text
stringlengths
0
512k
Teleport là một trình duyệt ngoại tuyến của hãng Tennyson Maxwell Information Systems. Teleport Pro Với giao diện đơn giản và thân thiện, chỉ cần thông qua vài cái click chuột đơn giản là bạn đã có thể download cả một website về ổ cứng của mình. Để bắt đầu download một website hay một địa chỉ nào đó về máy của bạn. bạn hãy chạy chương trình và chọn menu File / New Project Wizard, trong cửa sổ xuất hiện, bạn có thể chọn những mục sau: - Create a browsable copy of a website on my hard drive: tạo một bản sao website trên đĩa. - Duplicate a website, including directory structure: tạo một bản sao website trên đĩa, kể cả cấu trúc thư mục của website đó. Điều này rất tiện lợi khi bạn muốn xem cả cấu trúc thư mục, cách tổ chức trang web của địa chỉ mà bạn muốn download. - Search a website for files of a certain type: tìm kiếm 1 file nào đó trên trang web. - Explore everysite linked from a central site: mở tất cả các liên kết từ địa chỉ hiện tại. - Retrieve one or more files at known addresses: download 1 hay nhiều file từ những địa chỉ đã có. - Search a website for keywords: tìm kiếm một từ ngữ nào đó trên web. Nếu muốn download cả website, bạn hãy chọn mục 1 hay mục 2, sau đó thông qua những thông báo yêu cầu đơn giản như nhập vào địa chỉ website bạn cần download, lưu lại file project bạn đang làm... là bạn đã hoàn tất mọi thủ tục khai báo với chương trình. Giờ đây nếu bạn muốn download, bạn hãy click vào nút Start trên thanh Toolbar ở cửa sổ chính, và ngay lập tức chương trình sẽ kết nối với địa chỉ website bạn đã nhập vào và bắt đầu download chúng. Chương trình còn có một tính năng khá độc đáo là Auto Resume, tức là tự động kết nối và download lại những gì đang download dở. Điều này thật hữu ích cho bạn khi đang download mà vì một lý do nào đó không download được nữa, ví dụ như bị đứt đường truyền, hay là bạn bận công việc đột xuất phải ngưng công việc nửa chừng. Chỉ cần nhấn nút Stop, chương trình sẽ tự động ghi nhận những file mà bạn đã download, và lần sau khi bạn chạy lại chương trình, bạn chỉ cần click vào nút Start và chương trình sẽ tiếp tục download phần còn dang dở mà không phải mất thời gian để download lại từ đầu. Ngoài ra chương trình còn đưa ra khá nhiều tùy chọn nhằm giúp bạn tiện hơn trong việc download website như bạn có thể quy định chỉ download những file nào, hay không download những file có kích thước quá lớn hay quá nhỏ chẳng hạn, lên lịch để download, điều chỉnh kích thước ổ đĩa lưu website đang download...
Đèo Cả là một trong những ngọn đèo lớn và hiểm trở tại miền Trung Việt Nam . Đèo cao 333 m, dài 12 km, cắt ngang qua dãy núi Đại Lãnh ở chỗ giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên (thị xã Đông Hòa) và Khánh Hòa (huyện Vạn Ninh) trên Quốc lộ 1 . Đỉnh đèo nằm ở thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa. Đèo còn có tên gọi khác là Đèo Cục Kịch, là tên dân gian trước đây khi đèo mới mở chỉ trải lớp đá, đi lại gập ghềnh và có đến 98 vòng cua rộng hẹp gấp khúc . Trong văn bản tiếng Pháp ghi tên đèo là "Col Babonneau" . Hiện nay đã có hầm đường bộ Đèo Cả thay thế cho đèo hiện hữu, toàn bộ đường dẫn và hai hầm chính dài 13,5 km. Lịch sử Đây là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành từ năm 1471 đến 1653. Trong cuộc nam tiến của Đại Việt, địa thế hiểm trở của khu vực đã khiến vua Lê Thánh Tông dừng chân tại đây năm 1471. Sau đó, vua Lê Thánh Tông đã tạo một tiểu vương quốc tại Phú Yên làm vùng đệm tên là Hoa Anh. Vì là vị trí ranh giới, nhiều cuộc xung đột giữa Đại Việt và Chiêm Thành đã xảy ra tại đây Vào những năm 1771-1802, nhiều cuộc giao chiến giữa chúa Nguyễn Ánh và anh em nhà Tây Sơn cũng đã xảy ra tại đây. Trong tháng 1 năm 1947, đèo Cả trở thành chiến trường giữa quân Pháp và Việt Minh. Tên "Đèo Cả" có khi Pháp đang xây Quốc lộ 1. Trước đó đường Thiên Lý nằm phía tây của đường Đèo Cả. Nơi đây, trên đèo Cả thời Pháp thuộc có một trạm Phú Hoà do Nam triều xây dựng như một trạm dịch để lưu chuyển văn thư, vận tải lương thực, cáng, võng các quan chức hành chánh địa phương mỗi khi có công vụ. Sau này Pháp cho xây một bót tên Poste Petitte (Bót Bê Tí) để kiểm soát về mặt quân sự. Năm 1997 ranh giới giữa hai tỉnh Phú Yên-Khánh Hoà được phân chia từ chân Đá Đen kéo dài theo đường phân thủy đến đỉnh Hòn Nưa. Và Vũng Rô thuộc địa phận Phú Yên. Sinh thái Thời tiết ở đây nhiều mưa và nhiều mây, tạo ra nhiều thực vật đặc biệt. Trước kia, khu này là một nơi sản xuất trầm hương và kỳ nam nổi tiếng. Nay vẫn còn nhiều cây quý mọc tại đây như cẩm, thị, sao, chò, dầu, kiền kiền, và đát. Cây đát được dùng trong món chè trái cây nổi tiếng ở Nha Trang. Hình ảnh
Tân Thành có thể là một trong số các địa danh sau: Việt Nam Phường Tân Thành, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh Phường Tân Thành, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng Phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk Phường Tân Thành, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau Phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình Phường Tân Thành, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên Thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương Xã Tân Thành, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước Xã Tân Thành, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau Xã Tân Thành, thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang Xã Tân Thành, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước Xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận Xã Tân Thành, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông Xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp Xã Tân Thành, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang Xã Tân Thành, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình Xã Tân Thành, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang Xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn Xã Tân Thành, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn Xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn Xã Tân Thành, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng Xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An Xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An Xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An Xã Tân Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định Xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An Xã Tân Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình Xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị Xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh Xã Tân Thành, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên Xã Tân Thành, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa Xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang Xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang Xã Tân Thành, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long Phủ Tân Thành, tên một phủ thời phong kiến Việt Nam, nay thuộc vùng Sa Đéc (các huyện Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành và thành phố Sa Đéc), tỉnh Đồng Tháp Huyện cũ Tân Thành thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nay là thị xã Phú Mỹ Xã cũ Tân Thành thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình; nay là một phần xã Cao Dương cùng huyện. Địa danh cũ Tân Thành tại Chợ Lớn trước đây; nay thuộc địa bàn Quận 5 và Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh. Trung Quốc Khu/quận Tân Thành thuộc thành phố Hohhot, khu tự trị Nội Mông Khu/quận Tân Thành thuộc thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây Khu/quận Tân Thành thuộc thành phố Tân Châu, tỉnh Sơn Đông.
Chùa Đại Tòng Lâm, tên đầy đủ là Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm Tự; là một ngôi đại tự có nhiều công trình quy mô và hiện đại, chùa nằm trên Quốc lộ 51, thuộc Khu phố Quảng Phú, phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thuộc Việt Nam. Lịch sử Ngôi chùa do Hòa thượng Thích Thiện Hòa (1907-1978), từ chùa Ấn Quang (Thành phố Hồ Chí Minh) đến khai sơn vào năm 1958 với mục đích xây dựng nơi đây thành một đại tòng lâm có quy mô lớn, tiến đến mở Phật học viện, quy tụ tăng ni khắp nơi về tu học, đào tạo lực lượng kế thừa thực hiện sự nghiệp hoằng pháp độ sinh . Đại Tòng Lâm được tọa lạc trên quốc lộ 51- km 80 - 81 Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu .Sau khi ngài mất (1978), ý nguyện này vẫn được các vị trụ trì kế tục thực hiện. Các công trình nổi bật Khuôn viên chùa tọa lạc là một khu đất rộng lớn gần 100 ha, và ở đây có các công trình đáng chú ý sau: Ngôi chính điện Vạn Phật Quang âm Đại Tòng Lâm Tự có 2 tầng, dài 91m, rộng 46m, được Hòa thượng Thích Quảng Hiển tổ chức xây dựng vào năm 2002, theo thiết kế của kiến trúc sư Lê Quang Mẫn. Điện Phật tầng lầu tôn thờ 9 pho tượng lớn bằng đá hoa cương gồm: bộ tượng Di Đà Tam Tôn (gồm Phật A-di-đà, Bồ tát Quán Thế Âm, và Bồ tát Đại Thế Chí), bộ tượng Thích Ca Tam Tôn (gồm Phật Thích-ca Mâu-ni và hai vị Bồ tát là Văn-thù-sư-lợi và Phổ Hiền), hai tượng Hộ pháp và tượng Tổ sư Đạt Ma. Các mặt vách chung quanh điện Phật tôn trí 10.000 tượng Phật nhỏ (mỗi tượng ngang gối 0,25m, cao 0,30m) theo kinh Vạn Phật. Tầng trệt điện Phật thờ đức Phật A-di-đà. Đài Phật Di-lặc ở phía trước ngôi chính điện. Pho tượng Phật Di-lặc được tạc từ nguyên khối đá hoa cương lấy từ vùng núi Cam Ranh (Khánh Hòa). Tượng nặng 40 tấn, cao 5,1m. Vườn tượng Cửu phẩm Cực Lạc ở cạnh đài Di-lặc, gồm 48 pho tượng đức Phật A-di-đà bằng đá hoa cương, trong đó có một pho tượng cao 18m bằng bê tông. Nơi đây còn có các công trình đáng chú ý khác như: Tháp Đa Bảo, Vườn Lâm Tì Ni và vườn Lộc Uyển, Pho tượng đức Phật Thích-ca Mâu-ni nhập Niết bàn nằm trên tòa sen, Tượng Bồ tát Quán Thế Âm lộ thiên đứng trên đầu rồng, cao 17m... Ngoài ra, trong khuôn viên chùa hiện nay có đặt Trường Phật học Đại Tòng Lâm được hoàn thành vào năm 1995, dung chứa được ngàn người. Đại giới đàn Thiện Hòa thường được Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức với quy mô lớn, nghiêm trang, trọng thể tại đây ba năm một lần. Hiện nay, Ban Quản trị chùa đang tiến hành xây dựng Bệnh viện đa khoa Phật giáo Đại Tòng Lâm đầu tiên của Phật giáo Việt Nam với quy mô 500 giường bệnh trên diện tích tổng thể 14ha. Các kỷ lục Hiện nay, Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm Tự đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập 6 kỷ lục, là: 1. Chùa có "ngôi chính điện lớn nhất Việt Nam" vào ngày 02 tháng 1 năm 2006. 2. Chùa có "tượng Phật nhiều nhất Việt Nam" vào ngày 31 tháng 5 năm 2007. 3. Chùa có "pho tượng Phật Di-lặc nguyên khối bằng đá hoa cương lớn nhất Việt Nam" vào ngày 21 tháng 3 năm 2009. 4. Chùa có "vườn tượng Cửu phẩm Cực Lạc tôn trí tượng Phật A-di-đà bằng đá hoa cương nhiều nhất Việt Nam" vào năm 2009. 5. Chùa có "số tăng ni tham dự khóa An cư kiết hạ nhiều nhất Việt Nam" Vào ngày 30 tháng 11 năm 2007. 6. Chùa có "bộ tượng Tam Thánh bằng đá hoa cương lớn nhất Việt Nam" vào ngày 20 tháng 12 năm 2010. Chú thích Chùa tại Bà Rịa – Vũng Tàu
Thác Đa M'bri hay thác Đambri là một thác nước trên dòng Đa M'bri tại vùng đất xã Đamb'ri, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam. Mô tả Nguồn nước của dòng thác từ trên cao hơn 60 m đổ xuống, tạo nên một khung cảnh rất hùng vĩ. Thác nằm cách thành phố Bảo Lộc khoảng 17 km, nằm giữa khung cảnh rừng nguyên sinh hoang sơ, hùng vĩ với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm. Ngày nay, khu du lịch sinh thái Đambri là một địa điểm du lịch hấp dẫn cho du khách thập phương. Theo truyền thuyết, ngày xưa có một đôi trai gái người Cơ Ho yêu nhau và thường hẹn hò bên thác nước. Vào một ngày nọ, chàng trai bỗng mất tích không một dấu vết để lại. Cô gái khóc mãi, chờ mãi, nhưng không thấy người yêu quay lại. Lâu ngày, nước mắt của cô gái đọng lại và chảy thành dòng thác lớn. Người K’ho đặt tên thác là Đambri - nghĩa là "Đợi chờ". Chú thích
Thác Prenn là một thác nước ở thành phố Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam . Thác Prenn nằm cạnh quốc lộ 20, ở cửa ngõ vào TP.Đà Lạt là một trong những KDL sinh thái về rừng, suối. Thác ở chân đèo Prenn cách trung tâm Đà Lạt khoảng 10 km. Thác nằm trong khu rừng nguyên sinh còn sót lại. Dòng nước từ trên ghềnh đá với độ cao hơn 20m cao đổ xuống trắng xóa như một dải lụa bạch trông tựa mái tóc của nàng Bạch Mao Tiên cô. Có thể vì thế mà một số du khách gọi là thác Tiên Sa. Giữa rừng thông trầm mặc, dáng núi hình rồng, lịch sử huyền thoại ở đất này như hòa làm một, cách mô phỏng khéo léo về mặt kiến trúc tạo sự linh thiêng từ địa thế,địa linh. Tâm hồn chiêm bái như hướng về đất tổ hướng về lịch sử xa xưa của dân tộc Việt Nam. Nguồn gốc tên gọi Theo truyền thuyết mà các già làng kể lại thì thác có tên gọi trên là xuất phát từ tiếng K’Ho đầu tiên có tên gọi Prềnh – có nghĩa là Cà đắng, sau người dân đọc lại thành Prenn. Bằng chứng là ngày nay, ở khu vực thượng nguồn của thác, dọc hai bên bờ suối vẫn còn rất nhiều cây Cà đắng mọc hoang. Loại cà này có trái nhỏ và tròn như cà pháo nhưng vỏ xanh và có điểm nhiều chấm trắng, khi chín có màu vàng. Ngày xưa người dân tộc đem chế biến và ăn có vị đắng rất ngon. Còn theo các nhà dân tộc học thì tên của thác nước này, lại xuất phát từ tiếng Chăm. Prenn có nghĩa là “vùng lấn chiếm”. Tên gọi này xuất phát từ cuộc chiến tranh khá dai dẳng của các bộ tộc người thiểu số sống trên vùng đất này để chống lại những lần “Tây tiến” của người Chăm ở Panduranga (Ninh Thuận) vào thế kỷ 17, và người dân địa phương lấy tên này đặt tên cho thác nước hùng vĩ quanh năm nước chảy tạo sương trắng bảng lảng cả một vùng và từ đó thác có tên gọi Prenn. Miêu tả Để vào thác, du khách phải qua một chiếc cầu ngắn bắc ngang dòng suối đã được kè chắn bằng bêtông nhằm tránh bị xói lở. Con đường xuống thác thật đẹp với những bậc đá ôm theo sườn đồi được bố trí một cách hợp lý; Du khách sẽ nhìn thấy một bức màn nước buông mình từ độ cao gần 10m xuống thung lũng nhỏ đã được chỉnh sửa thành vườn hoa mà từ đây có nhiều lối đẹp đưa chân lên các đồi thông thoáng đãng chung quanh. Du khách có thể men theo các con đường dẫn đến vườn thú, vườn lan hay thư thả dạo gót hoa viên ngắm nhìn những bông hoa khoe sắc, những căn chòi xinh xinh trên ngọn cây hoặc đung đưa cùng cầu treo bắc ngang dòng suối nhỏ. Ở một góc độ khác, vườn đá Thái Dương với sự sắp xếp đầy ngẫu hứng tạo được một bất ngờ thú vị. Đặc biệt với hệ thống cáp treo, du khách có thể ngang qua dòng thác trong cảm giác phiêu bồng, tưởng như đang đi vào cõi thần tiên... Trải nghiệm các dịch vụ tại khu du lịch thác Prenn: Cưỡi Voi lội suối; cưỡi đà điểu, lạc đà, cưỡi ngựa, cưỡi trâu Tham gia các trò chơi dân gian: Bắn cung, bắn nỏ, bắn súng; dịch vụ hóa trang dân tộc, bơi thuyền lội suối... Thác Prenn đã được bộ VH-TT công nhận và cấp bằng di tích lịch sử văn hoá quốc gia (năm 2000). Đặc biệt trong năm 2002, đơn vị quản lý đã đầu tư xây dựng đền thờ Âu Lạc trên đỉnh núi cao nhìn xuống thác.(dựa theo truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ) ở phía trên đồi cao để khách tham quan, dâng hương. Hiện nay, thác Prenn do Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Đà Lạt quản lý khai thác.
Thác Cam Ly là thác trên sông Cam Ly ở phường 5, thành phố Đà Lạt. Thác cách khu Hòa Bình 2,3 km về phía đông - nam. Vị trí địa lý Cam Ly ở gần trung tâm thành phố Đà Lạt, nằm trên thượng nguồn sông Cam Ly, cách khu Hòa Bình 2,3 km về phía đông - nam. Vị trí cách trung tâm thành phố Đà Lạt 2 km về phía Tây Miêu tả Thác mùa mưa nước chảy cuồn cuộn, từng khối nước khổng lồ đổ xuống dữ dội, nhờ vị trí gần trung tâm thành phố nên du khách thường ghé thăm. Dưới chân thác là một vườn hoa nhỏ. Phong cảnh chung quanh thác không còn hoang vu như ngày xưa mà đã trở nên đẹp hơn, đó là 1 sự hòa hợp của thiên nhiên. Trong khu vực thác có lăng Nguyễn Hữu Hào với nhiều kiến trúc độc đáo. Tên gọi Có hai giả thuyết về tên gọi của thác Cam Ly: Người Lạch gọi thác Cam Ly là Liêng Tô Sra, về sau đổi thành thác Cam Ly mang tên đoạn suối Cẩm Lệ chảy từ Liêng Tô Sra đến sông Đạ Đờng. Vị tù trưởng người Cơ Ho có tên K’ Mly nên dân trong vùng lấy tên ông đặt cho dòng suối của họ để ghi nhớ công lao của chủ làng. Và lâu ngày người ta đọc trại thành Cam Ly. Cam Ly xuất phát từ gốc Hán- Việt (cam là ngọt và ly là thấm vào). Có nghĩa rằng Cam Ly là biểu tượng của một dòng suối có nước ngọt. Ô nhiễm nghiêm trọng Thác Cam Ly do Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Đà Lạt quản lý khai thác nhưng đang trong tình trạng xuống cấp do không được tu bổ, sửa chữa thường xuyên. Lăng Nguyễn Hữu Hào bị đập phá, cảnh quan đang bị phá hủy . Đến đầu năm 2011, thác Cam Ly bị ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi hôi thối, nước cạn, là nơi chứa nước thải của thành phố Đà Lạt mà không được xử lý. Dù vậy đến nay vẫn chưa có biện pháp khắc phục .
Diệu Thanh là một danh từ chỉ tên riêng trong tiếng Việt, có thể là: Thác Diệu Thanh, một thác nước thuộc tỉnh Đắk Nông. Diệu Thanh, là chị của Bà Chúa Ba Diệu Thiện (trong Phật giáo).
Đray Sáp hay Dray Sáp có thể là: Thác Đray Sáp, một thác nước trên sông Sêrêpôk tại xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông Xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk
Mang Ấn Độ hay mang đỏ (danh pháp khoa học: Muntiacus muntjak) là loài mang phổ biến nhất. Nó có lông mềm, ngắn ánh nâu hay xám, đôi khi với các đốm màu kem. Là một loài ăn tạp, nó ăn hoa quả, chồi cây, hạt, trứng chim cũng như cả các động vật nhỏ và thậm chí cả xác chết. Tiếng kêu của chúng giống như tiếng sủa, thông thường khi chúng cảm nhận được kẻ thù (vì thế mà người ta còn gọi các loài mang là hươu sủa). Mang Ấn Độ đực có các gạc ngắn có thể đạt tới chiều dài 15 cm và chỉ có một nhánh. Các gạc này phát triển hàng năm từ cuống xương trên đầu. Mang đực là con vật chiếm giữ lãnh thổ và có thể rất hung dữ vì kích thước của chúng. Chúng sẽ đánh lộn với nhau để chiếm giữ lãnh thổ bằng cách dùng gạc của chúng hay nguy hiểm hơn là bằng các răng nanh hàm trên giống như ngà voi, và có thể bảo vệ chúng chống lại kẻ thù, chẳng hạn như chó. Phân loài Có 15 phân loài: M. m. annamensis, Đông Dương M. m. aureus, bán đảo Ấn Độ M. m. bancanus, các đảo Billiton và Banka M. m. curvostylis, Thái Lan M. m. grandicornis, mang Burma, Myanmar M. m. malabaricus, miền nam Ấn Độ và Sri Lanka M. m. montanus, mang núi, Sumatra M. m. muntjak, mang Java, Java và miền nam Sumatra M. m. nainggolani, các đảo Bali và Lombok M. m. nigripes, mang chân đen, Việt Nam và đảo Hải Nam M. m. peninsulae, Malaysia M. m. pleicharicus, miền nam Borneo M. m. robinsoni, đảo Bintan và quần đảo Linga M. m. rubidus, miền bắc Borneo M. m. vaginalis, Myanmar tới tây nam Trung Quốc Chú thích
Thác Ba Tầng là tên gọi chung cho một hệ thống thác nước liên tiếp nhau trên sông Đắk Nông ở vùng đất xã Quảng Thành thành phố Gia Nghĩa tỉnh Đăk Nông . Thác còn gọi là Thác Cửa Thần. Thác có tên là thác Ba Tầng bởi vì khi dòng nước chảy đên đây phải chảy qua 3 tầng thác mới đổ xuống lòng suối ở phía dưới. Trên một chiều dài khoảng 40 m là 3 thác nước nối tiếp nhau. Thác Một cao 1,5 m, cách đó 20 m là tầng thác Hai cao 2 m, tầng thác Ba là thác chính lớn nhất của cụm thác, có độ cao hơn 20 m. Xung quanh đó là rừng cây với nhiều cây cổ thụ, những bãi đất trống rộng rãi có thể là địa điểm cắm trại lý tưởng cho du khách. Thác nằm cách thị xã Gia Nghĩa, tỉnh lỵ của Đăk Nông khoảng 7 km phía bắc theo quốc lộ 14 đi Buôn Ma Thuột. Sông Đắk Nông Sông Đắk Nông là dòng sông chính chảy qua Gia Nghĩa, và là tên hình thành tên huyện tên tỉnh. Sông bắt nguồn từ sườn tây nam dải núi Nâm Nung , chảy hướng tây nam, sau đó là hướng nam qua Gia Nghĩa. Sau đó sông Đắk Nông tiếp nhận dòng Đăk R'ti và đổ vào sông Đồng Nai. Trên thượng nguồn sông Đắk Nông còn có Thác Lưu Ly ở xã Nâm N'Jang huyện Đắk Song, cũng là một điểm tham quan hấp dẫn.
Mang Reeves hay mang Trung Quốc (Muntiacus reevesi; tên Trung Quốc: 山羌 - sơn khương, các tên gọi khác: 山琼 sơn quỳnh, 黄琼 hoàng quỳnh, 麻琼 ma quỳnh v.v), là loài mang đặc hữu của Đài Loan. Chúng cũng có mặt tại phần đại lục miền đông của châu Á, đã được đưa vào Hà Lan và Anh (tại Oxford) rất thành công. Nó ăn các loại cây thân thảo, hoa, chồi non, cỏ và hạt. Mang Trung Quốc có thể phát triển tới chiều dài 90–95 cm (35-37 inch) và cân nặng khoảng 10–18 kg (22-40 pao). Mang đực có gạc ngắn, thông thường chỉ 10 cm (4 inch) hoặc ngắn hơn, và dùng chúng để đẩy cho kẻ thù mất cân bằng, giúp cho nó có thể làm cho kẻ thù bị thương bằng các răng nanh trên. The small deer is also called the barking deer. Hình ảnh
Vườn quốc gia Bến En là một vườn quốc gia thuộc tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam. Được thành lập theo quyết định số 33 ngày 27 tháng 1 năm 1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam. Số liệu địa lý Thuộc huyện Như Thanh và huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Nằm cách thành phố Thanh Hóa khoảng 36 km về phía tây nam. Tọa độ từ 19°31′ tới 19°43′ vĩ bắc và 105°25′ tới 105°38′ kinh đông. Tổng diện tích là 14.735 ha, trong đó rừng nguyên sinh là 8.544 ha. Vườn quốc gia Bến En có địa hình nhiều đồi núi, có nhiều sông, suối và hồ Mực trên núi có diện tích 3000 ha có 21 đảo nổi giữa là một trong vườn quốc gia đẹp nhất Việt Nam. Đa dạng sinh học Có nhiều loài sinh vật quý, với 1389 loài thực vật (lim xanh, lát hoa, chò chỉ, trai lý, bù hương...), có 1004 loài động vật,66 loài thú (với 29 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam như: sói đỏ, gấu ngựa, vượn đen, phượng hoàng đất, gà tiền mặt vàng...)
Vườn quốc gia Vũ Quang (còn gọi với tên: Vườn quốc gia Vụ Quang) là một vườn quốc gia thuộc tỉnh Hà Tĩnh, nơi có nhiều loài sinh vật đặc hữu chỉ có ở Việt Nam. Được thành lập theo quyết định số 102/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày 30 tháng 7 năm 2002. Đây là vườn quốc gia có loài mang Vũ Quang (Muntiacus vuquangensis), loài mang quý hiếm được đặt theo tên của vườn quốc gia này. Vị trí địa lý và lịch sử Vị trí địa lý Vườn quốc gia Vũ Quang nằm ở phía tây bắc tỉnh Hà Tĩnh, cách thành phố Hà Tĩnh 75 km. Phía đông giáp xã Hòa Hải (huyện Hương Khê). Phía tây giáp xã Sơn Kim (huyện Hương Sơn). Phía nam giáp biên giới Việt Nam - Lào. Phía bắc giáp xã Sơn Tây (huyện Hương Sơn), và các xã Hương Đại, Hương Minh (huyện Vũ Quang Lịch sử Khu di tích lịch sử ghi dấu những sự kiện lịch sử oai hùng của cuộc khởi nghĩa Hương Khê hưởng ứng phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp của Phan Đình Phùng cuối thế kỷ XIX. Động, thực vật được bảo tồn và lợi ích kinh tế    Năm 1992, các nhà khoa học của Bộ Lâm nghiệp và Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã phát hiện một loài mới - Sao la. Điều này có ý nghĩa toàn cầu trong lịch sử sinh học vì trong suốt 100 năm trước đó chỉ có 5 loài thú lớn mới được phát hiện. Loài được phát hiện trước Sao la là Bò xám ở Campuchia vào năm 1936. Nhưng đây không phải là loài thú mới duy nhất được tìm ra ở Vũ Quang. Khảo sát do Viện điều tra Quy hoạch rừng (Bộ Lâm nghiệp trước đây) và WWF tiến hành năm 1994 đã phát hiện ra loài hươu cỡ trung bình. Loài hươu mới này có họ hàng gần với loài mang thường và được đặt tên là Mang lớn. Ngoài ra, trong khoảng 6 năm sau năm 1992, các nhà khoa học đã tìm ra 5 loài cá mới. Chính vì thế, Vũ Quang thường được nhắc đến với cái tên "mỏ loài mới của Việt Nam". Bên cạnh đó, VQG Vũ Quang còn là khu vực có tính đa dạng sinh học cao.     Được chuyển thành VQG năm 2002, Vũ Quang có 5 kiểu rừng chính được phân chia theo các đai cao khác nhau: rừng kín thường xanh trên đất thấp phân bố ở độ cao 100 - 300m; rừng thường xanh trên núi thấp phân bố trong khoảng độ cao từ 300 - 1.000m; rừng thường xanh trung bình ở độ cao từ 1.000 - 1.400m gồm chủ yếu các loài cây lá rộng; rừng thường xanh trên núi cao phân bố ở độ cao 1.400 - 1.900m; rừng phân bố trên độ cao lớn hơn 1.900m.     Về thực vật, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận 1.823 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 202 họ và 676 chi ở VQG Vũ Quang. Trong đó, có 131 loài thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam, danh lục đỏ IUCN và Nghị định 32/2006/NĐ/CP của Chính phủ về việc cấm hoặc hạn chế khai thác, săn bắn hay buôn bán các loài động vật hoang dã. Đáng chú ý, Vũ Quang có tới 686 loài cây được dùng làm thuốc và 339 loài cây gỗ. Nhóm cây cho gỗ là nhóm thực vật quan trọng với các loại gỗ có giá trị kinh tế cao như pơ mu, vàng tâm, giổi bà,… Chính vì thế, VQG Vũ Quang trở thành một trong những điểm nóng về phá rừng trong những năm qua.     Hệ động vật của Vũ Quang cũng rất đa dạng, phong phú. Các nghiên cứu đã ghi nhận, Vườn có 94 loài thú thuộc 26 họ, 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá và 316 loài bướm, trong đó, có 26 loài thú, 10 loài chim, 16 loài bò sát quý hiếm] cần được bảo vệ. Mặt khác, Vườn còn có 36 loài thú đặc hữu như: Vượn đen má trắng; Thỏ vằn Trường Sơn; Chà vá chân nâu,… Một số loài thuộc nhóm động vật nguy cấp thường xuyên xuất hiện tại đây như voi, mang lớn, cheo cheo và một số loài khỉ, dơi. Đặc biệt, Vườn cũng phong phú các loài rùa sinh sống, nhiều con đã sống hàng trăm năm như rùa hộp trán vàng, rùa hộp ba vạch, rùa núi viền,… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng động vật cũng như thực vật đã bị suy giảm đáng kể. Một số loài còn rất ít cá thể hoặc đã bị tuyệt chủng. Nguyên nhân chính là do khu vực vùng đệm của Vườn là khu dân cư nghèo khó với 93% lực lượng lao động chỉ làm nông nghiệp, thu nhập không ổn định, dân số tăng nhanh. Trong khi đó, gỗ quý và động vật hoang dã có giá trị kinh tế cao, nhu cầu từ các thành phố và các quốc gia khác lớn, nhận thức của người dân về pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, động vật hoang dã còn hạn chế. Đây là sức ép lớn lên công tác bảo tồn của Vườn trong hiện tại và tương lai Du lịch sinh thái sẽ giúp cải thiện đời sống của người dân, giảm tình trạng săn bắn, khai thác trái phép tài nguyên rừng. Đây còn là di tích lịch sử Khu căn cứ địa Phan Đình Phùng, được Nhà nước xếp hạng năm 1995.     Trong khoảng 10 năm (2000 - 2011), số lượng khách du lịch đến Hà Tĩnh tăng trưởng trung bình 28,5%/năm. Đến năm 2020, Hà Tĩnh đặt mục tiêu sẽ thu hút khoảng 50 nghìn lượt khách quốc tế và 1,5 triệu lượt khách nội địa. Tỉnh phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong khối dịch vụ, với cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc Hà Tĩnh, thân thiện với môi trường.     Và chắc chắn, thương hiệu "mỏ" loài mới của Việt Nam sẽ đóng góp không nhỏ vào những mục tiêu này. Vườn Quốc gia Vũ Quang được biết đến là một trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam, nơi đây lưu giữ nhiều nguồn gen rất có giá trị cho công tác bảo tồn, Vườn nằm trong một vùng sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, được xác định là cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho cả khu vực thuộc dãy Trường Sơn. Với các giá trị về đa dạng sinh học và vai trò to lớn trong công tác bảo tồn. Cuối năm 2019, VQG Vũ Quang chính thức được Hiệp hội Vườn Di Sản Đông Nam Á (AHP) công nhận là “Vườn di sản ASEAN”. Việc công nhận danh hiệu Vườn Di sản ASEAN góp phần quan trọng đối với công tác bảo tồn các hệ sinh thái không chỉ có đa dạng sinh học cao mà còn có giá trị văn hóa, lịch sử đối với từng quốc gia và cả khu vực. Đồng thời góp phần nâng cao nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học của người dân các nước ASEAN. VQG Vũ Quang hôm nay ngoài các nhiệm vụ và chức năng đã và đang thực hiện còn gánh vác trách nhiệm là một khu bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mang tính độc đáo của khu vực ASEAN, góp phần nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam ở tầm khu vực và châu lục. Diện tích Tổng diện tích: 55.028,9 ha. Trong đó: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 38.800,0 ha. Phân khu phục hồi hệ sinh thái: 16.184,9 ha. Danh sách động vật mới Động vật mới từ VQG Vũ Quang và các vùng lân cận: Sao la hay bò Vũ Quang (Pseudoryx nghetinhensis) Nai đầu đinh ("hươu chậm") Mang Vũ Quang (Megamuntiacus vuquangensis) - loài mang lớn nhất thế giới. Mangden ("hươu đen") Bò sừng xoắn ("dê thánh") (Pseudonovibos spiralis) - loài này hoặc một loài tương tự đã được nhìn thấy ở Campuchia, nơi tên của nó là kting voar. Ngoài ra, VQG Vũ Quang còn là nơi sinh sống của 5 loài cá mới: Parazacco vuquangensis Crosscheilus vuha Pararhoedus philanthropus Pararhoedus equalitus Oreoglanis libertus
Mang đầu lông, còn gọi là mang đen, mang đen đầu đỏ... (danh pháp hai phần: Muntiacus crinifrons) được tìm thấy ở Chiết Giang, An Huy, Giang Tây và Phúc Kiến ở miền nam Trung Quốc, ngoài ra cũng có thông báo là có tại Myanmar. Mặc dù rất khó để nghiên cứu chúng, do chúng là loài động vật nhút nhát, nhưng người ta cho rằng chúng là loài sắp nguy cấp, có lẽ tổng số lượng chỉ còn khoảng 5-10 nghìn con trải rộng trên một khu vực rộng lớn. Chúng có kích thước tương tự như mang Ấn Độ. Hình ảnh
Thác Diệu Thanh là thác trên dòng Đăk R'Tih ở vùng đất Thôn 8 xã Nhân Cơ huyện Đắk R'Lấp tỉnh Đắk Nông, Việt Nam. Thác Diệu Thanh là một trong những thác nước lớn ở Tây Nguyên. Tiếp cận thác từ quốc lộ 14 đi vào khoảng 5 km. Trước đây đường đi là đường đất, hiện tại đã làm đường nhựa khá dễ đi. Thác vẫn còn giữ được vẻ hoang sơ. Tuy nhiên khi xây dựng Thủy điện Đăk R’Tih thì cảnh quan vùng thác đã bị phá huỷ. Đặc điểm Thác có dòng nước đổ từ trên cao hơn 30 m chảy xuống cùng với nhiều thác nước nhỏ khác tung bọt trắng xóa cả vùng. Mặt nước dưới chân thác có vô số hòn đá to nhỏ nhấp nhô chặn dòng nước lại tạo thành hàng trăm dòng chảy nhỏ. Tên gọi Một số văn liệu đã nhầm lẫn cho rằng thác còn có tên là thác Liêng Nung. Thực tế là Thác Liêng Nung là thác trên suối Đắk Nia ở xã Đắk Nia thành phố Gia Nghĩa. Thác ở cách trung tâm Gia Nghĩa chừng 8 km đường thẳng hướng đông nam, và cách Diệu Thanh cỡ 16 km hướng đông nam. Ghi chú
François-Marie Arouet (; 21 tháng 11 năm 1694 – 30 tháng 5 năm 1778), được biết đến nhiều hơn dưới bút danh Voltaire (; ; phiên âm tiếng Việt: Vôn-te), là một nhà văn, sử gia và triết gia Pháp thời Khai sáng. Ông nổi bật về sự trào phúng và cứng rắn đả kích chế độ nô lệ, Giáo hội Công giáo và Ki-tô giáo nói chung, cũng như việc cổ súy tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và việc tách giáo hội ra khỏi nhà nước. Voltaire là một cây viết phong phú, với nhiều sáng tác thuộc hầu hết mọi thể loại văn học từ kịch, thơ, tiểu thuyết, luận văn tới các công trình sử học và khoa học. Ông đã viết hơn 2000 đầu sách lớn nhỏ cùng 20.000 bức thư. Ông công khai ủng hộ các quyền tự do dân sự mặc dù chế độ kiểm duyệt thời đó rất gay gắt. Là một tay bút chiến hóm hỉnh, ông thường sử dụng các tác phẩm của mình để đả kích sự hà khắc và giáo điều của nhà nước và giáo hội Pháp thời ông sống. Tiểu sử Voltaire sinh năm 1694 tại thủ đô Paris ra trong một gia đình cha là một quan chức thuế và mẹ là quý tộc dòng dõi. Ông được giáo dục bởi các giáo sĩ dòng Tên, được học tiếng Hy Lạp và tiếng La Tinh. Sau này ông còn thành thạo các tiếng Anh, Ý và Tây Ban Nha. Ông ban đầu làm thư ký rồi sau chuyển hẳn sang nghiệp viết. Ông chủ yếu viết văn thơ chỉ trích xã hội đương thời và do vậy bị đày sang Anh Quốc, nơi ông chịu nhiều ảnh hưởng và sau ba năm đi đày ông đã viết Lettres philosophiques (Những lá thư triết học về nước Anh). Về Pháp ông ở tại lâu đài Château de Cirey tại mạn biên giới giữa vùng Champagne và Lorraine. Chính nơi đây ông bắt đầu quan hệ với Émile của Châtelet, vợ của người chủ lâu đài. Voltaire cùng bà nữ hầu tước này đã sưu tập nhiều sách vở tài liệu và cùng nhau nghiên cứu chúng lại cùng nhau làm thí nghiệm "khoa học tự nhiên" ngay tại lâu đài. Bên cạnh say mê khoa học tự nhiên và là tín đồ của Newton ông cũng nghiên cứu sử học và viết Essay upon the Civil Wars in France (Luận văn về Nội chiến ở Pháp) bằng tiếng Anh. Ông cũng viết về vua Louis XIV, miêu tả về sự lớn mạnh của nền quân sự nước Pháp thời ấy. Với tiểu sử vua Thụy Điển là Karl XII ông bắt đầu quan điểm phản đối tôn giáo của mình. Tuyệt tác này bị Chính phủ Pháp căm ghét, do ông tỏ ra khiếm nhã khi miêu tả về kẻ thù của vua Karl XII là August II, Tuyển hầu tước xứ Sachsen kiêm vua Ba Lan (một trong những đứa con riêng của vua August II là danh tướng Pháp Maurice de Saxe). Ông rất ngưỡng mộ Quốc vương Karl XII, và ấn tượng sâu sắc trong chiến thắng lừng lẫy của ông vua này trước Nga hoàng Pyotr Đại Đế trong trận Narva tại Estonia (1700). Ông cùng bà nữ hầu tước còn cùng nhau nghiên cứu triết học, nhất là siêu hình học. Ông cùng nghiên cứu Kinh thánh và cho rằng cần phân tách nhà thờ ra khỏi nhà nước. Lúc này, vua Friedrich Wilhelm I trị vì nước Phổ, và Hoàng thái tử nước ấy là Friedrich đã làm quen với thiên tài văn học Voltaire. Thái tử Friedrich cũng mê say đọc các tác phẩm của ông. Hai người lần đầu tiên trao đổi thư từ vào năm 1736, Voltaire đã viết thư ca ngợi Thái tử Friedrich sẽ là một vị Quân vương triết học sáng suốt. Vào năm 1740, khi mới 28 tuổi, Hoàng thái tử Friedrich lên nối ngôi, tức là vua Friedrich II Đại Đế của Vương quốc Phổ. Voltaire có viết thơ ca ngợi cuộc đăng quang của vị tân vương sáng suốt. Tuy vị vua - triết gia tiến hành những cải cách tiến bộ đầu tiên, những bạn hữu của nhà vua như Voltaire đều sớm nhận ra rằng nhà vua còn có mối quan tâm khác ngoài triết học. Nhà vua nhanh chóng xua quân tinh nhuệ đánh chiếm tỉnh Silesia giàu mạnh của Đế quốc Áo láng giềng, và giành thắng lợi. Từ năm 1741 cho đến năm 1745 có hai cuộc chiến tranh Silesia đầu tiên, và nhà vua vẫn trao đổi thư từ với Voltaire. Sau khi Nữ Hầu tước Émile của Châtelet mất, Voltaire sang Phổ chung sống với nhà vua Friedrich II Đại đế - còn gọi là Friedrich Độc đáo. Nay, trong thư gửi cho bạn hữu của ông tại kinh đô Paris, Voltaire miêu tả thành phố Potsdam là miền cực lạc của triết học, và ca tụng vị vua vĩ đại. Ở Hoàng cung khi ấy có một "căn phòng Voltaire". Mặc dù cuộc sống vương giả nhưng ông vẫn giữ thói chỉ trích của mình và với tác phẩm Diatribe du docteur Akakia (Chỉ trích Tiến sĩ Akkakia; tên đầy đủ Histoire du Docteur Akakia et du Natif de St Malo) mà ông phê phán vị Viện trưởng Viện Hàn lâm Berlin là Maupertius, Voltaire đã khiến vua Friedrich II Đại Đế nổi giận. Ông quay về Pháp nhưng vua Louis XV của Pháp cấm ông trở về thủ đô Paris nên ông quay sang Genève. Tuy ban đầu được đón chào nhưng ông lại viết luận văn chỉ trích triết học của Gottfried Leibniz qua tác phẩm Candide, ou l'Optimisme (Ngay thẳng, hay lạc quan; 1759) và ông lại rời thành phố. Sau bất hòa vào năm 1753, nhà vua Friedrich II Đại Đế do ngưỡng mộ thiên tài của ông nên đã trao đổi thư từ với ông, lập lại tình bạn. Vào năm 1756, cuộc Chiến tranh Bảy năm bùng nổ, quân Phổ bị quân Áo đập tan tác trong trận Kolín (1757). Nhưng nhà vua nước Phổ sẵn sàng thà chết còn hơn nhượng tỉnh Silesia cho giặc, và Voltaire cho rằng, năm xưa, một tiên vương của Vương triều Brandenburg - Phổ từng bị mất đất đai chiếm được, nhưng vẫn giữ mãi vinh dự lớn lao, và nay, nhà vua vẫn luôn luôn có thể "đóng một vai trò lớn lao ở châu Âu". Nhà vua rất thích lời khuyên này của ông. Vào năm 1758, ông cũng trao đổi thư từ với nhà vua, để tìm hiểu những đức tính cao đẹp của nhà vua. Tương tự vào năm 1760, nhà vua nước Phổ gửi thư cho ông. Đến năm 1762, cuối cùng thì nhà vua đã đại phá quân Áo trong trận đánh tại Freiberg và ký kết Hiệp định Hubertusburg vào năm 1763, giữ vững được toàn bộ đất nước Phổ. Dù có vài vụ chia rẽ đầy tai tiếng, tình bạn giữa hai vĩ nhân này vẫn được giữ vững cho đến khi Voltaire qua đời vào năm 1778. Mở đầu từ thập niên 1730, tình bạn thân thiết của họ, với một loạt thư từ được trao đổi giữa hai bên, kéo dài đến hơn 40 năm trời. Đây là một tình bạn nổi tiếng giữa vị vua nước Phổ và một trong những ngôi sao sáng chói nhất của trào lưu Khai sáng trong nhiều năm. Sinh thời, Voltaire không những có tình bạn với Quốc vương Friedrich II Đại Đế nước Phổ, mà cũng trao đổi thư từ với Nữ hoàng nước Nga là Ekaterina II Đại Đế. Nữ hoàng thán phục thiên tài văn học và tầm nhìn xa trông rộng của ông, và ông cũng gọi Nữ hoàng là "Nữ vương Semiramis của phương Bắc" (Semiramis là một vị Nữ vương huyền thoại của xứ Assyria xưa). Tuy nhiên, ông không hề nói thế trong những lá thư gửi cho Nữ hoàng Ekaterina II Đại Đế, vì ông có viết vở bi kịch "Sémiramis" kể về một vị Nữ vương giết chồng cướp ngôi. Trong khi Nữ hoàng nước Nga đã soán ngôi của chồng của Nga hoàng Pyotr III vào năm 1762. Ông còn ủng hộ Nữ hoàng đánh đuổi người Thổ Nhĩ Kỳ hung bạo ra khỏi châu Âu và chia cắt Ba Lan vào thập niên 1770. Có lần ông còn gọi Nữ hoàng là Tomyris, theo tên một vị Nữ vương xứ Scythia đã đánh tan tác đại quân Ba Tư của Hoàng đế Cyrus Đại Đế. Ông cũng trao đổi thư từ với nhà ngoại giao người Anh là William Hamilton vào năm 1773. Vắn tắt về tác phẩm Voltaire để lại một di sản các tác phẩm đồ sộ bao gồm tiểu thuyết, kịch, thơ, luận văn và các công trình nghiên cứu khoa học và sử học. Ông còn viết nhiều sách, rất nhiều tờ rơi và trên 20000 thư từ trao đổi. Trong bản anh hùng ca "Henriade" của ông, Voltaire ca ngợi những đức độ của một vị Quân vương sáng suốt, như sống giản dị, chăm lo phát triển kinh tế hay bảo trợ khoa học và nghệ thuật. Vua Phổ Friedrich II Đại Đế đã hăng hái noi theo những lời dạy này. Trong bản anh hùng ca này, ông ca tụng công đức của vua Henri IV năm xưa. Tôn giáo Qua các tác phẩm Voltaire thể hiện quan điểm rằng không cần đức tin để tin vào Chúa. Ông tin vào Chúa nhưng là niềm tin lý tính. Ông cũng phản đối đạo Ki-tô quyết liệt nhưng không nhất quán. Một mặt ông cho rằng Giê-su không tồn tại và các sách Phúc âm là nguỵ tạo nên chứa đầy mâu thuẫn nhưng mặt khác ông lại cho rằng cũng chính công đồng đó đã gìn giữ nguyên bản mà không thay đổi gì để giải thích cho những mâu thuẫn trong các sách Phúc âm. Ông cũng viét nhiều về các chủng thổ dân khác nhau và có quan điểm bài Do thái. Triết học Tác phẩm lớn nhất của ông để lại là Dictionnaire philosophique (Từ điển Triết học) tập hợp nhiều bài viết riêng của ông và các bài ông viết trong Encyclopédie (Bách khoa thư) của Diderot. Trong đó ông phản bác thể chế chính trị đương thời của Pháp, nhà thờ Công giáo, Kinh Thánh và thể hiện văn phong, tính cách riêng của mình, Voltaire. Qua đó ông nhấn mạnh vai trò của tôn giáo lý tưởng là giáo dục đạo đức chứ không phải giáo điều. Ông đồng ý với luận điểm của Isaac Newton và John Locke. Ông cũng phản bác chế độ thuộc địa của Pháp ở Bắc Mỹ. Ảnh hưởng Nhà văn Voltaire xem giai cấp tư sản Pháp quá nhỏ bé và yếu ớt, giai cấp quý tộc thì tham nhũng và ăn bám, còn người dân thường thì dốt nát và mê tín, và nhà thờ thì giúp thêm cho các nhà cách mạng bằng thuế thập phân. Do ông xem phần lớn con người là những kẻ đểu giả và ngu dốt, ông bỉ bác nguồn gốc của con người, khác với nhà văn Rousseau mong muốn đưa con người trở về với tự nhiên. Voltaire cũng không tin tưởng ở chế độ dân chủ mà ông xem là chỉ tuyên truyền những tôn sùng của quần chúng. Theo ông chỉ tin những vị vua theo chủ nghĩa Khai sáng chuyên chế với sự hỗ trợ của các nhà triết học như ông mới có thể dẫn tới sự thay đổi vì chỉ với những tính toán lợi ích hợp lý của nhà vua mới mang lại quyền lợi và thịnh vượng cho vương quốc và thần dân. Trong thư gửi Nữ hoàng Ekaterina II Đại Đế nước Nga và vua Friedrich II Đại Đế nước Phổ ông nhấn mạnh đến vai trò của quân đội và sử dụng vũ lực để "mang lại trật tự" như ông viết ủng hộ việc chia tách Vương quốc Ba Lan và Đại Công quốc Litva. Không những thế, ông cũng kêu gọi vua Friedrich II Đại Đế phát binh đánh người Thổ Nhĩ Kỳ bạo ngược, nhưng vua từ chối. Số là vua đã phải hứng chịu cuộc Chiến tranh Bảy năm tàn khốc, nay chiến tranh kết thúc, vua gửi thư cho Voltaire: Và khi Voltaire ca ngợi vua Karl XII "lên đến mây xanh" dù ông "chẳng biết tí tẹo gì" về quân sự, vua Friedrich II Đại Đế cũng thể hiện trải nghiệm của mình sau chiến tranh qua việc không ngưỡng mộ vua Karl XII cho lắm. Nhưng Voltaire cũng phản đối việc sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề tranh chấp như trong Dictionnaire philosophique ông xem chiến tranh là "cỗ máy địa ngục" và người sử dụng chúng là "những kẻ giết người ngu ngốc". Voltaire còn được nhớ đến như một người tranh đấu cho quyền tự do cá nhân, tự do tôn giáo trong đó có quyền được xét xử công bằng và vạch rõ sự giả dối và không công bằng của chế độ ba đẳng cấp. Voltaire sống hai mươi năm cuối đời ở Ferney và mất ở Paris. Một số tài liệu ghi chép lại, trong những giây phút cuối đời Voltaire đã phát ra những tiếng thét đáng sợ mà không ai hiểu được. Theo lời kể lại của người giúp việc trong nhà ông thì Voltaire đã nhìn thấy những hình ảnh ghê rợn. Những lời nói cuối cùng của ông là: "Vì Thiên Chúa, xin để cho tôi chết trong bình yên." Nay Ferney được đặt theo tên ông là Ferney-Voltaire. Lâu đài ông ở giờ là bảo tàng L'Auberge de l'Europe còn toàn bộ thư viện của ông vẫn được giữ nguyên tại bảo tàng quốc gia Nga tại Sankt-Peterburg. Đại thi hào người Đức là Johann Wolfgang von Goethe đã gọi ông là "nhà văn xuất sắc nhất mọi thời đại". Không những thế, ông cũng được đánh giá là một trong những thiên tài sử học lỗi lạc nhất. Câu nói và trích dẫn "Jamais vingt volumes in-folio ne feront de révolution; ce sont les petits livres portatifs à trente sous qui sont à craindre. Si l'Évangile avait coûté douze cents sesterces, jamais la religion chrétienne ne se serait établie." (Lettre à d'Alembert, 5 tháng 4 năm 1766) "Hai mươi tập sách khổ lớn không bao giờ làm nổi một cuộc cách mạng; chính những quyển sách nhỏ giá ba mươi xu mới thực sự đáng sợ. Nếu Sách Phúc Âm có giá là một ngàn hai trăm sestertius (tiền La Mã) thì Kitô giáo có lẽ sẽ không bao giờ phát triển như ngày nay." "La nôtre [religion] est sans contredit la plus ridicule, la plus absurde, et la plus sanguinaire qui ait jamais infecté le monde." (Thư gửi Friedrich II của Phổ, ngày 5 tháng 1 năm 1767) " [Tôn giáo] của chúng ta [Kitô giáo] là tôn giáo lố bịch nhất, vô lý nhất và đẫm máu nhất làm nhiễm độc thế giới." "Dans les commencements de la fondation des Quinze-Vingts......aux sourds de juger de la musique." (Petite digression) "Khi mới thành lập bệnh viện Quinze-Vingts......những kẻ điếc bình phẩm về âm nhạc." "Il vaut mieux hasarder de sauver un coupable plutôt que de condamner un innocent." (Zadig) "Thà mạo hiểm cứu vớt một kẻ phạm tội còn hơn lên án một người vô tội." "Que répondre à un homme qui vous dit qu'il aime mieux obéir à Dieu qu'aux hommes et qui, en conséquence, est sûr de mériter le ciel en vous égorgeant?" (Dictionnaire philosophique, mục từ "Fanatisme") "Trả lời thế nào đối với một người nói với bạn rằng anh ta tuân phục Chúa hơn là với người khác và cho rằng anh ta chắc chắn sẽ được lên thiên đàng khi cắt cổ bạn?" "Je commence mon nom, vous finissez le vôtre." (Voltaire s'adressant au chevalier de Rohan) "Tôi bắt đầu bằng tên của tôi, ngài kết thúc bằng tên của ngài." "Le fanatique aveugle, et le chrétien sincère Ont porté trop souvent le même caractère;Ils ont même courage, ils ont mêmes désirs.Le crime a ses héros, l'erreur a ses martyrs.Du vrai zèle et du faux vains juges que nous sommes!Souvent les scélérats ressemblent aux grands hommes."(La Henriade, chương 5, trang 169-202) "Kẻ cuồng tín mù quáng, cùng tín đồ Cơ Đốc thành thậtĐều mang cùng tính cách;Họ đều can đảm, đều có cùng ham muốn.Tội ác có anh hùng của nó, sai lầm có tử sĩ của nó.Lòng nhiệt thành và vô vọng là những gì chúng ta có!Thường những kẻ côn đồ giống các vĩ nhân." "Nous laisserons ce monde-ci aussi sot et aussi méchant que nous l'avons trouvé en y arrivant." (được trích bởi Schopenhauer) "Chúng ta sẽ để lại một thế giới điên rồ và tàn ác như khi chúng ta được biết khi bước vào trước đó." "Quelques arpents de neige": ainsi Voltaire désigna-t-il les terres françaises du Canada donnant des arguments à ceux qui préféraient que la France les cède à l'Angleterre. Rappelons qu'à l'époque toute la Louisiane - bien plus grande que l'actuel État de Louisiane - était française et dotée d'un climat bien plus clément. "Một vài mẫu đất phủ băng tuyết": đó là cách mà Voltaire gọi những vùng đất Canada thuộc Pháp khi ông đưa ra lập luận đối với những người muốn nước Pháp nhượng lại cho Đế quốc Anh. Lưu ý là vào thời điểm đó, toàn bộ vùng đất Louisiana - rộng hơn bang Louisiana hiện tại - là còn thuộc Pháp và có khí hậu ôn hoà hơn. "Les beaux esprits se rencontrent." "Những tư tưởng lớn thường gặp nhau." "Un dictionnaire sans citations est un squelette." "Một từ điển không có các câu trích dẫn chỉ là một khung xương." "L'écriture est la peinture de la voix." "Viết lách chính là hội họa của phát ngôn." "On peut juger du caractère des hommes par leurs entreprises." "Có thể đánh giá tính cách của đàn ông thông qua sự mạo hiểm dấn thân của họ. "Si Dieu n'existait pas, il faudrait l'inventer." "Nếu Chúa không tồn tại thì cần phải phát minh ra ông ta." "Soyez des immeubles effondrés de mensonges." "Hãy đập tan toà nhà của sự dối trá." "Providence has given us hope and sleep as a compensation for many cares of life." "Thượng đế ban cho chúng ta hy vọng và giấc ngủ để đền bù cho những nỗi lo lắng của cuộc đời. "He who thinks himself wise; Oh Heavens! Is a great fool." "Kẻ nào nghĩ mình là khôn ngoan thì, trời hỡi! Hắn là một tên đại ngốc." Tác phẩm Triết học Những lá thư triết học (London, 1733) (French version entitled Lettres philosophiques sur les Anglais, Rouen, 1734), revised as Letters on the English (circa 1778) Le Mondain (1736) Luận bàn về con người (1738) Zadig hay số phận (1747) Micromégas (1752) Trẻ mồ côi của nước Trung Hoa (1755). Candide hay chủ nghĩa lạc quan (1759) Khảo sát về sự dung thứ (1763) Ce qui plaît aux dames (1764) Từ điển Triết học (1764) L'Ingénu (1767) Công chúa của thành Babylone (1768) Bức thư cho tác giả của cuốn sách của ba kẻ lường gạt (1770) Kịch Voltaire viết khoảng 50-60 vở kịch, trong đó có một số chưa được xuất bản. Trong số đó có: Œdipe (1718) Mariamne (1724) Zaïre (1732) Eriphile (1732) Irène Socrates Mahomet Mérope Nanine The Orphan of China (1755) Lịch sử History of Charles XII, King of Sweden (1731) The Age of Louis XIV (Thời đại của vua Louis XIV, 1751) The Age of Louis XV (Thời đại của vua Louis XV, 1746–1752) Biên Niên Sử của Đế quốc – từ Hoàng Đế Charlemagne tới Vua Henry VII, Vol. I (1754) Biên Niên Sử của Đế quốc - từ Louis của Bavaria đến Ferdinand II Vol. II (1754) Essay on the Manners of Nations (or 'Universal History') (1756) Lịch sử của Đế quốc Nga dưới thời Đại Đế Peter (Vol. I 1759; Vol. II 1763) History of the Parliament of Paris (1769) Niên biểu Niên biểu của François Marie Arouet ('Voltaire') (1694-1778) Chú thích
Vườn quốc gia Tràm Chim thuộc tỉnh Đồng Tháp là một khu đất ngập nước, được xếp trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam. Nơi đây có nhiều loài chim quý, đặc biệt là sếu đầu đỏ, một loài chim cực kỳ quý hiếm, có tên trong sách đỏ. Vị trí địa lý Vườn quốc gia Tràm Chim nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Tọa độ địa lý 10°40′ – 10°47′ vĩ bắc, 105°26′ - 105°36′ Đông với tổng diện tích 7.313 ha nằm trong địa giới của 5 xã (Tân Công Sính, Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thành B, Phú Thọ) và Thị trấn Tràm Chim, với số dân trong vùng là 30.000 người. Lịch sử Năm 1985, Tràm Chim được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp thành lập với tên gọi là Công ty Nông Lâm Ngư trường Tràm Chim, với mục đích là trồng tràm và khai thác thủy sản, và vừa giữ lại được một phần hình ảnh của Đồng Tháp Mười xa xưa. Năm 1986, loài sếu đầu đỏ (chim hạc, sếu cổ trụi), được tái phát hiện ở Tràm Chim. Năm 1991, Tràm Chim trở thành Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tràm Chim cấp tỉnh, nhằm bảo tồn loài sếu đầu đỏ (Grus antigone sharpii). Năm 1994, nơi đây trở thành Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tràm Chim, cấp quốc gia, theo Quyết định số 47/TTg ngày 2 tháng 2 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ kèm theo thông tư số 4991/KGVX, với diện tích 7.500 ha. Tháng 9 năm 1998, dự án đầu tư của khu bảo tồn thiên nhiên Tràm Chim được Phân viện Điều tra Quy hoạch Rừng II Thành phố Hồ Chí Minh chỉnh sửa theo đó diện tích khu bảo tồn là 7.313 ha. Năm 1998, nơi đây trở thành Vườn quốc gia Tràm Chim theo Quyết định số 253/1998/QĐ-TTg, ngày 29 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 22/5/2012, Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar của thế giới. Đây là khu Ramsar 4 của Việt Nam và là khu Ramsar 2.000 của thế giới. 2016, gần 30 năm nhưng đây là lần đầu tiên cò ốc làm tổ, đẻ trứng cả đàn có đến ngàn tổ. Chị Nguyễn Thị Nga (Trung tâm bảo tồn, phát triển sinh vật) cho biết, thường thì cò ốc về vườn từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau. Trước năm 2000 thi thoảng mới thấy một con cò ốc bay về. Thậm chí nhiều người nghĩ rằng cò ốc đã bị tuyệt chủng rồi. Trước tình trạng nguy cấp này, năm 2007 cò ốc được đưa vào Sách đỏ Việt Nam để bảo vệ nghiêm ngặt. Chức năng Bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, bảo vệ khu vực di trú cho các loài chim di cư, đặc biệt là loài chim sếu (Grus antigone)., bảo tồn các loài động-thực vật bản địa, các nguồn gen quý hiếm, và duy trì những điều kiện thích hợp cho việc nghiên cứu môi trường tự nhiên và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Điều kiện tự nhiên Địa hình Nói chung là thấp trũng, nơi cao nhất là 2,3 m, nơi thấp nhất là 0,4 m (so với mực nước biển Tây Nam Bộ). Những vùng đất trũng chiếm 152 ha Những vùng gò cao chiếm 194 ha Vùng phẳng chiếm 5858 ha Khí hậu-Thủy văn Nhiệt độ: Nhiệt độ ở đây cao quanh năm và tương đối ít biến động, nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 27 °C, nhiệt độ thấp hơn khoảng 1-2 °C vào cuối mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 2) và tăng lên khoảng 1-2 °C vào các tháng cuối mùa khô, đầu mùa mưa (từ tháng 4 đến tháng 6). Nhiệt độ cao nhất là 37 °C vào tháng tư và thấp nhất là khoảng 16 °C. Độ ẩm: Độ ẩm trung bình hàng năm duy trì trong khoảng 82 - 83%. Độ ẩm cao nhất có thể lên đến 100% và thấp nhất là 35-40%. Chế độ gió: Từ tháng 5 đến tháng 11, hướng gió thịnh hành ở vùng này là hướng Tây–Nam, tốc độ gió trung bình là 3 m/s mang theo nhiều hơi nước và gây mưa. Từ tháng 12 đến tháng 4 có gió Đông–Bắc, tốc độ gió trung bình khoảng 2 m/s. Bão hầu như không ảnh hưởng đến Tràm Chim và vì thế, gió với tốc độ lớn trong cơn mưa chưa từng xảy ra. Lượng mưa: Lượng mưa phân bố theo mùa rõ rệt, trung bình khoảng 1.650 mm/năm. Mùa mưa tập trung từ tháng 5 đến tháng 11, hơn 90% lượng mưa tập trung vào khoảng thời gian này. Trong khi đó, tháng 1, 2, 3 lại là những tháng khô hạn nhất, thời tiết hầu như không có mưa. Số ngày mưa trung bình đo được tại Vườn quốc gia Tràm Chim khoảng 110-160 ngày/năm. Chế độ nước: Vườn quốc gia Tràm Chim chịu ảnh hưởng thủy văn của vùng châu thổ sông MeKong, nhận nguồn nước trực tiếp từ sông MeKong thông qua hệ thống kinh thủy lợi (kênh Hồng Ngự–Long An, Đồng Tiến, An Hòa và Phú Hiệp) tràn vào nội đồng và bị ngập lũ hàng năm từ tháng 8 đến tháng 12. Vườn quốc gia Tràm Chim được chia thành 5 vùng quản lý khác nhau (A1-A5), mỗi khu vực được bao bọc xung quanh bởi hệ thống kênh và đê với tổng chiều dài lên đến 59 km. Mực nước bên trong vườn quốc gia được điều tiết thông qua hệ thống cống và cửa xả nằm ở các bờ bao xung quanh. Hiện nay, để giảm rủi ro do lửa vào mùa khô, mực nước bên trong vườn quốc gia luôn được giữ ở mức cao hơn những điều kiện trong quá khứ. Thành phần thực vật, phân bố và tốc độ sinh trưởng đã bị ảnh hưởng bởi những tác động này. Địa chất Trầm tích Khu vực vườn quốc gia Tràm Chim được hình thành trên hai nền trầm tích Pleistocen và Holocen, với 5 đơn vị phụ: Trầm tích Pleistocen Trầm tích biển gió (mvQiv2-3). Trầm tích mang nhiều vật liệu thô (quartz) tạo thành những gò cao trong vùng Đồng Tháp Mười. Trầm tích biển (mQ13 phần giữa). Cùng với trầm tích biển gió, trầm tích biển cũng thuộc Pleistocen, và chiếm diện tích khoảng 1.158 ha. Trầm tích Holocen Trầm tích đầm lầy-biển (bmQ22-3) chiếm 3.565 ha, chứa nhiều khoáng pyrit (FeS2), đây là nguồn vật liệu góp phần hình thành nên đất phèn tiềm tàng (sulfaquents). Trầm tích lòng sông cổ (ab2Q22-3) chiếm khoảng 717 ha, hình thành từ những con sông chết và được bồi đấp bởi những vật liệu mới, chứa nhiều chất hữu cơ, thịt và sét. Trầm tích proluvi (pQ22-3) chiếm 1.835 ha. Chủ yếu là vật liệu lắng tụ từ xói mòn. Đất Nhóm đất cát cổ (aeric Tropaquults), được hình thành thông qua quá trình phong hóa trầm tích Pleistocen chiếm diện tích khoảng 154 ha, Đất xám điển hình (Typic Tropaquults), khoảng 476 ha. Đất xám đọng mùn (humic Tropaquults), 274 ha. Các nhóm đất dốc tụ trên nền trầm tích Proluvi chiếm diện tích 1.559 ha. Các nhóm đất phù sa có nên phèn: Trầm tích sông - biển (amQ22-3) chồng lên lớp trầm tích đầm lầy - biển (bmQ22-3) hình thành những vạt đất phù sa có tầng sinh phèn (sulfidic) (sulfic Tropaquents, sulfic Tropaquepts, sulfic Hydraquents) và đất phù sa có tầng phèn (sulfuric) chứa các khoáng jarosit. Đất phèn hoạt động (Sulfaquepts), hình thành từ nền trầm tích đầm lầy biển (bmQ22-3) với diện tích khoảng 355 ha, phân bố nhiều nhất tại khu A5. Độ chua của đất: pH chỉ khoảng từ 2,0 – 3,2. Đa dạng sinh học Hệ sinh thái động vật Vườn quốc gia Tràm Chim, có diện tích 7.588 ha, thuộc huyện Tam Nông tỉnh Đồng Tháp. Đây là nơi cư trú của trên 100 loài động vật có xương sống, 40 loài cá và 147 loài chim nước. Trong đó, có 13 loài chim quý hiếm của thế giới. Đặc biệt là một loài chim hạc còn gọi là sếu đầu đỏ (Grus antigone) hay sếu cổ trụi. Hệ sinh thái thực vật Với các yếu tố tự nhiên: trầm tích, địa mạo, và đặc tính đất khá đa dạng, từ đất xám, phát triển trên nền trầm tích cổ Pleistocen, đến những nhóm đất phù sa mới và đất phèn phát triển trên trầm tích trẻ Holocen đã góp phần làm đa dạng các quần xã thực vật tự nhiên. Kết quả khảo sát từ 2005–2006 ghi nhận được 130 loài thực vật, phân bố đơn thuần cũng như xen kẻ với nhau tạo thành những quần xã thực vật đặc trưng. Hệ sinh thái rừng tràm Rừng tràm (Melaleuca cajuputi) là thảm thực vật thân gỗ có diện tích lớn nhất, diện tích khoảng 2968 ha. Do tác động con người, hầu hết những cánh rừng tràm nguyên sinh đã biến mất và hiện nay chỉ còn lại là những cánh rừng tràm trồng, thuộc loài Melaleuca cajuputi (họ Myrtaceae), nhưng do được bảo tồn nhiều năm nên có những cụm tràm phân bố theo kiểu tự nhiên. Hai kiểu phân bố được ghi nhận: tập trung (khoảng 1.826 ha) và tràm phân tán. Tràm phân tán có sự hiện diện thảm cỏ xen kẽ gồm các loài năng ống (Eleocharis dulcis), cỏ mồm (Ischaemum rugosum và I. indicum), hoàng đầu Ấn (Xyris indica), nhĩ cán vàng (Utricularia aurea), cỏ ống (Panicum repens), súng (Nymphaea lotus), cú muỗi (Caprimulgusmaeruru), chèo bẻo (Dicrurus macrocercus), hút mật (Aethopiga siparaja), vành khuyên (Zosterops palpebrosa), chim sẻ (Carpodacus erythrinus), én (Apus affinis), rẻ quạt (Rhipidura albicollis), chích chòe (Lucustella lanceolata) Những loài chim thường gặp: cò trắng (Egretta garzetta), cò bợ (Ardeola bacclus), cò lửa (Ixobrychus sinensis), cò lép, vạc (Nycticorax nycticorax), diệc lửa (Ardea purpurea), diệc xám (Ardea cinerea), điêng điểng (Anhinga melanogaster), cồng cộc (Pharacrocoraxniger), tu hú, cú ngói (Streptopelia tranquebarica), cú cườm (Caprimulgusmaerurus), cú (Tyto capensis), Đồng ngập nước theo mùa Đồng cỏ ngập nước theo mùa là một trong những hệ sinh thái khá phổ biến trong khu vực VQG Tràm Chim. Những loài thực vật phát triển với mật độ cao đã thành những đồng cỏ đơn thuần, trong khi đó có những loài cùng phát triển chung với các loài thực vật khác đã tạo nên những quần xã hoặc hội đoàn thực vật tiêu biểu của vùng đất ngập nước. Đồng cỏ năng Đồng cỏ năng (Eleocharis sp.) chiếm diện tích khoảng 2.968 ha, tạo thành một trong những thảm cỏ rộng lớn; bao gồm đồng cỏ năng kim (Eleocharis atropurpurea) - đây là bãi ăn của loài chim sếu (Grus antigone), khoảng 235 ha, năng ống (Eleocharis dulcis), 1.277 ha, và hợp với các loài khác tạo thành các quần xã thực vật: năng kim – năng ống (E. atropurpurea – E. dulcis), vài nơi xuất hiện của hoàng đầu Ấn (Xyris indica); năng kim - cỏ ống (E. atropurpurea – P. repens); năng ống - cỏ ống (E. dulcis – P. repens), khoảng 937 ha; năng ống - cỏ ống – lúa ma (E. dulcis - P. repens – O.rufipogon), 443 ha; năng ống - cỏ ống - cỏ chỉ (E. dulcis - P. repens – C. dactylon), khoảng 72 ha. Những nơi có địa hình thấp và ngập nước quanh năm thì xen lẫn trong quần xã năng là những loài thực vật thủy sinh như nhĩ cán vàng (Utricularia aurea), súng ma (Nymphaea indicum), rong đuôi chồn (Ceratophyllum demersum). Những loài chim thường gặp: sếu (Grus antigone), cò trắng (Egretta garzetta), cò bợ (Ardeola bacclus), trích cồ, trích đất, vịt trời (Anas poecilorhyncha), le khoang cổ (Nettapus coromandelianus), diệc lửa (Ardea purpurea), diệc xám (Ardea cinerea), cò lửa (Ixobrychus sinensis), cò lép. Đồng cỏ mồm Đồng cỏ mồm (Ischaemum spp.); chiếm diện tích khá nhỏ so với các cộng đồng thực vật khác, khoảng 41,8 ha. Bao gồm mồm đơn thuần và quần xã mồm - cỏ ống (Ischaemum spp.- Panicum repens). Phân bố hiện diện chủ yếu trên những dải liếp, bờ đất có địa hình cao cục bộ trong một vùng địa hình thấp. Những loài chim thường gặp: cồng cộc (Pharacrocoraxniger), chiền chiện (Prinia flaviventris), cò bợ (Ardeola bacclus), cò lửa (Ixobrychus sinensis), cút nhỏ (Turnix syluatica), diệc lửa (Ardea purpurea), diệc xám (Ardea cinerea), cú (Tyto capensis), giang sen (Mycteria leucocephala), già đãy (Leptoptilos dubius). Đồng cỏ ống Đồng cỏ ống (Panicum repens); cỏ ống phân bố trên một diện rộng, chiếm diện tích khoảng 958,4 ha, ở dạng đơn thuần với mật độ lên đến 98% hoặc cùng xuất hiện với các loài thực vật thân thảo khác: cỏ ống - cỏ sả (Panicum repens - Cymbopogon citratus), khoảng 23 ha, chủ yếu trên đất giồng cổ; cỏ ống – lúa ma (Panicum repens – Oryza rufipogon), khoảng 268 ha; cỏ ống - cỏ chỉ (Panicum repens – Cynodon dactylon), khoảng 50 ha; cỏ ống – mai dương (Panicum repens – Mimosa pigra), khoảng 86 ha, đây là khu quần xã cỏ ống bị mai dương (Mimosa pigra) xâm hại. Những loài chim thường gặp: công đất (Houbaropsis bengalensis), chiền chiện (Prinia flaviventris), sơn ca (Alauda gulgula), sẻ bụi (Saxicola caprata), trảu đầu hung (Merops superciliosus), cú (Tyto capensis), trích, cò (Ardeola bacclus), giang sen (Mycteria leucocephala), già đãy (Leptoptilos dubius), chích đầm lầy (Locustella certhiola) Đồng lúa ma Đồng lúa ma (Oryza rufipogon); phân bố khá rộng, chiếm diện tích khoảng 824 ha. Tuy nhiên, cánh đồng lúa ma (Oryza rufipogon) đơn thuần có diện tích khá nhỏ, khoảng 33 ha, diện tích còn lại có sự hiện diện của lúa ma là sự kết hợp với những loài thực vật khác tạo thành những quần xã thực vật đặc trưng cho vùng đất ngập nước: lúa ma - cỏ ống (O. rufipogon – Panicum repens), khoảng 544 ha; lúa ma - cỏ bắc (Oryza rufipogon - Leersia hexandra), khoảng 160 ha; lúa ma - cỏ ống - cỏ chỉ (O. rufipogon – P. repens – C. dactylon), khoảng 83 ha. Hầu như tất cả các loài chim trong Tràm Chim đều thích với đồng lúa ma, kể cả sếu đầu đỏ (Grus antigone), sinh cảnh này đa dạng sinh học rất cao. Lác nước Lác nước (Cyperus malaccensis); phân bố rải rác dọc theo kinh đào và dọc theo đường rạch cũ, diện tích tập trung chỉ khoảng 2 ha. Hệ sinh thái đầm lầy Nghễ (Polygonum tomentosum) phân bố ở những nơi địa hình trũng thấp, khoảng 159 ha. Trong đó, nghễ đơn thuần chiếm khoảng 138 ha, phần còn lại hiện diện chung với loài thực vật khác như lúa ma (O. rufipogon), rau dừa (Jussiaea repens), nhĩ cán vàng (Utricularia aurea). Những loài thường gặp: cò lửa (Ixobrychus sinensis), cò lép (Egretta garzetta), cò ốc (Anastomus oscitans), cò bợ (Ardeola bacclus) Hội đoàn sen – súng (Nelumbium nelumbo – Nymphaea spp.) chủ yếu trên các vùng đầm lầy ngập nước quanh năm, dọc theo khu trũng thấp của dòng sông cổ, chiếm diện tích khoảng 158 ha. Những loài chim thường gặp: le hôi (Tachybaptus raficollis), le khoang cổ (Nettapus coromandelianus), vịt trời (Anas poecilorhyncha), trích cổ, trích ré, gà lôi nước (Hydrophasianus chirurgus), gà nước vằn (Rallus striatus), cuốc ngực nâu (Porzana fusca), mòng két (Anas crecca), bói cá (Ceryle rudis). Tiềm năng du lịch Đến Tràm Chim, du khách sẽ bắt gặp ẩn hiện trước cảnh bao la của đất trời Đồng Tháp mênh mông đầy nước. Vào mùa khô từ tháng 12 đến tháng 5 dương lịch, đây là nơi cư trú của khoảng 60% quần thể sếu đầu đỏ, là loài chim cao nhất trong các loại chim bay trên thế giới. Những vấn đề đặt ra Những vấn đề, thách thức mà Ban quản lý VQG đang quan tâm: Áp lực của cộng đồng nghèo sống trong xung quanh vườn quốc gia Tràm Chim và sự phụ thuộc của cộng đồng, nhất là người nghèo lên tài nguyên thiên nhiên đất ngập nước bên trong. Chế độ bảo vệ nghiêm ngặt trong nhiều năm qua đã dẫn tới xung đột gay gắt giữa vườn quốc gia và cộng đồng và cũng đã không ngăn cản được sự xâm nhập vào bên trong để khai thác tài nguyên, dẫn đến sự suy kiệt tài nguyên (cá, củi, cỏ). Vấn đề quản lý thủy văn cho phù hợp với nhu cầu của hệ sinh thái đất ngập nước, trong bối cảnh chế độ thủy văn toàn vùng Đồng Tháp Mười đã thay đổi do sự phát triển hệ thống kênh đào rộng khắp. Từ việc quản lý thủy văn chưa phù hợp đã làm thu hẹp diện tích đồng cỏ năng, nhất là năng kim (Eleocharis atropurpurea) làm cho không còn nguồn thức ăn cho chim sếu dẫn đến mật độ cá thể của loài chim nầy bị giảm theo hàng năm. Vấn đề phát triển du lịch sinh thái, sao cho vừa mang lại lợi ích cho cộng đồng, đóng góp cho bảo tồn mà không gây tác hại lên hệ sinh thái. Sự xâm lấn của các loài ngoại lai xâm hại. Hiện nay vườn quốc gia Tràm Chim đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi sự xâm lấn của cây mai dương (Mimosa pigra), một loài thực vật được IUCN xếp trong 100 loài ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Nếu không kiểm soát được, trong vòng 10-15 năm nữa, toàn bộ vườn quốc gia sẽ bị loài này xâm lấn thành loài độc tôn. Sự đa dạng sinh học sẽ mất đi hoàn toàn.
Vườn quốc gia Yok Đôn là một trong những khu rừng đặc dụng lớn nhất Việt Nam, thuộc 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk. Vị trí địa lý Vườn quốc gia Yok Don nằm trên địa bàn 7 xã thuộc 3 huyện: Xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, xã Ea Bung, Chư M'Lanh huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) và xã Ea Pô huyện Cư Jút (tỉnh Đăk Nông); vườn cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 40 km về phía tây bắc. Vườn quốc gia Yok Don được phê duyệt theo quyết định số 352/CT ngày 29 tháng 10 năm 1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam với mục đích bảo vệ 58.200 ha hệ sinh thái rừng khộp đất thấp. Ngày 24 tháng 6 năm 1992 Bộ Lâm nghiệp ra quyết định 301/TCLĐ thành lập Vườn quốc gia Yok Don trực thuộc Bộ Lâm nghiệp. Vườn quốc gia Yok Don được mở rộng theo quyết định số 39/2002/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Toạ độ địa lý: Từ 12°45′ đến 13°10′ vĩ bắc và từ 107°29′30″ đến 107°48′30″ kinh đông. Quy mô diện tích: Được mở rộng với diện tích 115.545 ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 80.947 ha, phân khu phục hồi sinh thái là 30.426 ha và phân khu dịch vụ hành chính là 4.172 ha. Vùng đệm: có diện tích 133.890 ha, bao gồm các xã bao quanh Vườn quốc gia. Vườn nằm trên một vùng tương đối bằng phẳng, với hai ngọn núi nhỏ ở phía nam của sông Serepôk. Rừng chủ yếu là rừng tự nhiên, phần lớn là rừng khộp. Yok Don cũng là vườn quốc gia duy nhất ở Việt Nam bảo tồn loại rừng đặc biệt này. Ranh giới của vườn quốc gia này như sau: Phía bắc theo đường tỉnh lộ 1A từ ngã ba Chư M'Lanh qua đồn biên phòng số 2 đến biên giới Việt Nam-Campuchia. Phía tây giáp biên giới Việt Nam-Campuchia. Phía đông theo tỉnh lộ 1A từ ngã ba Chư M'Lanh đến Bản Đôn, ngược dòng sông Serepôk đến giáp ranh giới huyện Cư Jút. Phía nam giáp huyện Cư Jút và cắt đường 6B tại Km 22+500, theo đường 6B đến suối Đăk Dam giáp biên giới Việt Nam-Campuchia. Đa dạng sinh học Nơi đây có 89 loài động vật có vú, 305 loài chim, 48 loài bò sát, 16 loài lưỡng cư, 858 loài thực vật, hàng trăm loài cá nước ngọt và hàng ngàn loài côn trùng. Vườn có voi rừng, trâu rừng và bò tót, báo gấm, báo hoa mai, lợn rừng,... Đây là nơi trú ngụ của một số loài động vật nguy cấp mang tính toàn cầu như: bò xám (Bos sauveli), mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis), nai cà tông (Cervus eldi), bò banteng (Bos javanicus), voi châu Á (Elephas maximus), hổ (Panthera tigris), sói đỏ (Cuon alpinus) và chà vá chân đen (Pygathris nigripes). Công tác điều tra vẫn đang tiếp tục, nhưng các kết quả nghiên cứu cho thấy vườn quốc gia Yok Đôn là một trong những nơi có khu hệ chim phong phú nhất Đông Dương. Các vấn đề Ngành lâm nghiệp, chính quyền các cấp và ban quản lý vườn quốc gia Yok Don có nhiều nỗ lực trong quản lý bảo tồn đa dạng sinh học của vườn nhưng vẫn phải đối mặt với trạng săn bắt, xâm lấn đất đai và nguy cơ cháy rừng. Bên cạnh đó, xung quanh vườn còn tồn tại nhiều khu rừng rộng lớn, trong đó phần lớn được giao để khai thác gỗ thương phẩm do các lâm trường quốc doanh quản lý. Kế hoạch Hành động khẩn cấp bảo tồn voi rừng Do ngày càng trầm trọng, nên ngày 14-12-2016, Quỹ quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam và Vườn quốc gia Yok Don khởi động kế hoạch Hành động khẩn cấp bảo tồn voi rừng Yok Don giai đoạn 2016-2020, nhằm hạn chế nguy cơ tuyệt chủng một số loài có trong danh sách đỏ trong nước, đặc biệt là loài voi rừng Tây Nguyên. Số liệu quan sát cho thấy Tây nguyên hiện có đàn voi rừng lớn nhất với khoảng 70 con, trong tổng số khoảng 100 con trên cả nước. Từ năm 2009 đến nay có ít nhất 23 cá thể, chủ yếu là voi con dưới một tuổi, ở Đắk Lắk bị chết. Trong khi đó tình trạng săn bắn voi để lấy ngà, phá rừng làm rẫy đe dọa trực tiếp đến không gian sinh sống, dẫn tới nguy cơ tuyệt chủng của đàn voi rừng tại đây.. Theo tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh - giám đốc WWF Việt Nam, đây là lúc cần có hành động khẩn cấp để cứu lấy đàn voi rừng, là cơ hội cuối cùng, nếu không số phận của chúng có thể sẽ giống như tê giác Java một sừng, tuyệt chủng tại VN năm 2010 hoặc loài hổ, hiện không tìm được dấu vết sinh sản nào ngoài tự nhiên trong những năm gần đâyĐây là nơi đầu tiên tại Việt Nam triển khai kế hoạch du lịch thân thiện với voi rừng Thư viện ảnh
Mang Fea (còn gọi là mang Tenasserim theo tên gọi của khu vực thuộc Myanmar) là một loài mang hiếm sống ở khu vực biên giới Myanmar-Thái Lan-Lào-Trung Quốc-Việt Nam (IUCN 2004). Nó có kích thước tương tự như mang Ấn Độ (con trưởng thành nặng khoảng 18–21 kg hay 40-46 lb). Chúng là loài động vật kiếm ăn ban ngày và sống đơn độc, sinh sống trong các khu rừng cây thường xanh, hỗn hợp (thông và cây lá rộng bản) hay cây bụi vùng đất cao (ở cao độ khoảng 2.500 m (8200 ft)) với thức ăn chủ yếu là cỏ, lá mọc ở tầng thấp và các chồi non. Thời kỳ thai nghén của chúng khoảng 180 ngày. Con non thường được sinh trong các chỗ rậm rạp và được che giấu cho đến khi chúng có thể đi lại được cùng mẹ. Tên của nó được đặt theo tên nhà động vật học người Ý là Leonardo Fea. Hình ảnh
Vườn quốc gia Xuân Sơn là một vườn quốc gia nằm trên địa bàn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Với kiểu địa hình núi đá vôi đặc trưng. Được chuyển từ khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Sơn thành vườn quốc gia theo Quyết định của Thủ tướng chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 49/2002/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2002. Thông tin chính Vị trí địa lý Vườn quốc gia Xuân Sơn nằm ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, cách thành phố Việt Trì 80 km, Hà Nội 120 km, có phạm vi ranh giới được xác định như sau: Phía Đông: Giáp các xã Tân Phú, Minh Đài, Long Cốc, huyện Tân Sơn. Phía Tây: Giáp huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La), huyện Đà Bắc (tỉnh Hoà Bình). Phía Nam: Giáp huyện Đà Bắc (tỉnh Hoà Bình). Phía Bắc: Giáp xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn. Tọa độ địa lý: Từ 21°03' đến 21°12' vĩ bắc và từ 104°51' đến 105°01' kinh đông. Địa hình Vườn quốc gia Xuân Sơn nằm trên hệ thống núi đá vôi có độ cao từ 700 đến 1.300 m. Trong khu vực có rất nhiều hang đá. Diện tích Vườn quốc gia Xuân Sơn có diện tích vùng đệm 18.369 ha, trong đó diện tích vùng lõi là 15.048 ha khu vực bảo vệ nghiêm ngặt là 11.148 ha, phân khu phục hồi sinh thái kết hợp bảo tồn di tích lịch sử: 3.000 ha phân khu hành chính, dịch vụ: 900 ha. Điểm đặc trưng của Xuân Sơn là vườn quốc gia duy nhất có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi (2.432 ha). Xuân Sơn được đánh giá là rừng có đa dạng sinh thái phong phú, đa dạng sinh học cao, đa dạng địa hình kiến tạo nên đa dạng cảnh quan. Diện tích vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn là 18.639 ha, bao gồm các xã: Kiệt Sơn, Lai Đồng, Minh Đài và một phần các xã: Đồng Sơn, Tân Sơn, Kim Thượng, Xuân Đài, đều cùng huyện. Đa dạng sinh học Theo thống kê bước đầu, Vườn quốc gia Xuân Sơn có 1.179 loài thực vật có mạch thuộc 650 chi và 175 họ trong đó có 52 loài thuộc ngành Quyết và ngành Hạt trần. Có 91 loài cá, 75 loài bò sát và lưỡng cư, 241 loài chim, 76 loài thú. Nằm trong khu vực giao tiếp của hai luồng thực vật Mã Lai và Hoa Nam, hệ thực vật ở Xuân Sơn có các loài re, dẻ, sồi và mộc lan chiếm ưu thế. Ngoài ra, ở Xuân Sơn còn có các loài tiêu biểu cho khu vực Tây Bắc như táu muối, táu lá duối, sao mặt quỷ và chò chỉ, chò vảy, nghiến, dồi, vầu đắng, kim giao (rừng chò chỉ ở Xuân Sơn là một trong những rừng chò chỉ đẹp và giàu nhất miền Bắc). Xuân Sơn còn là kho giống bản địa, kho cây thuốc khổng lồ, đặc biệt là cây rau sắng mọc tự nhiên có mật độ cao nhất miền Bắc. Chú thích
Tổng Bí thư Ủy ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (), còn được gọi là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, hiện nay là một chức danh chỉ người giữ chức vụ cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Phụ trách triệu tập hội nghị Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, hội nghị Bộ Chính trị, cũng như chủ trì công tác của Ban Bí thư. Theo Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư do Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị đề xuất bầu cử. Nhiệm kỳ Tổng Bí thư tương đương với nhiệm kỳ của Ủy ban Trung ương Đảng. Với nhiệm kỳ 5 năm 1 khóa, không có quy định về số khóa nhiệm kỳ. Tổng Bí thư hiện nay là Tập Cận Bình, bắt đầu nhiệm kỳ từ tháng 11 năm 2012 từ kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu toàn quốc khóa XVIII. Chức vụ Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương được thành lập năm 1925 tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa IV. Năm 1945, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc khóa VII, chức vụ được thay thế bằng Chủ tịch Hội Ủy ban Trung ương. Đến năm 1982, Đại hội Đại biểu toàn quốc khóa XII đã tái lập chức vụ này. Lịch sử Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập năm 1921, chức vụ lãnh đạo Đảng được thành lập với tên gọi Bí thư Bộ Trung ương, do Trần Độc Tú đảm nhiệm. Không lâu sau, chức danh này được đổi thành Ủy viên trưởng Ban Chấp hành Trung ương, vẫn do Trần Độc Tú đảm nhiệm. Chức vụ Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương được thành lập năm 1925 tại Đại hội Đại biểu toàn quốc khóa IV, giữ vai trò lãnh đạo cao nhất của Đảng. Năm 1928, Hướng Trung Phát được bầu làm Tổng Bí thư, kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch Bộ Chính trị Trung ương Đảng mới thành lập. Từ năm 1930 đến 1945, chức vụ Tổng Bí thư chỉ còn giữ vai trò lãnh đạo tối cao trên danh nghĩa, trên thực tế, vai trò lãnh đạo tối cao thuộc về một số Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị như Lý Lập Tam (1930), Vương Minh (1931). Bấy giờ, vai trò Tổng Bí thư chỉ có quyền triệu tập và chủ trì hội nghị Ủy ban Thường vụ Cục Chính trị, hội nghị Bộ Chính trị, song quyết định chung tối cao tại hội nghị do đa số Ủy viên thông qua. Sau khi Hướng Trung Phát qua đời, chức vụ Tổng Bí thư bị khuyết, vai trò lãnh đạo Đảng do Bác Cổ nắm giữ từ 1931 đến 1934. Mãi đến kỳ họp thứ năm của Hội Ủy viên Trung ương khóa VI, Bác Cổ mới được bầu chính thức giữ chức vụ Tổng Bí thư. Tại Hội nghị Tuân Nghĩa, Bác Cổ bị phê bình và bị bãi nhiệm, Trương Văn Thiên được bầu vào chức vụ Tổng Bí thư. Tuy nhiên, quyền lãnh đạo thực tế thuộc về Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Mao Trạch Đông (từ 1943 là Chủ tịch Bộ Chính trị). Chức vụ Tổng Bí thư chỉ còn vai trò là một Bí thư bình thường trong Ban Bí thư Trung ương (cải tổ từ Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị năm 1934), bó hẹp trong lĩnh vực nghiên cứu lý luận, không có thực quyền. Năm 1945, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc khóa VII, vai trò lãnh đạo tối cao trong Đảng được xác lập bởi chức vụ Chủ tịch Ủy ban Trung ương, gọi tắt là Chủ tịch Đảng. Chức vụ Tổng Bí thư bị thay bằng chức vụ Chủ tịch Bộ Chính trị kiêm Chủ tịch Ban Bí thư Trung ương do Mao Trạch Đông kiêm nhiệm. Từ năm 1949 khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, dưới hệ thống chính trị "chế độ hiệp thương chính trị và hợp tác đa đảng do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo", Đảng Cộng sản Trung Quốc thực tế chịu trách nhiệm lãnh đạo Nhà nước, vì thế chức vụ lãnh đạo Đảng tương đương hoặc ở cấp cao hơn chức vụ lãnh đạo Nhà nước. Vì thế, Mao Trạch Đông, với các chức vụ Chủ tịch Ủy ban Trung ương, Chủ tịch Ban Bí thư Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, Chủ tịch Chính phủ Nhân dân Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Cách mạng Nhân dân, trên thực tế trở thành lãnh đạo tối cao với quyền lực tuyệt đối của chính trị, quân sự và hành chính của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Năm 1982, Điều lệ Đảng được sửa đổi, xóa bỏ chức vụ Chủ tịch Đảng và Phó Chủ tịch Đảng, chức vụ Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương được tái lập và trở lại là chức vụ cao nhất của Đảng. Mặc dù về danh nghĩa, từ năm 1979 đến năm 1989, các đời Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương là lãnh đạo tối cao, nhưng trên thực tế, thực quyền lãnh đạo tối cao thuộc về Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương Đặng Tiểu Bình. Tình trạng này tiếp diễn kéo dài đến năm 2004, khi Chủ tịch Quân ủy Trung ương Giang Trạch Dân trao lại quyền lực cho Hồ Cẩm Đào, chính thức hợp nhất vai trò Tổng Bí thư kiêm nhiệm Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Bên cạnh đó, theo Hiến pháp, Tổng Bí thư không có quyền lực về mặt Nhà nước. Mặc dù vậy, do Trung Quốc là nhà nước độc đảng lãnh đạo, nên từ năm 1993, Tổng Bí thư Giang Trạch Dân được bầu kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước, giữ vai trò nguyên thủ quốc gia, có quyền lực hơn cả Thủ tướng. Từ đó, theo thông lệ, Tổng Bí thư sẽ được bầu làm Chủ tịch nước, ngay trong kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc gần nhất. Danh sách Tổng Bí thư qua các thời kỳ
Mang Vũ Quang hay mang lớn (danh pháp hai phần: Muntiacus vuquangensis) là một loài mang trong họ Hươu nai, bộ Guốc chẵn. Đây là loài mang lớn nhất được phát hiện năm 1994 tại vườn quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam gồm 1 đực và một cái cũng như ở miền trung Lào. Đây là loài Mang có trong Sách đỏ Việt Nam (2000), phân hạng nguy cấp, quý hiếm. Mô tả Nó là một dạng hươu nai có kích thước trung bình, có quan hệ họ hàng gần với mang Ấn Độ. Mang Vũ Quang còn có đặc điểm là cặp sừng khá lớn trong loài mang. Trọng lượng trung bình mỗi con là 34 kg (75 pounds). Lông mang màu nâu bóng với những sọc đen chạy dọc xuống đế gạc phía trong trán từ nhánh gạc nhỏ đến suốt tuyến tr­ước trán. Tuyến trán nhô ra, dài khoảng 2 cm với bờ mi gấp lên và không có lông. Dọc tuyến trán có ít lông mịn màu đen, hàng lông dài quanh tuyến đổ về phía sau. Tuyến lệ có dải lông mịn màu sẫm. Thân phần lưng sẫm hơn phần bụng. Từ cổ xuống lưng có một sọc màu sẫm. Túm lông đuôi màu sẫm, phía dưới màu trắng. Con đực có sừng (gạc) khá lớn, dài 28 – 30 cm, nhánh chính 14 – 25 cm, nhánh phụ 8 – 13 cm, phần đế ngắn 3 – 7 cm.
Mang Trường Sơn (danh pháp hai phần: Muntiacus truongsonensis) là một loài mang. Nó là một trong những loài mang nhỏ nhất, nặng khoảng 15 kg với kích thước chỉ cỡ một nửa của mang Ấn Độ. Nó được phát hiện trong dãy núi Trường Sơn ở Việt Nam vào năm 1997. Nó được xác định bằng cách kiểm tra hộp sọ và các miêu tả do những người dân bản địa cung cấp, tại đó người ta gọi nó là samsoi cacoong, tức "con hươu (nai) sống trong rừng sâu và rậm rạp". Nó sống ở cao độ khoảng 400 -1.000 mét, tại các khu vực mà kích thước nhỏ bé cho phép nó di chuyển dễ dàng dưới các bụi cây rậm rạp. Đặc điểm Thân hình giống hoẵng nhưng nhỏ hơn, và có thể là nhỏ nhất trong họ Cervidae, nặng từ 14 – 20 kg, toàn thân phủ lớp lông mịn màu vàng nâu hoặc vàng rỉ sắt. Con đực có sừng không phân nhánh, hộp sọ giống hoẵng nhưng nhỏ hơn. Cả con đực và con cái đều có răng nanh dài.
Mang lá hay mang Putao (danh pháp hai phần: Muntiacus putaoensis) là một loài mang nhỏ. Nó được phát hiện gần đây, vào năm 1997 bởi nhà sinh học Alan Rabinowitz trong chuyến nghiên cứu thực địa của ông tại Myanmar. Ông đã xoay xở để có được các mẫu, từ đó các phân tích DNA cho thấy đây là một loài mang mới. Phân bổ và sinh trưởng Mang lá chỉ được tìm thấy trong các rừng rậm ở Myanmar, trong khu vực nằm ở đông bắc Putao, từ đây mà có tên gọi khoa học của nó, cũng như về phía nam Nam Tamai, nhánh của sông Mai Hka. Nó được tìm thấy ở độ cao khoảng 450 đến 600 m — khu vực chuyển tiếp giữa rừng nhiệt đới và rừng ôn đới. Năm 2002, nó cũng đã được phát hiện tại Khu bảo tồn hổ Namdapha ở miền đông Arunachal Pradesh, Ấn Độ (xem Current Science, số 84, trang 454) . Chúng có lẽ sinh sống trong khu vực sinh trưởng thích hợp trên toàn bộ các chỗ giao nhau của các dãy núi Pātkai Bum và Kumon Taungdan. Miêu tả Loài này có chiều cao tối đa khoảng 60–80 cm, làm cho nó trở thành loài hươu nai nhỏ nhất trên thế giới. Nó cân nặng khoảng 11 kg. Các tên gọi địa phương là lugi-che (phía đông Arunachal Pradesh) và phet-gyi (Myanmar), cả hai đều có nghĩa là "con mang nhỏ đến mức có thể gói trong lá dong (chi Phrynium thuộc Họ Dong) để chuyên chở". Tên gọi mang lá là suy ra từ điều này. Mang lá sống đơn độc và dường như hoạt động cả ban ngày lẫn ban đêm. Thức ăn Mang lá chủ yếu ăn hoa quả. Đe dọa Mặc dù kích thước nhỏ của loài vật cũng như của các gạc của nó, việc săn bắn đã làm giảm đáng kể số lượng quần thể này. Sự mất đi môi trường sinh sống cũng là một đe dọa đáng kể khác. Từ các chứng cứ chi tiết, dường như áp lực do săn bắn là thấp hơn ở Ấn Độ, tại đây mang lá thông thường không bị săn bắn một cách có chủ đích.
Người bất đồng chính kiến, hiểu theo nghĩa rộng, là người tích cực phản đối một học thuyết, một chính sách của nhà nước, thường là ôn hòa bất bạo động và thể hiện ý kiến qua dạng phát biểu phản biện, viết báo... thường là trên phương tiện ngoài tầm kiểm soát của chính quyền và không được nhà nước chính thức thừa nhận, loan tải hay cho phép. Khi nhiều người bất đồng chính kiến tập hợp lại và cùng vì một mục đích thì có thể thành phong trào bất đồng chính kiến. Khi được hoạt động công khai và được chính quyền cho phép thì họ trở thành lực lượng đối lập, có thể nêu quan điểm công khai hay ra tranh cử. Có thể nói bất đồng chính kiến là bước đầu, nếu chính quyền cho phép thành lập đối lập thì họ liên kết, tổ chức và hoạt động công khai thành lực lượng đối lập, nếu bị cấm đoán nữa thì đôi khi lực lượng đối lập chuyển sang hoạt động bí mật, dùng vũ khí tìm cách lật đổ chính quyền. Tuy nhiên, tùy thuộc vào bản chất chính nghĩa của lực lượng đó, nhiều lực lượng vũ trang trên thế giới vẫn bị gọi là "tổ chức tội phạm", "tổ chức khủng bố". Có những người bất đồng chính kiến đạt được ảnh hưởng và sự ủng hộ đủ lớn để trở thành phe đối lập và tạo ra những cuộc cách mạng thay đổi chế độ, ví dụ như trường hợp của Nelson Mandela hay Lech Wałęsa. Việc định nghĩa thế nào là "bất đồng chính kiến" và ai là đối tượng bất đồng chính kiến hiện vẫn gây nhiều tranh cãi. Nhiều chính phủ và các hệ thống chính trị khác nhau trên thế giới vẫn kết tội "vi phạm luật pháp", "tội phạm có tổ chức", "khủng bố" cho những người chống họ, đặc biệt là các nhóm áp dụng biện pháp bạo lực. Bất đồng chính kiến ở Hoa Kỳ Thuật ngữ "bất đồng chính kiến" (dissident) đã được áp dụng cho những người trong nước Mỹ để biểu thị những người đã tiết lộ những bí mật của Chính phủ Mỹ, như trong ví dụ của Bradley Manning, bị 35 năm tù vì đã tiết lộ các đoạn video của các cuộc không kích Baghdad và các thông tin khác với thế giới qua WikiLeaks; hoặc Edward Snowden, phải sang Nga tị nạn vì tiết lộ việc Chính phủ Mỹ đã do thám các hoạt động Internet của người dân và các quan chức chính phủ của các quốc gia khác, bao gồm cả các nước đồng minh, cũng như công dân của họ, chẳng hạn như trong trường hợp của chương trình PRISM và XKeyScore. Bất đồng chính kiến ở Việt Nam Ở Việt Nam vào thế kỷ 21, nhiều người bất đồng chính kiến phản đối chế độ độc đảng và ủng hộ phương pháp đấu tranh bất bạo động. Một số nhân vật bất đồng chính kiến như Hoàng Minh Chính, Bùi Tín, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Lý, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Văn Đài, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Lê Chí Quang, Phạm Văn Trội, Cù Huy Hà Vũ... hầu hết đều bị chính quyền kết tội hình sự và phạt tù. Nhà văn Nguyễn Thị Từ Huy cho rằng những người này không phải là lương tâm của xã hội Việt Nam. Sách báo Michel Eltchaninoff, một triết gia Pháp, đã viết cuốn "Les Nouveaux Dissidents" (được nhà phê bình Từ Thức gọi là Những người ly khai mới), xuất bản tháng 3 năm 2016, sau khi bỏ ra nhiều năm đi gặp và nghiên cứu về các người bất đồng chính kiến tại nhiều quốc gia như Nga, Ukraine, Trung Hoa, Tibet, Iran, Palestine, và Mexico. Ông cho họ là "những người đi trước thời đại. Họ được nuôi dưỡng bởi sự can đảm và thái độ nổi loạn. Họ phơi trần những tệ trạng không thể chấp nhận trong xã hội họ đang sống: áp lực, kiểm duyệt, thao túng quyền hành, gian lận bầu cử, sát hại người vô tội, chiếm nhà chiếm đất… Nhưng họ tranh đấu dưới những hình thức đôi khi độc đáo, luôn luôn bất bạo động. Họ không tìm cách bịt mắt giả mù, cũng không đánh võ miệng trước những bất công, những lạm dụng quyền thế. Họ hành động để đặt nhà cầm quyền trước trách nhiệm của mình. Nếu nhà cầm quyền trả lời bằng cách đàn áp, họ chịu đòn nhưng tiếp tục hành động. Nếu nhà cầm quyền lùi, họ thắng. Trong bất cứ xã hội nào, chúng ta cũng cần những người ly khai mới". Chú thích
UEFA Europa League (viết tắt là UEL), trước đây là Cúp UEFA, là một giải đấu bóng đá cấp câu lạc bộ thường niên được tổ chức từ năm 1971 bởi Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) cho các câu lạc bộ bóng đá châu Âu đủ điều kiện. Đây là giải đấu hạng hai của bóng đá cấp câu lạc bộ châu Âu, xếp dưới UEFA Champions League và trên UEFA Europa Conference League. Cúp UEFA là giải đấu hạng ba từ năm 1971 đến 1999 trước khi UEFA Cup Winners' Cup ngừng tổ chức. Các câu lạc bộ lọt vào giải đấu dựa trên thành tích của họ tại các giải vô địch quốc gia và cúp quốc gia. Được giới thiệu vào năm 1971 với tên gọi Cúp UEFA, giải thay thế cho Inter-Cities Fairs Cup. Vào năm 1999, UEFA Cup Winners' Cup được hợp nhất với Cúp UEFA và ngừng tổ chức. Từ mùa giải 2004–05, một vòng bảng đã được thêm vào trước vòng đấu loại trực tiếp. Giải đấu có tên gọi mới là Europa League kể từ mùa giải 2009–10, sau khi thay đổi thể thức. Việc tái xây dựng thương hiệu năm 2009 bao gồm việc hợp nhất với UEFA Intertoto Cup, tạo ra một thể thức thi đấu lớn hơn với một vòng bảng mở rộng và thay đổi tiêu chí vòng loại. Đội vô địch của UEFA Europa League giành quyền tham dự UEFA Super Cup, và kể từ mùa giải 2014–15, lọt vào vòng bảng UEFA Champions League mùa giải tiếp theo. Các câu lạc bộ Tây Ban Nha có số lần vô địch nhiều nhất (14 lần), tiếp theo là Anh và Ý (mỗi quốc gia 9 lần). Đã có 29 câu lạc bộ giành được danh hiệu, 14 trong số đó đã giành được nhiều hơn một lần. Câu lạc bộ thành công nhất ở giải đấu này là Sevilla với 7 danh hiệu và là nhà đương kim vô địch sau khi đánh bại Roma với tỷ số 4–1 trên chấm luân lưu trong trận chung kết năm 2023. Lịch sử Cúp C2 UEFA xuất hiện sau giải đấu Inter-Cities Fairs Cup, một cuộc thi bóng đá châu Âu diễn ra từ năm 1955 đến 1971. Ban đầu, giải đấu có 11 đội tham gia trong phiên bản đầu tiên (1955–58), nhưng số lượng đội tham gia tăng lên 64 đội trong phiên bản cuối cùng diễn ra trong mùa giải 1970–71. Sau đó, Cúp C2 UEFA được ra đời, một giải đấu liên đoàn mới với quy định, cấu trúc và ủy ban kỷ luật khác biệt. Cúp C2 UEFA được tổ chức lần đầu tiên trong mùa giải 1971–72, và kết thúc với trận chung kết giữa Wolverhampton Wanderers và Tottenham Hotspur, với Tottenham Hotspur giành chiến thắng. Kể từ đó, giải đấu này đã thu hút sự chú ý và uy tín lớn hơn từ phương tiện truyền thông so với Fairs Cup. Đội bóng Anh khác là Liverpool giữ danh hiệu vào năm 1973, khi họ đánh bại Borussia Mönchengladbach trong trận chung kết. Borussia Mönchengladbach giành chức vô địch trong các năm 1975 và 1979, và đạt đến trận chung kết vào năm 1980. Feyenoord giành chiến thắng trong Cúp C2 UEFA năm 1974 sau khi đánh bại Tottenham Hotspur với tổng tỷ số 4–2 (2–2 tại London, 2–0 tại Rotterdam). Liverpool giành chiến thắng trong giải đấu lần thứ hai vào năm 1976 sau khi đánh bại Club Brugge trong trận chung kết. Trong thập kỷ 1980, IFK Göteborg (năm 1982 và 1987) và Real Madrid (năm 1985 và 1986) đều giành chiến thắng hai lần mỗi đội, cùng với Anderlecht đạt đến hai trận chung kết liên tiếp, vô địch vào năm 1983 và thua Tottenham Hotspur năm 1984. Năm 1989 chứng kiến sự khởi đầu của sự thống trị của các CLB Ý, khi Diego Maradona cùng Napoli của ông đánh bại VfB Stuttgart. Thập kỷ 1990 bắt đầu với hai trận chung kết toàn Italy, và năm 1992, Torino thua trận chung kết trước Ajax theo quy tắc bàn thắng sân khách. Juventus giành chiến thắng trong giải đấu lần thứ ba vào năm 1993. Inter Milan giữ Cúp C2 ở Ý vào năm 1994. Năm 1995 đã chứng kiến trận chung kết toàn Italy thứ ba, khi Parma chứng minh tính kiên định của họ sau hai trận chung kết liên tiếp ở Cúp C2 Chiến thắng. Trận chung kết duy nhất không có sự góp mặt của các đội bóng Italy trong những năm 1990 là năm 1996. Inter Milan đạt đến trận chung kết hai năm tiếp theo, thua Schalke 04 năm 1997 sau loạt sút luân lưu, và giành chiến thắng trong trận chung kết toàn Italy khác năm 1998, mang về cúp lần thứ ba chỉ trong vòng tám năm. Parma giành cúp vào năm 1999, đây cũng là chiến thắng cuối cùng của kỷ nguyên thống trị của Ý. Đây cũng là lần xuất hiện cuối cùng của các CLB Ý trong trận chung kết UEFA Cup/Europa League cho đến khi Inter Milan đạt đến trận chung kết năm 2020. Thập kỷ 2000 bắt đầu với chiến thắng của Galatasaray, đội bóng Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên giành chiếc cúp này. Liverpool giành cúp lần thứ ba vào năm 2001. Năm 2002, Feyenoord lên ngôi vô địch lần thứ hai, đánh bại Borussia Dortmund. Porto đăng quang trong các giải đấu năm 2003 và 2011, trong đó chiến thắng cuộc đối đầu với đội bóng Bồ Đào Nha khác là Braga. Năm 2004, chiếc cúp trở về Tây Ban Nha khi Valencia giành chiến thắng. CSKA Moscow giành chiến thắng vào năm 2005. Sevilla liên tiếp đạt được thành công vào năm 2006 và 2007, trong đó trận chung kết gặp đội bóng Tây Ban Nha khác là Espanyol. Zenit Saint Petersburg giành chiến thắng vào năm 2008. Shakhtar Donetsk của Ukraine giành chiến thắng vào năm 2009, trở thành đội bóng Ukraina đầu tiên đạt được điều này. Từ mùa giải 2009-10, giải đấu đã được đổi tên thành UEFA Europa League. Đồng thời, UEFA Intertoto Cup, giải đấu hạng ba của UEFA, đã bị chấm dứt và sáp nhập vào giải đấu Europa League mới. Atlético Madrid đã giành chiến thắng hai lần trong ba mùa giải, vào năm 2010 và năm 2012, trong đó lần thứ hai là trong một trận chung kết toàn Tây Ban Nha với Athletic Bilbao. Năm 2013, Chelsea trở thành đội vô địch UEFA Champions League đầu tiên giành chức vô địch UEFA Cup/Europa League vào năm tiếp theo. Năm 2014, Sevilla giành chiến thắng lần thứ ba trong vòng tám năm sau khi đánh bại Benfica trong loạt sút luân lưu. Năm 2015, Sevilla giành chiến thắng lần thứ tư trong UEFA Cup/Europa League và, một cách không thể ngờ, họ bảo vệ chức vô địch mùa giải thứ ba liên tiếp bằng cách đánh bại Liverpool trong trận chung kết năm 2016, khiến họ trở thành đội bóng thành công nhất trong lịch sử giải đấu với năm chức vô địch. Atlético giành chức vô địch thứ ba của họ vào năm 2018. Trận chung kết toàn London năm 2019 giữa Chelsea và Arsenal là trận chung kết UEFA Cup/Europa League đầu tiên giữa hai đội bóng từ cùng một thành phố. Sevilla đã thêm một lần vô địch lịch sử thứ sáu vào năm 2020, sau khi đánh bại Inter Milan, và giành chức vô địch lịch sử thứ bảy không ngờ vào năm 2023. Chiếc cúp vô địch Cúp UEFA, còn được gọi là "Coupe UEFA", là đấu trường được trao hàng năm bởi UEFA cho câu lạc bộ bóng đá chiến thắng Giải vô địch bóng đá châu Âu UEFA. Trước mùa giải 2009–10, cả giải đấu và cúp đều được biết đến với tên "Cúp UEFA". Trước khi giải đấu được đổi tên thành UEFA Europa League trong mùa giải 2009–10, quy định của UEFA quy định rằng một câu lạc bộ có thể giữ cúp ban đầu trong một năm trước khi trả lại cho UEFA. Sau khi trả lại, câu lạc bộ có thể giữ một phiên bản thu nhỏ có tỷ lệ bốn năm phần tư của cúp ban đầu. Sau khi giành chiến thắng lần thứ ba liên tiếp hoặc lần thứ năm nói chung, một câu lạc bộ có thể giữ cúp vĩnh viễn. Theo quy định mới, cúp luôn nằm trong quản lý của UEFA. Một bản sao thu nhỏ cỡ đầy đủ của cúp được trao tặng cho mỗi đội chiến thắng giải đấu. Một câu lạc bộ giành chiến thắng ba lần liên tiếp hoặc năm lần nói chung sẽ nhận được biểu hiện danh hiệu nhiều lần chiến thắng. Kể từ mùa giải 2016–17, chỉ có Sevilla mới đạt được danh hiệu để đeo biểu hiện nhiều lần chiến thắng, sau khi đạt được cả hai thành tích yêu cầu vào năm 2016. Cúp được thiết kế và chế tác bởi Silvio Gazzaniga, người cũng đã thiết kế Cúp bóng đá World Cup FIFA, làm việc cho Bertoni, cho trận chung kết Cúp C2 UEFA năm 1972. Nó nặng và được làm bằng bạc trên một bệ đá hoa vàng. Cao , chiếc cúp được tạo thành từ một nền có hai đĩa onyx trong đó có một dải với các lá cờ của các quốc gia thành viên UEFA được chèn vào. Phần dưới của tác phẩm điêu khắc tượng trưng cho những cầu thủ bóng đá theo kiểu tượng trưng và được đặt trên một tấm đá được điêu khắc bằng tay. Âm nhạc Một bản nhạc cho giải, gọi là UEFA Europa League Anthem, sẽ được phát trước mỗi trận đấu tại Europa League tại các sân vận động tổ chức giải và trước mỗi lần truyền hình phát sóng trận đấu của giải cũng có âm nhạc này như một phần của phần mở đầu giải. Bản Anthem đầu tiên của Europa League được sáng tác bởi Yohann Zveig và được ghi âm bởi Paris Opera vào đầu năm 2009. Bản Anthem cho Cúp UEFA sau khi đổi tên đã được chính thức công bố lần đầu tại Grimaldi Forum vào ngày 28 tháng 8 năm 2009 trước lễ bốc thăm chia bảng mùa giải 2009–10. Một bản Anthem mới khác đã được sáng tác bởi Michael Kadelbach và ghi âm tại Berlin, và nó đã ra mắt cùng với việc đổi thương hiệu giải vào đầu mùa giải 2015–16. Một bản Anthem mới do MassiveMusic sáng tác đã được tạo ra từ mùa giải 2018–19. Bản nhạc này cũng được phát trước các trận đấu ở giải UEFA Europa Conference League. Thể thức Mỗi liên đoàn quốc gia thành viên sẽ có 3 câu lạc bộ tham dự, trừ liên đoàn xếp thứ 52-54 chỉ có 2 đội, liên đoàn thứ 55 và Liechtenstein chỉ có một đội tham dự. Dựa trên thành tích từ mùa giải trước, các đội sẽ được vào thẳng vòng bảng hay phải tham gia vòng loại nhánh không vô địch. Các đội bị loại ở vòng loại Champions League cũng sẽ được trao cơ hội ở vòng loại Europa League nhánh vô địch, và 8 đội đứng thứ 3 vòng bảng Champions League cũng sẽ tham dự vòng 32 đội. Trước đây, giải đấu bao gồm vòng loại, vòng bảng 12 bảng 4 đội, vòng 32 đội, vòng 16 đội, tứ kết, bán kết và chung kết. Từ mùa giải 2021/22, thể thức thi đấu có sự thay đổi, số lượng đội tham dự vòng bảng còn 32 đội chia thành 8 bảng đấu và thi đấu 2 lượt đi và về. Kết thúc vòng bảng, 8 đội đứng đầu sẽ vào vòng 16 đội, còn đội xếp thứ 2 vòng bảng sẽ thi đấu 2 trận playoff lượt đi và về với đội xếp thứ 3 vòng bảng UEFA Champions League để chọn ra 8 đội cuối cùng tham dự vòng 16 đội. Vòng 16 đội, tứ kết, bán kết và chung kết, thể thức vẫn giữ nguyên. Tiền thưởng Tương tự như UEFA Champions League, số tiền thưởng mà các câu lạc bộ nhận được được chia thành các khoản thanh toán cố định dựa trên sự tham gia và kết quả, và các khoản khác nhau tùy thuộc vào giá trị thị trường TV của họ. Đối với mùa giải 2021-22, suất tham dự vòng bảng tại Europa League được hưởng mức phí cơ bản là €3.630.000. Một chiến thắng trong vòng bảng €630,000 và một trận hòa €210,000. Ngoài ra, mỗi câu lạc bộ giành vị trí nhất bảng kiếm được €1.100.000 và mỗi câu lạc bộ giành vị trí nhì bảng là €550.000. Việc lọt vào vòng loại trực tiếp sẽ tăng thêm tiền thưởng: €500.000 cho vòng 32, €1.200.000 cho vòng 16, €1.800.000 cho trận tứ kết và €2.800.000 cho trận bán kết. Câu lạc bộ thua trận chung kết nhận được €4.600.000 và câu lạc bộ vô địch nhận được €8.600.000. Đủ điều kiện vào vòng bảng: €3,630,000 Thắng trận trong vòng bảng: €630,000 Hòa trận trong vòng bảng: €210,000 Đầu bảng: €1,100,000 Nhì bảng: €550,000 Vòng play-off loại trực tiếp: €500,000 Vòng 16 đội: €1,200,000 Tứ kết: €1,800,000 Bán kết: €2,800,000 Á quân: €4,600,000 Vô địch: €8,600,000 Tài trợ UEFA Europa League được tài trợ bởi bảy tập đoàn đa quốc gia, có chung đối tác với UEFA Europa Conference League. Các nhà tài trợ chính của giải đấu cho giai đoạn 2021–24: Heineken N.V. Heineken – Heineken 0.0 (trừ Albania, Azerbaijan, Bosnia và Herzegovina, Kazakhstan, Kosovo, Pháp, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ) Just Eat Takeaway 10bis (chỉ ở Israel ) Bistro (chỉ ở Slovakia) Just Eat (chỉ ở Đan Mạch, Pháp, Cộng Hòa Ireland, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland ) Lieferando (chỉ ở Đức và Áo) Grubhub (chỉ ở Hoa Kỳ) SkipTheDishes (chỉ ở Canada) Pyszne (chỉ ở Ba Lan) Takeaway (chỉ ở Bỉ, Bulgaria, Luxembourg và Romania) Thuisbezorgd (chỉ ở Hà Lan) Hankook Tire Laufenn Engelbert Strauss Enterprise Rent-A-Car Swissquote Bwin (ngoại trừ Albania, Azerbaijan, Bosnia và Herzegovina, Kazakhstan, Kosovo và Thổ Nhĩ Kỳ) Entain Foundation Socios.com (chỉ ở Hoa Kỳ) Molten là nhà tài trợ phụ và cung cấp bóng thi đấu chính thức. Kể từ khi ra đời thương hiệu Europa League, giải đấu đã sử dụng hàng rào quảng cáo riêng của mình (trong năm đó, nó ra mắt trong vòng 32) giống như UEFA Champions League. Các hàng rào quảng cáo LED đã ra mắt trong trận chung kết mùa giải 2012–13 và xuất hiện trong mùa giải 2015–16 từ vòng 16 đội. Trong cùng mùa giải, từ vòng bảng trở đi, các đội không được phép hiển thị nhà tài trợ của họ. Hình ảnh này xuất hiện trong mùa giải 2018–19 cho các trận đấu được chọn trong vòng bảng và vòng 32. Các câu lạc bộ có thể mặc áo có quảng cáo, ngay cả khi những nhà tài trợ này xung đột với những nhà tài trợ của Europa League. Hai hợp đồng tài trợ được phép trên mỗi áo (cộng với nhà sản xuất), ở ngực áo và ở tay áo trái. Được phép ngoại lệ cho các tổ chức phi lợi nhuận, có thể xuất hiện ở phía trước áo, được tích hợp với nhà tài trợ chính hoặc ở phía sau áo, hoặc ở dưới số áo hoặc giữa tên cầu thủ và cổ áo. Thống kê Thành tích theo câu lạc bộ Thành tích theo quốc gia Ghi chú A  Bao gồm các câu lạc bộ Tây Đức, không có câu lạc bộ Đông Đức xuất hiện trong một trận chung kết. B  Lần xuất hiện trận chung kết của Nam Tư là bởi câu lạc bộ từ CHXHCN Serbia.
Xem các nghĩa khác tại ho (định hướng) Ho là thành phố tại đông nam Ghana và là thủ đô của vùng Volta. Thành phố nằm gần núi Mount Adaklu và là quê hương của nhà bảo tàng, nhà thờ lớn và nhà giam lớn. Ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất là Ewe. Ho, rất khác so với thủ đô Accra, trông như một làng được vươn lên thành thành phố. Trong khi những con đường nằm trong trung tâm được lát, những con đường nằm ngoài không được. Thành phố Ho có ba bệnh viện, bao gồm Bệnh viện vùng Volta, được khánh thành năm 2000 với tiền cho vay của Chính phủ Anh. Ở đây cũng có nhiều bệnh viện thực hành. Người dân thành phố Ho rất ân cần, và rất cởi mở với du khách và người nước ngoài. Tỷ lệ phạm pháp thấp. Ho cũng có hai quán cà fê internet. Việc nối mạng tỉnh thoảng bị yếu. Ngoài đó, ở đây cũng có nhiều nhà thờ, bao gồm Nhà thờ Thiên chúa giáo nằm tại trung tâm thành phố. Tại đây cũng có thể bắt gặp nhiều quán ăn và nhà hàng, bao gồm cơ sở kinh doanh đặc biệt có tên Ngôi nhà trắng.
Holmium hay còn gọi là honmi là 1 nguyên tố hoá học có ký hiệu Ho và số nguyên tử 67 trong bảng tuần hoàn. Là một thành viên trong nhóm lanthan, holmi là một nguyên tố đất hiếm. Holmi được nhà hóa học Thụy Điển, Per Theodor Cleve, phát hiện. Oxit của nó được cô lập đầu tiên từ các quặng đất hiếm năm 1878 và lúc đó nguyên tố này được đặt theo tên của thành phố Stockholm. Nguyên tố holmi có màu trắng bạc, tương đối mềm và dễ uốn. Nó có tính phản ứng mạnh nên không thể tìm thấy nó ở dạng kim loại trong tự nhiên, nhưng khi bị cô lập, thì tương đối bền trong không khí khô ở nhiệt độ phòng. Tuy vậy, nó dễ dàng phản ứng với nước và tạo gỉ, và cũng sẽ cháy trong không khí khi nung. Holmi được tìm thấy trong các khoáng monazit và gadolinit, và thường được chiết tách thương mại từ monazit dùng công nghệ trao đổi ion. Các hợp chất của nó trong tự nhiên, và hầu hết trong phòng thí nghiệm là các chất oxy hóa hóa trị 3, chứa các ion Ho(III). Các ion Ho hóa trị 3 có tính huỳnh quang giống như các ion đất hiếm khác, và các ion Ho này cũng được sử dụng giống như những ion đất hiếm khác trong các ứng dụng tạo màu thủy tinh và laser. Holmium có độ từ tính cao nhất so với bất kỳ nguyên tố nào và do đó nó được sử dụng làm các miếng nam châm mạnh. Do holmi có khả năng hấp thụ neutron mạnh, nên nó cũng được sử dụng trong các cần điều khiển hạt nhân.
Một đô thị hay thành phố là một khu vực có mật độ gia tăng các công trình kiến trúc do con người xây dựng so với các khu vực xung quanh nó. Đô thị là một trung tâm dân cư đông đúc, có thể là thành phố, thị xã, quận, phường hay thị trấn nhưng thuật từ này thông thường không mở rộng đến các khu định cư nông thôn như làng, xã, huyện, ấp hay bản. Các đô thị được thành lập và phát triển thêm qua quá trình đô thị hóa. Đo đạc tầm rộng của một đô thị sẽ giúp ích cho việc phân tích mật độ dân số, sự mở rộng đô thị, và biết được các số liệu về dân số nông thôn và thành thị. Không như một đô thị, một vùng đô thị không chỉ bao gồm đô thị mà còn bao gồm các thành phố vệ tinh cộng vùng đất nông thôn nằm xung quanh có liên hệ về kinh tế xã hội với thành phố đô thị cốt lõi, tiêu biểu là mối quan hệ từ công ăn việc làm đến việc di chuyển hàng ngày ra vào mà trong đó thành phố đô thị cốt lõi là thị trường lao động chính. Thật vậy, các đô thị thường kết hợp và phát triển như trung tâm hoạt động kinh tế/dân số trong một vùng đô thị lớn hơn. Các vùng đô thị thường thường được định nghĩa bằng việc sử dụng các quận (như ở Hoa Kỳ) hoặc các đơn vị chính trị cấp quận làm đơn vị nền tảng. Quận có chiều hướng hình thành các ranh giới chính trị bất di bất dịch. Các kinh tế gia thường thích làm việc với các thống kê xã hội và kinh tế dựa vào các vùng đô thị. Các đô thị được dùng để thống kê thích hợp hơn trong việc tính toán việc sử dụng tỉ lệ đất quân bình trên đầu người và mật độ dân cư (theo Dumlao & Felizmenio 1976). Các định nghĩa Định nghĩa về đô thị thì khác nhau tại các quốc gia khác nhau. Thông thường mật độ dân số tối thiểu cần thiết để được gọi là một đô thị phải là 400 người trên một cây số vuông hay 1000 người trên một dặm vuông Anh. Các quốc gia châu Âu định nghĩa đô thị dựa trên cơ bản việc sử dụng đất thuộc đô thị, không cho phép có một khoảng trống tiêu biểu nào lớn hơn 200 mét. Dùng không ảnh chụp từ vệ tinh thay vì dùng thống kê từng khu phố để quyết định ranh giới của đô thị. Tại các quốc gia kém phát triển, ngoài việc sử dụng đất và mật độ dân số nhất định nào đó, một điều kiện nữa là phần đông dân số, thường là 75% trở lên, không có hành nghề nông nghiệp hay đánh cá. Việt Nam Tại Việt Nam hiện có sáu loại hình đô thị: loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, loại IV, loại V. Theo Nghị định số 42/2009/NĐ-CP, một đơn vị hành chính để được phân loại là đô thị thì phải có các tiêu chuẩn cơ bản như sau: Có chức năng đô thị. Quy mô dân số toàn đô thị đạt 4 nghìn người trở lên. Mật độ dân số phù hợp với quy mô, tính chất và đặc điểm của từng loại đô thị và được tính trong phạm vi nội thành, nội thị, riêng đối với thị trấn thì căn cứ theo các khu phố xây dựng tập trung. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp (tính trong phạm vi ranh giới nội thành, nội thị, khu vực xây dựng tập trung) phải đạt tối thiểu 65% so với tổng số lao động. Đạt được các yêu cầu về hệ thống công trình hạ tầng đô thị (gồm hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật). Đạt được các yêu cầu về kiến trúc, cảnh quan đô thị. Tính đến này 27 tháng 5 năm 2019, tại Việt Nam có 833 đô thị, bao gồm 2 đô thị loại đặc biệt, 20 đô thị loại I, 29 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 85 đô thị loại IV và 652 đô thị loại V. Úc Tại Úc, các đô thị thường được ám chỉ là các "trung tâm thành thị" và được định nghĩa như là những khu dân cư chen chúc có từ 1000 người trở lên và mật độ dân cư phải tối thiểu là 200 người trên một cây số vuông. Canada Tại Canada, một đô thị là một vùng có trên 400 người trên một cây số vuông và tổng số dân phải trên 1.000 người. Nếu có hai đô thị hoặc nhiều hơn trong phạm vi 2 km của nhau, các đô thị này được nhập thành một đô thị duy nhất. Các ranh giới của một đô thị không bị ảnh hưởng bởi ranh giới của các khu tự quản (thành phố) hoặc thậm chí là ranh giới tỉnh bang. Trung Quốc Tại Trung Quốc, một đô thị là một khu thành thị, thành phố và thị trấn có mật độ dân số hơn 1.500 người trên một cây số vuông. Đối với các khu thành thị có mật độ dân số ít hơn 1.500 người trên một cây số vuông thì chỉ dân số sống trong các đường phố, nơi có dân cư đông đúc, các làng lân cận nhau được tính là dân số thành thị. Pháp Tại Pháp, một đô thị là một khu vực bao gồm một vùng phát triển do xây cất (gọi là một "đơn vị thành thị" (unité urbaine) - gần giống như cách định nghĩa của đô thị Bắc Mỹ và các vùng vành đai ngoại ô (couronne périurbaine). Mặc dù cách dịch chính thức thuật từ aire urbaine của INSEE là "urban area" trong tiếng Anh, đa số người Bắc Mỹ sẽ nhận thấy rằng nó tương tự với định nghĩa về vùng đô thị của mình. Thụy Sĩ Tại Thụy Sĩ chỉ có những đơn vị hành chánh được gọi là thành phố, hoặc là nó có hơn 10 ngàn dân hoặc dưới thời Trung cổ nó được ban cho quyền được gọi là thành phố. Nhật Bản Tại Nhật Bản, các đô thị được định nghĩa như là các vùng cận kề nhau gồm các khu dân cư đông đúc. Điều kiện cần thiết là đô thị phải có mật độ dân số trên 4.000 người trên một cây số vuông. New Zealand Cục thống kê New Zealand định nghĩa đô thị New Zealand cho các mục đích thống kê. Chúng là các khu định cư có dân số trên 1000 người. Ba Lan Tại Ba Lan, định nghĩa chính thức về "đô thị" đơn giản là ám chỉ đến các địa phương có danh xưng là thị trấn, thành phố. Vùng "nông thôn" là những vùng nằm ngoài ranh giới của các thị trấn này. Sự phân biệt đơn giản này có thể gây nhầm lẫn trong một số trường hợp vì một số địa phương có danh xưng làng xã có thể có dân số đông hơn các thị trấn nhỏ. Hoa Kỳ Tại Hoa Kỳ, có hai loại khu đô thị. Thuật từ urbanized area dùng để chỉ một khu đô thị có từ 50.000 dân trở lên. Các khu đô thị dưới 50.000 dân được gọi là urban cluster. Cụm từ Urbanized areas được sử dụng lần đầu tiên tại Hoa Kỳ trong cuộc điều tra dân số năm 1950 trong khi cụm từ urban cluster được thêm vào trong cuộc điều tra dân số năm 2000. Có khoảng 1371 khu đô thị trên 10.000 người tại Hoa Kỳ. Cục điều tra dân số Hoa Kỳ định nghĩa một khu đô thị như "những cụm thống kê cốt lõi có mật độ dân số ít nhất là 1.000 người trên một dặm vuông Anh hay 386 người trên một cây số vuông và những cụm thống kê xung quanh nó có tổng mật độ dân số ít nhất là 500 người trên một dặm vuông hay 193 người trên một cây số vuông." Khái niệm về khu đô thị được Cục điều tra dân số Hoa Kỳ định nghĩa thường được dùng như thước đo chính xác hơn diện tích của một thành phố vì trong các thành phố khác nhau cũng như tiểu bang khác nhau, đường phân giới giữa các ranh giới thành phố và khu đô thị của thành phố đó thường không như nhau. Thí dụ, thành phố Greenville, Nam Carolina có dân số thành phố dưới 60.000 nhưng khu đô thị có trên 300.000 người trong khi đó Greensboro, Bắc Carolina có dân số thành phố trên 200.000 nhưng dân số khu đô thị khoảng 270.000. Điều đó có nghĩa là Greenville thật sự "lớn hơn" theo một số ý nghĩa và mục đích nào đó nhưng không phải theo một số ý nghĩa và mục đích khác, thí dụ như thuế, bầu cử địa phương. Khoảng 70% dân số Hoa Kỳ sống bên trong ranh giới của các khu đô thị (210 trong số 300 triệu người). Tổng cộng thì các khu đô thị này chiếm khoảng 2% diện tích Hoa Kỳ. Phần lớn cư dân đô thị là những người sống ở ngoại ô. Cư dân sống trong thành phố trung tâm cốt lõi chiếm khoảng 30% dân số khu đô thị (khoảng 60 trong 210 triệu người). Đô thị và nông thôn dưới khía cạnh xã hội học Khái niệm đô thị dưới khía cạnh xã hội học Dưới khía cạnh xã hội học, đô thị và nông thôn là hai khái niệm về mặt nội dung có hàng loạt đặc điểm có tính đối lập nhau. Các nhà xã hội học đã đưa ra rất nhiều cơ sở khác nhau để phân biệt đô thị và nông thôn. Sự phân chia đó có thể dựa trên cơ sở các lĩnh vực hoạt động sống của xã hội như lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, giao thông, vận tải, dịch vụ,... hoặc dựa trên các thiết chế chủ yếu của xã hội như thiết chế kinh tế, văn hóa, giáo dục, chính trị, gia đình,... hoặc theo các nhóm, các giai cấp, tầng lớp xã hội, hay theo bình diện lãnh thổ. Cũng có một số nhà lý luận xã hội học lại cho rằng, để phân biệt giữa đô thị và nông thôn theo sự khác biệt giữa chúng về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Như về mặt kinh tế thì giữa đô thị và nông thôn có sự khác biệt về lao động, nghề nghiệp, mức độ và cách thu nhập về dịch vụ, v.v... Về mặt xã hội thì đó là sự khác biệt trong lối sống, giao tiếp, văn hóa, gia đình, mật độ dân số, nhà ở, v.v... Về mặt môi trường thì chủ yếu ở đây là môi trường tự nhiên, mức độ ô nhiễm, v.v... Nhấn mạnh từ góc độ xã hội thì cả đô thị và nông thôn đều được coi là những hệ thống xã hội, những cộng đồng xã hội có những đặc trưng riêng biệt như những xã hội nhỏ và trong đó có đầy đủ các yếu tố, các vấn đề xã hội và các thiết chế xã hội. Vì vậy, trước hết đô thị và nông thôn cần được xem xét như một cơ cấu xã hội, trong đó có hàng loạt các yếu tố, các lĩnh vực nằm trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Để xác định đô thị và nông thôn dễ dàng được chấp nhận, là việc coi đô thị và nông thôn như các hệ hệ thống xã hội được phân biệt theo ba đặc trưng cơ bản sau: Về các nhóm giai cấp, tầng lớp xã hội thì ở đô thị đặc trưng chủ yếu là giai cấp công nhân, ngoài ra còn có các tầng lớp giai cấp khác như tư sản, thợ thủ công, viên chức, trí thức, v.v... Còn đối với nông thôn thì đặc trưng chủ yếu ở đây là nông dân, ngoài ra ở từng xã hội còn có các giai cấp, tầng lớp như địa chủ, phú nông, nhóm thợ thủ công nghiệp, buôn bán nhỏ, v.v... Về lĩnh vực sản xuất chủ yếu ở đô thị có đặc trưng là sản xuất công nghiệp; ngoài ra, còn có các lĩnh vực khác như dịch vụ, thương nghiệp, sản xuất tinh thần, v.v... Còn đối với nông thôn thì đặc trưng rõ nét nhất là sản xuất nông nghiệp; ngoài ra, còn phải kể đến cấu trúc phi nông nghiệp bao gồm: dịch vụ, buôn bán, tiểu thủ công nghiệp mà có vai trò rất lớn đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Về lối sống, văn hóa của từng loại cộng đồng, thì đối với nông thôn thường rất đặc trưng với lối sống văn hóa của cộng đồng làng xã mà được phân biệt rất rõ ràng với lối sống thị dân đặc trưng cho khu vực đô thị. Đặc trưng này có rất nhiều khía cạnh để chỉ ra sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn: từ hệ thống dịch vụ, sự giao tiếp, đời sống tinh thần, phong tục, tập quán, hệ giá trị, chuẩn mực cho hành vi,... đến khía cạnh dân số, lối sống gia đình, sinh hoạt kinh tế,... ngay cả đến hệ thống đường sá, năng lượng, nhà ở đều nói lên đây là hai cộng đồng có các khía cạnh văn hóa, lối sống tách biệt nhau. Đây là đặc trưng cơ bản nhất về mặt xã hội học khi phân tích sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn. Chính đặc trưng thứ ba đã tạo ra bản sắc riêng, diện mạo riêng cho hai hệ thống xã hội đô thị và nông thôn. Xã hội học đô thị
Cầu Thê Húc là cây cầu ở hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, thủ đô của Việt Nam. Nối từ Hồ Hoàn Kiếm ra hòn đảo nhỏ nơi có đền Ngọc Sơn, cây cầu này màu đỏ son, làm bằng gỗ, có nhiều trụ liên tiếp. Cầu được Thần Siêu Nguyễn Văn Siêu xây dựng vào năm 1865. Tên của cầu có nghĩa là "nơi đậu ánh sáng Mặt Trời buổi sáng sớm" hay "Ngưng tụ hào quang" (棲旭). Lịch sử Năm 1865 dưới triều Tự Đức, Nguyễn Văn Siêu cho xây cầu nối bờ với đền Ngọc Sơn và đặt tên nó là Thê Húc (nghĩa là "giọt ánh sáng đậu lại" hay "Ngưng tụ hào quang"). Cầu gồm 15 nhịp, có 32 chân cột gỗ tròn xếp thành 16 đôi, mặt cầu lát ván, thành sơn màu đỏ sẫm, chữ Thê Húc được thếp vàng. Cầu đã trải qua hai lần tái thiết kể từ khi hoàn tất. Lần thứ nhất là vào năm 1865 triều Thành Thái. Lần thứ nhì là vào năm 1952 dưới thời thị trưởng Thẩm Hoàng Tín (nhiệm kỳ 2/1950-8/1952) sau khi một nhịp cầu gãy vào đêm Giao thừa năm Nhâm Thìn 1952 vì khách đi lễ đền Ngọc Sơn quá đông. Dưới sự giám sát của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng cầu được xây lại thay vì bằng gỗ thì móng cầu được đúc lại bằng xi măng năm 1953 dưới thời thị trưởng Đỗ Quang Giai (nhiệm kỳ 8/1952-10/1954). Kết cấu Cầu Thê Húc xưa kia được làm bằng gỗ rất thô sơ và sơn màu đỏ. Năm 1952 thị trưởng Hà Nội lúc đó là Thẩm Hoàng Tín đã cho phá bỏ cầu cũ, xây cầu mới sau vụ cầu sập, sử dụng thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm. Cầu được thiết kế vẫn với dáng cầu vòng nhưng độ cong lớn hơn cầu cũ, vẫn giữ nguyên 16 hàng cọc; các dầm ngang và dọc đúc bằng bê tông. Mặt cầu và thành cầu vẫn là gỗ. Cầu Thê Húc hướng về phía đông, hướng về phía mặt trời mọc để đón được toàn vẹn nguồn dưỡng khí. Với ý nghĩa nên xưa nay cây cầu mang màu đỏ - màu của sự sống, của mọi nguồn hạnh phúc, của ước vọng truyền đời từ thời cổ đại đến nay - cây cầu Thê Húc - biểu tượng của thần mặt trời. Cả một quần thể di tích nằm trong không gian đầy huyền thoại của Hồ Gươm đều mang dấu ấn về tín ngưỡng thờ thần mặt trời. Từ Đài nghiên, Tháp bút cho đến cây cầu Thê Húc... từ việc chọn hướng đến cấu trúc, màu sắc, biểu tượng cho đến sự liên hoàn giữa các di tích đều ẩn chứa yếu tố linh thiêng này. Một góc nhìn khác - góc nhìn của thẩm mỹ dân gian thì cây cầu Thê Húc chỉ có thể có một cách chọn lựa duy nhất là sơn màu đỏ, không thể khác. Với điều này, xin được lược trích ý kiến của ông cháu nhà phê bình mỹ học Vũ Ngọc Anh: "... Đúng là cái cầu này đứng giữa thanh thiên bạch nhật thì lúc nào nó chẳng có ánh nắng rọi vào. Tứ thời bát tiết, trong những khung cảnh riêng nào đấy, hình bóng nó cũng mỗi lúc một khác..."
Trình ứng dụng PHP là các chương trình ứng dụng cho webstie như Cổng giao tiếp điện tử (Portal), Diễn đàn,... được viết bằng mã PHP Các Trình ứng dụng PHP thông dụng Portal - CMS system Portal là một hình ứng dụng Web theo giao thức một cửa. Có rất nhiều loại Portal, phổ biến là: PHP-Nuke là trình ứng dụng dành cho Cổng giao tiếp điện tử http://www.phpnuke.com NukeViet là Portal mã nguồn mở do người Việt phát triển, phiên bản NukeViet 1.0 được việt hóa từ PHP-Nuke. Phiên bản 3.0 NukeViet đã được thiết kế mới dựa trên những chuẩn công nghệ mới nhất. Website của NukeViet: http://nukeviet.vn PostNuke là trình ứng dụng được phát triển từ PHPNuke PHPWiki là một trình ứng dụng mới, cho phép người ta tạo các thư viện hoặc từ điển trực tuyến http://phpwiki.sf.net Mambo 4.5.2 (Mambo Việt hóa & MamboViet) Joomla 1.0.8 (Joomla Việt hóa) RunCms 1.3: http://www.runcms.org Drupal (Một Portal ít phổ biến ở Việt Nam) Plone (1 ứng dụng CMS) Subdreamer cũng là một ứng dụng CMS, dễ tích hợp với các Forum khác nhưng có giá khá đắt (khoảng 200$) Forum IPB là trình ứng dụng Diễn đàn của Công ty Invision Power, từ bản 2.0 nó trở thành một mã nguồn thương mại http://www.invisionpower.com PHPBB là mã nguồn Forum miễn phí rất phát triển. Phiên bản mới nhất của PHPBB là PHPBB 3.0 có nhiều điểm vượt trội so với các mã nguồn thương mại. Trang chủ PHPBB vBulletin là một mã nguồn thương mại của Jelsoft Enterprises Ltd. Trang chủ vBulletin
Quan hệ tình dục (; ), còn gọi là quan hệ tình dục đường âm đạo, làm tình, giao hợp hoặc giao cấu, phòng the, ân ái, giao hoan, mây mưa, làm chuyện ấy, là hành vi đưa bộ phận sinh dục nam/đực vào bên trong bộ phận sinh dục nữ/cái nhằm mục đích tạo khoái cảm tình dục, sinh sản, hoặc cả hai. Các biến thể khác của hành vi tình dục này bao gồm: tình dục hậu môn (dương vật xâm nhập hậu môn), tình dục bằng miệng (dương vật xâm nhập vào miệng hoặc miệng xâm nhập cơ quan sinh dục nữ), ngón tay (xâm nhập tình dục bằng ngón tay) và xâm nhập sử dụng một dương vật giả (đặc biệt là dương vật giả với một dây đeo). Các hoạt động này liên quan đến sự gần gũi về thân thể giữa hai hoặc nhiều cá thể và thường được con người sử dụng chỉ vì sự vui thú về thể chất hoặc tinh thần và có thể giúp cho quan hệ giữa họ trở nên thân thiết và bền chặt. Có những quan điểm khác nhau về cấu thành quan hệ tình dục hoặc các hành vi tình dục của con người, mà có thể tạo ra các quan điểm khác nhau về sức khỏe tình dục. Mặc dù thuật ngữ quan hệ tình dục về bản chất là sự xâm nhập của dương vật vào âm đạo và có khả năng tạo ra con cái, nhưng thuật ngữ này cũng thường dùng để chỉ hành vi tình dục bằng miệng và tình dục hậu môn, nhất là tình dục qua hậu môn. Thuật ngữ này thường được định nghĩa là hành vi tình dục xâm nhập, trong khi tình dục không xâm nhập (như thủ dâm cho nhau, sử dụng bàn tay xoa vuốt dương vật, đưa dương vật cọ xát vào cặp vú của người nữ, hoặc liếm âm hộ, liếm dương vật) được coi là tình dục bên ngoài, nhưng tình dục không xâm nhập cũng có thể được coi là một hành vi quan hệ tình dục. Thuật ngữ tình dục (thường là một từ viết tắt cho quan hệ tình dục) có thể dùng để gọi bất kỳ hình thức hoạt động tình dục nào. Vì con người có thể có nguy cơ nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong quá trình thực hiện các hoạt động này, nên có khuyến cáo thực hiện các hoạt động tình dục an toàn mặc dù nguy cơ lây truyền giảm đáng kể với tình dục không xâm nhập. Các cơ quan pháp luật khác nhau đã đặt ra các quy định pháp luật trừng trị các hành vi tình dục nhất định do vi phạm chuẩn mực đạo đức, chẳng hạn như loạn luân, hành vi tình dục với trẻ vị thành niên (ấu dâm), mại dâm, hiếp dâm, thủ dâm, kê gian, đồng tính luyến ái, tình dục trước hôn nhân và ngoại tình. Các niềm tin tôn giáo cũng đóng vai trò đáng kể trong các quyết định cá nhân về quan hệ tình dục hoặc các hành vi tình dục khác, như các quan niệm về trinh tiết, với các chính sách về pháp luật và xã hội cũng có ảnh hưởng. Quan điểm của tôn giáo về tình dục khác nhau rất nhiều theo từng tôn giáo và các nhánh khác nhau của cùng một tôn giáo, mặc dù chúng cũng có các điểm tương đồng, chẳng hạn như việc cấm đoán thông gian. Hoạt động tình dục nhằm mục đích sinh sản giữa các loài vật (không phải con người) được gọi thành giao phối, và tinh trùng có thể được đưa vào cơ quan sinh dục cái theo các cách không qua âm đạo, chẳng hạn như tình dục thông qua lỗ huyệt. Đối với hầu hết động vật lớp Thú, việc tìm bạn tình và hoạt động tình dục diễn ra tại thời điểm của chu kỳ động dục (giai đoạn dễ thụ thai nhất trong chu kỳ sinh dục của giống cái), giúp làm tăng cơ hội thụ tinh trong. Tuy nhiên, vượn bonobo, cá heo và tinh tinh là các loài có quan hệ tình dục không phụ thuộc vào việc giống cái có đang động dục hay không và các hoạt động đồng tính luyến ái. Giống như con người quan hệ tình dục chủ yếu vì khoái cảm, hành vi này ở các loài vật nhắc đến ở trên được cho là cũng vì khoái cảm tình dục, và là một nhân tố đóng góp cho việc thắt chặt quan hệ xã hội trong cộng đồng của chúng. Hành vi Định nghĩa Quan hệ tình dục có thể được gọi là giao hợp âm đạo, quan hệ tình dục qua đường âm đạo, giao hợp, giao phối, giao cấu,... dùng để chỉ sự thâm nhập dương vật-âm đạo. Quan hệ tình dục qua đường âm đạo cũng có thể dùng để chỉ bất kỳ hoạt động tình dục âm đạo nào, đặc biệt là tình dục xâm nhập, bao gồm cả hoạt động tình dục giữa các cặp đồng tính nữ. Giao phối, ngược lại, thường xuyên hơn biểu thị quá trình giao phối, đặc biệt là đối với động vật không phải con người; nó có thể có nghĩa là một loạt các hoạt động tình dục giữa các cặp khác giới hoặc đồng giới, nhưng nói chung có nghĩa là hành vi sinh sản hữu tính của việc chuyển tinh trùng từ con đực sang con cái hoặc sinh sản tình dục giữa nam và nữ. Mặc dù quan hệ tình dục dùng để chỉ giao hợp dương vật-âm đạo, nhưng thuật ngữ này cũng có thể được hiểu theo nghĩa rộng và có thể bao gồm bất kỳ hoạt động tình dục xâm nhập hoặc không xâm nhập giữa hai hoặc nhiều người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố rằng các ngôn ngữ và văn hóa không phải tiếng Anh sử dụng các từ khác nhau cho hoạt động tình dục, "với ý nghĩa hơi khác nhau". Nhiều từ thô tục, tiếng lóng và uyển ngữ được sử dụng để quan hệ tình dục hoặc hoạt động tình dục khác, chẳng hạn như fuck, phịch, và cụm từ "ngủ cùng". Luật pháp của một số quốc gia sử dụng uyển ngữ "đụng chạm xác thịt". Xâm nhập của âm đạo với dương vật cương cứng được gọi là có sự xâm nhập vào, hoặc bằng tên Latinh immissio penis (tiếng Latinh nghĩa là "đưa dương vật vào"). Độ tuổi quan hệ tình dục đầu tiên được gọi là sexarche. Quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn và miệng được công nhận là các hình thức quan hệ tình dục thường xuyên hơn so với các hành vi tình dục khác. Mặc dù các hoạt động tình dục âm đạo không xâm nhập và không đưa dương vật vào có thể được coi là quan hệ tình dục, chúng có thể được coi là một biện pháp duy trì trinh tiết (đôi khi được gọi là "trinh tiết kỹ thuật") hoặc được gắn nhãn "giao hợp ngoài", dù cho có thâm nhập, thường xảy ra đối với quan hệ tình dục bằng miệng hơn là quan hệ tình dục qua đường hậu môn. Mất trinh thường dựa vào giao hợp dương vật-âm đạo, một phần vì các cặp vợ chồng dị tính có thể quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc miệng không chỉ vì khoái cảm tình dục, mà còn là một cách để duy trì trinh tiết nếu họ không tham gia vào hành vi sinh sản của giao hợp. Một số người đồng tính nam coi việc cọ xát các cơ quan sinh dục hoặc quan hệ tình dục bằng miệng là một cách để duy trì trinh tiết của họ, với sự thâm nhập của dương vật-hậu môn được coi như quan hệ tình dục và mất trinh tiết, trong khi nam giới đồng tính khác có thể xem xét việc cọ xát dương vật hoặc quan hệ tình dục bằng miệng là hình thức hoạt động tình dục chủ yếu. Đồng tính nữ có thể phân loại quan hệ tình dục bằng miệng hoặc dùng ngón tay như là quan hệ tình dục và sau đó là một hành động mất trinh tiết, hoặc cọ xát âm hộ với nhau như một hình thức chủ yếu của hoạt động tình dục. Các nhà nghiên cứu thường sử dụng quan hệ tình dục để biểu thị giao hợp dương vật- âm đạo trong khi sử dụng các từ cụ thể, chẳng hạn như quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc quan hệ tình dục bằng miệng, cho các hành vi tình dục khác. Các học giả Richard M. Lerner và Laurence Steinberg nói rằng các nhà nghiên cứu cũng "hiếm khi tiết lộ" cách họ khái niệm hóa tình dục "hoặc thậm chí việc liệu họ có giải quyết được những khác biệt tiềm tàng" trong khái niệm về tình dục hay không. Lerner và nhà nghiên cứu thuộc tính Steinberg tập trung vào quan hệ tình dục âm đạo-dương vật cho thấy "mối bận tâm của nền văn hóa lớn hơn với hình thức hoạt động tình dục này" và đã bày tỏ lo ngại rằng "sự đồng nhất rộng rãi của khái niệm giao hợp âm đạo với tình dục phản ánh sự thất bại trong việc kiểm tra một cách có hệ thống về việc hiểu biết của người trả lời về câu hỏi [về hoạt động tình dục] có phù hợp với những gì nhà nghiên cứu đang suy xét trong đầu không". Trọng tâm này cũng có thể loại bỏ các hình thức hoạt động tình dục khác thành các màn dạo đầu hoặc góp phần khiến chúng không bị coi là "tình dục thực sự" và hạn chế ý nghĩa của hiếp dâm. Cũng có thể là việc kết hợp khái niệm hoạt động tình dục với giao hợp âm đạo và chức năng tình dục đã làm cản trở và hạn chế thông tin về các hành vi tình dục mà những người không dị tính có thể thực hiện, hoặc thông tin về người dị tính có thể tham gia vào các hoạt động tình dục không phải là dương vật-âm đạo. Các nghiên cứu liên quan đến ý nghĩa của quan hệ tình dục đôi khi mâu thuẫn với nhau. Trong khi hầu hết các nghiên cứu này coi giao hợp âm đạo-dương vật là quan hệ tình dục, việc giao hợp qua đường hậu môn hay đường miệng được coi là quan hệ tình dục vẫn còn nhiều tranh cãi, với xếp hạng quan hệ tình dục bằng miệng là thấp nhất. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) tuyên bố vào năm 2009 rằng "mặc dù chỉ có dữ liệu quốc gia hạn chế về tần suất thanh thiếu niên quan hệ tình dục bằng miệng, một số dữ liệu cho thấy nhiều thanh thiếu niên quan hệ tình dục bằng miệng không coi đó là 'tình dục'; do đó, các thanh thiếu niên có thể quan hệ tình dục bằng miệng như một lựa chọn để trải nghiệm tình dục trong khi tự nhủ là mình vẫn còn chưa làm tình". Liên quan đến tính đặc thù của các câu hỏi liên quan đến hoạt động tình dục ảnh hưởng đến ý nghĩa của quan hệ tình dục hoặc các hành vi tình dục khác, một số coi việc "quan hệ tình dục" là việc người đàn ông đạt cực khoái hay không và kết luận rằng việc không đạt cực khoái dẫn đến hành vi là không cấu thành quan hệ tình dục. Sử dụng bao cao su cũng là một yếu tố, với một số nam giới nói rằng hoạt động tình dục với bao cao su bảo vệ không phải là "tình dục thực sự" hay "chơi thật". Quan điểm này có thể phổ biến hơn ở các thế hệ đàn ông lớn tuổi (từ 65 tuổi trở lên), và là quan điểm phổ biến ở nam giới ở Châu Phi, trong đó hoạt động tình dục với bao cao su bảo vệ thường được coi là giống bị thiến bởi vì bao cao su ngăn chặn dương vật trực tiếp tiếp xúc với bộ phận sinh dục nữ giới. Kích thích Quan hệ tình dục hoặc hoạt động tình dục khác có thể bao gồm các yếu tố kích thích tình dục khác nhau, bao gồm các tư thế quan hệ tình dục khác nhau (như tư thế truyền giáo, tư thế quan hệ tình dục phổ biến nhất của con người) hoặc sử dụng đồ chơi tình dục. Màn dạo đầu có thể đi trước một số hoạt động tình dục, thường dẫn đến hưng phấn tình dục của đối tác và dẫn đến sự cương cứng của dương vật hoặc sự bôi trơn tự nhiên của âm đạo. Mọi người cũng thường xuyên thỏa mãn tình dục bằng cách hôn, đụng chạm gợi tình, hoặc ôm nhau trong khi quan hệ tình dục. Ở hầu hết các động vật có vú, giải phẫu của các cơ quan sinh sản và một số mạch của hệ thần kinh được tổ chức chuyên dụng cho việc giao hợp dị tính. Sự giao hợp tương ứng với một chuỗi các phản xạ tình dục bẩm sinh: cương cứng, bôi trơn âm đạo, hành vi chịu đực, bất động, xâm nhập, co thắt cơ xương chậu và xuất tinh. Những phản xạ điều hòa này được kiểm soát bởi các hormone và được tạo điều kiện bằng các pheromone tình dục. Trong họ Người, bao gồm cả con người, một số yếu tố sinh học kiểm soát sự giao hợp đã được sửa đổi. Những thay đổi trong kiểm soát sinh học thần kinh của giao hợp là đặc biệt rõ ràng ở con cái. Con cái không phải họ linh trưởng chỉ giao hợp khi ở trạng thái động dục, nhưng phụ nữ có thể giao hợp bất cứ lúc nào trong chu kỳ kinh nguyệt. Pheromone giới tính tạo điều kiện cho các phản xạ tình dục,, nhưng ở người, việc phát hiện pheromone bị suy yếu và chúng chỉ có tác dụng nhỏ còn lại. Con cái không phải linh trưởng đặt mình vào vị trí chịu đực và giữ mình bất động, nhưng những phản xạ vận động trong tình dục này không còn hoạt động ở phụ nữ. Không giống như giao hợp với động vật có vú, trong đó giao hợp là một phản xạ được hormone kiểm soát và bị pheromone điều chỉnh, quan hệ tình dục ở người chủ yếu là một hoạt động tự nguyện và học hỏi, mà được thực hiện để có được phần thưởng tình dục (ví dụ, khoái cảm hoặc sinh sản). Trong quá trình giao hợp, các bạn tình uốn cong hông của họ để cho phép dương vật di chuyển qua lại trong âm đạo để gây ra ma sát, nhưng không rút hoàn toàn dương vật ra ngoài. Bằng cách này, họ kích thích bản thân và lẫn nhau, thường tiếp tục cho đến khi đạt được cực khoái ở một hoặc cả hai đối tác. Đối với con cái, việc kích thích âm vật đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động tình dục; 70% - 80% phụ nữ yêu cầu kích thích âm vật trực tiếp để đạt cực khoái, mặc dù kích thích âm vật gián tiếp (ví dụ, thông qua giao hợp âm đạo) cũng có thể là đủ (xem cực khoái ở nữ). Bởi vì điều này, một số cặp vợ chồng có thể tham gia vào người phụ nữ ở vị trí cao nhất hoặc kỹ thuật căn chỉnh tư thế tình dục, một kỹ thuật kết hợp biến thể "cưỡi cao" của vị trí truyền giáo với các động tác chống áp lực được thực hiện bởi mỗi đối tác theo nhịp với thâm nhập tình dục, để tối đa hóa việc kích thích âm vật. Quan hệ tình dục qua đường hậu môn liên quan đến việc kích thích hậu môn, khoang hậu môn, van cơ thắt hoặc trực tràng; Nó phổ biến nhất có nghĩa là đưa dương vật của người đàn ông vào trực tràng của người khác, nhưng cũng có thể có nghĩa là sử dụng đồ chơi tình dục hoặc ngón tay để thâm nhập vào hậu môn, hoặc quan hệ tình dục bằng miệng trên hậu môn (liếm hậu môn) hoặc pegging. Quan hệ tình dục bằng miệng bao gồm tất cả các hoạt động tình dục liên quan đến việc sử dụng miệng và cổ họng để kích thích bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Đôi khi nó được thực hiện để loại trừ tất cả các hình thức hoạt động tình dục khác, và có thể bao gồm cả việc nuốt hoặc hấp thụ tinh dịch (khi liếm dương vật) hoặc dịch âm đạo (khi liếm âm hộ). Dùng ngón tay liên quan đến thao tác bằng tay kích thích âm vật, phần còn lại của âm hộ, âm đạo hoặc hậu môn cho mục đích khêu gợi hứng tình và kích thích tình dục; nó có thể chiếm toàn thời gian cuộc gặp gỡ tình dục hoặc nó có thể là một phần của việc thủ dâm lẫn cho nhau, màn dạo đầu hoặc các hoạt động tình dục khác. Sinh sản Sinh sản tự nhiên của con người liên quan đến sự xâm nhập vào âm đạo của dương vật, trong đó tinh dịch, chứa giao tử đực được gọi là tế bào tinh trùng, bị tống ra ngoài thông qua xuất tinh từ dương vật vào âm đạo. Con đường tiếp theo của tinh trùng chạy từ vòm âm đạo là qua cổ tử cung và vào tử cung, sau đó vào ống dẫn trứng (ống Fallop). Hàng triệu tinh trùng có mặt trong mỗi lần xuất tinh, để tăng cơ hội thụ tinh cho trứng hoặc noãn (xem sự cạnh tranh của tinh trùng). Khi một noãn có khả năng sinh sản từ con cái có mặt trong ống dẫn trứng, giao tử đực kết hợp với noãn, dẫn đến thụ tinh và hình thành phôi mới. Khi một noãn được thụ tinh đến được tử cung, nó sẽ được cấy vào niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung) và bắt đầu quá trình mang thai. Tỷ lệ mang thai khi quan hệ tình dục là cao nhất trong thời gian chu kỳ kinh nguyệt từ khoảng 5 ngày trước cho đến 1 đến 2 ngày sau khi rụng trứng. Để có cơ hội mang thai tối ưu, có khuyến nghị về quan hệ tình dục cứ sau 1 hoặc 2 ngày, hoặc cứ sau 2 hoặc 3 ngày. Các nghiên cứu đã cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa các tư thế giới tính khác nhau và tỷ lệ mang thai, miễn là nó dẫn đến xuất tinh vào âm đạo. Khi người hiến tinh trùng có quan hệ tình dục với người phụ nữ không phải là bạn tình của mình và với mục đích duy nhất là thụ thai cho người phụ nữ, điều này có thể được gọi là thụ tinh tự nhiên, trái ngược với thụ tinh nhân tạo. Thụ tinh nhân tạo là một hình thức công nghệ hỗ trợ sinh sản, là phương pháp được sử dụng để mang thai bằng phương pháp nhân tạo hoặc một phần nhân tạo. Đối với thụ tinh nhân tạo, người hiến tinh trùng có thể hiến tinh trùng của họ thông qua ngân hàng tinh trùng, và việc thụ tinh được thực hiện với mục đích rõ ràng là cố gắng thụ thai nữ; đến mức này, mục đích của nó là tương đương với quan hệ tình dục về mặt y tế. Phương pháp sinh sản cũng mở rộng cho các cặp đồng tính nam và đồng tính nữ. Đối với các cặp đồng tính nam, có lựa chọn mang thai thay thế; Đối với các cặp đồng tính nữ, có sự thụ tinh của người hiến tặng ngoài việc chọn mang thai thay thế. Quan hệ tình dục an toàn và kiểm soát sinh sản Có nhiều phương pháp tình dục an toàn được thực hiện bởi các cặp vợ chồng dị tính và đồng giới, bao gồm các hành vi tình dục không xâm nhập, và các cặp vợ chồng dị tính có thể sử dụng quan hệ tình dục bằng miệng hoặc hậu môn (hoặc cả hai) như một cách kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, mang thai vẫn có thể xảy ra với quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc các hình thức hoạt động tình dục khác nếu dương vật ở gần âm đạo (chẳng hạn như quan hệ tình dục giữa các bộ phận sinh dục hoặc cọ xát bộ phận sinh dục khác) và tinh trùng được xuất ra gần lối vào của âm đạo và đi dọc theo chất dịch âm đạo; nguy cơ mang thai cũng có thể xảy ra nếu không có dương vật ở gần âm đạo vì tinh trùng có thể được đưa đến cửa âm đạo do âm đạo tiếp xúc với ngón tay hoặc các bộ phận cơ thể không phải bộ phận sinh dục nhưng có tiếp xúc với tinh dịch. Quan hệ tình dục an toàn là một triết lý giảm tác hại liên quan, và bao cao su được sử dụng như một hình thức quan hệ tình dục an toàn và tránh thai. Bao cao su được khuyên dùng rộng rãi để phòng ngừa nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs). Theo báo cáo của Viện Y tế Quốc gia (NIH) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sử dụng bao cao su đúng cách và nhất quán giúp giảm nguy cơ lây truyền HIV/AIDS khoảng 85%-99% so với rủi ro khi không được bảo vệ. Bao cao su hiếm khi được sử dụng cho quan hệ tình dục bằng miệng và có ít nghiên cứu về hành vi liên quan đến việc sử dụng bao cao su cho quan hệ tình dục qua đường hậu môn và miệng. Cách hiệu quả nhất để tránh nhiễm trùng lây qua đường tình dục là kiêng quan hệ tình dục, đặc biệt là quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn và miệng. Các quyết định và lựa chọn liên quan đến kiểm soát sinh đẻ có thể bị ảnh hưởng bởi các lý do văn hóa, chẳng hạn như tôn giáo, vai trò giới hoặc văn hóa dân gian. Ở các quốc gia chủ yếu là Công giáo như Ireland, Ý và Philippines, nhận thức về khả năng sinh sản và phương pháp xem chu kỳ được nhấn mạnh và không tán thành các phương pháp tránh thai khác. Trên toàn thế giới, triệt sản là phương pháp ngừa thai phổ biến hơn, và sử dụng dụng cụ chèn vào tử cung là cách tránh thai mang tính có thể đảo ngược phổ biến và hiệu quả nhất. Thụ thai và tránh thai cũng là một tình huống sinh tử ở các nước đang phát triển, nơi một trong ba phụ nữ sinh con trước 20 tuổi; tuy nhiên, 90% trường hợp phá thai không an toàn ở những quốc gia này có thể được ngăn ngừa bằng cách sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả. Khảo sát quốc gia về sức khỏe và hành vi tình dục (NSSHB) chỉ ra vào năm 2010 rằng "1 trong 4 hành vi giao hợp âm đạo được bảo vệ bằng bao cao su ở Mỹ (1 trong 3 trong số những người độc thân)", rằng "tỷ lệ sử dụng bao cao su ở người Mỹ da đen và Tây Ban Nha cao hơn so với những người Mỹ da trắng và những người thuộc các nhóm chủng tộc khác" và rằng "người lớn sử dụng bao cao su để giao hợp cũng đánh giá mức độ tình dục một cách tích cực về mặt kích thích, khoái cảm và cực khoái không kém khi so với khi giao hợp mà không có bao cao su". Tỷ lệ theo loại hình Dương vật thâm nhập âm đạo là hình thức phổ biến nhất của quan hệ tình dục. Các nghiên cứu chỉ ra rằng hầu hết các cặp vợ chồng dị tính tham gia vào giao hợp âm đạo gần như mọi cuộc gặp gỡ tình dục. Khảo sát quốc gia về sức khỏe và hành vi tình dục (NSSHB) năm 2010 đã báo cáo rằng giao hợp âm đạo là "hành vi tình dục phổ biến nhất ở nam và nữ ở mọi lứa tuổi và dân tộc". Clint E. Bruess tuyên bố rằng đó là "hành vi được nghiên cứu thường xuyên nhất", là những gì thường có nghĩa khi mọi người đề cập đến "quan hệ tình dục" hoặc "quan hệ tình dục" và "thường là trọng tâm của chương trình giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên". Weiten nói rằng đó là "hành vi tình dục được chứng thực và thực hành rộng rãi nhất trong xã hội của chúng ta". Liên quan đến quan hệ bằng miệng hoặc qua hậu môn, CDC tuyên bố vào năm 2009, "Các nghiên cứu chỉ ra rằng quan hệ tình dục bằng miệng thường được thực hiện bởi các cặp nam-nữ và đồng giới hoạt động tình dục ở nhiều lứa tuổi khác nhau, bao gồm cả thanh thiếu niên". Quan hệ tình dục bằng miệng là phổ biến hơn đáng kể so với quan hệ tình dục qua đường hậu môn. Nghiên cứu NSSHB năm 2010 báo cáo rằng giao hợp âm đạo được thực hiện nhiều hơn so với giao hợp qua đường hậu môn ở nam giới, nhưng 13% đến 15% nam giới trong độ tuổi 25 đến 49 thực hành giao hợp qua đường hậu môn. Giao hợp qua đường hậu môn dễ tiếp nhận ở nam giới, với khoảng 7% nam giới từ 14 đến 94 tuổi nói rằng họ là đối tác tiếp nhận trong quá trình giao hợp qua đường hậu môn. Điều này nói rằng phụ nữ tham gia vào giao hợp hậu môn ít phổ biến hơn nam giới, nhưng thực tế không phải là hiếm ở phụ nữ; người ta ước tính rằng 10% đến 14% phụ nữ từ 18 đến 39 tuổi thực hành quan hệ tình dục qua đường hậu môn trong 90 ngày vừa qua và hầu hết phụ nữ cho biết họ thực hành giao hợp hậu môn mỗi tháng một lần hoặc vài lần một năm. Độ tuổi bắt đầu giao hợp Sự phổ biến của quan hệ tình dục đã được so sánh giữa các nền văn hóa. Năm 2003, Michael Bozon thuộc Viện nghiên cứu quốc gia Pháp đã thực hiện một nghiên cứu đa văn hóa với tiêu đề "Ở tuổi nào phụ nữ và nam giới có quan hệ tình dục đầu tiên?" Trong nhóm đầu tiên của các nền văn hóa đương đại mà ông nghiên cứu, bao gồm châu Phi cận Sahara (liệt kê Mali, Senegal và Ethiopia), dữ liệu chỉ ra rằng độ tuổi của đàn ông khi bắt đầu tình dục ở những xã hội này ở độ tuổi muộn hơn so với phụ nữ, nhưng thường là ngoài hôn nhân; nghiên cứu cho rằng tiểu lục địa Ấn Độ cũng thuộc nhóm này, mặc dù dữ liệu chỉ có sẵn từ Nepal. Trong nhóm thứ hai, dữ liệu cho thấy các gia đình khuyến khích con gái trì hoãn việc kết hôn và kiêng quan hệ tình dục trước thời điểm đó. Tuy nhiên, con trai được khuyến khích tích lũy kinh nghiệm với phụ nữ lớn tuổi hoặc gái mại dâm trước khi kết hôn. Tuổi của nam giới khi bắt đầu quan hệ tình dục trong các xã hội này ở độ tuổi thấp hơn so với phụ nữ; nhóm này bao gồm các nền văn hóa Latinh, cả từ Nam Âu (Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Romania được ghi nhận) và từ Châu Mỹ Latinh (Brazil, Chile và Cộng hòa Dominica). Nghiên cứu cho thấy nhiều xã hội châu Á cũng rơi vào nhóm này, mặc dù dữ liệu phù hợp chỉ có từ Thái Lan. Trong nhóm thứ ba, độ tuổi của nam và nữ khi bắt đầu tình dục được cho thấy khá sát nhau; tuy nhiên, có hai nhóm nhỏ. Ở các quốc gia không phải là người Latinh, Công giáo (Ba Lan và Litva được đề cập), tuổi bắt đầu tình dục cao hơn, cho thấy hôn nhân sau này và định giá đối ứng của trinh tiết của nam và nữ. Mô hình tương tự của hôn nhân muộn và định giá đối ứng về trinh tiết đã được phản ánh ở Singapore và Sri Lanka. Nghiên cứu cho rằng Trung Quốc và Việt Nam cũng thuộc nhóm này, mặc dù dữ liệu không có sẵn. Ở các nước phía bắc và đông Âu, tuổi bắt đầu tình dục thấp hơn, với cả nam và nữ tham gia vào quan hệ tình dục trước khi có bất kỳ sự hình thành liên minh nào; nghiên cứu liệt kê Thụy Sĩ, Đức và Cộng hòa Séc là thành viên của nhóm này. Liên quan đến dữ liệu tại Mỹ, các bảng kê khai của Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia báo cáo rằng độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu là 17,1 tuổi đối với cả nam và nữ trong năm 2010. CDC tuyên bố rằng 45,5% trẻ em gái và 45,7% trẻ em trai từ 19 tuổi đã tham gia hoạt động tình dục vào năm 2002; vào năm 2011, báo cáo nghiên cứu của họ từ năm 2006-2010, họ đã tuyên bố rằng 43% các cô gái tuổi teen chưa kết hôn ở Mỹ và 42% các cậu bé vị thành niên chưa lập gia đình ở Mỹ đã từng quan hệ tình dục. CDC cũng báo cáo rằng các cô gái Mỹ thường mất trinh tiết cho một cậu bé lớn hơn họ từ 1 đến 3 tuổi. Từ năm 1988 đến 2002, tỷ lệ người ở Hoa Kỳ có quan hệ tình dục trong độ tuổi từ 15 đến 19 đã giảm từ 60 xuống 46% đối với nam giới chưa kết hôn và từ 51 đến 46% đối với nữ chưa kết hôn. Ảnh hưởng sức khỏe Lợi ích Ở người, quan hệ tình dục và hoạt động tình dục nói chung đã được báo cáo là có lợi ích sức khỏe khác nhau khi tăng khả năng miễn dịch bằng cách tăng sản xuất kháng thể và giảm huyết áp sau đó, và giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Sự thân mật tình dục và cực khoái làm tăng mức độ hormone oxytocin (còn được gọi là "hormone tình yêu"), có thể giúp mọi người gắn kết và tạo dựng niềm tin. Oxytocin được cho là có tác động đáng kể đến phụ nữ hơn nam giới, đó có thể là lý do tại sao phụ nữ liên kết sự hấp dẫn tình dục hoặc hoạt động tình dục với sự lãng mạn và tình yêu nhiều hơn nam giới. Một nghiên cứu dài hạn với 3.500 người trong độ tuổi từ 18 đến 102 của nhà thần kinh học lâm sàng David Weekks chỉ ra rằng, dựa trên xếp hạng vô tư của các bức ảnh của đối tượng, quan hệ tình dục thường xuyên giúp mọi người trông trẻ hơn so với tuổi. Rủi ro Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs) là vi khuẩn, vi-rút hoặc ký sinh trùng lây lan qua quan hệ tình dục, đặc biệt là quan hệ qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng hoặc quan hệ tình dục không được bảo vệ. Quan hệ tình dục bằng miệng ít rủi ro hơn so với giao hợp âm đạo hoặc quan hệ qua hậu môn. Trong nhiều trường hợp ban đầu các bệnh này không gây ra các triệu chứng, làm tăng nguy cơ người nhiễm bệnh vô tình truyền bệnh cho bạn tình hoặc người khác. Có 19 triệu trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục mới mỗi năm ở Mỹ, và, năm 2005, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng có 450 triệu người trong độ tuổi 15-49 bị nhiễm STI (giang mai, lậu và chlamydia). Một số STI có thể gây loét sinh dục; ngay cả khi chúng không làm loét, chúng sẽ tăng nguy cơ mắc và nhiễm HIV lên gấp mười lần. Viêm gan B cũng có thể lây truyền qua quan hệ tình dục. Trên toàn cầu, có khoảng 257 triệu người mắc bệnh viêm gan B mãn tính. HIV là một trong những kẻ giết người truyền nhiễm hàng đầu thế giới; trong năm 2010, khoảng 30 triệu người được ước tính đã chết vì nó kể từ khi bắt đầu có dịch. Trong số 2,7 triệu ca nhiễm HIV mới được ước tính xảy ra trên toàn thế giới vào năm 2010, 1,9 triệu (70%) là ở Châu Phi. Tổ chức Y tế Thế giới cũng tuyên bố rằng "ước tính 1,2 triệu người châu Phi đã chết vì các bệnh liên quan đến HIV trong năm 2010, chiếm 69% trong tổng số 1,8 triệu ca tử vong trên toàn cầu do dịch bệnh". HIV được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu, và trong khi không tìm ra cách chữa trị, nó có thể được kiểm soát bằng cách quản lý thông qua thuốc kháng vi-rút cho bệnh này và bệnh nhân có thể tận hưởng cuộc sống khỏe mạnh và hiệu quả. Trong trường hợp nghi ngờ nhiễm trùng, can thiệp y tế sớm có lợi rất cao trong mọi trường hợp. CDC tuyên bố "nguy cơ lây truyền HIV từ bạn tình bị nhiễm bệnh qua quan hệ tình dục bằng miệng ít hơn nhiều so với nguy cơ lây truyền HIV từ quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc âm đạo", nhưng "đo lường nguy cơ lây truyền HIV chính xác do quan hệ tình dục bằng miệng là rất khó khăn" và đó là "bởi vì hầu hết những người hoạt động tình dục thực hành quan hệ tình dục bằng miệng ngoài các hình thức quan hệ tình dục khác, chẳng hạn như quan hệ tình dục qua đường âm đạo và/hoặc hậu môn, khi truyền bệnh xảy ra, rất khó để xác định liệu có xảy ra do quan hệ tình dục bằng miệng hoặc các hoạt động tình dục mang tính rủi ro khác". Họ nói thêm rằng "một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục bằng miệng"; điều này bao gồm loét, chảy máu nướu lợi, lở loét bộ phận sinh dục và sự hiện diện của các bệnh STI khác. Năm 2005, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có 123 triệu phụ nữ mang thai trên toàn thế giới mỗi năm và khoảng 87 triệu người mang thai hoặc 70,7% là vô ý. Khoảng 46 triệu ca mang thai mỗi năm được báo cáo là đã phá thai. Khoảng 6 triệu phụ nữ Mỹ mang thai mỗi năm. Trong số các trường hợp mang thai đã biết, hai phần ba kết quả là sinh con bình thường và khoảng 25% phá thai; phần còn lại là sẩy thai. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ khác mang thai và sảy thai mà thậm chí không nhận ra điều đó, thay vào đó nhầm tưởng sảy thai là kinh nguyệt nhiều bất thường. Tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên ở Mỹ đã giảm 27% trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2000, từ 116,3 lần mang thai trên 1.000 bé gái ở độ tuổi 15-19 xuống còn 84,5. Dữ liệu này bao gồm sinh đẻ, phá thai và mất thai. Gần 1 triệu em gái tuổi teen Mỹ, 10% trong số tất cả phụ nữ ở độ tuổi 15-19 và 19% những người báo cáo đã có quan hệ tình dục, sau đó đã có thai, tính trung bình mỗi năm. Hoạt động tình dục có thể làm tăng biểu hiện của một yếu tố phiên mã gen được gọi là ΔFosB (delta FosB) trong trung tâm khen thưởng của não; tham gia do đó quá thường xuyên trong hoạt động tình dục thường xuyên trên cơ sở (hàng ngày) có thể dẫn đến những biểu hiện quá mức của ΔFosB, tạo ra chứng nghiện hoạt động tình dục. Nghiện tình dục hoặc chứng cuồng dâm thường được xem là một rối loạn kiểm soát xung động hoặc nghiện hành vi. Nó đã được liên kết với mức độ không điển hình của dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh. Hành vi này được đặc trưng bởi một sự cố định về quan hệ tình dục và sự khinh miệt. Nó đã được đề xuất rằng 'hành vi gây nghiện' này được phân loại trong DSM-5 là một rối loạn hành vi cưỡng chế bốc đồng. Nghiện giao hợp được cho là có liên quan đến di truyền. Những người nghiện giao hợp có phản ứng cao hơn với tín hiệu tình dục trực quan trong não. Những người tìm kiếm điều trị thường sẽ gặp bác sĩ để quản lý và điều trị dược lý. Một dạng của tình trạng tăng sinh là hội chứng Kleine-Levin. Nó được biểu hiện bằng chứng quá mẫn và tăng nhu cầu tình dục và bệnh này vẫn còn tương đối hiếm. Hoạt động tình dục có thể trực tiếp gây ra cái chết, đặc biệt là do các biến chứng tuần hoàn mạch vành, đôi khi được gọi là tử vong do tình dục, tử vong đột ngột do co thắt hoặc co thắt mạch vành. Tuy nhiên, tử vong do quan hệ tình dục là rất hiếm. Mọi người, đặc biệt là những người ít hoặc không tập thể dục, có nguy cơ tăng nhẹ cơn đau tim hoặc đột tử do tim khi giao hợp hoặc bất kỳ bài tập thể dục mạnh mẽ nào được thực hiện không thường xuyên. Tập thể dục thường xuyên làm giảm nguy cơ, nhưng cũng có thể giúp nguy cơ tăng lên. Thời gian giao hợp và biến chứng bộ phận sinh dục Quan hệ tình dục, khi có sự tham gia của nam giới, thường kết thúc khi nam giới xuất tinh, và do đó, đối tác có thể không có thời gian để đạt cực khoái. Ngoài ra, xuất tinh sớm (PE) là phổ biến, và phụ nữ thường yêu cầu thời gian kích thích lâu hơn đáng kể với bạn tình so với nam giới trước khi đạt cực khoái. Các học giả, chẳng hạn như Weiten và cộng sự, nói rằng "nhiều cặp vợ chồng bị trói trong ý tưởng rằng chỉ cần đạt được cực khoái thông qua giao hợp [quan hệ tình dục qua âm đạo]", rằng "màn dạo đầu cho thấy rằng bất kỳ hình thức kích thích tình dục nào khác chỉ là chuẩn bị cho sự kiện chính" và rằng "bởi vì phụ nữ đạt cực khoái thông qua giao hợp ít nhất so với nam giới", họ thường giả vờ đạt cực khoái để thỏa mãn bạn tình hơn là đàn ông. Năm 1991, các học giả từ Viện Kinsey tuyên bố: "Sự thật là thời gian giữa thâm nhập và xuất tinh không chỉ thay đổi từ người này sang người khác, mà từ lần này sang lần khác cho cùng một người đàn ông". Họ nói thêm rằng độ dài thích hợp cho quan hệ tình dục là khoảng thời gian để cả hai đối tác thỏa mãn lẫn nhau, nhấn mạnh rằng Kinsey "thấy 75% nam giới xuất tinh trong vòng hai phút sau khi xâm nhập. Nhưng anh ta không hỏi liệu những người đàn ông hoặc đối tác của họ có cân nhắc hai phút có thỏa mãn lẫn nhau không" và "các nghiên cứu gần đây báo cáo thời gian giao hợp lâu hơn một chút". Một cuộc khảo sát năm 2008 của các nhà trị liệu tình dục Canada và Mỹ cho biết thời gian trung bình cho quan hệ tình dục khác giới là 7 phút; và 1 đến 2 phút là quá ngắn, 3 đến 7 phút là đủ và 7 đến 13 phút là thời gian mong muốn, trong khi 10 đến 30 phút là quá dài. Anorgasmia là khó khăn thường xuyên để đạt cực khoái sau khi kích thích tình dục đầy đủ, gây đau khổ cho cá nhân. Điều này phổ biến hơn đáng kể ở phụ nữ so với nam giới, được cho là do thiếu giáo dục giới tính đối với cơ thể phụ nữ, đặc biệt là trong các nền văn hóa tiêu cực về tình dục, như kích thích âm vật thường là chìa khóa cho phụ nữ cực khoái. Cấu trúc vật lý của quan hệ tình dục ủng hộ kích thích dương vật hơn kích thích âm vật; vị trí của âm vật sau đó thường cần kích thích bằng tay hoặc bằng miệng để người phụ nữ đạt được cực khoái. Khoảng 25% phụ nữ cho biết họ gặp khó khăn khi đạt cực khoái, 10% phụ nữ chưa bao giờ đạt cực khoái, và 40% hoặc 40-50% phụ nữ đã phàn nàn về sự không thỏa mãn tình dục hoặc rất khó được kích thích tình dục trong cuộc đời của họ. Co thắt âm đạo là sự căng thẳng không tự nguyện của cơ xương chậu, làm cho giao hợp, hoặc bất kỳ hình thức xâm nhập âm đạo nào, làm phụ nữ đau đớn và đôi khi không thể giao hợp được. Nó là một phản xạ có điều kiện của cơ pubococcygeus, và đôi khi được gọi là cơ PC. Co thắt âm đạo có thể khó khắc phục vì nếu phụ nữ mong muốn trải qua cơn đau khi quan hệ tình dục, điều này có thể gây co thắt cơ, dẫn đến giao hợp bị đau. Điều trị viêm âm đạo thường bao gồm cả kỹ thuật tâm lý và hành vi, bao gồm cả việc sử dụng thuốc giãn âm đạo. Ngoài ra, việc sử dụng Botox như một phương pháp điều trị y tế cho bệnh co thắt âm đạo đã được thử nghiệm và áp dụng. Quan hệ tình dục đau đớn hoặc không thoải mái cũng có thể được phân loại là chứng khó quan hệ tình dục (dyspareunia). Khoảng 40% nam giới được báo cáo mắc một số dạng rối loạn cương dương (ED) hoặc bất lực, tối thiểu với tần suất đôi khi. Xuất tinh sớm đã được báo cáo là phổ biến hơn so với rối loạn chức năng cương dương, mặc dù một số ước tính cho thấy điều ngược lại. Do các ý nghĩa khác nhau của rối loạn, ước tính cho tỷ lệ xuất tinh sớm thay đổi đáng kể nhiều hơn so với rối loạn cương dương. Ví dụ, Mayo Clinic tuyên bố: "Ước tính khác nhau, nhưng có đến 1 trong số 3 người đàn ông có thể bị ảnh hưởng bởi [xuất tinh sớm] vào một lúc nào đó". Hơn nữa, "Masters và Johnson suy đoán rằng xuất tinh sớm là rối loạn chức năng tình dục phổ biến nhất, mặc dù nhiều người đàn ông tìm kiếm liệu pháp điều trị chứng khó cương dương" và đó là vì "mặc dù ước tính khoảng 15% đến 20% nam giới gặp khó khăn trong việc kiểm soát xuất tinh nhanh, hầu hết đừng coi đó là vấn đề cần sự giúp đỡ và nhiều phụ nữ gặp khó khăn trong việc thể hiện nhu cầu tình dục của họ". Hiệp hội Tiết niệu Hoa Kỳ (AUA) ước tính rằng xuất tinh sớm có thể ảnh hưởng đến 21% nam giới ở Hoa Kỳ. Đối với những người bị bất lực là do các điều kiện y tế, đã có các thuốc theo toa như Viagra, Cialis và Levitra. Tuy nhiên, các bác sĩ thận trọng ngăn việc sử dụng các loại thuốc này, coi chúng là không cần thiết vì chúng đi kèm với những rủi ro nghiêm trọng như tăng nguy cơ đau tim. Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) và thuốc chống trầm cảm dapoxetine đã được sử dụng để điều trị xuất tinh sớm. Trong các thử nghiệm lâm sàng, những người bị rối loạn cương dương dùng dapoxetine đã trải qua quan hệ tình dục lâu hơn ba đến bốn lần trước khi đạt cực khoái so với khi không dùng thuốc. Một rối loạn liên quan đến xuất tinh khác là chậm xuất tinh, có thể được gây ra như là một tác dụng phụ không mong muốn của thuốc chống trầm cảm như Fluvoxamine; tuy nhiên, tất cả các thuốc SSRI đều có tác dụng trì hoãn xuất tinh và Fluvoxamine có tác dụng trì hoãn xuất tinh ít nhất. Quan hệ tình dục vẫn có thể thực hiện được sau khi trải qua điều trị y tế của các cơ quan và cấu trúc sinh sản. Điều này đặc biệt đúng với phụ nữ. Ngay cả sau khi các thủ tục phẫu thuật phụ khoa mở rộng (ví dụ như cắt bỏ tử cung, cắt buồng trứng, cắt ống Fallop, giãn nở và nạo, phẫu thuật rạch màng trinh, phẫu thuật tuyến Bartholin, loại bỏ áp xe, vestibulectomy, cắt môi nhỏ, khoét chóp cổ tử cung, phẫu thuật điều trị ung thư và phóng xạ và hóa trị liệu), giao hợp vẫn có thể tiếp tục. Phẫu thuật tái tạo là một lựa chọn cho những phụ nữ đã trải qua các căn bệnh lành tính và ác tính. Khuyết tật và các biến chứng khác Những trở ngại mà những người khuyết tật phải đối mặt khi tham gia vào quan hệ tình dục bao gồm đau, trầm cảm, mệt mỏi, hình ảnh cơ thể tiêu cực, cứng khớp, suy giảm chức năng, lo lắng, giảm ham muốn, mất cân bằng nội tiết tố và điều trị bằng thuốc hoặc tác dụng phụ. Hoạt động tình dục thường xuyên được xác định là một khu vực bị lãng quên về chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp. Đối với những người phải dùng opioids để kiểm soát cơn đau, quan hệ tình dục có thể trở nên khó khăn hơn. Bị đột quỵ cũng có thể ảnh hưởng phần lớn đến khả năng tham gia vào quan hệ tình dục. Mặc dù cơn đau liên quan đến khuyết tật, bao gồm do ung thư và suy giảm khả năng vận động có thể cản trở quan hệ tình dục, trong nhiều trường hợp, những cản trở đáng kể nhất đối với quan hệ tình dục đối với người khuyết tật là do tâm lý. Đặc biệt, những người bị khuyết tật có thể thấy giao hợp khá chán chường do các vấn đề liên quan đến khái niệm bản thân của họ là một sinh vật có tính tình dục, hoặc sự khó chịu của đối tác hoặc bản thân cảm thấy khó chịu. Khó khăn tạm thời có thể phát sinh với rượu và tình dục, vì ban đầu rượu có thể làm tăng sự quan tâm thông qua sự khác biệt nhưng giảm khả năng khi uống với số lượng lớn hơn; tuy nhiên, sự khác biệt có thể khác nhau tùy thuộc vào văn hóa. Người khuyết tật tâm thần cũng phải chịu những thách thức khi tham gia quan hệ tình dục. Phụ nữ bị thiểu năng trí tuệ (ID) thường bị rơi vào các tình huống ngăn chặn quan hệ tình dục. Điều này có thể bao gồm việc thiếu một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có kiến thức được đào tạo và có kinh nghiệm trong việc tư vấn cho những người bị thiểu năng trí tuệ về quan hệ tình dục. Những người bị thiểu năng trí tuệ có thể do dự về việc thảo luận về chủ đề tình dục, thiếu kiến thức về tình dục và cơ hội hạn chế cho giáo dục giới tính. Ngoài ra, còn có những rào cản khác như tỷ lệ lạm dụng và tấn công tình dục cao hơn. Những tội ác này thường không được báo cáo đầy đủ. Vẫn còn thiếu "đối thoại xung quanh quyền của con người đối với biểu hiện tình dục đồng thuận, điều trị rối loạn kinh nguyệt và các rào cản pháp lý và hệ thống". Phụ nữ bị thiểu năng trí tuệ có thể ít chăm sóc sức khỏe tình dục và giáo dục giới tính. Họ có thể không nhận ra lạm dụng tình dục. Quan hệ tình dục đồng thuận không phải lúc nào cũng là một lựa chọn cho một số người. Những người bị thiểu năng trí tuệ có thể có kiến thức hạn chế và khả năng tránh thai, sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và ung thư cổ tử cung. Hiệu ứng xã hội Người lớn Quan hệ tình dục có thể dành cho mục đích sinh sản, quan hệ hoặc giải trí. Nó thường đóng một vai trò mạnh mẽ trong liên kết giữa con người với nhau. Ở nhiều xã hội, việc các cặp vợ chồng có quan hệ tình dục trong khi sử dụng một số phương pháp ngừa thai, chia sẻ niềm vui và tăng cường liên kết tình cảm thông qua hoạt động tình dục là điều bình thường mặc dù họ cố tình tránh mang thai. Ở người và vượn bonobo, con cái trải qua quá trình rụng trứng tương đối bị che giấu để các đối tác nam và nữ thường không biết liệu mình có khả năng sinh sản tại bất kỳ thời điểm nào hay không. Một lý do có thể cho đặc điểm sinh học khác biệt này có thể là sự hình thành mối liên kết cảm xúc mạnh mẽ giữa các đối tác tình dục quan trọng đối với các tương tác xã hội và, trong trường hợp của con người, cần quan hệ đối tác lâu dài hơn là cần sinh sản hữu tính ngay lập tức. Sự không thỏa mãn trong tình dục do thiếu quan hệ tình dục có liên quan đến việc tăng nguy cơ ly hôn và giải thể mối quan hệ, đặc biệt là đối với nam giới. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng sự không hài lòng chung với hôn nhân đối với đàn ông có kết quả nếu vợ của họ tán tỉnh, hôn nhau một cách lãng mạn hoặc quan hệ tình dục với người đàn ông khác (ngoại tình), và đây là trường hợp đặc biệt đối với đàn ông với một sự thỏa mãn hôn nhân tình cảm và tổng hợp thấp hơn. Các nghiên cứu khác báo cáo rằng việc thiếu quan hệ tình dục không dẫn đến ly dị đáng kể, mặc dù nó thường là một trong những lý do đóng góp cho việc này. Theo Khảo sát Quốc gia về Sức khỏe và Hành vi Tình dục (NSSHB) năm 2010, những người đàn ông có quan hệ tình dục gần đây nhất với bạn tình đã báo cáo sự kích thích lớn hơn, khoái cảm lớn hơn, ít vấn đề hơn với chức năng cương dương, cực khoái và ít đau hơn trong giao hợp so với nam giới có cuộc gặp gỡ tình dục cuối cùng là với một đối tác không có quan hệ tình cảm. Tuổi vị thành niên Người vị thành niên thường sử dụng quan hệ tình dục cho mục đích mối quan hệ và giải trí, điều này có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến cuộc sống của họ. Ví dụ, trong một số văn hóa, mang thai ở tuổi vị thành niên có thể được chào đón, nhưng cũng thường bị phê phán, và nghiên cứu cho thấy việc sớm dậy thì ở trẻ em đặt áp lực lên trẻ em và thanh thiếu niên để hành động như người lớn trước khi họ sẵn sàng về mặt tâm lý hoặc nhận thức. Một số nghiên cứu kết luận rằng tham gia quan hệ tình dục khiến người vị thành niên, đặc biệt là các cô gái, có mức độ căng thẳng và trầm cảm cao hơn, và cô gái có thể dễ dàng tham gia vào rủi ro về tình dục (như quan hệ tình dục mà không sử dụng bao cao su), nhưng có thể cần thêm nghiên cứu về các lĩnh vực này. Ở một số quốc gia, như Hoa Kỳ, chương trình giáo dục giới tính và giáo dục tình dục chỉ rõ việc không quan hệ tình dục có sẵn để giáo dục người vị thành niên về hoạt động tình dục; các chương trình này gây tranh cãi, vì có cuộc tranh luận xem liệu việc dạy trẻ em và người vị thành niên về quan hệ tình dục hoặc hoạt động tình dục khác có nên chỉ dành cho cha mẹ hoặc những người chăm sóc khác. Một số nghiên cứu từ những năm 1970 đến 1990 cho thấy có một mối quan hệ giữa tự trọng và quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên, trong khi các nghiên cứu khác từ những năm 1980 và 1990 báo cáo rằng nghiên cứu thông thường cho thấy mối quan hệ nhỏ hoặc không có mối quan hệ nào giữa tự trọng và hoạt động tình dục ở tuổi vị thành niên. Đến những năm 1990, bằng chứng chủ yếu hỗ trợ quan điểm sau đó, và nghiên cứu tiếp theo đã hỗ trợ việc không có mối quan hệ hoặc mối quan hệ nhỏ giữa tự trọng và hoạt động tình dục ở tuổi vị thành niên. Nhà nghiên cứu Lisa Arai đã nêu: "Ý kiến cho rằng hoạt động tình dục và mang thai sớm liên quan đến tự trọng thấp đã trở nên thịnh hành trong nửa sau của thế kỷ 20, đặc biệt là ở Hoa Kỳ," và cô thêm rằng, "Tuy nhiên, trong một đánh giá hệ thống về mối quan hệ giữa tự trọng và hành vi, thái độ và ý định tình dục của người vị thành niên (nghiên cứu phân tích kết quả từ 38 bài báo) thì 62% kết quả về hành vi và 72% kết quả về thái độ không thể liên kết có ý nghĩa thống kê (Goodson et al, 2006)." Các nghiên cứu phát hiện có liên kết cho thấy các nam thanh niên đã từng có quan hệ tình dục tự trọng cao hơn so với các nam thanh niên chưa từng có quan hệ tình dục, và các cô gái có tự trọng thấp và hình ảnh bản thân kém thường có xu hướng thực hiện hành vi rủi ro, như quan hệ tình dục không an toàn và có nhiều đối tác tình dục. Bác sĩ tâm thần Lynn Ponton viết rằng, "Tất cả các thanh niên đều có cuộc sống tình dục, dù họ có quan hệ tình dục với người khác, tự mình, hay dường như không có", và việc coi thị hiếu tình dục trong tuổi vị thành niên như một trải nghiệm tích cực tiềm năng, thay vì một điều gì đó nguy hiểm theo bản chất, có thể giúp người trẻ phát triển các mẫu mối quan hệ lành mạnh hơn và đưa ra các lựa chọn tích cực hơn về hoạt động tình dục. Các nhà nghiên cứu cho biết mối quan hệ lãng mạn lâu dài cho phép người vị thành niên rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho mối quan hệ chất lượng cao sau này trong cuộc sống. Nhìn chung, mối quan hệ lãng mạn tích cực ở tuổi vị thành niên có thể mang lại lợi ích lâu dài. Mối quan hệ lãng mạn chất lượng cao được liên kết với sự cam kết cao trong thời thanh niên sớm, và có liên kết tích cực với năng lực xã hội. Đạo đức và luật pháp tình dục Có nhiều luật, quy định đạo đức và những cấm kỵ liên quan tới quan hệ tình dục. (Xem đạo đức tình dục để biết thêm chi tiết). Mọi người tin rằng tất cả các nền văn hoá ngăn cấm quan hệ tình dục đều không còn tồn tại. Shakers, một phái Ki-tô giáo có rất ít người tham gia, dù có nhiều cộng đồng bên trong các tôn giáo cấm các "thích hợp" và "không thích hợp" từng rất phổ biến trong các xã hội loài người. Chúng gồm cả những điều cấm đối với một số tư thế làm tình, đối với quan hệ tình dục giữa các bạn tình không hôn nhân (được gọi là thông dâm hoặc gian dâm), khi ít nhất một trong hai người đã có gia đình nhưng không phải với người kia (được gọi là ngoại tình), chống lại quan hệ tình dục với một người họ hàng gần, tức quan hệ tình dục cận huyết (gọi là loạn luân), và chống lại quan hệ tình dục với một phụ nữ đang ở thời kỳ kinh nguyệt. Thông thường một cộng đồng sử dụng các quy định của nó để phân xử những tranh cãi. Ví dụ, năm 2003, Tòa án tối cao New Hampshire, trong vụ Blanchflower v. Blanchflower, đã phán xử rằng các quan hệ cùng giới không cấu thành "quan hệ tình dục", dựa trên một định nghĩa năm 1961 từ cuốn từ điển Webster's Third New International Dictionary, và vì thế không buộc tội người vợ trong vụ xử ly hôn tội "ngoại tình" dựa theo định nghĩa đó. Đa số các nước có luật về tuổi nhận thức, xác định rõ tuổi tối thiểu để có thể quan hệ tình dục mà không trái pháp luật. Quan hệ tình dục với một người mà không được người đó đồng ý, hoặc không có được sự đồng ý từ trước theo pháp luật, được gọi là hãm hiếp và bị coi là một tội ác nghiêm trọng trong đa số nền văn hóa. Mối quan hệ lãng mạn Hôn nhân và mối quan hệ Trong truyền thống, việc quan hệ tình dục được xem là một phần thiết yếu của hôn nhân, với nhiều phong tục tôn giáo yêu cầu đồng hỏa (việc hôn nhân phải được làm đến cùng) và coi hôn nhân là một liên kết thích hợp nhất cho việc sinh sản (tạo ra con). Trong những trường hợp như vậy, việc không thể thực hiện hôn nhân từ bất kỳ lý do nào được coi là lý do hủy hôn nhân (không yêu cầu quá trình ly dị). Quan hệ tình dục giữa các cặp vợ chồng đã từng được coi là một "quyền hợp pháp" trong các xã hội và tôn giáo khác nhau, cả lịch sử và hiện đại, đặc biệt là đối với quyền của chồng đối với vợ. Cho đến cuối thế kỷ 20, thông thường có một miễn trừ hôn nhân trong luật luật hiếp dâm ngăn cản chồng bị truy tố theo luật hiếp dâm nếu ép buộc vợ mình quan hệ tình dục. Tác giả Oshisanya, 'lai Oshitokunbo nói rằng "Khi tình trạng pháp lý của phụ nữ đã thay đổi, khái niệm về quyền hợp pháp của một người đàn ông hoặc người phụ nữ đã kết hôn đối với quan hệ tình dục đã trở nên ít phổ biến hơn." Ngoại tình (thực hiện hành vi tình dục với người ngoài vợ/chồng) đã và vẫn là một hành vi phạm tội ở một số quốc gia. Quan hệ tình dục giữa các đối tác không kết hôn và sống chung của các cặp đôi không kết hôn cũng bị cấm ở một số quốc gia. Ngược lại, ở các quốc gia khác, việc kết hôn không được yêu cầu, về mặt xã hội hay pháp lý, để thực hiện quan hệ tình dục hoặc tạo ra con (ví dụ, hầu hết các trẻ em được sinh ra bên ngoài hôn nhân ở các quốc gia như Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Bulgaria, Estonia, Slovenia, Pháp, Bỉ). Liên quan đến luật ly hôn, việc từ chối thực hiện quan hệ tình dục với vợ/chồng có thể dẫn đến một lý do ly hôn, có thể được liệt kê dưới mục "lý do bỏ rơi". Về các quốc gia có ly hôn không lỗi, tác giả James G. Dwyer nói rằng các luật ly hôn không lỗi "đã làm cho việc vợ phụ nữ thoát ra khỏi mối quan hệ hôn nhân dễ dàng hơn và vợ/chồng đã có quyền kiểm soát nhiều hơn về cơ thể của họ trong khi kết hôn" do các thay đổi về mặt pháp lý và tư pháp liên quan đến khái niệm miễn trừ hôn nhân khi một người đàn ông hiếp dâm vợ mình. Có nhiều quan điểm pháp lý về ý nghĩa và hợp pháp của việc quan hệ tình dục giữa các người cùng giới hoặc giới tính. Ví dụ, trong trường hợp của vụ kiện năm 2003 của Tòa án Tối cao New Hampshire Blanchflower v. Blanchflower, đã được xác định rằng mối quan hệ tình dục giữa các nữ cùng giới và thực hành tình dục cùng giới chung chung, không tạo thành quan hệ tình dục, dựa trên một mục nhập năm 1961 trong từ điển Webster's Third New International Dictionary xếp loại quan hệ tình dục như là quan hệ tình dục trực tiếp; và do đó, một bà vợ bị buộc tội ngoại tình đã được tìm thấy không có tội ngoại tình. Một số quốc gia coi hành vi tình dục giữa các người cùng giới là tội danh có thể bị phạt tù hoặc tử hình; điều này là hiện tượng, ví dụ như ở các quốc gia Hồi giáo, bao gồm cả vấn đề LGBT ở Iran. Phản đối việc kết hôn đồng giới chủ yếu dựa trên niềm tin rằng quan hệ tình dục và hướng tình dục nên là loại hình dục hợp giới. Việc công nhận các cuộc hôn nhân như vậy là một vấn đề về dân quyền, chính trị, xã hội, đạo đức và tôn giáo ở nhiều quốc gia, và các xung đột nảy sinh xoay quanh việc liệu các cặp đôi đồng giới nên được phép kết hôn, bắt buộc phải sử dụng một trạng thái khác (như liên minh dân sự, có thể cấp quyền bằng như hôn nhân hoặc có quyền hạn hẹp so với hôn nhân), hoặc không có bất kỳ quyền nào như vậy. Vấn đề liên quan khác là liệu từ hôn nhân có nên được áp dụng. Quan điểm tôn giáo Có sự khác biệt rộng lớn về quan điểm tôn giáo liên quan đến việc quan hệ tình dục trong hoặc ngoài hôn nhân: Hầu hết các tôn giáo Cơ đốc giáo, bao gồm Công giáo, có quan điểm hoặc quy tắc nghiêm ngặt về những hành vi tình dục chấp nhận được và không chấp nhận. Hầu hết quan điểm Cơ đốc giáo về quan hệ tình dục bị ảnh hưởng bởi nhiều cách hiểu khác nhau về Kinh thánh. Quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, ví dụ, được coi là tội lỗi trong một số nhà thờ; trong những trường hợp như vậy, quan hệ tình dục có thể được gọi là một hợp đồng thiêng liêng, thánh thiện hoặc một bí tích thánh trong hôn nhân giữa chồng và vợ. Lịch sử, các giáo huấn Cơ đốc giáo thường khuyến khích kiêng cữ tình dục, mặc dù ngày nay chỉ có một số thành viên nhất định (ví dụ, một số nhà lãnh đạo tôn giáo) của một số nhóm thề kiêng cữ, từ bỏ cả hôn nhân và bất kỳ hoạt động tình dục hoặc lãng mạn nào. Kinh thánh có thể được hiểu là ủng hộ quan hệ tình dục tiếp xúc đàn ông-vào-vào-nữ-duống như là hình thức duy nhất của hoạt động tình dục được chấp nhận, trong khi các cách hiểu khác coi Kinh thánh không rõ ràng về quan hệ tình dục bằng miệng hoặc những hành vi tình dục cụ thể khác và đó là quyết định cá nhân liệu quan hệ tình dục bằng miệng có thể chấp nhận được trong hôn nhân không. Một số tôn giáo coi việc sử dụng biện pháp tránh thai để ngăn chặn sinh sản là một tội lỗi nghiêm trọng chống lại Chúa và hôn nhân, vì họ tin rằng mục đích chính của hôn nhân, hoặc một trong những mục đích chính, là sinh con, trong khi các tôn giáo khác không có những niềm tin như vậy. Kinh thánh cũng cấm quan hệ tình dục trong thời kỳ kinh nguyệt. Trong Giáo hội Công giáo Rôma, nếu một lễ cưới (xác nhận) diễn ra, nhưng hai vợ chồng chưa thực hiện quan hệ tình dục (kết hôn), thì hôn nhân đó được coi là hôn nhân thông qua ratum sed non consummatum. Loại hôn nhân này, bất kể lý do không kết hôn, có thể bị giải tán bởi giáo hoàng. Trong Giáo hội Của Chúa Jesus Christ của Các Thánh Hữu Sau Ngày Cuối Cùng (LDS Church), mối quan hệ tình dục trong hôn nhân được coi là thiêng liêng. Các thành viên trong Giáo hội Sau Ngày Cuối Cùng coi quan hệ tình dục là một sự sắp đặt của Chúa để sinh con và thể hiện tình yêu giữa chồng và vợ. Các thành viên được khuyến khích không có quan hệ tình dục trước hôn nhân và không phụ lòng trong hôn nhân. Người theo tôn giáo Shakers tin rằng quan hệ tình dục là nguồn gốc của mọi tội lỗi và vì vậy tất cả mọi người nên tịnh tâm, kể cả các cặp vợ chồng đã kết hôn. Cộng đồng Shakers gốc đã đạt đến 6.000 thành viên vào năm 1840, nhưng đến năm 2009 chỉ còn 3 thành viên. Trong đạo Do Thái, một người đàn ông Do Thái đã kết hôn được yêu cầu đem đến niềm vui tình dục cho vợ mình, được gọi là onah (ý nghĩa đen là "lúc của cô ấy"), điều này là một trong những điều kiện ông đảm nhận như một phần của hợp đồng hôn nhân Do Thái, ketubah, ông trao cho vợ trong lễ cưới Do Thái. Trong quan điểm Do Thái về hôn nhân, ham muốn tình dục không phải là điều ác, nhưng phải được thỏa mãn vào thời gian, địa điểm và cách thức phù hợp. Hồi giáo coi tình dục trong hôn nhân là điều gây vui thích, một hoạt động tâm linh và một nghĩa vụ. Trong hồi giáo Shia, nam giới được phép kết hôn vô số hôn nhân tạm thời, được ký kết trong khoảng vài phút đến nhiều năm và cho phép quan hệ tình dục. Phụ nữ Shia chỉ được phép kết hôn một lần duy nhất, cho dù tạm thời hay vĩnh viễn. Đạo Hindu có nhiều quan điểm về tình dục, nhưng theo Kama Sutra, tình dục được coi là một hoạt động bình thường và cần thiết để có cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc. Đạo Phật, trong hình thức tổng quát nhất, cho rằng con người không nên ái tình hay khao khát niềm vui tình dục, vì nó ràng buộc họ vào chu trình sinh tử, samsara, và ngăn cản họ đạt được mục tiêu Niết Bàn. Vì các sư trụ, như những người tì-kheo và tì-kheo-ni, cần dành toàn tâm toàn ý cho mục tiêu này, họ thực hiện quy tắc huệ giáo hoàn toàn từ quan hệ tình dục, tức là tịnh tâm. Các quy tắc huệ giáo khác từ Bộ luật (Patimokkha hay Pratimoksasutra) và các kinh điển Vinaya cổ điển nhằm ngăn chặn cương tay, đụng chạm và giao tiếp mời dụ với người khác giới, và các hành vi tình dục khác. Người Phật tử hạnh phúc tuân thủ Năm điều luật lễ, trong đó điều thứ ba là tránh hành động không đoan trang. Peter Harvey cho biết rằng quy tắc này "liên quan chủ yếu đến việc tránh gây tổn hại bằng hành vi tình dục. Ngoại tình - 'đi với vợ của người khác' - là vi phạm trực tiếp nhất của quy tắc này. Sự sai trái của việc này được coi là một phần là do sự tham lam, và một phần là vì gây hại cho người khác. Nó được cho là một người đàn ông vi phạm quy tắc nếu ông quan hệ tình dục với phụ nữ đang đính ước, hoặc với các cô gái trẻ chưa được gia đình bảo vệ, Rõ ràng, cưỡng hiếp và đồi trụy là vi phạm quy tắc." Các kinh điển Phật giáo không chứa các quy định hoặc khuyến nghị khác cho người laity - ví dụ, đối với đồng tính, tự sự, các hành vi tình dục và phương tiện tránh thai. Tuy nhiên, phù hợp với nguyên tắc đạo Phật không làm hại và tránh cảm thấy xấu hổ, tội lỗi và hối hận, các hình thức tình dục bị xã hội cấm kỵ cũng như các hoạt động tình dục quá đà cũng có thể được coi là bao gồm trong ba quy tắc lễ thứ ba. Những tác giả Phật giáo sau này như Nagarjuna đã đưa ra nhiều giải thích và khuyến nghị khác nhau. Trong đạo Đạo Baháʼí, các mối quan hệ tình dục chỉ được phép xảy ra giữa một chồng và một vợ. Unitarian Universalist, với sự tập trung vào đạo đức cá nhân mạnh mẽ, không đặt ra giới hạn về việc xảy ra quan hệ tình dục giữa những người trưởng thành đồng ý. Theo đạo Brahma Kumaris và tôn giáo Prajapita Brahma Kumaris, sức mạnh của nương, là gốc của tất cả các điều ác và tồi tệ hơn cả giết người. Sự trong trắng (tịnh dục) được khuyến khích vì hòa bình và để chuẩn bị cho cuộc sống trong thiên đàng trên đất trong 2.500 năm tới khi con người sẽ được sinh ra bằng sức mạnh của tâm hồn. Người theo đạo Wicca, dựa trên lời tuyên bố trong Charge of the Goddess, được hướng dẫn rằng "[l]et [the Goddess'] worship be within the heart that rejoiceth; for behold, all acts of love and pleasure are [the Goddess'] rituals." Lời tuyên bố này cho phép mỗi người tự do khám phá về sự gợi cảm và niềm vui, và kết hợp với nguyên tắc cuối cùng trong Wiccan Rede - "26. Eight words the Wiccan Rede fulfill—an' it harm none, do what ye will." - người theo Wicca được khuyến khích đối xử có trách nhiệm với các cuộc gặp gỡ tình dục của họ, bất kể chúng xảy ra dưới hình thức nào. Meher Baba cho rằng "Ở giai đoạn đầu của cuộc sống hôn nhân, vợ chồng được hút đến nhau bởi dục vọng cũng như tình yêu; nhưng với sự hợp tác có ý thức và chủ động, họ có thể dần giảm sự hiện diện của dục vọng và tăng cường yếu tố tình yêu. Qua quá trình này của chuyển hóa, dục vọng cuối cùng nhường chỗ cho tình yêu sâu đậm." Trong một số trường hợp, việc quan hệ tình dục giữa hai người được xem là vi phạm luật pháp hoặc giáo điều tôn giáo. Trong nhiều cộng đồng tôn giáo, bao gồm cả Giáo hội Công giáo và những nhà Phật tử Phật giáo Mahayana, các nhà lãnh đạo tôn giáo được kỳ vọng kiêng cử quan hệ tình dục để dành toàn bộ sự chú tâm, năng lượng và lòng trung thành cho nhiệm vụ tôn giáo của họ. Ở động vật Ở động vật, giao cấu hầu như xảy ra ở thời điểm động dục (khoảng thời gian mà con cái có khả năng thụ thai cao nhất) để tăng khả năng thụ thai. Tuy nhiên, cá heo và tinh tinh được biết là quan hệ tình dục ngay cả khi con cái không động dục và thực hiện cả hành vi tình dục đồng giới. Trong hầu hết trường hợp, con người quan hệ tình dục chủ yếu là vì mục đích khoái cảm. Quan hệ tình dục ở hai loài vừa kể cũng được coi như vì mục đích khoái cảm, điều đem lại sự gắn kết giữa chúng. Con người, tinh tinh và đặc biệt là cá heo là các loài thực hiện hành vi tình dục không những vì mục đích truyền chủng mà còn để tìm kiếm khoái cảm. Cả ba loài đều có các thói quen tình dục khác giới thậm chí khi con cái không ở tình trạng estrus (rụng trứng), có nghĩa là thời điểm trong chu kỳ sinh đẻ của giống cái có tỷ lệ thụ thai cao nhất. Tương tự, cả ba loài đều có thói quen tình dục đồng giới. Con người, tinh tinh và cá heo đều là các giống vật thông minh, và cách hợp tác (đực-cái) của ba loài minh chứng rằng chúng hiệu quả hơn nhiều so với bất kỳ một cá nhân đơn độc nào. Đối với con người, bonobo và cá heo, tình dục ngoài ý nghĩa truyền chủng còn có thêm các ý nghĩa chức năng xã hội. Có lẽ tình dục thúc đẩy tình thân mật giữa các cá nhân để hình thành nên các cơ cấu xã hội lớn hơn. Sự hợp tác lại dẫn tới khả năng thực hiện các nhiệm vụ tập thể lớn hơn, tăng khả năng tồn tại của mỗi cá nhân trong nhóm.
FOB là một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là " Giao lên tàu". Nó là một thuật ngữ trong thương mại quốc tế, được thể hiện trong Incoterm. Nó là tương tự với FAS, nhưng bên bán hàng cần phải trả cước phí xếp hàng lên tàu. Việc chuyển giao diễn ra khi hàng hóa vượt qua lan can tàu tại cảng xếp hàng. Về mặt quốc tế, thuật ngữ này chỉ rõ cảng xếp hàng, ví dụ "FOB New York" hay "FOB Hải Phòng". Các khoản chi phí khác như cước vận tải, phí bảo hiểm thuộc về trách nhiệm của bên mua hàng. Hoa Kỳ-Canada Về mặt quốc nội, trong phạm vi Hoa Kỳ và Canada, FOB thuần túy chỉ được hiểu là miễn trách nhiệm trên boong tàu và thuật ngữ này được sử dụng trong hai cụm từ phổ biến là "FOB điểm xếp hàng" và "FOB điểm đến", để phân biệt khi nào thì quyền đối với hàng hóa được chuyển từ bên bán sang bên mua. Theo các điều kiện của "FOB điểm xếp hàng", thì quyền đối với hàng hóa được chuyển tới bên mua tại điểm xếp hàng. Tương tự, theo điều kiện "FOB điểm đến", quyền đối với hàng hóa được chuyển sang bên mua khi hàng được đưa tới điểm đến. Sự phân biệt này là quan trọng do nó xác định ai là người trả cước phí vận chuyển hàng hóa: ai là người giữ quyền [sở hữu] đối với hàng hóa tại thời điểm vận chuyển nó sẽ là bên thanh toán chi phí vận tải hàng hóa đó. Ngoài ra, nó cũng là quan trọng nếu như chuyến hàng có tổn thất trong khi vận chuyển thì chủ sở hữu khi đó cần đưa ra các khiếu nại đối với việc vận chuyển. Lưu ý rằng, việc sử dụng các thuật ngữ theo kiểu Mỹ-Canada này là không tương thích với các định nghĩa chính thức của Incoterm, và nó không thể sử dụng trong vận tải quốc tế. Kế toán-tài chính Với sự ra đời của thương mại điện tử (e-commerce), phần lớn các giao dịch thương mại điện tử diễn ra theo các điều kiện của "FOB điểm giao hàng" hay "FCA điểm giao hàng". Phần lớn các phân tích coi đây là sự bất lợi của mua bán hàng trực tuyến khi so sánh với việc mua bán truyền thống của con người, trong đó "FOB điểm đến" là chủ yếu. Khi kiểm kê hàng tồn kho, các hàng hóa đang trên đường vận chuyển đóng một vai trò quan trọng, phụ thuộc vào việc nó có được đưa vào bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp hay không. Các mặt hàng theo điều kiện "FOB điểm giao hàng/điểm đến" được đánh dấu kiểm soát để xem xét nếu như bên mua có quyền đối với hàng hóa. Nếu có quyền, thì hàng hóa được bổ sung thêm vào bảng kiểm kê hàng hóa, và thể hiện trên bảng cân đối kế toán dưới hình thức hàng mua đang đi đường. Nếu không có quyền, hàng hóa được coi như là các mặt hàng gửi bán, có nghĩa là chúng vẫn thuộc quyền sở hữu của nhà cung cấp (bên ủy thác bán).
Aung San Suu Kyi (; ; sinh ngày 19 tháng 6 năm 1945) là một chính khách người Myanmar, Chủ tịch Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Myanmar. Trong cuộc bầu cử phổ thông năm 1990, NLD giành 59% tổng số phiếu và 81% (392 trên 485) ghế trong nghị viện. Tuy nhiên, bà chưa bao giờ được nhậm chức thủ tướng và đã bị chính quyền quân sự quản thúc tại gia trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Bà chịu sự quản thúc tại gia của chính quyền quân sự trong gần 15 năm trong tổng số 21 năm quản chế cho đến khi được thả lần gần đây nhất vào tháng 11 năm 2010, qua đó trở thành một trong những tù nhân chính trị được biết đến nhiều nhất trên thế giới. Năm 1990, Suu Kyi được trao tặng Giải tưởng niệm Thorolf Rafto và Giải thưởng Sakharov cho Tự do Tư tưởng. Bà tiếp tục được trao tặng giải Nobel Hòa bình năm 1991 và Giải Jawaharlal Nehru cho sự Thông cảm quốc tế của chính phủ Ấn Độ cùng Giải thưởng Simón Bolívar của chính phủ Venezuela vào năm 1992. Năm 2007, chính phủ Canada công nhận Suu Kyi là công dân danh dự của Canada, bà là người thứ tư có được vinh dự này. (nhưng năm 2018 bà đã bị tước danh hiệu này). Năm 2011 bà được trao tặng Huy chương Wallenberg.. Hiện nay bà là hội viên danh dự của Câu lạc bộ Madrid. Ngày 19 tháng 12 năm 2012, bà được trao tặng Huân chương Vàng Quốc hội (Congressional Gold Medal), một trong hai giải thưởng cao quý nhất của Hoa Kỳ, bên cạnh Huân chương Tự do Tổng thống. Ngày 1 tháng 4 năm 2012, Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ thông báo Suu Kyi đã trúng cử vào Pyithu Hluttaw, cơ quan Hạ viện của Myanmar, đại diện cho khu vực Kawhmu; NLD cũng giành được 43 trên 45 ghế trống trong Hạ viện. Kết quả cuộc bầu cử đã được xác nhận bởi các ủy ban bầu cử chính thức vào ngày hôm sau. Ngày 6 tháng 6 năm 2013, Suu Kyi cho biết tại trang web của Diễn đàn Kinh tế Thế giới rằng bà muốn tham gia tranh cử vào vị trí người lãnh đạo cao nhất của Myanmar vào năm 2015. Năm 2015, Đảng NLD của bà Suu Kyi giành thắng lợi áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử quốc hội. Tuy nhiên, hiến pháp Myanmar do quân đội soạn thảo năm 2008 cấm bà Suu Kyi làm tổng thống vì người chồng Michael Aris và hai con trai của bà đều mang quốc tịch Anh, do vậy bà nói là "sẽ đứng trên tổng thống". Ngày 2 tháng 4 năm 2016, bà chính thức trở thành "cố vấn quốc gia Miến Điện", một chức vụ được tạo ra riêng cho bà, là cố vấn nhà nước đầu tiên của Myanmar, chức vụ hay được xem tương đương thủ tướng. Chính phủ mới của Myanmar của Suu Kyi ban đầu được phương Tây ca ngợi là "biểu tượng dân chủ" và sẽ tạo ra nhiều cải cách, nhưng những lời ca ngợi này sớm qua đi. Không còn là "nhà hoạt động đối lập" mà đã trở thành lãnh đạo, Suu Kyi sớm nhận ra nhiều vấn đề chính trị của Myanmar là không thể giải quyết chỉ bằng các khẩu hiệu "vận động dân chủ" như trước đây bà đã làm, ví dụ như sự khống chế của quân đội tại 3 bộ quan trọng nhất, hoặc Khủng hoảng người tị nạn Rohingya 2015. Bà bị phương tây chỉ trích vì những việc mà họ cho là "sự đàn áp sắc tộc Hồi giáo thiểu số ở tây bắc Myanmar". Truyền thông phương Tây cho rằng Giải Nobel Hòa bình được trao cho Suu Kyi là một "nỗi hổ thẹn", và rằng "bà được tôn vinh vì đã chiến đấu cho sự tự do - và bây giờ bà ấy sử dụng sự tự do đó để biện hộ cho việc giết người của chính bà ta". Đáp lại, Suu Kyi chỉ trích truyền thông phương tây đã thêu dệt nhiều thông tin sai lệch về tình hình Myanmar, đồng thời bà đã dần xa lánh các nước phương Tây và quay sang tìm kiếm sự trợ giúp từ Trung Quốc và Nga Vào ngày 1 tháng 2 năm 2021, Aung San Suu Kyi bị quân đội Myanmar bắt giữ sau khi họ tuyên bố kết quả tổng tuyển cử tháng 11 năm 2020 là gian dối. Danh xưng Aung San Suu Kyi, giống như những cái tên Myanmar khác, không có phần tên họ, mà chỉ có một cái tên cá nhân, trong trường hợp của bà xuất phát từ ba phần: "Aung San" từ tên người cha, "Suu" từ tên người bà nội, và "Kyi" từ tên của người mẹ Khin Kyi. Người Myanmar thường gọi bà là Daw Aung San Suu Kyi. Daw không phải là một phần tên gọi của bà, mà là một danh xưng mang tính kính trọng trong tiếng Myanmar, mang ý nghĩa như "Madame" - "bà", dùng để gọi người phụ nữ lớn tuổi và đáng kính trọng, nghĩa gốc là "cô", "dì". Họ thường gọi Daw Suu và Amay Suu ("Mẹ Suu"), (và thậm chí là "Dì Suu" (Aunty Suu)), và cũng gọi Tiến sĩ Suu Kyi (Dr. Suu Kyi). Phương tiện truyền thông nước ngoài thường gọi bà là Ms. Suu Kyi, hoặc Miss Suu Kyi. Những năm đầu đời Aung San Suu Kyi sinh ngày 19 tháng 6 năm 1945 tại Rangoon (nay là Yangon). Người cha của bà, Aung San, là người thành lập Tatmadaw, lực lượng vũ trang hiện đại của Myanmar và là người đàm phán về độc lập cho Miến Điện (Burma) khỏi sự thống trị của Đế quốc Anh vào năm 1947; ông bị ám sát bởi phe đối lập vào cùng năm. Bà lớn lên với người mẹ, Khin Kyi, và hai anh trai, Aung San Lin và Aung San Oo, tại Rangoon. Aung San Lin mất sớm vào năm lên tám tuổi, khi bị ngã xuống hồ trong khu vườn của ngôi nhà. Người anh trai còn lại di cư sang San Diego, California, trở thành một công dân Hoa Kỳ. Sau cái chết của Aung San Lin, gia đình chuyển đến một ngôi nhà gần hồ Inya, nơi Suu Kyi gặp rất nhiều người có nguồn gốc, tôn giáo và quan điểm chính trị khác nhau. Bà được đào tạo tại Trường Trung học Anh ngữ Giám lý (bây giờ là Trường Trung học Dagon số 1) trong hầu hết thời thơ ấu tại Miến Điện, nơi bà được ghi nhận có tài năm trong việc học các ngôn ngữ nước ngoài. Bà là một tín đồ Phật giáo Nguyên thủy. Người mẹ của Suu Kyi, Khin Kyi, trở nên nổi tiếng với vai trò một nhân vật chính trị trong chính phủ Miến Điện mới được thành lập. Bà được bổ nhiệm làm đại sứ Miến Điện đến Ấn Độ và Nepal năm 1960, và Aung San Suu Kyi đi theo mẹ đến đó. Bà học tại Tu viện Chúa Giêsu và Đức mẹ Maria (Convent of Jesus and Mary School) ở New Delhi, và tốt nghiệp Cao đẳng Nữ sinh Lady Shri Ram tại New Delhi với bằng cử nhân chính trị năm 1964. Suu Kyi tiếp tục học tại St Hugh's College, Oxford, lấy bằng cử nhân Triết học, Chính trị và Kinh tế (PPE) năm 1969. Sau khi tốt nghiệp, bà sống tại thành phố New York với Ma Than E, một người bạn của gia đình, người đã từng là một ca sĩ nhạc pop nổi tiếng của Miến Điện. Bà làm việc tại Liên Hiệp quốc trong ba năm, chủ yếu là về các vấn đề ngân sách, viết hàng ngày với chồng tương lai của mình, Tiến sĩ Michael Aris. Cuối năm 1971, Aung San Suu Kyi kết hôn với Aris, một học giả về văn hóa Tây Tạng, sống ở nước ngoài tại Bhutan. Một năm sau bà sinh con trai đầu tiên của họ, Alexander Aris, tại London; con trai thứ hai, Kim, sinh năm 1977. Từ năm 1985 đến năm 1987, Suu Kyi tập trung nghiên cứu để lấy bằng Thạc sĩ Triết học (M.Phil) về văn học Miến Điện với vai trò nghiên cứu sinh tại SOAS - Trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi, thuộc Đại học London. Cô được bầu làm Uỷ viên Danh dự của SOAS năm 1990. Trong hai năm cô ấy là một Ủy viên tại Viện nghiên cứu cao cấp của Ấn Độ (IIAS) ở Shimla, Ấn Độ. Cô cũng làm việc cho chính phủ Liên bang Myanmar. Năm 1988 Suu Kyi trở về Miến Điện, lúc đầu để chăm sóc người mẹ ốm yếu, nhưng sau đó là để lãnh đạo phong trào dân chủ. Lần viếng thăm của Aris vào Giáng sinh năm 1995 trở thành lần cuối ông và bà Suu Kyi gặp mặt nhau, bởi Suu Kyi vẫn ở Myanmar và chế độ độc tài Myanmar từ chối bất kì thị thực nào của ông sau thời điểm đó. Aris được chẩn đoán bị ung thư tuyến tiền liệt năm 1997 mà sau đó được phát hiện đã vào giai đoạn cuối. Bất chấp lời kêu gọi từ các nhân vật và tổ chức nổi tiếng, bao gồm cả Hoa Kỳ, Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Kofi Annan và Giáo hoàng John Paul II, chính phủ Myanmar không cấp thị thực cho Aris, và phát biểu rằng họ không có đủ điều kiện để chú ý đến ông, và thay vào đó kêu gọi Aung San Suu Kyi rời khỏi đất nước để thăm ông. Vào thời điểm này, Suu Kyi vừa tạm thời được gỡ bỏ sự quản thúc tại gia, nhưng bà không bằng lòng rời đất nước, vì lo sợ sẽ bị từ chối tái nhập cảnh nếu rời Myanmar, khi Suu Kyi không tin tưởng vào việc chính quyền quân sự bảo đảm rằng bà có thể trở lại. Aris qua đời vào ngày sinh nhật lần thứ 53 của mình, ngày 27 tháng 3 năm 1999. Kể từ năm 1989, khi vợ ông lần đầu tiên bị đặt dưới sự quản thúc tại gia, ông chỉ được gặp mặt bà năm lần, lần cuối cùng vào Giáng sinh năm 1995. Bà cũng bị chia cắt với những đứa con, hiện sống tại Anh, nhưng bắt đầu từ năm 2011, họ bắt đầu đến thăm bà tại Myanmar. Vào ngày 02 tháng 5 năm 2008, sau khi Bão Nargis đi qua Myanmar, Suu Kyi bị mất mái nhà của mình và sống trong bóng tối sau khi mất điện tại nơi cư trú ven hồ đổ nát của mình. Bà sử dụng nến vào ban đêm khi không được cung cấp bất kì máy phát điện nào. Kế hoạch cải tạo và sửa chữa ngôi nhà được công bố vào tháng 8 năm 2009. Suu Kyi được gỡ bỏ lệnh quản thúc tại gia vào ngày 13 tháng 11 năm 2010. Tiểu sử 1945 - 1964 1942: Sĩ quan chỉ huy của quân đội độc lập Miến Điện Aung San, làm quen với Ma Khin Kyi, nữ y tá cao cấp của nhà thương lớn tại Rangoon, nơi ông ta hồi phục sau cuộc hành quân. Hai người kết hôn vào ngày 6 tháng 9. 1945: Suu Kyi, con thứ ba của Aung San, ra đời tại Rangoon ngày 19 tháng 6. Người anh kế của Suu Kyi bị chết đuối khi bà còn nhỏ. Người anh cả định cư tại Hoa Kỳ. 1947: Tướng Aung San bị ám sát ngày 19 tháng 7, khi Suu Kyi mới hai tuổi. Mẹ là Daw Khin Kyi trở thành một nhân vật trong chính trường, lãnh đạo một số cơ quan về kế hoạch và xã hội. Tướng Aung San được coi là người thành lập Quân đội Miến điện. 1948: Liên hiệp Độc lập Miến Điện thành lập ngày 4 tháng 1. 1960: Daw Khin Kyi được cử làm đại sứ tại Ấn Độ. Suu Kyi theo mẹ sang New Delhi. 1960-1964: Suu Kyi theo học trường trung học và trường Lady Shri Ram College tại New Delhi. 1965 - 1985 1964-1967: Học bằng Cử nhân triết, chính trị và kinh tế tại Đại học Oxford. Khi ở Anh, Suu Kyi sống chung với gia đình "cha nuôi" là Sir Gore-Booth, cựu đại sứ và cao ủy Anh Quốc tại Miến Điện, và qua đó làm quen với Michael Aris, một sinh viên người Anh chuyên khảo cứu về văn minh Tây Tạng. 1969-1971: Suu Kyi đến New York để học cho xong, sống chung với bạn là Ma Than E, một nhân viên của Liên Hợp Quốc. Qua đó, Suu Kyi tạm ngưng việc học, theo làm phụ tá thư ký, ban tham vấn về điều hành hành chính tại Liên Hợp Quốc. Ngoài giờ làm việc thì làm việc thiện nguyện tại nhà thương, an ủi và đọc sách cho bệnh nhân. 1972: Suu Kyi và Michael Aris kết hôn ngày 1 tháng 1. Suu Kyi Theo chồng đi Bhutan. Michael là người dạy tiếng Anh cho hoàng gia Bhutan và là trưởng phòng phiên dịch. Suu Kyi sau đó làm nhân viên khảo cứu cho Bộ Ngoại giao. 1973: Hai vợ chồng trở về Luân Đôn. Suu Kyi sinh con đầu lòng Alexander. 1977: sinh con thứ nhì là Kim tại Oxford. Trong khi ở nhà nuôi con nhỏ, Suu Kyi bắt đầu viết sách, nghiên cứu về cha của bà và giúp chồng khảo cứu về văn hoá vùng Himalaya. 1984: Xuất bản bài về cha mình Aung San trong phần "Các lãnh tụ Á châu" của báo định kỳ Đại học Queensland. (Xem Freedom from Fear, pp. 3–38.) 1985: Xuất bản "Đi thăm Miến Điện" cho giới đọc giả trẻ. Xuất bản sách về Nepal và Bhutan (Nhà xuất bản: Burke, London) 1985 - 1988 1985-1986: Là học giả nội trú tại Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Kyoto, Suu Kyi tìm hiểu về cha bà trong thời gian ông ở Nhật. 1986: Hằng năm, hai con trai của Suu Kyi, Alexander và Kim, về Rangoon thăm bà ngoại và dần dần học hỏi về tu hành đạo Phật. 1987: Sau khi được trao bằng thành viên của trường nghiên cứu văn hóa Ấn, Suu Kyi cùng chồng con về cư trú tại Simla. Sau đó về London khi mẹ bà cần mổ mắt vì bệnh cườm thủy tinh thể mắt. Xuất bàn "Thời sự xã hội chính trị Miến Điện trong những năm 1910-1940" trong báo của Đại học Tokyo. (Xem "Freedom from Fear", pp. 140–164.) Gia đình trở về Oxford vào tháng 9. Suu Kyi ghi danh học tại trường London nghiên cứu về châu Á và châu Phi. 1988 31 tháng 3: Khi nghe tin mẹ bị tai biến mạch máu não trầm trọng, Suu Kyi về Rangoon chăm sóc cho bà. 23 tháng 7: Tướng Ne Win, nhà độc tài Myanmar từ năm 1962, từ chức. Những cuộc biểu tình chống đối tiếp tục xảy ra. 8 tháng 8: Nhiều cuộc nổi dậy khắp nơi. Chính quyền dùng vũ lực đàn áp, rất nhiều người chết và bị thương. 15 tháng 8: Suu Kyi bắt đầu hoạt động chính trị. Bà gửi thư cho chính phủ, kêu gọi thành lập ủy ban cố vấn độc lập về vấn đề bầu cử đa đảng. 26 tháng 8: Trong bản tuyên bố đầu tiên trước hàng trăm ngàn công chúng bên ngoài chùa Shwedagon, bà kêu gọi thành lập chính phủ tự do dân chủ. Chồng và hai con trai bà cũng có mặt hôm ấy. 18 tháng 9: Chính phủ quân đội Myanmar (SLORC) ban ra hình luật để áp chế các cuộc biểu tình. 24 tháng 9: Đảng Liên kết Quốc gia Dân chủ (NLD) thành lập do Suu Kyi làm tổng thư ký. Chủ trương bất bạo động. Tháng 10 - 12: Mặc dù bị nhà nước cấm, Suu Kyi tiếp tục đi khắp nơi phát huy, cổ động nhân dân về phong trào tự do, dân chủ. 27 tháng 12: Mẹ của Suu Kyi, bà Khin Kyi, chết (thọ 76 tuổi). 1989 2 tháng 1: tang lễ của Khin Kyi rất lớn. Suu Kyi thề sẽ theo bước mẹ cha phục vụ đồng bào Miến Điện cho đến chết. Tháng 1 - tháng 7: Suu Kyi tiếp tục tranh đấu mặc dù bị đàn áp, đe dọa, bắt bớ bởi quân lính nhà nước. 17 tháng 2: Suu Kyi bị nhà nước cấm không cho tranh cử. 5 tháng 4: Sự kiện tại khu Irawaddy Delta, Suu Kyi can đảm đi thẳng tới trước những nòng súng của quân đội chính phủ đang chĩa vào bà. 20 tháng 7: Suu Kyi bị giam lỏng trong nhà, không có án kết. Hai con trai đang sống cùng bà. Chồng bà là Michael bay từ Rangoon về thăm sau khi nghe tin bà tuyệt thực ba ngày để đòi được đem vào tù chung với những học sinh bị bắt tại tư gia của bà. Bà ngưng tuyệt thực khi chính quyền hứa sẽ đối xử tốt với học sinh. 1990 27 tháng 5: Đảng NLD thắng cử (82% phiếu) mặc dù Suu Kyi đang bị giam lỏng. Nhà nước SLORC không chấp nhận kết quả bầu cử. 12 tháng 10: Suu Kyi lãnh giải thưởng Nhân quyền Rafto. 1991 10 tháng 7: Các quốc gia châu Âu trao tặng Suu Kyi giải Nhân quyền Shakarov 14 tháng 10: Suu Kyi được trao giải Giải Nobel Hòa bình Tháng 12: Sách tựa đề Freedom from Fear (Thoát vòng sợ hãi) được nhà xuất bản Penguin phát hành tại Hoa Kỳ, Anh Quốc, Canada, Úc, New Zealand và được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Na Uy, tiếng Tây Ban Nha. 10 tháng 12: Hai con trai bà sang Oslo thay mặt mẹ lãnh giải Nobel. Bà quyết định không rời Miến Điện khi nhà nước khuyên bà nên ra khỏi nước và thôi làm chính trị. 1992 Suu Kyi công bố bà sẽ dành khoản tiền nhận được từ giải Nobel (khoảng 1,3 triệu đô Mỹ) để tái thiết các trụ sở giáo dục và y tế cho đồng bào Myanmar. 1993 Nhóm người lãnh giải Nobel Hòa bình xin gặp bà nhưng bị nhà nước Myanmar từ chối. Họ sang thăm dân Myanmar tỵ nạn tại Thái Lan và kêu gọi nhà nước Myanmar trả tự do cho Suu Kyi. Sau đó lời kêu gọi này được lặp lại tại Liên Hợp Quốc. 1994 Tháng 2: Những người không phải là thân nhân được thăm Suu Kyi gồm có đại diện Liên Hợp Quốc, nghị viên Mỹ, phóng viên báo New York Times. Tháng 9 - 10: Các nhà lãnh đạo chính quyền Myanmar gặp Suu Kyi - bà vẫn đòi một cuộc đối thoại công khai. 1995 10 tháng 7: SLORC thả Suu Kyi sau 6 năm giam lỏng. 1996 - 2006 Trong nhiều năm sau, Suu Kyi bị kiềm chế về vấn đề đi lại. Bà có cơ hội gọi điện thoại cho thân nhân ở Anh Quốc nhưng ngoài ra không hoạt động gì được. Báo chí do nhà nước quản chế liên tục bôi nhọ bà và nhiều người lo sợ cho an ninh của bà. Mọi nỗ lực để phát huy đảng NLD đều bị dập tắt, nhiều thành viên bị đánh đập và bỏ tù. Một vài tháng sau khi lệnh quản thúc tại gia kết thúc, Suu Kyi có cố gắng tuyên bố trước đám đông công chúng tụ tập tại nhà bà, nhưng sau đó hoạt động này bị dẹp. Tuy nhiên bà vẫn được nhiều người ngưỡng mộ và ủng hộ. Suu Kyi vẫn tiếp tục có tiếng nói trên thời sự quốc tế. Phóng viên, ký giả vẫn có thể quay phim và phỏng vấn bà. Tại cuộc hội thảo quốc tế về phụ nữ do Liên Hợp Quốc tổ chức tại Bắc Kinh tháng 8 năm 1995, bà gửi video để tường trình các vấn đề chính yếu với diễn đàn các tổ chức phi chính phủ. Trong khi đó, SLORC đổi tên thành Ủy ban Hòa bình và Xây dựng Quốc gia, nhưng vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền như trước. Suu Kyi khuyến khích thế giới đừng du lịch và ngưng liên hệ ngoại giao với Myanmar cho đến khi nào nước này có tự do chân chính. Tuy Hoa Kỳ có ra biện pháp cấm vận kinh tế với Myanmar, những nước láng giềng vẫn có liên hệ ngoại giao với nước này và Myanmar đã được nhận vào Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Ngày 27 tháng 3 năm 1999, chồng Suu Kyi qua đời tại London vì bệnh ung thư tuyến tiền liệt ở tuổi 52 khi đang là Giáo sư Oxford. Lần cuối cùng ông bà gặp nhau là vào Giáng sinh năm 1995. Khi biết tin mình bị ung thư, ông cố gắng gặp vợ lần cuối cùng nhưng chính phủ Myanmar không cấp visa cho ông vào Miến điện. Ông xin cấp visa hơn 30 lần, có cả sự can thiệp của Giáo hoàng, Tổng thống Mỹ Bill Clinton nhưng chính phủ Miến điện luôn từ chối và luôn khuyên Suu Kyi xuất cảnh để thăm chồng, nhưng bà từ chối vì biết rằng một khi bà xuất cảnh, chính phủ Myanmar sẽ không bao giờ cho phép bà trở lại Myanmar. Suu Kyi xem sự đau khổ xa cách chồng, ngay cả khi ông chết, là một hy sinh bà phải nhận trong quá trình tranh đấu cho tự do dân tộc Myanmar. Năm 2004, đặc sứ Liên hiệp quốc Razali Ismali đến Myanmar, thăm bà Suu Kyi, nhưng trong 2 năm sau đó không có người nước ngoài nào được tới gặp bà. Tháng 5 năm 2006, Phó tổng thư ký Liên hiệp quốc phụ trách chính trị Ibrahim Gambari đến Myanmar để thảo luận với chính quyền quân sự về vấn đề nhân quyền cũng như việc lập lại dân chủ. Ông đã gặp bà Suu Kyi, tuy nhiên nội dung cuộc trò chuyện không được công bố. 2007 Cuộc biểu tình của tu sĩ Phật giáo tại Burma bắt đầu ngày 19 tháng 8 năm 2007, khởi nguồn từ sự tăng giá quá cao của xăng dầu. Mặc dầu bị quân đội chính quyền Junta đàn áp tàn bạo nhưng các vị sư sãi vẫn tiếp tục xuống đường lên án nhà nước . Ngày thứ bảy, 22 tháng 9, mặc dầu đang bị giam lỏng tại tư gia, bà Aung San Suu Kyi xuất hiện trước công chúng tại cổng nhà mình, đón tiếp các vị tăng ni phật giáo trên đường họ kéo về tham gia biểu tình đòi nhân quyền . Sau đó có tin là Suu Kyi bị bắt đem về nhà tù Insein nơi bà từng bị giam cầm năm 2003 , nhưng qua cuộc đàm thoại ngày 30 tháng 9 và 2 tháng 10 với phái đoàn Liên Hợp Quốc do ông Ibrahim Gambari dẫn đầu thì bà chỉ tiếp tục bị giam lỏng tại tư gia.. 2009 Ngày 3 tháng 5, 2009, một người Mỹ tên John Yettaw không hiểu vì lý do gì lại lội ngang hồ Inya. Ông tìm đến nhà bà Suu Kyi xin trú ngụ vì ông ta mệt quá và khi ông ta dự định lội trở về vài hôm sau thì bị bắt. Ngày 13 tháng 5 khi chính quyền Myanmar nghe tin này liền kết tội bà Suu Kyi là vi phạm bản án tù tại gia. Bà bị bắt giam tại trại giam Insein, với nghi án có thể lên đến 5 năm tù ở. Phiên tòa xử bà Suu Kyi và hai người hầu của bà bắt đầu ngày 18 tháng 5. Các nhà ngoại giao và phóng viên báo chí bị cấm theo dõi, nhưng sau đó một số nhân viên ngoại giao của Nga, Thái Lan và Singapore được vào gặp bà Suu Kyi. Phiên tòa lúc đầu dự định cho kêu mời 22 nhân chứng đồng thời kết ông Yettaw vào tội làm nhục quốc thể Miến Điện. Bà Suu Kyi tuyên bố là bà vô tội. Bên bị cáo chỉ được gọi 1 nhân chứng (trong 4 người) trong khi bên chính quyền lại kêu 14 nhân chứng. Hai nhân chứng bên bị cáo là Tin Oo và Win Tin (thành viên đảng NLD) bị từ chối. Có tin cho rằng chính quyền Burma dự định tống giam bà Suu Kyi vào một trại lính bên ngoài thủ đô. Tại một phiên tòa khác ông Yettaw nói rằng ông lội đến nhà bà Suu Kyi đề cảnh giác bà là bà ta sắp gặp nạn lớn. Cảnh sát trưởng quốc gia sau đó xác định rằng Yettaw là "thủ phạm chính" trong vụ án của bà Suu Kyi. Theo lời của người tùy tùng thì bà Suu Kyi nằm tù trong thời gian quanh ngày sinh nhật thứ 64 của bà. Vụ bắt giữ và xét xử bà Aung San Suu Kyi bị cả thế giới phản đối, nhất là từ Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, các chính phủ tây phương Nam Phi, Nhật Bản và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Burma là thành viên của hiệp hội này). Chính quyền Myanmar phản bác các phản đối này là không tôn trọng truyền thống và đồng thời chỉ trích Thái Lan đã xen vào chuyện nội bộ của Burma. Ngoại trưởng Burma Nyan Win tuyên bố trên báo nhà nước Ánh sáng Mới Myanmar rằng: Vụ án này được thổi phồng lên để tăng áp lực đến chính phủ Burma do một số phần tử phản động bên trong và ngoài Burma không muốn thấy những thay đổi tốt trong chính sách liên hệ giữa các nước này với Burma. Ông Ban Ki-moon lãnh thỉnh nguyện thư của các nước đem sang Burma thương lượng nhưng chính quyền Burma khước từ các thỉnh nguyện này. Chính quyền Burma đình hoãn tuyên án bà Suu Kyi đến ngày 11 tháng 8 và ra án 18 tháng tù tại gia . Bà Suu Kyi do đó sẽ không thể ra ứng cử trong cuộc bầu cử năm tới. Liên Hợp Quốc và chính phủ tại nhiều quốc gia lên tiếng phản đối hành động này của chính quyền Burma. Ông Yettaw bị tuyên án 7 nằm tù khổ sai. Ngày 14 tháng 8, nghị sĩ Hoa Kỳ Jim Webb sang gặp chính quyền Myanmar và sau đó thăm bà Suu Kyi. Ông Webb xin tha và Burma quyết định thả và trục xuất Yettaw. Luật sư của bà Suu Kyi kháng cáo. Ngày 18 tháng 8 tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama kêu gọi chính quyền Burma thả tất cả các tù nhân chính trị, trong đó có bà Suu Kyi. Ngày 25 tháng 9, Suu Kyi chuẩn bị để cùng làm việc với các lãnh đạo quân sự Miến Điện hầu sự cấm vận kinh tế đang áp đặt ở quốc gia này được bãi bỏ. Điều mà trước đây Suu Kyi nhất mực chống lại. Theo lời U Nyan Win, phát ngôn viên vừa là luật sư của Suu Kyi, thì Suu Kyi thảo một bức thư gửi trực tiếp cho nhà lãnh đạo quân đội, Tướng Than Shwe, theo đó bà sẵn sàng hợp tác để làm sao cho việc cấm vận được bãi bỏ. Shwe bỏ ra chừng một tiếng đồng hồ để cùng bà thảo bức thư được miêu tả là "lối suy nghĩ mới" của bà về việc cấm vận. Trong vài ngày tới, bức thư được chính thức nộp cho nhà lãnh đạo quân sự. Luật sư Nyan Win nói Suu Kyi muốn biết có bao nhiêu cấm vận từng áp đặt lên đất nước Miến Điện, và phần lớn mang lại hậu quả tiêu cực đối với đời sống của dân chúng. Trong lá thư bà còn bày tỏ muốn nghe ý kiến của các quốc gia khác đang có đại sứ ở Miến Điện. Đảng đối thủ Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà, từng thắng cử trong cuộc đầu phiếu năm 1989, chưa quyết định sẽ tham gia cuộc tuyển cử trở lại vào năm 2010 hay không. Quyết định tiếp xúc với chánh đảng quân sự của Suu Kyi đến cùng lúc với chính sách thay đổi của Hoa Kỳ đối với Miến Điện. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton công bố ngày 23/9 rằng Hoa Kỳ sẽ cố liên hệ trực tiếp với các nhà lãnh đạo Miến mà không phải bãi bỏ việc cấm vận hiện tại. Theo bà, đây là một phần của sự tái duyệt chính sách đã được công bố từ Tháng Hai, và chi tiết sẽ được đưa ra trong vài ngày sắp đến. Sự tái duyệt chính sách này bị chậm lại vào tháng 5 sau khi có sự gia hạn việc quản chế dành cho Suu Kyi. Suu Kyi tuyên bố ngày 24/9 rằng bà tán đồng sự thay đổi chính sách của Hoa Kỳ, nhưng nhấn mạnh rằng bất cứ quan hệ nào của Mỹ cũng sẽ đều gặp sự chống đối. Bà Clinton nói, "Chúng ta muốn thấy có sự cải cách về dân chủ; một chính quyền biết đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Miến; thả lập tức và không điều kiện những tù nhân chính trị, kể cả bà Aung San Suu Kyi; đối thoại nghiêm túc với phe chống đối và các nhóm thuộc sắc tộc thiểu số." Ngày 2 tháng 10, một tòa án tại Myanmar ra phán quyết bác bỏ đơn xin trả tự do của Suu Kyi, theo luật sư của bà. Suu Kyi nói việc kết tội bà là không đúng, nhưng tòa ở Yangon bác bỏ đơn này. Ông nói rằng các luật sư đại diện cho Suu Kyi sẽ đưa đơn lên Tối cao Pháp viện trong vòng 60 ngày và nếu điều này thất bại sẽ tiếp tục kiện lên tòa kháng án đặc biệt tại thủ đô mới ở Naypyidaw. Phán quyết của tòa án Myanmar đưa ra trong lúc có sự thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ đối với chính quyền quân phiệt tại Myanmar. Suu Kyi gặp một viên chức chính quyền quân sự ngày 7 tháng 10. Đây là cuộc gặp gỡ thứ nhì trong một tuần kể từ khi bà lên tiếng kêu gọi mở ra một thời đại hợp tác. Cuộc họp không được loan báo trước giữa Suu Kyi và Bộ trưởng Giao tế Aung Kyi diễn ra tại một nhà khách chính phủ gần căn nhà bên bờ hồ của bà ở Yangon và kéo dài chừng nửa giờ đồng hồ. Chi tiết của cuộc gặp gỡ này không được tiết lộ. Nyan Win, phát ngôn viên của đảng Liên đoàn quốc gia Dân chủ, tin rằng điều này có thể liên hệ đến lá thư của Suu Kyi và sự tiếp nối của cuộc họp ngày 3 tháng 10. Phía đảng Liên đoàn quốc gia Dân chủ đòi hỏi là nếu muốn có sự hợp tác, phía chính quyền phải trả tự do cho thành phần tranh đấu còn đang bị giam giữ và cho mở cửa văn phòng đại diện của đảng Liên đoàn quốc gia Dân chủ trên cả nước. 2010 Chiều ngày 13 tháng 11 năm 2010, theo chiếu lệ của tòa án Miến Điện, Aung San Suu Kyi được trả tự do, sau khi bị quản thúc tại gia 15 năm trong 21 năm qua. Đây là ngày được ấn định là hết hạn giam giữ theo một phán quyết của tòa án trong tháng 8 năm 2009. Bà được thả sáu ngày sau cuộc tổng tuyển bị cử chỉ trích rộng rãi. Bà xuất hiện trước một đám đông người ủng hộ đổ xô đến nhà bà ở Rangoon, khi rào chắn gần đó đã được gỡ bỏ bởi các lực lượng an ninh.The Light tờ báo của chính phủ mới của Myanmar nói việc thả tự do là tích cực, nói rằng bà đã được ân xá sau khi chấp hành hình phạt "tốt". The New York Times cho rằng chính phủ quân sự có thể đã thả Suu Kyi bởi vì họ cảm thấy đó là ở một cách để kiểm soát người ủng hộ bà sau cuộc bầu cử. Vai trò Suu Kyi thể hiện trong tương lai đối với dân chủ ở Miến Điện vẫn còn là một chủ đề của nhiều cuộc tranh luận. Con trai Kim Aris của bà đã được cấp thị thực trong tháng 11 năm 2010 để gặp lại mẹ của mình ngay sau khi được thả, lần đầu tiên trong 10 năm. Anh đã thăm một lần nữa vào ngày 05 Tháng 7 năm 2011, đi cùng bà trên một chuyến đi đến Bagan, chuyến đi đầu tiên ra bên ngoài Yangon từ năm 2003. Con trai của bà đã đến thăm một lần nữa trong 08 tháng 8 năm 2011, đi cùng bà trên một chuyến đi đến Pegu. Các cuộc thảo luận đã được tổ chức giữa Suu Kyi và chính phủ Miến Điện trong năm 2011, dẫn đến một số cử chỉ chính thức để đáp ứng nhu cầu của bà. Trong tháng mười, khoảng 1/10 của các tù nhân chính trị Miến Điện trả tự do ân xá và tổ chức công đoàn đã được hợp pháp hóa. Tháng 11 năm 2011, sau một cuộc họp của các nhà lãnh đạo, NLD tuyên bố ý định đăng ký lại như một đảng chính trị để tranh 48 vị trí nghị sĩ. Sau quyết định, Suu Kyi đã tổ chức điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong đó đồng ý rằng Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ thực hiện một chuyến viếng thăm Miến Điện, một cuộc viếng thăm nhận được phản ứng thận trọng từ đồng minh Trung Quốc. Vào ngày 1 tháng 12 năm 2011, Suu Kyi gặp với Hillary Clinton tại nơi cư trú của nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại Yangon. Ngày 21 tháng 12 năm 2011, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra gặp Suu Kyi tại Yangon, trở thành "lần đầu tiên cuộc họp với nhà lãnh đạo của một quốc gia nước ngoài" của Suu Kyi. Ngày 5 tháng 1 năm 2012, Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague đã gặp bà Aung San Suu Kyi và đối tác Miến Điện của mình. Đây là một chuyến thăm quan trọng cho Suu Kyi và Miến Điện. Suu Kyi học tại Vương quốc Anh và duy trì mối quan hệ, trong khi Anh là nhà tài trợ song phương lớn nhất của Miến Điện. Aung San Suu Kyi là chuyến thăm của bà tới châu Âu và thăm quốc hội Thụy Sĩ và nhận giải thưởng Nobel năm 1991 ở Oslo. Bầu cử năm 2012 Trong 1 bài phát biểu chính thức của chiến dịch phát sóng trên MRTV truyền hình nhà nước Miến Điện của ngày 14 tháng 3 năm 2012, Suu Kyi công khai vận động cải cách Hiến pháp năm 2008, loại bỏ các luật hạn chế, bảo vệ đầy đủ hơn quyền dân chủ của người dân, và thành lập tư pháp độc lập. Bài phát biểu đã bị rò rỉ trên internet một ngày trước khi nó được phát sóng. Một đoạn văn trong bài phát biểu, tập trung vào kiểm soát của Quân đội Miến điện bằng pháp luật, đã bị kiểm duyệt bởi chính quyền. Suu Kyi cũng đã kêu gọi các phương tiện truyền thông quốc tế giám sát cuộc bầu cử sắp tới, trong khi công khai chỉ ra bất thường trong danh sách cử tri chính thức, trong đó bao gồm các cá nhân đã chết và loại trừ các cử tri đủ điều kiện khác trong bầu cử gây tranh cãi. Vào ngày 21 tháng 3 năm 2012, bà Aung San Suu Kyi đã được trích dẫn khi nói "Gian lận và vi phạm quy tắc đang diễn ra và chúng tôi thậm chí có thể nói rằng chúng đang gia tăng." Ngày 01 Tháng tư 2012, NLD tuyên bố rằng Suu Kyi đã thắng cử một ghế trong Quốc hội. Nắm quyền lãnh đạo Ngày 8 tháng 11 năm 2015, Đảng NLD của bà Suu Kyi giành thắng lợi áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử khi giành được 126 ghế trong quốc hội. Tuy nhiên, hiến pháp Myanmar do quân đội soạn thảo năm 2008 cấm bà Suu Kyi làm tổng thống vì người chồng quá cố Michael Aris và hai con trai của bà đều mang quốc tịch Anh, do vậy bà nói là sẽ đứng trên tổng thống. Ngày 30 tháng 3 năm 2016, bà được giữ hai chức vụ ngoại trưởng và chánh Văn phòng Tổng thống Miến Điện. Ngày 2 tháng 4 năm 2016, bà chính thức trở thành cố vấn quốc gia Miến Điện, một chức vụ được tạo ra riêng cho bà. Các đại biểu quốc hội thuộc quân đội đã phản đối chức này cho đó là vi hiến và tẩy chay bỏ phiếu. Sự phối hợp nhiều công việc có nghĩa là bà sẽ giám sát cơ quan tổng thống, quyết định chính sách đối ngoại và phối hợp những quyết định giữa ngành hành pháp và các lãnh tụ quốc hội. Trong một tuần bà đã được phong làm bộ trưởng bộ giáo dục và bộ năng lượng nhưng đã từ bỏ 2 chức vụ này vào tuần kế tiếp. Khủng hoảng chính trị năm 2017 Aung San Suu Kyi bị chỉ trích vì sự im lặng và thiếu hành động của mình đối với vấn đề người Hồi giáo thiểu số ở Myanmar, cũng như không ngăn chặn việc vi phạm nhân quyền của quân đội đối với nhóm này Bà đã đáp trả: "Hãy chỉ cho tôi một quốc gia không có vấn đề nào về nhân quyền" Tháng 8 năm 2017, Aung San Suu Kyi bảo vệ hành động của chính phủ, nói rằng chính phủ Myanmar "đã bắt đầu bảo vệ tất cả mọi người ở Rakhine một cách tốt nhất có thể và nói rằng truyền thông (phương tây) không nên đưa ra các thông tin sai lệch" Phản ứng của bà sau đó đã bị chỉ trích bởi các nhà lãnh đạo như Desmond Tutu. The Economist đã chỉ trích lập trường của bà Suu Kyi, lập luận rằng: "bạo lực ở Rakhine đã đạt đến mức tán tận lương tâm không còn thể biện minh cho sự thụ động liên tục nữa."
phải|nhỏ|Áp-phích năm 1917 do James Montgomery Flagg vẽ, dựa theo áp-phích Kitchener tuyển mộ quân lính ở Anh Quốc vào 3 năm trước. Chú Sam (tiếng Anh: Uncle Sam) là biệt hiệu và hình tượng nhân hoá của Hoa Kỳ, thông thường được miêu tả là hình tượng ông già người Mĩ gốc châu Âu mặc lễ phục gi-lê, đầu đội mũ chóp cao có kiểu hoa văn cờ sao và sọc, thân hình cao gầy, để râu dê, phong độ tuấn tú, tinh thần khoẻ mạnh. Hình tượng truyện tranh đó do hoạ sĩ nổi tiếng James Montgomery Flagg vẽ cho Uỷ ban Thông tin công cộng. Chiếu theo cách nói của "Lịch sử quân sự Hoa Kỳ", tên gọi "Chú Sam" bắt nguồn vào thời kì chiến tranh Mĩ - Anh năm 1812, ông Samuel Wilson - người bán thịt đến từ thành phố Troy, hạt Rensselaer, bang New York, cung ứng thịt bò ướp cho quân đội Hoa Kỳ, nhãn hiệu trên thùng thịt bò viết "EA-US". EA là tên công ti, nhưng mà chữ viết tắt của Chú Sam (Uncle Sam) cũng đúng là US, lúc thùng đó được chở đến bộ đội, một số binh sĩ đến từ thành phố Troy, nói giỡn rằng chữ US viết trên thùng, nhất định là chỉ "Chú Sam", lối nói này lan truyền rất mau. Bởi vì chữ viết tắt của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ cũng đúng là US, về sau đã biến thành biệt hiệu của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Người Mĩ đem "Chú Sam" coi là người thành thật đáng tin cậy, chịu khó chịu nhọc, có tinh thần chủ nghĩa yêu nước, và được biết đây là phẩm chất chung và niềm hãnh diện của công dân họ. Ngày 15 tháng 9 năm 1961, thượng viện và hạ viện của quốc hội Hoa Kỳ thông qua nghị quyết chung về "Chú Sam", xem xét rằng có một số người cho biết dấu hiệu "Chú Sam" đã cũ không nên giữ lại, nhưng mà Samuel Wilson đến từ thành phố Troy, hạt Rensselaer, bang New York vẫn đại biểu sức mạnh và lí tưởng của "đất nước vĩ đại nhất trên thế giới" (nguyên văn pháp quy viết như đó), quyết định đem dấu hiệu truyền thống Hoa Kỳ "Chú Sam" chính thức cố định tới nay, và đem "Chú Sam" đến từ thành phố Troy, hạt Rensselaer, bang New York, coi là nguyên bản "Chú Sam" biểu tượng đất nước Hoa Kỳ. Hoá thân thời kì đầu Hoá thân được biết sớm nhất ở Hoa Kỳ là hình tượng một người nữ tên Columbia, hình tượng này đã xuất hiện lần đầu vào năm 1738, có lúc được biết là hoá thân của một người nữ khác - nữ thần tự do. Thuận theo chiến tranh độc lập Hoa Kỳ, Anh Jonathan (Brother Jonathan) trở thành hoá thân của người nam, và Chú Sam đã xuất hiện cuối cùng sau chiến tranh năm 1812. Mặc dù Columbia xuất hiện cùng nhau với Anh Jonathan hoặc Chú Sam, nhưng địa vị của cô ấy được biết là biểu tượng đất nước đã giảm sút, thay thế nó chính là hình tượng nữ thần tự do. Vào niên đại 20 thế kỉ XX, khi cô ấy trở thành vật cát tường của công ti điện ảnh Columbia, trên thực tế đã bị vứt bỏ. Bài văn "Chứng nhân đạo Luther" năm 1893 chỉ ra, Chú Sam chỉ là một tên chữ khác của Anh Jonathan:Ở cấp độ chính trị, chúng tôi gọi ông ấy là Chú Sam; ở cấp độ xã hội chúng tôi gọi ông ấy là Anh Jonathan.[sic] Diễn biến hình tượng Khởi nguyên chuẩn xác của nhân vật Chú Sam vẫn không rõ ràng, nhưng mà một lối nói phổ biến chính là "Chú Sam" tên chữ này bắt nguồn từ Samuel Wilson. Vào thời kì chiến tranh Hoa Kỳ - Anh Quốc lần thứ hai năm 1812, thành phố Troy ở bang New York có một người bán và chế biến thịt, tên là Samuel Wilson. Ông ấy thành thật có tài, giàu tinh thần khởi nghiệp, rất có uy tín ở địa phương, mọi người gọi thân thiết ông ấy là "Chú Sam". Trong khoảng thời gian chiến tranh có một quy định, yêu cầu nhà thầu đem tên chữ của họ và nguồn gốc phân phối thực phẩm in trên bao bì, trên bao bì của Wilson in "E.A-US". Tháng 1 năm 1812, thống đốc bang New York dẫn dắt một số người tiến vào xưởng chế biến tham quan, nhìn đến trên bao bì đều có in dấu hiệu đặc trưng E.A-US, lập tức hỏi ý nghĩa là gì. Công nhân trả lời, E.A là tên chữ của một nhà thầu vũ khí và đạn dược Elbert Anderson, US là chữ viết tắt của Hoa Kỳ, thật đúng lúc, chữ viết tắt của "Chú Sam" cũng là US, vì vậy một công nhân nói giỡn, US chính là "Chú Sam" (Uncle Sam). Sau khi sự việc thú vị này lan truyền, tiếng tăm "Chú Sam" vang dội lớn. Mọi người đem những thực phẩm quân nhu đó đều gọi là thức ăn được "Chú Sam" chở đến. Tuy nhiên sau này mọi người đã nêu ra điều ngờ vực về tính chân thật của câu chuyện cũ này, bởi vì như đã biết Chú Sam được nhắc đến sớm nhất là vào năm 1810, cách nói này mãi đến năm 1842 thì mới xuất hiện trên các giấy báo. Sau chiến tranh Mĩ - Anh năm 1812, trong các truyện tranh chính trị đã bắt đầu xuất hiện một nhân vật tên là "Chú Sam". Nguyên mẫu của anh ấy là một nhân vật truyện tranh ở thời kì đầu tên là "Anh Jonathan" (Brother Jonathan), người đó vô cùng nổi tiếng vào thời kì chiến tranh độc lập Hoa Kỳ. Đến niên đại 50 thế kỉ XIX, "Anh Jonathan" và "Chú Sam" hai tên chữ này hầu như có thể chuyển hoán lẫn nhau để sử dụng, thậm chí hình tượng từ lúc trước được gọi là "Anh Jonathan", bây giờ được gọi là "Chú Sam". Tuy nhiên, Anh Jonathan và Chú Sam có ý nghĩa tượng trưng không giống nhau: Anh Jonathan tượng trưng đất nước, Chú Sam tượng trưng chính phủ và quyền lực. Dần dần, Chú Sam đã được chọn lấy và thay thế Anh Jonathan, biến thành biểu tượng được người Mĩ hoan nghênh nhất. Trước đó, hình tượng Chú Sam liên tục phát sinh biến hoá, mãi đến khoảng thời gian Đại chiến thế giới lần thứ nhất, ông ấy mới có một hình tượng tiêu chuẩn, một bức chân dung của Chú Sam vào năm 1860 hiển thị, ông ấy nhìn giống như Benjamin Franklin; song, chân dung của Anh Jonathan thì giống Chú Sam bản hiện đại hơn, dù ông ấy không có râu dê. Khoảng thời gian Đại chiến thế giới lần thứ nhất nổ ra, James Montgomery Flagg lần đầu tiên sáng tạo ra hình tượng Chú Sam nức tiếng ở trên áp-phích gọi nhập ngũ, khắc sâu vào lòng người, mãi đến bây giờ, mức độ công nhận hình tượng nguyên bản này vẫn cao nhất như xưa. Linh cảm sáng tác của anh ấy đến từ một tấm áp-phích gọi nhập ngũ của Vương quốc Liên hợp Anh và Bắc Ireland, bá tước đời thứ nhất xứ Kitchener, Horatio Herbert Kitchener, cũng phô bày cùng một kiểu tư thế, phía dưới viết "Lord Kitchener Wants You". Hình tượng này ảnh hưởng cực kì lớn đối với vẻ ngoài hiện đại của Chú Sam: một ông già đầu tóc bạc phơ, để râu dê, trên đầu đội mũ chóp cao có một vằn sọc màu xanh thẫm và các ngôi sao màu trắng, trên mình mặc một cái áo măng-tô đuôi én màu xanh thẫm và cái quần có sọc đỏ trắng xen kẽ. Ngày 6 tháng 7 năm 1916, trang bìa của "Tuần san Leslie" lần đầu tiên công khai phô bày hình tượng Chú Sam do Flagg vẽ, tiêu đề là "Bạn đang làm gì để chuẩn bị?". Từ năm 1917 đến năm 1918, hình tượng này của Chú Sam đã in ra vượt quá 4 triệu bản. Khoảng thời gian Đại chiến thế giới lần lần hai, hình tượng này do Flagg vẽ cũng được sử dụng rộng khắp. Samuel Wilson qua đời vào ngày 31 tháng 7 năm 1854, hưởng thọ 87 tuổi, mai táng ở nghĩa trang công cộng thành phố của thành phố Troy, bang New York. Nhà ở lúc còn trẻ của Wilson vẫn ở bang New Hampshire như cũ, có thể tham quan. Hiện tại trên thế giới có hai đài kỉ niệm của Chú Sam: một là đài kỉ niệm Chú Sam ở thị trấn Arlington, hạt Middlesex, bang Massachusetts - chỗ ông sinh ra; hai là đài kỉ niệm ở sát gần công viên bờ sông của thành phố Troy, bang New York - chỗ ông cư trú lâu năm. Người Mĩ đem sự thành thật đáng tin cậy, chịu khó chịu nhọc và tinh thần chủ nghĩa yêu nước của Chú Sam coi là phẩm chất chung và niềm hãnh diện của dân tộc họ. Năm 1961, quốc hội Hoa Kỳ chính thức thừa nhận "Chú Sam" là biểu tượng dân tộc của Hoa Kỳ. Năm 1989, một nghị quyết chung của quốc hội đem ngày 13 tháng 9 tức ngày sinh Samuel Wilson quy định là "ngày Chú Sam". Năm 2015, công ti lịch sử gia tộc MyHeritage đã điều tra gia phả của Chú Sam, và lại tuyên bố đã tìm kiếm được họ hàng gần xa lúc chú Sam còn sống. Những câu nói nổi tiếng "Nếu Chú Sam cần, tôi sẵn lòng phục vụ ông" - cụm từ Chú Sam được biết đến đầu tiên trong phim hoạt hình chính trị vào mùa xuân năm 1813. Trong phim, các từ này được Napoleon Bonaparte nói ra.
Tiếng lóng hay từ lóng là một hình thức phương ngữ xã hội không chính thức của một ngôn ngữ, thường được sử dụng trong giao tiếp thường ngày, bởi một nhóm người. Tiếng lóng ban đầu xuất hiện nhằm mục đích che giấu ý nghĩa diễn đạt theo quy ước chỉ những người nhất định mới hiểu. Tiếng lóng thường không mang ý nghĩa trực tiếp, nghĩa đen của từ phát ra mà mang ý nghĩa tượng trưng, nghĩa bóng. Nguồn gốc Cùng với sự phát triển của ngôn ngữ, tiếng lóng mới cũng xuất hiện theo thời gian. Tuy nhiên, do tính chất chỉ sử dụng bởi một lượng cá nhân giới hạn nên khi một từ được phổ biến thì sẽ nhanh chóng bị loại bỏ hoặc thay thế bằng một từ lóng khác. Nó không giống như "Chí Phèo", "Thị Nở" (nhân vật của Nam Cao) hay "sư hổ mang" (chữ của Hồ Xuân Hương) là những từ do một cá nhân sáng tạo nhưng không bị đào thải theo thời gian. Đa số các từ lóng có nguồn gốc và được sử dụng tại một số địa phương nhất định, ở miền Bắc, Trung, Nam. Nhiều từ có từ rất lâu đời. Một số từ mới bắt đầu xuất hiện trong vài chục năm trở lại, thậm chí chỉ vài năm. Những từ thay thế bộ phận trên cơ thể, biểu hiện hàng tháng trên cơ thể phụ nữ mang nghĩa tục tĩu được học sinh, sinh viên, dân chợ búa, nông thôn, xóm lao động nghèo dùng những từ lóng. Nguồn gốc từ thuần Việt Từ thuần Việt là bộ phận từ vựng cơ bản trong vốn từ tiếng Việt, chỉ tên các sự vật và các hiện tượng tự nhiên và xã hội. Về mặt nguồn gốc, cơ sở hình thành của lớp từ thuần Việt là các từ gốc Nam Á và Tày Thái. Những kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy rằng nhiều bộ phận, nhiều nhóm của lớp từ thuần Việt có những tương ứng, những quan hệ hết sức phức tạp với nhiều ngôn ngữ hoặc nhóm ngôn ngữ trong vùng. Từ thuần Việt là lớp từ có lâu đời, người bản ngữ có thể hiểu được ý nghĩa của chúng mà không gặp bất kì cản trở nào. Trong khi đó, từ ngữ lóng được xem như một biệt ngữ xã hội. Tức là không phải nhóm xã hội nào cũng dùng tiếng lóng. Như vậy, để tạo ra nét khu biệt, tiếng lóng phải mang nét nghĩa khác so với tiếng toàn dân. Ví dụ: Cách đây không lâu, Call Me Maybe của Carly Rae Jepsen ("gà" cùng công ty với Justin Bieber) nếu không được anh chàng, Selena Gomez và Ashley Tisdale thực hiện bản cover nhắng nhít vui nhộn thì có lẽ tới bây giờ nó vẫn còn là một bài hát vô danh ở Canada. (Gà: Cá nhân hoặc tập thể được đào tạo một cách chuyên nghiệp với mục đích thi đấu với các cá nhân, tập thể khác.) Qua khảo sát, người ta nhận thấy từ thuần Việt là lớp từ – ngữ lóng được sử dụng nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông. Đặc biệt là báo chí. Đây là lớp từ được xem như đơn giản và dễ hiểu. Khi trở thành tiếng lóng, lẽ tất yếu nó sẽ được gán cho một nghĩa khác với nghĩa gốc của từ. Đôi khi, ta dễ dàng nhận ra sự tương đồng về mặt hình ảnh (gà: một loại gia cầm quen thuộc, thường nuôi theo kiểu hộ gia đình, đôi khi được lựa chọn và chăm sóc một cách đặc biệt để mang đi "đá"), hay đó chỉ là sự tương đồng về mặt âm thanh (bánh bơ, mũ phớt – bơ phớt). Nguồn gốc vay mượn Tiếng lóng trên các phương tiện truyền thông, ngoài lớp từ thuần Việt còn có lớp từ vay mượn (từ ngoại lai). Trong từ vựng tiếng Việt, chủ yếu có hai lớp từ vay mượn: từ vay mượn gốc Hán và lớp từ vay mượn gốc Ấn – Âu (Pháp, Nga, Anh…). Với lớp từ vay mượn gốc Hán, việc phân loại, xác định một cách rõ ràng và chính xác tuyệt đối là một điều vô cùng khó khăn. Bởi lớp từ đó chủ yếu là những từ gốc Hán đã tồn tại trong từ vựng tiếng Việt từ hơn mười thế kỷ trước. Chúng được Việt hóa rất mạnh, trở nên quá quen thuộc, gần gũi với người Việt: "chè, buồn, mùa, chìm…" (những từ Hán cổ); trường hợp những từ Hán – Việt, có thể dễ dàng hơn trong việc phân định chúng với những từ thuần Việt: "nam, nữ, trọng, khinh, cận, viễn…". Đối với những từ vay mượn gốc Ấn- Âu, do thời gian hòa nhập vào từ vựng tiếng Việt muộn hơn nên chúng chưa được Việt hóa hoàn toàn, dễ nhận thấy nhiều yếu tố ngoại lai vẫn tồn tại trong bản thân những từ ngữ ấy. Nguyên nhân chính của sự hình thay nguồn gốc vay mượn từ lóng này đó chính là hiện tượng toàn cầu hóa đang là vấn đề thời sự không chỉ riêng của quốc gia nào. Toàn cầu hóa tác động đến mọi mặt của đời sống. Ngôn ngữ không nằm ngoài phạm vi ấy. Thậm chí, sự tác động của toàn cầu hóa còn mạnh mẽ, trực tiếp hơn nhiều lĩnh vực khác. Các cộng đồng khác nhau cần có chung một mã ngôn ngữ để giao tiếp. Chính quá trình sử dụng này đã tác động ngược trở lại ngôn ngữ của các cộng đồng. Hiện tượng vay mượn vì thế hình thành. Mặt khác, sự ra đời của hàng loạt khái niệm mới cũng cần được định danh. Cách nhanh chóng và hiệu quả nhất là vay mượn từ của những ngôn ngữ có sẵn. Số lượng có thể nhiều ít khác nhau, nhưng hiện nay trên thế giới, không một ngôn ngữ nào không có những yếu tố vay mượn. Đó có thể là vay mượn các kết cấu cú pháp, các ngữ cố định, các yếu tố ngữ âm, nhưng chủ yếu là các đơn vị từ vựng. Cùng với các phương thức nội tại như tạo nghĩa mới cho từ, cấu tạo từ mới từ các yếu tố thuần Việt, việc vay mượn đã góp phần làm gia tăng nhanh chóng vốn từ vựng của tiếng Việt. Lớp từ ngữ lóng có nguồn gốc Hán Quá trình tiếp xúc lâu dài với tiếng Hán đã để lại trong tiếng Việt một số lượng lớn từ vay mượn gốc Hán. Các từ gốc Hán khi đi vào tiếng Việt đã được Việt hóa về âm đọc cho phù hợp với hệ thống ngữ âm của tiếng Việt. Đó gọi là cách đọc Hán – Việt. Cách đọc này đã được hoàn thiện từ khoảng thế kỉ X – XI và được sử dụng ổn định cho đến nay. Cách đọc này được áp dụng đối với những từ ngữ lóng có từ một hình vị gốc Hán trở lên: "kì thị", "vệ tinh", "bí kíp võ lâm", "phi công", "biến hình", "lâm sự", "cấm vận"... Ví dụ: Bên cạnh đó, các teen cũng hồn nhiên chia sẻ vô số những "bí kíp võ lâm", từ đấm đến xoa, từ gia truyền đến hiện đại mà các chuyên gia cũng mắt chữ O, mồm chữ Y, thán phục sự "sáng tạo" của các bạn (Bí kíp võ lâm: Kinh nghiệm, mẹo vặt.) Ám ảnh về thẩm mỹ của những khu vực "cấm địa" không chỉ là nỗi lo riêng của cánh con trai (Khu vực cấm địa: Bộ phận sinh dục.) Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên hơn trong chính nghiên cứu này cũng đã cho thấy, phần lớn các bạn trẻ ngày nay thích làm "chiến binh bàn phím" chỉ vì muốn thỏa mãn nỗi khát khao được khác biệt, được nhìn thấy của bản thân (Chiến binh bàn phím: Người chỉ biết thể hiện bản thân trên các trang mạng bằng những câu chữ gõ bằng bàn phím máy tính, đối lập hoàn toàn với đời sống thực.) Theo những thống kê ban đầu của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học, lớp từ – ngữ lóng là từ Hán – Việt chiếm tỉ lệ rất ít (4,6% các cứ liệu khảo sát trên báo chí). Nguyên nhân chủ yếu là do sắc thái trang trọng, nghiêm túc của lớp từ này. Lớp từ Hán – Việt xuất hiện nhiều trong các lớp từ vựng mang màu sắc văn hóa gọt giũa hơn là tiếng lóng – vốn được xem như thuộc về phong cách khẩu ngữ. Các từ ngữ lóng gốc Việt và gốc Hán thường được cấu tạo theo cách chuyển nghĩa, tạo nghĩa mới khác với nghĩa gốc của từ. Hiếm thấy trường hợp nào giữ nguyên nghĩa ban đầu. Lớp từ ngữ lóng gốc Ấn - Âu Lớp từ này chủ yếu có nguồn gốc từ tiếng Pháp và tiếng Anh (xuất hiện khá nhiều ở dạng phiên âm hoặc nguyên ngữ), chiếm tỉ lệ khoảng 12%. Dựa trên những cứ liệu đã khảo sát được, đối tượng sử dụng tiếng lóng chủ yếu là giới trẻ. Họ có xu hướng sử dụng từ vay mượn Anh ở dạng nguyên ngữ. Hiện nay, khi nói đến hiện trạng lạm dụng từ ngữ nước ngoài là nói đến việc lạm dụng lớp từ vay mượn có nguồn gốc Ấn – Âu là chủ yếu (đặc biệt là tiếng Anh). Sở dĩ tiếng Anh trên các văn bản báo chí trở thành lớp từ vay mượn chiếm tỉ lệ lớn là vì hiện nay tiếng Anh được sử dụng phổ biến như một ngôn ngữ quốc tế trên toàn thế giới, việc dạy học và sử dụng tiếng Anh cũng đang rất phổ biến ở Việt Nam. Ví dụ: Đến giờ mình vẫn chưa hoàn hồn mỗi khi nhắc đến Ex. ("Ex" là một từ xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện báo chí. Nó được rút gọn từ "ex-boyfriend" hoặc "ex-girlfriend", dùng để chỉ người yêu cũ.) Ví dụ trên sử dụng tiếng lóng dưới dạng nguyên ngữ. Thực chất đa phần những từ lóng dưới dạng nguyên ngữ là để tạo ra nét sắc thái riêng biệt cho đối tượng sử dụng nó. Ngoài cách dùng từ nguyên ngữ thì người ta còn phiên âm những từ thông dụng. Từ vựng nói chung, khi đưa vào ngữ cảnh mới có thể nhận biết được các nét nghĩa, vừa tạo màu sắc riêng cho người sử dụng, vừa mang nét nghĩa mới lạ.. Ví dụ: Tất bật ôn tập cho kì thi học kì căng thẳng sắp tới và "chạy sô" cho những buổi chụp hình, vậy mà hot girl Quỳnh Anh Shyn (QAS) nhà ta vẫn hoàn toàn tự tin để nói không với mụn khi sở hữu làn da mịn đáng mong ước ("Sô" hay show: buổi trình diễn, trình chiếu cũng vậy, nếu xét riêng lẻ, đơn thuần là từ vay mượn chứ không phải từ lóng. Tuy nhiên, trong tình huống này "chạy sô" tức làm nhiều việc cùng lúc) Ngoài ra, tiếng lóng còn có thêm một hình thức sử dụng là viết tắt: Trên FB, tôi biết chị từ bao năm nay đã đứng ra thành lập ngôi nhà tình thương cho các em chó mèo bị bỏ rơi, không những thế, với từng trường hợp, chị còn làm người "môi giới" cho các em về với người sẵn sàng nuôi nấng và chăm sóc . (FB: Viết tắt của Facebook – trang mạng xã hội có lượng người dùng đông nhất hiện nay.) Có nhiều bạn còn hay thường pm facebook hay mail để nhờ tôi tư vấn cách làm bánh. (PM: Tin nhắn riêng, liên hệ riêng, thường dùng trên các trang mạng xã hội và được viết tắt từ tiếng Anh: Private message.) Thực tế cho thấy, không chỉ người Việt, mà người bản ngữ cũng dùng những cụm từ viết tắt kiểu này. Như vậy, người ta hoàn toàn có thể xếp nó vào hình thức vay mượn nguyên gốc tiếng nước ngoài. Tương đương với FB hay PM còn có BFF (Best friends forever), DIY (Do it yourself), LOL (Laugh out loud), ILU (I love you), KMS , (Kill Me Slowly) B4 (Before), OMG (Oh my god)… Tuy nhiên, những cụm này chỉ xuất hiện trên báo 2! và Hoa học trò, còn trên những trang báo như Tuổi trẻ, Tuổi trẻ cười thì hiếm khi được sử dụng. Cần chú ý rằng các từ ngữ thuộc lớp từ lóng có tính chất lâm thời, chúng là một hiện tượng ký sinh vào vốn từ tiếng Việt. Xuất hiện và mất đi, thay đổi thường xuyên, không ngừng. Bằng chứng là rất nhiều tiếng bồi trước đây rất hay được sử dụng thì nay đã trở nên lỗi thời, lạc hậu, ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Có thể kể đến các trường hợp sử dụng từ ngữ lóng theo kiểu tiếng bồi như: No four go (vô tư đi), know die now (biết chết liền), ugly tiger (xấu hổ), like is afternoon (thích thì chiều), sugar sugar a hero man (đường đường một đấng anh hùng)... Hiện tượng sử dụng lớp từ vay mượn của tiếng lóng trên các phương tiện truyền thông có thể được lý giải qua yếu tố tâm lý lứa tuổi. Đối tượng sử dụng tiếng lóng trên các phương tiện truyền thông chủ yếu là người trẻ. Khi sử dụng lớp từ vay mượn gốc Hán, những người trẻ thường hướng tới những trao đổi nghiêm túc, những cảm xúc chín chắn, trang trọng. Lớp từ tiếng lóng gốc Hán ít được sử dụng là vì nó không gợi lên cảm giác trẻ trung, phá cách, những người trẻ tuổi nếu sử dụng lớp từ này nhiều sẽ bị những người cùng tuổi đánh giá là "ông cụ non", "sến" theo cách nói hiện nay của giới trẻ. Ngược lại, với những từ vay mượn gốc Ấn – Âu (chủ yếu là tiếng Anh), khi sử dụng giới trẻ sẽ chứng tỏ được sự sành điệu, hiện đại và trình độ tiếng Anh của mình.Từ bệnh sính ngoại ngữ này sẽ dẫn đến hiện tượng nửa Tây nửa ta trong giao tiếp, trở thành một thói quen khó chữa. Hiện nay trong tiếng Việt đang có xu thế thay các từ vay mượn chỉ những sự vật, hiện tượng thông thường trong cuộc sống bằng những từ thuần Việt hoặc đã được Việt hóa. Không chỉ giới trẻ mới thích vay mượn từ tiếng nước ngoài mà cả đến những người già – họ cũng muốn dùng từ nước ngoài để chứng tỏ mình sành điệu và không hề già cả. Điều này chứng tỏ ở những cứ liệu được khảo sát từ các tờ báo dành cho người trưởng thành như Tuổi trẻ hay Tuổi trẻ cười. Tóm lại, từ kết quả trên cho thấy, một bộ phận không nhỏ tiếng lóng trên các phương tiện truyền thông được xây dựng bởi phương thức vay mượn từ. Báo chí nói riêng, phương tiện truyền thông nói chung là phương tiện phản ánh thực tế, sinh động các bước chuyển mình trong ngôn ngữ sinh hoạt. Việc vay mượn từ vựng trên báo chí cũng là vấn đề vay mượn trong đời sống thực tại. Khác với việc vay mượn thông thường có tính chất khoa học là quá trình vay mượn có ý thức thì tiếng lóng trên các phương tiện truyền thông ban đầu là hình thức khẩu ngữ, rồi đi vào báo chí hoặc các phương tiện khác. Một lý do khác khiến giới trẻ nói riêng và người Việt nói chung sử dụng từ lóng theo phương thức vay mượn là do tác động các yếu tố văn hóa, lịch sử, xã hội. Sử dụng Văn học Thông thường, tiếng lóng chỉ được sử dụng dưới dạng văn nói, chứ ít khi được sử dụng vào văn viết, đặc biệt là trong ngôn ngữ văn bản trang trọng thì thường người ta hạn chế dùng tiếng lóng. Trong văn học, tiếng lóng thường được dùng gián tiếp, để chỉ những câu dẫn của nhân vật, ví dụ trong tác phẩm Bỉ vỏ của Nguyên Hồng. Tuy nhiên, tiếng lóng lại được dùng gián tiếp khá nhiều trong công tác tình báo, gián điệp và phản gián với đặc trưng che giấu ý nghĩa, chỉ cho những người đã biết quy định rồi mới đọc và hiểu được (xem thêm kỹ năng giải mật mã trong Sherlock Holmes của Arthur Conan Doyle). Xã hội Tiếng lóng thường đi liền với nhóm xã hội cụ thể. Nói cách khác, sự tồn tại và phát triển của tiếng lóng bao giờ cũng gắn liền với sự tồn tại và phát triển của nhóm xã hội đã sản sinh ra chúng, sử dụng chúng. Nói chung, mỗi nhóm xã hội với mục đích bảo vệ, giữ bí mật thông tin đã cố gắng tạo ra cho mình một thứ ngôn ngữ, đó là tiếng lóng. Nhờ đó, trong mỗi loại tiếng lóng đều chứa đựng đặc trưng ngôn ngữ văn hóa của nhóm xã hội đó: Nhóm xã hội nào thì sử dụng thứ tiếng lóng đặc trưng văn hóa xã hội của nhóm xã hội đó. Cần chú ý rằng ngữ liệu khảo sát được là từ các phương tiện truyền thông đại chúng. Ngôn ngữ khi xuất hiện ở kênh giao tiếp này tất thảy đều trải qua những quá trình biên tập, soạn thảo, câu văn có phần trau chuốt hơn, những từ ngữ quá thô tục cũng vì vậy mà được hạn chế. Hơn nữa, đối tượng sử dụng và tiếp nhận thông tin từ các phương tiện truyền thông chủ yếu là giới trẻ. Đó chính là lý do để từ lóng của giới học sinh – sinh viên phổ biến, chiếm tỉ lệ gần như tuyệt đối trong kết quả khảo sát. Những từ lóng khảo sát được hầu như xoay quanh các chủ đề như: học hành, thi cử, kiểm tra; đánh giá về trí tuệ, tính tình; tình bạn, tình yêu lứa tuổi học trò…
Chi Mộc tê hay chi Hoa mộc (danh pháp khoa học: Osmanthus) là một chi của khoảng 30 loài thực vật có hoa trong họ Ô liu (Oleaceae), chủ yếu có nguồn gốc ở vùng ôn đới ấm của châu Á (từ Kavkaz về phía đông tới Nhật Bản). Chúng dao động về kích thước từ cây bụi tới cây thân gỗ nhỏ, cao 2–12 m. Lá mọc đối, thường xanh và là loại lá đơn với mép nhẵn hay có răng cưa nhỏ hoặc răng cưa thô. Hoa nở về mùa xuân, hạ hay mùa thu (tùy loài), mỗi hoa dài khoảng 1 cm, màu trắng, với tràng hoa 4 thùy hình ống ('cánh hoa'). Hoa mọc thành các chùy hoa nhỏ, và ở một vài loài thì hoa có mùi thơm mạnh. Quả nhỏ (10–15 mm), là loại quả hạch vỏ cứng màu lam sẫm hay tía chứa một hạt. Tên gọi chủ yếu của chúng trong tiếng Việt là mộc, mộc tê v.v. Tuy nhiên, từ mộc thuần túy rất dễ gây nhầm lẫn với gỗ hay nghề mộc, nên ở đây dùng từ mộc tê làm chính trong tên gọi. Lưu ý Người Trung Quốc gọi các loài trong chi này là 桂 (quế). Tuy nhiên, trong tiếng Việt, quế được biết đến nhiều hơn là các loài cây trong chi Cinnamomum họ Lauraceae bộ Laurales, không có quan hệ họ hàng gần với chi Osmanthus này. Tại thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, hoa quế được trồng khắp các nẻo đường, trong công viên, trong khuôn viên trường (Đại học Sư phạm Quảng Tây),... với 3 màu (vàng, trắng và cam). Các loài Osmanthus armatus Diels, 1900 - mộc tê chuôi hồng Osmanthus attenuatus P.S.Green, 1958 - mộc tê lá hẹp Osmanthus austrocaledonicus (Vieill.) Knobl., 1936 Osmanthus austrozhejiangensis Z.H.Chen, W.Y.Xie & Xi Liu, 2021 Osmanthus cooperi Hemsl., 1896 - mộc tê Ninh Ba Osmanthus cymosus (Guillaumin) P.S.Green, 1963 Osmanthus decorus (Boiss. & Balansa) Kasapl., 1970 - mộc tê Kavkaz Osmanthus delavayi Franch., 1886 - hoa quế núi Osmanthus didymopetalus P.S.Green, 1958 - mộc tê cánh hoa chẵn Osmanthus enervius Masam. & T.Mori, 1939 - mộc tê không gân lá Osmanthus fordii Hemsl., 1889 - hoa quế núi đá Osmanthus fragrans Lour., 1790 - mộc tê, hoa mộc Osmanthus gracilinervis L.C.Chia ex R.L.Lu, 1989 - mộc tê gân lá nhỏ Osmanthus hainanensis P.S.Green, 1958 - mộc tê gân lá to Osmanthus henryi P.S.Green, 1958 - hoa quế Mông Tự Osmanthus heterophyllus (G.Don) P.S.Green, 1958 - đông thụ Osmanthus heterophyllus var. bibracteatus - đông thụ lá kỳ dị Osmanthus heterophyllus var. heterophyllus - đông thụ (nguyên chủng) Osmanthus insularis Koidz., 1914 Osmanthus iriomotensis T.Yamaz., 1994 Osmanthus kaoi (T.S.Liu & J.C.Liao) S.Y.Lu, 1985 Osmanthus lanceolatus Hayata, 1911 - mộc tê lá nhọn Osmanthus monticola (Schltr.) Knobl., 1936 Osmanthus pubipedicellatus L.C.Chia ex H.T.Chang, 1982 - mộc tê chuôi lông Osmanthus reticulatus P.S.Green, 1958 - mộc tê gân lưới Osmanthus rigidus Nakai, 1918 Osmanthus serrulatus Rehder, 1916 - mộc tê tơ ngắn Osmanthus suavis King ex C.B.Clarke, 1882 - mộc tê hoa thơm Osmanthus urceolatus P.S.Green, 1958 - đàn hoa mộc tê Osmanthus venosus Pamp., 1911 - mộc tê lông Osmanthus yunnanensis (Franch.) P.S.Green, 1958 - quế hoa đồng Lai ghép Osmanthus × burkwoodii (Burkwood & Skipwith) P.S.Green, 1972 (= O. decorus × O. delavayi) Osmanthus × fortunei Carrière, 1864 (= O. fragrans × O. heterophyllus) Chuyển đi Osmanthus americanus (L.) A.Gray, 1878 = Cartrema americana (L.) G.L.Nesom, 2012 - hoa mộc Mỹ Osmanthus floridanus Chapm., 1892 = Cartrema americana (Chapm.) G.L.Nesom, 2012 Osmanthus marginatus (Champ. ex Benth.) Hemsl., 1889 = Chengiodendron marginatum (Champ. ex Benth.) C.B.Shang, X.R.Wang, Yi F.Duan & Yong F.Li, 2020 - mộc tê mép dày. Osmanthus matsumuranus Hayata, 1911 = Chengiodendron matsumuranum (Hayata) C.B.Shang, X.R.Wang, Yi F.Duan & Yong F.Li, 2020</small> - mộc cọng, ngưu thỉ. Osmanthus minor P.S.Green, 1958 = Chengiodendron minor (P.S.Green) C.B.Shang, X.R.Wang, Yi F.Duan & Yong F.Li, 2020 - nguyệt quế lá nhỏ . Trồng và sử dụng Các loài trong chi Osmanthus là các loại cây bụi phổ biến trong các công viên và vườn hoa trong khu vực ôn đới ấm. Một vài giống lai và giống cây trồng đã được tạo ra. Tại Trung Quốc, chè quế (gọi là 桂花茶, guì huā chá - quế hoa trà) được sản xuất bằng cách ướp hoa khô của cây mộc tê (Osmanthus fragrans) (guì huā, 桂花 - quế hoa) với lá chè đen hoặc chè xanh giống như chè nhài bằng cách người ta ướp hoa nhài trong chè. Các loài mộc tê ra nhiều hoa trên các cây già và nếu như chúng không bị xén tỉa. Nếu đã xén tỉa thì chúng chỉ ra lá mà không ra hoa trong ít nhất từ 1-5 năm, nhằm phục hồi các cành đã bị xén. Chú thích
Hạ Cơ (chữ Hán: 夏姬), họ Cơ, là một công chúa nước Trịnh thời kỳ thời Xuân Thu, với tư cách là con gái của Trịnh Mục công, em gái của Trịnh Linh công. Bà là mẹ của Hạ Trưng Thư, người đã giết chết chú họ Trần Linh công để tiếm vị trong một thời gian. Trong lịch sử và truyền thuyết dân gian, Hạ Cơ nổi tiếng là một mỹ nhân, một người phụ nữ phóng đãng và cũng rất lịch lãm, sử sách nói sau khi ân ái với ai, Hạ Cơ trở lại "Hoàn tân" như cũ. Điều đặc biệt là, hễ ai đã ân ái với bà thì thường gặp phải tai vạ và chết. Mối quan hệ của bà chủ yếu là với các quan lại thuộc hàng cao cấp như Công khanh, Đại phu, điều này khiến cho Hạ Cơ có sự ảnh hưởng chính trị rất lớn. Tương truyền, thành ngữ có câu 「"Sát tam phu nhất quân nhất tử, vong nhất quốc lưỡng khanh"; 殺三夫一君一子,亡一國兩卿」, Hạ Cơ trở thành một biểu tượng của hồng nhan họa thủy thời kỳ ấy. Nàng được xem là một trong Xuân Thu tứ đại mỹ nữ (春秋四大美女), bên cạnh Tức Quy, Văn Khương và Tây Thi. Thân thế Hạ Cơ là mang họ Cơ, Thanh Hoa giản (清華簡) ghi lại có tên là 「Thiếu 少; trên là chữ Khổng 孔, dưới là chữ Mãnh 皿」, bà là một trong những người con gái của Trịnh Mục công, mẹ là Thiếu phi Diêu Tử (姚子), một phi tần của Mục công. Sử sách không ghi rõ thân thế của mẹ bà và năm nàng sinh ra, bà có một anh trai cùng mẹ tức Trịnh Linh công. Hạ Cơ ban đầu lấy Tử Man (子蛮), nhưng chưa tới 3 năm thì y qua đời sớm. Về sau, nàng làm dâu nước Trần, hạ giá lấy Hạ Ngự Thúc (夏御叔), con trai của Thiểu Tây (少西) và là cháu nội của Trần Tuyên công. Thực ấp của hai vợ chồng ở Châu Lâm (株林; nay là huyện Chá Thành, tỉnh Hà Nam). Khi ấy nữ quyến thường không xưng tên, chỉ dùng hiệu (bao gồm thụy hiệu, xưng hiệu hoặc tên nước) cùng họ thị tộc của mình, như "Tức Quy" là vốn họ Quy nhưng gả cho nước Tức, "Tây Thi" vốn họ Thi mà ở thôn Tây, và "Văn Khương" là họ Khương có hiệu Văn. Đương thời xưng gọi bà là "Hạ Cơ", vì bà là con gái Trịnh Mục công họ Cơ, lấy người họ Hạ, vì thế mới gọi Hạ Cơ. Với Hạ Ngự Thúc, bà sinh ra Hạ Trưng Thư. Loạn chính Sau khi Ngự Thúc qua đời, Hạ Trưng Thư tập tước kế thừa. Hạ Cơ cho Trưng Thư về kinh đô để học, cũng mong cho con ngày sau nối nghiệp cha. Trưng Thư lớn lên, có tài võ nghệ, Linh công cho Thư nối chức cha làm Tư mã, ở lại kinh sư. Năm Lỗ Tuyên công thứ 8 (601 TCN), Hạ Cơ gian díu với Trần Linh công và hai quan trong triều là Khổng Ninh (孔宁) và Nghi Hàng Phủ (仪行父), hai quan này làm việc ô uế công khai. Một hôm, Khổng Ninh lấy trộm của nàng cái "Cẩm dương" (quần lót bằng gấm) về khoe. Nghi Hàng Phủ thấy vậy nổi cơn ghen, cố nài xin cho được chiếc "Bích la nhu" (áo lót bằng lụa màu xanh) để trêu lại. Khổng Ninh cả giận liền tiết lộ cho Trần Linh công biết. Trần Linh công nghe kể thích quá liền nhập cuộc chơi, Hạ Cơ liền tặng Linh công chiếc áo lót nữa. Từ đó, sau mỗi lần bãi triều, cả ba thường đem "Bảo vật" ra khoe với nhau. Trong triều có quan Đại phu Tiết Trị (洩治) là bầy tôi trung, thấy vậy liền can vua và chỉ trích hai tên quan kia. Nhà vua ngoài miệng hứa chừa, nhưng âm mưu với Khổng Ninh và Nghi Hàng Phủ, giết Tiết Trị. Sau khi Tiết Trị chết rồi, trong triều không còn có ai dám can ngăn nữa, cả ba mặc sức tung hoành trác táng đến nỗi dân nước Trần đã đặt bài vè "Châu Lâm" để chê trách Hạ Cơ cùng Trần Linh công. Từ đó Hạ Cơ một mình tiếp luôn ba người. Năm Lỗ Tuyên công thứ 10 (599 TCN), Hạ Trưng Thư ở kinh về Châu Lâm trông thấy Trần Linh Công và Khổng Ninh, Hàng Phủ cùng Hạ Cơ đang vầy cuộc ái ân, ăn nói suồng sã bỉ ổi dâm loạn. Ba người nói chuyện đùa cợt, Trần Linh công quay qua Hành Phủ nói:"Hạ Trưng Thư lớn lên trông rất giống ngươi!", còn Hành phủ cùng Khổng Ninh cũng phụ họa theo, nói Trưng Thư rất giống Trần Linh công. Hạ Trưng Thư căm tức định bụng giết Trần Linh công. Ông thủ sẵn cung tên, nấp trong chuồng ngựa chờ Trần Linh công đi ra thì bắn. Sau khi sự việc xảy ra, Khổng Ninh và Nghi Hàng Phủ hoảng sợ, bèn chạy thoát qua nước Sở, vào kêu với Sở Trang vương rằng Hạ Trưng Thư giết Linh công để cướp ngôi. Trong thời gian đó, Trưng Thư tự lập mình làm [Trần hầu; 陳侯], Thế tử Quy Ngọ cũng chạy đi nước Tấn. Năm Lỗ Tuyên công thứ 11 (598 TCN), tháng 10, mùa đông, nghe tin cầu cứu của Khổng và Nghi, Sở Trang vương liền đem binh đánh Trần, giết Hạ Trưng Thư. Ban đầu, Sở Trang vương tính nhập nước Trần làm một quận của Sở, nhưng đại phu Thân Thúc Thời (申叔時) can gián, cho Khổng Ninh và Nghi Hàng Phủ phò Thế tử Quy Ngọ trở về nước Trần kế vị, tức Trần Thành công. Nước Trần thoát một phen bị diệt vong vì sự dâm loạn của một người phụ nữ. Tái hôn Lúc này, Hạ Cơ tuy con trai là Trưng Thư đã chết nhưng vẫn điềm nhiên bình tĩnh. Dù đã hơn 40 tuổi nhưng nhan sắc vẫn rất động lòng người, sau khi Hạ Trưng Thư bị giết, bà bị bắt đem về nước Sở. Đến kinh sư nước Sở, Sở Trang vương đã lập chỉ nạp Hạ Cơ làm phi tần, nhưng bầy tôi của Sở Trang vương là Khuất Vu lại ngăn cản, nói rằng Trang vương dẫn quân vào nước Trần, lại cưới Hạ Cơ là mẹ của Trưng Thư, sẽ khiến người nước Trần sinh dị nghị, rằng Tảng vương mê sắc mới gây chiến. Sở vương bèn thôi. Về sau, Lệnh doãn Tử Phản trông thấy Hạ Cơ bị mê hoặc, muốn nạp làm kế thất; nhưng Khuất Vu cũng lại can, dẫn chứng việc bà ta hại chết tình nhân, chồng và con, họa thủy mang tai vạ đến bất kỳ ai hoan lạc với bà ta, Tử Phản e dè nên cũng đành thôi. Cuối cùng, Sở Trang vương gả Hạ Cơ cho một vị tướng già là Liên Doãn Tương Lão (連尹襄老) làm kế thê. Năm Lỗ Tuyên công thứ 12 (597 TCN), Liên Doãn Tương Lão hộ giá Sở Trang vương đánh với Trịnh Tương công và Tấn Cảnh công, không may tử trận, bị chém chết mất đầu, xác cũng bị tha đi mất. Trong thời gian đó, con trai của Tương Lão là Hắc Yếu (黑要) không thèm dò la tin tức của cha, một mực muốn nạp Hạ Cơ làm chính thê. Hóa ra, Khuất Vu đã thầm mến Hạ Cơ, trong thời gian Hạ Cơ bị giam tại nước Sở, Khuất Vu đã lên kế hoạch vẹn toàn cho bà gả cho Liên Doãn Tương Lão già cả, sau đó mượn cuộc chiến này giết chết Liên Doãn Tương Lão. Khuất Vu sau đó thông báo Trịnh Tương công đang giữ xác của Liên Doãn Tương Lão, lập kế cho Hạ Cơ đến nước Trịnh chịu tang. Khuất Vu dùng kế, khuyên Hạ Cơ khẳng khái tâu lên Sở Trang vương rằng phải tìm được xác của Liên Doãn Tương Lão, nếu không tìm được xác phu quân thì sẽ không về Sở nữa. Quả nhiên, Sở Trang vương phải để Hạ Cơ về Trịnh. Sau khi Hạ Cơ về Trịnh, Khuất Vu liền qua Trịnh, gặp mặt Trịnh công để hỏi cưới Hạ Cơ, Trịnh công bằng lòng hứa. Kết cục Năm Lỗ Thành công thứ 2 (589 TCN), Sở Trang vương mất, Sở Cung vương kế vị. Nhân danh đi sứ nước Tề, Khuất Vu đem toàn bộ gia tài, đi đường vòng từ nước Sở sang nước Trịnh để gặp Hạ Cơ. Khi ấy nước Tề vừa bại trận, Khuất Vu liền đem lễ vật dự tính tặng cho nước Tề trở về nước Sở, nhân đó đem Hạ Cơ đến nước Tấn. Nước Tấn bái Khuất Vu làm Đại phu, ban đất Hình làm thực ấp, do đó Khuất Vu cải tên thành Thân Công Vu Thần. Lúc đó, lệnh doãn Tử Phản nhớ chuyện xưa bị Khuất Vu lừa gạt, bèn trước mặt Sở Cung vương công kích Khuất Vu, nói ông "Lừa gạt tiên vương", cũng kiến nghị dùng số tiền lớn hối lộ nước Tấn không dùng Khuất Vu. Thế nhưng Sở Cung vương niệm tình Khuất Vu đối với Trang vương cùng nước Sở lập công, nếu nước Tấn không cần thì tất sẽ không dùng Khuất Vu, không cần phải hao tổn hối lộ. Hạ Cơ cùng Khuất Vu sinh một con gái. Đại phu nước Tấn là Thúc Hướng (叔向) thuộc danh tộc Dương Thiệt Thị (羊舌氏) nghe mỹ danh của Hạ Cơ, lại liền thấy con gái bà cực kỳ xinh đẹp, bèn đề nghị cưới cho con trai của mình. Chuyện này bị Tấn Dương Thúc Cơ (晉羊叔姬) phản đối, vì Hạ Cơ đã "Sát tam phu nhất quân nhất tử, vong nhất quốc lưỡng khanh". Sau đó, Tấn Bình công lại ép Thúc Hướng cử hành hôn lễ, con gái Hạ Cơ sinh ra Dương Thực Ngã (楊食我). Về sau, Dương Thực Ngã bị Tuân Lịch hãm hại, cả dòng họ diệt tộc. Theo Sử ký và Thái Bình hoàn vũ ký (太平寰宇记), sau khi mất thì Hạ Cơ được táng tại Thương Khâu, Hà Nam, Trung Quốc.
Quai bị (tiếng Anh: mumps) dân gian còn gọi là bệnh má chàm bàm là một bệnh toàn thân biểu hiện bằng sưng một hay nhiều tuyến nước bọt, thường gặp nhất là các tuyến mang tai. Khoảng 1/3 các trường hợp nhiễm bệnh không gây nên các triệu chứng sưng tuyến nước bọt rõ ràng trên lâm sàng. Trên 50% bệnh nhân mắc bệnh quai bị có hiện tượng tăng bạch cầu trong dịch não tủy. Một số bệnh nhân có biểu hiện viêm màng não rõ với các triệu chứng nhức đầu, nôn mửa, cứng cổ...Viêm tinh hoàn (orchitis) là một biến chứng khá thường gặp sau tuổi dậy thì nhưng biến chứng vô sinh thì không thường gặp như nhiều người vẫn lo ngại. Các biến chứng khác hiếm gặp hơn gồm viêm khớp, viêm tuyến giáp, viêm khớp xương hàm, viêm cầu thận, (glomerulonephritis), viêm cơ tim, xơ hóa nội tâm mạc, giảm tiểu cầu, thất điều tiểu não, viêm tủy cắt ngang, viêm đa dây thần kinh lan lên, viêm tụy cấp, viêm buồng trứng (oophoritis), và giảm thính lực. Nguyên nhân Quai bị gây nên do một loại virus RNA thuộc Rubulavirus trong họ Paramyxoviridae. Các nguyên nhân khác gây viêm tuyến mang tai gồm virus vùi hạt cự bào (cytomegalovirus-CMV), virus á cúm type 1 và 3, virus cúm A (influenza A virus), coxsackievirus, virus ruột (enterovirus), virus gây suy giảm miễn dịch ở người (Human Immunodeficiency Virus-HIV), tụ cầu khuẩn, và các Mycobacterium không gây lao khác. Các nguyên nhân gây viêm tuyến mang tai hiếm gặp khác có thể kể: do ăn nhiều tinh bột, phản ứng thuốc (phenylbutazone, thiouracil, các thuốc chứa iod) và các rối loạn chuyển hóa (như bệnh đái tháo đường, xơ gan và suy dinh dưỡng). Ít khi bị quai bị lần hai. Dịch tễ học Người là vật chủ tự nhiên duy nhất được biết cho đến nay. Virus quai bị được lây truyền chủ yếu do các chất tiết của đường hô hấp. Nhiễm trùng có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào trong thời kì niên thiếu. Ở người trưởng thành, bệnh thường có khuynh hướng nặng nề hơn bao gồm viêm tinh hoàn. Tử vong do quai bị rất thấp, ước tính khoảng 1,6 đến 3,8 trên 10 000 trường hợp nhiễm bệnh. Hơn một nửa số trường hợp tử vong xảy ra ở người trên 19 tuổi. Nhiễm quai bị trong quý 1 của thai kì có thể làm tăng khả năng sẩy thai tự nhiên. Mặc dù virus quai bị có thể đi xuyên qua nhau thai, không có bằng chứng cụ thể nào chứng tỏ nhiễm virus quai bị trong thai kì có thể gây nên dị tật bẩm sinh. Trước đây, các vụ dịch thường xảy ra từ tháng Giêng đến tháng Năm ở các vùng khí hậu ôn đới, tuy nhiên ngày nay biểu hiện theo mùa không còn rõ ràng nữa, nghĩa là bệnh có thể xảy ra quanh năm. Tại Hoa Kỳ, sau khi vaccine ngừa quai bị được sử dụng, hằng năm có khoảng 500 trường hợp mắc bệnh được ghi nhận. Tại Việt Nam, vaccine ngừa quai bị chưa được đưa vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên bệnh còn lưu hành khá cao, thường gây nên những vụ dịch nhỏ ví dụ như trong nhà trẻ, trường học, nhất là các trường nội trú, bán trú. Bệnh thường thấy ở lứa tuổi từ 5 đến 14 tuổi. Ở trẻ được chủng ngừa quai bị thì hiện tượng viêm tuyến mang tai không phải do quai bị mà do các nguyên nhân khác nêu trên. Cũng giống như vaccine ngừa bệnh sởi, một liều vaccine duy nhất không phải luôn luôn đảm bảo được tình trạng miễn dịch thỏa đáng cho trẻ. Thời kì lây truyền mạnh nhất là 2 ngày trước khi có sưng tuyến mang tai và 5 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng này. Virus quai bị có thể phân lập được tù tuyến mang tai từ 7 ngày trước và kéo dài đến ngày thứ 9 sau khi tuyến mang tai bắt đầu sưng. Thời kì ủ bệnh thường kéo dài từ 16 đến 18 ngày nhưng cũng có khi thay đổi từ 12 đến 25 ngày sau khi tiếp xúc nguồn lây. Chẩn đoán Trẻ em bị sưng tuyến mang tai kéo dài hai ngày hoặc lâu hơn mà không có nguyên nhân rõ ràng nào khác cần được làm các xét nghiệm chẩn đoán quai bị. Tuy nhiên trong điều kiện Việt Nam thì yếu tố miễn dịch bản thân (trẻ có được tiêm chủng hay chưa) và các dữ kiện dịch tễ học khác (có tiếp xúc nguồn lây không, trong lớp hay trong trường có học sinh nào mắc bệnh tương tự trước đó…) thường giúp chẩn đoán và giúp đưa ra những biện pháp cách ly, phòng ngừa thích hợp. Có thể phân lập virus quai bị bằng phương pháp nuôi cấy tế bào từ các bệnh phẩm phết họng, nước tiểu, dịch não tủy hặc có thể xét nghiệm xác định sự gia tăng nhanh chóng hiệu giá kháng thể IgG khi so sánh hai thời điểm mắc bệnh cấp và giai đoạn hồi phục bệnh. Xét nghiệm này có thể thực hiện bằng các kĩ thuật huyết thanh học tiêu chuẩn như cố định bổ thể (complement fixation), phản ứng trung hòa (neutralisation), ức chế ngưng kết hồng cầu (hemagglutination inhibition test), miễn dịch enzyme (enzyme immunoassay) hoặc xét nghiệm định lượng kháng thể IgM quai bị (mumps IgM antibody test). (Nhiễm trùng cũ có thể xác định bằng kỹ thuật miễn dịch phóng xạ enzyme hay phản ứng trung hòa còn kỹ thuật cố định bổ thể và ức chế ngưng kết hồng cầu không phù hợp trong trường hợp này). Test da (skin test) cũng không đáng tin cậy do đó không nên dùng test này để tìm hiểu tình trạng miễn dịch của trẻ. Điều trị Hiện nay không có phương pháp điều trị đặc hiệu. Điều trị chủ yếu là nâng đỡ: tăng cường dinh dưỡng, nghỉ ngơi, uống nhiều nước, hạ sốt nếu có sốt, giảm đau khi viêm tuyến mang tai gây đau. Phát hiện sớm các biến chứng như viêm tinh hoàn, viêm màng não… Cách li trẻ bệnh Theo quy định chuẩn thì bệnh nhân nhập viện cần được cách li hạn chế lây lan do dịch tiết hô hấp đến ngày thứ 9 kể từ lức bắt đầu sưng tuyến mang tai. Các biện pháp ngăn ngừa trong cộng đồng Trường học và nhà trẻ Trẻ bệnh phải nên cho nghỉ học đến 9 ngày sau khi có sưng tuyến mang tai. Khi có vụ bùng phát dịch xảy ra thì chính quyền địa phương, trung tâm phòng dịch và nhà trường sẽ có những biện pháp dập dịch tùy theo từng trường hợp và điều kiện. Biện pháp hữu hiệu nhất là đóng cửa trường học, tuy nhiên quyết định này không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng thực hiện. Đối với những người tiếp xúc nguồn lây Vaccine phòng ngừa quai bị thường không có hiệu quả sau khi đã tiếp xúc nguồn lây. Tuy nhiên vaccine này vẫn được khuyên dùng vì nó có khả năng bảo vệ trong những lần tiếp xúc sau đó. Tiêm ngừa trong thời kì ủ bệnh không hề làm tăng nguy cơ bệnh nặng. Globulin không có tác dụng và dó đó không còn được sản xuất hay cấp phép tại Hoa Kỳ. Vaccine quai bị Bài chi tiết: Vắc xin quai bị Đây là loại vaccine sống giảm độc lực được điều chế từ môi trường nuôi cấy trên phôi gà. Mỗi mũi tiêm thường chứa 0,5 ml, tiêm dưới da. Vaccine có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp các vaccine khác như vaccine tam liên MMR ngừa bệnh sởi, quai bị và sởi Đức (measles-mumps-rubella-MMR). Sau mũi tiêm thứ nhất, kháng thể xuất hiện ở 95% cá thể nhạy cảm. Các nghiên cứu huyết thanh học cũng như bằng chứng dịch tễ học cho thấy miễn dịch này có tính bền vững.
Ám sát (暗殺) theo nghĩa chữ Hán là giết người một cách lén lút. Ám sát là hành động có mưu tính do một người hay một tổ chức tiến hành nhằm giết chết một hoặc nhiều nhân vật có tên tuổi và ảnh hưởng trong chính trường hay xã hội vì những động cơ có tính chất chính trị, lý tưởng, đức tin, quan điểm. Người hay tổ chức chủ mưu thực hiện giết người không ra mặt và hành động giết người cũng thường được thực hiện lén lút hoặc bất ngờ khiến người bị giết không kịp phòng bị hoặc không kịp được bảo vệ. Vì "ám sát" là việc giết một cách bí mật nên trong thực tế thường có người chủ mưu giấu mặt và người đi giết thực hiện một cách lén lút, bất ngờ. Đôi khi, hai người này chỉ là một, nghĩa là người chủ mưu tự thực hiện ý định. Có những trường hợp, người chủ mưu có địa vị cao hơn người bị giết, nhưng vì người chủ mưu không muốn bị lộ mặt là mình giết người kia (vì sợ mang tiếng , chịu trách nhiệm hay một lý do nào khác) nên vẫn tiến hành ám sát người có địa vị thấp hơn và yếu hơn mình. Hành động có mưu tính để giết một hoặc nhiều nhân vật nổi tiếng nhưng vì những động cơ khác như cướp của, trả thù cá nhân... không phải là ám sát. Việc giết các nhân vật quan trọng nhưng không có sự lén lút hoặc bất ngờ cũng không phải là ám sát. Những vụ ám sát trong lịch sử Khó mà liệt kê được hết các vụ ám sát trong lịch sử. Sau đây là một số vụ có ảnh hưởng lớn hoặc được nhắc tới nhiều hơn trong lịch sử. Những cuộc mưu sát bất thành Những vụ bị nghi ngờ là ám sát Chú thích Giết người theo loại Tội ác chính trị Tấn công theo phương thức |}
Ung thư tuyến giáp là ung thư về tuyến giáp, chiếm khoảng 1% các loại ung thư. Nó là ung thư tuyến nội tiết thường gặp nhất. Đa số ung thư tuyến giáp là carcinôm biệt hoá tốt, tiến triển âm thầm, giai đoạn ẩn bệnh kéo dài, điều trị chính yếu là phẫu thuật. Đa số bệnh nhân Ung thư tuyến giáp có tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán và điều trị sớm và tích cực. Dịch tễ học và các yếu tố nguy cơ Dịch tễ học Tại Hoa Kỳ ung thư tuyến giáp có khoảng 2 - 4 ca mới/100.000 dân/năm, tỷ lệ nam/nữ là 1/2,7 và tỉ lệ tử vong hằng năm là 0,2 - 2,8/ 100.000 dân. Các trường hợp thường gặp là nhỏ hơn 20 hoặc lớn hơn 50 tuổi. Theo ghi nhận của Tổ chức Chống ung thư toàn cầu (Inernational Union against Cancer: IUAC) năm 2002, ở Việt Nam, tỉ lệ mắc bệnh chuẩn theo tuổi là 2,7/100.000 dân đối với nữ và 1,3/100.000 đối với nam. Các yếu tố nguy cơ Tiền căn xạ trị vùng cổ lúc nhỏ vì bệnh lành tính hoặc bị nhiễm phóng xạ (ví dụ sau tai nạn hạt nhân Chernobyl tỉ lệ ung thư tuyến giáp của cư dân vùng này tăng lên) làm gia tăng nguy cơ carcinôm tuyến giáp biệt hoá tốt với đỉnh cao nguy cơ từ 12 đến 25 năm sau tiếp xúc. Phơi nhiễm hexachlorobenzene và tetracholorodibenzo-p-dioxin. Tiền căn gia đình có bệnh đa bướu nội tiết, hội chứng Pendred, hội chứng Gardner và hội chứng Cowden. Vùng phình giáp dịch tễ thường gặp carcinôm dạng nang hay carcinôm không biệt hoá. Carcinôm dạng nhú thường gặp ở vùng đầy đủ iod. Các đột biến về gene sinh ung và gene đèn nén bướu trong ung thư tuyến giáp. Hoạt hoá các gene tyrosine kinase: tái sắp xếp gene sinh ung RET/PTC ở nhiễm sắc thể 10 xảy ra trong 5-35% carcinôm dạng nhú tự phát. Gia tăng biểu lộ gene sinh ung MET có trong 70% carcinôm dạng nhú. Đột biến gene sinh ung RET cũng thấy trong carcinôm dạng tuỷ có tính gia đình. Gen sinh ung RAS và đường dẫn truyền tín hiệu tế bào: đột biến RAS thường gặp trong carcinôm dạng nang ở vùng thiếu iod. Gen đèn nén bướu p53: đột biến điểm gen p53 làm bất hoạt hoá gen này, thấy trong 80% carcinôm không biệt hoá. Bệnh học và diễn tiến Bệnh học Phân loại carcinôm tuyến giáp theo nguồn gốc tế bào: Carcinôm dạng nhú, carcinôm dạng nang: nguồn gốc từ tế bào nang giáp (90%) Carcinôm dạng tuỷ: nguồn gốc từ tế bào cận nang (5-9%) Carcinôm không biệt hoá: nguồn gốc từ tế bào nang giáp (1-2%) Lymphôm: nguồn gốc từ tế bào miễn dịch (1-3%) Sarcôm: nguồn gốc từ tế bào trung mô (<1%) Diễn tiến Carcinôm tuyến giáp dạng nhú thường gặp nhất chiếm 80% ung thư tuyến giáp. Carcinôm tuyến giáp dạng nhú có kích thước nhỏ hơn hay bằng 1 cm được gọi là carcinôm kích thước nhỏ hoặc tiềm ẩn. Loại này ít có ý nghĩa lâm sàng do diễn tiến chậm. Biểu hiện lâm sàng carcinôm tuyến giáp thường là một hạt giáp và không gây rối loạn chức năng. Bướu có thể lan tràn theo mạch bạch huyết trong tuyến giáp giải thích tình trạng đa ổ. Carcinôm dạng nhú rất ưa di căn hạch vùng, tuy nhiên di căn hạch không ảnh hưởng đến tiên lượng sống còn. Các loại carcinôm dạng nhú biệt hoá kém có diễn tiến trung gian gồm các biến thể: loại đảo, loại tế bào cao, tế bào sáng và loại xơ hoá. Carcinôm tuyến giáp dạng nhú ở trẻ con thường có bướu lớn và di căn hạch sớm. Carcinôm dạng nang chiếm 5-10% ung thư tuyến giáp, thường gặp trong vùng thiếu iod, biểu hiện lâm sàng bởi hạt giáp, và thường là đơn ổ với vỏ bao rõ. Carcinôm dạng nang hay lan tràn qua đường máu và cho di căn xa. Nhìn chung carcinôm dạng nang có tiên lượng xấu hơn carcinôm tuyến giáp dạng nhú. Carcinôm tế bào Hurthle, biến thể của carcinôm dạng nang, có độ biệt hóa kém và diễn tiến mạnh hơn. Carcinôm dạng tuỷ, nguồn gốc từ tế bào cận nang C, tế bào này sản xuất ra calcitonin. Khoảng 25% carcinôm dạng tuỷ có tính di truyền, liên hệ đến hội chứng đa bướu nội tiết MEN 2a, MEN 2b, có đột biến gene RET và di truyền theo kiểu tế bào tự thân kiểu trội. Carcinôm dạng tuỷ di truyền có thể tăng calcitonin và CEA trong huyết thanh. Carcinôm dạng tuỷ tự phát biểu hiện lâm sàng bằng khối bướu đơn độc và ưa di căn hạch. Carcinôm không biệt hoá hiếm gặp, chiếm 1% ung thư tuyến giáp, thường gặp ở ngưới lớn tuổi, phát triển nhanh và cho di căn xa. Loại này có thể bắt nguồn từ carcinôm dạng nang, diễn tiến chậm trong các bệnh nhân ở vùng phình giáp dịch tễ thiếu iod. Hầu hết các trường hợp gây tử vong do bướu xâm lấn tại chỗ, thường là chèn ép khí quản. Chẩn đoán Lâm sàng Tình huống lâm sàng thường gặp nhất là một hạt giáp không có triệu chứng. Đánh giá lâm sàng cần liên hệ đến các yếu tố nguy cơ của hạt giáp. Các yếu tố nguy cơ đó là: Tuổi: trẻ hơn 15 hoặc lớn hơn 45 Giới nam Hạt giáp lớn hơn 4 cm đường kính Tiền căn phơi nhiễm phóng xạ Tiền căn gia đình Nghi ngờ càng cao khi: Hạt giáp lớn nhanh Mật độ cứng khi sờ Dính vào các cấu trúc lân cận Tiền căn gia đình có ung thư tuyến giáp Liệt dây thanh (gây khàn tiếng) Có hạch cổ Khối u nhỏ nghi ngờ ung thư phát hiện tình cờ qua siêu âm vùng cổ, qua đánh giá phình giáp đa hạt hoặc bệnh Graves. Hạch cổ di căn tiềm ẩn của carcinôm tuyến giáp biệt hoá tốt. Các phương tiện chẩn đoán Siêu âm Siêu âm là phương tiện chẩn đoán hình ảnh tiêu chuẩn của tuyến giáp. Phương tiện này có lợi điểm là an toàn, không độc hại, rẻ tiền và rất hiệu quả để đánh giá cấu trúc của tuyến giáp. Ngoài ra siêu âm có thể đánh giá chính xác kích thước, vị trí của hạt giáp và rà tìm các hạt giáp không sờ thấy lâm sàng. Siêu âm ngày càng được sử dụng nhiều để hướng dẫn làm chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA: Fine Needle Aspiration) hạt giáp. Các dấu hiệu của một hạt giáp nghi ngờ trên siêu âm: Tăng sinh mạch máu ở trung tâm Hạt giáp phản âm kém Bờ không đều Vi vôi hoá bên trong Xạ hình Xạ hình tuyến giáp dùng để đánh giá sự hấp thu iod của các hạt giáp. Các hạt nóng ít có nguy cơ ác tính hơn các hạt lạnh. Các hạn chế của phương tiện này là: độc hại phóng xạ, mắc tiền và độ ly giải hình ảnh kém. Ngày nay ung thư tuyến giáp thường được chẩn đoán bằng FNA và xạ hình tuyến giáp hiếm khi cần trong đánh giá thường qui của một hạt giáp. Chụp cắt lớp điện toán và chụp cộng hưởng từ Chụp cắt lớp điện toán (computerized tomography hay CT) và chụp cộng hưởng từ (magnetic resonance imaging hay MRI) là phương tiện để đánh giá sự lan rộng ung thư tuyến giáp vào cấu trúc lân cận và di căn hạch. CT có chích chất cản quang iod cho thấy hình ảnh chi tiết tuyến giáp và đánh giá di căn hạch tốt hơn MRI, CT cũng ít tốn kém hơn MRI. Hạn chế của CT khi dùng chất cản quang iod làm ngăn cản khả năng hấp thu iod trên xạ hình sau đó và có thể gây độc giáp trạng trong các trường hợp sử dụng chất cản quang iod có liều cao và ở bệnh nhân có cường giáp tiềm ẩn. MRI có ưu điểm là không dùng chất cản quang iod và không độc hại do phóng xạ và có thể cho thấy rõ tuyến giáp và cấu trúc lân cận. Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (fine needle aspiration hay FNA) là phương tiện được lựa chọn hàng đầu để đánh giá hạt giáp. Phương tiện này có độ nhạy và độ đặc hiệu cao trên 90%. Kết quả FNA gồm: ác tính, lành tính, không xác định được và không đủ tiêu chuẩn chẩn đoán. Kết quả FNA không xác định được thường là tổn thương dạng nang có thể lành hoặc ác. Các bệnh nhân này cần được cắt thuỳ tuyến giáp toàn phần và cắt lạnh. Nhóm FNA không đủ tiêu chuẩn chẩn đoán chiếm 10-12% khi không dùng siêu âm hướng dẫn và tỉ lệ này cải thiện còn 0% khi có sử dụng hướng dẫn của siêu âm. Xếp hạng lâm sàng theo T,N,M (T) Bướu nguyên phát Tx Bướu nguyên phát không thể đánh giá được T0 Không có bướu nguyên phát T1 Bướu <2 cm T2 Bướu >2 cm và <4 cm T3 Bướu >4 cm hoặc xâm lấn ít T4a Bướu ăn lan khỏi vỏ bao giáp và xâm lấn bất cứ cấu trúc nào sau đây: mô mềm dưới da, thanh quản, khí quản, thực quản, thần kinh hồi thanh quản T4b Bướu xâm lấn màng cân trước cột sống, mạch máu trung thất hoặc bọc quanh động mạch cảnh T4a* Bướu (bất kể kích thước) khu trú trong tuyến giáp (chỉ dành cho carcinôm không biệt hoá) T4b* Bướu (bất kể kích thước) ăn lan khỏi tuyến giáp (chỉ dành cho carcinôm không biệt hoá) (N) Hạch vùng Nx Hạch vùng không thể đánh giá được N0 Không có hạch di căn N1 Hạch vùng có di căn N1a Di căn hạch nhóm VI(hạch trước khí quản và hạch cạnh khí quản gồm hạch trước thanh quản và hạch Delphian) N1b Di căn các hạch khác cùng bên, hai bên hoặc hạch cổ đối bên hoặc hạch trung thất trên (M) Di căn xa Mx Di căn xa không thể đánh giá được M0 Không có di căn xa M1 Có di căn xa Xếp giai đoạn Carcinôm dạng nhú hoặc nang dưới 45 tuổi: Carcinôm dạng nhú hoặc nang, 45 tuổi và lớn hơn và carcinôm dạng tuỷ: Carcinôm không biệt hoá (tất cả các trường hợp là giai đoạn IV): Điều trị Nguyên tắc Phẫu trị là phương pháp điều trị chính yếu cho tất cả các loại carcinôm tuyến giáp. Liệu pháp kích tố đè nén được chỉ định cho hầu hết các trường hợp carcinôm tuyến giáp biệt hoá tốt Liệu pháp 131I được chỉ định cho các trường hợp carcinôm tuyến giáp biệt hoá tốt có nguy cơ cao như lớn tuổi (trên 45 tuổi), bướu lớn (trên 4 cm), xâm lấn vỏ bao giáp hoặc di căn xa Xạ trị ngoài và hoá trị dành cho các trường hợp carcinôm tuyến giáp biệt hoá kém hay không biệt hoá Phương pháp Phẫu thuật: mức độ rộng của phẫu thuật còn bàn cãi dựa vào kích thước, mức độ xâm lấn, diễn tiến của bướu, phẫu thuật để tạo thuận lợi cho điều trị hỗ trợ sau đó và theo dõi bệnh. Các loại phẫu thuật được chấp nhận hiện nay là: Cắt thuỳ giáp toàn phần. Cắt giáp quá bán (subtotal thyroidectomy) chừa lại khoảng 2-4 gram mô giáp. Cắt giáp gần toàn phần (neartotal thyroidectomy) chừa lại khoảng 1 gram mô giáp và Cắt giáp toàn phần. Biến chứng phẫu thuật: liệt thần kinh hồi thanh quản và suy giáp khoảng 1%. Nạo hạch cổ chức năng (nhóm II, III,IV, VI) thường được lựa chọn nhất Liệu pháp kích tố đè nén: dựa vào cơ chế phản hồi ngược, dùng thyroxin liều cao để ức chế TSH, kìm hãm sự phát triển của bướu trong các trường hợp carcinôm tuyến giáp biệt hoá tốt. Liều dùng được cân nhắc với tác dụng phụ của điều trị trên tim mạch, xương, và độc giáp trạng nhất là ở người lớn tuổi. Nồng độ TSH trong máu được duy trì trong khoảng 0,1-0,5 mU/L ở nhóm nguy cơ thấp và nhỏ hơn 0,01 mU/l ở nhóm nguy cơ cao Liệu pháp 131I: dựa vào cơ chế hấp thu iod của các carcinôm biệt hoá tốt. Liệu pháp này được dùng hỗ trợ sau mổ để diệt mô giáp hay bướu còn sót và trong các trường hợp di căn xa có bắt iod. Liều 131I từ 30 mCi đến 200 mCi tuỳ vào tuổi, mức độ xâm lấn của các bướu hoặc vị trí di căn xa. Xạ trị ngoài dành cho các trường hợp carcinôm biệt hoá không phẫu thuật được hoặc không bắt iod, hỗ trợ sau mổ các trường hợp carcinôm dạng tuỷ hoặc carcinôm không biệt hoá. Hoá trị ít có vai trò trong carcinôm biệt hoá tốt. Chỉ định Đối với carcinôm tuyến giáp biệt hoá tốt Cắt trọn thuỳ chỉ định cho các trường hợp kích thước bướu nhỏ hơn hay bằng 1,5 cm và có nguy cơ thấp kèm theo thyroxin sau mổ Cắt giáp gần toàn phần hay toàn phần dùng cho các trường hợp có nguy cơ cao. Sau đó dùng liệu pháp 131I và thyroxin sau mổ. Nạo hạch cổ được chỉ định khi có hạch cổ sờ thấy trên lâm sàng hay siêu âm nghi ngờ, hoặc trong lúc mổ nghi ngờ hạch di căn có thể cắt lạnh để quyết định điều trị. Đối với carcinôm dạng tuỷ Cắt giáp toàn phần, nạo hạch cổ phòng ngừa một bên khi bướu lớn hơn 1 cm và hai bên trong các trường hợp di truyền và xạ trị bổ túc sau mổ khi có nguy cơ tái phát cao. Không có vai trò của liệu pháp 131I. Đối với carcinôm không biệt hoá Cắt giáp toàn phần và nạo hạch cổ phòng ngừa nếu bướu còn khu trú, phẫu thuật giảm thiểu bướu không có lợi vì bướu phát triển nhanh. Xạ trị ngoài và hoá trị được chỉ định trong các trường hợp bệnh tiến xa Tiên lượng Hầu hết carcinôm tuyến giáp biệt hoá tốt. Carcinôm dạng nhú sống còn 5 năm 95% và 10 năm 90%. Carcinôm dạng nang sống còn 5 năm 90% và 10 năm là 70%. Các yếu tố nguy cơ tái phát: lớn tuổi, bướu to, bướu xâm lấn khỏi tuyến giáp và phẫu thuật lần đầu không đủ rộng. Carcinôm dạng tuỷ sống còn 5 năm và 10 năm lần lượt là 90% và 86%. Carcinôm không biệt hoá thường gặp ở giai đoạn IV, ít có cơ hội phẫu thuật tận gốc, sống còn trung bình là 1 năm. Có nhiều bảng tiên lượng cho ung thư tuyến giáp biệt hoá tốt, dưới đây là một số bảng tiên lượng được áp dụng tương đối phổ biến trên thế giới: Phân nhóm nguy cơ Cách phân nhóm AMES (age, metastasis, extent, size) và DAMES (definition, + AMES) Công thức tiên lượng AGES (age, grade, extent, size) Công thức MACIS (metastasis, age, complete removal, invasion, size) Tiên lượng cho từng nhóm nguy cơ trên
Đông Quan có thể là: Một tên khác của thành Thăng Long thời thuộc Minh Xã Đông Quan, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn Xã Đông Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình Huyện cũ Đông Quan thuộc tỉnh Thái Bình; nay tương ứng một phần huyện Đông Hưng.
Ba Đình là một địa danh tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây có di tích Chiến khu Ba Đình, căn cứ khởi nghĩa chống Pháp do Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Hà Văn Mao, Trần Xuân Soạn lãnh đạo. Nhiều đơn vị hành chính tại Việt Nam được đặt theo danh xưng này như: Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội Phường Ba Đình, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa Phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa Xã Ba Đình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa (nơi có di tích Chiến khu Ba Đình)
Ba Đình là một quận trung tâm thuộc thành phố Hà Nội, Việt Nam. Ba Đình là một trong 4 quận trung tâm của thủ đô. Đây là nơi tập trung nhiều cơ quan quan trọng của Đảng, Nhà nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Địa lý Quận Ba Đình nằm ở trung tâm thành phố Hà Nội, có vị trí địa lý: Phía đông giáp quận Long Biên với ranh giới tự nhiên là sông Hồng Phía đông nam giáp quận Hoàn Kiếm với ranh giới là các phố Hàng Đậu, Phan Đình Phùng, Lý Nam Đế và đường tàu Phía tây giáp quận Cầu Giấy với ranh giới là đường Bưởi sông Tô Lịch Phía nam giáp quận Đống Đa với ranh giới là các phố Nguyễn Thái Học, Giảng Võ, Láng Hạ, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyên Hồng, Đê La Thành, đường Nguyễn Chí Thanh Phía bắc giáp quận Tây Hồ với ranh giới là khu dân cư An Dương, đường Thanh Niên, đường Hùng Vương, đường Hoàng Hoa Thám. Dân số năm 2017 là 247.100 người. Tên gọi Tên gọi Ba Đình xuất phát từ chiến khu Ba Đình của cuộc khởi nghĩa Ba Đình diễn ra từ năm 1886 - 1887 hưởng ứng phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX của các nhà cách mạng yêu nước là Phạm Bành, Đinh Công Tráng và nhân dân huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Năm 1945 tên gọi Ba Đình được đặt cho vườn hoa ngã sáu phía sau vườn bách thảo, nơi này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2 tháng 9 năm 1945. Năm 1959 tên gọi Ba Đình được đặt cho một trong tám khu phố nội thành của Hà Nội. Năm 1981 khu phố Ba Đình được đổi tên thành quận Ba Đình như tên gọi hiện tại. Lịch sử Địa bàn quận Ba Đình hiện nay nằm trên nền đất xưa vốn thuộc tổng Hữu Nghiêm (sau đổi là Yên Hòa), huyện Thọ Xương và các tổng Yên Thành, Nội, Thượng, Trung, huyện Vĩnh Thuận. Sau năm 1954, khu vực này được chia thành hai khu, gọi là khu Ba Đình và khu Trúc Bạch. Năm 1961, thành lập khu phố Ba Đình trên cơ sở sáp nhập khu Ba Đình, khu Trúc Bạch; xã Đông Thái, một phần xã Thái Đô thuộc quận V cũ; 2 xã: Ngọc Hà, Phúc Lệ và một phần xã Thống Nhất thuộc quận VI. Tháng 6 năm 1981, chuyển các khu phố thành quận, khu phố Ba Đình đổi thành quận Ba Đình, gồm 15 phường: Bưởi, Cầu Giấy, Cống Vị, Điện Biên, Đội Cấn, Giảng Võ, Kim Mã, Ngọc Hà, Nguyễn Trung Trực, Phúc Xá, Quán Thánh, Thành Công, Thụy Khuê, Trúc Bạch, Yên Phụ. Toàn bộ khu vực Hoàng thành Thăng Long khi đó nằm trong quận này. Tháng 10 năm 1995, 3 phường: Bưởi, Thụy Khuê, Yên Phụ thuộc quận Ba Đình chuyển sang trực thuộc quận Tây Hồ. Quận Ba Đình còn 12 phường: Cầu Giấy, Cống Vị, Điện Biên, Đội Cấn, Giảng Võ, Kim Mã, Ngọc Hà, Nguyễn Trung Trực, Phúc Xá, Quán Thánh, Thành Công, Trúc Bạch. Ngày 22 tháng 11 năm 1996, phường Cầu Giấy đổi tên thành phường Ngọc Khánh do trùng tên với quận Cầu Giấy mới thành lập. Ngày 5 tháng 1 năm 2005, điều chỉnh địa giới hành chính giữa hai phường Ngọc Khánh và Cống Vị, đồng thời thành lập 2 phường Liễu Giai (tách ra từ các phường Ngọc Hà và Cống Vị) và Vĩnh Phúc (tách ra từ phường Cống Vị). Quận Ba Đình có 14 phường như hiện nay. Hành chính Quận Ba Đình có 14 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 14 phường: Cống Vị, Điện Biên, Đội Cấn, Giảng Võ, Kim Mã, Liễu Giai, Ngọc Hà, Ngọc Khánh, Nguyễn Trung Trực, Phúc Xá, Quán Thánh, Thành Công, Trúc Bạch, Vĩnh Phúc. Các địa điểm nổi tiếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh Quảng trường Ba Đình Hội trường Ba Đình Chùa Một Cột Bảo tàng Hồ Chí Minh Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Ao cá Bác Hồ Cột cờ Hà Nội Bảo tàng Quân đội Bảo tàng Mỹ thuật Hoàng thành Thăng Long Công viên Lê Nin Phủ Chủ tịch Hồ Trúc Bạch Đền Quán Thánh Hồ Hữu Tiệp Chợ Long Biên Chợ Châu Long Công viên Thủ Lệ Triển lãm Giảng Võ Bến xe Kim Mã Cung thể thao Quần Ngựa Lotte Center Hà Nội Đài Truyền hình Việt Nam Nhà thờ Cửa Bắc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia Hiệu bánh cốm Nguyên Ninh Vườn bách thảo Hà Nội Nhà hàng đặc sản bánh tôm Hồ Tây Kem Hồ Tây Phố đi bộ Đảo Ngọc – Ngũ Xã Vinhomes Metropolis 29 Liễu Giai Ngôi nhà số 300 Kim Mã Tòa nhà Capital Place 29 Liễu Giai Đường phố An Xá Bà Huyện Thanh Quan Bắc Sơn Bưởi Cao Bá Quát Cầu Giấy Châu Long Chu Văn An Chùa Một Cột Cửa Bắc Cửa Đông Đặng Dung Đặng Tất Đào Tấn Điện Biên Phủ Độc Lập Đốc Ngữ Đội Cấn Đội Nhân Giang Văn Minh Giảng Võ Hàng Bún Hàng Cháo Hàng Đậu Hàng Than Hoàng Diệu Hoàng Hoa Thám Hoàng Văn Thụ Hòe Nhai Hồng Hà Hồng Phúc Hùng Vương Huỳnh Thúc Kháng Khúc Hạo Kim Mã Kim Mã Thượng La Pho La Thành Lạc Chính Láng Hạ Lê Duẩn Lê Hồng Phong Lê Trực Liễu Giai Linh Lang Lý Nam Đế Lý Văn Phức Mạc Đĩnh Chi Mai Anh Tuấn Nam Cao Nam Tràng Nghĩa Dũng Ngọc Hà Ngọc Khánh Ngũ Xã Nguyễn Biểu Nguyễn Cảnh Chân Nguyễn Chí Thanh Nguyễn Công Hoan Nguyên Hồng Nguyễn Khắc Hiếu Nguyễn Khắc Nhu Nguyễn Phạm Tuân Nguyễn Thái Học Nguyễn Thiếp Nguyễn Tri Phương Nguyễn Trung Trực Nguyễn Trường Tộ Nguyễn Văn Ngọc Núi Trúc Ông Ích Khiêm Phạm Hồng Thái Phạm Huy Thông Phan Đình Phùng Phan Huy Ích Phan Kế Bính Phó Đức Chính Phúc Xá Quần Ngựa Quán Thánh Sơn Tây Tam Đa Tân Ấp Thái Hà Thanh Bảo Thành Công Thanh Niên Tôn Thất Đàm Tôn Thất Thiệp Trần Huy Liệu Trần Phú Trần Tế Xương Trấn Vũ Trúc Bạch Vạn Bảo Văn Cao Văn Miếu Vạn Phúc Vĩnh Phúc Vũ Thạnh Yên Ninh Yên Phụ lớn Yên Thế Hạ tầng Hiện nay, các phường phía tây quận Ba Đình là những khu dân cư tập trung với những khu nhà chung cư được xây dựng sớm nhất của Hà Nội như Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Vĩnh Phúc, Cống Vị, Liễu Giai... Các dự án đường sắt đô thị đi qua địa bàn quận là các tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên), tuyến số 2 (Nội Bài - Thượng Đình), tuyến số 3 (Trôi - Nhổn - Yên Sở), tuyến số 5 (Hồ Tây - Hòa Lạc), trong đó tuyến số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (một phần của tuyến Trôi - Nhổn - Yên Sở) hiện đang được thi công; tuyến số 1, tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (một phần của tuyến Nội Bài - Thượng Đình) và tuyến số 5 hiện đang được đầu tư xây dựng. Trên địa bàn quận Ba Đình đã và đang xây dựng các khu đô thị như: khu đô thị 671 Hoàng Hoa Thám, khu đô thị bệnh viện 354, khu đô thị Vinhomes Gallery Giảng Võ... Hệ thống đường sắt đô thị Tuyến số 3 (Đang xây dựng): (Quận Cầu Giấy) ← Ga Cầu Giấy - Ga Kim Mã → (Quận Đống Đa) Hệ thống xe buýt Điểm đầu cuối và trung chuyển: ĐTC Long Biên (10A, 10B, 17, 24, 47A, 50, 54, 58, 65, 98, 100, E05, E07) Bến xe Kim Mã (99, 107, BRT01) Các tuyến xe buýt hoạt động:
Hippocrates (phiên âm Việt ngữ: Hi-pô-crat) được xem là cha đẻ của Y học và là người thầy thuốc vĩ đại nhất lịch sử thời Hy Lạp cổ đại (Pericles). Ông là người Hy Lạp, có tên thường được gọi là "Iπποκράτης ὁ Κῷος" (tiếng Hy Lạp), đọc là Hippokrátē ho Kṓos (phiên âm Quốc tế: / hɪˈpɒkrətiːz o kɑs/), còn được gọi là Hippocrates II để phân biệt với Hippocrates I là ông nội - vốn được coi là tác giả của những tác phẩm văn học cổ đại sớm nhất là cuốn De Fracturis và De Articulis. Ông sinh năm 460 TCN tại đảo Kos (Côt, ở Hy Lạp) và mất vào khoảng năm 380-370 TCN ở Larissa thuộc vùng Thessaly. Hơn 2000 năm qua, người ta vẫn nhắc tới ông chủ yếu vì ông không chỉ là người sáng lập ra Y học, có tài năng điều trị giỏi, đạo đức nghề nghiệp tốt, mà còn được xem là tác giả của Lời thề Hippocrates (Hippocratic Oath) nổi tiếng mọi bác sĩ đều phải tuân theo. Ngoài ra, ông và các môn đệ còn để lại nhiều tác phẩm về y học, tạo nên các lý thuyết được gọi là học thuyết Hippocrates (Hippocratic theory), trong đó thực hành y khoa phải dựa trên cơ sở các quan sát và nghiên cứu cơ thể con người, cũng như tin tưởng rằng bệnh tật là do nguyên nhân có thể tìm hiểu được, mà không phải do sức mạnh siêu nhiên hoặc do người bệnh đã dám có ý nghĩ tội lỗi hay báng bổ thần thánh đương thời. Ông cũng là người sáng lập Trường Y học Hippocrates (Hippocratic School of Medicine). Ông cũng cho rằng cơ thể phải được nhìn nhận như là một tổng thể chứ không phải là một tập hợp rời rạc của từng bộ phận. Ông đã miêu tả chính xác nhiều triệu chứng bệnh và là thầy thuốc đầu tiên miêu tả các triệu chứng của viêm phổi cũng như động kinh ở trẻ em. Ông cũng tin tưởng vào quá trình lành bệnh tự nhiên thông qua nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng hợp lý, không khí trong lành và sự sạch sẽ. Ông cũng nhận thấy các cá thể khác nhau có những biểu hiện bệnh với mức độ khác nhau, có những cá thể có khả năng chống đỡ bệnh tật tốt hơn cá thể khác. Ông cũng là thầy thuốc đầu tiên cho rằng tư tưởng, suy nghĩ, tình cảm xuất phát từ não chứ không phải từ tim như nhiều người cùng thời quan niệm. Hippocrates đã đi khắp Hy Lạp để hành nghề y, sau đó quay về đảo Cos và thành lập trường y và bắt đầu giảng dạy những tư tưởng y khoa của mình. Một số tài liệu cho rằng ông cũng tiếp cận với nền y học phương Đông. Các tư tưởng và bài giảng y khoa của ông được tập hợp thành "Tập Sao lục của Hippocrates" (Corpus hippocraticum) bao gồm 60 tác phẩm về nhiều lĩnh vực y khoa gồm chẩn đoán, dịch tễ học, sản khoa, nhi khoa, dinh dưỡng và phẫu thuật. Thuyết thể dịch Thuyết thể dịch (Humorism) là học thuyết về cấu tạo và hoạt động của cơ thể con người được phát triển bởi các thầy thuốc cũng như các triết gia Hy Lạp và La Mã cổ đại. Thuyết này được nâng lên một tầm cao mới cả về lý luận lẫn thực hành nhờ công của Hippocrates. Học thuyết này phát huy tác dụng đến tận thế kỷ 19. Theo thuyết này thì cơ thể con người được cấu thành bởi bốn chất cơ bản, gọi là thể dịch. Cân bằng của bốn chất này là điều kiện cơ bản để con người khỏe mạnh. Bệnh tật là hậu quả của một tình trạng quá thừa thãi hay thiếu hụt của ít nhất một trong bốn chất này. Bốn thể dịch là: máu, mật đen, mật vàng và niêm dịch—tương ứng với bốn nguyên tố cơ bản cấu thành vũ trụ là không khí, đất, lửa và nước. Các thể dịch này tùy theo thời gian, chế độ dinh dưỡng và hoạt động mà tăng giảm khác nhau chứ không ở trong một trạng thái tĩnh. Khi một người có quá nhiều một loại dịch nào đó thì nhân cách, thậm chí sức khỏe, của người này sẽ bị ảnh hưởng. Theophrastus và một số người khác đưa ra một nhóm các tính cách dựa trên các thể dịch này. Những người có quá nhiều máu sẽ là người vui vẻ, năng động, lạc quan (sanguine). Những người có nhiều niêm dịch sẽ là những người chậm chạm, ể oải (phlegmatic). Những người có quá nhiều mật vàng rất hay nóng nảy (choleric) và những người có nhiều mật đen sẽ hay u buồn (melancholic). Để điều trị bệnh, thầy thuốc phải xác định được thể dịch nào bị mất cân bằng để tái lập lại. Ví dụ nếu một người mệt mỏi, suy nhược thì có thể là do thừa niêm dịch. Nước chanh được coi là chất đối nghịch với niêm dịch vì vậy những người hay mỏi mệt thì nên dùng nước chanh. Và điều trị này trong phần lớn trường hợp tỏ ra có tác dụng. Thuyết này không chỉ thịnh hành ở thời cổ đại mà còn là tư tưởng thống trị trong thời kỳ Tân cổ điển (neo-classical) ở châu Âu. Kiểu thực hành đặc trưng của thuyết này có thể kể: trích máu một bệnh nhân hay đặt cốc nước nóng trên đầu họ tuy theo người này được cho là thừa một loại dịch nào đó. Ngược lại, cũng có niềm tin rằng mỗi người chỉ có một lượng hữu hạn dịch thể mà thôi nên việc mất dịch thể cũng đồng nghĩa với chết. Lời thề Hippocrates Cho đến hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về tác giả của lời thề này. Quan niệm truyền thống cho rằng Lời thề Hippocrates do chính ông soạn thảo để hướng dẫn y sinh của mình trên con đường hành nghề thầy thuốc. Một số khác cho rằng lời thề này do các môn đồ của Pythagoras soạn ra. Thời điểm xuất hiện của lời thề này vào khoảng thế kỷ thứ tư trước Công nguyên. Một điều chắc chắn là nó đã được sửa chữa nhiều để phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của Hy Lạp qua từng giai đoạn khác nhau. Trong nền y học hiện đại ngày nay, lời thề này có những điểm không còn phù hợp (ví dụ không chấp nhận phá thai) tuy nhiên ý nghĩa lịch sử và tính thiêng liêng của nó vẫn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tôi xin thề trước Apollon thần chữa bệnh, trước Æsculapius thần y học, trước thần Hygieia và Panacea, và trước sự chứng giám của tất cả các nam nữ thiên thần, là tôi sẽ đem hết sức lực và khả năng để làm trọn lời thề và lời cam kết sau đây: Tôi sẽ coi các thầy học của tôi ngang hàng với các bậc thân sinh ra tôi. Tôi sẽ chia sẻ với các vị đó của cải của tôi, và khi cần tôi sẽ đáp ứng những nhu cầu của các vị đó. Tôi sẽ coi con của thầy như anh em ruột thịt của tôi, và nếu họ muốn học nghề y thì tôi sẽ dạy cho họ không lấy tiền công mà cũng không giấu nghề. Tôi sẽ truyền đạt cho họ những nguyên lý, những bài học truyền miệng và tất cả vốn hiểu biết của tôi cho các con tôi, các con của các thầy dạy tôi và cho tất cả các môn đệ cùng gắn bó bởi một lời cam kết và một lời thề đúng với Y luật mà không truyền cho một ai khác. Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công. Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu và cũng không tự mình gợi ý cho họ; cũng như vậy, tôi cũng sẽ không trao cho bất cứ người phụ nữ nào những thuốc gây sẩy thai. Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết. Tôi sẽ không thực hiện những phẫu thuật mở bàng quang mà dành công việc đó cho những người chuyên. Dù vào bất cứ nhà nào, tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và đồi bại nhất là tránh cám dỗ phụ nữ và thiếu niên tự do hay nô lệ. Dù tôi có nhìn hoặc nghe thấy gì trong xã hội, trong và cả ngoài lúc hành nghề của tôi, tôi sẽ xin im lặng trước những điều không bao giờ cần để lộ ra và coi sự kín đáo trong trường hợp đó như một nghĩa vụ. Nếu tôi làm trọn lời thề này và không có gì vi phạm tôi sẽ được hưởng một cuộc sống sung sướng và sẽ được hành nghề trong sự quý trọng mãi mãi của mọi người. Nếu tôi vi phạm lời thề này hay tôi tự phản bội, thì tôi sẽ phải chịu một số phận khổ sở ngược lại. Tiểu sử Các nhà sử học đồng ý rằng Hippocrate thực sự có tồn tại, và sinh vào khoảng năm 460 trước Công Nguyên trên hòn đảo Kos thuộc Hy Lạp, và là một thầy thuốc, một giảng viên y khoa. Tuy nhiên những thông tin khác về ông hầu hết đều là truyền thuyết và một số đã được chứng minh là không đúng Soranus ở Ephesus, một bác sĩ phụ khoa, là người đầu tiên ghi chép về Hippocrate và là nguồn của hầu hết thông tin về Hippocrate. Những thông tin này có trong những ghi chép của Aristotle (có từ khoảng thế kỷ thứ 4 trước Công Nguyên), trong tập Suidas (thế kỷ thứ 10 Công Nguyên), và trong những tác phẩm của John Tzetzes (thế kỷ thứ 12 Công Nguyên). Soranus cho rằng Hippocrate có cha là Heraclides, một thầy thuốc và mẹ của ông là Praxitela, con gái của Phenaretis. Hippocrates có hai con trai Thessalus và Draco, một người con nuôi là Polybus, đồng thời là học trò của Hippocrate. Then Galen, một thầy thuốc sau này, Polybus mới chính là người nối nghiệp Hippocrate. Thessalus và Draco đều có một con tên là Hippocrates Soranus viết rằng Hippocrate học nghề y từ cha và ông nội, học những ngành khác từ Democritus và Gorgias. Hippocrate cũng có thể đã học ở đền (asklepieion) của Kos, là học trò của Herodicus vùng Selymbria. Ghi chép duy nhất có cùng thời với Hippocrate nằm trong đoạn văn (dialogue) Protagoras của Plato. Hippocrate dạy y học và chữa trị cả đời, đã từng đến Thessaly, Thrace, và biển Mamara. Có thể ông đã mất ở Larissa, thọ 83 hoặc 90 tuổi, có một số người cho rằng ông sống trên 100 tuổi. Chú thích Thầy thuốc Hy Lạp Tài liệu y khoa Đạo đức y học Sinh năm 460 TCN Mất năm 370 TCN Thầy thuốc Hy Lạp cổ đại Lịch sử y học cổ đại Năm 370 TCN Mất thập niên 370 TCN Năm 460 TCN
Giấy phép Công cộng GNU (tiếng Anh: GNU General Public License, viết tắt GNU GPL hay chỉ GPL) là giấy phép phần mềm tự do được sử dụng rộng rãi, đảm bảo cho người dùng cuối tự do chạy, nghiên cứu, sửa đổi và chia sẻ phần mềm. Giấy phép ban đầu được viết bởi Richard Stallman của Quỹ Phần mềm Tự do (FSF) cho Dự án GNU, và cấp cho người nhận chương trình máy tính quyền của Định nghĩa Phần mềm Tự do. GPL là giấy phép copyleft, có nghĩa là tác phẩm phái sinh chỉ có thể được phân phối theo các điều khoản cấp phép tương tự. Đây là sự phân biệt đối với giấy phép phần mềm tự do cho phép, trong đó giấy phép BSD và Giấy phép MIT được sử dụng rộng rãi là ví dụ. GPL là giấy phép copyleft đầu tiên để sử dụng chung. Trong lịch sử, gia đình giấy phép GPL là một trong những giấy phép phần mềm phổ biến nhất trong lĩnh vực phần mềm tự do và nguồn mở. Các chương trình phần mềm miễn phí nổi bật được cấp phép theo GPL bao gồm nhân Linux và Bộ biên dịch GNU (GCC). David A. Wheeler cho rằng copyleft được cung cấp bởi GPL là rất quan trọng đối với sự thành công của các hệ thống dựa trên Linux, giúp các lập trình viên đóng góp cho hạt nhân sự đảm bảo rằng công việc của họ sẽ mang lại lợi ích cho toàn thế giới. các công ty phần mềm sẽ không phải trả lại cho cộng đồng. Trong năm 2007, phiên bản thứ ba của giấy phép (GNU GPLv3) đã được phát hành để giải quyết một số vấn đề nhận thức với phiên bản thứ hai (GNU GPLv2) đã được phát hiện trong quá trình sử dụng lâu dài của nó. Để giữ cho giấy phép cập nhật, giấy phép GPL bao gồm một điều khoản "bất kỳ phiên bản sau" tùy chọn, cho phép người dùng lựa chọn giữa các điều khoản gốc hoặc các điều khoản trong các phiên bản mới như được FSF cập nhật. Các nhà phát triển có thể bỏ qua nó khi cấp phép phần mềm của họ; ví dụ hạt nhân Linux được cấp phép theo GPLv2 mà không có mệnh đề "bất kỳ phiên bản nào sau này". Lịch sử GPL được viết bởi Richard Stallman năm 1989, để sử dụng với các chương trình được phát hành như là một phần của dự án GNU. GPL ban đầu đã được dựa trên một sự thống nhất của giấy phép tương tự sử dụng cho các phiên bản đầu tiên của GNU Emacs (1985), GNU Debugger và GNU C Compiler. Các giấy phép này chứa các điều khoản tương tự như GPL hiện đại, nhưng cụ thể cho từng chương trình, khiến chúng không tương thích, mặc dù là cùng một giấy phép. Mục tiêu của Stallman là tạo ra một giấy phép có thể được sử dụng cho bất kỳ dự án nào, do đó làm cho nhiều dự án có thể chia sẻ mã. Phiên bản thứ hai của giấy phép, GPL v2, được phát hành vào năm 1991. Trong vòng 15 năm tiếp theo, các thành viên của cộng đồng phần mềm tự do trở nên lo ngại về các vấn đề trong giấy phép GPLv2 có thể cho ai đó khai thác phần mềm cấp phép GPL theo những cách trái với mục tiêu của giấy phép. Những vấn đề này bao gồm tivoization (bao gồm phần mềm được cấp phép GPL trong phần cứng từ chối chạy các phiên bản phần mềm của nó), các vấn đề tương thích tương tự như của Affero General Public License - và các giao dịch bằng sáng chế giữa Microsoft và các nhà phân phối phần mềm tự do nguồn mở, mà một số được xem như là một nỗ lực để sử dụng các bằng sáng chế như một vũ khí chống lại cộng đồng phần mềm tự do. Phiên bản 3 đã được phát triển để cố gắng giải quyết những mối quan ngại này và đã chính thức được phát hành vào ngày 29 tháng 6 năm 2007. Phiên bản 1 Phiên bản đầu tiên của GNU GPL, phát hành ngày 25/2/1989, ngăn chặn hai cách chính mà các nhà phân phối phần mềm hạn chế các quyền tự do định nghĩa phần mềm tự do. Vấn đề đầu tiên là các nhà phân phối có thể xuất bản các file nhị phân chỉ có thể thực thi được, nhưng không thể đọc hoặc sửa đổi được bởi con người. Để ngăn chặn điều này, GPLv1 đã tuyên bố rằng việc sao chép và phân phối các bản sao hoặc bất kỳ phần nào của chương trình cũng phải làm cho mã nguồn có thể đọc được theo các điều khoản cấp phép giống nhau. Vấn đề thứ hai là các nhà phân phối có thể thêm các hạn chế, hoặc thêm giấy phép, hoặc bằng cách kết hợp phần mềm với các phần mềm khác có các hạn chế khác về phân phối. Sự kết hợp của hai bộ hạn chế sẽ áp dụng đối với việc kết hợp, do đó bổ sung các hạn chế không được chấp nhận. Để ngăn chặn điều này, GPLv1 đã tuyên bố rằng các phiên bản sửa đổi, nói chung, phải được phân phối theo các điều khoản trong GPLv1. Do đó, phần mềm được phân phối theo các điều khoản của GPLv1 có thể được kết hợp với phần mềm theo các điều khoản dễ hiểu hơn, vì điều này sẽ không thay đổi các điều khoản mà toàn bộ có thể được phân phối. Tuy nhiên, phần mềm được phân phối theo GPLv1 không thể được kết hợp với phần mềm được phân phối theo giấy phép hạn chế hơn, vì điều này sẽ xung đột với yêu cầu toàn bộ được phân phối theo các điều khoản của GPLv1. Phiên bản 2 Theo Richard Stallman, thay đổi lớn trong GPLv2 là mệnh đề "Tự do hoặc chết", như ông gọi nó – Phần 7. Phần này nói rằng người được cấp phép có thể phân phối tác phẩm được GPL cung cấp chỉ khi họ có thể đáp ứng tất cả các nghĩa vụ của giấy phép, mặc dù có bất kỳ nghĩa vụ pháp lý nào khác mà họ có thể có. Nói cách khác, nghĩa vụ của giấy phép có thể không bị cắt đứt do các nghĩa vụ mâu thuẫn nhau. Quy định này nhằm ngăn cản bất kỳ bên nào sử dụng khiếu nại vi phạm bằng sáng chế hoặc kiện tụng khác để làm giảm sự tự do của người dùng theo giấy phép. Đến năm 1990, nó trở nên rõ ràng rằng một giấy phép ít hạn chế hơn sẽ mang tính chiến lược hữu ích cho thư viện C và các thư viện phần mềm về cơ bản đã thực hiện công việc của những người sở hữu độc quyền hiện có; khi phiên bản 2 của GPL (GPLv2) được phát hành vào tháng 6 năm 1991, do đó, giấy phép thứ hai – the GNU Library General Public License – được giới thiệu cùng một lúc và được đánh số bằng phiên bản 2 để cho thấy cả hai đều bổ sung cho nhau. Các số phiên bản được phân tách vào năm 1999 khi phiên bản 2.1 của LGPL được phát hành, được đổi tên thành GNU Lesser General Public License để phản ánh vị trí của nó trong triết lý. Phổ biến nhất "GPLv2 hoặc bất kỳ phiên bản nào sau này" được người dùng của giấy phép nêu rõ, cho phép nâng cấp lên GPLv3. Phiên bản 3 Cuối 2005, Free Software Foundation (FSF) đã công bố phiên bản 3 của GPL (GPLv3). Vào ngày 16 tháng 1 năm 2006, "bản dự thảo" đầu tiên của GPLv3 đã được xuất bản, và việc tham vấn cộng đồng đã bắt đầu. Các tham vấn cộng đồng được kế hoạch ban đầu cho 9-15 tháng, nhưng cuối cùng kéo dài đến mười tám tháng với bốn dự thảo được công bố. Các GPLv3 chính thức được phát hành bởi FSF trên 29 Tháng Sáu 2007. GPLv3 được viết bởi Richard Stallman, với cố vấn pháp lý từ Eben Moglen và Richard Fontana từ Software Freedom Law Center. Theo Stallman, những thay đổi quan trọng nhất liên quan đến bằng sáng chế phần mềm, khả năng tương thích giấy phép phần mềm tự do, định nghĩa "mã nguồn", và hạn chế phần cứng về sửa đổi phần mềm ("tivoization"). Các thay đổi khác liên quan đến quốc tế hóa, cách xử lý vi phạm giấy phép và cách chủ sở hữu bản quyền cấp quyền bổ sung. Nó cũng bổ sung một điều khoản “tước quyền” (DRM) về giá trị pháp lý, để mọi người có thể phá vỡ bất cứ điều gì mà tòa án có thể nhận ra là DRM trên phần mềm GPL mà không vi phạm luật như DMCA. Quá trình tham vấn cộng đồng được điều phối bởi Quỹ Phần mềm Tự do với sự hỗ trợ của Software Freedom Law Center, Free Software Foundation Europe, và các nhóm phần mềm tự do khác. Nhận xét được thu thập từ công chúng thông qua cổng web gplv3.fsf.org, sử dụng phần mềm được viết có mục đích được gọi là stet. Trong quá trình tham vấn cộng đồng, 962 ý kiến đã được đệ trình cho dự thảo đầu tiên. Đến cuối giai đoạn thảo luận, tổng cộng 2.636 ý kiến đã được đệ trình. Dự thảo thứ ba được phát hành vào ngày 28/3/2007. Dự thảo này bao gồm ngôn ngữ nhằm ngăn chặn thỏa thuận bằng sáng chế liên quan đến như thỏa thuận bằng sáng chế gây tranh cãi giữa Microsoft-Novell, và hạn chế các điều khoản chống tivoization đến một định nghĩa pháp lý của một "người sử dụng" và một " sản phẩm tiêu dùng ". Nó cũng loại bỏ một cách rõ ràng phần "Giới hạn địa lý", có thể loại bỏ khả năng đã được công bố tại buổi ra mắt tham vấn cộng đồng. Dự thảo thảo luận thứ tư, là bản cuối cùng, được phát hành vào ngày 31/5/2007. Nó được giới thiệu là tương thích với Apache License v2.0 (các phiên bản trước không tương thích), làm rõ vai trò của các nhà thầu bên ngoài, và thực hiện một ngoại lệ để tránh các vấn đề nhận thức của Microsoft - Thoả thuận theo phong cách không chính xác, nói trong Phần 11 đoạn 6 rằng:Bạn không thể chuyển nhượng công việc được bảo hiểm nếu bạn là một bên tham gia một thỏa thuận với bên thứ ba trong kinh doanh phân phối phần mềm, theo đó bạn thanh toán cho bên thứ ba dựa trên mức độ hoạt động của bạn trong việc truyền đạt công việc và theo đó bên thứ ba cấp cho bất kỳ bên nào nhận được công việc được bảo hiểm từ bạn, giấy phép bằng sáng chế phân biệt đối xử...Điều này nhằm mục đích làm cho các giao dịch tương lai như vậy không hiệu quả. Giấy phép này cũng có nghĩa là làm cho Microsoft gia hạn giấy phép bằng sáng chế cho khách hàng của Novell về việc sử dụng phần mềm GPLv3 cho tất cả người dùng của phần mềm GPLv3 đó; điều này chỉ có thể xảy ra nếu Microsoft là một "conveyor" hợp pháp của phần mềm GPLv3.. Dự thảo ban đầu của GPLv3 cũng cho phép người cấp phép thêm yêu cầu giống như Affero có thể đã cắm lỗ hổng ASP trong GPL. Vì có những lo ngại về chi phí hành chính của việc kiểm tra mã cho yêu cầu bổ sung này, nên đã quyết định giữ GPL và giấy phép Affero được tách ra. Những người khác, đặc biệt là một số nhà phát triển Linux kernel cao cấp, ví dụ Linus Torvalds, Greg Kroah-Hartman, và Andrew Morton, đã bình luận với các phương tiện thông tin đại chúng và đưa ra tuyên bố công khai về phản đối của họ đối với các dự thảo 1 và 2. các nhà phát triển đã đề cập đến các điều khoản dự thảo GPLv3 liên quan đến DRM/Tivoization, bằng sáng chế và "hạn chế bổ sung" và cảnh báo về việc Balkanisation của "Open Source Universe". Linus Torvalds, người đã quyết định không chấp nhận GPLv3 cho nhân Linux, nhắc lại những lời chỉ trích của ông vài năm sau đó. GPLv3 cải thiện khả năng tương thích với một số giấy phép phần mềm nguồn mở như Giấy phép Apache, phiên bản 2.0 và Giấy phép Công cộng GNU Affero, mà GPLv2 không tương thích. Tuy nhiên, phần mềm GPLv3 chỉ có thể được kết hợp và chia sẻ mã với phần mềm GPLv2 nếu giấy phép GPLv2 được sử dụng có mệnh đề "hoặc sau" tùy chọn và phần mềm được nâng cấp lên GPLv3. Trong khi điều khoản "GPLv2 hoặc bất kỳ phiên bản sau này" nào được FSF coi là dạng phổ biến nhất của phần mềm cấp phép GPLv2, Nhà phát triển Toybox Rob Landley đã mô tả nó như là một điều khoản cứu sinh. Các dự án phần mềm được cấp phép với mệnh đề tùy chọn "hoặc sau này" bao gồm Dự án GNU, trong khi một ví dụ nổi bật không có mệnh đề là hạt nhân Linux. Phiên bản cuối cùng của văn bản giấy phép đã được xuất bản vào ngày 29/6/2007. Ý tưởng của giấy phép Giấy phép GPL phiên bản 2 gồm 12 điều khoản, phiên bản 3 gồm 17 điều khoản. Ý tưởng của nó là: 1. Phần mềm GPL phải là phần mềm tự do. Tức là người sử dụng có 4 quyền sau với phần mềm GPL: Tự do chạy chương trình, cho bất cứ mục đích nào. Tự do tìm hiểu cách hoạt động của chương trình, và tự do sửa đổi nó. (Quyền truy cập mã nguồn là điều kiện tiên quyết cho quyền tự do này.) Tự do tái phân phối bản sao. Tự do cải tiến chương trình, và phát hành những gì cải tiến ra công cộng. (Quyền truy cập mã nguồn là điều kiện tiên quyết cho quyền tự do này.) So sánh với thoả thuận giấy phép người dùng cuối của phần mềm thương mại thường không cho người dùng cuối quyền nào trừ quyền sử dụng phần mềm và luôn hạn chế kỹ thuật phân tích ngược (reverse engineering). Một phiên bản của GNU GPL (Bản tiếng Anh) thuộc năm 1991     GNU GENERAL PUBLIC LICENSE        Version 2, June 1991 Copyright (C) 1989, 1991 Free Software Foundation, Inc.                           675 Mass Ave, Cambridge, MA 02139, USA Everyone is permitted to copy and distribute verbatim copies of this license document, but changing it is not allowed.     Preamble   The licenses for most software are designed to take away your freedom to share and change it.  By contrast, the GNU General Public License is intended to guarantee your freedom to share and change free software--to make sure the software is free for all its users.  This General Public License applies to most of the Free Software Foundation's software and to any other program whose authors commit to using it.  (Some other Free Software Foundation software is covered by the GNU Library General Public License instead.)  You can apply it to your programs, too.   When we speak of free software, we are referring to freedom, not price.  Our General Public Licenses are designed to make sure that you have the freedom to distribute copies of free software (and charge for this service if you wish), that you receive source code or can get it if you want it, that you can change the software or use pieces of it in new free programs; and that you know you can do these things.   To protect your rights, we need to make restrictions that forbid anyone to deny you these rights or to ask you to surrender the rights. These restrictions translate to certain responsibilities for you if you distribute copies of the software, or if you modify it.   For example, if you distribute copies of such a program, whether gratis or for a fee, you must give the recipients all the rights that you have.  You must make sure that they, too, receive or can get the source code.  And you must show them these terms so they know their rights.   We protect your rights with two steps: (1) copyright the software, and (2) offer you this license which gives you legal permission to copy, distribute and/or modify the software.   Also, for each author's protection and ours, we want to make certain that everyone understands that there is no warranty for this free software.  If the software is modified by someone else and passed on, we want its recipients to know that what they have is not the original, so that any problems introduced by others will not reflect on the original authors' reputations.   Finally, any free program is threatened constantly by software patents.  We wish to avoid the danger that redistributors of a free program will individually obtain patent licenses, in effect making the program proprietary.  To prevent this, we have made it clear that any patent must be licensed for everyone's free use or not licensed at all.   The precise terms and conditions for copying, distribution and modification follow.     GNU GENERAL PUBLIC LICENSE    TERMS AND CONDITIONS FOR COPYING, DISTRIBUTION AND MODIFICATION   0. This License applies to any program or other work which contains a notice placed by the copyright holder saying it may be distributed under the terms of this General Public License.  The "Program", below, refers to any such program or work, and a "work based on the Program" means either the Program or any derivative work under copyright law: that is to say, a work containing the Program or a portion of it, either verbatim or with modifications and/or translated into another language.  (Hereinafter, translation is included without limitation in the term "modification".)  Each licensee is addressed as "you". Activities other than copying, distribution and modification are not covered by this License; they are outside its scope.  The act of running the Program is not restricted, and the output from the Program is covered only if its contents constitute a work based on the Program (independent of having been made by running the Program). Whether that is true depends on what the Program does.   1. You may copy and distribute verbatim copies of the Program's source code as you receive it, in any medium, provided that you conspicuously and appropriately publish on each copy an appropriate copyright notice and disclaimer of warranty; keep intact all the notices that refer to this License and to the absence of any warranty; and give any other recipients of the Program a copy of this License along with the Program. You may charge a fee for the physical act of transferring a copy, and you may at your option offer warranty protection in exchange for a fee.   2. You may modify your copy or copies of the Program or any portion of it, thus forming a work based on the Program, and copy and distribute such modifications or work under the terms of Section 1 above, provided that you also meet all of these conditions:     a) You must cause the modified files to carry prominent notices     stating that you changed the files and the date of any change.     b) You must cause any work that you distribute or publish, that in     whole or in part contains or is derived from the Program or any     part thereof, to be licensed as a whole at no charge to all third     parties under the terms of this License.     c) If the modified program normally reads commands interactively     when run, you must cause it, when started running for such     interactive use in the most ordinary way, to print or display an     announcement including an appropriate copyright notice and a     notice that there is no warranty (or else, saying that you provide     a warranty) and that users may redistribute the program under     these conditions, and telling the user how to view a copy of this     License.  (Exception: if the Program itself is interactive but     does not normally print such an announcement, your work based on     the Program is not required to print an announcement.) These requirements apply to the modified work as a whole.  If identifiable sections of that work are not derived from the Program, and can be reasonably considered independent and separate works in themselves, then this License, and its terms, do not apply to those sections when you distribute them as separate works.  But when you distribute the same sections as part of a whole which is a work based on the Program, the distribution of the whole must be on the terms of this License, whose permissions for other licensees extend to the entire whole, and thus to each and every part regardless of who wrote it. Thus, it is not the intent of this section to claim rights or contest your rights to work written entirely by you; rather, the intent is to exercise the right to control the distribution of derivative or collective works based on the Program. In addition, mere aggregation of another work not based on the Program with the Program (or with a work based on the Program) on a volume of a storage or distribution medium does not bring the other work under the scope of this License.   3. You may copy and distribute the Program (or a work based on it, under Section 2) in object code or executable form under the terms of Sections 1 and 2 above provided that you also do one of the following:     a) Accompany it with the complete corresponding machine-readable     source code, which must be distributed under the terms of Sections     1 and 2 above on a medium customarily used for software interchange; or,     b) Accompany it with a written offer, valid for at least three     years, to give any third party, for a charge no more than your     cost of physically performing source distribution, a complete     machine-readable copy of the corresponding source code, to be     distributed under the terms of Sections 1 and 2 above on a medium     customarily used for software interchange; or,     c) Accompany it with the information you received as to the offer     to distribute corresponding source code.  (This alternative is     allowed only for noncommercial distribution and only if you     received the program in object code or executable form with such     an offer, in accord with Subsection b above.)The source code for a work means the preferred form of the work for making modifications to it.  For an executable work, complete source code means all the source code for all modules it contains, plus any associated interface definition files, plus the scripts used to control compilation and installation of the executable.  However, as a special exception, the source code distributed need not include anything that is normally distributed (in either source or binary form) with the major components (compiler, kernel, and so on) of the operating system on which the executable runs, unless that component itself accompanies the executable. If distribution of executable or object code is made by offering access to copy from a designated place, then offering equivalent access to copy the source code from the same place counts as distribution of the source code, even though third parties are not compelled to copy the source along with the object code.   4. You may not copy, modify, sublicense, or distribute the Program except as expressly provided under this License.  Any attempt otherwise to copy, modify, sublicense or distribute the Program is void, and will automatically terminate your rights under this License. However, parties who have received copies, or rights, from you under this License will not have their licenses terminated so long as such parties remain in full compliance.   5. You are not required to accept this License, since you have not signed it.  However, nothing else grants you permission to modify or distribute the Program or its derivative works.  These actions are prohibited by law if you do not accept this License.  Therefore, by modifying or distributing the Program (or any work based on the Program), you indicate your acceptance of this License to do so, and all its terms and conditions for copying, distributing or modifying the Program or works based on it.   6. Each time you redistribute the Program (or any work based on the Program), the recipient automatically receives a license from the original licensor to copy, distribute or modify the Program subject to these terms and conditions.  You may not impose any further restrictions on the recipients' exercise of the rights granted herein. You are not responsible for enforcing compliance by third parties to this License.   7. If, as a consequence of a court judgment or allegation of patent infringement or for any other reason (not limited to patent issues), conditions are imposed on you (whether by court order, agreement or otherwise) that contradict the conditions of this License, they do not excuse you from the conditions of this License.  If you cannot distribute so as to satisfy simultaneously your obligations under this License and any other pertinent obligations, then as a consequence you may not distribute the Program at all.  For example, if a patent license would not permit royalty-free redistribution of the Program by all those who receive copies directly or indirectly through you, then the only way you could satisfy both it and this License would be to refrain entirely from distribution of the Program. If any portion of this section is held invalid or unenforceable under any particular circumstance, the balance of the section is intended to apply and the section as a whole is intended to apply in other circumstances. It is not the purpose of this section to induce you to infringe any patents or other property right claims or to contest validity of any such claims; this section has the sole purpose of protecting the integrity of the free software distribution system, which is implemented by public license practices.  Many people have made generous contributions to the wide range of software distributed through that system in reliance on consistent application of that system; it is up to the author/donor to decide if he or she is willing to distribute software through any other system and a licensee cannot impose that choice. This section is intended to make thoroughly clear what is believed to be a consequence of the rest of this License.   8. If the distribution and/or use of the Program is restricted in certain countries either by patents or by copyrighted interfaces, the original copyright holder who places the Program under this License may add an explicit geographical distribution limitation excluding those countries, so that distribution is permitted only in or among countries not thus excluded.  In such case, this License incorporates the limitation as if written in the body of this License.   9. The Free Software Foundation may publish revised and/or new versions of the General Public License from time to time.  Such new versions will be similar in spirit to the present version, but may differ in detail to address new problems or concerns. Each version is given a distinguishing version number.  If the Program specifies a version number of this License which applies to it and "any later version", you have the option of following the terms and conditions either of that version or of any later version published by the Free Software Foundation.  If the Program does not specify a version number of this License, you may choose any version ever published by the Free Software Foundation.   10. If you wish to incorporate parts of the Program into other free programs whose distribution conditions are different, write to the author to ask for permission.  For software which is copyrighted by the Free Software Foundation, write to the Free Software Foundation; we sometimes make exceptions for this.  Our decision will be guided by the two goals of preserving the free status of all derivatives of our free software and of promoting the sharing and reuse of software generally.     NO WARRANTY   11. BECAUSE THE PROGRAM IS LICENSED FREE OF CHARGE, THERE IS NO WARRANTY FOR THE PROGRAM, TO THE EXTENT PERMITTED BY APPLICABLE LAW.  EXCEPT WHEN OTHERWISE STATED IN WRITING THE COPYRIGHT HOLDERS AND/OR OTHER PARTIES PROVIDE THE PROGRAM "AS IS" WITHOUT WARRANTY OF ANY KIND, EITHER EXPRESSED OR IMPLIED, INCLUDING, BUT NOT LIMITED TO, THE IMPLIED WARRANTIES OF MERCHANTABILITY AND FITNESS FOR A PARTICULAR PURPOSE.  THE ENTIRE RISK AS TO THE QUALITY AND PERFORMANCE OF THE PROGRAM IS WITH YOU.  SHOULD THE PROGRAM PROVE DEFECTIVE, YOU ASSUME THE COST OF ALL NECESSARY SERVICING, REPAIR OR CORRECTION.   12. IN NO EVENT UNLESS REQUIRED BY APPLICABLE LAW OR AGREED TO IN WRITING WILL ANY COPYRIGHT HOLDER, OR ANY OTHER PARTY WHO MAY MODIFY AND/OR REDISTRIBUTE THE PROGRAM AS PERMITTED ABOVE, BE LIABLE TO YOU FOR DAMAGES, INCLUDING ANY GENERAL, SPECIAL, INCIDENTAL OR CONSEQUENTIAL DAMAGES ARISING OUT OF THE USE OR INABILITY TO USE THE PROGRAM (INCLUDING BUT NOT LIMITED TO LOSS OF DATA OR DATA BEING RENDERED INACCURATE OR LOSSES SUSTAINED BY YOU OR THIRD PARTIES OR A FAILURE OF THE PROGRAM TO OPERATE WITH ANY OTHER PROGRAMS), EVEN IF SUCH HOLDER OR OTHER PARTY HAS BEEN ADVISED OF THE POSSIBILITY OF SUCH DAMAGES.      END OF TERMS AND CONDITIONS     How to Apply These Terms to Your New Programs   If you develop a new program, and you want it to be of the greatest possible use to the public, the best way to achieve this is to make it free software which everyone can redistribute and change under these terms.   To do so, attach the following notices to the program.  It is safest to attach them to the start of each source file to most effectively convey the exclusion of warranty; and each file should have at least the "copyright" line and a pointer to where the full notice is found.     <one line to give the program's name and a brief idea of what it does.>     Copyright (C) 19yy  <name of author>     This program is free software; you can redistribute it and/or modify     it under the terms of the GNU General Public License as published by     the Free Software Foundation; either version 2 of the License, or     (at your option) any later version.     This program is distributed in the hope that it will be useful,     but WITHOUT ANY WARRANTY; without even the implied warranty of     MERCHANTABILITY or FITNESS FOR A PARTICULAR PURPOSE.  See the     GNU General Public License for more details.     You should have received a copy of the GNU General Public License     along with this program; if not, write to the Free Software     Foundation, Inc., 675 Mass Ave, Cambridge, MA 02139, USA. Also add information on how to contact you by electronic and paper mail. If the program is interactive, make it output a short notice like this when it starts in an interactive mode:     Gnomovision version 69, Copyright (C) 19yy name of author     Gnomovision comes with ABSOLUTELY NO WARRANTY; for details type `show w'.     This is free software, and you are welcome to redistribute it     under certain conditions; type `show c' for details. The hypothetical commands `show w' and `show c' should show the appropriate parts of the General Public License.  Of course, the commands you use may be called something other than `show w' and `show c'; they could even be mouse-clicks or menu items--whatever suits your program. You should also get your employer (if you work as a programmer) or your school, if any, to sign a "copyright disclaimer" for the program, if necessary.  Here is a sample; alter the names:   Yoyodyne, Inc., hereby disclaims all copyright interest in the program   `Gnomovision' (which makes passes at compilers) written by James Hacker.   <signature of Ty Coon>, 1 April 1989   Ty Coon, President of Vice This General Public License does not permit incorporating your program into proprietary programs.  If your program is a subroutine library, you may consider it more useful to permit linking proprietary applications with the library.  If this is what you want to do, use the GNU Library General Public License instead of this License.
John Lawrence Seigenthaler (phát âm: "Gion La-ren-xơ Xi-gân-ta-lơ"; 27 tháng 7 năm 1927 – 11 tháng 7 năm 2014) là nhà báo, nhà văn và là một chính trị gia người Mỹ. Ông Seigenthaler tham gia nhật báo The Tennessean vào năm 1949, nơi ông trở thành biên tập viên năm 1962, chủ báo năm 1973, chủ tịch năm 1982 trước khi ông về hưu và làm Chủ tịch Danh dự năm 1991. Ông Seigenthaler còn là người sáng lập ban biên tập của USA Today từ năm 1982 đến 1991, ông phục vụ trong ban giám đốc và làm chủ tịch vào thời 1988 – 1989 của Hội Chủ bút Báo chí Mỹ (tiếng Anh: American Society of Newspaper Editors). Ông cưới Dolores Watson năm 1955. Hai vợ chồng có một con, John Seigenthaler, Jr., là phát thanh viên của NBC News. Em trai của ông, Thomas Seigenthaler, là người sáng lập công ty quan hệ quần chúng Seigenthaler Public Relations. Vụ Wikipedia Vào tháng 5 năm 2005, một người vô danh (sau đó được nhận ra là Brian Chase) viết một bài trên Wikipedia tiếng Anh có năm câu nói xấu về Seigenthaler, liên hệ tới vụ ám sát Robert và John F. Kennedy. Bài này phần nhiều không được đụng đến trong thời gian bốn tháng, đến khi có một người bạn báo cho ông Seigenthaler về bài này. Vào tháng 9, ông Seigenthaler liên lạc với Jimmy Wales của Quỹ Hỗ trợ Wikimedia, tổ chức bảo quản Wikipedia và nội dung nói xấu trên bị xóa. Sau đó, ông viết một bài xã luận về vụ này trong báo USA Today ngày 29 tháng 11, trong đó ông viết rằng „… Wikipedia is a flawed and irresponsible research tool... For four months, Wikipedia depicted me as a suspected assassin" ("... Wikipedia là một công cụ nghiên cứu không hoàn thiện và vô trách nhiệm... Trong bốn tháng, Wikipedia mô tả tôi như một sát thủ bị nghi ngờ"). Bài xã luận này đã làm dấy lên trong những tuần sau đó, việc báo chí viết nhiều về vấn đề này và về độ tin cậy của những mô hình soạn thảo mở.
Vịnh là vùng nước nằm sâu nhoi vào đất liền, được đất liền bao bọc ở ba phía. Vịnh có thể nằm ở biển hay hồ bơi Địa chất học và địa lý học Theo Từ điển Dầu khí do Tổng Hội Địa chất Việt Nam xuất bản năm 2004 thì "Vịnh là vùng nước rộng ăn sâu vào đất liền, nơi đường bờ biển có dạng đường cong lớn. Vũng là vùng nước có những đặc điểm tương tự nhưng nhỏ hơn vịnh". Theo "Từ điển Địa chất giải thích" (Nguyễn Văn Chiển và nnk, 1979) thì "Vịnh là phần biển ăn sâu vào lục địa, có cửa mở rộng ra phía khơi với chiều rộng đáng kể. Vũng biển là phần biển ăn sâu vào lục địa, nối với ngoài khơi thường chỉ bằng các khe, lạch không lớn... Vũng biển còn được gọi là vịnh nhỏ". Trần Đức Thạnh và đồng nghiệp trong cuốn sách: "Vũng vịnh ven bờ biển Việt Nam và tiềm năng sử dụng", đã định nghĩa: "vũng vịnh là một phần của biển lõm vào lục địa hoặc do đảo chắn tạo thành một vùng nước khép kín ở mức độ nhất định mà trong đó động lực biển thống trị ". Các vũng vịnh Việt Nam được chia thành 3 cấp: cấp 1- vịnh biển (gulf); Cấp 2 - vịnh ven bờ (bay), trong đó có cả vịnh bờ đá và cấp 3: Vũng (bight, shelter). Vũng vịnh ven bờ (coastal bay) là thuật ngữ chỉ một nhóm các vịnh (bay) và vũng (bight, shelter) ở ven bờ có độ sâu thường không quá 30m.Trong tiếng nước ngoài còn có khái niệm embayment, gọi Việt hóa là vịnh bờ đá. Đó là một vùng lõm của bờ đá gốc, vốn là các thung lũng sông ngập chìm dạng Rias hoặc Fjord. Vịnh Xuân Đài ở Phú Yên là một vịnh bờ đá tiêu biểu, hầu như toàn bộ bờ là đá gốc, diện tích khá lớn (61km2), sâu nhất 20m, sâu trung bình 10m. Ở Việt Nam, các vũng có diện tích dưới 50 km2, các vịnh ven bờ có diện tích từ 50 km2 trở lên. Thống kê trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 cho biết ở ven bờ biển Việt Nam có tổng số 48 vũng vịnh với tổng diện tích khoảng 4000km2 . Tuy nhiên, theo cách hiểu thông thường, chúng ta thường hay nhầm lẫn giữa "vịnh lớn" (Gulf), "vịnh" (Bay) và "vũng" (small bay) nên thường hay nói "Vịnh Bắc Bộ" (Gulf of Tonkin), "Vịnh Hạ Long" (Ha Long Bay), "Vịnh Bái Tử Long" (Bai Tu Long Bay) hoặc "Vịnh Cam Ranh" (Cam Ranh Bay). Để phân biệt rõ hơn các khái niệm "vịnh lớn", "vịnh" và "vũng" và vũng có thể tham khảo trong Từ điển Địa chất Mỹ xuất bản năm 1987, tái bản năm 2001. Theo đó thì "Vịnh (bay) là một vùng nước biển hay hồ rộng lớn, mở hoặc nằm giữa hai mũi nhô ven bờ hoặc các hòn, các đảo nhỏ ven bờ. Vịnh lớn hơn vũng (cove, small bay) nhưng nhỏ hơn, nông hơn những vùng nước biển và đại dương lớn được ôm bởi những vòng cung bờ biển dài thông với đại dương được gọi là vịnh lớn (gulf)". Những vịnh nổi tiếng Châu Phi Vịnh Guinea Vịnh Sidra, dọc bờ biển của Tunisia và Libya Châu Âu và Đại Tây Dương Vịnh Biscay ở Pháp và Tây Ban Nha Vịnh Lyme, Anh Châu Âu và Biển Baltic Vịnh Bothnia giữa Thụy Điển và Phần Lan Vịnh Phần Lan giữa Phần Lan và Estonia Vịnh Gdańsk giữa Ba Lan và Kaliningrad Oblast (Nga) Vịnh Puck Vịnh Vistula Vịnh Pomerania giữa Ba Lan và Đức Vịnh Szczecin Vịnh Greifswald, Đức Vịnh Mecklenburg, giữa Đức và Đan Mạch Vịnh Lübeck, Đức Vịnh Kiel, giữa Đức và Đan Mạch Vịnh Riddarfjärden, Stockholm (Thụy Điển) Châu Âu và Địa Trung Hải Vịnh Kotor ở Biển Adriatic, Montenegro Châu Á Vịnh Bengan, gần Bengal (Ấn Độ/Bangladesh) Bohai (Trung Quốc) Vịnh Bột Hải Vịnh Laizhou Vịnh Liaodong Vịnh Cambay (Vịnh Khambhat), Gujarat (Ấn Độ) Vịnh Kutch, Gujarat (Ấn Độ) Vịnh Manila ở đảo Luzon (Philippines) Vịnh Péc xích giữa Ả Rập Xê Út, Kuwait, Iraq, và Iran Hồng Hải Vịnh Subic ở đảo Luzon (Philippines), nơi của cựu căn cứ Hải quân Hoa Kỳ Vịnh Thái Lan Vịnh Bắc Bộ, Việt Nam Vịnh Hạ Long, Việt Nam Vịnh Cam Ranh, Việt Nam Vịnh Dung Quất,Việt Nam Bắc Mỹ, Trung Mỹ, và Biển Caribbean Vịnh Baffin giữa Canada và Greenland Bahía de Banderas, México Vịnh Green Bay, Wisconsin Vịnh Con Heo (Bay of Pigs), Cuba Vịnh Fundy giữa Nova Scotia và New Brunswick Vịnh Buzzards, Massachusetts Vịnh Cape Cod, Massachusetts Vịnh Chesapeake, phần lớn ở Maryland Vịnh Delaware giữa Delaware và New Jersey Vịnh Galveston, Texas Vịnh George (Georgian Bay) ở Hồ Huron Vịnh Grand Traverse, Michigan Vịnh California giữa bán đảo Baja California và lục địa México Vịnh Santa Catalina, California Vịnh Maine, Maine Vịnh México giữa México và Hoa Kỳ Vịnh Hudson giữa các tỉnh bang và lãnh thổ Canada Manitoba, Ontario, Québec, và Nunavut Vịnh James giữa Ontario và Québec, chảy vào opens vịnh Hudson về phía bắc Vịnh Massachusetts, Massachusetts Vịnh Mobile (Mobile Bay), Alabama Vịnh Monterey, California Vịnh Narragansett, Rhode Island Vịnh Penobscot, Maine Vịnh Saginaw, Michigan Vịnh San Francisco, California Tampa Bay (Vịnh Tampa), Florida Vịnh Thunder, Ontario (Canada) Nam Mỹ Vịnh Bengal nằm giữa bán đảo Ấn Độ, bán đảo Trung Nam, quần đảo Andeman và quần đảo Nicobar. Tổng diện tích 2.173 triệu km². Độ sâu trung bình 2.586m. Nhiệt độ nước 25-27 độ C. Sông Hằng và sông Brahmaputra đổ vào phía Bắc vịnh làm thành những cửa sông rộng. Trong vịnh có các đảo Andeman và Nicobar. Các cảng quan trọng là Madras của Ấn Độ và Chita của Bangladesh Châu Đại Dương Great Australian Bight cách biển nam của Úc Botany Bay (Vịnh Thực vật), gần Sydney (Úc) Vịnh Carpentaria, Úc Bay of Islands, New Zealand Bay of Plenty, New Zealand Vịnh Hauraki, New Zealand Vịnh Hawke, New Zealand North Taranaki Bight, New Zealand Vịnh Port Phillip, Úc South Taranaki Bight, New Zealand Vịnh Tasman, New Zealand Vịnh giả Cũng có những cái được gọi là "vịnh", nhưng thực sự là eo biển: Vịnh Oman Vịnh Aden
Đại học Bách khoa Hà Nội (BKHN; – HUST; mã đại học: BKA) là đại học theo lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ có trụ sở tại Hà Nội, Việt Nam. Đại học Bách khoa Hà Nội được xem là một trong những đại học kỹ thuật lớn nhất Việt Nam, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và được xếp vào nhóm các đại học trọng điểm quốc gia. Tiền thân của Đại học Bách khoa Hà Nội vốn là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được thành lập vào ngày 6 tháng 3 năm 1956. Ngày 5 tháng 12 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1512/QĐ-TTg về việc chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội, đưa Bách khoa Hà Nội trở thành đại học đa thành viên thứ 6 của Việt Nam. Tầm nhìn của đại học là trở thành một đại học nghiên cứu hàng đầu khu vực với nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ, tác động quan trọng vào phát triển nền kinh tế tri thức và góp phần gìn giữ an ninh, hòa bình đất nước, tiên phong trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Đại học Bách khoa Hà Nội cũng là thành viên của Hiệp hội các đại học kỹ thuật hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương (AOTULE; Asia–Oceania Top University League on Engineering). Lịch sử Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được thành lập theo Nghị định số 147/NĐ ngày 6-3-1956 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam Nguyễn Văn Huyên ký. Đây là trường đại học kỹ thuật đầu tiên của Việt Nam có nhiệm vụ đào tạo kỹ sư công nghiệp cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam Việt Nam. Với 60 năm xây dựng và phát triển, Đại học Bách khoa Hà Nội đã trải qua các giai đoạn: 1956–2021: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội 1956–1965 Trong giai đoạn này các thế hệ cán bộ và sinh viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã trải qua chặng đường đầu tiên với muôn vàn khó khăn, thách thức. Trường đã bắt đầu gần như từ không đến có để trở thành một trường đại học kỹ thuật công nghiệp tương đối hoàn chỉnh. Ngày 15-10-1956 trường đã chính thức làm Lễ khai giảng khóa học chính quy đầu tiên cho gần 1000 sinh viên thuộc 14 chuyên ngành của 4 Liên khoa Cơ – Điện, Mỏ – Luyện kim, Hóa – Thực phẩm và Xây dựng. Giáo sư Trần Đại Nghĩa là hiệu trưởng đầu tiên, người đặt nền móng cho trường đại học khoa học, kỹ thuật và công nghệ đầu tiên của Việt Nam - chiếc nôi nuôi dưỡng một lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật và cán bộ quản lý phục vụ công cuộc tái thiết và xây dựng đất nước sau này.Trong giai đoạn này đã đào tạo khoảng 4000 kỹ sư công nghiệp hệ chính quy, thực hiện hơn 100 đề tài nghiên cứu khoa học và hợp đồng kinh tế, kỹ thuật. 1965–1975 Trong giai đoạn này Trường đã không ngừng phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng toàn diện để tham gia xây dựng CNXH trước mắt và lâu dài. Gắn nội dung giảng dạy và nghiên cứu khoa học với cuộc cách mạng kỹ thuật, đào tạo cán bộ thích ứng với yêu cầu về kinh tế, quốc phòng của Việt Nam. Trường đã nghiên cứu và ứng dụng thành công nhiều đề tài vào sản xuất và phục vụ quốc phòng. Trường đã đào tạo được gần 7000 sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy và 2302 sinh viên hệ tại chức thuộc 58 chuyên ngành. Hưởng ứng phong trào "Ba sẵn sàng", gần 200 cán bộ và trên 2700 sinh viên lần lượt nhập ngũ bổ sung kịp thời một số đáng kể cán bộ kỹ thuật cho quân đội nhân dân Việt Nam. 1975–1985 Trường đã triển khai và thực hiện kế hoạch đào tạo đáp ứng nhu cầu cán bộ kỹ thuật của Việt Nam về số lượng, chất lượng và đa dạng ngành nghề. Trường đã tiến hành cải tiến nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, kết hợp học với hành, kết hợp nghiên cứu tại trường với phục vụ sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu cán bộ khoa học, kỹ thuật trình độ cao, năm 1976 trường đã mở hệ đào tạo sau đại học và năm 1979 bắt đầu tuyển nghiên cứu sinh thuộc 9 chuyên ngành. Trong giai đoạn này được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là sự giúp đỡ của Liên Xô, cơ sở vật chất và trang thiết bị đã được hiện đại hóa. Việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn này đã tiến bộ vượt bậc, tính đến năm 1985 số cán bộ giáo dục và phục vụ giáo dục là 1467 người, trong đó có trên 33% cán bộ giảng dạy có trình độ sau đại học, đã đào tạo gần 9000 kỹ sư hệ chính quy, 2200 kỹ sư hệ tại chức và 26 tiến sĩ, phó tiến sĩ. 1986–2021 Thực hiện mục tiêu chiến lược xây dựng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội không chỉ là trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trình độ cao mà còn là trung tâm Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tiên tiến của Việt Nam. Trường đã tăng cường quy mô đào tạo của cả hệ đại học và sau đại học, đa dạng hóa loại hình đào tạo, mở thêm ngành và chuyên ngành mới, đổi mới căn bản mục tiêu, nội dung chương trình và phương thức đào tạo. Đại học Bách khoa Hà Nội đang đào tạo trên 40.000 sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh với 67 chuyên ngành đại học và 33 chuyên ngành cao học, 57 chuyên ngành tiến sĩ. Hiện nay đại học có quan hệ hợp tác trong đào tạo, Nghiên cứu khoa học với trên 200 trường đại học, trung tâm Nghiên cứu khoa học, viện nghiên cứu và tổ chức giáo dục của 32 quốc gia trên thế giới, là thành viên của 8 tổ chức mạng lưới đại học quốc tế. Thông qua hợp tác quốc tế, trường đã cử khoảng 500 cán bộ và sinh viên đi nước ngoài học tập, nghiên cứu, trao đổi,...Xây dựng hàng chục dự án quốc tế về đào tạo, trang bị, nghiên cứu khoa học để góp phần tăng cường cơ sở vật chất cho đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện bốn chương trình đào tạo tiên tiến là chương trình Cơ – Điện tử, Công nghệ Vật liệu, Điện – Điện tử và Kỹ thuật y sinh. Từ năm 1986 đến nay cơ sở vật chất của Trường đã được cải tạo và nâng cấp một cách cơ bản, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đã khang trang sạch đẹp hơn nhiều, đã đầu tư nhiều phòng thí nghiệm hiện đại, xây dựng và đang thực hiện nhiều dự án lớn phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học ở trình độ cao. Điều kiện làm việc và đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, sinh viên không ngừng được cải thiện. Đặc biệt, tháng 9 năm 2006 trường đã đưa vào sử dụng Thư viện điện tử Tạ Quang Bửu với mức đầu tư 199 tỷ VNĐ. Năm 2006, trường đã xây dựng Đề án: ‘‘Quy hoạch tổng thể xây dựng và phát triển trường Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2006-2030". Ngày 01 tháng 2 năm 2007, Bộ trưởng Bộ GD–ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã ký Quyết định số 668/QĐ-BGDĐT phê duyệt bản Đề án này. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thường được chọn làm nơi cố vấn, in sao đề thi đại học hằng năm. 2022–nay: Đại học Bách khoa Hà Nội Ngày 5 tháng 12 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1512/QĐ-TTg về việc chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội, đưa Bách khoa Hà Nội trở thành đại học đa thành viên thứ 6 của Việt Nam. Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức lại cơ cấu tổ chức và hoạt động trên cơ sở Trường Đại Học Bách khoa Hà Nội trước đây theo quy định của luật Giáo dục đại học năm 2012 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học năm 2018 cùng quy định pháp luật có liên quan. Tối 21 tháng 4 năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội thành lập thêm trường Hoá và Khoa học sự sống, trường Vật liệu, nâng tổng số trường lên 5. Cơ sở vật chất Đại học Bách khoa Hà Nội có tổng diện tích phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hội họp rộng 26,2 hecta. Trường có hơn 200 giảng đường, phòng học, hội trường lớn và hệ thống phòng hội thảo; gần 200 phòng thí nghiệm, trong đó có 12 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và khoảng 20 xưởng thực tập, thực hành. Toàn bộ giảng đường được trang bị đầy đủ điều hòa và thiết bị giảng dạy cùng với hệ thống wifi miễn phí trong khuôn viên Trường. Thư viện điện tử Tạ Quang Bửu với diện tích 37.000 m2, có thể phục vụ đồng thời 2.000 sinh viên với 600.000 cuốn sách, 130.000 đầu sách điện tử. Sinh viên được truy cập miễn phí CSDL từ các nguồn như Science Direct, Scopus… Các hệ thống cơ sở vật chất phục vụ bộ môn giáo dục thể chất và phong trào thể thao của sinh viên đầy đủ và hiện đại với 1 sân bóng tiêu chuẩn quốc gia, 1 nhà thi đấu đa năng tiêu chuẩn Đông Nam Á, 1 bể bơi tiêu chuẩn quốc gia, sân tennis tiêu chuẩn quốc gia... Trường có một khu ký túc xá với 420 phòng, đủ khả năng đáp ứng chỗ ở cho khoảng 4500 sinh viên. Tổng diện tích đất sử dụng của Trường: 252.857,8 m², nơi làm việc 15.252m², nơi học 78.846m², nơi vui chơi giải trí: 29.321 m², 1 nhà câu lạc bộ sinh viên với 350 chỗ được trang bị âm thanh hiện đại và 1 trung tâm Y tế hoạt động theo mô hình phòng khám đa khoa chăm sóc sức khỏe thường xuyên cho các cán bộ và sinh viên Trường. Tổ chức và điều hành Đại học Bách khoa Hà Nội hiện có 5 trường, các viện đào tạo chuyên ngành, 3 khoa chuyên môn về Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và Lý luận chính trị, 8 viện nghiên cứu và 5 trung tâm nghiên cứu. Khoảng 25.000 sinh viên đại học hệ chính quy, 5.000 học viên cao học và nghiên cứu sinh hiện đang học tập tại trường dưới sự giảng dạy, hướng dẫn của 1250 giảng viên, trong đó hơn 600 giảng viên có trình độ tiến sĩ. Từ năm 2007, trường có 88 bộ môn, 15 trung tâm và phòng thí nghiệm thuộc 15 khoa và 6 viện; 1 bộ môn, 26 trung tâm và phòng thí nghiệm trọng điểm trực thuộc trường, 3 doanh nghiệp, 21 phòng, ban và nhà xuất bản Bách khoa Hà Nội. Trường, khoa, viện đào tạo Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trường Điện – Điện tử Trường Cơ khí Trường Hoá và Khoa học Sự sống Trường Vật liệu Viện Vật lý kỹ thuật Viện Kinh tế & Quản lý Viện Toán ứng dụng và Tin học Viện Sư phạm Kỹ thuật Viện Ngoại ngữ Viện Đào tạo Sau đại học Viện Đào tạo Liên tục Viện Đào tạo Quốc tế Viện Nghiên cứu quốc tế MICA Viện Tiên tiến khoa học và công nghệ Khoa Lý luận chính trị Khoa Giáo dục quốc phòng Khoa Giáo dục thể chất Trung tâm nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu vật liệu Polyme Trung tâm khoa học và công nghệ cao su Trung tâm nghiên cứu vật liệu học và hợp kim đặc biệt Trung tâm nghiên cứu ăn mòn và bảo vệ kim loại; Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng mới; Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Khoa học Vật liệu tính toán; Trung tâm Hợp tác Quốc tế R&D Định vị sử dụng Vệ tinh (NAVIS); Trung tâm Thông tin Năng lượng nguyên tử; Trung tâm phần mềm và giải pháp an ninh mạng; Trung tâm tính toán hiệu năng cao; Trung tâm phát triển và ứng dụng phần mềm công nghiệp (DASI); Trung tâm bảo dưỡng công nghiệp; Trung tâm hợp tác khoa học kỹ thuật Việt Đức; Trung tâm điện tử Y – Sinh; Trung tâm Ngoại ngữ CFL Trung tâm tiếng Pháp chuyên ngành; Trung tâm đào tạo tài năng và chất lượng cao; Chương trình PFIEV; Chương trình đào tạo tiên tiến; Dự án HEDSPI; Chương trình VLIR-HUST; Chương trình hợp tác đào tạo quốc tế Genetic Bách khoa; Hệ thống phòng thí nghiệm Các đơn vị thành viên khác Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội; Nhà Xuất bản Bách khoa Hà Nội; Học viện Công nghệ thông tin Bách khoa; Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK-Holdings); Công ty TNHH MTV tư vấn & chuyển giao công nghệ Bách khoa; Các phòng ban chức năng khác... Đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên Tính đến tháng 1 năm 2020, đội ngũ cán bộ của Trường có 1.748 cán bộ, giảng viên, trong đó 70% giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên Giáo sư: 24 Phó Giáo sư: 235 Tiến sĩ: 765 Đây là đội ngũ cán bộ có uy tín, kinh nghiệm, nhiệt huyết trong hoạt động đào tạo nghiệp vụ và quản lý, trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Các cấp đào tạo Đại học Bách khoa Hà Nội đang đào tạo trên 30.000 sinh viên (2020), học viên cao học và nghiên cứu sinh với: Cử nhân, kỹ sư: 75 chuyên ngành Thạc sĩ: 33 mã ngành Tiến sĩ: 39 chuyên ngành Số lượng tuyển sinh hàng năm Hệ đại học: 6.930 sinh viên chính quy (2020) 150 sinh viên văn bằng 2 chính quy (2016) 2.000 sinh viên tại chức 1000 sinh viên thuộc chương trình đào tạo hợp tác với nước ngoài Hệ sau đại học: 1.000–1.200 học viên 60–70 nghiên cứu Ngoài ra còn hệ vừa học vừa làm Thành tích đào tạo Từ lúc lập trường đến năm 2007, trường đã đào tạo được Trên 80.000 kỹ sư Trên 2.000 thạc sĩ Gần 400 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học Mốc thời gian Ngày 6 tháng 3 năm 1956: Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Nguyễn Văn Huyên ký nghị định số 147/NĐ về việc thành lập Trường đại học Chuyên nghiệp Bách khoa. Thiếu tướng, Giáo sư, Kỹ sư vũ khí Trần Đại Nghĩa được bổ nhiệm làm giám đốc. Ngày 15 tháng 10 năm 1956: Khai giảng khóa 1 (K1) cho 848 sinh viên chính quy trong 14 ngành học thuộc 4 liên khoa: Cơ-Điện, Mỏ-Luyện kim, Xây dựng, Hóa-Thực phẩm. Ngày mùng 1, Tết Mậu Tuất 1958: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trường lần đầu tiên. Ngày 17 tháng 6 năm 1960: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trường lần thứ 2 cùng Đoàn đại biểu chính phủ Anbani. Ngày 15 tháng 3 năm 1960: Khởi công xây dựng trụ sở tại đường Đại Cồ Việt do Liên Xô tài trợ. Tháng 10 năm 1961: Trường làm lễ phát bằng tốt nghiệp cho 633 kỹ sư khóa 1. Ngày 11 tháng 3 năm 1962: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trường lần thứ 3 cùng đoàn đại biểu Lào do nhà Vua dẫn đầu. Năm 1963: Trường được Nhà nước phong tặng huân chương Lao động Hạng nhì. Những năm 1965–1975: Trường ĐHBK Hà Nội gồm 7000 người cùng hàng trăm tấn thiết bị, đồ dùng học tập thực hiện cuộc hành quân lịch sử rời Hà Nội (khu A) sơ tán lên Lạng Sơn (khu C) lấy tên là Trường văn hóa Hà Huy Tập. Những năm 1965–1975: Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc và hưởng ứng phong trào "Ba sẵn sàng" gần 200 cán bộ và 2700 sinh viên lần lượt lên đường nhập ngũ. Những năm 1965–1975: Trong thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ, khoa Vô tuyến điện (tiền thân của khoa Điện tử–Viễn thông ngày nay) đã nghiên cứu và thực hiện thành công nhiều đề tài quan trọng phục vụ chiến đấu, điển hình là đề tài rà phá bom từ trường, đề tài phục hồi 4 hệ thống thông tin vi ba của đài phát thanh "Tiếng nói Việt Nam"... Năm 1966: Chính phủ quyết định tách 2 khoa Xây dựng và Mỏ-Địa chất tách thành Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Mỏ – Địa chất. Các bộ môn Dệt và Thực phẩm tách thành trường đại học Công nghiệp nhẹ. Năm 1969–1970: Từ khu C Lạng Sơn trở về Trường. Năm 1972: Sơ tán lần 2 về Hưng Yên và Hà Bắc. Cuối năm 1972: Trường được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975: Trường thực hiện nhiệm vụ cung cấp cán bộ khung cho Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, đại học Sư phạm Thủ Đức (tiền thân của đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay), đại học Tây Nguyên và hiện nay là các trường đại học Điện lực, đại học Công nghiệp Hà Nội... Năm 1976: Trường mở hệ đào tạo sau Đại học. Năm 1977: Trường Công nghiệp nhẹ sáp nhập lại vào trường Đại học Bách khoa Hà nội. Năm 1979: Bắt đầu đào tạo nghiên cứu sinh với 9 chuyên ngành. Năm 1996: Trường được tặng thưởng Huân chương độc lập hạng Nhất. Tháng 8 năm 2000: Trường vinh dự là đơn vị đầu tiên trong khối các trường đại học được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Năm 2001: Công đoàn trường được tặng Huân chương lao động Hạng Nhất Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của Trường được tặng Huân chương độc lập Hạng Ba. Ngày 15 tháng 10 năm 2001: Nhân dịp Kỷ niệm 45 năm thành lập, Trường vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Năm 2006: Vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2007: Áp dụng đào tạo theo hình thức tín chỉ. Ngày 01 tháng 2 năm 2007 Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo phê duyệt đề án "Quy hoạch tổng thể xây dựng và phát triển ĐHBK Hà Nội giai đoạn 2006–2030". 2009: Triển khai đề án "Đổi mới mô hình và chương trình đào tạo giai đoạn 2009–2015". 2010: Thực hiện thí điểm Tự chủ Đại học. Ngày 28 tháng 3 năm 2011: Bộ trưởng Bộ giáo dục & Đào tạo ký quyết định giao cho trường thí điểm thực hiện một số nội dung tự chủ và tự chịu trách nhiệm giai đoạn 2011–2015. Ngày 5 tháng 9 năm 2011: Trường nhận chứng chỉ quản lý chất lượng ISO 9001–2008 của tổ chức BSI. Năm 2012: Thí điểm thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm một số nội dung: Đào tạo, Tổ chức bộ máy, Biên chế, Tài chính. Năm 2012: Vào bảng xếp hạng Scimago về hoạt động NCKH ở các trường/viện nghiên cứu. Ngày 20 tháng 11 năm 2012: Đón tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm Trường. Năm 2014: Đứng đầu Việt Nam về chỉ số đổi mới, sáng tạo trong bảng xếp hạng Scimago. Năm 2015: Trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội AOTULE. Ngày 15 tháng 10 năm 2016: Vinh dự được nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2. Năm 2016–2017: Đứng thứ 2 trong các trường đại học Việt Nam theo bảng xếp hạng Webometrics. Ngày 5 tháng 12 năm 2022, phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 1512/QĐ-TTg chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội. Danh hiệu Trong 60 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐHBK Hà Nội đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2006, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2006, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2001, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất (2), hạng Nhì (2), hạng Ba (2)… Ngoài ra, có 3 tập thể là Bộ môn Thiết bị Điện, Bộ môn Hệ thống Điện, Viện Vật lý kỹ thuật đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh; 3 cá nhân là PGS Trần Tuấn Thanh, GS.TSKH.NGƯT Trần Vĩnh Diệu, GS.TSKH.NGƯT Trần Đình Long đạt danh hiệu Anh hùng Lao động. Huân chương chiến công hạng III (năm 1973) cho nhóm cán bộ tham gia đề tài GK1; Danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1984) cho tập thể cán bộ, giảng viên bộ môn Thiết bị điện–điện tử, khoa điện Danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 2000) cho tập thể cán bộ, giảng viên trường; Huân chương Hồ Chí Minh (2001); Danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 2005) cho tập thể cán bộ, giảng viên bộ môn hệ thống điện, khoa điện. Ngoài ra, trường còn được trao tặng nhiều huân chương các loại. Nhiều đơn vị, cá nhân được nhà nước trao tặng huân chương lao động hạng nhất, nhì, ba và giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ. Danh hiệu và phần thưởng từ 2008 đến 2016 Danh sách giám đốc và hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (1956–2021) Đại học Bách khoa Hà Nội (2022–nay) Thư viện Tạ Quang Bửu Ngày 7 tháng 10 năm 2006, thư viện Tạ Quang Bửu – công trình kỉ niệm 50 thành lập trường Đại học Bách khoa Hà Nội được khánh thành. Tổng vốn đầu tư cho xây dựng thư viện Tạ Quang Bửu là hơn 200 tỉ đồng. Thư viện Tạ Quang Bửu hiện là một trong những thư viện lớn nhất trong hệ thống thư viện đại học ở Việt Nam, bao gồm 1 toà nhà 10 tầng với tổng diện tích 37.000m². Từ tầng 1 tới tầng 5 là hệ thống phòng đọc mở (người đọc có thể tự tìm kiếm, tra cứu sách và tài liệu). Thư viện có hai phòng học đa phương tiện với quy mô mỗi phòng 150 máy tính được kết nối Internet giúp sinh viên truy cập miễn phí. Thư viện có khả năng phục vụ cùng một lúc hơn 2000 sinh viên. Tổng số máy tính của trường: 2.421. Dùng cho hệ thống văn phòng: 632. Dùng cho sinh viên học tập: 1.789. Mạng thông tin: Trang web của Thư viện với hơn 600 000 đầu sách và cung cấp các truy cập đến các cơ sở dữ liệu trực tuyến như Science Direct, IEEE, ACM.Trang web của Trung tâm Mạng thông tin cung cấp các thông tin cần thiết về các dịch vụ công nghệ của trường ĐH Bách khoa Hà Nội từ email, tài khoản truy cập Internet, kết nối mạng nội bộ... Nhà in Nhà in chịu trách nhiệm in các loại ấn phẩm cho Nhà xuất bản. Hợp đồng in các loại ấn phẩm trong phạm vi kinh doanh của Nhà xuất bản và các đối tác. Nhân vật đáng chú ý Phan Thu, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Vũ Đình Cự: nguyên Phó chủ tịch quốc hội, giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về khoa học và kỹ thuật, cựu giảng viên nhà trường. Hoàng Trung Hải: K21, Khoa Điện; nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trương Đình Tuyển : nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) Phạm Gia Khiêm: Nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Vũ Xuân Thiều: Anh hùng bắn rơi máy bay B52 năm 1972 Hoàng Văn Nghiên: nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Hoàng Văn Phong: nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Nguyễn Minh Hiển: nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Tiến Sâm, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Phi công Quân đội nhân dân Việt Nam; nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, nguyên Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam. Nguyễn Quân: Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên giảng viên, nguyên phó Hiệu trưởng thường trực nhà trường. Chu Ngọc Anh: nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên giảng viên Nguyễn Tá Anh: Phó tổng Giám Đốc sản xuất MBF.eCo thuộc Công ty Hệ thống thông tin FPT. Giám đốc Kinh Doanh, Tư Vấn sản phẩm Doanh nghiệp với nhiều sản phẩm nổi tiếng FPT.eInvoice, FPT.eContract,…. Nguyễn Tử Quảng: Cựu sinh viên. Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bkav. Hoàng Nam Tiến: Cựu sinh viên. Cựu Chủ tịch hội đồng quản trị FPT Software, Chủ tịch hội đồng quản trị FPT Telecom. Con trai út của Thiếu tướng Hoàng Đan. Dương Quang Thành: Cựu sinh viên. Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Lê Mạnh Hùng: Cựu sinh viên. Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. PGS.TS Mai Thanh Phong: Cựu sinh viên. Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa TPHCM. Trần Mạnh Hùng: Cựu sinh viên. Nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. GS.TS Hồ Tú Bảo: Cựu sinh viên. Đồng sáng lập Trung tâm xuất sắc John Von Neumann (ĐHQGTPHCM) Trần Hạnh Phúc: Cựu sinh viên. BTV, MC của Đài truyền hình Việt Nam. Bùi Đức Bảo: Cựu sinh viên. BTV, MC của Đài truyền hình Việt Nam. Đại tá Tào Đức Thắng: TGĐ, Chủ tịch HĐQT Viettel Group. Đặng Thùy Trang: Á hậu 2 Hoa hậu Việt Nam 2010.
Quốc huy (chữ Hán: 國徽, nghĩa: "Huy hiệu của Quốc gia") là một huy chương/ huy hiệu trong những biểu tượng của một nhà nước. Quốc huy là một biểu tượng thể hiện chế độ, hình ảnh đặc trưng của nhà nước đó. Quốc huy thường được sử dụng trên các ấn phẩm quốc gia như tiền tệ, hộ chiếu, giấy tờ,... Không nên nhầm lẫn giữa các quốc huy, quốc huy không chính thức như cối xay gió của Hà Lan dùng để quảng bá du lịch chứ không phải là quốc huy chính thức của họ. Có một số quốc huy không chính thức còn nổi tiếng hơn cả những quốc huy chính thức Việt Nam Bài chi tiết: Quốc huy Việt Nam
Cúp Nhà vua Tây Ban Nha (tiếng Tây Ban Nha: La Copa del Rey) là cúp bóng đá hàng năm cho các đội bóng đá chuyên nghiệp của Tây Ban Nha. Tên đầy đủ của cúp là Copa de S.M. El Rey Don Juan Carlos I. Ban đầu, cúp có tên là Copa del Ayuntamiento de Madrid. Từ năm 1905 đến 1932, cúp được đổi tên thành Copa de S.M. El Rey Alfonso XIII. Trong Nền cộng hoà Tây Ban Nha thứ hai, cúp lại được đặt tên là Copa del Presidente de la República hay Copa de España. Và trong khoảng thời gian cầm quyền của Francisco Franco, cúp mang tên Copa de S.E. El Generalísimo hay Copa del Generalísimo. Lịch sử Cúp nhà vua được hình thành vào năm Các trận chung kết Thành tích các câu lạc bộ *Hiện vẫn tranh cãi về số lần đoạt cúp của Athletic Bilbao. Athletic Bilbao cho rằng chiếc cúp năm 1902 của Club Vizcaya cần tính vào tổng số cúp của họ vì năm 1902 Club Vizcayaa sử dụng cầu thủ từ 2 đội Athletic Club và Bilbao FC - 2 đội này đã sáp nhập năm 1903 thành Athletic Club Bilbao . Tuy nhiên LFP và RFEF không công nhận điều này.
SAM hay Sam là một từ có thể có nghĩa như sau: Sam, tên ngắn gọn, thân mật của 'Samuel', 'Samantha', 'Samson', hay 'Samwise'. Chú Sam, trường hợp nhân cách hóa Hoa Kỳ. Sam the Eagle, a character on The Muppet Show Sam (chương trình),một đề tài của Rob Pike. Sam (chó), một con chó được bình chọn là xấu xí nhất. Họ Sam Limulidae Chi Sam Tachypleus Con sam, một sinh vật thường sống thành cặp ở biển. Những từ viết tắt: SAM, mã quốc gia của IOC và FIFA dành cho đảo Samoa Mỹ. S-adenosyl methionine Bảo tàng nghệ thuật Seattle Secure Access Module Security Account Manager, the accounts database used by Microsoft Windows NT Self-assembled monolayer Sociedad Aeronáutica de Medellín, a Colombian airline Software Automatic Mouth Student Association of Missouri Tên lửa đất đối không, Surface-to-air missile System Administration Manager HP-UX System Administration Manager SAM một loại xe chở hàng của người Hy Lạp. S.A.M. một công ty ô tô của Thụy Điển. Samuel Booth, bố của William Booth Sam Kurcab Victorious
Tên lửa đất đối không (tiếng Anh: surface-to-air missile hay SAM) là một loại đạn tự hành được thiết kế có thể phóng lên từ mặt đất để tiêu diệt các loại máy bay, hay bất cứ vật thể bay nào. Nó là một kiểu của hệ thống chống phi cơ. Tên lửa đất đối không có thể được phóng lên từ những căn cứ cố định dưới mặt đất, từ những bệ phóng di động hay có thể đặt trên tàu sân bay. Những tên lửa đất đối không nhỏ nhất đã được chế tạo và phát triển bởi Liên Xô, chúng có thể được vận chuyển dễ dàng và sử dụng bởi chỉ một người. Những tên lửa của Liên Xô này đã được xuất khẩu sang rất nhiều nước trên thế giới và ngày nay vẫn còn rất nhiều khách hàng của loại tên lửa này. Ra đa dẫn đường Akash - Ấn Độ Arrow - Israel Aster - Anh/Pháp/Italy Bloodhound - Anh Crotale - Pháp Hongqi-9 - Trung Quốc MEADS - Mỹ/Đức/Ý MIM-3 Nike Ajax - Mỹ MIM-14 Nike Hercules - Mỹ MIM-23 Hawk - Mỹ MIM-72 Chaparral FAADS MIM-104 Patriot - Mỹ MIM-146 ADATS - Canada Nike Zeus - Mỹ BAe Blindfire Rapier - Anh RIM-2 Terrier - Hải quân Hoa Kỳ RIM-7 Sparrow - Hải quân Hoa Kỳ RIM-24 Tartar - Hải quân Hoa Kỳ RIM-66 Standard Missile-1 - Hải quân Hoa Kỳ RIM-67 Standard Missile-2 - Hải quân Hoa Kỳ RIM-156 Standard Missile-2ER - Hải quân Hoa Kỳ RIM-161 Standard Missile-3 - Hải quân Hoa Kỳ RIM-162 Evolved SeaSparrow Missile - Hải quân Hoa Kỳ Roland - Pháp/Đức SA-1 'Guild' - Liên Xô SAM-2 - Liên Xô SA-3 'Goa' - Liên Xô SA-4 'Ganef' - Liên Xô SA-5 'Gammon' - Liên Xô SA-6 'Gainful' - Liên Xô SA-8 'Gecko - Liên Xô SA-10 'Grumble' - Liên Xô SA-11 'Gadfly' - Liên Xô SA-12A 'Gladiator'/SA-12B 'Giant' - Liên Xô SA-15 'Gauntlet' - Liên Xô SA-17 'Grizzly' - Liên Xô SA-19 'Grisom' - Liên Xô SA-20 'Triumf' - Nga Sea Cat - Anh Sea Dart - Anh Sea Slug - Anh Sea Wolf - Anh Thunderbird - Anh Tên lửa Trishul - Ấn Độ Những kiểu khác: Patriot, SA-10, SA-12 và SA-20 sử dụng radar dẫn đường track-via-missile. SA-1, SA-2, SA-3, SA-6 và SA-15 sử dụng radar dẫn đường điều khiển. SA-5 sử dụng radar dẫn đường điều khiển với radar điều khiển chủ động giai đoạn cuối. SA-4, SA-11 và SA-17 sử dụng radar điều khiển với radar điều khiển bán chủ động giai đoạn cuối. SA-8 sử dụng dẫn đường line-of-sight điều khiển bán chủ động (SACLOS). IR-chỉ dẫn của SAM Anza MK-I - Pakistan Anza MK-II - Pakistan Anza MK-III - Pakistan CA 94 - România CA 95 - Romania Chaparral - Hoa Kỳ (đây là một phiên bản phóng từ mặt đất của AIM-9 Sidewinder AAM) Enzian - Đức (thời Chiến tranh thế giới thứ hai) FIM-43 Redeye - Hoa Kỳ FIM-92 Stinger - Hoa Kỳ Hongqi-7 - Trung Quốc Igla - Nga Mistral - Pháp RIM-116 Rolling Airframe Missile - Mỹ/Đức, cũng có radar thụ động dẫn đường giai đoạn đầu (ESM) SA-7 'Grail' - Liên Xô SA-9 'Gaskin - Liên Xô SA-13 'Gopher' - Liên Xô SA-14 'Gremlin' - Liên Xô SA-16 'Gimlet' - Liên Xô SA-18 'Grouse' - Liên Xô Type 91 - Nhật Bản Umkhonto-IR - Nam Phi
Vinh Con Lợn, Vinh con Heo (tiếng Tây Ban Nha: Bahía de Cochinos) là một vịnh nằm ở bờ biển phía Nam tỉnh Matanzas, Cuba. Đây là nơi đã diễn ra cuộc đổ bộ của những người Cuba lưu vong nhằm tấn công lật đổ chính quyền cộng sản của Fidel Castro vào ngày 17 tháng 4 năm 1961. Những người này được CIA huấn luyện và được chính quyền Mỹ ủng hộ. Tuy nhiên, cuộc lật đổ đã không thành. Từ nguyên Trong tiếng Tây Ban Nha Cuba, cochinos còn có thể chỉ đến loài cá Balistes vetula, cư trú tại các rạn san hô ở Bahía de Cochinos, chứ không phải chỉ đến loài heo rừng (Sus scrofa).
Vịnh Bengal (, [bɔŋgopoʃagoɾ], [bəŋgɑːl kɪː kʰɑːɽɪː]) là một trong những vịnh lớn nhất thế giới, nằm ở Nam Á, phía đông bắc Ấn Độ Dương. Vịnh Bengal có hình gần như tam giác, có ranh giới là Ấn Độ và Sri Lanka ở phía tây, Bangladesh và bang Tây Bengal của Ấn Độ ở phía bắc (từ đây mà có tên gọi vịnh Bengal), Myanmar cùng phần phía nam của Thái Lan và quần đảo Andaman và Nicobar ở phía đông. Ranh giới phía nam của nó được coi là đường tưởng tượng nối từ mũi Dondra ở điểm cực nam Sri Lanka với điểm cực bắc của đảo Sumatra. Với tổng diện tích 2,172 triệu km², độ sâu trung bình 2.586-2.600 m, nhiệt độ nước 25-27 °C. Sông Hằng và sông Brahmaputra là hai con sông lớn đổ vào phía bắc vịnh tạo thành những cửa sông rộng. Trong vịnh có quần đảo Andaman và Nicobar. Hải cảng quan trọng là Chennai của Ấn Độ và Chittagong của Bangladesh. Sứ thần Việt Nam Phạm Phú Thứ vào thế kỷ 19 khi đi ngang qua vùng biển Ấn Độ ghi lại địa danh Vịnh Bengal là Vịnh Minh Ca Lê, Mênh Ca Lê cũng rút gọn lại thành Minh Hải, Mênh Hải. Sông Nhiều con sông lớn của Ấn Độ chảy theo hướng tây-đông đổ vào vịnh Bengal: ở phía bắc là các sông như Hằng, Meghna và Brahmaputra, còn ở phía nam là sông Mahanadi qua vùng châu thổ sông Mahanadi, sông Godavari, sông Krishna, Irrawaddy và sông Kaveri (hay Cauvery). Sông ngắn nhất đổ vào vịnh Bengal là sông Cooum dài 64 km. Sông Brahmaputra là con sông dài thứ 28 trên thế giới (2.948 km hay 1.832 dặm Anh), chảy qua Ấn Độ, Trung Quốc, Nepal, Bangladesh và Bhutan. Các rừng đước Sundarbans được hình thành tại cửa sông Hằng, Brahmaputra và Meghna trên bờ biển của vịnh Bengal. Sông Ayeyarwady của Myanmar cũng chảy vào vịnh này. Hải cảng Các hải cảng chính của Bangladesh trên vịnh bao gồm Chittagong và Mongla. Các hải cảng chính của Ấn Độ trên vịnh này bao gồm Krishnapatnam, Chennai (tên gọi cũ Madras), Vishakhapatnam, Kolkata (tên gọi cũ Calcutta) và Pondicherry. Yangon, thành phố lớn nhất và cựu thủ đô của Myanmar cũng là một hải cảng quan trọng trong vịnh này. Đảo Trên vịnh này có nhiều đảo, bao gồm các nhóm đảo Andaman, Nicobar và Mergui. Nhóm các đảo Cheduba cùng các đảo khác ở phía đông bắc, ngoài khơi Myanmar, là đáng chú ý vì một chuỗi các núi lửa bùn, đôi khi có các hoạt động phun trào diễn ra. Đại Andaman là quần đảo chính hay nhóm đảo của quần đảo Andaman, trong khi quần đảo Ritchie bao gồm các đảo nhỏ hơn. Chỉ 37 trên tổng số 572 đảo của quần đảo Andaman và Nicobar là có cư dân sinh sống, chiếm tỷ lệ 6,5%/ Bãi biển Cox's Bazar, vùng bờ biển phía đông bắc của vịnh, là một trong những bờ biển tự nhiên còn hoang sơ của thế giới. Các bãi biển khác dọc theo vịnh còn có Bakkhali, Digha, Chandipur, Puri, Waltair, bãi Marina tại Chennai và bãi Ngapali ở Myanmar.
Vịnh Ba Tư, Vịnh Ả Rập, hay Vịnh Péc-xích(Tiếng Ả Rập: الخليج العربي) là vùng vành đai nông của Ấn Độ Dương nằm giữa Bán đảo Ả Rập và vùng tây nam Iran. Vịnh Ba Tư giáp Kuwait và Iraq về phía tây bắc, Iran về phía bắc và đông bắc, Ả Rập Xê Út và Qatar về phía tây và tây nam, các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất và một phần Oman về phía nam và đông nam. Địa lý Với tổng diện tích mặt nước vào khoảng 251.000 km², nơi rộng nhất của vịnh này là 989 km từ bờ biển phía Iran tới Ả Rập Xê Út, nơi hẹp nhất là 56 km ở Eo biển Hormuz, cũng là cửa thông của vịnh ra đại dương. Đầu phía tây bắc của vịnh là châu thổ Shatt al-Arab, nơi hai con sông Tigris và Euphrates hòa nước vào vịnh. Chiều sâu trung bình 50 m, nơi sâu nhất khoảng 90 m. Tiềm năng khoáng chất Vịnh Ba Tư và vùng duyên hải là nguồn cung cấp dầu thô lớn nhất thế giới. Cũng vì đó, kỹ nghệ dầu hỏa chiếm địa vị chính trong vùng. Al-Safaniya là vũng dầu ngầm dưới biển lớn nhất. Ngoài dầu thô, Vịnh Ba Tư còn có dự trữ khí đốt thiên nhiên rất lớn. Đây là nền móng cho kỹ nghệ khí đốt dạng lỏng (liquified natural gas) rất phát triển tại Qatar. Vịnh Ba Tư thường được biết đến là nơi xảy ra cuộc chiến Vùng Vịnh lần thứ nhất. Chú thích
Bình Nhưỡng hay Pyongyang (, , , ) là thủ đô và thành phố lớn nhất của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, nằm ở hai bên bờ sông Đại Đồng. Theo kết quả điều tra năm 2008, dân số thành phố là 3.255.388 người. Thành phố được tách ra từ tỉnh Pyongan Nam vào năm 1946. Bình Nhưỡng được quản lý như một thành phố trực thuộc trung ương (chikhalsi, trực hạt thị) và tương đương với các tỉnh khác. Bình Nhưỡng được coi là một trong những thành phố lâu đời nhất trên bán đảo Triều Tiên. Đây là thủ đô của hai vương quốc Triều Tiên cổ, bao gồm Cổ Triều Tiên, Cao Câu Ly và từng là kinh đô thứ cấp của Cao Ly. Phần lớn thành phố bị phá hủy trong chiến tranh Thanh-Nhật, nhưng sau đó đã được khôi phục dưới sự cai trị của Nhật Bản và trở thành một trung tâm sản xuất công nghiệp. Sau khi nhà nước Bắc Triều Tiên được thành lập vào năm 1948, Bình Nhưỡng trở thành thủ đô trên thực tế của chính thể này. Thành phố một lần nữa bị tàn phá trong chiến tranh Triều Tiên, nhưng được xây dựng lại với sự trợ giúp của Liên Xô. Bình Nhưỡng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, du lịch, di sản cũng như giao thông của Bắc Triều Tiên. Đây là nơi đặt trụ sở của các tổ chức chính trị, giáo dục, quân sự cùng cơ quan chính phủ lớn của nước này như Đảng Lao động cầm quyền và Đại học Tổng hợp Kim Nhật Thành. Tên gọi Các tên gọi lịch sử khác của thành phố bao gồm Kisong, Hwangsong, Rakrang, Sŏgyong, Sodo, Hogyong, Changan, và Heijo (trong thời Triều Tiên thuộc Nhật). Có một số biến thể. Trong thế kỷ 20, Bình Nhưỡng trở thành "Jerusalem của phương Đông" theo sự so sánh từ các nhà truyền giáo vì nó là thành trì của Kitô giáo, cụ thể là đạo Tin Lành, đặc biệt là trong thời kỳ thành phố Bình Nhưỡng được xây dựng lại năm 1907. Phiên âm tiếng Nga của thành phố Пхёнья́н được ứng dụng từ tiếng Ba Lan và tiếng Rumani là Phenian. Ở Ba Lan, phát âm /ˈfɛɲ.jan/ là phổ biến hơn so với /pxˈ.jan/ gốc. Sau khi Kim Nhật Thành qua đời vào năm 1994, một số thành viên của phe Kim Jong-il đề nghị thay đổi tên của Bình Nhưỡng thành "Thành phố Kim Nhật Thành" (Kim Il-sung City, ), nhưng những người khác cho rằng Triều Tiên nên bắt đầu gọi Seoul (thủ đô của Hàn Quốc) là "thành phố Kim Il-sung" và dùng tên " Thành phố Kim Jong-il " cho Bình Nhưỡng, và cuối cùng không có đề xuất nào được thực hiện. Lịch sử Năm 1955, các nhà khảo cổ đã khai quật được những bằng chứng về một ngôi làng cổ đại gọi là Kŭmtan-ni ở khu vực Bình Nhưỡng từ các thời kỳ đồ gốm Trất Văn (Chŭlmun) và Vô Văn (Mumun). Những người Triều Tiên liên hệ Bình Nhưỡng với "A Tư Đạt (Asadal)" (), hay Vương Kiệm Thành (Wanggŏmsŏng) (), tức kinh đô đầu tiên (thế kỷ 2 TCN) của vương quốc Cổ Triều Tiên theo các sử sách Triều Tiên, đặc biệt là theo Tam quốc di sự (Samguk Yusa). Nhiều sử gia Hàn Quốc tranh cãi về điều này, vì theo các sử sách Triều Tiên khác thì Asadal nằm quanh Liêu Hà ở phía tây Mãn Châu. Dù sao, Bình Nhưỡng đã là một điểm định cư lớn dưới thời Cổ Triều Tiên. Những tài liệu thần thoại khẳng định Bình Nhưỡng được thành lập vào năm 1122 trước Công nguyên trên địa điểm thủ đô của vị vua huyền thoại Đàn Quân. Wanggeom-seong, nằm ở vị trí của Bình Nhưỡng ngày nay đã trở thành thủ đô của Cổ Triều Tiên từ 194 đến 108 trước Công nguyên. Do không tìm thấy các vết tích của thời kỳ Tây Hán ở khu vực xung quanh Bình Nhưỡng nên có khả năng khu vực quanh Bình Nhưỡng đã ly khai khỏi vương quốc Cổ Triều Tiên và thuộc về các vương quốc Triều Tiên khác khi Vệ Mãn Triều Tiên (một giai đoạn kéo dài nhất của Cổ Triều Tiên) sụp đổ sau chiến tranh Cổ Triều Tiên-Hán vào năm 108 TCN. Hoàng đế Hán Vũ Đế nhà Hán đã ra lệnh cho bốn bộ được thiết lập, Lạc Lãng ở trung tâm và thủ phủ của nó được thành lập có tên là 樂浪 (Tiếng Trung cổ: * [r] awk * [r] aŋ, Tiếng Trung Quốc chuẩn: bính âm: Lèlàng, ). Một số phát hiện khảo cổ học từ thời kỳ Hậu Đông Hán (25-220) tại khu vực Bình Nhưỡng dường như củng cố quan điểm cho rằng quân Hán về sau đã có những cuộc thâm nhập ngắn vào khu vực quanh Bình Nhưỡng. Khu vực xung quanh Bình Nhưỡng được gọi là Nanglang (Lạc Lãng) vào giai đoạn sơ khởi của thời Tam Quốc Triều Tiên. Với vai trò là kinh đô của vương quốc Nanglang (), Bình Nhưỡng vẫn giữa được vai trò là một tiền đồn thương mại và văn hóa quan trọng sau khi Lạc Lãng quận bị phá hủy trong cuộc chinh phục của Cao Câu Ly vào năm 313 SCN. Cao Câu Ly đã chuyển kinh đô của mình tới Bình Nhưỡng vào năm 427. Theo Christopher Beckwith, Bình Nhưỡng (Pyongyang) là cách đọc Hán-Triều của từ Piarna, nghĩa là "đất bằng". Năm 668, Bình Nhưỡng trở thành thủ phủ của An Đông đô hộ phủ do triều đại nhà Đường của Trung Quốc thành lập. Tuy nhiên năm 707, Bình Nhưỡng rơi vào tay Tiểu Cao Câu Ly, sang năm 820 vương quốc Bột Hải thôn tín Tiểu Cao Câu Ly nên Bình Nhưỡng thuộc Bột Hải và Bình Nhưỡng nằm trên vùng biên thùy giữa Tân La và Bột Hải, khu vực vẫn là một tiền đồn thương mại và văn hóa quan trọng, điều này kéo dài cho đến thời Cao Ly. Năm 905 vua Cung Duệ nước Ma Chấn đánh chiếm Bình Nhưỡng từ vương quốc Bột Hải (đời vua Đại Vĩ Hài). Năm 918 Vương Kiến lật đổ vua Cung Duệ lập ra Cao Ly, Bình Nhưỡng thuộc Cao Ly. Dưới thời Cao Ly, Bình Nhưỡng được gọi là Tây Kinh (; "Sŏgyŏng"), mặc dù nơi này chưa từng là kinh đô của vương quốc. Bình Nhưỡng trở thành đô phủ của Đạo Pyongan (Bình An đạo) dưới thời nhà Triều Tiên. Thành phố từng bị quân đội Nhật Bản chiếm đóng vào năm 1592-1593 trong Chiến tranh Nhật Bản-Triều Tiên nhưng sau đó đã đánh bại được quân địch trong cuộc bao vây Bình Nhưỡng năm 1593. Bình Nhưỡng từng bị quân Hậu Kim ở Mãn Châu chiếm đóng tạm thời trong năm 1627 trong Cuộc xâm lược Triều Tiên lần thứ hai của Mãn Châu. Trong khi các cuộc xâm lược khiến người Triều Tiên nghi ngờ người nước ngoài, ảnh hưởng của Cơ đốc giáo bắt đầu phát triển sau khi đất nước mở cửa cho người nước ngoài vào thế kỷ 16. Bình Nhưỡng trở thành căn cứ của sự bành trướng của Cơ đốc giáo ở Triều Tiên, và đến năm 1880, nó có hơn 100 nhà thờ và nhiều nhà truyền giáo Tin lành hơn bất kỳ thành phố nào ở châu Á. Năm 1890, thành phố có 40.000 cư dân. Đây là nơi đã diễn ra trận Bình Nhưỡng quan trọng trong chiến tranh Thanh-Nhật, điều này đã dẫn tới hủy diệt và suy giảm đáng kể dân số của thành phố. Sau đó, khi đạo Pyongan được chia thành đạo Pyongan Bắc và Pyongan Nam vào năm 1896, Bình Nhưỡng lại trở thành đô phủ của Pyongan Nam. Cuối thế kỷ 19, tàu buôn "General Sherman" của Hoa Kỳ đã ngược sông Đại Đồng đến Bình Nhưỡng và bị dân quân địa phương đốt cháy. Sau đó, triều đình Triều Tiên đã phải cho mở cửa Bình Nhưỡng và Nampho (Nam Phố), thành phố trở thành trung tâm thương mại và công nghiệp chủ yếu của miền bắc Triều Tiên. Dưới thời Nhật Bản cai trị, thành phố đã trở thành một trung tâm công nghiệp và được gọi với cái tên Heijō (Bình Thành; cùng hán tự nhưng đọc là ) trong tiếng Nhật. Vào tháng 7 năm 1931, thành phố đã trải qua các cuộc bạo loạn chống Trung Quốc do biến cố Wanpaoshan và các báo cáo truyền thông giật gân về nó xuất hiện trên báo Nhật Bản và Triều Tiên. Năm 1938, dân số Bình Nhưỡng đã đạt 235.000 người. 1945-nay Năm 1945, tập đoàn quân số 25 của Hồng quân tiến vào Bình Nhưỡng, thành phố trở thành thủ đô lâm thời của Ủy ban Nhân dân Lâm thời Bắc Triều Tiên. Trường Thương mại Bình Nhưỡng nằm bên đồi Mansudae, tòa nhà chính quyền tỉnh Pyongan Nam nằm ở phía sau. Tòa nhà chính quyền tỉnh là một trong các tòa nhà đẹp nhất Bình Nhưỡng. Lực lượng vũ trang Xô viết được giao quản lý tòa nhà để làm trụ sở còn Tòa thị chính được phân cho các quan chức cộng sản Triều Tiên, trong khi trụ sở của đảng Cộng sản được phân về Nha Hải quan. Một Ủy ban Nhân dân đã được thành lập ở đó, do nhà dân tộc Thiên chúa giáo kỳ cựu Cho Man-sik lãnh đạo. Bình Nhưỡng trở thành thủ đô trên thực tế của Triều Tiên khi được thành lập vào năm 1948. Vào thời điểm đó, chính quyền Bình Nhưỡng nhắm tới việc tái chiếm thủ đô chính thức của Hàn Quốc, Seoul. Bình Nhưỡng lại bị thiệt hại nặng nề trong Chiến tranh Triều Tiên, trong thời gian ngắn bị quân đội Hàn Quốc chiếm đóng từ ngày 19 tháng 10 đến ngày 6 tháng 12 năm 1950. Năm 1952, thành phố trở thành mục tiêu của các cuộc không kích bất ngờ có quy mô lớn nhất trong toàn bộ cuộc chiến, với 1.400 máy bay của Bộ tư lệnh Liên Hợp Quốc. Trong chiến tranh, các kế hoạch đã được thực hiện để tái thiết thành phố. Ngày 27 tháng 7 năm 1953 - ngày hiệp định đình chiến Liên Triều được ký kết - The Pyongyang Review viết: "Trong khi các đường phố chìm trong biển lửa, một cuộc triển lãm cho thấy kế hoạch chung khôi phục Bình Nhưỡng đã được tổ chức tại Moranbong Underground Theate," nơi trú ẩn không kích của chính phủ bên dười đồi Moranbong. "Trên đường chiến thắng... những chùm pháo hoa bay cao lên bầu trời đêm của thủ đô trong tiếng súng chào cờ đã làm sáng tỏ một cách ngắn gọn kế hoạch xây dựng thành phố sẽ sớm vươn lên với một diện mạo mới". Sau chiến tranh, thành phố nhanh chóng được xây dựng lại với sự giúp đỡ của Liên Xô, các tòa nhà mới mang phong cách kiến trúc Stalin. Các kế hoạch cho thành phố Bình Nhưỡng hiện đại lần đầu tiên được hiển thị để xem công khai trong một nhà hát. Kim Jung-hee, một trong những thành viên sáng lập của Liên minh Kiến trúc sư Triều Tiên. người đã nghiên cứu kiến trúc ở Nhật Bản trước chiến tranh, được Kim Nhật Thành chỉ định để xây dựng quy hoạch tổng thể thành phố, Viện Kiến trúc Moscow, đã thiết kế “Quy hoạch toàn diện xây dựng và tái thiết thành phố Bình Nhưỡng” vào năm 1951, và chính thức được thông qua vào năm 1953. Việc chuyển đổi thành một thành phố hiện đại, được thiết kế theo phong cách tuyên truyền được gọi là kiến trúc theo phong cách Stalin với sự sắp xếp theo phong cách Triều Tiên (và các kiến trúc hiện đại khác được cho là đã bị ảnh hưởng nhiều bởi kiến trúc sư người Brazil Oscar Niemeyer) bắt đầu. và trong Hiến pháp năm 1972, nó chính thức được tuyên bố là thủ đô. Thành phố Bình Nhưỡng sau khi được xây dựng lại có đặc trưng là các công viên rộng lớn, các đại lộ và các chung cư cao tầng. Bình Nhưỡng trở thành trung tâm chính trị, kinh tế và giao thông của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Năm 1962, thành phố có tổng dân số là 653.000 người. Dân số tăng lên 1,3 triệu năm 1978 và lên trên 3 triệu người vào năm 2007. Năm 2001, chính quyền bắt đầu một chương trình hiện đại hóa dài hạn. Bộ Phát triển Xây dựng Thành phố Thủ đô đã được đưa vào Nội các trong năm đó. Năm 2006, em rể của chủ tịch Kim Jong-il, ông Jang Song-thaek phụ trách bộ này. Địa lý Bình Nhưỡng nằm ở phần tây-trung của CHDCND Triều Tiên; thành phố nằm trên một vùng đồng bằng bằng phẳng cách về phía đông của vịnh Triều Tiên, một bộ phận của Hoàng Hải. Sông Đại Đồng chảy theo hướng tây nam qua thành phố và đổ vào vịnh Triều Tiên. Phía tây bắc Bình Nhưỡng có các dãy núi thấp và phía đông có một số ngọn đồi nhỏ. Đồng bằng Bình Nhưỡng, nơi có thành phố, là một trong hai đồng bằng lớn ở bờ biển phía Tây của bán đảo Triều Tiên, đồng bằng còn lại là đồng bằng Chaeryong. Cả hai đều có diện tích khoảng 500 km vuông. Khoảng cách từ Bình Nhưỡng đến khu phi quân sự Triều Tiên khoảng 145 km, xa hơn đến gần 100 km nếu so với quãng đường từ Seoul bên Hàn Quốc đến địa điểm này. Cấu tạo địa chất Bình Nhưỡng nằm trên địa hệ đá vôi và đá hoa cương của kỷ Jura vào thời kỳ Đại Trung Sinh, Triều Tiên gọi là "hệ Đại Đồng". Thành phần thổ nhưỡng gồm đất cát đỏ hình thành từ phân giải đá vôi. Các loại khoáng sản chủ yếu là than non, bô xít, than bùn, đồng.. Thảm thực vật thuộc vành đai cây lá kim. Khí hậu Bình Nhưỡng có khí hậu lục địa ẩm (Köppen Dwa) với mùa hè ấm áp đến nóng ẩm và mùa đông lạnh, khô. Vào mùa đông, các cơn gió lạnh và khô từ Siberia về khiến cho khí hậu trở nên rất lạnh; nhiệt độ thường xuyên xuống sâu dưới mức 0 °C từ giữa tháng 11 đến đầu tháng 3, mặc dù nhiệt độ trung bình ngày lên trên mức đóng băng vào mọi tháng trừ tháng 1. Thời tiết mùa đông thường khô hơn mùa hè, tuyết rơi trung bình 37 ngày trong năm. Việc chuyển giao giữa mùa đông lạnh và khô sang mùa hè ấm và ẩm diễn ra khá nhanh vào tháng 4 và đầu tháng 5, và tương tự đối với sự quay trở lại của mùa đông vào tháng 10 và 11. Mùa hè thường nóng và ẩm, với gió mùa Đông Á thổi từ tháng 6 cho đến tháng 8; đây cũng là những tháng nóng nhất trong năm, với nhiệt độ trung bình là từ đến , nhiệt độ vào ban ngày có thể cao đến trên . Mặc dù phần lớn là các mùa chuyển tiếp, mùa xuân và mùa thu trải qua thời tiết dễ chịu hơn, với nhiệt độ cao trung bình từ 20 đến 26 °C (69 đến 78 °F) trong tháng 5 và 22 đến 27 °C (80 đến 71 °F) trong tháng 9, cùng với bầu trời tương đối trong xanh, đầy nắng. Chính trị Chính phủ lớn và các cơ quan công quyền khác được đặt tại Bình Nhưỡng, được hiến pháp quy định là thủ đô của đất nước. Trụ sở của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên và Ủy ban Nhân dân Bình Nhưỡng được đặt tại Haebangsan-dong, Chung-guysok. Nội các của Triều Tiên được đặt tại Jongro-dong, Chung-guysok. Bình Nhưỡng cũng là trụ sở của tất cả các tổ chức an ninh lớn của Triều Tiên. Lớn nhất trong số đó, Bộ An ninh Xã hội, có 130.000 nhân viên làm việc tại 12 văn phòng. Các hoạt động giám sát này bao gồm: dịch vụ cảnh sát, an ninh của các quan chức đảng, tài liệu được phân loại, điều tra dân số, đăng ký dân sự, xây dựng công cộng quy mô lớn, kiểm soát giao thông, an toàn cháy nổ, dân phòng, y tế công cộng và hải quan. Một cấu trúc quan trọng khác có trụ sở tại thành phố là Bộ An ninh Quốc gia, có 30.000 nhân viên quản lý tình báo, hệ thống nhà tù chính trị, an ninh công nghiệp quân sự và quản lý xuất nhập cảnh. Chính trị và quản lý của thành phố bị chi phối bởi Đảng Lao động Triều Tiên, vì họ ở cấp quốc gia. Thành phố được quản lý bởi Thành ủy Bình Nhưỡng của Đảng Lao động Triều Tiên, với người đứng đầu tổ chức này có vai trò như thị trưởng. Cơ quan nhà nước thường trực tối cao là Ủy ban Nhân dân Bình Nhưỡng, chịu trách nhiệm về các sự kiện hàng ngày của thành phố. Điều này bao gồm việc tuân theo chỉ đạo của Đảng địa phương như được thông qua bởi Thành ủy Bình Nhưỡng, phân phối các nguồn lực được ưu tiên cho Bình Nhưỡng và cung cấp hỗ trợ cho đảng, nhân viên cơ quan an ninh nội bộ và gia đình. Hành chính Bình Nhưỡng được chia thành 18 khu vực (ku- hay guyŏk) và 1 huyện (kun hay gun). Truyền thông nước ngoài năm 2010 đưa tin rằng Kangnam, Chunghwa, Sangwon, và Sŭngho-guyŏk đã được chuyển từ Bình Nhưỡng sang tỉnh Hwanghae Bắc. Tuy nhiên, Kangnam-gun đã được đưa trở lại Bình Nhưỡng vào năm 2011. Cảnh quan thành phố Bình Nhưỡng đã bị phá hủy đáng kể trong chiến tranh Triều Tiên và đã được xây dựng lại hoàn toàn theo một thiết kế phản ánh tầm nhìn của Kim Il-sung. Ước mơ của ông là tạo ra một thủ đô có thể làm tăng tinh thần trong những năm sau chiến tranh. Kết quả là một thành phố với những đại lộ rộng lớn và các tòa nhà công cộng với cảnh quan thiên nhiên, tranh khảm và trần nhà được trang trí. Kiến trúc kiểu Nga của nó gợi nhớ lại những thành phố ở Siberia trong mùa đông tuyết rơi, mặc dù các công trình xây dựng kiểu truyền thống Triều Tiên làm dịu lại nhận thức này. Vào mùa hè, cảnh quan đáng chú ý là các con sông, cây liễu, hoa và công viên. Các đường phố được bố trí theo hướng bắc-nam, phía đông-tây, khiến thành phố được quy hoạch có trật tự. Các nhà quy hoạch Triều Tiên áp dụng kinh nghiệm của Thụy Điển về các khu dân cư tự cung tự cấp trên khắp cả nước, và Bình Nhưỡng cũng không phải là ngoại lệ. Dân cư chủ yếu chia thành các đơn vị hành chính từ 5.000 đến 6.000 người (dong). Các đơn vị này đều có các tiện ích như nhau như cửa hàng thực phẩm, cửa hàng cắt tóc, thợ may, nhà tắm công cộng, bưu điện, phòng khám, thư viện và những nơi khác. Nhiều người dân sống trong các tòa nhà cao tầng. Các nhà cầm quyền duy trì một chế độ hạn chế di chuyển vào thành phố, làm cho Bình Nhưỡng trở nên khác hẳn so với sự sôi động náo nhiệt điển hình của các đô thị khu vực Đông Á vì đặc điểm của thành phố là yên lặng, không chật hẹp và rộng rãi. Các kiểu kiến trúc ở Bình Nhưỡng được chia thành ba loại chính: tượng đài, tòa nhà với mô hình kiểu Triều Tiên truyền thống và nhà cao tầng. Một số địa danh nổi tiếng nhất của Triều Tiên là tượng đài, như tháp Juche, Khải Hoàn Môn và Đài tưởng niệm Mansu Hill Grand. Đầu tiên trong số đó là một tháp đá granit cao 170 mét tượng trưng cho hệ tư tưởng Juche. Nó đã được hoàn thành vào năm 1982 và bao gồm 25.550 khối đá granit, một khối tương tương mỗi một ngày trong cuộc đời của Kim Il-sung cho đến thời điểm đó. Tòa nhà nổi bật nhất trên đường chân trời của Bình Nhưỡng là khách sạn Ryugyong, tòa nhà cao thứ bảy trên thế giới về số tầng, tòa nhà không có người ở cao nhất thế giới, và là một trong những khách sạn cao nhất trên thế giới. Nó vẫn chưa được khai trương tính đến thời điểm hiện tại. Bình Nhưỡng có đường chân trời phát triển nhanh chóng, chủ yếu là các tòa nhà chung cư cao tầng. Một sự bùng nổ xây dựng bắt đầu với Khu phức hợp Căn hộ Đường Changjon (Changjon Street Apartment Complex), được hoàn thành năm 2012. Việc xây dựng khu phức hợp bắt đầu sau khi cố lãnh đạo Kim Jong-il mô tả Đường Changjon là "đáng thương". Các khu phức hợp nhà ở khác cũng đang được nâng cấp, nhưng hầu hết vẫn được cách nhiệt kém, thiếu thang máy và hệ thống sưởi trung tâm. Một chương trình đổi mới đô thị được tiếp tục dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un với các căn hộ cũ của những năm 1970 và 80 được thay thế bằng các tòa nhà cao tầng hơn và các công viên giải trí như Công viên Thanh niên Kaesong, cũng như cải tạo các tòa nhà cũ. Năm 2018, thành phố được mô tả là khó nhận biết so với 5 năm trước. Kinh tế Bình Nhưỡng là trung tâm công nghiệp của Bắc triều Tiên. Nhờ vào sự phong phú của các nguồn tài nguyên thiên nhiên như than, sắt và đá vôi, cũng như hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy tốt, đây là thành phố công nghiệp đầu tiên xuất hiện ở Triều Tiên sau Chiến tranh Triều Tiên. Công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng đều có mặt và phát triển song song. Các ngành sản xuất nặng bao gồm xi măng, gốm sứ công nghiệp, đạn dược và vũ khí, nhưng kỹ thuật cơ khí vẫn là ngành công nghiệp cốt lõi. Các ngành công nghiệp nhẹ ở Bình Nhưỡng và vùng phụ cận bao gồm dệt may, giày dép và thực phẩm, cùng những ngành khác. Đặc biệt chú trọng đến việc sản xuất và cung cấp sản phẩm tươi sống và các loại cây trồng phụ trong các trang trại ở ngoại ô thành phố. Các loại cây trồng khác bao gồm gạo, ngô và đậu tương. Bình Nhưỡng đặt mục tiêu đạt được khả năng tự cung tự cấp trong ngành sản xuất thịt. Các cơ sở nuôi lợn, gà và các gia súc khác được phân bố ở mật độ cao. Vào đầu thập niên 1990, kinh tế thủ đô đã bị ảnh hưởng nặng nề sau khi bị mất các bạn hàng truyền thống do sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu. Sản lượng công nghiệp của thành phố đã từng suy giảm ở mức 5% mỗi năm cho đến tận năm 2000. Theo một số ước tính của phương Tây, có một nửa số nhà máy đã bị đóng cửa, một số nguồn còn đưa ra con số 90%. Nền kinh tế Bình Nhưỡng hiện được cho là ở trong tình trạng tự cung tự cấp. Thành phố vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu điện. Để giải quyết vấn đề này, hai nhà máy điện – Huichon Power Stations 1 và 2 – được xây dựng ở tỉnh Chagang và cung cấp cho thành phố thông qua đường truyền trực tiếp. Giai đoạn thứ hai của dự án mở rộng điện đã được đưa ra vào tháng 1 năm 2013, bao gồm một loạt các con đập nhỏ dọc theo sông Chongchon. Hai nhà máy điện đầu tiên có công suất phát điện tối đa là 300 megawatt (MW), trong khi 10 đập được xây dựng trong giai đoạn thứ hai dự kiến sẽ sản xuất khoảng 120 MW. Ngoài ra, thành phố có một số nhà máy nhiệt điện hiện tại hoặc quy hoạch. Chúng bao gồm Pyongyang TPS với công suất 500 MW, Đông Pyongyang TPS công suất 50 MW và Kangdong TPS đang được xây dựng. Nguồn điện cung cấp cho Bình Nhưỡng chủ yếu đến từ các nhà máy thủy điện, nhiệt điện và các lò phản ứng plutonium. Kể từ khi các nhà máy này hoạt động gián đoạn thì nguồn điện dược cung cấp theo số lượng cố định. Kết quả là thủ đô hầu như chìm trong bóng tối vào ban đêm. Các địa điểm quan trọng như khu ngoại giao đoàn, các tòa nhà chính quyền, khách sạn cho người nước ngoài, các doanh trại quân đội Nhân dân Triều Tiên và hệ thống chiếu sáng tại các đài tưởng niệm chủ tịch Kim Nhật Thành có nguồn cung cấp điện riêng. Thành phố Bình Nhưỡng có các đường ống ngầm để sưởi ấm đến từng căn hộ, từng tòa nhà, tuy nhiên, một lượng nhiệt đáng kể bị tiêu hao dọc chiều dài đường ống. Hệ thống bán lẻ Pyongyang là nơi có một số cửa hàng bách hóa lớn bao gồm cửa hàng bách hóa Pothonggang, cửa hàng bách hóa Pyongyang số 1, cửa hàng bách hóa Pyongyang số 2, cửa hàng bách hóa Kwangbok, cửa hàng bách hóa Ragwon, cửa hàng bách hóa Pyongyang và cửa hàng bách hóa trẻ em Bình Nhưỡng. Thành phố cũng có cửa hàng Hwanggumbol, một chuỗi cửa hàng tiện lợi do nhà nước cung cấp, cung cấp hàng hóa với giá rẻ hơn so với các cửa hàng ở các khu jangmadang. Hwanggumbol được thiết kế đặc biệt để kiểm soát thị trường mở rộng của Triều Tiên bằng cách thu hút người tiêu dùng và đảm bảo việc lưu thông tiền trong các cửa hàng do chính phủ điều hành. Giao thông Bình Nhưỡng cũng là trung tâm giao thông chính của đất nước: có mạng lưới đường bộ, đường sắt và đường hàng không kết nối với cả các điểm đến trong và ngoài nước. Đây là điểm khởi đầu của các xa lộ liên vùng đến Nampo, Wonsan và Kaesong. Ga đường sắt Pyongyang phục vụ các tuyến đường sắt chính, bao gồm tuyến Pyongui và tuyến Pyongbu. Dịch vụ đường sắt quốc tế thường xuyên đến Bắc Kinh, thành phố gần biên giới Trung-Triều Đan Đông và Moskva cũng có sẵn. Một chuyến đi bằng đường sắt đến Bắc Kinh mất khoảng 25 giờ 25 phút (K27 từ Bắc Kinh/K28 từ Bình Nhưỡng, vào các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Năm và thứ Bảy); một cuộc hành trình đến Đan Đông mất khoảng 6 giờ (hàng ngày); một chuyến đi đến Moskva mất sáu ngày. Thành phố cũng kết nối với Cầu Eurasian qua Đường sắt xuyên Sibir. Một tuyến đường sắt cao tốc đến Wonsan được lên kế hoạch. Các hệ thống Metro, xe điện và xe buýt được sử dụng chủ yếu bởi những người đi làm như một phương tiện giao thông đô thị chính. Làn đường dành cho xe đạp được giới thiệu trên các tuyến đường chính vào tháng 7 năm 2015. Có rất ít ô tô trong thành phố. Số lượng ô tô ở Bình Nhưỡng là một hình ảnh tiêu biểu phản ánh hiện trạng của Triều Tiên do chính sách hạn chế nhập khẩu vì các lệnh trừng phạt cấm vận của quốc tế và các quy định chung trong nước. Một số con đường cũng được báo cáo là trong tình trạng xuống cấp. Tuy nhiên, đến năm 2018, Bình Nhưỡng đã bắt đầu xảy ra tình trạng tắc đường. Hãng hàng không nhà nước Air Koryo đã lên lịch các chuyến bay quốc tế từ Sân bay quốc tế Sunan đến Bắc Kinh (PEK), Thẩm Dương (SHE), Vladivostok (VVO), Thượng Hải (PVG) và Đan Đông. Các điểm đến nội địa là Hamhung, Wonsan, Chongjin, Hyesan và Samjiyon. Kể từ ngày 31 tháng 3 năm 2008, Air China đã ra mắt một dịch vụ phục vụ hàng không thường xuyên giữa Bắc Kinh và Pyongyang, mặc dù các chuyến bay của Air China đến Bình Nhưỡng thường bị hủy do thiếu hành khách. Các địa danh Bình Nhưỡng là một trung tâm du lịch chính của CHDCND Triều Tiên. Các địa danh nổi bật trong thành phố bao gồm: Khách sạn Ryugyong Cung tưởng niệm Kumsusan Khải Hoàn Môn Tháp Juche Nhà truyền thống Mangyongdae, nơi sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành, nằm ở ngoại ô thành phố Hai sân vận động lớn: Sân vận động mùng 1 tháng 5 Rungrado Sân vận động Kim Nhật Thành Đài tưởng niệm Mansu Hill, bao gồm cả Bảo tàng Cách mạng Triều Tiên Quảng trường Kim Nhật Thành Khách sạn Quốc tế Yanggakdo Lăng Đông Minh Vương Tháp Truyền hình Bình Nhưỡng là một địa danh nhỏ. Các điểm tham quan hấp dẫn khác bao gồm vườn thú Bình Nhưỡng. Ở Cổng Thống Nhất có bản đồ vẽ bán đảo Triều Tiên thống nhất được nâng đỡ bởi hai phụ nữ người Triều Tiên mặc trang phục truyền thống nằm trên đường cao tốc Thống Nhất, đoạn đường đi từ Bình Nhưỡng đến khu phi quân sự Triều Tiên (DMZ). Khoa học - giáo dục Đại học Tổng hợp Kim Il-Sung, trường đại học lâu đời nhất của Bắc Triều Tiên, được thành lập vào năm 1946. Nó có bảy trường đại học, 14 khoa và 16 viện nghiên cứu, các phân hiệu và các đơn vị đại học thành viên khác nhau. Chúng bao gồm trường cao đẳng y tế - đơn vị đào tạo nhân lực y tế và giáo dục y tế sơ cấp; một viện khoa học vật lý bao gồm một loạt các nghiên cứu bao gồm vật lý lý thuyết, khoa học quang học, địa vật lý và vật lý thiên văn; một viện năng lượng nguyên tử và một văn phòng nghiên cứu sự tiến hóa của con người, nơi nghiên cứu sự tiến hóa của con người theo quan điểm của Juche. Trường Đại học Kim Il-Sung cũng có nhà xuất bản riêng, câu lạc bộ thể thao riêng (Ryongnamsan Sports Club), bảo tàng cách mạng, bảo tàng thiên nhiên, thư viện, phòng tập thể dục, bể bơi trong nhà và nhà ở của giáo viên. Hai tòa nhà chính của nó đã được hoàn thành vào năm 1965 (Tòa nhà 1) và 1972 (Tòa nhà 2). Một tòa nhà thứ ba trong khuôn viên dự kiến sẽ được xây dựng trong tương lai gần. Các cơ sở giáo dục đại học khác bao gồm Đại học Công nghệ Kim Chaek, Đại học Âm nhạc và Khiêu vũ Pyongyang và Đại học Ngoại ngữ Pyongyang. Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng là trường đại học tư thục đầu tiên của đất nước, nơi hầu hết giảng viên là người Mỹ và các khóa học được giảng dạy bằng tiếng Anh. Một hội trường khoa học và công nghệ đang được xây dựng trên hòn đảo Ssuk. Mục đích của nó là nhằm góp phần "tin học hóa các nguồn lực giáo dục" bằng cách tập trung các tài liệu giảng dạy, tài liệu bắt buộc và dữ liệu thực nghiệm cho việc sử dụng ở cấp độ nhà nước ở dạng số. Sosong-guyok có 20 Máy xiclotron MeV gọi là MGC-20. Dự án ban đầu đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) phê duyệt vào năm 1983 và được tài trợ bởi IAEA, Hoa Kỳ và chính phủ Triều Tiên. Cyclotron được đặt hàng từ Liên Xô năm 1985 và được xây dựng từ năm 1987 đến năm 1990. Nó được sử dụng cho đào tạo sinh viên, sản xuất các đồng vị y học cho y học hạt nhân cũng như các nghiên cứu về sinh học, hóa học và vật lý. Thể thao Pyongyang có một số câu lạc bộ thể thao, bao gồm April 25 Sports Club và Pyongyang City Sports Club. Y tế Các trung tâm y tế bao gồm Bệnh viện chữ thập đỏ, Bệnh viện Nhân dân số 1 nằm gần đồi Moran và là bệnh viện đầu tiên được xây dựng ở Triều Tiên sau khi giải phóng bán đảo Triều Tiên vào năm 1945, Bệnh viện Nhân dân Số hai, Trung tâm phục hồi sức khỏe Ponghwa (cũng được gọi là Phòng khám Bonghwa hoặc Phòng khám Tổng thống) nằm ở Sokam-dong, Potonggang-guysok, cách quảng trường Kim Nhật Thành 1,5 km (0,93 mi) về phía tây bắc, Bệnh viện Trường Y Bình Nhưỡng, Trung tâm Điều trị Namsan nằm liền kề Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Taesongsan, Bệnh viện Kim Man-yoo, Trung tâm Điều trị Nhân viên và Bệnh viện Nhi Okryu. Văn hóa Ẩm thực Bình Nhưỡng là thủ phủ của tỉnh Pyongan Nam cho đến năm 1946, và ẩm thực Bình Nhưỡng cũng mang truyền thống ẩm thực chung của tỉnh Pyeongan. Món ăn địa phương nổi tiếng nhất là Pyongyang naengmyeon, hay còn gọi là mul naengmyeon hay chỉ đơn giản là naengmyeon. Naengmyeon theo nghĩa đen có nghĩa là "mì lạnh", trong khi mứt đóng vai trò là nước bởi vì món ăn được phục vụ trong nước dùng lạnh. Naengmyeon bao gồm mì kiều mạch mỏng và dai trong nước thịt lạnh với dongchimi (kimchi chảy nước) và phủ một lát Pyrus pyrifolia ngọt ngào. Naengmyeon ở Bình Nhưỡng ban đầu được ăn trong nhà được xây dựng với ondol (sưởi ấm dưới sàn truyền thống) trong mùa đông lạnh, vì vậy nó cũng được gọi một cách hài hước là "deoldeori Bình Nhưỡng" (run rẩy ở Bình Nhưỡng). Người dân Bình Nhưỡng đôi khi thích nó như một haejangguk, mà là bất kỳ loại thực phẩm ăn như một liều thuốc chữa bệnh, thường là một món canh ấm. Một món ăn đại diện ở Bình Nhưỡng khác, Taedonggang sungeoguk, dịch là "súp cá hồi từ sông Đại Đồng". Súp có cá hồi (rất phong phú ở sông Đại Đồng) cùng với hạt tiêu đen và muối. Theo truyền thống, nó đã được phục vụ cho khách đến thăm Bình Nhưỡng. Vì vậy, có một câu nói phổ biến, "Súp cá hồi ngon như thế nào?", Được sử dụng để chào đón những người trở về từ Bình Nhưỡng. Một đặc sản địa phương khác là Pyongyang onban (nghĩa đen là "cơm ấm của Bình Nhưỡng") gồm cơm mới nấu với nấm thái lát, thịt gà, và một vài bindaetteok (bánh kếp làm từ đậu xanh và rau củ). Các nhà hàng nổi tiếng trong thành phố bao gồm Okryu-gwan và Ch'ongryugwan. Đời sống xã hội Năm 2018, có nhiều nhà hàng chất lượng cao ở Bình Nhưỡng với đồ ăn Triều Tiên và quốc tế, và đồ uống có cồn nhập khẩu. Các nhà hàng nổi tiếng trong thành phố bao gồm Okryu-gwan và Ch'ongryugwan. Một số thức ăn đường phố tồn tại ở Bình Nhưỡng, nơi các nhà cung cấp vận hành các quầy hàng thực phẩm. Các loại thực phẩm nước ngoài như hamburger, khoai tây chiên, pizza, and cà phê có thể dễ dàng được tìm thấy. Có một cuộc sống về đêm sôi động với các nhà hàng đêm khuya và karaoke. Thành phố có công viên nước, công viên giải trí, sân trượt băng, câu lạc bộ sức khỏe, trường bắn và bể cá heo. Thành phố kết nghĩa Algiers, Algérie Chiang Mai, Thái Lan Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất Jakarta, Indonesia Kathmandu, Nepal Moskva, Nga Thiên Tân, Trung Quốc
Tổng thống Cộng hòa Pháp (tiếng Pháp: Président de la République française), thường được gọi là Tổng thống Pháp, là nguyên thủ quốc gia của Cộng hòa Pháp. Với chức vụ này, tổng thống Pháp cũng kiêm tước vị Đồng thân vương của Công quốc Andorra và Tổng Chỉ huy Binh đoàn Danh dự (Légion d'honneur). Sách tiếng Việt vào đầu thế kỷ 20 gọi chức vị này là Giám quốc Pháp. Bốn trong năm nền cộng hòa của Pháp đã có tổng thống làm nguyên thủ, vì thế chức này là chức tổng thống tồn tại lâu đời nhất châu Âu và thứ 2 thế giới (sau tổng thống Hoa Kỳ). Qua hiến pháp của mỗi nền cộng hòa, các quyền lực, địa vị, và trách nhiệm của tổng thống đã trải qua nhiều thay đổi. Tổng thống đương nhiệm là Emmanuel Macron (nhậm chức ngày 14 tháng 5 năm 2017). Quyền lực Khác với chức tổng thống ở các nước châu Âu khác, Tổng thống Pháp có nhiều quyền lực thật sự, nhất là trong vấn đề ngoại giao. Tuy Thủ tướng và Nghị viện điều hành việc lập pháp, Tổng thống có nhiều ảnh hưởng quan trọng, chính thức và theo thông lệ. Tổng thống là chức vụ cao nhất đất nước, cao hơn tất cả các chức vụ khác. Có thể quyền quan trọng nhất của Tổng thống là chọn Thủ tướng. Tuy thế, vì chỉ có Quốc hội mới có quyền bãi nhiệm chính phủ của một Thủ tướng, Tổng thống bị buộc phải chọn một Thủ tướng được đa số Quốc hội tán thành. Khi phần đông Quốc hội không tán thành chính sách của Tổng thống, việc này dẫn đến việc "sống chung chính trị" (cohabitation). Trong trường hợp này, quyền của Tổng thống bị giới hạn, vì quyền thực sự dựa vào sự ủng hộ của Thủ tướng và Quốc hội chứ không phải vào quyền có từ hiến pháp. Tuy nhiên, theo thông lệ thì Tổng thống điều khiển chính sách ngoại giao, nhưng cũng phải hợp tác với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Khi phần đông Quốc hội có cùng quan điểm với Tổng thống, Tổng thống đóng được một vai trò tích cực hơn, và do đó điều khiển chính sách chính phủ. Lúc này, Thủ tướng chỉ là một cái "ngòi", và sẽ bị thay đổi khi chính phủ không được dân tán thành. Theo Hiến pháp Pháp, sau đây là các quyền lực của Tổng thống: Công bố các đạo luật Tổng thống có thể triệu tập một phiên họp Hội đồng Lập hiến trước khi ký thông qua 1 đạo luật Bổ nhiệm một số chức vụ quan trọng trong chính phủ (với sự phê chuẩn của nội các) Bổ nhiệm 3 trong số 9 thành viên của Hội đồng Lập hiến, trong đó có Chủ tịch của Hội đồng Tiếp đón các đại sứ nước ngoài. Làm nhẹ tội (không ân xá) các tội phạm. Việc này quan trọng khi Pháp còn có án tử hình: tội phạm có thể xin Tổng thống giảm án xuống tù chung thân thay vì tử hình. Bầu cử Sau khi Đệ ngũ Cộng hoà thành lập năm 1958, người dân Pháp không trực tiếp bầu lên Tổng thống mà thông qua các đại cử tri. Ngày 28 tháng 10 năm 1962, một cuộc trưng cầu dân ý về hình thức bỏ phiếu trực tiếp được tổ chức, và với 61,7% ý kiến ủng hộ, kể từ năm 1965, việc bầu cử tổng thống Pháp chính thức được tổ chức theo hình thức phổ thông đầu phiếu. Các ứng cử viên tổng thống cần đảm bảo điều kiện sức khoẻ cũng như không được dưới 23 tuổi và quan trọng nhất là phải có được sự ủng hộ của một nhóm các chính khách (thành viên của Thượng nghị viện, Hạ nghị viện, thị trưởng, tỉnh trưởng, các thành viên trong Hội đồng Cố vấn của vùng). Trước đây, mỗi ứng cử viên được yêu cầu có sự ủng hộ của 100 chính khách, nhưng từ sau một điều luật được thông qua ngày 28 tháng 6 năm 1976, số chữ ký ủng hộ mà mỗi ứng viên Tổng thống cần có tăng lên 500. Luật cũng nói rằng những người ủng hộ này phải đến từ ít nhất 30 tỉnh (Chính quốc và Hải ngoại) và mỗi tỉnh có không quá 10% số người ủng hộ. Sau khi thu thập đủ số chữ ký ủng hộ, Hội đồng Lập hiến nhà nước sẽ là cơ quan kiểm tra tính hợp pháp cho hồ sơ của mỗi ứng viên. Cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong vòng từ 20 tới 35 ngày trước khi Tổng thống đương chức mãn nhiệm hoặc từ 20 tới 35 ngày sau khi Tổng thống đương chức qua đời hay từ chức. Trước đây, mỗi nhiệm kì Tổng thống Pháp kéo dài 7 năm. Nhưng kể từ sau một đạo luật thông qua ngày 20 tháng 11 năm 1973, qua đó cho phép các ứng viên tổng thống ứng cử không giới hạn số nhiệm kì, ý tưởng rút ngắn nhiệm kì tổng thống mới hình thành. Tổng thống Pháp khi đó là Georges Pompidou đã đề xuất việc rút ngắn mỗi nhiệm kì tổng thống từ 7 năm xuống còn 5 năm nhưng gặp phải nhiều ý kiến phản đối. Mãi tới tháng 6 năm 2000, Hạ viện rồi sau đó là Thượng viện Pháp mới thông qua đề xuất rút ngắn nhiệm kì. Một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức ngày 24 tháng 9 cùng năm cũng cho thấy 73% dân chúng Pháp đồng thuận với ý kiến này. Hiến pháp mới của nước Pháp năm 2008 cũng quy định không một ứng viên nào được phép ứng cử quá 2 nhiệm kì liên tiếp, đồng nghĩa với không Tổng thống Pháp nào trong tương lai có nhiệm kì quá 10 năm liên tục. Tổng thống Pháp được bầu cử theo nhiều vòng. Nếu không ứng cử viên nào thắng được đa số phiếu (trên 50%) thì hai ứng cử viên với nhiều phiếu nhất sẽ tranh đấu nhau trong vòng thứ hai. Trong lịch sử Đệ ngũ Cộng hoà, có ba tổng thống là François Mitterrand,Jacques Chirac và Emmanuel Macron được bầu làm Tổng thống hai nhiệm kỳ (Charles de Gaulle cũng được bầu làm tổng thống 2 nhiệm kỳ, song từ chức khi đương nhiệm vào năm 1969). Tổng thống Nicolas Sarkozy được bầu lần đầu năm 2007 và nhiệm kỳ của ông đã kết thúc năm 2012. Tổng thống François Hollande được bầu lần đầu năm 2012 và nhiệm kỳ của ông đã kết thúc năm 2017. Chức vụ bỏ trống Trong trường hợp chức vụ Tổng thống bị bỏ trống (đột ngột qua đời, từ chức hay bị đình chỉ chức vụ tạm thời theo yêu cầu của Hội đồng Lập hiến) thì Chủ tịch Thượng viện có quyền chỉ định một Tổng thống tạm quyền. Việc tạm quyền Tổng thống không được phép kéo dài quá 35 ngày và Tổng thống tạm quyền có đầy đủ quyền hành trừ những điều khoản đặc biệt quy định trong điều 16 Hiến pháp. Theo đó Tổng thống tạm quyền không được phép sửa đổi Hiến pháp, tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý cũng như giải tán Hạ viện. Trong lịch sử của Đệ ngũ Cộng hoà, từng có 2 lần việc tạm quyền Tổng thống diễn ra. Lần đầu là vào năm 1969, Alain Poher tạm quyền sau khi Charles de Gaulle từ chức tổng thống và lần thứ 2 là vào năm 1974, sau khi tổng thống Georges Pompidou qua đời và người tạm quyền là Valéry Giscard d'Estaing, sau này cũng được bầu làm Tổng thống nước Cộng hoà Pháp. Danh sách Tổng thống Cộng hòa Pháp Đệ nhị Cộng hòa Pháp Louis-Napoléon Bonaparte III,1848 – 1852 (tự phong làm hoàng đế năm 1852, cai trị đến năm 1870) Louis Jules Trochu (quyền), 1870 – 1871 Đệ tam Cộng hòa Pháp Adolphe Thiers, 1871 – 1873 Patrice de Mac Mahon, duc de Magenta, 1873 – 1879 Jules Grévy, 1879 – 1887 Marie François Sadi Carnot, 1887 – 1894 Jean Casimir-Périer, 1894 – 1895 Félix Faure, 1895 – 1899 Émile Loubet, 1899 – 1906 Armand Fallières, 1906 – 1913 Raymond Poincaré, 1913 – 1920 Paul Deschanel, 18 tháng 2 1920 – 21 tháng 9 - 1920 Alexandre Millerand, 1920 – 1924 Gaston Doumergue, 1924 – 1931 Paul Doumer, 1931 – 1932 Albert Lebrun, 1932 – 1940 Thể chế Vichy Henri Philippe Pétain, 1940 – 1944 ("Quốc trưởng", không dùng từ tổng thống) Thể chế Tự Do nước Pháp Charles de Gaulle, 1940 – 1944 ("Lãnh tụ Tự do Pháp", không dùng từ tổng thống) Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp ("Chủ tịch Chính phủ lâm thời", không dùng từ tổng thống) Charles de Gaulle, 1944 – 1946 Félix Gouin (Đảng Xã hội), 1946 Georges Bidault (Phong trào Cộng hòa Nhân dân), 1946 Léon Blum (Đảng Xã hội), 1946 – 1947 Đệ tứ Cộng hòa Pháp Vincent Auriol (Đảng Xã hội), 1947 – 1954 René Coty (Đảng Tự do), 1954 – 1959 Đệ ngũ Cộng hòa Pháp Charles de Gaulle (Liên hiệp Dân chủ Cộng hòa), 1959 – 1969 Georges Pompidou (Liên hiệp Dân chủ Cộng hòa), 1969 – 1974 Valéry Giscard d'Estaing (Liên hiệp Cộng hòa Pháp), 1974 – 1981 François Mitterrand (Đảng Xã hội), 1981 – 1995 Jacques Chirac (Liên hiệp vì nền Cộng hòa), 1995 – 2007 Nicolas Sarkozy (Liên minh Phong trào Nhân dân), 2007 – 2012 François Hollande (Đảng Xã hội) 2012 – 2017 Emmanuel Macron (Tiến bước!), 2017 – nay
Giết người hay sát nhân (tiếng Anh: murder) là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Hành vi tước đoạt tính mạng người khác được hiểu là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người, chấm dứt sự sống của họ. Hậu quả của hành vi trái luật này là hậu quả chết người. Như vậy, tội giết người chỉ được coi là tội phạm hoàn thành khi có hậu quả chết người. Nếu hậu quả chết người không xảy ra vì nguyên nhân khách quan thì hành vi phạm tội được coi là tội giết người không thành (khi có lỗi cố ý trực tiếp) hoặc là tội cố ý gây thương tích (khi có lỗi cố ý gián tiếp). Mục đích và động cơ phạm tội không là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm tội giết người và được quy định là tình tiết định khung tăng nặng hình phạt. Cấu thành tội phạm Mặt chủ quan Lỗi của người phạm tội là cố ý. Có thể là lỗi cố ý trực tiếp hay lỗi cố ý gián tiếp. Lỗi cố ý trực tiếp: Người phạm tội thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra, nhưng vì mong muốn hậu quả đó xảy ra nên đã thực hiện hành vi phạm tội. Ví dụ như dùng súng trực tiếp bắn vào đầu hoặc tim của nạn nhân dẫn đến tử vong. Lỗi cố ý gián tiếp: Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra, nhưng để đạt được mục đích của mình nên đã có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra (có ý thức chấp nhận hậu quả đó). Ví dụ trường hợp biết nạn nhân không biết bơi, người thực hiện hành vi phạm tội đã đẩy nạn nhân ngã xuống hồ bơi, sông hồ để nạn nhân chết đuối. Mặt khách quan Hành vi khách quan của tội giết người có thể là hành động như: bóp cổ, đấm đá, bẻ cổ, bịt miệng, bịt mũi... hay sử dụng vũ khí hoặc chất độc tác động lên người khác (đâm, chém, bắn, bỏ thuốc độc,...). Hành vi khách quan của tội giết người còn có thể là không hành động. Đó là các trường hợp chủ thể có nghĩa vụ phải hành động, phải làm những việc cụ thể nhất định để đảm bảo sự an toàn về tính mạng của người khác nhưng chủ thể đã không hành động và là nguyên nhân gây ra cái chết của nạn nhân. Ví dụ: Người mẹ cố ý không cho con bú dẫn đến đứa trẻ bị chết là một trường hợp của không hành động. Hành vi giết người còn có thể thực hiện thông qua hành động của người không có năng lực trách nhiệm hình sự, ví dụ: một người đã thành niên xúi giục một cậu bé dưới 14 tuổi thực hiện hành vi giết người, thì hành vi xúi giục đó được coi là hành vi giết người và người có hành vi xúi giục là người thực hành trong tội giết người. Chủ thể Chủ thể của tội giết người là chủ thể thường, nghĩa là những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định đều có khả năng trở thành chủ thể của tội giết người. Theo quy định của Bộ luật hình sự: - Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi: có năng lực trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.- Từ đủ 16 tuổi trở lên: Chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Khách thể Khách thể của tội giết người là quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người (đang sống). Ghi chú: Thai nhi không được xem là một con người đang sống cho đến khi được sinh ra và còn sống. Cho nên việc "giết" một bào thai không được xem là hành vi giết người mà chỉ được xem là hành vi cố ý gây thương tích hoặc là tình tiết tăng nặng trong trường hợp giết người là phụ nữ mà biết là ngươi đó đang mang thai. Giết người và những hành vi làm chết người khác Trong Luật Hình sự của các nước, hành vi giết người được quy định là một tội danh. Hành vi đó do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện, là lỗi cố ý. Đối với họ, hình phạt họ phải chịu là rất nghiêm khắc (từ 07 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình; 01 năm đến 05 năm trong trường hợp chuẩn bị giết người mà bị phát hiện; ngoài ra còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm). Các khung tăng nặng hình phạt bao gồm: Giết 02 người trở lên; Giết người dưới 16 tuổi; Giết phụ nữ mà biết là có thai; Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; Thực hiện tội phạm một cách man rợ; Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; Thuê giết người hoặc giết người thuê; Có tính chất côn đồ; Có tổ chức; Tái phạm nguy hiểm; Vì động cơ đê hèn. Trong Luật hình sự Việt Nam Tội danh giết người trong Bộ Luật Hình sự Việt Nam 2015 được quy định trong chương XIV (Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người) các điều từ 123 đến 126. Lưu ý là tại Việt Nam thì người thực hiện hành vi trái luật làm người khác chết, dù xảy ra đồng thời cùng thời điểm với cái chết tự nhiên của nạn nhân, vẫn bị quy định là tội danh giết người. Các hành vi gây chết người khác Một số hành vi khác, cũng dẫn đến hậu quả chết người, nhưng không coi là hành vi của tội giết người như: Hành vi đúng luật: Hành vi gây ra cái chết cho người khác được pháp luật cho phép (phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội, thi hành án tử hình người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng...) Hành vi trái luật: Hành vi làm chết người trong khi thi hành công vụ, hành vi vô ý làm chết người, hành vi bức tử, hành vi xúi giục hoặc giúp người khác tự sát, hành vi giết con mới đẻ, hành vi giết người do tinh thần bị kích động mạnh, giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng... Hành vi làm chết người nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự: Giết người nhưng đã hết thời hiệu truy cứu TNHS, người dưới 14 tuổi làm chết người, làm chết người do sự kiện bất ngờ, người không có năng lực trách nhiệm hình sự làm chết người, rủi ro trong nghiên cứu khoa học, thi hành mệnh lệnh hoặc chỉ huy của cấp trên... Trong những trường hợp có hành vi trái luật như thế người ta không quy định là tội giết người mà được quy định bằng một tội danh cụ thể, tương ứng với hành vi. Khung hình phạt đối với những tội danh này không nghiêm khắc bằng khung hình phạt của tội giết người. Những quốc gia có tỉ lệ giết người cao trên Thế giới Anh quốc Theo một thống kê gần đây cho thấy, ở Anh và Wales trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 854 vụ giết người. Đọc thêm Luật hình sự
Cướp là từ chỉ một hành động mang tính nhanh chóng, mạnh mẽ. Trong Luật Hình sự: Cướp, là việc sử dụng vũ lực nhằm chiếm đoạt thứ gì đó của người khác, thông thường là tài sản. Nghĩa bóng: Chỉ việc nắm ngay lấy (thời cơ), không để mất đi; giành lấy. Cướp thời cơ.
Cướp hay cướp tài sản trong luật hình sự là một tội danh chỉ người nào sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa sử dụng ngay tức khắc vũ lực đối với người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Thủ phạm gây ra vụ cướp gọi là tên cướp. Bạo lực là dấu hiệu phổ biến nhất của bọn cướp, trong trường hợp xảy ra giết người thì tội danh biến thành cướp của giết người. Cướp thường xảy ra ở nơi có nhiều tài sản (dễ bị tấn công) như vùng đô thị thành phố. Nhiều nhất ở những nơi tối tăm, nhiều người ở lễ hội, công viên, siêu thị, bến xe buýt... Luật xử tội ở một số nước Việt Nam Theo Luật Hình sự của Việt Nam (1999), Điều 133: Tội cướp tài sản1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Ngoài ra còn có tội cưỡng đoạt tài sản (điều 135), tội cướp giật tài sản (điều 136), tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (điều 137)... Đề phòng Khóa cửa nhà ra vào cẩn thận, các cánh cửa sổ lại hết Trẻ nhỏ hay người già không được ở nhà một mình Trẻ nhỏ không mở cửa cho người lạ vào mà không có sự giám sát của người lớn Bóp ví, tiền bạc, túi xách phải giữ sát bên mình Không nên về nhà vào buổi tối quá khuya Nên chọn đường đi có nhiều ánh sáng đèn vào buổi tối Không mang nhiều tiền trang sức bên mình Nên đi chung với nhiều người thân và bạn bè
Hồ Dầu Tiếng là một hồ nước nhân tạo nằm trên địa bàn 3 tỉnh gồm Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước thuộc vùng Đông Nam Bộ, Việt Nam. Hồ được hình thành do chặn dòng thượng nguồn sông Sài Gòn, là hồ thủy lợi lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Hiện nay, Hồ Dầu Tiếng chịu sự quản lý của Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy Lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Từ năm 2017, hồ Dầu Tiếng trở thành công trình liên quan đến an ninh quốc gia. Sơ lược Hồ Dầu Tiếng nằm trải rộng trên địa bàn 4 huyện: Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương), Dương Minh Châu, Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) và Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) với diện tích mặt hồ lên đến 270 km², tổng dung tích là 1,58 tỷ m³ nước. Ngoài điều tiết nước xuống sông Sài Gòn, nhiệm vụ chính của hồ Dầu Tiếng là tưới trực tiếp cho trên 100.000 ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và Long An. Hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng có 3 kênh chính là kênh Đông, kênh Tây và kênh Tân Hưng có nhiệm vụ đưa nước về điều phối cho trên 1.550 km các tuyến kênh nhánh tại các địa phương. Ngoài ra, hiện nay lòng hồ còn là nơi được người dân tận dụng để nuôi trồng thủy sản. Lịch sử Công trình thủy lợi Dầu Tiếng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 1979, khởi công xây dựng vào ngày 29 tháng 4 năm 1981 với tổng số vốn là 110 triệu USD tại ấp Thuận Bình xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh dưới sự hiện diện của Phó Thủ tướng Huỳnh Tấn Phát. Lúc bấy giờ, hồ đã bị lãnh đạo tỉnh Tây Ninh phản đối vì tốn đất và 2/3 diện tích hồ là ở Tây Ninh nhưng lại đặt tên hồ là Dầu Tiếng, một địa danh của Bình Dương. Nguồn vốn xây dựng hồ được cho là từ khoản vay ưu đãi hơn 100 triệu USD của Ngân hàng Thế giới, lúc bấy giờ do Robert Strange McNamara làm Chủ tịch, ông từng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và được xem như "kiến trúc sư trưởng" của chiến tranh Việt Nam. Đây cũng là số tiền đầu tiên mà Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vay thành công, chính vì vậy mà công trình này được xem là công trình đầu tiên sau năm 1975 được xây dựng bằng đô la Mỹ. Nhân công xây dựng hồ lúc bấy giờ là các thanh niên, có thời điểm lên đến hàng chục ngàn người. Số liệu thống kê của tỉnh đoàn Tây Ninh cho biết, đến ngày công trình đưa vào vận hành, Tây Ninh và các tỉnh, thành lân cận đã huy động được hơn 450 ngàn lượt đoàn viên - thanh niên tham gia; thực hiện gần 15 triệu ngày công lao động; đào đắp được hơn 11,6 triệu m³ đất, xây lắp gần 54 ngàn m³ bê tông và đá xây... để xây dựng nên hàng ngàn km kênh và hàng ngàn công trình trên kênh. Ngày 2 tháng 7 năm 1984, hồ bắt đầu tích nước và đến ngày 10 tháng 1 năm 1985, hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng với hai tuyến kênh chính Đông và Tây chính thức đưa vào khai thác. Năm 1985, ngay tại công trường, Thân Công Khởi - nguyên công nhân lái máy cạp tự hành, tham gia thi công đập chính và sau đó thi công kênh Tây, một trong 2 tuyến kênh huyết mạch của hồ Dầu Tiếng - đã được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, ông là người duy nhất trong nửa triệu người thi công được danh hiệu này. Từ năm 1996 đến năm 1999, kênh Tân Hưng được xây dựng để dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng tưới cho các xã phía nam của hai huyện Tân Châu và Tân Biên. Năm 2012, hồ thủy lợi Phước Hòa và kênh dẫn nước đi vào hoạt động để chuyển nước từ sông Bé sang sông Sài Gòn, từ đây bổ sung nước cho hồ Dầu Tiếng. Chính vì vậy, đây còn là công trình thủy lợi có chức năng chuyển nước từ sông này qua sông khác, hồ tiếp nước cho hồ. Từ ngày 6 tháng 6 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an đã cử cán bộ vào Tây Ninh quyết định đưa công trình hồ chứa nước Dầu Tiếng vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giao cho công ty chủ quản hồ thực hiện dự án đầu tư, sửa chữa nâng cao an toàn đập, hồ chứa nước với kinh phí 157 tỉ đồng và hoàn thành trong năm 2022 khi phát hiện những vết nứt. Công ty này còn đề xuất đầu tư 1.500 tỉ đồng để sửa chữa và nâng cấp hồ từ 2021 - 2025. Khai thác Du lịch Năm 2008, UBND tỉnh Tây Ninh đã kêu gọi đầu tư các khu vực du lịch hình thành bên trong hồ gồm: đảo Nhím, cù lao Sỉn, cù lao Tân Thiết, Tân Hoà, Bà Chiêm, Tà Dơ, Đồng Kèn và dọc bờ phía Nam của hồ. Năm 2022, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức cuộc họp nghe đơn vị tư vấn báo cáo Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí rừng phòng hộ Núi Cậu – Dầu Tiếng giai đoạn 2021 – 2030 như "Đà Lạt thu nhỏ". Bãi tắm Vào năm 2016, nhiều người dân đã phát hiện ra một bãi tắm tự phát khu vực hồ Dầu Tiếng. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã yêu cầu người dân tháo dỡ, di dời khỏi khu vực lòng hồ vì không ai quản lý có thể gây mất an ninh trật tự và đuối nước. Đến cuối tháng 5 cùng năm, khu vực này đã được UBND tỉnh Tây Ninh giao cho các đơn vị liên quan đầu tư cơ sở hạ tầng xuất phát, cải tạo thành bãi tắm tự nhiên mang tên "Biển Tây Ninh". Dù lượn Vào năm 2022, dưới sự quản lý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, Liên đoàn dù lượn, diều bay thể thao đã được thành lập với lễ ra mắt và biểu diễn dù lượn được tổ chức tại khu vực hồ Dầu tiếng, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh trong vòng 2 ngày là ngày 30 tháng 4 và 1 tháng 5. Thủy sản Theo một khảo sát của Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tây Ninh), hồ Dầu Tiếng có hơn 50 loài cá, trong đó có 10 loại có giá trị kinh tế như cá thát lát, cá lăng, cá lóc, cá cơm… Mỗi năm, tỉnh Tây Ninh đã trích ngân sách từ 500 - 700 triệu đồng để thả hàng chục triệu con cá giống các loại vào hồ nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản. Thủy lợi Hệ thống công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà, dưới sự quản lý vận hành của Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà phục vụ cấp nước, chống lũ, đẩy mặn và cải tạo môi trường cho vùng hạ du lưu vực sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông. Hồ đang là nguồn cung cấp trực tiếp nước cho sản xuất với 116.953 ha thuộc địa bàn các tỉnh, thành phố: Tây Ninh (92.953 ha), Thành phố Hồ Chí Minh (12.000 ha) và Long An (12.000 ha); đồng thời tưới tạo nguồn cho ven sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ đông 93.954 ha. Năm 2017, Đinh La Thăng đề nghị khởi động lại dự án đường ống nước nối từ hồ Dầu Tiếng về nhà máy nước ở Thành phố Hồ Chí Minh bằng cách kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Nhà máy điện Mặt trời Điện mặt trời Dầu Tiếng là nhóm nhà máy điện mặt trời xây dựng trên vùng đất bán ngập và ven hồ Dầu Tiếng ở các huyện Tân Châu và Dương Minh Châu tỉnh Tây Ninh, Việt Nam. Nguy cơ Theo các chuyên gia thủy lợi Việt Nam, nếu đập chính của hồ Dầu Tiếng bị vỡ thì chưa đầy 1 ngày, trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ngập sâu đến 2,38 m. Theo thiết kế, lưu lượng xả tràn của hồ Dầu Tiếng có thể lên đến 2.800 m3/giây với mực nước lũ 26,92 m. Trong khi đó, sức tải lũ của sông Sài Gòn còn rất thấp. Năm 2022, Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai nhấn mạnh "Nếu khi có tình huống xấu xảy ra, nguy cơ sẽ rất lớn, thiệt hại gây ra sẽ không nhỏ và có thể trở thành thảm họa đối với Thành phố Hồ Chí Minh". Chú thích Hồ tại Bình Dương Hồ tại Tây Ninh Hồ tại Bình Phước Hồ nhân tạo Sông Sài Gòn Công trình thủy lợi An ninh quốc gia
Hồ Kẻ Gỗ (Công trình Thủy lợi Kẻ Gỗ) là một hồ nước nhân tạo tại xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Kẻ Gỗ là hồ lớn nhất ở Hà Tĩnh. Hồ Kẻ Gỗ là một công trình nhân tạo mang tính chất phục vụ thủy lợi là chính, hồ được xây dựng trên lưu vực của sông Rào Cái. Hồ được khởi công xây dựng từ năm 1976 tới năm 1980 thì hoàn thành các hạng mục chính, đến năm 1983 thì toàn bộ hệ thống được đưa vào sử dụng. Hồ nằm giữa các sườn đồi, núi thuộc huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, cách thành phố Vinh 70 km về phía nam. Hồ dài gần 30 km, gồm 1 đập chính và 3 đập phụ với sức chứa hơn 300 triệu m³ nước. Hồ Kẻ Gỗ đầu tiên do các nhà quy hoạch người Pháp thiết kế và bắt đầu thi công một số hạng mục thì chiến tranh thế giới thứ hai và sau đó là chiến tranh Đông Dương nổ ra nên bị bỏ dở. Cho mãi đến khi đất nước thống nhất các nhà thiết kế thủy lợi Việt nam mới hoàn chỉnh thiết kế và thi công. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã sáng tác bài hát Người đi xây hồ Kẻ Gỗ để nói về quá trình xây dựng hồ.
Hồ Hòa Bình hay hồ thủy điện Hòa Bình là công trình chứa nước cung cấp cho nhà máy thủy điện Hòa Bình. Dự trữ nước vào mùa khô. Đây là hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, nằm trên sông Đà, có chiều dài 230 km từ Hoà Bình đi Sơn La. Đập chính của hồ nằm tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Dung tích của hồ vào khoảng 9,45 tỷ mét khối. Hồ có tất cả 12 cửa xả đáy. Nếu mở tất cả 12 cửa xả đáy sẽ phải di dân toàn bộ thành phố Hòa Bình và vùng hạ du
Hồ Thác Bà là nguồn cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Thác Bà thuộc tỉnh Yên Bái. Hồ nằm cách thành phố Hà Nội 180 km theo quốc lộ 2 hoặc quốc lộ 32 về phía tây bắc. Hồ Thác Bà được hình thành khi đập thủy điện Thác Bà hoàn tất năm 1971 làm nghẽn dòng sông Chảy và tạo ra hồ. Diện tích vùng hồ: 23400 ha, diện tích mặt nước: 19050 ha, dài: 80 km, mực nước dao động từ 46 m đến 58 m, chứa được 3 đến 3,9 tỉ mét khối nước. Ngoài dòng sông Chảy là nơi cung cấp nước chủ yếu, hồ Thác Bà còn có một hệ thống sông ngòi lớn như: ngòi Hành, ngòi Cát,... đổ về, làm tăng lượng phù sa lớn và các loài sinh vật phong phú cho hồ. Hồ Thác Bà có hơn 1.300 đảo lớn nhỏ tạo nên nhiều hang động và cảnh đẹp sơn thủy hữu tình. Hồ Thác Bà thuộc hai huyện Lục Yên và Yên Bình (Yên Bái). Du lịch hồ Thác Bà Không chỉ là một thắng cảnh đẹp, hồ Thác Bà còn là chứng tích lịch sử nổi tiếng và đã được công nhận là quần thể di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1996. Hồ góp phần rất lớn vào việc bảo vệ và cải tạo môi trường làm cho mùa hè nhiệt độ giảm từ 1 đến 2 °C, tăng độ ẩm tuyệt đối vào mùa khô lên 20% và lượng mưa từ 1.700 đến 2.000 mm, tạo điều kiện cho thảm thực vật xanh tốt. Các dãy núi đá vôi đã tạo ra một hệ thống hang động rất đẹp trên hồ. Động Thủy Tiên, nằm trong lòng núi đá dài khoảng 100 m với những nhũ đá lấp lánh khi được chiếu sáng tạo ra muôn hình vạn trạng. Động Xuân Long nằm ẩn trong núi đá. Đi sâu vào trong động du khách không khỏi ngỡ ngàng trước những tượng đá tự nhiên kỳ lạ. Núi Cao Biền là dãy núi lớn và dài nhất của thắng cảnh hồ Thác Bà, có thể đứng trên đỉnh núi phóng tầm mắt ngắm cảnh hồ chìm trong sương với vẻ đẹp lung linh huyền ảo. Khu vực hồ thuộc huyện Lục Yên lại có nhiều di tích lịch sử đền Đại Cại, hang Ma mút, chùa São, núi Vua Áo Đen... Tại đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những dấu vết của người Việt cổ. Khu vực làng ven hồ vẫn giữ được nét hoang sơ cùng bản sắc văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Phù Lá, Cao Lan... Nhiều lễ hội đặc sắc thường diễn ra như: Lễ hội mừng cơm mới của người Tày tổ chức vào ngày 9 tháng 10 âm lịch khi tiết trời sang thu, mùa thu hoạch lúa nếp đến, mùi thơm lan tỏa khắp bản làng. Trong đêm trăng sáng, lễ hội tưng bừng, trai gái hẹn hò nhau cùng giã cốm, rồi từng cặp nhảy múa với trang phục rất độc đáo. Lễ Tết nhảy của dân tộc Dao với các điệu múa miêu tả cuộc sống của cộng đồng, như cấy lúa, làm nương... với hình thức mang đậm nét dân gian. Khai thác làm thủy điện Tại hồ Thác Bà có nhà máy thủy điện Thác Bà. Thông số kỹ thuật chính của hồ chứa và nhà máy: Vị trí: trên sông Chảy. Diện tích lưu vực: 6.430km2. Công suất lắp máy: 120MW. Chiều cao lớn nhất của đập: 48m. Chiều dài đỉnh đập: 657m. Thể tích đập: 1,33 triệu m3. Dung tích hữu ích của hồ chứa: 2.160.000.000 m3. Dung tích toàn bộ của hồ chứa:2.490.000.000 m3. Diện tích mặt hồ ứng với MN bình thường: 235km2. Chiều dài lớn nhất của hồ chứa: 80 km. Cao trình MNBT: +58,0 Cao trình MN lũ 0,01%: +61,0 Cao trình MN lũ 0,1%: +59,65 Cao trình MN lũ 1%: +58,85 Mực nước chết: +46,0 Mực nước trước lũ: +50,3 Khả năng xả lũ lớn nhất: 3.650m3/s.
Hồ Trị An là một hồ nước nhân tạo nằm trên sông Đồng Nai, thuộc các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Thống Nhất và Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam. Hồ là nơi trữ nước để cung cấp cho Nhà máy thủy điện Trị An. Hồ Trị An được khởi công vào năm 1984 và hoàn thành đầu năm 1987. Hồ Trị An có diện tích mặt hồ rộng 323 km², với dung tích toàn phần 2,765 tỷ m³, dung tích hữu ích 2,547 tỷ m³. Hồ được thiết kế để cung cấp nước cho Nhà máy thủy điện Trị An với công suất 400 MW với sản lượng điện hàng năm 1,7 tỷ kWh. Phía thượng nguồn của hồ có Vườn quốc gia Cát Tiên - nơi có nhiều thảm thực vật xanh quý còn sót lại với nhiều loài động vật quý hiếm. Trên vùng hồ Trị An, tạm thống kê có 72 hòn đảo lớn nhỏ, rải rác có nhà dân sinh sống.
Hồ Lắk là một hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất tỉnh Đăk Lăk và hồ tự nhiên lớn thứ hai Việt Nam sau Hồ Ba Bể. Xung quanh hồ có những dãy núi lớn được bao phủ bởi các cánh rừng nguyên sinh. Buôn Jun, một buôn làng nổi tiếng của người M'Nông, nằm cạnh hồ này. Xung quanh hồ còn có những kiến trúc lịch sử như biệt điện của hoàng đế Bảo Đại, nhà dài của người M'Nông. Khái quát Hồ Lắk nằm bên thị trấn Liên Sơn (hay Lạc Thiện) thuộc huyện Lắk, cạnh tuyến đường giao thông giữa Buôn Ma Thuột và Đà Lạt, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 56 km về phía nam theo quốc lộ 27. Qua đèo Lạc Thiện khoảng 10 km trước khi vào thị trấn Lạc Thiện sẽ nhìn thấy hồ nằm bên tay phải. Còn không gian của khu rừng lịch sử, văn hóa, môi trường hồ Lắk còn bao trùm các xã Bông Krang, Yang Tao, Đắk Liêng. Đây là hồ tự nhiên có độ sâu lớn nhất còn hơn cả Biển Hồ (tỉnh Gia Lai). Dân tộc bản địa ở đây còn có cả một huyền thoại nói hồ sâu không đáy hoặc thông qua tận Biển Hồ. Hồ rộng trên 5 km², được thông với con sông Krông Ana. Mặt hồ luôn xanh thắm, xung quanh hồ được bao bọc bởi những dãy núi cao nên mặt nước hồ luôn phẳng lặng và có các cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hệ động thực vật phong phú. Theo truyền thuyết hồ lắk được tạo ra bởi anh hùng lắk liêng người dân tộc M'Nông Lịch sử và văn hóa Bên Hồ Lắk có buôn Jun, buôn M'Liêng (buôn cổ nhất và còn nhiều hoang sơ), buôn Lê, những buôn làng tiêu biểu của dân tộc M'Nông, các buôn này được tổ chức thành một điểm du lịch quan trọng ở Đăk Lăk như những buôn bảo tồn, giới thiệu văn hóa dân tộc bản địa Tây nguyên. Ở đây còn lưu giữ được rất nhiều những ngôi nhà dài truyền thống với mái lợp cỏ tranh vách thưng liếp nứa và một đàn voi hơn 20 con. Du khách đến đây không chỉ tham quan hồ Lắk mà còn thưởng thức những nét văn hóa Tây Nguyên như điệu múa lửa, múa ngày mùa, diễn xướng cồng chiêng, tơ rưng, k'lông pút, đàn đá,cưỡi voi hoặc dùng thuyền độc mộc đi dạo trên hồ hoặc vượt qua hồ. Ngoài những hoạt động bên hồ Lăk, du khách có thể tham quan thác Buôn Bíp, dòng suối đá hoang sơ bên cạnh cánh đồng cà phê và lúa thơ mộng. Để tìm hiểu sâu sắc hơn du khách có thể liên hệ cơ sở du lịch Đức Mai, Vân Long elephant, Vạn Phát Tourist để nhờ hướng dẫn viên địa phương hướng dẫn tham quan. Nơi đây có món đặc sản là chả cá thát lát hồ lăk, loài cá này đem làm chả cho độ dẻo và thơm rất đặc biệt. Với sự phong phú về nguyên liệu, người M'nông chế biến nhiều món ăn đặc sắc như: gỏi cà đắng cá cơm, cơm lam, canh tro, canh rêu đá... Ở một quả đồi cạnh hồ còn có cả một khu nghỉ dưỡng quy mô rất lớn của Công ty Du lịch Đắk lắk đầu tư khai thác. Ngôi nhà nghỉ mát của cựu hoàng đế Bảo Đại ngày xưa nằm cạnh hồ, trên đỉnh đồi sau lưng thị trấn Liên Sơn. Đây là nơi vua Bảo Đại thường đến ngắm cảnh, săn bắn, nghỉ ngơi mỗi khi có dịp lên Đắk Lắk. Ngôi nhà nằm trên đỉnh đồi cao có góc nhìn rất đẹp bao quát gần như trọn mặt nước của hồ Lắk được xây cùng năm với Chùa Khải Đoan và được đích thân Nam Phương Hoàng hậu chịu trách nhiệm quản lý việc đầu tư xây dựng. Khu rừng lịch sử văn hóa môi trường Hồ Lắk Không gian hồ,di tích Biệt điện và khu rừng xung quanh đã được xác định là Khu rừng lịch sử văn hóa môi trường hồ Lắk (một loại rừng đặc dụng) từ năm 1995 với tổng diện tích là 12.299 ha. Với các chương trình bảo vệ môi trường, phát triển du lịch nhằm bảo vệ các hệ sinh thái rừng núi cao Tây Nguyên và trảng cỏ cây bụi, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã, đặc biệt là các loài đặc hữu và quý hiếm, nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, phát triển du lịch sinh thái... góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương, bảo vệ rừng đầu nguồn để phòng hộ cho hồ Lắk và sông Krông Ana. Ở đây, người ta đã phát hiện ra trong khu rừng có 548 loài thực vật thuộc 118 họ, 132 loài chim, 61 loài thú, 43 loài lưỡng cư-bò sát, 43 loài cá, tôm, cua, ốc. Khí hậu ở đây là kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa của khu vực Tây Nguyên, mỗi năm có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Ghi chú
Đinh hương có thể chỉ: Thực vật Đinh hương dùng làm gia vị và thuốc, có danh pháp khoa học: Syzygium aromaticum thuộc chi Syzygium, họ Myrtaceae (đào kim nương). Xem bài Đinh hương (gia vị). Một số loài cây trong chi Syringa thuộc họ Oleaceae. Các tên gọi chi tiết, xem bài chi Tử đinh hương. Một trong các tên gọi khác của cây pơ mu (Fokienia hodginsii) thuộc họ Hoàng đàn (Cupressaceae), bộ Thông (Pinales). Xem bài chi Pơ mu. Nhân vật Đinh Hương, ca sĩ sinh năm 1987, giành giải á quân chương trình Giọng hát Việt mùa thứ nhất (2012).
Họ Ô liu hay họ Nhài (danh pháp khoa học: Oleaceae), là một họ thực vật có hoa gồm có 24-26 chi hiện còn sinh tồn (1 chi đã tuyệt chủng). Thành phần họ này gồm một số cây mọc theo dạng cây bụi, cây thân gỗ và dây leo. Đồng nghĩa Các danh pháp đồng nghĩa là: Bolivariaceae Griseb. Forstiereae (Forstieraceae) Endl. Fraxineae (Fraxinaceae) Gray Iasmineae (Iasminaceae) Link Jasmineae (Jasminaceae) Juss. Lilacaceae Vent. Nyctantheae (Nyctanthaceae) J. Agardh Syringaceae Horan. Miêu tả Lá Họ này có đặc trưng là các lá mọc đối, chúng có thể là đơn hay lá kép (hoặc là lông chim hoặc là chụm ba), không có lá kèm. Các kiểu sắp xếp so le hay vòng xoắn ít gặp, với một vài loài trong chi Jasminum có kiểu sắp xếp lá xoắn ốc. Phiến lá có gân lông chim và có thể có mép lá với khía răng cưa hay nguyên. Domatia có ở một vài đơn vị phân loại nhất định. Lá hoặc là sớm rụng hoặc là thường xanh, với các loài thường xanh chủ yếu trong khu vực nhiệt đới và ôn đới ấm còn các loài có lá sớm rụng chủ yếu trong các khu vực lạnh hơn. Hoa Hoa chủ yếu là lưỡng tính và có cấu trúc đối xứng tỏa tia, mọc thành chùy hoa hay chùm hoa, thường có hương thơm. Đài hoa (có thể có hay có thể không) và tràng hoa có lá đài hợp và 4 thùy. Bộ nhị có 2 nhị chèn vào khu vực đính quanh bầu và so le với các thùy. Đầu nhụy dạng hai thùy. Bộ nhụy bao gồm một nhụy phức với 2 lá noãn. Bầu nhụy thượng với 2 ngăn, mỗi ngăn chứa 2 noãn. Đôi khi đế của bầu nhụy được bao quanh bằng một đĩa mật. Các loài trong họ chủ yếu là lưỡng tính nhưng đôi khi là đa tạp với cả hoa đực, hoa cái và hoa lưỡng tính trên cùng một cây. Quả Quả có thể là dạng quả mọng, quả hạch, quả nang hay quả cánh. Sử dụng Nhiều thành viên trong họ có tầm quan trọng kinh tế đáng kể. Ô liu (Olea europaea) có tầm quan trọng để thu hoạch quả cũng như dầu thực vật chiết ra từ nó, các loài tần bì (Fraxinus spp.) có giá trị vì có gỗ cứng và dai, còn liên kiều (Forsythia spp.), tử đinh hương, nhài, mộc tê, thủy lạp (Ligustrum spp.) và lưu tô (Chionanthus spp.) là những loại cây cảnh có giá trị trong nghề làm vườn và tạo cảnh quan. Phân loại và các chi Họ này đôi khi được phân chia thành các tông như Fontanesieae, Forsythieae, Jasmineae, Myxopyreae, Oleeae. Phân loại họ này như sau: Tông Fontanesieae L. Johnson: 1 chi, 2 loài tại Sicilia, Tây Á, Trung Quốc. Fontanesia (bao gồm cả Desfontainesia, Fontainesia) - Tuyết liễu Tông Forsythieae L. Johnson: 2 chi, 8 loài tại Đông Á, đông nam châu Âu. Forsythia (bao gồm cả Rangium) - Đầu xuân, liên kiều Abeliophyllum Tông Myxopyreae Boerlage: 3 chi, 7 loài tại khu vực Ấn Độ- Malesia. Dimetra Myxopyrum (bao gồm cả Chondrospermum, Myospyrum) - Nhương lê, giao hạch Nyctanthes - Dạ hoa, đa cua, lài tàu Tông Jasmineae Lamarck & Candolle: 1 (khi gộp cả Menodora) - 2 chi, 225-450 loài tại khu vực nhiệt đới tới ôn đới ấm thuộc Cựu thế giới, vài loài tại châu Mỹ. Jasminum (bao gồm cả Jacksonia, Jasminium, Mogorium, Noldeanthus) - Nhài Menodora (bao gồm cả Bolivaria, Calyptrospermum, Menodoropsis). Có thể gộp trong chi Jasminum. Tông Oleeae Dumortier: 17 chi, 415 loài tại khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, bao gồm cả New Zealand và Hawaii. Chionanthus (bao gồm cả Bonamica, Campanolea, Ceranthus, Cylindria, Dekindtia, Freyeria, Linociera, Majepea, Mayepea, Minutia, Thuinia) - Lưu tô, tráng Comoranthus Forestiera (bao gồm cả Adelia, Bigelovia, Borya, Carpoxis, Geisarina, Nudilus) - Thủy lạp đầm lầy Fraxinus (bao gồm cả Apilia, Aplilia, Calycomelia, Fraxinoides, Leptalix, Mannaphorus, Meliopsis, Ornanthes, Ornus, Petlomelia, Samarpsea) - Tần bì, sầm, tu chanh, bạch lạp Haenianthus †Hesperelaea Ligustrum (bao gồm cả Esquirolia, Faulia, Ligustridium, Parasyringa, Phlyarodoxa, Visiania) - Thủy lạp, nữ trinh, râm, giam, lệch. Nestegis (bao gồm cả Gymelaea) Noronhia (bao gồm cả Binia, Noronhaea). Notelaea (bao gồm cả Notelea, Postuera, Rhysospermum). Olea (bao gồm cả Enaimon, Leuranthus, Pachyderma, Picricarya, Pogenda, Steganthus, Stereoderma, Tetrapilus) - Ô liu. Osmanthus (bao gồm cả Amarolea, Cartrema, Pausia, Siphonosmanthus) - Mộc tê Phillyrea (bao gồm cả Phillyraea, Philyrea, Phyllirea). Picconia (bao gồm cả Henslowia). Priogymnanthus Schrebera (bao gồm cả Nathusia): Sơn biên, quả gỗ, syn biển. Syringa (bao gồm cả Busbeckia, Ligustrina, Lilac, Lilaca, Liliacum) - Tử đinh hương, đinh hương v.v. Tessarandra. Có thể gộp trong chi Chionanthus. Lai ghép ×Osmarea = Osmanthus × Phillyrea Phát sinh chủng loài Wallander và Albert (2000) đề xuất các mối quan hệ phát sinh chủng loài trong phạm vi họ này; với các tông nói trên đều có độ hỗ trợ mạnh, trong đó Myxopyreae, Fontanesieae, Forsythieae và nhánh chứa Jasmineae + Oleeae tạo thành một tứ phân. Tuy nhiên, Lee và ctv. (2007) lại phát hiện thấy Myxopyreae có quan hệ chị-em với phần còn lại của họ (100% độ hỗ trợ tự trợ), với Fontanesieae, Forsythieae và nhánh chứa Jasmineae + Oleeae tạo thành một tam phân; họ nhấn mạnh kiểu phức tạp của các đảo ngược lục lạp trong họ Jasminieae. Franzyk và ctv. (2001) lưu ý rằng Myxopyrum và Nyctanthes (cả hai đều nằm trong Myxopyreae) có các iridoid tương tự. Besnard và ctv. (2009a) xem xét mối quan hệ ở một số chi trong Oleeae và nhận thấy Olea là đa ngành. Cây phát sinh chủng loài dưới đây lấy theo Lee và ctv. (2007). Ghi chú
Hồ Than Thở là một hồ nước tự nhiên thuộc thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) và cũng là một địa điểm du lịch của thành phố này. Tạp chí Indochine (Đông Dương) số 28 ra ngày 13 tháng 3 năm 1941 chọn ảnh hồ Than Thở làm ảnh bìa. Vị trí, địa lý Hồ Than Thở nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 6 km về phía đông, theo trục đường Quang Trung - Hồ Xuân Hương, nằm gần trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt (nay là Học viện Lục quân), và gắn liền với một thời hoàng kim của trường vào thập niên 1950 đầu thập niên 1960. Cứ ngày nghỉ, lễ, chủ nhật là gia đình của các học viên và người yêu kéo đến gặp nhau vui chơi ở đây. Hồ nằm trên đồi cao giữa một rừng thông, không gian hoang vắng tĩnh mịch, cạnh thắng cảnh Đồi thông hai mộ với truyền thuyết về mối tình tan vỡ. Mặt nước hồ luôn trong xanh phẳng lặng. Phía bắc của hồ có một đôi cây thông quấn quýt rất lạ như đôi tình nhân bên nhau không rời. Lịch sử Trước đây vùng hồ Than Thở có một cái ao gọi là Tơnô Pang Đòng. Vào năm 1917, người Pháp đắp đập, xây dựng hồ chứa nước cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt hình thành nên hồ rộng như ngày nay, đặt tên hồ là Lacdes Soupirs với nghĩa thứ hai (tiếng rì rào), nhưng khi dịch sang tiếng Việt lại dịch theo nghĩa thứ nhất (than thở). Theo ông Hiền Trưởng phòng tư liệu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Lạt thì dựa trên đề xuất của ông Nguyễn Vĩ, chủ tịch Hội đồng thị xã Đà Lạt lúc bây giờ, nên hồ được đổi từ tên Pháp ra tên Việt thành hồ Than Thở. Sự kiện đổi tên này diễn ra năm 1956. Từ năm 1975 hồ Than Thở được đổi tên thành hồ Sương Mai, nhưng người dân Đà Lạt mỗi khi nhắc đến hồ đều gọi là hồ Than Thở nên sau đó hồ được khôi phục lại tên cũ vào năm 1990. Trong thập niên 1980-1990 rừng thông cổ thụ quanh hồ bị tàn phá. Những cây thông non tuy được trồng lại nhưng làm mất nét thâm u cô tịch xưa. Lòng hồ bị bồi lắng, thu hẹp vì các hoạt động nông nghiệp vùng thượng lưu khiến nước hồ không còn xanh như trước. Năm 1997 giới chức địa phương cho phép Công ty Du lịch Thùy Dương, một doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh bỏ vốn trồng rừng, nạo vét hồ, chống bồi lắng, và xây dựng các khu vui chơi giải trí nhằm bảo toàn thắng cảnh này. Năm 1999, hồ được nhà nước công nhận là danh thắng cấp quốc gia. Truyền thuyết Truyền thuyết kể rằng nơi đây gắn với câu chuyện tình của Hoàng Tùng và Mai Nương. Chuyện xảy ra vào thế kỷ 18, khi người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ dấy binh đánh đuổi bọn xâm lược nhà Thanh, trai tráng khắp nơi hưởng ứng, trong đó có Hoàng Tùng. Trước khi chia tay, hai người rủ nhau ra bên bờ than thở hẹn thề. Chàng hẹn đến mùa xuân - khi hoa mai anh đào nở sẽ đem tin thắng trận trở về. Ở nhà, Mai Nương được tin Hoàng Tùng tử trận nên nàng đã quyết định gieo mình bên dòng suối tự trầm. Nhưng trớ trêu thay, đến giữa mùa xuân Hoàng Tùng thắng trận trở về, chàng vô cùng đau buồn khi biết người yêu đã chết. Cảnh cũ còn đây nhưng người yêu đã mất, chàng đau khổ đến tận cùng nên gieo mình xuống hồ nước chết theo nàng Mai Nương để minh chứng cho lòng chung thủy sắt son. Cảm thương đôi trai gái bạc mệnh, rừng thông rì rầm khúc nhạc bi ai. Từ đó hồ có tên là Than Thở cho đến ngày nay. Đến thăm hồ Than Thở, du khách sẽ được nghe kể về những chuyện tình cảm động đã mượn nước hồ để giữ mãi mối tình chung thủy này. Hồ Than Thở trong thơ văn Dân gian có câu: Đà Lạt có thác Cam Ly Có hồ Than Thở người đi sao đành Hồ Than Thở là nơi đáng được thăm viếng. Và hơn thế nữa, vì qua biết bao nhiêu thế sự thăng trầm, Hồ Than Thở vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều bài thơ hay, nhất là những bài về những cuộc tình buồn, điển hình là bài Hồ Than Thở của nhà thơ Văn Liêm: Hồ Than Thở Anh dắt em đi thăm Hồ Than Thở Gió lạnh về – Đà Lạt đã vào Đông Xe ngựa đưa ta xuôi thung lũng Gió, mây, trời cùng đọng về đây… Hồ Than Thở bao đời nằm đó Ôm đồi thông trong tiếng gió gào Sao không nói ra điều trăn trở Để ôm sầu muộn đến mai sau? Em hỏi anh: Vì sao buồn vậy? Câu truyện tình từ thủa xa xưa Đôi trai gái yêu nhau không được Để nỗi buồn còn đọng đến bây giờ… Gió thêm lạnh, mưa rơi nặng hạt Đưa em về, bát ngát mưa giăng Ta nghe tiếng lòng hồ thổn thức Như nỗi buồn còn mãi ngàn năm Nguồn tham khảo Du lịch Đà Lạt Than Thở Du lịch Lâm Đồng
NF-KB (Nuclear factor kappa-light-chain-enhancer of activated B, Yếu tố hạt nhân tăng cường chuỗi nhẹ kappa của các tế bào B hoạt động) là một phức hợp protein kiểm soát sự phiên mã của DNA, sản xuất cytokine và sự tồn tại của tế bào. NF-κB được tìm thấy ở hầu hết tất cả các dạng của tế bào động vật và liên quan đến đáp ứng của tế bào với các kích thích như stress, các cytokin, các gốc tự do, kim loại nặng, tia cực tím, LDL oxy hóa, các kháng nguyên của vi khuẩn và vi-rút. NF-κB giữ vai trò quyết định trong việc điều hoà đáp ứng miễn dịch với tình trạng nhiễm trùng. Sai lệch trong điều hoà NF-κB có thể dẫn đến ung thư, các bệnh lý viêm và tự miễn, sốc nhiễm trùng, nhiễm vi-rút và hình hành các miễn dịch không thích hợp. Phần lớn bệnh tật ở người có thể có liên quan đến sự hoạt hóa và biểu hiện lệch lạc của một số gene nhất định. Những gene này đóng vai trò chính trong sự khởi động và tiến triển của quá trình bệnh sinh. Các bệnh như thế có thể kể: viêm khớp tự miễn, viêm cầu thận, hen phế quản, sốc nhiễm trùng huyết, xơ hóa phổi, quá trình sinh ung thư, AIDS… Thông thường thì các gene này ở trạng thái không hoạt động hoặc hoạt động rất yếu do đó không ảnh hưởng đến các tiến trình sinh vật cũng như sinh lý bình thường trong cơ thể. Tuy nhiên, trong một điều kiện nào đó như ô nhiễm môi trường, những gene này đột ngột hoạt động do một quá trình khởi động các yếu tố di truyền sẵn có. Một phần quan trọng trong quá trình khởi động các yếu tố di truyền này do Yếu Tố Nhân kappa B kiểm soát. Yếu Tố Nhân kappa B (Nuclear Factor-kappa B), tên thường dùng: NF-kB, là một yếu tố sao mã thiết yếu kiểm soát quá trình biểu hiện gene mã hóa của các cytokine, chemokine, yếu tố phát triển và các phân tử bán dính tế bào cũng như các protein pha cấp. Cấu tạo NF-kB được phát hiện đầu tiên vào năm 1986. NF-kB đầu tiên được xem như là yếu tố nhân của tế bào B. Yếu tố này có tên như vậy là vì nó có khả năng gắn với một đoạn intron của gene mã hóa cho chuỗi nhẹ kappa của immonoglobulin. Sau đó NF-kB được tìm thấy không chỉ trong tế bào B mà còn trong rất nhiều loại tế bào khác nhau. Phân tử này được hoạt hóa bởi rất nhiều tác nhân khác nhau như bức xạ tia cực tím, các cytokine, bụi công nghiệp, các thành phần của vi khuẩn và virus. Trong nhân, NF-kB khởi động hay điều hòa quá trình sao mã đáp ứng sớm (early-response transcription) bằng cách gắn vào vùng khởi động (promotor) hay tăng cường (enhancer) của các gene đặc hiệu. Mặc dù NF-kB gắn vào vùng khởi động của các gene liên quan đến quá trình tương tác giữa các tế bào, một điều cần nhấn mạnh là không phải NF-kB điều hòa tăng cường (up-regulation) tất cả các gene. Các quá trình tế bào liên quan đến sự hoạt hóa của NF-kB gồm: Bám dính giữa các tế bào, Huy động hay chuyển động tế bào viêm, Khuếch đại hay khuếch tán những tín hiệu bệnh sinh ban đầu và Khởi động hay tăng tốc quá trình sinh u. Hiện nay đã có 5 thành viên của họ NF-kB được xác định là: NF-kB1 (p50/p105), NF-kB2 (p52/p100), p65 (RelA), RelB và c-Rel. Một đặc trưng quan trọng của NF-kB là tất cả các thành viên của họ này đều bảo tồn được một domain Rel giống nhau. Domain (vùng) này chứa khoảng 300 amino acid chịu trách nhiệm chính cho quá trình gắn với DNA, nhị phân hóa và tương tác với IkB-một chất ức chế nội bào của NF-kB. Các tín hiệu hoạt hóa NF-kB Các cytokine gây viêm mạnh như TNF α, Interleukin-1, các tác nhân gây gián phân tế bào T và B (T and B cell mitogens). Vi khuẩn và nội độc tố vi khuẩn, virus, các protein virus. Các kích tác vật lý và hóa học: tia cực tím, chất oxy hóa… Yếu tố ức chế NF-kB Khi tế bào ở trạng thái nghỉ, NF-kB tồn tại trong bào tương ở dạng tương tác không đồng hóa trị với các protein ức chế là IkB. Hiện nay, có bảy loại IkB được xác định: IkB-alpha, IkB-beta, IkB-gamma, IkB-epsilon, Bcl-3, p100 and p105. Tất cả các IkB này đều chứa các đoạn lặp lại có tên là ankyrin. Các đoạn lặp lại ankyrin này điều hòa quá trình gắn kết giữa IkB và NF-kB. Các ankyrin này tương tác với một vùng trên RHD của NF-kB do đó che mất phần NLS nên phân tử NF-kB không thể di chuyển từ bào tương vào nhân được. Những tác nhân hoạt hóa NF-kB gây nên quá trình phosphryl hóa các IkB. Kết quả là IkB bị giáng hóa bởi quá trình thủy phân protein hoặc bị phân hủy do các proteasome hay các protease (enzyme tiêu protein) khác. Một khi IkB bị giáng hóa, các NF-kB sẽ được giải phóng, đi vào nhân tế bào và kích thích quá trình sao mã tại đây. Vai trò của NF-kB Điều hòa quá trình sao mã của rất nhiều loại tế bào khác nhau trong đáp ứng với các kích thích như viêm và miễn dịch. Hoạt hóa NF-kB cũng đóng vai trò quan trọng trọng quá trình chống virus của tế bào thông qua điều hòa hoạt động của gene mã hóa cho interferon. Trong hầu hết các loại tế bào thì NF-kB điều hòa các tín hiệu sống sót của tế bào. Tuy nhiên trong một số trường hợp, yếu tố này lại gây nên chết tế bào theo chương trình. Quá trình điều hòa bất hợp lý của NF-kB là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh lý khác nhau như ung thư, thoái hóa thần kinh, viêm khớp, hen phế quản…. NF-kB cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển bình thường của phôi thai. Rối loạn điều hòa NF-kB là nguyên nhân của nhiều dị tật bẩm sinh. NF-kB với kích thích oxy hóa Các gốc oxy phản ứng (reactive oxygen species-ROS) có khả năng gây nên các tổn thương oxy hóa các đại phân tử đưa đến các bệnh lý do viêm khác nhau cũng như các rối loạn thoái hóa thần kinh. Khi nồng độ các ROS tăng cao trong tế bào, NF-kB được hoạt hóa nhằm tăng cường khả năng chống viêm và chống chết tế bào theo chương trình do ROS gây nên. H2O2 là một chất cảm ứng hoạt hóa NF-kB hiệu quả nhưng sự hoạt hóa này tùy thuộc vào từng loại tế bào. Nồng độ nội bào của các glutathion khử (reduced glutathione-GSH) có thể đóng vai trò quan trọng trong đáp ứng của NF-kB với H2O2. Chất chống oxy hóa (antioxidant) có tác dụng ức chế TNF, IL-1, nội độc tố vi khuẩn. Biểu hiện quá mức của superoxide dismutase sẽ làm mất tác dụng của NF-kB đối với TNF, nội độc tố và H2O2.
Albania (viết theo tiếng Anh) hay Albanie (phiên âm tiếng Việt lấy từ tiếng Pháp: "An-ba-ni", ), tên chính thức Cộng hoà Albania (tiếng Albania: Republika e Shqipërisë, IPA ) là một quốc gia tại Đông Nam Âu. Nước này giáp biên giới với Montenegro ở phía bắc, Serbia ở phía đông bắc, Bắc Macedonia ở phía đông, và Hy Lạp ở phía nam. Nước này có bờ Biển Adriatic ở phía tây và bờ Biển Ionia ở phía tây nam. Albania là một ứng cử viên tiềm năng trở thành thành viên trong Liên minh châu Âu và là một thành viên chính thức trong khối NATO. Từ nguyên Danh xưng "Albania" là tên gọi tiếng Latinh thời Trung cổ của đất nước này. Có lẽ cái tên này xuất phát từ tên gọi bộ tộc Albani của người Illyria (tiếng Albania: Albanët) theo các ghi chép của nhà địa lý và thiên văn học Ptolemy. Tấm bản đồ của ông vào năm 150 CN xác định một đô thị tên là Albanopolis nằm về phía đông bắc của Durrës. Sau này thị trấn đó có lẽ được đổi tên thành Albanon hoặc Arbanon. Nhà sử học Đông La Mã Michael Attaliates thế kỷ thứ 10 có ghi lại sự kiện bộ tộc Albanoi nổi loạn chống Constantinoplis vào năm 1043 và nhắc về dân Arbanitai là chư hầu của Công tước Dyrrachium. Thời Trung cổ, người Albania gọi đất nước của họ là , và tự xưng là . Ngày nay, họ gọi đất nước của mình là Shqipëri hoặc Shqipëria, danh xưng được sử dụng từ thế kỷ XIV trở đi, nhưng chỉ từ cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII, địa danh Shqipëria và tộc danh Shqiptarë mới dần thay thế hai cái tên Arbëria và Arbëreshë thời Trung cổ. Danh xưng Shqipërisë có thể tạm dịch là "Vùng đất của những con chim đại bàng" hay "Đứa con của đại bàng". Có giả thuyết cho rằng thành tố Albanus bắt nguồn từ gốc *alb-, xuất hiện ở nhiều địa danh như Núi Alps hay Albion (tên cũ của nước Anh trong tiếng Gallia-Latinh), nhưng tới nay vẫn chưa có kết luận chính thức về từ nguyên của địa danh đất nước này Lịch sử Thời cổ Albania, nằm ở góc đông nam châu Âu, đã từng có người sinh sống từ những thời tiền sử và là nơi định cư của những người Illyria, có lẽ là tổ tiên người Albania ngày nay. Nằm giữa các đế chế hùng mạnh, trong suốt lịch sử của mình Albania luôn ở trong tình trạng bạo lực. Người Hy Lạp, người La Mã, người Byzantine, người Venetian và người Ottoman đều đã từng đến đây, để lại các dấu ấn văn hoá cũng như các dấu tích tàn phá. Nghiên cứu khảo cổ học cho thấy những vùng đất hiện của người Albania lần đầu có người sinh sống từ Thời kỳ đồ đá cũ (Thời đồ đá). Những vùng đầu tiên có người định cư là những vùng có điều kiện khí hậu và địa lý thích hợp. Tại Albania, những khu định cư sớm nhất đã được phát hiện tại hang Gajtan (Shkodra), tại Konispol, tại Mount Dajti, tại Saranda. Nhiều mảnh cấu trúc Cyclopean, thời Cyclopean-Pelasgian, đã được phát hiện tại Kretsunitsa, Arinishta, và các điểm khác tại quận Gjirokastra. Các bức tường, một phần thuộc Cyclopean, của một thành phố (có lẽ là Byllis) vẫn được nhìn thấy tại Gradishti trên bờ Sông Viosa. Còn sót lại ít dấu vết của Dyrrhachium (ngày nay là Durrës) từng một thời vang bóng. Việc tái khám phá thành phố Butrint có lẽ ngày nay mang nhiều ý nghĩa hơn khí nó được Julius Caesar dùng làm nơi cất giữ lương thực dự trữ cho đội quân của mình trong các chiến dịch ở thế kỷ thứ I trước Công Nguyên. Ở thời ấy, nó được coi là một tiền đồn không quan trọng, kém xa so với Apollonia và Durrës. Những dấu tích khảo cổ học phong phú của Albania đã được khảo sát trong gần hai thế kỷ. Ali Pasha, vị phó vương Ottoman từng nắm quyền cai trị vùng này, đã khuyến khích các cuộc khai quật khảo cổ học đầu tiên tại Nikopolis ở Albania từ khoảng năm 1812. Những cuộc khai quật của ông, được tiến hành sau khi một người bạn của ông là Peter Oluf Brøndsted chỉ ra một nơi được ông cho là địa điểm cũ của một ngôi đền, không hề mang tính hàn lâm. Pasha chỉ đơn giản muốn chiếm đoạt bất kỳ tài sản nào được tìm thấy trong vùng. Cuối cùng, những mảnh đã được tìm thấy sau các cuộc khai quật được chuyển tới cung điện của ông. Pasha cũng lấy một trong những đồng xu được tìm thấy. Cuộc thám hiểm chính thức và việc ghi chép các địa điểm khảo cổ của Albania chỉ bắt đầu với Francois Pouqueville, vị tổng lãnh sự của Napoleon tại phủ đường Ali Pasha, và Martin Leake, vị đại diện Anh tại đó. Một phái đoàn Pháp, dưới sự lãnh đạo của Len Rey, đã tìm kiếm trên khắp đất nước Albania từ năm 1924 tới năm 1938 và công bố kết quả làm việc của mình trong tập hồ sơ Cahiers d'Archéologie, d'art et d'Histoire en Albanie et dans les Balkans (Các ghi chép Khảo cổ học, Nghệ thuật, và Lịch sử tại Albania và tại vùng Balkans). Các nhà khảo cổ học ngày nay đang tìm kiếm các tàn tích từ mọi giai đoạn lịch sử, từ Thời kỳ đồ đá cho tới thời tiền Kitô giáo. Một dự án khác, với một số kết quả phát hiện về thời tiền sử, dù không có chủ định, đã được tiến hành tại thung lũng Kryegjata, gần thành phố Fier ngày nay và tại vùng Apollonia. Cuộc khai quật này, một sự hợp tác giữa trường Đại học Cincinnati và các nhà khảo cổ học thuộc Viện Khảo cổ tại Albania, ban đầu chỉ có mục tiêu nghiên cứu về thời thuộc địa Apollonia. Nhưng thay vào đó, họ lại tìm thấy bằng chứng về một khu định cư còn cổ hơn. Năm 2000, chính phủ Albania đã thành lập Vườn quốc gia Butrint, thu hút khoảng 70.000 du khách mỗi năm và hiện là Địa điểm di sản thế giới thứ hai của Albania. Năm 2003, một giáo đường Do Thái từ thế kỷ thứ V hay thứ VI Công nguyên đã được phát hiện tại Saranda, một thị trấn ven biển đối diện Corfu. Đây là lần đầu tiên tàn tích của một giáo đường Do Thái thời kỳ đầu được tìm thấy trong vùng này, và lịch sử cuộc khai quật cũng là điều đáng ghi nhớ. Đội khảo cổ tìm thấy những bức tranh khảm đặc biệt thể hiện các đồ vật liên quan tới những ngày lễ Do Thái, gồm cả một đàn nhiều nhánh (menorah), sừng cừu, và cây thanh yên (citron tree). Những bức tranh khảm trong nhà thờ thể hiện mặt ngoài của một công trình giống như một Torah, súc vật, cây cối và các biểu tượng kinh thánh khác. Công trình này có kích thước 20x24m và có lẽ đã từng được sử dụng như một nhà thờ hồi thế kỷ thứ VI. Vương quốc Illyria Đa số các nhà sử học tin rằng đa phần người Albania là hậu duệ của người Illyria cổ, sắc tộc, như các sắc tộc Balkan khác, tiếp tục phân chia thành các bộ tộc và sắc tộc. Cái tên Albania xuất xứ từ một bộ lạc người Illyria được gọi là Arbër, hay Arbëresh, và sau này là Albanoi, đã từng sống gần Durrës. Vương quốc Illyria phát triển từ vùng Albania ngày nay và cuối cùng kiểm soát hầu hết vùng bờ biển phía đông Adriatic. Scodra là thủ đô của nó, chính là thành phố trung tâm đô thị quan trong nhất phía bắc Albania ngày nay. Vị vua được biết tới đầu tiên của người Illyria là Hyllus (Tiếng Albania: Ylli, dịch sang tiếng Việt: "Ngôi sao") được ghi chép lại là đã mất năm 1225 trước Công Nguyên. Tuy nhiên, vương quốc này đã đạt tới thời cực thịnh về lãnh thổ và sự phát triển ở thế kỷ thứ IV trước Công Nguyện, khi Vua Bardhyllus (tiếng Albania: Bardhyli; tiếng Việt: "Ngôi sao Trắng"), một trong những vị vua tài ba nhất của người Illyria, thống nhất các vương quốc Illyria, Molossia và một phần lớn Macedonia dưới quyền quản lý của mình. Vương quốc này bắt đầu suy tàn cũng ở thời cai trị của vị vua này vì những cuộc tấn công của Philip II của Macedonia, cha của Alexander Đại Đế. Người Illyria đã tạo lập và phát triển văn hoá và ngôn ngữ của họ tại vùng phía tây vùng Balkans, nơi đã được các học giả thời cổ đề cập tới trong các tác phẩm của họ. Các vùng sinh sống của người Illyria dần mở rộng, bao gồm cả vùng phía tây bán đảo Balkan, bắc tới Trung Âu, và đông xung quanh Hồ Lyhind (Hồ Ohrid). Các bộ tộc Illyria khác cũng di cư tới và phát triển tại Italia. Trong số họ có bộ tộc Messapii và Iapyges. Cái tên Illyria đã được đề cập tới trong các tác phẩm từ thế kỷ thứ V trước Công Nguyên trong khi một số bộ tộc còn được đề cập tới từ thế kỷ XII trước Công Nguyên trong tác phẩm của Homer. Sự khởi đầu của dòng giống Illyria bắt đầu từ thế kỷ thứ XV trước Công Nguyên, giữa Thời kỳ đồ đồng, khi các đặc điểm riêng biệt của sắc tộc Illyria bắt đầu hình thành. Tới Thời đồ sắt, người Illyria đã trở nên riêng biệt và thừa kế những đặc điểm nhân dạng và ngôn ngữ của cha ông họ từ Thời đồ đá mới và Thời đồ đồng. Lý thuyết cổ xưa cho rằng người Illyria tới từ Trung Âu hồi thế kỷ thứ VII tới thế kỷ thứ IX đã bị các cuộc nghiên cứu sau Thế Chiến II bác bỏ. Sự thực là những hang động với các bình đựng hài cốt, đặc điểm vùng Trung Âu, không được tìm thấy tại các khu định cư của người Illyria là bằng chứng bác bỏ giả thuyết này. Ảnh hưởng Trung Âu trên người Illyria là kết quả của những trao đổi văn hoá và sự di chuyển của những thợ thủ công. Các thuộc địa Hy Lạp Từ thế kỷ thứ VIII tới thế kỷ thứ VI trước Công Nguyên, người Hy Lạp đã thành lập một chuỗi các thuộc địa trên lãnh thổ Illyria, hai trong số các thuộc địa nổi bật nhất là Epidamnus (Durrës ngày nay) và Apollonia (gần Fier ngày nay). Epidamnus có lẽ là thuộc địa quan trọng nhất của người Hy Lạp tại Albania được thành lập tại Epidamnus năm 627 trước Công Nguyên bởi những người Hy Lạp từ Corcyra (Corfu ngày nay) và Corinth. Các tác gia người Hy Lạp và La Mã gọi nó là "Thành phố Tuyệt vời" vì các đền đài, tượng và các công trình tại đó. Đất đai màu mỡ và một cảng biển lớn mang lại sự giàu mạnh và thành công thương mại cho thuộc địa này. Sự phát triển khiến các tầng lớp thấp cũng có tài sản và bắt đầu có ảnh hưởng lớn hơn trong chính phủ, dẫn tới một cuộc nội chiến giữa tầng lớp cai trị thiểu số (đầu sỏ chính trị) và đa số dân cư. Người dân yêu cầu sự trợ giúp từ Corinth, trong khi giới đầu sỏ chính trị tìm kiếm sự giúp đỡ từ Corcyra. Corinth là đồng minh với Sparta và Corcyra, trước yêu cầu này, họ quay sang đề nghị sự hỗ trợ của Athens. Vì thế, sự can thiệp của Corinth bên cạnh nhân dân và Corcyra phía tầng lớp cai trị dẫn tới sự xung đột sâu sắc hơn giữa Athens, Sparta, và các đồng minh của họ được gọi là cuộc Chiến tranh Peloponnesian. Thắng lợi ban đầu của Epidamnus khiến nhiều thuộc địa Hy Lạp khác được thành lập trong vùng. Butrint, nằm trên một quả đồi phía nam Albania, được những kẻ thực dân từ Corfu thành lập ở thế kỷ thứ VI trước Công Nguyên. Tên gốc của nó, Buthrotum, dịch nghĩa "nơi có nhiều gia súc và đồng cỏ chăn thả." Tới thế kỷ thứ IV trước Công Nguyên, Butrint đã mở rộng nhiều và có cả một nhà hát 5.000 chỗ ngồi. Tại Aeneid, Vergil tuyên bố rằng thành phố do chính Aeneas thành lập. Một thuộc địa quan trọng khác, Apollonia, được đặt theo tên thần Apollo. Nó được thành lập năm 588 trước Công Nguyên, và phát triển thịnh vượng nhờ vị trí là đường nối kết giữa Brundisium (hiện là Brindisi) tại Italia và phía nam Albania. Nhiều khu định cư nhỏ khác của người Hy Lạp đã được thành lập quanh Albania ở thời kỳ này, nhưng Epidamnus, Butrint, và Apollonia là các thuộc địa quan trọng nhất. Các thuộc địa phát triển mạnh trong thời kỳ La Mã, quả thực trong Thời kỳ Hy Lạp hóa họ đã đạt tới đỉnh điểm phát triển. Từ thế kỷ thứ IV tới thế kỷ thứ II trước Công Nguyên, các thuộc địa (gồm cả các thuộc địa của người Hy Lạp và người Illyria) đã trở thành trung tâm nghệ thuật, phát triển học thuật, âm nhạc và nhà hát. Apollonia đặc biệt đáng chú ý về trường phái triết học tại đây. Gần như song hành với sự trỗi dậy của các thuộc địa Hy Lạp, các bộ tộc Illyria bắt đầu phát triển từ các thực thể nhỏ và ít địa vị chính trị trở thành các nhà nước phức tạp và thống nhất. Ban đầu họ hình thành các liên minh tạm thời với nhau để tự vệ và xâm chiếm, sau đó các liên bang, và sau này là các vương quốc xuất hiện. Năm 355 trước Công nguyên, chiến tranh với Alexander của Macedonia nổ ra để giải phóng các vùng lãnh thổ phía đông và cùng lúc ấy Apollonia cũng thoát khỏi quyền cai trị của Macedonia. Sau cái chết của Alexander năm 323 trước Công nguyên, các vương quốc Illyria độc lập một lần nữa xuất hiện. Năm 312 trước Công Nguyên, Vua Glauka hay Glaucius trục xuất người Hy Lạp khỏi Durrës. Tới cuối thế kỷ thứ III, một vương quốc Illyria với thủ phủ gần thành phố Shkodër của Albania ngày nay đã kiểm soát các vùng phía bắc Albania, Montenegro, và Herzegovina. Dưới sự cai trị của Vua Glaukia, quốc gia Illyria lớn mạnh nhanh chóng. Những người kế vị của Glaukia (Monun và Mytyl) tiếp tục phát triển quốc gia Illyria về kinh tế và đã cho phát hành các đồng tiền xu bạc và đồng. Một thời gian ngắn sau nửa cuối thế kỷ thứ III trước Công Nguyên, dưới thời cai trị của Pleurat và Agron, quốc gia Illyria một lần nữa trở lại thời kỳ thịnh vượng. Năm 231 TCN, họ gia nhập liên minh với Acarnania và trở thành một cường quốc ở vùng Balkan. Thời kỳ La Mã và Byzantine Người La Mã đã dùng quân sự tước đoạt quyền tự trị của Illyria năm 165 trước Công Nguyên. Albania của La Mã đã được nối với Via Egnatia, con đường của La Mã nối phía đông với phía tây và La Mã với vùng viễn đông giàu có của đế chế. Sau khi bị Đế chế La Mã chinh phục, Illyria được tái tổ chức thành một tỉnh của La Mã. Illyricum sau này được chia thành các tỉnh Dalmatia và Pannonia, những vùng đất hình thành nên nước Albania ngày nay. Nhiều người Illyria ở thời cai trị La Mã đã đạt được những chức vụ quan trọng trong đội Vệ sĩ Hoàng đế La Mã (Prætorian Guard). Tiếng Albania vay mượn rất nhiều từ La Tinh, chủ yếu về tôn giáo và tế lễ. Điều này bởi Albania ban đầu thuộc Tòa Thánh, dù Công giáo lần đầu được chính Sứ đồ Phaolô truyền bá cho người Albania trong lần đầu ông tới Durazzo. Trong những thập kỷ đầu tiên dưới sự cai trị của Byzantine (cho tới năm 461), Illyria phải chịu nhiều cuộc tấn công phá phách của người Visigoths, Huns, và Ostrogoths. Không lâu sau khi những kẻ xâm lược này tràn qua vùng Balkans, người Slavs xuất hiện. Giữa thế kỷ thứ VI và thế kỷ thứ VIII họ đã định cư tại các lãnh thổ Illyria và dần đồng hoá các bộ tộc Illyria tại những nơi hiện là Slovenia, Croatia, Bosnia và Herzegovina, và Serbia. Tuy nhiên, các bộ tộc phía nam Illyria, gồm cả Albania ngày nay, tránh sự đồng hoá và bảo tồn ngôn ngữ của họ. Sau sự sụp đổ của Đế chế La Mã, Albania được gộp vào trong Đế chế Byzantine, nằm dưới sự quản lý từ Constantinopolis. Albania thuộc quyền quản lý của Byzantine cho tới thế kỷ XIV Công Nguyên khi những người Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman tung ra các cuộc tấn công vào Đế chế. Người Ottoman chiếm Constantinopolis năm 1453, và tới năm 1460 hầu như toàn bộ lãnh thổ Byzantine cũ đều đã rơi vào tay người Thổ. Thời Ottoman Những người Thổ Ottoman đã mở rộng đế chế của họ từ Anatolia tới vùng Balkan ở thế kỷ XIV. Tới thế kỷ XV, người Thổ hầu như đã chiếm được toàn bộ vùng bán đảo Balkan từ một dải bờ biển nhỏ hiện thuộc Albania. Cuộc kháng chiến của Albanian trước người Thổ hồi giữa thế kỷ XV khiến họ được cả châu Âu ca ngợi. Albania đã trở thành một biểu tượng của cuộc kháng chiến trước người Thổ Ottoman nhưng hầu như liên tục phải trải qua các cuộc chiến. Một trong những cuộc kháng chiến thành công nhất trước những đạo quân Ottoman xâm lược do Gjergj Kastrioti Skanderbeg lãnh đạo từ năm 1443 tới năm 1468. Sau cái chết của Skanderbeg, cuộc kháng chiến kéo dài tới năm 1478, dù chỉ với những thắng lợi nhỏ. Các vùng đất và liên minh do Skanderbeg lập lên thay đổi và tan rã và những người Ottoman đã chinh phục vùng đất Albania chỉ một thời gian ngắn sau khi lâu đài Kruje thất thủ. Albania sau đó trở thành một phần của Đế chế Ottoman. Họ tiếp tục là một phần của đế chế này với tư cách là các tỉnh İşkodra, Manastır và Yanya cho tới năm 1912. Hậu quả của các cuộc chiến tranh Balkan Sau cuộc Chiến tranh Balkan lần hai, người Ottoman bị hất cẳng khỏi Albania và có khả năng một số vùng đất sẽ bị Serbia sáp nhập cũng như mũi đất phía nam sẽ bị Hy Lạp tước đoạt. Quyết định này đã khiến người Italia, những người không muốn Serbia có dải bờ biển lớn hơn, tức giận, và cũng khiến liên minh Áo Hung, những người không muốn có sự xuất hiện của một nhà nước Serbia hùng mạnh bên cạnh biên giới của mình, tức giận. Dù có sự hiện diện của các lực lượng chiếm đóng của Serbia, Montenegrin, và Hy Lạp cũng như áp lực to lớn từ phía liên minh Áo-Hung, quyết định được đưa ra rằng nước này sẽ không bị phân chia mà thay vào đó được củng cố thành Xứ Albania. Tuy nhiên, dự án Áo-Italia đã không thành công. Chế độ Quân chủ Từ năm 1925, đất nước nằm dưới quyền quản lý của Tổng thống Ahmet Zogu. Vào năm 1928, Zogu đã xưng vương (Zog I, Skanderbeg III), lập ra chế độ quân chủ Albania đầu tiên kể từ thời Gjergvj Kastriot Skenderbej. Bắt chước các vị vua châu Âu khác, ông cưới một phụ nữ quý tộc Hungary Geraldine Apponyi de Nagy-Apponyi. Triều đại Zogu kết thúc khi những kẻ phát xít Italia xâm lược Albania ngày 7 tháng 4 năm 1939. Những người Cộng sản lên nắm quyền sau Thế Chiến II. Sau sự sụp đổ của chính phủ Cộng sản, con trai của cựu hoàng Zog là Leka, Thái tử Albania và Hoàng gia quay trở lại Albania ngày 28 tháng 6 năm 2002. Thế Chiến II Albania từng là một trong những quốc gia đầu tiên bị Phe Trục xâm lược trong Thế Chiến II. Mussolini xâm lược và chiếm Albania, trong khi thế giới còn đang chú ý tới những hành động quân sự của Đức tại Tiệp Khắc và Ba Lan. Khi Hitler bắt đầu gây hấn, nhà độc tài người Italia quan tâm tới đất nước Albania cách Italia biển Adriatic. Dù có một số cuộc kháng cự, đặc biệt tại Durrës, Italia đã chiếm Albania ngày 7 tháng 4 năm 1939 và kiểm soát nước này. Ngày 12 tháng 4, nghị viện Albania bỏ phiếu thông qua việc thống nhất nước này với Italia. Victor Emmanuel III lên ngôi vua Albania, và những người Italia đã lập ra một chính phủ phát xít dưới sự lãnh đạo của Shefqet Verlaci và nhanh chóng nắm quyền quản lý quân đội cũng như các định chế ngoại giao của Albania. Tháng 10 năm 1940 Mussolini dùng Albania làm căn cứ tung ra cuộc tấn công vào Hy Lạp. Trong Thế Chiến II, các nhóm quốc gia Albania, gồm cả các du kích Cộng sản, đã chiến đấu chống lại người Italia và sau này là cả người Đức. Tới tháng 10 năm 1944 họ đã đẩy lùi được quân Đức, nước Đông Âu duy nhất làm được như vậy mà không có sự hỗ trợ của Hồng quân. Enver Hoxha, nhân vật được giáo dục tại Pháp, trở thành lãnh đạo đất nước nhờ vị trí tổng bí thư Đảng Lao động (Đảng Cộng sản Albania). Đảng Cộng sản được thành lập ngày 8 tháng 11 năm 1941 với sự giúp đỡ của các Đảng Cộng sản Bolshevik khác. Cuộc diệt chủng người Do Thái Albania là quốc gia duy nhất tại châu Âu từng bị Phát xít chiếm đóng ra khỏi cuộc Thế Chiến II với cộng đồng Do Thái lớn hơn thời điểm trước chiến tranh. Phản ứng của Albania trước cuộc Diệt chủng người Do Thái đặc biệt đáng chú ý vì đây là quốc gia có cộng đồng Hồi giáo lớn ở châu Âu. Dù vậy chỉ một trong sáu gia đình Do thái bị trục xuất và giết hại trong thời gian Phát xít chiếm Albania. Người dân Albania không chỉ bảo vệ sắc tộc Do Thái ở nước mình, họ còn cung cấp nơi trú ẩn cho những người Do Thái từ các quốc gia láng giềng. Người Albania từ chối lập và giao nộp các danh sách người Do Thái. Thay vào đó họ cung cấp giấy tờ giả cho các gia đình Do Thái và giúp họ phân tán trong dân cư Albania. Tháng 2 năm 1944, khi quân Phát xít tràn xuống từ nơi ẩn nấp trên núi, không một người Do Thái nào rơi vào tay chúng. Trong cuộc Diệt chủng người Do Thái, Albania là quốc gia duy nhất ở châu Âu bảo vệ và che chở cho toàn bộ dân cư Do Thái nước mình, cả người mang quốc tịch Albania và người đến từ nước ngoài. Trong lịch sử không hề có ý thức hệ bài Do Thái tại Albania vì thế đây là đặc điểm riêng có của nước này. Số lượng nhỏ người Do Thái tại Albania cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ họ. Trong thời kỳ chiếm đóng của Italia, họ đã hoà trộn lẫn trong toàn bộ dân cư. Tuy nhiên, vai trò to lớn của nhân dân Albania trong việc bảo vệ người Do Thái là không thể phủ nhận. Cộng hoà Nhân dân Từ năm 1944 tới năm 1991, Albania trở thành một nhà nước Cộng hoà Nhân dân Albania và là quốc gia độc Đảng theo đó Enver Hoxha nắm quyền cai trị độc đoán. Năm 1961, ông làm tan vỡ liên minh giữa Albania với đồng minh thân cận nhất, Liên bang Xô viết, vì ông tin rằng Khrushchev đã rời bỏ các học thuyết Stalin. Sau đó, đồng minh thân cận nhất của Albania là Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, khi Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ năm 1978, Hoxha rời bỏ nốt cả người Trung Quốc và quyết định theo đuổi chính sách tự chủ. Kết quả không chỉ là tình trạng cô lập mà còn là sự tan rã toàn bộ hệ thống tài chính Albania. Một ví dụ về việc này có thể thấy qua dự án xây dựng từ năm 1974 tới năm 1986 với gần 700.000 boongke bê tông để tự vệ trước một cuộc tấn công xâm lược. Sau cái chết của Upon Hoxha năm 1985, Ramiz Alia lên kế vị cả trong vai trò lãnh đạo Đảng và lãnh đạo nhà nước. Alia là người được Hoxha ưu ái, nhưng ít có hành động hà khắc như vị lãnh đạo cũ và bắt đầu cho phép một số cải cách. Quá trình này được đẩy nhanh sau những tin tức về những thay đổi tại các quốc gia Cộng sản khác ở vùng Trung và Đông Âu. Hàng ngàn người bị hành quyết vì lý do chính trị. Dù vậy, chất lượng cuộc sống của người dân đã được cải thiện khi cả tuổi thọ và tỷ lệ biết chữ đều tăng khá cao và tăng trưởng kinh tế tiếp tục diễn ra cho tới giữa thập niên 1970. Dân chủ hóa Những cuộc biểu tình rộng lớn chống Cộng sản lần đầu tiên diễn ra tháng 7 năm 1990. Một thời gian ngắn sau đó, chế độ Cộng sản dưới sự lãnh đạo của Ramiz Alia tiến hành một số thay đổi trong chính sách kinh tế. Tới cuối năm 1990, sau những cuộc phản kháng mạnh của sinh viên và những phong trào công đoàn độc lập, chế độ đã phải chấp nhận một hệ thống đa Đảng. Cuộc tổng tuyển cử đa Đảng đầu tiên được tổ chức ngày 31 tháng 3 năm 1991 và Đảng Cộng sản (PPSH) chiếm đa số. Các Đảng đối lập buộc tội chính phủ gian lận và kêu gọi một cuộc bầu cử mới, cuộc bầu cử này được tổ chức ngày 22 tháng 3 năm 1992 và dẫn tới một liên minh (gồm Đảng Dân chủ, Dân chủ Xã hội, và Đảng Cộng hoà) lên nắm quyền lực. Trong cuộc tổng tuyển cử tháng 6 năm 1996, Đảng Dân chủ chiếm đa số tuyệt đối, với hơn 85% ghế trong nghị viện. Năm 1997, những cuộc bạo động xảy ra khắp đất nước sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế buộc nước này tự do hoá hoạt động ngân hàng. Nhiều công dân, chưa biết gì về hoạt động của một nền kinh tế thị trường, đặt toàn bộ tiền tiết kiệm của mình vào trong các quỹ tín dụng kiểu kim tự tháp. Trong một thời gian ngắn, 2 tỷ dollar (80% GDP đất nước) đã được chuyển vào tay của một số kẻ đứng đầu mô hình kim tự tháp, gây ra những khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và những vụ bất ổn dân sự. Các đồn cảnh sát và các căn cứ quân sự bị cướp mất hàng triệu khẩu AK-47 và các loại vũ khí khác. Người nổi dậy chiếm ưu thế, và quân du kích cùng một số công dân vũ trang ít được tổ chức đã kiểm soát nhiều thành phố. Chính phủ Aleksander Meksi từ chức và một chính phủ thống nhất quốc gia được thành lập. Đảng Xã hội chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1997 và Berisha từ chức Tổng thống. Tuy nhiên, tình trạng ổn định vẫn chưa được tái lập trong những năm sau cuộc nổi dậy 1997. Quyền lực thay đổi tay Đảng Xã hội dẫn tới một loạt các chính phủ xã hội tồn tại ngắn ngủi kế tiếp nhau. Đất nước tràn ngập người tị nạn từ tỉnh Kosovo láng giếng năm 1998 và 1999 trong cuộc Chiến tranh Kosovo. Tháng 6 năm 2002, một ứng cử viên tiềm năng, Alfred Moisiu, cựu tướng lĩnh, được bầu kế vị Tổng thống Rexhep Meidani. Các cuộc bầu cử nghị viện tháng 7 năm 2005 đưa Sali Berisha, lãnh đạo Đảng Dân chủ, quay trở lại nắm quyền. Việc tham gia Liên minh châu Âu và NATO là mục tiêu hàng đầu của các chính phủ hậu Cộng sản. Đề xuất gia nhập Liên minh châu Âu của Albania đã được Hội đồng châu Âu đặt ưu tiên. Năm 2006, Albania đã ký một Thoả thuận Ổn định và Hợp tác với EU. Albania, cùng với Croatia và nước Cộng hoà Macedonia thuộc Nam Tư cũ, hy vọng nhận được lời mời tham gia NATO năm 2008. Chính trị Albania theo mô hình Cộng hoà nghị viện. Quốc hội 1 viện có nhiệm kỳ 4 năm và gồm 140 ghế, trong đó 100 ghế được bầu định danh trực tiếp, 40 ghế được bầu theo Đảng. Tổng thống do Quốc hội bầu với nhiệm kỳ 5 năm, Thủ tướng do Tổng thống bổ nhiệm. Các Đảng phái chính trị lớn tại Albania: Đảng Dân chủ (PD - cánh hữu; Chủ tịch Đảng: Xa-li Bê-ri-sa - Sali BERISHA); Đảng Xã hội Chủ nghĩa (PS - cánh tả; Chủ tịch Đảng: Ê-đi Ra-ma - Edi RAMA); Phong trào Xã hội Chủ nghĩa vì Hội nhập (MSI - trung hữu; Chủ tịch Đảng: I-lia-rơ Mê-ta - Ilir META). Số ghế trong Quốc hội (kết quả bầu cử Quốc hội tháng 6 năm 2009): PD: 68; PS: 65, MSI: 4, các Đảng khác: 3. Đối ngoại Albania ưu tiên hội nhập châu Âu và phát triển quan hệ với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia và Hy Lạp, chú trọng quan hệ với các nước láng giềng và các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia. Albania là thành viên các tổ chức khu vực và quốc tế sau: BSEC (Tổ chức Hợp tác Kinh tế biển Đen), EBRD (Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu), FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc), IAEA (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế), ICAO (Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế), IMF, Interpol, IPU (Liên minh Bưu chính Quốc tế), ISO (Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế), ITU (Liên minh Viễn thông Quốc tế), NATO, OIF (Cộng đồng Pháp ngữ), OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu), SECI (Sáng kiến Hợp tác Đông Nam Âu), Liên Hợp Quốc, UNESCO, WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), WTO... Quân đội Các lực lượng vũ trang Albania thuộc quyền chỉ huy của Bộ tổng tham mưu và gồm Bộ binh, Hải quân, Phòng không, Lực lượng Học thuyết huấn luyện và hậu cần. Năm 2002, các lực lượng vũ trang Albania đã tung ra một chương trình cải cách kéo dài 10 năm dưới sự giám sát và hỗ trợ của Bộ quốc phòng Mỹ nhằm tinh giảm và hiện đại hoá lực lượng hơn 25.000 quân thường trực của mình. Về khả năng gia nhập NATO, các quốc gia thuộc khối Hiến chương Adriatic (Albania, Croatia và Bắc Macedonia thuộc Nam Tư cũ) hy vọng sẽ gia nhập liên minh này vào năm 2008. Hiện tại, quân đội Albania tham gia vào các sứ mạng gìn giữ hoà bình tại cả Afghanistan và Iraq. Phân chia hành chính Albania được chia thành 12 hạt (Tiếng Albania: chính thức qark/qarku, nhưng thường được gọi là prefekturë/prefektura), 36 quận và 351 khu đô thị. Địa lý Albania là một quốc gia tại Đông Nam Âu, có tổng diện tích 28.750 km². Bờ biển nước này dài 362 kilômét trải dài trên cả Biển Adriatic và Biển Ionian. Các vùng đất thấp phía tây đối diện Biển Adriatic. 70% diện tích là đồi núi và thỉnh thoảng rất khó tiếp cận. Núi cao nhất là Korab nằm trong quận Dibra, lên tới 2.753 mét (9.032 ft). Đất nước này có khí hậu lục địa tại các vùng có độ cao lớn với mùa đông lạnh và mùa hè nóng. Bên cạnh thành phố thủ đô Tirana, với 800.000 dân, các thành phố chính gồm Durrës, Elbasan, Shkodër, Gjirokastër, Vlorë, Korçë và Kukës. Trong ngữ pháp tiếng Albania, một từ có thể ở hình thức không xác định hoặc xác định, và điều này cũng tương tự đối với tên các thành phố: cả Tiranë và Tirana, Shkodër và Shkodra đều được sử dụng Khí hậu Nhân khẩu Ở thời điểm tháng 7 năm 2007, dân số Albania là 3.600.523 người và tăng 0.73% mỗi năm. Albania là quốc gia rất đồng nhất về mặt chủng tộc với các cộng đồng thiểu số rất nhỏ. Đa số dân cư được coi là người Albania. Các cộng đồng thiểu số gồm Hy Lạp, Aromania, Torbesh, Goran, Macedonia Slav, Romania, người Montenegro, người Bulgaria, Ai Cập Balkan và Do Thái. Ngôn ngữ được dùng phổ biến là tiếng Albania, với hai thổ ngữ chính, Gheg và Tosk. Nhiều người Albania cũng nói thạo tiếng Anh, tiếng Ý và tiếng Hy Lạp. Tôn giáo Hơn một nửa dân số hiện nay của Albania là tín đồ Hồi giáo. Trong lịch sử, Công giáo đã bắt đầu có mặt tại Albania vào giữa thế kỷ I CN khi đó còn thuộc Đế quốc La Mã. Ban đầu, tôn giáo mới này phải cạnh tranh với các tín ngưỡng phương Đông như sự thờ cúng Mithra, vị thần ánh sáng của Ba Tư, đã du nhập vào vùng đất này từ khi Albania có những sự trao đổi với các vùng phía đông Đế quốc La Mã. Trong một thời gian dài, Công giáo cũng phải cạnh tranh với sự thờ cúng các vị thần của người Illyria. Sự tăng trưởng vững chắc của cộng đồng Công giáo tại Dyrrhachium (tên của Epidamnus thời La Mã) đã dẫn tới sự thành lập một giáo phận năm 58 Công Nguyên. Sau này, các tòa giám mục đã được thành lập tại Apollonia, Buthrotum (Butrint ngày nay), và Scodra (Shkodra ngày nay). Sau sự phân chia của Đế chế La Mã năm 395, Albania về chính trị đã trở thành một phần của Đế chế Đông La Mã, nhưng về tôn giáo vẫn phụ thuộc vào Roma. Khi cuộc ly giáo cuối cùng đã xảy ra vào năm 1054 giữa các giáo hội Đông phương và Tây phương thì những tín hữu phía nam Albania thuộc quyền Thượng phụ Constantinopolis, và những tín hữu ở phía bắc nằm dưới sự quản lý của Giáo hoàng tại Roma. Thoả thuận này được thực thi cho tới khi những cuộc xâm lược của Ottoman xảy ra ở thế kỷ XIV, khi đức tin Hồi giáo bắt đầu xuất hiện. Một trong những di sản chính của năm thế kỷ cai trị của Ottoman là sự cải đạo của 60% dân số Albania sang Hồi giáo. Vì thế, nước này đã trở thành quốc gia đa số Hồi giáo sau khi giành lại độc lập từ Ottoman. Ở vùng núi phía bắc, việc truyền bá Đạo Hồi bị các tín đồ Công giáo phản đối mạnh mẽ. Albania từng là nước có số tín đồ Công giáo ưu thế, với mười tám tòa giám mục, một số chúng có lịch sử liên tục từ khi bắt đầu có Cơ Đốc giáo cho tới ngày nay. Albania là điểm chốt cuối cùng của Công giáo tại Balkan và các Giáo hoàng đã làm tất cả những điều có thể trong phạm vi quyền lực của mình để mở rộng lãnh địa. Tuy nhiên, dần dần tình trạng lạc hậu, sự mù chữ và sự vắng mặt của những tăng lữ làm trách nhiệm giáo dục đã khiến tôn giáo này mất dần ưu thế. Dưới chế độ Cộng sản, trong 45 năm nắm quyền tuyệt đối, tôn giáo bị chính thức ngăn cấm, và Albania được tuyên bố là nhà nước vô thần đầu tiên và duy nhất trên thế giới. Ngày nay, với quyền tự do tôn giáo và thờ cúng, Albania có nhiều tôn giáo và giáo phái. Sự cuồng tín tôn giáo chưa từng xảy ra, và mọi người thuộc các nhóm tôn giáo khác nhau chung sống trong hoà bình. Hôn nhân khác tôn giáo là điều thường thấy, và tại Albania không hề có sự ngăn cản nào với việc các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau cùng hoạt động tôn giáo của mình. Giáo hội Công giáo Rôma chủ yếu có mặt ở vùng phía bắc đất nước, đặc biệt tại các thành phố Shkodër và Kruja, trong khi Chính Thống giáo xuất hiện ở các quận phía nam Gjirokastër, Korçë, Berat, và Vlorë. Các tín đồ Hồi giáo có mặt trên khắp đất nước, dù họ tập trung chủ yếu ở vùng trung tâm. Đa số họ là tín đồ Sunni truyền thống, nhưng khoảng một phần tư là tín đồ của giáo phái Bektashi, từng một thời có trụ sở tại Tirana. Trong nhiều thế hệ, sự thực dụng tôn giáo từng là một nét riêng biệt của người dân Albania. Thập chí sau khi đã chấp nhận đạo Hồi, nhiều người vẫn tuân theo các hoạt động tôn giáo của Kitô giáo (Công giáo lẫn Chính Thống giáo). Tới tận năm 1912, ở một số lớn các làng tại vùng Elbasan, đa số đàn ông có hai tên, một tên Hồi giáo để sử dụng công khai và một tên Kitô giáo để sử dụng riêng. Việc tuân theo các đức tin truyền thống vẫn tiếp diễn tới tận thế kỷ XX, đặc biệt tại các làng ở vùng núi phía bắc, nhiều nơi không hề có nhà thờ cũng như thánh đường hồi giáo. Một nhà thơ tên là Pashko Vasa (1825-1892), được biết đến với tên hiệu Vaso Pasha, đã có một bình luận sắc sảo, sau này được Enver Hoxha nhắc lại, rằng "tôn giáo của người dân Albania chính là Chủ nghĩa Albania." Ước tính chỉ 30-40% người dân Albanians có hoạt động tôn giáo thực sự. Dù có quá khứ tôn giáo khác biệt như vậy, tại Albania không hề có xung đột tôn giáo, chủ yếu bởi người dân Albania có truyền thống khoan dung tôn giáo rất lớn. Kinh tế Từ khi Chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ năm 1990, Albania đã đưa ra nhiều chương trình cải cách theo hướng kinh tế thị trường mở. Chính phủ được bầu cử dân chủ nhậm chức từ tháng 4 năm 1992 đã đưa ra một chương trình cải cách kinh tế đầy tham vọng nhằm chấm dứt sự suy giảm và đưa đất nước theo con đường kinh tế thị trường. Các yếu tố chủ chốt gồm tự do hoá hệ thống trao đổi và giá cả, củng cố hệ thống thuế, kiềm chế tiền tệ, và một chính sách thu nhập vững chắc. Những chương trình này được hỗ trợ thêm bởi một kế hoạch cải cách cơ cấu khác, gồm cả tư nhân hoá doanh nghiệp cải cách lĩnh vực tài chính và tạo lập khuôn khổ pháp luật cho một nền kinh tế thị trường và hoạt động của lĩnh vực kinh tế tư nhân. Đa số các loại giá đã được thả nổi và hiện đang tiếp cận tới mức độ phổ biến trong vùng. Đa số lĩnh vực nông nghiệp, nhà cửa, và công nghiệp nhẹ đã được tư nhân hoá, cùng với vận tải, dịch vụ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sau cuộc giảm sút kinh tế nghiêm trọng sau năm 1989, kinh tế đã dần hồi phục, cuối cùng vượt mức của năm 1989 ở thời điểm cuối thập niên 1990. Tuy nhiên, bởi giá cả tăng lên, sự khó khăn về kinh tế vẫn là vấn đề với đa số dân cư. Năm 1995, Albania bắt đầu tư nhân hoá các doanh nghiệp lớn của nhà nước. Sau năm 2000, GDP của Albania liên tục tăng trưởng ổn định. Sau khi ký kết Thoả thuận Ổn định và Hợp tác tháng 6/7 năm 2006, các bộ trưởng EU đã thúc giục Albania đẩy nhanh các chương trình cải cách, chú trọng trên tự do báo chí, quyền sở hữu tài sản, xây dựng định chế, chú ý tới quyền của các nhóm thiểu số và tôn trọng các tiêu chuẩn quốc tế trong các cuộc bầu cử. Albania đã có bước hồi phục đáng kinh ngạc, xây dựng một nền kinh tế hiện đại và đa dạng. Các chính phủ gần đây cũng đã cải thiện cơ sở hạ tầng đất nước và mở cửa cạnh tranh tại các cảng biển, đường sắt, viễn thông, phát điện, phân phối khí tự nhiên và sân bay. Du lịch Albania là một ngành công nghiệp lớn và đang phát triển nhanh chóng. Những nơi thu hút nhiều khác du lịch nhất là các địa điểm lịch sử tại Apollonia, Butrinti, và Krujë. Bờ biển Albania đang trở nên nổi tiếng trong giới du lịch vì vẫn còn ở tình trạng tự nhiên chưa bị khai thác. Tính đến năm 2016, GDP của Albania đạt 12.144 USD, đứng thứ 124 thế giới và đứng thứ 39 châu Âu. Văn hoá Ẩm thực Ẩm thực Albania – giống như ẩm thực hầu hết các quốc gia Địa Trung Hải và vùng Balkan – chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi lịch sử lâu dài của nó. Tại các thời điểm khác nhau, lãnh thổ mà bây giờ là Albania đã được tuyên bố hoặc chiếm đóng bởi Hy Lạp cổ đại, La Mã, Byzantine và Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ và mỗi nước đã để lại dấu ấn của mình vào các món ăn Albania. Bữa ăn chính của người Albania là bữa ăn trưa, mà thường đi kèm với salad rau tươi như cà chua, dưa chuột, ớt xanh và ô liu với dầu ô liu, giấm và muối. Nó cũng bao gồm một món ăn chính từ các loại rau và thịt. Mặc dù nó được sử dụng trong một số món ăn, bí ngô thường được trưng bày và theo truyền thống dùng làm quà tặng trên khắp Albania, đặc biệt là trong khu vực Berat. Đặc sản hải sản cũng phổ biến ở các thành phố ven biển như Durrës, Sarande và Vlorë. Tại các vùng cao, thịt hun khói và đồ muối rất phổ biến. Hình ảnh
Quận Columbia là tên của tám quận tại Hoa Kỳ. Tên này cũng được dùng trong tiếng Việt để chỉ District of Columbia, thủ đô của Hoa Kỳ. Quận Columbia, Arkansas Quận Columbia, Florida Quận Columbia, Georgia Quận Columbia, New York Quận Columbia, Oregon Quận Columbia, Pennsylvania Quận Columbia, Washington Quận Columbia, Wisconsin
Đèo núi (quan sơn) hay thường gọi là đèo là một đoạn tuyến đường vượt qua một dãy núi hoặc trên một sườn núi, thường là được bố trí để đi lại thuận tiện nhất qua một dãy núi. Điểm có độ cao lớn nhất nhất của đường đèo gọi là đỉnh đèo hoặc điểm yên ngựa, nơi hai phía đều có độ cao thấp hơn. Đèo đồi là khái niệm ít dùng, để chỉ các đèo vượt qua các đồi thấp. Đèo tồn tại gắn liền với đường giao thông, nên tùy theo sự phát triển giao thông và du lịch mà đèo có được biết đến hay không. Một số hình ảnh Đèo tại Việt Nam nổi tiếng Đèo An Khê Đèo Bảo Lộc Đèo Bắc Sum Đèo Bông Lau Đèo Cả Đèo Chuối Đèo Cù Mông Đèo Đại Ninh Đèo Hải Vân Đèo Keo Nưa Đèo Khánh Lê Đèo Khau Cọ Đèo Khau Liêu Đèo Khau Phạ Đèo Khế Đèo Lò Xo Đèo Lũng Lô Đèo Mã Phục Đèo Mã Pí Lèng Đèo Mang Yang Đèo Mẹ Bồng Con Đèo Mụ Giạ Đèo Ngang Đèo Ngoạn Mục Đèo Ô Quý Hồ Đèo Pha Đin Đèo Phượng Hoàng Đèo Prenn Đèo Tam Điệp Đèo Thung Khe Đèo Vi Ô Lắc Đèo nổi tiếng trên thế giới Những đèo cao nhất: Đèo cao nhất thế giới mà mô tô có thể đi được là đèo Semo La ở Tây Tạng cao 5.565 m. Đèo thánh Bernard (Great St. Bernard Pass), cao 2.473 m trên dãy An pơ (Alps). Đèo Khardungla, cao 5.359 m, ở Jamu và Kashmir, Ấn Độ.
Đèo Cù Mông nằm trên Quốc lộ 1 ở ranh giới giữa tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên . Đèo là một trong những đèo núi hiểm trở nhất Việt Nam. Đèo dài 7 km, từ Km 1239+00 đến Km 1247+470, độ cao của đỉnh đèo là 245 mét, độ dốc 9%. Đường dốc, có nhiều cua gấp, hai bên là núi cao, dễ gây ra tai nạn giao thông. Về địa lý, đèo là tuyến đường bộ đi qua dãy núi Cù Mông, một trong những nhánh đâm ra biển của dãy Trường Sơn Nam. Trước đây khi chưa có tuyến đường quốc lộ 1D thì đèo là con đường chính để qua lại giữa Bình Định và Phú Yên. Lịch sử Theo sử sách, năm 1471 sau trận chiến giữa Đại Việt và Chiêm Thành, người Chăm thua trận nên đã bị mất vùng đất phía bắc từ đèo Hải Vân tới đèo Cù Mông, và từ năm 1471 đèo Cù Mông này chính là ranh giới mới giữa Đại Việt và Chiêm Thành cho đến năm 1611. Hầm đường bộ Cù Mông Hầm đường bộ Cù Mông trên quốc lộ 1 và đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Quy Nhơn – Chí Thạnh đã được xây dựng để giảm đường đèo dốc quanh co. Hầm có chiều dài toàn tuyến hơn 6,6 km, trong đó chiều dài hầm 2,6 km. Trên tuyến còn có 2 cầu với tổng chiều dài 36 m. Hầm gồm 2 ống hầm, thiết kế cho vận tốc lưu hành 80 km/giờ, quy mô 2 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Sau khi hoàn thành, hầm giúp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, đặc biệt là khúc cua gấp, độ dốc lớn, gây nguy cơ mất an toàn giao thông nhất là với các xe tải nặng, xe siêu trường, siêu trọng trên đèo này. Hầm khởi công tháng 9/2015 và đã hoàn thành và thông xe ngày 21 tháng 1 năm 2019. Chú thích
Đèo Pha Đin hay Dốc Pha Đin là đèo núi trên quốc lộ 6 ở giáp ranh giữa xã Phổng Lái huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La và xã Tỏa Tình huyện Tuần Giáo tỉnh Điện Biên . Đèo có độ dài 32 km. Điểm khởi đầu của đèo cách Thành phố Sơn La về phía Tây 66 km còn điểm cuối của đèo cách Thành phố Điện Biên Phủ khoảng 84 km. Du khách thường xếp đèo Pha Đin vào một trong "tứ đại đỉnh đèo" vùng miền núi phía Bắc, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Mã Pí Lèng. Cũng có khi đèo được xếp cùng nhóm sáu con đèo gây ấn tượng nhất Việt Nam bao gồm Khau Phạ, Hồng Thu Mán (trên Quốc lộ 4D, thuộc Pa So Phong Thổ, Lai Châu), Ô Quy Hồ, Hải Vân và Khánh Lê (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa). Truyền thuyết Tên gọi đèo Pha Đin nguyên gốc xuất xứ từ tiếng Thái, Pha đin, trong đó Pha nghĩa là "Trời", Đin là "Đất" hàm nghĩa nơi đây là chỗ nơi đất trời gặp nhau. Người Lai Châu cũ (nay là Điện Biên) và Sơn La từ xa xưa còn lưu truyền câu chuyện kể về cuộc bàn thảo tìm cách vạch định ranh giới của hai địa phương bằng một cuộc đua ngựa vượt dốc Pha Đin. Người và ngựa của cả hai phía đều đồng thời xuất phát từ hai dốc đèo. Hai dũng sĩ và hai con tuấn mã đều có sức mạnh và ý chí như nhau nên khoảng cách mà họ đi được cho tới địa điểm gặp nhau trên đèo không chênh lệch bao nhiêu. Tuy vậy, phần ngựa Lai Châu phi nhanh hơn nên phần đèo thuộc về Lai Châu dài hơn một chút so với phần phía Sơn La. Đặc điểm Theo quốc lộ 6 qua cao nguyên Mộc Châu tới Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu rồi từ Thuận Châu vượt qua Pha Đin là tới Tuần Giáo, cửa ngõ của Lai Châu cũ và tỉnh mới Điện Biên bây giờ. Đèo Pha Đin dài khoảng 32 km, từ km số 360 đến km số 392 trên quốc lộ 6, là nơi tiếp giáp theo hướng Đông-Tây giữa tỉnh Sơn La và tỉnh Điện Biên, nằm trong hệ thống cao nguyên Tả Phìn. Điểm cao nhất của đèo là 1.648 mét so với mực nước biển và tại đây có một tháp truyền hình khối lượng khoảng 70 tấn, chịu sức gió 200 km/h. Địa thế đèo rất hiểm trở, chênh vênh, một bên là vách núi và một bên là vực sâu hun hút. Độ dốc của đèo khoảng 10%, có chỗ 12% đến 15% thậm chí cục bộ 19%. Lúc lên dốc và xuống dốc, con đường đèo ngoằn ngoèo với 8 cung đường cua hết sức nguy hiểm, bán kính đường cong dưới 15m và bên cạnh đó là vô số các khúc cua tay áo, cua chữ A, chữ Z trong đó có nhiều đoạn chỉ đủ cho một ô tô đi qua. Khu vực này núi đất đỏ chứ không phải núi đá vôi, nên nền đất đèo nhìn chung tương đối yếu, dễ xảy ra sụt, trượt, lở đất vào mùa mưa và thêm vào đó, bề mặt đường rất thô sơ, cấp phối. Chính vì vậy, có nhiều vụ tai nạn thảm khốc đã thường xuyên xảy ra trên đường đèo. Trên lưng chừng đèo Pha Đin thường mịt mờ mây phủ, dưới chân đèo là những bản làng lác đác. Đứng trên dốc đèo phía tỉnh Điện Biên nhìn xuống du khách sẽ thấy thung lũng Mường Quài trải rộng với ngút ngàn màu xanh của đồi núi, thấp thoáng những làng bản đầu tiên của huyện Tuần Giáo. Tuy nhiên, khi lên đến gần đỉnh đèo thì hầu như không còn nhìn thấy bản làng nào mà chỉ còn nền trời xanh thẳm và núi rừng hùng vĩ như hòa quyện làm một. Trong kháng chiến chống Pháp, một trong những tuyến huyết mạch quan trọng tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) của Việt Minh đi qua đèo này, đã khiến đèo Pha Đin trở thành một biểu tượng của tinh thần gan dạ với hơn 8.000 thanh niên xung phong "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Năm 1954, nhằm chặn đứng tuyến tiếp vận này của Việt Minh, suốt 48 ngày đêm ròng rã tướng Pháp Christian de Castries đã cho máy bay oanh tạc đường số 6, trong đó đèo Pha Đin và ngã ba Cò Nòi (di tích lịch sử quốc gia ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) là hai nơi hứng chịu nhiều nhất lượng bom đạn đổ xuống. Trên đỉnh đèo Pha Đin hiện còn tấm bia ghi lại dấu ấn lịch sử này. Những năm gần đây (từ năm 2006 đến năm 2009), dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Sơn La-Tuần Giáo với tổng mức đầu tư hơn 1.165 tỷ đồng đã hoàn tất. Tuyến đường tránh đèo Pha Đin được xây dựng bám theo sườn núi các đỉnh đèo phụ phía trái quốc lộ 6 cũ, có độ cao khoảng 1.000m (thấp hơn đèo Pha Đin 200-400m), đã khiến xe cộ ít lưu thông qua cung đường qua đèo Pha Đin và con đèo chỉ còn phù hợp với khách du lịch ưa mạo hiểm. Đèo Pha Đin trong thơ văn Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát Dù bom đạn xương tan thịt nát Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh Trích Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Thơ Tố Hữu Đèo Pha Din mới được sửa chữa, nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, không còn cua tay áo, độ dốc một số điểm là 10°Có "châm chước". Trên đèo có cột mốc phân giới giữa Sơn La và Điện Biên. Nhưng cột mốc chỉ mang tính ước lượng, không chính xác. Trên đỉnh đèo có một chợ chim, bán rất nhiều loại chim do người dân mang ra. Ngoài ra có bán thịt ngựa, măng, táo mèo (theo mùa), rau cải mèo,... Trên đèo có nhiều điểm nước ngầm, gây rất nhiều khó khăn cho việc thi công đèo. Có một số vị trí thường có hiện tượng đá lăn, rất nguy hiểm.
Trong giải tích, phép đổi biến là một công cụ để tính nguyên hàm và tích phân. Nếu f(x) là một hàm số khả tích, và φ(t) là một hàm số liên tục khả vi có miền xác định là khoảng [a, b] và miền giá trị nằm trong miền xác định của f. Đồng thời φ'(t) là khả tích trên [a,b] và cho mọi t trong [a,b] Thì Công thức này có thể ghi nhớ thông qua công thức Leibniz: thế cùng lúc x = φ(t) và dx = φ'(t) dt (do dx / dt = φ'(t)) vào biểu thức tích phân. Công thức trên có thể được dùng để biến đổi một tích phân thành một tích phân có thể dễ tính hơn. Có thể biến đổi từ vế phải sang vế trái, hoặc từ vế trái sang vế phải, tuỳ theo ứng dụng. Việc biến từ vế trái sang vế phải còn được gọi là phép thế-u.
Quốc lộ 3 là tuyến đường huyết mạch nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Lộ trình Quốc lộ 3 dài 366 km, chạy theo hướng Nam – Bắc, bắt đầu từ phía Bắc cầu Đuống (Yên Viên – Hà Nội), qua Phù Lỗ (Sóc Sơn), qua các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, đến cửa khẩu Tà Lùng biên giới Việt-Trung. Tổng chiều dài 350,44 km và có 84 cầu. Đoạn từ cầu Đuống đến TT Phủ Thông (tỉnh Bắc Kạn) dài khoảng 180 km, đường bằng phẳng. Đoạn TT Phủ Thông đến thị trấn Tà Lùng (huyện Phục Hòa – Cao Bằng), dài khoảng 170 km, qua vùng núi cao, đường quanh co, vách ta luy cao, vực sâu. Riêng đoạn Thành phố Cao Bằng – Thủy Khẩu, Quốc lộ 3 qua các thung lũng, dân cư thưa thớt, dễ bị ngập nước vào mùa mưa. Trên tuyến quốc lộ có tổng cộng 84 cầu; đi qua một số đèo dốc lớn như: đèo Giàng, đèo Gió, đèo Cao Bắc, đèo Tài Hồ Sìn, đèo Mã Phục, Kéo Pựt và đèo Khâu Chỉa. Lịch sử Quốc lộ 3 là một trong 8 tuyến quốc lộ có điểm đầu từ Hà Nội, được hình thành từ thời phong kiến. Đến thế kỷ XIX, trục đường đã được người Pháp nâng cấp. Sau 1954 và đặc biệt là sau năm 1975, trục đường được nâng cấp và mở rộng hơn nữa, trở thành con đường huyết mạch nối Hà Nội với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Chú thích
Đèo Lũng Lô là đèo trên Quốc lộ 37 ở ranh giới huyện Phù Yên tỉnh Sơn La và huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái, Việt Nam . Đèo còn có tên gọi khác là Đèo Đao. Đèo Lũng Lô được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 1409/QĐ-BVHTTDL ngày 27/8/2012 Địa lý Đèo Lũng Lô nằm trên Quốc lộ 37 (tức Đường 379 cũ, nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32B) tại vùng đất giáp ranh giữa bản Bau xã Mường Cơi huyện Phù Yên tỉnh Sơn La và bản Dạ xã Thượng Bằng La huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái . Đèo cách thị trấn Phù Yên huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La 33 km về phía đông bắc. Đèo dài 15 km từ Km349 đến Km364, có độ dốc 10%. Lịch sử Trong Chiến tranh Đông Dương, đèo Lũng Lô nằm trên một trong những con đường tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Lực lượng của Pháp ném xuống đây gần 12.000 tấn bom..
Quốc lộ 7 (còn được gọi là Quốc lộ 7A) là quốc lộ dài 220 km, nằm hoàn toàn trong địa phận tỉnh Nghệ An. Lộ trình Điểm đầu của quốc lộ 7 cắt với tuyến đường sắt Bắc - Nam tại thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu (giao với Quốc lộ 1); điểm cuối tại cửa khẩu Nậm Cắn (biên giới Việt - Lào thuộc xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn). Quốc lộ này chạy qua các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn. Hầu hết thị trấn huyện lỵ của các huyện nói trên (Diễn Châu, Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông, Thạch Giám, Mường Xén) đều nằm trên Quốc lộ 7. Quốc lộ 7 còn giao với các con đường như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 15, Quốc lộ 46, đường tỉnh 534, đường tỉnh 538, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đường tỉnh lộ 27D (Anh Sơn), đường tỉnh lộ 496 (Đô Lương) đường Hồ Tông Thốc (Tương Dương) và đường Đặng Thúc Hứa (Yên Thành). Quốc lộ 7 còn chạy sang Lào. Tuyến đường này bên Lào cũng được gọi là Quốc lộ 7. Tuyến đường này dài 65 km và nó giao nhau với đường 1C ở Lào (hay còn gọi là đường Soxomphone) Thông số chung Đường được đổ nhựa hoàn toàn; mặt đường rộng từ 3,5 đến 10 m. Đoạn Diễn Châu - Đô Lương đã được san bê tông bằng phẳng, qua khu vực đông dân cư. Đoạn Đô Lương - Nậm Cắn dài 192 km, chạy dọc sông Cả, gần Nậm Cắn đường qua đèo Mường Xén dài 22 km, độ dốc 10-12%, đường hẹp, xe tránh nhau khó khăn, nhiều đoạn có vách ta luy cao hay bị sạt lở vào mùa mưa. Tuy nhiên vào năm 2015 chính phủ đã mở rộng mặt đường nhiều đoạn và làm thêm nhiều cầu mới nên đoạn đường từ thị trấn Đô Lương lên đến đường Hồ Chí Minh tương đối rộng rãi và tốt.
Quốc lộ 8 là tuyến giao thông đường bộ cấp quốc gia, toàn tuyến nằm trong địa phận tỉnh Hà Tĩnh. Đây là một phần của đường Xuyên Á AH15. Quốc lộ 8A Phần từ điểm giao cắt với Quốc lộ 1 tại km 482 (Quốc lộ 1) ở địa phận phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh chạy về phía Tây gọi là quốc lộ 8A; đi qua huyện Đức Thọ (qua cầu Đò Trai, ngã ba Lạc Thiện, ngã tư Bà Viên) đến cầu Linh Cảm lên huyện Hương Sơn (Nầm, thị trấn Phố Châu, cầu Hà Tân, thị trấn Tây Sơn) đến cửa khẩu Cầu Treo (biên giới Việt - Lào). Tổng chiều dài 85 km. Quốc lộ 8A được phát triển từ thời Pháp thuộc. Thời đó, quốc lộ 8 chạy từ Hồng Lĩnh sang bên Lào, giao với quốc lộ 13 Nam của Lào. Mặt đường rộng từ 6 m đến 16 m, trải bê tông nhựa. Qua 36 cầu lớn nhỏ, trong đó có 2 cầu lớn là cầu Linh Cảm dài 228,8 m và cầu Hà Tân dài 171,7 m. Đoạn Kim Sơn - Biên giới Việt - Lào đường dốc, vách ta luy cao, nhiều vực sâu hay bị sụt lở. Quốc lộ 8B - Quốc lộ 8C Phần từ điểm giao cắt với Quốc lộ 1 ở địa phận phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh chạy về hướng Đông Bắc, ngay dưới chân núi Hồng Lĩnh và bờ phải của sông Lam, đến địa phận thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân lại gặp Quốc lộ 1, đi tiếp qua thị trấn Nghi Xuân đến cảng Xuân Hải gọi là quốc lộ 8B. Toàn tuyến dài 25 km, đường cụt, trong đó đoạn tới thị trấn Nghi Xuân dài 17 km là đường cấp IV đồng bằng, đoạn còn lại là đường cấp III đảm bảo cho xe tải trọng lớn ra vào cảng. Đây là tuyến đường nối thị xã Hồng Lĩnh với thị trấn huyện lỵ Nghi Xuân của huyện Nghi Xuân. : Ngày 17/02/2017, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 442/QĐ-BGTVT về việc chuyển một số tuyến đường địa phương tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Nghệ An thành Quốc lộ 8C; Tổng cục Đường bộ Việt Nam có Công văn số 727/QĐ-TCĐBVN ngày 01/3/2017 về việc giao nhiệm vụ quản lý, bảo trì và khai thác tuyến Quốc lộ 8C cho Sở GTVT Hà Tĩnh. Tuyến Quốc lộ 8C, với điểm đầu: Km0+00 của ĐT.551 thuộc thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên (giao với QL.15B tại Km48+250/QL.15B); Điểm cuối tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An (giao với QL.46 tại Km71+200/QL.46). Hướng tuyến xuất phát từ Km0+00, ĐT.551 đi theo các đường ĐT.551 (Km0+00- Km25+200), ĐT.554 (Km60+00- Km32+00), ĐT.550 (Km27+600- Km30+600), QL.15 (Km395+750- Km362+200), QL.8 (15+400- Km19+500), ĐT.8B (cũ) (Km0- Km6+400), đường Sơn Ninh- Sơn Trung, đường Lê Hữu Trác, đường Giang- Lâm- Lĩnh, đường Tây – Lĩnh- Hồng, đường vào Nông trường Chè (tỉnh Nghệ An). Tổng chiều dài tuyến là 101,1Km (không tính đoạn trùng với QL1 dài 1Km, Quốc lộ 15 dài 33,5Km, Quốc lộ 8 dài 4,1Km). Hiện nay Sở GTVT Hà Tĩnh đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục theo quy định hiện hành để tiến hành xây dựng kế hoạch chi tiết cắm lý trình tuyến, lập hồ sơ quản lý đường;  Xây dựng kế hoạch vốn bảo trì, phương án đấu thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên để thực hiện hợp đồng giao nhận thầu từ ngày 01/7/2017 (trước mắt đặt hàng) để trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét, chấp thuận. Hình ảnh
Phong trào không liên kết là một tổ chức quốc tế cánh tả gồm các quốc gia tự xem mình là không thuộc hoặc chống lại bất kỳ khối cường quốc lớn nào. Phong trào này chủ yếu là đứa con tinh thần của Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, cựu tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser và chủ tịch Nam Tư Josip Broz Tito. Tổ chức được thành lập tháng 4 năm 1955; đến năm 2007, nó có 118 thành viên. Mục đích của tổ chức như đã ghi trong Tuyên bố La Habana năm 1979 là đảm bảo "sự độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của các quốc gia không liên kết" trong "cuộc chiến chống lại chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa thực dân kiểu mới, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và tất cả những hình thức xâm lược ra nước ngoài, chiếm đóng, chi phối, can thiệp hoặc bá quyền cũng như chống lại các đại cường quốc và chính sách của các khối". Họ đại diện cho gần hai phần ba thành viên Liên Hợp Quốc và 55 phần trăm dân số thế giới, đặc biệt là những quốc gia được xem là đang phát triển hoặc thuộc thế giới thứ ba. Tuy phong trào này mong muốn các quốc gia có liên kết chặt chẽ với nhau giống như NATO hay Khối Warszawa, nó có liên kết khá lỏng lẻo và nhiều thành viên của tổ chức thực sự có quan hệ gần gũi với siêu cường này hoặc siêu cường khác. Ngoài ra, một số thành viên còn mâu thuẫn nghiêm trọng với các thành viên khác (như Ấn Độ và Pakistan; Iran và Iraq; Ả Rập Xê Út, Bahrain, Ai Cập, Yemen, UAE và Qatar; Ả Rập Xê Út và Iran). Phong trào rạn nứt do mâu thuẫn ngay bên trong khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan năm 1979. Trong khi những đồng minh của Liên Xô ủng hộ cuộc tấn công, các thành viên khác (đặc biệt là các quốc gia Hồi giáo) của phong trào lại lên án. Đặc biệt, Liên Xô còn chỉ trích phong trào này do chính phong trào được thành lập từ "sự phản bội của Nam Tư". Vì Phong trào không liên kết được hình thành với nỗ lực chống lại Chiến tranh lạnh, tổ chức đã cố gắng tìm phương hướng hoạt động mới từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Sau khi Nam Tư, một thành viên sáng lập, tan rã, các quốc gia mới thành lập từ Nam Tư cũ tỏ ra không còn quan tâm tới việc tham dự Phong trào, tuy một số nước là quan sát viên. Vào năm 2004, Malta và Síp rút khỏi tổ chức để gia nhập Liên minh châu Âu. Nguồn gốc Các quốc gia độc lập nào quyết định không tham gia các khối trong Chiến tranh lạnh còn được gọi là các quốc gia không liên kết. Thuật ngữ "Không liên kết" được Thủ tướng Ấn Độ Nehru sử dụng trong bài diễn văn của ông vào năm 1954 tại Colombo, Sri Lanka. Trong bài diễn văn này, Nehru đã mô tả năm cột trụ làm kim chỉ nam cho quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Ấn Độ, được Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đề xướng. Được gọi là Panchsheel (năm ràng buộc), các nguyên tắc này sau này đóng vai trò là nền tảng của Phong trào không liên kết. Năm nguyên tắc này bao gồm: Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; Không xâm lược lẫn nhau; Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; Bình đẳng và hai bên cùng có lợi; Cùng tồn tại hoà bình. Cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Phong trào không liên kết là Hội nghị Bandung năm 1955, một hội nghị gồm các quốc gia châu Á và châu Phi được tổng thống Sukarno của Indonesia làm chủ nhà. Các quốc gia tham dự đã tuyên bố nguyện vọng không muốn dính líu đến Chiến tranh lạnh và thông qua "tuyên bố ủng hộ hòa bình và hợp tác thế giới", bao gồm năm nguyên tắc của Nehru. Sáu năm sau Hội nghị Bandung, sáng kiến của Chủ tịch Nam Tư Tito đã dẫn đến Hội nghị Phong trào không liên kết chính thức lần đầu tiên, tổ chức tháng 9 năm 1961 tại Belgrade. Tại Hội nghị Lusaka tháng 9 năm 1970, các quốc gia thành viên đã bổ sung nghị quyết hòa bình cho các tranh chấp và ảnh hưởng từ các đồng minh quân sự và hiệp ước của các cường quốc vài mục tiêu của phong trào. Sự phản đối thiết lập các căn cứ quân sự ở nước ngoài cũng được thêm vào mục tiêu của phong trào. Những người sáng lập nên Phong trào không liên kết gồm: Nehru của Ấn Độ, Sukarno của Indonesia và Josip Broz Tito của Nam Tư, Gamal Abdel Nasser của Ai Cập và Kwame Nkrumah của Ghana. Những việc làm của họ được gọi là 'Nhóm năm khởi đầu'. Cấu trúc tổ chức và kết nạp thành viên Tuy Phong trào không liên kết là một tổ chức liên minh các quốc gia, giống như Liên Hợp Quốc hay NATO, nó vẫn có những điểm đặc biệt so với các tổ chức này về tổ chức và cấu trúc. Đầu tiên, nó tự nhận là mang bản chất không phân cấp, có nghĩa là không có quốc gia nào có quyền phủ quyết hoặc có sự ưu tiên đặc biệt trong bất cứ lĩnh vực nào. Ghế chủ tịch được xoay vòng một cách chính thức tại mỗi hội nghị. Quốc gia điều hành tổ chức được xoay vòng (hiện nay là Ai Cập) và việc xoay vòng này là nhất quán và bình đẳng. Thứ hai, tổ chức không có bất kỳ một hiến chương nào như các tổ chức tương tự khác. Đây là do xét đến việc với quá nhiều quốc gia với nhiều quan điểm và ưu tiên khác nhau, bất kỳ một cấu trúc quản lý hình thức nào cũng có thể tăng sự chia rẽ và cuối cùng có thể dẫn đến sự sụp đổ của tổ chức. Quyền kết nạp thành viên cũng đã thay đổi so với các tiêu chí ban đầu. Khi tổ chức dần lớn mạnh và tình thế chính trị quốc tế thay đổi, các tiêu chí cũng thay đổi theo. Đang có một nỗ lực tích hợp các tiêu chí của Phong trào với các quan điểm chính yếu của Liên Hợp Quốc. Các tiêu chí mới nhất đó là quốc gia ứng viên phải tuân theo các nguyên tắc sau: Tôn trọng quyền cơ bản của con người và tôn trọng mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia. Công nhận sự bình đẳng của tất cả chủng tộc và sự bình đẳng của tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ. Tránh can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Tôn trọng quyền tự vệ một cách đơn độc hoặc tập thể của mỗi quốc gia, thể theo Hiến chương của Liên Hợp Quốc. Tránh các hành động hoặc đe dọa tấn công hoặc sử dụng vũ lực nhằm chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc sự độc lập chính trị của quốc gia khác. Giải quyết tất cả các tranh chấp quốc tế bằng con đường hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc. Tăng cường sự hợp tác và đôi bên cùng có lợi. Tôn trọng công lý và các nghĩa vụ quốc tế. Chính sách và lý tưởng Tổng thư ký Phong trào không liên kết bao gồm nhiều nhân vật như Suharto, một nhà độc tài chống cộng sản, và Nelson Mandela, người dân chủ xã hội và là nhà hoạt động chống lại chủ nghĩa Apartheid nổi tiếng. Bao gồm nhiều chính phủ với lý tưởng khác nhau rất nhiều, Phong trào không biên giới thống nhất được các thành viên vì sự gắn kết của nó với hòa bình và an ninh thế giới. Tại hội nghị lần thứ 7 tại New Delhi tháng 3 năm 1983, phong trào đã tự mô tả mình là "phong trào hòa bình lớn nhất trong lịch sử". Phong trào cũng nhấn mạnh việc giải trừ quân bị. Sự theo đuổi hòa bình của Phong trào không liên kết có từ khi được thành lập chính thức năm 1961. Cuộc gặp Brioni giữa những người đứng đầu chính phủ Ấn Độ, Ai Cập và Nam Tư năm 1956 đã thừa nhận rằng tồn tại một mối liên kết sống còn giữa cuộc đấu tranh vì hòa bình và nỗ lực giải trừ quân bị. Phong trào không liên kết tin tưởng vào các chính sách và thực tiễn hợp tác, đặc biệt là những gì đa phương và cùng có lợi cho những bên liên quan. Nhiều thành viên của Phong trào cũng là thành viên của Liên Hợp Quốc và cả hai tổ chức này đều tuyên bố các chính sách hợp tác hợp tác hòa bình, tuy những thành công mà Phong trào này có được trong các thỏa thuận đa phương dường như bị các nước phát triển lớn hơn ở phương Tây đang thống trị Liên Hợp Quốc bỏ qua. Sự lo ngại của châu Phi về chủ nghĩa apartheid được liên kết với những lo ngại của Ả Rập-châu Á về Palestine và sự thành công của sự hợp tác đa phương tại các khu vực này là một dấu ấn thành công của Phong trào không liên kết. Phong trào cũng đóng một vai trò quan trọng trong các mâu thuẫn về lý tưởng khác nhau trong khi tồn tại, trong đó có việc phản đối kịch liệt các chế độ apartheid và sự hỗ trợ cho phong trào giải phóng tại nhiều nơi như Zimbabwe và Nam Phi. Sự hỗ trợ những loại phong trào như thế này xuất phát từ niềm tin rằng mọi quốc gia đều có quyền đặt nền tảng chính sách và thực hành theo quyền lợi của quốc gia chứ không phải là kết quả có được từ mối liên hệ với một khối cường quốc cụ thể nào. Phong trào không liên kết đã trở thành tiếng nói hỗ trợ cho các vấn đề mà quốc gia đang phát triển gặp phải và vẫn chứa đựng những lý tưởng phù hợp với bối cảnh này. Sự phù hợp với thời đại Từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh và sự kết thúc chính thức chủ nghĩa thực dân, Phong trào không liên kết đã buộc phải tự điều chỉnh mình và đề ra mục tiêu mới trong hệ thống thế giới hiện tại. Một câu hỏi lớn đó là liệu các lý tưởng khi thành lập của nó, sự độc lập quốc gia về nguyên tắc, sự toàn vẹn lãnh thổ, và cuộc chiến đấu chống lại chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc, có còn áp dụng được cho tình hình hiện nay hay không. Phong trào đã nhấn mạnh nguyên tắc đa phương, bình đẳng, và không can thiệp lẫn nhau trong nỗ lực có được tiếng nói mạnh mẽ hơn cho Nam bán cầu, và là một phương tiện có thể dùng để tăng cường đòi hỏi của các quốc gia thành viên ở mức độ quốc tế và tăng sức mạnh chính trị của họ khi đàm phán với các nước phát triển. Trong nỗ lực tăng cường lợi ích Nam bán cầu, phong trào đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác và thống nhất giữa các quốc gia thành viên, nhưng cũng như trong quá khứ, sự gắn kết vẫn là một vấn đề do kích thước của tổ chức và sự phân tán lịch làm việc và lòng trung thành cho thấy nguy cơ rạn nứt vẫn còn đó. Tuy sự thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản là khá dễ dàng, thực hiện những hành động dứt khoát tương ứng với những vấn đề cụ thể của thế giới còn hiếm hoi, với việc phong trào thường đưa ra sự chỉ trích hoặc ủng hộ chứ không thích thông qua những nghị quyết cứng rắn. Phong trào tiếp tục chứng kiến vai trò của nó, như quan điểm của tổ chức, các quốc gia nghèo nhất thế giới vẫn bị bóc lột và đặt ra rìa, không phải từ những siêu cường đối lập nhau, mà từ một thế giới đơn cực, và phong trào đang thực sự chống lại chủ nghĩa bá quyền phương Tây và chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Phong trào đối lập với sự chiếm đóng nước ngoài, can thiệp vào công việc nôi bộ, và các biện pháp xâm lăng đơn phương, nhưng nó cũng chuyển sang tập trung cho các thách thức kinh tế-xã hội mà các quốc gia thành viên đang đối mặt, đặc biệt là sự bất bình đẳng do toàn cầu hóa tạo nên và việc thực thi các chính sách tân tự do. Phong trào không liên kết đã xác định kém phát triển về kinh tế, đói nghèo, và bất công xã hội là những nguy cơ đang lên đối với hòa bình và an ninh. Các tổng thư ký Giữa mỗi hội nghị, Phong trào không liên kết do một Tổng thư ký được bầu tại cuối kỳ họp trước vận hành. Vì một phần đáng kể công việc của phong trào được thực hiện tại Liên Hợp Quốc ở New York, đại sứ tại Liên Hợp Quốc của quốc gia chủ tịch được mong đợi sẽ bỏ thời gian và nỗ lực cho các vấn đề liên quan đến Phong trào không liên kết. Một Ủy ban Phối hợp, cũng đặt tại Liên Hợp Quốc, là cơ quan chính chỉ đạo công việc của các đơn vị sự nghiệp, ủy ban và nhóm làm việc của phong trào. Các hội nghị thượng đỉnh Bandung, 18–24 tháng 4, 1955 Beograd, 1–6 tháng 9, 1961 Cairo, 5–10 tháng 10, 1964 Lusaka, 8–10 tháng 9, 1970 Algiers, 5–9 tháng 9, 1973 Colombo, 16–19 tháng 8, 1976 La Habana, 3–9 tháng 9, 1979 New Delhi, 7–12 tháng 3, 1983 Harare, 1–6 tháng 9, 1986 Beograd, 4–7 tháng 9, 1989 Jakarta, 1–7 tháng 9, 1992 Cartagena de Indias, 18–20 tháng 10, 1995 Durban, 2–3 tháng 9, 1998 Kuala Lumpur, 20–25 tháng 2, 2003 La Habana, 15–16 tháng 9, 2006 Sharm El-Sheikh, 11–16 tháng 7, 2009 Tehran, 28 tháng 8, 2012 Đảo Margarita, 17 tháng 9, 2016 Baku, 25–26 tháng 10, 2019 Các quốc gia thành viên và đại diện Các quốc gia có hệ thống chính trị đa đảng được đánh bằng dấu sao * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * (Gia nhập năm 1977) * * * * * * * * * * * * * * * * * Các quan sát viên Các quốc gia sau đây là quan sát viên: Khách mời Không có vị trí khách mời cố định, nhưng thông thường sẽ có một vài quốc gia không thành viên cử đại diện làm khách mời tại hội nghị. Ngoài ra, một số lượng lớn tổ chức, cả thuộc hệ thống Liên Hợp Quốc hoặc bên ngoài, cũng luôn được mời làm khách.
Trận đánh Minden là trận xảy ra ở miền Bắc Đức vào ngày 1 tháng 8 năm 1759 trong cuộc Chiến tranh Bảy năm. 42.500 quân Phổ – Hanover – Anh do Vương công Ferdinand xứ Brunswick thống lĩnh, với 170 khẩu đại pháo, đã đánh tan tác 54.000 quân Pháp (với 162 khẩu đại pháo) do Thống chế de Broglie chỉ huy. Vương công Ferdinand là một trong những cận tướng của vua Friedrich II Đại Đế nước Phổ. Quân Pháp tháo chạy, và họ chỉ có thể rút quân an toàn do viên chỉ huy Kỵ binh Anh là Huân tước Sackville thiếu kinh nghiệm và không biết nghe lệnh. Sau chiến thắng, Vương công Ferdinand truy kích quân Pháp gần đến sông Rhine. Trận Minden là một trận đánh được biết đến nhiều trong cuộc Chiến tranh Bảy Năm. Khi hay tin về chiến thắng lừng lẫy này của đạo quân Phổ ở miền Tây, vua Friedrich II Đại Đế vui sướng và trở nên càng có chí khí hơn. Nhưng trong khi an toàn trên mặt trận phía Tây thì ông phải chịu nhiều khó khăn trên mặt trận chống liên quân Đế quốc Nga - Áo - Thụy Điển. Chú thích
Cườm khô của thủy tinh thể trong mắt là hiện trạng thủy tinh thể bị đục làm kém thị giác. Nguyên nhân Cườm thường do nhiều yếu tố khác nhau gây ra, nhưng đa số là do lớn tuổi. Lớn tuổi: Khoảng 50% người tuổi 65-74 và 70% người tuổi trên 75 bị cườm Tia sáng cực tím: Nếu mắt bị chói lâu có thể tạo cườm Do bệnh khác tạo nên: Điển hình là bệnh Đái tháo đường Bệnh bẩm sinh Tai nạn vào mắt Phơi nhiễm phóng xạ Triệu chứng Thị giác bị mờ hay tối lại Ban đêm mắt không thấy rõ Bị chói khi quá sáng Nhìn thấy hào quang chung quang đèn Phải thay kính mắt nhiều lần Có cảm tưởng màu sắc đồ vật bị ố hay vàng đi Đôi khi nhìn một vật thành hai (bằng một mắt) Phân loại Cườm có nhiều dạng: nặng hay nhẹ, cứng hay mềm, thay đổi nhanh hay chậm, toàn bộ thủy tinh thể hay chỉ một phần. Có ba dạng cườm chính - phân định theo phần nào của thủy tinh thể bị ảnh hưởng : Lõi (Nuclear). Chất đặc trong lõi thủy tinh thể bị đục và từ từ cứng lại, thay đổi độ hội tụ của mắt. Đôi khi trong một thời gian ngắn có thể làm nhãn quan khá ra và nhiều người khỏi đeo kính khi đọc sách. Nhưng sau đó lõi tiếp tục bị đục mờ nhiều hơn, ố thành màu vàng, xanh rồi nâu. Bệnh nhân khó phân biệt hình vật khi gần tối. Vỏ (Cortical). Bắt đầu như một vệt trắng, cườm ăn lan theo lớp màng bọc hủy tinh thể từ ngoài rìa vào trung tâm và gây rối loạn cho ánh sáng đi qua thủy tinh thể. Thị giác xa và gần đều bị giảm, đôi khi hình ảnh bị bóp méo. Bệnh nhân hay bị chói mắt và khó phân biệt sáng tối. Dưới vỏ (Subcapsular). Loại cườm này mọc khu phía sau thủy tinh thể, dưới lớp màng bọc, và thường nằm trên trục thị giác chắn hoặc làm rối loạn tia sáng đi vào võng mạc. Bệnh nhân đọc sách không rõ chữ, hay bị chói và khi tối thường thấy hào quang chung quanh những điểm sáng. Phòng ngừa Những chứng bệnh liên hệ Rối loạn Chromosom Hội chứng Alport hội chứng Cri-du-chat hội chứng Conradi Myotonia dystrophica hội chứng Patau hội chứng Schmid-Fraccaro hội chứng Edward's (Trisomy 18) hội chứng Turner's Bệnh Da liễu Atopic dermatitis Basal-cell nevus syndrome Ichthyosis Pemphigus Chuyển hóa và Dinh dưỡng Aminoaciduria (Lowe's syndrome) Đái tháo đường Fabry's disease Galactosemia Homocystinuria Tăng ứ Vitamin D Hyperparathryroidism Suy giáp trạng Mucopolysaccharidoses Wilson's disease Bệnh truyền nhiễm Bẩm sinh Congential herpes simplex Congenital syphilis Cytomegalic inclusion disease Rubella Nhiễm trùng Cysticercosis Leprosy Onchocerciasis Toxoplasmosis Thuốc hay độc tố Corticosteroids Haloperidol Miotics Triparanol
Chicago ( , ) là thành phố đông dân thứ ba tại Hoa Kỳ, và là thành phố đông dân nhất tiểu bang Illinois và Trung Tây Hoa Kỳ. Vùng đô thị Chicago là nơi cư trú của 9,5 triệu người và là vùng đô thị lớn thứ ba tại Hoa Kỳ. Chicago là thủ phủ của quận Cook. Chicago được hợp nhất thành một thành phố vào năm 1837, với vị trí nằm gần một dòng nước chuyển tải giữa Ngũ Đại Hồ và lưu vực sông Mississippi, và trải qua phát triển nhanh chóng vào giữa thế kỷ 19. Ngày nay, thành phố là một trung tâm quốc tế về tài chính, thương nghiệp, công nghiệp, kỹ nghệ, truyền thông, và giao thông. Chicago là một thành phố toàn cầu có thứ hạng cao. Văn hóa Chicago có những đóng góp cho các nghệ thuật thị giác, tiểu thuyết, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, đặc biệt là jazz, blues, soul, và là nơi khởi nguồn của nhạc house. Thành phố có nhiều biệt danh, chúng phản ánh các ấn tượng và đánh giá về Chicago trong lịch sử và đương đại, được biết đến nhiều nhất là "Thành phố lộng gió" và "Thành phố thứ nhì". Lịch sử Tên gọi "Chicago" bắt nguồn từ một bản dịch tiếng Pháp của từ shikaakwa trong ngôn ngữ Miami-Illinois của người da đỏ, có nghĩa là "hành dại" hay "tỏi dại". Một hồi ký của Robert de LaSalle vào khoảng năm 1679 có nói về "Checagou", và đây cũng là đề cập đầu tiên được biết đến về địa điểm mà nay là Chicago. Trong hành trình vào năm 1688 của mình, Henri Joutel có ghi lại rằng tỏi dại, được gọi là "chicagoua," mọc nhiều trong khu vực. Vào giữa thế kỷ 18, người da đỏ Potawatomi định cư tại khu vực, họ chiếm đất của người Miami và Sauk và Fox. Thập niên 1780 xuất hiện việc có người định cư phi thổ dân đầu tiên được biết đến tại Chicago, đó là Jean Baptiste Point du Sable, ông có nguồn gốc châu Phi và châu Âu. Năm 1795, sau Chiến tranh Da đỏ Tây Bắc, một khu vực mà sau trở thành một phần của Chicago được các bộ lạc thổ dân chuyển giao cho Hoa Kỳ để làm một đồn quân sự theo như Hiệp định Greenville. Năm 1803, Lục quân Hoa Kỳ xây dựng pháo đài Dearborn, song công trình bị phá hủy trong Chiến tranh năm 1812, cụ thể là trận Dearborn và sau đó được xây dựng lại. Các bộ lạc Ottawa, Ojibwe, và Potawatomi nhượng thêm đất cho Hoa Kỳ theo Hiệp định St. Luois năm 1816. Người Potawatomi cuối cùng bị buộc phải dời khỏi vùng đất của họ sau Hiệp định Chicago vào năm 1833. Ngày 12 tháng 8 năm, 1833, thị trấn Chicago được tổ chức và có dân số khoảng 200. Trong vòng bảy năm, dân số thị trấn tăng lên trên 4.000. Thành phố Chicago được hợp nhất vào Thứ Bảy, 4 tháng 3 năm 1837 và trở thành thành phố phát triển nhanh nhất trên thế giới trong một số thập niên. Thành phố có Chuyển tải Chicago, nổi lên thành một trung tâm giao thông quan trọng giữa miền đông và miền tây Hoa Kỳ. Tuyến đường sắt đầu tiên của Chicago là Đường sắt Liên hiệp Galena và Chicago được khánh thành vào năm 1848. Kênh Illinois và Michigan cũng được khánh thành trong cùng năm, cho phép thuyền hơi nước và thuyền buồm trên Ngũ Đại Hồ kết nối được với sông Mississippi. Do có kinh tế phồn thịnh, cư dân từ các cộng đồng nông thôn và người nhập cư ngoại quốc di cư tới Chicago. Các lĩnh vực chế tạo, bán lẻ và tài chính chiếm ưu thế trong kinh tế thành phố, có ảnh hưởng đối với kinh tế Hoa Kỳ. Sở giao dịch thương phẩm Chicago (thành lập năm 1848) liệt kê những hợp đồng kỳ hạn đầu tiên đã được chuẩn hóa để 'giao dịch', gọi là các hợp đồng tương lai. Trong những thập niên 1850 và 1860, các kỹ sư đã tiến hành nâng cao nền móng của khu vực trung tâm Chicago. Các con đường, vỉa hè và tòa nhà được nâng lên độ cao mới bằng những con đội. Năm 1871, Đại hỏa hoạn Chicago xảy ra, phá hủy một khu vực lớn của thành phố vào thời điểm đó. Trong giai đoạn tái thiết, tòa nhà chọc trời đầu tiên trên thế giới được xây dựng tại Chicago, sử dụng khung thép. Nền kinh tế hưng thịnh của Chicago thu hút một lượng lớn di dân mới từ châu Âu và di dân từ miền Đông Hoa Kỳ. Năm 1900, không dưới 77% tổng dân số của thành phố sinh tại nước ngoài, hoặc sinh tại Hoa Kỳ với cha mẹ ngoại quốc. Người Đức, Ireland, Ba Lan, Thụy Điển, và Séc chiếm gần hai phần ba trong số cư dân sinh tại ngoại quốc (năm 1900, người da trắng chiếm 98,1% dân số thành phố). Trong giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ nhất và thập niên 1920, ngành công nghiệp của Chicago được mở rộng mạnh, thu hút nhiều người da đen từ miền Nam đến để tìm việc làm. Từ năm 1910 đến 1930, số người da đen tại Chicago tăng từ 44.103 lên 233.903. Hàng trăm người da đen di chuyển đến thành phố trong Đại di cư, những người mới đến có ảnh hưởng lớn về văn hóa, được gọi là Phục hưng da đen Chicago, một phần của Phong trào Da đen Mới, trong nghệ thuật, văn học, và âm nhạc. Ngày 2 tháng 12 năm 1942, nhà vật lý học Enrico Fermi thực hiện phản ứng hạt nhân có kiểm soát đầu tiên trên thế giới tại Đại học Chicago, đây là một phần trong Dự án Manhattan tối mật. Điều này dẫn đến việc Hoa Kỳ chế tạo ra bom nguyên tử, và sử dụng nó trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Bắt đầu từ thập niên 1960, giống như hầu hết thành phố tại Hoa Kỳ, nhiều cư dân da trắng của thành phố chuyển đến vùng ngoại ô, các khu phố biến đổi hoàn toàn về phương diện chủng tộc. Thay đổi kết cấu trong công nghiệp khiến những công nhân tay nghề thấp chịu ảnh hưởng nặng nề. Năm 1966, Martin Luther King, Jr. và Albert Raby lãnh đạo Phong trào Tự do Chicago, phong trào lên đến đỉnh với các hiệp định giữa Thị trưởng và các lãnh đạo phong trào. Các dự án xây dựng lớn được tiến hành trong thời gian nhiệm kỳ của Richard J. Daley, gồm có tháp Sears (nay gọi là Willis Tower), Đại học Illinois ở Chicago, McCormick Place, và Sân bay quốc tế O'Hare. Năm 1979, Jane Byrne đắc cử, trở thành nữ thị trưởng đầu tiên của thành phố. Năm 1983, Harold Washington trở thành thị trưởng người da đen đầu tiên của Chicago. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, chính quyền chú ý đến các khu phố thiểu số nghèo và bị lãng quên trước đó. Địa lý Chicago nằm ở đông bắc bộ tiểu bang Illinois, trên bờ tây nam của hồ Michigan. Đây là thành phố chính của vùng đô thị Chicago tại Trung Tây Hoa Kỳ và vùng Ngũ Đại Hồ. Chicago nằm trên một đường phân thủy lục địa tại điểm Chuyển tải Chicago, nối lưu vực sông Mississippi và lưu vực Ngũ Đại Hồ. Thành phố nằm bên hồ nước ngọt Michigan rộng lớn, và hai sông là sông Chicago qua trung tâm và sông Calumet chảy qua vùng công nghiệp South Side. Lịch sử và kinh tế của Chicago gắn chặt với hồ Michigan. Phần lớn vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy của khu vực trước đây sử dụng sông Chicago, song hiện nay các tàu to chở hàng trên hồ sử dụng cảng Lake Calumet tại South Side. Hồ Michigan giúp điều hòa khí hậu cho Chicago; khiến cho các khu phố ven hồ có chút ấm hơn vào mùa đông và mát hơn vào mùa hạ. Độ dốc tổng thể của trung tâm thành phố, các khu vực được xây dựng, là tương đối phù hợp do bằng phẳng tự nhiên, ít có khác biệt giữa các nơi. Cao độ mặt đất bình quân là trên mực nước biển. Các điểm thấp nhất nằm dọc theo bờ hồ với cao độ , còn điểm cao nhất là đỉnh băng tích Blue Island có cao độ ở xa về phía nam. Một tên gọi không chính thức của toàn bộ vùng đô thị Chicago là "Chicagoland". Không có định nghĩa chính xác cho "Chicagoland", song nó thường có nghĩa là gọi chung thành phố cùng các khu ngoại ô. Báo Chicago Tribune xác định thuật ngữ này gồm có thành phố Chicago, phần còn lại của quận Cook, và tám quận lân cận thuộc tiểu bang Illinois: Lake, McHenry, DuPage, Kane, Kendall, Grundy, Will và Kankakee, và ba quận thuộc tiểu bang Indiana: Lake, Porter và LaPorte. Nhân khẩu Trong 100 năm đầu, Chicago là một trong các thành phố phát triển nhanh nhất trên thế giới. Khi thành lập thành phố vào năm 1833, có ít hơn 200 người định cư tại đây, nơi đương thời là vùng biên giới của Hoa Kỳ. Trong cuộc điều tra nhân khẩu đầu tiên của thành phố, được tiến hành bảy năm sau đó, dân số đạt trên 4.000. Trong khoảng thời gian bốn mươi năm, dân số thành phố tăng từ mức gần 30.000 vào năm 1850 lên trên 1 triệu vào năm 1890. Lúc kết thúc thế kỷ 19, Chicago là thành phố lớn thứ năm trên thế giới, và lớn nhất trong số các thành phố xuất hiện sau thời điểm bắt đầu thế kỷ 19. Trong vòng 60 năm sau Đại hỏa hoạn Chicago năm 1871, dân số tăng từ khoảng 300.000 lên trên 3 triệu, và đạt 3,6 triệu người trong điều tra nhân khẩu năm 1950, đây là con số cao nhất từng ghi nhận được. Từ hai thập niên cuối của thế kỷ 19, Chicago là điểm đến của các làn sóng nhập cư từ Nam, Trung và Đông Âu, như người Ý, người Do Thái, người Ba Lan, người Bosnia, và người Séc. Giai cấp công nhân công nghiệp của thành phố có nền tảng là các dân tộc gốc Âu này, giai cấp này được bổ sung bằng một dòng người Mỹ gốc Phi từ miền Nam Hoa Kỳ, và dân số của người Da đen tại Chicago tăng gấp đôi từ năm 1910 đến 1920 và lại tăng gấp đôi từ năm 1920 đến 1930. Đại đa số người Da đen Hoa Kỳ chuyển đến Chicago trong những năm này tụ tập tại một khu vực được gọi là "Vành đai Đen" tại South Side. Năm 1930, hai phần ba số người Mỹ gốc Phi tại Chicago sống tại các khu vực mà người Da đen chiếm khoảng 90% dân số. South Side của Chicago là nơi tập trung đông người Da đen đô thị thứ nhì tại Hoa Kỳ, sau Harlem tại New York. Theo điều tra nhân khẩu năm 2010, có 2.695.598 người với 1.045.560 hộ gia đình tại Chicago. Trên một nửa dân số của tiểu bang Illinois sống tại vùng đô thị Chicago. Chicago là thành phố lớn nhất tại siêu đô thị Ngũ Đại Hồ. Dân cư gốc Mỹ Latinh hoặc Iberia (Hispanic) chiếm 28,9% tổng dân số thành phố: 21,4% là người Mexico, 3,8% là người Puerto Rico, 0,7% là người Guatemala, 0,6% là người Ecuador, 0,3% là người Cuba, 0,3% là người Colombia, 0,2% là người Honduras, 0,2% là người El Salvador, 0,2% là người Peru. Người da trắng phi Hispanic giảm từ 59% vào năm 1970 xuống 31,7% vào năm 2010. Theo số liệu của Cơ quan Nghiên cứu cộng đồng Hoa Kỳ vào năm 2011, các tổ tiên người Âu lớn nhất là: người Ireland: (208.562), người Đức: (201.863), người Ba Lan: (165.177), người Ý (102.188), người Anh (66.107). Nhiều lãnh đạo tôn giáo thế giới từng đến Chicago, bao gồm mẹ Teresa và Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến Chicago vào năm 1979 trong chuyến công du đầu tiên của ông tới Hoa Kỳ sau khi được bầu làm giáo hoàng. Kinh tế Theo ước tính năm 2010, Chicago có tổng sản phẩm đại đô thị cao thứ ba tại Hoa Kỳ, với xấp xỉ 532 tỷ USD, chỉ đứng sau các quần thể đô thị New York và Los Angeles. Thành phố cũng được đánh giá là có kinh tế cân bằng nhất tại Hoa Kỳ, do đa dạng hóa ở mức cao. Năm 2007, Chicago được xác định là trung tâm kinh doanh quan trọng thứ tư trên thế giới theo chỉ số các trung tâm thương nghiệp toàn cầu MasterCard. Ngoài ra, vùng đô thị Chicago ghi nhận số lượng lớn nhất các cơ sở công ty mới hoặc mở rộng tại Hoa Kỳ trong sáu năm trong giai đoạn từ 2001 đến 2008. Vùng đô thị Chicago có lực lượng lao động khoa học và kỹ thuật lớn thứ ba toàn quốc. Năm 2009, Chicago xếp thứ 29 trong danh sách của UBS về các thành thị giàu nhất thế giới. Chicago là một trung tâm tài chính lớn trên thế giới, có khu thương nghiệp trung tâm lớn thứ hai tại Hoa Kỳ. Thành phố là nơi đặt trụ sở của Ngân hàng Dự trữ Liên bang tại Chicago, là một trong 12 ngân hàng dự trữ cấp vùng của Hoa Kỳ. Thành phố có các sở giao dịch tài chính và hợp đồng tương lai, bao gồm Sở giao dịch chứng khoán Chicago, CBOE, Sở giao dịch hàng hóa Chicago (the "Merc"), CBOT. Tập đoàn CME Group có trụ sở tại Chicago, và sở hữu the "Merc", CBOT, NYMEX, COMEX và Dow Jones Indexes. Có thể do ảnh hưởng từ học phái kinh tế Chicago, thành phố cũng có một số thị trường giao dịch các hợp đồng bất thường như khí thải (sở giao dịch khí hậu Chicago) và chỉ số phong cách công bằng (trên sở giao dịch hợp đồng tương lai Hoa Kỳ]). Ngân hàng Chase có trụ sở thương mại và bán lẻ của họ tại tháp Chase tại Chicago. Vùng đô thị Chicago là nơi có nguồn lao động lớn thứ hai tại Hoa Kỳ với khoảng 4,25 triệu người lao động. In addition, the state of Illinois is home to 66 Fortune 1000 companies, including those in Chicago. Chế tạo, in ấn, xuất bản và chế biến thực phẩm cũng đóng các vai trò quan trọng trong kinh tế của thành phố. Chicago là một địa điểm lớn về tổ chức hội nghị trên thế giới, trung tâm hội nghị chính của thành phố là nhà McCormick. Với bốn tòa nhà liền nhau, đây là trung tâm hội nghị lớn nhất tại Hoa Kỳ và lớn thứ ba trên thế giới. Chicago cũng xếp hạng ba tại Hoa Kỳ (sau Las Vegas và Orlando) về số lượng hội nghị tổ chức hàng năm. Năm 2012, Chicago đón 34,07 triệu du khách thư nhàn nội địa, 10,92 triệu du khách thương vụ nội địa và 1,369 triệu du khách hải ngoại, các du khách đóng góp trên 12,8 tỷ USD cho kinh tế Chicago. Giáo dục Thành phố Chicago có nhiều trường đại học đa dạng. Trong số những trường đại học thuộc Top 10 trường đại học nổi tiếng của Mỹ có Đại học Chicago và Đại học Northwestern (Northwestern University) là ở Chicago. Ngoài ra, Chicago còn có những trường đại học lớn khác như Đại học DePaul, Đại học Illinois ở Chicago, Học viện Kỹ thuật Illinois, Đại học Loyola Chicago, Trường thuộc Viện Nghệ thuật Chicago cùng nhiều trường khác. Chú thích Thư mục
Bệnh suy giáp trạng bẩm sinh là bệnh nội tiết khi tuyến giáp trạng của trẻ sơ sinh không sản xuất đủ hormone để đáp ứng nhu cầu chuyển hoá và quá trình sinh trưởng của cơ thể. Nguyên nhân có thể là do tuyến giáp trạng phát triển bất thường, một lỗi bẩm sinh trong chuyển hoá giáp trạng, hay thiếu chất iod. Trên thế giới vào khoảng một trong 3500 trẻ sơ sinh mắc bệnh này. Từ "còi độn địa phương" (endemic cretinism) được dùng để gọi một dạng suy giáp trạng ở những trẻ em bị bướu cổ. Khảo cứu tìm ra ngyên nhân của dịch này là do thiếu chất iod. Trong những năm sau năm 1930, iod được dùng để phòng bệnh này. Tuy Tổ chức Y tế Thế giới có cố gắng thúc đẩy việc dùng muối iod, bệnh này vẫn còn hoành hành tại một số địa phương như các quốc gia Phi châu, Bangladesh, Trung Quốc, Indonesia và Nepal. Nguyên nhân Nguyên nhân của suy giáp trạng bẩm sinh: Giáp trạng hình thành bất bình thường (tiếng Anh: Dysgenesis): Hoàn toàn không có tuyến giáp trạng Tuyến lạc (hình thành dưới lưỡi hay trong trung thất) Lỗi bẩm sinh trong cấu tạo và chuyển hoá hormone - (tiếng Anh: Dyshormonogenesis), đa số là di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường (autosomal recessive) TSH vô hiệu (do bất thường tại các thụ thể của TSH) Bất thường tại các bộ phần tiếp thu iodide Bất thường của men Peroxidase (không thể đổi iodide thành iod, nên không thể đem iodide vào trong tuyến) hội chứng Pendred (suy giáp bẩm sinh và điếc do di truyền) Bất thường chuyển hoá của Thyroglobulin Bất thường của men Deiodinase Trạng kháng hormone (do bất thường tại các thụ thể của hormone) Chứng tự miễn ở người mẹ Nguyên nhân do thầy thuốc - mẹ dùng thuốc thioamides, quá liều iodine, hay điều trị phóng xạ iodine. Thiếu TSH hay thyrotropin-releasing hormone (TRH) (do tuyến yên bất bình thường) - dạng suy giáp trạng này nhẹ hơn và ít bị ảnh hưởng về thần kinh, trí tuệ. Chẩn đoán Lâm sàng Nhũ nhi Bảng sau đây được dùng để tính điểm chẩn đoán. Suy giáp trạng bẩm sinh nên được xét nghiệm nếu điểm cộng lại trên 5. Trẻ lớn Lùn không cân đối. Biểu hiện phù niêm: Bộ mặt đặc biệt (2 má phị, mi mắt nặng, lưỡi dày, mũi tẹt), tiếng khóc hoặc nói bị khàn. Chậm phát triển tinh thần và vận động. Các triệu chứng khác: Da vàng, cứng, sáp và lạnh. Tóc khô, thưa và dễ gãy. Táo bón kinh niên. Xét nghiệm Độ hormones trong máu nhu sau xác định suy giáp. TSH > 20 mu/l (bình thường: 0 – 5mu/l) T4 < 50nmol/l (bình thường: 50 – 150nmol/l) Chụp hình tuyến giáp bằng 99mTc để chẩn định các trường hợp: không tìm thấy tuyến giáp (Agenesis), tuyến giáp thiểu sản (Hypoactive) hoặc tuyến giáp lạc chỗ ở dưới lưỡi hoặc vùng trung thất (Ectopy). Tuổi xương Trẻ nhỏ: chụp khớp gối không thấy điểm cốt hoá ở đầu dưới xương đùi và đầu trên xương chày. Trẻ lớn: chậm các điểm cốt hoá ở cổ tay (so với bảng Greulich & Pyle ). Điều trị Nguyên tắc điều trị là cho uống hormone để đạt trạng bình giáp (euthyroid) càng sớm càng tốt. Liều lượng thuốc: Thyroxine (L-thyroxine, Levothyrox, Eltroxin-Belthyrox) Theo dõi điều trị ngoại trú định kỳ: Mực độ phát triển: chiều cao, trọng lượng Xét nghiệm hormone TSH & T4 Đo tuổi xương Tiên lượng Nếu phát hiện và điều trị trong giai đoạn sơ sinh, trẻ phát triển hoàn toàn. Nếu trẻ được phát hiện và điều trị ngoài 1 năm tuổi thì thể lực trẻ phát triển gần bằng trẻ cùng tuổi nhưng bị chậm phát triển tinh thần. Nếu không được phát hiện và điều trị, trẻ sẽ bị tàn phế về thể lực và vĩnh viễn kém khả năng trí tuệ. Chú thích Bệnh bẩm sinh Nhi khoa Nội tiết học Bệnh tuyến giáp
Chernobyl (, , ), còn được gọi là Chornobyl (; ), là một thành phố bị bỏ hoang một phần trong Khu vực phong tỏa Chernobyl, nằm ở huyện Vyshhorod phía bắc tỉnh Kiev của Ukraina, gần biên giới với Belarus. Chernobyl cách Kiev khoảng về phía bắc Kiev và về phía tây nam thành phố Gomel của Belarus. Trước khi sơ tán, thành phố có khoảng 14.000 cư dân, trong khi hiện nay có khoảng 1.000 người còn sinh sống tại đây. Địa điểm này được đề cập đến lần đầu tiên là một nơi nghỉ khi đi săn bắn của công tước vào năm 1193, thành phố đã nhiều lần đổi chủ trong quá trình lịch sử. Người Do Thái du nhập vào thành phố vào thế kỷ 16, và một tu viện hiện đã không còn tồn tại được thành lập gần thành phố vào năm 1626. Đến cuối thế kỷ 18, Chernobyl là một trung tâm chính của Do Thái giáo Hasidim dưới Triều đại Twersky, người đã rời Chernobyl sau khi thành phố xảy ra những cuộc pogrom vào đầu thế kỷ 20. Cộng đồng Do Thái sau đó đã bị sát hại trong Holocaust. Chernobyl được chọn làm nơi đặt nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Ukraina vào năm 1972, nằm cách về phía bắc thành phố, được khai trương vào năm 1977. Cư dân Chernobyl được sơ tán vào ngày 5 tháng 5 năm 1986, chín ngày sau thảm họa hạt nhân thảm khốc tại nhà máy, đây là thảm họa hạt nhân lớn nhất trong lịch sử. Cùng với những cư dân của thành phố Pripyat gần đó, nơi ban đầu được xây dựng làm nơi ở cho công nhân của nhà máy, dân cư đã được chuyển đến thành phố Slavutych mới xây dựng, và hầu hết đã không bao giờ quay trở lại. Thành phố là trung tâm hành chính của Chernobyl Raion (quận) từ năm 1923. Sau thảm họa, vào năm 1988, huyện này bị giải thể và việc quản lý được chuyển giao cho vùng lân cận huyện Ivankiv. Sau cải cách hành chính ngày 18 tháng 7 năm 2020, thành phố trở thành một phần của huyện Vyshhorod. Mặc dù ngày nay Chernobyl chủ yếu là một thị trấn bị bỏ hoang, một số ít người vẫn sống ở đó, trong những ngôi nhà được đánh dấu bằng những tấm biển ghi dòng chữ "Chủ nhân của ngôi nhà này sống ở đây", và một số lượng nhỏ động vật cũng sống ở đây. Nhân viên giám sát và nhân viên hành chính của Khu vực phong tỏa Chernobyl cũng đóng quân trong thành phố. Thành phố có hai cửa hàng tổng hợp và một khách sạn. Lịch sử Từ điển Địa lý của Vương quốc Ba Lan của Ba Lan năm 1880–1902 nói rằng không biết thời điểm thành lập thành phố. Thế kỷ 12 đến 18 Các cuộc khai quật khảo cổ học được tiến hành vào năm 2005–2008 đã tìm thấy một tầng văn hóa từ thế kỷ 10–12 CE, có trước bộ phim tài liệu đầu tiên đề cập đến Chernobyl. Vào khoảng thế kỷ 12, Chernobyl là một phần của vùng đất Kievan Rus′. Đề cập đầu tiên được biết đến về khu định cư với tên gọi Chernobyl là từ một điều lệ năm 1193, trong đó mô tả nó như một nơi nghỉ khi săn bắn của Knyaz Rurik Rostislavich Vào năm 1362 nó là một ngôi làng thuộc vương quyền của Đại công quốc Litva. Vào khoảng thời gian đó, thị trấn có một lâu đài riêng đã bị phá hủy ít nhất hai lần vào năm 1473 và 1482. Lâu đài Chernobyl được xây dựng lại vào quý đầu tiên của thế kỷ 16, nằm gần khu định cư. Với sự hồi sinh của lâu đài, Chernobyl trở thành một hạt lỵ. Năm 1552, nó có 196 tòa nhà với 1.372 cư dân, trong đó hơn 1.160 người được coi là cư dân thành phố. Trong thành phố thời kỳ này phát triển nhiều nghề thủ công khác nhau như thợ rèn và những nghề khác. Gần Chernobyl đã được khai quật được quặng sắt nâu, sắt được sản xuất từ đó. Ngôi làng được trao cho Filon Kmita, một đội trưởng của kỵ binh hoàng gia, làm fiefdom vào năm 1566. Sau Liên minh Lublin, tỉnh nơi Chernobyl tọa lạc đã được chuyển giao cho Hoàng quyền của Vương quốc Ba Lan vào năm 1569. Dưới thời Vương quốc Ba Lan, Chernobyl trở thành một thủ phủ (starostwo). Trong thời kỳ đó Chernobyl là nơi sinh sống của tá điền Ukraina, một số người Ba Lan và một số lượng tương đối lớn người Do Thái. Người Do Thái được Filon Kmita đưa đến Chernobyl, trong chiến dịch thực dân hóa của Ba Lan. Lần đầu tiên đề cập đến cộng đồng Do Thái ở Chernobyl là vào thế kỷ 17. Vào năm 1600, kosciol (từ tiếng Ba Lan cho nhà thờ Công giáo La Mã) đầu tiên được xây dựng trong thành phố. Người dân địa phương đã bị ngược đãi vì tổ chức các nghi thức của Chính thống giáo Đông phương. Người nông dân Ukraina theo truyền thống theo Chính thống giáo Đông phương xung quanh thị trấn đã bị Ba Lan cưỡng bức chuyển đổi thành Giáo hội thống nhất Ruthenia. Vào năm 1626, trong Phản cải cách, một nhà thờ và tu viện Dominica được thành lập bởi Lukasz Sapieha. Một nhóm Người Công giáo cũ phản đối các sắc lệnh của Hội đồng Trent. Cư dân Chernobyl đã tích cực ủng hộ khởi nghĩa Khmelnytsky (1648–1657). Thế kỷ 18 đến thời Liên Xô: nhân khẩu học và sự kiện Sau Phân vùng thứ hai của Ba Lan, vào năm 1793 Chernobyl được sáp nhập vào Đế quốc Nga và trở thành một phần của hạt Radomyshl ( uyezd ) với tư cách là một thị trấn bậc nhất ("zashtatny gorod"). Nhiều người trong Giáo hội Thống nhất đã trở lại Chính thống giáo Đông phương. Năm 1832, sau cuộc Khởi nghĩa Tháng Mười Một thất bại của Ba Lan, tu viện Dominica đã được di dời. Nhà thờ của người Công giáo cũ đã bị giải tán vào năm 1852. Cho đến cuối thế kỷ 19, Chernobyl là một thành phố thuộc sở hữu tư nhân thuộc về gia đình Chodkiewicz. Năm 1896 họ bán thành phố cho nhà nước, nhưng họ vẫn sở hữu một lâu đài và một ngôi nhà trong thành phố cho đến năm 1910. Vào nửa sau của thế kỷ 18, Chernobyl trở thành một trung tâm chính của Do Thái giáo Hasidim. Chernobyl Hasidim được thành lập bởi Giáo sĩ Menachem Nachum Twersky. Người Do Thái đã chịu thiệt hại rất nhiều từ các cuộc pogrom vào tháng 10 năm 1905 và vào tháng 3 đến tháng 4 năm 1919; nhiều người Do Thái đã bị giết hoặc bị cướp theo sự xúi giục của người Nga theo chủ nghĩa dân tộc Black Hundred. Khi Vương triều Twersky rời Chernobyl vào năm 1920, nó không còn là một trung tâm của chủ nghĩa Hasidim. Chernobyl có dân số 10.800 vào năm 1898, bao gồm 7.200 người Do Thái. Vào đầu tháng 3 năm 1918 Chernobyl bị quân Đức chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (xem Hiệp ước Brest-Litovsk). Thời Liên Xô (1920–1991) Người Ukraina và Bolshevik đã tranh giành thành phố trong Nội chiến. Trong Chiến tranh Ba Lan-Liên Xô 1919–20, Chernobyl bị Quân đội Ba Lan chiếm trước và sau đó là kỵ binh của Hồng quân. Từ năm 1921 trở đi, nó chính thức được đưa vào Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Ukraina. Từ năm 1929 đến năm 1933, nhiều người dân Chernobyl bị giết trong chiến dịch tập thể hóa của Stalin. Thành phố cũng bị ảnh hưởng bởi nạn đói do các chính sách của Stalin. Cộng đồng người Đức và Ba Lan ở Chernobyl đã bị trục xuất đến Kazakhsta vào năm 1936, trong bởi Liên Xô. Trong Thế chiến II, Chernobyl bị Quân đội Đức chiếm đóng từ ngày 25 tháng 8 năm 1941 đến ngày 17 tháng 11 năm 1943. Cộng đồng Do Thái đã bị sát hại trong Holocaust. Vào năm 1972, máy thu vô tuyến Duga-1, một phần của radar nhìn qua đường chân trời Duga lớn hơn, bắt đầu được xây dựng cách về phía tây-tây bắc của Chernobyl. Đó là nguồn gốc của Chim gõ kiến ​​Nga và được thiết kế là một phần của mạng lưới radar cảnh báo sớm chống tên lửa đạn đạo. Vào ngày 15 tháng 8 năm 1972, Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (tên chính thức là Nhà máy điện hạt nhân Vladimir Ilyich Lenin) bắt đầu được xây dựng cách phía tây bắc Chernobyl. Nhà máy được xây dựng bên cạnh Pripyat, một thành phố "atomograd" được thành lập vào ngày 4 tháng 2 năm 1970 nhằm phục vụ nhà máy điện hạt nhân. Quyết định xây dựng nhà máy điện đã được Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô thông qua theo khuyến nghị của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước rằng SSR Ukraina là vị trí của nó. Đây là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được xây dựng ở Ukraina. Ukraina độc lập (1991 – nay) Với việc Liên Xô giải thể vào năm 1991, Chernobyl vẫn là một phần của Ukraina trong Vùng phong tỏa Chernobyl mà Ukraina được kế thừa từ Liên Xô. Khí hậu Chernobyl có khí hậu lục địa ẩm (Dfb) với mùa hè rất ấm, ẩm ướt với đêm mát mẻ và mùa đông dài, lạnh và có tuyết.
Hồ Đại Lải là một hồ nước nhân tạo nằm trên địa bàn xã Ngọc Thanh và xã Cao Minh thuộc thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, cách thủ đô Hà Nội 40 km về phía Bắc. Thoạt tiên, hồ được khởi công đào từ năm 1959 với mục đích lấy nước tưới tiêu phục vụ nông nghiệp, đến năm 1963 cơ bản hoàn thành. Hồ Đại Lải rộng tới 5,25 km² và các vùng phụ cận đồi núi, rừng cây có tổng diện tích khoảng 30 km². Giữa hồ có đảo chim rộng 3 ha. Với tổng dung tích 34,5 triệu m³ ở mức cốt tràn của đập là 23m, hồ cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hơn 2.000 ha đất canh tác của huyện Bình Xuyên, thành phố Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) và huyện Mê Linh, Sóc Sơn (Hà Nội); hồ có chức năng ngăn và xả lũ cho toàn bộ khu vực này. Năm 1964, rừng được trồng ở khu vực Đại Lải nhưng sau đó đã bị phá sạch. Mãi đến năm 1984, rừng mới được trồng lại và đến năm 1987, khu vực hồ được đưa vào khai thác du lịch. Hiện nay khu vực hồ là khu nghỉ dưỡng và du lịch xanh với hàng loạt khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí bao quanh vùng hồ. Ảnh Chú thích
Hồ Ayun Hạ là hồ nước nhân tạo thuộc tỉnh Gia Lai. Hồ hình thành khi dòng sông Ayun được chặn lại vào đầu năm 1994, để khởi công xây dựng công trình thủy lợi Ayun Hạ, đập chính và cửa cấp nước của hồ nằm trên địa bàn xã Chư A Thai huyện Phú Thiện, cách thành phố Pleiku 70 km về phía Đông Nam. Vùng ngập chính của hồ thuộc địa phận xã HBông huyện Chư Sê. Mặt nước hồ có diện tích 37 km2, chiều dài 25 km nơi rộng nhất 5 km. Thủy điện Năm 1999, nhà máy thủy điện Ayun Hạ 3 MW được xây dựng.
Đèo An Khê là đèo trên Quốc lộ 19 ở vùng giáp ranh huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định và thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai, Việt Nam . Đèo An Khê dài 8 km. Quốc lộ 19 từ Quy Nhơn tỉnh Bình Định đi Pleiku tỉnh Gia Lai. Đèo An Khê là đèo dài và nguy hiểm nhất trên tuyến. Độ cao đèo An Khê là 740m Lịch sử Đèo An Khê liên quan đến cuộc khởi nghĩa Tây Sơn ở thế kỷ 18. Trong chiến tranh Đông Dương, từ 13 đến 28 tháng 1 năm 1953, tại đây đã diễn ra chiến dịch An Khê của quân đội Nhân dân Việt Nam. Đây là chiến thắng lớn nhất của Việt Minh trên chiến trường Nam Trung Bộ tính đến thời điểm đó.
Hiệu ứng domino là một phản ứng chuỗi xảy ra khi một thay đổi nhỏ tại điểm gốc của hệ có thể gây ra những thay đổi tương tự tại các điểm lân cận, từ đó lan tỏa ra các điểm xa hơn và tạo ra một chuỗi thay đổi tuyến tính. Hiệu ứng này thường được sử dụng trong trò chơi xếp quân domino, nó cũng được biết tới thông qua thuyết domino, học thuyết chính trị hay được đề cập trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam. Mô tả Khi xếp các quân cờ domino đứng cạnh nhau với khoảng cách giữa hai quân cờ không quá xa, ta có thể đẩy đổ một quân cờ domino đầu tiên, quân cờ đó sẽ đổ vào quân cờ đứng cạnh khiến nó đổ theo, quá trình này tiếp diễn đến khi toàn bộ loạt quân cờ domino đều đổ. Các thay đổi đối với những quân cờ là giống nhau, vì vậy chúng tạo ra một chuỗi thay đổi tuyến tính, điều này có được khi ta coi hệ quân cờ domino là độc lập và sự thay đổi của hệ chỉ gây ra bởi tác động tới quân cờ đầu tiên, điều này khác với hiệu ứng cánh bướm khi thay đổi của hệ còn phụ thuộc nhiều điều kiện khác và vì thế chúng là phi tuyến tính. Hình ảnh
Ý Yên là một huyện nằm ở phía tây tỉnh Nam Định, Việt Nam. Vị trí địa lý Huyện Ý Yên nằm ở phía tây của tỉnh Nam Định, nằm cách thành phố Nam Định khoảng 27 km về phía tây, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 117 km, có vị trí địa lý: Phía đông giáp huyện Vụ Bản Phía tây giáp huyện Gia Viễn, huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình thuộc tỉnh Ninh Bình Phía nam giáp huyện Nghĩa Hưng và huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình Phía bắc giáp huyện Bình Lục và huyện Thanh Liêm thuộc tỉnh Hà Nam. Dân số năm 2009 là 247.718 người. 10% dân số theo đạo Thiên Chúa. Giao thông Ý Yên có đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình và đường cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn đi qua các xã phía Tây của huyện, có đường sắt Bắc Nam đi qua và có các tuyến quốc lộ như quốc lộ 10, quốc lộ 38B, quốc lộ 37B, quốc lộ 37C. Trên tuyến quốc lộ 37B có phà Đống Cao nối liền hai huyện Nghĩa Hưng và Ý Yên. Quốc lộ 37C nối từ Hưng Thi (Lạc Thủy) qua Nho Quan, Gia Viễn (Ninh Bình) tới Quốc lộ 37B tại xã Ninh Cường. Trong huyện còn có các tuyến tỉnh lộ như 484 (Đường 64 cũ); tỉnh lộ 485 (Đường 57 cũ); tỉnh lộ 486 (Đường 12 cũ). Ý Yên có sông Đáy, sông Đào hay còn gọi là sông Nam Định, sông Sắt và sông Chanh chảy qua, tạo nên các tuyến giao thông thủy quan trọng. Làng nghề Làng nghề đúc đồng Vạn Điểm (thị trấn Lâm) Làng cơ khí đúc và làm trống cổ truyền Tống Xá (thị trấn Lâm) Làng nghề mộc chạm khắc Tân Ninh (thị trấn Lâm) Làng điêu khắc đồ gỗ mỹ nghệ Ninh Xá (Yên Ninh) Làng nghề điêu khắc gỗ La Xuyên (Yên Ninh) Làng nghề điêu khắc gỗ Lũ Phong (Yên Ninh) Làng nghề điêu khắc gỗ Trịnh Xá (Yên Ninh) Làng nghề Sơn mài Cát Đằng (Yên Tiến) Làng nghề sản xuất hàng mỹ nghệ, tre nứa Thượng Thôn (Yên Tiến) Làng nghề mây tre đan Đồng Lạc (Yên Thắng) Làng nghề xây dựng Phúc Chỉ (Yên Thắng) Làng nghề làm nón thôn Nhuộng (Yên Trung) Làng nghề đan nón Mạc Sơn (Yên Trung) Làng nghề xây dựng Yên Cường Làng nghề xây dựng dựng Yên Phong Nghề sản xuất vật liệu xây dựng Đồng Cách (Yên Phong) Nghề chế biến thực phẩm Thiện Mỹ (Yên Mỹ) Làng nghề nấu rượu Quang Trung (Yên Phú) Nghề thêu ren Yên Trung Làng nghề mộc chạm khắc Đằng Động (Yên Hồng) Làng nghề đan băng giang Yên Đồng Làng nghề may Vĩnh Trị (Yên Trị). Hành chính Huyện Ý Yên có 31 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Lâm (huyện lỵ) và 30 xã: Yên Bằng, Yên Bình, Yên Chính, Yên Cường, Yên Dương, Yên Đồng, Yên Hồng, Yên Hưng, Yên Khang, Yên Khánh, Yên Lộc, Yên Lợi, Yên Lương, Yên Minh, Yên Mỹ, Yên Nghĩa, Yên Nhân, Yên Ninh, Yên Phong, Yên Phú, Yên Phúc, Yên Phương, Yên Quang, Yên Tân, Yên Thắng, Yên Thành, Yên Thọ, Yên Tiến, Yên Trị, Yên Trung. Lịch sử Ý Yên ngày xưa vốn là phần đất quan trọng thuộc phủ Ứng Phong vào thế kỷ XII-XIII; Ý Yên khi đó được xem là khu vực phụ cận của Cố đô Hoa Lư, đồng thời nằm trên đường thiên lý từ Hoa Lư ra Thăng Long nên được các vua Lý, Trần quan tâm phát triển nông nghiệp và xây dựng thành trung tâm Phật giáo. Thời Lý, trung tâm tôn giáo Chương Sơn với tháp Vạn Phong Thành Thiện trên núi Ngô Xá ( Yên Lợi) được xây dựng với quy mô to lớn vào bậc nhất nhì thời đó. Đời Trần, Hoàng đế Trần Nhân Tông - đệ nhất thiền phái Trúc Lâm - đã cho dựng chùa Linh Quang, còn gọi là chùa trăm gian, tại xã Yên Khánh. Cũng vào thời Trần, cuối thế kỷ XIV, chùa Đô Quan, xã Yên Khang được xây dựng, chứng tích còn lại là bệ đá hình hộp hoa sen ở bái đường, một tác phẩm nghệ thuật tôn giáo đẹp và nguyên vẹn. Ý Yên là huyện giàu truyền thống cách mạng. Năm 1927, tại Ý Yên đã có chi bộ hội Việt Nam cách mạng thanh niên, đồng chí Tống Văn Trân và là một trong những người đảng viên đầu tiên của Ý Yên; Chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện được thành lập tại thôn Tiêu Bảng - xã Yên Trung. Tháng 9 năm 1929, trải qua bao năm đấu tranh anh dũng, kiên cường kể từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ Ý Yên đã lãnh đạo nhân dân trong huyện giành chính quyền và xây dựng cuộc sống mới trên quê hương. Vượt qua bao khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh, với tất cả tinh thần, nghị lực và nhiệt tình cách mạng Đảng bộ và nhân dân Ý Yên đã lập nhiều thành tích trong chiến đấu và xây dựng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của dân tộc. Với những thành tích xuất sắc đó cho đến nay đã có 17/31 xã, thị trấn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trong kháng chiến chống Pháp, huyện Ý Yên cùng với các huyện Mỹ Lộc và Vụ Bản được nhập vào tỉnh Hà Nam. Năm 1957, huyện Ý Yên được sáp nhập trở lại vào tỉnh Nam Định. Ngày 19 tháng 8 năm 1964, sáp nhập xóm Hữu Dụng thuộc xã Thanh Côi, huyện Vụ Bản vào xã Yên Mỹ, huyện Ý Yên. Ngày 21 tháng 4 năm 1965, hai tỉnh Nam Định và Hà Nam hợp nhất thành tỉnh Nam Hà, huyện Ý Yên thuộc tỉnh Nam Hà. Ngày 27 tháng 12 năm 1975, hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình hợp nhất thành tỉnh Hà Nam Ninh, huyện Ý Yên thuộc tỉnh Hà Nam Ninh, gồm 31 xã: Yên Bằng, Yên Bình, Yên Chính, Yên Cường, Yên Đồng, Yên Dương, Yên Hồng, Yên Hưng, Yên Khang, Yên Khánh, Yên Lộc, Yên Lợi, Yên Lương, Yên Minh, Yên Mỹ, Yên Nghĩa, Yên Nhân, Yên Ninh, Yên Phong, Yên Phú, Yên Phúc, Yên Phương, Yên Quang, Yên Tân, Yên Thắng, Yên Thành, Yên Thọ, Yên Tiến, Yên Trị, Yên Trung, Yên Xá. Ngày 1 tháng 4 năm 1986, thành lập thị trấn Lâm, thị trấn huyện lỵ huyện Ý Yên trên cơ sở 416,04 ha diện tích tự nhiên của xã Yên Xá; 30,37 ha diện tích tự nhiên của xã Yên Ninh; 24,50 ha diện tích tự nhiên của xã Yên Tiến và 4,27 ha diện tích tự nhiên của xã Yên Hồng. Ngày 12 tháng 8 năm 1991, tái lập tỉnh Nam Hà từ tỉnh Hà Nam Ninh cũ, huyện Ý Yên trở lại thuộc tỉnh Nam Hà. Ngày 6 tháng 11 năm 1996, tái lập tỉnh Nam Định từ tỉnh Nam Hà cũ, huyện Ý Yên trở lại thuộc tỉnh Nam Định. Ngày 1 tháng 2 năm 2020, sáp nhập xã Yên Xá vào thị trấn Lâm. Huyện Ý Yên có 1 thị trấn và 30 xã như hiện nay. Danh hiệu Trong kháng chiến chống Thực dân Pháp, Ý Yên đã có các chiến công vang dội như: trận Đê Đáy, Cao Bồ, Vũ Dương, An Cừ, La Ngạn, Vọng Doanh, Đông Duy, Đống Cao… đồng thời là hậu phương vững chắc cung cấp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Với những thành tích đó, năm 2000 huyện Ý Yên được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Huyện Ý Yên có nhiều xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng như: xã Yên Dương, xã Yên Quang... 6 Anh hùng LLVT, 2 Anh hùng lao động, và 182 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Là quê hương tiền bối cách mạng, thầy giáo Tống Văn Trân. Du lịch Quần thể di tích thờ Vua Đinh ở Nam Định với các di tích nằm trên huyện Ý Yên như đền Vua Đinh ở Yên Thắng, đình Thượng Đồng, đình Cát Đằng và đền Cộng Hòa ở xã Yên Tiến và đình Viết ở xã Yên Chính. Phủ Nghĩa Hưng (thời Pháp thuộc). Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp) xã Yên Đồng- Thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh lần thứ nhất. Đình Cổ Hương, xã Yên Phương thờ thánh tổ Nguyễn Minh Không. Lễ hội đình Tràn ngày 14-3 âm lịch -Làng Tràn (Trần Xá), xã Yên Đồng. Đình Ông Bốn, thuộc làng Đống Cao Thượng, xã Yên Lộc Tịch Nhi. Động Khê. Vọng Trung. Nhà thờ Vĩnh Trị. Đình Ruối xã Yên Nghĩa. Đền vua Đinh xã Yên Thắng. Cây cổ thụ Dã Hương hơn 500 tuổi, xã Yên Nhân. Hai cây gạo đại thụ hơn 200 tuổi tại Làng Đống Cao, xã Yên Lộc Đình Đông Phú (làng Gạo) xã Yên Thành. Đình Phúc Thọ xã Yên Thành thờ thánh tổ Nguyễn Minh Không. Đình Kinh Thanh xã Yên Thọ thờ Thánh Linh Lang Đại Vương. Nhân vật nổi tiếng Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ Nguyễn Địch (14?? - ????): Ông quê xã Vụ Sài, huyện Đại An nay là làng Vò, xã Yên Lộc, huyện ý Yên, tỉnh Nam Định. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) đời Lê Thái Tông, làm quan đến chức Tả thị lang. Ông có tác phẩm Nhàn du kiến văn ký. Phạm Văn Nghị (chữ Hán: 范文誼, 1805-1884) hiệu Nghĩa Trai; là một nhà giáo, nhà thơ và là một viên quan nhà Nguyễn theo đường lối kháng Pháp ở thế kỷ 19 trong lịch sử Việt Nam. Phạm Văn Nghị là người ở xã Tam Đăng, tổng An Trung, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng (nay là thôn Tam Quang, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên tỉnh Nam Định). Là con của một ông đồ nghèo, nhưng nhờ chăm chỉ học, nên ông lần lượt đỗ: Tú tài (1826), Cử nhân (1837) và Hoàng giáp (1838, lúc 33 tuổi), nên được người đời gọi là Hoàng Tam Đăng. Khiếu Năng Tĩnh (1835-?) là người con của xã Chân Mỹ, tổng Tử Vinh, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (nay thuộc xã Yên Cương, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Năm 1878, ông đỗ Cử nhân (Hương cống). 2 năm sau, ông đỗ đồng tiến sĩ xuất thân. Ông làm quan Đốc học Hà Nội, Tế tửu Quốc tử giám. Nhượng Tống (1904-1949) nhà văn, nhà ái quốc Việt Nam. Tống Văn Trân (1905-1935) tại xã Yên Tiến là một nhà giáo, nhà cách mạng Việt Nam, phụ trách các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Xứ ủy viên Nam Kỳ, phụ trách Sài Gòn-Gia Định. Cao Đức Phát sinh 25/05/1956 tại xã Yên Khang Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Khi người tiền nhiệm là Lê Huy Ngọ từ chức, ông được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng từ tháng 7 năm2004. Ngày 3 tháng 12 năm 2004, ông được chính thức bổ nhiệm làm Bộ trưởng và đảm nhiệm từ đó đến nay. Tháng 4 năm 2016 ông tiếp tục được bầu làm Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đến ngày 27 tháng 7 năm 2016, ông thôi chức vụ Bộ trưởng, người kế nhiệm ông là Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Hiện tại ông là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương. Đinh La Thăng nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Iod (có gốc từ tiếng Hy Lạp Iodes, nghĩa là "tím"; tên gọi chính thức theo Hiệp hội Quốc tế về Hóa Lý thuyết và Ứng dụng là Iodine) là một nguyên tố hoá học. Trong bảng tuần hoàn nó có ký hiệu I, số nguyên tử 53 và nguyên tử khối là 126,9. Đây là một trong các nguyên tố vi lượng cần cho sự sống của nhiều sinh vật. Về mặt hoá học, iod ít hoạt động nhất và có độ âm điện thấp nhất trong các halogen. Mặc dù Astatin được cho là còn ít hoạt động hơn với độ âm điện thấp hơn, nguyên tố đó quá hiếm để khẳng định giả thuyết này. Iod được dùng nhiều trong y khoa, nhiếp ảnh, thuốc nhuộm. Giống như các halogen khác (thuộc nhóm nguyên tố VIIA trong bảng tuần hoàn), iod thường có mặt ở dạng phân tử hai nguyên tử, I2. Tính chất Iod là chất rắn có màu tím thẫm/xám có thể thăng hoa tại nhiệt độ thường tạo ra chất khí màu tím hồng có mùi khó chịu. Chất halogen này có thể tạo thành hợp chất với nhiều nguyên tố hóa học khác, nhưng nó ít hoạt động hơn so với các nguyên tố khác trong nhóm nguyên tố VIIA và nó có thêm một số tính chất hơi giống kim loại. Iod có thể hòa tan trong chloroform, Carbon tetrachloride (CCl4), hay carbon disulfide(CS2) để tạo thành dung dịch màu tím. Nó tan nhẹ trong nước tạo ra dung dịch màu vàng. Màu xanh lam của một chất gây ra khi tương tác với tinh bột chỉ là đặc điểm của nguyên tố tự do. Iod có thể oxy hoá được với H2 ở nhiệt độ khoảng 300 độ C và có mặt chất xúc tác là Platin tạo ra khí hydro iodide theo một phản ứng thuận nghịch: H2 + I2 <-> 2HI Iod oxy hóa được nhiều kim loại nhưng phản ứng chỉ xảy ra khi đun nóng hoặc có chất xúc tác. 2Al + 3I2—H2O--> 2AlI3 Ứng dụng Iod là nguyên tố vi lượng cần thiết cho dinh dưỡng của loài người. Tại những vùng đất xa biển hoặc thiếu thức ăn có nguồn gốc từ đại dương; tình trạng thiếu iod có thể xảy ra và gây nên những tác hại cho sức khỏe, như sinh bệnh bướu cổ hay thiểu năng trí tuệ. Đây là tình trạng xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việc dùng muối iod như muối ăn hằng ngày (có chứa nhiều hợp chất iod có thể hấp thụ được) có thể giúp chống lại tình trạng này. Các ứng dụng khác của iod là: Là một trong các halogen, nó là vi lượng tố không thể thiếu để hình thành hormone tuyến giáp, thyroxyne và triiodothyronine, trong cơ thể sinh vật. Thuốc bôi iod (5% iod trong nước/ethanol) dùng trong tủ thuốc gia đình, để khử trùng vết thương, khử trùng bề mặt chứa nước uống Hợp chất iod thường hữu ích trong hóa hữu cơ và y khoa. Muối iodide bạc (AgI) dùng trong nhiếp ảnh. Muối iodide kali (KI) có thể dùng để điều trị bệnh nhân bị ảnh hưởng của thảm họa hạt nhân để rửa trôi đồng vị phóng xạ I-131, kết quả của phản ứng phân hạch hạt nhân. Chu kỳ bán rã của I-131 chỉ là 8 ngày, do đó thời gian điều trị chỉ kéo dài vài tuần, trong thời gian để bán rã hết cần phải có sự hướng dẫn cụ thể của bác sĩ để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong trường hợp nguy cơ phóng xạ không có phản ứng phân hạch hạt nhân, như bom bẩn, không cần dùng phương pháp này. KI cũng có thể rửa Cs-137, một sản phẩm khác của phản ứng phân hạch hạt nhân, vì Cs có quan hệ hóa học với K, nhưng natri iodide cũng có tác dụng như vậy. NaI hay có trong muối ăn ít natri. Tuy nhiên Cs-137 có chu kỳ bán rã kéo dài tới 30 năm, đòi hỏi thời gian điều trị quá dài. Wonfram iodide được dùng để làm ổn định dây tóc của bóng đèn dây tóc. Nitơ triiodide là chất gây nổ không bền. Iod-123 dùng trong y khoa để tạo ảnh và xét nghiệm hoạt động của tuyến giáp. Iốt-131 dùng trong y khoa để trị ung thư tuyến giáp và bệnh Grave và cũng dùng trong chụp ảnh tuyến giáp. Nguyên tố iod (không nằm trong hợp chất với các nguyên tố khác) tương đối độc đối với mọi sinh vật. Lịch sử Iod (gốc tiếng Hy Lạp iodes nghĩa là tím) được khám phá bởi Barnard Courtois năm 1811. Ông là con trai của một người sản xuất kali nitrat (dùng trong thuốc súng). Vào thời điểm Pháp đang có chiến tranh, thuốc súng được tiêu thụ mạnh. Nitrat kali được tách từ rong biển lấy tại bờ biển Normandy và Brittany. Để tách kali nitrat, rong biển được đem đốt và tro đem rửa vào nước. Những chất không phải là kali nitrat bị phá hủy bởi việc thêm axít sunfuríc. Vào một ngày Courtois thêm quá nhiều axít sunfuríc khiến một chất khí màu tím bay ra. Courtois nhận thấy hơi này kết tinh trên các bề mặt lạnh tạo ra các tinh thể màu sẫm. Courtois nghi ngờ rằng đây là một nguyên tố hóa học mới nhưng thiếu kinh phí để theo đuổi các quan sát chi tiết hơn. Tuy vậy ông đã đưa các mẫu tinh thể này cho các bạn, Charles Bernard Desormes (1777–1862) và Nicolas Clément (1779–1841) để họ tiếp tục nghiên cứu. Ông cũng đem mẫu vật cho Joseph Louis Gay-Lussac (1778–1850), một nhà hóa học nổi tiếng lúc đó, và André-Marie Ampère (1775–1836). Ngày 29 tháng 11 năm 1813 Dersormes và Clément thông báo cho đại chúng về phát hiện của Courtois. Họ miêu tả mẫu vật tại một cuộc họp của Viện Hoàng đế Pháp. Ngày 6 tháng 12 Gay-Lussac thông báo rằng mẫu vật đó có thể là một nguyên tố hóa học mới hoặc một hợp chất oxy. Ampère đưa một số mẫu vật cho Humphry Davy (1778–1829). Davy đã tiến hành một số thí nghiệm trên mẫu vật và nhận thấy sự tương tự của nó với clo. Davy gửi một bức thư ngày 10 tháng 12 tới Hội Hoàng gia Luân Đôn nói rằng ông đã tìm thấy nguyên tố mới. Một cuộc cãi cọ lớn giữa Davy và Gay-Lussac về việc ai đã tìm ra iod trước tiên đã nổ ra, nhưng cả hai đều đồng ý rằng Barnard Courtois là người đầu tiên đã tách nguyên tố hóa học mới này. Độ phổ biến và điều chế Hợp chất iod thường gặp trong muối với natri và kali (KI) hay trong Kali iodat. Iod có thể thu được ở dạng rất tinh khiết bằng phản ứng giữa kali iodide với đồng(II) sulfat. Cũng có vài cách khác để tách nguyên tố hóa học này. Mặc dù nguyên tố này khá hiếm, tảo bẹ và một số loài cây khác có khả năng hấp thụ và tập trung iod trong cơ thể chúng, dẫn đến việc mang iod vào dây chuyền thức ăn tự nhiên và giúp việc điều chế iod có giá thành thấp. Cho tác dụng dung dịch với chất oxy hoá để oxy hoá I- thành I2. Thí dụ phương trình: 2NaI + Cl2 -> 2NaCl + I2 Đồng vị Có 37 đồng vị của iod, trong đó chỉ có duy nhất 127I là bền. Đồng vị phóng xạ 131I (phát ra hạt beta), còn được biết đến với tên gọi iod phóng xạ có chu kỳ bán rã là 8,0207 ngày, đã được dùng trong điều trị ung thư và các bệnh khác liên quan đến tuyến giáp.123I là đồng vị phóng xạ thường dùng trong chụp ảnh tuyến giáp và đánh giá điều trị cho bệnh Grave. 129I (chu kỳ bán rã 15,7 triệu năm) là kết quả của bắn phá hạt nhân 129Xe bởi tia vũ trụ khi đi vào khí quyển Trái Đất và các phản ứng phân hạch của urani và plutoni, trong đất đá trên bề mặt Trái Đất và các lò phản ứng hạt nhân. Các quá trình xử lý nhiên liệu hạt nhân hoặc thử nghiệm vũ khí hạt nhân đã tạo ra lượng đồng vị lớn lấn át các đồng vị tạo ra bởi quá trình tự nhiên.129I được dùng trong nghiên cứu nước mưa sau thảm họa Chernobyl. Nó cũng có thể đã được dùng trong nghiên cứu mạch nước ngầm để tìm dấu vết rò rỉ chất thải hạt nhân ra môi trường tự nhiên. Nếu 129I được cho tiếp xúc với người, tuyến giáp sẽ hấp thụ nó như thể nó là iod không phóng xạ thông thường, dẫn đến nguy cơ ung thư tuyến giáp cao. Đối với những người sống gần nơi có phản ứng phân hạch, hay những nơi tương tự, có nguy cơ tiếp xúc với iod phóng xạ khi tai nạn xảy ra, người ta thỉnh thoảng được cho uống viên iod. Việc hấp thụ một lượng lớn iod sẽ làm bão hòa tuyến giáp và ngăn việc thu nhận thêm iod. 129I có nhiều điểm giống với 36Cl. Nó là halogen hòa tan được, ít hoạt động hóa học, tồn tại chủ yếu ở dạng anion không hấp thụ, và được sinh ra bởi các tia vũ trụ, nhiệt hạt nhân, và các phản ứng phân hạch khác. Trong lĩnh vực nghiên cứu về nước, mật độ 129I được đo theo tỷ lệ 129I trên tổng I (hầu hết là 127I). Tương tự 36Cl/Cl, tỷ lệ 129I/I trong tự nhiên là rất nhỏ, 10−14 đến 10−10 (cực đạt nhiệt hạt nhân của 129I/I trong thập niên 1960 và 1970 là 10−7).129I khác 36Cl ở chỗ chu kỳ bán rã dài hơn (15,7 so với 0,301 triệu năm), xuất hiện trong các sinh vật ở nhiều dạng ion với nhiều ứng xử hóa học khác nhau.129I dễ dàng du nhập vào sinh quyển, nằm trong cây cỏ, đất, sữa, mô sinh học... Lượng lớn 129Xe trong thiên thạch được cho là kết quả của phân rã beta của hạt nhân 129I. Đây là hạt nhân phóng xạ tuyệt chủng đầu tiên được nhận dạng trong hệ Mặt Trời. Nó phân rã theo sơ đồ Định tuổi bằng đồng vị phóng xạ I-Xe cơ bản, bao trùm 50 triệu năm của sự tiến hóa của hệ Mặt Trời. Cảnh báo Iod khi tiếp xúc trực tiếp với da có thể gây thương tổn, do đó cần phải cẩn thận khi thao tác với nguyên tố hóa học này. Hơi iod có thể gây khó chịu cho mắt và các màng nhầy. Đối với các tiếp xúc kéo dài khoảng 8 tiếng đồng hồ, mật độ iod trong không khí không được vượt quá 1 miligam/mét khối, lấy trung bình theo thời gian. Dinh dưỡng Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ khuyến cáo (21 CFR 101.9 (c)(8)(iv)) cả nam và nữ nên tiêu thụ khoảng 150 microgam iod mỗi ngày.
Nhiệt lượng nóng chảy hay nhiệt nóng chảy của một chất được định nghĩa là nhiệt lượng cần thiết để cung cấp cho một đơn vị đo về lượng chất đó (như đơn vị đo khối lượng hay số phân tử như mol) để nó chuyển từ trạng thái rắn sang trạng thái lỏng, tại nhiệt độ nóng chảy. Nhiệt lượng nóng chảy cũng đúng bằng nhiệt lượng tỏa ra bởi một đơn vị đo lượng vật chất khi nó chuyển từ trạng thái lỏng sang rắn, tại nhiệt độ đóng băng. Trong hệ thống đo lường quốc tế, đơn vị đo của nhiệt lượng nóng chảy là Joule trên kilôgam, J·kg−1 hay J/kg, hoặc Joule trên mol.
Nhiệt lượng bay hơi hay nhiệt bay hơi của một hợp chất hóa học được định nghĩa là nhiệt lượng cần thiết để cung cấp cho một đơn vị đo về lượng chất đó (như đơn vị đo khối lượng hay số phân tử như mol) để nó chuyển từ trạng thái lỏng sang trạng thái khí, tại nhiệt độ bay hơi. Nhiệt lượng bay hơi cũng đúng bằng nhiệt lượng tỏa ra bởi một đơn vị đo lượng vật chất khi nó chuyển từ trạng thái khí sang lỏng, tại nhiệt độ ngưng tụ. Trong hệ thống đo lường quốc tế, đơn vị đo của nhiệt lượng bay hơi là Joule trên kilôgam, J·kg−1 hay J/kg, hoặc Joule trên mol.
nhỏ|253x253px|Nhiệt độ sôi (đường màu hồng) và nhiệt độ nóng chảy (đường màu xanh lam) của tám axit cacboxylic đầu tiên (°C) Nhiệt độ bay hơi hay điểm bay hơi hay điểm sôi của một chất lỏng là nhiệt độ mà áp suất hơi của chất lỏng bằng với áp suất chung quanh chất lỏng. Khi đạt tới ngưỡng đó thì chất chuyển trạng thái từ lỏng sang khí. Khi nói tới như nhiệt độ của thay đổi ngược lại (tức là từ trạng thái khí sang trạng thái lỏng), nó được coi là nhiệt độ ngưng tụ hay điểm ngưng tụ. Không giống như điểm nóng chảy, điểm sôi tương đối nhạy cảm với áp suất.
Paris by Night là một đại nhạc hội thu hình trực tiếp và là chương trình biểu diễn nghệ thuật lớn nhất của người Việt tại hải ngoại do Trung tâm Thúy Nga thực hiện và phát hành. Đây là chương trình nghệ thuật tổng hợp được đánh giá là có chất lượng cao và có tính phổ biến rộng trong đời sống cộng đồng người Việt hải ngoại và trong nước. Hiện nay, chương trình này có người dẫn chương trình chính thức là Nguyễn Ngọc Ngạn và Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Các sản phẩm Paris By Night được phát hành dưới dạng DVD và Blu-ray. Paris By Night đầu tiên được phát hành dưới dạng DVD là Paris By Night 67. Các DVD đều có khuôn hình 16:9 màn ảnh rộng, chuẩn âm thanh chất lượng cao như Dolby Stereo và Dolby Surround từ năm 2004. Các đĩa gần đây còn ứng dụng chuẩn mới nhất hiện có là DVD-9 NTSC international format. Bắt đầu từ cuốn Paris By Night 104, Trung tâm Thúy Nga ngoài phát hành DVD còn phát hành phiên bản đĩa Blu-ray. Giá bán ở hải ngoại chừng 25 USD cho một bộ DVD và 30 USD cho một bộ Bluray với khoảng từ 4 tới 5 giờ chương trình. Về tần suất ra đĩa, năm 2006, Thúy Nga phát hành 5 chương trình Paris by Night dạng DVD. Những năm gần đây, trung tâm chỉ còn phát hành 3 bộ/năm, ngoài ra trung tâm còn phát hành V-star. Ngoài ra, Trung tâm còn phát hành lại các cuốn Paris By Night cũ từ dạng VHS sang DVD. Đối với Karaoke, Thúy Nga đã sản xuất được hơn 70 chương trình karaoke từ nguồn Paris By Night và các đối tác sản xuất. Ngoài ra, trung tâm Thúy Nga còn thực hiện các cuốn DVD Karaoke riêng cho ca sĩ (The Best of...). Các đĩa này được bán với giá phổ biến từ 10 - 20 USD/đĩa. Paris By Night là chương trình nghệ thuật tạp kỹ được đánh giá cao nhất của người Việt hải ngoại, và đã góp phần duy trì văn hóa, truyền thống Việt Nam. Hơn 40 năm hoạt động liên tục, Paris By Night vẫn được khán giả khắp mọi nơi yêu mến và đón nhận tuy gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế do nạn in sang băng đĩa lậu tràn lan. Danh sách chương trình Danh sách các nghệ sĩ tham gia biểu diễn Dưới đây chỉ liệt kê danh sách các nghệ sĩ có tiết mục trình diễn trên sân khấu, được đưa tên vào danh sách chương trình chính thức trên các bìa đĩa. Nam Nữ Ban nhạc Boney M cũng đã từng biểu diễn trong chương trình Paris By Night 34 Thống kê Dưới dây là danh sách các nghệ sĩ góp mặt nhiều chương trình nhất, xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp (tính đến cuốn Paris By Night 136, chỉ liệt kê các nghệ sĩ tham gia từ 20 chương trình trở lên) Địa điểm quay hình Pháp Những năm đầu khi quay Paris By Night, Trung tâm Thúy Nga phối hợp với Đài Truyền hình Euromedia tại Paris (Pháp) quay hình kết hợp ngoại cảnh và phim trường dưới dạng MTV. Từ cuốn Paris By Night 7, Thúy Nga tập trung sản xuất chương trình thu hình trực tiếp có khán giả trong trường quay và chỉ thực hiện một vài chương trình đặc biệt dưới dạng MTV sau này. Năm 2001, Thúy Nga thực hiện Paris By Night 62: Âm Nhạc Không Biên Giới tại Paris, Pháp tại Théâtre de l'Empire. Đây cũng là lần đầu tiên và duy nhất Thúy Nga thực hiện một chương trình Paris By Night tại Pháp mà không thực hiện trong phim trường. Năm 2003, sau khi thu hình 2 chương trình liên tiếp Paris By Night 69 và Paris By Night 70 tại Studio Carrere, Thúy Nga không thực hiện thêm chương trình thu hình nào tại Pháp tính đến thời điểm hiện tại. Hoa Kỳ Sau 10 năm thực hiện thu hình tại Pháp, Thúy Nga nhận thấy cộng đồng người Việt phát triển và tập trung tại Hoa Kỳ, cũng như các sinh hoạt văn nghệ tại đây sôi động hơn. Năm 1993, Thúy Nga quyết định dời Trung tâm Thúy Nga từ Paris (Pháp) về California (Hoa Kỳ) và bắt đầu sản xuất các chương trình Paris By Night tại Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cũng chính là địa điểm thực hiện nhiều chương trình Paris By Night nhất tính đến thời điểm hiện tại. Trong đó, California là nơi sản xuất nhiều chương trình Paris By Night nhất. Trung tâm Thúy Nga cũng là đại diện duy nhất của người Việt tại thời điểm hiện tại có hợp đồng hàng năm với Planet Hollywood Las Vegas, một trong những sân khấu đẳng cấp và hoành tráng nhất thế giới với các chương trình biểu diễn của các ngôi sao nổi tiếng Hollywood như Britney Spears, Jennifer Lopez, Pitbull, Lionel Richie, Backstreet Boys, Christina Aguilera, ...và các chương trình Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới, Hoa hậu Mỹ. Canada Năm 1996, Thúy Nga hợp tác với Đài Truyền hình CBC tại Toronto (Canada) thu hình cuốn Paris By Night 38, chính thức đánh dấu sự đặt chân của Trung tâm Thúy Nga đến với thị trường Canada. Hơn 10 năm cộng tác với CBC Toronto, Trung tâm Thúy Nga đã cho ra đời những chương trình Paris By Night rất đặc sắc, trong đó có "bộ 3 Tết Thúy Nga" - Paris By Night 76, 80, 85 và các chương trình vinh danh các nhạc sĩ. Chương trình Paris By Night 85: Xuân Trong Kỷ Niệm, sản xuất cuối năm 2006 là chương trình cuối cùng của Trung tâm Thúy Nga quay hình tại CBC Toronto. Kể từ đó đến nay, Thúy Nga không thực hiện thêm chương trình thu hình nào tại Canada. Các quốc gia châu Á Hàn Quốc Những năm 2006 - 2007, với dự định mở rộng sản phẩm sang sản xuất phim truyền hình, Thúy Nga quyết định hợp tác với các tổ sản xuất của Hàn Quốc thực hiện chương trình Paris By Night 89 năm 2007. Đây là lần đầu tiên Thúy Nga thực hiện chương trình Paris By Night tại một quốc gia châu Á. Chương trình đầu tư rất hoành tráng khi được thực hiện tại Nhà thi đấu Đấu kiếm Olympic (tên lúc bấy giờ) của Seoul. Đây là địa điểm thi đấu môn Đấu kiếm tại Thế vận hội Mùa hè 1988. Nhà thi đấu này cũng là địa điểm tổ chức rất nhiều chương trình lưu diễn của các nhóm nhạc Hàn Quốc nổi tiếng như Super Junior, SNSD, 2NE1, BTS, Seventeen,... Singapore Năm 2019, Thúy Nga lần đầu tiên thực hiện chương trình Paris By Night tại một quốc gia Đông Nam Á. Tổ sản xuất từ Hollywood đã cùng với Trung tâm Thúy Nga trực tiếp sản xuất chương trình Paris By Night 130 tại Resorts World Sentosa. Thái Lan Ý định sản xuất Paris By Night tại Thái Lan được Giám đốc sản xuất của Trung tâm Thúy Nga ấp ủ từ lâu.Cô Marie Tô đã tiết lộ rằng Thúy Nga có ý tưởng sản xuất Paris By Night tại Thái Lan từ những năm 2019 - 2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của COVID-19, chương trình phải dời đến năm 2022 mới có thể thực hiện ý tưởng này. Paris By Night 134 được tổ chức tại Thái Lan vào tháng 10 năm 2022. Sau đó, Trung tâm Thúy Nga tiếp tục lựa chọn Bangkok là địa điểm tổ chức chương trình kỷ niệm 40 năm Paris By Night vào tháng 7 năm 2023. Đội ngũ Đạo diễn: Jean Pierre Barry (PBN 1 - 15); Richard Valverde (PBN 16 - 37, 53 - 54, 60 - 62, 65 - 66, 69 - 70, 134, 136); Pascal Cresegut (PBN 23); Michael Watt (PBN 38 - 50, 56, 58 - 59, 72 - 87, 91); Lưu Huỳnh (PBN 49, 51, 55); Đinh Anh Dũng (PBN 49, 51, 55); Todd Brunelle (PBN 51); Michelle N. Tran (PBN 51); Robert Kubilos (PBN 51); Eddie Barber (PBN 51); David Davidson (PBN 51); Christian Oshea (PBN 52); Ken Nguyễn (PBN 55, 113, 121 - 122, 125, 131, 135); Huỳnh Phúc Điền (PBN 55); Gerard Di Paglia (PBN 55); Nguyễn Tranh (PBN 55); Kent Weed (PBN 57, 63 - 64, 67 - 68, 71); Danielle Phương Thảo (PBN 59); Alan Carter (PBN 88, 90, 92 - 106, 108, 111, 120, 123, 129); Seoung-hyun Oh (PBN 89); Ron De Moraes (PBN 107, 109 - 110, 112, 114 - 119, 124, 126 - 128); Manuel Bonilla (PBN 130, 132 - 133, 137) Ánh sáng: Simon Miles, Harry Sangmeister,... Thiết kế sản xuất: Joe Stewart, Leticia Leon,... Biên đạo múa: Shanda Sawyer Hòa âm: Tùng Châu, Đồng Sơn, Kim Hansen, Tim Heintz,... MC: Kim Chi (PBN 1 - 2); Jo Marcel (PBN 7); Trần Văn Trạch (PBN 9); Việt Thảo (PBN 10); Hương Lan (PBN 10, 16, 25); La Thoại Tân (PBN 11, 13, 25); Ngọc Phu (PBN 14); Trần Quốc Bảo (PBN 15, 18); Kim Anh (PBN 15, 18); Elvis Phương (PBN 16); Khánh Ly (PBN 16); Nguyễn Ngọc Ngạn (PBN 17, 20 - 22, 24 - 29, 31 - 50, 52 - 85, 88 - 92, 94 - 96, 98 - 115, 117, 119 - 130, 132 - 134); Đỗ Văn (PBN 19); Nguyễn Cao Kỳ Duyên (PBN 23 - 24, 26, 29, 31 - 32, 34 - 35, 37 - 39, 41 - 48, 50 - 58, 60 - 130, 132 - 134, 136 - 137); Lê Văn (PBN 30); Mai Phương (PBN 32); Hồng Đào (PBN 36); Nguyễn Văn Thịnh (PBN 86 - 87, 93 - 94, 97); Tô Chấn Phong (PBN 86 - 87); Trịnh Hội (PBN 95, 99); Trấn Thành (PBN 116); Nguyễn Mạnh Cường (PBN 118); Anh Dũng (PBN 131, 136 - 137); Ngọc Hân (PBN 131 - 137); Châu Đình An (PBN 135 - 137); Quỳnh Giang (PBN 135 - 137); Di Ái Hồng Sâm (PBN 135) Nội dung chương trình Paris By Night là một chương trình tạp kĩ: Ca vũ nhạc kịch, được dàn dựng và lên kịch bản chi tiết theo các phần trình diễn. Xen giữa các tiết mục là các phần của MC như giới thiệu tiết mục, giải thích văn học nghệ thuật, đố vui, truyện cười, hậu trường sân khấu,... Chủ đề Các chương trình của Paris By Night ban đầu chưa có chủ đề. Từ năm 1992, gần như mỗi cuốn Paris By Night có một chủ đề nhất định. Các tiết mục trong chương trình được chọn sẽ tập trung vào làm nổi bật chủ đề đó. Các chủ đề của Paris By Night thường tập trung vào các nội dung chính sau: Ca ngợi truyền thống, quê hương, đất nước như: Chúng Ta Đi Mang Theo Quê Hương (PBN 49), Cây Đa Bến Cũ (PBN 59), Những Khúc Hát Ân Tình (PBN 83), Chân Dung Người Phụ Nữ Việt Nam (PBN 90), Huế Saigon Hanoi (PBN 91), Tôi Là Người Việt Nam (PBN 99), S (PBN 111) và 1975 - 2015 - Tôi Là Người Việt Nam (PBN 114). Các mùa xuân và lễ hội như: Xuân Tha Hương (PBN 76), Tết Khắp Mọi Nhà (PBN 80), Xuân Trong Kỷ Niệm (PBN 85), Hạnh Phúc Đầu Năm (PBN 101), Phát Lộc Đầu Năm (PBN 110), Mừng Tuổi Mẹ (PBN 113), Vườn Hoa Âm Nhạc (PBN 117), Song Ca Nhạc Vàng (PBN 121), Anh Cho Em Mùa Xuân (PBN 124), Xuân Hy Vọng (PBN 131) và Xuân Với Đời Sống Mới (PBN 132). Cuộc thi nghệ thuật như: PBN Talent Show (PBN 86, 87) và Celebrity Dancing (PBN 93, 97). Kỉ niệm một địa điểm mới mà Paris By Night đến thực hiện tại như: Sacrée Soirée (PBN 26, 27, 28), Las Vegas (PBN 29, 37, 98, 133), Paris (PBN 34), Houston (PBN 36), Toronto (PBN 38), San Jose (PBN 67), Atlanta (PBN 84), Korea (PBN 89), Singapore (PBN 130) và Bangkok (PBN 134, 136). Kỉ niệm một mốc thời gian của Paris By Night hoặc của cộng đồng như: 40 Năm Âm Nhạc Lam Phương (PBN 22), 10th Anniversary (PBN 24), 20 Năm Nhìn Lại (PBN 32), 15th Anniversary Celebration (PBN 46), 20th Anniversary Paris By Night (PBN 71), 30 Năm Viễn Xứ (PBN 77), 25th Anniversary (PBN 94, 95), Tôi Là Người Việt Nam (PBN 99), Ghi Nhớ Một Chặng Đường (PBN 100), Nguyễn Ngọc Ngạn - 20 Năm Sân Khấu (PBN 107), 30th Anniversary (PBN 109), 1975 - 2015 - Tôi Là Người Việt Nam (PBN 114), 50 Năm Âm Nhạc Đức Huy (PBN 118), Hành Trình 35 Năm (PBN 126, 127, 128), In Las Vegas – Nguyễn Ngọc Ngạn – The Farewell (PBN 133), In Bangkok – Nguyễn Ngọc Ngạn – Lời Cảm Ơn (PBN 134) và 40 Năm Hành Trình (PBN 136, 137). Song ca như: Thiên Đường Là Đây (PBN 53), Thất Tình (PBN 60), Yêu (PBN 65), Nợ Tình (PBN 69), Song Ca Đặc Biệt (PBN 73), Dreams (PBN 79), In Atlanta - Passport to Music & Fashion (PBN 84), Nhạc Yêu Cầu (PBN 92, 96), Fly with us to Las Vegas (PBN 98), Ghi Nhớ Một Chặng Đường (PBN 100), 30th Anniversary (PBN 109), S (PBN 111), Song Ca Nhạc Vàng (PBN 121) và Hành Trình 35 Năm (PBN 126, 128). Tôn vinh các nhạc sĩ và dòng nhạc của họ như: Phạm Duy (PBN 19, 30, 73), Ngô Thụy Miên (PBN 21, 66), Lam Phương (PBN 22, 28, 88, 102), Văn Phụng (PBN 27), Đức Huy (PBN 33, 118), Hoàng Thi Thơ (PBN 41, 47), Tuấn Khanh (PBN 64), Vũ Thành An (PBN 64), Từ Công Phụng (PBN 64, 135), Trần Trịnh (PBN 66), Nhật Ngân (PBN 66), Phạm Mạnh Cương (PBN 70), Lê Dinh (PBN 70), Trường Sa (PBN 70), Huỳnh Anh (PBN 74), Nguyễn Hiền (PBN 74), Song Ngọc (PBN 74), Quốc Dũng (PBN 78), Châu Kỳ (PBN 78), Tùng Giang (PBN 78), Xuân Tiên (PBN 83), Thanh Sơn (PBN 83), Nguyễn Ánh 9 (PBN 83) và Nguyễn Văn Đông (PBN 125). Âm nhạc Paris By Night là chương trình chú trọng về âm nhạc Việt Nam, phần lớn các bài hát trình diễn trên Paris By Night là các bài hát nhạc Việt Nam hoặc nhạc ngoại quốc lời Việt. Thông thường, các nhạc phẩm trên Paris By Night thường được chia làm 3 dòng nhạc: nhạc trẻ, nhạc trữ tình - quê hương và nhạc tiền chiến - thính phòng. Một chương trình của Paris By Night thông thường có khoảng từ 20 nhạc phẩm trở lên được sử dụng. Các nhạc phẩm có thể được dựng thành các nhạc cảnh có vũ công hoặc đơn giản chỉ là các phần biểu diễn có ban nhạc. Các nhạc phẩm có thể được biểu diễn lại nhiều lần tại các chương trình khác nhau với các cách trình diễn khác nhau. Kịch Năm 1998, nhóm kịch Thúy Nga chính thức được thành lập với 3 diễn viên đầu tiên là Quang Minh, Hồng Đào và Trang Thanh Lan. Kịch bản hài kịch phần lớn là do Nguyễn Ngọc Ngạn biên soạn, ngoài ra có một số nghệ sĩ khác cũng tham gia dựng các vở kịch như Vân Sơn, Hoài Linh, Chí Tài, Văn Chung, Kiều Oanh, Việt Hương, Thúy Nga, Trấn Thành, Trường Giang, Trung Dân,... Ngoài mảng hài kịch, Paris By Night còn mang đến một số vở chính kịch (hoặc bi kịch) lồng vào trong một số chương trình mang chủ đề trang trọng. Một chương trình Paris By Night thường có 1 hoặc 2 vở kịch được diễn. Có 2 chương trình là Paris By Night 82 và Paris By Night 116 có 4 - 5 vở kịch do chủ đề chương trình tập trung vào hài kịch. Cải lương Trước khi sản xuất các sản phẩm Paris By Night, Trung tâm Thúy Nga đã từng phát hành các vở tuồng cải lương dài. Khi sản xuất Paris By Night, Trung tâm Thúy Nga cũng muốn dựng lại các vở tuồng cải lương dưới dạng trích đoạn khoảng 30 phút, nhằm đem lại sự mới lạ cho chương trình và cũng mong muốn duy trì bộ môn nghệ thuật này tại hải ngoại. Các tiết mục cải lương trên Paris By Night không nhiều, và thường xuất hiện khi chương trình không có tiết mục hài kịch Trình diễn thời trang Trình diễn thời trang là một nét đặc sắc của Paris By Night từ những chương trình đầu tiên. Chủ yếu các bộ sưu tập được trình diễn trên Paris By Night là áo dài. Trước kia, các người mẫu là người thể hiện các bộ sưu tập áo dài. Những chương trình gần đây, ngoài các người mẫu, các ca sĩ cũng tham gia trình diễn thời trang dưới hình thức vừa catwalk vừa hát. Các phần nối giữa các tiết mục chính Các phần nối giữa các tiết mục chính là các phần của MC như lời ngỏ, phỏng vấn nghệ sĩ, cắt nghĩa văn hóa - nghệ thuật, đọc thư khán giả, kể chuyện cười, đố vui, hậu trường sân khấu. Trong đó, phần cắt nghĩa, giải thích văn hóa - nghệ thuật là một phần được rất nhiều khán giả chú ý, vì nó mang đến những kiến thức văn hóa truyền thống cho các thế hệ sau tại hải ngoại muốn biết về văn hóa Việt Nam. Rất nhiều câu chuyện, điển tích, điển cố, thành ngữ, phong tục,... đã được giải thích một cách cặn kẽ và rõ hiểu trên Paris By Night; nhất là những chương trình Paris By Night chủ đề về Tết Cổ truyền Việt Nam. Danh sách nghệ sĩ tham gia phần Đố vui khán giả: Nhà tài trợ Những năm đầu khi sản xuất các chương trình Paris By Night, Trung tâm Thúy Nga không nhận bất kỳ sự bảo trợ nào từ các nhà tài trợ. Các cuốn băng Paris By Night cũ chỉ để một quảng cáo duy nhất là Thẩm mỹ viên Hạnh Phước - thân hữu lâu năm của gia đình Thúy Nga. Kể từ Paris By Night 98, Trung tâm Thúy Nga lồng ghép việc quảng cáo các nhà tài trợ thông qua chương trình đố vui khán giả. Đến Paris By Night 106, Trung tâm Thúy Nga lần đầu công bố các nhà tài trợ vàng và kim cương sau bài mở màn các chương trình. Dưới đây là danh sách các nhà tài trợ chính được công bố trong các chương trình Paris By Night Chú thích
Nguyễn Ngọc Ngạn (sinh ngày 9 tháng 3 năm 1945) là nhà văn và người dẫn chương trình người Canada gốc Việt. Ban đầu, ông được biết đến với tư cách nhà văn sở hữu nhiều cuốn sách được người Việt ở hải ngoại đón nhận. Kể từ năm 1992, ông bắt đầu đảm nhận vai trò người dẫn chương trình (MC) của Paris by Night. Tiểu sử Nguyễn Ngọc Ngạn sinh ngày 9 tháng 3 năm 1945 tại huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây cũ (nay thuộc Hà Nội), là con thứ 3 trong gia đình có 6 người con. Năm 1954, ông theo gia đình di cư vào Nam, sống tại một xóm của người Công giáo gần Củ Chi, thuộc tỉnh Gia Định. Đến năm 1957 thì gia đình ông chuyển về sống ở khu ngã ba Ông Tạ (thuộc quận Tân Bình, tỉnh Gia Định cũ). Thời trung học, Ngọc Ngạn theo học trường Nguyễn Bá Tòng (nay là Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP Hồ Chí Minh) và Trường Trung học Chu Văn An (Sài Gòn), thời gian này ông học chung và chơi thân với những người bạn sau này cũng trở thành những nghệ sĩ lừng danh là Giang Tử và Chế Linh. Có thời gian ông theo học kịch nghệ tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp, ông tiếp tục học lên đại học tại Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Khi ra trường, ông giảng dạy ngoại ngạch tại một số trường công lập. Năm 1970, Ngọc Ngạn gia nhập Quân lực Việt Nam Cộng hòa, đầu tiên thuộc Sư đoàn 9 Bộ binh, sau này về tiểu đoàn địa phương quân tác chiến ở quận Cái Bè, tỉnh Định Tường (tức tỉnh Mỹ Tho trước kia, nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Năm 1974, Bộ Giáo dục Việt Nam Cộng hòa biệt phái ông về tiếp tục dạy học, nhưng không được bao lâu thì đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Sau ngày Sài Gòn sụp đổ, Ngọc Ngạn phải học tập cải tạo. Năm 1978, ông được trả tự do và là người đầu tiên trong gia đình vượt biên. Tàu đến gần Malaysia thì bị cảnh sát sở tại bắn. Tài công hốt hoảng khiến tàu bị sóng lớn đánh lật. Vợ và con trai ông đều chết đuối, ông cùng những người sống sót được chuyển đến trại tị nạn ở Kota Bharu. Sau đó, ông được sang định cư tại Canada, ban đầu là tại thành phố cảng Prince Rupert, British Columbia. Năm 1985, ông chuyển đến thành phố Toronto và định cư tại đó cho đến nay. Ông có 2 đời vợ. Người đầu tên Lê Thị Tuyết Lan, kết hôn khoảng năm 1970 và đã chết trong chuyến vượt biển cùng đứa con đầu lòng (sinh năm 1974) của 2 người. Người sau tên Trần Ngọc Diệp, kết hôn vào năm 1982 và có 1 con trai khác tên là Nguyễn Vương Định (sinh năm 1983). Ông có người em trai là nhạc sĩ Ngọc Trọng, tác giả của một số ca khúc như "Buồn vương màu áo", "Đêm cô đơn",... Các nghệ sĩ thân thiết với ông gồm có Chế Linh (bạn học từ thời trung học và cùng định cư ở Toronto), Nguyễn Hưng (cùng định cư ở Toronto và thường ở cùng phòng khách sạn khi cả 2 đi show chung), Nguyễn Cao Kỳ Duyên (người dẫn chương trình lâu năm cùng ông), Hồng Đào (giọng đọc chính của phần lớn các truyện của ông),... Cộng tác với Trung tâm Thúy Nga Năm 1992, Thúy Nga Paris mời Nguyễn Ngọc Ngạn sang Paris, Pháp. Ông đến trụ sở ở Quận 13 gặp vợ chồng Tô Văn Lai, tuy nhiên vẫn còn lưỡng lự sau khi thảo luận về lời mời làm người dẫn chương trình. Hầu hết mọi người bên gia đình Ngọc Ngạn đều phản đối việc này, riêng chỉ có em trai Ngọc Trọng là ủng hộ. Lần đầu ông xuất hiện trong video Paris By Night là cuốn số 17. Sau lần ra mắt đó, ông được ban giám đốc Thúy Nga đề nghị cộng tác độc quyền. Khác với các MC trước đó, Ngọc Ngạn cố gắng vận dụng kiến thức văn học để làm giàu nội dung dẫn chương trình và không ngừng tìm kiếm các mẩu truyện vui để mang lại tiếng cười cho khán giả tham dự chương trình. Ngoài vai trò MC, ông cũng tham gia viết kịch cho Paris By Night và thu âm sách nói (Audio book) theo gợi ý của ca sĩ Duy Quang. Sau hơn 20 năm làm việc tại Paris By Night, Trung tâm Thúy Nga đã đặc biệt thực hiện riêng chương trình Paris By Night 107 chủ đề Nguyễn Ngọc Ngạn: 20 năm sân khấu để ghi nhận đóng góp của ông. Sau Paris By Night 134, Nguyễn Ngọc Ngạn chính thức chia tay Trung tâm Thúy Nga sau 30 năm cộng tác. Tham gia các phần trình diễn Ngoài MC, ông cũng được Trung tâm giao cho một số tiết mục đặc biệt Tác phẩm Ngoài văn chương chính thống, Nguyễn Ngọc Ngạn còn là tác giả của nhiều truyện ma kinh dị được độc giả hải ngoại cũng như giới trẻ Việt Nam biết đến rộng rãi như: Tiếng quạ réo vong hồn, Ngôi mộ mới đắp, Đêm trong căn nhà hoang, Bóng ma bên cửa, Bãi đất hoang sau nhà (Chuyến xe buýt), Căn nhà số 24, Cõi âm, Đêm không trăng, Hồn về trong gió, Bóng người dưới trăng. Truyện Đêm trong căn nhà hoang của ông đã được chuyển thể thành phim, do Trung tâm Thúy Nga phát hành năm 2007. Ba truyện ma mới nhất của ông có tên Đêm dài vô tận (2017), Ngôi mộ bên sông (2019), Từ thế giới bên kia (2019). Truyện ngắn Lúc gần sáng (1986) Sân khấu cuộc đời (1987) Biển vẫn đợi chờ Những người đàn bà đi bên tôi Dòng đời lặng lẽ (tập truyện ngắn gồm ba truyện, 1998) Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Ngạn Tiểu thuyết Những người đàn bà ở lại (1979) Nước đục (1987) Một lần rồi thôi (1987) Màu cỏ úa (1988) Trong quan tài buồn (1988) Sau lần cửa khép (1988) Đếm những mảnh tình (1989) Trên lối mòn hậu chiến (1989) Cõi đêm (1990) Xóm đạo (1999) The Will of Heaven (tiểu thuyết tiếng Anh) Trong sân trường ngày ấy, Ngày buồn cũng qua mau, Dung nhan người góa phụ (truyện dài, 1990) Chính khách, Chút ân tình mong manh, Quay trong cơn lốc, Dấu chân xưa, Nhìn lại một thập niên, Nắng qua phố cũ (Văn Khoa, 1999) Tiểu phẩm hài kịch Tính đến nay, Nguyễn Ngọc Ngạn đã cống hiến cho Trung tâm Thúy Nga khoảng 60 vở kịch khác nhau. Chung một mái nhà (PBN 91) (2008) Kỳ phùng địch thủ (PBN 92) (2008) Thế giới huyền bí (PBN 94) (2008) Về quê xưa (PBN 95) (2009) Áo em chưa mặc một lần (PBN 96) (2009) Trẻ mãi không già (PBN 98) (2009) Thiên đàng không phải là đây (PBN 99) (2010) Sao em nỡ vội lấy tiền (PBN 100) (2010) Nếu điều đó xảy ra (PBN 100) (2010) Đám cưới đầu xuân (PBN 101) Môn đăng hộ đối (PBN 103) Mình bắt đầu từ đây (PBN 104) Đệ tử chân truyền (PBN 105) (2012) Cha già dấu yêu (PBN 106) (2012) Thể dục thẩm mỹ (PBN 107) (2013) (tham gia diễn xuất) Hoa hậu phu nhân (PBN 108) (2013) Tấm Cám vượt thời gian (PBN 109) (2013) Ông Táo chầu trời (PBN 110) (2014) Nha sĩ phục hận (PBN 115) (2015) Đòi nợ cuối năm (PBN 117) (2016) Chuyện tình Điêu Thuyền (PBN 121) (2017) Thầy bói mù tái xuất giang hồ (PBN 121) (2017) Nối lại duyên xưa (PBN 122) (2017) Bài học nhớ đời (PBN 123) (2017) Cho nhau mùa xuân (PBN 124) (2018) Làm đẹp cho đời (PBN 126) (2018) Pháp sư Trần Phiêu Diêu tái xuất giang hồ (PBN 128) (2019) Một ngày ở tiện nail (PBN 129) (2019) Tài khoản ngân hàng (PBN 130) (2020) Khác Đọc diễn giải ở PBN 40 (1997) Hát bài Em đi (Đức Huy) cùng với Tuấn Ngọc, Thái Châu, Bằng Kiều, Nhật Trung ở PBN 79 (2005) Diễn xuất (vai cụ Võ Đoạn Trường ốm đi và mất nếp nhăn sau khi tập thể dục thẩm mỹ) kiêm tác giả kịch bản vở Thể dục thẩm mỹ ở PBN 107 (2013) Chú thích
Văn minh sông Hồng (từ đầu Thiên niên kỷ thứ II trước Công Nguyên đến cuối thế kỷ 15) đang ngày một có nhiều sự quan tâm của các học giả xã hội và các nhà khảo cổ học. Đồng bằng Bắc Bộ khá rộng lớn và hàng năm đón nhận một lượng phù sa khổng lồ từ miền nam Trung Quốc chảy qua lưu vực sông Hồng và đi ra biển Đông. Điều kiện địa hình cũng được bao bọc bởi nhiều núi đồi cộng với một khí hậu cận nhiệt đới ẩm thuận lợi cho sự đa dạng sinh học, động thực vật sinh sôi nảy nở. Về khoáng sản thì có các mỏ đồng, sắt, thiếc, chì, bạc, vàng... thuận lợi cho thủ công nghiệp và nghề luyện kim và chế tác đồ đồng phát triển sớm. Tổng quan Việt Nam có một nền văn hoá đặc sắc, lâu đời và là một xã hội đã hình thành nhà nước sớm nhất ở Đông Nam Á. Văn hóa Sơn Vi Vĩnh Phú thuộc hậu kỳ thời đại đá cũ, có niên đại cách đây 11-18 nghìn năm, phân bố rất rộng trong các hang động và thềm sông cổ từ Lào Cai đến Nghệ An. Những nhóm cư dân nguyên thủy này sinh sống bằng hái lượm và săn bắt trong một hệ sinh thái miền nhiệt - ẩm với một thế giới động vật và thực vật phong phú, đa dạng. Cách ngày nay khoảng 11.000 năm đến 2.000 trước Công Nguyên các cư dân Việt cổ đã tụ cư đông đúc tại khu vực trung du Bắc Bộ Việt Nam phát triển sinh sôi bằng săn bắn hái lượm trên một vùng bán sơn địa dồi dào sản vật: muông thú, các loài chim, các sản vật động thực vật của các vùng sông nước lưu vực sông Hồng ngập nước và rút khô, theo các mùa trong năm. Những di chỉ khảo cổ phát hiện ở các hang động Hòa Bình rất phong phú và khá dày đặc tạo thành thuật ngữ: Văn hóa Hòa Bình. Hòa Bình, một địa danh bên dòng sông Đà, là nơi đầu tiên các nhà khảo cổ học khám phá ra một nền văn hóa thuộc cuối thời đồ đá cũ đến thời đồ đá mới trên một vùng ảnh hưởng rộng lớn thuộc Đông Nam Á và Nam Trung Quốc. Văn hóa Đông Sơn là một giai đoạn trong nền văn minh sông Hồng, kế thừa và phát triển từ Văn hóa Hòa Bình, Văn hóa Phùng Nguyên, Văn hóa Đồng Đậu và Văn hóa Gò Mun. Văn hoá Đông Sơn có những nét độc đáo riêng đồng thời vẫn mang nhiều điểm đặc trưng của văn hoá vùng Đông Nam Á và nền Văn minh lúa nước. Đây cũng là thời kỳ ra đời nhà nước phôi thai đầu tiên của Việt Nam dưới hình thức cộng đồng làng và siêu làng. Các nhà khảo cổ học đã khám phá ra một nền văn hóa gồm nhiều di vật rất sớm. Các công cụ bằng đồng, bằng đồ gốm cùng với di chỉ những khu luyện đúc đồng thời xa xưa trên đất Việt cổ. Thời kỳ đầu của văn hóa Đông Sơn, các cư dân người Việt cổ phát triển và giao lưu trong phạm vi hạn chế do đặc điểm rừng rậm nhiệt đới, sản vật và thức ăn dồi dào nên chưa chịu ảnh hưởng nhiều của các nền văn hóa ngoài. Việc khai phá đồng bằng sông Hồng chưa đặt ra cấp thiết do dân cư chưa đông đúc và nhu cầu kiếm sống và sinh hoạt chưa ra khỏi vùng trung du Bắc Bộ. Chính yếu tố đó đã giúp người Việt hình thành một cộng đồng có tính thuần nhất, họ chính là tổ tiên của người Việt hiện đại. Trên lưu vực sông Hồng, các nhà khảo cổ học đã xác lập chắc chắn được một phổ hệ gồm 3 giai đoạn trước Văn hóa Đông Sơn và sau Văn hóa Hòa Bình diễn ra trong thiên niên kỷ thứ II đến thế kỷ thứ 1 trước Công Nguyên: Giai đoạn Văn hóa Phùng Nguyên thuộc sơ kỳ đồng thau. Giai đoạn Văn hóa Đồng Đậu thuộc trung kỳ đồng thau. Giai đoạn Văn hóa Gò Mun thuộc hậu kỳ đồng thau. Các nhà sử học đồng ý ở một điểm: Việt Nam có một cộng đồng văn hoá khá rộng lớn được hình thành vào khoảng nửa đầu thiên niên kỉ thứ hai trước Công nguyên và phát triển rực rỡ vào cuối thế kỷ 15 của Đại Việt. Sơ lược lịch sử Giai đoạn Văn hóa Hòa Bình Xem bài chính: Văn hóa Hòa Bình Cụm từ "Văn hóa Hòa Bình" được giới khảo cổ học chính thức công nhận từ ngày 30 tháng 1 năm 1932, do đề xuất của Madeleine Colani, sau khi đã được Đại hội các nhà Tiền sử Viễn Đông họp tại Hà Nội thông qua. Khởi thủy, cụm từ này được dùng để nói đến nền văn hóa cuội được ghè đẽo trên khắp chu vi hòn cuội để tạo ra những dụng cụ từ thời đá cũ đến thời đá mới. Qua thời gian, tất nhiên, cụm từ này đã được đề nghị mang những tên khác nhau và có những ý nghĩa cũng khác nhau. Lúc đầu, nó chỉ nói về nền văn hóa có khoảng không gian là miền Bắc Việt Nam, và khoảng thời gian không quá 5.000 năm trước đây. Nhưng khoảng không gian lẫn thời gian trên được nới rộng dần. T. M. Matthews có lẽ là người đầu tiên đã đem "Văn hóa Hòa Bình" vượt khỏi lãnh thổ Việt Nam đến các vùng Đông Nam Á, và rồi người ta nói đến Văn hóa Hòa Bình ở Miến Điện, Campuchia, Lào, Malaysia, Sumatra, Thái Lan, Ấn Độ, Tứ Xuyên... Nhưng có lẽ không ai mở rộng ảnh hưởng của Văn hóa Hòa Bình bằng Gs. W. G. Solheim II. Về không gian, ông đã đưa Văn hóa Hòa Bình, phía Đông Bắc đến Philippines, Nhật Bản, phía Tây đến Thái Lan, phía Nam đến tận Australia và phía Bắc bao trùm cả hai nền văn hóa cổ của Trung Hoa là Ngưỡng Thiều (Yan Shao) và Long Sơn. Về thời gian, ông không định rõ, nhưng tuyên bố không ngạc nhiên nếu thấy việc thuần hóa cây lúa nước đã có tại Hòa Bình từ 15.000 năm trước Công Nguyên, và những dụng cụ đá mài có lưỡi bén tìm thấy ở Bắc Australia có tuổi khoảng 20.000 năm trước Công Nguyên đo bằng cácbon C14 có nguồn gốc từ nền Văn hóa Hòa Bình. Đấy là chưa kể đến dự phóng của ông về niên đại Hòa Bình lên đến 50.000 năm trước khi ông viết "Đông Nam Á và tiền sử học thế giới" đăng trong Viễn Cảnh châu Á, tập XIII năm 1970. Riêng trong phạm vi nước Việt Nam ngày nay, Văn hóa Hòa Bình được khoa học khảo cổ phân chia thành ba thời kỳ: Hòa Bình sớm, hay Tiền Hòa Bình, có niên đại tiêu biểu là di chỉ Thẩm Khuyên (32.100 ± 150 trước Công Nguyên), Mái Đá Điều, Mái Đá Ngầm (23.100 ± 300 TCN). Hòa Bình giữa, hay Hòa Bình chính thống, tiêu biểu bởi di chỉ Xóm Trại (18.000 ± 150 TCN), Làng Vành (16.470 ± 80 TCN). Hòa Bình muộn, tiêu biểu bằng di chỉ ở Thẩm Hoi (10.875 ± 175), Sũng Sàm (11.365 ± 80 BP, BLn - 1541/I). Giai đoạn Văn hóa Phùng Nguyên Xem bài chính: Văn hóa Phùng Nguyên Việc phát hiện ra di chỉ ở Phùng Nguyên thuộc về các nhà khảo cổ học Việt Nam (năm 1959). Giai đoạn này các nhà khảo cổ học chưa tìm thấy nhiều các hiện vật bằng đồng. Di vật ở lớp văn hóa Phùng Nguyên chủ yếu là các công cụ đá mài sắc sảo, có vai và đặc biệt khá nhiều đồ trang sức bằng đá. Có thể liệt kê số di vật tìm thấy ở các lần khai quật di chỉ Phùng Nguyên là: 1.138 rìu, 59 đục, 3 giáo, 2 mũi nhọn, 7 mũi tên, 1 cưa, 189 bàn mài; 540 vòng tay, 8 khuyên tai, 34 hạt chuỗi, 3 đồ trang sức và hàng chục vạn mảnh đồ gốm 1 . Theo đánh giá của giới khoa học, cư dân Phùng Nguyên là những người đã định cư ổn định và sống theo từng cụm dân cư làng xã chặt chẽ và đã thực sự có những khu vực sản xuất thủ công, mỹ nghệ. Văn hóa Phùng Nguyên đã phát triển liên tục vào khoảng thiên niên kỷ thứ 2 trước Công Nguyên tức cách đây khoảng từ 3.000 đến 4.000 năm. Những kết quả phân tích phóng xạ đồng vị C14 của carbon đã xác định là những truyền thuyết về kỷ Hồng Bàng khoảng 4000 năm xưa là có cơ sở. Giai đoạn Văn hóa Đồng Đậu Giai đoạn Đồng Đậu, căn cứ vào di chỉ khảo cổ Đồng Đậu Vĩnh Phúc phát hiện năm 1964 có niên đại là 3070 ± 100 năm cách ngày nay (nửa sau thiên niên kỷ II trước công nguyên). Giai đoạn Văn hóa Gò Mun Giai đoạn Văn hóa Gò Mun căn cứ vào di chỉ Gò Mun thuộc Phú Thọ, phát hiện năm 1961 tồn tại vào nửa đầu thiên niên kỷ I trước công nguyên, có niên đại C14 là: 3045 ± 120 năm cách năm 1950 thuộc văn hóa Gò Mun. Đặc điểm của giai đoạn này là kỹ thuật luyện kim khá phát triển, công cụ bằng đồng thau chiếm ưu thế (52%). Giai đoạn Văn hóa Đông Sơn Xem bài chính: Văn hóa Đông Sơn Giai đoạn Đông Sơn căn cứ vào hiện vật thuộc di chỉ Đông Sơn Thanh Hóa có niên đại sớm là 2820 ± 120 năm. Ngoài ra còn nhiều di chỉ thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn có niên đại kế tiếp nhau như Việt Khuê, Làng Vạc, Châu Can đã được phát hiện. Đây là giai đoạn chuyển tiếp từ sự phát triển rực rỡ của đồ đồng đạt đến mức hoàn hảo cả về mặt kỹ thuật và mỹ thuật sang sơ kỳ đồ sắt. Giai đoạn cuối của văn hóa Đông Sơn kéo dài đến vài ba thế kỷ sau Công nguyên. Nhà nước Văn Lang-Âu Lạc Quá trình thống nhất Văn hóa Đông Sơn cũng là quá trình liên kết các nhóm cư dân Việt cổ - người Lạc Việt thành một quốc gia với một hình thái nhà nước sơ khai. Đó là nước Văn Lang đời Hùng Vương. Theo đánh giá của các chuyên gia khảo cổ học thì nhà nước Văn Lang hình thành vào khoảng đầu thiên niên kỷ thứ III trước Công Nguyên, tức là cách ngày nay gần 5.000 năm. Nước Văn Lang chuyển giao "hòa bình" thành nước Âu Lạc. An Dương Vương dời Đô từ Phong Châu về Cổ Loa. Nước Văn Lang ra đời trên một nền tảng kinh tế đã phát triển, chủ yếu là nông nghiệp trồng lúa nước đạt đến trình độ dùng lưỡi cày bằng đồng thau và sức kéo của trâu, bò, voi. Chăn nuôi có chó, lợn, gà, vịt, trâu, bò, voi. Nghề thủ công có đúc đồng, luyện sắt, làm đồ gốm, đan lát, mộc, dệt, sơn... Nhà cửa, trang phục, nhiều phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa còn được ghi lại bằng hình ảnh trên các di vật Đông Sơn, nhất là trên trống đồng. Tuy đồ đồng tìm thấy ở Đông Sơn đầu tiên, nhưng tuổi của nó không phải sớm nhất mà muộn nhất trong nền văn hóa Đông Sơn. Người ta đã chứng minh được nó kế thừa di sản từ Văn hóa Phùng Nguyên, Văn hóa Đồng Đậu, Văn hóa Gò Mun trước khi đến Đông Sơn, Thanh Hóa. Thời kỳ này ở khu vực đồng bằng trung du Bắc Bộ là đất đai, lãnh thổ của Vua Hùng tên là Lạc Việt (quốc hiệu là Văn Lang). Vào khoảng thế kỷ thứ III TCN Thục Phán người vương quốc Âu Việt giành vương quyền của nước Văn Lang trong "hòa bình", rời Đô từ Phong Châu về Cổ Loa (Hà Nội ngày nay) đặt tên vương quốc Âu Lạc. Vương quốc Nam Việt (207 TCN - 111 TCN) Triệu Đà sau nhiều lần đánh chiếm quốc gia Âu Lạc thất bại, đã dùng mưu kế đánh bại được Thục Phán An Dương Vương vào năm 207 TCN và gộp lãnh thổ Nam Hải, Quế Lâm (nay là hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc) vào với lãnh thổ Âu Lạc đặt tên nước là Nam Việt. Thời kỳ Bắc thuộc (111 TCN - 939) Thời kỳ Bắc Thuộc cung là thời kỳ nền Văn minh sông Hồng được tiếp thêm sức mạnh từ việc du nhập những yếu tố còn khiếm khuyết của mình như, chữ Hán, tư tưởng và các luồng tôn giáo. Thời kỳ Bắc Thuộc cũng là thời kỳ Văn hóa Đông Sơn hình thành một tầng lớp giai cấp mới: Nho học (hay còn gọi là Sỹ Phu). Các bậc vua chúa của kẻ xâm lược rất muốn đồng hóa một nền văn minh lớn như Đông Sơn, nhưng thất bại. Cư dân Đông sơn vẫn giữ được tiếng nói, phong tục tập quán, các quan hệ làng xã và siêu làng bền chặt. Có lẽ câu thành ngữ "phép vua thua lệ làng" ra đời từ thời kỳ Bắc Thuộc. Sự giao thoa văn hoá cũng là yếu tố làm mạnh mẽ và tăng thêm các giá trị tiên tiến bằng sự bổ sung những thiếu hụt giữa các nền văn hoá. Thời kỳ Bắc Thuộc cũng góp phần cho một sự vùng dậy mạnh mẽ của một nền văn hóa bản địa Đông Sơn lâu đời và là tiền đề để những cư dân Việt tạo ra một thời kỳ hoàng kim sau này là Đại Việt. Giai đoạn Hoàng kim - Đại Việt Lịch sử của dân tộc Việt là một chặng dài đầy biến cố nhưng cũng là một trong những dân tộc kiên cường trước các cuộc xâm lăng về lãnh thổ, đồng thời sức kháng cự của một nền văn hóa lâu đời Đông Sơn đã không để cho các triều đại phong kiến phương Bắc hùng mạnh đồng hóa. Năm 931, người đặt nền móng cho sự kháng cự với triều đại Nam Hán là Dương Đình Nghệ. Chiến thắng quân Nam Hán, nhưng Dương Đình Nghệ chưa thể đủ uy lực để phục quốc mà vẫn tự phong chức Tiết độ sứ. Trận chiến Bạch Đằng Giang của Ngô Quyền Năm 937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn, một thuộc tướng và là hào trưởng đất Phong Châu giết hại để đoạt chức Tiết độ sứ. Lúc bấy giờ, Ngô Quyền là con rể của Dương Đình Nghệ, tập hợp được đông đảo dân chúng chiếm thành Đại La, (Nam Hà Nội ngày nay). Triều đình Nam Hán rất muốn đưa quân sang để thu hồi đất Giao Chỉ và đã cử Hoằng Tháo cùng với đội thuyền chiến đi theo đường biển tiến về đồng bằng Bắc Bộ. Kết cục, cả một đoàn binh thuyền lớn của quân Nam Hán vừa vượt biển tiến vào mạn sông Bạch Đằng đã được nhử vào thế trận đã bày sẵn và bị tiêu diệt gọn trong một thời gian rất ngắn. Toàn bộ chiến thuyền của quân Nam Hán bị đánh đắm, hầu hết quân xâm lược bị tiêu diệt. Chủ soái của giặc là Lưu Hoằng Tháo cũng bị giết tại trận. Sau chiến thắng chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc, Ngô Quyền bắt đầu xây dựng quốc gia độc lập. Ngô Quyền xưng vương, bãi bỏ chức Tiết độ sứ, định đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Ông đặt ra chức quan văn, võ, nghi lễ trong triều. Nhưng đáng tiếc thời gian tại ngôi của ông thật ngắn ngủi, chỉ được 6 năm (939-944).