bá Phước, Nguyễn Văn Em, Nguyễn Văn Hứa
Đời vua Duy Tân: Sáu Đá, Lập Nậy, Năm Lớm
Đời vua Khải Định: Quyền Nhung, Viên Bờ, Bát Lễ.
Đời vua Bảo Đại: Bát Hòa, La Cháu, Thất Luận
Sách tuồng
Học lâm toàn tập (Hiện có ở Thư viện Quốc gia và ở Thư viện Hoàng gia Anh)
Chú thích |
Chi Trinh nữ (danh pháp khoa học: Mimosa) là một chi của khoảng 400 loài cây thân thảo và cây bụi, thuộc phân họ Trinh nữ (Mimosoideae) trong họ Đậu (Fabaceae), với lá kép hình lông chim. Loài được biết nhiều nhất là Mimosa pudica với tên gọi dân dã là cây xấu hổ hay cây trinh nữ, do các lá của chúng khép lại khi bị chạm vào; nhiều loài khác cũng khép lá lại vào buổi chiều. Nó có nguồn gốc ở miền nam México và khu vực Trung Mỹ nhưng đã phổ biến rộng khắp như là một loài cây cảnh kỳ lạ được trồng trong nhà trong các khu vực ôn đới và ngoài vườn trong các khu vực nhiệt đới. Việc trồng ngoài vườn đã làm cho nó nhanh chóng trở thành một loại cỏ dại và là một loài xâm hại nguy hiểm ở nhiều nơi.
Các thành viên trong chi này thuộc về một số ít thực vật có khả năng có chuyển động thực vật nhanh; các ví dụ ngoài chi Mimosa còn có vũ thảo (Desmodium motorium) và bẫy ruồi (Dionaea muscipula).
Tên gọi khoa học của chi Mimosa có một lịch sử phức tạp, trải qua các thời kỳ chia nhỏ cũng như gộp lại, kết quả là nó đã có tới trên 3.000 tên gọi, phần nhiều hoặc là từ đồng nghĩa của các loài khác hay được chuyển sang các chi khác. Một phần là do các thay đổi này mà tên gọi "Mimosa" cũng đã được sử dụng cho một vài loài có họ hàng khác với các lá hình lông chim đơn hay kép, nhưng hiện nay chúng được phân loại trong các chi khác, phần lớn là để gọi Albizia julibrissin (tức cây hợp hoan thuộc chi muồng lá khế/ Albizia) và Acacia dealbata (keo bạc). Tại Việt Nam, tình trạng cũng tương tự. Ở một số nơi, như ở Đà Lạt, người ta cũng gọi cây keo bạc là mimosa.
Tại Nga, có một truyền thống tặng cho phụ nữ các bông hoa mimosa vàng (cùng với các hoa khác) vào Ngày quốc tế phụ nữ (8 tháng 3). Hoa này lấy từ cây Acacia dealbata (keo bạc), nó không phải là Mimosa thực sự.
Hình ảnh |
Mimosa là một từ có nguồn gốc từ tiếng Latinh. Hiện nay, trong tiếng Việt, nó có thể chỉ:
Chi thực vật Trinh nữ (Danh pháp khoa học: Mimosa) với khoảng 400 loài khác nhau với các tên gọi dân dã như xấu hổ, trinh nữ, mai dương v.v.
Tên gọi khác của cây keo lá tròn (danh pháp khoa học: Acacia podalyriifolia), và cây keo phấn trắng (keo bạc) (danh pháp khoa học: Acacia dealbata), cả hai loại đều thường được gọi là cây Mimosa Đà Lạt, hoa khá giống nhau nhưng khác nhau về cấu trúc lá.
Tên gọi khác của hoa keo vàng (Danh pháp khoa học: Acacia pycnantha), còn gọi là Mimosa vàng (từ tiếng Pháp: Mimosa doré)
Cocktail Mimosa
Chú thích |
Kính hiển vi quang học là một loại kính hiển vi sử dụng ánh sáng khả kiến để quan sát hình ảnh các vật thể nhỏ được phóng đại nhờ một hệ thống các thấu kính thủy tinh. Kính hiển vi quang học là dạng kính hiển vi đơn giản, lâu đời nhất và cũng là phổ biến nhất. Các kính hiển vi quang học cũ thường phải quan sát hình ảnh trực tiếp bằng mắt nhìn qua thị kính, nhưng các kính hiện đại hiện nay còn được gắn thêm các CCD camera hoặc các phim ảnh quang học để chụp ảnh.
Lịch sử
Bằng chứng lịch sử ban đầu liên quan đến sự ra đời của kính hiển vi quang học là công bố về khả năng phóng đại các vật thể bằng các kính phóng đại trong cuốn Books of Optics vào năm 1021 bởi Ibn al-Haytham (Alhazen). Sau khi cuốn sách này được xuất bản, Roger Bacon ở Anh quốc đã lý giải và mô tả cơ chế của việc phóng đại này vào thế kỷ 13, và dẫn đến sự phát triển của kính lúp phóng đại ở Italia .
Những kính hiển vi ban đầu được phát minh vào năm 1590 ở Middelburg, Hà Lan . Ba người thợ tạo kính là Hans Lippershey (người đã phát triển các kính viễn vọng trước đó), Zacharias Janssen, cùng với cha của họ là Hans Janssen là những người đầu tiên xây dựng nên những kính hiển vi sơ khai. Năm 1625, Giovanni Faber là người xây dựng một kính hiển vi hoàn chỉnh đặt tên là Galileo Galilei .
Các cấu trúc của kính hiển vi quang học tiếp tục được phát triển tiếp theo đó, và kính hiển vi chỉ được sử dụng một cách phổ biến hơn ở Italia, Anh quốc, Hà Lan vào những năm 1660, 1670. Marcelo Malpighi ở Italia bắt đầu sử dụng kính hiển vi để nghiên cứu cấu trúc sinh học ở phổi. Đóng góp lớn nhất thuộc về nhà phát minh người Hà Lan Antoni van Leeuwenhoek, người đã phát triển kính hiển vi để tìm ra tế bào hồng cầu và tinh trùng và đã công bố các phát hiện này .
Cấu tạo và hoạt động
Một kính hiển vi quang học gồm có nhiều bộ phận, có thể chia thành các phần như sau:
Nguồn sáng;
Hệ hội tụ và tạo chùm sáng song song;
Giá mẫu vật;
Vật kính (có thể là một thấu kính hoặc một hệ thấu kính) là bộ phận chính tạo nên sự phóng đại;
Hệ lật ảnh (lăng kính, thấu kính);
Thị kính là thấu kính tạo ảnh quan sát cuối cùng;
Hệ ghi ảnh.
Như hình ảnh ở bên, các phần (theo đánh số) có thể được mô tả như sau:
1. Thị kính: Có thể từ một đến 2 thấu kính thủy tinh cho phép tạo ra ảnh cuối cùng của vật qua hệ quang học. Độ phóng đại của thị kính khá nhỏ, thường chỉ dưới 10x, và được lắp đặt trong một ống trụ, cho phép thay đổi dễ dàng.
2. Giá điều chỉnh vật kính hay còn gọi là đĩa quay gắn các vật kính có thể xoay đĩa để chuyển sang vật kính khác
3. Vật kính: là thấu kính quan trọng nhất của các hệ tạo ảnh nhờ thấu kính, là một (hoặc có thể là hệ nhiều thấu kính) có tiêu cự ngắn, cho phép phóng đại vật với độ phóng đại lớn. Nhờ có giá điều chỉnh, các vật kính khác nhau có thể xoay để thay đổi trị số phóng đại. Trên vật kính có thể ghi các trị số phóng đại 4x, 5x, 10x, 20x, 40x, 50x, 80x hay 100x. Trong một số vật kính đặc biệt, người ta có thể sử dụng dầu nhằm tăng độ phân giải của hệ thống.
4, 5. Giá vi chỉnh, cho phép điều chỉnh độ cao của mẫu vật để lấy nét trong quá trình tạo ảnh.
6. Giá đặt mẫu vật hay còn gọi là bàn kính.
7. Hệ thống đèn, gương... tạo ánh sáng để chiếu sáng mẫu vật.
8. Hệ thống khẩu độ, và các thấu kính hội tụ để hội tụ và tạo ra chùm sáng song song chiếu qua mẫu vật.
9. Vi chỉnh cho phép dịch chuyển mẫu vật theo chiều ngang để quan sát các phần khác nhau theo ý muốn.
Kính hiển vi quang học hoạt động hoàn toàn trên nguyên tắc khúc xạ ánh sáng qua hệ các thấu kính thủy tinh. Vật kính, là loại thấu kính có tiêu cự ngắn, là bộ phận chính tạo nên sự phóng đại ảnh của mẫu vật. Ảnh tạo ra qua thấu kính này là ảnh thật, và ngược chiều so với vật mẫu ban đầu. Ảnh được quan sát ở thị kính chỉ được lật đúng chiều nhờ hệ thấu kính (hoặc lăng kính) trung gian đóng vai trò hệ lật ảnh. Tùy theo cách thức quan sát, ghi nhận ảnh mà ảnh được tạo ra ở thị kính có thể là ảnh thật hoặc ảnh ảo. Ảnh này sẽ là ảnh ảo khi hệ thị kính được thiết kế để quan sát trực tiếp bằng mắt thường, hoặc sẽ là ảnh thật khi hệ thị kính được ghép vào các thiết bị ghi nhận như phim quang học hoặc CCD camera.
Giới hạn độ phân giải
Độ phân giải của một hệ quang học là khả năng phân biệt các điểm không gian, được định nghĩa bằng khoảng cách giữa hai điểm gần nhau nhất có thể phân biệt được nhờ hệ quang học này. Độ phân giải của kính hiển vi quang học bị quy định bởi khả năng phân giải của các thấu kính, mà ở đây bị giới hạn bởi hiện tượng nhiễu xạ ánh sáng. Độ phân giải của kính hiển vi quang học sẽ bị giới hạn bởi bước sóng ánh sáng khả kiến và chỉ số khẩu độ:
với là bước sóng ánh sáng, NA là thông số khẩu độ. Vì thế, độ phân giải của các kính hiển vi quang học tốt nhất chỉ vào khoảng vài trăm nm. Ví dụ với hệ kính sử dụng ánh sáng xanh (λ = 550 nm), chỉ số khẩu độ đối với không khí là 0,95 hoặc có thể đạt cao nhất là 1,5 nếu sử dụng dầu. Như vậy, độ phân giải tốt nhất của hệ có thể đạt được khoảng dưới 200 nm. Có nghĩa là những điểm trong khoảng cách này sẽ không thể nào phân biệt được.
Các loại kính hiển vi quang học
Kính hiển vi đồng tiêu
Kính hiển vi quang học quét trường gần
Kính hiển vi huỳnh quang (Fluorescence microscope)
Kính hiển vi quang phổ tử ngoại (Ultraviolet–visible spectroscopy)
Kính hiển vi so sánh (Comparison microscope)
Kính hiển vi đảo ngược (Inverted microscope)
Kính hiển vi thạch học (Petrographic microscope) |
Tô mộc, còn có các tên gọi khác là vang, tô phượng, vang nhuộm, co vang, mạy vang (danh pháp hai phần: Caesalpinia sappan), là một loài thực vật thân gỗ nhỏ, cao khoảng 5-10 mét, cho gỗ rất rắn, có màu đỏ nâu ở phần lõi và trắng ở phần ngoài, được tìm thấy ở khu vực Đông Nam Á. Gỗ của nó trong tiếng Anh gọi là brezel wood. Gỗ tô mộc đã từng là một trong các mặt hàng chủ yếu trong buôn bán giữa người Nhật Bản và người khu vực Đông Nam Á (đặc biệt là Xiêm La) trong thế kỷ 17 trên các chu ấn thuyền.
Đặc điểm
Là loại cây ưa ánh sáng, sinh trưởng nhanh, ưa đất tốt và có thể sống được trong điều kiện bán khô hạn. Thân cây có nhiều gai. Cành non có lông mịn, sau đó hết lông và trở thành nhẵn, có gai ngắn. Lá kép lông chim, mọc so le. Có từ 10-15 lá chét nhỏ, hình ôvan hơi hẹp ở dưới và thuôn tròn ở đầu, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông mịn. Hoa 5 cánh màu vàng, mọc thành chùm ở đầu cành, từ khoảng tháng 6 tới tháng 9 hàng năm. Cuống có lông màu nâu gỉ sắt. Quả thuôn dẹt hình trứng ngược, vỏ rất cứng, có sừng nhọn ở đầu, trong chứa 3-4 hạt màu nâu vàng. Kích thước quả: dài 7–10 cm, rộng 3–4 cm. Cây chủ yếu mọc hoang ở rừng núi nhưng cũng được trồng ở nhiều nơi.
Công dụng
Y học
Theo Danh mục vị thuốc của Viện thông tin thư viện y học Trung ương (Việt Nam) thì nó thuộc về nhóm XVI-Hoạt huyết, khứ ứ. Nó được sử dụng trong y tế như là một loại thuốc kháng khuẩn với Stapylococcus, Salmonella, Shigella dysenteriae, tiêu viêm và cầm máu. Bộ phận sử dụng là gỗ từ thân cây được thu hái vào khoảng thời gian mùa thu-đông, sau đó cưa thành các đoạn nhỏ và phơi khô. Khi dùng chẻ mỏng, sắc đặc.
Khác
Nó cũng là nguồn có giá trị để sản xuất một loại thuốc nhuộm có màu đỏ, được dùng để nhuộm các sản phẩm từ sợi bông. Tại Việt Nam, gỗ tô mộc còn là một trong những thành phần dùng để nấu nước rửa hài cốt khi cải táng. Phần lõi gỗ rắn, gần như không bị nứt nẻ và được sử dụng để chạm khắc đồ mỹ nghệ.
- Bộ phận dùng cây tô mộc
Chỉ dùng phần lõi gỗ màu đỏ sẫm, phơi khô vì hoạt chất tập trung ở lõi gỗ phần thân và cành to, tốt nhất nên lấy những cây trên 10 năm
- Các cách chế biến
• Ngâm kiệt: Gỗ tô mộc chẻ mỏng, ngâm với nước tỷ lệ 1:1, càng ngâm lâu tác dụng kháng sinh càng tốt.
• Dạng cao: Sắc tô mộc bình thường rồi cô lại thành cao lỏng để tiện bảo quản, dễ sử dụng, tăng khả năng diệt khuẩn
• Dạng viên: Phối hợp tô mộc với bột dược liệu khác như ngũ bội tử, búp ổi, các tá dược sau đó chia viên
• Brommo tô mộc: Gỗ tô mộc ngâm trong dung dịch Borat Natri 40% có tác dụng rửa vết thương, không gây đau rát, con vật ít liếm, vết thương mau lành.
• Glycerol tô mộc: Gỗ tô mộc chẻ mỏng ngâm trong dung môi kép bao gồm Glycerol, nước cất, cồn |
Trong chi Caesalpinia thì loài cây phổ biến nhất được trồng là Caesalpinia pulcherrima (còn có danh pháp hai phần cũ là Poinciana pulcherrima). Tên gọi của nó trong tiếng Việt của nó là kim phượng, phượng ta, điệp, điệp cúng. Tên gọi theo phiên âm Hán-Việt là: phiên hồ điệp (番蝴蝶), kim phượng hoa (金鳳花), khổng tước hoa (孔雀花), hoàng hồ điệp (黃蝴蝶). Nhìn bề ngoài, nó khá giống với cây phượng vĩ có danh pháp khoa học là Delonix regia cùng phân họ.
Nó là một loài cây bụi cao tới 3 m, có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới thuộc châu Mỹ. Lá của nó là loại lông chim kép, dài 20–40 cm và có từ 3-10 cặp lá chét, mỗi lá chét có từ 6-10 cặp lá chét nhỏ dài 15–25 mm và rộng 10–15 mm. Hoa của chúng mọc ra tại cành hoa dài tới 20 cm, mỗi hoa có 5 cánh màu vàng, da cam hay đỏ. Quả là loại quả đậu dài 6–12 cm.
Nó được trồng làm cây cảnh rất phổ biến ở khu vực nhiệt đới.
Lưu ý
Phượng vĩ đôi khi cũng được gọi là kim phượng khi có hoa màu vàng đậm. Tuy nhiên phượng vĩ là cây đại mộc còn kim phượng thực thụ là cây tiểu mộc, với ba màu hoa cơ bản là màu vàng tươi, đỏ vàng, đỏ hồng hoặc đỏ pha vàng (xem hình) và ra hoa quanh năm, còn phượng vĩ chỉ ra hoa vào mùa hè.
Hình ảnh |
Nền văn minh Ấn Độ là một nền văn minh nổi tiếng và thuộc về những nền văn minh cổ nhất thế giới.
Nền văn minh Ấn Độ thời cổ đại bao gồm cả vùng đất ở các nước như: Ấn Độ, Pakistan, Nêpan, Bangladesh ngày nay.
Cơ sở hình thành nền văn minh Ấn Độ
Điều kiện tự nhiên
Bán đảo Ấn Độ thuộc Nam Á gần như hình tam giác. Ở phía bắc, bán đảo bị chắn bởi dãy núi Hymalaya. Từ bên ngoài vào Ấn Độ rất khó khăn, chỉ có thể qua các con đèo nhỏ ở tây-bắc Ấn. Đông nam và tây nam Ấn Độ giáp Ấn Độ dương.
Hàng năm tới mùa tuyết tan, nước từ dãy Hymalaya theo hai con sông Ấn (Indus) và sông Hằng (Ganges) lại đem phù sa tới bồi đắp cho những cánh đồng ở Bắc Ấn.
Nền văn minh ở lưu vực sông Indus (3.000-1.800 Tr. C.N.) đã thấm đượm những tư tưởng và hình thức nghệ thuật mà về sau người ta xem như bản sắc tiêu biểu cho Ấn Độ.
Dân cư
Người dân xây dựng nên nền văn minh cổ xưa nhất ở Ấn Độ ven bờ sông Ấn là những người Dravidian. Ngày nay những người Dravidian chủ yếu cư trú ở miền nam bán đảo Ấn Độ. Khoảng 2000 năm TCN đến 1500 năm TCN có nhiều tộc người Aryan tràn vào xâm nhập và ở lại bán đảo Ấn. Sau này, trong quá trình lịch sử còn có nhiều tộc người khác như người Hy Lạp, Hung Nô, Ả Rập Xê Út, Mông Cổ xâm nhập Ấn Độ do đó cư dân ở đây có sự pha trộn khá nhiều dòng máu, nhiều chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa phong phú đã tạo nên nền văn minh Ấn Độ.
Các giai đoạn lịch sử chính
Nền văn minh cổ xưa trên lưu vực sông Ấn (3.000-1.800 TCN)
Các nhà khảo cổ đã tìm ra cái nôi đầu tiên của Ấn Độ tại lưu vực sông Ấn. Tại đây người ta tìm thấy những pho tượng một người đàn ông trong tư thế suy tưởng gợi đến môn phái yoga. Rất nhiều hiện vật được tìm thấy ở khu vực Harappa và Mohenjo có niên đại từ 3.000 đến 1.800 trước công nguyên. Những tìm tòi gần đây hé mở phần nào về sự lan tỏa của nền văn minh lưu vực sông Ấn rộng lớn về miền Bắc và miền Tây xa xôi cùng với cư dân lưu vực sông Ấn lại có quan hệ gần gũi với văn hóa Dravidian, từng phồn thịnh từ rất lâu ở miền Nam Ấn Độ trước khi người Aryan đặt chân đến.
Nền văn minh sông Ấn đã tồn tại hơn 700 năm trong thịnh vượng, những người thợ thủ công của nền văn minh này đã hoàn thành nhiều sản phẩm có tính mỹ thuật và chất lượng cao. Nhưng cũng bất thình lình như khi xuất hiện, nền văn hóa này lại biến mất mà nguyên nhân cho đến nay vẫn chưa rõ. Dường như từ khoảng năm 2000 trước Công Nguyên xuất hiện nhiều vấn đề lớn. Người dân rời bỏ thành phố, những người còn lại bị thiếu ăn. Vào khoảng năm 1800 trước Công Nguyên phần lớn các thành phố đều đã bị bỏ hoang. Trong những thế kỷ sau đó, các ký ức và thành tựu của nền văn hóa sông Ấn đã biến mất hoàn toàn. Các di sản của văn minh Ấn Độ sau này đều là của Nền văn minh Vệ Đà (xuất hiện khoảng 1.600 năm TCN) do tộc người Aryan từ Trung Á đem tới chứ không phải của văn minh sông Ấn bản địa.
Nền văn minh Vệ Đà (1.600-thế kỷ I TCN)
Ở vào khoảng thời gian 100 đến 1.600 TCN, một chi của người Aryan, thường được gọi là người Indo-Aryan, di cư đến Ấn Độ. Họ đem theo cùng với họ là tiếng Phạn và một tôn giáo dựa trên nghi lễ hiến tế các vị thần tượng trưng cho các thế lực của thiên nhiên như Indra, thần mưa và sấm, thần Agni (lửa) và Varuma, chúa tể của các sông biển và mùa màng. Những bài ngợi ca vị thần ấy được tập hợp lại thành bốn tập Kinh Vệ Đà. Lâu đời nhất là tập Rigveda (1.500-1.200 Tr. C.N.). Đặc điểm của Kinh Veda là hướng con người đến tư tưởng cao cả, văn phong đẹp đẽ và bước chuyển những nghi thức từ bên ngoài vào kinh nghiệm nội tại. Thời kỳ này chính là thời kỳ có thuyết nói rằng cùng với nó là sự ra đời Đức Phật
Vào năm 326 TCN Alexandros người Macedonia vượt sông Indus và đánh thắng một trận quyết định và rút về. Cuộc xâm lăng của ông đã để lại dấu ấn của thế giới Hy Lạp, nâng văn hóa Ấn Độ lên một tầm cao mới.
Vào năm 320 TCN. Chandragup-ta Maurya (hoàng đế Maurya) thống nhất trở lại toàn bộ các bộ lạc rời rạc và thành lập chế độ tập quyền, kinh đô được đặt tại Pataliputra (bang Bihar ngày nay).
Đế chế Gupta
Thời kỳ hoàng kim của nền văn minh Ấn Độ thuộc vào thời kỳ triều đại Gupta. Thời kỳ này có nhiều thành tựu nổi bật về văn hóa trồng trọt. Thời kỳ này nền văn minh Ấn Độ đã để lại cho nhân loại một khối lượng các di sản khổng lồ.
Thành tựu chính của Văn minh Ấn Độ
Chữ viết, văn học
Thời đại Harappa-Môhenjô Đarô, ở miền Bắc Ấn đã xuất hiện một loại chữ cổ mà ngày nay người ta còn lưu giữ được khoảng 3.000 con dấu có khắc những ký hiệu đồ họa.
Thế kỉ VII TCN, ở đây đã xuất hiện chữ Brami, ngày nay còn khoảng 30 bảng đá có khắc loại chữ này. Trên cơ sở chữ Brami, thế kỉ V TCN ở Ấn Độ lại xuất hiện chữ Sanskrit, đây là cơ sở của nhiều loại chữ viết ở Ấn Độ và Đông Nam Á sau này.
Hai tác phẩm văn học nổi bật thời cổ đại là Mahabharata và Ramayana. Mahabharata là bản trường ca gồm 220.000 câu thơ. Bản trường ca này nói về một cuộc chiến tranh giữa các con cháu Bharata. Bản trường ca này có thể coi là một bộ "bách khoa toàn thư" phản ánh mọi mặt về đời sống xã hội Ấn Độ thời đó.
Ramayana là một bộ sử thi dài 48.000 câu thơ, mô tả một cuộc tình giữa chàng hoàng tử Rama và công chúa Xita(con của nữ thần mẹ đất). Thiên tình sử này ảnh hưởng tới văn học dân gian một số nước Đông Nam Á. Riêmkê ở Campuchia, Riêmkhiêm ở Thái Lan chắc chắn có ảnh hưởng từ Ramayana.
Thời cổ đại ở Ấn Độ còn có tập ngụ ngôn Năm phương pháp chứa đựng rất nhiều tư tưởng được gặp lại trong ngụ ngôn của một số dân tộc thuộc hệ ngôn ngữ Ấn-Âu.
Nghệ thuật
Ấn Độ là nơi có nền nghệ thuật tạo hình phát triển rực rỡ, ảnh hưởng tới nhiều nước Đông Nam Á. Nghệ thuật Ấn Độ cổ đại hầu hết đều phục vụ một tôn giáo nhất định, do yêu cầu của tôn giáo đó mà thể hiện. Có thể chia ra ba dòng nghệ thuật: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Hồi giáo.
Có rất nhiều chùa tháp Phật giáo, nhưng đáng kể đầu tiên là dãy chùa hang Ajanta ở miền trung Ấn Độ. Đây là dãy chùa được đục vào vách núi, có tới 29 gian chùa, các gian chùa thường hình vuông và nhiều gian mỗi cạnh tới 20m. Trên vách hang có những bức tượng Phật và nhiều bích hoạ rất đẹp.
Các công trình kiến trúc Ấn Độ giáo được xây dựng nhiều nơi trên đất Ấn Độ và được xây dựng nhiều vào khoảng thế kỷ VII - thế kỷ XI. Tiêu biểu cho các công trình Ấn Độ giáo là cụm đền tháp Khajuraho ở Trung Ấn, gồm tất cả 85 đền xen giữa những hồ nước và những cánh đồng.
Những công trình kiến trúc Hồi giáo nổi bật ở Ấn Độ là tháp Mina, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIII và lăng Taj Mahan được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII.
Khoa học tự nhiên
Về thiên văn, người Ấn Độ cổ đại đã làm ra lịch, họ chia một năm ra làm 12 tháng, mỗi tháng có 30 ngày. (Như vậy năm bình thường có 360 ngày). Cứ sau 5 năm thì họ lại thêm vào một tháng nhuận.
Về toán học: Người Ấn Độ thời cổ đại chính là chủ nhân của hệ thống chữ số mà ngày nay ta quen gọi là số Arập. Đóng góp lớn nhất của họ là đặt ra số không, nhờ vậy mọi biến đổi toán học trở thành đơn giản, ngắn gọn hẳn lên. (Người Tây Âu vì vậy mà từ bỏ số La Mã mà sử dụng số Arập trong toán học.) Họ đã tính được căn bậc 2 và căn bậc 3; đã có hiểu biết về cấp số, đã biết về quan hệ giữa 3 cạnh trong một tam giác.
Về Vật lý, người Ấn Độ cổ đại cũng đã có thuyết nguyên tử. Thế kỷ V TCN, có một nhà thông thái ở Ấn Độ đã viết "...trái đất, do trọng lực của bản thân đã hút tất cả các vật về phía nó".
Y học cũng khá phát triển. Người Ấn Độ cổ đại đã mô tả các dây gân, cách chắp ghép xương sọ, cắt màng mắt, theo dõi quá trình phát triển của thai nhi. Họ để lại hai quyển sách là "Y học toát yếu" và "Luận khảo về trị liệu".
Tư tưởng, tôn giáo
Ấn Độ là nơi sản sinh ra nhiều tôn giáo như Ấn Độ giáo, Phật giáo, đạo Jaina và đạo Sikh.
Đạo Bàlamôn mà sau này là Ấn Độ giáo ra đời vào khoảng thế kỷ XV TCN, trong hoàn cảnh đang có sự bất bình đẳng rất sâu sắc về đẳng cấp và đạo này chứng minh cho sự hợp lý của tình trạng bất bình đẳng đó.
Đạo Phật ra đời vào khoảng giữa thiên niên kỉ 1 TCN do thái tử Xitđacta Gôtama, hiệu là Sakya Muni (Thích Ca Mâu Ni) khởi xướng. Các tín đồ Phật giáo lấy năm 544 TCN là năm thứ nhất theo Phật lịch, họ cho là đây là năm mà Đức Phật đã nhập niết bàn. (Vì vậy, những người châu Á theo đạo Phật trước kia vẫn để ý đến ngày qua đời hơn ngày ra đời, khác hẳn những người theo đạo Thiên Chúa). Giáo lý cơ bản của đạo Phật là Tứ diệu đế (bốn điều cần giác ngộ về thế giới), vô ngã, duyên khởi, luật Nhân - Quả (làm việc ác tất yếu sẽ bị báo ứng).
Đạo Jaina xuất hiện vào khoảng thế kỷ VI TCN. Cùng thời với Phật giáo. Đạo này chủ trương bất sát sinh một cách cực đoan và nhấn mạnh sự tu hành khổ hạnh.
Đạo Sikh xuất hiện ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ XV. Giáo lý của đạo Sikh là sự dung hòa và kết hợp giáo lý của Ấn Độ giáo và giáo lý của Hồi giáo. Tín đồ đạo Sikh tập trung rất đông ở Punjab và ngôi đền thiêng liêng của họ là ngôi đền Vàng ở Punjab. Đạo Sikh là đạo sinh ra cuối cùng trên đất Ấn Độ. |
Lăng Tự Đức (chữ Hán: 嗣德陵) là một quần thể công trình kiến trúc, trong đó có nơi chôn cất Tự Đức, tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (cũ), nay là thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Lúc mới xây dựng, Tự Đức đặt tên là Khiêm Cung (謙宮). Sau khi Tự Đức băng hà, lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng (謙陵).
Lăng Tự Đức có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của hoàng gia nhà Nguyễn.
Quá trình xây lăng
Tự Đức đã sớm nghĩ đến việc xây lăng mộ cho mình ngay khi còn sống. Vốn là một người giỏi thi phú, ông đã chọn cho mình một nơi yên nghỉ xứng đáng với ngôi vị của mình, địa điểm được chọn để xây lăng trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh. Chú ý là vạn niên cơ là danh từ chung chỉ các lăng tẩm vua chứ không phải như nhiều sách vở cho là vua Tự Đức lấy tên Vạn Niên Cơ đặt tên cho công trình, với mong muốn được trường tồn. Tuy nhiên, do công việc sưu dịch xây lăng quá cực khổ, lại bị quan lại đánh đập tàn nhẫn, là nguồn gốc cuộc nổi loạn Chày Vôi của dân phu xây lăng.
Tương truyền, dân chúng ta thán:
Vạn Niên là Vạn Niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân
Ngày 8-9 âm lịch năm Bính Dần (1866), tức năm Tự Đức thứ 19, do việc xây dựng Vạn niên cơ, quân sĩ và dân phu phải làm lụng khổ sở, có nhiều người oán giận. Nhân sự bất mãn đó, với lý do tôn phù Đinh Đạo (cháu ruột Tự Đức, nguyên tên là Ưng Đạo, do cha là An Phong công Hồng Bảo làm loạn nên phải đổi thành Đinh Đạo) lên ngôi vua, Đoàn Hữu Trưng cùng với các em là Đoàn Hữu Ái, Đoàn Tư Trực, cùng các đồng chí là Trương Trọng Hòa, Phạm Lương, Tôn Thất Cúc, Tôn Thất Giác, Bùi Văn Liệu, Nguyễn Văn Quí phát động khởi nghĩa. Những người tham gia khởi nghĩa phần đông là nhân công đang uất hận vì bị bắt lao dịch khắc nghiệt để xây dựng Vạn niên cơ. Họ dùng chầy vôi - dụng cụ lao động - làm vũ khí nên tục gọi là "giặc chày vôi". Tuy nhiên, cuộc đảo chính thất bại. Cả nhà Ưng Đạo đều bị hại. Đoàn Hữu Trưng và hai người em bị giết lúc mới 22 tuổi.
Tuy nhiên, do sự việc này, vua phải đổi tên Vạn niên cơ thành Khiêm Cung và viết bài biểu trần tình để tạ tội. Năm 1873, Khiêm Cung mới được hoàn thành, vua Tự Đức vẫn sống thêm 10 năm nữa rồi mới qua đời.
Toàn cảnh lăng
Gần 50 công trình trong lăng ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm trong tên gọi. Lối đi lát gạch Bát Tràng bắt đầu từ cửa Vụ Khiêm môn đi qua trước Khiêm Cung Môn rồi uốn lượn quanh co ở phía trước lăng mộ. Qua khỏi cửa Vụ Khiêm và miếu thờ Sơn Thần là khu điện thờ, nơi trước đây là chỗ nghỉ ngơi, giải trí của vua. Đầu tiên là Chí Khiêm Đường (至謙堂) ở phía trái, nơi thờ các bà vợ vua. Tiếp đến là 3 dãy tam cấp bằng đá Thanh dẫn vào Khiêm Cung Môn (謙宫門)- một công trình hai tầng dạng vọng lâu như một thế đối đầu tiên với hồ Lưu Khiêm ở đằng trước. Giữa hồ có đảo Tịnh Khiêm (淨謙) với những mảnh đất trồng hoa và những hang nhỏ để nuôi thú hiếm. Trên hồ Lưu Khiêm có Xung Khiêm Tạ (冲謙榭) và Dũ Khiêm Tạ (俞謙榭), nơi nhà vua đến ngắm hoa, làm thơ, đọc sách... Ba cây cầu Tuần Khiêm, Tiễn Khiêm và Do Khiêm bắt qua hồ dẫn đến đồi thông.
Bên trong Khiêm Cung Môn (謙宫門) là khu vực dành cho vua nghỉ ngơi mỗi khi đến đây. Chính giữa là điện Hòa Khiêm (和謙殿) để vua làm việc, nay là nơi thờ cúng bài vị của vua và Hoàng hậu. Hai bên tả, hữu là Pháp Khiêm Vu và Lễ Khiêm Vu dành cho các quan văn võ theo hầu. Sau điện Hòa Khiêm là điện Lương Khiêm, xưa là chỗ nghỉ ngơi của vua, về sau được dùng để thờ vong linh bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức. Bên phải điện Lương Khiêm là Ôn Khiêm Đường - nơi cất đồ ngự dụng. Đặc biệt, phía trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm đường để nhà vua xem hát, được coi là một trong những nhà hát cổ nhất của Việt Nam hiện còn. Có một hành lang từ điện Ôn Khiêm dẫn ra Trì Khiêm viện và Y Khiêm viện là chỗ ở của các cung phi theo hầu nhà vua, ngay cả khi vua còn sống cũng như khi vua đã chết. Cạnh đó là Tùng Khiêm viện, Dung Khiêm viện và vườn nuôi nai của vua.
Sau khu vực tẩm điện là khu lăng mộ. Ngay sau Bái Đình với hai hàng tượng quan viên văn võ là Bi Đình với tấm bia bằng đá Thanh Hóa nặng 20 tấn có khắc bài "Khiêm Cung Ký" do chính Tự Đức soạn vào năm 1871. Tuy có đến 103 bà vợ nhưng Tự Đức không có con nối dõi nên đã viết bài văn bia này thay cho bia "Thánh đức thần công" trong các lăng khác. Toàn bài văn dài 4.935 chữ, là một bản tự thuật của nhà vua về cuộc đời, vương nghiệp cũng như những rủi ro, bệnh tật của mình, kể công và nhận tội của Tự Đức trước lịch sử. Đằng sau tấm bia là hai trụ biểu sừng sững như hai ngọn đuốc tỏa sáng cùng với hồ Tiểu Khiêm hình trăng non đựng nước mưa để linh hồn vua rửa tội.
Khiêm Thọ lăng
Khiêm Thọ Lăng là nơi chôn cất của Lệ Thiên Anh Hoàng hậu, Hoàng hậu của vua Tự Đức. Lăng có cấu trúc điển hình của các lăng mộ hoàng hậu nhà Nguyễn với bốn tầng nền, được dẫn lên bằng hệ thống bậc cấp. Ba tầng dưới là những khoảng sân rộng, tầng trên cùng là nơi đặt mộ phần, gồm hai lớp tường thành. Vòng tường ngoài có trổ cổng.
Hình ảnh |
Hồ Baikal (phiên âm tiếng Việt: Hồ Bai-can; ; , , Baygal nuur, nghĩa là "hồ tự nhiên"; ) là hồ đứt gãy lục địa ở Nga, thuộc phía nam Siberi, giữa tỉnh Irkutsk ở phía tây bắc và Cộng hòa Buryatia ở phía đông nam.
Đây là hồ nước ngọt có lượng nước lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 22-23% tổng lượng nước ngọt không bị đóng băng quanh năm trên bề mặt thế giới. Với nước ngọt, nó nhiều hơn cả năm hồ nước của Ngũ Đại Hồ cộng lại. Độ sâu tối đa của hồ là , nên Baikal chính là hồ sâu nhất thế giới được coi là một trong số những hồ trong nhất và cũng là hồ lâu đời nhất thế giới. khi nó hình thành cách đây 25-30 triệu năm trước. Xét về diện tích bề mặt, đây là hồ nước lớn thứ bảy trên thế giới.
Tương tự như hồ Tanganyika, hồ Baikal được hình thành từ một thung lũng tách giãn cổ có hình lưỡi liềm dài với diện tích bề mặt , nhỏ hơn so với hồ Superior hay hồ Victoria. Baikal là nhà của hàng ngàn loài động thực vật, nhiều trong số đó không thể tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới. Chính vì vậy, hồ Baikal đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1996. Khu vực phía đông bờ hồ là nơi sinh sống của các bộ lạc người Buryat, họ chăn nuôi dê, lạc đà, bò và cừu, trong một môi trường khắc nghiệt khi nhiệt độ trung bình tối thiểu vào mùa đông là và tối đa trong mùa hè chỉ là .
Khu vực phía đông của hồ Baikal được gọi là Ngoại Baikal và khu vực quanh hồ đôi khi được gọi đơn giản là Baikalia.
Lịch sử
Khu vực Baikal, đôi khi được gọi là Baikalia, đã có một lịch sử lâu dài về sự định cư của con người. Một bộ lạc đc biết đến sớm nhất trong khu vực là người Kurykan.
Nằm trong lãnh thổ cũ phía bắc của người Hung Nô, đây là một trong những nơi diễn ra Chiến tranh Hán-Hung Nô, nơi quân đội của nhà Hán truy đuổi và đánh bại lực lượng Hung Nô từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Họ đã ghi lại rằng, hồ nước là một "biển lớn" và gọi nó là "Bắc Hải" (北海), một trong Tứ Hải của Trung Quốc cổ đại. Bộ lạc người Kurykan nguồn gốc từ Siberi định cư tại đây vào thế kỷ thứ 6 đặt cho nó một cái tên dịch ra có nghĩa là "nhiều nước". Sau này nó được những người Buryat gọi là "Hồ tự nhiên" (Baygal nuur) và "Hồ giàu có" (Bay göl) bởi những người Yakut. Rất ít những người châu Âu biết về hồ nước này cho đến thế kỷ thứ 17, khi lãnh thổ của Nga mở rộng đến đây. Nhà thám hiểm người Nga đầu tiên đến đây là Kurbat Ivanov vào năm 1643.
Sự bành trướng của Sa quốc Nga vào khu vực của người Buryat nằm quanh hồ Baikal từ 1628–58 như là một phần của Cuộc chinh phạt của người Nga ở Siberia. Quân đội Nga theo dòng sông Angara ngược từ Yeniseysk (thành lập năm 1619) và sau đó di chuyển về phía nam từ sông Lena. Người Nga lần đầu tiên nghe nói về lãnh thổ của những người Buryat vào năm 1609 tại Tomsk. Theo truyện dân gian liên quan sau thực tế khoảng một thế kỷ thì vào năm 1623, Demid Pyanda, người có thể là người Nga đầu tiên đến Lena khi đi từ thượng lưu Lena đến Angara và đến Yeniseysk.
Vikhor Savin (1624) và Maksim Perfilyev (1626 và 1627–28) đã khám phá vùng đất của người Tungus ở hạ lưu Angara. Ở phía tây, Krasnoyarsk trên thượng lưu sông Yenisei được thành lập vào năm 1627. Một số cuộc thám hiểm không có tài liệu được khám phá về phía đông từ Krasnoyarsk. Năm 1628, Pyotr Beketov lần đầu tiên bắt một nhóm người Buryat nộp các cống phẩm (Yasak) tại địa điểm mà sau này là Bratsk. Năm 1629, Yakov Khripunov lên đường từ Tomsk để tìm kiếm một mỏ bạc được đồn đại. Người của ông sớm bắt đầu cướp bóc cả người Nga và người bản địa. Họ có thêm một nhóm bạo loạn khác từ Krasnoyarsk tham gia cùng, nhưng đã rời khỏi vùng đất của người Buryat khi thiếu lương thực. Điều này gây khó khăn cho những người Nga khác khi vào khu vực này. Năm 1631, Maksim Perfilyev xây dựng một pháo đài gỗ (Ostrog) tại Bratsk. Đến năm 1634, Bratsk đã bị phá hủy và quân đồn trú tại đây đều bị giết. Bratsk phục hồi bằng một cuộc viễn chinh chinh phạt dưới thời Radukovskii một năm sau đó. Năm 1638, nó tiếp tục bị bao vây nhưng không thành công.
Năm 1638, Perfilyev đã đi từ Angara qua Ilim đến sông Lena và đi xuôi dòng cho đến tận Olyokminsk. Trở về, ông đã đi thuyền trên sông Vitim vào khu vực phía đông hồ Baikal (1640), nơi ông nghe báo cáo về một đất nước Amur. Năm 1641, Verkholensk được thành lập tại thượng lưu sông Lena. Năm 1643, Kurbat Ivanov đã đi ngược dòng Lena xa hơn nữa về phía thượng nguồn, và ông trở thành người Nga đầu tiên nhìn thấy hồ Baikal và đảo Olkhon. Một nửa nhóm của ông vẫn ở lại hồ, đến Thượng Angara ở phía bắc, và trú đông trên sông Barguzin ở phía đông bắc.
Năm 1644, Ivan Pokhabov đi từ sông Angara đến Baikal, có lẽ trở thành người Nga đầu tiên sử dụng tuyến đường này, vì đây là con đường vô cùng hiểm trở khi có rất nhiều thác ghềnh. Ông băng qua hồ và khám phá hạ lưu sông Selenge. Khoảng năm 1647, ông lặp lại chuyến đi một lần nữa, có người hướng dẫn và đến thăm một 'Tsetsen Khan' gần Ulaabaatar. Năm 1648, Ivan Galkin xây dựng một pháo đài gỗ trên sông Barguzin mà đã trở thành một trung tâm từ đó mở rộng về phía đông. Năm 1652, Vasily Kolesnikov đã báo cáo rằng có thể đến Amur bằng cách theo sông Selenga, Uda và Khilok đến các địa điểm mà sau này là Chita và Nerchinsk. Năm 1653, Pyotr Beketov đi theo tuyến đường mà Kolesnikov sử dụng để đến hồ Irgen phía tây Chita, và mùa đông năm đó, một người của ông có tên là Urasov đã thành lập Nerchinsk. Nerchinsk đã bị phá hủy bởi người Tungus địa phương, nhưng được khôi phục vào năm 1658.
Đường sắt xuyên Sibir được xây dựng giữa năm 1896 đến 1902 băng qua khu vực này thông qua đường sắt Circum-Baikal ở cuối tây nam hồ Baikal cần phải sử dụng 200 cây cầu và 33 đường hầm. Cho đến khi hoàn thành, một chuyến phà đã vận chuyển các toa tàu băng qua hồ từ cảng Baikal đến Mysovaya trong một số năm. Khi đường sắt được xây dựng, một đoàn thám hiểm thủy văn lớn do F.K. Drizhenko lãnh đạo đã vẽ bản đồ đường viền chi tiết đầu tiên của hồ.
Hồ Baikal trở thành một chiến trường nhỏ giữa Quân đoàn Tiệp Khắc và Hồng Quân Liên Xô vào năm 1918. Vào những thời điểm hồ bị đóng băng, có thể đi bộ qua hồ mặc dù nguy cơ bị bỏng lạnh và hạ thân nhiệt có thể gây chết người bởi những cơn gió lớn và lạnh thổi qua mà không bị cản trở trên những dải băng phẳng. Vào mùa đông năm 1920, lực lượng Bạch Vệ rút lui khi băng qua hồ Baikal đóng băng. Gió trên mặt hồ khi ấy rất lạnh khiến nhiều người chết và bị đóng băng tại chỗ cho đến khi tan băng vào mùa xuân. Bắt đầu từ năm 1956, đập Irkutsk trên sông Angara được xây dựng khiến mực nước trong hồ nâng lên cao đã nâng mực nước hồ lên .
Địa lý và thủy văn
Hồ Baikal nằm trong một thung lũng tách giãn được hình thành bởi Đới tách giãn Baikal, nơi vỏ Trái Đất dần tách ra. Với chiều dài và chiều rộng và diện tích , hồ Baikal có diện tích bề mặt lớn hơn bất kỳ hồ nước ngọt nào khác tại châu Á và là hồ sâu lớn nhất thế giới với độ sâu dưới mực nước biển. Phần đáy của hồ sâu dưới mực nước biển, song bên dưới đó là trầm tích, vì thể điểm đáy của đứt gãy sâu dưới mặt đất xung quanh: và là đứt gãy trên lục địa sâu nhất trên Trái Đất. Theo quan điểm địa chất, đứt gãy này vẫn còn trẻ và đang hoạt động, nó mở rộng khoảng 2 cm mỗi năm. Đớt đứt gãy này cũng có hoạt động động đất, ngoài ra cũng có các suối nước nóng trong khu vực quanh hồ. Hồ Baikal được phân thành ba bồn hay bể: Bắc, Trung và Nam, với độ sâu tương ứng là , , và . Bồn Bắc và Trung tách biệt nhau qua dãy Academician trong khi khu vực quanh đồng bằng Selenga và vùng yên ngựa Buguldeika tách biệt bồn Trung và Nam. Hồ thoát nước qua sông Angara, một chi lưu của sông Enisei. Địa hình đáng chú ý tại hồ Baikal là Mũi Ryty nằm trên bờ tây bắc.
Hồ Baikal ước tính có tuổi đời từ 25-30 triệu năm trước khiến nó trở thành hồ nước lâu đời nhất thế giới.
Bao quanh hồ nước là những dãy núi. Phía bắc là Dãy núi Baikal, đông bắc là dãy Barguzin, rừng Taiga bao quanh và hồ được bảo vệ bởi rất nhiều các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Trong hồ nước là 27 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau, lớn nhất trong số đó là đảo Olkhon dài là đảo hồ lớn thứ ba thế giới. Hồ nước được nuôi dưỡng bởi 330 con sông lớn nhỏ. Những dòng chính chảy trực tiếp vào Baikal là sông Selenga, Barguzin, Thượng Angara, Turka, Sarma và Snezhnaya. Sông Angara là cửa thoát nước duy nhất của hồ Baikal.
Hồ được bao quanh bởi những ngọn núi; Dãy núi Baikal ở bờ phía bắc, dãy Barguzin ở bờ đông bắc và các cánh rừng taiga được bảo vệ như một công viên quốc gia. Hồ có 27 hòn đảo; lớn nhất là hồ Olkhon, dài 72 km (45 dặm) và là hòn đảo trên hồ lớn thứ ba thế giới. Hồ được 330 dòng sông chảy vào. Những con sông chính chảy trực tiếp vào hồ Baikal là Selenga, Barguzin, Upper Angara, Turka, Sarma và Snezhnaya. Nó được dẫn lưu thông qua một lối thoát duy nhất, Angara.
Đặc điểm của nước
Baikal là một trong những hồ nước trong nhất thế giới. Vào mùa đông, ở những khu vực mở, độ trong của nó có thể thấy được độ sâu từ nhưng trong suốt mùa hè, thường là chỉ ở mức từ . Hồ Baikal rất giàu Oxy, ngay cả ở những khu vực nước sâu, tách ra khỏi những khối phân tầng nước rõ rệt như tại Hồ Tanganyika và Biển Đen.
Ở hồ Baikal, nhiệt độ nước thay đổi đáng kể tùy thuộc vào vị trí, độ sâu và thời gian trong năm. Trong mùa đông và mùa xuân, bề mặt đóng băng trong khoảng từ 4-5 tháng, bắt đầu từ tháng 1 cho đến đầu tháng 5-6 (chậm nhất ở phía bắc) khi mặt hồ phủ đầy băng. Trung bình, lớp băng có độ dày từ nhưng tại một số gò băng nổi có thể lên đến . Trong giai đoạn này, nhiệt độ tăng chậm theo độ sâu của hồ, lạnh nhất gần bề mặt băng bao phủ cho đến độ sâu từ với nhiệt độ . Sau khi lớp băng nứt ra, bề mặt hồ được làm ấm dần lên bởi Mặt trời từ tháng 5-6 cho đến độ sâu nhưng nhiệt độ cũng chỉ dao động quanh bởi sự hòa trộn nước. Mặt trời tiếp tục làm nóng bề mặt nước và đạt cực đại vào tháng 8 khi nước trong hồ đạt tại khu vực nước mở, tại bãi cạn và phía nam hồ. Trong thời gian này, mô hình được đảo ngược so với mùa đông và mùa xuân, khi nhiệt độ nước tỉ lệ nghịch với độ sâu. Khi mùa thu bắt đầu, nhiệt độ bề mặt lại giảm xuống ở quanh ngưỡng cho đến dưới vào tháng 10 tháng 11. Ở những nơi có độ sâu từ 300 mét trở lên, nhiệt độ ổn định từ .
Nhiệt độ trung bình của bề mặt hồ đã tăng gần 1,5 °C (2,7 °F) trong 50 năm qua khiến thời gian băng bao phủ hồ cũng ngắn lại. Tại một số địa điểm có những miệng phun thủy nhiệt là nơi có dòng nước đạt đến . Chúng chủ yếu nằm ở vùng nước sâu, nhưng tại hồ Baikal thì một số vùng nước tương đối nông cũng tìm thấy. Chúng rất ít ảnh hưởng đến nhiệt độ của hồ vì khối lượng khổng lồ của hồ Baikal.
Hiện tượng mưa bão trên hồ khá phổ biến, đặc biệt là trong mùa hè và mùa thu, và có thể hình thành những con sóng trong hồ cao đến .
Động thực vật
Hồ Baikal có sự đa dạng sinh học cao là nơi có hơn 1.000 loài thực vật và 2.500 loài động vật, nhưng trên thực tế con số này còn cao hơn đáng kể. Hơn 80% loài động vật tại đây là loài đặc hữu.
Thực vật
Khu vực quanh hồ là nơi có nhiều loài hoa. Trong đó loài Kế đầm châu Âu được tìm thấy ở giới hạn phía đông của hồ. Hầu hết, thực vật thủy sinh có mạch hầu hết không có, ngoại trừ ở một số vịnh cạn dọc theo bờ hồ Baikal. Hơn 85 loài thủy sinh chìm được ghi nhận là có mặt tại đây gồm các Chi Rong đuôi chó, Cỏ đuôi chó, Rong mái chèo, Cỏ Hòa thảo. Các loài xâm lấn như Elodea canadensis đã được đưa đến hồ vào những năm 1950. Thay vì thực vật có mạch, hệ thực vật thủy sinh thường bị chi phối bởi một số loài tảo lục, đáng chú ý nhất là Draparnaldioides, Tetraspora và Ulothrix tại những khu vực nước nông dưới , mặc dù một số loài Aegagrophila, Cladophora và Draparnaldioides cũng có thể được tìm thấy tại khu vực có độ sâu hơn . Ngoại trừ loài Ulothrix thì tất cả các loài khác đều là loài tảo đặc hữu. Có hơn 400 loài tảo cát, sinh vật đáy và sinh vật phù du được tìm thấy trong hồ, một nửa trong số chúng là loài đặc hữu của hồ Baikal, tuy nhiên không có sự chắc chắn về phân loại nhóm của các loài này.
Động vật
Nổi tiếng nhất và được tìm thấy trong khắp vùng hồ là loài Hải cẩu Baikal. Đây là một trong ba quần thể hải cẩu sống hoàn toàn trong khu vực nước ngọt trên thế giới, hai phân loài còn lại của Hải cẩu đeo vòng tại Bắc Âu. Chúng được cho đã di chuyển đến đây từ Bắc Băng Dương hơn 800.000 năm trước, những chú hải cẩu nhỏ da trơn này đã trở thành biểu tượng của vùng di sản thiên nhiên Baikal diệu kỳ. Sự ô nhiễm và nạn săn bắt bởi những người Buryat đã làm giảm phần lớn số lượng loài này. Hiện chỉ còn khoảng 60.000 con đang sinh sống trong hồ, giảm hơn 100.000 con so với vài năm trước. Hải cẩu Baikal hay ẩn náu nên rất khó quan sát. Du khách đến đây thường chọn cách đến thăm vườn nuôi ở Irkutsk hoặc Listvyanka.
Một số loài động vật có vú khác sống ở quanh hồ còn có Gấu nâu Á Âu, Sói Á Âu, Cáo đỏ, Chồn zibelin, Chồn ecmin, Nai sừng tấm Á-Âu, Nai Altai, Tuần lộc, Hoẵng Siberia, Hươu xạ Siberia, Lợn rừng, Sóc đỏ, Marmota, Sóc chuột Siberia, Chuột Lemming, Thỏ núi. Cho đến Sơ kỳ Trung Cổ, loài Bò bison châu Âu có mặt ở phần cực đông của hồ nhưng cho đến ngày nay, chúng đã hoàn toàn biến mất.
Hồ Baikal có 236 loài chim, trong đó có 29 loài là loài chim sống ở mặt nước. Mặc dù được đặt tên theo hồ, cả hai loài mòng két Baikal và chích chòe bụi rậm Baikal đều phổ biến ở Đông Á.
Đây cũng là có dưới 65 loài cá bản địa nhưng hơn một nửa trong số chúng là loài đặc hữu. Một số loài không được tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới như Cá bống nước sâu, Cá mỡ Baikal, Cá bống đầu to. Chúng là những loài thuộc Họ Cá bống biển có chiều dài dưới . Đặc biệt là hai phân loài của Cá mỡ Baikal thường sống ở vùng nước sâu từ nhưng lại có thể tìm thấy ở khu vực nước nông hoặc sâu hơn nhiều so với tầng nước thường thấy chúng. Chúng là loài cá nước ngọt sống sâu nhất thế giới khi xuất hiện gần đáy hồ Baikal. Chúng là nguồn thức ăn chính của loài Hải cẩu Baikal và đại diện cho sinh khối cá lớn nhất trong hồ.
Loài bản địa quan trọng nhất đối với những ngư dân là Cá hồi Omul, một loài Cá hồi trắng đặc hữu. Nó được đánh bắt sau đó đem xông khói và bán ở các chợ quanh hồ. Một loài đặc hữu khác là Cá hồi trắng Baikal, hai phân loài của Cá hồi Thyman, Cá tầm Baikal và đều là những loài quan trọng có giá trị thương mại của lưu vực hồ Baikal.
Hồ Baikal chứa hệ động vật không xương sống đặc hữu gồm động vật phù du, 350 loài và phân loại động vật giáp xác mềm thuộc Amphipoda, Ostracoda (phần lớn đều là loài đặc hữu), 150 loài Ốc nước ngọt (trong đó có 117 loài đặc hữu), 200 loài Giun đốt (160 loài đặc hữu), 18 loài bọt biển (14 loài đặc hữu).
Nghiên cứu
Một số tổ chức đang thực hiện các dự án nghiên cứu tự nhiên trên hồ Baikal. Hầu hết trong số họ là chính phủ hoặc liên kết với các tổ chức chính phủ. Trung tâm nghiên cứu Baikalian là một tổ chức nghiên cứu độc lập thực hiện các dự án nghiên cứu về môi trường, giáo dục và nghiên cứu tại hồ Baikal.
Vào tháng 7 năm 2008, Nga đã gửi hai tàu lặn nhỏ Mir-1 và Mir-2 xuống độ cao 1.592 m (5.223 ft) xuống đáy hồ Baikal để tiến hành các thử nghiệm địa chất và sinh học trên hệ sinh thái độc đáo của mình. Mặc dù ban đầu được báo cáo là thành công, họ đã không lập kỷ lục thế giới về lần lặn sâu nhất nước ngọt, đạt độ sâu chỉ 1.580 m (5.180 ft). Kỷ lục đó hiện đang được Anatoly Sagalevich nắm giữ, ở độ cao 1.637 m (5.371 ft) (cũng ở hồ Baikal trên tàu chìm của Song Ngư vào năm 1990). Nhà khoa học Nga và chính trị gia liên bang Artur Chilingarov, người lãnh đạo phái bộ, đã tham gia vào cuộc lặn Mir cũng như nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.
Từ năm 1993, nghiên cứu về neutrino đã được thực hiện tại Kính thiên văn neutrino dưới hồ Baikal (BDUNT). Kính thiên văn Baikal Neutrino NT-200 đang được triển khai ở hồ Baikal, cách bờ 3,6 km (2,2 mi) ở độ sâu 1,1 km (0,68 mi). Nó bao gồm 192 mô-đun quang.
Kinh tế
Hồ Baikal được mệnh danh là "Hòn ngọc của Siberia" và "Galapagos của Nga" đã thu hút các nhà đầu tư du lịch khi doanh thu năng lượng gây ra sự bùng nổ kinh tế. Grand Baikal của Viktor Grigorov tại Irkutsk là một trong những nhà đầu tư, người đã lên kế hoạch xây dựng ba khách sạn, tạo ra 570 việc làm. Năm 2007, chính phủ Nga tuyên bố vùng Baikal là đặc khu kinh tế. Một khu nghỉ mát nổi tiếng ở Listvyanka là nhà lịch sử bảy tầng có tên là Khách sạn Mayak. Ở phía bắc của hồ, một tổ chức phi chính phủ của Đức có tên Baikalplan đã hợp tác xây dựng với Chính phủ Nga Đường mòn khám phá bờ hồ Frolikha, một con đường dài là ví dụ cho sự phát triển bền vững trong khu vực. Baikal cũng được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1996. Rosatom cũng đã lên kế hoạch xây dựng một phòng thí nghiệm gần Baikal, kết hợp với một nhà máy Uranium trị giá 2,5 tỷ đôla đem đến 2.000 việc làm tại thành phố Angarsk.
Hồ Baikal là một điểm đến phổ biến của khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Nga, thì năm 2013 đã có 79.179 khách du lịch nước ngoài đến thăm Irkutsk và hồ Baikal. Con số này vào năm 2014 đã tăng lên 146.937 khách. Những nơi phổ biến nhất để du khách tận hưởng cảnh quan tuyệt đẹp của hồ là tại Listvyanka, đảo Olkhon, mũi Kotelnikovsky, Baykalskiy Priboi, khu nghỉ mát Khakusy và làng Turka. Tuy cơ sở hạ tầng chưa phát triển nhưng nó ngày càng trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch nhờ vào chất lượng dịch vụ cùng sự thoải mái khi ngắm nhìn cảnh sắc tự nhiên và đi bộ đường dài.
Con đường trên băng đến đảo Olkhon là con đường trên băng được phép duy nhất trên hồ Baikal. Nó được chuẩn bị bởi các chuyên gia hàng năm và mở cửa khi điều kiện thời tiết cho phép. Năm 2015, con đường trên băng này mở từ ngày 17 tháng 2 đến ngày 23 tháng 3. Độ dày của băng trên đường khoảng 60 cm (24 in), sức chịu tối đa là 10 tấn mở từ 9 - 18 giờ. Con đường này dài 12 km (7,5 dặm) bắt đầu từ làng Kurkut bên hồ, đến Irkutskaya Guba trên đảo Olkhon.
Du lịch sinh thái
Baikal có một số hoạt động du lịch khác nhau, tùy theo mùa. Nói chung, Baikal có hai mùa du lịch hàng đầu. Mùa đầu tiên là mùa đông, thường bắt đầu vào giữa tháng 1 và kéo dài đến giữa tháng 4. Trong mùa này, độ dày của lớp băng trên hồ tăng lên tới 140 cm, cho phép lái xe an toàn trên lớp băng (trừ các phương tiện hạng nặng, như xe buýt du lịch). Điều này cho phép du khách nhìn của băng được hình thành tại các bờ đá của đảo Olkhon, bao gồm Mũi Hoboy, đá Three Brothers và các hang động ở phía Bắc Khuzhir. Du khách cũng có thể đi vào các hòn đảo nhỏ như Đảo Ogoy và Zamogoy.
Bản thân băng có độ trong suốt ở độ dày một mét, có các kiểu kẽ hở và âm thanh khác nhau. Đó là lý do tại sao mùa này là phổ biến để đi bộ đường dài, đi bộ trên băng, trượt băng và đi xe đạp. Một tuyến đường băng quanh Olkhon là khoảng 200 km. Một số khách du lịch có thể phát hiện hải cẩu Baikal dọc theo tuyến đường. Các doanh nhân địa phương cung cấp chỗ nghỉ qua đêm bằng lều tròn Yurt trên băng. Cũng trong mùa này thu hút khách đi câu cá trên băng. Hoạt động này phổ biến nhất ở phía Buryatia của Baikal (Ust-Barguzin). Những người không phải là ngư dân có thể thử đặc sản cá tươi ở hồ Baikal trong các chợ địa phương ở các ngôi làng lân cận (Listvyanka, Ust-Barguzin).
Mùa băng kết thúc vào giữa tháng Tư. Do nhiệt độ ngày càng tăng, băng bắt đầu tan và trở nên mỏng và dễ vỡ, đặc biệt là ở những nơi có dòng chảy dưới băng mạnh. Xe cộ và người nếu đi qua hồ có thể sụp dưới lớp băng. Điều này dẫn đến nhiều thương vong hàng năm.
Mùa du lịch thứ hai là mùa hè, cho phép khách du lịch khám phá thiên nhiên Baikal nhiều hơn. Những con đường mòn đi bộ trở nên mở, nhiều trong số chúng băng qua hai dãy núi: dãy núi Baikal ở phía tây và dãy Barguzin ở phía đông của Baikal. Con đường mòn phổ biến nhất bắt đầu ở Listvyanka và đi dọc theo bờ biển Baikal đến Bolshoye Goloustnoye. Tổng chiều dài của tuyến đường là 55 km, nhưng phần lớn khách du lịch thường chỉ đi bộ qua một phần của nó - một đoạn dài 25 km đến Bolshie Koty. Nó có mức độ khó thấp hơn và có thể an toàn cho những người không có kỹ năng và thiết bị đặc biệt.
Các tàu du lịch nhỏ hoạt động trong khu vực, giúp du khách có cơ hội xem chim chóc và các động vật khác (đặc biệt là hải cẩu Baikal) cũng như câu cá. Nước trong hồ rất lạnh ở hầu hết các nơi (không vượt quá 10 °C trong cả năm), nhưng ở một số vịnh như Chivirkuy, du khách có thể thoải mái khi bơi.
Ngôi làng đông dân nhất của Olkhon Khuzhir là một điểm đến du lịch sinh thái. Baikal luôn được ưa chuộng ở Nga và các nước thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập, nhưng trong vài năm qua Baikal đã chứng kiến một lượng du khách đến từ Trung Quốc và Châu Âu.
Vấn đề môi trường
Nhà máy sản xuất giấy và bột giấy Baykalsk
Nhà máy sản xuất giấy và bột giấy Baykalsk được xây dựng vào năm 1966 nằm trực tiếp bên bờ hồ Baikal. Nó sử dụng Clo để tẩy trắng và chất thải đổ trực tiếp vào hồ. Quyết định xây dựng nhà máy trên hồ Baikal đã dẫn đến sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà khoa học Liên Xô. Theo họ, nước siêu tinh khiết của hồ là một nguồn tài nguyên quan trọng và nên được sử dụng cho sản xuất hóa chất sáng tạo, ví dụ như sản xuất sợi tổng hợp viscose chất lượng cao cho ngành hàng không và vũ trụ. Các nhà khoa học Liên Xô cảm thấy rằng việc thay đổi chất lượng nước của hồ Baikal là không hợp lý khi bắt đầu sản xuất giấy trên bờ. Vị trí của nhà máy cũng là nơi cần thiết để bảo tồn các loài sinh vật địa phương đặc hữu và duy trì khu vực xung quanh hồ Baikal như một khu giải trí. Tuy nhiên, sự phản đối của các nhà khoa học Liên Xô vấp phải sự phản đối từ hành lang công nghiệp và chỉ sau nhiều thập kỷ phản đối, nhà máy mới bị đóng cửa vào tháng 11 năm 2008 do không có lợi nhuận. Nhưng vào ngày 4 tháng 1 năm 2010, việc sản xuất đã được tiếp tục. Cuối năm đó, vào ngày 13 tháng 1 năm 2010, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã đưa ra những thay đổi trong việc hợp pháp hóa hoạt động của nhà máy; hành động này đã mang lại một làn sóng phản đối từ các nhà sinh thái học và cư dân địa phương. Những thay đổi này dựa trên quyết tâm của Tổng thống Putin thông qua xác minh trực quan về tình trạng của hồ Baikal từ một chiếc tàu ngầm thu nhỏ, "Tôi có thể nhìn thấy bằng mắt của mình - và các nhà khoa học có thể xác nhận - Baikal đang ở trong tình trạng tốt và thực tế không có ô nhiễm". Mặc dù vậy, vào tháng 9 năm 2013, nhà máy đã trải qua một vụ phá sản cuối cùng với việc 800 công nhân cuối cùng dự kiến sẽ phải nghỉ làm vào ngày 28 tháng 12 năm 2013. Vào ngày nhà máy đóng cửa 28 tháng 12 năm 2013, Chính phủ Nga đã công bố kế hoạch xây dựng Trung tâm triển lãm của Khu bảo tồn thiên nhiên Nga thay cho nhà máy giấy đã đóng cửa.
Đường ống dẫn dầu Đông Siberia-Thái Bình Dương
Công ty nhà nước về đường ống dẫn dầu Transneft đã lên kế hoạch xây dựng một đường ống chính có thể nằm trong phạm vi từ bờ hồ, trong một khu vực có hoạt động địa chấn đáng kể. Các nhà hoạt động môi trường ở Nga, tổ chức Hòa bình xanh, công dân địa phương là những người phản đối mạnh mẽ kế hoạch này do khả năng xảy ra sự cố tràn dầu có thể gây thiệt hại đáng kể cho môi trường. Theo chủ tịch của Transneft, nhiều cuộc họp với người dân sống tại khu vực bờ hồ đã được tổ chức tại các thị trấn dọc theo tuyến đường, đặc biệt là ở Irkutsk. Transneft đồng ý thay đổi kế hoạch của mình khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho công ty xem xét một tuyến đường thay thế nằm cách về phía bắc để tránh những rủi ro sinh thái như vậy. Transneft sau đó đã quyết định di chuyển đường ống ra khỏi khu vực hồ Baikal, và do đó nó sẽ không đi qua bất kỳ khu bảo tồn thiên nhiên liên bang hay nhà nước cộng hòa nào cả. Công việc bắt đầu với đường ống thay thế chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Putin đồng ý.
Trung tâm làm giàu Uranium
Năm 2006, chính phủ Nga đã công bố kế hoạch xây dựng trung tâm làm giàu uranium quốc tế đầu tiên trên thế giới tại một cơ sở hạt nhân hiện có ở Angarsk, một thành phố trên sông Angara cách bờ hồ 95 km (59 dặm) về phía hạ lưu. Các nhà phê bình và nhà hoạt động môi trường cho rằng nó sẽ là một thảm họa cho khu vực và đang thúc giục chính phủ xem xét lại.
Sau khi làm giàu, chỉ 10% vật liệu phóng xạ sẽ được xuất khẩu cho khách hàng quốc tế còn 90% sẽ được lưu trữ gần khu vực hồ Baikal dưới dạng Chất thải phóng xạ có chứa các nguyên tố phóng xạ độc hại. Nếu được bảo quản không đúng cách, nó có khả năng gây nguy hiểm cho con người và có thể gây ô nhiễm nguồn nước sông hồ. Một trung tâm làm giàu đã được xây dựng vào những năm 2010.
Nhà máy nước đóng chai của Trung Quốc
Công ty AquaSib thuộc sở hữu của Trung Quốc đã mua đất dọc theo hồ và bắt đầu xây dựng một nhà máy nước đóng chai và đường ống dẫn ở thị trấn Kultuk. Mục tiêu của công ty này là xuất khẩu 190 triệu lít nước sang Trung Quốc mặc dù lưu vực hồ đã phải đối mặt với mực nước thấp trong lịch sử. Điều này đã thúc đẩy các cuộc biểu tình của người dân địa phương rằng hồ Baikal sẽ bị rút cạn nước. Tại thời điểm đó, chính quyền địa phương đã phải tạm dừng các kế hoạch để chờ kết quả phân tích.
Mối đe dọa khác
Theo The Moscow Times và Vice, các loài tảo xâm lấn phát triển mạnh trong hồ từ hàng trăm tấn chất thải lỏng bởi khách du lịch và hàng năm có đến 25.000 tấn chất thải lỏng được xử lý hàng năm bởi các tàu địa phương. |
Đặng Tiểu Bình ( giản thể: 邓小平; phồn thể: 鄧小平; bính âm: Dèng Xiǎopíng; 22 tháng 8 năm 1904 - 19 tháng 2 năm 1997), tên khai sinh là Đặng Tiên Thánh (邓先聖) là một nhà chính trị người Trung Quốc, ông là Lãnh đạo tối cao của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từ năm 1978 đến năm 1997 (khi ông qua đời). Sau khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976, Đặng lên nắm quyền và lãnh đạo Trung Quốc qua một loạt những cải cách kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa có ảnh hưởng sâu rộng, người Trung Quốc thường gọi ông với danh xưng "kiến trúc sư của Trung Quốc hiện đại".
Sinh ra trong một gia đình địa chủ có học thức ở tỉnh Tứ Xuyên, Đặng học tập và làm việc tại Pháp trong những năm 1920, nơi ông đã trở thành một người đi theo chủ nghĩa Mác Lênin. Ông gia nhập Đảng cộng sản Trung Quốc năm 1923. Trong thời gian trở lại Trung Quốc, Đặng gia nhập tổ chức đảng ở Thượng Hải, trở thành một chính ủy của Hồng quân Trung Quốc ở những khu vực nông thôn. Năm 1931, ông bị giáng cấp do việc ủng hộ Mao Trạch Đông, nhưng được thăng cấp trở lại trong Hội nghị Tuân Nghĩa 1935. Khoảng cuối những năm thập niên 30, Đặng được xem là một "nhà cách mạng kì cựu" bởi vì ông đã từng tham gia cuộc Vạn lý trường chinh. Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949, Đặng làm việc ở Tây Tạng cũng như vùng Tây Nam Trung Quốc nhằm củng cố sự quản lý của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Với vai trò là Tổng thư ký trong những năm thập niên 1950, Đặng đứng đầu Chiến dịch chống cánh hữu được phát động bởi Mao và có công lớn trong việc cải cách nền kinh tế Trung Quốc sau chiến dịch Đại nhảy vọt (1958-1960). Tuy nhiên, những chính sách kinh tế của Đặng đã khiến ông mất đi sự ủng hộ của Mao Trạch Đông và bị thanh trừng hai lần trong Cách mạng văn hóa.
Sau khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976, Đặng trở thành lãnh tụ tối cao Trung Quốc trong tháng 12 năm 1978. Lên lãnh đạo một đất nước bao phủ bởi xung đột xã hội, vỡ mộng với ý thức hệ và rối loạn do những nguyên nhân từ các chính sách của thời kỳ Mao Trạch Đông nắm quyền, Đặng đã bắt đầu mang đất nước vào khuôn khổ. Từ năm 1977 tới đầu năm 1979, ông đã tổ chức kì thi đại học cao đẳng trong Trung Quốc sau khi bị gián đoạn bởi Cách mạng văn hóa trong 10 năm, khởi xưởng chính sách lịch sử Cải cách mở cửa Trung Quốc, phát động Chiến tranh biên giới Việt - Trung. Trong tháng 8 năm 1980, ông bắt đầu cải tổ lại nền chính trị Trung Quốc bằng cách đặt ra giới hạn nhiệm kỳ cho các quan chức và đề xuất một sửa đổi mang tính hệ thống đối với Hiến pháp lần thứ ba của Trung Quốc. Trong những năm thập niên 80, Đặng ủng hộ chính sách kế hoạch hóa gia đình nhằm đối phó với khủng hoảng gia tăng dân số Trung Quốc, thực hiện chính sách Giáo dục bắt buộc và đưa ra Chương trình 863 cho khoa học và kĩ thuật.
Mặc dù Đặng Tiểu Bình chưa bao giờ có chức vụ nguyên thủ quốc gia hay đứng đầu chính phủ hoặc Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc nhưng nhiều người gọi ông là "kiến trúc sư" của một kiểu tư tưởng mới mà kết hợp tư tưởng chủ nghĩa xã hội với thị trường tự do, được gọi là "chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc". Ông mở cửa Trung Quốc giao lưu với thị trường thế giới, những chính sách phát triển Trung Quốc thành một trong những nền kinh tế phát triển nhất thế giới và tăng chất lượng cuộc sống của hàng trăm triệu người. Đặng được bình chọn là Nhân vật của năm của tạp chí Time năm 1978 và 1985. Ông bị chỉ trích vì ra lệnh trấn áp những người biểu tình trong sự kiện Thiên An Môn, nhưng được khen ngợi cho sự tái khẳng định của ông về chương trình cải cách trong chuyến đi xuống phía Nam năm 1992 cũng như sự kiện bàn giao Hồng Kông cho Trung Quốc năm 1997.
Cuộc sống thời trẻ và gia đình
Tổ tiên của Đặng có thể có nguồn gốc từ Mai Huyện, Quảng Đông, một vùng định cư xa xưa của người Khách Gia và đã chuyến đến sống tại Tứ Xuyên trong nhiều thế hệ. Con gái của Đặng là Đặng Lâm viết trong cuốn Cha của tôi Đặng Tiểu Bình rằng tổ tiên của Đặng có thể nhưng không chắc chắn là người Khách Gia. Sau này, người ta xác định Đặng có quê tổ ở quận Thanh Nguyên, địa cấp thị Cát An, tỉnh Giang Tây . Đặng sinh ngày 22 tháng 8 năm 1904 tại thôn Bài Phường, xã Hiệp Hưng, huyện Quảng An, phía đông tỉnh Tứ Xuyên.
Cha của Đặng, Đặng Thiệu Xương (tự Văn Minh), một địa chủ khá giả và từng học tại Đại học Luật và Khoa học Chính trị ở Thành Đô. Ông là một người nổi bật ở địa phương và là hội viên của một hội nhóm hoạt động bí mật nhằm lật đổ triều đình Mãn Thanh, Mẹ của Đặng, Đàm Thị đã mất sớm sau khi sinh Đặng, ông có ba anh em trai: Đặng Tiên Liệt, Đặng Tiểu Bình, Đặng Khẩn, và ba chị gái. Cha của Đặng có bốn người vợ, người vợ thứ nhất mất sớm mà không có con, mẹ của Đặng là vợ thứ hai và người vợ thứ ba sinh được một trai, bà thứ tư (Hạ Bá Căn) sinh được 2 trai, 3 gái. Mẹ đẻ Đặng Tiểu Bình mất sớm, nên sau này ông đã mời mẹ kế Hạ Bá Căn từ quê lên thủ đô sống chung cùng gia đình ông. Lúc 5 tuổi Đặng được gửi tới một ngôi trường truyền thống của Trung Quốc, sau đó lúc 7 tuổi ông đã học ở ngôi trường hiện đại hơn. Mẹ của ông, họ là Dan, chết sớm, để lại Đặng, ba anh trai và ba chị gái.
Người vợ đầu của Đặng, một bạn học của ông từ Moskva, đã mất ở tuổi 24 chỉ vài ngày sau khi sinh người con đầu tiên của Đặng, một bé gái nhưng cũng đã mất sau đó. Người vợ thứ hai của ông, Jin Weiying đã bỏ ông sau khi Đặng phải chịu cuộc tấn công chính trị năm 1933. Người vợ thứ ba của ông là Zhuo Lin là con gái của một nhà tư bản công nghiệp ở Hồ Nam. Bà trở thành một thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1938 và kết hôn với Đặng một năm sau đó. Họ đã có năm người con: 3 gái và 2 trai.
Giáo dục và sự nghiệp thời trẻ
Khi lần đầu Đặng đi học, người thầy của ông đã phản đối cái tên của ông là "Xiānshèng" (先聖), mà gọi ông là "Xīxián" (希賢), tên bao gồm các chữ "khao khát" và "lòng tốt", với những ẩn ý về sự sáng suốt.
Mùa hè năm 1919, Đặng tốt nghiệp trường Trùng Khánh. Ông và 80 bạn học khác đã đi bằng tàu tới Pháp (bằng vé hạng chót) để tham gia "Phong trào làm việc chăm chỉ-học tập chuyên cần", một chương trình học tập và làm việc trong tổng số 4,001 người Trung Quốc tham gia khoảng năm 1927. Đặng là người trẻ nhất trong nhóm, lúc đó mới 15 tuổi. Wu Yuzhang, lãnh đạo địa phương của phong trào trong trường Chongqing, đã kết nạp Đặng và chú của ông vào phong trào. Cha của Đặng đã vô cùng ủng hộ con trai mình tham gia chương trình làm việc và học tập ở hải ngoại. Đêm trước khi khởi hành, cha của Đặng đã hỏi ông về những điều ông đã hứa để học tại Pháp. Ông đã lặp lại những từ ông đã học từ những người thầy của mình "để học kiến thức và chân lý từ phương Tây để cứu Trung Quốc". Đặng đã nhận thức được rằng, Trung Quốc đang chịu nhiều đau khổ to lớn, và rằng người Trung Quốc phải có một nền giáo học hiện đại để cứu đất nước của họ.
Tháng 12 năm 1920, chiếc tàu André Lyon của Pháp đã khởi hành tới Marseille với 210 học sinh bao gồm Đặng. Đặng lúc ấy 16 tuổi đã nhập học trường trung học ở Bayeux và Châtillon, nhưng ông đã dành hầu hết thời gian làm việc ở Pháp. Công việc đầu tiên của ông là thợ lắp ráp tại công ty sắt Le Creusot và thép ở La Garenne-Colombes, một vùng ngoại ô phía Tây Nam Paris. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên sau này, khi sự nghiệp chính trị của Đặng là đi xuống và ông đã được gửi tới làm việc trong một nhà máy máy kéo năm 1974 ông đã làm thợ lắp ráp lần nữa và đã chứng minh bản thân vẫn giữ những kĩ năng bậc thầy.
Ở La Garenne-Colombes, Đặng gặp Chu Ân Lai, Nhiếp Vinh Trăn, Cai Hesen, Zhao Shiyan và Li Whenhai. Dưới sự ảnh hưởng của những sinh viên lớn tuổi hơn ở Pháp, Đặng đã bắt đầu nghiên cứu chủ nghĩa Marx và tham gia truyền bá tác phẩm. Năm 1921 ông đã gia nhập Liên minh những người cộng sản trẻ Trung Quốc ở châu Âu. Vào năm 1924, ông đã gia nhập Đảng cộng sản Trung Quốc và trở thành một trong những lãnh đạo của Tổng chi nhánh liên minh trẻ ở châu Âu. Trong năm 1926 Đặng tới Liên Xô và học tại Đại học Tôn Trung Sơn tại Moscow, tại đây ông có một người bạn học là Tưởng Kinh Quốc, con trai của Tưởng Giới Thạch.
Quay lại Trung Quốc
Cuối năm 1927, Đặng Tiểu Bình rời khỏi Moskva để trở về Trung Quốc, gia nhập quân đội của Phùng Ngọc Tường, một nhà lãnh đạo quân đội ở Tây Bắc Trung Quốc, người đã yêu cầu sự giúp đỡ của Liên Xô trong cuộc đấu tranh với các nhà lãnh đạo địa phương khác trong khu vực. Vào thời điểm đó, Liên Xô, thông qua Quốc tế cộng sản, một tổ chức quốc tế hỗ trợ các phong trào cộng sản trên khắp thế giới đã hỗ trợ liên minh của Đảng Cộng sản Trung Quốc với Quốc dân đảng (KMT) được thành lập bởi Tôn Trung Sơn.
Đặng Tiểu Bình đến Tây An, thành trì của Phùng Ngọc Tường, tháng 3 năm 1927 với nỗ lực ngăn chặn sự phá vỡ liên minh giữa Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản. Sau khi liên minh giữa Quốc Dân Đảng và Cộng sản tan rã, Phùng Ngọc Tường đứng về phía Tưởng Giới Thạch và những người cộng sản như Đặng Tiểu Bình buộc phải chạy trốn. Năm 1929, ông lãnh đạo cuộc nổi dậy ở tỉnh Quảng Tây chống lại chính quyền của Quốc dân đảng. Cuộc nổi dậy thất bại và ông đến Giang Tây.
Thăng tiến chính trị
Mặc dù Đặng có liên quan tới phong trào cách mạng Mác-xít ở Trung Quốc, nhà sử học Mobo Gao đã viết rằng:
Hoạt động ở Thượng Hải và Vũ Hán
Sau khi rời quân đội Phùng Ngọc Tường ở phía tây bắc, Đặng Tiểu Bình đến thành phố Vũ Hán, trụ sở của những người cộng sản. Vào thời điểm đó, ông bắt đầu sử dụng biệt danh "Tiểu Bình" và nắm giữ các vị trí nổi bật trong bộ máy Đảng. Ông tham gia phiên họp khẩn cấp vào ngày 7 tháng 8 năm 1927, trong đó theo chỉ thị của Liên Xô, Đảng cách chức Tổng bí thư của Trần Độc Tú và Cù Thu Bạch. Ở Vũ Hán, Ông lần đầu gặp Mao Trạch Đông, người được các nhà lãnh đạo của Liên Xô ủng hộ.
Giữa năm 1927 và năm 1929, Đặng Tiểu Bình sống ở Thượng Hải, tại đây ông giúp tổ chức các cuộc biểu tình, tuy nhiên bị chính quyền Quốc dân đảng khủng bố tàn bạo. Trong giai đoạn này, Đặng kết hôn với một người phụ nữ ông từng gặp ở Moskva, Trương Tích Viên.
Chiến dịch quân sự ở Quảng Tây
Bắt đầu từ năm 1929, ông tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại Quốc dân đảng ở Quảng Tây. Sự vượt trội của quân Tưởng Giới Thạch đã gây ra thương vong lớn cho quân của Đảng Cộng sản. Chiến lược đối đầu của lãnh đạo Đảng là một thất bại vì đã gây nhiều thương vong. Câu trả lời cho thất bại này đã xúc tác cho một trong những điều khó hiểu nhất trong tiểu sử của Đặng Tiểu Bình: tháng 3 năm 1931, ông rời tiểu đoàn 7 của Quân đội Cộng sản và chỉ xuất hiện một thời gian sau đó tại Thượng Hải.
Tiểu sử chính thức về Đặng Tiểu Bình nói rằng ông đã bị cấp trên buộc tội bỏ trốn khỏi khu vực chiến đấu trước khi đến Thượng Hải. Mặc dù ông không bị trừng phạt ở Thượng Hải, giai đoạn này vẫn chưa rõ ràng và nó được sử dụng để chống lại ông về sự tận tụy của Đặng với Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa.
Tại khu Xô viết Giang Tây
Sau khi trở về Thượng Hải, Đặng Tiểu Bình biết được vợ ông bị sốt hậu sản và qua đời. Ngoài ra, ông phát hiện ra rằng nhiều đồng đội cũ của ông đã chết vì cuộc đàn áp của Quốc dân đảng chống lại Đảng Cộng sản.
Những chiến dịch chống Đảng Cộng sản Trung Quốc ở nhiều thành phố là một trở ngại đối với Đảng cộng sản và đặc biệt đối với các cố vấn Liên Xô. Trái ngược với cuộc cách mạng tổ chức tại thành thị, dựa trên kinh nghiệm của Liên Xô, lãnh đạo Mao Trạch Đông đã nhìn nhận nông dân là lực lượng cách mạng chính ở Trung Quốc. Ở một vùng miền núi của tỉnh Giang Tây, Mao Trạch Đông thiết lập một hệ thống chiến khu theo mô hình cộng sản, tiền đề của một Trung Hoa tương lai dưới chủ nghĩa cộng sản.
Tại một trong những đô thị quan trọng nhất ở Giang Tây, Thụy Kim, Đặng Tiểu Bình đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đảng ủy vào mùa hè năm 1931. Năm 1933, ông trở thành giám đốc bộ phận tuyên truyền của Tỉnh ủy Giang Tây. Đó là lúc ông kết hôn với một phụ nữ trẻ ông gặp ở Thượng Hải tên là Kim Duy Ánh.
Những thành công tại Giang Tây khiến các nhà lãnh đạo đảng quyết định chuyển đến Giang Tây. Cuộc đối đầu giữa Mao Trạch Đông, các lãnh đạo đảng với những cố vấn Liên Xô ngày càng trở nên căng thẳng và cuộc tranh tranh giành quyền lực giữa hai bên đã dẫn đến việc giáng chức Đặng Tiểu Bình, người ủng hộ ý tưởng của Mao. Bất chấp lục đục nội bộ, Giang Tây trở thành địa phương đầu tiên được Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát. Giang Tây thậm chí còn phát hành tem và tiền giấy dưới danh nghĩa của Đảng Cộng sản, quân đội Tưởng Giới Thạch quyết định tấn công Giang Tây.
Vạn lý trường chinh
Vào tháng 10 năm 1934, do bị bao vây bởi quân đội của Tưởng Giới Thạch, những người Cộng sản buộc phải rời khỏi Giang Tây. Lịch sử đánh dấu một bước ngoặt trong sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản tại Trung Quốc. Việc sơ tán rất khó khăn vì Quân Tưởng Giới Thạch đã chiếm giữ các vị trí trọng yếu. Vượt qua địa hình núi non và xa xôi, khoảng 100.000 người đã trốn thoát khỏi Giang Tây, bắt đầu một cuộc rút lui chiến lược qua nội địa Trung Quốc và kết thúc một năm sau, khi khoảng 8.000 đến 9.000 người sống sót đến tỉnh Thiểm Tây.
Trong hội nghị vào đầu tháng 3, một nhóm chính trị được gọi là 28 người Bolshevik (những người theo chủ nghĩa Marx chính thống), do Bác Cổ và Vương Minh dẫn đầu, bị lật đổ và Mao Trạch Đông trở thành lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình một lần nữa trở thành nhân vật cấp cao trong Đảng.
Cuộc đối đầu giữa quân Tưởng và quân Mao tạm thời bị gián đoạn, do cuộc xâm lược của Nhật Bản vào Trung Quốc buộc Quốc dân đảng phải thành lập liên minh lần thứ hai với những người cộng sản để bảo vệ đất nước chống lại sự xâm lăng của Nhật Bản.
Cuộc xâm lược của Nhật Bản
Cuộc xâm lược của quân Nhật vào năm 1937 đánh dấu sự khởi đầu của cuộc chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai. Trong cuộc xâm lược, Đặng Tiểu Bình vẫn còn trong khu vực được kiểm soát bởi những người Cộng sản ở phía bắc, nơi ông giữ vai trò phó chỉ huy 3 sư đoàn được tổ chức lại của quân đội Cộng sản. Từ tháng 9 năm 1937 cho đến tháng 1 năm 1938, ông sống trong các tu viện Phật giáo và các ngôi đền ở dãy núi Ngũ Đài Sơn. Vào tháng 1 năm 1938, ông được bổ nhiệm làm Ủy viên chính trị của sư đoàn 129 của Quân đoàn số 18 do Lưu Bá Thừa chỉ huy, bắt đầu một quan hệ đối tác lâu dài với Lưu.
Đặng là chỉ huy chính trong những cuộc xung đột với người Nhật giáp với tỉnh Sơn Tây, Hà Nam và Hà Bắc, sau đó đến Diên An, nơi Mao đã thành lập những cơ sở cách mạng. Trong một chuyến đi của ông tới Diên An năm 1939, ông đã kết hôn lần thứ 3 với, Zhuo Lin, một người phụ nữ trẻ gốc Côn Minh.
Đặng được xem là một "nhà cách mạng kỳ cựu" bởi vì sự tham gia của ông trong Vạn lý trường chinh. Ông đảm nhiệm một vai trò lãnh đạo trong chiến dịch Cuộc tấn công 100 trung đoàn, nơi đã làm gia tăng vị thế của ông.
Tiếp tục chiến tranh chống Quốc dân đảng
Sau thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến II, Đặng Tiểu Bình đã đi đến Trùng Khánh, thành phố nơi Tưởng Giới Thạch thành lập chính phủ của mình trong cuộc xâm lược của Nhật Bản, để tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình giữa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản. Kết quả của những cuộc đàm phán này không tích cực và cuộc đối đầu quân sự giữa hai đảng tiếp tục ngay sau cuộc họp tại Trùng Khánh.
Trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến, Đặng Tiểu Bình thực hiện một vai trò quan trọng là lãnh đạo chính trị và ủy viên chính trị của Quân đội số 2 do Lưu Bá Thừa chỉ huy. Ông cũng tham gia phổ biến những ý tưởng của Mao Trạch Đông, trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản. Công việc chính trị và ý thức hệ của ông, cùng với tư cách là cựu chiến binh của Vạn lý trường chinh, đã đặt ông vào một vị trí đặc quyền trong đảng để chiếm giữ các chức vụ cao sau khi Đảng Cộng sản đánh bại Tưởng Giới Thạch và thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Sự nghiệp chính trị dưới sự lãnh đạo của Mao
Thị trưởng Trùng Khánh
Vào ngày 1 tháng 10 năm 1949, Đặng tham gia buổi lễ thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở Bắc Kinh. Tại thời điểm đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kiểm soát hoàn toàn phía Bắc, nhưng vẫn có những phần phía Nam được kiểm soát bởi Quốc dân Đảng. Ông trở thành nhà lãnh đạo chịu trách nhiệm bình định phía Tây Nam Trung Quốc, với vai trò là bí thư thứ nhất của Cục Tây Nam. Tổ chức này có nhiệm vụ tiếp quản phần cuối cùng chiếm được mà một phần phần của đất nước vẫn được cai quản bởi Quốc dân Đảng.
Chính phủ Quốc dân Đảng bị đánh bật khỏi Quảng Châu và rút lui đến Trùng Khánh. Ở đây, Tưởng Giới Thạch và con trai Tưởng Kinh Quốc, một bạn học cũ của Đặng ở Moskva muốn ngăn chặn cuộc tấn công của lực lượng Đảng cộng sản.
Dưới sự lãnh đạo của Đặng, quân đội Cộng sản chiếm được Trung Khánh vào cuối tháng 11 năm 1949 và tiến vào Thành Đô, thành trì cuối cùng của Tưởng Giới Thách một vài ngày sau đó. Tại thời điểm đó, Đặng trở thành thị trưởng Trùng Khánh, trong khi ông vẫn kiêm nhiệm lãnh đạo Đảng ở phía Tây Nam, nơi lực lượng quân đội Cộng sản đã đổi tên thành Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, dẹp tan sự chống cự của những thế lực ủng hộ Quốc dân Đảng. Trong năm 1950, Đảng cộng sản đã làm chủ toàn bộ Trung Hoa và chiếm lấy Tây Tạng.
Đặng Tiểu Bình sống 3 năm ở Trùng Khánh, thành phố nơi ông đã học trong thời trẻ trước khi sang Pháp. Trong năm 1952, Ông tới Bắc Kinh, nơi ông đã giữ nhiều vị trí khác nhau trong chính phủ trung ương.
Thăng tiến chính trị ở Bắc Kinh
Tháng 7 năm 1952, ông được cử làm Phó Tổng lý (Phó Thủ tướng) Chính vụ viện (sau đổi là Quốc vụ viện), kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-kinh tế. Năm 1955, ông cùng Lâm Bưu được bầu làm ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 1956, ông vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị, làm Bí thư thứ nhất Ban Bí thư, đứng cuối cùng (thứ 6) trong Ban Thường vụ sau Mao Trạch Đông (Chủ tịch Đảng), Lưu Thiếu Kì, Chu Ân Lai, Chu Đức và Trần Vân (đều là Phó Chủ tịch Đảng).
Năm 1966, trong Cách mạng văn hóa, Đặng Tiểu Bình bị phê phán nặng nề là "tên số hai trong Đảng đi theo chủ nghĩa tư bản", rồi bị cách chức vụ. Từ năm 1969 đến năm 1972, hai vợ chồng ông bị đưa về Giang Tây, con cái đều bị bắt đi cải tạo ở các tỉnh khác.
Ngày 20 tháng 3 năm 1973, Đặng Tiểu Bình rời Giang Tây, quay trở lại Trung Nam Hải (Bắc Kinh), sau khi được phục hồi công tác. Ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, rồi Phó Chủ tịch Đảng. Về mặt chính quyền, ông trở lại cương vị Phó Thủ tướng, rồi Phó Thủ tướng thứ nhất. Khi Chu Ân Lai lâm bệnh nặng, ông chủ trì công việc của Quốc vụ viện.
Năm 1976, sau khi Chu Ân Lai mất, nhóm chống đối ("bè lũ bốn tên") viện cớ Đặng Tiểu Bình có tư tưởng phản cách mạng và tác động đến Mao Trạch Đông, vì vậy ông lại bị Mao Trạch Đông cách chức, chỉ còn danh hiệu đảng viên và hộ khẩu Bắc Kinh. Ông là người phát động phong trào biểu tình ủng hộ cố thủ tướng Chu Ân Lai ngày 5 tháng 4 năm 1976.
Sau khi "bè lũ bốn tên" bị lật đổ, Đặng Tiểu Bình được khôi phục tất cả các chức vụ (1978): Phó Chủ tịch Đảng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng.
Mục tiêu của hai cuộc thanh trừng
Cách mạng Văn hóa
Mao lo sợ rằng những chính sách cải cách kinh tế của Đặng và Lưu có thể dẫn sự phục hồi chủ nghĩa tư bản và kết thúc Cách mạng Trung Quốc. Cho lí do này và nhiều lý do khác nữa, Mao đã đưa ra Cách mạng Văn hóa năm 1966, trong khoảng thời gian này Đặng đã bị mất sự ủng hộ và bị buộc rút lui khỏi tất cả chức vụ của ông.
Trong suốt Cách mạng Văn hóa, ông và gia đình là mục tiêu của Hồng vệ binh, họ đã bỏ tù con trai cả của ông, Đặng Phác Phương, Đặng Phác Phương bị tra tấn và bị ném ra ngoài của sổ từ tầng 4 năm 1968, trở thành một người tàn phế. Vào tháng 10 năm 1969, Đặng Tiểu Bình được gửi tới nhà máy máy kéo Xinjian thuộc vùng nông thôn Giang Tây để làm việc như một công nhân. Trong 4 năm tại đây, Đặng đã dành thời gian rỗi của ông để viết. Ông bị đấu tố khắp cả nước, nhưng ở cấp độ thấp hơn so với Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ.
Sau khi người kế tục thứ hai của Mao, phó Chủ tịch đảng Lâm Bưu bị chết trong một tai nạn máy bay năm 1971 (theo một báo cáo ông đang cố gắng trốn khỏi Trung Quốc sau khi thất bại trong một cuộc đảo chính chống lại Mao), Đặng Tiểu Bình (người đã từng là chính ủy của Quân đoàn số 2 trong nội chiến) trở thành lãnh đạo quân sự ảnh hưởng nhất còn lại. Khi Thủ tướng Chu Ân Lai, người nếu sống đủ lâu có lẽ là người kế vị thứ ba của Mao, đã mắc bệnh ung thư, Đặng trở thành sự lựa chọn của Chu như là người kế nhiệm, nghĩa rằng ông có thể về lý thuyết là người kế vị của Mao. Chu đã thuyết phục đưa Đặng trở lại chính trường năm 1974 với vai trò là Phó thủ tướng thứ nhất, trong thực tế điều hành công việc Thủ tướng. Đặng đã tập trung tái cấu trúc nền kinh tế đất nước và nhấn mạnh sự thống nhất như là bước đi đầu tiên bằng cách nâng sản lượng sản xuất. Ông đã cẩn thận, tuy nhiên, để tránh mâu thuẫn với tư tưởng Mao Trạch Đông. Tháng một năm 1975, ông đã được bầu thêm chức Phó chủ tịch của Đảng trong Ủy ban trung ương lần thứ 10 cho lần đầu tiên trong vai trò đảng viên của ông. Li Desheng đã từ chức trong sự tán thành của ông. Đặng là một trong năm phó chủ tịch Đảng, với Chu là phó chủ tịch thứ nhất.
Trong thời gian này, Đặng đã thành lập Phòng Nghiên cứu Chính trị, lãnh đạo bởi những tri thức như Hu Qiaomu, Yu Guangyuan và Hu Sheng, được giao phó để tiếp cận nghiên cứu những cải cách chính trị và kinh tế. Ông đã lãnh đạo nhóm của mình và quản lý dự án trong giới hạn Quốc vụ viện, để tránh mối nghi ngờ của Tứ nhân bang.
Cách mạng văn hóa chưa kết thúc, và một nhóm chính trị cánh tả cấp tiến được gọi là Tứ nhân bang, lãnh đạo bởi vợ của Mao là Giang Thanh, đã cạnh tranh quyền lực trong Đảng. Tứ nhân bang đã xem Đặng như là đối thủ lớn nhất của họ. Mao, cũng đã nghi ngờ rằng Đặng sẽ phá hủy danh tiếng của Cách mạng văn hóa, chính sách mà Mao xem như là một trong những sáng kiến vĩ đại nhất. Khoảng cuối năm 1975, Đặng được yêu cầu để viết ra một loạt những thứ gọi là Tự phê bình. Mặc dù ông đã thừa nhận có một quan điểm tư tưởng không phù hợp trong khi đang giải quyết những công việc của đảng và quốc gia, ông đã miễn cưỡng thừa nhận rằng những chính sách của ông là sai về cơ bản. Sự đối địch của ông và Tứ nhân bang càng lớn hơn, và Mao dường như ngả về Tứ nhân bang. Mao đã từ chối tự phê bình của Đặng và yêu cầu Ban chấp hành trung ương Đảng để "thảo luận những sai lầm hoàn toàn của Đặng".
Chiến dịch 'Phê bình Đặng'
Chu Ân Lai chết vào tháng 1 năm 1976, gây ra nỗi đau buồn cho cả quốc gia. Chu là một nhân vật quan trọng trong đời sống chính trị của Đặng, cái chết của ông đã làm mất đi sự ủng hộ còn lại cho Đặng trong Ban chấp hành Trung ương. Sau khi Đặng phát biểu ca ngợi Chu tại lễ tang, Tứ nhân bang, với sự cho phép của Mao, đã bắt đầu cái gọi là chiến dịch "Phê bình Đặng và Phản đối Sự phục hồi của Những thành phần Cánh hữu". Hoa Quốc Phong, không phải Đặng, được chọn làm người kế tục Mao với tư cách Thủ tướng vào ngày 4 tháng 2 năm 1976.
Nắm quyền và cầm quyền từ năm 1977-1989
Sau khi Mao qua đời vào ngày 9 tháng 9 năm 1976 và việc Bè lũ bốn tên bị loại bỏ vào tháng 11 năm 1976, Đặng nổi lên như một lãnh đạo trên thực tế của Trung Quốc. Trước khi Mao mất, chỉ có vị trí trong chính phủ ông đang giữ là Phó thủ tướng thứ nhất của Hội đồng nhà nước, nhưng Hoa Quốc Phong muốn loại bỏ những thành phần cực đoan trong Đảng và thành công loại trừ Bè lũ bốn tên. Vào ngày 22 tháng 7 năm 1977, Đặng được phục hồi chức vụ Phó chủ tịch của Ủy ban trung ương, Phó Chủ tịch của Ủy ban quân sự và Tổng tư lệnh của Bộ tổng tham mưu Quân giải phóng Trung Quốc.
Từ ngày 10 tháng 11 đến ngày 15 tháng 12 năm 1978, Hội nghị công tác trung ương đã diễn ra với sự tham dự của lãnh đạo các tỉnh, các quân khu, và Trung ương Đảng, chính phủ, và cơ quan quốc phòng. Chương trình nghị sự ban đầu tập trung vào các vấn đề trong nước – phát triển nông nghiệp và chính sách kinh tế trong các năm 1979 và 1980 – và không bao gồm tình hình Đông Dương, trái với khẳng định đã nêu của King Chen. Cuộc họp đã có một bước ngoặt bất ngờ khi Trần Vân (Chen Yun), một nhà hoạch định kinh tế kế hoạch cho Mao, phát biểu vào ngày 12 tháng 11 nhấn mạnh họ trước tiên phải giải quyết các hậu quả để lại của Cách mạng Văn hoá. Chương trình nghị sự sau đó đã chuyển sang vấn đề phục chức cho các đảng viên cấp cao trước đây bị truy tố trong Cách mạng Văn hoá và sang hướng chỉ trích liên minh Hoa – Uông vì tiếp tục theo đuổi chính sách tư tưởng cực tả. Cuộc họp kết thúc với quyết định triệu tập Hội nghị TW 3 của Đại hội Đảng khoá 11, ở đây Trần Vân đã trở thành Phó Chủ tịch ĐCSTQ, củng cố vị thế chính trị của Đặng Tiểu Bình. Với bầu không khí chính trị thay đổi ở Bắc Kinh, các quyết định của Đặng dần trở lên có ảnh hưởng cao tại chính trường Trung Quốc.
Cuối cùng, bằng sự chuẩn bị kĩ lưỡng huy động sự ủng hộ trong nội bộ đảng, Đặng đã đánh bại Hoa, người từng xá tội cho ông và loại bỏ Hoa khỏi vị trí lãnh đạo cấp cao đang nắm giữ vào khoảng năm 1980.
Cho phép những phê bình
Đặng bãi bỏ Cách mạng Văn hóa và trong năm 1977 và đưa ra "Mùa xuân Bắc Kinh". Trong khi đó, ông đã thúc đẩy việc bãi bỏ hệ thống lý lịch giai cấp. Dưới hệ thống này, Đảng cộng sản Trung Quốc đã cởi bỏ những rào chắn cho những người mà được cho là có liên hệ với giai cấp địa chủ; sự cởi bỏ của nó đã cho phép một nhóm người ủng hộ khôi phục thị trường tư nhân để họ gia nhập Đảng cộng sản.
Đặng đã dần dần loại bỏ những đối thủ chính trị của ông. Bằng cách khuyến khích những chỉ trích đại chúng về Cách mạng văn hóa, ông đã làm suy yếu những người mà đã có được vị trí hiện tại của họ nhờ những việc họ đã làm trong sự kiện, trong khi củng cố những vị trí đồng minh của ông mà đã bị thanh trừng trong thời gian này. Đặng cũng nhận được một thỏa thuận lớn về sự ủng hộ của người dân. Khi Đặng dần dần củng cố quyền lực ở Đảng cộng sản, Hoa đã được thay thế bởi Triệu Tử Dương với vai trò thủ tướng năm 1980, và bằng Hồ Diệu Bang với chức vụ Tổng bí thư năm 1981, mặc dù trong thực tế Hoa là người được Mao Trạch Đông chọn như người kế tục ông với tư cách là "lãnh đạo tối cao" của Đảng cộng sản Trung Quốc và Cộng hòa nhân dân Trung Quốc.
Những quyết định quan trọng đã luôn được thực hiện ở nhà của Đặng ở Trung Nam Hải với một cuộc họp riêng với 8 cán bộ cao cấp khác, được gọi là Bát đại nguyên lão, đặc biệt với Trần Vân và Lý Tiên Niệm. Đặng đã nắm quyền hành với tư cách là "lãnh tụ tối cao" mặc dù ông chưa bao giờ giữ những vị trí hàng đầu của đảng, và đã dần dần loại bỏ ba lãnh đạo đảng, bao gồm Hồ Diệu Bang. Đặng vẫn còn ảnh hưởng lớn tới Đảng cộng sản Trung Quốc, tuy nhiên sau năm 1987 những chức vụ của ông chỉ là Chủ nhiệm Ủy ban Cố Vấn Đảng Cộng Sản Trung Quốc và chủ tịch Ủy ban quân sự trung ương Đảng cộng sản.
Vị trí của Mao ở Trung Quốc
Với việc Đặng trở thành nhân vật số một mới của Trung Quốc có nghĩa rằng các vấn đề lịch sử và tư tưởng xung quoanh Mao Trạch Đông phải được giải quyết thích đáng. Bởi vì Đặng mong muốn những cải cách sâu rộng, nó đã không thể cho ông tiếp tục theo con đường cứng rắn của Mao là những chính sách "đấu tranh giai cấp" và những chiến dịch đại chúng. Trong năm 1982 Ban chấp hành TW Đảng đã phát hành một tài liệu được đặt tên là "Bàn về những vấn đề lịch sử khác nhau kể từ sự thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Quốc". Mao vẫn giữ địa vị của ông như là một "người Mác xít, nhà cách mạng vô sản, nhà quân sự vĩ đại", và là người thành lập và dẫn đường không thể chối cãi của đất nước và quân đội. "Những chính sách tốt của ông phải được xem xét trước những sai lầm của ông", tài liệu đã viết công khai. Bản thân Đặng đã bình luận rằng Mao: "bảy phần tốt, ba phần xấu". Tài liệu cũng đưa Mao ra khỏi những trách nhiệm chính của ông về Cách mạng Văn hóa (mặc dù nó đã tuyên bố rằng "Sai lầm của Mao là đã bắt đầu Cách mạng văn hóa") để "chống lại bè lũ cách mạng" của Bè lũ bốn tên và Lâm Bưu.
Quan hệ quốc tế
Tháng 2 năm 1978, sau khi đã ổn định đất nước sau thời kì hỗn loạn chính trị, Đặng đã thăm Bangkok, Kuala Lumpur và Singapore và đã gặp Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Đặng đã rất ấn tượng với sự phát triển kinh tế của Singapore, cây xanh, nhà ở, và sau đã gửi mười nghìn người Trung Quốc tới Singapore và các nước khắp thế giới để học những kinh nghiệm của họ và mang những kiến thức họ trở lại phục vụ đất nước.Lý Quang Diệu, đã khuyên Đặng dừng việc đưa Hệ tư tưởng Cộng sản tới Đông Nam Á, lời khuyên mà Đặng sau đó nghe theo.
Nhờ sự ủng hộ của những lãnh đạo đảng khác-những người đã phục hồi lại những vị trí của họ, từ năm 1978 việc nắm quyền của Đặng là không thể tránh khỏi. Mặc dù Hoa Quốc Phong giữ chính thức những vị trí cấp cao trong Cộng hòa nhân dân Trung Quốc, vị trí của ông, với sự ủng hộ ít ỏi, trở nên càng khó khăn. Vào năm 1978, trong suốt thời gian Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 11, Đặng đã nắm quyền.
Bắt đầu từ năm 1979, những cải cách kinh tế đã được thúc đẩy theo mô hình thị trường, trong khi những lãnh đạo vẫn giữ phong cách hùng biện kiểu Cộng sản cũ. Hệ thống hợp tác xã lần lượt được hủy bỏ và những người nông dân đã bắt đầu có nhiều tự do hơn để quản lý đất đai họ đã canh tác và bán sản phẩm của họ ra chợ. Tại thời điểm đó, nền kinh tế Trung Quốc đã mở cửa để buôn bán quốc tế. Vào ngày 1, tháng 1 năm 1979, Hoa Kỳ đã công nhận Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, gạt Đài Loan sang một bên, và việc tiếp xúc giữa Trung Quốc và phương Tây đã bắt đầu phát triển. Vào cuối năm 1978, công ty hàng không vũ trụ Boeing đã thông báo bán Boeing 747 cho nhiều hãng máy bay ở Trung Quốc, và công ty đồ uống Coca-Cola đã công bố đại chúng ý định của họ mở kế hoạch sản xuất tại Thượng Hải.
Đầu năm 1979, Đặng đã nhận một lời mời thăm chính thức từ Hoa Kỳ, gặp Tổng thống Jimmy Carter ở Washington cũng như gặp nhiều nghị sỹ. Trung Quốc đã khẳng định rằng cựu tổng thống Richard Nixon được mời tới buổi tiệc chính thức ở Nhà Trắng, một biểu tượng biểu thị thái độ quả quyết của họ và mặt khác, mong muốn của họ với sáng kiến của Nixon. Trong suốt chuyến thăm; Đặng đã thăm Trung tâm không gian Johnson ở Houston, cũng như văn phòng chính của Coca-Cola và Boeing ở Atlanta và Seatle. Với những cuộc viếng thăm ý nghĩa, Đặng đã thể hiện rõ ràng rằng những ưu tiên hàng đầu của một chế độ Trung Quốc mới là phát triển kinh tế và khoa học kĩ thuật.
Mối quan hệ Trung-Nhật cũng đã cải thiện đáng kể. Đặng đã dùng Nhật Bản như một bài học về một cường quốc đang phát triển nhanh chóng, thiết lập một ví dụ điển hình cho nền kinh tế Trung Quốc.
Bốn hiện đại hóa, kinh tế, nông nghiệp, khoa học, phòng thủ
Đặng đã trích dẫn câu tục ngữ "Vấn đề không phải là mèo trắng hay mèo đen, nếu nó bắt chuột nó là một con mèo tốt". Quan điểm đó chính là những phương thức chủ nghĩa tư bản đã vận hành. Đặng đã làm việc với đội của ông, đặc biệt là Triệu Tử Dương, người năm 1980 đã thay thế Hoa Quốc Phong làm thủ tướng, và Hồ Diệu Bang, người năm 1980 đã giữ vị trí tổng bí thư đảng. Đặng như vậy đã nắm quyền lực và bắt đầu tập trung vào những mục tiêu của "bốn hiện đại hóa"(kinh tế, nông nghiệp, khoa học và phát triển kĩ thuật và phòng thủ đất nước). Ông đã tuyên bố một kế hoạch tham vọng về việc mở cửa và mở rộng tự do kinh tế. Chỉ trong một vài năm họ đã làm những điều kì diệu khi cả thế giới theo dõi trong kinh ngạc.
Vị trí quyền lực cuối cùng vẫn giữ bởi Hoa Quốc Phong là chủ tịch Ủy ban quân sự Trung ương, đã bị tước đi bởi Đặng năm 1981. Tuy nhiên quá trình hiện đại hóa quân đội thực hiện chậm chạp. Một cuộc chiến tranh biên giới diễn ra với Việt nam trong năm 1977-79 đã gây ra những thay đổi thiếu khôn ngoan. Cuộc chiến làm hoang mang cho giới quan sát, nhưng Xiaoming Zhang thuyết phục Đặng rằng cuộc chiến có nhiều mục tiêu: dừng sự mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô trong khu vực, đạt được sự ủng hộ của Hoa Kỳ cho bốn mục tiêu hiện đại hóa của ông, và huy động Trung Quốc cho cuộc cải tổ và hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Đặng cũng tìm cách củng cố quyền lực của ông ở quân đội Trung Quốc, và chứng minh cho thế giới rằng Trung Quốc có khả năng chiến đấu trong một cuộc chiến thật sự. Zhang nghĩ sự trừng phạt Việt Nam do việc họ đã xâm lược Campuchia là một nguyên nhân không quan trọng. Trong cuộc chiến này, lực lượng Trung Quốc đã tỏ ra quá yếu kém trong những vấn đề như trang thiết bị, chiến thuật, lãnh đạo, và kinh nghiệm chiến trường. Sự đe dọa quân sự đến từ Liên Xô, nước mạnh hơn nhiều về quân sự dù ít lính hơn bởi vì Liên Xô đã tiến xa hơn về vũ khí và công nghệ. Đặng đã quyết định rằng Trung Quốc đầu tiên phải có một sự tiến bộ về cơ sở hạng tầng khoa học dân sự trước khi nó có thể hi vọng làm ra những vũ khí hiện đại. Vì vậy ông đã tập trung việc giảm quân số, cho những người lớn tuổi, những quan chức tham nhũng và vây cánh của họ nghỉ hưu. Ông đã nhấn mạnh việc tuyển dụng nhiều thanh niên có nền giáo dục tốt hơn những người có thể điều khiển công nghệ cao khi điều đó dứt khoát sẽ xảy ra. Để thay vào sự bổ nhiệm và tham nhũng trong quân đoàn, ông đã áp đặt kỉ luật nghiêm khắc trong tất cả các cấp bậc. Trong năm 1982 ông đã thành lập một ủy ban mới cho Khoa học, Kĩ thuật và Công nghiệp cho Quốc phòng để kế hoạch sử dụng sự phát triển công nghệ trong lĩnh vực dân sự.
Đặng đã làm rất ít để cải thiện mối quan hệ nghèo nàn với Brezhnev và Kremlin trong những năm đầu cầm quyền của ông. Ông đã tiếp tục tuân thủ đường lối chủ nghĩa Mao về thời kì Chia rẽ Xô-Trung mà Liên Xô như những siêu cường quốc "bá chủ" như Hoa Kỳ, nhưng nó đe dọa tới Trung Quốc hơn bởi vì hai nước biên giới sát nhau. Tuy nhiên, mối quan hệ với Liên Xô đã cải thiện kể từ khi Mikhail Gorbachev nắm quyền năm 1985, và cuối cùng đã khôi phục quan hệ cấp quốc gia với việc Đặng họp với Gorbachev năm 1989 trong Hội nghị Xô - Trung 1989.
Xung đột Việt - Trung (1979-1980)
Cuối năm 1978, Đặng Tiểu Bình thực hiện một chuyến công du chính thức và lịch sử với tư cách lãnh đạo tối cao của Trung Quốc để vừa thúc đẩy Bốn Hiện đại và vừa dọn đường đánh Việt Nam. Ngày 28 tháng 1 năm 1979, Đặng Tiểu Bình lên đường chính thức viếng thăm Mỹ nhằm bình thường hoá quan hệ hai nước. Hai ngày sau khi trở lại Bắc Kinh, ngày 11 tháng 2 năm 1979, Đặng Tiểu Bình triệu tập phiên họp mở rộng của Bộ Chính trị và giải thích đặc điểm và mục tiêu của cuộc tấn công Việt Nam. Ngày 17 tháng 2 năm 1979, Đặng Tiểu Bình đưa khoảng từ 300 ngàn đến 600 ngàn quân tấn công Việt Nam. Sự kiện này được ghi nhận là chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979 mà kéo dài cho tới 1990 (xem Xung đột Việt–Trung 1979–90).
Động cơ chính của Trung Quốc trong tấn công Việt Nam là kiềm chế tham vọng Việt Nam ở Đông Nam Á, ngăn chặn mối đe dọa Việt Nam đối với an ninh quốc gia Trung Quốc và phơi bày chỗ yếu của Liên Xô. Ý định của Đặng Tiểu Bình nêu công khai là "dạy cho Việt Nam một bài học" đã tạo ra một ấn tượng sai lệch rằng mục đích chính của cuộc chiến chỉ đơn giản là một "hành động trả thù". Ngay từ đầu, Bắc Kinh đã hạn chế nghiêm ngặt các mục tiêu, thời gian và phạm vi, và tiến hành chiến tranh tránh vượt hơn một cuộc xung đột biên giới giữa hai nước. Tuy nhiên, sau khi Việt Nam đưa quân đánh đuổi chế độ Pol Pot ở Campuchia, một đồng minh của Trung Quốc, Trung Quốc mở rộng mục tiêu gồm cả việc xâm lược vùng Tây Bắc Việt Nam. Suốt một thời gian dài sau đó, chính sách bao vây kinh tế và pháo kích biên giới của Đặng Tiểu Bình đã gây nhiều khó khăn cho Việt Nam.
Trao trả Hồng Kông và Ma Cao
Từ năm 1980 trở đi, Đặng đã lãnh đạo sự phát triển kinh tế và về mặt chính trị đã thương lượng với thủ tướng Anh để hoàn lại lãnh thổ Hồng Kông, cuộc gặp cá nhân với Thủ tướng Anh lúc ấy là Margaret Thatcher. Thatcher đã tham dự cuộc gặp với hi vọng giữ sự quản lý của Anh lên Bán đảo Hồng Kông và Cửu Long- hai trong ba phần lãnh thổ hợp thành của thuộc địa- nhưng điều đó đã được từ chối dứt khoát bởi Đặng. Những kết quả đàm phán được gọi là Tuyên bố chung Trung-Anh , được ký vào 19 tháng 12 năm 1984, thứ đã chính thức vạch ra sự trả lại của Anh tới Trung Quốc thuộc địa Hồng Kông của họ vào năm 1997. Chính phủ Trung Quốc đã cam kết tôn trọng hệ thống kinh tế và quyền tự do dân sự của thuộc địa Anh trong 50 năm sau khi bàn giao.
Dưới sức ép từ Trung Quốc, năm 1987 Bồ Đào Nha đồng ý trả lại Ma Cao năm 1999, với một thỏa thuận tổng thể giống với Hồng Kông. Để quản lý hai lãnh thổ mới được trả về, Đặng đã dựa trên một nguyên tắc chính trị được đề ra bởi ông mà ông gọi là "một quốc gia, hai chế độ", điều ám chỉ tới việc cùng tồn tại dưới một quyền lực chính trị với những hệ thống kinh tế khác nhau của cộng sản và tư bản. Mặc dù lý thuyết này được áp dụng cho Hồng Kông và Ma Cao, Đặng có vẻ cũng muốn làm điều này với Đài Loan.
Ba bước để phát triển kinh tế
Vào tháng 10 năm 1987, trong Kì họp toàn thể của Đại hội nhân dân quốc gia, Đặng được bầu lại với chức vụ Chủ tịch quân ủy trung ương, nhưng ông đã từ chức Chủ tịch của Ủy ban cố vấn Trung ương và được kế tục bởi Trần Vân. Đặng tiếp tục để chủ trì và phát triển cải cách và mở cửa như là chính sách cơ bản. và ông đã đưa ra ba bước cho chiến lược phát triển nền kinh tế Trung Quốc, trong vòng 7 năm: bước một, gấp đôi GNP năm 1980 và bảo đảm rằng người dân đủ cơm ăn và áo mặc, điều đã đạt được vào cuối những năm thập kỉ 1980; bước hai, tăng gấp 4 lần GNP năm 1980 khi thế kỉ 20 kết thúc, điều đã đạt được năm 1995 trước mốc đã đề ra; bước thứ 3, tăng phần trăm theo đầu người GNP, tới mức của những nước phát triển trung bình khoảng năm 2050, tại thời điểm đó, người Trung Quốc sẽ thật sự sung túc và hiện đại hóa sẽ được thực hiện cơ bản.
Cải cách kinh tế
Cải thiện những mối quan hệ với thế giới bên ngoài là điều thứ hai trong hai bước thay đổi khôn ngoan quan trọng được vạch ra trong chương trình cải cách của Đặng được đặt tên là "Cải cách và Mở cửa" (Gaige Kaifang). Xã hội, chính trị hệ thống kinh tế Trung Quốc sẽ trải qua những thay đổi quan trọng trong thời kì Đặng nắm quyền. Những mục tiêu cải cách của Đặng được tóm tắt bởi "Bốn hiện đại hóa", đó là nông nghiệp, công nghiệp, khoa học và công nghệ, và quân sự.
Chiến lược cho việc đạt được những mục tiêu trong việc trở thành một quốc gia hiện đại, công nghiệp là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Đặng đã thảo luận rằng Trung Quốc đang trong thời kỳ chủ nghĩa xã hội nguyên thủy và nhiệm vụ của đảng là hoàn thiện điều gọi là "chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc" và "tìm kiếm bản chất vấn đề từ những thứ xác thực". (Điều đó khá giống với lý thuyết của Lenin trong Chính sách kinh tế mới trong những năm 1920, mà đã lập luận rằng Liên Xô đã không tiến đủ sâu vào giai đoạn chủ nghĩa tư bản và do đó cần chủ nghĩa tư bản một cách giới hạn để phát triển đầy đủ phương tiện sản xuất của nó).
Những giải thích trong Chủ nghĩa Mao đã làm giảm vai trò của hệ tư tưởng trong việc quyết định kinh tế. Giảm những nguyên tắc cộng sản nhưng không nhất thiết chỉ trích Chủ nghĩa Marx - Lenin, Đặng đã nhấn mạnh rằng "chủ nghĩa xã hội không có nghĩa là chia sẻ sự nghèo khó". Lý thuyết của ông biện bạch cho sự sự thừa nhận thị trường tự do được viết như sau:
Khác với Hoa Quốc Phong, Đặng đã tin rằng không chính sách nào nên bị từ chối hoàn toàn đơn giản bởi vì nó không tỏ ra đồng ý với Mao. Không giống với nhiều lãnh đạo bảo thủ như Trần Vân, Đặng không phản đối tới những chính sách lên các lĩnh vực mà chúng giống với một trong trong số các chính sách được tìm thấy trong các quốc gia tư bản.
Những nền tảng chính trị linh hoạt trong mối quan hệ với chủ nghĩa xã hội được ủng hộ mạnh mẽ bởi những trích dẫn như:
Mặc dù Đặng đã đưa ra lý thuyết nền tảng và ủng hộ chính trị để cho phép cải cách kinh tế xảy ra, sự nhất trí chung giữa những sử gia là chỉ một vài cải cách kinh tế mà Đặng đã giới thiệu được tạo ra bởi chính bản thân ông. Thủ tướng Chu Ân Lai, ví dụ, đã tiên phong cho Bốn hiện đại hóa nhiều năm trước Đặng. Ngoài ra, nhiều cải cách có thể được giới thiệu bởi những lãnh đạo địa phương, thường không được cho phép trực tiếp bởi chính quyền trung ương. Nếu thành công và triển vọng, những cải cách đó sẽ được chấp nhận bởi những khu vực rộng lớn khác và cuối cùng được giới thiệu cả nước. Một ví dụ được trích dẫn thường xuyên là "hệ thống kinh tế hộ gia đình", chính sách ban đầu bí mật được thực hiện bởi một làng nông thôn nghèo tại lúc mà có thể rủi ro bị kết án là "phản cách mạng". Kinh nghiệm đó đã chứng minh thành công. Đặng công khai củng hộ nó và nó sau đó được chấp nhận khắp cả nước. Nhiều cải cách khác bị ảnh hưởng bởi những kinh nghiệm của những quốc gia phát triển ở châu Á, gọi là Bốn con hổ châu Á.
Điều đó tương phản rõ nét với khuôn mẫu trong cải tổ (perestroika)được thực hiện bởi Mikhail Gorbachev mà những cải cách chính được tạo ra bởi chính Gorbachev. Những cải cách tiếp cận từ dưới lên của Đặng, tương phản với tiếp cận từ trên xuống của perestroika, có thể là một nhân tố then chốt trong những thành công của ông.
Những cải cách của Đặng thật sự bao gồm việc đưa vào việc điều hành kế hoạch hóa, tập trung hóa nền kinh tế vĩ mô bởi những nhà kỹ trị, từ bỏ những kiểu chiến dịch quần chúng về xây dựng kinh tế. Tuy nhiên không giống phong cách Xô viết, sự điều hành gián tiếp thông qua cơ chế thị trường. Đặng đã duy trì di sản của Mao để ở mức độ nào đó mà ông đã nhấn mạnh vai trò hàng đầu của năng suất nông nghiệp và đã khuyến khích một sự phân quyền quan trọng của việc thực hiện quyết định trong những hợp tác xã kinh tế nông thôn và kinh tế hộ cá thể nông dân. Ở cấp địa phương, khích lệ vật chất, phần nào hơn tuyên truyền chính trị, được dùng để thúc đẩy lực lượng lao động, bao gồm cho phép người nông dân kiểm thêm thu nhập bằng việc bán sản phẩm tư nhân của họ theo giá thị trường.
Trấn áp những cuộc biểu tình và bạo loạn trên quảng trường Thiên An Môn
Những cuộc biểu tình và bạo loạn trên quảng trường Thiên An Môn, kết thúc vào ngày tàn sát 6 tháng 4 năm 1989, là một loạt những cuộc biểu tình trong và gần quảng trường Thiên An Môn trong Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa khoảng từ 15 tháng 4 tới 5 tháng 6 năm 1989, năm mà nhiều chính phủ cộng sản khác trên thế giới sụp đổ.
Những cuộc biểu tình xảy ra bởi sự kiện cái chết của Hồ Diệu Bang, một quan chức cải cách được hậu thuẫn bởi Đặng nhưng bị gạt ra bởi Bát đại nguyên lão và những người bảo thủ trong bộ chính trị. Nhiều người đã không hài lòng với phản ứng chậm chạp của đảng và sự chuẩn bị đám tang tương đối lặng lẽ. Quần chúng đau buồn đã bắt đầu đổ ra đường ở Bắc Kinh và các trường đại học trong những khu vực xung quanh. Ở Bắc Kinh đám đông tập trung tại Đài tưởng niệm Anh hùng nhân dân ở quảng trường Thiên An Môn. Sự đau buồn đã trở thành một sự kết nối quần chúng về sự tức giận chống lại nạn gia đình trị trong chính phủ, sự thải hồi bất công và cái chết sớm của Hồ, và vai trò đằng sau hậu trường của các nguyên lão trong Bộ chính trị. Khắp mọi nơi của đám tang Hồ, cuộc biểu tình đạt tới con số 100.000 người ở quảng trường Thiên An Môn. Trong khi những người biểu tình thiếu một nguyên nhân thống nhất hoặc lãnh đạo, người tham gia đã đưa vấn đề tham nhũng trong chính phủ và một vài tiếng nói đã kêu gọi cho tự do kinh tế và cải cách dân chủ trong cấu trúc của chính phủ trong khi những người khác kêu gọi phải ít độc đoán hơn và bớt tập trung hóa hình thức của chủ nghĩa xã hội.
Vào năm 1989, Sự kiện Thiên An Môn diễn ra. Đây là cuộc biểu tình đòi dân chủ của các sinh viên Trung Quốc. Một số nguồn cho rằng Đặng Tiểu Bình theo phe ủng hộ sự thay đổi trong nền kinh tế Trung Quốc, cùng với một số đồng minh như Triệu Tử Dương. Không có một báo cáo chính xác về vai trò của Đặng Tiểu Bình trong cuộc biểu tình, dù có một số người tin rằng ông ta đã tham gia vào việc ra lệnh cho quân đội trấn áp cuộc biểu tình. Theo ước đoán của tờ New York Times thì có ít nhất 10,000 thường dân thiệt mạng trong cuộc đụng độ. Sau sự kiện Thiên An Môn, Trung Quốc thực hiện lùng bắt một cách có quy mô những người ủng hộ phong trào này, giới hạn các nhà báo nước ngoài và kiểm duyệt tất cả báo chí trong nước. Sự kiện này bị các nước phương Tây lên án, cho đến tận ngày nay đa số người dân Trung Quốc không biết đến sự kiện này do Trung Quốc kiểm duyệt rất gắt gao.
Từ chức và chuyến đi xuống phía nam 1992
Một cách chính thức, Đặng đã quyết định rút lui khỏi những vị trí cấp cao nhất khi ông đã từ chức Chủ tịch của Ủy ban quân ủy trung ương trong năm 1989, và đã rút khỏi sân khấu chính trị Trung Quốc năm 1992, tuy nhiên, vẫn trong thời kỳ Đặng Tiểu Bình. Ông đã tiếp tục xem như là "nhà lãnh đạo tối cao" của đất nước, được tin rằng đã kiểm soát phía sau hậu trường. Đặng được công nhận chính thức như là "kiến trúc sư của cải cách kinh tế Trung Quốc và hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa Trung Quốc". Đối với Đảng cộng sản, ông được tin là đã thiết lập một hình mẫu tốt cho cán bộ những người mà không chịu nghỉ hưu khi họ tuổi cao. Ông đã phá vỡ những qui ước trước đây về việc nắm giữ chức vụ suốt đời, một truyền thống mà có thể vẫn còn cho tới năm 2018 với việc Tập Cận Bình phá bỏ giới hạn nhiệm kỳ. Ông thường được noi tới một cách đơn giản là Đồng chí Tiểu Bình, với không danh hiệu kèm theo.
Do sự kiện Thiên An Môn, quyền lực của Đặng đã suy giảm đáng kể và có những sự chống đối về việc cải cách của Đặng trong Đảng cộng sản. Để xác nhận lại những cải cách này, mùa xuân năm 1992, Đặng đã thực hiện chuyến đi nổi tiếng xuống phía Nam, thăm Quảng Châu, Thâm Quyến, Châu Hải và đón năm mới ở Thượng Hải, sử dụng chuyến đi như là một phương pháp xác nhận lại những chính sách kinh tế của ông sau khi ông nghỉ hưu. Chuyến đi xuống phía Nam được xem xét một cách rộng rãi như là dấu mốc quan trọng trong lịch sử hiện đại Trung Quốc, khi nó đã cứu Cải cách kinh tế Trung Quốc và giữ được sự ổn định xã hội.
Qua đời và phản ứng
Đặng Tiểu Bình qua đời ngày 19 tháng 2 năm 1997 ở tuổi 92 vì bệnh Parkinson và bệnh viêm phổi. Nhà nước Trung Quốc khen ngợi ông như là "một người Mác-xít vĩ đại, một nhà cách mạng vô sản, chính khách, nhà chiến lược quân sự và ngoại giao vĩ đại; một trong những lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Trung Quốc, Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; kiến trúc sư vĩ đại trong việc mở cửa và hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội Trung Quốc; người sáng lập lý luận Đặng Tiểu Bình".
Đúng 10 giờ sáng ngày 24 tháng 2, người dân được yêu cầu dừng lại mọi hoạt động và im lặng trong ba phút, quốc kỳ Trung Quốc treo rủ trong một tuần. Lễ tang được tiến hành đơn giản và tương đối riêng tư với sự tham dự của những nhà lãnh đạo quốc gia và gia đình Đặng, được phát sóng trực tiếp trên tất cả các kênh truyền hình khắp lãnh thổ Trung Quốc.
Sau lễ tang, nội tạng của ông được tặng cho trung tâm nghiên cứu y khoa, thi hài Đặng Tiểu Bình được hỏa táng và tro sau đó được rải xuống biển theo ước nguyện của ông. Hai tuần sau, truyền thông quốc gia Trung Quốc cho phát sóng những câu chuyện và phim tài liệu liên quan tới cuộc sống của Đặng.
Một số nhóm người Trung Quốc, đặc biệt là những người theo chủ nghĩa Mao hiện đại và nhà cải cách cực đoan (cánh tả và cánh hữu) đã có quan điểm tiêu cực với Đặng. Những năm sau này, bài hát "Câu chuyện mùa xuân", được sáng tác trong dịp Đặng đi xuống phía Nam năm 1992, một lần nữa được phát sóng rộng rãi.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan đã hồi tưởng: Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã nói:
Tưởng niệm
Khi so sánh những đài tưởng niệm của những lãnh đạo CPC khác, những sự tưởng nhớ tới Đặng là kín đáo, phù hợp với tư duy của Đặng về chủ nghĩa thực dụng. Hơn nữa, ông đã được hỏa táng và tro cốt của ông được rải xuống biển, trái với việc ướp xác như Mao.
Có một vài hình ảnh công cộng của Đặng ở trong nước. Một bức tượng đồng của Đặng được dựng vào 15 tháng 11 năm 2000, tại quảng trường tráng lệ của Công viên Lianhua Mountain ở Thâm Quyến. Bức tượng đó được tưởng nhớ tới vai trò của Đặng như là một nhà hoạch định và đóng góp tới sự phát triển của Khu vực kinh tế đặc biệt Thâm Quyến, bắt đầu từ 1979. Bức tượng cao 6m, với 3.68 m bệ đỡ. Bức tượng mô tả Đặng đang tự tin đi những bước dài về phía trước. Nhiều lãnh đạo quốc gia đã thăm bức tượng. Ngoài ra, trong những khu vực bờ biển trên hòn đảo tỉnh Hải Nam, Đặng được thấy trên những biển hiệu bên đường với những lời nói nhận mạnh về cải cách kinh tế hoặc chính sách của ông về một quốc gia, hai chế độ.
Di sản
Đặng Tiểu Bình được gọi là "kiến trúc sư của Trung Quốc thời hiện đại" và được xem xét rộng rãi như là một trong những nhân vật ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Ông được chọn là Nhân vật của năm của Tạp chí Time năm 1978 và 1985, lãnh đạo thứ ba của Trung Quốc (sau Tưởng Giới Thạch và vợ ông là Tống Mỹ Linh) và lần thứ tư cho một lãnh đạo cộng sản (sau Joseph Stalin), được chọn hai lần, và Nikita Khrushchev được chọn.
Đặng được nhớ chủ yếu cho những cải cách kinh tế ông đã khởi xướng trong khi đang làm nhà lãnh đạo tối cao của Cộng hòa nhân dân Trung Quốc, những cải cách đã chèo lái Trung Quốc hướng tới một nền kinh tế thị trường, dẫn tới tăng trưởng kinh tế cao, tăng tiêu chuẩn sống của hàng trăm triệu người, mở rộng tự do văn hóa và cá nhân, và kết quả đã hội nhập đất nước vào nền kinh tế thế giới. Nhiều người dân đã được đưa ra khỏi sự đói nghèo trong suốt thời gian lãnh đạo của ông hơn bất kì thời gian nào khác trong lịch sử loài người, được rộng rãi cho là nhờ những cải cách rộng rãi của ông. Một vài người đã đề nghị rằng Đặng nên được trao giải Nobel hòa bình. Đặng cũng được công nhận giảm văn hóa của Mao Trạch Đông với việc mang tới sự kết thúc kỷ nguyên hỗn loạn của Cách mạng văn hóa. Hơn nữa, những chiến thuật mạnh tay đã được tin rằng giữ Cộng hòa nhân dân Trung Quốc được thống nhất, đối nghịch với quốc gia cộng sản quyền lực khác cùng thời điểm, Liên Xô, quốc gia đã sụp đổ năm 1991.
Tuy nhiên, Đặng cũng được nhớ cho việc để lại một chính phủ độc đoán và tiếp tục tồn tại, cho những việc lạm dụng quyền con người, và cho nhiều trường hợp bạo lực chính trị. Với tư cách là một lãnh đạo tối cao, ông đã chịu trách nhiệm Sự kiện Thiên An Môn, thứ đã được xem là gây ra cái chết cho hơn 3,000 người biểu tình ủng hộ dân chủ, ông đã tác động tới Đảng cộng sản che đậy cuộc thảm sát. Hơn nữa, ông được cho dính líu tới một vài sự thanh lọc tồi tệ nhất trong suốt thời Mao cai trị; dẫn chứng, ông đã ra lệnh một đội quân đàn áp một ngôi làng Hồi giáo ở Hồ Nam mà kết quả làm chết 1,600 người, bao gồm 300 trẻ em.
Với tư cách là nhà lãnh đạo tối cao, Đặng cũng đàm phán để kết thúc sự cai trị của thực dân Anh ở Hồng Kông và bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và Liên Xô. Vào tháng 8 năm 1980, ông đã bắt đầu cải cách nền chính trị Trung Quốc bằng cách thiết lập giới hạn nhiệm kỳ cho quan chức và đề xuất một sự xem xét lại có hệ thống về Hiến pháp lần thứ ba của Trung Quốc, thứ đã được làm trong suốt Cách mạng văn hóa. Hiến pháp mới là hiện thân của Chủ nghĩa lập hiến phong cách Trung Quốc, được thông qua bởi Đại hội nhân dân quốc gia tháng 12 năm 1982 với hầu hết sự đồng ý, vẫn để lại ảnh hưởng cho tới ngày nay. Ông cũng đóng góp cho sự thành lập Luật giáo dục bắt buộc 9 năm (từ lớp 1 tới lớp 9), và phục hồi những cải cách nền chính trị Trung Quốc. |
Zaha Hadid (tiếng Ả Rập: زها حديد; sinh 31 tháng 10 năm 1950 – 31 tháng 3 năm 2016) là một nữ kiến trúc sư nổi tiếng người Anh gốc Iraq theo trường phái Kiến trúc giải tỏa kết cấu.
Học vấn và sự nghiệp
Sinh ra ở Baghdad, Iraq, bà nhận bằng cử nhân toán học tại Đại học Hoa Kỳ ở Beirut, Liban, trước khi theo học tại Trường kiến trúc London (Architectural Association School of Architecture). Sau khi tốt nghiệp, Hadid làm việc cho văn phòng kiến trúc OMA (Office for Metropolitan Architecture) của Elia Zenghelis và giáo sư cũ của bà: Rem Koolhaas. Đồng thời, bà cũng làm trợ lý cho Rem tại Trường Kiến trúc London. Năm 1979, Hadid thành lập hãng thiết kế riêng ở Luân Đôn. Hiện nay bà đang đảm nhiệm dự án Cung thể thao nước 20000 chỗ ngồi cho Thế vận hội mùa hè 2012 ở London. Bà cũng là một nhà thiết kế nội thất có danh tiếng, bao gồm khu Trí tuệ (Mind Zone) tại Vòm Thiên niên kỉ của kiến trúc sư Richard Roger tại London.
Các công trình của bà mang nặng tính ý tưởng với những hình khối động và những giải pháp đặc biệt để để tiếp cận cũng như giải quyết công trình. Bà liên tục tham gia các cuộc thi thiết kế quốc tế. Mặc dù có rất nhiều đồ án thắng cuộc nhưng không được xây dựng. Trong số đó, nổi bật có The Peak Club ở Hồng Kông năm 1983, nhà hát Opera ở vịnh Cardiff, xứ Wales năm 1994. Năm 1988, bà tham dự triển lãm Kiến trúc giải tỏa kết cấu ở Bảo tàng nghệ thuật Hiện đại MoMA, Thành phố New York. Năm 2002, Hadid thắng trong cuộc thi quốc tế thiết kế tổng mặt bằng Trung tâm khoa học Singapore. Năm 2004, bà là nữ kiến trúc sư đầu tiên nhận giải thưởng Pritzker. Năm 2005, bà thắng trong cuộc thi thiết kế một sòng bạc mới ở Basel, Thụy Sĩ. Không chỉ là một kiến trúc sư nổi tiếng, bà còn nổi tiếng về với tác phẩm trong nghệ thuật sắp đặt, tranh vẽ và đồ nội thất. Bà cũng được trao tặng Huân chương Đế quốc Anh, tước sĩ quan (CBE). Hiện nay, bà là thành viên của ban biên tập Bách khoa toàn thư Britannica (Encyclopædia Britannica).
Bà là giáo sư giảng dạy nhiều đại học lớn trên thế giới, trong số đó có Trường Nghệ thuật Thị giác (Hochschule für Bildende Künste) ở Hamburg (Đức), Trường thiết kế tại Đại học Harvard, Đại học Chicago, Đại học Columbia tại Thành phố New York. Hiện bà đang giảng dạy tại Đại học Nghệ thuật ứng dụng Wien ở Áo. Vào ngày 31 tháng 3 năm 2016, Hadid mất do ngừng tim tại một bệnh viện ở Miami, nơi bà đang điều trị căn bệnh viêm phế quản.
Một số công trình nổi tiếng
Giải thưởng
2007 Huy chương Thomas Jefferson về Kiến trúc |
Trong lý thuyết xác suất và thống kê, số trung vị (tiếng Anh: median) là một số tách giữa nửa lớn hơn và nửa bé hơn của một mẫu, một quần thể, hay một phân bố xác suất. Nó là giá trị giữa trong một phân bố, mà
số các số nằm trên hay dưới con số đó là bằng nhau. Điều đó có nghĩa rằng 1/2 quần thể sẽ có các giá trị nhỏ hơn hay bằng số trung vị, và một nửa quần thể sẽ có giá trị bằng hoặc lớn hơn số trung vị.
Để tìm số trung vị của một danh sách hữu hạn các số, ta xếp tăng dần tất cả các quan sát, rồi lấy giá trị nằm giữa danh sách. Nếu số quan sát là số chẵn, người ta thường lấy trung bình của hai giá trị nằm giữa.
Cách giải thích dễ hiểu
Giả sử có 19 người nghèo và 1 tỉ phú trong một căn phòng. Mọi người đều bỏ tất cả tiền trong túi mình ra và đặt lên một cái bàn. Mỗi người nghèo đặt 5 đồng lên bàn; người tỉ phú đặt 1 tỷ đồng (109 đồng) lên đó. Khi đó, tổng số là 1.000.000.095 đồng. Nếu đem chia đều số tiền đó cho 20 người, mỗi người được 50.000.004 đồng và 75 xu. Số tiền đó là trung bình của số tiền mà mỗi người đã đem vào phòng. Nhưng số trung vị lại là 5 đồng, vì ta có thể chia thành 2 nhóm mỗi nhóm 10 người, và nói rằng mọi người trong nhóm thứ nhất mang không nhiều hơn 5 đồng và mọi người trong nhóm thứ hai mang không dưới 5 đồng. Theo nghĩa đó, số trung vị là số tiền mà một người điển hình mang tới. Ngược lại, giá trị trung bình không điển hình chút nào, do không có ai - người nghèo hoặc tỉ phú - mang đến một số tiền xấp xỉ 50.000.004,75 đồng.
Không duy nhất: có thể có nhiều hơn một số trung vị
Có thể có nhiều hơn một số trung vị: ví dụ nếu số các trường hợp là một số chẵn thì không có một số trung vị duy nhất. Lưu ý rằng một nửa số các số trong danh sách có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng một trong hai giá trị giữa, và một nửa lớn hơn hay bằng một trong hai giá trị đó, đối với bất cứ số nào nằm giữa hai giá trị đó cũng vậy. Do vậy, trong trường hợp đó, cả hai số nằm giữa và mọi giá trị nằm giữa chúng đều là số trung vị.
Đo đạc sự phân tán thống kê
Khi trung vị được dùng với vai trò tham số vị trí trong thống kê mô tả, có một vài lựa chọn một độ đo độ biến đổi: khoảng biến thiên giao độ (range), khoảng tứ phân vị (interquartile range), và độ lệch tuyệt đối (absolute deviation). Do trung vị chính là tứ phân vị thứ hai, việc tính toán nó được minh họa trong bài về các tứ phân vị.
Trung vị của các phân bố xác suất
Cho một phân bố xác suất bất kỳ trên tập số thực với hàm phân bố tích lũy F, bất kể nó thuộc loại phân bố xác suất liên tục nào, một phân bố liên tục tuyệt đối (và do đó có một hàm mật độ xác suất) hay một phân bố xác suất rời rạc. Giá trị trung vị m của nó thỏa mãn đẳng thức
trong đó sử dụng tích phân Riemann-Stieltjes. Với một phân bố liên tục tuyệt đối với hàm mật độ xác suất f, ta có
Số trung vị của các phân bố cụ thể
Số trung vị của một phân bố chuẩn với giá trị trung bình μ và độ biến thiên σ2 là μ. Thực ra, với phân bố chuẩn, giá trị trung bình = median = mode.
Số trung vị của một phân bố đều trong khoảng [a, b] là (a + b) / 2, đó cũng là giá trị trung bình.
Số trung vị của một phân bố Cauchy với tham số vị trí x0 và tham số tỉ lệ (scale parameter) y là x0, tham số vị trí.
Số trung vị của một phân phối mũ với tham số λ là tham số tỉ lệ (scale parameter) nhân với lôga tự nhiên của 2, λln 2.
Số trung vị của một phân bố Weibull với tham số hình dạng (shape parameter) k và tham số tỉ lệ λ là λ(log 2)1/k.
Số trung vị trong thống kê mô tả
Số trung vị thường dùng chủ yếu cho các phân bố lệch, do nó biểu thị chính xác hơn trung bình cộng. Xét tập { 1, 2, 2, 2, 3, 9 }. Trong trường hợp đó, số trung vị bằng 2 và bằng mode, và nó có thể được coi là chỉ định tốt hơn về xu hướng trung tâm (central tendency) hơn là trung bình số học có giá trị 3,166….
Tính toán số trung vị là một kỹ thuật phổ biến trong thống kê tổng kết (summary statistics) và dữ liệu thống kê tổng kết (summarizing statistical data), do nó dễ hiểu và dễ tính, trong khi vẫn cho ra một độ đo tốt hơn giá trị kỳ vọng trong trường hợp có mặt các giá trị ngoại lệ (outlier).
Các tính chất lý thuyết
Tính chất tối ưu hóa
Số trung vị còn là điểm trung tâm, nơi cực tiểu hóa trung bình của các độ lệch tuyệt đối; trong ví dụ trên, nó sẽ là (1 + 0 + 0 + 0 + 1 + 7) / 6 = 0.5 bằng cách sử dụng trung vị, trong khi nếu sử dụng giá trị trung binh, kết quả sẽ là 1.5. Trong ngôn ngữ của lý thuyết xác suất, giá trị của c mà làm cực tiểu
là số trung vị của phân bố xác suất của biến ngẫu nhiên X.
Bất đẳng thức liên quan tới giá trị trung bình và số trung vị
Đối với các phân bố xác suất liên tục, hiệu giữa số trung vị và giá trị trung bình nhỏ hơn hay bằng độ lệnh chuẩn. Xem bất đẳng thức giữa các tham số vị trí và tỉ lệ (an inequality on location and scale parameters).
Tính toán hiệu quả
Tuy việc sắp xếp n phần tử thường cần O(n log n) thao tác, bằng cách sử dụng một thuật toán "chia để trị", số trung vị của n phần tử có thể được tính với chỉ O(n) thao tác (thực ra, ta luôn có thể tìm thấy phần tử thứ k của một danh sách các giá trị với phương pháp này; nó có tên thuật toán lựa chọn (selection algorithm)). |
Trang này liệt kê những sự kiện quan trọng vào tháng 2 năm 2006.
Thứ tư, ngày 1 tháng 2
Tranh cãi về những bức biếm họa Muhammad trở thành nghiêm trọng sau khi một số tờ báo châu Âu in lại những hình ảnh này mặc dù bị các tín đồ Hồi giáo phản đối.
Thứ sáu, ngày 3 tháng 2
Tàu biển al-Salam Boccaccio 98 của Ai Cập bị đắm ở Hồng Hải. Tàu chở khoảng 1300–1400 hành khách và 96 thủy thủ.
Thứ bảy, ngày 4 tháng 2
Tranh cãi về những bức biếm họa Muhammad tiếp diễn sau khi những người biểu tình Hồi giáo đốt cháy hai tòa đại sứ của Đan Mạch và Na Uy tại Syria và tòa đại sứ Đan Mạch tại Liban.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế bầu đưa vấn đề chương trình hạt nhân của Iran đến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Thứ hai, ngày 6 tháng 2
Stephen Harper của Đảng Bảo thủ nhậm chức Thủ tướng Canada.
Ở Hoa Kỳ, đội bóng bầu dục Pittsburgh Steelers thắng Seattle Seahawks với kết quả 21–10 trong Super Bowl XL. Trận này được chiếu trực tiếp trên TV tại 234 nước bằng 32 ngôn ngữ.
Cuộc nổi loạn bắt đầu ở Ai Cập do tàu biển al-Salam Boccaccio 98 bị đắm ở Hồng Hải với hơn 1.000 hành khách. Những đám đông cướp phá văn phòng của chủ tàu.
Năm người bị thiệt mạng trong cuộc biểu tình Hồi giáo về vụ biếm họa Muhammad ở Afghanistan.
Thứ tư, ngày 8 tháng 2
Mộ mới được tìm ra tại Thung lũng các Vua ở Luxor (Ai Cập) lần đầu tiên sau khi mộ của Tutankhamun được tìm ra vào năm 1922.
Hiệp định Tripoli được ký kết, kết thúc Xung đột Tchad-Sudan.
Thứ năm, ngày 9 tháng 2
Ca cúm gia cầm H5N1 đầu tiên của châu Phi được phát hiện tại Nigeria.
Thứ sáu, ngày 10 tháng 2
Thế vận hội Mùa đông 2006 khai mạc tại Torino, Ý.
Đội tuyển bóng đá quốc gia Ai Cập đoạt Cúp bóng đá châu Phi 2006 (do Ai Cập đăng cai).
Thứ bảy, ngày 11 tháng 2
Lavaka Ata 'Ulukalala từ chức Thủ tướng Tonga. Feleti Sevele được trở thành thủ tướng phi quý tộc đầu tiên của nước này.
Thứ hai, ngày 13 tháng 2
Thế vận hội Mùa đông 2006:
Trượt băng nghệ thuật: Cặp Tatiana Totmianina và Maxim Marinin của Nga đoạt huy chương vàng.
Trượt băng tốc độ: Joey Cheek của Hoa Kỳ thắng cuộc đua 500 m, anh trượt xong cả hai vòng trong ít hơn 35 giây.
Tổng thống Kenya Mwai Kibaki cho biết hai bộ trưởng có dính líu vào hai vụ tham nhũng Anglo-Leasing và Goldenberg đã từ chức.
Tại Pakistan, hai người thiệt mạng trong bạo loạn về vụ biếm họa Muhammad.
Thứ ba, ngày 14 tháng 2
Thêm hình ảnh giết, tra tấn, và hành hạ người tù được phát hành từ Nhà tù Abu Ghraib tại Iraq.
Thế vận hội Mùa đông 2006:
Biathlon: Olga Pyleva của Nga bị tước huy chương bạc trong cuộc đua 15 km vì bị khám phá dùng chất kích thích.
Trượt tuyết việt dã: Thụy Điển đoạt huy chương vàng trong hai cuộc đua kiểu cổ điển đội nam và nữ.
Thứ tư, ngày 15 tháng 2
Thế vận hội Mùa đông 2006:
Trượt tuyết tự do: Dale Begg-Smith đoạt huy chương vàng đầu tiên của Úc trong cuộc đua nam.
Trượt băng vòng ngắn: Vương Mãnh (Wang Meng) thắng cuộc đua 500 m nữ riêng và đoạt huy chương vàng đầu tiên của Trung Quốc tại Torino.
Trượt tuyết Alpine: Michaela Dorfmeister của Áo thắng cuộc đua xuống dốc nữ.
Thứ năm, ngày 16 tháng 2
Cựu Tổng thống René Préval được tuyên bố thắng cử tại Haiti sau vài ngày biểu tình vì có tình nghi gian lận.
Thế vận hội Mùa đông 2006:
Trượt tuyết việt dã: Kristina Šmigun của Estonia thắng cuộc đua 10 km và đoạt huy chương vàng thứ hai tại Torino.
Biathlon: Olga Pyleva của Nga bị tước huy chương bạc trong cuộc đua 15 km vì bị khám phá dùng chất kích thích.
Thứ sáu, ngày 17 tháng 2
Đất lở tại Nam Leyte, Philippines làm hàng trăm người thiệt mạng hay mất tích.
Hạ Nghị viện Anh thông qua đạo luật cấm hút thuốc trong mọi nơi công cộng có tường che.
Thế vận hội Mùa đông 2006:
Skeleton: Duff Gibson và Jeff Pain của Canada đoạt huy chương vàng và bạc trong cuộc thi nam.
Thứ bảy, ngày 18 tháng 2
Ít nhất 10 người thiệt mạng trong cuộc biểu tình trước một lãnh sự quán Ý tại Libya về biếm họa Muhammad.
Chủ nhật, ngày 19 tháng 2
Thế vận hội Mùa đông 2006:
Trượt băng: Đội Hoa Kỳ đoạt hai huy chương vàng và bạc trong cuộc đua 1000 m nam khi Shani Davis vượt qua Joey Cheek để được xếp hạng nhất, lần đầu tiên mà vận động viên Mỹ da đen đoạt huy chương vàng trong một cuộc đua riêng của Thế vận hội Mùa đông.
Trượt tuyết việt dã: Đội Nga thắng cuộc đua tiếp sức 20 km nữ dễ dàng, trượt xong 10 giây trước đội Đức (đoạt huy chương bạc) và 11 giây trước đội Ý (đoạt huy chương đồng).
Thứ hai, ngày 20 tháng 2
Ismail Haniya của Hamas kế tục Ahmed Qurei làm Thủ tướng của Chính quyền Quốc gia Palestine.
Sử gia người Anh David Irving nhận tội phủ nhận Holocaust ở Áo, và bị kết án ba năm tù. BBC
Thế vận hội Mùa đông 2006:
Khúc côn cầu: Đội Canada thắng Thụy Điển với kết quả 4–1 trong cuộc đấu chung kết nữ, đoạt huy chương vàng liên tục thứ hai trong bộ môn này.
Trượt tuyết Alpine: Sau khi xếp hạng thứ 5 trong cuộc đua đầu tiên, Benjamin Raich của Áo thắng cuộc vượt chướng ngại vật lớn nam thứ 2. Đồng đội Áo Michaela Dorfmeister đoạt huy chương vàng trong cuộc super-g nữ 2 tiếng sau.
Trượt băng nghệ thuật: Đương kim vô địch trượt băng nghệ thuật Tatiana Navka và Roman Kostomarov của Nga đoạt huy chương vàng trong cuộc thi khiêu vũ trên băng.
Thứ ba, ngày 21 tháng 2
Thế vận hội Mùa đông 2006:
Trượt băng: Enrico Fabris của Ý thắng cuộc đua 1500 m, đoạt huy chương thứ ba ở Torino.
Thứ tư, ngày 22 tháng 2
Tấn công nổ bom tại Samarra (Iraq) phá hủy nặng nề Nhà thờ Al Askari, một trong những nơi thiêng liêng nhất của giáo phái Shi'a Hồi giáo.
Thế vận hội Mùa đông 2006:
Trượt băng nghệ thuật: Sasha Cohen của Hoa Kỳ được xếp hạng nhất trong chương trình ngắn của nữ, thắng đối thủ Nga Irina Slutskaya chỉ 0,03 điểm.
Trượt băng: Hai người trượt băng Canada Cindy Klassen và Kristina Groves đoạt huy chương vàng và bạc trong cuộc đua 1500 m nữ.
Thứ năm, ngày 23 tháng 2
Chính quyền Iraq công bố thiết quân luật ban ngày sau khi hơn 150 người bị thiệt mạng trong cuộc trả thù tấn công nổ bom ở Nhà thờ Al Askari tại Samarra. BBC Guardian
Thế vận hội Mùa đông 2006:
Trượt tuyết Alpine: Anja Pärson của Thụy Điển đoạt huy chương vàng trong cuộc đua vượt chướng ngại vật nữ.
Trượt băng nghệ thuật: Shizuka Arakawa đoạt huy chương vàng đầu tiên cho đội tuyển Nhật Bản ở Torino.
Bi đá trên băng: Đội Thụy Điển nữ giành huy chương vàng sau khi đánh bại đội Thụy Sĩ với kết quả 7–6.
Thứ sáu, ngày 24 tháng 2
Philippines tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi âm mưu lật đổ Tổng thống Gloria Arroyo bị phá vỡ.
Thế vận hội Mùa đông 2006:
Bi đá trên băng: Đội Canada nam của thủ quân Brad Gushue thắng cuộc đấu đội Phần Lan với kết quả 10–4, đoạt huy chương vàng đầu tiên của nam trong bộ môn này.
Thứ bảy, ngày 25 tháng 2
Những người cộng hòa Ireland (Irish Republicans) tổ chức một náo động lớn tại Dublin để chặn lại cuộc biểu tình của những người muốn hợp nhất (Unionists).
Yoweri Museveni (được minh họa), Tổng thống Uganda từ năm 1986, được bầu lại.
Bà Dương Quỳnh Hoa - nguyên bộ trưởng Bộ Y tế của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, một trong ba nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đầu tiên đệ đơn kiện lên tòa án Hoa Kỳ - đã qua đời, thọ 76 tuổi. Tuổi trẻ
Thế vận hội Mùa đông 2006:
Biathlon và Trượt băng vòng ngắn: Vận động viên biathlon Đức Michael Greis và hai người trượt băng Hàn Quốc Jin Sun-Yu và Ahn Hyun Soo đoạt mỗi người huy chương vàng thứ ba ở Torino.
Trượt tuyết Alpine: Đội Áo đoạt cả ba huy chương trong cuộc vượt chướng ngại vật nam.
Chủ nhật, ngày 26 tháng 2
Portia Simpson-Miller được bầu làm chủ tịch của đảng Dân tộc Nhân dân đang cầm quyền và sẽ trở thành thủ tướng phụ nữ đầu tiên của Jamaica.
Thế vận hội Mùa đông 2006 bế mạc tại Torino (Ý), với Đức, Hoa Kỳ, và Áo dẫn đầu số huy chương vàng đạt được. Thị trưởng của Vancouver (Canada), thành phố đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2010, được cờ Olympic.
Khúc côn cầu: Hậu vệ Nicklas Lidström sút ghi bàn thắng, đội Thụy Điển thắng Phần Lan với kết quả 3–2 trong trận tranh huy chương vàng khúc côn cầu nam.
Thứ hai, ngày 27 tháng 2
Tòa án Quốc tế vì Công lý bắt đầu nghe vụ quan trọng Bosna và Hercegovina kiện Serbia và Montenegro, trong đó một nước mang nước khác ra tòa về tội diệt chủng. |
Ngũ Đại Hồ (tiếng Anh: The Great Lakes, tức là "Các Hồ Lớn") là năm hồ lớn nằm trên hay gần biên giới Canada–Hoa Kỳ. Đây là nhóm hồ nước ngọt lớn nhất trên thế giới, và hệ thống Ngũ Đại Hồ – sông Saint Lawrence là hệ thống nước ngọt lớn nhất trên thế giới. Đôi khi năm hồ này được gọi biển nội địa.
Các hồ lớn
Cách thuật nhớ phổ biến để nhớ lại tên của các hồ là chữ "HOMES" (tiếng Anh: "các nhà"), tức là Huron, Ontario, Michigan, Erie và Superior, nhưng cách này không có thứ tự đặc biệt nào. Những cách khác, thí dụ như Sister Mary Hates Ecumenical Overtures ("Xơ Maria ghét những ca khúc khởi đầu của nhà thờ") hay She Made Harry Eat Onions ("Bà ấy bắt Harry phải ăn hành"), xếp các hồ từ phía tây đến phía đông.
Theo quan điểm thủy học, hai hồ Michigan và Huron cùng trộn lẫn với nhau nên đôi khi được coi như một hồ: hồ Michigan-Huron. Khi tính như vậy thì hồ Michigan-Huron lớn hơn hồ Superior theo diện tích mặt nước, nhưng vẫn nhỏ hơn theo tổng thể tích nước.
Hồ thứ sáu cũng thuộc hệ thống Ngũ Đại Hồ là hồ Saint Clair. Hồ này nhỏ hơn năm hồ kia nhiều, nằm giữa hồ Huron và hồ Erie, và không được coi như một trong những "đại hồ". Hệ thống này cũng bao gồm những sông nối các hồ với nhau: sông Saint Mary giữa hồ Superior và hồ Huron, sông Saint Clair giữa hồ Huron và hồ St. Clair, sông Detroit giữa hồ Saint Clair và hồ Erie, và sông Niagara và thác Niagara giữa hồ Erie và hồ Ontario. (Hồ Michigan được nối với hồ Huron theo eo Mackinac.) Một số đảo lớn và một bán đảo chia ra hồ Huron thành hồ chính và vịnh Georgian.
Các hồ nằm giáp tỉnh bang Ontario (trừ hồ Michigan), và các tiểu bang Minnesota, Wisconsin, Michigan (trừ hồ Ontario), Illinois, Indiana, Ohio, Pennsylvania và New York. Bốn trong năm hồ này tạo nên biên giới Mỹ-Canada; riêng hồ Michigan nằm trọn trong nước Mỹ. Sông Saint Lawrence, một phần là biên giới quốc tế, là thủy lưu tháo nước chính của các hồ này – vì các hồ nối liền với nhau – và chảy qua Québec và bán đảo Gaspé trước khi đổ vào Bắc Đại Tây Dương.
Nhóm hồ này có vào khoảng 35.000 đảo trên Ngũ Đại Hồ rải rác, bao gồm đảo Manitoulin trên hồ Huron, đảo lớn nhất trên vùng nước nội địa; và đảo Royale trên hồ Superior, đảo lớn nhất trên hồ lớn nhất. Hai đảo này đủ lớn để có hồ riêng bên trong.
Ngày nay, 20% dung tích nước ngọt trên thế giới nằm trong nhóm hồ này: gần 23.000 km³ (5.473 dặm khối). Nhóm hồ này chứa đủ nước để phủ ngập cả 48 tiểu bang lục địa nước Mỹ dưới 2,9 mét nước (hay 9,5 foot nước). Tổng diện tích mặt nước của các hồ này là 244.000 km² (94.250 dặm vuông) – lớn hơn cả các tiểu bang New York, New Jersey, Connecticut, Rhode Island, Massachusetts, Vermont và New Hampshire cộng lại. Nếu kéo ra từ đầu đến cuối, đường bờ hồ của chúng có thể bao quanh gần nửa vòng Trái Đất theo đường xích đạo.
Đường biển Saint Lawrence và Đường nước Ngũ Đại Hồ mở vùng Ngũ Đại Hồ ra cho những tàu đi biển. Tuy nhiên, vì những tàu đi biển càng ngày càng dùng các container lớn hơn – tàu không đi lọt các cửa kênh ở những đường kênh này – khiến việc chuyên chở trên các đại hồ này phần nào bị hạn chế. Tuy chúng rất rộng, nhưng phần lớn của Ngũ Đại Hồ đóng băng vào mùa đông, nên hàng hải phần nhiều ngừng lại vào mùa đó. Tuy nhiên, có một số tàu phá băng chạy trên nhóm hồ này để mở đường giao thông.
Nhóm hồ này ảnh hưởng đến thời tiết ở vùng chung quanh, ví dụ như hiệu ứng hồ vào mùa tuyết. Vào mùa đông, hơi ẩm của gió từ phía tây có thể gây ra nhiều mưa tuyết, nhất là gần bờ biển về phía đông, như là ở Michigan, Ontario và New York. Trời không cần phải có mây khi có mưa tuyết do hiện tượng này. Lần nổi tiếng nhất là trận Bão tuyết năm 1977, trong đó gió mạnh thổi tuyết từ hồ Erie phủ ngập Buffalo, New York dưới lớp tuyết dày. Các hồ cũng giảm bớt nhiệt độ của vùng ven hồ ít nhiều vì hồ có khả năng hấp nhiệt vào mùa hè, rồi tỏa nhiệt từ từ vào mùa thu. Vì nhiệt độ được dung hòa nên có hiện tượng "vành đai trái cây" gần hồ và việc trồng trọt công nghiệp cung ứng được hoa quả cho thị trường. |
Đèn pha là một thiết bị chiếu sáng được dùng chủ yếu trên các phương tiện cơ giới như xe ôtô, xe máy v.v. Đèn pha tạo ra luồng sáng mạnh và tập trung, chiếu ngang mặt đường và có khả năng chiếu sáng khoảng 100m trở lên. Hầu hết đèn pha đều sử dụng bóng đèn sợi hoặc bóng đèn halogen, có công suất 25-35 W đối với xe máy và 55-60 W đối với xe ôtô.
Đèn pha có thể được dùng kết hợp với đèn cốt (chiếu sáng gần) trong cùng một chóa đèn của xe cơ giới, hoặc lắp bổ sung để tạo ra khả năng chiếu sáng tối ưu.
Đèn pha led ra đời
Hiện nay khi công nghệ LED phát triển thì đèn pha led ra đời, kết hợp giữa chức năng, kiểu dáng giản đơn, tính thẩm mỹ đèn pha led chính là phạm vi toàn diện của ánh đèn chiếu rọi chiếu sáng cho kiến trúc ngoài trời. Sản phẩm chính hãng của hai thương hiệu nổi tiếng về chiếu sáng là Duhal, Philips, Rạng Đông. Được thiết kế để cung cấp những hiệu ứng ánh sáng tối ưu từ luồng sáng mạnh đến hiệu ứng điểm nhấn tinh tế hơn. Thiết kế khe chuẩn trực quang học độc đáo mang đến hiệu suất ánh sáng đồng nhất và đảm bảo sự phối trộn màu sắc tuyệt nhất. Các loại đèn pha thường được sử dụng là đèn pha led 100 w, đèn pha led 50 w cao nhất có thể nên tới 200 w, so với đèn pha thường thì đèn pha công nghệ LED tiết kiệm năng lượng hơn nhiều lần, trước kia người dùng thường sử dụng đèn Halogen nhưng hiện nay phần lớn các gia đình, hộ kinh doanh đang dần chuyển sang đèn công nghệ led
Điểm nổi bật nữa là thiết kế theo phương pháp đúc khuôn đồng bộ với thân đèn khép kín đạt chuẩn IP65 (đảm bảo chống lại côn trùng, và bụi bẩn hoàn toàn; chống lại sự xâm nhập của nước vòi phun áp lục lớn ở tất cả mọi hướng)
Tuổi thọ cao 20.000 tới 50,000 giờ sử dụng lâu dài và bền vững mà các loại đèn pha truyền thống không đáp ứng được, thông thường những loại đèn pha halogen hay sợi đốt tuổi thọ chỉ 1000 tới 4000 giờ do đó chi phí thay thế rất tốn kén, nhưng cái lợi là chi phí đầu tư ban đầu sẽ thấp hơn rất nhiều khi ta sử dụng đèn pha led
Đặc điểm cấu tạo của đèn pha
Thông thường đèn pha là những loại đèn có công suất lớn từ 30 W tới vài nghìn W, để phục vụ chủ yếu cho chiếu sáng ngoài trời. Nhưng hiện nay đèn pha led ra đời vì thế công suất sẽ được giảm xuống tầm vài chục tới vài trăm w. Nói đến đèn pha sử dụng ngoài trời thì thiết kế của nó sẽ rất bền, và khả năng chịu nước do đó phải đáp ứng tiêu chuẩn IP65.
- Do công suất đèn lớn nên khi sử dụng sẽ tỏa ra nhiệt độ cao, do đó cần tản nhiệt của đèn cũng phải lớn và tiết diện rộng. Vì thế đèn thường làm bằng nhôm phía đui đèn được khía nhiều rảnh giúp giảm nhiệt nhanh như hình bên cạnh
Ánh sáng đèn pha thường có 2 màu cơ bản là tráng lạnh 6500 K vàng ấm 3000 K một số hãng như Philips có mã 5000 K màu trung tính, đặc điểm là ánh sáng có nhiệt độ màu càng cao thì hiệu suất phát quang càng cao, vì thế với độ sáng có quang thông nhất định thì ta dùng nhiệt độ màu 3000 K cần công suất cao hơn
Ứng dụng đèn pha LED
Dùng cho chiếu sáng công nghiệp như nhà xưởng, bến bãi, nhà máy
Dùng cho chiếu cho xe ôtô như đèn pha chiếu sáng, đèn gương, màn hình hiện thị, những dòng xe cao cấp thường được sử dụng cụm đèn LED giúp tăng tính thẩm mỹ
Dùng cho y học, người ta dùng đèn led để cấy vào cơ thể, ánh sáng led để trẻ hóa da
Dùng cho nông nghiệp, sử dụng ánh sáng led để thay thế ánh sáng tự nhiên
Chú thích |
Sông Nin hoặc Nile (tiếng Ả Rập: النيل, an-nīl, tiếng Ai Cập cổ đại: iteru hay Ḥ'pī - có nghĩa là sông lớn), là dòng sông thuộc châu Phi, là sông chính của khu vực Bắc Phi, thường được coi là con sông dài nhất trên thế giới, với chiều dài 6.853 km và đổ nước vào Địa Trung Hải, tuy vậy có một số nguồn khác dẫn nghiên cứu năm 2007 cho rằng sông này chỉ dài thứ hai sau sông Amazon ở Nam Mỹ. Sông Nin được gọi là sông "quốc tế" vì lưu vực của nó bao phủ 11 quốc gia gồm Tanzania, Uganda, Rwanda, Burundi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Kenya, Ethiopia, Eritrea, Nam Sudan, Sudan và Ai Cập.
Sông này còn được người Việt phiên âm là Nhĩ Lô như trong sách Tây hành nhật ký của Phạm Phú Thứ.
Đây là dòng sông có ảnh hưởng nhất ở châu Phi, gắn liền với sự hình thành, phát triển và lụi tàn của nhiều vương quốc cổ đại, góp phần tạo dựng nên nền Văn minh sông Nin.
Các đoạn sông
Sông Kagera đổ vào hồ Victoria gần thị trấn Bukoba của Tanzania là nguồn cung cấp nước dài nhất, mặc dù các nguồn tài liệu khác nhau không công nhận nó là nhánh dài nhất và do đó nó là nguồn xa nhất của sông Nile. Nguồn hoặc là Sông Ruvyironza từ tỉnh Bururi, Burundi, hoặc Nyabarongo chảy từ rừng Nyungwe ở Rwanda. Hai nguồn cung cấp này gặp nhau tại thác Rusumo tại ranh giới của Rwanda-Tanzania.
Năm 2010, một nhóm khảo sát đã đến đây miêu tả về nguồn của nhánh Rukarara, và đi theo một con đường trên sườn núi đã tìm thấy (trong mùa khô) nguồn nước mặt lộ ra chảy nhiều dặm ở phía thượng lưu, và đã tìm thấy nguồn mới, do đó chiều dài sông Nin là 6.758 km. Vịnh Gish được xem là nơi có "nước thánh" có giọt đầu tiên của sông Nin.
Nin Trắng
Sông Nin có hai nguồn chính, quan trọng nhất là sông Nin Trắng bắt nguồn từ vùng xích đạo Đông Phi, rồi đến sông Nin Xanh bắt nguồn từ Ethiopia. Hồ Victoria, nằm giữa Uganda, Kenya và Tanzania, được xem là nơi bắt nguồn của dòng sông này.
Nin Xanh
Sông Nin Xanh bắt nguồn từ Hồ Tana trên vùng cao nguyên của Ethiopia. Dòng Nin Xanh chảy được khoảng 1.400 km (850 dặm) tới Khartoum thì hai dòng Nin Xanh và Nin Trắng gặp nhau, hợp lưu tạo nên sông Nin. Phần lớn nguồn nước của sông Nin được cung cấp từ Ethiopia, chiếm khoảng 80-85% lưu lượng lệ thuộc vào vũ lượng. Mùa mưa ăn khớp với mùa hè khi nhiều trận mưa rào trút xuống, góp nước cho sông Nin.
Dòng Nin
Đoạn sông Nin ở phía Bắc chủ yếu chảy qua sa mạc. Phần lớn cư dân Ai Cập, ngoại trừ một số dân cư ven biển, sống dọc theo bờ sông Nin bắt đầu từ phía bắc thành phố Aswan. Di tích nền văn minh Ai Cập cổ đại cũng tập trung dọc theo hai bên bờ sông Nin. Dòng sông Nin còn là huyết mạch giao thông nhất là vào mùa lũ, khi mà các phương tiện đường bộ không thể di chuyển được.
Lưu vực sông Nin
Lưu vực sông Nin chiếm khoảng 1/10 diện tích châu Phi là nơi phát triển và tàn lụi của nhiều nền văn minh cổ đại. Cư dân hai bên bờ sông Nin là một trong những nhóm người đầu tiên biết trồng trọt, làm nông nghiệp và sử dụng cày. Lưu vực sông Nin được giới hạn ở phía Bắc bởi biển Địa Trung Hải, phía Đông bởi dãy Biển đỏ (Red Sea Hills) và Cao nguyên Ethiopia, phía Nam bởi cao nguyên Đông Phi, trong đó có bao gồm hồ Victoria là một trong 2 nguồn của sông Nin, phía Tây tiếp giáp với lưu vực sông Chad, sông Công gô và trải dài xuống Tây nam đến dãy Marrah thuộc Sudan
Lịch sử
Sông Nin với nguồn nước dồi dào đã tạo nên vùng Thung lũng trù phú nhất "lục địa đen". Nó đã góp phần rất lớn tới sự hình thành nền văn minh Ai Cập cổ đại, với những kim tự tháp kỳ vĩ. Sông Nin đã ảnh hưởng lớn tới nền văn hoá Ai Cập cổ ngay từ thời đại đồ đá, khi mà sa mạc Sahara đang ngày càng xâm lấn sang phía Đông của lục địa châu Phi.
Sông Nin bắt nguồn từ hồ Victoria ở khu vực xích đạo có mưa quanh năm nên lượng mưa khá lớn. Tới Khác-tum sông Nin nhận thêm nước từ phụ lưu Nin Xanh ở khu vực cận xích đạo, lưu lượng trở nên rất lớn, mùa nước lũ lên tới 90 000 m³/s; đến biên giới Ai Cập mặc dù sông Nin chảy giữa miền hoang mạc và không nhận được thêm phụ lưu nào nữa, nước sông vừa ngấm xuống đất, vừa bốc hơi mạnh, gần biển lưu lượng nước giảm nhiều nhưng ở Cai-rô (Ai Cập) về mùa cạn lưu lượng vẫn còn 700 m³/s.
Tranh chấp về nước
Nước sông Nin ảnh hưởng đến các thể chế chính trị Đông Phi và Sừng châu Phi trong nhiều thập kỷ. Các quốc gia gồm Uganda, Sudan, Ethiopia và Kenya đã phàn nàn về việc Ai Cập thống trị nguồn tài nguyên nước. Sáng kiến lưu vực sông Nin thúc đẩy hợp tác hòa bình giữa các nước.
Nhiều nỗ lực đã được thực hiện nhằm thiết lập những thỏa thuận chia sẻ nước sông Nin giữa các quốc gia này. Nhưng rất khó khăn để đạt được thỏa thuận của tất cả các quốc gia trên về lợi ích của họ và những khác biệt về chính trị, chiến lược và xã hội. Ngày 14 tháng 5 năm 2010 tại Entebbe, Uganda, Ethiopia, Rwanda, Tanzania và Uganda đã ký một thỏa thuận mới về chia sẻ nước sông Nin mặc dù thỏa thuận này chịu sự phản đối mạnh mẽ của Ai Cập và Sudan. Lý tưởng nhất, những thỏa thuận như thế này nhằm thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả và công bằng nguồn tài nguyên nước lưu vực sông Nin. Nếu không có sự hiểu rõ hơn về sự sẵn có của nguồn tài nguyên nước trong tương lai của sông Nin, thì sẽ có nhiều cuộc xung đột giữa các quốc gia dựa vào nguồn cấp nước, phát triển kinh tế và xã hội từ sông Nin.
Khám phá hiện đại
Cuộc thám hiểm Nin trắng, dẫn đầu bởi Hendrik Coetzee Nam Phi, trở thành người đầu tiên xác định chiều dài toàn bộ của sông Nin. Cuộc thám hiểm nguồn của sông Nin ở Uganda vào ngày 17 tháng 1 năm 2004 và đến Địa Trung Hải ở Rosetta một cách an toàn, trong vòng 2 tháng rưỡi.
Vào 28 tháng 4 năm 2004, nhà địa chất học Pasquale Scaturro và cộng sự của ông, kayaker và nhà làm phim tài liệu Gordon Brown đã trở thành người đầu tiên định vị sông Nin Xanh, từ hồ Tana ở Ethiopia đến các bãi biển thuộc Alexandria ở Địa Trung Hải. Mặc dù chuyến thám hiểm gồm nhiều người khác, nhưng Brown và Scaturro là những người duy nhất hoàn thành toàn bộ cuộc hành trình. Nhóm nghiên cứu sử dụng động cơ rời cho hầu hết cuộc hành trình.
Hình ảnh |
Giải đua ô tô Công thức 1 Malaysia là một trong nhiều giải thuộc giải đua xe Công thức 1 vô địch thế giới diễn ra hàng năm. Các đội đua sẽ thi đấu trên đường đua Quốc tế Sepang tại Sepang, Malaysia.
Các thông số kỹ thuật của đường đua
Tham dự giải Công thức 1 từ: 1999
Số lần tham dự giải Công thức 1: 13
Chiều dài một vòng đua: 5,543 km
Số vòng đua: 56
Tốc độ tối đa: 330 km/h
Sức chứa tối đa: 130.000 ngườiKỷ lục chạy một vòng nhanh nhất: 1 phút 34,223 giây''' của Juan Pablo Montoya (Williams F1) năm 2004
Danh sách cá nhân và đội đua vô địch |
Triton là vệ tinh tự nhiên lớn nhất của Sao Hải Vương và là vệ tinh đầu tiên của Sao Hải Vương được phát hiện. Nó được khám phá vào ngày 10 tháng 10 năm 1846 bởi nhà thiên văn học người Anh William Lassell. Đây là vệ tinh lớn duy nhất trong Hệ Mặt Trời có quỹ đạo nghịch hành, quỹ đạo theo hướng ngược với vòng quay của hành tinh. Với đường kính 2.710 kilômét (1.680 mi), đây là vệ tinh lớn thứ bảy trong Hệ Mặt Trời, vệ tinh duy nhất của Sao Hải Vương đủ lớn để ở trạng thái cân bằng thủy tĩnh và vệ tinh hành tinh lớn thứ hai so với hành tinh của nó, sau Mặt Trăng của Trái Đất. Do quỹ đạo nghịch hành và thành phần tương tự như Sao Diêm Vương, Triton được cho là một hành tinh lùn bị bắt từ vành đai Kuiper.
Tên gọi
Triton được Camille Flammarion đặt tên theo vị thần biển Triton trong thần thoại Hy Lạp, con trai của thần Poseidon và nữ thần biển Amphitrite, năm 1880. Có lẽ hơi lạ là William Lassell, người phát hiện lại không đặt tên cho vệ tinh này vì chỉ vài năm sau, ông đã đặt tên cho những vệ tinh mới do ông phát hiện như mặt trăng thứ tám của Sao Thổ (Hyperion) và mặt trăng thứ ba và bốn của Sao Thiên Vương (Ariel và Umbriel).
Tuy nhiên chỉ đến khi mặt trăng thứ hai của Sao Hải Vương là Nereid được phát hiện thì Triton mới trở thành tên gọi chính thức của vệ tinh này.
Quỹ đạo
Triton là vệ tinh duy nhất trong số tất cả các mặt trăng lớn của hệ Mặt Trời có quỹ đạo nghịch hành xung quanh hành tinh (tức là quỹ đạo của nó ngược với chiều quay của hành tinh). Những mặt trăng nhỏ ở xa Sao Mộc và Sao Thổ, cùng với ba mặt trăng ngoài cùng của Sao Thiên Vương cũng có quỹ đạo nghịch hành nhưng mặt trăng lớn nhất trong số đó (Phoebe) cũng chỉ có đường kính bằng 8% và khối lượng bằng 0.03% của Triton. Những mặt trăng có quỹ đạo nghịch hành không được hình thành từ cùng một miền của đám tinh vân tạo nên mặt trời với hành tinh của nó mà được "bắt" từ nơi khác. Điều này có thể giải thích một số đặc trưng của hệ Sao Hải Vương kể cả quỹ đạo hết sức kì lạ của mặt trăng ngoài cùng Nereid và bằng chứng về sự khác biệt trong lõi của Triton. Sự tương tự trong kích thước và thành phần của Triton đối với Sao Diêm Vương cũng như quỹ đạo kì lạ đi ngang Sao Hải Vương của Sao Diêm Vương phần nào gợi ý cho giả thuyết về nguồn gốc của Triton như một hành tinh giống Sao Diêm Vương.
Tính chất vật lý
Triton là mặt trăng lớn thứ bảy và là thiên thể lớn thứ mười sáu trong Hệ Mặt Trời, thậm chí còn lớn hơn Sao Diêm Vương và Eris. Khối lượng của Triton lớn hơn 99,5% tổng khối lượng các thiên thể quay quanh Sao Hải Vương như các vành đai bao quanh hành tinh và 13 mặt trăng khác, Triton còn nặng hơn các mặt trăng kích thước nhỏ hơn trong Hệ Mặt Trời gộp lại. Mật độ của Triton là 2,05 g/cm³, cho thấy nó có thể chứa khoảng 25% là băng, chiếm còn lại là đá.
Bề mặt Triton bao phủ bởi một lớp băng nitơ trong suốt. Giống Sao Diêm Vương, lớp vỏ của Triton chứa gồm 55% băng nitơ và những hợp chất băng khác trộn vào nhau, 15-35% băng nước và 10-20% băng khô đông lạnh, cùng với lượng nhỏ mêtan và carbon monoxit. Trên bề mặt cũng chứa băng amoniac, và dihydrate phân bố trên thạch quyển. Diện tích bề mặt của Triton là 23 triệu km², bằng 15,5% diện tích phần đất liền trên Trái Đất. Suất phản chiếu của Triton luôn cao, độ sáng của nó chiếm 70% so với khi ánh sáng Mặt Trời chiếu lên Triton. Bề ngoài màu đỏ ửng của Triton là do băng mêtan hấp thụ bước sóng hồng ngoại.
Bởi bề mặt Triton trải qua bị nung chảy lâu dài, những mô hình về cấu trúc bên trong mặt trăng cho rằng bên trong Triton, giống với Trái Đất, gồm một lõi rắn, lớp manti và lớp vỏ. Nước chiếm hầu hết trên lớp manti, bao quanh vùng lõi chứa đá và kim loại. Có đủ đá bên trong Triton để phân rã phóng xạ để duy trì một đại dương nước ngầm cho đến hiện nay, giống như đại dương ngầm tồn tại bên dưới bề mặt Europa và một số thiên thể băng giá khác nằm ngoài Hệ Mặt Trời. Điều này được cho là không đủ để cung cấp năng lượng để tuần hoàn trong lớp vỏ băng giá của Triton. Tuy nhiên, các thủy triều nghiêng mạnh được cho là tạo ra đủ lượng nhiệt thêm vào để thực hiện điều này và tạo ra các dấu hiệu quan sát được về hoạt động địa chất trên bề mặt Triton trong gần đây. Những vật chất có màu đen được phun ra có khả năng chứa các hợp chất hữu cơ, và nếu nước lỏng có hiện diện trên Triton, người ta suy đoán rằng điều này có thể khiến nó có thể sống được đối với một số hình thức sự sống.
Khí quyển
Triton có khí quyển mỏng giàu nitơ, cacbon monoxit và lượng nhỏ khí mêtan. Cũng giống với khí quyển Sao Diêm Vương, khí quyển Triton được cho là do sự bốc hơi băng nitơ từ bề mặt của mặt trăng. Nhiệt độ bề mặt Triton là 35,6 K (-237,6 °C), bởi băng nitơ trên Triton ấm hơn, trong trạng thái kết tinh và giai đoạn chuyển tiếp giữa các khối băng nitơ và diễn ra tại nền nhiệt độ đó. Một giới hạn nhiệt độ ở ngưỡng 40 K có thể được tạo ra từ trạng thái cân bằng áp suất khí nitơ bay hơi trong khí quyển của Triton. Điều này khiến Triton lạnh hơn Sao Diêm Vương, thiên thể có nhiệt độ cân bằng trung bình là 44 K (-229 °C). Áp suất khí quyển trên bề mặt Triton nhỏ, chỉ khoảng 1,4-1,9 Pa (0,014-0,019 mbar).
Sự không đồng đều trên bề mặt Triton hình thành nên một tầng đối lưu có độ cao lên tới 8 km. Những dải hẹp (streaks) trên bề mặt Triton tạo ra bởi các mạch nước phun (geysers), điều đó cho rằng những cơn gió hoạt động theo mùa trên tầng đối lưu có khả năng chuyển dời vật chất có kích thước hơn 1 micromet. Không giống như khí quyển của các thiên thể khác, Triton không có tầng bình lưu, nhưng nó lại có một tầng thượng khí quyển nằm cách bề mặt 8–950 km, và trên cùng là ngoại quyển. Nhiệt độ khí quyển Triton ở ngưỡng 95 ± 5 K, cao hơn nhiệt độ bề mặt do Triton nhận lượng nhiệt từ không gian vũ trụ. Đám sương mù hiện diện trên tầng đối lưu Triton, chúng được cho là chứa chủ yếu hydrocarbon và nitrile được tạo thành bởi quá trình bức xạ Mặt Trời len lỏi vào khu vực chứa khí mêtan. Khí quyển Triton cũng xuất hiện những đám mây nitơ đặc nằm ở độ cao cách bề mặt 1 và 3 km. Trong thập niên 1990, các quan sát trên mặt đất khi Triton đi qua phía trước một ngôi sao. Một cuộc quan sát cho thấy có sự hiện diện của một lớp khí quyển còn đặc hơn lớp khí quyển được cho là ghi từ dữ liệu của Voyager 2. Quan sát khác cho thấy nhiệt độ tăng lên từ 5% trong giai đoạn 1989-1998. Các quan sát này cho thấy mùa hè trên Triton nóng bất thường, chỉ diễn ra vài trăm năm trong một lần. Các giả thuyết về sự nóng lên này bao hàm sự thay đổi về các mẫu băng nước trên bề mặt Triton và sự thay đổi của băng theo suất phản chiếu, dẫn đến việc hấp thụ lượng nhiệt nhiều hơn. Một giả thuyết khác lập luận rằng các thay đổi về nhiệt độ là kết quả của các trầm tích, vật chất màu đỏ sẫm tạo ra từ các quá trình địa chất trên bề mặt Triton. Bởi suất phản chiếu Bond của Triton cao nhất trong Hệ Mặt Trời, nó là nhạy cảm với biến đổi nhỏ trong quang phổ suất phản chiếu.
Bề mặt
Núi lửa đóng băng
Địa cực, đồng bằng và núi
Địa hình
Hình ảnh |
Hồ Erie (tiếng Pháp: lac Érié; tiếng Anh Lake Erie, phát âm như "I-ri"), kề cận về phía bắc với tỉnh Ontario (Canada), về phía nam với các tiểu bang Mỹ Ohio, Pennsylvania, và New York, và về phía tây với tiểu bang Michigan, là hồ nhỏ nhất theo thể tích và nông nhất của Ngũ Đại Hồ ở Bắc Mỹ. Hồ này có tên của người Erie, bộ lạc thổ dân sống dọc theo bờ hồ về phía nam trước khi người Âu Châu tới vùng này.
Địa lý
Hồ Erie nói riêng là hồ tự nhiên lớn thứ 13 trên thế giới, khi tính vào hai biển Caspi và Aral. Nó có diện tích mặt nước là 25.700 km² (tức là 9.910 dặm vuông) và độ sâu trung bình là 19 m (62 foot), và nó chứa đựng 484 km³ nước (116 dặm khối nước). Để so sánh, hồ Superior có độ sâu trung bình là 147 m (483 foot), thể tích là 12.100 km³ (2.900 dặm khối), và đường bờ hồ kéo dài 4.385 km (2.726 dặm).
Hồ Erie có độ cao 173 m (569 foot) trên mặt biển. Nó dài 388 km (241 dặm) và ngang 92 km (57 dặm). Độ sâu trung bình của nó là 19 m (62 foot) và độ sâu cực đại là 64 m (210 foot). Phần tây, tức là ¼ của diện tích nông hơn với độ sâu trung bình là 13 m (42 foot) và độ sâu cực đại là 19 m (62 foot). Cái hay là độ sâu của hồ này ít hơn độ cao của thác Niagara, tức là cả hồ này sẽ bị cạn hoàn toàn khi thác nước đó cuối cùng bị ăn mòn tới cửa hồ.
Phần lớn nước của hồ Erie chảy từ sông Detroit (từ hồ Huron và hồ Saint Clair) và chảy tiếp theo sông Niagara và thác Niagara vào hồ Ontario. Các tàu có thể lái xuôi dòng bằng kênh Welland, một phần của Đường biển Saint Lawrence. Các nhánh sông quan trọng kia của hồ Erie bao gồm sông Grand, sông Raisin, sông Huron, sông Maumee, sông Sandusky, và sông Cuyahoga.
Ba tiểu bang Mỹ Ohio, Pennsylvania, và New York nằm về phía nam của hồ Erie; Michigan về phía tây, và tỉnh Ontario (Canada) về phía bắc. Vườn Quốc gia mũi Pelee, nơi cực nam của đất liền Canada, thuộc bán đảo nhô ra hồ. Vài đảo nằm ở phần tây của hồ; mỗi đảo này thuộc về Ohio trừ ra đảo Pelee của Ontario.
Các thành phố Buffalo, New York; Erie, Pennsylvania; Toledo, Ohio; Monroe, Michigan; và Cleveland, Ohio ven bờ biển của hồ Erie. Nó là hồ cuối cùng của Ngũ Đại Hồ được người Pháp tìm ra, sau khi họ theo những nhánh sông của hồ Ontario và khuân xuồng qua hồ Huron.
Địa chất
Hồ Erie có thời gian giữ nước là 2,6 năm, thời gian ngắn nhất của các Ngũ Đại Hồ.
Các đảo trên hồ Erie
Đảo Gà Lớn (Big Chicken Island)
Đảo Gà con (Chick Island)
Đảo Em Đông (East Sister Island)
Đảo Gibraltar
Đảo Green
Đảo Gull
Đảo Gà mái (Hen Island)
Đảo Johnson
Đảo Kelley
Đảo Gà Nhỏ (Little Chicken Island)
Đảo Lost Ballast
Đảo Trung (Middle Island)
Đảo Bass Trung (Middle Bass Island)
Đảo Em Trung (Middle Sister Island)
Đảo Chuột (Mouse Island)
Đảo Bass Bắc (North Bass Island)
Đảo Cảng Bắc (North Harbour Island)
Đảo Pelee
Đảo Rắn chuông (Rattlesnake Island)
Đảo Bass Nam (South Bass Island)
Đảo Starve
Đảo Đường (Sugar Island)
Đảo Rùa (Turtle Island)
Đảo Em Tây (West Sister Island)
Lịch sử
Năm 1813, Trận hồ Erie dẫn ra trên hồ này giữa Hải quân Hoa Kỳ và Hải quân Hoàng gia của Vương quốc Anh trong Chiến tranh năm 1812. Sĩ quan chỉ huy Oliver Hazard Perry được nổi tiếng vì trận này.
Hồ Erie là hồ cạn nhất của các Ngũ Đại Hồ và được nổi tiếng vào thập niên 1960 và 1970 vì bị ô nhiễm. Dân ở vùng đấy thường miêu tả nó là hồ chết, nhưng đánh cá thể thao và thương mại vẫn tiếp tục đến ngày nay. Vụ ô nhiễm ở hồ không được nổi tiếng đến Vụ cháy sông Cuyahoga vào tháng 6 năm 1969. Ô nhiễm từ Cleveland và những thành phố khác của Ohio đã làm nhánh sông này của hồ Erie bẩn với chất hóa dầu đến độ mà nó cháy tự nó. Vụ cháy này làm chính phủ tiểu bang mắc cỡ và bắt Quốc hội Hoa Kỳ phải thông qua Đạo luật Nước sạch. |
Cúp các câu lạc bộ đoạt cúp bóng đá quốc gia châu Á (), cũng thường được gọi là Cúp C2 châu Á trong tiếng Việt, là giải đấu bóng đá thường niên giữa các câu lạc bộ bóng đá châu Á đoạt cúp quốc gia.
Đội vô địch sẽ giành quyền chơi trận tranh Siêu cúp bóng đá châu Á với đội vô địch bóng đá các câu lạc bộ châu Á. Giải do Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) tổ chức lần đầu tiên vào năm 1990 và giải thể năm 2002 sau khi sáp nhập với Giải vô địch bóng đá các câu lạc bộ châu Á để hình thành AFC Champions League.
Các trận chung kết
Thống kê
Theo quốc gia
Theo câu lạc bộ
Các HLV vô địch |
Triton là tên của một vị thần biển trong thần thoại Hy Lạp, được dùng cho các trường hợp sau:
Vũ trụ
Triton, vệ tinh tự nhiên lớn nhất của Hải Vương Tinh
Khí quyển Triton
Vật lý
Triton được dùng để gọi tên hạt nhân của triti
Triton X-100, một loại chất hoạt động bề mặt không gây ion hoá thường được sử dụng trong các dung dịch đệm
Sinh học
Chi ốc biển Triton thuộc họ Ranellidae
Chi kỳ giông Triton thuộc họ Salamandridae
Khác
Tên của phiên bản AIM mới nhất
Trang định hướng tên khoa học |
Siêu cúp bóng đá châu Á (tiếng Anh: Asian Super Cup) là giải bóng đá hàng năm giữa 2 câu lạc bộ đoạt Cúp các câu lạc bộ vô địch bóng đá quốc gia châu Á và Cúp các câu lạc bộ đoạt cúp bóng đá quốc gia châu Á. Giải do Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) tổ chức lần đầu tiên vào năm 1995 và chấm dứt năm 2002 sau khi sáp nhập với 2 cúp trên thành giải AFC Champions League.
Các trận chung kết
(1) - tổng 2 lượt sân nhà, sân khách
Thống kê Siêu cúp bóng đá châu Á
Theo câu lạc bộ
Bảng dưới đây liệt kê các câu lạc bộ theo số lần vô địch và á quân tại Siêu cúp châu Á.
Theo quốc gia
Bảng dưới đây liệt kê các quốc gia theo số lần vô địch và á quân tại Siêu cúp châu Á.
Theo đại diện
Theo huấn luyện viên
Bảng dưới đây liệt kê các huấn luyện viên vô địch Siêu cúp châu Á. |
Cúp AFC () là một giải bóng đá cấp câu lạc bộ lục địa thường niên do Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) tổ chức. Theo luật hiện tại, giải đấu chỉ chủ yếu dành cho các câu lạc bộ từ các quốc gia có thứ hạng thấp không có suất vào thẳng trực tiếp ở AFC Champions League dựa trên bảng xếp hạng giải đấu cấp câu lạc bộ AFC.
Al-Kuwait và Al-Quwa Al-Jawiya là các câu lạc bộ thành công nhất trong lịch sử của giải đấu, mỗi đội vô địch ba lần. Các câu lạc bộ đến từ Kuwait đã vô địch bốn lần, khiến họ trở thành quốc gia thành công nhất ở giải đấu. Kể từ khi giải đấu khởi tranh vào năm 2004, các câu lạc bộ từ Tây Á thống trị các trận chung kết của mỗi kỳ cho đến năm 2015 khi câu lạc bộ Malaysia Johor Darul Ta'zim từ Đông Á trở thành một trong các đội lọt vào chung kết và lên ngôi vô địch. Al-Seeb của Oman là đương kim vô địch sau khi đánh bại Kuala Lumpur City của Malaysia trong trận chung kết năm 2022.
Điều lệ giải đấu (Từ 2017 đến 2023–24)
Từ năm 2017, thể thức của AFC Cup được thay đổi, với mục đích giảm chi phí di chuyển giữa các địa điểm diễn ra các trận đấu.
Có 36 câu lạc bộ sẽ tham dự giải đấu (Kể từ năm 2021, con số này có thể lên tới 48), chia thành 9 bảng (Kể từ năm 2021, con số này có thể lên tới 12), mỗi bảng gồm 4 đội. Các suất tham dự được phân bố như sau:
12 đội đến từ các liên đoàn thành viên của Liên đoàn bóng đá Tây Á (WAFF), được chia thành 3 bảng A, B và C.
4 đội (Kể từ năm 2021, con số này có thể lên tới tối đa 8 đội) đến từ các liên đoàn thành viên của Liên đoàn bóng đá Trung Á (CAFA), được xếp vào bảng D (và có thể là bảng E).
4 đội (Kể từ năm 2021, con số này có thể lên tới tối đa 8 đội) đến từ các liên đoàn thành viên của Liên đoàn bóng đá Nam Á (SAFF), được xếp vào bảng E (Tùy thuộc vào số bảng ở khu vực Trung Á và Nam Á mà có thể thay thành bảng F và/hoặc G).
12 đội đến từ các liên đoàn thành viên của Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF), được chia thành 3 bảng F, G và H (Tùy thuộc vào số bảng ở khu vực Trung Á và Nam Á mà có thể thay vào bảng I và/hoặc J).
4 đội (Kể từ năm 2021, con số này có thể lên tới tối đa 8 đội) đến từ các liên đoàn thành viên của Liên đoàn bóng đá Đông Á (EAFF), được xếp vào bảng I (Tùy thuộc vào số bảng ở khu vực Trung Á và Nam Á mà có thể thay thành bảng J, K và L).
Các đội Trung Á, Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á được xếp vào 1 nhóm gọi là Liên khu vực (Inter-zone), và đội vô địch nhóm này sẽ giành quyền vào chung kết tổng gặp đội vô địch Tây Á. Thể thức chi tiết như sau:
Vòng bảng
Tây Á và Đông Nam Á
12 đội của mỗi khu vực sẽ được chia thành 3 bảng (Ở khu vực Tây Á là các bảng A, B và C và ở khu vực Đông Nam Á là các bảng F, G và H), mỗi bảng gồm 4 đội. Các đội thi đấu vòng tròn 2 lượt trong bảng của mình. 3 đội nhất bảng và 1 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất sẽ đi tiếp vào vòng loại trực tiếp khu vực tương ứng.
Liên khu vực Trung Á, Nam Á và Đông Á
4 đội của mỗi khu vực được xếp vào 1 bảng riêng cho mỗi khu vực (Ở khu vực Trung Á là bảng D, khu vực Nam Á là bảng E và ở khu vực Đông Á là bảng I, nhưng từ năm 2021, tùy vào số suất dự vòng bảng mà có thể thay đổi thành 2 bảng cho khu vực đó). Các đội thi đấu vòng tròn 2 lượt trong bảng của mình. 3 đội nhất bảng sẽ đi tiếp vào vòng loại trực tiếp liên khu vực. Kể từ năm 2021, trong trường hợp một khu vực có 2 bảng, sẽ có trận chung kết cho riêng khu vực đó, và đội thắng sẽ đi tiếp vào vòng loại trực tiếp liên khu vực.
Vòng loại trực tiếp
Vòng loại trực tiếp khu vực Tây Á (West Asia Zonal Playoff)
3 đội nhất bảng và 1 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất của các bảng đấu thuộc khu vực Tây Á (Bảng A, B và C) sẽ bốc thăm đá cặp với nhau. Hai đội thắng trong hai trận bán kết sẽ đối đầu với nhau ở trận chung kết khu vực và giành vé trực tiếp vào chung kết tổng giải đấu.
Vòng loại trực tiếp khu vực Đông Nam Á (ASEAN Zonal Playoff)
3 đội nhất bảng và 1 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất của các bảng đấu thuộc khu vực Đông Nam Á (Bảng F, G và H) sẽ bốc thăm đá cặp với nhau. Hai đội thắng trong hai trận đấu bán kết sẽ đối đầu với nhau ở trận chung kết khu vực để giành vé đá bán kết liên khu vực.
Vòng loại trực tiếp liên khu vực (Inter-zone Playoff)
3 đội nhất bảng liên khu vực (Bảng D, E và I, hoặc là đội thắng chung kết khu vực tương ứng) và 1 đội bóng vô địch khu vực Đông Nam Á sẽ bốc thăm đá cặp với nhau. Hai đội thắng trong hai trận bán kết sẽ đối đầu với nhau ở trận chung kết để giành vé vào chung kết tổng giải đấu.
Chung kết tổng (Final)
Đội vô địch Tây Á và đội vô địch liên khu vực sẽ đối đầu với nhau trong trận chung kết tổng. Trận đấu sẽ chỉ diễn ra 1 lượt duy nhất trên sân của 1 trong 2 đội và sẽ thay đổi theo năm, với trận chung kết năm lẻ diễn ra ở sân của đội vô địch Liên khu vực, và năm chẵn sẽ diễn ra trên sân của đội vô địch Tây Á.
Thể thức này khiến cho AFC Cup trở thành giải đấu có thể thức phức tạp và lằng nhằng nhất thế giới hiện nay.
Kể từ năm 2021, nếu một khu vực trong nhóm Liên khu vực có từ 4 suất vào thẳng vòng bảng trở lên, hoặc có từ 7 suất dự vòng sơ loại và play-off trở lên, khu vực đó sẽ có 2 bảng. Tại AFC Cup 2021, do khu vực Trung Á có tới 7 đội được phân bổ suất dự vòng bảng, nên khu vực này sẽ có 2 bảng: D và E.
Thể thức mới và đổi tên (từ mùa giải 2024–25)
Từ mùa giải 2024–25, thể thức các giải bóng đá cấp câu lạc bộ của AFC có sự thay đổi, theo đó giải đấu hạng 2 mới thay cho Cúp AFC sẽ có 32 đội tham dự vòng bảng, chia làm 2 khu vực Đông và Tây (mỗi khu vực 16 đội). Các đội được chia làm 8 bảng (4 bảng A–D dành cho khu vực Tây Á, 4 bảng E–H dành cho khu vực Đông Á). Tại vòng bảng, các đội thi đấu vòng tròn 2 lượt tính điểm chọn ra 2 đội đứng đầu vào vòng loại trực tiếp. Các đội thi đấu loại trực tiếp 2 lượt riêng rẽ trong khu vực của mình cho đến trận Chung kết, nơi 2 đội sẽ thi đấu 1 trận duy nhất trên sân trung lập.
Ngày 14 tháng 8 năm 2023, AFC công bố tên của giải đấu thay thế Cúp AFC là AFC Champions League 2.
Phân bổ
Đã từng có 32 liên đoàn bóng đá quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc AFC có đại diện tham dự, trong đó có 27 liên đoàn đã từng có đại diện tham dự tới vòng đấu bảng AFC Cup. Đối với các liên đoàn chưa bao giờ có đại diện lọt tới vòng đấu bảng thì không được liệt kê ở bảng bên dưới. Đối với dấu (*) dành cho những lần mà quốc gia đó có đại diện tham dự nhưng ít nhất là thất bại ở vòng loại.
Kết quả và thống kê
Các trận chung kết
*Do CHDCND Triều Tiên bị cấm phát sóng các trận đấu bóng đá diễn ra tại nước này, trận chung kết AFC Cup 2019 được chuyển sang đá tại Kuala Lumpur, Malaysia.
Thành tích theo câu lạc bộ
Thành tích theo quốc gia
Giải thưởng
Vua phá lưới |
Tổ chức từ thiện là một loại tổ chức phi lợi nhuận ("N.P.O") thực hiện các hoạt động từ thiện. Thuật ngữ này là tương đối chung chung và kỹ thuật có thể tham khảo một tổ chức từ thiện công cộng (còn gọi là "quỹ từ thiện", "quỹ công cộng" hoặc đơn giản là "quỹ") hoặc một quỹ tư nhân. Nó khác với các loại NPO trong đó tập trung của nó là tập trung vào mục tiêu có tính chất từ thiện nói chung (ví dụ như từ thiện, giáo dục, tôn giáo, hoặc các hoạt động khác,nhằm phục vụ ("chính sách") và kêu gọi cộng đồng hoặc tuyên truyền đến mọi người (hãy mường tượng đến những tác giả để lại những lịch sử đóng góp trên trang wiki nhằm ("quyên góp") để Wiki mang đến những giá trị được chia sẻ đến ("cộng đồng")).
(*Các định nghĩa pháp lý") của tổ chức từ thiện thay đổi tùy theo đất nước và trong một số trường hợp theo các khu vực của các ("Quốc gia") mà tổ chức từ thiện hoạt động. Các quy định, xử lý thuế, và cách thức pháp luật ảnh hưởng đến tổ chức từ thiện cũng thay đổi.
("Tổ chức") từ thiện không thuộc sự quản lý của ("chính phủ") ("là một trong những tổ chức phi chính phủ) hoạt động nhờ kinh phí từ các tổ chức ("kinh tế") và cá nhân đóng góp. Hoạt động của các ("tổ chức từ thiện") bao gồm các ("phong trào vận động gây quỹ"), chuyển trợ giúp bằng quà hay tiền đến những đối tượng thuộc diện khó khăn và cần trợ giúp của xã hội. Tổ chức từ thiện thường được tổ chức với sự giúp đỡ của [[Giáo hội Phật giáo,Chùa, nhà thờ Thiên chúa giáo, Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế|Hội Chữ thập đỏ và có hoạt động gắn liền với các cơ sở ("dạy nghề") hay ("chữa bệnh") như bệnh viện, các ("trại dưỡng lão"), trại ("trẻ mồ côi").
Tại Úc
Định nghĩa của tổ chức từ thiện ở Úc có nguồn gốc thông qua luật của Anh, ban đầu từ từ thiện Sử dụng Đạo luật 1601, và sau đó thông qua nhiều thế kỷ của pháp luật dựa trên nó. Năm 2002, Chính phủ liên bang thiết lập một cuộc điều tra vào định nghĩa của tổ chức từ thiện. Đó là yêu cầu đề nghị rằng chính phủ nên ban hành luật một định nghĩa của tổ chức từ thiện, dựa trên các nguyên tắc phát triển thông qua các trường hợp pháp luật. Điều này dẫn đến Tổ chức từ thiện Bill 2003. Bill kết hợp một số quy định, chẳng hạn như hạn chế về tổ chức từ thiện được tham gia vận động chính trị, mà nhiều tổ chức từ thiện đã thấy như là một đi không mong muốn từ trường hợp pháp luật. Chính phủ sau đó bổ nhiệm một Hội đồng quản trị của cuộc điều tra thuế để tham khảo ý kiến với các tổ chức từ thiện Bill. Như một kết quả của sự chỉ trích rộng rãi từ các tổ chức từ thiện, Chính phủ đã quyết định từ bỏ dự án Luật.
Kết quả là, các chính phủ sau đó giới thiệu mở rộng Mục đích từ thiện Act 2004 đã trở thành những gì. Bill đã không cố gắng để hệ thống hóa các định nghĩa của một mục đích từ thiện, nó chỉ đơn thuần là tìm cách làm rõ rằng mục đích nhất định thực sự từ thiện, từ thiện tình trạng đã bị nghi ngờ của pháp luật. Các mục đích: chăm sóc trẻ em, các nhóm tự giúp đỡ, đóng / dòng tu chiêm niệm
Công khai quyên góp tiền, tổ chức từ thiện ở Úc được yêu cầu phải đăng ký theo thẩm quyền nhà nước mà trong đó họ có ý định gây quỹ và phải được đăng ký trong mỗi và bất kỳ bang nào mà trong đó họ có ý định công khai gây quỹ. Ví dụ, trong tổ chức từ thiện Queensland phải đăng ký với Văn phòng QLD of Fair Trading. Một ví dụ về một tổ chức từ thiện đăng ký ở Queensland, Úc Sunnykids như vậy trong khi Sunnykids công khai có thể gây quỹ cho các mục đích từ thiện, và trong khi đóng góp như vậy là thuế khấu trừ trong tất cả các bang và lãnh thổ Úc - Kinh phí mình chỉ có thể tăng lên trong QLD như này là Nhà nước duy nhất trong đó tổ chức từ thiện được đăng ký để gây quỹ. Để cho các tổ chức từ thiện để gây quỹ trong các bang và vùng lãnh thổ Úc còn lại, nó sẽ cần phải đăng ký tại các bang hoặc vùng lãnh thổ riêng. Không cần phải nói, các tổ chức từ thiện Nhiều người Úc đang kêu gọi chính phủ liên bang và bang và vùng lãnh thổ thống nhất pháp luật cho phép đăng ký trong một bang hoặc vùng lãnh thổ để cho phép các tổ chức từ thiện để gây quỹ trong tất cả tám bang và vùng lãnh thổ Úc.
Canada
Tổ chức từ thiện ở Canada phải được đăng ký với Cục Tổ chức từ thiện Cơ quan thuế Canada. Theo Cơ quan thuế Canada:
Một tổ chức từ thiện đăng ký là một tổ chức được thành lập và hoạt động cho các mục đích từ thiện, và phải dành nguồn lực của mình để hoạt động từ thiện. Tổ chức từ thiện phải được cư trú ở Canada, và không thể sử dụng thu nhập của mình để mang lại lợi ích cho các thành viên.
Tổ chức từ thiện cũng phải đáp ứng một thử nghiệm lợi ích công cộng. Để đủ điều kiện theo thử nghiệm này, một tổ chức phải chứng minh rằng:
Hoạt động và mục đích cung cấp một lợi ích hữu hình cho công chúng
Những người có đủ điều kiện cho lợi ích công chúng như một toàn bộ, hoặc một phần đáng kể của nó, trong đó họ không phải là một nhóm hạn chế hoặc một trong những nơi các thành viên chia sẻ một kết nối riêng, chẳng hạn như các câu lạc bộ xã hội hoặc các hiệp hội chuyên nghiệp với các thành viên cụ thể
Các hoạt động của tổ chức từ thiện phải được pháp lý và không được trái với chính sách công
Để đăng ký là tổ chức từ thiện, tổ chức này phải được kết hợp hoặc điều chỉnh bởi một văn bản quy phạm pháp luật được gọi là một sự tin tưởng hay một hiến pháp. Tài liệu này đã giải thích mục đích của tổ chức và cấu trúc.
Vương quốc Anh
Anh quốc và xứ Wales
Định nghĩa
Một tổ chức từ thiện, tổ chức từ thiện, ở Anh và xứ Wales là một loại đặc biệt của tổ chức tự nguyện Một tổ chức tự nguyện là một tổ chức thiết lập cho mục đích từ thiện, xã hội, từ thiện hoặc các là cần thiết để sử dụng bất kỳ lợi nhuận, thặng dư chỉ cho mục đích của tổ chức, và không phải là một phần của bất kỳ bộ phận quản lý, chính quyền địa phương hoặc cơ quan khác theo luật định Tất cả các tổ chức từ thiện là các tổ chức tự nguyện, nhưng không phải tất cả các tổ chức tự nguyện ở Anh và xứ Wales được tổ chức từ thiện.
Đối với một tổ chức tự nguyện là một tổ chức từ thiện, từ thiện, mục tiêu tổng thể của nó, đôi khi được gọi là "mục đích" của tổ chức, phải từ thiện. Tất cả các mục đích của tổ chức phải được từ thiện, như là một tổ chức từ thiện không thể có một số mục đích từ thiện và một số không Luật Các Tổ chức từ thiện 2006 cung cấp danh sách mục đích từ thiện sau đây
Phòng ngừa và giảm đói nghèo
Sự tiến bộ của giáo dục
Sự tiến bộ của tôn giáo
Sự tiến bộ của y tế hoặc tiết kiệm của cuộc sống
Sự tiến bộ của công dân hoặc phát triển cộng đồng
Sự tiến bộ của nghệ thuật, văn hóa, di sản hoặc khoa học
Sự tiến bộ của thể thao nghiệp dư
Sự tiến bộ của nhân quyền, giải quyết xung đột, hòa giải hoặc thúc đẩy hòa hợp tôn giáo hay chủng tộc hay bình đẳng và sự đa dạng
Sự tiến bộ của bảo vệ hoặc cải thiện môi trường
Cứu trợ của những người có nhu cầu, bởi lý do của thanh niên, tuổi tác bất lợi, sức khoẻ kém, khuyết tật, tài chính khó khăn, vv
Sự tiến bộ của phúc lợi động vật
Thúc đẩy hiệu quả của quân đội hoàng gia hoặc các dịch vụ cảnh sát, cứu hỏa, cứu nạn, cứu thương
Mục đích khác được công nhận là từ thiện và bất kỳ mục đích từ thiện mới nào tương tự như một mục đích từ thiện khác.
Một tổ chức từ thiện cũng phải cung cấp một lợi ích công cộng.
Về mặt pháp lý, tất cả các tổ chức từ thiện cũng phải thực hiện theo:
Tổ chức từ thiện các hành vi năm 1992 (Phần III) năm 1993, 2006: ủy thác của các tổ chức nhỏ hơn 2006 Đạo luật (Văn phòng của ngành thứ ba)
Trị Hành vi năm 1925, 2000: Đạo luật mới nhất liên quan đến quyền hạn của ủy thác liên quan đến đầu tư và đoàn đại biểu.
Từ thiện Ủy ban quy định: yêu cầu tuân thủ (tùy thuộc vào thu nhập hàng năm) về việc nộp lợi nhuận hàng năm, báo cáo và tài khoản
Tuyên bố của thực hành được khuyến nghị (SORP) 2005: xuất bản bởi Ủy ban từ thiện, liên quan đến công bố báo cáo hàng năm
Pháp luật về kinh doanh, hoạt động chính trị và gây quỹ
Quy định bao gồm những người disbarred từ hoạt động với tư cách là người được ủy thác theo tổ chức từ thiện Đạo luật 1993 hoặc Biên bản ghi nhớ và các bài viết của bạn
Trước Đạo luật các tổ chức từ thiện năm 2006, định nghĩa của tổ chức từ thiện xuất phát từ một danh sách các mục đích từ thiện trong sử dụng từ thiện Đạo luật 1601 (còn được gọi là Điều lệ của Elizabeth), đã được giải thích và mở rộng thành một cơ thể đáng kể các trường hợp pháp luật. Trong các ủy viên "cho mục đích đặc biệt Thuế thu nhập v Pemsel" (1891), Chúa McNaughten xác định được bốn loại tổ chức từ thiện mà có thể được chiết xuất từ từ thiện Sử dụng Đạo luật và được định nghĩa được chấp nhận của tổ chức từ thiện trước Đạo luật các tổ chức từ thiện 2006.
Giảm đói nghèo,
Sự tiến bộ của giáo dục,
Sự tiến bộ của tôn giáo, và
Mục đích khác được coi là mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Cấu trúc
Cho đến năm 2011, có một số loại cấu trúc pháp lý cho một tổ chức từ thiện ở Anh và xứ Wales.
Hiệp hội phi chính phủ (không có tính pháp nhân)
Ủy thác
Công ty hữu hạn được bảo đảm
Một liên đoàn, chẳng hạn như Royal Charter
Tổ chức liên đoàn từ thiện
[[Hiệp hội phi chính phủ là hình thức phổ biến nhất của tổ chức trong hoạt động tự nguyện ở Anh và xứ Wales. Hiệp hội phi chính phủ là một sự thống nhất giữa các cá nhân, những người đã đồng ý đến với nhau để lập thành một tổ chức cho một mục đích cụ thể. Một Hiệp hội phi chính phủ bình thường sẽ có tài liệu quản lý, hiến pháp, hoặc thiết lập các quy tắc, đề giải quyết các vấn đề như việc bổ nhiệm người quản lý văn phòng, và các quy tắc quản lý thành viên. Tổ chức không phải là một thực thể pháp lý riêng biệt. Vì vậy, nó không thể có các hoạt động pháp lý, nó không thể vay tiền, và nó không thể tham gia vào hợp đồng bằng tên của mình. Ngoài ra những người quản lý có thể được chịu trách nhiệm cá nhân nếu tổ chức từ thiện bị kiện hoặc có các khoản nợ ]]
Tin tưởng bản chất là một mối quan hệ giữa ba bên, các nhà tài trợ của một số tài sản, người được ủy thác là những người nắm giữ tài sản và những người hưởng lợi (những người đủ điều kiện được hưởng lợi từ từ thiện). Khi có niềm tin có mục đích từ thiện, và là một tổ chức từ thiện, tin tưởng được biết đến như một tổ chức từ thiện. Tài liệu quản lý là Chứng thư ủy thác hoặc Tuyên bố của Trust, đi vào hoạt động một khi nó được chữ ký của tất cả các ủy thác. Những bất lợi chính của sự tin tưởng rằng, với một hiệp hội chưa hợp nhất, nó không có một thực thể pháp lý riêng biệt và được ủy thác phải sở hữu tài sản và ký kết hợp đồng. Người được ủy thác cũng chịu trách nhiệm nếu tổ chức từ thiện bị kiện hoặc trách nhiệm phải gánh chịu.
Một công ty bị giới hạn bởi đảm bảo là một công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân, trách nhiệm của thành viên là giới hạn. Một công ty bảo lãnh không có vốn cổ phần, nhưng thay vì có thành viên bảo lãnh thay vì cổ đông. Trong trường hợp công ty bị lên vết thương, các thành viên đồng ý trả một số tiền danh nghĩa mà có thể được ít nhất là £ 1. Một công ty bị giới hạn bởi đảm bảo một cấu trúc hữu ích cho các tổ chức từ thiện đó là mong muốn cho người được ủy thác có sự bảo vệ của trách nhiệm hữu hạn. Ngoài ra, tổ chức từ thiện có một bản sắc pháp lý rõ ràng, và như vậy có thể tham gia vào hợp đồng, chẳng hạn như hợp đồng lao động trong tên riêng của mình
Một số lượng nhỏ của các tổ chức từ thiện được kết hợp bởi Hiến, một tài liệu mà tạo ra một công ty với tư cách pháp nhân (hoặc, trong một số trường hợp, biến đổi một tổ chức từ thiện được thành lập như là một công ty thành một tổ chức từ thiện được thành lập bởi Hiến pháp). Điều lệ phải được sự chấp thuận của [[Hội đồng cơ mật trước khi nhận được sự đồng ý Hoàng gia. Mặc dù bản chất của tổ chức từ thiện sẽ khác nhau tùy thuộc vào các điều khoản ban hành, nói chung là một điều lệ Hoàng gia sẽ cung cấp một tổ chức từ thiện cùng một trách nhiệm hạn chế như là một công ty và khả năng ký kết hợp đồng.
Luật Các Tổ chức từ thiện 2006 giới thiệu một hình thức pháp lý mới thành lập công ty thiết kế đặc biệt cho các tổ chức từ thiện, Thành lập Tổ chức từ thiện. Đây không phải là chưa có sẵn cho các tổ chức từ thiện để sử dụng
Quỹ từ không phải là thường được sử dụng ở Anh và xứ Wales. Đôi khi một tổ chức từ thiện sẽ sử dụng Quỹ từ như là một phần của ví dụ như tên của nó [Quỹ Tim mạch Anh, nhưng điều này không có ý nghĩa pháp lý và không cung cấp bất kỳ thông tin nào về công việc của tổ chức từ thiện hoặc làm thế nào nó là hợp pháp có cấu trúc. Cấu trúc của tổ chức sẽ là một trong ba loại cấu trúc mô tả ở trên.
Đăng ký từ thiện
Tổ chức từ thiện có một thu nhập của hơn £ 5.000, và người mà pháp luật của nước Anh và xứ Wales được áp dụng, phải đăng ký với Ủy ban từ thiện [| Ủy ban từ thiện Anh và xứ Wales. Đối với công ty, pháp luật của nước Anh và xứ Wales thường sẽ áp dụng nếu công ty riêng của mình được đăng ký tại Anh và xứ Wales. Trong trường hợp khác nếu tài liệu quản lý không làm cho nó rõ ràng, pháp luật mà áp dụng sẽ là quốc gia mà tổ chức được kết nối.
Trường hợp thu nhập của một tổ chức không vượt quá 5.000 £ nó không phải là có thể đăng ký như là một tổ chức từ thiện với Ủy ban từ thiện [| Ủy ban từ thiện Anh và xứ Wales. Nó có thể, tuy nhiên, đăng ký như là một tổ chức từ thiện với HM Doanh thu và Hải quan cho các mục đích thuế mà thôi. Với sự gia tăng mức độ đăng ký bắt buộc, £ 5000 do Tổ chức từ thiện Act 2006, tổ chức từ thiện nhỏ hơn có thể được dựa trên HMRC công nhận chứng minh mục đích từ thiện của họ và khẳng định nguyên tắc không vì lợi nhuận của họ
Một số tổ chức từ thiện được gọi là miễn tổ chức từ thiện là không bắt buộc phải đăng ký với Ủy ban từ thiện và không chịu bất cứ quyền hạn giám sát của Ủy ban từ thiện. Các tổ chức từ thiện bao gồm hầu hết các trường đại học và viện bảo tàng quốc gia và một số tổ chức giáo dục khác. Tổ chức từ thiện khác được trừ từ sự cần thiết phải đăng ký, nhưng vẫn phải chịu sự giám sát của Ủy ban từ thiện. Các quy định về tổ chức từ thiện ngoại trừ có tuy nhiên bị thay đổi do các tổ chức từ thiện Act 2006. Nhiều tổ chức từ thiện trừ được tổ chức từ thiện tôn giáo
Bắc Ireland
Tổ chức từ thiện ở Bắc Ai-len]] được đăng ký với Vương quốc Anh [HM Doanh thu và Hải quan. Ủy ban từ thiện cho Bắc Ireland " đã được thành lập và đã nhận được tên và chi tiết của hơn 7.000 tổ chức trước đây đã được cấp tình trạng từ thiện thuế mục đích. Việc tham gia của các tổ chức này vào một danh sách mới và tạm thời dưới tiêu đề "" "Các tổ chức trước đây đã được biết đến như các tổ chức từ thiện" đang tiếp tục. Danh sách này không phải là đăng ký mới, nhưng sẽ được thực hiện công khai trên trang web của CCNI.
Scotland
20.000 tổ chức từ thiện như vậy ở Scotland được đăng ký với Văn phòng quản lý từ thiện Scotland (OSCR), cũng xuất bản Đăng ký tổ chức từ thiện trực tuyến. Scotland có số lượng tổ chức từ thiện bình quân đầu người cao nhất thế giới .
Chế độ Thuế
Tổ chức từ thiện, bao gồm cả tin tưởng từ thiện, có đủ điều kiện cho một tập hợp các phù điêu và miễn thuế tại Anh. Chúng bao gồm các phù điêu và miễn trừ liên quan đến thuế thu nhập, thuế vốn tăng, thuế thừa kế, tem thuế đất nhiệm vụ và thuế giá trị gia tăng.
Hoa Kỳ
Tại Hoa Kỳ một tổ chức từ thiện là một tổ chức được tổ chức và hoạt động cho các mục đích có lợi cho công ích, tuy nhiên có sự phân biệt giữa các loại của các tổ chức từ thiện.
Mỗi tổ chức từ thiện Mỹ và nước ngoài đủ điều kiện được miễn thuế dưới mục 501 (c) (3) của Internal Revenue Code bị xem là một quỹ tư nhân trừ khi nó cho IRS thấy rằng nó rơi vào nhóm khác. Trong một ý nghĩa chung, bất kỳ tổ chức nào không phải là một quỹ tư nhân (tức là nó đủ điều kiện như là một cái gì đó khác) thường là một tổ chức từ thiện công cộng như mô tả trong Mục 509 (a) của Bộ Luật Thuế
Ngoài ra, một quỹ tư nhân thường bắt nguồn quỹ chủ yếu từ một gia đình, cá nhân, công ty hoặc một số nguồn khác duy nhất và thường xuyên hơn không phải là một grantmaker và không yêu cầu tài trợ từ công chúng. Ngược lại, một Quỹ hoặc của tổ chức từ thiện cộng đồng nhận tài trợ từ các cá nhân, chính phủ, cơ sở tư nhân và mặc dù một số tổ chức từ thiện công cộng tham gia trong grantmaking hoạt động, hầu hết các dịch vụ thực hiện trực tiếp hoặc thuế khác miễn hoạt động.
Điều này dẫn đến sự phân biệt khác: Quỹ thường grantmakers (tức là họ sử dụng [[tài chính cung cấp vốn| cung cấp vốn để tài trợ cho các tổ chức khác, lần lượt thực hiện các mục tiêu của nền tảng gián tiếp) thường được gọi là "grantmaker "hoặc" quỹ không hoạt động ". Những tất nhiên có xu hướng được cơ sở tư nhân. Tuy nhiên, một số quỹ tư nhân, (và các tổ chức từ thiện công cộng nhất) sử dụng kinh phí của họ nhận được trực tiếp tham gia vào các hoạt động dịch vụ tự và đạt được mục tiêu của mình "cá nhân", như vậy để nói chuyện.
Ví dụ về một quỹ tư nhân không hoạt động sẽ là Quỹ Rockefeller và Quỹ Bill & Melinda Gates.
Ví dụ về các quỹ điều hành hoặc các tổ chức từ thiện công cộng bao gồm Quỹ AIDS nhi khoa Elizabeth Glaser, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ., Quỹ động vật hoang dã Thế giới.
Các yêu cầu và thủ tục hình thành các tổ chức từ thiện khác nhau giữa các tiểu bang, cũng như các yêu cầu đăng ký và nộp hồ sơ cho các tổ chức từ thiện thực hiện các hoạt động từ thiện hoặc thu hút đóng góp từ thiện Vì vậy, hiệu quả trong thực tế, định nghĩa chi tiết của tổ chức từ thiện được xác định bởi các yêu cầu của pháp luật nhà nước của nhà nước, trong đó các tổ chức từ thiện hoạt động, và yêu cầu giảm thuế liên bang IRS.
Cứu trợ thuế liên bang
Pháp luật về thuế liên bang cung cấp các lợi ích về thuế cho các tổ chức phi lợi nhuận được công nhận như miễn thuế thu nhập liên bang theo mục 501 (c) (3) của Bộ Luật Thuế Vụ (IRC). Những lợi ích của 501 (c) (3) tình trạng bao gồm miễn thuế thu nhập liên bang cũng như đủ điều kiện để nhận được đóng góp từ thiện được khấu trừ thuế. Để hội đủ điều kiện cho 501 (c) (3) tình trạng hầu hết các tổ chức phải áp dụng đối với Sở Thuế Vụ (IRS) cho tình trạng đó
Có một số yêu cầu phải được đáp ứng cho một tổ chức từ thiện để có được 501 (c) (3) tình trạng. Bao gồm các tổ chức được tổ chức như là một công ty, tin tưởng, hoặc chưa hợp hiệp hội, và tài liệu tổ chức của tổ chức (như các mặt thành lập công ty, tin tưởng các tài liệu, hoặc các bài viết của hiệp hội) phải giới hạn mục đích của nó là từ thiện và vĩnh viễn dành tài sản của mình cho mục đích từ thiện. Các tổ chức phải kiềm chế không thực hiện một số hoạt động khác như tham gia trong các chiến dịch chính trị của các ứng cử viên cho văn phòng địa phương, tiểu bang hoặc liên bang, và phải đảm bảo rằng thu nhập của nó không được hưởng lợi bất kỳ cá nhân thuế Hầu hết các tổ chức được miễn yêu cầu phải nộp báo cáo tài chính hàng năm (IRS Form 990) ở cấp tiểu bang và liên bang. Một tổ chức miễn thuế 990 và một số hình thức khác được yêu cầu phải được thực hiện để giám sát công cộng.
Các loại tổ chức từ thiện được coi là của IRS để được tổ chức vì lợi ích công cộng bao gồm những người được tổ chức cho:
Cứu trợ của người nghèo khổ hoặc kém may mắn,
Tiến bộ của tôn giáo,
Tiến bộ của giáo dục, khoa học,
Lắp đặt hoặc bảo trì công trình công cộng, di tích, công trình,
Giảm bớt những gánh nặng của chính phủ,
Giảm bớt căng thẳng khu phố,
Loại bỏ thành kiến và phân biệt đối xử,
Bảo vệ quyền con người và các quyền dân sự được pháp luật bảo đảm,
Chống suy giảm cộng đồng và vị thành niên phạm pháp.
Một số tổ chức khác, bao gồm cả những người tổ chức cho mục đích tôn giáo, khoa học, văn học và giáo dục, cũng như những người để thử nghiệm cho an toàn công cộng và bồi dưỡng quốc gia hoặc cạnh tranh quốc tế thể thao nghiệp dư, và để phòng ngừa tàn bạo cho trẻ em hoặc động vật có thể cũng hội đủ điều kiện cho tình trạng miễn thuế.
IRS, trừ trường hợp hiếm hoi, đề cập đến tất cả các tổ chức hội đủ điều kiện được miễn nộp theo 501 (c) (3) và các tổ chức từ thiện
Việt Nam
Danh sách của các tổ chức có liên quan
- Xin lưu ý phần các liên kết bên ngoài không niêm yết tổ chức từ thiện cá nhân. Nó được dành riêng cho các cơ quan quốc gia quan trọng hơn. Bất kỳ liên kết khác sẽ được nhanh chóng loại bỏ! Tổ chức từ thiện đáng chú ý có thể được đưa vào danh mục: Tổ chức từ thiện. ->
Cơ quan quản lý từ thiện
Sở Thuế Vụ Úc
Cục Doanh thu Canada
Cục Doanh thu nội địa (Hong Kong)
Public Trustee (Ontario)
Từ thiện Ủy ban cho đội tuyển Anh và xứ Wales
Văn phòng quản lý từ thiện Scotland
Ủy ban từ thiện Bắc Ai-len
Hoa Kỳ Internal Revenue Service
SHATAC-Pakistan |
Ca trù (chữ Nôm: 歌籌), còn gọi nôm na là hát cô đầu / hát nhà trò là loại hình diễn xướng bằng âm giai nhạc thính phòng rất thịnh hành tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam. Ca trù thịnh hành từ thế kỷ 15, từng là loại ca trong cung đình và được giới quý tộc và trí thức yêu thích. Ca trù là một sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc.
Cho đến những năm 1980 thể loại này hay được gọi cái tên là hát ả đào (nghĩa đen là "hát xẩm cửa đình"), tuy nhiên sang thập niên 1990 thì hay gọi tên là hát ca trù. Từ "ca trù" được cho là lấy từ chữ Nôm: 歌籌 nghĩa là lối hát bỏ thẻ tre, người nghe hát thấy chỗ nào hay thì ném thẻ cho đào hát. Sau đó cứ đếm thẻ mà trả thành tiền. Các ca nương được gọi là ả đào tuy nhiên chữ "ả" liên kết với mại dâm, nên gọi chêch ra là cô đào, và dạng biến thể là cô đầu. Ca trù từng được tầng lớp trí thức thời phong kiến yêu thích, được biểu diễn tại các đình làng và cả ở cung đình, sau đó phát triển ở các giáo phường, sử dụng phụ nữ và dần bị biến tướng. Thời thực dân, ca trù phát triển ở các đô thị trong các ca quán nơi cung cấp rượu và thuốc phiện. Sau năm 1945 khi Việt Minh lên nắm quyền, nó bị phê phán gắn với các hoạt động mại dâm chế độ cũ. Sau 1954 ca trù chính thức bị cấm, nhưng được khôi phục sau khi công cuộc Đổi Mới được phát động và ngày nay hay được xem là bộ môn nghệ thuật bác học của nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam.
Ngày 1 tháng 10 năm 2009, ca trù được ghi danh là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là Danh hiệu UNESCO ở Việt Nam có vùng ảnh hưởng lớn, với phạm vi tới 16 tỉnh, thành phố ở nửa phía Bắc Việt Nam. Hồ sơ đề cử Ca trù là di sản văn hóa thế giới với không gian văn hóa Ca trù trải dài khắp 16 tỉnh phía Bắc gồm: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Ca trù là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại đứng thứ hai sau ả đào pansori của Hàn Quốc.
Ngày 23 tháng 2 năm 2020, nhằm ngày giỗ tổ nghiệp ca trù, Google lần đầu tiên tôn vinh loại hình nghệ thuật truyền thống này bằng biểu tượng đặc biệt thay thế tạm thời trên trang chủ của Google tại Việt Nam.
Nguồn gốc
Không ai rõ ca trù có từ bao giờ, nhưng có một giai thoại kể rằng nó được khai sinh bởi Đinh Dự - con trai công thần Lam Sơn và công chúa Đường Hoa - người nhà trời. Nên ca trù có nguồn gốc nửa nhân nửa thần, linh thiêng mà cao quý.
Ca trù là dạng nghệ thuật biểu diễn dùng nhiều thể văn chương như: phú, truyện, ngâm, nhưng thể văn chương phổ biến nhất là hát nói và hát kể.
Hát nói xuất hiện sớm nhưng phải đợi đến đầu thế kỷ 19 mới có những tác phẩm lưu truyền đến nay như các tác phẩm của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát,... Nguồn gốc của thể Hát nói trong văn chương Việt Nam được giải thích bằng những nguyên nhân và các sự việc sau đây.
Hát nói là sự phàm tục hoá những thể thánh ca. Trước khi có Hát nói, ở Việt Nam đã có những bài hát xoan, hát cửa đền, cửa chùa, những bài thét nhạc. Những thể ca trong các dịp tế lễ đó chuyển dần công dụng và được các tao nhân, mặc khách tổ chức ngay trong những cuộc giải trí riêng của họ. Các bài hát nói bắt đầu từ đó.
Hát nói là sự cụ thể hoá ảnh hưởng của tư tưởng Lão–Trang. Xưa kia, văn chương Việt Nam về nội dung phải gò bó trong những tư tưởng Khổng Mạnh, về hình thức phải đem theo những quy luật khắt khe, những lối diễn tả nhất định. Cuối thế kỷ thứ 18, do hoàn cảnh rối ren trong xã hội, tư tưởng Lão-Trang có cơ hội bành trướng và hát nói chính là sáng tạo của các nhà nho phóng khoáng, thích tự do, ở đấy họ có thể gửi gấm những tư tưởng, cảm xúc vượt ra ngoài khuôn phép với cách diễn đạt cởi mở, rộng rãi hơn.
Hát nói là biến thể của song thất lục bát. Các nhà viết sách thời xưa cho rằng Hát nói là một hình thức biến đổi của thể ngâm Song thất lục bát: Trong hát nói có Mưỡu là những câu thơ lục bát, nhiều câu 7 chữ có vần bằng, vần trắc, có cước vận, yêu vận. Nhưng khi đã phát triển, Hát nói là một thể tài hỗn hợp gồm: thơ, phú, lục bát, song thất, tứ tự, nói lối,... Trong lối Hát ca trù có nhiều loại như: Dâng hương, Giáo trống, Gủi thư, Thét nhạc thì Hát nói là lối thông dụng và có tính văn chương lý thú nhất; lời hát của thể cách hát nói như nỗi ai oán được thăng hoa thành nguồn cảm hứng bất tận.
Thể cách hát nói cũng được đưa vào trong chầu văn và trở thành thể cách hát phú.
Thành phần trình diễn
Một chầu hát cần có ba thành phần chính:
Một nữ ca sĩ (gọi là "đào" hay "ca nương") sử dụng bộ phách gõ lấy nhịp,
Một nhạc công nam giới (gọi là "kép") chơi đàn đáy phụ họa theo tiếng hát. Nhạc công đàn đáy có lúc hát thể cách hát sử và hát giai, vừa đàn vừa hát
Người thưởng ngoạn (gọi là "quan viên", thường là tác giả bài hát) đánh trống chầu chấm câu và biểu lộ chỗ đắc ý bằng tiếng trống.
Vì là nghệ thuật âm nhạc thính phòng, không gian trình diễn ca trù có phạm vi tương đối nhỏ. Đào hát ngồi trên chiếu ở giữa. Kép và quan viên ngồi chếch sang hai bên. Khi bài hát được sáng tác và trình diễn ngay tại chỗ thì gọi là "tức tịch," nghĩa là "ngay ở chiếu."
Âm nhạc
Ca trù vừa là loại thanh nhạc, vừa là loại khí nhạc. Có một ngôn ngữ âm nhạc tế nhị, tinh vi.
Thanh nhạc: Ca nương phải có giọng thanh - cao - vang, khi hát phải biết ém hơi, nhả chữ và hát tròn vành rõ chữ, biết nảy hạt (đổ hột), đổ con kiến. Ca nương vừa hát, vừa gõ phách. Phải biết rành 5 khổ phách cơ bản, đánh lưu không, tiếng phách phải chắc và giòn, lời ca và tiếng phách phải ăn khớp với nhau.
Khí nhạc: Kép đàn dùng đàn đáy phụ họa. Bản đàn không nhất thiết phải đi theo bài hát, vì phải theo khổ đàn, nhưng khổ đàn – khổ phách – tiếng ca hợp nhau, hài hòa nhuần nhuyễn. Có những cách đàn ca chân phương- theo lề lối hay hàng hoa- sáng tạo và bay bướm.
Quan viên là người cầm chầu, tiếng trống chầu vừa chấm câu khi tham gia vào cuộc diễn tấu, nhưng có tính chất phê phán, khen chê đúng chỗ, để khích lệ ca nương – kép đàn, giúp cho thính giả biết được đoạn nào hay - thật hay và như thế được giáo dục âm nhạc trong cách nghe.
Một số tác phẩm nổi tiếng
Bài bản ca trù có nhiều loại. Phổ biến nhất là hát nói, một thể văn vần có tính cách văn học cao. Những bài hát nói nổi tiếng phải kể đến:
Cao Bá Quát với "Tự tình", "Hơn nhau một chữ thì", "Phận hồng nhan có mong manh", "Nhân sinh thấm thoắt",...
Nguyễn Công Trứ với "Ngày tháng thanh nhàn", "Kiếp nhân sinh", "Chơi xuân kẻo hết xuân đi", "Trần ai ai dễ biết ai",...
Dương Khuê với "Hồng Hồng, Tuyết Tuyết" tức "Gặp đào Hồng đào Tuyết".
Chu Mạnh Trinh với "Hương Sơn phong cảnh ca".
Tản Đà với "Hỏi gió", "Gặp xuân","Xuân tình", "Chưa say", "Trần ai tri kỷ", "Đời đáng chán",...
Nguyễn Khuyến với "Hỏi phỗng đá", "Duyên nợ".
Nguyễn Thượng Hiền với "Chơi chùa Thầy".
Trần Tế Xương với "Hát cô đầu".
Ngoài ra còn có những làn điệu cổ điển khác như "Tỳ bà hành" (bản diễn Nôm của Phan Huy Vịnh theo cổ bản của Bạch Cư Dị). Những điệu huê tình, gửi thư, bắc phản, hát giai,... cũng thuộc thể ca trù.
Ca trù ngày nay
Sau Cách mạng Tháng 8, ca trù bị xem là "trò chơi hư hỏng, trụy lạc" và sau 1954 bị cấm đoán không chính thức vì bị xem là liên quan đến tệ nạn xã hội. Chính quyền cũng gán cho bộ môn ca trù là "phong kiến, trưởng giả" do dư luận xã hội nhìn nhận coi là thứ ăn chơi, trác táng trụy lạc của tầng lớp bóc lột. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh đã tham dự một buổi biểu diễn ca trù tại Văn Miếu Quốc Tử Giám trong năm 1962 nhân dịp Tết Nguyên đán. Năm 1976, học giả Trần Văn Khê đã thu âm các buổi biểu diễn của hai ca nương, người đã hát cho Hồ Chí Minh nghe, và xuất bản hai năm sau đó. Quan chức đầu tiên quảng bá ca trù là Nguyễn Xuân Khoát, người đứng đầu hiệp hội Xuân Thu nhã tập năm 1940-1942: ông đã thuyết trình về ca trù tại các hội nghị, trong các cơ sở giáo dục và trên đài phát thanh (tháng Tư năm 1976).
Những năm 1980, môn ca trù mới được cho phép trình diễn cho công chúng nhưng trong khuôn khổ đề tài chính trị chứ không giữ được thể văn truyền thống. Lần ra mắt đó, NSND Quách Thị Hồ hát bài "Những mùa xuân" trên đài phát thanh. Điệu nhạc thì cổ nhưng lời ca mang nội dung ca tụng Đảng Cộng sản Việt Nam. Dù đó là đề tài chỉ đạo, đó là lần đầu sau 30 năm bặt tiếng, khán thính giả miền Bắc Việt Nam mới nghe được làn điệu ca trù. Năm 2009. Chính phủ đề cử ca trù là bộ môn Di sản thế giới UNESCO. Ca trù từ đó mới được công nhận để nghiên cứu bảo tồn.
Nghệ thuật ca trù được giới thiệu trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Năm 1945 nhà văn Nguyễn Tuân đã ca ngợi loại hình nghệ thuật này trong tác phẩm Chùa Đàn.
Nghệ thuật ca trù sau đó được khai thác trong nhiều bộ phim cũng như trong các chủ đề âm nhạc Việt Nam. Có thể bắt gặp ca trù trong phim Mê Thảo, thời vang bóng, Trăng tỏ thềm lan, Trò đời, Thương nhớ ở ai, Long thành cầm giả ca hay trong bài hát "Một nét ca trù ngày xuân", "Mái đình làng biển" của nhạc sĩ Nguyễn Cường, "Trên đỉnh Phù Vân", "Không thể và có thể", "Chảy đi sông ơi", "Một thoáng Tây Hồ" của Phó Đức Phương, "Chiều phủ Tây Hồ" của Phú Quang,"Chị tôi" của Trọng Đài (thơ Đoàn Thị Tảo), "Hà Nội linh thiêng hào hoa" của Lê Mây, "Đất nước lời ru" của Văn Thành Nho, "Nắng có còn xuân" của Đức Trí, "Giọt sương bay lên" của Nguyễn Vĩnh Tiến, "Chuyện nước non" của NSND Phạm Ngọc Khôi, "Vịnh xuân đất Tổ" của NSƯT Quang Vinh, "Đá trông chồng" của Lê Minh Sơn,...
Liên hoan ca trù toàn quốc lần thứ nhất diễn ra tại Hà Tĩnh (năm 2005). Liên hoan ca trù toàn quốc là hoạt động định kỳ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO về công tác bảo vệ di sản văn hóa thế giới trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ca trù.
Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, năm 2010 có 63 câu lạc bộ ở 15 tỉnh, thành phố trên cả Việt Nam có hoạt động thường xuyên và có kế hoạch luyện tập truyền nghề ca trù. Một số tỉnh thành phía Bắc, điển hình là các tỉnh có nhiều câu lạc bộ ca trù như:
Hà Nội: Câu lạc bộ Ca trù Lỗ Khê, CLB Ca trù Thái Hà, CLB Ca trù Thăng Long, CLB Ca trù thôn Chanh (Phú Xuyên), CLB Ca trù Hà Nội, CLB Ca trù Bích Câu Đạo quán.
Ninh Bình: Câu lạc bộ Ca trù đền thờ Nguyễn Công Trứ, CLB Ca trù Cố Viên Lầu.
Hà Tĩnh: Câu lạc bộ Ca trù Nguyễn Công Trứ, CLB Ca trù Cổ Đạm.
Bắc Ninh: CLB Ca trù Thanh Khương (Thuận Thành), CLB Ca trù Tiểu Than (Gia Bình) và CLB Ca trù Đông Tiến (Yên Phong).
Hiện tại, nghệ thuật ca trù không chỉ dành riêng cho nữ giới mà nó đã phát triển một cách bình đẳng để mọi người cùng tham gia theo đuổi vì từ xưa nam giới chỉ chơi đàn, gõ trống phụ hoạ cho lời hát là chính. Nam giới (kép đàn) ngày nay cũng có thể vừa diễn tấu đàn vừa hát thay ca nương hoặc thay vào đó là một nữ nhạc công đệm đàn, gọi là "đàn nương".
Ca trù mặc dù đã được khôi phục lại nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong quảng bá, bảo tồn, do có một sự đứt gãy trong quá khứ, được cho là mang tính bác học khó hát, các nhạc cụ đàn đáy hay trống đế cũng không dễ chơi, khán giả trẻ tuổi thường không hiểu ý nghĩa của ca từ trong các bài hát (mang tính chất của chủ nghĩa yếm thế - khuyển nho, ca ngợi một cuộc sống đức hạnh hòa hợp với thiên nhiên,...)
Các nghệ sĩ ca trù nổi tiếng
NSND, danh ca Quách Thị Hồ
Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Khướu (Hà Nội)
Nghệ sĩ ưu tú, danh ca Lê Thị Bạch Vân
NS Nguyễn Thị Phúc
Nghệ nhân Nguyễn Thị Thiệp (Bắc Ninh)
Nghệ nhân Nguyễn Văn Khôi (Hà Nội)
Nghệ nhân Phạm Thị Mùi (Lỗ Khê, Đông Anh, Hà Nội)
NSND, danh ca Phó Thị Kim Đức
Nghệ sĩ Nguyễn Thị Chúc
Kép đàn Đinh Khắc Ban
Kép đàn Nguyễn Phú Đẹ
Kép đàn Nguyễn Văn Khuê
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Sinh
Đào nương Trần Thị Gia
Đào nương Nguyễn Phương Trà My
Hình ảnh
Chú thích
Hall, Patricia, ed. The Oxford Handbook of Music Censorship. New York: Oxford University Press, 2018. |
Ma Cao (, ), cũng có thể viết là Macao, tên chính thức là Đặc khu hành chính Ma Cao thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, là một trong hai đặc khu hành chính của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa cùng với Hồng Kông. Ma Cao nằm ở đồng bằng châu thổ Châu Giang, giáp với thành phố Châu Hải của tỉnh Quảng Đông ở phía tây và phía bắc đồng thời hướng tầm nhìn ra Biển Đông ở phía đông và phía nam. Đây là khu vực có mật độ dân số cao nhất trên thế giới.
Trong lịch sử, các thương nhân người Bồ Đào Nha lần đầu tiên đến định cư tại Ma Cao trong thập niên 1550. Năm 1557, triều đình Nhà Minh đã cho Bồ Đào Nha thuê Ma Cao để làm cảng giao thương. Từ đó, người Bồ Đào Nha bắt đầu quản lý thành phố song đô thị này vẫn nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Bồ Đào Nha trả tiền thuê hàng năm và quản lý lãnh thổ thuộc chủ quyền của Trung Quốc cho đến năm 1887, khi họ giành được quyền thuộc địa vĩnh viễn ở Trung Quốc qua Hiệp ước Bắc Kinh của Bồ Đào Nha. Kể từ sau Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất (1839 - 1842), Ma Cao trở thành thuộc địa của Đế quốc Bồ Đào Nha và nằm dưới sự quản lý, cải cách của quốc gia này từ giữa thế kỷ XVI cho đến năm 1999, Ma Cao cũng là tô giới cuối cùng của người châu Âu tại Trung Quốc. Nhà nước Bồ Đào Nha hiện đại đã chính thức chuyển giao chủ quyền đối với Ma Cao về lại cho Trung Quốc vào ngày 20 tháng 12 năm 1999. Tuyên bố chung Trung-Bồ và Luật cơ bản Ma Cao quy định rằng Ma Cao được phép duy trì các quyền tự trị cao độ ít nhất là cho đến năm 2049, tức 50 năm kể từ sau ngày chuyển giao.
Ma Cao là một khu vực hành chính đặc biệt của Trung Quốc, nơi duy trì các hệ thống quản lý và kinh tế riêng biệt với các hệ thống của Trung Quốc đại lục theo nguyên tắc "một quốc gia, hai hệ thống". Sự pha trộn độc đáo giữa kiến trúc Bồ Đào Nha và Trung Quốc trong trung tâm lịch sử của thành phố đã dẫn đến việc nó được ghi vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 2005.
Theo chính sách "một quốc gia, hai chế độ", Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chịu trách nhiệm về các vấn đề quốc phòng và ngoại giao của vùng lãnh thổ, trong khi Ma Cao duy trì hệ thống riêng biệt của mình trên các lĩnh vực luật pháp, giáo dục, lực lượng cảnh sát, tiền tệ, hải quan, nhập cư, hộ chiếu... Ma Cao tham gia nhiều tổ chức và sự kiện quốc tế không yêu cầu các thành viên phải là các quốc gia có chủ quyền.
Ban đầu là một tập hợp dân cư thưa thớt của các hòn đảo ven biển, Ma Cao, thường được gọi là "Las Vegas của phương Đông", đã trở thành một thành phố nghỉ mát lớn và là điểm đến hàng đầu cho du lịch cờ bạc, với ngành công nghiệp cờ bạc lớn gấp bảy lần của Las Vegas. Thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, và GDP bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương là một trong những thành phố cao nhất thế giới. Lãnh thổ được đô thị hóa cao với 2/3 tổng diện tích đất được xây dựng trên đất khai hoang từ biển.
Theo The World Factbook của CIA, năm 2012, Ma Cao xếp thứ 2 toàn cầu về bình quân tuổi thọ. Ngoài ra, Ma Cao còn là một trong số ít khu vực tại châu Á có Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt mức rất cao. Người dân Ma Cao có mức thu nhập bình quân đầu người cao hàng đầu trên thế giới, Ma Cao được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xếp loại là 1 vùng lãnh thổ có nền kinh tế phát triển, hoạt động kinh tế của Ma Cao phụ thuộc nhiều vào thương mại, dịch vụ, kinh doanh sòng bài và du lịch, ngoài ra nơi này cũng phát triển một số ngành sản xuất nhỏ.
Từ nguyên
Trước khi có khu dân cư của người Bồ Đào Nha vào giữa thế kỷ XVI, Ma Cao được biết đến với các tên gọi Hào Kính (濠鏡) hay Kính Hải (鏡海). Tên gọi Macau có nguồn gốc từ miếu Ma Các (), một công trình được xây dựng vào năm 1448 để thờ Ma Tổ – nữ thần của thuyền viên và ngư dân. Người ta nói rằng khi các thủy thủ Bồ Đào Nha đổ bộ lên bờ biển ngay bên ngoài miếu và hỏi tên của địa điểm này, những người bản địa đã trả lời là "媽閣" (). Cách đánh vần tiếng Bồ Đào Nha sớm nhất là Amaquão. Nhiều biến thể đã được sử dụng cho đến khi Amacão/Amacao và Macão/Macao trở nên phổ biến trong thế kỷ 17. Sau đó, người Bồ Đào Nha đặt tên cho bán đảo là "Macau". Cải cách năm 1911 của chính tả Bồ Đào Nha đã chuẩn hóa cách viết Ma Cao. Tuy nhiên, việc sử dụng tên gọi Macao vẫn còn thông dụng trong tiếng Anh và các ngôn ngữ châu Âu khác.
Bán đảo Ma Cao có nhiều tên trong tiếng Trung Quốc, bao gồm Jing'ao (井 澳 / 鏡 澳), Haojing (濠 鏡) và Haojing'ao (濠 鏡 澳). Các đảo Đãng Tể, Lộ Hoàn và Chu Hải được gọi chung là Shizimen (十字 門). Những cái tên này sau này trở thành Áo Môn (澳門), Oumún trong tiếng Quảng Đông và được dịch là "cửa vịnh" hoặc "cửa cảng", để chỉ toàn bộ lãnh thổ.
Lịch sử
Lịch sử Ma Cao có thể truy nguyên từ thời nhà Tần (221–206 TCN), khi đó khu vực nay là Ma Cao nằm dưới quyền quản lý của Phiên Ngung thuộc Nam Hải quận. Các cư dân được ghi chép đầu tiên là những người đến tị nạn tại Ma Cao trước cuộc xâm lược Nam Tống của người Mông Cổ. Dưới thời Nhà Minh (1368–1644), có những ngư dân nhập cư đến Ma Cao từ Quảng Đông và Phúc Kiến.
Ma Cao đã chỉ phát triển thành một khu vực dân cư lớn khi người Bồ Đào Nha đến vào thế kỷ XVI vào thời Nhà Minh. Năm 1513, Jorge Álvares trở thành người Bồ Đào Nha đầu tiên đặt chân đến Trung Quốc. Năm 1535, Nhà Minh cho phép các thương nhân Bồ Đào Nha có được quyền neo tàu ở các bến cảng của Ma Cao và thực hiện hoạt động giao thương, mặc dù không có quyền ở trên bờ. Khoảng 1552–1553, họ giành được sự cho phép tạm thời để lưu trữ hàng hóa trên kho được dựng trên bờ, mục đích là để hàng hóa được khô ráo; họ nhanh chóng xây dựng các ngôi nhà thô sơ bằng đá quanh khu vực mà nay được gọi là Nam Loan. Năm 1557, người Bồ Đào Nha thành lập một khu dân cư lâu dài tại Ma Cao, trả 500 lạng bạc mỗi năm tiền thuê đất cho triều đình Nhà Minh. Người Bồ Đào Nha tiếp tục trả tiền thuê hàng năm cho đến năm 1863 để được quyền ở tại Ma Cao.
Năm 1564, Bồ Đào Nha là nước chế ngự giao thương giữa phương Tây với Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, niềm kiêu hãnh của họ đã bị giội một gáo nước lạnh khi chứng kiến sự thờ ơ của người Trung Hoa đối với họ. Năm 1631, người Trung Hoa hạn chế người Bồ Đào Nha giao thương tại Trung Quốc đến cảng Ma Cao.
Trong thế kỷ XVII, có khoảng 5.000 nô lệ sinh sống tại Ma Cao, cùng với họ là 2.000 người Bồ Đào Nha và 20.000 người Hán.
Do ngày càng có nhiều người Bồ Đào Nha đến định cư ở Ma Cao để tham gia hoạt động thương mại, họ có nhu cầu về tự quản; song điều này không thể đạt được cho đến thập niên 1840. Năm 1576, Giáo hoàng Grêgôriô XIII đã thành lập Giáo phận Ma Cao. Năm 1583, người Bồ Đào Nha tại Ma Cao được cho phép thành lập một viện nguyên lão để xử lý các vấn đề khác nhau liên quan đến những hoạt động xã hội và kinh tế của họ dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền Trung Quốc, song điều này không có nghĩa là chuyển giao chủ quyền.
Ma Cao trở thành một thương cảng thịnh vương, song cùng với đó, nơi này đã trở thành mục tiêu chinh phục của người Hà Lan trong thế kỷ 17, song các cuộc tấn công lặp di lặp lại này đều thất bại. Ngày 24 tháng 6 năm 1622, người Hà Lan tấn công Ma Cao với hy vọng biến nơi đây thành vùng đất do họ sở hữu, sử gọi là trận Ma Cao. Người Bồ Đào Nha đã đẩy lui cuộc tấn công này và người Hà Lan từ đó không bao giờ cố gắng chinh phục Ma Cao lần nữa. Phần lớn những người bảo vệ Ma Cao khi đó là nô lệ châu Phi, và chỉ có một vài binh sĩ và linh mục người Bồ Đào Nha. Thuyền trưởng Kornelis Reyerszoon là chỉ huy của 800 tinh binh xâm lược người Hà Lan. Tổng đốc Hà Lan Jan Coen đã nói sau khi bị đánh bại rằng "Các nô lệ của Bồ Đào Nha tại Ma Cao phục vụ họ rất tốt và trung thành, rằng đó là những người đã đánh bại và đuổi người của ta đi vào năm ngoái", và "Người của ta nhìn thấy rất ít người Bồ Đào Nha" trong trận chiến.
Sau Chiến tranh Nha phiến (1839–1842), Bồ Đào Nha chiếm đóng hai đảo Đãng Tử và Lộ Hoàn tương ứng vào các năm 1851 và 1864. Ngày 1 tháng 12 năm 1887, triều đình Nhà Thanh và chính phủ Bồ Đào Nha đã ký kết Điều ước Hòa hảo và Thông thương Trung-Bồ, theo đó Trung Quốc nhượng quyền "chiếm giữ và cai trị vĩnh viễn Ma Cao cho Bồ Đào Nha" tuân theo các bản tuyên bố của Nghị định thư Lisboa. Bồ Đào Nha sẽ có nghĩa vụ "không bao giờ chuyển nhượng Ma Cao khi không có thỏa thuận trước với Trung Quốc", do đó đảm bảo rằng đàm phán giữa Bồ Đào Nha và Pháp (đối với khả năng đổi Ma Cao và Guinea thuộc Bồ Đào Nha với Congo thuộc Pháp) hoặc với các quốc gia khác sẽ không tiến triển – vì vậy mà các lợi ích thương mại của Anh Quốc được bảo đảm; Ma Cao chính thức trở thành một lãnh thổ dưới quyền cai trị của Bồ Đào Nha.
Năm 1928, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc của Quốc Dân đảng đã thông báo chính thức cho Bồ Đào Nha rằng họ hủy bỏ Điều ước Hòa hảo và Thông thương; Hai bên ký kết một điều ước Hữu nghị và Thông thương Trung-Bồ mới để thay thế điều ước bị bãi bỏ. Ngoại trừ một vài quy định liên quan đến nguyên tắc thuế quan và các vấn đề liên quan đến thương mại, điều ước mới không làm thay đổi chủ quyền của Ma Cao và quyền cai trị của Bồ Đào Nha tại Ma Cao vẫn không thay đổi.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, không giống như trường hợp của Timor thuộc Bồ Đào Nha khi bị Nhật Bản chiếm đóng cùng với Timor thuộc Hà Lan vào năm 1942, người Nhật tôn trọng tính trung lập của Bồ Đào Nha tại Ma Cao. Như vậy, Ma Cao đã có một thời gian ngắn ngủi đạt được thịnh vượng về kinh tế khi là cảng trung lập duy nhất ở Nam Trung Quốc, sau khi Nhật Bản chiếm Quảng Châu và Hồng Kông. Tháng 8 năm 1943, quân Nhật bắt giữ tàu Sian của Anh tại Ma Cao và giết chết khoảng 20 lính bảo vệ. Trong tháng tiếp theo, họ yêu cầu thiết lập chế độ "cố vấn" Nhật để thay thế chiếm đóng quân sự. Kết quả là Ma Cao trở thành vùng bảo hộ ảo của người Nhật.
Khi phát hiện ra việc Ma Cao trung lập đang có kế hoạch bán nhiên liệu hàng không cho Nhật Bản, chiến đấu cơ Hoa Kỳ từ USS Enterprise đã ném bom và bắn phá nhà chứa máy bay của Trung tâm Hàng không Hải quân vào ngày 16 tháng 1 năm 1945 để triệt phá nguyên liệu. Hoa Kỳ cũng tiến hành không kích vào các mục tiêu ở Ma Cao vào các ngày 25 tháng 2 và 11 tháng 6 năm 1945. Sau khi chính phủ Bồ Đào Nha kháng nghị, vào năm 1950, Hoa Kỳ đã trả 20.255.952 Đô la Mỹ cho chính phủ Bồ Đào Nha. Sự thống trị của Nhật Bản kết thúc vào tháng 8 năm 1945 với việc họ đầu hàng.
Sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập vào năm 1949, chính phủ Bắc Kinh tuyên bố Điều ước Hữu nghị và Thông thương Trung-Bồ là một "điều ước bất bình đẳng" do ngoại quốc áp đặt đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh đã không sẵn sàng để giải quyết, và duy trì "nguyên trạng" cho đến một thời gian thích hợp hơn.
Dưới ảnh hưởng của Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc đại lục và tâm trạng bất mãn rộng rãi với chính phủ Bồ Đào Nha, các cuộc bạo động đã nổ ra ở Ma Cao vào năm 1966. Nghiêm trọng nhất là "sự kiện 3 tháng 12", với 6 người bị giết và hơn 200 người bị thương. Ngày 28 tháng 1 năm 1967, chính phủ Bồ Đào Nha đã đưa ra một lời xin lỗi chính thức.
Ngay sau khi chế độ độc tài tại Bồ Đào Nha bị lật đổ vào năm 1974 tại Lisboa, chính phủ mới của Bồ Đào Nha đã xác định rằng nước này sẽ từ bỏ toàn bộ các thuộc địa hải ngoại của mình. Năm 1976, chính phủ Lisboa tái định nghĩa Ma Cao là một "lãnh thổ Trung Quốc nằm dưới sự quản lý của Bồ Đào Nha" và trao cho Ma Cao quyền tự trị ở mức độ lớn về hành chính, tài chính và kinh tế. Ba năm sau, Bồ Đào Nha và Trung Quốc đồng thuận xem Ma Cao là "một lãnh thổ Trung Quốc nằm dưới sự quản lý (tạm thời) của Bồ Đào Nha". Chính quyền Trung Quốc và Bồ Đào Nha khởi đầu đàm phán về vấn đề Ma Cao vào tháng 6 năm 1986. Hai bên ký kết Tuyên bố chung Trung-Bồ vào năm sau, theo đó Ma Cao sẽ trở thành một đặc khu hành chính của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc chính thức tiếp nhận chủ quyền đối với Ma Cao vào ngày 20 tháng 12 năm 1999. Từ sau khi trở về với Trung Quốc, kinh tế Ma Cao tiếp tục thịnh vượng với sự tăng trưởng liên tục của du lịch từ Trung Quốc đại lục và xây mới các casino.
Chính quyền và chính trị
Tuyên bố chung Trung-Bồ và Luật Cơ bản Ma Cao, hiến pháp Ma Cao do Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc ban hành vào năm 1993, xác định rằng hệ thống kinh tế, lối sống, quyền, và tự do của Ma Cao sẽ được duy trì không thay đổi ít nhất là 50 năm sau khi chủ quyền của khu vực được chuyển giao về Trung Quốc vào năm 1999. Theo phương châm "Một quốc gia, hai chế độ", Ma Cao được hưởng một quyền tự trị cao độ trên tất cả các lĩnh vực ngoại trừ quốc phòng và các vấn đề ngoại giao. Các quan chức Ma Cao, chứ không phải là quan chức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, sẽ điều hành Ma Cao bằng cách sử dụng riêng biệt các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, cũng như quyền phân xử cuối cùng. Ma Cao duy trì tiền tệ, lãnh thổ hải quan, kiểm soát nhập cư và ranh giới, và lực lượng cảnh sát riêng biệt.
Hành pháp
Đứng đầu chính quyền Ma Cao là trưởng quan hành chính, người này được chính phủ Trung ương tại Bắc Kinh bổ nhiệm theo tiến cử của một ủy ban bầu cử, tổ chức này có ba trăm thành viên, được các đoàn thể và cộng đồng bổ nhiệm. Việc tiến cử được thực hiện bằng một cuộc bầu cử trong khuôn khổ ủy ban. Nội các của trưởng quan hành chính bao gồm năm viên chức chính sách và Hội hành chính bao gồm từ 7 đến 11 thành viên làm nhiệm vụ cố vấn. Hà Hậu Hoa, một lãnh đạo cộng đồng và nguyên là một chủ ngân hàng, là trưởng quan đầu tiên của khu hành chính đặc biệt Ma Cao, thay thế Tổng đốc Vasco Rocha Vieira vào nửa đêm ngày 20 tháng 12 năm 1999. Thôi Thế An là Trưởng quan Ma Cao thứ hai và Hạ Nhất Thành là Trưởng quan đương nhiệm của Ma Cao.
Lập pháp
Cơ quan lập pháp của Ma Cao là Hội Lập pháp, một cơ cấu gồm 29 thành viên trong đó có 12 thành viên được bầu trực tiếp, 10 thành viên được bầu gián tiếp đại diện cho các "khu vực bầu cử chức năng" và 10 thành viên do trưởng quan bổ nhiệm. Bất kỳ thường trú nhân nào đủ hoặc trên 18 tuổi đều có đủ điều kiện bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử trực tiếp. Bầu cử gián tiếp giới hạn trong các tổ chức đã đăng ký được gọi là "cử tri đoàn thể" và một ủy ban gồm 300 thành viên rút ra từ các nhóm khu vực, tổ chức đô thị và các cơ quan của chính phủ Trung ương.
Tư pháp
Khuôn khổ ban đầu của hệ thống luật pháp Ma Cao dựa phần lớn vào luật pháp Bồ Đào Nha hay hệ thống luật dân sự Bồ Đào Nha, nó vẫn được duy trì sau năm 1999. Ma Cao có hệ thống tư pháp độc lập của mình với một pháp viện chung thẩm. Một ủy ban lựa chọn ra các thẩm phán và những người này được trưởng quan bổ nhiệm. Các thẩm phán ngoại quốc có thể phụng sự tại các tòa án.
Ma Cao có một hệ thống tòa án ba cấp: Pháp viện đệ nhất thẩm, pháp viện cấp trung và pháp viện chung thẩm. Trong tháng 2 năm 2009, Hội Lập pháp đã thông qua một dự luật an ninh dựa trên cơ sở điều luật an ninh đã bị rút lại trước đó ở Hồng Kông. Những người ủng hộ dân chủ lo ngại rằng phạm vi mở rộng quá mức của điều luật này sẽ dẫn đến lạm dụng, lo lắng này được tăng thêm sau khi một số ủng hộ viên dân chủ nổi bật của Hồng Kông đã bị từ chối cho nhập cảnh vào Ma Cao trong thời gian thông qua dự luật.
Quân sự
Dưới quyền cai trị của Bồ Đào Nha, Ma Cao thường được sử dụng làm một căn cứ viễn chinh đến Nhật Bản và các khu vực khác tại Đông Á từ thế kỷ XVI trở đi, người Bồ Đào Nha cũng duy trì một đơn vị đồn trú hùng mạnh, chủ yếu để đẩy lùi các cuộc tấn công của Hà Lan và Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, từ khi những người Anh đồng minh đến định cư tại Hồng Kông, sự cần thiết phải duy trì sự hiện diện mạnh mẽ tại Ma Cao đã trở nên mờ nhạt đối với người Bồ Đào Nha, cuối cùng chấm dứt vào năm 1974. Năm 1999, khi được bàn giao Ma Cao, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã thiết lập một đơn vị đồn trú đáng kể tại Ma Cao, ngoài ra họ cũng có các đơn vị quân sự lớn đóng quân tại Chu Hải lân cận.
Địa lý
Ma Cao nằm cách về phía tây nam của Hồng Kông và cách Quảng Châu . Ma Cao có đường bờ biển, song chỉ có ranh giới trên bộ với Quảng Đông. Ma Cao gồm bán đảo Ma Cao cùng hai đảo Đãng Tử (Taipa) và Lộ Hoàn (Coloane), song hai đảo này ngày nay đã được nối với nhau thông qua một vùng đất lấn biển được gọi là Lộ Đãng Thành (Cotai). Bán đảo Ma Cao được thành hình từ cửa sông của Châu Giang ở phía đông và Tây Giang ở phía tây. Ma Cao giáp với đặc khu kinh tế Chu Hải tại Trung Quốc đại lục. Cửa khẩu chính giữa Ma Cao và phần còn lại của Trung Quốc là Portas do Cerco (Quan Áp) ở phía Ma Cao, và cửa khẩu Củng Bắc bên phía Chu Hải.
Bán đảo Ma Cao nguyên cũng là một hòn đảo, song về sau đã xuất hiện dải cát nối với lục địa và nó dần phát triển thành một eo đất hẹp, biến Ma Cao thành một bán đảo. Hoạt động cải tạo đất trong thế kỷ XVII đã biến Ma Cao thành một bán đảo với địa hình bằng phẳng, mặc dù vùng đất ban đầu vẫn có rất nhiều đồi dốc. Điệp Thạch Đường Sơn (疊石塘山)/Alto de Coloane là điểm cao nhất tại Ma Cao, với cao độ . Với mật độ đô thị hóa dày đặc, Ma Cao không có đất canh tác, đồng cỏ, rừng hay đất rừng.
Khí hậu
Ma Cao có một khí hậu cận nhiệt đới ẩm (Köppen Cwa), với ẩm độ tương đối trung bình từ 75% đến 90%. Tương tự như phần lớn miền Nam Trung Quốc, khí hậu Ma Cao thay đổi theo mùa do ảnh hưởng từ gió mùa, và sự khác biệt của nhiệt độ và ẩm độ giữa mùa hè và mùa đông là đáng chú ý, mặc dù không phải là lớn nhất tại Trung Quốc. Nhiệt độ trung bình tại Ma Cao là . Tháng bảy là tháng nóng nhất với nhiệt độ trung bình là . Tháng mát nhất là tháng giêng với nhiệt độ trung bình là .
Nằm trên bờ biển phía nam Trung Quốc, Ma Cao có lượng mưa phong phú, với lượng mưa trung bình năm là . Tuy nhiên, mùa đông chủ yếu là khô hanh do ảnh hưởng từ áp cao Siberi. Mùa thu ở Ma Cao kéo dài từ tháng 10 đến tháng 11, có thời tiết nắng và ấm với ẩm độ thấp. Mùa đông kéo dài từ tháng 12 đến đầu tháng 3 với thời tiết thường ôn hòa và hầu hết thời gian nhiệt độ ở mức trên 13 °C, mặc dù đôi lúc cũng có thể xuống dưới 8 °C. Ẩm độ bắt đầu tăng lên từ cuối tháng 3. Mùa hè có thời tiết từ rất ấm đến nóng và thường lên mức trên 30 °C vào ban ngày. Theo sau thời tiết nóng nực là các cơn mưa lớn, dông và thi thoảng là bão nhiệt đới.
Kinh tế
Nền kinh tế Ma Cao dựa phần lớn vào du lịch. Các hoạt động kinh tế lớn khác tại Ma Cao là sản xuất xuất khẩu phụ tùng dệt may và quần áo, ngân hàng và các dịch vụ tài chính khác. Ngành công nghiệp quần áo chiếm khoảng ba phần tư kim ngạch xuất khẩu của Ma Cao, và các ngành công nghiệp đánh bạc, du lịch và khoản lãi ước tính đóng góp trên 50% GDP của Ma Cao, và 70% thu nhập của chính quyền Ma Cao. Tính đến năm 2016, GDP của Ma Cao đạt 44.066, đứng thứ 86 thế giới và đứng thứ 29 châu Á.
Ma Cao là một thành viên sáng lập của WTO và duy trì quan hệ kinh tế và thương mại đầy đủ với trên 120 quốc gia và khu vực, đặc biệt là với Liên minh châu Âu và các quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha; Ma Cao cũng là một thành viên của IMF. Ngân hàng Thế giới phân loại Ma Cao là một nền kinh tế có thu nhập cao và GDP bình quân đầu người của khu vực đạt 28.436 Đô la Mỹ vào năm 2006. Sau khi Ma Cao được bàn giao về Trung Quốc vào năm 1999, số du khách từ đại lục đã gia tăng nhanh chóng do Trung Quốc tiến hành nới lỏng hạn chế đi lại. Việc Ma Cao tiến hành tự do hóa ngành công nghiệp đánh bạc vào năm 2001 đã đem đến một dòng vốn đầu tư đáng kể, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế bình quân trong giai đoạn từ 2001 đến 2006 là xấp xỉ 13,1% mỗi năm.
Trong một báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới về du lịch quốc tế năm 2006, Ma Cao xếp hạng 21 về số du khách và xếp thứ 24 về thu nhập từ du lịch. Từ con số 9,1 triệu du khách trong năm 2000, số lượt khách đến Ma Cao đã tăng lên 18,7 triệu vào năm 2005 và 22 triệu vào năm 2006, với trên 50% lượt khách đến từ Trung Quốc đại lục và 30% đến từ Hồng Kông.
Ngành công nghiệp đánh bạc tại Ma Cao bắt đầu vào năm 1962, khi đó ngành này chỉ bao gồm Sociedade de Turismo e Diversões de Macau do Hà Hồng Sân (何鴻燊, Stanley Ho) điều hành theo một giấy phép độc quyền của chính phủ. Sự độc quyền chấm dứt vào năm 2002 và một vài chủ casino từ Las Vegas đã nỗ lực tiến vào thị trường đánh bạc của Ma Cao. Với việc mở cửa Sands Macao, vào năm 2004 và Wynn Macau vào năm 2006, doanh thu đánh bạc từ các casino của Ma Cao đã trở nên rất phát đạt. Năm 2007, Venetian Macau, khi đó là công trình lớn thứ hai thế giới về không gian sàn, đã mở cửa cho công chúng, theo sau là MGM Grand Macau. Doanh thu của ngành đánh bạc đã biến Ma Cao thành thị trường casino hàng đầu thế giới, vượt qua Las Vegas. Đầu thập niên 2010, Ma Cao cũng tăng cường các hoạt động biểu diễn và giải trí cùng với kinh doanh đánh bạc, bao gồm chương trình biểu diễn nổi tiếng House of Dancing Water, các buổi hòa nhạc, triển lãm thương mại và nghệ thuật.
Ma Cao là một trung tâm tài chính ngoài khơi, một thiên đường thuế, và một cảng tự do với việc không có chế độ quản lý ngoại hối. Cục quản lý Tiền tệ Ma Cao điều hòa tài chính ngoài khơi, trong khi Viện Thương mại và Xúc tiến đầu tư Ma Cao quy định việc đầu tư tại Ma Cao. Năm 2007, Moody's Investors Service đã nâng xếp hạng quản lý nội và ngoại tệ của Ma Cao lên 'Aa3' từ 'A1', rằng nền tảng tài chính vững chắc của chính quyền Ma Cao giống như một chủ nợ ròng lớn. Cơ quan đánh giá cũng nâng hạng trần tiền gửi ngoại tệ của Ma Cao đến 'Aa3' từ 'A1'.
Theo quy định của Luật cơ bản Ma Cao, chính quyền Ma Cao phải tuân theo nguyên tắc giữ chi tiêu ở trong giới hạn các khoản thu khi lập ngân sách của mình, và cố gắng để đạt được một sự cân bằng tài chính, tránh thâm hụt ngân sách và giữ cho ngân sách tương xứng với tốc độ tăng trưởng GDP. Tất cả các thu nhập tài chính của Đặc khu hành chính Ma Cao sẽ được chính quyền đặc khu quản lý và kiểm soát mà không phải bàn giao cho chính phủ Trung ương ở Bắc Kinh. Chính phủ Trung ương không đánh bất kỳ khoản thuế nào ở đặc khu hành chính Ma Cao.
Tại Ma Cao, lĩnh vực kinh tế là một vấn đề quan trọng, cũng là nhiệm vụ chỉ đạo của Trưởng quan. Từ năm 1999 đến nay, Macau đã được phép tự do hóa ngành công nghiệp sòng bạc (trước đây lĩnh vực này hoạt động dưới sự độc quyền của chính phủ Bồ Đào Nha), thu hút đầu tư, bắt đầu một giai đoạn phát triển kinh tế mới. Nền kinh tế Ma Cao tăng trưởng chóng mặt với tốc độ tăng trưởng hàng năm hai con số từ 2002 đến 2014, đưa Ma Cao trở thành một trong những nền kinh tế giàu nhất thế giới trên cơ sở bình quân đầu người. Năm 2016, tại Ma Cao có tỷ lệ người Hán là 88,4%, người Philippines là 4,6%, người Việt 2,4%, người Bồ Đào Nha 1,8%. Năm 2019, Ma Cao có 676.100 dân số, xếp thứ 33/33 đơn vị hành chính cấp tỉnh Trung Quốc, hạng 186 trong số các thành phố Trung Quốc, hạng 166 trong số các khu vực quốc gia trên thế giới, hạng nhất Trung Quốc và thế giới về mật độ dân số. GDP Ma Cao năm 2019 đạt 55,136 tỷ USD, xếp hạng 83 trong số các quốc gia, hạng 31/33 Trung Quốc. GDP bình quân đầu người đạt 81,151 USD, hạng nhất Trung Quốc, hạng ba thế giới. Mặc dù doanh thu công nghiệp sòng bạc là chủ yếu, đạt 37 tỷ USD, nhưng các ngành kinh tế khác đóng góp gần 20 tỷ USD cho gần 700.000 người, khiến cho người Ma Cao có trình độ đời sống cao.
Nhân khẩu
Ma Cao là lãnh thổ có mật độ dân cư cao nhất thế giới, với 18.428 trên một km² (47.728/mi²). 95% cư dân Ma Cao là người Hán; 2% khác là người Bồ Đào Nha và/hoặc hợp chủng Hán/Bồ Đào Nha, và một nhóm dân tộc thường được gọi là người Bồ thổ sinh. Theo điều tra năm 2006, 47% cư dân Ma Cao sinh ra tại Trung Quốc đại lục, trong đó 74,1% sinh tại Quảng Đông và 15,2% sinh tại Phúc Kiến. Trong khi đó, 42,5% cư dân Ma Cao sinh ra tại Ma Cao, và những người sinh ra tại Hồng Kông, Philippines và Bồ Đào Nha lần lượt chiếm 3,7%, 2,0% và 0,3%.
Tăng trưởng dân số tại Ma Cao chủ yếu là do nhập cư từ Trung Quốc đại lục và dòng người lao động hải ngoại do tỷ suất sinh tại đây ở vào hàng thấp nhất thế giới. Theo một khảo sát do CIA tiến hành, Ma Cao là quốc gia hay lãnh thổ có tuổi thọ tính từ lúc sinh trung bình là 84,36 tuổi, trong khi tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh của Ma Cao nằm ở hàng thấp nhất thế giới.
Cả tiếng Trung (tiếng Quảng Đông) và tiếng Bồ Đào Nha đều là ngôn ngữ chính thức của Ma Cao. Ma Cao vẫn duy trì phương ngữ tiếng Bồ Đào Nha riêng của mình, được gọi là tiếng Bồ Đào Nha Ma Cao. Các ngôn ngữ khác như Quan thoại, tiếng Anh và tiếng Mân Nam cũng được một số cộng đồng bản địa nói. Tiếng Bồ thổ sinh Ma Cao, một ngôn ngữ Creole thường được gọi là Patuá, vẫn được vài chục người Ma Cao nói.
Từ khi Ma Cao có một nền kinh tế lấy du lịch làm động lực, 14,6% lực lượng lao động làm việc trong các nhà hàng và khách sạn, và 10,3% làm việc trong ngành công nghiệp đánh bạc. Với việc khai trương một số khu nghỉ dưỡng casino và đang tiến hành xây dựng các công trình lớn khác, nhiều lĩnh vực được tường trình là phải chịu cảnh thiếu lao động, và chính quyền Ma Cao đã tìm cách nhập khẩu lao động từ các khu vực lân cận.
Số lao động nhập khẩu đã lên mức cao kỷ lục 98.505 vào quý 2 năm 2008, tương ứng với hơn 25% lực lượng lao động tại Ma Cao. Một số lao động bản địa đã phàn nàn về việc thiếu việc làm do làn sóng lao động giá rẻ. Một số người cũng cho rằng vấn đề lao động bất hợp pháp là nghiêm trọng. Một mối quan tâm khác là việc gia tăng bất bình đẳng về thu nhập trong khu vực. Hệ số Gini của Ma Cao, một đơn vị đo độ bất bình đẳng thu nhập phổ biến, đã tăng từ 0,43 vào năm 1998 lên 0,48 vào năm 2006. Hệ số này ở mức cao hơn các khu vực lân cận, như tại Trung Quốc đại lục (0,447), Hàn Quốc (0,316) và Singapore (0,425).
Tôn giáo
Hầu hết người Hán tại Ma Cao chịu ảnh hưởng sâu sắc từ truyền thống và văn hóa riêng của họ, hầu hết gắn bó với tôn giáo truyền thống Trung Hoa, họ tin tưởng vào Đạo giáo, Phật giáo và Nho giáo, chúng tạo thành một khối không thể tách rời. Ma Cao có một cộng đồng Ki-tô hữu khá lớn; tín hữu Công giáo La Mã và Tin Lành lần lượt chiếm 7% và 2% dân cư. Thêm vào đó, 17% dân số theo Phật giáo Đại thừa nguyên bản.
Giáo dục
Các cư dân Ma Cao được hưởng một nền tảng giáo dục miễn phí trong 15 năm, bao gồm ba năm nhà trẻ, sau đó là sáu năm giáo dục tiểu học và sáu năm giáo dục trung học. Tỷ lệ biết chữ của lãnh thổ này là 93,5%. Những người mù chữ chủ yếu là những cư dân cao tuổi; thế hệ trẻ tuổi, chẳng hạn như trong độ tuổi 15–29, có tỷ lệ biết chữ trên 99%. Hiện nay, chỉ có duy nhất một trường học tại Ma Cao sử dụng tiếng Bồ Đào Nha làm phương tiện giảng dạy.
Ma Cao không sở hữu hệ thống giáo dục phổ quát của riêng mình; ngoại trừ các trường bậc cao ra, các trường học còn lại hoặc là theo hệ thống giáo dục của Anh, Trung Quốc, hoặc của Bồ Đào Nha. Hiện nay có 10 thể chế giáo dục bậc cao tại khu vực, bốn trong số chúng là thể chế công. Năm 2006, Chương trình đánh giá học sinh quốc tế, một cuộc khảo sát trên phạm vi toàn thế giới về thành tích giáo dục của học sinh 15 tuổi phối hợp với OECD, đã xếp Ma Cao đứng thứ năm và thứ sáu về khoa học và giải quyết vấn đề, tương ứng. Tuy nhiên, mặt bằng giáo dục của Ma Cao đứng ở mức thấp trong số các khu vực có thu nhập cao. Theo điều tra dân số năm 2006, trong số các cư dân Ma Cao bằng và trên 14 tuổi, chỉ 51,8% có trình độ giáo dục trung học và 12,6% có trình độ giáo dục bậc cao (cao đẳng hay đại học).
Theo quy định của Điều 121 trong Chương VI của Luật Cơ bản Ma Cao, chính phủ Ma Cao sẽ tự mình xây dựng các chính sách về giáo dục, bao gồm các chính sách liên quan đến hệ thống và sự quản lý giáo dục, ngôn ngữ giảng dạy, phân bổ kinh phí, hệ thống khảo thí, công nhận học vị và hệ thống các giải thưởng học thuật để thúc đẩy phát triển giáo dục. Phù hợp với luật cơ bản, chính quyền Ma Cao sẽ dần dần thiết lập một hệ thống giáo dục nghĩa vụ. Các tổ chức cộng đồng và cá nhân có thể điều hành các công việc giáo dục trong các loại hình khác nhau theo quy định của pháp luật.
Chăm sóc sức khỏe
Người dân Ma Cao có một bệnh viện công lớn là bệnh viện Conde S. Januário (仁伯爵綜合醫院), và một bệnh viện tư lớn là bệnh viện Kính Hồ (鏡湖醫院), cả hai đều nằm trên bán đảo Ma Cao, cùng với chúng là một bệnh viện đại học mang tên Bệnh viện Khoa Đại (科大醫院) tại Lộ Đãng Thành. Bên cạnh các bệnh viện này, Ma Cao cũng có một rất nhiều các trung tâm y tế cung cấp chăm sóc sức khỏe cơ bản một cách miễn phí cho các cư dân. Ngoài ra, Đông y cũng hiện diện tại Ma Cao.
Hiện nay, không có bệnh viện nào tại Ma Cao được đánh giá một cách độc lập thông qua kiểm định chăm sóc sức khỏe quốc tế. Không có trường tây y tại Ma Cao và do đó tất cả những ai muốn trở thành bác sĩ sẽ phải tiếp nhận giáo dục và lấy chứng chỉ ở nơi khác. Các y tá địa phương được đào tạo tại Viện Bách khoa Ma Cao và Cao đẳng Điều dưỡng Kính Hồ.
Cục Y tế Ma Cao là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc phối hợp hoạt động giữa các tổ chức công và tư trong lĩnh vực y tế công cộng, đảm bảo sức khỏe của các công dân thông qua các dịch vụ chuyên dụng và chăm sóc sức khỏe ban đầu, cũng như ngăn ngừa dịch bệnh và nâng cao sức khỏe. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa bệnh tật Ma Cao đã được thành lập vào năm 2001, giám sát hoạt động của các bệnh viện, các trung tâm y tế, và trung tâm truyền máu tại Ma Cao. Thể chế này cũng quản lý cơ quan chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật ảnh hưởng đến dân cư, thiết lập nguyên tắc chỉ đạo đối với những bệnh viện và người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân, và phát hành giấy phép.
Giao thông
Các phương tiện giao thông tại Ma Cao đi bên trái, không giống với cả Trung Quốc đại lục và Bồ Đào Nha. Ma Cao có một mạng lưới giao thông công cộng phát triển tốt, kết nối bán đảo Ma Cao, Lộ Đãng Thành, Đãng Tử, Lộ Hoàn. Xe buýt và taxi là các loại hình giao thông cộng cộng chính tại Ma Cao. Hiện có ba công ty mang tên Transmac, Transportas Companhia de Macau và Reolian Public Transport Co., hoạt động dịch vụ xe buýt công cộng tại Ma Cao. Xích lô cũng hiện diện tại Ma Cao, song nó chủ yếu phục vụ cho mục đích tham quan. Nhà khai thác dịch vụ xe buýt công cộng mới nhất là Reolian Public Transport Co., công ty này đã tiến vào thị trường Ma Cao vào ngày 1 tháng 8 năm 2011. Nhà khai thác này hoạt động trên các tuyến mà Transmac và Transportas Companhia de Macau cũng đang hoạt động.
Bến phà vận chuyển hành khách Ngoại Cảng cung cấp dịch vụ vận tải xuyên ranh giới cho những hành khách đi lại giữa Ma Cao và Hồng Kông, trong khi bến phà Áo Thông (Yuet Tung) tại Nội Cảng cung cấp dịch vụ cho các hành khách đi lại giữa Ma Cao và các thành phố tại Trung Quốc đại lục, bao gồm Xà Khẩu và Thâm Quyến.
Ma Cao có một sân bay quốc tế hoạt động, được gọi là sân bay quốc tế Ma Cao, nằm ở cực đông của Đãng Tử và vùng nước lân cận. Sân bay này từng là một trong những trung tâm quá cảnh chính đối với các hành khách đi lại giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan, song hiện nay giữa khai khu vực này đã khai thông các đường bay trực tiếp. Sân bay là trung tâm chính của Air Macau. Năm 2006, sân bay quốc tế Ma Cao đã phục vụ khoảng 5 triệu lượt hành khách.
Văn hóa
Sự pha trộn giữa truyền thống văn hóa và tôn giáo Trung Hoa và Bồ Đào Nha trong hơn bốn thế kỷ đã biến Ma Cao thành một tập hợp độc đắc gồm các ngày nghỉ, lễ hội và sự kiện. Sự kiện lớn nhất trong năm là Macau Grand Prix vào tháng 11, khi những đường phố chính tại bán đảo Ma Cao trở thành đường đua ô tô Công thức 1 tương tự như Monaco Grand Prix. Các sự kiện thường niên khác bao gồm lễ hội Nghệ thuật Ma Cao được tổ chức vào tháng 3, thi trình diễn pháo hoa quốc tế vào tháng 9, lễ hội Âm nhạc quốc tế trong tháng 10 và/hoặc tháng 11, và Marathon quốc tế Ma Cao vào tháng 12.
Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống quan trọng nhất, nó thường diễn ra vào cuối tháng một hoặc đầu tháng 2 dương lịch. Bồ Đề Viên (菩提園) tại Đãng Tử là nơi tổ chức lễ hội thần Thổ Địa vào tháng 2. Đám rước Cuộc thương khó của Giêsu là nghi thức và hành trình Công giáo nổi tiếng, đám diễu hàng đi từ Nhà thờ Thánh Austin đến Nhà thờ chính tòa, cũng được tổ chức vào tháng 2.
Ẩm thực địa phương của Ma Cao là một sự pha trộn giữa ẩm thực Quảng Đông và ẩm thực Bồ Đào Nha. Nhiều món ăn độc đáo là kết quả của những pha trộn nguyên liệu khi vợ của các thủy thủ Bồ Đào Nha cố gắng tái tạo nên những món ăn Âu. Thành phần và gia vị của nó đến từ châu Âu, Nam Mỹ, châu Phi, Ấn Độ, và Đông Nam Á, cũng như những thành phần bản địa Trung Hoa. Điểm đặc trưng là thực phẩm Ma Cao được ướp gia vị với các gia vị và hương liệu khác nhau bao gồm nghệ, nước cốt dừa, quế và cá tuyết phơi khô ướp muối, cho ra mùi thơm và vị đặc biệt. Các món ăn nổi tiếng của Ma Cao bao gồm Galinha à Portuguesa, Galinha à Africana (gà Phi), Bacalhau, tôm cay Ma Cao và cua cà ri xào. Bánh sườn cốt lết (豬扒包), sữa gừng đông (薑汁撞奶) và trứng chua cay (蛋撻) cũng rất phổ biến tại Ma Cao.
Ma Cao bảo tồn được nhiều di tích lịch sử trong khu vực đô thị. Khu lịch sử Ma Cao bao gồm khoảng 25 địa điểm lịch sử, được liệt kê chính thức là một Di sản thế giới của UNESCO vào ngày 15 tháng 7 năm 2005 trong kỳ họp thứ 29 của Ủy ban Di sản Thế giới, được tổ chức tại Durban, Nam Phi.
Thể thao
Ủy ban Thể thao và Olympic Ma Cao được thành lập vào năm 1987 và đã cố gắng ghi danh vào Ủy ban Olympic Quốc tế kể từ khi thành lập, nhưng vẫn chưa được chính thức công nhận, và cho đến nay Ma Cao vẫn chưa có vận động viên nào được tham gia Thế vận hội Olympic dưới tên "Ma Cao, Trung Quốc" (trái ngược với đoàn thể thao của Hồng Kông). Tuy nhiên, họ đã tham gia vào Paralympic Games.
Bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất tại Ma Cao, và trên bình diện quốc tế, lãnh thổ này có Đội tuyển bóng đá quốc gia Ma Cao. Môn thể thao phổ biến khác tại Ma Cao là khúc côn cầu giày trượt, nó thường được người Bồ Đào Nha chơi. Ma Cao luôn tham gia vào giải vô địch khúc côn cầu giày trượt thế giới ở hạng B. Đội tuyển quốc gia của Ma Cao là đội khúc côn cầu giày trượt mạnh nhất châu Á và đã có nhiều danh hiệu vô địch khúc côn cầu giày trượt châu Á. Giải đua ô tô công thức 1 Macau Grand Prix được cho là sự kiện thể thao quốc tế quan trọng nhất tại Ma Cao. Đại hội Thể thao châu Á Trong nhà 2007 cũng được tổ chức tại đây.
Các thành phố kết nghĩa
Lisboa, Bồ Đào Nha
Porto, Bồ Đào Nha
Brussels, Bỉ (thỏa thuận hữu nghị)
São Paulo, Brasil
Đà Nẵng, Việt Nam (thỏa thuận hữu nghị)
Luanda, Angola (thỏa thuận hữu nghị)
Coimbra, Bồ Đào Nha
Linköping, Thụy Điển |
Trong thống kê, số bình quân có hai nghĩa có liên quan:
số bình quân theo nghĩa thông thường, được gọi chính xác hơn là số bình quân số học để phân biệt với số bình quân nhân hay số bình quân điều hòa. Nó còn được gọi là số bình quân của mẫu.
giá trị kỳ vọng của một biến ngẫu nhiên, còn được gọi là số bình quân của tổng thể chung (population mean).
Bên cạnh Thống kê, các số bình quân còn được dùng trong hình học và phân tích (và thường được gọi là trung bình); nhiều loại trung bình đã được phát triển cho các mục tiêu này (chúng ít được dùng trong Thống kê.) Xem mục Các loại trung bình khác để có một danh sách các trung bình.
Số bình quân mẫu thường được dùng với vai trò ước lượng xu hướng trung tâm chẳng hạn số bình quân của tổng thể chung. Tuy nhiên, người ta còn sử dụng các ước lượng khác. Ví dụ, số trung vị tốt hơn số bình quân mẫu trong vai trò ước lượng xu hướng trung tâm.
Với một biến ngẫu nhiên giá trị thực X, số bình quân là giá trị kỳ vọng của X. Nếu không tồn tại giá trị kỳ vọng thì biến ngẫu nhiên không có số bình quân.
Đối với một tập dữ liệu, số bình quân là chỉ đơn giản là tổng tất cả các quan sát chia cho số quan sát.
Một khi ta đã chọn phương pháp này để mô tả phương sai tương đối (communality) của một tập dữ liệu, ta thường dùng độ lệch chuẩn để mô tả sự khác nhau của các quan sát.
Độ lệch chuẩn là căn bậc hai của phương sai cho biết bình quân giá trị của các lượng biến cách giá trị trung bình chung là bao nhiêu đơn vị.
Giá trị trung bình là giá trị duy nhất mà quanh đó tổng bình phương các độ lệch là nhỏ nhất.
Nếu ta tính tổng bình phương các độ lệch từ một cách đo xu hướng trung tâm bất kỳ nào khác, ta sẽ được một giá trị lớn hơn kết quả tương ứng của số bình quân. Đó là lý do mà độ lệch tiêu chuẩn và số bình quân thường được đặt cạnh nhau trong các báo cáo thống kê.
Một cách đo độ phân tán khác là độ lệch trung bình, tương đương với trung bình của độ lệch tuyệt đối từ giá trị trung bình. Cách đo này ít nhạy cảm với các giá trị ngoại lệ hơn, nhưng lại khó lần ngược hơn khi ta kết hợp các tập dữ liệu.
Lưu ý rằng không phải phân bố xác suất nào cũng có một giá trị trung bình hay phương sai, phân bổ Cauchy là một ví dụ.
Sau đây là tóm tắt của một số phương pháp tính số bình quân của một tập gồm n số. Xem giải thích cho các ký hiệu tại Bảng ký hiệu toán học.
Số bình quân số học
Số bình quân số học là số bình quân tiêu chuẩn, thường chỉ được gọi ngắn gọn là "số bình quân" hoặc "trung bình".
Số bình quân này thường bị nhầm lẫn với số trung vị hoặc mode. Số bình quân số học là trung bình số học của một tập giá trị hoặc một phân bố; tuy nhiên, với các phân bố xiên, giá trị trung bình không nhất thiết trùng với giá trị nằm giữa (số trung vị), hay mode. Ví dụ, thu nhập bình quân bị lệch lên trên do một số ít người có thu nhập rất lớn, và đa số có thu nhập thấp hơn bình quân. Ngược lại, thu nhập trung vị nằm tại vị trí mà có một nửa dân số nằm trên và nửa kia nằm dưới nó. Thu nhập mode là thu nhập thường gặp nhất, nó thiên về số đông với thu nhập thấp hơn. Số trung vị hay mode thường là các độ đo trực quan hơn của các dữ liệu có dạng như vậy.
Có nghĩa là, nhiều phân bố xiên, chẳng hạn phân phối mũ và phân bổ Poisson, được mô tả tốt nhất bởi số bình quân.
Ví dụ
Một thực nghiệm cho kết quả là dữ liệu: 34,27,45,55,22,34
Cách tính trung bình cộng
Có 6 phần tử. Do đó n=6
Tính tổng tất cả các phần tử, ta được 217
Để tính trung bình cộng, ta chia tổng trên cho n để được 217/6=36.17
Số bình quân nhân
Số bình quân nhân là số bình quân hữu ích cho các tập số mà được quan tâm nhiều đến tích của chúng. Ví dụ: tỉ lệ tăng trưởng.
Ví dụ
Một thực nghiệm cho kết quả là dữ liệu: 34,27,45,55,22,34
Cách tính số bình quân nhân
Có 6 phần tử. Do đó n=6
Tính tích của mọi phần tử, ta được 1699493400.
Để tính số bình quân nhân, ta lấy căn bậc n (6) của tích, và được 34.5451100372
Số bình quân điều hòa
Số bình quân điều hòa là một số bình quân hữu ích cho các tập số được định nghĩa trong quan hệ với một đơn vị nào đó, ví dụ vận tốc (khoảng cách đi được trong mỗi đơn vị thời gian).
Ví dụ
Một thực nghiệm cho kết quả là dữ liệu: 34,27,45,55,22,34
Cách tính số bình quân điều hòa
Có 6 phần tử. Do đó n=6
Tính tổng tại biểu thức mẫu số, ta được 0.181719152307
Lấy giá trị nghịch đảo của tổng đó, ta được 5.50299727522
Để tính số bình quân điều hòa, ta nhân giá trị trên với n để được 33.0179836513
Số bình quân lũy thừa
Số bình quân lũy thừa là tổng quát hóa của số bình quân số học, số bình quân nhân, và số bình quân điều hòa. Nó được định nghĩa bằng công thức
Bằng cách chọn các giá trị thích hợp cho tham số m ta có thể thu được số bình quân số học (m = 1), số bình quân nhân (m → 0) hay số bình quân điều hòa điều hòa (m = −1)
Số bình quân này có thể được tổng quát hóa hơn nữa để có số bình quân-f suy rộng (generalized f-mean)
lựa chọn thích hợp cho hàm f(x) nghịch đảo được sẽ cho ra số bình quân số học với f(x) = x, số bình quân nhân với f(x) = log(x), hay số bình quân điều hòa với f(x) = 1/x.
Số bình quân gia quyền
Số bình quân gia quyền được sử dụng khi ta muốn kết hợp các số bình quân từ các mẫu với các kích thước khác nhau từ cùng một tổng thể chung:
Các trọng số biểu diễn biên của mẫu i. Trong các ứng dụng khác, chúng biểu diễn một độ đo độ tin cậy của ảnh hưởng của mẫu lên trung bình bằng các giá trị tương ứng.
Trung bình cụt
Đôi khi một tập số (dữ liệu) có thể bị lẫn các giá trị ngoại lệ không chính xác, nghĩa là các giá trị quá lớn hoặc quá nhỏ. Trong trường hợp đó, người ta có thể sử dụng một trung bình cụt (truncated mean). Trung bình cụt được tính băng cách: loại bỏ các phần dữ liệu tại đỉnh hoặc đáy dữ liệu, thường là các lượng như nhau tại mỗi đầu, rồi lấy trung bình cộng của phần dữ liệu còn lại. Số giá trị bị loại bỏ được ghi dưới dạng tỷ lệ phần trăm của tổng số giá trị.
Trung bình khoảng tứ phân vị
Trung bình khoảng tứ phân vị (interquartile mean) là một ví dụ về một trung bình cụt. Đó chẳng qua là trung bình cộng sau khi đã loại bỏ phần tư giá trị nhỏ nhất và lớn nhất.
giả thiết rằng các giá trị đã được sắp xếp.
Trung bình của một hàm
Trong giải tích, đặc biệt là giải tích đa biến, trung bình của một hàm được định nghĩa một cách lỏng lẻo là giá trị bình quân của hàm trên miền xác định của nó. Nếu là đơn biến, hàm trên khoảng (a,b) được định nghĩa là
(Xem thêm Định lý giá trị trung bình.) Trong trường hợp có nhiều biến, trung bình trên một miền compac tương đối U trong một không gian Ơclid được định nghĩa là
Đó là suy rộng của trung bình cộng. Ngoài ra, còn có thể tổng quát hóa trung bình nhân cho các hàm số bằng cách định nghĩa trung bình nhân của hàm f là
Tổng quát hơn, trong lý thuyết độ đo (measure theory) và lý thuyết xác suất, cả hai loại trung bình đều đóng vai trò quan trọng.
Các loại trung bình khác
Arithmetic-geometric mean
Arithmetic-harmonic mean
Cesàro mean
Chisini mean
Geometric-harmonic mean
Heronian mean
Identric mean
Lehmer mean
Quadratic mean
root mean square
Stolarsky mean
weighted geometric mean
weighted harmonic mean
Rényi's entropy (a generalized f-mean) |
Tuổi trẻ là một khoảng thời gian trong cuộc sống nằm giữa thời thơ ấu và thời trưởng thành. Nó gắn liền với vẻ ngoài, sự tươi mới, sức sống, tinh thần, v.v., đặc trưng của một người trẻ. Không có độ tuổi cụ thể nào xác định thời gian của tuổi trẻ, cũng không có các hoạt động cụ thể nào đánh dấu sự kết thúc của tuổi trẻ.
Tuổi trẻ là thời gian định hình sự độc lập của một cá nhân. Sự định hình này phụ thuộc vào bối cảnh văn hóa. Sự độc lập của một người trẻ là mức độ phụ thuộc của họ dựa vào gia đình về mặt tài chính và cảm xúc.
Thuật ngữ và định nghĩa
Tiếng Anh
Trên khắp thế giới, các thuật ngữ tiếng Anh youth, adolescent, teenager, kid, và young person,... được thay thế cho nhau, và thường có nghĩa giống nhau, nhưng đôi khi được phân biệt. Youth có thể là thời gian cuộc sống khi một người còn trẻ. Thời gian này bao gồm thời thơ ấu và khoảng thời gian nằm giữa thơ ấu với tuổi trưởng thành. Đối với một số mục đích sử dụng, chẳng hạn như thống kê việc làm, youth đôi khi cũng đề cập đến các cá nhân trong độ tuổi từ 14 đến 21. Adolescence thì lại dùng để chỉ một độ tuổi cụ thể trong một giai đoạn phát triển cụ thể trong cuộc sống của một người, không giống như youth là một phạm trù xã hội.
Liên Hợp Quốc định nghĩa tuổi trẻ (thanh niên) là những người trong độ tuổi từ 15 đến 24 với tất cả các số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc dựa trên phạm vi này, Liên Hợp Quốc tuyên bố giáo dục là nguồn để thống kê. Liên Hợp Quốc cũng công nhận rằng điều này thay đổi mà không ảnh hưởng đến các nhóm tuổi khác được liệt kê bởi các quốc gia thành viên là 18-30 tuổi. Một sự khác biệt hữu ích trong chính Liên Hợp Quốc có thể được tạo ra giữa thanh thiếu niên (tức là những người trong độ tuổi từ 13 đến 19) và thanh niên (những người trong độ tuổi từ 18 đến 32). Trong khi tìm cách áp đặt một số thống nhất đối với các phương pháp thống kê, chính Liên Hợp Quốc nhận thức được mâu thuẫn giữa các phương pháp trong các đạo luật riêng của mình. Do đó theo định nghĩa độ tuổi 15-24 (được giới thiệu năm 1981), trẻ em được định nghĩa là những trẻ dưới 14 tuổi trong khi theo Công ước về Quyền trẻ em năm 1979, những trẻ dưới 18 tuổi được coi là trẻ em. Liên Hợp Quốc cũng tuyên bố rằng họ nhận thức được rằng một số định nghĩa tồn tại cho thanh thiếu niên trong các thực thể của Liên Hợp Quốc như Môi trường sống của Thanh niên đưa ra độ tuổi 15-32 và Hiến chương Thanh niên Châu Phi đưa ra độ tuổi 15-35.
Mặc dù liên kết với các quá trình sinh học của sự phát triển và lão hóa, tuổi trẻ cũng được định nghĩa là một vị trí xã hội phản ánh ý nghĩa của các nền văn hóa và xã hội khác nhau dành cho các cá nhân giữa thời thơ ấu và tuổi trưởng thành. Bản thân thuật ngữ này khi được đề cập theo cách thức vị trí xã hội, có thể mơ hồ khi áp dụng cho một người ở độ tuổi lớn hơn với vị trí xã hội rất thấp; có khả năng khi vẫn phụ thuộc vào người giám hộ của họ. Các học giả cho rằng các định nghĩa dựa trên tuổi tác không nhất quán giữa các nền văn hóa hoặc thời đại và do đó chính xác hơn là tập trung vào các quá trình xã hội trong quá trình chuyển sang độc lập trưởng thành để xác định tuổi trẻ.
Tuổi trẻ là giai đoạn xây dựng khái niệm về bản thân. Khái niệm bản thân của tuổi trẻ bị ảnh hưởng bởi các biến số như đồng nghiệp, lối sống, giới tính và văn hóa. Đó là thời gian của cuộc sống của một người khi sự lựa chọn của họ có nhiều khả năng ảnh hưởng đến tương lai của họ.
Các định nghĩa khác
Ở phần lớn châu Phi cận Sahara, thuật ngữ "tuổi trẻ" có liên quan đến những người đàn ông trẻ từ 15 đến 30 hoặc 35 tuổi. Thanh niên ở Nigeria bao gồm tất cả các thành viên của Cộng hòa Liên bang Nigeria ở độ tuổi 18-35. Nhiều cô gái châu Phi trải nghiệm tuổi trẻ như một sự xen kẽ ngắn ngủi giữa lúc bắt đầu dậy thì và kết hôn và làm mẹ. Nhưng ở các khu vực thành thị, phụ nữ nghèo thường được coi là có tuổi trẻ lâu hơn nhiều, ngay cả khi họ sinh con ngoài hôn nhân. Thay đổi về mặt văn hóa, các công trình giới tính của thanh niên ở Châu Mỹ Latinh và Đông Nam Á khác với ở châu Phi cận Sahara. Ở Việt Nam, quan niệm phổ biến về giới trẻ của những công trình xã hội chính trị cho cả hai giới trong độ tuổi từ 15 đến 35.
Tại Brazil, thuật ngữ giới trẻ chỉ những người thuộc cả hai giới tính từ 15 đến 29 tuổi. Khung tuổi này phản ánh ảnh hưởng đối với luật pháp Brazil của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nó cũng được định hình bởi khái niệm thanh thiếu niên đã bước vào cuộc sống hàng ngày ở Brazil thông qua một bài diễn văn về quyền trẻ em.
Tổ chức liên chính phủ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế định nghĩa tuổi trẻ là "những người từ 15 đến 29 tuổi".
Ngày 12 tháng 8 được Liên Hợp Quốc tuyên bố là Ngày Quốc tế Giới trẻ.
Quy định theo quốc gia
Tại Việt Nam, theo Luật Thanh niên 2005, thanh niên được quy định là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi.
Tại Đức, quy định thanh niên (junge Volljährige) là "người 18 nhưng chưa 27 tuổi", thiếu niên (Jugendliche) là "người 14 nhưng chưa đủ 18 tuổi".
Quyền của giới trẻ
Quyền trẻ em bao gồm tất cả các quyền thuộc về trẻ em. Khi lớn lên, họ được cấp các quyền mới (như bỏ phiếu, đồng ý, lái xe, v.v.) và các nghĩa vụ (trách nhiệm hình sự, v.v.). Có những giới hạn tối thiểu khác nhau về độ tuổi mà thanh thiếu niên không được tự do, độc lập hoặc có thẩm quyền về mặt pháp lý để đưa ra một số quyết định hoặc hành động. Một số giới hạn này là tuổi bầu cử, tuổi ứng cử, tuổi đồng ý, tuổi trưởng thành, tuổi chịu trách nhiệm hình sự, tuổi uống rượu, tuổi lái xe, v.v. Sau khi tuổi trẻ đạt đến những giới hạn này, họ được tự do bầu cử, quan hệ tình dục, mua hoặc tiêu thụ đồ uống có cồn hoặc lái xe ô tô, v.v.
Tuổi được bầu cử
Tuổi bầu cử là độ tuổi tối thiểu được thiết lập theo luật mà một người phải đạt được để đủ điều kiện bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử công khai. Thông thường, độ tuổi được đặt ở mức 18 tuổi; tuy nhiên, độ tuổi thấp nhất là 16 và cao nhất là 21 tồn tại (xem danh sách bên dưới). Các nghiên cứu cho thấy 21% trong số tất cả những người 18 tuổi có kinh nghiệm bỏ phiếu. Đây là một quyền quan trọng vì bằng cách bỏ phiếu, họ có thể hỗ trợ chính trị do chính họ lựa chọn và không chỉ bởi những người thuộc thế hệ cũ.
Tuổi ứng cử
Tuổi ứng cử là độ tuổi tối thiểu mà một người có thể đủ điều kiện hợp pháp để nắm giữ một số văn phòng chính phủ được bầu. Trong nhiều trường hợp, nó cũng xác định độ tuổi mà một người có thể đủ điều kiện tham gia cuộc bầu cử hoặc được đề cử.
Tuổi đồng ý
Độ tuổi đồng ý là độ tuổi mà một người được coi là có thẩm quyền về mặt pháp lý để đồng ý với các hành vi tình dục, và do đó là độ tuổi tối thiểu của một người mà được phép tham gia hoạt động tình dục với người khác một cách hợp pháp. Khía cạnh phân biệt độ tuổi của luật đồng ý là người dưới độ tuổi tối thiểu được coi là nạn nhân và bạn tình của họ là người phạm tội.
Bảo vệ trẻ nhỏ
Bảo vệ trẻ nhỏ là một hình thức bào chữa được gọi là cái cớ để các bị cáo nằm trong định nghĩa của "trẻ nhỏ" được miễn trừ khỏi trách nhiệm hình sự đối với hành động của họ, nếu tại thời điểm thích hợp, họ chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Điều này ngụ ý rằng trẻ em thiếu sự phán xét đi kèm với tuổi tác và kinh nghiệm để phải chịu trách nhiệm hình sự. Sau khi đạt đến độ tuổi ban đầu, có thể có các mức trách nhiệm được quy định theo độ tuổi và loại vi phạm.
Tuổi cho phép uống rượu
Độ tuổi uống rượu hợp pháp là độ tuổi mà một người có thể tiêu thụ hoặc mua đồ uống có cồn. Những luật này bao gồm một loạt các vấn đề và hành vi, nêu rõ rượu có thể được uống khi nào và ở đâu. Nồng độ rượu tối thiểu có thể được tiêu thụ hợp pháp có thể khác với nồng độ rượu có thể mua ở một số quốc gia. Các luật này khác nhau giữa các quốc gia khác nhau và nhiều luật có miễn trừ hoặc hoàn cảnh đặc biệt. Hầu hết các luật chỉ áp dụng cho việc uống rượu ở nơi công cộng, trong đó việc tiêu thụ rượu tại nhà hầu hết không được kiểm soát (ngoại lệ là Vương quốc Anh, nơi có độ tuổi hợp pháp tối thiểu là 5 tuổi đối với tiêu dùng có giám sát ở những nơi riêng tư). Một số quốc gia cũng có giới hạn độ tuổi khác nhau đối với các loại đồ uống có cồn khác nhau.
Tuổi lái xe
Tuổi lái xe là độ tuổi mà một người có thể xin giấy phép lái xe. Các quốc gia có độ tuổi lái xe thấp nhất (dưới 17) là Úc, Canada, El Salvador, Iceland, Israel, Estonia, Macedonia, Malaysia, New Zealand, Na Uy, Philippines, Nga, Ả Rập Saudi, Slovenia, Thụy Điển, Vương quốc Anh (Đại lục) và Hoa Kỳ. Tỉnh bang Canada của Canada và một số tiểu bang của Hoa Kỳ cho phép tuổi lái xe thấp đến 14 tuổi. Nigeria có tuổi lái xe tối thiểu cao nhất thế giới ở tuổi 23. Ở Ấn Độ, tuổi lái xe hợp pháp là 18. |
Tuổi trẻ trong tiếng Việt có thể là:
Tuổi trẻ là quãng thời gian của con người: độ tuổi thanh niên, thiếu niên...
Lớp người ở độ tuổi thanh niên, thiếu niên.
Báo Tuổi Trẻ
Nhà hát Tuổi Trẻ
Công viên Tuổi Trẻ
Tên bài hát Hành khúc tuổi trẻ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên |
Nam Cao (tên khai sinh là Trần Hữu Tri, 29 tháng 10, năm 1915 hoặc 1917 – 30 tháng 11 năm 1951) là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo và cũng là một chiến sĩ, liệt sỹ người Việt Nam. Ông là nhà văn hiện thực lớn (trước Cách mạng Tháng Tám), một nhà báo kháng chiến (sau Cách mạng), một trong những nhà văn tiêu biểu nhất thế kỷ 20. Nam Cao có nhiều đóng góp quan trọng đối với việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20.
Thân thế và sự nghiệp
Tiểu sử
Nam Cao tên khai sinh là Trần Hữu Tri (có nguồn ghi là Trần Hữu Trí
), sinh ngày 29 tháng 10 năm 1915 nhưng giấy khai sinh ghi là 1917. Quê ông tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Ông đã ghép hai chữ đầu tiên của tên tổng và huyện làm bút danh: Nam Cao.
Ông xuất thân từ một gia đình Công giáo ở nông thôn. Cha ông là ông Trần Hữu Huệ, làm và kinh doanh nghề mộc, có thời gian làm nghề thầy lang trong làng. Mẹ ông là bà Trần Thị Minh, vừa là nội trợ, làm vườn, làm ruộng và dệt vải.
Thuở nhỏ, Nam Cao học sơ học ở trường làng. Đến cấp tiểu học và bậc trung học, gia đình gửi ông xuống Nam Định học ở trường Cửa Bắc rồi trường Thành Chung (nay là trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định). 1934 học xong bậc trung học, nhưng bị ngã và đau ốm nên chưa thi lấy bằng Thành chung. Đâu năm 1935 cưới vợ, Trần Thị Sen (tên thánh Maria Sen), người cùng làng. Tháng 11/1935 Nam Cao vào Sài Gòn, ở lại đây 30 tháng, sống bằng nghề làm thư ký hiệu may Ba Lễ, đồng thời bắt đầu viết văn, gửi cho các báo. Năm 1936 được đăng các truyện ngắn "Cảnh cuối cùng" và "Hai cái xác" dưới bút danh Thúy Rư trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy (Hà Nội). Năm 1937 được đăng các truyện ngắn "Một bà hào hiệp", "Nghèo", "Đui mù" dưới bút danh Thúy Rư trên Tiểu thuyết thứ bảy, Truyện "Những cánh hoa tàn" trên báo Ích Hữu (Hà Nội). Tháng 5/1938, vì lí do sức khoẻ, Nam Cao trở ra Bắc, về quê.
Đến với nghề văn
Trở ra Bắc, sau khi tự học lại để thi lấy bằng Thành chung, Nam Cao lên Hà Nội dạy học ở Trường tư thục Công Thanh, trên đường Thụy Khuê, Hà Nội. Ông đưa in truyện ngắn Cái chết của con Mực trên báo Hà Nội tân văn (1940) và in thơ cũng trên báo này với các bút danh Xuân Du, Nguyệt.
Năm 1941, tập truyện đầu tay Đôi lứa xứng đôi, tên trong bản thảo là Cái lò gạch cũ, với bút danh Nam Cao do Nhà xuất bản Đời mới Hà Nội ấn hành được đón nhận như là một hiện tượng văn học thời đó. Sau này khi in lại (1945), Nam Cao đã đổi tên là Chí Phèo.
Phát xít Nhật xâm chiếm Đông Dương, trường sở bị trưng dụng, ông rời Hà Nội, về dạy học ở Trường tư thục Kỳ Giang, tỉnh Thái Bình, rồi về lại làng quê Đại Hoàng. Thời kỳ này, Nam Cao cho ra đời nhiều tác phẩm. Ông in truyện dài nhiều kỳ Truyện người hàng xóm trên tờ Trung Bắc Chủ nhật, viết xong tiểu thuyết Chết mòn, sau đổi là Sống mòn...
Tham gia hoạt động cách mạng
Tháng 6 năm 1943, Nam Cao gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam, đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh, và là một trong số những thành viên đầu tiên của tổ chức này. Trong không khí bị đàn áp gắt gao, ông phải rời Hà Nội về quê.
Năm 1945, trong cao trào Cách mạng tháng Tám, Nam Cao tham gia cướp chính quyền ở phủ Lý Nhân, được cử làm Chủ tịch xã của chính quyền mới ở quê ông. Tháng 11/1945, Nam Cao từ quê ra Hà Nội, được cử làm Thư ký tòa soạn tạp chí Tiên Phong, rồi được cử làm phái viên tham gia đoàn quân Nam tiến. Cuối năm 1945 ông trở ra Bắc. Thời gian này, 1945-1946, ông đưa in trên tạp chí Tiên phong các tác phẩm "Mò sâm-banh" (truyện ngắn), "Đường vô Nam" (bút ký). "Nỗi truân chuyên của khách má hồng" (truyện châm biếm chính trị), "Cách mạng" (truyện ngắn). Ông đổi tên truyện "Đôi lứa xứng đôi" thành "Chí Phèo" đưa in trong tập truyện "Luống cày" (Hội Văn hóa cứu quốc VN xuất bản, 1945) chung với Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Kim Lân.
Cuối năm 1946, Nam Cao nhận công tác ở Ty Văn hóa Hà Nam, làm báo Giữ nước và Cờ chiến thắng của tỉnh này. Mùa thu năm 1947, Nam Cao lên Việt Bắc. Ông là thư ký tòa soạn báo Cứu quốc Việt Bắc, viết Nhật ký ở rừng. Tại chiến khu, năm 1948, Nam Cao gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam.
Năm 1950, Nam Cao chuyển sang làm việc ở Hội Văn nghệ Việt Nam, làm việc trong toà soạn tạp chí Văn nghệ. Tháng 6, ông thuyết trình về vấn đề ruộng đất trong hội nghị học tập của văn nghệ sĩ, sau đó ông được cử làm Ủy viên tiểu ban văn nghệ của Trung ương Đảng. Trong năm đó, ông tham gia Chiến dịch Biên giới.
Tháng 5 năm 1951, Nam Cao và Nguyễn Huy Tưởng về dự Hội nghị văn nghệ Liên khu 3, sau đó hai nhà văn cùng vào công tác khu 4. Nam Cao trở ra tham gia đoàn công tác thuế nông nghiệp, vào vùng địch hậu khu 3. Ông có ý định kết hợp lấy thêm tài liệu cho cuốn tiểu thuyết dự định sẽ viết. Trên đường đi vào vùng tề, đoàn thể trong hội bơi tỏa ra bốn hướng, nhưng ông không biết bơi lội nên đã bị quân Pháp phục kích vây bắt và sát hại, hy sinh vào ngày 30 tháng 11 năm 1951 (nhằm ngày mùng 02 tháng 11 âm lịch), tại đồn Hoàng Đan thuộc làng Vũ Đại, xã Gia Xuân, Gia Viễn (Ninh Bình).
Sau khi hy sinh, phần mộ ông đã bị thất lạc. Đầu năm 1996, một chương trình có tên "Tìm lại Nam Cao" nhằm tìm lại mộ phần của ông được Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam tổ chức với sự tham gia của 35 đơn vị tham gia như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Nhà văn Việt Nam, báo Nhân dân,... Với sự giúp đỡ của 7 nhà ngoại cảm mà Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA) mời dự, một ngôi mộ được cho là của Nam Cao đã được tìm thấy ở nghĩa trang huyện Gia Viễn, (Ninh Bình) và quy tập về quê hương ông (xã Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam).
Tuy mất sớm, nhưng ảnh hưởng của ông đến văn học Việt Nam vẫn đáng kể.
Cũng trong năm 1996, Nam Cao được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật.
Nhà tưởng niệm Nam Cao được thành lập từ ngày 30 tháng 11 năm 2004 tại Hà Nam để tưởng niệm 53 năm ngày mất của nhà văn này.
Tác phẩm
Kịch
Đóng góp
Tiểu thuyết
Truyện người hàng xóm (1944) - Báo Trung Bắc Chủ nhật.
Sống mòn (viết xong 1944, xuất bản 1956), Nhà xuất bản Văn Nghệ.
Và bốn tiểu thuyết bản thảo bị thất lạc: Cái bát, Một đời người, Cái miếu, Ngày lụt.
Truyện ngắn
Trước cách mạng
Ba người bạn
Đón khách
Bài học quét nhà (1943)
Bảy bông lúa lép
Cái chết của con Mực
Cái mặt không chơi được
Chuyện buồn giữa đêm vui
Cười
Con mèo
Con mèo mắt ngọc
Chí Phèo (1941)
Đầu đường xó chợ
Điếu văn
Đôi móng giò
Đời thừa (1943)
Đòn chồng
Đui mù
Nhỏ nhen
Làm tổ
Lang Rận
Lão Hạc (1943)
Mong mưa
Một truyện xu-vơ-nia
Một đám cưới (1944)
Mua danh
Mua nhà
Một bữa no (1943)
Người thợ rèn
Nhìn người ta sung sướng
Những chuyện không muốn viết
Những trẻ khốn nạn
Nghèo (1937)
Nụ cười
Nước mắt
Nửa đêm
Phiêu lưu
Quái dị
Quên điều độ
Anh tẻ
Rửa hờn
Sao lại thế này?
Thôi, đi về
Giăng sáng (1942)
Trẻ con không được ăn thịt chó (1942)
Truyện biên giới
Truyện tình
Tư cách mõ (1943)
Từ ngày mẹ chết
Xem bói
Dì Hảo (1941)
Truyện người hàng xóm
Rình trộm
Đảo hang cọp (1942)
Thám hiểm Châu Phi (1942)
Sau cách mạng
Mò sâm banh (1945)
Năm anh hàng thịt (1945)
Một cuộc đốt làng (1945)
Nỗi truân chuyên của khách má hồng (1946)
Cách mạng (1946)
Đôi mắt (1948)
Đợi chờ
Trần Cừ
Những bàn tay đẹp ấy
Hội nghị nói thẳng
Định mức
Truyện ký kháng chiến
Đường vô Nam
Ở rừng (Nhật ký)
Từ ngược về xuôi
Trên những con đường Việt Bắc
Bốn cây số cách một căn cứ địch
Vui dân công
Vài nét ghi qua vùng giải phóng
Ngoài ra ông còn làm thơ và biên soạn sách địa lý cùng với tác giả Văn Tân: Địa dư các nước châu Âu (1948), Địa dư các nước châu Á, châu Phi (1969), Địa dư Việt Nam (1951).
Danh hiệu tôn vinh
Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 1996.
Tên Nam Cao được đặt tên cho Đường phố tại Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội; Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh; Thành phố Đà Nẵng; Thành phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai; Thành phố Rạch Giá, Tỉnh Kiên Giang và một số địa phương khác.
Tên ông cũng được đặt cho một số trường học phổ thông và dự định cho tên một khu đại học tại Hà Nam.
Tỉnh Quảng Ngãi quyết định đặt tên ông cho Đường phố tại Phường Trần Phú, dài 1.000m vào năm 2023
Gia đình
Ông có một vợ và năm người con, trong đó một người đã mất trong nạn đói năm Ất Dậu. |
Điều khiển học (tiếng Anh: cybernetics) là khoa học về việc điều khiển, thu thập, truyền và xử lý thông tin, thường bao gồm liên hệ điều chỉnh ngược trong các cơ thể sống, trong máy móc và các tổ chức và các kết hợp của chúng (ví dụ hệ thống kỹ thuật xã hội, các máy móc do máy tính điểu khiển, chẳng hạn robot).
Lịch sử
Vào khoảng những năm 1940, điều khiển học hiện đại bắt đầu với vai trò một ngành nghiên cứu kết hợp giữa các lĩnh vực hệ thống điều khiển, thần kinh học, lý thuyết mạng điện, và mô hình logic. Norbert Wiener đặt ra thuật ngữ "cybernetics" để chỉ đến ngành nghiên cứu các "cơ chế có mục đích" (teleological mechanisms) và thuật ngữ này được phổ biến bởi cuốn sách của ông với tựa đề Cybernetics, or control and communication in the animal and machine ("Điều khiển học, hay điều khiển và giao tiếp trong động vật và máy móc", 1948). Vì vậy, ông Wiener được coi như cha đẻ của điều khiển học.
Nội dung
Lý thuyết thông tin
Lý thuyết thuật toán
Lý thuyết tự động học
Lý thuyết hành vi
Lý thuyết điều khiển tối ưu
Lý thuyết nhận dạng
Phân ngành
Điều khiển học kỹ thuật
Điều khiển học sinh học
Điều khiển học xã hội |
Iosif Vissarionovich Stalin (tên khai sinh: Ioseb Besarionis dze Jughashvili; – 5 tháng 3 năm 1953) là một chính khách, nhà lý luận chính trị và nhà cách mạng người Gruzia. Ông giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1922 đến năm 1952 và chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô từ năm 1941 đến năm 1953. Về ý thức hệ chính trị, ông là người tin tưởng vào các diễn giải của Lenin đối với chủ nghĩa Marx; dòng lý thuyết mà về sau được ông chuẩn hóa thành chủ nghĩa Marx-Lenin.
Stalin sinh thành trong một gia đình dân tộc Gruzia bần cùng ở thị trấn Gori, tỉnh Tiflis thuộc Đế quốc Nga (nay là Gruzia). Năm 1901, ông tham gia Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga Marxist và trở thành biên tập viên của tờ Pravda. Trong khoảng thời gian này, ông tài trợ hoạt động của cánh Bolshevik do V. I. Lenin dẫn đầu bằng nhiều thủ đoạn như: trộm cướp nhà băng Đế quốc Nga, bắt cóc tống tiền quý tộc và bảo kê thu tiền các khu mỏ tư bản. Liên tục bị chính quyền bắt giữ, ông đã dành nhiều năm tháng đày đọa ở Siberia. Sau sự thành công của Cách mạng Tháng Mười và sự thành lập của chính phủ độc đảng dưới quyền Đảng Cộng sản Liên Xô vào năm 1917, Stalin được bổ nhiệm làm ủy viên Bộ Chính trị. Ông phục vụ Hồng quân trong cuộc Nội chiến Nga và giám sát hiệp ước thành lập Liên Xô vào năm 1922. Sau khi Lenin qua đời, Stalin vươn lên nắm quyền và áp đặt "chủ nghĩa xã hội trong một quốc gia" làm hạt nhân chủ thuyết của Đảng Cộng sản Liên Xô. Nhờ các kế hoạch 5 năm do ông chủ trương, đất nước Liên Xô đã thực hiện tập thể hóa nông nghiệp và công nghiệp hóa nhanh chóng, tạo nên một nền kinh tế tập trung do nhà nước hoạch định. Tuy nhiên, sự gián đoạn nghiêm trọng đối với chuỗi cung cấp thực phẩm đã gây ra nạn đói 1930–1933 ở Liên Xô. Nhằm diệt trừ "kẻ thù của giai cấp công nhân", Stalin đã tiến hành Đại thanh trừng, theo đó khoảng một triệu người đã bị bắt tới các trại lao động khổ sai gọi là Gulag, và ít nhất 700.000 người đã bị xử tử từ năm 1936 đến năm 1938.
Stalin truyền bá chủ nghĩa Marx–Lenin thông qua Quốc tế Cộng sản và hỗ trợ các phong trào chống phát xít ở Châu Âu hồi những năm 1930, điển hình là Nội chiến Tây Ban Nha. Năm 1939, chế độ của ông ký kết hiệp ước không xâm phạm với Đức Quốc xã, đặt tiền đề cho cuộc xâm lược Ba Lan sau đó. Năm 1941, Đức bãi bỏ hiệp ước và tiến hành xâm lược Liên Xô, khiến Stalin đành gia nhập Khối Đồng minh với tư cách là một trong ba lãnh đạo lớn của khối này. Tuy thất bại trong giai đoạn đầu, Hồng quân Xô viết đã dần đánh lui cuộc tiến công của quân Đức và chiếm đóng Berlin vào năm 1945, chấm dứt Thế chiến II ở Châu Âu. Liên Xô đã sáp nhập các nước Baltic, Bessarabia và Bắc Bukovina trong cuộc chiến, hơn nữa đã giúp thành lập các chính phủ ủng hộ họ ở Đông-Trung Âu và một phần Đông Á. Với sự khép lại của Thế chiến II, Liên Xô và Hoa Kỳ trở thành hai siêu cường toàn cầu và tiến vào thời kỳ căng thẳng mới gọi là Chiến tranh Lạnh. Thời hậu chiến, Stalin điều hành công cuộc tái thiết Liên Xô và ủy nhiệm dự án phát triển bom hạt nhân vào năm 1949. Trong thời gian này, Liên Xô trải qua nạn đói lớn thứ hai và một chiến dịch bài Do Thái với cao trào là sự kiện Mưu đồ Bác sĩ. Sau khi Stalin qua đời vào năm 1953, nhà lãnh đạo mới của Liên Xô, Nikita Khrushchev, đã ngay lập tức tố cáo chế độ cũ của người tiền nhiệm và khơi mào chính sách phi Stalin hóa mọi mặt đời sống xã hội Liên Xô.
Stalin được công nhận là một trong những nhân vật lịch sử cực kỳ quan trọng của thế kỷ 20. Ông là đối tượng của sự sùng bái cá nhân trong phong trào Marx-Lenin quốc tế, được tôn vinh là vị lãnh tụ xã hội chủ nghĩa đứng về phía nhân dân lao động. Kể từ khi Liên Xô giải thể vào năm 1991, Stalin vẫn giữ được tiếng tăm ở Nga và Gruzia, vì nhân dân hai nơi đó xem ông như người có công dẫn dắt Liên Xô đánh thắng phát-xít và đưa họ lên vị thế siêu cường. Dù vậy, chính quyền đời Stalin thường bị chỉ trích là toàn trị, và bản thân Stalin cũng đã bị phê phán vì thực hiện nhiều chính sách tàn nhẫn như: áp bức chính trị, thanh lọc sắc tộc, trục xuất quy mô lớn, xử tử hàng loạt, và trưng thu lương thực dẫn đến nạn đói nghiêm trọng.
Đầu đời
Tuổi thơ và thiếu thời: 1878–1899
Stalin chào đời tại thị trấn Gori, Gruzia; bấy giờ là Tỉnh Tiflis thuộc Đế quốc Nga, ngôi nhà chung của các dân tộc Gruzia, Azerbaijan, Armenia, Nga, và Do Thái. Ông sinh ngày , và được rửa tội vào ngày 29 tháng 12 cùng năm. Tên khai sinh của ông là Ioseb Besarionis dze Jughashvili, hồi nhỏ còn được đặt biệt danh là "Soso", cách gọi yêu cái tên "Ioseb". Cha ông tên là Besarion Jughashvili, còn mẹ ông tên là Ekaterine Geladze. Stalin là người con duy nhất của cặp vợ chồng Geladze sống sót qua tuổi sơ sinh.
Besarion là thợ vá giày làm thuê cho một nhà xưởng. Ban đầu thu nhập của ông khá khẩm song về sau sa sút, khiến gia đình rơi vào cảnh éo le. Besarion trở nên nghiện rượu, quay ra đánh đập vợ con. Stalin và mẹ Ekaterine bỏ nhà ra đi vào năm 1883, phiêu bạt đó đây, chuyển nơi sống tận 9 lần trong vòng một thập kỷ tới. Năm 1886, họ ở nhờ nhà người bạn là Cha Christopher Charkviani. Ekaterine làm nghề giúp việc nhà để kiếm sống và mong muốn cho con trai đi học. Tháng 9 năm 1888, Stalin được nhận vào trường Giáo hội Chính thống Gori, nhờ sự giúp đỡ của Charkviani. Tuy hay ẩu đả với đồng lứa, Stalin học rất giỏi, bộc lộ năng khiếu vẽ vời và kịch nghệ, biết tự viết thơ, và thích hát bè cùng các bạn. Stalin từng có nhiều vấn đề về sức khỏe: Trận đậu mùa năm 1884 lưu lại trên mặt ông một vết sẹo; năm 12 tuổi thì bị đâm trọng thương bởi một cỗ xe ngựa phaeton, đây có lẽ là lí do tại sao tay trái ông thường bị tê liệt suốt đời.
Tháng 8 năm 1894, Stalin được nhận vào Chủng viện Tâm linh Chính thống giáo ở Tiflis. Do có trợ cấp học bổng, ông không phải trả một số khoản học phí. Ông nội trú ở đây cùng 600 thực tập sinh mục sư, đạt điểm số khá cao. Ông tiếp tục sáng tác thơ; năm bài trong số đó, viết về các chủ đề như thiên nhiên, đất nước và tư tưởng ái quốc, được xuất bản dưới bút danh "Soselo" và đăng trên báo Iveria (Gruzia) của Ilia Chavchavadze. Theo nhà nghiên cứu tiểu sử Simon Sebag Montefiore, chúng trở thành "những vần thơ Gruzia nhỏ song kinh điển", xuất hiện ở nhiều quyển tuyển tập thơ Gruzia trong vòng vài năm tới. Lớn lên, Stalin mất hứng thú với việc học tôn giáo, khiến điểm số trên lớp của ông sa sút. Theo một số nguồn, ông thường xuyên bị cấm túc vì hành vi nổi loạn ở trường.
Stalin tham gia một câu lạc bộ đọc sách cấm ở trường; ông chịu ảnh hưởng rất lớn từ tiểu thuyết cách mạng Phải làm gì? (1863) của Nikolay Chernyshevsky và Kẻ giết bố của Alexander Kazbegi; bí danh "Koba" của Stalin bắt nguồn từ tên nhân vật chính trong cuốn sách này. Stalin biết đến tác phẩm Das Kapital (1867) của nhà lý luận người Đức Karl Marx. Ông trở nên tin tưởng vào thuyết chính trị-xã hội Marxist, bấy giờ đang khá thời thượng ở Gruzia; đây cũng là một trong những hình thức chủ nghĩa xã hội chống lại chế độ chuyên chế Sa hoàng. Vào mỗi buổi đêm, ông tham dự các cuộc họp bí mật của công nhân và được giới thiệu với Silibistro "Silva" Jibladze, nhà Marxist sáng lập phái Mesame Dasi ("Nhóm thứ ba"). Stalin rời chủng viện vào tháng 4 năm 1899 và không bao giờ quay trở lại.
Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga: 1899–1904
Tháng 10 năm 1899, Stalin làm việc cho đài khí tượng Tiflis. Do khối lượng công việc không nhiều, ông dành thời gian rảnh cho các hoạt động cách mạng. Stalin thu hút một nhóm những người ủng hộ qua các lớp dạy lý thuyết xã hội chủ nghĩa của ông, bí mật chủ trì một cuộc họp công nhân vào ngày 1 tháng 5 năm 1900, và thuyết phục họ tổ chức biểu tình đình công. Tới thời điểm này, cục cảnh sát mật Okhrana đã biết đến các hoạt động của Stalin trong hội nhóm cách mạng ở Tiflis. Họ dự định bắt giữ Stalin vào tháng 3 năm 1901, song ông tẩu thoát kịp thời, lẩn trốn và sống qua ngày nhờ khoản tiền do người thân chu cấp. Phải sống lẩn lút, ông giúp đỡ để lên kế hoạch cho một cuộc biểu tình công nhân vào ngày 1 tháng 5 năm 1901, với sự tham gia của tầm 3.000 người, đụng độ với lực lượng trị an của triều đình. Ông liên tiếp tránh né được sự lùng sục gắt gao của chính quyền bằng cách dùng tên giả và tạm trú ở nhiều căn hộ khác nhau. Tháng 11 năm 1901, ông được bầu vào Ủy ban Tiflis của Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga (RSDRP), một chính đảng Marxist thành lập vào năm 1898.
Tháng đó Stalin lữ hành tới cảng thị Batum. Luận điệu chủ chiến của ông đã gây chia rẽ nội bộ những người Marxist ở thành phố, một số nghi ngờ rằng ông là điệp viên hai mang của chính quyền Sa hoàng. Ông tìm được một công việc tại nhà kho tinh luyện Rothschild, nơi ông đồng tổ chức hai cuộc đình công lớn. Sau khi các thủ lĩnh công nhân bị bắt, ông tổ chức một cuộc biểu tình quần chúng, đột nhập vào nhà ngục địa phương; quân lính xả súng vào đám đông biểu tình, khiến 13 người thiệt mạng. Stalin tổ chức một cuộc biểu tình nữa vào ngày tang lễ của họ, trước khi bị bắt giam vào tháng 4 năm 1902. Ban đầu bị tạm giam ở Nhà tù Batumi, sau đó chuyển sang Nhà tù Kutaisi, rồi vào giữa năm 1903 bị kết án 3 năm tù đày ở Siberi.
Stalin rời Batum vào tháng 10, bị thuyên chuyển tới thị trấn Novaya Uda ở Siberi cuối tháng 11 năm 1903. Tại đây, ông sống trong một căn nhà nông dân hai phòng, ngủ trong phòng trữ lương thực. Ông từng hai lần định tẩu thoát: Lần đầu, ông chạy tới được Balagansk song phải quay lại vì bỏng lạnh; lần thứ hai, vào tháng 1 năm 1904, thành công và tới được Tiflis. Tại đây, ông cùng Philip Makharadze chủ bút tờ báo Marxist Gruzia Proletariatis Brdzola ("Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản"). Ông kêu gọi phong trào Marxist Gruzia mạnh dạn tách khỏi phong trào Marxist Nga; điều này đã khiến một số đảng viên RSDRP cáo buộc ông là có thái độ dân tộc đi ngược lại chủ nghĩa Marxist quốc tế, đồng thời kiến nghị khai trừ ông khỏi Đảng. Stalin rốt cuộc phải rút lại lời kêu gọi của mình. Trong những năm tháng ông đi đày ải, RSDRP đã rạn nứt thành hai bè phái là "Bolshevik" của Vladimir Lenin và "Menshevik" của Julius Martov. Stalin bất đồng với nhiều thành viên Menshevik ở Gruzia nên ngả theo phái Bolshevik. Mặc dù tồn tại một bản doanh Bolshevik do Stalin thành lập tại thành phố mỏ Chiatura, phái này vẫn chỉ là lực lượng thiểu số trong địa bàn Gruzia có phần đông là phe Menshevik.
Cách mạng 1905 và hệ quả: 1905–1912
Tháng 1 năm 1905, quân đội Sa hoàng thảm sát người biểu tình ở Sankt-Peterburg. Bất ổn dần lan rộng toàn Đế quốc Nga và leo thang thành Cách mạng năm 1905. Gruzia bị ảnh hưởng đáng kể từ sự kiện này. Stalin trú ở Baku vào tháng 2, thời điểm mà căng thẳng sắc tộc giữa người Armenia và Azerbaijan đang lên đến đỉnh điểm; ít nhất 2.000 người thiệt mạng trong cuộc xung đột đi kèm. Ông công khai khiển trách "cuộc pogrom chống lại người Do Thái và người Armenia" như một phần nỗ lực của Sa hoàng Nikolai II nhằm "củng cố ngai vàng đáng khinh của hắn ta". Stalin thành lập Đội Biệt động Bolshevik, đóng vai trò chêm đệm giữa hai phe phái thù địch nhau tại Baku; ông cũng thừa cơ này để trộm cắp công cụ in ấn. Ông tiếp tục mở rộng quy mô Đội Biệt động giữa triền miên xung đột Gruzia, đồng thời với động thái của phe Menshevik. Các toán quân của Stalin giải giáp binh lính và cảnh sát địa phương, đột kích kho vũ khí của chính phủ, gây quỹ thông qua việc bảo kê các nhà kinh doanh và các hầm mỏ địa phương. Họ thực hiện nhiều đợt tấn công nhắm vào lính Cossack và phiến quân Chernosotentsy ủng hộ Sa hoàng, đôi khi còn phối hợp lực lượng với dân quân Menshevik.
Tháng 11 năm 1905, những người Bolshevik Gruzia đề cử Stalin làm đại biểu thay mặt họ tham dự hội nghị Bolshevik được tổ chức tại Sankt-Peterburg. Lúc tới nơi, ông hay tin trực tiếp từ người vợ của Lenin, bà Nadezhda Krupskaya, rằng địa điểm cuộc hẹn đã được chuyển đến Tampere ở Đại công quốc Phần Lan. Tại hội nghị năm 1905, Stalin đã có vinh dự gặp mặt Lenin lần đầu tiên trong đời. Tuy cực kì tôn kính Lenin, Stalin bày tỏ bất đồng đối với quan điểm của Lenin rằng phái Bolshevik phải cài những người ứng cử trong cuộc bỏ phiếu sắp tới vào trong Duma Quốc gia; Stalin cho rằng quá trình tiến cử quốc hội chỉ tổ phí thời gian mà thôi. Tháng 4 năm 1906, Stalin dự Đại hội RSDRP lần thứ tư ở Stockholm; đây cũng là chuyến đi đầu tiên của ông ngoài Đế quốc Nga. Tại hội nghị, Đảng RSDRP – khi đó phái Menshevik chiếm đa số – đồng thuận là sẽ không cướp có vũ trang để chu cấp cho các hoạt động cách mạng. Lenin và Stalin bất đồng với quyết định này, nên ngầm thảo luận với những đảng viên Bolshevik khác, lên kế hoạch cướp tiền Đế quốc nhân danh công cuộc cách mạng.
Tháng 7 năm 1906, Stalin kết hôn với Kato Svanidze tại một nhà thờ Chính thống giáo ở Senaki. Tháng 3 năm 1907, bà sinh cho ông một người con trai, đặt tên là Yakov. Bấy giờ – theo nhà sử học Robert Service – Stalin đã xây dựng tên tuổi cho mình là "người Bolshevik tiên phong của Gruzia". Ông dự Đại hội RSDRP lần thứ năm, được tổ chức tại Nhà thờ Brotherhood ở London từ tháng 5 đến tháng 6 năm 1907. Trở về Tiflis, Stalin vạch kế hoạch cướp tiền của Ngân hàng Đế quốc vào tháng 6 năm 1907. Băng nhóm của ông đánh chặn thành công một đoàn hộ tống chờ tiền đi qua Quảng trường Erivansky bằng súng và bom tự chế. Khoảng 40 người thiệt mạng trong vụ cướp, song tất cả các thành viên của băng nhóm đều chạy thoát. Sau phi vụ đó, Stalin chuyển tới sống ở Baku cùng vợ và con trai. Tại đây, phái Menshevik đối mặt với Stalin về vụ tai tiếng, đồng thời đầu phiếu để khai trừ ông khỏi RSDRP, song Stalin phớt lờ họ.
Stalin đảm bảo phe Bolshevik chiếm được thế thượng phong trong nhánh RSDRP ở Baku, đồng thời biên tập hai tờ báo Bolshevik là Bakinsky Proletary và Gudok ("Tiếng huýt"). Tháng 8 năm 1907, ông tham dự Đại hội lần 7 của Đệ nhị Quốc tế – một tổ chức chính trị theo chủ nghĩa xã hội – ở Stuttgart, Đức. Tháng 11 năm 1907, vợ của Stalin qua đời vì sốt typhus, khiến ông đành giao phó con trai cho nhà ngoại nuôi ở Tiflis. Tại Baku, ông tái hợp băng nhóm tội phạm Trang phục. Họ tiếp tục đánh chặn phiến quân Chernosotentsy nhờ nguồn quỹ gây dựng bằng các thủ đoạn như bảo kê, rửa tiền, và trộm cướp. Họ cũng bắt giữ nhiều con em quý tộc nhà giàu làm con tin để tống tiền. Đầu năm 1908, Stalin lữ hành đến Geneva ở Thụy Sĩ để gặp Lenin và nhà lí thuyết Marxist người Nga nổi tiếng Georgi Plekhanov – vị này không có thiện cảm đối với Stalin.
Tháng 3 năm 1908, Stalin bị bắt tạm giam tại Nhà tù Bailov ở Baku. Ông trở thành thủ lĩnh của những người Bolshevik bị cầm tù, tổ chức các hội nhóm thảo luận, và ra lệnh giết những kẻ tình nghi tố giác. Ông bị kết án hai năm đày ải ở Solvychegodsk, Tỉnh Vologda, tới đó vào tháng 2 năm 1909. Tháng 6 cùng năm, ông trốn thoát khỏi ngôi làng, cải trang thành phụ nữ và chạy tới Kotlas, rồi từ đó đi Sankt-Peterburg. Tháng 3 năm 1910, ông lại bị bắt và giải về Solvychegodsk. Ở đây, ông nảy sinh tình cảm với bà chủ đất Maria Kuzakova – người đã sinh đứa con trai thứ hai cho Stalin tên là Konstantin. Tháng 6 năm 1911, Stalin được phép chuyển tới Vologda, ở trong vòng hai tháng. Tại đây, ông nảy sinh mối tình với Pelageya Onufrieva. Ông trốn đi Sankt-Peterburg, nhưng lại bị bắt vào tháng 9 năm 1911, lần này án lưu đày bị gia hạn thêm ba năm tại Vologda.
Ủy ban Trung ương Đảng và tờ Pravda: 1912–1917
Tháng 1 năm 1912, những người Bolshevik tiến hành bầu cử Ủy ban chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Prague. Ít lâu sau, Lenin và Grigory Zinoviev quyết định trao cho Stalin một ghế trong ủy ban. Vẫn trú ở Vologda, Stalin đồng ý và giữ vị trí đó đến cuối đời. Lenin tin tưởng Stalin vì lẽ, với tư cách là người dân tộc Gruzia, Stalin có thể vận động các dân tộc thiểu số khác ủng hộ Bolshevik. Tháng 2 năm 1912, Stalin trốn tới Sankt-Peterburg lần nữa. Tại đây, ông chịu trách nhiệm chuyển đối tuần báo Bolshevik Zvezda ("Tinh tú") thành nhật báo Pravda ("Sự thật"), chính thức ấn hành vào tháng 4 năm 1912. Vai trò biên tập viên của Stalin được giữ kín.
Tháng 5 năm 1912, ông lại bị bắt và tống giam tại Nhà tù Shpalerhy, lần này lĩnh án ba năm đày ải ở Siberia. Tháng 7 cùng năm, ông đặt chân đến ngôi làng hẻo lánh Narym, ở đó cùng nhà cách mạng Bolshevik Yakov Sverdlov. Hai tháng sau, Stalin và Sverdlov đào tẩu tới Sankt-Peterburg. Trong khoảng thời gian ngắn quay lại Tiflis sau đó, Stalin và băng nhóm Trang phục đã mai phục một toa xe chở thư, nhưng hầu hết thành viên của băng này – trừ Stalin – bị chính quyền vây bắt. Stalin trở về Sankt-Peterburg, tiếp tục biên tập và viết bài đăng trên tờ Pravda.
Sau cuộc bầu cử Duma tháng 10 năm 1912, trong đó sáu đảng viên Bolshevik và sáu đảng viên Menshevik trúng cử, Stalin đã viết các bài báo kêu gọi sư hòa giải giữa hai phái Marxist, khiến Lenin phật lòng. Cuối năm 1912, Stalin hai lần qua Áo-Hung để gặp Lenin ở Kraków, rốt cuộc quy thuận sự phản đối của Lenin với phái Menshevik. Tháng 1 năm 1913, Stalin đi Viên, nhằm tìm kiếm lời giải cho 'vấn đề dân tộc', thiểu số hoặc đa số, trong Đế quốc Nga. Lenin khuyến khích Stalin viết một bài luận về chủ đề này để lôi kéo các dân tộc muốn độc lập về phía Bolshevik, đồng thời cũng hy vọng sau đó họ sẽ liên minh với nước Nga do Bolshevik kiểm soát.
Bài viết Chủ nghĩa Marx và Vấn đề Dân tộc của Stalin lần đầu tiên được đăng trên số tháng Ba, tháng Tư, và tháng Năm năm 1913 trên tạp chí Prosveshcheniye của Bolshevik; rất được Lenin ưng thuận. Theo nhà nghiên cứu Montefiore, đây là "công trình nổi tiếng nhất của Stalin". Ông xuất bản nó dưới bí danh "K. Stalin", cái tên mà đã được sử dụng từ năm 1912, gốc là từ "thép" (stal) trong tiếng Nga. Vì vậy, biệt danh này có thể được dịch nôm na là "người thép". Stalin có lẽ đã bắt chước cách dùng bí danh của Lenin, và lấy đây làm tên riêng suốt phần đời còn lại.
Tháng 2 năm 1913, Stalin bị bắt ở Sankt-Peterburg, lần này lĩnh bốn năm đày ải ở Turukhansk hẻo lánh thuộc Siberia, nơi mà việc trốn chạy sẽ rất khó thành công. Vào tháng 8, ông đặt chân đến ngôi làng Monastyrskoe, tuy nhiên sau sáu tuần lưu trú thì bị chuyển tới Kostino. Tháng 3 năm 1914, quan ngại về cơ hội tẩu thoát của các phạm nhân, chính quyền đã áp giải Stalin sang thôn Kureika, tọa lạc gần mép Vòng Bắc Cực. Tại đây, Stalin có mối tình với Lidia Pereprygina, khi đó mới 14 tuổi, tức là nằm trong tuổi cập kê hồi ấy. Theo nhà nghiên cứu Montefiore, vào khoảng tầm tháng 12 năm 1914, họ sinh một đứa con nhỏ song nó bị chết non, và sinh một đứa nữa, đặt tên là Alexander, vào tháng 4 năm 1917.
Tại Kureika, Stalin chung sống với các tộc thổ dân người Tungus và người Ostyak, dành phần lớn thời gian câu cá.
Cách mạng Nga: 1917
Trong lúc Stalin thụ án phát lưu, Nga bước vào Thế chiến thứ nhất. Tháng 10 năm 1916, Stalin và nhiều đảng viên Bolshevik lưu đày khác bị gọi tòng quân, được thuyên chuyển đến Monastyrskoe. Họ dừng chân ở Krasnoyarsk vào tháng 2 năm 1917, nơi Stalin được miễn quân dịch vì cánh tay tàn tật của ông. Do không muốn trải qua bốn tháng tù đày nữa, ông xin phép được hoàn thành quân vụ tại Achinsk. Cách mạng Tháng Hai khơi mào khi Stalin ở đây; nhân dân Nga đứng lên khởi nghĩa ở Petrograd – tên mới của Sankt-Peterburg – khiến Sa hoàng Nicholas II phải hoảng hốt thoái vị để tránh bị lật đổ bạo lực. Đế quốc Nga giờ đây trở thành một nền cộng hòa trên thực tế, được điều hành bởi Chính phủ Lâm thời Nga theo chủ nghĩa tự do tư sản (liberal). Trong bầu không khí hân hoan phấn khởi, Stalin đã bắt tàu hỏa đi Petrograd vào tháng 3. Tại đây, Stalin và cộng sự Bolshevik Lev Kamenev lấy lại quyền kiểm soát tờ Pravda, và Stalin được bổ nhiệm làm đại biểu của Bolshevik trong Ủy ban Chấp hành Xô viết Petrograd, một hội đồng công nhân khá quyền uy của thành phố. Tháng 4 cùng năm, Stalin là người nhận được nhiều phiếu tín nhiệm thứ ba trong cuộc bầu cử cho vị trí trong Ủy ban Chấp hành Trung ương Bolshevik; Lenin đứng thứ nhất và Zinoviev thứ hai. Điều này minh chứng cho vị thế cao cấp của Stalin trong nội bộ Đảng lúc bấy giờ.
Stalin tham gia tổ chức cuộc biểu tình vũ trang của những người ủng hộ Bolshevik vào tháng 7 năm 1917 ở Petrograd. Sau khi sự biến này bị dập tắt, Chính phủ Lâm thời đã phát lệnh truy bức và đàn áp phái Bolshevik. Vào đêm xảy ra vụ bố ráp trụ sở Pravda, Stalin đã kịp thời đưa Lenin trốn khỏi văn phòng, sau đó di chuyển lén nhà lãnh đạo Bolshevik từ nhà an toàn này sang nhà an toàn khác ở Petrograd, bảo đảm đường máu tới Razliv cho ông. Với sự vắng mặt của Lenin, Stalin tiếp tục biên soạn tờ Pravda và giữ vai trò thay quyền lãnh đạo Bolshevik, giám sát Đại hội lần sáu được tổ chức chui của Đảng. Lenin bắt đầu kêu gọi những người Bolshevik tiếm quyền bằng cách lật đổ Chính phủ Lâm thời Nga. Stalin và đồng sự cấp cao Leon Trotsky đều ủng hộ lời hiệu triệu của Lenin, song họ vấp phải phản đối từ phía Kamenev và nhiều đảng viên khác. Lenin trở về Petrograd và thuyết phục tổ chức đảo chính tại cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương vào ngày 10 tháng 10.
Ngày 24 tháng 10, cảnh sát bất ngờ khám xét các văn phòng báo chí của Bolshevik, đập phá trang thiết bị và máy in; Stalin cứu vớt được một số đồ đạc để tiếp tục viết lách. Sớm ngày 25 tháng 10, Stalin cùng Lenin dự cuộc họp chốt của Ban Chấp hành Trung ương tại Viện Smolny, trụ sở điều hành cuộc Cách mạng Tháng Mười. Dân quân Bolshevik nhanh chóng nắm quyền kiểm soát các trạm điện, bưu cục, nhà băng, tổng đài điện thoại và các cây cầu ở Petrograd. Tàu tuần tiễu Rạng Đông, do Bolshevik kiểm soát, bắn phát pháo lệnh vào Cung điện Mùa đông; các đại biểu Chính phủ Lâm thời ra mặt đầu hàng và bị bắt giữ. Mặc dù được giao trách nhiệm họp bàn với các đại biểu Bolshevik tại Đại hội Xô viết Toàn Nga lần hai về tình hình chính sự, vai trò của Stalin trong Cách mạng Tháng Mười không quá nổi bật. Trotsky và các đối thủ Bolshevik khác của Stalin lấy đây là bằng chứng để xem nhẹ đóng góp của Stalin trong cuộc đảo chính, song giới sử gia hậu thế bác bỏ điều này. Theo nhà sử học Oleg Khlevniuk, Stalin "giữ một vai trò quan trọng [trong Cách mạng Tháng Mười]... với tư cách là đảng viên Bolshevik cao cấp, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, và chủ biên tờ Pravda"; nhà sử học Stephen Kotkin cũng công nhận Stalin đã có nhiều đóng góp lớn lao dẫn tới cuộc đảo chính.
Phục vụ chính quyền của Lenin
Củng cố quyền lực: 1917–1918
Ngày 26 tháng 10 năm 1917, Lenin trở thành chủ tịch Hội đồng Dân ủy Nga Xô ("Sovnarkom"). Stalin ủng hộ quyết định của Lenin, không liên minh với phái Menshevik và Đảng Cách mạng Xã hội chủ nghĩa, song họ vẫn nhượng bộ một số vị trí cho Đảng Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tả khuynh. Stalin bấy giờ là một trong tứ trụ của chính phủ mới, bên cạnh Lenin, Trotsky, và Sverdlov; trong bốn người này, Sverdlov thường xuyên vắng mặt và qua đời vào tháng 3 năm 1919. Văn phòng của Stalin ở gần nơi làm việc của Lenin bên trong Viện Smolny; chỉ riêng ông và Trotsky có quyền ra vào phòng đọc của vị lãnh tụ mà không cần hẹn trước. Mặc dù ít tiếng tăm hơn Lenin hoặc Trotsky, ảnh hưởng của Stalin bên trong Đảng Bolshevik đang từ từ được củng cố. Ông cùng Lenin ký các sắc lệnh đóng cửa các tờ báo thù địch chính quyền cách mạng, và cùng Sverdlov chủ trì phiên họp của ủy ban tạo lập hiến pháp mới cho Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga. Ông nhiệt tình ủng hộ quyết định thành lập Cheka của Lenin, cũng như chiến dịch Khủng bố Đỏ do ủy ban mới này chịu trách nhiệm; viện dẫn rằng bạo lực nhà nước đã phục vụ đắc lực cho chính quyền tư bản, nên cũng sẽ tỏ ra hữu hiệu nếu được vận dụng bởi chính quyền Xô viết. Không giống như các đảng viên Bolshevik cao cấp khác như Kamenev và Nikolai Bukharin, Stalin chưa bao giờ e ngại trước sự lớn mạnh của Cheka và sự lan rộng của cuộc Khủng bố Đỏ.
Sau khi nghỉ việc Pravda, Stalin được bổ nhiệm làm Dân ủy phụ trách Vấn đề Dân tộc. Ông chọn Nadezhda Alliluyeva làm thư ký riêng và cưới bà vào một thời điểm sau đó. Tháng 11 năm 1917, Stalin ký duyệt Sắc lệnh Dân tộc, trao quyền được ly khai và tự quyết cho các dân tộc thiểu số trong Đế quốc Nga. Mục đích của Sắc lệnh chủ yếu mang tính chiến lược; những người Bolshevik muốn sự ủng hộ của các dân tộc thiểu số song vẫn hy vọng họ không thực sự muốn độc lập lãnh thổ. Tháng đó, ông lữ hành tới Helsinki để trò chuyện với Đảng Dân chủ Xã hội Phần Lan, chấp nhận yêu sách độc lập của Phần Lan vào tháng 12. Ban ngành của ông cung cấp kinh phí để thành lập các cơ sở in ấn và trường học sử dụng thổ ngữ thiểu số. Đảng Cách mạng Xã hội chủ nghĩa cáo buộc các đàm phán của Stalin về liên bang và tự quyết dân tộc là bình phong cho các chính sách đế quốc chủ nghĩa và chuyên quyền của Sovnarkom.
Vì sự tiếp diễn của Thế chiến thứ nhất, theo đó Nga vẫn đang gồng mình chống Đức và Áo-Hung, chính phủ của Lenin di chuyển từ Petrograd tới Moskva vào tháng 3 năm 1918. Stalin, Trotsky, Sverdlov, và Lenin chuyển tới sống và làm việc ở Điện Kremli. Stalin ủng hộ ý kiến hòa hoãn với Liên minh Trung tâm của Lenin bằng cách đánh đổi một phần lãnh thổ. Stalin cho rằng điều này là cần thiết vì – không như Lenin – ông cảm thấy một cuộc cách mạng vô sản ở Châu Âu chưa kề cận. Lenin thuyết phục các đảng viên Bolshevik cao cấp chấp thuận ý kiến của ông, dẫn đến việc ký kết Hiệp ước Brest-Litovsk vào tháng 3 năm 1918. Việc nhượng đất cho Liên minh Trung tâm đã khiến dân tình Nga rất phẫn nộ; Đảng Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tả khuynh rút khỏi chính phủ sau sự kiện này. Đảng RSDRP sau đó được đổi tên thành Đảng Cộng sản Nga.
Chỉ huy quân đội: 1918–1921
Sau Cách mạng Tháng Mười, các quân đội tả khuynh lẫn hữu khuynh dấy binh chống chính quyền mới, khơi mào cuộc Nội chiến Nga. Nhằm đảm bảo chuỗi cung thực phẩm, vào tháng 5 năm 1918, Sovnarkom cử Stalin tới Tsaritsyn để trông coi việc thu mua lương thực ở miền nam nước Nga. Nóng lòng muốn chứng tỏ tư chất chỉ huy, ông liền nắm quyền điều hành chiến dịch của đạo Hồng quân tại đây, ngoài ra còn kết thân với hai chiến hữu là Kliment Voroshilov và Semyon Budyonny. Vì tin rằng mình có lợi thế quân số, Stalin áp dụng chiến thuật biển người để xuyên thủng hàng ngũ của phe Bạch Vệ chống-Bolshevik ở Tsaritsyn, gây tổn thất nhân mạng không đáng có. Ngoài ra, ông cũng chỉ huy một chi nhánh Cheka địa phương, ủy quyền cho họ hành quyết những người bị tình nghi là phản cách mạng, đôi khi không cần qua xét xử. Trái với quy định của chính phủ, ông cho phép Cheka thanh trừng quân đội và các cơ quan phụ trách thực phẩm của chuyên viên địa phương thuộc tầng lớp trung lưu. Sự lạm dụng chiến dịch khủng bố của Stalin vượt trên mức hạn định của các lãnh đạo Bolshevik; chẳng hạn, ông từng hạ lệnh cho đốt làng mạc để nông dân tuân thủ giao nộp lương thảo.
Tháng 12 năm 1918, Stalin được cử tới Perm để điều tra xem tại sao lực lượng Bạch vệ của Alexander Kolchak có thể càn quét căn cứ Hồng quân ở đó. Ông về Moskva khoảng giữa tháng 1 và tháng 3 năm 1919, rồi được điều sang Mặt trận Tây tại Petrograd. Khi binh lính của Trung đoàn Hồng quân 3 đào ngũ, ông đã ra lệnh xử tử nhiều kẻ để làm gương. Vào tháng 12, ông quay lại Mặt trận Nam. Trong thời chiến, ông đã chứng tỏ bản thân đối với Ủy ban Chấp hành Trung ương Đảng, phô diễn tinh thần quyết đoán, ý chí quyết tâm, và sẵn lòng lãnh trách nhiệm trong các tình huống xung đột. Tuy nhiên, ông hay bất tuân mệnh lệnh và liên tục dọa từ chức khi bị mất thể diện. Ông bị chỉ trích công khai bởi Lenin tại Đại hội Đảng lần 8 vì vận dụng chiến thuật không hợp lý, gây thiệt hại nhân mạng không đáng có. Dù vậy, chính phủ vẫn trao tặng ông Huân chương Cờ đỏ vì sự tận tâm trong Nội chiến vào tháng 11 năm 1919.
Cuối năm 1919, phái Bolshevik đã kiểm soát hoàn toàn chiến cục. Sovnarkom bèn chuyển hướng sang việc lan truyền cách mạng vô sản ra toàn cầu, thành lập Quốc tế Cộng sản vào tháng 3 năm 1919; Stalin dự lễ khai mạc của tổ chức mới này. Tuy Stalin không chung quan điểm với Lenin về cách mạng vô sản châu Âu, ông vẫn nhận thấy rằng, chừng nào Nga Xô còn đứng một mình thì nó sẽ cực kỳ yếu ớt. Tháng 12 năm 1918, Stalin chuẩn bị sắc lệnh công nhận các cộng hòa Xô viết ở Estonia, Litva, và Latvia. Những chính phủ Marxist này vốn từng bị lật đổ trong cuộc nội chiến, điều mà Stalin coi là không chính đáng. Tháng 2 năm 1920, ông được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Thanh tra Công Nông, rồi được cử tới Mặt trận Kavkaz vào cùng tháng đó.
Tiếp nối các giao tranh trước đó giữa Ba Lan và Nga, chiến tranh Ba Lan – Xô viết bùng nổ vào năm 1920, mở màn với sự kiện quân Ba Lan xâm lược Ukraina và chiếm đóng Kiev vào ngày 7 tháng 5. Ngày 26 tháng 5, Stalin được điều tới Ukraina ở Mặt trận Tây Nam. Hồng quân tái chiếm Kiev vào ngày 10 tháng 6, đánh lui quân Ba Lan về lãnh thổ của họ. Ngày 16 tháng 7, Ban Chấp hành Trung ương phê duyệt quyết định đánh lấn sang Ba Lan. Lenin tin rằng giai cấp vô sản Ba Lan sẽ nổi dậy để hỗ trợ quân Nga lật đổ chính phủ Józef Piłsudski. Stalin khá dè chứng với đánh giá của Lenin, vì ông cho rằng chủ nghĩa dân tộc sẽ khiến công nhân Ba Lan ủng hộ cuộc chiến với Nga. Ông cũng cho rằng, Hồng quân chưa có đủ trang bị để tiến hành một cuộc tổng tấn công, và điều này chẳng may sẽ giúp Quân Bạch vệ ở Krym củng cố lực lượng, rất có khả năng châm ngòi lại cuộc Nội chiến. Tuy nhiên, lập luận của Stalin không có sức thuyết phục, nên ông đành thuận theo quyết sách của Lenin. Tại Mặt trận Tây Nam, ông quyết tâm đánh chiếm Lvov; nhằm thực hiện được ý đồ này, ông bất tuân lệnh chuyển quân cho nỗ lực tấn công Warsaw của Mikhail Tukhachevsky vào đầu tháng 8.
Giữa tháng 8 năm 1920, quân Ba Lan đã đẩy lùi cuộc tiến công của Nga, và Stalin quay về Moskva để hội kiến với Bộ Chính trị. Ở Moskva, Lenin và Trotsky khiển trách thái độ của ông trong cuộc chiến với Ba Lan. Stalin cảm thấy mình bị xem thường và tủi nhục; vào ngày 17 tháng 8, ông xin từ chức quân ngũ, được chấp thuận vào ngày 1 tháng 9. Tại Hội nghị Bolshevik lần thứ 9 giữa tháng 9, Trotsky cáo buộc Stalin đã mắc phải "sai sót chiến lược" trong việc quản lí trận địa. Trotsky cho rằng Stalin đã gây tổn hại đến chiến dịch do không tuân lệnh chuyển quân. Lenin đồng tình với Trotsky, và không một ai trong cuộc họp đứng ra bảo vệ Stalin. Do vậy, ông cảm thấy bị thất sủng và ngày càng thù ghét Trotsky. Chiến tranh Ba Lan - Xô viết khép lại vào ngày 18 tháng 3 năm 1921 với việc ký kết Hòa ước Riga.
Cuối đời Lenin: 1921–1923
Chính quyền Bolshevik bắt đầu tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng sang các nước láng giềng. Tháng 2 năm 1921, Nga Xô viết tuyên chiến với chính quyền Menshevik ở Gruzia. Tháng 4 năm 1921, Stalin cử Hồng quân tiếp quản Turkestan. Với tư cách Dân ủy viên phụ trách vấn đề Dân tộc, Stalin tin rằng mỗi quốc gia dân tộc và nhóm sắc tộc nên có quyền được tự biểu lộ quan điểm, chủ trương đề ra khái niệm "cộng hòa tự trị" bên trong một liên bang thống nhất. Một số nhà lý luận Marxist chỉ trích Stalin vì lập trường mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa tư sản này, còn số khác lại cáo buộc ông là có quan điểm thiên vị Nga.
Dãy Kavkaz đa sắc tộc, nơi chôn rau cắt rốn của Stalin, bấy giờ lại là rào cản lớn nhất đối với chính sách dân tộc do ông ban bố. Stalin phản đối việc lập ra các nhà nước cộng hòa Gruzia, Armenia, và Azeri tự chủ, viện lý rằng các dân tộc thiểu số vẫn sẽ bị đàn áp nếu làm vậy; thay vào đó, ông kêu gọi thành lập duy nhất một nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Ngoại Kavkaz. Đảng Cộng sản Gruzia tuy vậy không tiếp thu ý kiến của Stalin, dẫn đến mâu thuẫn mà thường được gọi là sự vụ Gruzia. Giữa năm 1921, Stalin trở về quê nhà ở miền nam Kavkaz, nhằm khuyển nhủ các đảng viên Gruzia chớ có tư tưởng sô-vanh dân tộc chủ nghĩa mà chà đạp quyền lợi của các dân tộc thiểu số sống cạnh bên như người Abkhazia, người Ossetia, và người Adjara. Nhân tiện dịp này, Stalin thăm con trai Yakov và đưa cậu lên Moskva nuôi nấng. Tháng 3 năm 1921, Nadezhda hạ sinh con trai thứ hai của Stalin, đặt tên là Vasily.
Sau khi cuộc Nội chiến Nga kết thúc, các cuộc đình công của công nhân và các cuộc khởi nghĩa nông dân bùng nổ xuyên khắp Nga, hầu hết là để phản đối lệnh trưng thu lương thực của Sovnarkom; do vậy mà Lenin đành thông qua Chính sách kinh tế mới (NEP) vào năm 1921. Lục đục cũng bắt đầu biểu hiện bên trong Đảng Cộng sản Nga, bắt nguồn từ việc Trotsky muốn bãi bỏ các công đoàn; Lenin phản đối điều này, dẫn đến việc Stalin phải giúp thành lập một bè phái chống Trotsky bên trong Đảng.
Tháng 5 năm 1922, Lenin đột quỵ, tê liệt một phần thân. Do phải dưỡng bệnh ở dacha Gorki, Lenin liên lạc với Sovnarkom thông qua Stalin, người thường xuyên đến thăm ông. Lenin từng hai lần hỏi Stalin cho ông thuốc độc để tự tử, song bị từ chối. Bất chấp tình đồng chí giữa hai người, Lenin không thích cách xử sự "Á Châu" của Stalin, từng nói với em gái Maria rằng Stalin "không sáng suốt". Về chính sách, Lenin và Stalin mâu thuẫn về vấn đề ngoại thương; Lenin tin rằng nhà nước Xô viết nên giữ độc quyền về ngoại thương, còn Stalin ủng hộ lập trường của Grigori Sokolnikov rằng làm vậy là chưa thiết thực ở thời điểm hiện tại. Một tranh cãi khác nảy sinh giữa hai người trong Sự vụ Gruzia, theo đó Lenin ủng hộ nguyện vọng thành lập Cộng hòa Xô viết Gruzia của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Gruzia, hơn là ý kiến của Stalin nhằm thành lập một Liên bang Ngoại Kavkaz.
Lenin và Stalin cũng bất đồng với nhau về bản chất của nhà nước Xô viết. Lenin kêu gọi thành lập "Liên bang các Cộng hòa Xô viết của Châu Âu và Châu Á", phản ánh mong muốn của ông nhằm lan rộng tầm ảnh hưởng của Xô viết ra hai châu lục và khuyên Nga Xô nên tham gia liên bang này với tư cách bình đẳng như các Cộng hòa khác. Stalin tin rằng điều này sẽ khiến các dân tộc phi-Nga muốn độc lập hơn, vậy nên ông đề nghị các dân tộc thiểu số gia nhập Nga Xô với tư cách "cộng hòa tự trị". Lenin phê phán Stalin vì "tư tưởng sô vanh Đại Nga", còn Stalin vu cáo Lenin có "tư tưởng tự do tư sản dân tộc". Rốt cuộc hai người họ đi đến thỏa hiệp, đổi tên liên bang mới thành "Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết" (Liên Xô). Sự khai sinh của Liên Xô được chính thức phê chuẩn vào tháng 12 năm 1922; tuy là một nhà nước liên bang trên danh nghĩa, tất cả các quyết định quan trọng đều phải được chuẩn y bởi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô ở Moskva.
Lenin và Stalin cũng nảy sinh xích mích trong đời tư; Lenin đã rất tức giận khi hay tin Stalin xỉ mắng Krupskaya qua một cuộc điện thoại. Vào năm cuối đời của Lenin, Krupskaya đã trình bày cái gọi là "Di chúc Lenin" cho một số nhân vật cấp cao, trong đó có chỉ trích thái độ thô lỗ và chuyên quyền của Stalin, đồng thời khuyến nghị miễn nhiệm chức Tổng Bí thư của ông ta. Nhà sử học Kotkin đã đặt nghi vấn về tính xác thực của tài liệu này, gợi ý rằng có lẽ Krupskaya đã thảo nó. Tuy nhiên, bản thân Stalin chưa bao giờ nghi ngại về vấn đề này.
Gia tăng quyền bính
Kế tục Lenin: 1924–1927
Lenin trút hơi thở cuối cùng vào tháng 1 năm 1924. Stalin cáng đáng tang sự cho vị lãnh tụ; tại tang lễ, ông là một trong những người đứng ra khiêng tiễn linh cữu của Lenin; trái với nguyện vọng của bà Krupskaya, Bộ Chính trị quyết định bảo quản và lưu giữ thi hài của Lenin trong lăng Quảng trường Đỏ ở Moskva. Điều này dần trở thành một phần của tục sùng bái cá nhân Lenin ở Liên Xô; Petrograd được đổi tên thành "Leningrad" cùng năm. Nhằm xây dựng hình ảnh của mình như một người Leninist tận tụy, Stalin thuyết giảng chín bài giảng mang tên "Các nền tảng của chủ nghĩa Lenin" tại Đại học Sverdlov, sau được xuất bản dưới dạng sách in. Tại Đại hội Đảng lần thứ 13 vào tháng 5 năm 1924, "Di chúc Lenin" được đọc trước các đại biểu tỉnh ủy. Hổ thẹn với những lời phê bình trong đó, Stalin xin từ chức Tổng Bí thư; hành động khiêm nhường này đã cứu vãn thể diện của ông, và Bộ Chính trị cho phép ông tiếp tục đảm đương chức nhiệm.
Trên cương vị Tổng Bí thư, Stalin gần như nắm toàn quyền bổ nhiệm cán bộ, cho phép ông đưa đồng minh lên giữ các chức vụ chủ chốt trong Đảng và chính phủ. Bên trong Đảng, ông thiên vị các đảng viên trẻ tuổi có xuất thân vô sản, hơn là nhóm "Bolshevik Già", những người mà xuất thân chủ yếu từ tầng lớp trung lưu đã tốt nghiệp đại học. Bên cạnh việc tiếp xúc thường xuyên với những viên chức non trẻ, Stalin cũng gây dựng mối quan hệ thân thiết với ba thủ trưởng cảnh sát mật (Cheka và cơ quan hậu thân, Tổng cục Chính trị Nhà nước): Felix Dzerzhinsky, Genrikh Yagoda, và Vyacheslav Menzhinsky. Tháng 2 năm 1926, vợ ông sinh bé gái Svetlana.
Sau khi Lenin mất, nhiều nhân vật cốt cán nổi lên muốn được kế tục di sản của ông: bên cạnh Stalin còn có Trotsky, Zinoviev, Kamenev, Bukharin, Alexei Rykov, và Mikhail Tomsky. Stalin coi Trotsky – người mà ông có tư thù day dứt – là trở ngại chính đối với quyền lực của mình bên trong Đảng. Trên thực tế, trong những năm tháng Lenin ốm đau bệnh tật, Stalin đã xây dựng một bè phái chống Trotsky cùng Kamenev và Zinoviev. Tuy Zinoviev quan ngại về uy thế manh nha của Stalin, ông vẫn đứng sau ủng hộ Stalin làm đối trọng với Trotsky ở Đại hội Đảng lần thứ 13. Phe Đối lập cánh Tả do Trotsky lập ra cho rằng NEP đang nhượng bộ quá nhiều cho chủ nghĩa tư bản; Stalin bị gọi là một "tên hữu khuynh" vì ủng hộ chính sách này. Đáp lại, Stalin bắt đầu gây dựng một nhóm ủy viên ủng hộ mình trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, còn phe Đối lập cánh Tả dần bị gạt khỏi quyền lực. Ông chiêu mộ được Bukharin về phe mình, người mà giống Stalin, cũng tin rằng các đề xuất của phe Đối lập cánh Tả sẽ khiến Liên Xô trở nên bất ổn.
Phi kulak hóa, tập thể hóa, và công nghiệp hóa: 1927–1931
Chính sách kinh tế
Nền công nghiệp của Liên Xô lúc bấy giờ thua kém hoàn toàn so với phương Tây, và thiếu hụt ngũ cốc cũng là một vấn đề nhức nhối; sản lượng ngũ cốc năm 1927 ở Liên Xô chỉ bằng 70% năm 1926. Ngoài ra, Stalin cũng lo sợ mối đe dọa từ Nhật, Pháp, Anh, Ba Lan, và Romania. Phần lớn các tổ chức của Đảng Cộng sản, trong đó có Komsomol, OGPU, và Hồng quân, đã trở nên nóng lòng muốn dỡ bỏ chính sách NEP, vì lo ngại tầm ảnh hưởng của những kẻ hưởng lợi từ chính sách này; cụ thể là tầng lớp phú nông, hay "kulak", và các chủ doanh nghiệp nhỏ, hay "NEPmani". Vào thời điểm đó, Stalin cũng tỏ ý chống chính sách NEP, lập trường mà có thể coi là "thiên tả" hơn cả Trotsky hoặc Zinoviev.
Đầu năm 1928, Stalin đi Novosibirsk, nơi ông cáo buộc kulak địa phương tàng trữ ngũ cốc, bèn ra lệnh bắt giữ kulak và tịch thu mùa vụ của họ để đem về Moskva vào Tháng 2. Theo chỉ đạo của ông, các đội trưng thu ngũ cốc được lập ra ở khắp miền Tây Siberia và ở Dãy Ural, dẫn đến xung đột với tầng lớp nông dân. Stalin ra thông cáo rằng cả phú nông lẫn trung nông đều phải miễn cưỡng giao nộp mùa vụ. Bukharin cùng nhiều ủy viên Ban Chấp hành Trung Ương Đảng đã rất phẫn nộ do không được thông tin về chuyện này. Tháng 1 năm 1930, Bộ Chính trị phê duyệt chính sách trừ khử tầng lớp phú nông; những kulak bị tố cáo sẽ phải lãnh án phát lưu tại các trại tập trung nơi xa xôi hẻo lánh. Nhiều trong số họ bỏ mạng trên các chuyến đi. Tới tháng 7 năm 1930, hơn 320.000 hộ gia đình đã bị ảnh hưởng bởi chính sách phi kulak hóa. Theo Dmitri Volkogonov, quá trình phi kulak hóa là "cuộc khủng bố hàng loạt đầu tiên được áp dụng bởi Stalin trong chính đất nước của ông ta."
Năm 1929, Bộ Chính trị tiến hành tập thể hóa ruộng đất nông nghiệp trên diện rộng, thiết lập hai kiểu nông trang là kolkhozy hợp tác xã và sovkhoz nhà nước. Stalin cấm phú nông tham gia hợp tác xã. Tuy trên danh nghĩa tự nguyện, nhiều nông dân thực chất tham gia hợp tác xã vì sợ phải chịu chung số phận với bọn phú nông; số khác thì bị đe dọa hoặc cưỡng ép tham gia bởi những người thân với Đảng. Tới năm 1932, khoảng 62% hộ nông gia làm hợp tác xã, và tới năm 1936 thì đã đạt 90%. Nhiều hợp tác xã viên uất ức vì mất ruộng đất tư hữu, khiến năng suất sụt giảm. Nạn đói lan rộng khắp nơi khiến Bộ Chính trị thường xuyên phải hạ lệnh tái phân phối lương thực để cứu đói nhiều vùng.
Bạo loạn vũ trang chống chính sách phi kulak hóa và tập thể hóa bùng nổ ở Ukraina, bắc Kavkaz, nam Nga, và Trung Á, lên đến đỉnh điểm vào tháng 3 năm 1930; tất cả đều bị Hồng Quân dập tắt. Stalin viết một bài báo phản biện rằng, việc tập thể hóa là hoàn toàn tự nguyện, đồng thời khiển trách thậm tệ các quan chức địa phương. Tuy Bukharin và Stalin khá thân thiết nhau, Bukharin lại rất ngờ vực chính sách của bằng hữu; sở dĩ vì Bukharin cho rằng đây là sự trở về với chính sách "cộng sản thời chiến" khi trước của Lenin và tin rằng nó sẽ thất bại. Dẫu vậy, tới giữa năm 1928, Bukharin không có đủ người ủng hộ bên trong Đảng để chống lại cải cách. Tháng 11 năm 1929, Stalin nhanh chóng bãi nhiệm Bukharin khỏi Bộ Chính trị.
Trong thời kỳ đầu Stalin có sử dụng một số công nghệ và thuê nhà thầu từ nước ngoài, bên cạnh đó Liên Xô cũng có những cải tiến công nghệ nhất định. Ước tính của Liên Xô cho rằng tốc độ tăng trưởng thời gian này là khoảng 13,9%/năm, tuy nhiên các số liệu mà phương Tây (và nước Nga) hiện nay đưa ra những con số thấp hơn nhiều, 5,8% hoặc thậm chí 2,9%.
Với sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài, Liên Xô đã xây dựng được một loạt các tổ hợp công nghiệp khổng lồ ở dọc sông Dniepr, các nhà máy luyện kim như Magnitogorsk, Lipetsk và Chelyabinsk, Novokuznetsk, Norilsk và Uralmash, nhà máy máy kéo ở Volgograd, Chelyabinsk, Kharkov, Uralvagonzavod... và nhiều nơi khác. Năm 1935, Stalin cho khởi công giai đoạn đầu tiên của Tuyến tàu điện ngầm Moskva với tổng chiều dài 11,2 km, một công trình hiện đại thời bấy giờ và vẫn được sử dụng cho tới ngày nay.
Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, Liên Xô đã xây dựng nền công nghiệp nặng với kỹ thuật tiên tiến, đã xây dựng 1.500 xí nghiệp, chủ yếu là loại lớn và hiện đại. Kế hoạch được thực hiện trong 4 năm 9 tháng, giá trị tổng sản phẩm công nghiệp tăng 2 lần, trong đó công nghiệp nặng tăng 2,7 lần. Công nghiệp đã cho ra đời những ngành mới nhưu sản xuất máy kéo, ô tô, máy bay, máy liên hợp, đầu máy chạy điện, sản xuất cao su nhân tạo, tơ tổng hợp và chất dẻo Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã hoàn thành trước khi thời hạn (4 năm 3 tháng), nền công nghiệp Liên Xô lúc này có khả năng trang bị kỹ thuật mới không chỉ trong công nghiệp và cả trong các ngành giao thông vận tải, xây dựng và nông nghiệp.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 2 đặc biệt chú trọng công nghiệp nặng, đã xây dựng 4.500 nhà máy; giá trị tổng sản phẩm công nghiệp tăng 2,2 lần, trong đó nhóm A tăng 2,4 lần. Công nghiệp nhẹ cũng tăng nhưng không đạt kế hoạch (do số vốn đầu tư phải rút bớt cho công nghiệp quốc phòng để đề phòng nguy cơ chiến tranh)
Công nghiệp hóa nông nghiệp được chú trọng hàng đầu. Với sự xuất hiện của ngành công nghiệp máy kéo trong nước, năm 1932 Liên Xô đã không cần nhập khẩu máy kéo từ nước ngoài, và trong năm 1934 các nhà máy Kirov ở Leningrad bắt đầu sản xuất nhãn hiệu máy kéo "Universal", nhãn hiệu máy kéo đầu tiên xuất khẩu ra nước ngoài. Trong mười năm (1932-1941), Liên Xô đã xuất khẩu khoảng 700 nghìn máy kéo, chiếm 40% sản lượng thế giới.
Đến năm 1937, Liên Xô đã vươn lên hàng thứ 2 thế giới và đứng đầu châu Âu về sản lượng công nghiệp, trở thành một cường quốc công nghiệp
Kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1938-1942) đã đề ra nhiệm vụ đuổi kịp và vượt qua các nước Tư bản không những về trình độ kỹ thuật và tốc độ phát triển, về mặt tổng sản lượng mà còn cả về mặt sản lượng tính theo đầu người. Dự tính đến cuối năm 1942 sẽ tăng sản lượng công nghiệp lên gấp đôi so với năm 1937, sẽ mở rộng công nghiệp than và luyện kim ở Viễn Đông, xây dựng cơ sở dầu lửa ở khu vực sông Volga và Ural, đặc biệt là củng cố quốc phòng, trang bị vũ khí hiện đại cho Hồng quân. Trong vòng 3 năm của kế hoạch (1938-1940) sản phẩm công nghiệp tăng 45% và tới giữa năm 1941, tức là trước khi chiến tranh nổ ra đã đạt được 86% tổng sản phẩm ấn định trong kế hoạch. Từ năm 1938 đến tháng 6 năm 1941, Liên Xô đã xây dựng và đưa vào hoạt động khoảng 3.000 nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ và nhà máy thủy điện. Trong khắp các nước cộng hoà cũng mọc lên nhiều công trình xây dựng mới.
Tới năm 1940, sản lượng công nghiệp của Liên Xô đã tăng gấp 7,7 lần so với năm 1913, bình quân hàng năm tăng 14%. Công nghiệp Liên Xô đã chiếm 77,4% cơ cấu nền kinh tế và chiếm 10% giá trị công nghiệp toàn thế giới. Cho đến lúc đó, thế giới chưa từng chứng kiến nhịp độ tăng trưởng nào như vậy. Trong lịch sử, nước Anh cần 200 năm để trở thành một nước công nghiệp, nước Mỹ cần 120 năm, Nhật Bản cần 40 năm. Trong khi đó, Liên Xô chỉ cần 18 năm để hoàn thành về cơ bản quá trình công nghiệp hóa của mình. Đây là tốc độ công nghiệp hóa nhanh nhất mà thế giới từng ghi nhận.
Nếu tổng sản lượng công nghiệp năm 1913 được coi là 100 đơn vị, các chỉ số tương ứng của năm 1938 là 93,2 cho Pháp; 113,3 cho Anh, 120 cho Hoa Kỳ; 131,6 đối với Đức, và 908,8 cho Liên Xô (tức là tăng gấp 9 lần). Trong chuyến thăm mùa hè năm 1944 của Eric Johnston, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ, người đã đến thăm Ural, Siberia và Kazakhstan, đã tuyên bố rằng sự tiến bộ của nền kinh tế Liên Xô từ năm 1928 là "một thành tựu phi thường trong lịch sử phát triển công nghiệp của cả thế giới" Nói một cách hình tượng, trong một khoảng thời gian ít hơn 1/4 thế kỷ, trình độ kỹ thật của nước Nga đã nhảy vọt từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XX Kenneth Neill Cameron nhận xét:
Khi chúng ta xem xét các số liệu thời Stalin, rõ ràng là chúng ta đang chứng kiến một sự tiến bộ kinh tế to lớn nhất từng được ghi nhận, ngay cả so với các cuộc cách mạng công nghiệp. Trong thời hạn 10 năm, một xã hội chủ yếu là phong kiến đã thay đổi thành một đất nước công nghiệp. Và lần đầu tiên trong lịch sử, một bước tiến như vậy không phải do chủ nghĩa tư bản, mà là do chủ nghĩa xã hội tiến hành.
Theo Robert Lewis, các kế hoạch 5 năm do Stalin hoạch định đã hiện đại hóa đáng kể nền kinh tế của Liên Xô trước đây vốn lạc hậu. Sản phẩm mới được phát triển, quy mô và hiệu quả sản xuất tăng lên rất nhiều. Một số cải tiến dựa trên phát triển kỹ thuật nội địa, những cải tiến khác dựa trên công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài Tuy cái giá phải trả là rất lớn, nỗ lực công nghiệp hóa này đã cho phép Liên Xô chiến đấu, và cuối cùng giành chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Sản xuất quốc phòng tăng 2,8 lần chỉ sau 5 năm, vũ khí trang bị và trình độ cơ giới hóa cho quân đội Liên Xô đã đạt tương đương với các cường quốc khác
Tổng công trình sư hàng đầu Liên Xô, Anatoli Ivanovich Savin, người từng tham gia chế tạo bom nguyên tử, thiết kế tên lửa có cánh, các chương trình chinh phục vũ trụ và thiết kế hệ thống chống vệ tinh duy nhất trên thế giới, đánh giá rất cao tài năng của Stalin. Ông coi Stalin là người đặt nền móng cho những thành tựu khoa học đã đưa Liên Xô trở thành siêu cường thế giới:
Hiện nay, khi mà tôi bắt đầu suy nghĩ về kinh tế và khoa học quản lý thì mới thấy vô cùng khâm phục Stalin, tại sao một con người không được đào tạo sâu về chuyên môn lại có thể lãnh đạo một đất nước rộng lớn như đất nước chúng ta.
Tôi nghiên cứu rất kỹ lịch sử hình thành nền công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Cho đến năm 1929 thì Liên Xô đã từng thử nghiệm rất nhiều phương pháp làm kinh tế và chỉ đến khi áp dụng hệ thống kế hoạch hóa và áp dụng bộ tiêu chí về giá thành tối thiểu của sản phẩm thì lúc đó kinh tế mới phát triển.
Giáo sư Kolesov tin rằng nếu không có các chính sách công nghiệp hóa của Stalin thì Liên Xô không thể duy trì nền độc lập chính trị và kinh tế của đất nước. Giá trị của công nghiệp hóa đã được xác định trước bởi tình trạng lạc hậu về kinh tế và một thời hạn quá ngắn để loại bỏ nó. Liên Xô đã loại bỏ tình trạng lạc hậu của đất nước chỉ trong thời gian rất ngắn là 13 năm (ngay trước khi Đức Quốc xã tấn công Liên Xô).
Chính sách văn hóa và đối ngoại
Xã hội Xô viết đã chứng kiến những sự thay đổi to lớn. Do công nghiệp hóa đại quy mô, tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống hầu như bằng 0. Từ năm 1923 tới 1937, số lượng công nhân tăng thêm 1,5 triệu người. Những cải cách xã hội dẫn tới nhiều quyền bình đẳng hơn cho phụ nữ và hệ thống giáo dục bắt buộc được cải tiến dẫn tới tỉ lệ biết đọc biết viết tăng nhanh.
Về y tế, nguyên tắc xã hội chủ nghĩa về chăm sóc sức khỏe đã được hình thành ngay trong năm 1918. Chăm sóc sức khỏe được kiểm soát bởi nhà nước và sẽ được cung cấp miễn phí cho mọi công dân, điều này đồng thời là một khái niệm mang tính cách mạng. Phụ nữ Liên Xô lần đầu tiên được sinh đẻ trong những bệnh viện an toàn, với khả năng tiếp cận chăm sóc trước khi sinh. Chăm sóc y tế rộng rãi và miễn phí được nhìn nhận là sự ưu việt của hệ thống xã hội chủ nghĩa so với hệ thống tư bản chủ nghĩa. Chất lượng nhà ở và hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng cải thiện khiến tuổi thọ trung bình của người dân Soviet tăng đáng kể và các dịch bệnh như thổ tả, sốt rét... bị đẩy lùi.
Trước cách mạng Tháng Mười, số lượng bác sĩ ở Đế quốc Nga là 20.000; con số này tăng lên 105.000 vào năm 1937. Số giường bệnh cũng tăng từ 175.000 lên đến 618.000 Trong giai đoạn Stalin lãnh đạo, nhờ việc thiết lập hệ thống y tế rộng khắp, tỷ lệ tử vong trẻ em đã giảm nhanh chóng, từ 286,6/1000 trẻ (năm 1913) xuống còn 81/1000 trẻ (năm 1950). Tiêu thụ rượu giảm 2 lần. Tỷ lệ dân số tử vong hàng năm giảm từ 2,91% (năm 1913) xuống còn 1% (năm 1950).
Trong văn hóa, Liên Xô chứng kiến sự thống trị của chủ nghĩa xã hội hiện thực nhấn mạnh vào ca ngợi sự ưu việt của hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Các khuynh hướng từng được cho là cách mạng như chủ nghĩa biểu hiện, nghệ thuật trừu tượng và nghệ thuật tiền phong bị coi là chủ nghĩa hình thức và bị loại bỏ khỏi đời sống văn hóa. Trong kiến trúc, chủ nghĩa tân cổ điển với kích thước công trình đồ sộ làm nên cái mà sau giới sử học gọi là "Phong cách đế chế Stalin", thay cho chủ nghĩa cấu trúc những năm 1920 ở Nga.
Liên Xô còn thi hành chính sách cấm phân biệt chủng tộc, bảo đảm sự bình đẳng giữa các dân tộc trên lãnh thổ Liên bang Xô Viết và thực hiện nam nữ bình quyền. Chính phủ Liên Xô chi ra những khoản đầu tư lớn để phát triển kinh tế xã hội tại các vùng kém phát triển như Trung Á, Siberia... nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của các dân tộc chậm tiến tại các vùng này. Liên Xô cho phép phụ nữ có quyền bầu cử trước cả các nước phương Tây đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để phụ nữ được giáo dục ở bậc cao và tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội.
Mặc dù là một người Gruzia, Stalin tiến đến chỗ tin vào sự ưu việt của nước Nga và khuyến khích việc ca ngợi lịch sử, ngôn ngữ và các anh hùng dân tộc Nga trong những năm 1940, xem dân tộc Nga là anh cả của những tộc thiểu số khác.
Nhờ thành quả của công nghiệp hóa, các tiêu chuẩn của cuộc sống được cải thiện. Năm 1936, chế độ tem phiếu đã được hủy bỏ, đi kèm với sự gia tăng tiền lương trong khu vực công nghiệp và sự gia tăng lớn hơn giá trị bữa ăn công cộng cho tất cả các loại hàng hoá. Mức tiêu thụ hàng tiêu dùng bình quân đầu người năm 1938 đã cao hơn 22% so với năm 1928
Trên lĩnh vực văn hoá - giáo dục, năm 1930 chính phủ Xô viết thực hiện chế độ giáo dục bắt buộc. Trước Cách mạng, khoảng 75% dân số Nga mù chữ. Từ 1930 - 1932, có trên 30 triệu người đã được thanh toán mù chữ. Trong thời gian kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, số trường cao đẳng công nghiệp tăng 10 lần, số trường cung cấp kỹ thuật tăng 4 lần, ngành giáo dục đại học cung cấp 10 vạn kỹ sư, hàng chục viện nghiên cứu khoa học được ra đời.
Năm 1935, Liên Xô đã thực hiện xong nền giáo dục cấp I bắt buộc cho tất cả mọi người và phổ cập giáo dục phổ thông cấp II ở thành phố. Số học sinh từ 8 triệu năm 1913 tăng lên 28 triệu trẻ em vào năm 1937. Số sinh viên tăng từ 112.000 lên 542.000. Đến đầu năm 1937. Đội ngũ tri thức Xô Viết đã có tới 10 triệu người. Các tác phẩm văn học, âm nhạc, điện ảnh, nghệ thuật, hội họa cũng có nhiều phát triển. Trong một thời gian ngắn, số người được xóa mù chữ đã tăng nhanh. Vào năm 1940, Liên Xô đã có thể tự hào thông báo rằng nạn mù chữ đã được loại bỏ, điều mà nhiều cường quốc tư bản phương Tây đương thời như Mỹ, Pháp... cũng chưa hoàn thành được.
Nhiều chính sách hiệu quả của Stalin vẫn được áp dụng ở Nga cho tới nay. Chương trình nâng cao thể lực nhân dân được Stalin đưa ra vào những năm 1930, với tinh thần rèn luyện sức khỏe để "sẵn sàng lao động và bảo vệ tổ quốc". Các công dân được yêu cầu phải tham gia nhiều môn thể thao phối hợp như chạy bộ, nhảy xa, trượt tuyết, bơi lội. Các cuộc thi thể thao được tổ chức thường xuyên, người chiến thắng được trao huân chương và vinh danh. Năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho khôi phục chương trình, với mục tiêu duy trì vị thế hàng đầu thế giới của thể thao Nga cũng như để "tỏ lòng tôn kính truyền thống lịch sử của đất nước chúng ta".
Thập niên 1920, Tòa thánh Vatican cáo buộc Liên Xô "đàn áp khắc nghiệt các giáo sĩ, tu sĩ và nữ tu và những người khác liên quan đến Giáo hội". Tuy nhiên, theo một báo cáo chính thức dựa trên điều tra dân số năm 1936, đã có hơn 55% công dân Liên Xô công khai nhận mình có niềm tin với một tôn giáo nào đó, trong khi những người khác có thể che giấu niềm tin của họ.
Ngay từ năm 1926, Giáo hoàng Piô XI đã cử một linh mục Dòng Tên người Pháp, Michel d'Herbigny, tới Liên Xô để liên hệ với các tổ chức bí mật của giáo hội tại đây Ngày 19/3/1937, Giáo hội Công giáo, đứng đầu là Giáo hoàng Piô XI, đã ra một Thông điệp chống Cộng cho toàn thể giáo dân trên thế giới (Divini Redemptoris), trong đó lên án "chủ nghĩa vô thần được lãnh đạo bởi Bolshevik" (Liên Xô). Người kế tục, Giáo hoàng Piô XII, đã phát động cuộc thập tự chinh chống Cộng ghê gớm trong suốt thế kỷ XX
Đáp trả lại, chính quyền Stalin, bên cạnh việc truyền bá hệ tư tưởng cộng sản, khuyến khích chủ nghĩa vô thần thông qua tuyên truyền bài tôn giáo trong dân chúng và trong trường học, cùng một chiến dịch truy bắt nhằm vào các tín đồ bị tố cáo hoạt động gián điệp hoặc phá hoại. Vào cuối những năm 1930, tuyên bố công khai mình theo tôn giáo là một điều nguy hiểm.
Vai trò của Stalin trong vận mệnh của Giáo hội Chính thống giáo Nga khá phức tạp. Những sự đàn áp liên tục trong những năm 1930 đã dẫn tới nó gần như tuyệt chủng với tư cách một thể chế công khai: tới năm 1939, các giáo xứ hoạt động đã giảm xuống từ 54000 năm 1917 xuống còn vài trăm, nhiều nhà thờ bị phá sụp, hàng chục nghìn lịch mục, tu sĩ và sơ bị thẩm vấn, bắt giam hoặc xử bắn. Trên 100 nghìn người liên quan tới tôn giáo bị xử bắn trong những đợt thanh trừng 1937-1938. Trong vòng 1 thập kỷ, tất cả những chức danh tôn giáo được bổ nhiệm bí mật bởi Michel d'Herbigny đều đã bị lộ, bắt giam hoặc trục xuất, cố gắng để nắm quyền chỉ huy mạng lưới nhà thờ tại Liên Xô của Vatican bằng các phương pháp bí mật đã bị bỏ rơi, và d'Herbigny bị Tòa thánh cách chức một cách bí mật. Kế hoạch được ví như Con ngựa thành Troia của Vatican dành cho Liên Xô đã thất bại
Sau này, khi lãnh đạo Giáo hội công nhận uy quyền thế tục của Stalin và chính quyền Liên Xô, Stalin cho phép Chính thống giáo hoạt động trở lại và vận dụng giáo hội vào việc động viên chiến tranh trong Thế Chiến II.
Sau khi các cường quốc Âu Mỹ can thiệp thất bại vào Nội chiến Nga, quan hệ với quốc gia tự xem mình là người báo hiệu một cuộc cách mạng thế giới tiếp tục đóng băng một thời gian dài. Tuy nhiên dần dần các quốc gia chấp nhận sự tồn tại của Liên Xô. Tới năm 1933, Pháp, Đức, Anh và Nhật cùng với nhiều quốc gia khác đã công nhận chính phủ Xô viết và thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày 16 tháng 11 năm 1933, Hoa Kỳ trở thành cường quốc lớn cuối cùng chấp nhận Liên Xô. Năm 1934, Liên Xô được chào đón gia nhập Hội Quốc Liên.
Ban đầu quan hệ Liên Xô-Pháp khá căng thẳng, do cạnh tranh phạm vi ảnh hưởng ở Trung Âu, và kết quả là Liên Xô xích lại gần Đức. Tuy nhiên, chính sách tăng cường vũ trang của Hitler khiến cho Stalin lo ngại, và tháng 5 năm 1935 Liên Xô ký hiệp ước tương trợ lẫn nhau với Pháp và Tiệp Khắc. Hiệp ước này ít có tác dụng thực tế bởi Tiệp Khắc không có biên giới chung với Liên Xô mà ngăn cách bởi Ba Lan và Rumani, cả hai nước này từ chối cho Liên Xô hành quân qua trong trường hợp bị Đức xâm lược, trong khi Pháp thiên về bảo toàn lực lượng, Anh thì từ chối liên minh với Liên Xô để chống lại Hitler. Đức Quốc xã thôn tính Áo rồi Tiệp Khắc, trong khi thiết lập một mặt trận chung chống Liên Xô (dưới tên Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản năm 1936) với Đế quốc Nhật Bản rồi sau đó thêm Italia, lập nên "Phe Trục".
Tháng 4 năm 1939, Stalin đề xuất tái lập liên minh quân sự với Anh và Pháp nhưng phái đoàn Anh-Pháp tỏ ra lạnh nhạt. Cuối cùng Stalin quay ra ủng hộ phương án hòa hoãn với Đức. Ngày 23 tháng 8 năm 1939, dưới chỉ đạo của Stalin, Hiệp ước Molotov-Ribbentrop được ký tại Moskva, với nội dung hai nước Liên Xô và Đức cam kết không xâm lược lẫn nhau. Một phần của Hiệp ước là một Nghị định thư bí mật, trong đó Liên Xô và Đức chia sẻ vùng ảnh hưởng ở châu Âu, Đức ghi nhận Liên Xô có quyền thiết lập ảnh hưởng tại các nước Baltich và một số lãnh thổ Đông Âu.
Tuy không giữ vị trí nào trong Quốc tế Cộng sản, vai trò đỡ đầu của Liên Xô trong tổ chức đóng ở Moskva này khiến cho Stalin có tiếng nói bao trùm, nhất là sau khi các đối thủ chính trị như Zinoviev, Trotsky đã bị cho hành quyết. Quốc tế Cộng sản dưới thời Stalin từ bỏ chính sách mặt trận thống nhất thời 1924-1928 (mà Zinoviev cổ vũ), thay vào đó khuyến khích những cuộc bạo động khởi nghĩa sớm. Tuy vậy các cuộc khởi nghĩa này sớm bị đàn áp đẫm máu như Xô viết Nghệ Tĩnh ở Việt Nam hay cuộc khởi nghĩa của cộng sản Indonesia năm 1930. Đường lối hoạt động của Quốc tế Cộng sản cũng bị chi phối mạnh bởi lợi ích đối ngoại của Liên Xô, điển hình là sự quay lại chính sách mặt trận thống nhất chống phát xít từ năm 1935. Nhiều thành viên cao cấp của Quốc tế Cộng sản hoặc lãnh đạo các đảng cộng sản ở nhiều nước châu Âu và châu Á cũng là nạn nhân của cuộc Đại thanh trừng năm 1937. Việc Stalin ký hiệp ước với Đức Quốc xã gây chia rẽ lớn trong nội bộ các đảng cộng sản trên thế giới và cuối cùng, khi Stalin muốn chứng tỏ với các đồng minh phương Tây rằng Chiến tranh Vệ quốc là một phần cuộc chiến của thế giới tự do chống lại kẻ thù chung là chủ nghĩa phát xít, Quốc tế Cộng sản bị giải thể.
Trên Hà Thành ngọ báo ngày 26 Tháng Mười Hai 1933 có bình luận về việc Stalin hỗ trợ Cách mạng Trung Quốc: "Từ năm 1924 đến năm 1927, trong cuộc cách mệnh ở Trung Quốc, Staline có từng đứng xa giựt dây, kết quả bị thất bại to, Trotsky hết sức công kích chỗ đó. Bình tâm mà bàn, về việc ấy Staline quả sai lầm thật, đan cử như Tưởng Giới Thạch đã rõ ràng phản cộng. Staline còn ở xa cố mưu hợp tác, mãi về sau mới chịu đổi phương châm... Nhưng mà Trung Quốc vẫn nguyên hình dạng cũ năm 1911, quyết chưa có thể theo chủ nghĩa Cộng sản. Hiện nay, những phần tử Sô viết ở Trung Quốc, số nhiều đều là nông dân, cái ý muốn của họ chỉ là cốt được chia ruộng đất để cày cấy mà ăn, thực ra chẳng cảm hóa gì được mảy may về chủ nghĩa Cộng sản cả. Nhân đó mà khu Cộng sản ở Trường giang, hoặc sẽ thành cái cột trụ gây nên "nước Trung Hoa chủ nghĩa tư bản mới" cũng chưa biết chừng... Cuộc thế giới cách mệnh và cuộc Quốc gia cách mệnh, theo cái đại thể ngày nay mà xem xét, tiền đồ còn là mập mờ... Làm sao chủ nghĩa Cộng sản ở nước Nga thì được thành công mà mãi đến nay không thể gây dựng được ở nước khác? Tác giả có thể đem những nguyên nhân cốt yếu mà bày ra sau này: Nước Nga trước khi cách mệnh, giai cấp tư bản có rất ít người, lực lượng cũng yếu, giai cấp trung đẳng thì lại không đủ nói, lúc đó chỉ có các thợ thuyền, phải chịu cách sinh hoạt tàn bạo, bóc lột và khốn khổ, ngoài cái thân ra, không còn mảy may tài sản, ngoài cách cố lo giải phóng, thực không còn có đường nào mong sống nữa. Nông dân ở Nga bấy giờ, cũng lại cùng khốn lắm nữa, ăn mặc không đủ, phần lớn đất cát ở dưới chế độ phong kiến thái ấp của vua Nga, còn không được mấy. Cho nên giai cấp vô sản bị đè ép ấy, vào cái dịp dễ cách mệnh trong năm 1917, lại được nông dân giúp sức, hèn chi nhất cử mà được thành công ngay. Người Nga Sôviết cũng là do cái hoàn cảnh đặc biệt sinh ra vậy. Còn ngày nay ở trong các nước, giai cấp tư bản không ngu xuẩn, ươn hèn như ở Nga bấy giờ, vả các nước công nghiệp lại không như nước Nga ngày xưa có vấn đề đất cát của nông dân. Đến như thợ thuyền ở các nước phương tây, hầu hết là thân phần "nửa nhà tư bản", bọn họ chịu nhà tư bản hun đúc lâu ngày, đều mong sẽ có ngày trở nên phú hào, đó thực là cái hào lũy rất tốt để chống lại chủ nghĩa quá khích vậy"
Trước khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (9/1939), Liên Xô có 2 lần can dự vào chiến tranh ngoài lãnh thổ nước mình:
Năm 1936, trong Nội chiến Tây Ban Nha, Liên Xô cử các cố vấn quân sự và viện trợ vũ khí cho phe Cộng hòa để chống lại phe Quốc gia của Francisco Franco (được sự hỗ trợ của Đức Quốc xã), đồng thời vận động phong trào cộng sản quốc tế ủng hộ. Tuy nhiên cuối cùng phe Quốc gia của Franco giành chiến thắng, thiết lập chế độ thân phát xít và ủng hộ cho phe Trục của Đức Quốc xã.
Ở biên giới phía Đông, quân Nhật bắt đầu gây hấn từ năm 1932, tấn công Mông Cổ và đe dọa Liên Xô. Trong Chiến dịch Khalkhyn Gol (8/1938), liên quân Liên Xô-Mông Cổ đã đánh bại quân đội Nhật Bản, bảo vệ lãnh thổ và nền độc lập của Mông Cổ. Thất bại này khiến Đế quốc Nhật Bản phải chuyển hướng chiến lược sang mặt trận châu Á-Thái Bình Dương. Hai bên ký hiệp ước đình chiến ngày 15 tháng 9 năm 1939 Liên Xô tạm yên mặt đông và có thể tập trung vào mặt trận châu Âu.
Trấn áp đối thủ
Mặc dù trong thời kỳ Nội chiến Nga, các lãnh đạo Bolshevik như Lenin, Trotsky đã từng sử dụng các biện pháp trấn áp nhằm tiêu diệt kẻ thù của Cách mạng (quân Bạch Vệ) và gieo rắc nỗi sợ cho kẻ thù dưới tên "Khủng bố Đỏ", chính Stalin là người tiến hành việc thanh trừng trong nội bộ Đảng Cộng sản và trải rộng toàn xã hội Soviet, tạo nên một thời kỳ thường gọi là "Đại thanh trừng" hoặc "Đại Khủng bố" (tên gọi sau nhắc lại thời kỳ Triều đại Khủng bố trong Cách mạng Pháp năm 1789), kéo dài từ năm 1934 tới năm 1940.
Tuy đã nắm được vị trí tối cao trong Đảng, Stalin vẫn cảm thấy nguy cơ bị thách thức về chính trị, nhất là sau những hỗn loạn xã hội đầu thập niên 1930 và nạn đói năm 1933. Mặt khác, Stalin đã cho rằng Đảng Cộng sản Liên Xô không thể củng cố hàng ngũ của mình nếu không có những cuộc thanh lọc định kỳ đối với những cán bộ tham nhũng suy thoái, biến chất trong nội bộ:
Trong Liên Xô
Từ "thanh trừng" ban đầu chỉ có nghĩa giới hạn trong việc khai trừ những đảng viên bị coi là "thiếu phẩm chất" hoặc đi theo "đường lối phản cách mạng": Chỉ trong năm 1933 đã có 400 nghìn Đảng viên bị khai trừ. Tuy nhiên về sau việc khai trừ thường đồng nghĩa với bắt giữ, thẩm vấn hoặc thậm chí là xử tử.
Ngày 1 tháng 12 năm 1934, Bí thư Thành ủy Leningrad, Sergei Kirov bị ám sát, Stalin lấy cớ đó để phát động thanh trừng hàng loạt, mở đầu bằng việc xử tử 104 người với cáo buộc họ tham gia vào âm mưu giết Kirov, mặc dù họ đang ở trong tù vào thời điểm xảy ra vụ ám sát. Nhiều nhân vật đương thời và các nhà sử học về sau tin rằng chính Stalin đã ra lệnh giết Kirov, tuy là một người theo đường lối Stalin nhưng một ngôi sao chính trị đang lên trong Đảng, làm lu mờ cả vị trí của Stalin.
Tràng An báo (xu hướng bảo hoàng) số ngày 27 tháng 1 năm 1942 lấy lại từ báo Dépêtre d'Indochine bình luận mục đích của Stalin trong sự kiện này là nhằm loại bỏ những phần tử hiếu chiến trong quân đội:
Trên tờ Sông Hương số ngày 3 tháng 7 năm 1937:
Các nhóm thiểu số dân tộc và tôn giáo bị nghi ngờ móc nối với ngoại quốc cũng trở thành nạn nhân của cuộc thanh trừng. Các dân tộc Trung Á và người Do Thái bị truy bức, nhưng nặng nề nhất là người Ba Lan với con số ước tính 143 810 người bị bắt giữ và 111 091 người bị hành quyết. Khoảng 85% trên tổng số 35 nghìn linh mục bị bắt, khoảng 100 nghìn người liên quan tới tôn giáo bị giết. Trong số các nạn nhân có cả vài trăm người là di dân từ Hoa Kỳ và Canada do cuộc Đại khủng hoảng.
Bên ngoài Liên Xô
Chiến dịch thanh trừng của Stalin cũng vươn ra ngoài địa hạt Liên Xô. Quốc tế Cộng sản được chỉ đạo tiến hành thanh trừng hàng loạt trong đội ngũ lãnh đạo và tấn công những người theo Trotsky trên thế giới. Hàng loạt lãnh đạo đảng cộng sản bị triệu hồi về Moskva rồi bị thẩm vấn, nhiều trong số họ bị bỏ tù (lãnh tụ cộng sản Việt Nam Hồ Chí Minh cũng từng bị thẩm vấn và điều tra bởi một nhóm ba người nhưng không bị kết tội). Stalin cũng gửi điệp viên tới các quốc gia khác để mưu sát những người chạy trốn và những địch thủ khác, đáng chú ý nhất là vụ mưu sát Trotsky tại nơi ở của ông này ở México.
Ở những vùng ảnh hưởng của Liên Xô, Stalin cũng tìm cách phát động các cuộc thanh trừng. Các thành viên NKVD của Liên Xô được gửi tới Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ và Tân Cương (dưới quyền lãnh chúa Thịnh Thế Tài thân Liên Xô) để chống lại cái gọi là khuynh hướng Trotsky hoặc "gián điệp cho Nhật" ở nơi đây.
Cuộc thanh trừng ở Mông Cổ đã dẫn tới việc xử tử khoảng 18000 lạt ma, cùng với một số nhân vật chính trị và cả dân thường. Những hố chôn tập thể của hàng trăm thường dân và tu sĩ Phật giáo bị hành quyết được phát hiện ở đây vào năm 2003.
Hậu quả và vai trò của Stalin
Về mặt chính trị, Đại thanh trừng đã loại bỏ hầu như mọi sự đối đầu với quyền lực cá nhân của Stalin. Hầu hết những người Bolshevik đồng chí với Stalin và Lenin thời kỳ đầu đều bị xử tử, trừ vài người như Molotov và Kalinin chịu tuân phục Stalin.
Các nhân vật chính trị, trí thức, nghệ sĩ sau khi bị bắt giữ thì tên tuổi của họ cũng bị xóa sạch khỏi các văn bản, tranh ảnh, như là chưa hề tồn tại. Vụ thanh trừng tuy vậy làm suy yếu năng lực điều hành của chính quyền, nhất là sự thiếu hụt sĩ quan có kinh nghiệm trong quân đội.
Mặc dù Yagoda, Yezhov và Beria trực tiếp chỉ đạo việc thanh trừng, Stalin đóng vai trò chỉ lãnh đạo cao nhất và liên hệ chặt chẽ với nó. Đã từng có những lý thuyết trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh về nỗi sợ khủng bố, sự mất kiểm soát của chính quyền trung ương và về vai trò của các nhà lãnh đạo khu vực như là nguyên nhân chính dẫn tới số lượng người chết quá lớn, nhưng theo nhà sử học Oleg V. Khlevniuk thì các lý do này đơn giản là không được các ghi chép lịch sử ghi lại. Trong một số trường hợp, Stalin đã trực tiếp chỉ đạo Yezhov thẩm vẫn những người không chịu thú tội. Trong suốt thời kỳ những năm 1937 và 1938, Stalin đã tự tay ký 357 danh sách trong đó chuẩn thuận việc tòa án tuyên án tử hình hàng nghìn người, và 90% số đó về sau được xác nhận là đã bị bắn. Stalin cũng chọn riêng Vasili Blokhin giám sát việc thi hành án tử hình các nhân vật quan trọng.
Sử gia Đức, một giáo sư khác về lịch sử Đông Âu tại đại học Humboldt ở Berlin, Jörg Baberowski, đã từ bỏ quan điểm ban đầu cho là Stalin tiến hành cuộc thanh trừng vì ý thức hệ độc tài cấp tiến muốn cải tổ và tạo trật tự xã hội mà ông bị ảnh hưởng của tư tưởng Zygmunt Bauman. 7 năm sau, sau khi đọc hàng ngàn trang tài liệu, trong cuốn sách mới ấn bản 2012 với tựa là "Verbrannte Erde – Stalins Herrschaft der Gewalt", ông cho là Stalin đã bị chứng Rối loạn nhân cách chống xã hội bạo động, cho nên mới có những bạo động có hoạch định và có chỉ tiêu.
rong cuốn sách được viết sau 10 tuần ở Liên Xô vào năm 1941, Quentin Reynolds thì cho rằng cuộc thanh lọc của Stalin là một biện pháp hữu hiệu để chống lại gián điệp và bảo vệ đất nước trong Thế Chiến thứ Hai:
"Hôm nay đã không còn một gián điệp, không còn một kẻ phản bội nào ở nước Nga Xô Viết. Người Đức đã cố gắng một cách tuyệt vọng để thiết lập các tòa án với người dân địa phương là người đứng đầu danh nghĩa của các tòa án đó khi họ chiếm các thành phố như Odessa, Kiev, và những nơi khác trong cuộc tiến quân thành công của họ vào mùa thu năm ngoái. Nhưng trong mọi trường hợp, Đức không thu được thành công. Những kẻ phản bội tiềm năng, tất cả đã bị tống vào các trại lao động của phía bắc xa xôi. Stalin biết rõ những gì ông đã làm vào năm 1938: tinh thần đoàn kết tuyệt vời của người dân nước Nga hiện nay và tinh thần hoàn toàn không khiếp sợ trước thảm kịch khủng khiếp mà Đức gây ra là bằng chứng thực tế rằng người dân Nga chấp nhận các cuộc thanh trừng của Stalin. Nói cách khác, đó là việc "Bạn không thể làm món trứng tráng mà không đập vỡ quả trứng".
Cùng là một con người và sự kiện, nhưng tùy theo nhãn quan chính trị mà việc đánh giá Stalin là rất khác nhau. Ngày nay, sách giáo khoa lịch sử của Nga nhìn nhận sự trấn áp của Stalin một cách khách quan hơn. Trong thời kỳ này, ở Liên Xô luôn tồn tại chủ nghĩa dân tộc cực đoan đe dọa gây ra thảm họa mới cho đất nước. Trong khoảng thời gian 1944-1954, đã có tới 40.000 dân thường chết do lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc gây ra. Stalin đã cứng rắn và khôn khéo lãnh đạo đất nước dập tắt phong trào này, góp phần củng cố, phát triển Liên bang Xô Viết. Sách giáo khoa mới đã đánh giá việc trấn áp của Stalin là phù hợp với tình hình lúc bấy giờ. Đối với vấn đề thanh trừng nội bộ cũng được sách bình luận theo chiều hướng tích cực: Trấn áp không phải để "lạm sát người vô tội" mà bản ý của Stalin là loại bỏ những cán bộ kém năng lực, suy thoái đạo đức, tham nhũng trong nội bộ chính quyền. Thực tế này được xem là khát vọng của ông muốn bảo đảm cho bộ máy quản lý phát huy hiệu quả lớn nhất.
Chính sách dân tộc
Dưới thời kỳ Stalin cầm quyền, người ta chứng kiến những đợt trục xuất và di dân quy mô vào hàng lớn nhất trong lịch sử. Theo số liệu chính thức của Liên Xô ước tính, có hơn 14 triệu người đã từng bị buộc phải di cư, bị đưa đến những trại lao động hoặc công trường từ năm 1929 tới 1953, cùng với khoảng 7 tới 8 triệu người bị trục xuất và bị đưa tới những miền xa xôi và khí hậu khắc nghiêt.
Những lý do mà chính quyền Soviet đưa ra cho những đợt di dân, ngoài tù nhân phải lao động cải tạo, là để đối phó với chủ nghĩa ly khai, sự chống đối chính quyền Liên Xô và những phần tử hợp tác với quân Đức Quốc xã xâm lược. Những căn cứ này có lúc đúng nhưng cũng có lúc sai lầm hoặc vội vã. Người ta thường di dời cả cộng đồng chứ không xem xét đến trường hợp từng gia đình hay ý nguyện của họ. Chẳng hạn sau khi quân phát xít chiếm Kavkaz, do lo ngại người Tatar ở Crimea hợp tác với quân Đức, toàn bộ dân miền núi và người Tatar ở Crimea - tổng cộng hơn 1 triệu người - bị trục xuất mà không được thông báo, cũng không mang theo được tài sản.
Các đợt di dân lớn diễn ra ít lâu trước Thế Chiến II và giai đoạn đầu của nó. Người ta ước tính rằng giữa 1941 và 1949 có khoảng 3,3 triệu người bị đưa tới Siberia và miền Trung Á,. Định kiến của Stalin về lòng trung thành của một số nhóm sắc tộc đặc biệt, bao gồm người Triều Tiên ở Liên Xô, người Chechen, người Tatar Krym, người Đức ở miền Volga và người Ba Lan khiến những dân tộc này chịu nhiều ảnh hưởng nhất, hàng trăm nghìn người đã chết trên đường di cư. Trong số những người có thể tới nơi định cư mới, theo một ước tính thì có 18-43% những người tái định cư bị chết trong vòng 15 năm do bị mắc bệnh hoặc thiếu ăn.
Những đợt di cư này đã làm thay đổi mạnh bản đồ nhân khẩu và dân tộc của Liên Xô. Nhiều dân tộc bị di dời khỏi nơi cư trú truyền thống của mình, gây ra nhiều hậu quả lâu dài. Tới năm 1956 Khrushchev lên án chính sách trục xuất của Stalin là vi phạm nguyên tắc chính sách dân tộc của Lenin và tìm cách khắc phục. Tuy nhiên tiến trình này diễn ra chậm, phải tới khi Liên Xô tan rã (1991) thì các dân tộc thiểu số mới được phép di cư quy mô lớn về quê hương cũ; nhiều nhóm dân vì điều kiện địa lý mà chưa thể quay về.
Hậu quả của sự trục xuất và di dân kéo dài tới ngày nay. Chẳng hạn, cộng đồng người Tatar ở Krym vốn là nhóm đa số ở Krym từ nhiều đời, bị trục xuất khỏi quê hương năm 1944 và từ đó khiến người Nga trở thành sắc tộc đa số ở miền này. Trong cuộc Khủng hoảng Krym năm 2014, nước Nga can thiệp quân sự rồi sáp nhập Krym viện dẫn đó là ý nguyện của đa số người dân địa phương thuộc dân tộc Nga. Cộng đồng người Tatar cho rằng chính họ mới là những người có quyền vận mệnh Krym chứ không phải người Nga di dân. Ký ức đau thương về những đợt trục xuất còn sâu đậm trong tâm trí nhiều dân tộc thiểu số, và là một nguồn động lực cho chủ nghĩa ly khai hiện nay ở những vùng thuộc Nga như Chechnya.
Mặt khác, Stalin duy trì quyền bình đẳng giữa mọi công dân thuộc mọi chủng tộc. Bình đẳng dân tộc trong mọi hình thức (ngôn ngữ, giáo dục...) là một yếu tố thiết yếu trong các giải pháp xử lý các vấn đề quốc gia. Stalin đề ra một chính sách nhà nước dựa trên nền dân chủ đầu phiếu, nghiêm cấm mọi loại đặc quyền của riêng một dân tộc nào đó hoặc những hình thức phân biệt đối xử với các dân tộc thiểu số. Ví dụ như Kazakhstan là một trong những nước cộng hòa dân tộc thiểu số của Liên Xô, và chính quyền đã thông qua luật quy định tất cả các ngành công nghiệp tại Kazakhstan phải sử dụng ít nhất 50% nhân công là người dân tộc bản địa, cả trong sản xuất và quản lý. Đây có thể là một luật rất tiến bộ, tạo ra cảm hứng cho các giáo sư và chủ nghĩa nhân đạo trên tất cả các nơi trên thế giới
Dù người ta có thể nói về việc thiếu tự do cá nhân dưới thời Stalin, không ai có thể nghi ngờ rằng Liên Xô đã thực hiện các nguyên tắc bình đẳng dân tộc tương đương với những nền dân chủ tốt nhất. Stalin là hoàn toàn đúng trong việc tăng cường sức mạnh của nước Nga Xô Viết khi thực hiện chính sách đó.
Một nhà báo phương Tây sau khi sang thăm Liên Xô năm 1938 đã nhận xét:
Những người cộng sản có một điểm tuyệt vời là họ có niềm tin rằng tất cả các chủng tộc đều bình đẳng với những khả năng tiềm ẩn, và rằng người ta có thể trở nên tốt như nhau nếu họ có cơ hội như nhau. Giữ vững niềm tin này, họ đang cố gắng cung cấp các cơ hội như nhau cho tất cả các chủng tộc và bộ lạc ở Nga vào thời gian sớm nhất có thể. Họ đã phân phối một lượng lớn ngân quỹ sẵn có của mình cho giáo dục, y tế công cộng và vệ sinh môi trường tại khu vực châu Á, nơi mà những điều này thường bị lãng quên.
Xây dựng sùng bái cá nhân
Stalin đã góp phần tạo nên phong trào sùng bái lãnh tụ, trước hết là đối với Lenin sau rồi là bản thân, nhất là sau khi Liên Xô tổ chức lễ sinh nhật 50 tuổi cho ông năm 1929. Rất nhiều thị trấn, làng mạc và thành phố, bao gồm thành phố lớn Stalingrad (xem danh sách các địa danh đặt theo tên Stalin (tiếng Anh)) được đổi tên theo tên ông; bên cạnh đó còn có các giải thưởng như Giải Stalin, Giải Hòa bình Stalin được lập nên lúc ông còn sống. Stalin cũng chấp nhận người ta gọi ông bằng những tên gọi khoa trương như "Người cha của Tổ quốc" (bắt đầu từ 1936), "Nhạc trưởng của Khoa học", "Thiên tài Kiệt xuất của Nhân loại", "Đại kiến trúc sư của Chủ nghĩa Cộng sản", "Người trông nom Hạnh phúc Loài người". Tuy trong giới lãnh đạo ít thấy sự tôn thờ Stalin, hầu hết không bày tỏ sự bất bình với tệ sùng bái cá nhân, và tất cả đều ủng hộ cho tệ này phát triển.
Tệ sùng bái cá nhân cho Stalin phát triển mạnh trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, khi Liên Xô cần những hình ảnh để nâng cao tinh thần cho binh sĩ và nhân dân. Ban đầu hình ảnh Stalin gắn bó chặt chẽ với Lenin như một đồng chí trung thành nhất, người thừa kế xuất sắc của Lenin, và hai người thường xuất hiện cùng nhau trong từ ngữ và tranh ảnh, tuy nhiên về sau báo chí tuyên truyền thường mô tả sự lãnh đạo tài tình của Stalin như là nhân tố chính cho sự tươi đẹp của xã hội Soviet.
Bộ máy tuyên truyền Liên Xô thường mô tả Stalin theo hình ảnh người lãnh tụ các dân tộc và mang tính thần thánh, vay mượn một số nhân tố từ Chính thống giáo. Những cuộc tiếp xúc với trẻ em là một yếu tố quan trọng trong hình ảnh lãnh tụ Liên Xô. Stalin thường xuyên xuất hiện trong các buổi tăng quà cho trẻ em nhiều dân tộc khác nhau. Từ năm 1935, câu nói "Tuổi thơ Hạnh phúc nhờ ơn Đồng chí Stalin Kính yêu!" xuất hiện trên cửa vào các trại trẻ, trường học, trường mầm non và trẻ em thường hô câu này trong lễ hội. Stalin cũng được mô tả là gần gũi với người dân thường; báo chí thường đăng những lá thư từ công nhân nông trường hay xí nghiệp viết để ca ngợi lãnh tụ cũng như xuất hiện những bài viết, bài thơ về việc gặp mặt Stalin. Nhưng từ sau Thế Chiến II khi Stalin ít xuất hiện trước đám đông, báo chí bắt đầu tập trung tới những liên lạc xa xôi hơn (chẳng hạn kể về việc ai đó nhận được điện báo của Stalin hay nhìn thấy lãnh tụ từ xa).
Bộ máy tuyên truyền và bản thân Stalin đã tìm cách chỉnh sửa lịch sử Liên Xô để gán cho Stalin tầm quan trọng lớn hơn trong buổi đầu của phong trào cách mạng. Chẳng hạn lịch sử sửa đổi này cho rằng Stalin, chứ không phải Chủ tịch Soviet Petrograd Leon Trotsky là lãnh tụ thứ nhì, sau Lenin trong Cách mạng Tháng Mười. Stalin ủng hộ việc này và tự cho mình có thẩm quyền về lịch sử Đảng.
Nhiều bức tranh và tượng của Stalin ở các nơi công cộng thường minh họa Stalin rất cao, ngang với Nga hoàng Aleksandr III, trong khi thực tế các ảnh chụp cho thấy ông chỉ cao khoảng 165–168 cm. Ảnh tượng Stalin không chỉ xuất hiện tại các nơi công cộng và văn phòng chính quyền mà còn ở các tư gia. Từ đầu những năm 1930, tại nhiều gia đình xuất hiện "phòng Stalin" với chân dung lãnh tụ để bày tỏ sự tôn kính. Hình ảnh Stalin cũng trở thành tâm điểm của nền nghệ thuật tuyên truyền, bao gồm thơ, ca, nhạc, họa, phim ảnh. Một ví dụ là "Khúc ca Stalin" của A. V. Avidenko dưới dây:
Ở những chỗ cá nhân, Stalin thường khẳng định rằng sự tôn sùng ông là cần thiết về mặt tuyên truyền, ít nhất là cho bộ phận dân chúng tầng lớp thấp, nhưng có thể phản tác dụng đối với giới trí thức tinh hoa. Stalin cũng muốn hình ảnh của mình như là hiện thân của Đảng Cộng sản, và tiết lộ rất ít về đời sống cá nhân của mình với truyền thông Stalin không phải lúc nào cũng thoải mái với sự tán tụng triền miên; một người cộng sản Phần Lan là Arvo Tuominen từng ghi nhận một lần Stalin từng chế nhạo sự tán tụng chính mình trong một bữa tiệc năm mới của Đảng năm 1935, khi nói với giọng mỉa mai: "Các đồng chí! Tôi muốn đề nghị nâng cốc cho đấng thượng phụ của chúng ta, sự sống và mặt trời, nhà giải phóng các dân tộc, kiến trúc sư của chủ nghĩa xã hội - Josef Vissarionovich Stalin, và tôi hi vọng đây sẽ là diễn văn đầu tiên và cuối cùng dành cho thiên tài đó trong tối hôm nay."
Mặt khác, một số người ác cảm với Stalin thì cho rằng ông khiêm tốn giả vờ. Chủ tịch Khrushchev, trong bài phát biểu chỉ trích Stalin sau khi ông qua đời, cho rằng chính Stalin đòi ông phải được ghi nhận về "tính khiêm tốn đáng kinh ngạc của những vĩ nhân thực sự".
Các học giả hiện vẫn tranh cãi với nhau về mức độ tán thưởng của Stalin đối với sự sùng bái chính ông ta. Tuy vậy, Stalin thường tỏ ra khiêm tốn, thậm chí nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của lực lượng xã hội, chứ không phải thiên tài cá nhân, thậm chí dù là cả Lenin, là yếu tố quyết định thành công của cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người ta cũng ghi nhận Stalin thường sửa một số văn bản, xóa bớt những lời ngợi ca bản thân mình và thêm vào lời ca ngợi cho các lãnh đạo Soviet khác. Hơn nữa, năm 1936 Stalin đã cấm phong trào đổi tên địa danh theo tên mình.
Thế chiến thứ hai
Hiệp ước với Đức: 1939–1941
Trên danh nghĩa một người Marxist–Leninist, Stalin cho rằng xung đột giữa các cường quốc tư bản là không thể tránh khỏi; sau khi Đức Quốc xã sáp nhập Áo và một phần Tiệp Khắc vào năm 1938, ông nhận thấy một cuộc chiến đang kề cận. Ông muốn Liên Xô phải đứng trung lập trong trường hợp đó, hy vọng một cuộc chiến giữa Đức và liên minh Anh-Pháp sẽ tạo điều kiện cho Liên Xô bứt lên vị thế hàng đầu ở châu Âu. Về mặt quân sự, Liên Xô cũng từng phải đối mặt với mối họa Đông phương, biểu hiện bởi các cuộc đụng độ với Nhật Bản vào cuối thập kỷ 1930. Với tình hình này, Stalin chủ động chuẩn bị vũ trang, mở rộng gấp đôi quy mô lục quân giữa tháng 1 năm 1939 và tháng 6 năm 1941, nhưng vì quá nóng vội nên làm sa đà chất lượng quân sĩ. Giữa năm 1940 và 1941, ông hạ lệnh thanh trừng hàng ngũ quân sĩ, khiến quân đội lâm vào cảnh thiếu thốn sĩ quan được huấn luyện bài bản khi chiến tranh nổ ra.
Vì Anh và Pháp không muốn đặt cược vào một liên minh với Liên Xô, Stalin đã phải tìm kiếm điều này ở Đức. Ngày 3 tháng 5 năm 1939, Stalin thay thế Ngoại trưởng Maxim Litvinov, một người có tư tưởng thân phương Tây, bằng Vyacheslav Molotov. Đức bắt đầu ngồi vào bàn đàm phán với Liên Xô, đề xuất chia cắt Đông Âu thành hai mảnh. Stalin thấy đây là cơ hội để mở rộng lãnh thổ và để đạt được hòa bình tạm thời với Đức. Tháng 8 năm 1939, hai bên ký kết Hiệp ước Molotov–Ribbentrop, một hiệp ước không xâm phạm đã được bàn bạc từ trước bởi Molotov và Ngoại trưởng Đức Joachim von Ribbentrop. Một tuần sau, Đức xâm lược Ba Lan, khiến Anh và Pháp phải tuyên chiến với Đức. Ngày 17 tháng 9, Hồng Quân tiến vào Đông Ba Lan, lấy danh nghĩa là lặp lại hòa bình sau khi chính phủ nước này sụp đổ. Vào ngày 28 tháng 9, Đức và Liên Xô trao đổi một vài khu vực họ chiếm được; Đức lấy những khu vực có nhiều người nói tiếng Ba Lan gồm Tỉnh Lublin và một phần Tỉnh Warszawa, còn Liên Xô lấy Litva. Hiệp ước Ranh giới Hữu nghị Đức-Xô được ký kết ít lâu sau, với sự có mặt của Stalin. Hai nhà nước tiếp tục trao đổi thương mại như bình thường, làm phá sản kế hoạch phong tỏa Đức của Anh.
Liên Xô tiếp tục yêu sách Phần Lan nhượng bộ lãnh thổ, nhưng bị từ chối. Liên Xô bèn xâm lược Phần Lan vào tháng 11 năm 1939; tuy có lợi thế về quân số, Hồng Quân bị kìm chân bởi Phần Lan bé nhỏ. Quốc tế ủng hộ cuộc kháng chiến của Phần Lan, khiến cho Liên Xô bị khai trừ khỏi Hội Quốc Liên. Liên Xô rốt cuộc phải kết thúc chiến tranh với Hòa ước Moskva; Phần Lan tuy vậy vẫn phải nhượng bộ một phần lãnh thổ của họ. Vào tháng 6 năm 1940, Hồng Quân chiếm đóng các nước Baltic, sáp nhập với Liên Xô vào tháng 8. Hồng Quân cũng thực hiện các cuộc xâm lược Bessarabia và miền bắc Bukovina, Rumani. Liên Xô đập tắt các phong trào chống đối ở những nơi mới chiếm được bằng các chiến dịch truy bức. Một trong những ví dụ khét tiếng là thảm sát Katyn vào tháng 4 và tháng 5 năm 1940, trong đó khoảng 22.000 thành viên của lực lượng vũ trang, cảnh sát và trí thức Ba Lan bị hành quyết.
Tốc độ chiến thắng Pháp của Đức giữa năm 1940 đã khiến Stalin rất ngạc nhiên. Ông chú trọng chính sách nhân nhượng Đức để trì hoãn xung đột với họ. Sau khi Hiệp ước Ba bên được ký kết giữa các nước phe Trục gồm Đức, Nhật và Ý vào tháng 10 năm 1940, Stalin đề xuất Liên Xô cũng nên gia nhập khối này. Để tỏ thiện ý với Đức, vào tháng 4 năm 1941, Liên Xô đi đến một thỏa luận trung lập với Nhật. Tuy đã đứng ở cương vị thủ tướng de facto hơn một thập kỷ rưỡi, Stalin kết luận rằng mối quan hệ của Liên Xô với Đức đã tan nát đến nỗi, ông phải đích thân đảm đương chức vụ này de jure: vào ngày 6 tháng 5, Stalin thay thế Molotov làm Thủ tướng Liên Xô.
Đức tấn công: 1941–1942
Tháng 6 năm 1941, Đức tiến hành xâm lược Liên Xô, mở màn chiến sự ở Mặt trận Đông. Mặc dù các cơ quan tình báo đã liên tục cảnh báo về nguy cơ xâm lược, Stalin rốt cuộc vẫn bị bất ngờ bởi nước đi của Đức. Ông bèn thành lập Ủy ban Quốc phòng, giữ chức Chỉ huy Tối cao của nó, và chức Tổng Tư lệnh Tối cao của lực lượng vũ trang Xô viết (Stavka). Bên cạnh đó, Georgy Zhukov được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu Trưởng. Chiến thuật chiến tranh chớp nhoáng của quân Đức đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn đầu của cuộc chiến; lực lượng không quân Xô viết bị vô hiệu hóa nhanh chóng trong vòng hai ngày. Wehrmacht ngày càng đánh sâu vào lãnh thổ của Liên Xô. Chẳng bấy lâu, Ukraina, Belorussia và vùng Baltic lần lượt thất thủ trước bước tiến của quân Đức; Leningrad bị bao vây tứ phía. Làn sóng người tị nạn đổ về thủ đô Moskva và các thành phố lân cận. Đến tháng 7, lực lượng không quân Luftwaffe mở chiến dịch oanh tạc Moskva. Đến tháng 10, Wehrmacht đã chuẩn bị mở một cuộc tổng tiến công vào Moskva. Chính phủ Liên Xô định sơ tán đến Kuibyshev, song Stalin nhất quyết ở lại để cổ vũ tinh thần binh sĩ. May thay, kế hoạch chiếm đóng Moskva của quân Đức tiêu tan hoàn toàn sau hai tháng chiến đấu trong điều kiện thời tiết mùa đông khắc nghiệt ở ngoại vi thành phố.
Bỏ qua những lời tham mưu của Zhukov và các vị tướng lĩnh khác, Stalin vẫn chủ trương tấn công quân Đức chứ không phòng thủ. Vào tháng 6 năm 1941, ông ra lệnh tiến hành một cuộc tiêu thổ nhằm phá hủy tất cả cơ sở hạ tầng và nguồn cung lương thực trước khi người Đức có thể chiếm giữ chúng, đồng thời ông ra lệnh cho NKVD thanh trừng khoảng 100,000 tù nhân chính trị trong những khu vực mà quân đội Đức tiếp cận. Ngoài ra ông cũng tiến hành thanh lọc bộ máy chỉ huy quân sự, một số chỉ huy cấp cao đã bị giáng chức trong khi một số khác đã bị bắt và xử bắn vì đã để thua trận Với Lệnh Số 270, Stalin đề ra mệnh lệnh rằng: bất cứ binh sỹ Hồng quân nào có hành vi đào ngũ hay đầu hàng quân địch thì đồng đội có quyền xử bắn tại chỗ, và gia đình của họ sẽ bị bắt giữ. Trong giai đoạn diễn ra cuộc chiến, cả quân đội Đức và quân đội Liên Xô đều đã bỏ qua các nguyên tắc của chiến tranh được đề ra trong Công uớc Geneva. Liên Xô mạnh mẽ lên án hành động thảm sát những người cộng sản, người Do Thái, và người Romani của quân Phát xít. Stalin đã khai thác triệt để tinh thần chống Quốc xã của người Do Thái, vào tháng 4 năm 1942 ông đã quyết định tài trợ cho Ủy ban Do Thái chống phát xít (JAC) để thu hút sự ủng hộ của dân Do Thái cũng như của những người nước ngoài dành cho quân đội Xô viết trong cuộc chiến tranh với Đức quốc xã.
Liên Xô quyết định liên minh với hai cường quốc của phe Đồng minh là Vương Quốc Anh và Hoa Kỳ. Để phục vụ cho công cuộc kháng chiến, Liên Xô tăng cường phát triển công nghiệp ở miền trung nước Nga, tập trung gần như hoàn toàn sản xuất cho quân đội. Họ đã đạt được năng suất công nghiệp rất cao, vượt xa Đức. Trong thời gian diễn ra chiến tranh, Stalin đã tỏ ra khoan dung hơn đối với Giáo hội Chính thống Nga, ông cho phép Giáo hội tiếp tục hoạt động và đích thân ông đã có cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Sergius vào tháng 9 năm 1943. Bài hát Quốc tế ca, vốn là quốc ca của Liên Xô từ ngày đầu thành lập, đã được Stalin thay thế bằng một bài hát khác mang tính yêu nước hơn. Quốc tế Cộng sản bị giải thể vào năm 1943, và Stalin khuyến khích các đảng Mác-Lênin nước ngoài tập trung vào chủ nghĩa dân tộc hơn là chủ nghĩa quốc tế để mở rộng hơn sự ủng hộ trong nước của họ.
Vào tháng 4 năm 1942 Stalin ra lệnh cho Hồng quân tổ chức một cuộc phản công ở miền đông Ukraine để chiếm lại Kharlov từ tay quân Đức, nhưng không thành công. Đến tháng 6 năm 1942, Quân đội Đức mở cuộc tấn công vào thành phố Stalingrad; Stalin ra lệnh cho các chiến sĩ Hồng Quân phải giữ được thành phố bằng mọi giá. Trận Stalingrad giữa Hồng quân Liên Xô và Đức Quốc xã đã diễn ra vô cùng khốc liệt. Đến tháng 2 năm 1943, sau khi Hồng quân phản công, quân Đức tại Stalingrad đầu hàng. Chiến thắng của Liên Xô trong trận Stalingrad đánh dấu một bước ngoặt lớn của cuộc thế chiến.
Liên Xô phản công: 1942–1945
Tháng 11 năm 1942, Quân đội Liên Xô đã bắt đầu phản công quân Đức ở cánh phía Nam trong chiến dịch Blau và mặc dù đã có 2.5 triệu binh lính Liên Xô thương vong trong nỗ lực đó, quân đội Liên Xô giờ đây đã chiếm được ưu thế trong phần còn lại của cuộc chiến ở mặt trận Phía Đông. Đức đã cố gắng tổ chức một cuộc tấn công bao vây ở Kursk trong nỗ lực cuối cùng để giành lại thế chủ động trên toàn mặt trận, tuy nhiên rốt cuộc Hồng quân đã đẩy lùi được cuộc tấn công của quân địch. Đến cuối năm 1943, Liên Xô đã chiếm lại được một nửa phần lãnh thổ đã bị quân Đức thôn tính từ năm 1941 đến năm 1942. Mức sản xuất công nghiệp quân sự của Liên Xô cũng đã tăng đáng kể từ cuối năm 1941 cho đến đầu năm 1943 sau khi Stalin cho di rời tất cả các nhà máy về phía Đông, các nhà máy này trở nên an toàn trước cuộc xâm lăng của quân Đức và những cuộc oanh tạc bằng không quân của kẻ thù.
Ở các nước Đồng minh phương Tây, Stalin ngày càng được nhìn nhận một cách tích cực hơn trong suốt cuộc chiến. Năm 1941, Dàn nhạc giao hưởng London đã tổ chức một buổi hòa nhạc để kỉ niệm ngày sinh nhật của Stalin, và trong năm 1942 tạp chí Times bình chọn ông là "Nhân vật của năm". Khi Stalin biết được rằng người dân Tây Âu gọi ông bằng biệt danh trìu mến là "Chú Joe", ban đầu ông đã tỏ ra bị xúc phạm vì nghĩ đó là cách gọi không đàng hoàng. Thủ tướng Anh Churchill đã bay đến Moskva để gặp gỡ Stalin vào tháng 8 năm 1942 và một lần nữa vào tháng 10 năm 1944. Stalin hiếm khi rời Moscow trong suốt cuộc chiến, khiến cho Tổng thống Mỹ Roosevelt và Churchill nhiều phen thất vọng bởi Stalin thường từ chối gặp gỡ họ.
Trong tháng 11 năm 1943, Stalin đã có cuộc gặp với Churchill và Roosevelt tại Tehran, một địa điểm mà Stalin đã đích thân lựa chọn. Tại Tehran, ba vị nguyên thủ đồng ý rằng để ngăn chặn Đức tăng cường sức mạnh quân sự và tiếp tục gây chiến, nước Đức cần phải bị chia cắt một lần nữa. Stalin cũng tỏ ra thiếu kiên nhẫn và ông liên tục kêu gọi Mỹ và Anh phải nhanh chóng mở một mặt trận Phía Tây chống lại Đức để giảm bớt áp lực đối với quân đội Liên Xô ở mặt trận phía Đông, cuối cùng, phe Đồng minh cũng đáp ứng yêu cầu của Stalin vào giữa năm 1944. Stalin cũng bày tỏ mong muốn rằng, khi chiến tranh kết thúc, Liên Xô sẽ được sáp nhập những lãnh thổ mà họ đã chiếm được của Ba Lan theo Hiệp ước Molotov–Ribbentrop với Đức, tuy vậy điều này đã bị Churchill phản đối. Thảo luận về số phận của vùng Balkan, sau này trong năm 1944 Churchill đã đồng ý với lời đề nghị của Stalin rằng sau chiến tranh, Bulgaria, Romania, Hungary, và Nam Tư sẽ nằm trong sự kiểm soát của Liên Xô trong khi Hy Lạp sẽ nằm trong phạm vi ảnh hưởng của phương Tây.
Năm 1944, Liên Xô đã đánh bật quân Đức ra khỏi lãnh thổ của mình, họ bắt đầu tiến quân vào giải phóng vùng Đông Âu. Hồng quân mở chiến dịch Bagration, một cuộc đại phản công chống lại Đạo quân Trung tâm của Đức. và đã liên tiếp giành được thắng lợi. Quân đội Đức đã bị đẩy ra khỏi vùng Baltic, vùng đất này sau đó được tái sáp nhập vào Liên Xô. Hồng quân tiếp tục tái chiếm vùng Kavkaz và Crimea, một số nhóm sắc tộc thiểu số sống trong khu vực – Kalmyk, Chechen, Ingushi, Karachai, Balka, và người Tatar Krym – bị cáo buộc đã hợp tác với Phát xít Đức. Chính quyền Stalin sau đó đã giải tán những nước cộng hòa tự trị của họ và từ cuối năm 1943 đến đầu năm 1944, phần lớn người dân của những khu vực này đã bị trục xuất đến Trung Á và Siberia. Ước tính có hơn một triệu người đã bị trục xuất.
Tháng 2 năm 1945, ba thủ lĩnh Đồng minh bắt đầu đàm phán tại Hội nghị Yalta. Roosevelt và Churchill chấp thuận yêu sách của Stalin rằng Đức phải trả Liên Xô 20 tỷ đô bồi thường thiệt hại, đồng thời Sakhalin và Quần đảo Kurile sẽ về tay Liên Xô như là phần đãi ngộ cho công lao đánh Nhật. Họ cũng đi tới thỏa hiệp về việc tạo lập một chính phủ Ba Lan liên minh giữa các đảng phái cộng sản lẫn bảo thủ thời hậu chiến. Tuy vậy, Stalin âm thầm muốn Ba Lan nằm dưới sự kiểm soát của Liên Xô. Hồng quân đã cố tình hạn chế viện trợ cho nghĩa quân Ba Lan trong cuộc Khởi nghĩa Warszawa vì Stalin cho rằng một phong trào vũ trang thành công của nhân dân Ba Lan sẽ cản trở sự thành lập của một chính phủ Marxist do ông điều khiển. Stalin nhấn mạnh rằng Hồng quân cần phải đánh chiếm được Berlin đầu tiên để có thể kiểm soát nhiều lãnh thổ châu Âu nhất có thể. Churchill cũng tỏ sự ngờ vực trước ý đồ của Stalin và đã thúc giục, tuy không thành công, người Mỹ rằng các đồng minh phương Tây cũng nên theo đuổi mục tiêu tương tự.
Đại thắng: 1945
Tháng 4 năm 1945, Hồng quân chinh phục Berlin, Hitler tự tử, và Đức đầu hàng vào tháng 5. Stalin đã có ý định bắt sống Hitler; trên thực tế, thi thể của Hitler được đưa về Moskva để tránh trường hợp những kẻ cuồng tín Quốc xã sẽ lấy đó làm thánh tích. Trên đường tiến vào lãnh thổ Đức, Hồng quân đã phát hiện nhiều trại tử thần của Đức Quốc xã. Các binh sĩ Liên Xô kiệt quệ cướp bóc và cưỡng bức phụ nữ ở Đông Đức và nhiều khu vực giải phóng khác. Stalin không cho kỷ luật những kẻ phạm tội. Sau khi nghe lời phàn nàn của đồng chí công sản người Nam Tư Milovan Djilas, Stalin bèn hỏi lại rằng: sau tất cả những điều đã trải qua, làm sao các binh sĩ có thể "phản ứng bình thường? Có gì quá tồi tệ khi vui vẻ với một người phụ nữ, sau tất cả những điều khủng khiếp ấy?"
Với chiến bại của Đức, Stalin chuyển sự chú ý sang cuộc chiến với Nhật và gửi nửa triệu lính sang vùng Viễn Đông. Stalin bị các đồng minh thúc ép tham chiến và ông cũng muốn củng cố các vị trí chiến lược của Liên Xô ở châu Á. Vào ngày 8 tháng 8, giữa hai vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, quân Liên Xô đã mở cuộc càn quét Mãn Châu thuộc Nhật và đánh tan Đạo quân Quan Đông. Những sự biến ấy đã buộc Nhật Bản đầu hàng và khép lại Thế chiến II. Lực lượng Vũ trang Liên Xô tiếp tục bành trướng cho tới khi chiếm được toàn bộ các lãnh thổ nhượng bộ, song Hoa Kỳ khước từ và không cho phép Liên Xô tham gia vào cuộc chiếm đóng Nhật Bản.
Stalin dự Hội nghị Potsdam vào tháng 7 và tháng 8 năm 1945, bên cạnh những người đồng cấp Anh và Mỹ, lần lượt là Thủ tướng Clement Attlee và Tổng thống Harry Truman. Tại hội nghị, Stalin nhắc lại những lời hứa trước đó của mình với Churchill, rằng ông sẽ không bắt các nước Đông Âu phải "Xô-viết hóa". Stalin bắt Đức phải bồi thường mà không cần quan tâm đến mức tiếp tế tối thiểu để bảo đảm sự sống còn của nhân dân Đức, khiến Truman và Churchill lo lắng rằng Đức sẽ trở thành gánh nặng tài chính đối với các cường quốc phương Tây. Ngoài ra, Stalin cũng thúc đẩy chính sách "chiến lợi phẩm", cho phép Liên Xô tịch thu tài nguyên của các nước bị chiếm đóng mà không hạn định về số lượng hay chất lượng; một điều khoản đã được thông qua nhằm công nhận chính sách này nhưng chỉ ở chừng mực nhất định. Đức bị chia làm bốn khu vực chiếm đóng: của Liên Xô, của Hoa Kỳ, của Anh, và của Pháp; thủ đô Berlin – vốn nằm trong vùng kiểm soát của Liên Xô – cũng bị chia làm bốn theo đó.
Thời kỳ hậu chiến
Công cuộc tái thiết và nạn đói: 1945–1947
Với sự khép lại của cuộc chiến, Stalin đã đạt đến – theo cách nói của Service – "đỉnh cao của sự nghiệp". Ông được dân chúng Liên Xô nhìn nhận như hiện thân của chiến thắng và chủ nghĩa ái quốc. Hồng quân dưới trướng Stalin hiện đã kiểm soát toàn bộ khu vực Trung và Đông Âu, vươn tới tận giới tuyến sông Elbe. Tháng 6 năm 1945, Stalin lấy danh hiệu Đại nguyên soái Liên Xô, đứng trên lễ đài Lăng Lenin để chiêm ngưỡng cuộc diễu hành mừng chiến thắng phát-xít do Zhukov dẫn đầu ở Hồng trường Moskva. Tại yến tiệc thiết đãi các sĩ quan chỉ huy quân đội, ông đã ngợi ca người Nga là "dân tộc vượt trội" và là "lực lượng mũi nhọn" của Liên Xô; đây cũng là lần đầu tiên ông thể hiện niềm tự hào với duy nhất nhân dân Nga thay vì khối đại đoàn kết dân tộc Xô viết.
Mặc dù vị thế quốc tế của Liên Xô đã được củng cố, Stalin vẫn tỏ ra rất cẩn trọng đối với những biểu hiện bất tuân trong quần chúng nhân dân. Ông cũng lo lắng trước sự trở về của các binh lính từ tiền tuyến, cụ thể là những thành phần đã tiếp xúc với hàng tiêu dùng của Đức, cướp bóc và mang chúng trở về Nga. Điều này khiến Stalin liên tưởng tới cuộc khởi nghĩa tháng Chạp năm 1825 bởi quân sĩ Nga từ Pháp trở về sau Chiến tranh Napoleon. Stalin buộc các tù bình Liên Xô hồi hương phải thông qua các trại "thanh lọc", theo đó khoảng 2.775.700 binh lính đã bị tra vấn lòng trung thành tại các trại này và nửa số đó đã bị bắt tới các trại lao động khổ sai. Ở các nước vùng Baltic vốn ngoan cố chống đối Liên Xô, chính quyền đã tiến hành chương trình phi kulak hóa và trừ khử tăng lữ, trục xuất khoảng 142.000 người giữa các năm 1945 và 1949. Hệ thống trại lao động Gulag được mở rộng đáng kể; tới tháng 1 năm 1953, khoảng 3% dân số Liên Xô đã bị bắt vào các trại tập trung hoặc bị phát lưu tới các vùng hẻo lánh thuộc nội quốc, trong đó 2,8 triệu người bị chuyển tới các "khu cư dân đặc biệt" ở những vùng cô lập về mặt địa lý và 2,5 triệu người khác trong các trại giam, thuộc địa lưu đày hoặc nhà tù.
Theo điều tra thiệt hại của NKVD, 1.710 thị trấn và 70.000 làng mạc trên khắp lãnh thổ Liên Xô đã bị hủy diệt. NKVD ước tính 26-27 triệu thường dân Liên Xô đã thiệt mạng trong cuộc chiến, cùng hàng triệu người khác bị thương, bị suy dinh dưỡng hoặc bị mồ côi cha mẹ. Do hậu quả của cuộc chiến, các đồng nghiệp của Stalin đã kiến nghị thay đổi chính sách nhà nước. Xã hội Liên Xô thời hậu chiến được thả lỏng hơn so với thời tiền chiến ở nhiều bình diện. Stalin cho phép Giáo hội Chính thống giáo Nga quản lý các thánh đường được thành lập trước thời chiến. Giới hàn lâm và nghệ thuật được tự do biểu đạt hơn thời kỳ trước năm 1941. Nhận ra rằng cần có những biện pháp táo bạo hơn trong công tác phòng chống lạm phát và tái thiết nền kinh tế, chính phủ Liên Xô đã tiến hành làm mất giá đồng Rúp và bãi bỏ hệ thống sổ lương thực vào tháng 12 năm 1947. Án tử hình cũng được bãi bỏ vào năm 1947 nhưng áp dụng lại vào năm 1950.
Đời tư và tính cách
Vốn là người dân tộc Gruzia, Stalin nói tiếng mẹ đẻ Gruzia từ nhỏ, chỉ bắt đầu học tiếng Nga khi lên tám hoặc chín tuổi. Có nghiên cứu cho rằng Stalin thực chất là người dân tộc Ossetia, bởi lẽ kiểu đơn bội di truyền của ông (G2a-Z6653) rất đặc trưng ở Ossetia, song ông chưa bao giờ nhận mình mang dòng máu Ossetia. Ông rất tự hào về danh tính Gruzia của mình, khi nói tiếng Nga thì luôn lộ rõ chất giọng Gruzia. Theo Montefiore, mặc cho sự gần gũi của Stalin với văn hóa Nga, ông vẫn luôn giữ nguyên cái chất Gruzia trong tính cách của mình và sinh hoạt hằng ngày. Một số đồng sự của Stalin miêu tả ông có "chất Á Châu"; theo một lời kể, ông có lần từng nói với một ký giả người Nhật rằng "Tôi không phải người Âu, mà là người Á, một người Gruzia bị Nga hóa". Service cũng ghi nhận rằng, Stalin "sẽ không trở thành người Nga", không thể được coi là người Nga, và bản thân ông cũng chẳng giấu giếm gì chuyện ấy. Montefiore thì cho rằng "sau năm 1917, [Stalin] trở thành người có bốn tộc tính: người Gruzia theo dân tộc, người Nga theo sự trung thành, người quốc tế dân tộc theo ý thức hệ, người Liên Xô theo quyền công dân."
Stalin có một chất giọng nhẹ, khi nói tiếng Nga thì chậm rãi, cẩn trọng trong phát biểu. Khi trò chuyện riêng, Stalin sử dụng từ ngữ khá thô tục, điều mà ông tránh khi xuất hiện trước công chúng. Được miêu tả là một người diễn thuyết tệ, theo Volkogonov, phong cách nói chuyện của Stalin "đơn giản và thông suốt, không quá viển vông xa vời, [không dùng] từ ngữ lôi cuốn hay phô trương kịch tính thái quá". Ông hiếm khi nói trước đồng đảo khán giả, ưa thích bộc lộ ý tứ của mình bằng văn viết. Phong cách viết của ông cũng chẳng khác phong cách nói là mấy, đặc trưng là đơn sơ, rõ ràng, và súc tích. Ông dùng khá nhiều tên gọi và bí danh lúc bình sinh, bao gồm "Koba", "Soselo", "Ivanov", và riêng cái tên "Stalin" thì được ông dùng chính thức từ năm 1912 trở đi; vốn bắt nguồn từ từ "thép" trong tiếng Nga, vậy nên cái tên này thường được dịch giải là "Người Thép".
Stalin cao khi trưởng thành. Khuôn mặt của ông có nhiều vết sẹo do hồi nhỏ mắc phải đậu mùa; đặc điểm mà thường bị xóa khỏi các ảnh chân dung của ông.
Tính cách
Trotsky và nhiều nhân vật Xô viết đối lập khác thường bôi nhọ Stalin như một người tầm thường, không có tài cán; điều thất thiệt mà đã lan ra ngoài Liên Xô khi Stalin còn sống. Theo nhà nghiên cứu tiểu sử Montefiore, "khá rõ ràng từ những nhân chứng có ác cảm lẫn thiện cảm rằng, Stalin là một nhân vật thực sự phi thường, ngay từ lúc còn nhỏ". Stalin có một đầu óc phức tạp, một sự tự chủ rất lớn, và một trí nhớ tuyệt vời. Ông làm việc rất chăm chỉ, thể hiện tinh thần ham học hỏi mãnh liệt. Khi lên nắm quyền, ông quan tâm rất kĩ lưỡng đến mọi mặt đời sống xã hội Xô viết, từ việc xem xét kịch bản phim cho đến sơ đồ kiến trúc và vũ khí quân dụng hạng nặng. Theo Volkogonov, "đời tư và công việc của Stalin là một"; ông không bao giờ nghỉ làm chính trị.
Gia đình và các mối quan hệ
Stalin là người rất trọng tình bằng hữu; ông vận dụng nó để gia tăng và bảo vệ vị thế quyền lực của chính mình. Kotkin quan sát rằng, Stalin "thường bị thu hút bởi những người giống ông: nhất là những trí thức mới nổi có xuất thân hèn mọn". Stalin đặt biệt danh cho những người mà ông quý mến, gọi Yezhov là "mâm xôi đen" chẳng hạn. Stalin rất dễ gần và thích nghe những câu đùa vui. Theo Montefiore, tình bạn của Stalin "vơ vẩn giữa sự yêu thương, sự ngưỡng mộ, và sự đố kị chua cay". Trên thực tế, khi Stalin còn điều hành Liên Xô, ông vẫn giữ liên hệ với nhiều cố hữu ở Gruzia, gửi thư và tặng tiền họ.
Stalin không phải kiểu người trăng hoa. Theo Boris Bazhanov, thư ký một thời của Stalin, "Phụ nữ không phải mối quan tâm của ông. Người phụ nữ của riêng ông [Alliluyeva] đã là quá đủ, và ông thậm chí cũng chẳng mấy quan tâm đến bà." Tuy nhiên, Montefiore cho rằng Stalin hồi trẻ "hiếm khi nào không có bạn gái." Montefiore miêu tả mẫu hình phụ nữ lý tưởng của Stalin là "những thiếu nữ trẻ, dễ bảo hoặc những thôn nữ đẫy đà," tựu trung là kiểu phụ nữ thông cảm và không quá khắt khe với ông. Theo Service, Stalin "coi phụ nữ như một phương tiện để đạt khoái cảm tình dục và tiện nghi ở nhà." Stalin từng kết hôn hai lần và có nhiều con cái.
Stalin cưới người vợ đầu, Ekaterina Svanidze, vào năm 1906. Theo Montefiore, hôn nhân của họ "là tình yêu đích thực". Volkogonov cũng cho rằng, Svanidze "có lẽ là người đàn bà duy nhất ông thực sự yêu". Khi bà mất, Stalin được cho là đã nói: "Sinh vật này đã khiến trái tim sỏi đá của tôi phải mềm dịu." Họ có với nhau một đứa con trai tên là Yakov. Yakov sau này sinh một cô con gái, Galina, trước khi gia nhập Hồng Quân trong Thế chiến thứ hai. Anh bị bắt giữ bởi quân Đức và rồi bỏ mạng trong trại giam.
Năm 1914, khi trạc 35 tuổi, Stalin từng có mối tình với Lidia Pereprygina, khi đó mới 14 tuổi, người sau đó có thai với Stalin. Khoảng tháng 12 năm 1914, Pereprygia sinh hạ đứa bé song nó bị chết non. Năm 1916, Lidia lại có thai lần nữa. Bà sinh hạ một đứa con trai, đặt tên là Alexander, vào khoảng tháng 4 năm 1917. Stalin, khi đó vắng mặt, sau mới biết về đứa con ngoài giá thú của mình song ông không mấy quan tâm đến điều đó.
Người vợ thứ hai của Stalin là bà Nadezhda Alliluyeva; hai người họ có mối quan hệ không mấy suôn sẻ và thường xuyên cãi vã. Họ có với nhau hai đứa con ruột – con trai Vasily và con gái Svetlana, cùng một người con nuôi kể từ năm 1921, Artyom Sergeev. Không rõ trong thời gian này Stalin có ngoại tình hay không, song Alliluyeva lúc ấy phẫn uất cho rằng Stalin không chung thủy, và bà tự tự vào năm 1932. Stalin hay chê trách Vasily vì thói hư hỏng của cậu; tuy nhiên, với tư cách là con trai của Stalin, Vasily thăng tiến rất nhanh chóng trong hàng ngũ Hồng Quân và có một phong cách sống rất hoang tàng. Trái lại, Stalin rất yếu quý cô con gái Svetlana bé bỏng, và cũng rất có cảm tình với Artyom. Về sau, ông không đồng thuận với nhiều hôn phu và chồng của Svetlana, khiến quan hệ giữa hai cha con trở nên căng thẳng. Sau Thế chiến thứ hai, Stalin dành rất ít thời gian cho con cái và gia đình không còn quan trọng đối với ông nữa. Sau khi Stalin qua đời, Svetlana đổi tên họ của bà thành Alliluyeva, rồi chạy trốn sang Hoa Kỳ.
Sau khi Nadezhda qua đời, Stalin trở nên thân thiết với chị dâu Zhenya Alliluyeva; sử gia Montefiore tin rằng hai người là tình nhân. Ngoài ra cũng có một số tin đồn sau năm 1934 cho rằng Stalin từng có mối tình với bà quản gia Valentina Istomina. Montefiore cũng khẳng định rằng Stalin có ít nhất hai đứa con ngoài giá thú, tuy nhiên bản thân Stalin chưa từng thú nhận điều này. Một trong số những người con đó là Konstantin Kuzakov, từng dạy triết ở Viện Cơ học Quân sự Leningrad, nhưng chưa từng gặp mặt Stalin. Đứa con kia chính là Alexander, con trai của Lidia Pereprygina; cậu được nuôi nấng bởi một người nông dân chài lưới và bị chính quyền Liên Xô gượng ép không được khai nhận mình là con ruột của Stalin.
Di sản
Nhà sử học Robert Conquest khẳng định rằng, Stalin có lẽ "định hình dòng chảy của thế kỷ thứ 20" hơn bất cứ một cá nhân nào. Các nhà viết tiểu sử như Service và Volkogonov công nhận Stalin là một chính khách nổi bật và phi thường; Montefiore coi Stalin như một "sự kết hợp hiếm hoi: giữa 'trí thức' và kẻ giết người", vừa là "chính khách tột bậc", vừa là "người khổng lồ khó tả và thú vị của thế kỷ thứ 20". Theo nhà sử học Kevin McDermott, các lối kiến giải của Stalin có thể dao động từ "sự ninh nọt bợ đỡ tới sự châm chọc buộc tội." Đối với phần lớn phương Tây và một bộ phận dân Nga chống cộng, Stalin bị đánh giá tiêu cực là kẻ giết người hàng loạt. Trái lại, đối với phần lớn dân Nga và Gruzia, ông được coi là một chính khách và người kiến quốc vĩ đại.
Service cho rằng Stalin đã có công kiến thiết và ổn định hóa Liên Xô, đồng thời nhận xét rằng nếu không có Stalin thì Liên Xô chắc hẳn sẽ sụp đổ trước năm 1991. Chỉ trong vòng ba thập kỷ, ông đã biến chuyển Liên Xô thành một cường quốc công nghiệp, giúp đất nước "đạt được những thành tựu hùng vĩ" trong các lĩnh vực như đô thị hóa, quân sự, giáo dục và niềm tự hào Xô viết. Dưới sự lãnh đạo của ông, tuổi thọ trung bình của nhân dân Xô viết tăng mạnh vì điều kiện sống, dinh dưỡng và trình độ y tế được cải thiện đáng kể, đồng thời giảm thiểu tỷ lệ tử vong. Tuy vậy cũng phải chú ý rằng, đóng góp của Stalin đối với sự phát triển của nền kinh tế Liên Xô vẫn đang bị đặt nghi vấn; một số nhà nghiên cứu cho rằng các chính sách của Stalin từ năm 1928 trở đi chỉ là những nhân tố hạn chế cho sự thành công về mặt kinh tế.
Liên Xô dưới thời Stalin thường bị phán xét là một nhà nước toàn trị, với Stalin nắm giữ vị trí thủ lĩnh chuyên chế. Nhiều học giả cáo buộc Stalin là một kẻ độc tài, một kẻ chuyên quyền, một kẻ Ceaser chủ nghĩa, hoặc một tên "phát xít đỏ". Montefiore nhận định rằng, Stalin vốn đồng trị vì trong một chế độ quyền lực tập trung do Đảng Cộng sản lãnh đạo, song nó đã dần biến tướng thành một chế độ độc tài cá nhân vào năm 1934. Theo đó, Stalin chỉ mới trở thành "độc tài tuyệt đối" giữa tháng 3 và tháng 6 năm 1937, khi các nhân vật NKVD và quân đội cao cấp lần lượt bị trừ khử. Theo Kotkin, Stalin đã "xây dựng chế độ độc tài cá nhân bên trong chuyên chính Bolshevik." Ở cả Liên Xô và nhiều nơi khác, ông được nhìn nhận như một "kẻ chuyên quyền Đông phương". Dmitri Volkogonov đánh giá Stalin là "một trong những nhân vật quyền lực nhất trong lịch sử loài người." McDermott khẳng định rằng Stalin đã "thâu tóm quyền lực chính trị vô tiền khoáng hậu vào tay mình." Service thì cho rằng Stalin "đã gần đạt được chế độ chuyên quyền cá nhân hơn bất cứ một quân vương nào" vào cuối thập kỷ 1930.
Tuy nhiên, McDermott khuyên rằng ta không nên bám vào cái "khuôn mẫu đơn giản hóa quá mức" – được truyền bá qua các tác phẩm hư cấu của Aleksandr Solzhenitsyn, Vasily Grossman và Anatoly Rybakov – để mà tả Stalin như một bạo chúa toàn năng và toàn hiện, kiểm soát mọi mặt đời sống Xô-viết thông qua truy bức và chủ nghĩa toàn trị. Service cũng không mấy ủng hộ bức tranh về Stalin như một "kẻ chuyên quyền không thể bị ngăn cản", bình chú rằng "tuy đúng là ông rất quyền lực, thẩm quyền của ông vẫn có hạn", và sự trị vì của Stalin cũng phải bảo toàn cấu trúc Xô-viết mà ông kế thừa. Kotkin quan sát rằng, khả năng Stalin bám trụ quyền lực dựa rất nhiều vào đa số ủy viên chống lưng trong Bộ Chính trị. Khlevniuk cũng nhận thấy, tại nhiều thời điểm, nhất là khi Stalin đã già yếu, xuất hiện "những cuộc biểu tình định kỳ" ở chóp bu đảng, điều mà thường đe dọa đến quyền lực độc tôn của Stalin. Với giới báo chí ngoại quốc, Stalin luôn chối bỏ các cáo buộc mình là một độc tài, khẳng định những kẻ phát ngôn như vậy không có kiến thức về cơ cấu chính phủ Liên Xô.
Một kho tàng văn học đồ sộ đã ra đời để vinh danh Stalin. Sinh thời, các tiểu sử được duyệt về Stalin thường có nội dung mang tính thần thánh hóa. Stalin đảm bảo tất cả những tác phẩm này nhắc ít nhất có thể về thuở thiếu thời của ông, cụ thể vì ông không muốn hé lộ mình là người Gruzia trong một đất nước chủ yếu là người Nga. Kể từ khi Stalin qua đời, nhiều tác phẩm tiểu sử mới đã được xuất bản, song phải tới tận những năm 1980 thì sử liệu đầu tay mới trở nên phong phú hơn. Dưới thời Mikhail Gorbachev, các hồ sơ lưu trữ về Stalin được giải mật và khai mở cho các nhà sử học; Stalin khi đó trở thành "một trong những vấn đề cấp bách và quan trọng nhất đối với nghị sự công cộng" ở Liên Xô. Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, phần còn lại của các kho lưu trữ trở nên có sẵn cho các sử gia, phô ra ánh sáng những thông tin mới về Stalin, và kích thích việc xuất bản vô số các bài nghiên cứu học thuật.
Những người Leninist tới nay vẫn còn rất chia rẽ về di sản của Stalin; một số coi Stalin như là người kế tục xứng đáng của Lenin, số khác lại cho rằng ông đã phản bội lý tưởng của Lenin. Bản chất kinh tế-xã hội của Liên Xô dưới thời Stalin cũng là một chủ đề bị tranh cãi gay gắt, với nhiều luồng diễn giải cho rằng nó là chủ nghĩa xã hội nhà nước, hay chủ nghĩa tư bản nhà nước, hay chủ nghĩa công hữu quan liêu, hay thậm chí là một phương thức sản xuất mới hoàn toàn. Các cây bút xã hội chủ nghĩa như Volkogonov thú nhận rằng, các hành động của Stalin đã gây tổn hại đến "sức quyến rũ lớn lao của chủ nghĩa xã hội được sinh ra bởi Cách mạng Tháng Mười".
Tại Liên Xô và các quốc gia hậu Xô-viết
Ít lâu sau khi Stalin qua đời, Liên Xô trải qua thời kỳ phi Stalin hóa. Malenkov tố cáo sự sùng bái cá nhân đối với Stalin, điều mà về sau cũng bị báo Sự thật chỉ trích. Vào năm 1956, Khrushchev đọc bài "diễn văn bí mật" với nhan đề "Về tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó" tại phiên họp kín của Đại hội Đảng lần thứ 20. Tại đây, Khrushchev lên án sự truy bức chính trị và sùng bái cá nhân dưới thời Stalin. Ông nhắc lại những lời này tại Đại hội Đảng lần thứ 22 vào tháng 10 năm 1962. Vào tháng 10 năm 1961, thi hài Stalin bị đưa ra khỏi Lăng Lenin và chôn cất tại Nghĩa trang tường Điện Kremli, nơi hiện có một bức tượng bán thân của ông. Stalingrad bị đổi tên thành Volgograd.
Quá trình phi Stalin hóa dưới thời Khruschev chấm dứt sau khi Leonid Brezhnev lên nắm quyền vào năm 1964; nhà lãnh đạo mới đã phần nào tái thiết hình tượng Stalin ở Liên Xô. Vào năm 1969 và một lần nữa vào năm 1979, các kế hoạch đã được vạch ra nhằm khôi phục danh tiếng cho di sản của Stalin, song chúng đều bị trì hoãn vì lo sợ làm tổn hại hình ảnh công chúng của Liên Xô. Gorbachev cảm thấy việc tố cáo Stalin là cần thiết đẻ chữa lành xã hội Liên Xô. Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga, Boris Yeltsin, tiếp tục bôi đen Stalin như thời kỳ Gorbachev nhưng thêm vào đó là cả Lenin. Tổng thống kế vị Vladimir Putin không bào chữa cho Stalin, mà chú trọng vào việc tôn vinh công lao của Stalin. Vào tháng 10 năm 2017, Putin cho khánh thành đài tưởng niệm Bức tường Sầu bi ở Moskva, và phát biểu rằng "quá khứ tồi tệ" sẽ không thể "được hợp lý hóa bởi bất cứ thứ gì" hay không thể "bị tẩy trắng khỏi ký ức dân tộc." Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2017, Putin bày tỏ rằng "chúng ta không nên quên đi sự khủng khiếp của chủ nghĩa Stalin", song lại cho rằng sự bôi nhọ thái quá đối với Stalin "là một công cụ để tấn công Liên Xô và Nga". Trong những năm gần đây, chính phủ và dư luận Nga đã bị cáo buộc là có ý đồ khôi phục hình tượng Stalin.
Giữa triền miên những biến cố xã hội và kinh tế thời kỳ hậu Xô-viết, phần đông dân Nga coi Stalin như một biểu tượng của trật tự kỷ cương, của sự nhìn xa trông rộng và niềm tự hào kiêu hãnh. Ông là nhân vật vẫn được tôn sùng bởi những người dân tộc chủ nghĩa Nga, những người hoài niệm về sự chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã trong Thế chiến II. Hơn thế, cả hai phe chính trị cực tả và cực hữu ở Nga đều lấy ông làm hình mẫu cho ý thức hệ của mình.
Thăm dò ý kiến công chúng của Trung tâm Levada cho thấy danh tiếng của Stalin đã lớn mạnh kể từ năm 2015, với 46% người dân Nga bày tỏ thái độ tích cực đối với Stalin vào năm 2017, và 51% vào năm 2019. Trong một cuộc thăm dò dư luận vào năm 2021, tận 70% người dân Nga thể hiện thái độ tích cực đối với Stalin. Cùng năm, một khảo sát của Trung tâm cho thấy Stalin được 39% dân chúng Nga chấp thuận như một "hình tượng quốc gia dân tộc kiệt xuất nhất của mọi thời đại" và, tuy rằng không nhân vật lịch sử nào chiếm đa số, Stalin rõ ràng vẫn đứng đầu, theo sau bởi Vladimir Lenin với 30% và thi sĩ Alexander Pushkin với 23%. Văn học Nga thời kỳ này cũng chứng kiến sự đi lên của các tác phẩm ca ngợi Stalin, thường dựa trên sự không trung thực trong việc dẫn nguồn đầu tay. Trong đó, các cuộc truy bức của Stalin thường được xem như biện pháp cần thiết nhằm tiêu diệt "Kẻ thù của nhân dân", hoặc thậm chí đổ thừa trách nhiệm cho các quan chức địa phương.
Khu vực hậu Xô-viết cuối cùng ngoài Nga còn ngưỡng mộ Stalin rộng rãi đó là Gruzia, tuy thái độ chung của dân nước này vẫn khá lẫn lộn. Một bộ phận người Gruzia rất không bằng lòng với các chỉ trích về Stalin, nhân vật lịch sử nổi tiếng nhất trong lịch sử hiện đại của đất nước họ. Một khảo sát năm 2013 của Đại học Nhà nước Tbilisi cho thấy, 45% người dân Gruzia có "một thái độ tích cực" đối với Stalin. Một khảo sát năm 2017 của Trung tâm Nghiên cứu Pew khẳng định, 57% người dân Gruzia cảm thấy Stalin đã có những đóng góp tích cực cho quốc gia của mình, so với 18% những người cảm thấy thế đối với Gorbachev.
Ngoài hai nơi đó ra cũng có một số người bày tỏ thiện cảm đối với Stalin. Một khảo sát năm 2012 của Quỹ Carnegie tìm thấy 38% người dân Armenia đồng tình với ý kiến cho rằng, họ "luôn cần một nhà lãnh đạo như Stalin." Đầu năm 2010, một tượng đài Stalin mới đã được dựng lên ở Zaporizhzhia, Ukraina. Vào tháng 12 năm 2010, một nhóm người không xác định đã chém đầu nó và vào năm 2011 thì bức tượng bị trúng đạn pháo. Trong một cuộc thăm dò dư luận của Viện Xã hội học Quốc tế Kyiv vào năm 2016, 38% người tham gia bày tỏ thái độ tiêu cực đối với Stalin, 26% có ý kiến trung lập và 17% có thái độ tích cực, 19% còn lại từ chối trả lời. |
Yến Vy (sinh năm 1979) là một nữ diễn viên và ca sĩ Việt Nam, nổi tiếng vì scandal vào năm 2005 khi một đoạn phim quay cảnh quan hệ tình dục của cô bị phát tán rộng rãi. Ngay sau đó, cuối năm 2005, Yến Vy lại bị phát hiện tham gia đường dây mại dâm cao cấp với mức giá bán dâm lên tới 700 - 1.000 USD/đêm, một số tiền rất lớn ở thời điểm đó.
Tiểu sử
Yến Vy tên thật là Đinh Thoại Yến Vy. Năm 1997 cô đoạt danh hiệu Á hậu tại cuộc thi Triển vọng điện ảnh của Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Cô có tham gia một số bộ phim. Yến Vy cũng tham gia vào lĩnh vực ca hát, nhưng cô được nhắc tới với một scandal nhỏ cùng nhạc sĩ Trần Minh Phi. Trả lời trên báo chí, Yến Vy tỏ ra là một người khá nghiêm túc: sợ đóng những cảnh hôn.
Đầu năm 2005, một đoạn phim khoảng 30 phút quay cảnh quan hệ tình dục của Yến Vy và bạn trai là Phan Thanh Tòng bị phát tán trên Internet. Đây là lần đầu tiên một phim sex của nghệ sĩ bị phát tán rộng rãi ở Việt Nam. Từ một diễn viên ít có danh tiếng, Yến Vy xuất hiện trên khắp các mặt báo và các phương tiện truyền thông đại chúng.
Sự kiện Yến Vy gây ra những dư luận trái ngược. Nhiều người cho rằng Yến Vy là một kẻ phóng đãng, sống buông thả, theo một số khác bênh vực thì cô chỉ là nạn nhân. Trả lời phỏng vấn, Yến Vy cho rằng cô bị quay trộm và cùng luật sư của mình, Yến Vy đâm đơn kiện Phan Thanh Tòng .
Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó Yến Vy bị phát hiện có tham gia một đường dây gái gọi cao cấp do Trần Thị Phố cầm đầu. Theo lời khai của Yến Vy, cô đã bán dâm nhiều lần với giá từ 700 đến 1.000 đô la, thậm chí sau khi bộ phim bị phát tán, cô vẫn đi khách. Yến Vy bị đưa về Trung tâm Dạy nghề Phụ nữ quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung theo diện phục hồi nhân phẩm. Một thời gian sau cô được trả về địa phương .
Cha của Yến Vy vốn là một nhà giáo hiền lành, vì quá đau buồn trước những tai tiếng của con gái nên chỉ biết dùng rượu giải sầu và qua đời khi vừa bước qua tuổi 50. Sau cái chết của người cha mà chính cô là nguyên nhân gián tiếp gây ra, gia đình Yến Vy chuyển nhà đi nơi khác, cô rời bỏ giới văn nghệ, theo mẹ học nghề may.
Năm 2009, Yến Vy lập gia đình. Chồng của cô, Nguyễn John Ngọc, là một Việt kiều và là một hàng xóm cũ của gia đình. Sau đó, cô cùng chồng sang Mỹ định cư, mở một tiệm nail ở Mỹ.
Các phim tham gia
Chú thích |
Chi Cỏ tai tượng hay gọi ngắn gọn là chi Tai tượng (Acalypha) (từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là "tầm ma", nhưng trong tiếng Việt thì tầm ma lại là từ để chỉ chi Urtica) là một chi thực vật thuộc họ Đại kích (Euphorbiaceae) và là chi duy nhất trong phân tông Acalyphinae. Với khoảng 450-500 loài từ cây thân thảo tới cây bụi, chi này chỉ đứng sau các chi Euphorbia, Croton và Phyllanthus trong sự đa dạng. Cây tai tượng đuôi chồn (Acalypha hispida), được trồng như là một loại cây cảnh trong nhà do hoa sặc sỡ và đẹp, có lẽ là loài được biết đến nhiều nhất. Các loài khác được trồng để lấy lá. Một số loài được dùng làm thuốc trong Đông y.
Phân bổ
Các loài trong chi này chủ yếu sinh trưởng ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới (nhưng không thấy có ở Hawaii và một vài đảo khác trên Thái Bình Dương), và chỉ có một ít loài sinh sống ở vùng ôn đới. Tại châu Mỹ có khoảng 2/3 các loài đã biết, phân bổ từ miền nam Hoa Kỳ tới Uruguay và miền bắc Argentina.
Phân loại học
Các tên gọi các chi sau có thể coi là từ đồng nghĩa với Acalypha:
Acalyphes Hassk.
Acalyphopsis Pax & K.Hoffm.
Calyptrospatha Klotzsch cũ Baill.
Caturus L.
Corythea S.Watson
Cupameni Adans.
Galurus Spreng.
Gymnalypha Griseb.
Linostachys Klotzsch cũ Schltdl.
Mercuriastrum Fabr.
Odonteilema Turcz.
Paracelsea Zoll.
Ricinocarpus Kuntze
Schizogyne Ehrenb. cũ Pax
Usteria Dennst
Các loài
Một số loài được liệt kê dưới đây.
Acalypha australis - Tai tượng Úc, trong đông y gọi là thiết hiện thái (铁苋菜)
Acalypha californica
Acalypha godseffiana
Acalypha gracilens
Acalypha hispida - Tai tượng đuôi chồn
Acalypha indica - Tại tượng xanh hay tai tượng Ấn.
Acalypha klavea
Acalypha monococca
Acalypha pendula
Acalypha phleoides
Acalypha radians
Acalypha repens
Acalypha siamensis
Acalypha virginica
Acalypha wilkesiana - Tai tượng đỏ
v.v |
Hồ Thượng (Hồ Superior, còn được gọi là Gichigami trong tiếng Ojibwa), kề cận với tỉnh Ontario (Canada) và tiểu bang Mỹ Minnesota về phía bắc và với hai tiểu bang Wisconsin và Michigan về phía nam, là hồ lớn và sâu nhất của Ngũ Đại Hồ ở Bắc Mỹ và lớn thứ ba thế giới (sau biển Caspi và hồ Baikal).
Nhưng nó được gọi là Gichigami ("nước lớn") trong tiếng Ojibwa, nhưng hồ này nổi tiếng hơn dưới tên "Gitche Gumee" do Thơ ca Hiawatha của Henry Wadsworth Longfellow. Các nhà thám hiểm Pháp đặt tên lac Supérieur (hồ Thượng) cho hồ này vì nó là hồ cực bắc của Ngũ Đại Hồ.
Địa lý
Hồ Thượng là hồ nước ngọt lớn nhất trên thế giới theo diện tích mặt nước, hồ Baikal ở Siberia lớn hơn theo thể tích. (Hồ Tanganyika ở miền trung Phi Châu có thể tích ước lượng là 18.900 km³, còn biển Caspi, trong khi nó lớn hơn, chứa đựng nước biển.)
Hồ Thượng có diện tích mặt nước là 82.100 km² (hay 31.700 dặm vuông) – lớn hơn tiểu bang Nam Carolina. Chiều dài của nó tới 563 km (350 dặm) và chiều ngang cực đại là 257 km (160 dặm). Độ sâu trung bình của nó là 147 m (483 foot) và độ sâu cực đại là 406 m (1.332 foot). Hồ Superior chứa đựng 12.232 km³ nước (2.935 dặm khối nước). Bờ biển của hồ này kéo dài là 4.385 km (2.726 dặm), khi tính vào bờ biển của các đảo nằm trên hồ. Độ cao của hồ này là 183 m (602 foot) trên mặt biển.
Chú thích
Ngũ Đại Hồ
Hồ Canada
Hồ của Ontario
Hồ Minnesota
Hồ ở Wisconsin
Hồ ở Michigan
Đường thủy Ngũ Đại Hồ
Thượng Bán đảo Michigan |
Subsets and Splits
No community queries yet
The top public SQL queries from the community will appear here once available.